Trang

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

05-06-2012 : THỨ BA TUẦN IX MÙA THƯỜNG NIÊN


Thứ Ba Tuần 9 Thường Niên Năm II

BÀI ĐỌC I: 2 Pr 3, 12-15a. 17-18
"Chúng ta mong đợi trời mới đất mới".
Trích thư thứ hai của Thánh Phêrô Tông đồ.
Anh em thân mến, anh em hãy mong chờ và hối thúc ngày Chúa đến, ngày mà các tầng trời bốc cháy tiêu tan, và ngũ hành bị thiêu rụi. Nhưng theo lời Người hứa, chúng ta mong đợi trời mới đất mới, trong đó công lý sẽ ngự trị.
Anh em thân mến, bởi thế, trong lúc chờ đợi, ?hãy gắng sao nên vô tì tích trước nhan Người, trong bình an. Và? anh em hãy coi lòng khoan dung của Thiên Chúa như là phương thế cứu rỗi.
Vậy, anh em thân mến, được biết trước như thế, anh em hãy giữ mình, kẻo bị lôi cuốn theo sự lầm lạc của những kẻ vô luân mà sa đoạ, mất lòng trung kiên của anh em. Anh em hãy lớn lên trong ân sủng và trong sự hiểu biết Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Rỗi và là Chúa chúng ta. Nguyện (chúc) vinh quang cho Người bây giờ và đến muôn đời. Amen! Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 89, 2. 3-4. 10. 14 và 16
Đáp: Thân lạy Chúa, Chúa là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia (c. 1).
Xướng: 1) Ôi Thiên Chúa, trước khi núi non sinh đẻ, trước khi địa cầu và vũ trụ nở ra, tự thuở này qua thuở kia, vẫn có Ngài. - Đáp.
2) Thực ngàn năm ở trước thiên nhan, tựa hồ như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm thức giấc cầm canh. Chúa khiến con người trở về bụi đất, Ngài phán: "Hãy trở về gốc, hỡi con người!" - Đáp.
3) Thọ kỳ của chúng con số niên bảy chục, nếu khoẻ mạnh ra thì được tám mươi, nhưng đa số là những năm lầm than và phù phiếm, bởi chúng mau qua và chúng con cũng bay theo. - Đáp.
4) Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin cho các bầy tôi nhìn thấy sự nghiệp của Chúa, và cho con cháu họ được thấy vinh quang Ngài. - Đáp.
ALLELUIA: 1 Pr 1, 25
Alleluia, alleluia! - Lời Chúa tồn tại muôn đời, đó là lời Tin Mừng đã rao giảng cho anh em. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 12, 13-17
"Các ông hãy trả cho Cêsarê cái gì thuộc về Cêsarê, và trả cho Thiên Chúa cái gì thuộc về Thiên Chúa".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, người ta sai mấy người thuộc nhóm biệt phái và đảng Hêrôđê đến Chúa Giêsu để lập mưu bắt lỗi Người trong lời nói. Họ đến thưa Người rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật không vị nể ai, vì Thầy chẳng xem diện mạo, một giảng dạy đường lối Thiên Chúa cách rất ngay thẳng. Vậy chúng tôi có nên nộp thuế cho Cêsarê không? Chúng tôi phải nộp hay là không?" Nhưng Người biết họ giả hình, nên bảo rằng: "Sao các ông lại thử Ta? Hãy đưa Ta xem một đồng tiền". Họ đưa cho Người một đồng tiền và Người hỏi: "Hình và ký hiệu này là của ai?" Họ thưa: "Của Cêsarê". Người liền bảo họ: "Vậy thì của Cêsarê, hãy trả cho Cêsarê; của Thiên Chúa, hãy trả cho Thiên Chúa". Và họ rất đỗi kinh ngạc về Người. Đó là lời Chúa.
(www.dongcong.net)

05/06 – Thứ ba. Thánh Bôniphát, giám mục, tử đạo.
"Các ông hãy trả cho Cêsarê cái gì thuộc về Cêsarê, và trả cho Thiên Chúa cái gì thuộc về Thiên Chúa".
Suy nim:
Nhóm Pharisêu và nhóm Hêrôđê không phải là hai nhóm hợp nhau.
Nhưng họ lại rất hợp nhất trong việc muốn trừ khử Đức Giêsu (Mc 3, 6).
Ngài đã từng nhắc các môn đệ đề phòng “men” của hai nhóm này (Mc 8, 15).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, họ lại liên minh với nhau để giăng bẫy.
Trước khi đưa Đức Giêsu vào bẫy, họ đã lấy lòng bằng những lời ca ngợi.
Rồi cái bẫy được giăng ra, sắc như một con dao hai lưỡi.
“Có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?” (c. 14).
Đã từng có những câu hỏi như thế.
“Có được phép chữa bệnh trong ngày sa bát không?” (Mt 12, 10).
“Có được phép rẫy vợ vì bất cứ lý do nào không?” (Mt 19, 3).
Được phép có nghĩa là không đi ngược với Luật Môsê.
Từ năm thứ sáu sau công nguyên,
khi Giuđê và Samari trở thành một tỉnh của đế quốc Rôma,
mỗi người dân Do thái phải nộp một thứ thuế thân cho những kẻ xâm lược.
Đã có những phong trào đứng lên chống lại thứ thuế này.
“Có được phép nộp thuế cho Xêda không?”
Nếu Đức Giêsu nói rõ là được phép nộp thì đụng đến lòng ái quốc của dân,
và cũng đụng đến nhóm Pharisêu là những người không chấp nhận
sự thống trị nhơ nhớp của ngoại bang trên phần đất của Thiên Chúa.
Nếu Ngài nói rõ là không được phép nộp thì Ngài sẽ gặp khó khăn với Rôma,
và sẽ đụng đến nhóm Hêrốt là nhóm lãnh đạo dựa dẫm vào thế của đế quốc.
Dĩ nhiên Đức Giêsu đã khôn ngoan không trực tiếp trả lời câu hỏi này.
Ngài không rơi vào bẫy, ngược lại, có thể nói, Ngài giăng một cái bẫy khác.
“Đem cho tôi một đồng bạc để tôi xem” (c. 15).
Đức Giêsu không mang trong mình thứ tiền này, dùng để nộp thuế cho Rôma.
Nhưng kẻ thù của Ngài thì mang, và đưa cho Ngài một đồng bạc.
Đồng bạc này mang hình của Xêda và mang dòng chữ:
“Tibêriô Xêda, con của Augúttô thần linh, Augúttô.”
Khi biết đó là đồng tiền bằng bạc của Xêda, Đức Giêsu đã nói:
“Những thứ của Xêda, hãy trả lại cho Xêda,
những thứ của Thiên Chúa, hãy trả lại cho Thiên Chúa” (c. 17).
Câu trả lời này đã làm họ sững sờ, không thể nào bắt bẻ được.
Đức Giêsu có vẻ không chống lại chuyện nộp thuế thân cho Xêda.
Nhưng Ngài quan tâm đến một chuyện quan trọng hơn nhiều.
Chuyện đối xử công bằng với Thiên Chúa.
Trả lại cho Thiên Chúa mọi sự thuộc về Thiên Chúa: đó là bổn phận.
Đồng tiền mang hình Xêda, nên chúng ta phải trả cho Xêda.
Còn chúng ta là người mang hình ảnh Thiên Chúa,
nên chúng ta phải dâng trả chính bản thân mình cho Thiên Chúa.
Tên của Giêsu đã được ghi khắc trong tim ta,
nên chúng ta không được quên mình đã thuộc trọn về Giêsu.
Còn bao điều trong đời ta thuộc về Thiên Chúa mà ta vẫn giữ cho mình!
Cầu nguyn:
Lạy Chúa,
xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu,
và trọn cả ý muốn của con,
cùng hết thảy những gì con có,
và những gì thuộc về con.

Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con,
lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.

Tất cả là của Chúa,
xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.

Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.
Được như thế, con hoàn toàn mãn nguyện. Amen.
(Kinh dâng hiến của thánh I-Nhã)

 Lm An-tôn Nguyễn Cao Siêu SJ.

Một qui luật sống
Tin Mừng hôm nay ghi lại một cuộc tranh luận khác giữa Chúa Giêsu và các vị lãnh đạo Do thái. Ở đây, chúng ta lại thấy hai nhóm liên kết lại, kể từ khi họ bắt hụt Chúa Giêsu khi Ngài rao giảng ở Capharnaum (3,6). Phái Hêrôđê ủng hộ Hêrôđê Antipa, thủ hiến xứ Galilê thì dựa vào thế lực của Rôma, còn nhóm Biệt phái cũng khá hòa hoãn với giới thống trị.
Thái độ sống giả hình là thái độ của những kẻ đóng kịch, cố gắng làm sao cho người khác thấy sự tốt nơi mình, mà thực ra mình không có. Những người Biệt phái và những người thuộc phái Hêrôđê là những kẻ giả hình, bởi vì họ làm ra vẻ muốn tìm biết sự thật, mà kỳ thực chỉ là để tìm dịp bắt bẻ Chúa. Họ đến với Chúa, khen Ngài là người chân thật, cứ theo sự thật mà giảng dạy đường lối của Thiên Chúa. Nhưng rất tiếc lời nói khéo léo của họ lại che đậy một thủ đoạn, một âm mưu trả thù. Ðó là đường lối của con người, nhất là của hạng người vụ lợi, ích kỷ, tham quyền.
Thật thế, sau khi giả vờ khen Chúa, họ liền chất vấn Ngài: "Có được phép nộp thuế cho Xêda không?". Vấn đề xem ra đơn giản, nhưng thực ra là một cạm bẫy. Theo họ, Chúa Giêsu là nhà cách mạng thuộc dòng tộc Ðavít, chắc hẳn Ngài sẽ bảo họ không nộp thuế cho Xêda, và thế là sa bẫy họ, lúc đó, họ sẽ có lý do để bắt bớ, giải nộp và giết Ngài. Nhưng đối với Chúa Giêsu, cái bẫy của họ không có gì là nan giải, vì khôn ngoan của loài người chỉ là dại khờ trước mặt Thiên Chúa. Mặc dù biết rõ ý đồ của họ, Chúa Giêsu vẫn tỏ ra hết sức chân thật; Ngài còn nhân cơ hội này để đưa ra một bài học: Ngài bảo họ cho xem đồng tiền và sau khi được biết hình và dấu trên đồng tiền là của Xêda, Ngài nói tiếp: "Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa". Nói khác đi, một khi đã được hưởng nhờ ơn lộc của ai, thì phải đền ơn đúng nghĩa, họ đã nhờ bổng lộc của Xêda, thì có bổn phận đền đáp cho Xêda; nhưng Chúa cũng nhắc thêm bổn phận của con người đối với Thiên Chúa: con người đã nhận lãnh nhiều ơn huệ của Thiên Chúa, nên cũng phải đền đáp ơn Ngài. Chúa Giêsu nhìn nhận vai trò đúng đắn của của quyền bính trần thế: "Của Xêda, trả về Xêda", nhưng Ngài thêm: "Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa". Chúa nhắc nhở rằng quyền bính trần thế không phải là quyền bính duy nhất trên con người, mà còn có quyền bính của Thiên Chúa nữa. Có những điều con người phải trả cho Thiên Chúa, vì con người đã được tạo dựng theo và giống hình ảnh Ngài; con người mắc nợ Thiên Chúa sự sống, nên con người buộc phải dâng hiến mạng sống cho Ngài và để Ngài chiếm chỗ ưu tiên trong cuộc sống của mình.
Xin Chúa soi sáng để chúng ta biết phân biệt điều gì thuộc Xêda, điều gì thuộc Thiên Chúa, để chu toàn bổn phận đối với trần thế và đối với Thiên Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 Của Xêda
Họ cử mấy người Pha-ri-sêu và mấy người thuộc phe Hê-rô-đê đến cùng Người để gài bẫy cho Người lỡ lời. Những người này đến và nói: “Thưa Thầy chúng tôi biết Thầy là người chân thật, Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Vậy có được phép nộp thuế cho Xê-da không? chúng tôi phải nộp hay không phải nộp?” Nhưng Đức Giêsu biết họ giả hình, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử Tôi? đem một quan tiền cho Tôi coi!” Đức Giêsu bảo họ: “Của Xê-da, trả về Xê-da; Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” Và họ hết sức ngạc nhiên về Người. (Mc. 12, 13-15, 17)
Chúa không phán: “Của Xêda trả về Xêda miễn là nó phục tùng luật Chúa” nhưng “Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” Chúng ta thường có khuynh hướng giảm thiểu vế đầu của câu và coi như chỉ mình Chúa là có quyền. Nghĩ Chúa xử sự như vậy là điều bất công. Ta phải chú ý, người ta không biểu dương những quyền lợi của Chúa bằng cách chối bỏ quyền lợi của con người. Những kẻ trong sạch của mọi thời đại không để cho mình hoen ố vì bàn tay lấy cớ rằng họ phụng sự Thiên Chúa thì cũng là những kẻ lừa dối như những kẻ nói quá trong chiều hướng kia vậy. Péguy đã có lý để mạ lị “những người nghĩ rằng mình yêu mến Chúa bởi vì họ không thương yêu ai cả.”
Dứt khoát mà nói, những quyền lợi của con người cũng quan trọng như những quyền lợi của Thiên Chúa và khẳng định như vậy không phải là phạm thượng. Trái lại, thừa nhận trong chốc lát rằng Người đòi hỏi ta phải dành cho Người một tình yêu khác biệt, thiết tưởng sẽ là khinh miệt Chúa. Người Kitô hữu không có một trái tim hai tầng. Những tội ác chống với nhân loại cũng ghê tởm như những tội chối đạo vậy. Có những lời Phúc âm bị quên đi tỉ như “Ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga. 4,20).
Lễ phong vương
Có một thời việc xức dầu cho các vua được coi như một bí tích. Những tranh cãi thần học nảy sinh từ một sự giải thích như vậy chẳng mấy quan trọng, có điều là đó là ý tưởng đẹp và nó bắt nguồn tư lòng ngưỡng mộ lớn lao đối với con người được tạo dựng để cai trị. Vả lại những quyền lón lao dành cho con người đều là những tiêu đề cao quý: quyền sống, quyền được đối xử công bình, quyền được yêu thương, bình đẳng…
Nếu Thiên Chúa đòi hỏi được yêu mến trên hết mọi sự, thì tuyệt nhiên không phải là con người được hưởng một nửa tình yêu đâu, mà vỏn vẹn chỉ có nghĩa là với tất cả khả năng yêu mến của ta dành cho Người. Những anh em ta, dù có tuyệt vời đến đâu, thì vẫn có giới hạn và tận cùng. Khi những người anh em ấy đã nhận được trọn tình yêu dành cho họ rồi, thì trái tim ta vẫn còn có khả năng vươn lên tới vô hạn.
Một trong những việc làm làm vẻ vang cho thời đại của ta là việc lập ra những hội nhân quyền. Ngày nào công việc của những hiệp hội hay liên minh này sẽ thành công, ngày ấy Nước Thiên Chúa sẽ ở giữa chúng ta.


Nộp thuế cho Xêda
Những người Do Thái thời Chúa Giêsu không thích việc nộp thuế cho hoàng đế Rôma. Câu hỏi được đặt ra cho Chúa Giêsu là cố ý làm cho Người bị mắc bẫy dù có trả lời như thế nào đi nữa. Nếu Chúa Giêsu nói phải trả thuế thì sẽ bị dân chúng ghét bỏ. Nếu nói không trả thuế thì sẽ bị tố cáo với nhà cầm quyền Rôma là kẻ phản loạn. Chúa Giêsu vạch mặt phơi bày mưu mô những người hỏi Chúa bằng cách xin một đồng tiền và hỏi họ: "Ðồng tiền nầy là hình và danh hiệu của ai?" Họ đáp: "Của Xêda". Sử dụng đồng tiền này là dấu chỉ mình chấp nhận luật lệ Rôma. Ghét Chúa Giêsu, những kẻ lãnh đạo muốn vịn vào lý do chính trị hoặc lèo lái chính trị để hạ uy tín của Chúa và để có lý do bắt Chúa vì Chúa là một người làm chính trị.
Chuyện xưa và nay không khác nhau cho lắm. Và Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ của Ngài rõ ràng: "Của Xêda trả về cho Xêda; của Thiên Chúa trả về lại cho Thiên Chúa". Hãy chu toàn bổn phận của mình đối với Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin cất khỏi lòng con những điều u mê tối tăm. Xin Chúa cất khỏi trí con ý định mưu toan xấu xa. Xin Chúa hướng lòng trí con về điều quang minh trong sáng để con suy nghĩ, mưu cầu và chỉ làm điều tốt lành mà thôi.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


Thánh Bonifaciô, Giám Mục Tử Ðạo
(680-755)
Thánh Boniface làm phép Rửa (hình trên) và tử đạo  (hình dưới).

Bonifaciô tên thật là Winfrid sinh khoảng 680 tại Kirton, nước Anh. Lớn lên trong bầu khí đạo đức thánh thiện sẵn có của gia đình, nhất là nhờ ảnh hưởng của những tu sĩ truyền giáo quen biết, chẳng bao lâu Bonifaciô ngỏ ý xin đi tu dòng. Tại đây, Bonifaciô được Bề Trên và bạn đồng học quý chuộng vì lòng đạo đức và sự minh mẫn hiếm có. Ngài thụ phong linh mục năm 30 tuổi và được cử làm giáo sư tu viện.
Nhưng ý Chúa nhiệm màu muốn đặt ngài vào nhiệm vụ truyền bá Tin Mừng cho dân tộc Ðức. Năm 716, nhờ lòng hăng say, ngài đã vượt qua mọi hiểm nguy, cấm cách hay sự chống đối của những người tà giáo và đem nhiều linh hồn về cùng Chúa. Ðể thưởng công lao truyền giáo nhiệt thành và đồng thời để công cuộc truyền giáo của ngài đạt kết quả hơn, Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô II đã tấn phong ngài làm Giám Mục và sau đó đặt ngài làm Tổng Giám Mục Mayence nước Ðức năm 747.
Mặc dù tuổi già sức yếu, Ðức Cha Bonifaciô vẫn tận tâm với việc truyền giáo. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng ngàn người đã được chịu phép Rửa Tội. Trước thành quả lớn lao đó, nhiều thủ lãnh ngoại giáo đem lòng ghen ghét và tìm dịp ám hại ngài.
Mùa hè năm 755, đang lúc sửa soạn cử hành nghi lễ Rửa Tội cho một số tân tòng thì đột nhiên có những người võ trang đổ xô tới đâm chém ngài. Xác ngài được đưa về an táng tại tu viện Fulda. Chúa đã làm nhiều phép lạ trên mộ ngài.

05/06/12 THỨ BA TUẦN 9 TN
Th. Bôniphát, giám mục, tử đạo
Mc 12,13-17

SỐNG ĐẠO GIỮA ĐỜI

Chúa Giêsu bảo họ: “Của Xê-da, trả về Xê-da, của Thiên Chúa, trả về cho Thiên Chúa.” (Mc 12,17)

Suy niệm: Vin vào câu nói của Chúa Giêsu: “Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” người ta cổ võ cho chủ trương tách biệt đạo đời. Theo trào lưu tục hoá, cuộc sống người kitô hữu bị phân mảnh làm đôi: “việc đạo” là việc “riêng tư” bị đóng khung trong khuôn viên nhà thờ; ngoài ra, cuộc sống đời thường và các sinh hoạt xã hội không được mang nội dung, dấu hiệu gì để diễn tả niềm tin; bất quá, nếu có, thì bị “khử thiêng” để chỉ còn là những hình thức văn hoá lễ hội. Nguy hại thay, chính các kitô hữu lắm khi lại “vô tư” chấp nhận cách thức phân loại này. Công đồng Vaticanô II dạy chúng ta cách hiểu đúng về Lời Chúa trên đây: chẳng những phải tôn trọng tính cách riêng của các thực tại trần thế, mà còn phải đem những giá trị Tin Mừng thấm nhập vào đó nữa: “Đối với người Kitô hữu, xao lãng bổn phận trần thế tức là xao lãng bổn phận đối với người thân cận và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của họ bị đe dọa” (GS 43).

Mời Bạn: Là người tín hữu đang sống giữa những thực tại trần thế, chúng ta có nghĩa vụ chu toàn sứ mạng của mình trong cả hai đời sống này. Bạn có ý thức đến việc xây dựng xã hội trần thế tốt đẹp theo tinh thần Phúc Âm chưa? Làm thế nào để đem Tin Mừng vào mọi ngõ ngách của cuộc sống của bạn?

Sống Lời Chúa: Trước khi làm việc gì, dâng lên Chúa một lời nguyện tắt xin Chúa thánh hoá việc bạn sắp làm.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Xin ban cho chúng con luôn can đảm và sức mạnh để chúng con đủ sức chu toàn bổn phận hàng ngày của mình. Amen.



Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Ba Tuần 9 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: 2 Pet 3:12-15a, 17-18; Mk 12:13-17.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Hãy làm cho Nước Thiên Chúa mau đến bằng cách sống thật.

Nhiều người sai lầm khi nghĩ nếu một chính phủ không đáp ứng những gì các tín hữu mong muốn, họ phải nhân danh Giáo Hội tranh đấu đến cùng và sẵn sàng đổ máu để đạt được những nguyện vọng đó.
Các bài đọc hôm nay giúp chúng ta nhận ra những điều người tín hữu phải làm và những gì không nên làm. Trong bài đọc I, tác giả Thư Phêrô II nhắc nhở cho các tín hữu biết thế giới này sẽ tan biến đi cùng với tất cả các phù hoa của nó. Điều quan trọng hàng đầu các tín hữu cần phải làm là hãy lo sống làm sao cho mình và mọi người được hưởng ơn cứu độ. Trong Phúc Âm, một số các “chính trị gia,” những người Pharisees giả hình và những người thuộc phe Herod, nhân danh việc đi tìm sự thật để giăng bẫy bắt Chúa Giêsu. Họ hỏi: “Có được phép nộp thuế cho Caesar hay không? Biết rõ mưu đồ của họ, Chúa cho họ câu trả lời chẳng những họ không làm gì được Chúa mà còn mời gọi họ suy nghĩ về lối làm chính trị “sai sự thật” của họ: “Của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa."

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Anh em hãy coi chừng kẻo bị những kẻ phạm pháp và lầm lạc lôi cuốn!
Một điều Chúa Giêsu và các tông đồ luôn cảnh cáo các tín hữu là đề phòng những kẻ rao giảng sự sai lạc làm các tín hữu nghi ngờ sự thật các Ngài rao giảng và từ từ bỏ đạo. Chúa Giêsu gọi họ là “chó sói” đội lốt người chăn chiên để cắn xé đoàn chiên (Jn 10:12). Thánh Gioan gọi họ là những kẻ “phản Đức Kitô,” và nguy hiểm hơn nữa họ là chiên ở ngay giữa đoàn chiên (I Jn 2:18-19). Thánh Phaolô khuyên nhủ rất nhiều lần môn đệ Timothy và Titus phải đề phòng những người này: “Anh hãy biết điều này: vào những ngày sau hết sẽ có những lúc gay go. Quả thế, người ta sẽ ra ích kỷ, ham tiền bạc, khoác lác, kiêu ngạo, nói lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ, vô ân bạc nghĩa, phạm thượng, vô tâm vô tình, tàn nhẫn, nói xấu, thiếu tiết độ, hung dữ, ghét điều thiện, phản trắc, nông nổi, lên mặt kiêu căng, yêu khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa; hình thức của đạo thánh thì họ còn giữ, nhưng cái chính yếu thì đã chối bỏ. Anh hãy xa lánh cả những người ấy”
(2 Tim 3:1-5). Trình thuật của Thư Phêrô II muốn nêu bật cho các tín hữu hiểu hai điều:
1.1/ Ngày của Thiên Chúa sẽ đến: Chúa Giêsu bảo đảm: Ngày ấy chắc chắn sẽ đến, còn khi nào xảy ra không ai biết được trừ một mình Chúa Cha. Tác giả nhắc các tín hữu hai khía cạnh của Ngày này: thứ nhất, vũ trụ sẽ bị hủy diệt qua câu “các tầng trời sẽ bị thiêu huỷ và ngũ hành sẽ chảy tan ra trong lửa hồng; thứ hai, “Ngày bắt đầu trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị” đúng theo lời Thiên Chúa hứa. Ngày đó, mọi người sẽ ra trước Thiên Chúa để chịu phán xét. Chỉ lúc đó mọi người sẽ nhìn thấy sự công thẳng của Thiên Chúa.
Không ai biết được khi nào Ngày ấy đến, nhưng theo lời Sách Thánh, các tín hữu có thể làm cho Ngày ấy mau đến bằng những phương thế sau đây:
+ Cầu nguyện: Trong kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện: “Xin cho Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.”
+ Rao giảng Tin Mừng: Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ: Hãy đi khắp thế gian mà rao giảng Tin Mừng. Điều này có thể hiểu: Khi Tin Mừng được loan báo đến mọi người, Nước Chúa sẽ đến.
+ Thống hối và vâng lời Thiên Chúa: Điều này quan trọng hơn cả. Như một người Cha mong cứu thoát tất cả con cái của mình, Thiên Chúa sẽ chọn Ngày nào mà cứu được tất cả hay nhiều con nhất. Thánh Phêrô nói: “Chúa tỏ lòng kiên nhẫn chính là để anh em được cứu độ.” Ngày đó chưa xảy ra vì còn quá nhiều người phải hư mất. Thánh Phaolô cũng nói cách tương tự: Khi dân tộc Do-thái tin vào Đức Kitô, Ngày ấy sẽ đến. Vì thế, nỗ lực của hết mọi tín hữu hãy đặt điều này trên hết tất cả mọi điều nếu họ mong cho Nước Chúa mau trị đến.
1.2/ Đừng bị lung lay bởi các lạc thuyết: Có quá nhiều lạc thuyết trong thế gian mà các tín hữu chỉ có thể chống trả bằng cách học biết sự thật. Một trong những lạc thuyết đó là lối sống của những kẻ không tin có sự sống đời sau. Vì không tin sự sống đời đời nên họ dành hết thời gian, mọi cố gắng để xây dựng cuộc sống đời này. Chúa Giêsu và các tông đồ kêu gọi các tín hữu luôn phải hướng lòng về trời vì đó là mới là quê hương đích thực của các tín hữu. Chúng ta chỉ là những người ngoại quốc hay những người tạm trú của thế giới này mà thôi. Chính Chúa Giêsu cũng trả lời cho Pilate: “Nước tôi không thuộc chốn này” (Jn 18:36). Lối sống của các tín hữu không được giống như những người không tin có cuộc sống đời sau. Tác giả khuyên: trong khi mong đợi ngày đó, các tín hữu phải cố gắng sao cho Người thấy họ càng ngày càng phải trở nên tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an. Họ phải lớn lên trong ân sủng và trong sự hiểu biết Đức Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ.

2/ Phúc Âm: "Của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa."
2.1/ Bẫy giăng để hại Chúa Giêsu: Trình thuật Marcô nói rõ nguồn gốc, mục đích, và cách thức để gài bẫy Chúa Giêsu: Các người trong Thượng Hội Đồng là những người sai mấy người Pharisees và mấy người thuộc phe Herode đến. Mục đích là để Người phải lỡ lời mà mắc bẫy. Cách gài là khen những lời đãi bôi để đánh lạc hướng Chúa, để Chúa nhận ra họ là những người thành thật muốn tìm hiểu chân lý. Họ nói: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Vậy có được phép nộp thuế cho Caesar hay không? Chúng tôi phải nộp hay không phải nộp?" Lý do họ sai hai nhóm người này là cho mục đích chính trị của họ:
(1) Phe Pharisees: chủ trương người Do-thái phải được cai trị bởi người Do-thái (Deut 17:15). Họ chống mọi thế lực ngoại bang và việc nộp thuế cho đế quốc Rôma. Nếu Chúa trả lời “Phải!” họ sẽ xui giục dân chúng chống Chúa vì toa rập với thế lực nước ngoài.
(2) Phe Herode: chủ trương hòa đồng với Rôma để được “tốt đạo đẹp đời.” Họ nại cớ biết bao điều tốt lành đến từ việc cai trị của Roma trong thời các vua Herod cai trị. Vì thế, họ thuyết phục những người Do-thái: Cứ để cho đế quốc cai trị bao lâu hoàng đế đừng can thiệp vào nội bộ tôn giáo của Do-thái. Nếu Chúa trả lời “Không!” họ sẽ nộp Chúa cho quân đội Roma vì xui giục dân phản chính quyền.
Cả hai cùng hợp lại để làm điều ác: có lý do để bắt Chúa và tiêu diệt người lành. Họ nghĩ Chúa trả lời cách nào cũng không thoát mưu mô của họ.
2.2/ Câu trả lời của Chúa Giêsu: Đức Giêsu biết họ giả hình, nên Người nói: "Tại sao các người lại thử tôi? Đem một đồng bạc cho tôi xem!" Họ liền đưa cho Người. Người hỏi: "Hình và danh hiệu này là của ai đây?" Họ đáp: "Của Caesar." Đức Giêsu bảo họ: "Của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa." Và họ hết sức ngạc nhiên về Người.
(1) Chúa phân biệt chính trị ra khỏi tôn giáo: Hai mục đích của hai bên khác nhau: mục đích của tôn giáo là đưa con người tới Thiên Chúa, mục đích của chính trị là lo cho con người được no cơm ấm áo ở đời này. Ba bổn phận của các nhà lãnh đạo tôn giáo là dạy dỗ con người biết đạo lý Chúa dạy để khỏi những lầm lạc, ban các bí tích để mang ơn thánh xuống cho con người, và điều hành dân chúng trong lãnh vực tôn giáo. Bổn phận của những người lãnh đạo quốc gia là lo cho nền an ninh quốc gia, no cơm ấm áo cho người dân, và bảo vệ trật tự trong nước.
(2) Người dân có nhiệm vụ đóng góp để bảo vệ lợi ích chung: Việc đóng thuế cho chính phủ là bổn phận của người dân để chính phủ có quĩ điều hành mà lo cho các nhu cầu của dân chúng. Ngoài ra người dân còn phải đóng góp công sức và tài năng trong việc phát triển và bảo vệ xã hội. Chúa Giêsu đã từng khuyên Phêrô phải kiếm tiền nộp thuế cho ông và cho Ngài. Các tông đồ vẫn khuyến khích dân vâng lời những nhà cầm quyền tốt. Nếu chính phủ tham nhũng không biết lo cho dân, người dân có quyền đứng lên tranh đấu để xây dựng một chính phủ biết lo cho dân hơn.
(3) Đừng quên trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài: Chúa mời gọi những kẻ được sai đến và chúng ta suy nghĩ cẩn thận về việc trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài:
+ Con người chúng ta được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, chúng ta thuộc về Ngài. Chúng ta không có quyền muốn làm gì thì làm; nhưng phải sống theo những gì Thiên Chúa đã tiên định để rồi chúng ta sẽ được sống hạnh phúc với Ngài muôn đời. Lấy danh nghĩa tự do để cãi lời Thiên Chúa chỉ dẫn chúng ta đến chỗ diệt vong.
+ Mọi quyền bính trên thế gian đều đến từ Thiên Chúa, Ngài trao cho con người để cùng thông phần vào sự điều khiển với Ngài. Ngài trao cho Caesar quyền cai trị người Do-thái và Caesar phải trả lời với Thiên Chúa về quyền cai trị của ông. Nhiều lúc sức con người không thể hiểu về sự quan phòng của Thiên Chúa. Người Do-thái nhiều lần thắc mắc tại sao Thiên Chúa lại trao quyền cai trị dân Chúa cho những người ngoại đạo? Lịch sử trả lời vì họ đã không chịu nghe lời Thiên Chúa cảnh cáo qua các ngôn sứ. Chúa trao quyền hành mà không biết dùng Chúa lại lấy đi. Chúa dùng Babylon là cái roi để sửa phạt dân rồi lại bẻ gẫy cây roi bằng cách trao vua Babylon cho vua Persia. Quyền hành trong thế giới luôn thay đổi theo sự quan phòng của Thiên Chúa. Nếu Chúa muốn cất đi không ai có thể chống cự nổi; nếu Chúa muốn giữ quyền hành lại không ai thay đổi được. Dĩ nhiên khi trao quyền hành, Ngài muốn con người phải biết xử dụng để sinh ích lợi chung; nhưng lòng con người thay đổi và khó dò: khi chưa có quyền hành trong tay thì hứa hẹn đủ điều; đến khi nắm quyền hành thì lại tham nhũng bất công nhiều khi còn hơn chế độ hay người đi trước. Có lẽ vì thế mà quyền hành cứ phải thay đổi mãi; chỉ khi nào chúng ta vào Nước Thiên Chúa và được Chúa Giêsu, Vua công chính cai trị, chúng ta mới hưởng nhận được bình an. Bao lâu sông trong thế giới bất toàn, nhiệm vụ của chúng ta là nghe theo, chứ không chống lại ý định của Thiên Chúa, vì chúng ta tin tưởng Ngài đang quan phòng thế giới cách khôn ngoan và uy quyền.
+ Quyền sở hữu tài sản nói cho cùng cũng không thuộc Caesar hay thuộc bất cứ ai, vì Chúa dựng nên mọi sự cho con người xử dụng. Con người chỉ là người quản lý và phải trả lời với Thiên Chúa về việc dùng tài sản.
+ Sự sống là của Thiên Chúa, thời gian và tài năng là của Ngài ban cho. Con người không được tiêu hủy sự sống từ lúc mới sinh cho đến khi giã từ cuộc đời. Con người không được lãng phí thời gian vào những việc vô ích, nhưng phải biết dùng thời gian để sinh ích cho mình và cho mọi người. Nhiều người đã lãng phí tài năng Chúa ban qua việc dùng thuốc, chơi bài bạc, và một cuộc sống vô độ. Họ đã phải trả giá cho việc lợi dụng tự do để muốn làm gì thì làm. Nếu suy nghĩ cho cùng, con người phải chấp nhận: mọi sự là của Thiên Chúa. Con người chỉ có quyền dùng, và phải dùng cách khôn ngoan để sinh lợi ích cho mình, cho tha nhân, và cho việc mở mang Nước Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải biết khiêm nhường nhìn nhận chúng ta không khôn ngoan hơn Thiên Chúa. Hãy biết vâng lời làm theo những gì Ngài truyền dạy.
- Điều quan trọng hơn cả là phải lo cho mình và tha nhân được hưởng ơn cứu độ; mọi sự khác đều phụ thuộc và chỉ cần thiết ở đời này.


Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

****************

Hãy Cho Một Nụ Cười

Một bệnh nhân nọ được đưa vào một bệnh viện do các tu sĩ điều khiển. Người ta không để cho anh nằm điều trị trong một căn phòng riêng rẽ mà lại đặt anh nằm chung với các bệnh nhân khác trong một phòng lớn. Vừa mới được khiêng vào căn phòng, người đàn ông đã bị các bệnh nhân khác tuôn đến bao xung quanh. Người thì kéo chăn, kẻ nắm áo, kẻ bứt tóc. Không mấy chốc, anh bị quăng xuống khỏi giường giữa những tiếng cười đùa của các bệnh nhân khác.
Không chịu đựng nổi trò chơi quái ác của các bệnh nhân, người đàn ông mới la hét để kêu cầu vị phụ trách. Anh trình như sau: "Tại sao ông lại đưa tôi vào đây. Tất cả các bệnh nhân xung quanh tôi đều cười đùa, nghịch ngợm như một đám con nít. Hẳn họ không đau yếu như tôi".
Vị phụ trách mỉm cười đáp: "Họ còn đau yếu hơn cả anh. Nhưng tất cả đều khám phá ra một bí quyết, một bí quyết mà ít người ngày nay biết đến hoặc có biết đến, họ cũng không tin".
Người đàn ông muốn biết bí quyết ấy. Vị phụ trách bệnh viện mới lấy một cái cân có hai đĩa ở hai đầu. Ngài lấy một hòn đá đặt vào một đĩa cân, đĩa cân ở đầu bên kia liền được nhắc lên... Ngài giải thích như sau: Tôi vừa trình bày cho ông một bí quyết của các bệnh nhân ở đây. Chiếc cân này là biểu trưng của tình liên đới giữa con người với nhau. Hòn đá biểu hiện cho nỗi đau khổ của ông. Khi đau khổ đè nặng trên ông, thì ở đầu cân bên kia, niềm vui có thể đến với một người nào đó. Niềm vui và nỗi khổ thường sánh vai với nhau. Nhưng nỗi khổ cần phải được đón nhận và dâng hiến, chứ không phải để giữ riêng cho mình. Hãy làm cho những người khác trở thành trẻ thơ, hãy làm cho nụ cười được chớm nở trên môi của người khác cho dẫu ta đang hấp hối".
Cái chết của Ðức Kitô là cái chết của một người cho tất cả mọi người. Ðó là Tình Yêu được dâng hiến cho tất cả mọi người. Ðó là Hy Sinh cho tất cả mọi người. Ðó là Lý Tưởng của một người sống và chết cho mọi người.
Nhìn ngắm Ðức Kitô trên thập giá, chúng ta thấy được định nghĩa đích thực về con người: con người chỉ có thể thể hiện được trọn vẹn tính người khi sống cho người khác. Càng sống cho tha nhân, con người càng tìm lại được chính bản thân. Càng chia sẻ với người khác, con người càng trở nên phong phú...
Có của cải, có thì giờ, có niềm vui để chia sẻ đã đành, nhưng con người còn có cả một kho tàng khác để chia sẻ cho người khác: đó là nỗi đau khổ, sự bất hạnh, những hy sinh âm thầm của mình. 
Âm thầm đón nhận một đau khổ mà không than trách, không phàn nàn, nhưng luôn để lộ trên khuôn mặt sự vui tươi, tinh thần lạc quan: đó là một trong những chia sẻ cao độ nhất mà chúng ta có thể dành cho người khác.
Vác lấy khổ đau để trở thành gánh nặng cho người khác: đó là một trong những chia sẻ cao quý nhất mà chúng ta có thể dành cho người khác.
Dâng từng khổ đau, hy sinh và âm thầm phục vụ từng ngày để cầu nguyện cho tha nhân: đó là một trong những chia sẻ cao đẹp nhất, bởi vì chỉ có Chúa mới thấy được giá trị của sự chia sẻ ấy.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Thứ Ba tuần 9 thường niên
Sứ điệp: Là công dân một nước, người tín hữu phải chu toàn nghĩa vụ của người công dân. Còn nghĩa vụ đối với Thiên Chúa thuộc bình diện khác và có tính tuyệt đối.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, người ta gài bẫy để tìm cớ tố cáo Chúa tiếp tay với đế quốc phản lại dân tộc, hoặc để tố cáo Chúa chống lại hoàng đế. Nhưng Chúa đã cho thấy lập trường của Chúa: của Xê-da trả về Xê-da; của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa. Con thấy Chúa là người của Thiên Chúa, nhưng đồng thời Chúa cũng thuộc về một quốc gia. Chúa yêu mến quê hương, Chúa tôn trọng luật pháp. Chúa nộp thuế như mọi người. Chúa không hề chống cự quan Phi-la-tô và vua Hê-rô-đê.
Lạy Chúa, suy gẫm những điều ấy, con lại cúi mình thẳm sâu trước mầu nhiệm Chúa làm người. Dù là Thiên Chúa, nhưng Chúa đã muốn giống con trong mọi sự. Con muốn học hỏi nơi Chúa lòng yêu mến quê hương và tôn trọng quyền bính hợp pháp. Xin Chúa giúp con ý thức nghĩa vụ đối với Thiên Chúa và đồng thời vẫn không quên nghĩa vụ của người công dân. Những nghĩa vụ chính đáng, những điều không trái với Tin Mừng, không trái với lương tâm Kitô hữu, xin dạy con nhận ra đó là ý Thiên Chúa và hăng say thi hành.
Lạy Chúa, xin giúp con sống đời chứng tá cho Tin Mừng giữa lòng dân tộc. Quê hương con còn nhiều điều xấu, nhiều người xấu, nhiều hoàn cảnh xấu. Xin Chúa giúp con là Kitô hữu biết tích cực dấn thân góp phần mình để quê hương con ngày càng tốt đẹp hơn.
Nhưng trước hết, xin Chúa giúp con luôn chu toàn nghĩa vụ đối với Thiên Chúa. Xin đừng để con quá mải mê với bổn phận ở đời mà quên mất Thiên Chúa, nhất là đừng bao giờ để con vì lợi lộc, địa vị ở đời mà bôi nhọ hoặc chối bỏ danh Kitô hữu. Xin giúp con yêu mến Thiên Chúa trong mọi sự và trên mọi sự. Amen.
Ghi nhớ :"Các ông hãy trả cho Cêsarê cái gì thuộc về Cêsarê, và trả cho Thiên Chúa cái gì thuộc về Thiên Chúa".


Gương Thánh Nhân
Một lời cầu nguyên đầu thế kỷ XX có hình mô tả Thánh Boniface rời nước Anh.

Ngày 05-06:
Thánh BÔNIFACIÔ
Giám Mục Tử Đạo (673 - 754)
Thánh Bônifaciô có tên sơ khởi là Winfrid. Ngài là người Saxon miền nam, sinh ở Creditôn gần Exêter, năm 673, thời đó, phong trào truyền giáo rất mạnh mẽ ở nước Anh. Gia đình Ngài thường là nơi dừng chân của rất nhiều nhà truyền giáo. Winfrid rất thích gần gũi ở những con người thánh thiện này và không bỏ mất một lời nào các Ngài kể lại và năng hỏi thăm về những chân lý các Ngài rao giảng. Một ngày kia Winfrid hỏi các Ngài phải làm gì để được cứu rỗi ? Các vị thừa sai trả lời: - Phải nỗ lực để nên tốt lành với mọi người và đừng nghĩ đến mình.
Nghe những lời này, Winfrid muốn lên đường ngay để rao giảng Tin Mừng cho lương dân. Ngài đã xin cha đi tu nhưng cha Ngài đã từ chối. Ngài ngã bệnh khiến cha Ngài hốt hoảng và đã chấp nhận.
Winfrid nhập dòng ở Exeter và vì thiện chí học hỏi của Ngài, người ta gởi Ngài tới Nursling để học kinh thánh, thơ văn và văn phạm, năm 717, Winfrid đã trở thành một giáo sĩ nổi bật của miền nam Saxon và được đề nghị làm tu viện trưỏng tu viện Nursling. Nhưng Ngài đã quyết định gia nhập nhóm truyền giáo. Angle-saxon lên đường tới Frisia. Vẫn quan tâm đến các công việc của nước Anh cho đến hết đời, Ngài giữ liên lạc thư từ rất thường xuyên nhưng không hề viếng nước Anh lần nào nữa.
Miền đất Winfrid muốn đến rao giảng Tin Mừng là một vùng thuộc nước Đức và nằm giữa hai giòng sông Rhin và Danube. Cả người Rôma lẫn người Pháp đã không thuần hoá được dân chúng hung dữ của miền này. Nhưng một cuộc chiến bùng nổ giữa bá ước Ratborol và Charles Martel, khiến Ngài không cập bến được. Ngài hướng về Roma với một nhóm hành hương và xin sự chẩn nhận của Đức giáo hoàng. Đức Thánh cha Grêgoriô II đã chúc lành cho tu sĩ này và ban cho mọi người quyền hạn để mang Nước Chúa đến cho dân Đức còn đang thờ ngẫu tượng.
Rời Rôma, Người rảo qua các miền Lombardie, Baviere và Thuringia học hiểu ngôn ngữ và giữ các phong tục địa phương của đám dân. Ngài muốn truyền bá Tin Mừng. Ngài đã đến Frisia, đến giữa nước Đức, và lập được nên một nhà nguyện, một tu viện ở Hambourg. Thành quả này làm phấn khởi cũng như thúc đẩy tình yêu nơi vị tông đồ. Những cuộc trở lại đạo này ngày một nhiều.
Năm 722 Đức giáo hoàng gọi Winfrid về Roma và tấn phong Ngài làm giám mục. Đức Giáo hoàng nói : - Từ nay con sẽ mang tên là Bônifaciô, nghĩa là "người thi ân". Đây là lần đầu tiên một tòa giám mục ở xa đã theo thực hành địa phương của Italia và đã tỏ bày sự tuân phục đối với Đức Giáo hoàng .
Bônifaciô lại lên đường truyền giáo với tư cách giám mục. Ngài sẽ không ở Frisia dưới quyền Willibord, nhưng muốn mở ra một lãnh địa mới ở Tây Đức. Ngài đã bắt đầu ở Hesse miền Thuringia là nơi Ngài đã đến đốn một cây sồi cổ thụ. Dân chúng đặt tên cho cây sồi này là "sức mạnh thần Jupiter". Thánh nhân đã triệt hạ cây cổ thụ cách dễ dàng lạ lùng rồi dùng cây dựng nhà thờ kính thánh Phêrô. Dân chúng thờ ngẫu thần đã giận dữ vì sợ bị thần minh oán phạt. Họ tuốn đến đe dọa thánh nhân. Nhưng khi nghe Ngài nói rất hay và đầy tình đầy nghĩa, nhiều người đã trở lại đạo.
Charles Martel lúc ấy sẵn sàng đem binh lực phục vụ Kitô giáo. Tuy nhiên Đức Giám mục Bônifacio đã không muốn cậy dựa vào sức mạnh mà chỉ dùng tình thương để cải hóa các tâm hồn. Ngài đã thiết lập nhiều tu viện và kêu gọi sự trợ giúp từ nước Anh gởi tới. Đã có nhiều linh mục, nghệ sĩ, văn sĩ, tới góp công và nhiều người khác đóng góp của cải cho việc truyền giáo. Cứ như thế mà thánh Bônifacio đã có thể trao phó cộng đoàn nhỏ bé và mới mẻ cho các tu sĩ coi sóc rồi lại lên đường tiếp tục mở mang nước Chúa.
Đức giáo hoàng Gregoriô III phong đức Bônifacio lên chức Tổng giám mục và trao cho trách nhiệm thiết lập các toà giám mục ở nước Đức. Sau cuộc viếng thăm Rôma lần thứ ba, Ngài nhận sứ mệnh tổ chức Giáo hội ở hữu ngạn sông Rhin. Suốt 7 năm đi rao giảng Tin Mừng ở Hesse, Ngài đi vào khu rừng phân cách Hesse và Thuringia. May mắn, nhà truyền giáo được hứơng dẫn tiến về thung lũng Fuloda. Cùng với các tu sĩ, Ngài phá rừng đào đất và xây dựng tu viện Fulda. Tu viện này sẽ trở nên thành trì của đời sống tôn giáo trí thức của dân man rợ thời Trung Cổ.
Đức Tổng giám mục Bônifacio chọn Mayence làm toà tổng giám mục. Carlôan con của Charles martel chọn đời sống tu trì và nhường quyền kế vị cho Pépin. Ông này muốn được một đức giám mục lớn phong vương. Trong một lễ nghi long trọng ở Soissons, vị tông đồ đã đặt vương miện lên đầu Pépin le Brej. Sau đó không kể gì đến tuổi già, Ngài lại lên đường truyền giáo.
Ngài xuống thuyền với 50 người tùy tùng gồm có các linh mục, tu sĩ và các sinh viên. Đoàn thuyền tới giữa các cánh đồng lầy lội. Cư dân của vùng này còn sống rất hoang dại. Các nhà truyền giáo rao giảng Tin Mừng cho họ. Đức cha Bônifacio hẹn các tân tòng ở Dokum, gần bờ bể, ngày 5 tháng 6 năm 756, hôm ấy là lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Lúc vừa cử hành thánh lễ thì một đoàn người mang khí giới xông tới, Bônifacio quay về với các bạn và nói: - Can đảm lên, khí giới này không làmgì được linh hồn.
Các lương dân xông vào sát hại các nhà truyền giáo. Một nhát búa bổ xuống Đức Tổng giám mục và cuốn Phúc âm Ngài đang cầm trong tay.
Xác thánh nhân được đưa về chôn cất ở nhà thờ chánh tòa Fulda. Thư viện còn lưu giữ được cuốn sách bị chặt đứt của thánh nhân.
(Daminhvn.net)

+++++++++++++++++
Ngày 05
Thánh Bôniphát, giám mục, tử đạo


Giáo hội như con tàu lớn giữa biển khơi trên trần gian, trong đời sống này, phải phấn đấu với các cơn sóng thử thách mọi loại. Giáo hội không bị bỏ rơi, nhưng được hướng dẫn.

Chúng ta có được những mẫu gương nơi các giáo phụ tiên khởi: Clément, Comeille và nhiều vị khác ở Rôma, Cypre ở Carthagô, Athanase ở Alexandrie, những vị, dưới trào các hoàng đế ngoại giáo, đã lái tàu của Đức Kitô hay là vị hôn thê yêu dấu là Giáo hội, bằng cách giảng dạy, bảo vệ chân lý, trong khi phải chịu đựng gian nan, đau khổ cho đến đổ máu.

Đừng trở thành những con chó câm, đừng trở thành những người canh gác yên lặng, đừng trở thành những tên lính đánh thuê, chạy trốn trước sói rừng, nhưng hãy là những mục tử chăm chỉ, canh gác đàn chiên của Đức Kitô, rao giảng cho người trí thức lẫn người trẻ trung, cho người giàu cũng như kẻ nghèo, ý định của Thiên Chúa cho con người trong mọi điều kiện và tuổi tác, như Chúa đã ban cho chúng ta quyền hành cho thời thuận tiện cũng như lúc khó khăn

Thánh Bôniíatiô

Thứ Ba 5-6

Thánh Boniface

(672-754)
Thánh Boniface, vị tông đồ của người Ðức, là một đan sĩ người Anh thuộc Dòng Biển Ðức, đã hy sinh vinh dự khi được chọn làm đan viện trưởng để tận hiến cuộc đời trong việc hoán cải các sắc tộc ở Ðức. Ngài có hai đặc tính nổi bật: Kitô Giáo chính truyền và trung thành với đức giáo hoàng ở Rôma.
Thánh Boniface, tên thật là Wilfrith, sinh ở Anh Quốc. Ngay khi còn nhỏ, hình ảnh cao quý của các đan sĩ truyền giáo đã in sâu trong tâm khảm của ngài, do đó, khi bảy tuổi ngài đã nài nỉ xin theo học trường dòng, dù rằng cha ngài mong muốn cho con một sự nghiệp ở ngoài đời.
Lớn lên, ngài làm giám đốc một trường học ở Nursling, Winchester, tại đây ngài là người đầu tiên viết về văn phạm Latinh bằng tiếng Anh, cũng như sáng tác nhiều bài diễn giảng được nhiều người sao chép và phổ biến.
Năm ba mươi tuổi, ngài được thụ phong linh mục và đi rao giảng ở Friesland (thuộc Hòa Lan bây giờ), nhưng không bao lâu ngài phải trở về Nursling vì cuộc chiến giữa vua ngoại giáo của Friesland và Charles Martel của Pháp.
Sau cái chết của đan viện trưởng, các đan sĩ ở Nursling tìm cách giữ chân ngài bằng cách bầu ngài làm đan viện trưởng, nhưng ngài đã từ chối để tận hiến cho công cuộc truyền giáo.
Năm 718, ngài đến Rôma để gặp Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô II, là người sai ngài đi truyền giáo cho người Ðức ở Hesse và Bavaria.
Hesse, trước sự hiện diện của đám đông người ngoại giáo rất tin dị đoan, ngài đã chặt cây Sồi Thần Linh ở Geismar to lớn và già nua, được dân ngoại dâng cúng cho thần Thor. Người ta kể chỉ sau vài nhát rìu, cây sồi đã lung lay và sụp đổ, tách ra làm bốn cho thấy sự mục nát bên trong. Ðó là khởi đầu của một công cuộc truyền giáo rất thành công của Thánh Boniface và cũng là hạt giống đức tin cho một giáo hội đầy sinh lực ở Ðức, mà sau này Thánh Boniface được tấn phong làm giám mục ở đây. Ngài xin các Kitô Hữu ở Anh hỗ trợ công cuộc truyền giáo của ngài và họ đã đáp ứng với tài chánh, sách vở, vật liệu, và nhất là thường xuyên cung cấp các đan sĩ để giúp đỡ ngài trong việc giảng dạy.
Thánh Boniface không chỉ hạn chế hoạt động ở nước Ðức. Ngài còn giúp hình thành sự tương giao giữa Ðức Giáo Hoàng và các vua ở Ý cũng như ở Pháp. Ngài thúc giục các thái tử kế vị vua Charles của Pháp triệu tập công đồng để cải tổ giáo hội trong các phần đất của họ, là nơi chức giám mục được bán cho những người trả giá cao nhất.
Ngài không bao giờ quên sự thất bại ở Friesland, do đó khi về già, ngài từ chức giám mục và trở về hoạt động ở đây với sự thành công đáng kể. Vào một ngày trong tháng Sáu năm 754, khi ngài đang chuẩn bị cho người Friesland chịu phép Thêm Sức thì tất cả bị tấn công và bị giết chết bởi các chiến sĩ ngoại giáo.

Lời Bàn

Thánh Boniface xác nhận một quy tắc của Kitô Giáo: Theo Ðức Kitô là theo con đường thập giá. Ðối với Thánh Boniface, con đường đó không chỉ là sự đau khổ phần xác hay cái chết, mà cả sự đau khổ vì bị sỉ nhục, vô ơn trong việc cải tổ Giáo Hội. Vinh dự của truyền giáo là đem người ngoại giáo trở về với Giáo Hội. Nhưng dường như, việc chấn chỉnh đức tin ngay trong lòng Giáo Hội, là một việc rất cần thiết, thì ít người lại cho đó là một vinh dự.

Lời Trích

Chúng ta phải bền vững trong những gì là chân lý và chuẩn bị linh hồn cho những thử thách... Ðừng là những con chó không dám sủa hay im lặng nhìn xem, và cũng đừng là người tôi tớ trốn chạy trước đàn sói. (Thánh Boniface).

Copyright © 2010 by Nguoi Tin Huu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét