Trang

Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

08-06-2012 : THỨ SÁU TUẦN IX MÙA THƯỜNG NIÊN


Thứ Sáu sau Chúa Nhật 9 Quanh Năm

Bài Ðọc I: (Năm II) 2 Tm 3, 10-17
"Kẻ sống đạo đức trong Ðức Giêsu Kitô, đều chịu bắt bớ".
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gởi cho Timô-thêu.
Con thân mến, con đã noi theo cha về giáo lý, đức hạnh, dự định, lòng tin, khoan dung, yêu thương, kiên nhẫn, bắt bớ, đau khổ, như đã xảy đến cho cha ở Antiokia, Icôni và Lystra. Biết bao cuộc bắt bớ cha đã phải chịu, và Chúa đã cứu cha thoát khỏi tất cả. Vả lại, mọi kẻ muốn sống đạo đức trong Ðức Giêsu Kitô đều chịu bắt bớ. Còn những kẻ tội lỗi và gian trá, thì sẽ đi sâu vào tình trạng tệ hại hơn, vì họ lầm lạc và làm cho kẻ khác lầm lạc. Phần con, con hãy bền vững trong các điều con đã học hỏi và xác tín, vì con biết con đã học cùng ai, vì từ bé, con đã học biết Sách Thánh, và chính Sách Thánh đã dạy con sự khôn ngoan để con được cứu rỗi nhờ tin vào Ðức Giêsu Kitô. Tất cả Kinh Thánh đã được Chúa linh hứng, đều hữu ích để giảng dạy, biện bác, sửa dạy và giáo dục trong đàng công chính, ngõ hầu người của Thiên Chúa được hoàn hảo để sẵn sàng thực hiện mọi việc lành.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 118, 157. 160. 161. 165. 166. 168
Ðáp: Ðại bình an cho những ai yêu luật pháp Chúa (c. 165).
Xướng: 1) Nhiều người bắt bớ và nhiễu hại con, nhưng con chẳng sai trật lời nghiêm huấn của Chúa. - Ðáp.
2) Căn bản lời Chúa là sự thật, mọi chỉ dụ công minh của Chúa tồn tại muôn đời. - Ðáp.
3) Các vua chúa bách hại con vô lý, nhưng lòng con vẫn kính sợ lời Ngài. - Ðáp.
4) Ðại bình an cho những ai yêu luật pháp Chúa, không có gì làm cớ cho họ sẩy chân. - Ðáp.
5) Lạy Chúa, con mong ơn Ngài phù trợ, để thực thi những chỉ thị của Ngài. - Ðáp.
6) Con tuân giữ huấn lệnh và những lời truyền của Chúa, vì bao đường lối của con hiện ở trước nhan Ngài. - Ðáp.

* * *

Alleluia: Ga 14, 5
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 12, 35-37
"Sao họ có thể bảo Ðức Kitô là Con vua Ðavít?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu cất tiếng giảng dạy trong đền thờ rằng: "Sao các luật sĩ lại nói Ðấng Cứu Thế là con vua Ðavít? Vì chính Ðavít được Chúa Thánh Thần soi sáng đã nói: Thiên Chúa đã phán cùng Chúa tôi rằng: "Con hãy ngồi bên hữu Cha, cho đến khi Cha đặt các kẻ thù con làm bệ dưới chân con". Chính Ðavít gọi Người là Chúa, thì sao Người lại có thể là Con Ðavít được?" Và đám dân chúng thích thú nghe Người nói.
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Ðức Giêsu không từ chối mình là Con vua Ðavít, vì theo bản tính nhân loại, Ðức Giêsu xuất thân từ dòng tộc Ðavít. Nhưng ở đây, Ðức Giêsu cho thấy, Ngài vượt xa hơn tước hiệu ấy, vì Ngài còn là Con Thiên Chúa, Ðấng Cứu Thế, nên Ðavít lại phải gọi Ngài là Chúa. Ðiều đó cho thấy: Ðức Giêsu từ địa vị Thiên Chúa, Chúa các chúa, Ngài đã tự hạ để chia sẻ kiếp người nhỏ bé thấp hèn, để cảm thông thực sự với những khốn khó và yếu đuối của chúng ta.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, khi suy gẫm về gương tự hủy của Chúa: từ địa vị Thiên Chúa, Ngài đã hạ cố đồng kiếp con người với chúng con. Xin cho mỗi người chúng con cảm nghiệm sâu xa tình Chúa yêu thương chúng con. Trong những lúc chúng con gặp khốn khó, thử thách. Xin cho chúng con biết tin tưởng vào Chúa. Chúng con không sợ hãi, thất vọng vì Chúa vẫn đồng hành, cảm thông và chia sẻ với chúng con. Tin tưởng bước đi bên Chúa, chắc chắn chúng con sẽ bình an. Amen.

(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Ðấng Kitô là Chúa
(Mc 12, 35-37)

Suy Niệm:
Ðấng Kitô là Chúa
Cuộc đối đầu trực diện giữa Chúa Giêsu và các đối thủ qua đi với việc họ không còn chất vấn Ngài nữa. Lúc này, tác giả Marcô lại nhớ thêm một cảnh, trong đó chính Chúa Giêsu là người chất vấn. Marcô không xác định rõ kẻ bị hỏi, chỉ ở cuối đoạn ông mới cho biết đông đảo dân chúng lắng nghe Ngài cách thích thú.
Trong lần chất vấn này, Chúa Giêsu đề cập đến tước hiệu mà các luật sĩ gán cho Ngài: con vua Ðavít. Một truyền thống Do thái xa xưa vẫn cho rằng Ðấng Kitô phải thuộc dòng dõi vua Ðavít (2V 7,14-17). Người ta cũng thường gọi Chúa Giêsu là "con vua Ðavít" (x. 10,48; 11,10). Nhưng chắc chắn Chúa Giêsu không tự xưng mình bằng tước hiệu này, vì nó quá hàm hồ, Ngài muốn tránh xa quan niệm về Ðấng Kitô theo kiểu chính trị. Ngài trưng dẫn Thánh vịnh 110, theo đó Ðấng Kitô vừa là con vua Ðavít, vừa được Ðavít gọi bằng "Chúa tôi". Chính Kinh Thánh đã gán cho Ðấng Kitô một phẩm tính cao cả hơn con vua Ðavít và gọi bằng tước hiệu "Chúa". Sau biến cố Phục Sinh, các Kitô hữu đã sử dụng Thánh vịnh 110 để tìm ra các tước hiệu bao hàm trọn vẹn tính cách của Chúa Giêsu: họ tuyên xưng Ngài thực sự thuộc đẳng cấp thần thánh: Ngài đã sống lại và được Thiên Chúa phong làm "Chúa". Ngài lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa (Cv 2,34-36).
Ðức Kitô là Thiên Chúa thật và cũng là người thật. Ðó là lòng tin kiên vững của Kitô giáo. Quá nhấn mạnh tới thiên tính mà bỏ quên nhân tính, hoặc ngược lại, đều là những sai lầm tai hại. Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật, như lời thánh Gioan: "Từ khởi thủy đã có Lời, và Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa". Nhưng Lời đã thành xác phàm và sống giữa nhân loại để cứu độ con người và nâng con người lên địa vị con cái Thiên Chúa. Nói theo thánh Irênê: Thiên Chúa đã làm người để con người được trở thành Thiên Chúa.
Ước gì đó là niềm xác tín mà chúng ta mang trong lòng, diễn tả ra cuộc sống và sẵn sàng bảo vệ đến cùng.

(Veritas Asia)


Thứ 6 sau CN IX TN:

 

Bài đọc: 2 Tim 3:10-17; Mk 12:35-37.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ :

Kinh Thánh giúp con người đạt được ơn cứu độ.

 

Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật vai trò của Kinh Thánh trong đời sống con người. Trong bài đọc I, Phaolô cắt nghĩa chi tiết cho Timothy về tầm quan trọng của Kinh Thánh trong việc rao giảng Tin Mừng để đạt được ơn cứu độ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu sửa sai sự hiểu biết của các kinh sư về danh xưng “Con Vua David.” Danh xưng này không đủ để diễn tả nguồn gốc và uy quyền của Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Những sự chuẩn bị cần thiết của người rao giảng
1.1/ Những gì Timothy đã học được nơi Phaolô: Phaolô gợi lại cho Timothy những gì ông đã huấn luyện và làm gương cho Timothy.
(1) Về đạo lý: Trước tiên và trên hết là đạo lý; nhà rao giảng không thể giảng đạo lý nếu người ấy không biết đúng những lời dạy dỗ của Đức Kitô. Nguy hiểm hơn nữa nếu người đó còn dạy những giáo lý sai lạc. Kế đến là việc huấn luyện thực hành: người môn đệ không phải chỉ biết những gì Đức Kitô dạy mà còn phải thực hành những gì Ngài muốn. Cách huấn luyện hiệu quả nhất là “lời nói phải đi đôi với hành động.” Sau cùng, người môn đệ phải ý thức rõ ràng về đích điểm hướng tới. Không gì tệ hại hơn nhà lãnh đạo mà không biết dẫn những người dưới quyền mình đi đâu; làm rất nhiều việc nhưng không biết để làm gì!
(2) Về các nhân đức: Phaolô chỉ nhắc nhở các nhân đức chính yếu ở đây: Đức tin cần thiết cho việc tin Đức Kitô và những lời dạy dỗ của Ngài. Lòng yêu mến hay đức bác ái là nhân đức không thể thiếu trong cuộc đời của người Kitô hữu. Niềm hy vọng được biểu lộ qua hai nhân đức là sự nhẫn nại để tập luyện và sự kiên trì để vượt qua các gian nan thử thách trong cuộc đời.
(3) Về trung thành trong đau khổ: Phaolô nhắc nhở Timothy nhớ lại những gian khổ và sự bảo vệ của Thiên Chúa đã làm trong cuộc đời rao giảng của ông. Phaolô chỉ nhắc lại ba biến cố:
- Antioch, Pisidia: Khi thấy Phaolô và Barnabas lôi kéo được nhiều khán giả theo hai ông, người Do-thái ghen tị và cấu kết với các phụ nữ quí tộc và những nhà lãnh đạo trong thành trục xuất hai ông khỏi thành (Acts 13:50).
- Iconium: Khi hay biết một nhóm người Do-thái và Dân Ngoại đã phác họa kế hoạch để ném đá mình, Phaolô rời thành trốn sang Derbe và Lystra (Acts 14:5-6).
- Lystra: Sau khi Phaolô chữa một người bị bại liệt từ lúc mới sinh, dân thành tưởng hai ông là thần họ thờ nên mang lễ vật đến để tôn thờ. Nhưng những người Do-thái từ Antioch và Iconium lại đến xúi giục dân thành ném đá hai ông. Tưởng Phaolô đã chết họ vứt xác ông khỏi thành; nhưng khi các môn đệ khác tới Phaolô trỗi dậy và đi Derbe với họ (Acts 14:19).
Nhắc lại những điều này, Phaolô muốn cho Timothy biết: “những ai muốn sống đạo đức trong Đức Giêsu Kitô, đều sẽ bị bắt bớ.” Nhưng Chúa đã giải thoát Phaolô khỏi tất cả các ghen tị và mưu toan của đối phương. Còn hạng người xấu xa và bịp bợm sẽ ngày càng xấu hơn, họ vừa lừa dối, vừa bị lừa dối.

1.2/ Tầm quan trọng của Sách Thánh: Phaolô muốn nêu bật tầm quan trọng của Kinh Thánh cho mọi người, cách riêng cho người rao giảng.
(1) Dạy trở nên người khôn ngoan: Sách Thánh mặc khải cho con người những mầu nhiệm của Thiên Chúa, và không có sự khôn ngoan nào của con người có thể so sánh với khôn ngoan của Thiên Chúa. Biết được sự khôn ngoan của Thiên Chúa là biết hết khôn ngoan và lừa đảo của con người.
(2) Giúp tin vào Đức Kitô để được ơn cứu độ: Lời Chúa chuẩn bị cho con người đặt niềm tin vào Đức Kitô. Khi tuyên xưng niềm tin của họ vào Đức Kitô, họ được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa do Đức Kitô mang lại.
(3) Cần thiết cho việc giáo dục con người: Để trở thành người hoàn thiện như Thiên Chúa mong muốn, con người không thể thiếu Sách Thánh, vì nó giúp con người:
- trong việc dạy dỗ: giúp con người biết mục đích cuộc đời, biết điều hay lẽ phải để theo và biết điều xấu lẽ dại để tránh.
- trong việc sửa lỗi hay luận tội: khi biết điều thật con người cũng nhận ra ngay điều sai trái. Con người có thể xử dụng sự thật để chống lại hay luận tội sự sai lầm.
- trong việc huấn luyện để trở nên người công chính: Kinh Thánh giúp con người luyện tập các nhân đức và bước theo đường ngay nẻo chính.
Nhờ tất cả những điều trên, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành.
2/ Phúc Âm: Hiểu đúng ý nghĩa của danh xưng “Con Vua David”
2.1/ Những ý nghĩa khác nhau của danh xưng “Con vua David.”
Người Do-thái không có nhiều tĩnh từ để mô tả đặc tính, họ xử dụng động từ ở thời quá khứ phân từ hoặc người nghe phải tự mình phân biệt. Có ít nhất ba ý nghĩa của chữ “con” theo truyền thống Do-thái:
(1) con ruột: người con sinh ra bởi người ấy. Solomon là con ruột của David.
(2) thuộc dòng dõi người đó: Chẳng hạn, khi thiên thần nói với Joseph, “con vua David” đừng ngại nhận Maria về nhà làm vợ (Mt 1:20). Theo gia phả trong Tin Mừng Matthew, Đức Kitô cũng được gọi là “con vua David” theo nghĩa này.
(3) cách biểu tượng, con có thể dùng để chỉ một người có đức tính đó; ví dụ: Bar-nabas, có nghĩa “con của sự ủi an.” Con của Belial có nghĩa “người vô dụng.”

2.2/ Danh xưng Đức Kitô là “Con Vua David” không đủ để diễn tả Đức Kitô:
Khi nghe nói “con vua David,” nó đòi người đọc phải suy nghĩ Chúa Giêsu là con vua David theo nghĩa nào. Ngài thuộc dòng dõi David theo tiêu chuẩn con người mà thôi. Theo tiêu chuẩn Thiên Chúa, David là con của Ngài. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu dùng Thánh Vịnh 110 để cắt nghĩa danh xưng “con vua David” không đủ để diễn tả Ngài:
+ theo quyền năng: Chính vua David được Thánh Thần soi sáng đã nói: “Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con. Chính vua David gọi Đấng Kitô là Chúa Thượng, thì Đấng Kitô lại là con vua ấy thế nào được?"
+ theo nguồn gốc: Chúa Giêsu có trước vua David vì Ngài luôn có từ ngàn đời. Gioan Tẩy Giả cắt nghĩa về vai trò của Đức Kitô như sau: “Ngài xuất hiện sau tôi nhưng Ngài có trước tôi, và tôi không đáng cởi giây quai dầy cho Ngài” (Jn 1:15, 27).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Kinh Thánh không thể thiếu trong đời sống con người. Chúng ta cần dành thời giờ học hỏi để hiểu biết trước khi rao giảng và giáo dục người khác.
- Kinh Thánh không dễ hiểu. Để hiểu đúng đắn, chúng ta cần nhiều thời gian để nghiên cứu tất cả các Sách mới có thể nối kết các mặc khải của Thiên Chúa và tránh sai lầm.
Lm.Anthony Đinh Minh Tiên, OP.
Thứ Sáu tuần 9 thường niên


Sứ điệp: Chúa Giêsu là con vua Đa-vít vì thuộc về dòng tộc Đa-vít, nhưng đồng thời Người cũng là Chúa của Đa-vít. Phải có lòng tin mới thấy được Chúa Giêsu vừa là người thật, vừa là Thiên Chúa thật.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con thấy mỗi một người đều có chiều sâu kín ẩn mà mắt thường không thể nào nhận ra được. Giữa chúng con với nhau, hằng ngày chúng con nhìn thấy nhau và sát cánh bên nhau, nhưng chúng con cũng chẳng hiểu hết về nhau. Người Do Thái ngày xưa chỉ nhìn thấy Chúa là một người làng Na-da-rét bình thường, họ không nhận ra Chúa là Đấng Thiên Sai thuộc hoàng tộc Đa-vít, và lại càng không nhận ra Chúa là Chúa Đa-vít. Phần con, nếu không được Chúa mạc khải trong lời Tin Mừng, con cũng chẳng thấy được điều ấy.
Nhưng lạy Chúa, dù vậy, cho tới hôm nay con cũng không thấy được hết chiều sâu huyền nhiệm của Chúa. Chúa vẫn luôn vượt trên những điều con có thể thấy được hoặc hiểu được hay nói được về Chúa. Xin Chúa chiếu soi ánh sáng đức tin và dẫn dắt con ngày càng tiến sâu hơn vào mầu nhiệm của Chúa.
Xin Chúa mở lòng trí con để qua dòng đời biến chuyển, con thấy được Chúa là Thiên Chúa đang điều khiển thế giới. Xin mở lòng trí con để qua hình bánh rượu trong bí tích Thánh Thể, con thấy được Chúa phục sinh quyền năng đang ở với con. Xin mở lòng trí con để qua từng trang Phúc âm, con thấy được chính Chúa là Ngôi Lời đang công bố Tin Mừng yêu thương cho con. Và xin mở lòng trí con, để qua từng con người bé nhỏ thấp hèn, con thấy được chính Chúa nơi họ, nhờ đó con kính trọng họ, thông cảm và lắng nghe họ. Amen.
Ghi nhớ : "Đám dân chúng thích thú nghe Người nói”.

08/06/12 THỨ SÁU TUẦN 9 TN
Mc 12,35-37

TIN ĐỨC GIÊSU CON THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI

“Chính Đavít gọi Người là Chúa, thì sao Người lại có thể là Con Đavít được?” (Mc 12,37)

Suy niệm: Hình ảnh Đavít, vị vua lý tưởng, đã đi vào lòng dân tộc Do Thái cộng thêm với lời các ngôn sứ khiến cho họ vẫn mong đợi một Đấng Cứu Thế xuất thân từ dòng tộc Đavít. Hôm nay, Chúa Giêsu đặt vấn đề cho các luật sĩ: Họ nói Chúa Giêsu là con vua Đavít. Thế tại sao Đavít, trong Thánh vịnh 110, mà ông được coi là tác giả, lại gọi Đấng Mêsia bằng “Chúa Thượng tôi”? Đây chính là chìa khoá để họ hiểu sự thật về Đức Giêsu – tiếc thay họ lại không sử dụng chìa khoá này: Họ chỉ nghĩ đến Đấng Mêsia thuộc dòng dõi Đavít, xét theo nhân tính; còn trong bản tính thần linh, Ngài chính Con Thiên Chúa và do đó Ngài là Chúa Thượng của Đavít.

Mời Bạn: Tiếp nối sứ mạng nhập thể của Chúa Kitô, Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 của HĐGMVN minh định Giáo hội là mầu nhiệm vì xuất phát từ Chúa Ba Ngôi, nhưng được sai đi vào trong thế giới nên cũng mang đặc tính nhân loại. Sống trong một thế giới tục hoá muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống cá nhân cũng như xã hội, người kitô hữu có sứ mạng đem Ngài trở lại với thế giới bằng cách thực thi những giá trị của Tin Mừng trong cuộc sống hằng ngày của mình. Phần bạn, bạn đã tiếp nối việc nhập thể của Chúa Giêsu trong đời sống của bạn thế nào?

Sống Lời Chúa: Dâng một lời nguyện tắt trước mỗi công việc để biến việc đó thành việc loan báo Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con tôn vinh danh Chúa cách thực sự qua cuộc sống chứng tá của chúng con.



Lời Chúa Trong Gia Đình
2Tm 3, 10-17; Tin Mừng theo Thánh Mc 12, 35-37.
LỜI SUY NIỆM: “Khi giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giêsu lớn tiếng hỏi: ‘Sao các kinh sư lại nói Đấng Kitô là con vua Đavít?” (Mc 12,35).
        Chúa Giêsu đă không trực tiếp giới thiệu chính Ngài cho các kinh sư biết Ngài là Đấng Kitô, nhưng Ngài muốn cho các kinh sư thấy rằng Đấng Kitô còn cao trọng và có trước vua Đavít. Ngài đã viện dẫn Thánh vinh 110, 1: “Sấm ngôn của Đức Chúa ngỏ cùng Chúa Thượng tôi: Bên hữu Cha đây, con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con”.
        Chúa Giêsu không bao giờ chối từ Ngài thuộc dòng dõi vua Đavít, nhưng Ngài muốn xua đuổi khỏi tâm trí con người về ý niệm một Đấng Kitô chiến thắng oai hùng bằng chính trị hay là quân sự để thiết lập một vương quyền tại trần thế này, nhưng là một Đấng Kitô trong vai trò tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa, để đem nhân loại trở về cùng Thiên Chúa trong tình yêu.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
08 Tháng Sáu
Mẹ Chúng Ta

Một ngày kia, thánh Gioan Bosco rao giảng về vinh quang của Mẹ Maria tại nhà thờ chính tòa Torino. Giữa lúc đang thao thao bất tuyệt, ngài bỗng dừng lại thinh lặng một hồi lâu rồi đặt câu hỏi với cử tọa như sau: "Ai trong anh chị em có thể nói cho tôi biết Ðức Mẹ là ai?"
Thánh nhân phải lập lại câu hỏi đó đến ba lần mới nghe được một tiếng trả lời yếu ớt từ phía cuối nhà thờ như sau: "Thưa Cha, Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa". Thánh Gioan Bosco gật đầu nói tiếp: "Ðúng thế, Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng nói thế vẫn chưa đủ. Tôi muốn anh chị em kể hết những tước hiệu của Mẹ Maria". Liền sau đó, cử tọa liền kể ra tất cả những tước hiệu của Mẹ: Mẹ là cửa Thiên Ðàng, Mẹ là Ðấng an ủi những kẻ có tội, Mẹ là Ðấng phù trợ các tín hữu, Mẹ là Ðấng cứu chữa kẻ bệnh tật v.v...
Sau khi nghe kể hết những tước hiệu mà người ta gán cho Ðức Maria, thánh Gioan Bosco mỉm cười nóitiếp: "Ðức Maria là tất cả những gì anh chị em vừa kể ra, nhưng vẫn chưa hết. Tôi muốn noid thêm về Ðức maria...".
Chờ mãi vẫn không thấy có câu trả lời nào, thánh nhân mới nói: "Tôi xin được nói với anh chị em Ðức Maria là ai: Ngài là Mẹ chúng ta. Phải, Mẹ chúng ta. Ðó là điều đáng nói nhất về Mẹ Maria. Trên trần gian này, không ai có thể gần gũi thiết thân với chúng ta cho bằng Mẹ chúng ta, không ai yêu thương chúng ta hơn Mẹ chúng ta. Cũng thế trên Thiên Ðàng không có vị thánh nào yêu thương chúng ta và sẵn sàng lắng nghe chúng ta cho bằng Mẹ Maria...".
Chính lúc Ðức Maria đứng câm lặng dưới chân thập giá, mà Chúa Giêsu đã long trọng trối phó Ngài cho thánh Gioan và đồng thời cũng trao phó thánh Gioan cho Mẹ.
Sự sinh nở nào cũng diễn ra trong đớn đau. Chính trong niềm đau tột cùng của những giây phút đứng kề bên thập giá Chúa Giêsu mà Ðức Maria mới sinh hạ chúng ta, đã trở thành Mẹ của chúng ta. Thánh Gioan cũng tiếp nhận Mẹ trong niềm hiệp thông sâu xa vào thập giá của Chúa Giêsu.
Thập giá là nguồn ơn cứu rỗi, nhưng mãi mãi vẫn là biểu trưng của tội ác. Sự độc ác tột cùng mà người Do Thái và La Mã ngày xưa đã trút xuống trên Chúa Giêsu qua thập hình, ngày nay vẫn còn được con người tiếp diễn dưới muôn hình thức khác. Tựu trung khi con người chối bỏ chính mình, khi con người trà đạp người khác, thì đó là lúc con người dựng thêm những thập giá mới.
Thập giá vẫn luôn có mặt trong cuộc sống con người như một nhắc nhở về tội ác của mình. Kết hiệp với Chúa Giêsu trong cuộc tử nạn của Ngài chính là cố gắng chiến đấu chống lại tội lỗi.
Sứ điệp của Ðức Maria trong tất cả những lần hiện ra đều có chung một nội dung: đó là kêu gọi loài người ăn năn sám hối, cải thiện cuộc sống. Cũng như ngày xưa, đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu, Mẹ đã câm lặng nuốt từng nỗi đớn đau, ngày nay khi nhìn thảm cảnh của những người con cái đang chối bỏ lẫn nhau, đang chém giết nhau, đang đóng đinh nhau, Mẹ cũng bày tỏ một niềm đau.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Dòng Tộc Vua Ðavít
Theo phong tục vùng Trung Ðông, thật không thể nào tưởng tượng được một người cha có thể gọi con mình là chúa của tôi. Và chúng ta nhận thấy các luật sĩ trong đoạn Phúc Âm trên không thể trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu vì họ bị giới hạn trong lãnh vực tự nhiên, chỉ hiểu về Ðấng Thiên Sai là dòng tộc vua Ðavít mà thôi. Những người Kitô đầu tiên đọc đoạn Phúc Âm này đều hiểu dễ dàng câu trả lời cho vấn nạn. Làm sao vua Ðavít có thể gọi Ðấng Thiên Sai thuộc dòng tộc con cháu mình là Chúa mình cho được? Sự việc có thể được khi nhìn nhận Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Thiên Sai có hai nguồn gốc: Ngài là Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa, có nguồn gốc thần linh nhưng đồng thời đã nhập thể làm người trong dòng tộc vua Ðavít. Như là con người, Chúa Giêsu là con vua Ðavít, thuộc dòng tộc vua Ðavít; nhưng như là Thiên Chúa, Ðấng Thiên Sai là Thiên Chúa có trước vua Ðavít và đáng được vua Ðavít gọi là Chúa của mình.
Chúa Giêsu Kitô là Ðấng Thiên Sai, là Thiên Chúa thật và là con người thật. Ðó là sự thật, là câu trả lời cho vấn nạn, là đức tin của người Kitô đầu tiên và cũng là đức tin của mỗi người chúng ta hôm nay.
Trong đoạn Phúc Âm vừa đọc lại trên đây với vấn nạn đặt ra cho các luật sĩ, Chúa Giêsu muốn chứng minh hai điều:
- Các nhà thông luật Do Thái không phải là những vị lãnh đạo tôn giáo đích thực và cũng không thể biết được đúng thực thể Ðấng Thiên Sai là ai. Chỉ chính người trong cuộc, tức là Ðấng Thiên Sai mới có thể nói đúng về chính mình là ai.
- Chúa có hai nguồn gốc: là con người thật từ dòng tộc vua Ðavít; và là Thiên Chúa thật, Thiên Chúa nhập thể làm người.
Và khi sửa sai hình ảnh về Ðấng Thiên Sai, Ðấng không còn chỉ là một con người của dòng tộc vua Ðavít nữa, thì Chúa Giêsu cũng sửa sai được những quan niệm quá ư chính trị của người Do Thái về Ðấng Thiên Sai. Thật vậy, sau cuộc lưu đày bên Babylone trở về, những người Do Thái đang mong chờ một Ðấng Thiên Sai, con vua Ðavít, một vị lãnh đạo chính trị để thiết lập vinh quang và quyền lực của triều đại vua Ðavít và giải phóng dân khỏi cảnh bị đế quốc Rôma đô hộ. Mặc dù Chúa Giêsu không chối bỏ hoàn toàn tước hiệu của Kinh Thánh Cựu Ước gọi Chúa là con vua Ðavít, nhưng khi xác định thêm về chính mình như là Thiên Chúa, Chúa Giêsu mời gọi những kẻ tin nhận Ngài hãy vượt qua khỏi giới hạn của lãnh vực thuần tuý chính trị để bước vào trong lãnh vực đích thực của ơn cứu rỗi, của sự giải thoát khỏi tội lỗi để sống như những con cái Thiên Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Phải, con người phàm trần, dù thông thái đến đâu đi nữa, cũng không thể tự mình biết về Thiên Chúa, về Chúa Giêsu Kitô - Ðấng Cứu Thế nếu không có ơn trên soi sáng và nhờ qua mạc khải của chính Ðấng từ trên cao mà đến, từ Thiên Chúa mà đến. Thật đúng như lời thánh Gioan tông đồ đã nói trong phần nhập đề của sách Phúc Âm của ngài: "Không ai đã nhìn thấy được Thiên Chúa bao giờ. Nhưng Con Một Ngài là Thiên Chúa và là Ðấng hằng ở nơi cung lòng Thiên Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho ta biết mà thôi. Chúng ta hãy nâng tâm hồn lên để chúc tụng Chúa, chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến cứu rỗi chúng ta là Chúa Giêsu Kitô".
"Lạy Chúa, con vua Ðavít, xin thương xót con". Này đây, chúng con dâng lời chúc tụng Chúa trong vinh quang phục sinh và đang ngự bên hữu Thiên Chúa Cha. Chúa là ánh sáng, là đường, là sự thật và là sự sống của chúng con. Xin thương giúp chúng con tin nhận Chúa là Ðấng cứu rỗi và ban cho chúng con Thánh Thần Chúa để chúng con làm chứng cho Chúa trước mặt anh chị em.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


 Thánh Maccô hớn hở
Khi giảng trong đền thờ. Đức Giêsu lên tiếng hỏi: “Sao các kinh sư lại nói Đấng Kitô là con vua Đa-vít? Chính vua Đa-vít được Thánh Thần soi sáng đã nói:
Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi:
Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị,
Để rồi bao địch thù,
Cha sẽ đặt dưới chân Con.
Chính vua Đa-vít gọi Đấng Kitô là Chúa Thượng, thì do đâu Đức Kitô lại là con vua ấy được?” Đám người đông đảo nghe Đức Giêsu cách thích thú. (Mc. 12, 35-37)
Thánh Maccô có vẻ rất vui sướng dùng câu hỏi của Chúa Giêsu để kết thúc chương sách đầy những cuộc tranh cãi gay cấn này. Câu hỏi của Chúa không những là lời khẳng định thần tính của Người mà cũng là một kiệt tác “đốn ngã” trong môn võ hagada, môn karaté chính cống. Hai câu của Sách thánh bề ngoài có vẻ mâu thuẫn nhau, nhưng xét cho cùng lại chẳng có gì là mâu thúẫn cả. Hai câu đều đúng, nhưng nói tới những chủ đề khác nhau: con vua Davít theo dòng tộc, nên phải là đấng Mêsia được trông đợi, nhưng đồng thời cũng là Chúa thượng của chính Đavít, người được Thánh Thần soi sáng đã nói:
“ Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con”.
Có nghĩa là trong Truyền thống Do thái, Chúa Giêsu đã là Con Thiên Chúa theo quyền năng.          Tiếc rằng chúng ta ít quen với những cuộc tranh biện thuộc loại này, tranh biện của các bậc kinh sư. Trong những cuộc tranh biện này, Chúa Giêsu tỏ ra trổi vượt. Tuy nó làm chúng ta ngạc nhiên, nhưng cũng giúp chúng ta thấy rằng Chúa quên mình để chiều theo những đòi hỏi của người đương thời. Qua cuộc tranh biện này và theo kiểu văn chương đông phương, chúng ta có ở đây lời tuyên bố sáng sủa và rành mạch về thần tính của Chúa Giêsu.
Tập trung vào Đức Kitô
Suốt một tiếng đồng hồ, sau khi đã giải thích rằng Chúa Giêsu là nhân vật mang trọn thân phận con người như ta có thể hình dung ra, một linh mục đã kết thúc bài nói truyện của mình rằng: “Dẫu sao ta cũng đừng quên rằng Chúa Giêsu cũng là Con Thiên Chúa”.
Thế kỷ ta sống đã khắc ghi vào tâm trí chúng ta cách nhìn này, không phải là không có lý bởi vì chúng ta đã đến muộn, nhưng phản ứng không phải là chối bỏ. Nói rằng Chúa Giêsu là siêu sao, là hippi, là nhà xã hội, cũng tốt thôi, nhưng nói Đúc Giêsu là Con Thiên Chúa nhập thể thì tôi càng thích hơn.
Điều làm nên cái tôi sâu xa của Đức Kitô, làm cho Người trở nên con người duy nhất và rất cần thiết cho mọi người sinh ra trên trần gian này, chính bởi Người là Thiên Chúa ở với chúng tôi. Sứ mệnh của Người không phải là phàm tục hóa vũ trụ, nhưng là lôi kéo vũ trụ đi vào dòng chảy tràn sự sống Thiên Chúa. Thiết tưởng chẳng cần ai phải suy tôn Người là bậc vĩ nhân, anh hùng, là những con người chúng ta sẽ luôn luôn có; Người đã đến trần gian này chỉ để đưa chúng ta nhập vào gia đình của Người mà thôi. Bởi ta chỉ muốn cho Người nên giống ta, nên như người của chúng ta, mà ta thường quên trở nên Người. Thế mà xem ra chính đó lại là lý do đưa Người đến với ta vậy.


Thứ Sáu 8-6

Chân Phước Isabelle của Pháp

(c. 1270)
I
sabelle sinh trong một gia đình nổi tiếng. Anh của ngài là Thánh Louis; cha ngài, Vua Louis VIII của nước Pháp; mẹ ngài là hoàng hậu thánh thiện Blanche ở Castile.
Chính ngài cũng được ban cho nhiều tài năng đặc biệt, ngay từ nhỏ Isabelle đã có khiếu học hành. Ngài xuất sắc về tiếng Latinh và dễ dàng thấu triệt văn bản của các Giáo Phụ bằng thứ ngôn ngữ khó khăn ấy. Trong khi theo đuổi những sở thích thông thường của phụ nữ như thêu đan, ngài còn đặc biệt lưu tâm đến việc thực hiện các phẩm phục của linh mục. Mặc dù ngài rất tận tụy với gia đình -- nhất là giúp đỡ anh Louis -- bất cứ lúc nào có thời giờ rảnh rỗi ngài đều dành để giúp người nghèo và người đau yếu.
Tuy sống trong cung điện sang trọng, Isabelle lại tự ý theo đuổi đời sống của một nữ tu. Ngài ăn chay ba ngày một tuần và trong những lần ăn chay, ngài lấy các thức ăn ngon miệng để đem cho những bệnh nhân. Mọi người trong triều đình đều coi ngài là một vị thánh, một phụ nữ trong trắng và một tấm gương hy sinh đền tội.
Ao ước tận hiến cho Thiên Chúa của Isabelle được thể hiện qua lời khấn giữ mình đồng trinh bất kể những thúc giục kết hôn của gia đình, cũng như của vị giáo hoàng. Sau cùng, Isabelle đã viết thư cho Ðức Giáo Hoàng Innôxentê IV cho biết ngài đã thề giữ mình đồng trinh, và đã thuyết phục được Ðức Thánh Cha tin rằng ngài được kêu gọi sống một cuộc đời khác biệt.
Sau cái chết của mẹ ngài, Isabelle sáng lập tu viện Phanxicô lấy tên là "Ðức Khiêm Tốn của Trinh Nữ Maria" ở Longchamps, Balê. Ngài sống ở đây trong chín năm trời khổ hạnh, dù rằng chính ngài chưa bao giờ là một nữ tu. Vì chỉ muốn là một tạo vật bé mọn của Thiên Chúa, ngài từ chối chức vụ bề trên tu viện.
Khi ngài từ trần ngày 23-2-1270, người ta nghe có tiếng thiên thần ca hát. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Lêô X phong chân phước năm 1520.

Copyright © 2010 by Nguoi Tin Huu.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét