Trang

Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

21-05-2012 : THỨ HAI TUẦN VII MÙA PHỤC SINH


Thứ Hai sau Chúa Nhật VII Phục Sinh


Bài Ðọc I: Cv 19, 1-8
"Anh em tin mà đã nhận Thánh Thần chưa?"
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Xảy ra là khi Apollô ở Côrintô, thì Phaolô đi miền thượng du, rồi đến Êphêxô gặp một số môn đồ, và ngài hỏi họ: "Anh em tin mà đã nhận Thánh Thần chưa?" Họ trả lời: "Nguyên việc có Thánh Thần hay không, chúng tôi cũng chưa nghe nói". Ngài lại hỏi: "Vậy các ngươi đã chịu phép rửa của ai?" Họ thưa: "Phép rửa của Gioan". Phaolô liền bảo: "Gioan thanh tẩy dân chúng bằng phép rửa sám hối mà rằng: Hãy tin vào Ðấng sẽ đến sau ông, tức là Ðức Giêsu". Nghe vậy, họ đã chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Và khi Phaolô đặt tay trên họ, thì Thánh Thần đến ngự xuống trên họ, họ liền nói được nhiều thứ tiếng và nói tiên tri. Tất cả đàn ông chừng mười hai người.
Ngài vào hội đường, và trong suốt ba tháng, Ngài mạnh dạn rao giảng, tranh luận và thuyết phục về nước Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 67, 2-3. 4-5ac. 6-7ab
Ðáp: Chư quốc trần ai, hãy ca khen Thiên Chúa (c. 33a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Thiên Chúa đứng lên, quân thù của Người tan rã, và những kẻ ghét Người chạy trốn khỏi long nhan. Như làn khói toả, chúng rã tan, như mẩu sáp ong gần lửa chảy ra, những đứa ác nhân tiêu vong trước nhan Thiên Chúa. - Ðáp.
2) Những người hiền đức mừng rỡ hỉ hoan, trước nhan Thiên Chúa họ mừng vui sung sướng. Hãy hát mừng Thiên Chúa, hãy đàn ca danh Người, danh hiệu Người là Chúa, hãy mừng rỡ hân hoan trước nhan Người. - Ðáp.
3) Là Cha kẻ mồ côi, là Ðấng bênh vực người quả phụ, Thiên Chúa ngự trong thánh điện của Người. Thiên Chúa tạo nhà cửa cho những người bị bỏ rơi, dẫn đưa những người tù tội ra nơi thịnh đạt. - Ðáp.

Alleluia: Mt 28, 19 và 20
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 16, 29-33
"Hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: "Ðúng thế, bây giờ Thầy nói rõ ràng, và không dùng dụ ngôn nữa. Bây giờ chúng con biết rằng Thầy biết mọi sự, không cần có ai hỏi Thầy nữa. Bởi đó chúng con tin Thầy bởi Thiên Chúa mà ra". Chúa Giêsu đáp lại các ông: "Bây giờ các con mới tin ư? Này đến giờ, và đã đến rồi, các con sẽ tản mát mỗi người một ngả, bỏ mặc Thầy một mình. Nhưng Thầy không ở một mình đâu, vì có Cha hằng ở với Thầy. Thầy nói với các con những điều đó để các con được bình an trong Thầy. Giữa thế gian, các con sẽ phải đau khổ, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Ðoạn Tin Mừng hôm nay báo việc môn đệ vấp ngã. Giáo Hội cho ta đọc đoạn này giữa mùa Phục Sinh - mùa hồng phúc, mùa yêu thương và hy vọng. Ðức Giêsu đã báo cho những môn đệ của Ngài, nhưng Kitô hữu chúng ta hôm nay sẽ phải lao đao khốn quẫn vì bóng đêm tội lỗi, vì thiếu vắng niềm tin. Sự ác lộng hành và thế gian bách hại... Chúa Giêsu đi trước chúng ta, Ngài cũng đã lãnh chịu tất cả những điều đó và người môn đệ của Ngài cũng sẽ bước theo con đường đó. Nhưng chúng ta đừng sợ vì Ngài đã chiến thắng thế gian. Ngài đã vượt qua quyền lực sự chết và bóng đêm của tội lỗi. Ngài dạy ta hãy vững lòng và tìm bình an nơi Ngài để can đảm bước lên.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng con là những người môn đệ của Chúa còn đang loay hoay giữa biển đời. Theo Chúa lên đường để về nơi phúc thật là hành trình xa xôi và vất vả. Xin giúp chúng con biết chạy đến cùng Ngài để đón nhận sự bình an và can đảm mỗi khi mỏi mệt đơn côi. Xin giúp chúng con chiến thắng con người yếu đuối, nặng nề của chúng con, để chúng con lên đường trong thanh thản và an vui. Amen.

(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Môn Ðệ Bỏ Thầy

"Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha luôn ở với Thầy".
Những lời này Chúa Giêsu nói trước để an ủi các môn đệ trong biến cố sắp xảy đến với Ðức Giêsu và cho chính họ. Họ đã mường tượng nhiều nguy cơ sẽ đến với họ và đến với Thầy mình. Họ hoang mang, nhưng Chúa Giêsu trấn tĩnh, Người bảo họ "đừng sợ", có Chúa Cha ở với Người, Người ở với họ và Người sẽ vượt thắng hết thế gian, cản trở mọi gian nan, Ngài nói: "Hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian rồi" (Ga 16,33).
Ðó cũng là những lời Chúa Giêsu nói với mỗi người chúng ta, nhất là chúng ta đều lo lắng về ngày mai, về những thử thách sẽ đến trong tương lai, ai không lo cho ngày mai thì bị xem như là kẻ khờ khạo và vô ý thức. Nỗi sợ hãi và lo lắng cho ngày mai còn đặc biệt hơn cho những người khi họ nghĩ đến năm 2000, họ nghĩ rằng có thể là tận thế hay gần đến tận thế. Lo lắng cho ngày mai là bản tính con người, vì ngày mai là một phần quyết định cho đời mình mà mình lại không quyết định được. Ngày mai ấy lại đáng lo vì chính mình Chúa Giêsu đã xác nhận rằng: "Trong thế gian anh em sẽ phải gian nan khốn khổ" (Ga 16,33).
Gian nan khốn khó như là thân phận con người và của mọi người. Anh em sẽ khốn khó hơn vì anh em là đồ đệ của Thầy, vì anh em tin và theo Thầy. Người nói: "Nếu thế gian ghét anh em thì nó đã ghét Thầy trước..." (Ga 15,18-22). Song chính vì đức tin mà chúng ta phải gian nan đau khổ, thì cũng chính nhờ đức tin vì Thiên Chúa mà chúng ta sẽ được an ủi. Cùng với Chúa, chúng ta vượt thắng đau khổ do thế gian gây nên, thắng sự chết bằng chính những đau khổ do thế gian gây nên, thắng sự chết bằng chính những đau khổ của Người, "lấy độc trị độc". Chính sự chết của Ngài mà Ngài đã chiến thắng sự chết và đem lại sự sống trưởng cửu cho những kẻ tin Ngài.
Chúng ta cần lưu ý để không thể sai lầm về sự chiến thắng của Thiên Chúa, thái độ và hành động chiến thắng của Người là bằng tình thương bằng hy sinh mà khắc phục được thế gian và đau khổ. Người không chủ trương thắng bằng những lối hống hách, nhưng thói kiêu căng "thừa thắng xông lên" để chà đạp những người yếu hèn hơn mình, không phải chiến thắng bằng tiền của hay khoa học, mà bằng tình thương chân thật, dám chết cho người mình yêu. Hiểu sai lầm về tình thương của Thiên Chúa sẽ khiến chúng ta đi lạc đường lầm lối như Chúa nói: "Giờ sẽ đến và khi đã đến rồi, anh em sẽ phân tán mỗi người một ngả và để Thầy cô độc một mình" (Ga 16,32); "Chúa Cha ở với Thầy và Thầy ở với anh em". Trước khi về trời, Chúa Giêsu nói: "Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng phù trợ khác và Ngài đến ở với anh em luôn mãi" (Ga 14,16).
Thiên Chúa ở gần chúng ta luôn mãi để nâng đỡ và che chở chúng ta, song tiếc thay chúng ta không biết hay không màng chi đến Ngài, như hai môn đệ trên đường Emmau có Chúa cùng đi với họ trong những lúc họ chán nản nhất mà họ không nhận ra. Như câu chuyện người đi trên cát kể rằng: Trong giấc mộng nửa đêm, một người kia mơ thấy mình đi bộ với Thiên Chúa trên bãi biển. Người kia đã hồi tưởng mọi giai đoạn cuộc sống của mình được chiếu lại trên bầu trời xanh, trong đó anh cũng thấy có hai cặp dấu chân in song hành trên cát, một của anh và một của Chúa. Nhưng khi nhớ lại đến một quãng đời đen tối nhất của mình, thì anh lại thấy lúc đó chỉ có một cặp dấu chân mà thôi. Như hoảng sợ, anh liền hỏi Chúa: "Lạy Chúa, Chúa nói rằng một khi con theo Chúa thì nhất định Chúa sẽ mãi mãi đồng hành với con, nên con không hiểu được tại sao lúc con cần Chúa hơn hết thì Chúa lại bỏ con?"
Thiên Chúa trả lời: "Này con yêu quí của Cha, Cha rất yêu thương con và không bao giờ lìa bỏ con, lúc con bị đau khổ thử thách nhất, con thấy có chỉ có một cặp dấu chân trên cát là vì lúc đó Cha bồng con trên tay". Amen.

(Veritas Asia)

21/05/12 THỨ HAI TUẦN 7 PS
Th. Christôphôrô Magalanê, lm và các bạn tử đạo
Ga 16,29-33


XÁC NHẬN NIỀM TIN

“Chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến”… Đức Giêsu đáp: “Bây giờ anh em tin à?…Can đảm lên ! Thầy đã thắng thế gian.” (Ga 16,30-31.33)

Suy niệm: “Bây giờ anh em tin à?” Có quá trễ để các môn đệ xác nhận niềm tin rằng Chúa Giêsu từ Thiên Chúa mà đến hay không? Đối với các môn đệ thì trễ, vì gần ba năm trời ở với Chúa, các ông vẫn còn do dự, còn chút gì đó chưa rõ ràng; nhưng đối với Chúa Giêsu thì vẫn còn sớm, vì các ông cần phải kiểm định niềm tin ấy khi Chúa đi chịu chết và ngay cả khi Ngài sống lại hiện ra nhiều lần cho các ông. Dù sao lần xác nhận này là cơ sở cho những gì mà các ông cần tham chiếu vào đó mà chất vấn chính lương tâm và thiện chí của mình trong tương lai. Tin là một chuyện, còn thể hiện niềm tin là chuyện khác. Vì thế Chúa Giêsu khích lệ các ông để xác tín hôm nay sẽ trở thành hành động cho những ngày sắp tới. Trong những ngày đó từng người phải “can đảm” mới có thể vượt qua những thử thách mà mình phải chịu đựng.

Mời Bạn: Trước những nghịch cảnh, đức tin chúng ta dễ bị lung lay. Lời ta cầu xin Chúa thêm đức tin cho mình vẫn chưa đủ sức giúp ta vượt qua. Ta còn cần sự can đảm, can đảm chấp nhận nghịch cảnh. Ta cần xin Chúa điều này nữa.

Sống Lời Chúa: Chỉ khi ta “ở với Chúa,” và “trong Chúa” ta mới được bình an. Rời xa Ngài, ta sẽ bị chao đảo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, khi chúng con đọc và suy gẫm Lời Chúa, xin Chúa tiếp thêm sự can đảm cho chúng con. Khi chúng con tham dự thánh lễ và rước Mình Máu Chúa, xin Chúa ban cho chúng con sức mạnh để lướt thắng cám dỗ nghi ngờ và bỏ cuộc trên con đường theo Chúa. Amen.



Ngôn ngữ xử dụng trong việc rao giảng Tin Mừng
Bài đọc: Acts 19:1-8: Jn 16:29-33.
Người rao giảng phải xử dụng ngôn ngữ nào để việc rao giảng Tin Mừng có hiệu quả? Trước tiên, xét về phía người rao giảng, vì họ là người đem lời chân lý của Chúa đến cho con người; nên lời của họ phải chứa đựng sự thật. Thứ đến, xét về phía người nghe, đại đa số là thường dân và không có vốn liếng văn chương nhiều để hiểu biết những lời nói bóng bảy, chải chuốt. Vì thế, ngôn ngữ các nhà giảng thuyết dùng phải làm sao cho đơn giản, trong sáng, và dễ hiểu. Hơn nữa, mục đích của việc rao giảng Tin Mừng là đưa khán giả tới niềm tin vào Thiên Chúa và thúc đẩy việc ăn năn xám hối; chứ không phải là để thưởng thức những áng văn hay phân tích văn chương. Vì thế, nhà giảng thuyết phải dùng những lời chân tình, do Thánh Thần hướng dẫn, để đánh động tâm hồn khán giả, giúp họ nhận ra tình thương Thiên Chúa, và nhận ra những yếu đuối và tội lỗi của họ, sẵn sàng cho sự hoán cải tâm hồn.
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta những ví dụ cụ thể trong việc loan truyền Tin Mừng. Trong Bài Đọc I, khi Phaolô đến Ephesô và hỏi các tín hữu ở đây họ đã lãnh nhận Thánh Thần chưa, họ trả lời: "Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói." Phaolô giải thích cho họ về sự khác nhau giữa hai Phép Rửa, và khi họ đã hiểu, ông làm Phép Rửa nhân danh Đức Kitô cho họ, và họ được lãnh nhận Thánh Thần. Trong Phúc Âm, khi Chúa Giêsu biết Cuộc Thương Khó đã gần kề, Ngài xử dụng ngôn ngữ chân thành của tình yêu để giúp các Tông-đồ hiểu rõ những gì sắp xảy ra; để các ông biết cách đối phó khi phải đương đầu với tình thế.
I. KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phaolô kiên nhẫn giáo dục các tín hữu tại Ephêsô.
1.1/ Phaolô phân biệt hai Phép Rửa: Trong thời kỳ đầu tiên của Giáo Hội, nhiều tín hữu nghĩ chỉ có một Phép Rửa duy nhất là Phép Rửa bằng nước của Gioan Tẩy Giả. Họ chưa bao giờ nghe tới Phép Rửa bằng Thánh Thần nhân danh Đức Kitô, và tại sao phải chịu Phép Rửa này, như lời các tín hữu tại Ephesô trả lời Phaolô hôm nay: "Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói." Hiểu biết sự thiếu thốn của dân, Phaolô kiên nhẫn mở trí cho họ:
(1) Phép Rửa bằng nước của Gioan Tẩy Giả: là Phép Rửa tỏ lòng sám hối. Ông Gioan làm Phép Rửa này để tha thứ và chuẩn bị tâm hồn cho dân để họ tin vào Đấng đến sau ông, tức là Đức Giêsu. Phép Rửa này cần thiết, nhưng không phải là Phép Rửa duy nhất.
(2) Phép Rửa bằng Thánh Thần của Chúa Giêsu: Chúa Giêsu chịu Phép Rửa bởi Gioan, nhưng không để được tha tội, vì Ngài chẳng có tội gì để được tha. Các Giáo Phụ cắt nghĩa, Chúa Giêsu chịu Phép Rửa bởi Gioan để thánh hiến Nước của sông Jordan và tất cả nước mà Giáo Hội dùng để rửa tội cho các tín hữu. Nhưng điều khác biệt chính giữa hai Phép Rửa là sự hiện diện của Thánh Thần đậu xuống trên Ngài.
Khi các tín hữu chịu Phép Rửa, họ không chỉ được tha tội, nhưng còn được thánh hóa bởi Thánh Thần. Thánh Thần thánh hóa con người bằng cách làm cho họ hiểu biết Lời Chúa, và ban những ơn thánh cần thiết để giúp họ sống xứng đáng ơn gọi của những người làm con Chúa. Chúng ta có thể nhận thấy điều này khi chứng kiến anh chị em tân tòng gia nhập đạo: họ không chỉ chịu Phép Rửa bằng nước, nhưng còn lãnh nhận Thánh Thần qua việc xức dầu, và sau cùng được lãnh nhận Bí-tích Thánh Thể trong cùng một nghi lễ. Đối với các em bé, Giáo Hội chia ra làm ba Bí-tích riêng biệt trong quá trình thành người trưởng thành của em: Rửa Tội khi ra đời, lãnh nhận Mình Chúa khi đến tuổi biết phân biệt, và Thêm Sức khi đến tuổi biết làm chứng.
1.2/ Phaolô làm Phép Rửa ban Thánh Thần cho các tín hữu: "Khi ông Phaolô đặt tay trên họ, thì Thánh Thần ngự xuống trên họ, họ nói tiếng lạ và nói tiên tri. Cả nhóm có chừng mười hai người." Nói tiếng lạ không chỉ giới hạn vào việc nói các ngôn ngữ khác nhau như các Tông-đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần; nhưng trải rộng trong việc nói ngôn ngữ làm cho người khác hiểu những gì mình nói: ngôn ngữ của sự thật và của tình yêu. Nói tiên tri cũng không giới hạn vào việc tiên báo những sự kiện sẽ xảy đến trong tương lai; nhưng là nói thay Chúa, loan truyền những Tin Mừng cho những người chưa được nghe Thiên Chúa nói trong cuộc đời của họ. Khi các tín hữu được nói tiếng lạ và nói tiên tri, họ không nói những lời vô nghĩa và lộn xộn như những người mất trí; nhưng là những lời sự thật và xây dựng mà các tín hữu khác có thể hiểu. Sau khi làm Phép Rửa, ông Phao-lô vào hội đường, và trong vòng ba tháng, ông mạnh dạn rao giảng, thảo luận về Nước Thiên Chúa và cố gắng thuyết phục họ.
2/ Phúc Âm: Chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến.
2.1/ Đức tin và sự thử luyện:
(1) Chúa Giêsu nói từ tâm lòng với các môn đệ: Như chúng tôi đã đề cập trong những lần chia sẻ trước, trình thuật hôm nay nằm trong phần giáo dục dành riêng cho các môn đệ của Chúa Giêsu. Khán giả khác thì ngôn ngữ và lối suy luận dùng cũng phải khác, nhất là Chúa Giêsu không cón nhiều thời gian để dạy dỗ các ông, nên Ngài dùng ngôn ngữ của trái tim để chuẩn bị cho các ông những gì sắp xảy đến. Không lạ gì mà các ông hiểu và thưa Ngài: "Đấy, bây giờ Thầy nói rõ, chứ không còn dùng dụ ngôn nào nữa. Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và Thầy không cần phải có ai hỏi Thầy. Vì thế, chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến."
(2) Giờ các môn đệ có đức tin là giờ mà cả Thầy trò phải chịu thử thách. Đức Giêsu đáp: "Bây giờ anh em tin à? Này đến giờ - và giờ ấy đã đến rồi - anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy." Chúa Giêsu không có ý mỉa mai các môn đệ khi nói những lời này, nhưng Ngài muốn các ông hiểu hai sự thực quan trọng: Thứ nhất, đức tin cần phải được thử luyện để biết đâu là đức tin vững chắc. Thứ hai, người nào có đức tin vững chắc không bao giờ cô độc; người ấy luôn có Thiên Chúa đồng hành và vượt qua mọi thử thách của cuộc đời.
2.2/ Chúa Giêsu để lại hai nguồn bình an của Ngài cho các môn đệ.
(1) Các môn đệ được bình an khi phản bội Thầy: Làm sao chúng ta hiểu câu tuyên bố của Chúa: "Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an." Chúa biết các ông sẽ phản bội Ngài vì sợ hãi và yếu đuối trong Cuộc Thương Khó; nhưng Chúa vẫn yêu thương và trung thành với các ông. Chúa muốn nói những lời này trước khi sự phản bội xảy ra, để các ông đừng thất vọng đến chỗ tìm quyên sinh như Judah, nhưng biết tin vào sự tha thứ của Ngài.
(2) Lời hứa chiến thắng trước khi đụng trận: "Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian." Không có gì kích thích lòng nhiệt thành của các môn đệ hơn là lời hứa sẽ chiến thắng. Một khi đã nắm chắc phần thắng lợi trong tay, người môn đệ sẽ lao vào chiến trường mà không gian nguy nào có thể làm chùn chân ông.
II. ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta không cần dùng những lời lẽ văn chương bóng bảy hay chải chuốt trong việc loan báo Tin Mừng; nhưng cần những lời sự thật, đơn sơ mà mọi người đều có thể hiểu.
- Quan trọng hơn nữa là chúng ta nên dùng những lời chân tình phát xuất từ trái tim, và được sưởi ấm bởi Thánh Thần. Khán giả dễ nhận ra và đồng cảm với những người quan tâm đến cuộc sống của họ, vì Thánh Thần cũng là Người đang hoạt động trong khán giả.
- Chúng ta đừng sợ bất cứ điều gì trong hành trình rao giảng Tin Mừng, vì chúng ta tin tưởng Ba Ngôi Thiên Chúa luôn đồng hành để soi sáng, nâng đỡ và bảo vệ chúng ta.
Anthony Đinh Minh Tiên, OP.

Thứ Hai tuần 7 Phục Sinh
Sứ điệp: “Trong thế gian, các ngươi sẽ phải khốn khó. Nhưng hãy can đảm lên, Ta đã thắng thế gian”. Đó là lời Chúa Giêsu tiên báo và là niềm an ủi cho mỗi người chúng ta.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, khác với mọi nhà chính trị, trước khi Chúa về cùng Chúa Cha, Chúa đã tiên báo cho những kẻ theo Chúa toàn là những sự khốn khó, nào là bắt bớ, ưu phiền, nào là chống đối, tan rã… Quả thật, hai ngàn năm qua là một bằng chứng cho thấy đã ứng nghiệm cái sự thật đáng sợ đó. Giáo Hội luôn bị bách hại. Tuy nhiên Chúa đã an ủi khích lệ Giáo Hội can đảm lên. Tất cả mọi gian khổ thử thách, dù đáng sợ đến đâu, vẫn không thể ngăn cản Giáo Hội tiến đến chiến thắng cuối cùng mà Chúa dành cho Giáo Hội.
Lạy Chúa, sống giữa thế gian đầy sức mạnh tấn công, đầy gương xấu và mọi thứ lý thuyết đi ngược lại đường lối của Chúa, xin Chúa cho con luôn can đảm, cho con nhớ rằng Chúa đã không báo trước cho con những điều thuận lợi, may lành, mà là báo trước những sự đau khổ, bất lợi và thiệt thòi gắn liền với lý tưởng phụng sự Chúa. Vì thế, khi gặp những nghịch cảnh, con không ngỡ ngàng nhưng biết đón nhận với lòng yêu mến Chúa. Với tình yêu, con sẽ vượt qua tất cả. Khi con thông phần vào thập giá Chúa thì con cũng được chia sẻ phần vinh quang phục sinh.
Lạy Chúa, Chúa là cùng đích của đời con, xin cho con luôn vững tin vào Chúa, hy vọng nơi Chúa. xin cho con trung thành theo Chúa trên con đường thánh giá, để con dự phần vào chiến thắng của Chúa. Chúa đã chiến thắng thế gian, xin giúp con nhìn lên Chúa mà an tâm tiến bước. Amen.
Ghi nhớ : "Hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian".

Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 21-5 - Thánh Christôphôrô Magallanes, linh mục, và các bạn, tử đạo;
Cv 19, 1-8; Ga: 16, 29-33.
LỜI SUY NIỆM:
          “Chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến,” Đức Giêsu đáp: “Bây giờ anh em tin à? Này đến giờ, và giờ ấy đã đến rồi., anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy.” (Ga 16,30b-32).
          Sau những mù mờ, chậm hiểu của các tông đồ về Chúa Giêsu, các ông đã tin Chúa Giêsu đến từ Thiên Chúa. Chúa Giêsu vui mừng. Chúa biết tận cõi lòng của từng con người. Chúa Giêsu nói đến điều các ông sắp vấp phạm; không phải là trách cứ các ông. Nhưng Chúa Giêsu nói lên điều trong câu 32; Ngài muốn nói lên niềm tin và yêu thương của Ngài đối với các ông. Dù các ông thế nào đi nữa thì các ông vẫn được Ngài yêu thương và tin dùng. Trong cuộc sống của chúng ta cũng thế, tội của chúng ta có tái phạm đi tái phạm lại, bởi những mỏng dòn yếu đuối của chúng ta. Chúa vẫn luôn yêu thương và tha thứ cũng như tin dùng chúng ta; Chúa yêu thương con người thật của chúng ta trong hiện tại. Nên chúng ta đừng có thất vọng, phải đứng lên với ân sủng của Ngài qua các phép bí tích.
Mạnh Phương
*****************************************
21 Tháng Năm
Ðôi Cánh Con Tuấn Mã
Hai người bạn thân ngồi bên nhau dưới một bóng cây cổ thụ. Cả hai đều đưa mắt nhìn về cánh đồng trước mặt, nhưng mỗi người một ý nghĩ.
Người có dáng vẻ đầy nghị lực, cái nhìn cương quyết, thốt lên như sau: "Một cảnh vật phẳng lặng và độc điệu như thế này quả thực là nhàm chán. Tôi sẽ rời bỏ ngôi làng nhỏ bé này để làm một vòng du lịch cho biết đó biết đây".
Người bạn khác với dáng điệu mảnh khảnh ít nói, mỉm cười nhìn vào phong cảnh xung quanh rồi nói: "Tôi cũng có một con tuấn mã. Từ bao lâu nay, tôi đã đi lại không biết bao nhiêu nơi rồi".
Hai người chia tay nhau và hẹn cũng gặp lại dưới bóng cây cổ thụ để kể cho nhau nghe những cuộc du lịch của mình.
Sau một năm, họ lại gặp nhau... người thứ nhất kể chuyện: "Trong một năm qua, hầu như nơi nào tỗimcung đã đặt chân đến. Tôi đã đi xuống biển, lên ngàn, vượt đèo, qua suối. Tôi đã gặp không biết bao nhiêu người. Tôi đã học được bí quyết kiếm được nhiều tiền... Giờ đây, tôi trở nên giàu có. Tôi sẽ tiếp tục đi du lịch... Còn bạn, bạn đã đi được nơi nào trong suốt năm qua?".
Người bạn chưa từng rời bỏ ngôi làng của mình đã trả lời: "Tôi đã lên trời, tôi đã bay lượn trên các tầng mây. Tôi đã đến đô thị của mặt trời". Nghe thế, người kia thắc mắc: "Phải chăng con tuấn mã của anh bay được?". Con người có tâm hồn thi sĩ trả lời: "Ðúng thế, con ngựa của tôi có đôi cánh. Nó đưa tôi lên tất cả những nơi nào tôi muốn. Mắt tôi nhìn thấy được muôn kỳ công của vũ trụ. tai tôi nghe được muôn điệu nhạc của thiên nhiên... Ðối với anh, sự giàu có nằm trong của cải vàng bạc. Nhưng đối với tôi, của cải chính là đôi mắt của tâm hồn tôi. Cho dẫu một năm qua, tôi chỉ ngồi dưới bóng cây cổ thụ này, cho dẫu quang cảnh trước mặt tôi chỉ là cánh đồng phẳng lặng này, nhưng tâm hồn tôi nhìn thấy muôn nghìn cảnh đẹp của thiên nhiên, tai tôi có thể nghe được bao nhiêu điệu nhạc của thiên nhiên mà anh không thể nghe được".
Người có tâm hồn nghệ sĩ có những rung cảm mà người khác không có. họ nhìn thấy, họ lắng nghe được những điều mà người khác không cảm nhận được. Cũng thế, người có đôi mắt Ðức tin có thể nhìn thấy các giá trị mà người khác không nhìn thấy. Ðôi mắt Ðức tin giúp chúng ta cảm nhận được sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa trong vũ trụ, trong lịch sử, trong con người. Ðôi mắt Ðức tin ấy giúp chúng ta thấy được giá trị của cuộc sống độc điệu, của những hy sinh âm thầm hằng ngày. Ðôi mắt Ðức tin ấy giúp chúng ta thấy được lẽ khôn ngoan trong những điều người đời cho là điên dại, sức mạnh trong những cái yếu đuối. Ðức tin ấy giúp chúng ta nhìn thấy ánh sáng trong tăm tối, sự sống trong cái chết, ân sủng trong tội lỗi.
(Lẽ Sống)
*****************************************
Ngày 21
Thánh Christôphôrô Magallanes, linh mục,
và các bạn tử đạo

“Chúng con biết, chúng con tin”
Gần như tất cả mọi yêu tố đều tập trung để có một tuyên xưng đức tin thật tốt đẹp về phần các tông đồ. Dù vậy, không còn nghi ngờ gì sự thành thực trong giây phút này, Đức Giêsu vẫn bị đặt vấn đề trước những xác quyết phấn khởi của họ. Rõ ràng, Người biết đức tin của họ thật mỏnh manh, sẽ đổ vỡ trước thử thách khi tiến đến thập giá. Người báo trước cho họ giây phút Người bị bắt, và họ đã bỏ Người và "trốn biệt"

Đó là một gợi nhớ cho Giáo hội trong suốt lịch sử và ngay cả ngày hôm nay: không phải vì hiện hữu cũng như đức tin, cũng không phải sự can đảm hay nhân đức của mọi thành phần, nhưng gắn bó vào điều Đức Giêsu đã làm cho họ. Việc các môn đệ bỏ chạy, bỏ lại Đức Giêsu một mình đối diện với cái chết, không có nghĩa là Chúa Cha đã bỏ Người. Nơi thánh Gioan, cuộc khổ nạn là "Giờ" mang dấu ấn phó thác. Vì thế Đức Giêsu kết thúc diễn từ giã biệt khi ban cho môn đệ sự bình an của Người để vượt qua thử thách đang chờ đợi họ.

Từ nay thế gian không có gì đế chống lại Đức Kitô, không chống lại các môn đệ của Người, không chống lại Giáo hội của Người.
Michel Bertrand 

Thứ Hai 21-5

Thánh Crispin ở Viterbo

(1668 -- 1750)
T
hánh Crispin tên thật là Phêrô Fioretti, sinh ở Viterbo, nước Ý. Ngài mồ côi cha ngay khi còn nhỏ. Vì hay đau yếu mà nhà lại nghèo, nên bà mẹ đã dâng cậu con trai năm tuổi cho Ðức Mẹ. Biến cố đó không bao giờ phai nhạt trong đầu Phêrô mà sau này cậu thường coi Ðức Maria như mẹ ruột của mình.
Vì nghèo không đủ tiền đi học, Phêrô theo ông chú học nghề đóng giầy, cho đến khi 25 tuổi, Phêrô gia nhập dòng Capuchin với tư cách thầy trợ sĩ và lấy tên là Crispin.
Sau khi khấn trọn, ngài được giao cho công việc đầu bếp cho nhà dòng ở Tolfa. Như lúc còn ngoài đời, ngài luôn luôn sùng kính Ðức Mẹ và qua sự cầu nguyện của thầy, nhiều người đã được chữa lành về phần xác cũng như phần hồn. Có lần một nhà quý tộc vì sống trác táng nên bị đau nặng và đến xin Thầy Crispin cầu nguyện. Thầy hỏi, "Thưa ngài, ngài muốn Ðức Mẹ chữa ngài, nhưng nếu giả như có người xúc phạm đến Con của Mẹ thì người ấy có làm buồn lòng Ðức Mẹ không? Nếu thực sự sùng kính Ðức Mẹ thì không thể xúc phạm đến Con của Mẹ được." Nhà quý tộc đã ăn năn sám hối và thay đổi đời sống.
Cùng với công việc đầu bếp, y tá, làm vườn, Thầy Crispin là người khất thực chính cho nhà dòng trong gần 40 năm. Ngay từ khi mặc áo dòng cho đến khi từ trần, thầy được Chúa ban cho ơn chữa lành bệnh tật và bất cứ ai đến với thầy đều cảm thấy phấn khởi và được bình an trong tâm hồn. Trong thời gian khất thực ở Orvieto, ngài không chỉ xin cho nhà dòng, mà còn xin cho tất cả những người nghèo ở đây.
Ngài đích thực là con cái của Thánh Phanxicô, luôn luôn vui vẻ và hăng say phục vụ cho đến khi từ trần vào lúc tám mươi hai tuổi. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô VII phong chân phước năm 1806 và Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh cho ngài năm 1982

Lời Bàn

Cha Henri de Lubac, dòng Tên, đã viết, "Chúng ta phải yêu quý thời đại của chúng ta, nhưng không nhượng bộ tinh thần của thời đại, có như thế, mầu nhiệm Kitô Giáo trong chúng ta sẽ không bao giờ mất sức sống" (Sự Huy Hoàng của Giáo Hội, t. 183). Thánh Crispin quý trọng bất cứ ai mà Thiên Chúa đã đưa đến với ngài và trong bất cứ thời gian nào. Thánh Crispin đã trở nên cuốn phúc âm sống động cho anh em dòng và cho người dân ở Orvieto. Sự thánh thiện của ngài đã khuyến khích họ sống bí tích rửa tội một cách độ lượng hơn.

Lời Trích

Trong bài giảng lễ phong thánh cho Thầy Crispin, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng gia đình nhân loại thường bị "cám dỗ bởi quyền tự trị lầm lạc, vì từ chối các giá trị Phúc Âm, do đó, nhân loại cần đến các thánh, là những gương mẫu đã dùng đời sống cụ thể của mình để minh chứng tính cách xác thực của Ðấng Tối Cao, giá trị của sự Mặc Khải và sự Cứu Ðộ mà Ðức Kitô đã hoàn thành"(Báo L'Observatore Romano 1982, tập 26, số 1).
 by Nguoi Tin Huu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét