Thứ Hai sau Chúa Nhật 9 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm II) 2 Pr 1, 1-7
"Người ban cho anh em những lời hứa quý báu, để nhờ đó anh em được
thông dự vào bản tính Thiên Chúa".
Khởi đầu thư thứ hai của Thánh Phêrô Tông đồ.
Tôi là Simon Phêrô, tôi tớ và tông đồ của Ðức Giêsu Kitô, kính gửi những
người thừa hưởng một đức tin quý giá ngang hàng chúng tôi, nhờ sự công chính của
Ðức Giêsu Kitô, là Thiên Chúa và là Cứu Chúa của chúng ta.? Nguyện (chúc) ân sủng
và bình an đổ xuống tràn đầy cho anh em, trong ơn nhận biết Thiên Chúa và Ðức
Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!
Bởi chưng quyền năng linh thiêng của Người đã ban cho anh em mọi điều cần
ích cho sự sống và lòng đạo đức, nhờ sự nhận biết Ðấng dùng vinh quang và quyền
năng kêu gọi chúng ta; nhờ Người mà Thiên Chúa ban cho chúng ta những lời hứa
cao trọng và quý báu, để nhờ đó, anh em được thông dự vào bản tính Thiên Chúa,
thoát khỏi cảnh đồi bại dục tình thế tục.
Phần anh em, hãy gia tăng tất cả nhiệt thành và lo sao để nhờ lòng tin mà
được thêm sức mạnh, nhờ sức mạnh được thêm thông biết, nhờ thông biết được thêm
tiết độ, nhờ tiết độ được thêm kiên nhẫn, nhờ kiên nhẫn được thêm đạo đức, nhờ
đạo đức được thêm tình huynh đệ, nhờ tình huynh đệ được thêm đức ái.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 90, 1-2. 14-15ab. 15c-16
Ðáp: Lạy Chúa con, con tin cậy ở Ngài (x.
c. 2b).
Xướng: 1) Bạn sống trong sự che chở của Ðấng Tối Cao; bạn cư ngụ dưới bóng
của Ðấng Toàn Năng. Hãy thưa cùng Chúa: "Chúa là chiến lũy, là nơi con
nương náu, lạy Chúa con, con tin cậy ở Ngài". - Ðáp.
2) Vì người yêu mến Ta, Ta sẽ giải thoát cho, Ta sẽ che chở người bởi lẽ
người nhìn biết danh Ta. Người sẽ kêu cầu Ta và Ta sẽ nhậm lời, Ta sẽ ở cùng
người trong lúc gian truân. - Ðáp.
3) Ta sẽ cứu gỡ và làm vinh dự cho người. Ta sẽ làm cho người thoả mãn cuộc
đời trường thọ, và cho người nhìn thấy ơn cứu độ của Ta. - Ðáp.
Alleluia: Gc 1, 21
Alleluia, alleluia! - Anh em hãy khiêm nhu nhận lãnh lời giao ước trong
lòng, lời đó có thể cứu thoát linh hồn anh em. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 12, 1-12
"Chúng bắt cậu con trai giết đi và quăng xác ra vườn nho".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão
rằng: "Có người trồng một vườn nho, rào dậu xung quanh, đào bồn đạp nho và
xây một tháp, đoạn cho tá điền thuê vườn nho và trẩy đi phương xa.
"Ðến kỳ hạn, ông sai đầy tớ đến với tá điền thu phần hoa lợi vườn nho.
Nhưng những người này bắt tên đầy tớ đánh đập và đuổi về tay không. Ông lại sai
đầy tớ khác đến với họ. Người này cũng bị chúng đánh vào đầu và làm sỉ nhục.
Nhưng người thứ ba thì bị chúng giết. Ông còn sai nhiều người khác nữa, nhưng kẻ
thì bị chúng đánh đập, người thì bị chúng giết chết.
"Ông chỉ còn lại một cậu
con trai yêu quý cuối cùng, ông cũng sai đến với họ, (vì) ông nghĩ rằng:
"Chúng sẽ kiêng nể con trai ta". Nhưng những tá điền nói với nhau rằng:
"Người thừa tự đây rồi, nào ta hãy giết nó và cơ nghiệp sẽ về ta". Ðoạn
chúng bắt cậu giết đi và quăng xác ra ngoài vườn nho. Chủ vườn nho sẽ xử thế
nào? Ông sẽ đến tiêu diệt bọn tá điền và giao vườn nho cho người khác. Các ông
đã chẳng đọc đoạn Thánh Kinh này sao: "Tảng đá những người thợ xây loại
ra, trở thành đá góc tường. Ðó là việc Chúa làm, thật lạ lùng trước mắt chúng
ta".
Họ tìm bắt Người, nhưng họ lại
sợ dân chúng. Vì họ đã quá hiểu Người nói dụ ngôn đó ám chỉ họ. Rồi họ bỏ Người
mà đi.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Ðọc và suy nghĩ kỹ bài Tin Mừng
hôm nay, chúng ta thấy được Thiên Chúa hết sức yêu thương con người, mà dân tộc
Israel
được dùng làm điển hình. Ngài đã kêu gọi, tuyển chọn, bảo vệ, hướng dẫn...
Nghĩa là người có cả một kế hoạch yêu thương. Khi con người thất tín, ngược đãi
và chống lại Thiên Chúa, nghĩa là muốn phá đỗ chương trình yêu thương, thì Thiên
Chúa đã tìm đủ mọi cách, ngay cả chính Con Một yêu dấu của Người, Người cũng
ban cho nhân loại. Thiên Chúa có thất bại không? Không, Thiên Chúa không thất bại.
Ðức Giêsu đã toàn thắng. Ngài đã phục sinh trong vinh quang. Dù con người bất
tín, bất trung, Thiên Chúa vẫn một mực thành tín. Ðó chính là chiến thắng của
Thiên Chúa.
Cầu Nguyện:
Lạy Cha, chúng con là con cái
Cha, Cha luôn yêu thương săn sóc chúng con. Xin cho chúng con ý thức được địa vị
cao quý của mình và chúng con phải sống thế nào cho xứng đang. Xin cho chúng
con biết khôn ngoan, đón nhận và bảo vệ ơn lộc của Cha, bằng cách tỉnh thức và
can đảm khước từ mọi cám dỗ, để chúng con luôn sống trong ánh sáng của Cha. Xin
Ðức Giêsu, Con Cha, cầu bầu cho chúng con. Amen.
(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)
Ðá tảng góc tường
(Mc 12, 1-12)
Suy Niệm:
Ðá tảng góc tường
Tin Mừng hôm nay nói về vườn
nho của Chúa được trao cho các tá điền để làm sinh lợi thêm những hoa trái mới.
Vườn nho cũ là Israel đã được Thiên Chúa chọn làm dân riêng, nhưng những kẻ có
trách nhiệm chăm sóc vườn nho ấy đã không chu toàn bổn phận của mình; còn vườn
nho mới chính là Israel mới, tức Giáo Hội đã được Chúa Giêsu thiết lập và trao
cho những tá điền mới. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn các vị lãnh đạo Do thái
thời đó hiểu rằng giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ đã bắt đầu và không còn
ngược lại được nữa; lòng độc ác của những tá điền không thể phá hủy chương
trình hành động của Thiên Chúa, Ðấng nhân từ, kiên nhẫn, nhưng cũng rất công bằng
và đòi hỏi sự cộng tác của con người.
Những chi tiết trong dụ ngôn
vườn nho gợi lên những giai đoạn của lịch sử cứu độ Thiên Chúa thực hiện cho
nhân loại. Cái chết của người con của ông chủ vườn nho thoạt xem ra là kết quả
của lòng thù ghét của con người đối với Thiên Chúa. Như những tá điền muốn giết
người con được sai đến để cướp vườn nho khỏi tay ông chủ, những kẻ thù nghịch
Thiên Chúa cũng muốn loại bỏ Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa, để tự do làm chủ vận
mệnh nhân loại. Qua hình ảnh tảng đá xây đã trở nên đá tảng góc tường, Chúa
Giêsu mở ra chìa khóa để con người có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa liên hệ đến
việc cứu chuộc của Ngài.
Chúa Giêsu Phục Sinh sau biến
cố Vượt Qua của Ngài đã trở thành nền tảng cho vườn nho mới là Giáo Hội. Giáo Hội
và mỗi thành phần Giáo Hội đều thuộc về Chúa Kitô. Mỗi người phải xây dựng và
phát triển đời sống mình trên nền tảng duy nhất là Chúa Kitô. "Tôi sống
nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi", đó là bí
quyết của mỗi môn đệ Chúa Kitô ở mọi thời và mọi hoàn cảnh, đó là bí quyết duy nhất
để Chúa Kitô trở thành đá tảng nâng đỡ đời sống người Kitô hữu.
Lời của Chúa hôm nay cảnh tỉnh
chúng ta trước trách nhiệm phải làm sao để dung mạo của Chúa được chiếu tỏa
trong đời sống chúng ta và trong Giáo Hội. Chúa Giêsu là Ðá Tảng góc tường, là
nền tảng và là sức sống cho cuộc đời chúng ta, xin cho chúng ta đừng bao giờ
lìa xa Chúa.
(Veritas Asia)
"Chúng bắt cậu con trai giết đi và
quăng xác ra vườn nho".
Dụ ngôn lớn lao
Đức Giêsu bắt đầu dùng dụ ngôn mà
nói với họ rằng: “Có người kia trồng được một vườn nho; ông rào giậu chung
quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác rồi trẩy
đi xa. Đến mùa, ông sai một đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi vườn nho
mà họ phải nộp. Nhưng họ bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không.” (Mc.
12, 1-3)
Nếu chúng ta coi dụ ngôn những tá điền
sát nhân là một câu truyện vĩ đại, một câu truyện rất vĩ đại có nhiều điều khó
tin, thì đối với những người Do thái được nuôi dường trong văn hóa Kinh thánh,
nó là một lời tiên tri trong sáng. Đối với chúng ta, vườn nho là vườn nho cho
dù có rộng mênh mông đến thế nào, thì thái độ khờ khạo của ông chủ vườn nho
cũng vượt xa giới hạn của vườn. Còn đối với những người đầy tớ cũng như người
con trai cứ ngoan ngõan tới cho người ta lần lượt giết chết, thiết tưởng cũng cảm
động, nếu như họ không phải là những người quá điên khùng. Đối với thính giả Do
thái, dù là người ít thông thạo nhất về thể văn, thì vườn nho đáng thèm khát biết
bao kia chính là Israel
và họ chẳng cần phải giải thích chút nào mới nhận ra được các ngôn sứ là những
người đầy tớ bị hành hạ và Đức Giêsu là người Con yêu dấu.
Những dụ ngôn rất thường là những chứng
cứ Kinh thánh vốn không có gì bí ẩn đối với những người đương thời của Chúa
Giêsu. Đó là tranh ảnh riêng của họ, không cần đến lời giải thích. Hiển nhiên
khi chúng ta buộc phải soạn ra ít lời giải thích giá trị của những hình ảnh hay
họa phẩm của ta, thì điều khó nói, khó diễn tả vẫn là nét truyền cảm toát ra từ
tranh ảnh hay bức họa đó. Đó chính là trường hợp những dụ ngôn của Chúa Giêsu,
những dụ ngôn đó là ngôn ngữ gia đình, là tiếng nói thân thương của họ, đang
khi đối với chúng ta nó là những ẩn ngữ hay trò chơi tìm ô chữ vậy.
Chúa Giêsu với lai lịch của Người
Mục sư Bonhoeffer viết: “Ai muốn đi
vào và cảm nghiệm quá vội vã và quá trực tiếp cái hồn của Tân ước, thì người
đó, theo ý kiến tôi không phải là Kitô hữu…Người ta không thể cũng không nói ra
được tiếng cuối cùng trước khi nói ra tiếng áp chót.” Để có thể cảm nhận được
Chúa và sứ điệp của Người, ta phải nhận biết không những nguồn gốc thần linh của
Người mà cả những gốc rễ nhân loại từ đó Người cũng hoàn toàn được sinh ra như
được sinh ra từ Cha Người Đấng ngự trên trời. Cũng vậy, Cựu ước được Chúa mạc
khải như Tân ước, và Cựu ước cũng là Lời Chúa như Phúc âm, thiết tưởng không phải
là điều để ta không quan tâm.
Chúa Giêsu không phải từ trời rơi xuống,
Người sinh ra trong một dân tộc, Người đã có những tổ tiên mà người ta gọi là
các tổ phụ và các tiền hô là những ngôn sứ vậy.
04/06/12 THỨ HAI TUẦN 9 TN
Mc 12,1-12
Mc 12,1-12
MỘT VỊ CHÚA TỐT
KHÔNG THỂ NGỜ
“Rồi ông lại sai nhiều người khác: kẻ thì họ đánh, người thì họ giết. Ông chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu: người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ.” (Mc 12,5-6)
Suy niệm: Trong cuộc sống có những chuyện ta không tưởng tượng nổi là sẽ xảy ra, thế mà vẫn xảy ra; có những con người mà ta không thể hình dung có thể hiện hữu trên trần thế, nhưng thực tế vẫn có những con người như vậy. Tuy nhiên, dù có óc tưởng tượng phong phú đến đâu, ta không thể nào nghĩ rằng trên trần gian này lại có một người quá đặc biệt như ông chủ vườn nho trên đây. Ông quả thật là một người kiên nhẫn, nhân hậu đến độ gần như nhu nhược: Ông để cho các tá điền độc ác hành hạ các đầy tớ của mình và cuối cùng giết chết chính người con một yêu quý. Đó lại là chính hình ảnh mà Đức Giêsu đã dùng để phác họa cho ta thấy được chân dung của CHA Ngài, cũng là CHA của chúng ta.
Mời Bạn: Cảm tạ Chúa vì có được một người Cha kiên nhẫn khác thường, quảng đại khác thường, nhân hậu khác thường như vậy. Và bạn cũng nhớ rằng Chúa cũng đang đối xử với bạn y như Ngài đã đối xử với dân Israen ngày xưa.
Sống Lời Chúa: Quỳ xuống cám ơn Chúa vì đã tỏ ra quá nhân lành, quá kiên nhẫn với bạn. Bạn cũng hứa với Chúa sẽ giúp cho những người thân nhất của mình biết sống với Chúa như những người con hiếu thảo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, nhờ Chúa Giêsu mạc khải, chúng con mới thấy được phần nào lòng nhân lành của Chúa. Xin cho con luôn biết sống với Chúa như những người con thảo, và biết sống quảng đại nhẫn nại với tha nhân như Chúa đã đối xử với con. Amen.
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 9 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: 2 Pet 1:1-7; Mk 12:1-12.
GIỚI THIỆU
CHỦ ĐỀ:
Hãy dùng những
quà tặng Chúa ban để sinh lời cho Thiên Chúa.
Theo
lẽ công bằng, có vay phải có trả. Nếu không trả được cả vốn lẫn lời, ít nhất
cũng hoàn lại cho chủ được vốn. Dụ ngôn người chủ phân phát những vốn khác nhau
cho gia nhân trước khi lên đường và trở lại phân xử là một trường hợp điển hình
(Mt 25:14-29). Nếu đã không trả lại còn kiếm cớ gây thiệt hại cho chủ, phải chịu
khổ hình là lẽ đương nhiên. Phong trào hướng đạo cũng khuyên các hướng đạo sinh
khi xử dụng đất để cắm trại: Nếu không làm cho đất đó được sạch hơn, ít nhất
cũng làm cho sạch như khi mới tới.
Các
bài đọc hôm nay muốn nêu bật bổn phận phải biết xử dụng những quà tặng Chúa ban
để sinh lợi cho bản thân và cho tha nhân. Trong bài đọc I, thánh Phêrô nhắc nhở
các tín hữu ý thức tất cả những quà tặng Thiên Chúa ban qua Đức Kitô để thăng
hoa bản thân tới chỗ thập toàn và giúp cho mọi người chung quanh. Trong Phúc
Âm, Chúa Giêsu kể câu truyện vườn nho và các tá điền. Mục đích của Ngài là để
nhắc nhở cho những người Do-thái biết lòng nhân từ và sự công bằng của Thiên
Chúa. Họ không thể tiếp tục lãnh nhận quà tặng mà không sinh lời, hay tệ hơn nữa,
còn sinh những nho dại chua chát.
KHAI TRIỂN
BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Đức Kitô đã lấy thần lực của Người mà ban tặng chúng ta tất cả những gì giúp
chúng ta được sống và sống đạo đức.
1.1/
Những quà tặng Thiên Chúa ban cho các Kitô hữu:
+
Đức Kitô: Món quà tặng quí giá nhất là Đức Giêsu Kitô vì nó bao gồm mọi món quà
khác. Nhờ Người, chúng ta được trở nên công chính và được cứu độ.
+
Niềm tin vào Đức Kitô: Ngay cả niềm tin của chúng ta vào Đức Kitô cũng là do ơn
của Thiên Chúa tác động từ trong tâm hồn; nếu không có sự giúp đỡ của Thiên
Chúa, không ai có thể tự mình tin vào Đức Kitô (Jn 6:44).
+
Tất cả những gì giúp chúng ta được sống và sống đạo đức: Khi được lãnh nhận
Phép Rửa, người tín hữu được Thiên Chúa “trang bị” tất cả những gì cần thiết để
sống một cuộc đời thánh thiện, xứng đáng người con của Thiên Chúa.
+
Được thông phần bản tính Thiên Chúa: Người tín hữu được lãnh nhận Thánh Thần của
Thiên Chúa; có nghĩa họ được thông phần vào cuộc sống thần linh của Thiên Chúa.
+
Xóa tội lỗi và thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian: Chúa
Giêsu chấp nhận cái chết để chuộc tội cho con người; vì thế, con người không
còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa. Dĩ nhiên, con người vẫn có thể phạm tội vì yếu
đuối xác thịt; nhưng con người có thể chay đến với bí tích Giải Tội để được
lãnh nhận ơn tha thứ.
1.2/
Các nhân đức con người có thể đào luyện: Khi đã có Thánh Thần của Thiên Chúa,
người tín hữu được thánh hóa bằng việc tập luyện các nhân đức, để càng ngày
càng trở nên thánh thiện hơn. Tác giả chỉ liệt kê một số các nhân đức trong 9
(theo Phaolô) hay 12 (theo Giáo Hội) hoa quả của Chúa Thánh Thần:
+
Đạo đức: Đây là cuộc sống kết hiệp mật thiết giữa người tín hữu với Ba Ngôi
Thiên Chúa trong mọi trạng huống của cuộc đời.
+
Hiểu biết: mọi sự thật được mặc khải bởi Đức Kitô và soi sáng bởi Thánh Thần.
Trong lời chúc đầu thư (c. 2), tác giả cho biết càng có kiến thức nhiều về Đức
Kitô, con người sẽ càng cảm thấy bình an.
+
Tiết độ: là biết xử dụng mọi sự Thiên Chúa ban cách chừng mực.
+
Kiên nhẫn: với chính bản thân mình và với tha nhân trong khi luyện tập nhân đức.
+
Bác ái: Đây là mẹ của các nhân đức; mọi nhân đức phải dẫn tới nhân đức này.
2/
Phúc Âm:
Ông sẽ đến tiêu diệt các tá điền, rồi giao vườn nho cho người khác.
2.1/
Hai dụ ngôn về vườn nho:
(1)
Vườn nho trong Cựu Ước của ngôn sứ Isaiah 5:1-7: Ít có người Do-thái nào mà
không biết đến dụ ngôn “vườn nho của Chúa các đạo binh” trong Isaiah. Khi Chúa
Giêsu dựng câu truyện dụ ngôn hôm nay, Ngài dùng dụ ngôn cũ mà mọi người quen
thuộc, nhưng với ít nhiều sửa đổi cho phù hợp với tình trạng của Ngài. Trong dụ
ngôn của Isaiah, điều làm Đức Chúa tức giận là khi đến thu hoa lợi, Ngài chỉ
tìm thấy nho chua như nho dại. Isaiah chú giải dụ ngôn như sau: “Vườn nho của Đức
Chúa các đạo binh, chính là nhà Israel
đó; cây nho Chúa mến yêu quý chuộng, ấy chính là người xứ Judah . Người những
mong họ sống công bình, mà chỉ thấy toàn là đổ máu; đợi chờ họ làm điều chính
trực, mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than” (Isa 5:7).
(2)
Vườn nho trong Tân Ước của Chúa Jesus: Điều Thiên Chúa tức giận là các tá điền
được cho thuê để canh tác đã không chịu nộp hoa lợi, còn gây tai hại biết bao
cho chủ. Chúng ta có thể chú giải những biểu tượng trong trình thuật hôm nay
như sau:
+
Chủ vườn nho là Thiên Chúa;
+
Vườn nho là nhà Israel ;
+
Các đầy tớ bị hạ nhục và giết chết là các ngôn sứ qua bao thời đại;
+
Con của chủ vườn nho là Đức Kitô;
+
Tá điền là những nhà lãnh đạo xấu xa của Israel .
2.2/
Những phản ứng của các tá điền bất trung và của ông chủ vườn nho.
(1)
Của các tá điền: Năm lần chủ sai tới đòi nợ, năm lần cách cư xử của các tá điền
càng nặng hơn: Lần thứ nhất, họ bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay
không. Lần thứ hai, họ đánh vào đầu đầy tớ và hạ nhục. Lần thứ ba, họ giết luôn
người đầy tớ. Lần thứ tư, khi ông chủ sai nhiều người khác; kẻ thì họ đánh, người
thì họ giết. Lần cuối cùng, ông chủ chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu:
người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ; ông nghĩ: "Chúng sẽ nể
con ta." Nhưng bọn tá điền ấy bảo nhau: "Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta
giết quách nó đi, và gia tài sẽ về tay ta." Thế là họ bắt cậu, giết chết rồi
quăng ra bên ngoài vườn nho.
(2)
Của ông chủ vườn nho: Chúa Giêsu đặt câu hỏi cho khán giả: Vậy ông chủ vườn nho
sẽ làm gì? Hầu như ai cũng có thể trả lời lập tức: Ông sẽ đến tiêu diệt các tá
điền, rồi giao vườn nho cho người khác. Ngay cả các nhà lãnh đạo Do-thái cũng
“thừa hiểu Người đã nhắm vào họ mà kể dụ ngôn ấy.” Hiểu như thế, nhưng họ vẫn
ngoan cố tìm cách bắt Đức Giêsu, nhưng lại sợ dân chúng. Thế là họ để Người lại
đó mà đi. Nếu con người còn biết phán xét như thế, huống hồ là Thiên Chúa. Ngài
không những tru diệt họ mà còn dùng “tảng đá thợ xây nhà loại bỏ” là chính Đức
Kitô, để biến Ngài trở nên đá tảng góc tường. Từ Tảng Đá này, một Đền Thờ mới
được xây dựng lên là Giáo Hội của Đức Kitô.
ÁP DỤNG
TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta hãy biết tận dụng tất cả những gì Thiên Chúa ban để phát triển toàn vẹn
con người và giúp đỡ tha nhân phát triển. Chúng ta càng biết tận dụng nhiều bao
nhiêu, Ngài sẽ ban thêm càng nhiều bấy nhiêu; và ngược lại.
-
Thiên Chúa nhân từ nhưng cũng công bằng; chúng ta đừng chỉ để ý đến khía cạnh
nhân từ của Ngài rồi muốn làm gì thì làm. Chúng ta chắc chắn sẽ phải trả giá nặng
nề cho lối sống vô trách nhiệm này.
Linh
mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************
Thứ Hai tuần 9 thường niên
Sứ điệp: Đến muôn đời, Thiên
Chúa là tình yêu. Vì yêu thương mà Người đã thực hiện chương trình cứu độ. Dù
ta phá vỡ chương trình của Người, Người vẫn một lòng yêu thương và tiếp tục thực
hiện những điều kỳ diệu.
Cầu nguyện: Lạy Cha, trong thực tế
có lẽ không người cha nào lại làm như Chúa Giêsu kể trong dụ ngôn. Không người
cha nào đủ kiên nhẫn và quá dại dột như vậy. Nhưng chính vì vậy mà con cảm nhận
Cha yêu thương con vô cùng. Vì yêu thương con mà Cha đã ban cho con các tổ phụ,
các tiên tri, và sau cùng là chính Chúa Giêsu, người Con Yêu Dấu của Cha. Con
xin cảm tạ tình thương bao la ấy.
Lạy Cha, Chúa Giêsu muốn
chứng minh cho con thấy rằng tình yêu thương của Cha thì nhẫn nại, bao la, và
có thể nói là điên rồ vì yêu thương con người, cho dù tội ác của con người càng
lúc càng gia tăng. Vâng, một bên là tình thương ngút ngàn, một bên là tội lỗi đầy
tràn; một bên là lòng thương xót bao la, một bên là sự cố chấp gian tà.
Ôi lạy Cha, xin cho con
biết cảm nhận tình yêu thương đầy nhẫn nại của Cha, để con quyết tâm từ bỏ tội
lỗi. Xin cho con đừng bao giờ trở thành những tá điền sát nhân khát máu nữa, bởi
mỗi lần con cố tình phạm tội, nhất là tội trọng, là con lại đóng đinh Chúa
Giêsu một lần nữa trên thập giá. Xin Cha gìn giữ con khỏi sa chước cám dỗ. Con
tin rằng tình yêu thương của Cha vẫn luôn luôn thắng sự cố chấp của con. Xin
cho con biết tin vào tình thương ấy và đừng bao giờ để con cứng lòng. Amen.
Ghi nhớ : "Chúng bắt cậu con trai giết đi và quăng xác ra vườn
nho".
Lời Chúa Trong Gia Đình
2Pr 1, 2-7; Tin Mừng theo
Thánh Mc 12, 1-12
LỜI
SUY NIÊM: Đức
Giêsu kể dụ ngôn: “Có một người kia trồng được một vườn nho; ông rào giậu chung
quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy
đi xa.” (Mc 12,1)
Sống trên đời, con người cứ tưởng mọi
chuyện tự nhiên mà có, rồi cũng tự nhiên mà hưởng thụ, phần đông không biết
quan tâm đến những cái mình đang tận hưởng là do Thiên Chúa tạo dựng để chúng
ta hưởng niềm vui để sống. Trong đời sống chúng ta hưởng quá nhiều cái vui: như
là nhìn ngắm một bông hoa đẹp, hít thở không khí trong lành, ăn một món ăn
ngon, đọc một cuốn sách, xem một phim hay, nhận được một lời khen của bạn bè, của
người thân hoặc ai đó.vv. và vv..
Chúng ta đang hưởng được những niềm vui
đó; chúng ta có cảm mến Thiên Chúa hay không?
Hay là chúng ta muốn chiếm đoạt tất cả vào túi riêng của mình mà chối từ
Thiên Chúa và tình yêu của Ngài đối với chúng ta?
Mạnh
Phương
+++++++++++++++++
04
Tháng Sáu
Bóng Tối
Raoul Follereau đã thuật
lại một câu chuyện về một người phong cùi như sau: Từ nhiều năm qua, ông ta sống
chui rúc trong căn lều tối tăm của ông. Xa tránh ánh sáng, đôi mắt ông đã trở
thành mù lòa. Bóng tối trên đôi mắt đã đành, ông còn tự giam hãm bóng tối của
tâm hồn. Người đàn ông như đang tự chôn vùi mình trong chính đáy mồ của ông...
Mỗi ngày, có một nữ tu đến để tẩy rửa và băng bó các vết thương cho ông. Ông chấp
nhận cho người nữ tu săn sóc, vì nghĩ rằng ít nhất người nữ tu cũng nở được nụ
cười mãn nguyện.
Ngày tôi đến thăm, người
nữ tu cho tôi biết rằng người đàn ông đã không bao giờ muốn ra khỏi căn lều tối
tăm của mình... Tôi tiến lại gần con người khốn khổ ấy và đưa cánh tay ra mời mọc.
Tôi nắm lấy cánh tay của ông và dìu ông đứng dậy. Chúng tôi ra khỏi căn lều tăm
tối.. Vừa đến bên cánh cửa nơi ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua, người đàn ông
dã có một thái độ mà mãi mãi tôi không bao giờ có thể quên được. Ra khỏi căn lều,
đứng giữa ánh sáng, ông hô lên một tiếng kêu lớn: "Tôi thấy!"
Kể từ khi bóng tối của bệnh
phong cùi ụp phủ xuống trên cuộc đời, thì đây là lần đầu tiên, người bệnh mới cảm
nhận thực sự có ánh sáng xung quanh mình. Lấy tất cả sức lực còn lại, người đàn
ông thét lên với cây cỏ, với núi non, với trời cao, với tất cả mọi người: Tôi
thấy! Tôi thấy!
Có
những người tự giam mình trong bóng tối. Có những người bị người khác đầy ải
vào trong bóng tối...
Vô
tình hay hữu ý, có lẽ chúng ta cũng đã xô đẩy không biết bao nhiêu người vào
trong bóng tối. Một cuộc sống thiếu chứng tá, một khước từ giúp đỡ: đó có thể
là những hành động xô đẩy người khác rơi vào bóng tối, chúng ta cũng tự giam
mình vào bóng tối hay giảm bớt cường độ ánh sáng trong chúng ta...
"Các
con là ánh sáng thế gian". Lời của Chúa Giêng nói lên bản chất của người
Khô. Người Kitô chỉ là Khô khi họ là ánh sáng thế gian... Ánh sáng không thể
sáng soi nữa, ánh sáng ấy sẽ trở thành tăm tối.
Hãy
chiếu ánh sáng bằng những việc làm của ánh sáng. Một cuộc sống đầy gương sáng,
một lờ nói nâng đỡ ủi an, một nụ cười thông cảm, một bàn tay đưa ra để dìu dắt,
để đồng hành: đó là bao nhiêu việc làm của ánh sáng mà bao nhiêu người đang chờ
đợi nơi chúng ta. Và chúng ta cũng tin rằng, một ánh lửa càng được chia sẻ, thì
càng sáng lên...
(Lẽ
Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 04
"Anh em sẽ lãnh nhận sức mạnh của
Thánh Thần, Đấng sẽ xuống trên anh em; anh em sẽ làm chứng cho Thầy" (Cv
1,8). Đó là sứ vụ Đức Giêsu trao phó cho chúng ta: không những vì một lý do tốt đẹp là Tin Mừng, mà còn hơn nữa,
là chứng nhân của Chúa. Chứng nhân càng cao độ, càng có sự tử đạo; người môn đệ
dâng hiến cuộc sống cho Đức Kitô. Sức mạnh do Thánh Thần ban cho không phải là
một ân sủng dành riêng cho Ngôi Ba Thiên Chúa, chỉ vì 'Thánh Thần đến với chúng
ta để xác nhận chúng ta là con cái của Thiên Chúa" (Rm 8,16). Đặc tính là
con của Thiên Chúa, không ai có thể lấy mất đi được .Trong niềm tin
vững chắc vào chức vụ là con thần linh còn có sức mạnh của kiên cường trong
bách hại.
Các tông đồ tiên khởi đã sống tình thân
sâu xa với Chúa và tuyên bố công khai sự hiệp thông với Thánh Thần, Đấng được
ban cho họ. Cũng như thánh Phêrô và thánh Gioan trước Công Nghị đã tuyên bố :
"Chúng ta là chứng nhân cho những điều mà chúng ta và Thánh Thần mà Thiên
Chúa ban cho những kẻ vâng phục Người."
Jacques Marin
Béatitudes
Thứ Hai 4-6
Thánh Phanxicô ở
Caracciolo
(1563-1608)
hánh Phanxicô sinh ở Abruzzi, nước Ý, cha ngài có bà
con với các hoàng tử xứ Caracciolo, và mẹ ngài có bà con với Thánh Tôma
Aquina. Năm 22 tuổi, ngài bị bệnh ngoài da giống như phong cùi. Ngài thề rằng
nếu được khỏi bệnh, ngài sẽ dâng mình cho Chúa. Và quả thật, ngài đã được
lành lặn mau chóng. Giữ lời hứa, ngài lên Naples đi tu, và sau khi thụ phong
linh mục, ngài gia nhập hội Bianchi della Giustizia, tận tụy chăm sóc tù
nhân.
Vào năm 1588, Cha Gioan Augúttinô Adorno, người xứ
Genoese, thành lập một tổ chức linh mục vừa tích cực hoạt động trong giáo xứ
vừa sống đời chiêm niệm. Cha Adorno gửi thư mời Cha Ascanio Caracciolo gia nhập,
nhưng lá thư lại đưa nhầm cho Cha Phanxicô. Cho đó là thánh ý của Thiên Chúa,
Cha Phanxicô chấp nhận lời mời ấy và cùng với Cha Adorno tĩnh tâm trong 40
ngày để soạn thảo quy luật cho tổ chức. Vào ngày 1 tháng Sáu, 1588, tổ chức
này được Ðức Giáo Hoàng Sixtus V tán thành, và lấy tên là Tiểu Giáo Sĩ Dòng.
Ngoài công việc truyền giáo và chăm sóc bệnh nhân cũng
như tù nhân, nhà dòng còn cung cấp nơi ẩn dật cho những ai muốn sống cô độc.
Một trong những nhiệm vụ của tu sĩ dòng là thay phiên nhau chầu Thánh Thể.
Sau khi Cha Adorno từ trần, Cha Phanxicô được bầu làm bề
trên trái với ý muốn của ngài. Tuy là bề trên, ngài vẫn quét dọn phòng, giặt
giũ như bao người khác. Nhiều lần ngài từ chối làm giám mục vì lời khấn thứ
tư của dòng là: không bao giờ theo đuổi chức vụ hoặc danh giá bên trong hay
bên ngoài nhà dòng.
Sau bảy năm làm bề trên, ngài được đức giáo hoàng cho
phép từ chức và làm tu viện trưởng tu viện Santa Maria Maggiore và giám đốc đệ
tử viện. Năm 1607, ngài từ bỏ mọi chức vụ chỉ để chiêm niệm chuẩn bị cho cái
chết.
Năm 1608, khi Thánh Philíp Nêri tặng cho nhà dòng một
căn nhà ở Agnone, Cha Phanxicô phải đến đó trông coi việc thành lập. Sau khi
đến đó không lâu, ngài bị sốt và bệnh tình ngày càng nặng. Trong cơn mê sảng,
ngài dặn dò anh em tu sĩ trung thành với quy luật và sau đó đã trút hơi thở
cuối cùng ngày 4 tháng Sáu, khi mới 45 tuổi.
Ngài được
phong thánh năm 1807.
|
|
Copyright © 2010 by
Nguoi Tin Huu.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét