04/08/2019
Chúa Nhật 18 Thường Niên năm C.
(phần II)
Phụng Vụ Lời
Chúa: Chúa Nhật 18 Thường niên năm C
Gv 1,2;
2,21-23; Cl 3,1-5.9-11; Lc 12,13-21
CỦA CẢI PHÙ VÂN – THIÊN CHÚA VĨNH HẰNG
“Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước
mặt Thiên Chúa,
thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12,21)
thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12,21)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Gv 1,2; 2,21-23)
Khoảng năm 220 tCN, tại
Giêrusalem có một nhà khôn ngoan tên là Côhelét, nghĩa là người tụ họp cộng
đoàn. Ông được mô tả một số nét trong phần cuối của sách Giảng viên: “Ông
Côhelét không những là một bậc thánh hiền, nhưng còn là một vị tôn sư dạy cho
dân hiểu biết. Ông đã cân nhắc, suy tư và sáng tác ra nhiều châm ngôn. Ông
Côhelét đã sưu tầm để tìm ra những lời hay ý đẹp, rồi trung thực viết ra những
điều chân thật” (Gv 12,9-10).
Sống trong bối cảnh của
một xã hội chạy theo lạc thú, giàu sang, Côhelét suy tư và tự hỏi: cuộc sống
này có ý nghĩa gì, có đáng để con người phải lao công, cực nhọc, vất vả để
thu tích mọi sự cho mình không khi mà theo ông, mọi sự ở đời này là phù vân, tất
cả chỉ là phù vân (Gv 1,2.3; 2,11).
Bài đọc hôm nay diễn tả
suy tư này của Côhelét về sự tích trữ của cải: “Quả thế, có người đã đem hết
khôn ngoan và hiểu biết mà làm việc vất vả mới thành công, rồi lại phải trao sự
nghiệp của mình cho một người đã không vất vả gì hết. Điều ấy cũng chỉ là phù
vân và lại là đại họa” (2,21).
Sau đó ông kết luận:
“Lọt lòng mẹ trần truồng làm sao, thì cũng sẽ ra đi như vậy. Chịu đựng bao
gian lao vất vả, để rồi chẳng thể mang theo được gì. Đó cũng là một sự dữ làm
tôi đau đớn. Đến làm sao, ra đi làm vậy. Thật là “dã tràng xe cát biển đông, nhọc
nhằn mà chẳng nên công cán gì” (5,14-15).
Vậy phải làm gì? ăn uống,
ngủ nghỉ, ăn chơi thỏa thích mà không cần làm gì cả?
Côhelét đã khuyên những
môn đệ của ông hãy hưởng lấy những điều mà cuộc sống mang lại cách lành mạnh.
Tuy nhiên, giải đáp cho những vấn nạn hóc búa này vẫn bị bỏ ngỏ. Câu trả lời ta
không tìm thấy nơi sách của ông, nhưng Tin Mừng Chúa Giêsu sẽ cho chúng ta câu
trả lời. Chính Đức Giêsu sẽ mở toang những chân trời và khuyên chúng ta đừng
quá lo lắng về những điều vô nghĩa và chạy theo những điều phù vân.
2. Bài đọc II (Cl 3,1-5.9-11)
“Hãy tìm kiếm những gì
thuộc thượng giới... hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng
chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1-2). Có phải đây là một lời mời gọi
khinh chê thế gian này và khuyên con người hãy hướng lòng về trời cao?
Để hiểu rõ lời khuyến
dụ này, chúng ta cần phải biết thánh Phaolô đang nói về phép rửa tội. Qua
bí tích này, người Kitô hữu chết đi với đời sống xưa cũ của mình, được phục
sinh với Chúa Kitô và cùng với Người bắt đầu cuộc sống hoàn toàn đổi mới
(cc.1-4). Vì thế, “từ bỏ những gì thuộc hạ giới” không có nghĩa là chấm dứt thực
tại thế gian, mà là chấm dứt bản chất thuộc hạ giới của con người,
đó là “gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam” (c.5).
Nơi bí tích rửa tội,
người Kitô hữu được mặc lấy con người mới, được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo
Hóa tuy vẫn chưa được tròn đầy. Vì thế, ngày ngày cần phải được cởi bỏ vô số những
điều không xứng hợp vốn làm cho con người khác biệt với dung mạo của Thiên
Chúa.
Đây không phải là một
lời mời gọi khiến chúng ta nản lòng. Trái lại, thánh Phaolô muốn chúng ta ý thức
rõ ràng về con người hiện tại của mình để cố gắng trở nên mỗi ngày giống Chúa
hơn bằng cách sống đúng mực của người Kitô hữu.
3. Bài Tin Mừng (Lc 12,13-21)
Thánh Luca nhiều lần
nói về sự giàu có. Đó là một đặc tính trong Tin Mừng của ngài. Liên tiếp trong
chương 12 bàn về những điều liên quan đến vấn đề này: cuộc gặp gỡ với người đàn
ông đang lo lắng về việc chia gia tài; dụ ngôn về người giàu có ngu ngốc; khuyến
dụ: “anh em đừng lo lắng về cuộc sống của anh em”; lời mời gọi tìm kiếm nước
Thiên Chúa, kho tàng không bao giờ hư nát ở trên trời.
Trước câu hỏi từ một
thực tế về bận tâm của cải của một người đàn ông, Chúa Giêsu từ chối can thiệp,
thay vào đó, Người giúp anh ta suy nghĩ và thay đổi thái độ bằng cách kể cho
anh nghe một dụ ngôn.
Dụ ngôn này cho phép
chúng ta tiếp cận vấn nạn mà Côhelét nêu ra trong sách Giảng Viên: người phú hộ
nghĩ về việc an hưởng những tài sản của mình. Tuy vậy, người phú hộ sẽ chết mà
không được như ước nguyện.
Đoạn Tin Mừng giúp người
phú hộ tỉnh ngộ và đưa ra một giải pháp: hãy làm giàu trước mặt Thiên
Chúa thay vì tích trữ của cải cho bản thân. Dụ ngôn về người quản gia
bất lương sau này (x. Lc 16,1-8) sẽ chứng minh cho chúng ta về điều này, khi
anh ta biết cách dùng của cải để phục vụ đồng loại của mình.
II. GỢI Ý SUY NIỆM
1. “Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân”.
Đây là lời khẳng định của Côhelét về sự vô lý của những lao nhọc vất vả trong
cuộc đời này. Vậy đâu là quy tắc sống giúp soi rọi và làm cho những nhọc nhằn của
tôi có ý nghĩa hơn?
2. “Hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới”.
Là Kitô hữu, đâu là những giá trị mà tôi phải kiếm tìm?
3. “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi
thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của
cải đâu”. Của cải vật chất không bảo đảm mạng sống con người, hay rõ hơn,
không bảo đảm sự sống đời đời; nhưng nếu được sử dụng tốt, nó sẽ là phương tiện
phục vụ Tin Mừng. Là người Kitô hữu, tôi có nhận ra rằng tất cả đều là hồng ân
Chúa ban, và mọi người là con cái Chúa trong gia đình chung Giáo hội, và vì thế,
tôi có sẵn sàng rộng lòng chia sẻ những điều ít ỏi tôi có được cho những người
thiếu thốn quanh tôi không?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị
em thân mến! Thiên Chúa là nơi nương tựa vững chắc và nguồn hạnh phúc đích
thực cho con người. Chúng ta hãy chân thành cảm tạ và tha thiết cầu xin Chúa
giúp chúng ta biết tìm kiếm những gì thuộc thượng giới như Thánh Phaolô tông đồ
nhắc nhở.
1. Hội thánh có sứ mạng
loan báo sứ điệp tình thương của Thiên Chúa cho nhân loại.Chúng ta cùng cầu xin
Chúa soi sáng và hướng dẫn những nỗ lực phục vụ con người của Hội Thánh, để ánh
sáng Tin Mừng ngày càng rạng ngời trong thế giới hôm nay.
2. Của cải vật chất là
phương tiện Chúa ban để con người sinh sống và chia sẻ cho nhau. Chúng ta
cùng cầu xin cho các nhà lãnh đạo trên thế giới luôn ý thức trách nhiệm tạo ra
và phân phối của cải vật chất cách hợp lý, nhằm đem lại hạnh phúc cho mọi người.
3. Thánh Phaolô tông đồ
nhắc nhở các tín hữu đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Chúng
ta cùng cầu xin cho con người thời đại biết cảnh giác với chủ nghĩa hưởng thụ
và khoái lạc, luôn khôn ngoan tìm kiếm và sống theo những giá trị Tin Mừng.
4. Làm giàu trước mặt
Chúa là hết lòng vâng theo ý Chúa và yêu thương giúp đỡ mọi người. Chúng
ta cùng cầu xin cho từng người trong cộng đoàn chúng ta biết tương trợ và hợp
tác với nhau trong bổn phận phụng sự Chúa cũng như phục vụ tha nhân.
Chủ tế: Lạy
Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin nhận những ước nguyện chân thành chúng con
dâng lên Chúa. Xin giúp chúng con luôn biết tìm kiếm những giá trị thiêng liêng
và vĩnh cửu ngay trong cuộc sống hiện tại. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa
chúng con.
SCĐ CHÚA NHẬT XVIII TN C
Chủ đề :
Chớ cậy vào của cải vật chất
“Những gì ngươi
sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?” (Lc 12,20)
Sợi chỉ đỏ :
– Bài đọc I : Mọi
sự ở đời này đều là hư không
– Tin Mừng : Chúa
Giêsu nói “Chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu”
– Bài đọc II :
Thánh Phaolô khuyên “Anh em hãy tìm những sự trên trời”
I. Dẫn vào
Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Chúng ta đang sống
trong nền kinh tế thị trường và trong nền văn minh hưởng thụ. Bởi đó chúng ta bị
thu hút bởi tiền bạc của cải. Nhưng của cải vật chất vừa có lợi vừa có hại.
Lời Chúa hôm nay sẽ
cho ta thấy rõ mặt phải và mặt trái của tiền bạc của cải. Xin Chúa giúp chúng
ta có lập trường đúng đắn đối với của cải vật chất.
II. Gợi ý sám
hối
– Nhiều khi chúng con
đã coi tiền bạc trọng hơn tình nghĩa anh em.
– Nhiều khi chúng con
đã vì tiền mà lỗi đạo với Chúa.
– Thực tình chúng con
cậy dựa vào tiền bạc hơn vào Chúa.
III. Lời Chúa
1.
Bài đọc I (Gv 1,2 ; 2,21-23)
Sách Giảng viên gom
góp những suy tư khôn ngoan của nhiều thế hệ. Trong đoạn này, có nhiều ý tưởng
xem ra bi quan yếm thế nhưng lại rất đúng :
– Có người suốt đời vất
vả làm việc để thu tích của cải vật chất nhưng khi chết phải bỏ lại tất cả.
– Ích gì có được nhiều
tiền nhưng đêm ngủ không yên vì sợ tiền bị mất.
2.
Đáp ca (Tv 94)
Tv này như một lời
khuyên tiếp nối những nhận định bi quan của bài đọc I : cách sống khôn
ngoan nhất là mỗi ngày hãy lắng nghe tiếng Chúa dạy và cứ sống theo đó.
3.
Tin Mừng (Lc 12,13-21)
Vấn đề của đoạn Tin Mừng
này được gợi lên từ việc anh em tranh dành gia tài.
Dụ ngôn nói tới một
người phú hộ đã lo tích trữ được rất nhiều của cải và cho rằng từ nay cuộc đời
mình sẽ được bảo đảm.
Nhận định của Chúa
Giêsu về người phú hộ đó : hắn là đồ ngốc vì đã lấy của cải vốn không bền
để mà bảo đảm cho cuộc đời mình. Người khôn phải dùng của cải không bền ở đời
này mà làm phúc để mua lấy của cải bền vững đời sau. Đó mới là bảo đảm chắc chắn
thật sự cho cuộc đời.
4. Bài đọc II (Cl 3,1-5.9-11)
Thánh Phaolô tiếp tục
dạy các kitô hữu về cuộc sống mới của họ sau khi chịu phép Rửa :
– Vì họ đang sống một
cuộc sống mới nên từ nay hãy có một quan tâm mới : đừng tìm những sự dưới
đất mà hãy tìm những sự trên trời.
– Hãy cởi bỏ con người
cũ theo xác thịt để mặc lấy con người mới theo hình ảnh Chúa Giêsu Kitô.
IV. Gợi ý giảng
* 1. Có tiền
và xài tiền
Một lão trọc phú keo
kiệt kia đã tích lũy được một số tiền rất lớn và đang mơ tới tương lai hạnh
phúc đang chờ đón lão. Tuy nhiên trước khi lão kịp vung tiền ra mua lấy hạnh
phúc thì thần chết hiện ra đòi bắt hắn xuống âm phủ.
Lão thương lượng :
“Xin Thần chết cho tôi sống thêm ba ngày nữa thôi. Tôi sẽ chia cho Ngài một nửa
tài sản của tôi”. Thần chết không chịu. Lão xuống giá : “Vậy xin cho tôi sống
thêm một ngày. Tôi sẽ giao cho Ngài tất cả tài sản”. Thần chết vẫn không chịu.
Lão nài nỉ “Xin cho tôi một phút thôi, để tôi kịp viết lời trối”. Thần chết đồng
ý. Lão ngồi xuống, cầm bút viết câu sau đây :
“Gửi người nào gặp được
tờ giấy này. Nếu bạn có đủ tiền để sống thì đừng uổng phí cuộc đời để kiếm thêm
nhiều tiền nữa làm chi. Hãy lo sống thôi ! Tiền bạc của tôi rất nhiều,
nhưng chỉ một giờ để sống tôi cũng chẳng mua được !”
Tiền của không phải để
sở hữu mà để hưởng dùng. Nói nôm na, tiền bạc không phải để “có” mà để “xài”.
Nhiều người rất biết cách “sở hữu” nhưng lại không biết cách “hưởng dùng”. Rốt
cuộc họ không hạnh phúc bằng một đứa trẻ, sở hữu rất ít nhưng hưởng dùng rất
nhiều. Người giàu thật không phải là người có nhiều mà là người hưởng dùng nhiều.
Cố gắng để có thật nhiều tiền mà không thể hưởng dùng thì chẳng khác gì một người
mù cố gắng thu góp thật nhiều băng Vidéo.
Vấn đề đặt ra là “hưởng
dùng” và “xài” tiền như thế nào.
* 2. Nghệ
thuật làm giàu
Một ngày nọ, vua
Nghiêu đi tuần thú đất Hoa, viên quan địa phương đất ấy ra nghênh đón và chúc
vua rằng : “Xin chúc nhà vua sống lâu”. Vua Nghiêu nói : “Đừng chúc
thế !” Viên quan lại chúc : “Chúc nhà vua giàu có”. Vua Nghiêu lại
nói : “Đừng chúc thế”. Viên quan chúc nữa : “Xin chúc nhà vua đông
con trai”. Vua Nghiêu lại nói : “Đừng chúc thế”. Quan lấy làm lạ mới hỏi
nhà vua : “Sống lâu, giàu có, đông con trai, ai cũng thích cả, sao nhà vua
chẳng muốn ?” Vua Nghiêu đáp : “Đông con trai thì sợ nhiều. Giàu có
thì việc nhiều. Sống lâu thì nhục nhiều. Ba điều ấy không mang lại nhân đức nên
ta từ chối”.
Viên quan tâu :
“Nhà vua nói thế thực là bậc quân tử. Nhưng trời sinh ra mỗi người phải có một
việc Nếu đông con trai, hãy cắt đặt mỗi người một nhiệm vụ thì có lợi chứ có gì
mà sợ ? Giàu có mà đem phân phát cho người nghèo thì còn công việc gì mà
lo ? Ăn uống có chừng mực, thức ngủ có điều độ, trong lòng thanh thoả,
thiên hạ tài giỏi thì vui cái vui của họ, trăm tuổi nhắm mắt về cõi trời. Một đời
chẳng gây tai hoạ gì, hỏi có gì là nhục ?”
Đứng trước tiền của,
người ta có những thái độ rất khác nhau : Vua Nghiêu vì quá thận trọng chỉ
nhìn thấy mặt trái của đồng tiền, nên của cải không sinh ích gì cho ông. Người
phú hộ trong bài Tin Mừng hôm nay lại quá cậy dựa vào tiền của, nên khi thần chết
bất ngờ đến thì tiền muôn bạc nén cũng không cứu được linh hồn ông. Duy chỉ có
viên quan địa phương là có thái độ đúng mực về tiền bạc : Nếu giàu có thì
đem chia sẻ cho người thiếu thốn. Đó chính là sứ điệp mà Chúa Giêsu muốn loan
báo cho chúng ta hôm nay : Hãy dùng của cải đời này mà “làm giàu trước mặt
Thiên Chúa” (Lc 12,21). Đó chính là “nghệ thuật làm giàu” đích thực. (TP)
* 3. Túi
tham không đáy
Tolstoi kể rằng một
người nông dân kia tên là Pakhom rất ham thích có một mảnh đất làm tài sản
riêng. Sau một thời gian làm lụng cực nhọc, anh tậu được một mảnh đất 40 mẫu.
Anh mừng lắm. Nhưng chẳng bao lâu anh muốn một mảnh đất rộng hơn. Anh lại làm lụng
và để dành, bán mảnh đất cũ, cộng thêm tiền để dành, mua được một mảnh đất 80 mẫu.
Nhưng anh chưa thoả mãn, muốn tìm một mảnh đất khác rộng hơn nữa. Có người cho
anh biết rằng ở vùng bên kia núi có một bộ lạc mà dân chúng sống rất đơn giản,
họ có rất nhiều đất, ai muốn mua bao nhiêu cũng được.
Ngay sáng hôm sau, anh
nông dân đi sang vùng bên kia núi. Vị tù trưởng bộ lạc nói : “Anh chỉ cần
trả 1000 rúp thì có thể sở hữu được một vùng đất mà anh đi được trong một ngày.
Nhưng cần nhớ là anh phải trở lại đúng nơi điểm xuất phát cũng trong ngày đó. Nếu
về không kịp thì kể như mất tiền vô ích”.
Đêm đó người nông dân
sung sướng ngủ không được. Vừa rạng sáng hôm sau anh nhờ người đánh dấu điểm xuất
phát rồi bắt đầu bước đi. Càng đi anh càng sung sướng vì thấy đất của mình càng
rộng thêm. Anh cứ đi và đi mãi quên mất thời gian. Khi thấy mặt trời bắt đầu xuống
núi anh mới hốt hoảng quay về. Nhưng vì anh đã đi quá xa sợ về không kịp nên
anh cắm đầu chạy. Đến điểm mốc, anh ngã gục xuống.
Vị tù trưởng đến chúc
mừng : “Xin chia vui với anh. Từ trước tới nay tôi chưa gặp được người nào
đi xa được như anh. Anh hãy nhận phần đất của anh”. Nhưng người nông dân không
đứng dậy được nữa để nhận lấy tài sản của mình, vì anh đã chết !
Có được một số tiền bạc
của cải để sống là điều cần thiết. Vì thế trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu không
phê phán việc chúng ta tìm cái ta cần, mà phê phán lòng tham hơn mức ta cần (tiếng
anh : not about need but about greed). Nếu người nông dân trong chuyện
trên biết dừng lại khi đã có 40 mẫu đất anh cần thì anh đã sống hạnh phúc,
nhưng anh đã chết vì anh cứ mãi mê chạy theo lòng tham của mình. Lòng tham giống
như ngọn lửa : ta càng thoả mãn nó bằng cách chất thêm củi vào thì lửa
càng bùng to lên và càng đòi nhiều củi thêm. Chứng bệnh trầm trọng nhất của con
người trong nền kinh tế thị trường và văn minh hưởng thụ này là con người không
biết khi nào mình đủ. Có của không phải là tội, nhưng tham của thì thành tội.
Hãy xem những con
chim. Khi chúng xây dựng tổ ấm, chúng chỉ tìm vài nhánh cây đủ cho cái tổ ấy rồi
thôi. Hãy xem những con nai. Khi chúng khát, chúng chỉ uống vừa đủ rồi thôi.
Sao chúng ta không đơn giản như những con chim và những con nai kia !
* 4. Gia
tài để lại cho con cái
Có thể chúng ta cố gắng
kiếm tiền không phải để cho mình hưởng, nhưng để làm gia tài trối lại cho con
cái.
Xin hãy nghe câu chuyện
sau đây :
Người kia làm việc
trong một công ty đang phát triển mạnh, lương anh khá cao cho nên gia đình rất
hạnh phúc. Anh có một ngôi nhà xinh xắn, một người vợ hiền và mấy đứa con
ngoan.
Nhưng anh tự
nghĩ : mình còn trẻ, sức lực còn nhiều. Mà công ty hiện không thiếu việc.
Thế là anh làm thêm giờ phụ trội. Thu nhập càng cao hơn. Anh lại nghĩ : nếu
mình phấn đấu để lên chức thì sẽ được tăng lương nữa. Và anh phấn đấu, và quả
thực anh lên chức.
Cho đến một hôm đi
khám bệnh, anh được biết mình đã mắc phải một chứng bệnh nguy hiểm và đã tới
giai đoạn cuối cùng. Nghĩa là anh không sống được bao lâu nữa. Lúc sắp rời bỏ vợ
con ấy, anh mới biết rằng xưa nay anh chẳng hiểu vợ con bao nhiêu, và con cái
anh cũng chẳng hiểu anh bao nhiêu. Và anh chết, để lại cho con cái một gia tài
lớn. Đối với người khác, anh là một con người thành đạt. Nhưng đối với vợ con
thì anh là một con người thất bại. Vợ con anh hưởng gia tài của anh mà chẳng
nghĩ tới anh bao nhiêu : bấy lâu nay họ sống không có anh, sau này họ cũng
tiếp tục sống không cần anh.
Bởi vậy trong bài Tin
Mừng này Chúa Giêsu đã không quan tâm đến gia tài. Khi một người đến nhờ Ngài
phân xử việc tranh chấp gia tài. Ngài đã không xử, lại còn cảnh cáo “Các ngươi
hãy coi chừng giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải sung túc mà đời sống
được của cải bảo đảm cho đâu”.
* 4. Tiền bạc
Người ta nói trên đời
quan trọng nhất là 2 chữ T : tình và tiền. Hôm nay chúng ta có dịp bàn đến
chữ T thứ 2, Tiền. Tiền bàn ở đây không phải chỉ là những tờ giấy bạc, mà còn
bao gồm tất cả những gì là của cải tài sản vật chất như nhà cửa, ruộng vườn, xe
cộ, máy móc vv…
Cách chung thì ai ai
cũng cần tiền và cũng ham tiền hết. Không có tiền thì đói rách, con cái nheo
nhóc, mặc cảm với bạn bè… Còn nếu có tiền thì ta ăn ngon mặc đẹp, con cái được
giáo dục tử tế, bạn bè xã hội trọng nó… Tóm lại câu nói “có tiền mua tiên cũng
được” có thể là câu nói diễn tả quan niệm chung của nhiều người.
Nhưng hình như đó lại
không phải là quan niệm của Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay.
– bài đọc 1 trích từ
sách Giảng viên thì coi tiền bạc là thứ phù hoa “Phù hoa nối tiếp phù hoa trần
gian tất cả chỉ là phù hoa”
– bài đọc trích từ thư
thánh Phaolô gởi tín hữu thành Colossê thì kêu gọi “Anh em hãy nghĩ đến những sự
trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất”.
– Còn bài Tin Mừng thì
mô tả một người phú hộ hả hê với những của cải chất đầy từ kho này tới kho
khác, nhưng bị Chúa trách “Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay Ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế
thì những của cải ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai ?”, và Chúa Giêsu kết luận :
Kẻ nào tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy.
Phải chăng Chúa không
muốn cho ta có tiền ? Phải chăng Chúa muốn người có đạo phải nghèo ?
Phải chăng Chúa khuyên chúng ta phải chạy trốn tiền bạc ? Thưa không,
không bao giờ, bởi vì những của cải vật chất trên đời này do đâu mà có ?
Do chính Chúa tạo dựng nên, và Chúa tạo dựng nên chúng là để cho con người hưởng
dùng. Cho nên không những Chúa không muốn con người phải đói khổ, mà Chúa còn
muốn sao cho con người được đầy dư của cải. Hãy nghe một lời chúc phúc của Chúa
ghi trong Tv 71
Khắp xứ sở đầy dư gạo
thóc
Đỉnh non cao gợn
sóng lúa vàng
Và trong Tv 64 :
Thăm trái đất mưa
nhuần Chúa rải.
Cho tràn trề của cải
sinh ra…
Vùng hoang địa cỏ
hoa đua nở
Cảnh núi đồi hớn hở
xinh tươi.
Chiên bò gặm cỏ đồng
xanh.
Nương vàng sóng lúa
lượn quanh dạt dào.
Câu hò tiếng hát trổi
cao…
Rõ ràng là Chúa muốn
con người sung túc vật chất. Nhưng Chúa cũng biết tiền bạc vật chất vì có khả
năng đem lại cho con người rất nhiều tiện nghi sung sướng nên cũng có thể khiến
con người chỉ say mê nó mà quên hết mọi giá trị khác. Bởi đó Chúa mới nói “Kẻ
giàu có vào nước Thiên Chúa thật là khó, còn khó hơn con lạc đà chui qua lỗ
kim”. Nhưng, tuy có khó thật chứ cũng có những người giàu có được vào nước
Thiên đàng : trong Tin Mừng ta thấy Chúa cũng đề cao những người giàu có,
chẳng hạn như ông Giakêu, tuy giàu nhưng biết sử dụng tiền bạc mình để làm những
việc nghĩa.
Như vậy, Lời Chúa hôm
nay không đề cao tiền bạc mà cũng không khinh rẻ chúng. Chúa chỉ muốn chúng ta
lưu ý hai điều : một là nhận định đúng giá trị của tiền bạc và hai là sử dụng
đúng những tiền bạc mà Chúa đã ban.
Bây giờ chúng ta hãy
nhận định giá trị của tiền bạc :
– tiền bạc là một yếu
tố quan trọng làm cho đời ta được sung sướng
– nhưng nó cũng là một
con dao hai lưỡi, nghĩa là nó vừa có thể giúp ta sống tốt hơn “Phú quý sinh lễ
nghĩa”, mà cũng có thể làm ta thành xấu đi, xấu đi vì tham lam, xấu đi vì gian
lận, xấu đi vì lòn cúi…
– vả lại tiền bạc
không được bền vững : thiếu gì người hôm nay đang giàu sụ, thế mà ngày mai
đã trở thành tay trắng.
– và nhất là khi chết
ta không thể mang tiền bạc theo được.
Sau khi đã nhận định
đúng giá trị của tiền bạc, chúng ta hãy lắng nghe Chúa dạy phải xử dụng tiền bạc
như thế nào : Hãy dùng tiền bạc đời này để làm giàu cho đời sau.
5.
Chuyện minh họa
a/ Ba người bạn
Người kia có 3 người bạn.
2 người trước là bạn rất thân, người thứ ba thường thường vậy thôi. Ngày kia
ông bị tòa bắt xử liền xin 3 người bạn đi theo để biện hộ. Người bạn thứ nhất từ
chối ngay, viện cớ bận việc quá không đi được. Người thứ hai bằng lòng đi đến cửa
quan nhưng lại không dám vào. Chỉ có người thứ ba tuy không được ông yêu thích
nhưng tỏ ra trung thành vào tận tòa án biện hộ cho ông ta không những trắng án
mà còn được thưởng nữa.
Người bạn thứ nhất là
Tiền bạc. Khi ta chết, tiền bạc bỏ rơi ta, chỉ để lại cho ta một chiếc chiếu và
một cái hòm. Người bạn thứ hai là Bà Con Bạn Hữu. Họ khóc lóc đưa ta tới huyệt
rồi về. Người bạn thứ ba là các Việc Lành. Chúng theo ta đến tòa phán xét và
đưa ta vào cửa thiên đàng. (Trích “Phúc”)
b/ Những thứ tiền
không mua được
George Horace Lorimer, chủ bút tờ Saturday Evening Post trong nhiều năm, có lần
viết : “Có tiền và có những cái mua bằng tiền là tốt. Nhưng biết dùng tiền
và đừng để mất những thứ tiền không mua được còn tốt hơn.”
Có thể kể những thứ sau đây tiền không mua được :
Tiền không mua được tình bạn chân thực.
Tiền không mua được lương tâm trong sạch.
Tiền không mua được niềm vui mạnh khoẻ.
c/ Đổi tiền
Đến nước khác, việc đầu tiên mà du khách phải làm là đổi tiền của mình thành tiền
đang lưu hành tại nước đó. Tiền của ta trên trái đất chẳng có giá trị gì trên
trời, nếu nó không đổi thành việc lành. Đó là ý nghiã Lời Chúa nói với chàng
thanh niên giầu có : cho đi gia sản của anh để mua Nước Trời.
6.
Mảnh suy tư
Một buổi tối, tôi thả
bước lang thang
Tôi đi từ những khu phố
lấp lánh ánh đèn
Bước chân dần dần đưa
tôi đến vùng ngoại ô vắng vẻ
Ở đấy tôi thấy ngàn vạn
ánh sao còn rực rỡ gấp bội.
Và tôi chợt hiểu ra rằng
những ngọn đèn trần thế dễ che lấp những ngọn đèn trời đến mức nào.
Và tôi cầu nguyện :
Lại Chúa xin cho những hào nhoáng của đời này đừng bao giờ làm cho con mù lòa
không còn thấy ánh vinh quang Nước Trời.
V. Lời nguyện
cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, chia cơm sẻ áo cho những người
nghèo khổ là cách làm giàu tốt nhất trước mặt Thiên Chúa. Với ước moong sống trọn
vẹn tinh thần bác ái của Tin mừng, chúng ta cùng dâng lời cầu xin :
1.
Hội thánh luôn
quan tâm giúp đỡ bất cứ ai đang gặp đau khổ / bệnh tật / nghèo
đói / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho công cuộc từ thiện của Hội
thánh / xoa dịu được phần nào đau khổ của nhân loại.
2.
Tiền bạc của cải
không đem lại hạnh phúc thật sự cho con người / trái lại làm nhiều người
trở nên hư hỏng / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi người / biết sử dụng
đúng đắn tiền bạc có được / do lao động lương thiện của mình.
3.
Phúc thay ai có
tinh thần nghèo khó / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các Kitô hữu / biết
sống tinh thần nghèo khó của Tin mừng.
4.
Giúp đỡ những ai
đang gặp khó khăn là bổn phận của người Kitô hữu / Chúng ta hiệp lời cầu
xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết thật tình chia sẻ cơm áo cho những
ai đói nghèo.
Chủ tế : Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khôn ngoan
tích trữ kho tàng trên trời bằng những việc lành phúc đức của chúng con. Chúa hằng
sống và hiển trị muôn đời.
VI. Trong
Thánh Lễ
– Trước kinh Lạy
Cha : Trong kinh Lạy Cha có câu “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng
ngày”. Điều Chúa nhấn mạnh hơn trong câu này không phải là chữ “lương thực” cho
bằng chữ “hằng ngày”, nghĩa là chúng ta vừa xin cho có lương thực vừa xin cho
khỏi lòng tham, nhưng biết phó thác cuộc sống cho Chúa quan phòng.
VII. Giải tán
Chúng ta sắp trở lại
cuộc sống mà trong đó mọi người bon chen, tranh dành nhau tiền bạc của cải. Là
những môn đệ của Chúa, chúng ta hãy cố gắng sao để vừa làm ăn kiếm tiền vừa
không bị tiền làm cho mình ra xấu xa tội lỗi.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI
Lectio Divina:
Chúa Nhật XVIII Thường Niên (C)
Sunday 4 August, 2019
Mối lo lắng về sự
giàu sang
làm chúng ta xa rời
Thiên Chúa và
ngăn trở chúng ta
trong việc phục vụ tha nhân
Lc 12:13 – 21
1. Chúng ta hãy
lắng đọng tâm hồn trong lời cầu nguyện – Statio
Lạy Chúa Thánh Thần,
chúng con đang tụ họp nhau đây trước mặt Chúa; chúng con cảm thấy gánh nặng của
sự yếu đuối chúng con, nhưng tất cả chúng con đã tụ tập nhau đây trong
danh thánh Chúa; xin Chúa hãy đến với chúng con, xin giúp chúng con; xin hiện
diện trong lòng chúng con, xin dạy cho chúng con biết chúng con phải làm gì,
xin hãy chỉ cho chúng con đường lối chúng con nên theo, xin hãy thực hiện những
gì Chúa đã đòi hỏi nơi chúng con. Chỉ có Chúa là Đấng đề nghị và hướng dẫn các
quyết định của chúng con, bởi vì chỉ có Chúa, cùng với Đức Chúa Cha và Chúa Con
có một danh thánh và vinh hiển; xin đừng để sự công chính bị tổn thương vì
chúng con, Chúa là Đấng yêu chuộng trật tự và hòa bình; nguyện xin cho những điều
kém hiểu biết không làm cho chúng con xa rời Chúa; nguyện xin cho sự cảm thông
thường tình loài người không khiến chúng con trở nên thiên vị, hay những trách
nhiệm hoặc bản thân cũng không làm ảnh hưởng đến chúng con; xin gìn giữ chúng
con gần bên Chúa để chúng con không thể lìa xa sự thật trong bất cứ điều gì;
xin Chúa hãy giúp chúng con là những người đang tụ họp nhau đây nhân danh Chúa,
biết làm thế nào để chiêm niệm sự tốt lành cùng với sự dịu dàng, để chúng con
có thể làm mọi việc hợp với thánh ý Chúa, trong niềm hy vọng rằng bằng vào việc
trung thành chu toàn bổn phận của chúng con, chúng con có thể được hưởng phúc đời
đời trong tương lai. Amen.
2. Đọc và cầu
nguyện Lời Chúa – Lectio
Tin Mừng theo thánh
Luca:
13 Khi ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa
Giêsu rằng: “Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho
tôi.” 14 Người bảo kẻ ấy rằng: “Hỡi người
kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các
ngươi?” 15 Rồi Người bảo họ rằng: “Các
ngươi hãy coi chừng giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải
sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu.” 16 Người
lại nói với họ dụ ngôn này rằng: “Một người phú hộ kia có ruộng đất
sinh nhiều hoa lợi, 17 nên suy tính trong lòng rằng: ‘Tôi
sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?’ 18 Đoạn
người ấy nói: ‘Tôi sẽ làm thế này là phá các kho lẫm của tôi, mà xây những cái
lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, 19 và
tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: ‘Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải
dự trữ cho nhiều năm; ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi.’ 20 Nhưng
Thiên Chúa bảo nó rằng: ‘Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi
linh hồn ngươi, thế thì những của cải ngươi tích trữ sẽ để lại cho
ai?’ 21 Vì kẻ tích lũy của cải cho mình mà không làm
giàu trước mặt Chúa thì cũng như vậy.”
3. Suy niệm Lời
Chúa – Meditatio
3.1 Chìa khóa dẫn đến
bài đọc:
Bài Tin Mừng Phụng Vụ
cho Chúa Nhật thứ 18 Thường Niên là một phần của một bài giảng khá dài của Chúa
Giêsu về sự tín thác vào Thiên Chúa sẽ xua đuổi được mọi nỗi lo sợ (Lc 12:6-7)
và về việc tin tưởng vào Thiên Chúa Quan Phòng (Lc 12:22-23). Một
cách chính xác, đoạn Tin Mừng hôm nay thực sự ở giữa hai đoạn sau. Ở
đây là một số bài giáo huấn của Chúa Giêsu, lần trước Người bị làm gián đoạn bởi
“có người trong đám đông” (Lc 12:13), về việc tin tưởng và từ bỏ này:
Lc 12:4-7: “Thầy nói cho các con là bạn hữu của Thầy được
biết: Các con đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không thể
làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ các con biết phải sợ
ai: hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hỏa ngục. Thật
vậy, Thầy nói cho các con biết: các con hãy sợ Đấng ấy. Năm
con chim sẻ chỉ bán được hai hào, phải không? Thế mà không một con
nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Ngay đến tóc trên đầu các con
cũng được đếm cả rồi. Các con đừng sợ, các con còn quý giá hơn muôn
vàn chim sẻ.
Lc 12:11-12: “Khi người ta đưa các con ra trước hội đường,
trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì các con đừng lo phải
bào chữa làm sao, hoặc phải nói gi, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho
các con biết những điều phải nói.”
Tại chính vào lúc này
người đàn ông đã làm gián đoạn bài giảng của Chúa Giêsu, cho thấy mối quan tâm
của anh ta về vấn đề thừa kế (Lc 12:13). Chúa Giêsu giảng dạy và nói
đừng “sợ những kẻ giết thân xác mà sau đó không thể làm gì hơn được nữa” (Lc
12:4) và người này không nhận thức được ý nghĩa của những lời Chúa Giêsu muốn
nói với những người mà Chúa gọi là “bạn hữu của Thầy” (Lc
12:4). Theo Tin Mừng của Gioan chúng ta biết rằng một người bạn của
Chúa Giêsu là một người phải biết Chúa Giêsu. Nói cách khác, biết tất
cả mọi việc mà Chúa đã được nghe từ nơi Đức Chúa Cha (Ga 15:15). Bạn
của Chúa Giêsu thì nên biết rằng Thầy của anh ta có gốc rễ sâu xa từ Thiên Chúa
(Ga 1:1) và rằng mối quan tâm duy nhất của Người là tìm cách để thi hành Thánh
Ý của Đấng đã sai Người (Ga 4:34). Lời khuyên và ví dụ của Chúa
Giêsu đã gửi cho bạn hữu của Người là đừng lo lắng hay bối rối cho những thứ vật
chất bởi vì “mạng sống thì trọng hơn của ăn và thân thể thì trọng hơn áo mặc”
(Mt 6:25). Trong một bối cảnh của ngày sau hết, Chúa Giêsu nhắc nhở: “Các
con phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự
đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu các con” (Lc 21:34).
Đây là lý do tại sao
câu hỏi của người nhờ Chúa Giêsu nói với “người anh để chia phần thừa kế của
gia đình mình” (Lc 12:13) là một việc không cần thiết trước mặt
Chúa. Chúa Giêsu từ chối làm quan tòa cho đôi bên (Lc 12:14) cũng
như trong trường hợp của người đàn bà ngoại tình (Ga 8:2-11). Chúng
ta có thể thấy rằng đối với Chúa Giêsu là chuyện ai đúng ai sai chẳng quan trọng. Người
vẫn giữ thái độ trung lập trước lời yêu cầu giữa hai anh em bởi vì Nước của Người
không thuộc về thế gian này (Ga 18:36). Thái độ này của Chúa Giêsu
phản ảnh hình ảnh mà Luca cho chúng ta thấy về Chúa, hiền lành và khiêm nhường. Việc
tích lũy của cải vật chất, thừa kế tài sản, danh vọng, quyền lực, không hề thuộc
vào một phần các cấp bậc giá trị của Chúa Giêsu. Trong thực tế, Người
dùng câu hỏi của hai anh em để lập lại và xác nhận rằng “đời sống không lệ thuộc
vào của cải vật chất” (Lc 12:15) ngay cả lúc dư thừa.
Như thường lệ, ở đây
Chúa Giêsu cũng giảng dạy bằng cách dùng dụ ngôn, trong đó Người nói về “một
người phú hộ” (Lc 12:16); chúng ta có thể nói một người phú hộ với lòng tham vô
độ, không bao giờ hài lòng, người không biết phải làm gì với số của cải thừa mứa
của ông ta (Lc 12:17). Người phú hộ này gợi cho chúng ta nhớ lại về
người giàu có chỉ biết sống cho mình mà không nhận thấy được sự khốn cùng của
người nghèo Lagiarô (Lc 16:1-31). Có điều chắc chắn rằng chúng ta
không thể xác định người phú hộ này là người công bằng hay không. Người công bằng
là người giống như sách Gióp đã viết là biết chia xẻ với người nghèo khổ những
của cải nhận được sự Quan Phòng của Thiên Chúa: “bởi vì tôi trợ giúp
người nghèo khổ kêu cầu, và trẻ mồ côi không ai giúp đỡ. Tôi được
người hấp hối chúc lành, và tôi đem lại niềm vui cho lòng góa phụ” (G
29:12-13). Người phú hộ của dụ ngôn là một người ngu dại (Lc 12:20),
người mà lòng chỉ nghĩ đến của cải đã có được, quên hẳn Thiên Chúa, Đấng Tối
Thượng và Duy Nhất tốt lành. Ông ta “tích lũy của cải kho tàng cho
mình, nhưng không làm giàu trước mặt Chúa” (Lc 12:21). Sự ngu dại của
ông ta là đã không nhận thức được rằng tất cả mọi thứ có được là nhờ việc ban
cho nhưng không từ sự Quan Phòng của Thiên Chúa, không chỉ những của cải của
ông ta mà chính cả mạng sống của ông ta nữa. Các từ ngữ được dùng
trong dụ ngôn làm chúng ta lưu ý điều này:
– Hoa lợi: “Ruộng
đất sinh nhiều hoa lợi” (Lc 12:16)
– Mạng sống: “Đêm
nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi” (Lc 12:20)
Sự giàu có chính nó
không tạo thành sự ngu dại của người này nhưng chính lòng hám lợi và tham lam
đã làm tiết lộ sự ngu ngốc của ông ta. Thật ra, “người ấy
nói: “Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm;
ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi.” (Lc 12:19)
Thái độ của người khôn
ngoan thì sẽ rất khác. Ví dụ chúng ta thấy điều này được hiển hiện
trong con người của ông Gióp là người với cuộc sống không cầu lợi ông, kêu lên
rằng: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần
truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi. Xin
chúc tụng danh Đức Chúa!” (G 1:21). Sự khôn ngoan truyền thống đã được
truyền cho hậu thế hoặc truyền đạt cho chúng ta một số lời khuyên dạy về thái độ
đúng đắn phải có trước sự giàu có: Pr 27:1; Si 11:19; Gv 2:17-23, 5:17,
6:2. Sách Tân Ước cũng khuyên răn về điểm này: Mt
6:19-23; 1Cr 15:32; Gb 4:13-15; Kh 3:17-18.
3.2 Câu
hỏi quy hướng cho việc suy gẫm và áp dụng:
- Điều gì đã đánh động bạn nhất trong đoạn Tin
Mừng này và trong việc suy gẫm?
- Việc Chúa Giêsu có thái độ trung lập trước câu hỏi
của người phú hộ mang ý nghĩa gì đối với bạn?
- Bạn có tin rằng tính tham lam hoàn toàn có liên hệ
đến điều kiện sinh sống trong xã hội của người ta không?
- Bạn có tin vào việc Quan Phòng của Thiên Chúa
không?
- Bạn có ý thức hay nhận thức được rằng những gì bạn
đang có là được trao ban từ Thiên Chúa không, hay bạn cảm thấy chính mình
là người chủ tuyệt đối những của cải của trong tay bạn?
4. Cầu Nguyện –
Oratio
1 Sử Biên Niên
29:10-19
“Lạy CHÚA, là Thiên
Chúa Israel, tổ phụ chúng con, xin dâng lên Ngài lời chúc tụng, từ
muôn thuở đến muôn ngàn đời!
Lạy CHÚA, Ngài vĩ đại quyền năng, Ngài oai vệ, vinh quang, rực rỡ, vì mọi sự trên trời dưới đất thuộc về Ngài.
Ngài nắm giữ vương quyền, lạy CHÚA, và địa vị tối cao, vượt trên tất cả.
Lạy CHÚA, Ngài vĩ đại quyền năng, Ngài oai vệ, vinh quang, rực rỡ, vì mọi sự trên trời dưới đất thuộc về Ngài.
Ngài nắm giữ vương quyền, lạy CHÚA, và địa vị tối cao, vượt trên tất cả.
Ngài cũng là nguồn phú
quý vinh quang. Chính Chúa làm bá chủ muôn loài: nắm
trong tay dũng lực quyền năng, nhờ tay Ngài, tất cả lớn lên và mạnh sức.
Giờ đây, lạy Thiên Chúa chúng con thờ, xin dâng Ngài muôn câu cảm tạ, và ca tụng Danh Thánh hiển vinh.
Quả thật, con là ai và dân của con là gì, mà chúng con cả lòng tự ý dâng hiến như vậy, vì mọi sự chúng con dâng lên Ngài, đều do Ngài mà có bởi tay Ngài mà ra. Trước mặt Ngài, chúng con chỉ là ngoại kiều và khách trọ, như tất cả cha ông chúng con. Ngày đời của chúng con trên mặt đất như chiếc bóng thoáng qua, không để lại dấu vết.
Giờ đây, lạy Thiên Chúa chúng con thờ, xin dâng Ngài muôn câu cảm tạ, và ca tụng Danh Thánh hiển vinh.
Quả thật, con là ai và dân của con là gì, mà chúng con cả lòng tự ý dâng hiến như vậy, vì mọi sự chúng con dâng lên Ngài, đều do Ngài mà có bởi tay Ngài mà ra. Trước mặt Ngài, chúng con chỉ là ngoại kiều và khách trọ, như tất cả cha ông chúng con. Ngày đời của chúng con trên mặt đất như chiếc bóng thoáng qua, không để lại dấu vết.
Lạy ĐỨC CHÚA, Thiên
Chúa của chúng con, tất cả những của cải mà chúng con thu góp đây để xây dựng một
ngôi nhà kính thánh danh Ngài, đều bởi tay Ngài mà có: tất cả là của Ngài.
Lạy Thiên Chúa của
con, con biết Ngài là Đấng dò xét tâm can và ưa thích điều chính trực. Vì thế,
với tấm lòng thành, con đã tự nguyện dâng hiến Ngài tất cả những của đó. Và bây
giờ con vui mừng nhận thấy rằng dân của Ngài đang có mặt nơi đây cũng tự nguyện
dâng hiến cho Ngài như vậy.
Lạy ĐỨC CHÚA là Thiên
Chúa của Abraham, Isaác và Israel tổ phụ chúng con, xin mãi
gìn giữ những ý nguyện và tâm tình ấy trong lòng dân của Ngài và làm cho họ
luôn hướng lòng về Ngài. Xin ban cho Salômôn con của con, một quả
tim tinh tuyền để nó tuân giữ và thi hành mọi huấn lệnh, chỉ thị và quy tắc của
Ngài, và để nó xây Đền Thờ con đã chuẩn bị dâng kính Ngài.”
5. Chiêm Niệm –
Comtempatio
Thánh Vịnh
119:36-37
Xin hướng lòng con
nghiêng về thánh ý,
không ngả theo lợi lộc tiền tài.
Xin giữ mắt này khỏi nhìn theo những gì hư ảo,
và cho con được sống nhờ đường lối của Ngài.
không ngả theo lợi lộc tiền tài.
Xin giữ mắt này khỏi nhìn theo những gì hư ảo,
và cho con được sống nhờ đường lối của Ngài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét