Bài đọc Cv 14,5-18
5 Hồi ấy, tại I-cô-ni-ô, những
người ngoại và những người Do-thái, cùng với các thủ lãnh của họ, mưu toan làm
nhục và ném đá hai ông. 6 Biết
thế, hai ông lánh sang các thành miền Ly-cao-ni-a là Lýt-ra, Đéc-bê và các vùng
phụ cận ; 7 và tại đó các ông tiếp tục
loan báo Tin Mừng. Ông Phao-lô chữa một
người bại chân
8 Tại Lýt-ra, có một người bại
hai chân ngồi đó ; anh ta bị què từ khi lọt lòng mẹ, chưa hề đi được bước nào. 9 Anh nghe ông Phao-lô giảng. Ông nhìn thẳng
vào anh và thấy anh có lòng tin để được cứu chữa, 10 thì lớn tiếng nói : "Anh trỗi dậy đi, hai chân đứng thẳng !" Anh
đứng phắt dậy và đi lại được.
11 Thấy việc ông Phao-lô làm,
đám đông hô lên bằng tiếng Ly-cao-ni-a : "Thần linh mặc lốt người phàm đã
xuống với chúng ta !" 12 Họ
gọi ông Ba-na-ba là thần Dớt, ông Phao-lô là thần Héc-mê, vì ông là người phát
ngôn. 13 Thầy tư tế đền thờ thần Dớt
ở ngoại thành đem bò và vòng hoa đến trước cổng thành, và cùng với đám đông, muốn
dâng lễ tế. 14 Nghe biết được, hai tông đồ
Ba-na-ba và Phao-lô xé áo mình ra, xông vào đám đông mà kêu lên : 15 "Hỡi các bạn, các bạn làm gì thế này ?
Chúng tôi đây cũng chỉ là người phàm, cùng thân phận với các bạn. Chúng tôi
loan Tin Mừng cho các bạn, là hãy bỏ những cái hão huyền này đi, mà trở lại
cùng Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn
loài trong đó. 16 Trong những thế hệ đã qua,
Người để cho muôn dân đi theo đường lối của họ. 17 Tuy vậy Người không ngừng làm chứng cho mình, khi thi ân giáng phúc, ban
mưa từ trời và mùa màng sung túc cho các bạn, và cho các bạn được no lòng, được
an vui." 18 Nói vậy mà hai ông vẫn còn
phải vất vả mới can được đám đông không dâng lễ tế cho hai ông.
Đáp ca Tv
113B,1-2,3-4 (Đ. x. c. 1)
Đáp :
Lạy
Chúa, xin đừng làm rạng rỡ chúng con,
nhưng
xin cho danh Ngài rạng rỡ.
Hoặc:
Đáp : Ha-lê-lui-a.
1 Xin
đừng làm rạng rỡ chúng con, vâng lạy Chúa, xin đừng,
nhưng xin cho danh Ngài rạng
rỡ,
bởi vì Ngài thành tín yêu
thương.
2 Sao
chư dân lại nói : "Thiên Chúa chúng ở đâu ?" Đ.
3 Thiên
Chúa chúng ta ở trên trời,
muốn làm gì là Chúa làm
nên.
4 Tượng
thần chúng chỉ là vàng bạc,
chỉ do tay người thế tạo
thành. Đ.
Tung hô Tin Mừng Ga 14,26
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Thánh Thần sẽ dạy
anh em mọi điều, và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh
em". Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng Ga 14,21-26
21 Khi ấy, Đức Giê-su nói với
các môn đệ rằng : "Ai có và giữ các điều
răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được
Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy."
22 Ông Giu-đa, không
phải Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, nói với Đức Giê-su : "Thưa Thầy, tại sao Thầy
phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian ?" 23 Đức Giê-su đáp :
"Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha
Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. 24 Ai không yêu mến
Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy,
nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. 25 Các điều đó, Thầy
đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. 26 Nhưng Đấng Bảo
Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi
điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em."
(bản văn
theo UB.Kinh Thánh/HĐGMVN)
Suy Niệm:
"Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy". Ðức Giêsu muốn nhấn mạnh mối
liên kết giữa lòng yêu mến và sự trung thành với giáo huấn của Ngài. Không thể
nói yêu Ngài nếu không nghe lời Ngài. Không thể thi hành lời Ngài trọn vẹn nếu
không vì yêu Ngài. Tình yêu được biểu hiện cụ thể qua hành động tuân giữ trong
sự tự nguyện.
Ðiều khát mong của Ðức Giêsu được bày tỏ qua lời trăn trối: "hãy yêu
thương nhau". Yêu Chúa thật là yêu thật mọi người.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin ban Thánh Thần đến dạy dỗ chúng con, để chúng con biết
yêu Chúa một cách chân tình, biết trung thành thực thi giáo huấn của Chúa vì
tình yêu mến chứ không phải do sợ hãi bó buộc. Chỉ có một điều làm chúng con lo
lắng băn khoăn là chúng con sợ làm buồn lòng Chúa mà thôi. Amen.
(Lời Chúa
trong giờ kinh gia đình)
Thánh Linh Dạy Dỗ Các
Con
Một cuốn sách nọ có kể về một giai thoại trong câu chuyện như sau:
Jonathan làm được những việc phi thường phần lớn là nhờ vào những gì mà anh
hấp thụ được từ một vị thầy khả kính. Nhưng ngày vị thầy già đã gần đất xa trời
đã kề cận, nên ông cho gọi Jonathan về gặp mặt thầy gấp lần cuối. Vì thế, lòng
Jonathan cũng bừng lên hy vọng là thầy sắp từ giã cõi đời, chắc chắn người sẽ
truyền lại cho anh tất cả các bí quyết mà suốt đời thầy đã cất giữ. Thật là may
mắn cho Jonathan, anh đã về đúng lúc mà vị thầy khả kính đang còn sức để trò
truyện cùng anh.
Tuy nhiên, lời trăn trối cuối cùng của vị thầy chỉ vỏn vẹn trong mấy chữ:
"Hãy hành động vì lòng mến". Jonathan hơi thất vọng, nhưng về sau mỗi
lần hành động là mỗi lần lời dặn của thầy vang vọng bên tai khiến cho các thành
công của Jonathan càng sáng chói hơn bội phần.
Anh chị em thân mến!
"Yêu thương", hai chữ quá quen thuộc đối với mỗi người trong
chúng ta. Ai cũng đã nghe hoặc nói yêu thương, nhưng rồi thực sự đã mấy ai lấy
yêu thương làm kim chỉ nam để thực hiện cho mình. Bởi thế, mà xưa cũng như nay,
yêu thương luôn là vùng đất mở cửa mời gọi con người bước vào.
Chúa Giêsu cũng thế, trước khi ly biệt các môn đệ, lời nhắn nhủ của Ngài được
gói gọn trong hai chữ "Yêu Thương". Bài Tin Mừng hôm nay thánh Gioan
gửi đến cho chúng ta một phần của lời nhắn nhủ ấy mà giờ đây chúng ta cùng suy
niệm.
Anh chị em thân mến!
Chắc hẳn trong cuộc sống, có lần chúng ta đã tự hỏi: "Tôi đã yêu Chúa
thật sự chưa?" Yêu Ngài, tại sao mỗi buổi sáng tôi cảm thấy nặng nề khi bỏ
giấc ngủ để đi tham dự Thánh Lễ. Sao các chân tôi chẳng hăm hở đến tham dự các
buổi cầu nguyện cho bằng những cuộc vui nhộn nhịp khác. Lỡ mất một dịp đến với
Chúa, tôi chẳng tiếc nuối cho bằng mất đi mấy phút giây hẹn hò. Và ai đã từng
yêu gần người mình yêu, những nhung nhớ, mong ngóng, đợi chờ khi phải xa cách
người yêu.
Trong tình yêu đối với Thiên Chúa, chúng ta đã chẳng có được những tâm
tình, những rung cảm ấy, phải chăng chúng ta đã chẳng thật sự yêu mến Ngài?
Anh chị em thân mến!
Lời Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay là một soi sáng cho chúng ta về
căn bản của tình yêu mà mỗi người chúng ta cần phải có đối với Thiên Chúa:
"Ai nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ, người ấy là kẻ yêu mến Thầy".
Chúa Giêsu không đòi hỏi những kẻ yêu mến Ngài phải có những rung động thuộc về
tình cảm. Nếu có được những rung cảm ấy thật quí, chúng là các dấu chỉ cho phép
tin tưởng rằng: chúng ta đang yêu mến Ngài.
Tuy nhiên, nếu chưa có cũng chẳng nên bận tâm, vì chúng chỉ là những phản ứng
trong cơ thể chứ không phải là điều kiện của tình yêu. Một tình yêu đúng nghĩa
đòi buộc phải tìm đủ mọi cách để làm đẹp lòng người mình yêu, sẵn sàng cho đi tất
cả vì người yêu. Dừng lại tất cả nơi rung cảm phần nào nói lên tâm trạng vị kỷ
nơi con người muốn cho đi nhưng đồng thời lại bù đắp, cái tôi vẫn là tâm điểm của
tình yêu.
Khi đến trong thế gian, Chúa
Giêsu trở nên khuôn mẫu của tình yêu. Cuộc đời của Ngài là một thể hiện trọn vẹn
thánh ý Chúa Cha. Ðối diện với Thập Giá và cái chết, Chúa Giêsu run sợ chẳng muốn
nhận lấy, nhưng xin đừng theo ý Con, một theo ý Cha. Sau cùng, Ngài đã uống cạn
chén đắng để chu toàn trọn vẹn thánh ý Cha.
Hôm nay, Chúa Giêsu cũng muốn
môn đệ của Ngài đi lại con đường Ngài đã đi qua: "Ai yêu mến Thầy thì sẽ
giữ lời Thầy". Giữ lời Chúa Giêsu cũng là yêu mến Thiên Chúa Cha. Vì lời
Ngài là của Cha, Ðấng đã sai Ngài đến trần gian. Lời dạy của Chúa Giêsu là gì,
nếu không phải là gì khác là biết quên mình vì Chúa và vì anh em, quên đi bản
thân bằng cách dành cho Thiên Chúa và tha nhân một chỗ đứng ưu tiên trong tư tưởng
và hành động.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, ước
mong rằng mỗi người chúng ta sẽ biết thể hiện tình yêu bằng lời dạy của thánh
Phaolô: "Dù ăn, dù khi uống, dù khi làm việc gì, anh em hãy làm cho sáng
danh Chúa". Amen.
(Veritas
Asia)
07/05/12 THỨ HAI TUẦN 5 PS
Ga 14,21-26
Ga 14,21-26
LIÊN
KHÚC TÌNH YÊU
“Ai yêu mến Thầy thì sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” (Ga 14,21)
Suy niệm: Hằng ngày quanh ta không thiếu những ‘lời qua tiếng lại’, những chuyện hơn thua ‘ăn miếng trả miếng’, chẳng ai chịu ai; nhóm này nhận trách nhiệm cuộc pháo kích, nhóm kia dọa cài bom để trả thù. Chính trong bầu khí bạo lực của nền văn minh sự chết này mà Chúa Giêsu muốn thiết lập Vương quốc Tình Yêu. Nơi thập giá Chúa Giêsu, Thiên Chúa tha thứ mọi xúc phạm và cho con người được làm người con của Thiên Chúa. Chúa Giêsu bảo đảm là hành vi và tâm tình yêu thương mà ta dành cho Thiên Chúa cho dù thô hèn và bất xứng cũng sẽ được tiếp nhận và nhân rọng thêm ra. Nếu ta yêu mến Thiên Chúa, Ngài không để ta hụt hẫng, nhưng chắc chắn nhận được hiệu ứng tích cực từ phía Thiên Chúa. Những nốt nhạc yêu thương đó sẽ được hát tiếp theo làm nên liên khúc tình yêu mà con người và Thiên Chúa cùng hát chung.
Mời Bạn: Chân phước Anrê Phú Yên nói với những người đến thăm mình khi bị bắt: “Hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu, hãy lấy sự sống đáp lại sự sống.” Bằng câu nói này, vị chứng nhân tiên khởi của Giáo Hội Việt
Chia sẻ: Chúng tôi đang cùng nhau bồi đắp nền văn minh nào: tình thương và sự sống hay hận thù và sự chết?
Sống Lời Chúa: Nếu Thiên Chúa tiếp nhận tôi và yêu thương tôi, tôi cũng cư xử như thế với anh em tôi. Tôi rất tế nhị cảm thông với những vụng về thiếu sót trong cách bày tỏ tình yêu thương của anh em.
Cầu nguyện: Hát kinh Hoà Bình.
Hoạt động dưới ảnh hưởng của Ba Ngôi Thiên Chúa
Bài đọc: Acts 14:5-18; Jn 14:21-26.
Có một sự
khác biệt vô cùng lớn lao giữa tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa với tư tưởng
và đường lối của con người. Vì thế, cũng có một sự khác biệt lớn giữa cách hoạt
động của những người dưới ảnh hưởng của Ba Ngôi Thiên Chúa, và những người hoạt
động theo cách thức của người phàm.
Các Bài Đọc hôm nay
muốn nêu bật những khác biệt này. Trong Bài Đọc I, Phaolô, với sức mạnh của
Thánh Thần và nhân danh Đức Kitô, có thể làm cho người bại liệt từ lúc mới sinh
đứng dậy đi lại được. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải cho các môn đệ về sự
liên hệ giữa Ba Ngôi Thiên Chúa và con người: Nếu con người vâng lời giữ các giới
răn của Chúa Giêsu, sẽ được cả Ba Ngôi yêu mến; và người đó sẽ có cả Ba Ngôi
trong người mình.
I. KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Các Tông-đồ hăng
hái rao giảng Tin Mừng giữa những đe dọa bắt bớ.
1.1/ Phaolô chữa
người bại liệt từ lúc mới sinh: Theo lời Chúa Giêsu căn dặn: "Khi người ta
bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác" (Mt 10:23);
Phaolô và Barnabas
bỏ Iconium lánh
sang các thành miền Lycaonia là Lystra, Derbe, và các vùng phụ cận; khi hai ông
biết những người ngoại và những người Do-thái, cùng với các thủ lãnh của họ,
mưu toan làm nhục và ném đá mình. Đi đến đâu, hai ông loan báo Tin Mừng tới đó.
Tại Lystra, có một
người bại hai chân ngồi đó; anh ta bị què từ khi lọt lòng mẹ, chưa hề đi được
bước nào. Anh nghe ông Phaolô giảng. Ông nhìn thẳng vào anh và thấy anh có lòng
tin để được cứu chữa, thì lớn tiếng nói: "Anh trỗi dậy đi, hai chân đứng
thẳng!" Anh đứng phắt dậy và đi lại được.
1.2/ Hai ông sửa chữa
sai lầm của dân chúng sau khi chứng kiến phép lạ: Thấy việc ông Phaolô làm, đám
đông hô lên bằng tiếng Lycaonia: "Thần linh mặc lốt người phàm đã xuống với
chúng ta!" Họ gọi ông Barnabas là thần Zeus, ông Phaolô là thần Hermes, vì
ông là người phát ngôn. Thầy tư tế đền thờ thần Zeus ở ngoại thành đem bò và
vòng hoa đến trước cổng thành, và cùng với đám đông, muốn dâng lễ tế.
Zeus và Hermes là
hai thần của người Hy-lạp. Zeus được xem như vua của các thần Hy-lạp, và quan
thầy của những người làm nghề trồng cấy. Có lẽ vì lý do này mà Phaolô muốn nói
với dân thành: không phải Zeus ban mưa từ trời và mùa màng; nhưng là chính
Thiên Chúa trong câu 17. Hermes là con của Zeus với Maia; được xem là quan thầy
của những người lữ hành, tội nhân, và gái điếm. Hermes là sứ giả và đem những sứ
điệp của các thần cho con người.
Thấy phản ứng của họ,
Barnabas và Phaolô xé áo mình ra, xông vào đám đông mà kêu lên: "Hỡi các bạn,
các bạn làm gì thế này? Chúng tôi đây cũng chỉ là người phàm, cùng thân phận với
các bạn. Chúng tôi loan Tin Mừng cho các bạn, là hãy bỏ những cái hão huyền này
đi, mà trở lại cùng Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã tạo thành trời đất với biển
khơi cùng muôn loài trong đó.
Trong những thế hệ
đã qua, Người để cho muôn dân đi theo đường lối của họ. Tuy vậy Người không ngừng
làm chứng cho mình, khi thi ân giáng phúc, ban mưa từ trời và mùa màng sung túc
cho các bạn, và cho các bạn được no lòng, được an vui."
2/ Phúc Âm: Mặc khải của Chúa
Giêsu về sự liên hệ giữa Chúa Ba Ngôi và con người
2.1/ Liên hệ giữa
Chúa Cha và Chúa Con: Đây là mối liên hệ lý tưởng để con người bắt chước. Trong
mối liên hệ này, yêu mến và vâng lời không thể tách rời nhau.
- Yêu mến: Cha yêu Con và Con yêu Cha. Hơn nữa, tình yêu không chỉ giới hạn
giữa Cha-Con; nhưng lan tràn đến nhân loại: khi Chúa Giêsu yêu mến ai, Cha Ngài
cũng yêu mến người ấy.
- Vâng lời: Con luôn vâng lời Cha bằng cách làm theo những gì Cha muốn.
Mối liên hệ giữa Chúa Giêsu và con người cũng phải được họa theo mối liên hệ
giữa Chúa Giêsu và Cha của Ngài.
- Yêu mến: Chúa Giêsu yêu mến ai vâng lời Người. Khi Chúa Giêsu yêu ai,
Chúa Cha sẽ yêu mến người ấy. Cha và Con sẽ đến và ở lại với người ấy. Ngài sẽ
tỏ mình ra cho người ấy.
- Vâng lời: Ai có và giữ các điều răn của Chúa Giêsu, người ấy mới là kẻ
yêu mến Ngài. Con người vâng lời Chúa Giêsu là vâng lời Chúa Cha, vì Lời con
người nghe không phải là của Chúa Giêsu, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai
Con.
Ông Judah, không phải Judah Iscariot, nói với Đức Giêsu: "Thưa Thầy, tại
sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?"
Lý do là vì thế gian không yêu mến Chúa Giêsu, nên họ không giữ lời Ngài; cho
dù Ngài muốn tỏ mình đi nữa, họ cũng không đón nhận Ngài.
2.2/ Liên hệ giữa Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần: Chúa Giêsu nói: "Các
điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ
là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều
và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em."
(1) Chúa Thánh Thần sẽ dạy các tín hữu mọi điều: Những gì còn thiếu nơi Đức
Kitô, Thánh Thần sẽ dạy con người tất cả. Một số điều hiển nhiên chúng ta đã
nghe nhiều trong những ngày vừa qua:
- Chúa Thánh Thần dùng sự kiện Chúa Phục Sinh để soi sáng cho các môn đệ hiểu
biết những lời Cựu Ước và những lời Chúa Giêsu đã báo trước về Cuộc Khổ Nạn,
cái chết, và sự Phục Sinh của Đức Kitô, để các ông giảng giải cho dân chúng,
như trong Bài Giảng của Phêrô (Acts 3:11-26) và của Phaolô (Acts 13:16-41).
- Ngài cũng giúp các môn đệ nhận ra sự sai trái của Thượng Hội Đồng và Kế
Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, để kêu gọi họ ăn năn sám hối trong Hai Bài Giảng
này.
- Ngài giúp các ông nhận ra nhu cầu phải dùng các Phó-tế để cộng tác làm việc
(Acts 6:1-7); cho Dân Ngoại chịu Phép Rửa mà không cần phải cắt bì (Acts
10:44-48), và giúp các ông giải quyết khác biệt như trong trường hợp của Phaolô
(Acts 9:26-30).
(2) Chúa Thánh Thần sẽ làm cho các môn đệ nhớ lại mọi điều Chúa Giêsu đã
nói với họ: Chúa Giêsu đã dạy các ông rất nhiều điều, nhưng các ông không tiếp
nhận được tất cả. Có những điều các ông quên, Ngài sẽ làm cho các ông nhớ lại.
Có những điều các ông không hiểu, Ngài sẽ làm cho các ông hiểu. Có nhưng điều
các ông chưa tin, Ngài sẽ làm cho các ông tin.
II. ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
- Ba Ngôi Thiên
Chúa không hoạt động riêng lẻ; nhưng các Ngài cùng nhau hoạt động nơi con người.
Khi chúng ta có một là có cả ba, khi chúng ta không có một là cũng không có cả
ba.
- Điều kiện để có
Ba Ngôi là vâng lời Chúa Giêsu bằng cách thực thi những gì Ngài muốn. Khi chúng
ta hoạt động trong sự hướng dẫn của Ba Ngôi, kết quả sẽ vô cùng khác biệt.
- Yêu mến và vâng lời
không thể tách biệt trong mối liên hệ giữa con người và Chúa Giêsu; nếu chúng
ta yêu mến Chúa Giêsu, chúng ta phải vâng giữ các giới răn của Ngài.
Anthony Đinh Minh Tiên, OP.
"Ðấng Phù Trợ mà Cha sẽ sai đến, Người sẽ dạy các con
mọi điều".(Ga 14,26)
Để được ở với Chúa
Một tu sĩ Dòng Tên đã chia sẻ kinh
nghiệm: sau những ngày bố ráp căng thẳng, ông và một số anh em bị bắt giữ. Một
viên công an nói với các tu sĩ bằng một giọng đắc thắng: “Trong những ngày qua
chắc các ông đã cầu nguyện nhiều để thoát khỏi tay chúng tôi. Nhưng các ông thấy
đó, làm sao có thể thoát khỏi tay chúng tôi được”. Nghe thế, vị tu sĩ điềm
nhiên trả lời: “Quả thật chúng tôi đã cầu nguyện nhiều, nhưng chúng tôi không cầu
nguyện để thoát khỏi tay các ông, mà để được ở trong tay Chúa”.
Để được ở trong tay Chúa, để được ở
với Chúa, để được Chúa cư ngụ trong tâm hồn, đó là mục đích của cuộc sống đức
tin mà người Kitô hữu phải không ngừng theo đuổi. Đó cũng là một trong những ý
tưởng nổi bật trong Tin mừng Gioan. Những môn đệ đầu tiên đã đến xem nơi Chua
Giêsu cư ngụ và đã ở lại với Ngài. Chúa Giêsu đã kêu gọi họ trước tiên là đến
và ở với Ngài.
Bài Tin mừng hôm nay cũng muốn đào
sâu ý tưởng ấy. “Ai yêu mến Ta, Ta sẽ yêu mến nó và sẽ tỏ mình ra cho nó”.
Trong Cựu ước, Đền thờ vốn được quan niệm như nơi cư ngụ của Thiên Chúa. Nhưng
với Chúa Giêsu, Đền thờ Thiên Chúa từ nay sẽ là tâm hồn con người; từ nay nhờ
phép rửa, người Kitô hữu trở thành đền thờ của Chúa. Nhưng sự hiện diện ấy của
Thiên Chúa, người Kitô hữu chỉ cảm nhận được khi họ yêu mến Chúa Giêsu và tuân
giữ giới răn của Ngài. Sự hiện diện ấy, người Kitô hữu chỉ có thể làm lan tỏa
chung quanh bằng việc tuân giữ giới răn của Chúa Giêsu, nghĩa là sống theo
Ngài, sống với Ngài, sống bằng chính sức sống của Ngài.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở người Kitô
hữu về sứ mệnh làm chứng cho sự hiện diện của Chúa trong trần thế. Người ta
không thể cho đi điều mình không có. Nguyên tắc này càng đúng hơn trong đời sống
đức tin: người Kitô hữu sẽ không là chứng nhân sự hiện diện của Chúa, nếu cuộc
sống của họ không có sức tỏa lan sự hiện diện ấy. Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng
ta cách làm chứng cho sự hiện diện ấy, đó là tuân giữ các giới răn của Ngài.
Khi những người ngoài nhìn vào cộng đoàn Kitô tiên khởi, họ đã phải thốt lên:
“Kìa xem họ yêu thương nhau dường nào! Đó cũng là thách đố đang được đặt ra cho
người tín hữu chúng ta: chúng ta phải sống thế nào để sự hiện diện của Chúa
không chỉ giới hạn trong nơi thờ phượng hay trong những sinh hoạt tôn giáo, mà
phải được thể hiện bằng cả cuộc sống chúng ta nữa.
“Chúng tôi không cầu nguyện để thoát
khỏi tay các ông, mà để được ở trong tay Chúa”. Ước gì, qua cuộc sống mỗi ngày,
chúng ta luôn cảm nhận được sự hiện diện yêu thương của Chúa, và đáp trả tình
yêu ấy bằng những cố gắng sống yêu thương, quảng đại để sự hiện diện và tình
yêu của Chúa cũng được người khác cảm nhận.
(gplongxuyen.net)
Ngày 07
Đấng
sống lại
"Tại sao lại đi tìm người sống giữa kẻ chết" (Lc 24,5). Trước cuộc khổ nạn, Đức Giêsu đã là con người sống động trước mắt các môn đệ, sức mạnh của sự sống, đến từ Cha, lưu chảy trong Người, nhưng vẫn chưa biểu lộ thật tràn đầy. Khi có một người xuất hiện trong thế gian thật sống động, điều này thật đáng ghi nhận. "Sống động" có nghĩa là gì? Thật khó đưa ra một định nghĩa đơn sơ rõ ràng được, nhưng thuật ngữ này là một sự đánh giá cao. Nó gợi lên một phẩm chất về thân xác, về sự hiện diện, cũng đưa ra một sự tự do về dáng vẻ theo đó, một hữu thể hiện diện không cần phải minh chứng.
Đức Giêsu ngay từ thời thơ ấu đã biết sự sống của Người đến từ Cha. Người đã nói với Đức Maria và thánh Giuse lúc lên 12 tuổi: "Cha mẹ không biết rằng con phải lo những việc của Cha con sao?"(Lc 2,49). Thánh Thần mà Cha sai đến với Người, luôn đồng hành, hướng dẫn, đổ tràn đầy trên Người. Đức Giêsu là một người Con, một người sống động. Người luôn nói và làm những gì Người phải nói và phải làm, không lo lắng có vui hay không vui: Người được đánh giá trước mặt Cha.
"Tại sao lại đi tìm người sống giữa kẻ chết" (Lc 24,5). Trước cuộc khổ nạn, Đức Giêsu đã là con người sống động trước mắt các môn đệ, sức mạnh của sự sống, đến từ Cha, lưu chảy trong Người, nhưng vẫn chưa biểu lộ thật tràn đầy. Khi có một người xuất hiện trong thế gian thật sống động, điều này thật đáng ghi nhận. "Sống động" có nghĩa là gì? Thật khó đưa ra một định nghĩa đơn sơ rõ ràng được, nhưng thuật ngữ này là một sự đánh giá cao. Nó gợi lên một phẩm chất về thân xác, về sự hiện diện, cũng đưa ra một sự tự do về dáng vẻ theo đó, một hữu thể hiện diện không cần phải minh chứng.
Đức Giêsu ngay từ thời thơ ấu đã biết sự sống của Người đến từ Cha. Người đã nói với Đức Maria và thánh Giuse lúc lên 12 tuổi: "Cha mẹ không biết rằng con phải lo những việc của Cha con sao?"(Lc 2,49). Thánh Thần mà Cha sai đến với Người, luôn đồng hành, hướng dẫn, đổ tràn đầy trên Người. Đức Giêsu là một người Con, một người sống động. Người luôn nói và làm những gì Người phải nói và phải làm, không lo lắng có vui hay không vui: Người được đánh giá trước mặt Cha.
Linh mục Philippe Le íebvre, o.p. - La Vìle
(tinmung.net)
Thứ Hai 7-5
Chân Phước Rose
Venerini *
(1656 - 1728)
hân Phước Rose sinh ở Viterbo, Ý Ðại Lợi, năm 1656. Cha
ngài là một bác sĩ. Sau cái chết của vị hôn phu, Rose gia nhập một tu viện
nhưng chỉ được vài tháng cô đã phải về nhà để chăm sóc người mẹ goá sau khi
cha cô từ trần.
Lúc bấy giờ cô Rose vẫn sống độc thân và mỗi tối cô thường
quy tụ các thiếu nữ trong phố để lần chuỗi Mai Khôi. Cô được một linh mục
dòng Tên linh hướng, là người tin rằng ơn gọi của cô là trở nên một giáo chức
"ở ngoài đời" hơn là một nữ tu chiêm niệm trong dòng; do đó, với sự
trợ giúp của hai người khác, cô mở trường học cho các thiếu nữ ở Viterbo mà
chẳng bao lâu trường ấy rất nổi tiếng và thành công.
Cô Rose có tài ăn nói hoạt bát, có khả năng giáo dục và
huấn luyện giáo chức. Cô không dễ bỏ cuộc khi gặp khó khăn trong việc phục vụ
Thiên Chúa. Không bao lâu, cô được nổi tiếng và năm 1692, Ðức Hồng Y
Barbarigo đã mời cô làm người cố vấn và giúp huấn luyện giáo chức cũng như mở
các trường học trong địa phận. Chính ở đây cô trở nên một người bạn và là cô
giáo của Lucia Filippini, là người sáng lập dòng và được phong thánh năm
1930.
Cô Rose còn mở trường ở nhiều nơi khác, đôi khi phải
đương đầu với sự chống đối có lúc quyết liệt, tỉ như họ dùng cung tên mà bắn
giáo chức và đốt trường. Nhờ sự kiên nhẫn và tín thác vào Thiên Chúa nên cô
đã vượt qua mọi trở ngại. Năm 1713, cô sáng lập một tổ chức ở Rôma và được
chính Ðức Giáo Hoàng Clêmentê XI khen ngợi.
Người
giáo chức tận tụy này từ trần ở Rôma ngày 7 tháng Năm 1728, hưởng thọ bảy
mươi hai tuổi. Sự thánh thiện của ngài được xác nhận qua các phép lạ, và năm
1952 ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô XII phong chân phước. Sau cái chết của
ngài, các giáo chức trong các trường của ngài quy tụ thành một tu hội. Ngày
nay, các Nữ Tu Venerini có mặt ở khắp nơi trên thế giới, hoạt động trong các
cộng đồng di dân người Ý.
|
|
Copyright © 2010 by
Nguoi Tin Huu.
|
*Đã được phong thánh vào ngày 03-06-2007 bởi
Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XVI. Lễ nhớ vào 07-05
(chú thích của Blog)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét