THỨ HAI TUẦN XI THƯỜNG NIÊN
năm II
Vua A-cáp và Na-bót. |
BÀI ĐỌC I: 1 V 21, 1-16
"Naboth đã bị ném đá chết".
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Khi ấy, ông Naboth, người Giêrahel, có một vườn
nho, sát cạnh đền của Acáp vua xứ Samaria .
Acáp nói với Naboth rằng: "Hãy nhượng vườn nho cho ta, để ta làm vườn rau,
vì nó gần đền ta: bù lại, ta sẽ đổi cho ngươi vườn nho khác tương đương".
Nhưng Naboth thưa lại rằng: "Xin Chúa đừng để tôi nhượng cho đức vua phần
gia nghiệp của tổ tiên tôi". Acáp tức giận bỏ về nhà, và căm hờn vì lời
ông Naboth, người Giêrahel đã nói: "Tôi sẽ không nhượng cho đức vua phần
gia nghiệp của tổ tiên tôi". Vua nằm lăn xuống giường, quay mặt vào vách
và không ăn uống gì.
Giêzabel, vợ vua, đến cùng vua và nói rằng:
"Tại sao đức vua buồn phiền, và không ăn uống gì?" Vua đáp: "Tôi
đã nói với Naboth người Giêrahel rằng: "Hãy bán vườn nho lại cho ta, hoặc
nếu ngươi muốn, ta sẽ đổi cho vườn nho khác tốt hơn". Nó lại nói:
"Tôi không thể nhượng vườn nho tôi cho đức vua". Giêzabel vợ vua liền
nói với vua rằng: "Quyền thế nhà vua cao cả biết bao, và nhà vua cai trị
nước Israel
khéo như thế nào! Thôi, dậy ăn uống đi, và cứ yên tâm. Thiếp sẽ tặng cho nhà
vua vườn nho của Naboth người Giêrahel".
Bà ta nhân danh Acáp mà viết thơ, lấy ấn vua
đóng vào, và gởi cho các bậc kỳ lão và chức sắc ở cùng thành với Naboth. Nội
dung bức thư như thế này: "Hãy công bố một thời kỳ chay tịnh, và đặt
Naboth ngồi giữa hàng nhân sĩ trong dân. Hãy xúi hai đứa gian ác thuộc phường
Bêlial đến trước mặt nó và cáo gian nó thế này: "Nó đã nguyền rủa Thiên
Chúa và đức vua". Các ngươi hãy điệu nó đi mà ném đá cho nó chết". Vậy
dân chúng ở cùng thành với Naboth, các kỳ lão và chức sắc cùng ở một thành với
ông, làm như Giêzabel đã truyền, đúng như đã viết trong thư bà gởi cho họ. Họ
công bố một thời kỳ chay tịnh, đặt ông Naboth ngồi giữa hàng nhân sĩ trong dân.
Họ dẫn đến hai thằng con cái ma quỷ, đặt chúng ngồi đối diện với ông. Và hai đứa
này, đúng là hạng quỷ sứ, đã cáo trước mặt dân chúng rằng: "Naboth đã nguyền
rủa Thiên Chúa và đức vua". Nghe thế, họ liền điệu ông ra khỏi thành, và
ném đá hạ sát ông. Rồi họ sai người đi nói với Giêzabel rằng: "Naboth đã bị
ném đá chết rồi".
Khi nghe tin Naboth đã bị ném đá chết,
Giêzabel liền nói với Acáp rằng: "Nhà vua hãy chỗi dậy và chiếm lấy vườn
nho của Naboth người Giêrahel, kẻ đã không muốn theo ý nhà vua nhượng lại vườn
nho mà lấy tiền: Naboth không còn sống nữa, nhưng đã chết rồi". Khi hay
tin Naboth đã chết, Acáp chỗi dậy và xuống chiếm lấy vườn nho của Naboth người
Giêrahel.
Ðó là lời
Chúa.
ÐÁP CA: Tv 5, 2-3. 5-6. 7
Ðáp: Lạy Chúa, xin lưu tâm đến tiếng con than thở (c. 2b).
Xướng: 1) Xin lắng tai nghe lời con, thân lạy Chúa,
xin lưu tâm đến tiếng con than thở. Xin để ý nghe tiếng con cầu khẩn, ôi Ðại
Vương và Thiên Chúa của con! - Ðáp.
2) Ngài không phải là Chúa tể ưa điều gian ác;
kẻ độc dữ không được cư trú nhà Ngài; đứa bất nhân không thể đứng trước thiên
nhan; Chúa ghét những kẻ làm điều gian ác. - Ðáp.
3) Ngài tiêu diệt những đứa nói man; người độc
ác và gian xảo thì Chúa ghê tởm không nhìn. - Ðáp.
ALLELUIA: 1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán,
vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe. Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 5, 38-42
"Thầy bảo các con: đừng chống cự lại
với kẻ hung ác".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:
"Các con đã nghe bảo: "Mắt đền mắt, răng đền răng". Còn Thầy, Thầy
bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác; trái lại, nếu ai vả má bên phải
của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. Và ai muốn kiện con để đoạt áo
trong của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa. Và ai bắt con đi một dặm,
thì con hãy đi với nó hai dặm. Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì
con đừng khước từ".
Ðó là lời
Chúa.
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Hai sau CN XI TN năm chẵn
Bài đọc: 1 Kgs 21:1-16; Mt
5:38-42.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ :
Người Ki-tô hữu sẵn sàng chịu thiệt thòi vì Danh Đức Ki-tô.
Ông Naboth. |
Chống cự lại kẻ thù bằng cách chửi rủa, đánh đập, báo thù...
không bao giờ là giải pháp tốt đẹp của những người mang danh Kitô hữu; nhưng vẫn
có những người tín hữu nhân danh công lý để chửi rủa, công kích, và đòi dùng bạo
lực.
Các bài đọc hôm nay cho chúng ta hiểu tại sao Thiên Chúa dạy
chúng ta phải cư xử khác với người xưa và những người vô đạo. Trong bài đọc I,
Sách Các Vua tường thuật một câu truyện bất công. Vua Ahab muốn có vườn nho của
Naboth để bành trướng đất đai của mình, nên đã đồng lõa với kế hoạch gian ác của
bà hoàng hậu Jezebel vợ mình, để Naboth bị hai kẻ gian ác tố cáo Naboth đã phạm
thượng nói xấu Thiên Chúa và vua. Hậu quả là Naboth bị ném đá chết và vườn nho
thuộc vua Ahab và nhà vua không phải trả đồng nào. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu
phân biệt hai cách đối xử của người xưa và của môn đệ Chúa: Người môn đệ Đức
Kitô không được chống cự người ác, không được trả thù, không được kiện cáo;
nhưng luôn phải rộng lượng tha thứ và cho đi
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: "Xin Đức Chúa đừng
để tôi nhượng gia sản của tổ tiên tôi cho ngài!"
1.1/ Vua Ahab muốn vườn nho của Naboth vì nhà vua muốn khuếch
trương cung điện của mình.
Nhà Vua nói với ông Naboth rằng: "Hãy nhượng vườn nho của
ngươi cho ta, để ta làm vườn rau, vì nó ở ngay sát cạnh nhà ta. Để bù lại, ta sẽ
cho ngươi một vườn nho tốt hơn, hay là, nếu ngươi muốn, giá bao nhiêu, ta sẽ trả
bằng bạc." Nhưng ông Naboth thưa với vua Ahab: "Xin Đức Chúa đừng để
tôi nhượng gia sản của tổ tiên tôi cho ngài!"
Nhượng gia sản hay bán đất đai của tổ tiên là xóa tên của tổ
tiên trong quốc gia, một điều ô nhục cho con cháu (Num 27:4). Ông Naboth nhân
danh Thiên Chúa nhắc cho vua Ahab để đừng bắt ông phải làm chuyện đó. Vua Ahab
biết Lề Luật ngăn cấm việc tịch thu gia sản tổ tiên của hàng xóm (Deut 19:14;
Num 27:7-11; Jer 32:6-9); ngay cả nhà vua cũng không được quyền đó, nên thương
lượng với Naboth để mua; nhưng Naboth không bằng lòng. Vua Ahab trở về nhà buồn
rầu và bực bội vì lời ông Naboth.
1.2/ Kế hoạch chiếm vườn nho của hoàng hậu Jezebel:
Hoàng hậu Jezebel con của vua Sidon . Bà thờ thần Baal; vì thế, bà không
quan tâm đến Lề Luật như vua Ahab. Là người gian manh, nên mục đích của bà là
chiếm được vườn nho, cho dù có phải đổ máu người ngay lành. Bà đã phác họa ngay
một kế hoạch gian ác trong đầu nên nói với nhà vua: "Vua cai trị Israel hay thật!
Mời vua dậy mà ăn cho lòng phấn khởi lên! Thiếp sẽ tặng vua vườn nho của Naboth
người Jezreelite.”
Vua Ahab đoán biết những gì vợ làm nhưng không ngăn cản, vì ông
đang muốn có vườn nho của Naboth. Nhà vua nghĩ ông không trực tiếp ra tay nên
không phạm tội với Thiên Chúa và chịu tai tiếng trước dân chúng. Đây là kế hoạch:
bà nhân danh vua Ahab viết thơ, rồi dùng con dấu của vua mà đóng ấn, và gửi cho
các kỳ mục và thân hào cư ngụ trong thành với ông Naboth. Trong thơ bà viết rằng:
"Hãy
công bố một thời kỳ chay tịnh và đặt Naboth ngồi ở hàng đầu dân chúng. Hãy đặt
hai đứa vô lại ngồi đối diện với nó, để chúng tố cáo nó: "Ông đã nguyền rủa
Thiên Chúa và đức vua. Và hãy đem nó ra ngoài ném đá cho chết."
Để có màu sắc tôn giáo thành thật, Bà truyền công bố thời kỳ
chay tịnh để đánh lạc hướng dân chúng. Thời kỳ chay tịnh thường được làm để tỏ
lòng ăn năn vì đã xúc phạm đến Đức Chúa (x/c Joel 1:14; 1 Sam 7:6). Các nhà
lãnh đạo địa phương có thể biết kế hoạch gian tà của bà; nhưng phải khuất phục
trước quyền hành và làm theo sắc chỉ của vua Ahab, vì họ biết nếu họ chống lại
thế lực nhà vua chỉ chuốc thêm thiệt hại vào thân. Bà dùng hai kẻ gian ác để tố
cáo ông Naboth. Hai kẻ vô lại không khó kiếm trong bất cứ thời đại nào. Đây là
những kẻ không biết xấu hổ khi gian dối. Người ta chỉ cần cho chúng tiền là
chúng sẽ làm bất cứ điều gì. Khi nghe biết ông Naboth đã chết, vua Ahab đứng dậy,
xuống chiếm đoạt vườn nho của ông Naboth.
2/ Phúc Âm: Ai xin, thì hãy cho;
ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.
2.1/ Đừng chống lại kẻ gian ác: Chúa Giêsu dạy các môn đệ: "Anh em đã
nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng
chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên
trái ra nữa.”
Luật “mắt đền mắt răng đền răng là Luật Talionis, đây là luật xưa nhất
trên thế giới, được tìm thấy trong Bộ Luật Hammurabi, khỏang 2250 BC. Luật này
cũng được tìm thấy trong Cựu Ước ít là 3 lần (Exo 21:23-25; Lev 24:19-20, Deut
19:21). Mấy điều quan trọng về Luật này cần lưu ý:
(1) Nó ngăn cấm việc gia tăng báo thù; vì nếu cứ để hai bên báo
thù liên tục, cái chết sẽ xảy ra không những cho cá nhân mà còn cho bộ tộc.
(2) Nó được thi hành bởi các quan án, chứ không để cá nhân hay
gia đình định liệu.
(3) Nó không được thi hành theo nghĩa đen: hư mắt phải đền mắt,
hư răng phải đền răng; nhưng được tính bằng số tiền mà nạn nhân được bồi thường.
(4) Nó không phải là tất cả Luật của Cựu Ước, vì vẫn còn những
luật yêu thương và tha thứ (x/c Lev 19:18; Pro 25:2; Lam 3:30).
Điều Chúa Giêsu dạy các môn đệ họ không được báo thù dưới bất cứ
hình thức nào. Trước tiên, đây là lời dạy rất khôn ngoan, vì chống lại kẻ gian
ác sẽ mất mạng sống; vì thế, tục ngữ Việt Nam khuyên hãy để “của đi thay người.”
Thứ đến,
việc báo thù chỉ gia tăng sự hận thù; nhưng hành động tha thứ sẽ dập tắt hận
thù và có tiềm năng để biến kẻ thù thành bạn. Sau cùng, người môn đệ Đức Kitô
tin Thiên Chúa vẫn đang quan phòng thế gian. Ngài không để cho kẻ gian ác mặc sức
tung hoành và người ngay lành phải chịu đựng quá mức.
Chúa Giêsu cũng ngăn cấm cả việc kiện cáo khi Ngài nói: “Nếu ai muốn kiện
anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài.” Giống như lý luận ở
trên, mang nhau ra kiện cáo ở tòa đời là việc làm rất tốn kém tiền cho luật sư,
mất nhiều thời gian và công sức; mà vẫn chưa chắc đã được xét xử công bằng hay
không. Thứ đến, của cải trần gian không phải là mục đích của cuộc đời. Ai cần
hơn, cứ để cho họ dùng. Sau cùng, người tín hữu tin Chúa là cha nhân lành, Ngài
sẽ không để cho con cái trung thành giữ Luật Ngài phải chết đói.
2.2/ Người môn đệ phải sẵn sàng giúp đỡ tha nhân: Ngoài ra, người
Kitô hữu còn phải sẵn sàng và vui lòng giúp đỡ mọi người: “Nếu có người bắt
anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm.” Chúa Giêsu có ý muốn nói người môn
đệ không dừng ở chỗ chu toàn bổn phận, mà còn vui lòng làm nhiều hơn những gì bị
đòi hỏi. Người Kitô hữu cũng không tiếc nuối của cải đời này: “Ai xin, thì hãy
cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Người Kitô hữu phải sống khác với những người đạo khác để họ nhận
ra tính bác ái và sự hoàn thiện của đạo và tin tưởng vào Chúa của chúng ta.
- Chúng ta đừng quá tiếc nuối của cải vật chất. Hãy dùng như của
cải chóng qua và đừng từ chối tha nhân khi họ cần đến.
Lm.An-tôn Đinh Minh Tiên,OP.
Thứ hai tuần 11 thường
niên
Sứ điệp: Tha thứ là điều khó khăn
nhất và cũng là điều cao cả nhất mà Chúa Giêsu đã cống hiến cho con người. Lòng
tha thứ không báo thù chính là tuyệt đỉnh của yêu thương.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trong thế
giới hôm nay, con đọc qua báo chí, qua truyền thanh, qua truyền hình và cả thực
tế vẫn xảy ra chung quanh con, bao nhiêu là chuyện gây thù báo oán. Người ta ăn
miếng trả miếng, và càng ngày con người càng lạc sâu vào cái vòng luẩn quẩn của
hận thù ghen ghét.
Lời Chúa hôm nay mở ra
cho con một lối thoát, đó là lấy thiện thắng ác, dùng tình yêu đáp trả hận thù.
Chính Chúa đã nêu gương cho con, khi trên thập giá, Chúa đã tha thứ cách tuyệt
đối cho những kẻ đang reo hò đắc thắng vì đã giết được Chúa. Và ngày hôm nay,
qua bí tích Hòa Giải, Chúa vẫn hằng tha thứ những lỗi lầm con đã phạm, cho dù
đã bao lần con sa đi ngã lại. Chúa chỉ đòi con đền đáp ơn Chúa, bằng cách con
cũng biết tha thứ cho anh em con, như Chúa đã tha thứ cho con.
Lạy Chúa, khi tha thứ
không những con phải quên đi những lỗi lầm của anh em, mà còn phải xóa sạch những
điều ấy trong tư tưởng, trong lời nói và nơi việc làm của con. Tha thứ là biết
đối xử tử tế với họ như những người tốt.
Lạy Chúa, điều này không
phải là dễ dàng, bởi vì trao ban tiền của, trao ban thời gian, trao ban chính mạng
sống mình, xem ra còn dễ làm hơn là trao ban sự tha thứ. Xin Chúa dạy con biết
thực hành bài học yêu thương của Chúa, để nơi đâu có hận thù, con loan báo tình
yêu; nơi đâu có bất hòa, con trao ban lòng tha thứ. Xin Chúa biến đổi lòng con
trở nên khí cụ bình an của Chúa. Amen.
Ghi nhớ : "Thầy bảo các
con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác".
18/06/12 THỨ HAI
TUẦN 11 TN
Mt 5,38-42
Mt 5,38-42
HÃY PHẢN XẠ SIÊU
NHIÊN
Đức Giê-su nói: “Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.” (Mt 5,39)
Suy niệm: Phản xạ tự nhiên của con rắn khi bị đạp là cắn chân người đạp mình. Phản xạ tự nhiên của ong khi tổ bị xâm phạm là chích kẻ xâm phạm. Phản ứng tự nhiên của con người chúng ta khi bị xúc phạm là trả đũa, trừng trị đích đáng kẻ xúc phạm. Đức Giê-su dạy chúng ta không được ứng xử như vậy. Ngài muốn chúng ta phải vượt qua phản xạ tự nhiên để tiến sang phản xạ siêu nhiên với lòng từ tâm, với tình nhân ái. Ngài mong chúng ta vượt qua phản xạ thường tình để thắng sự ác bằng tình thương, dập tắt bạo động bằng lòng khoan dung. Khoan dung không phải là cung cách của kẻ yếu, mà là của người mạnh, mạnh tự chủ, mạnh nhân cách, mạnh niềm tin. Đức Phật cũng chung một giáo huấn đó: Lấy oán báo oán, oán còn mãi; lấy ân báo oán, oán tiêu tan.
Mời Bạn: Đừng hiểu lời Đức Giê-su theo nghĩa đen, nhưng hãy hiểu đúng ý chính của Ngài. Vấn đề không phải là giơ thêm má trái, đưa thêm áo ngoài, đi thêm hai dặm, nhưng là lòng nhân từ, thái độ quảng đại, tâm hồn tha thứ.
Chia sẻ: Tôi có tin rằng có thể làm theo Lời Chúa dạy hôm nay không?
Sống Lời Chúa: Để sống theo Lời Chúa, tôi sẽ tập phản ứng lại bằng cách nhân ái, từ tâm mỗi khi bị xúc phạm.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa mời gọi chúng con vượt lên những phản ứng thông thường để có những tâm tình người môn đệ Chúa. Xin Chúa giúp chúng con có được trái tim nhân hậu như Chúa, để chúng con không lấy oán báo oán, nhưng luôn lấy lòng nhân ái, và tình yêu mến Chúa để cư xử với đồng loại của mình. Amen.
Ai xin, hãy cho
Suy niệm:
Đoạn Tin Mừng hôm
nay dễ bị đem ra nhạo cười,
vì có vẻ nó dung
túng sự ác và biểu lộ một tinh thần yếu hèn bạc nhược.
Người ta hay nghĩ
rằng nếu cứ sống theo tinh thần của Chúa Kitô
thì hẳn kẻ ác sẽ
tha hồ tác oai tác quái trong thế giới này.
Tuy nhiên, chính
vì con người muốn sống theo khuynh hướng tự nhiên,
nên thế giới hôm
nay mới không ngớt chiến tranh và đau khổ.
Đánh phủ đầu là
đánh trước khi người kia kịp đánh mình.
Trên thế giới mỗi
ngày có biết bao vụ sát nhân chỉ vì một chút hờn oán.
“Mắt đền mắt,
răng đền răng”
câu này thường được
dùng để cho thấy sự tàn nhẫn của Cựu Ước.
Thật ra, Cựu Ước
chẳng bắt người ta phải móc mắt, nhổ răng kẻ thù.
Câu này chỉ nhằm
giới hạn việc báo thù trong mức độ cân xứng.
Trong xã hội mang
tính bộ tộc của Israel
thuở ban đầu,
“mắt đền mắt” đã
là một tiến bộ đáng kể.
Đức Giêsu đi xa
hơn khi đòi hỏi đừng chống cự lại người ác,
nghĩa là đừng lấy
ác báo ác, đừng sống theo luật báo phục (lex talionis).
“Nếu bị ai vả má
bên phải, hãy đưa cả má kia ra nữa” (c. 39).
Bị vả má bên phải
nghĩa là bị tát bằng mu bàn tay phải.
Không phải là đau
hơn, nhưng là nhục nhã hơn nhiều.
Đức Giêsu đã từng
có kinh nghiệm này trong cuộc Khổ Nạn (Mt 26, 67).
“Đưa má kia” đơn
giản chỉ có nghĩa là tránh trả thù, chịu mình ở thế yếu,
vì báo oán là
chuyện của Thiên Chúa (Rm 12, 19-20).
“Đừng để cho sự
ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12,21).
“Nếu ai muốn kiện
anh để lấy áo trong, hãy để cho hắn lấy cả áo ngoài nữa” (c. 40).
Ở Đông phương, áo
ngoài là quan trọng để chống cái lạnh ban đêm,
nên nếu bị cầm cố,
thì cũng phải trả lại cho người ta có cái mà đắp (Đnl 24, 13).
Đưa cả áo trong lẫn
áo ngoài cho kẻ kiện cáo mình
là chấp nhận bị
trần trụi và xấu hổ, nếu ai đó chỉ có một bộ thôi.
Trong xã hội
Paléttin bị đô hộ bởi đế quốc Rôma,
chuyện bị ép vác
đồ dùm cho lính tráng vẫn hay xảy ra (x. Mt 27, 32).
“Người bắt anh đi
một dặm, hãy đi với người ấy hai dặm” (c. 41).
Môn đệ Đức Giêsu,
trước những ép buộc không mấy chính đáng,
chẳng những được
mời ưng thuận, mà còn làm hơn cả điều bị ép buộc.
Câu cuối của bài
Tin mừng cho thấy thái độ bác ái của Kitô hữu
trước những yêu cầu
của có thật của tha nhân (c. 42).
Mở lòng ra trước
người xin, người muốn vay mượn,
dù kẻ ấy là kẻ
thù hay người không có khả năng hoàn trả.
Lời của Đức Giêsu
hôm nay làm chúng ta choáng váng.
Lời này không đòi
dẹp bỏ hệ thống pháp luật, cảnh sát hay nhà tù.
Nhưng nếu các
Kitô hữu cứ để cho Lời này thấm vào lòng từ từ,
đời sống của họ sẽ
được thay đổi một cách kỳ diệu,
và bộ mặt thế giới
sẽ đổi khác.
Hiền hậu, bao
dung, quảng đại, đó là điều thế giới hôm nay thiếu trầm trọng.
Gandhi, người say
mê những câu Lời Chúa hôm nay, đã than phiền:
“Tôi thích Đức
Kitô của các anh, nhưng tôi không thích các Kitô hữu.
Vì các Kitô hữu
thì chẳng giống Đức Kitô mấy.”
Chỉ mong chúng ta
có trái tim hiền hậu giống Đức Kitô hơn.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin cho con quả
tim của Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
nhưng xin cho
quả tim con quảng đại như Chúa
vươn lên cao,
vượt mọi tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm
tình bao dung tha thứ.
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,
mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ
luôn bình an, trong sáng,
không một biến
cố nào làm xáo trộn,
không một đam
mê nào khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
cũng đừng quá
bối rối khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn
để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
để có thể ôm cả những người thù ghét con.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 6
18
THÁNG SÁU
Sự Chọn Lựa Của Ta
Và Kế Hoạch Không Dang Dở Của Thiên Chúa
Hãy nhớ rằng chúng ta không lẻ loi một
mình khi cố gắng nhận hiểu hoạt động cứu độ của Thiên Chúa trong thế giới. Các
triết gia lớn, các bậc thầy của các tôn giáo lớn, và ngay cả những người bình
dân thất học cũng vẫn trăn trở với dấu hỏi khó khăn này. Thậm chí một số người
còn cố giải thích hành động của Thiên Chúa bằng một loại luận cứ nào đó.
Rất nhiều câu trả lời đã được đề ra.
Và không phải tất cả đều có thể được chấp nhận. Không có câu trả lời nào trong
đó đạt mức toàn triệt. Từ những thời xa xưa, một số người đã nại đến định mệnh
mù quáng hay số phận. Cũng có nhiều người coi thường ý chí tự do của con người
khi nhấn mạnh đến sự tiền định. Trong thời đại của chúng ta, một số người cho rằng
họ cần phải phủ nhận Thiên Chúa để khẳng định con người và sự tự do của con người.
Tất cả những quan điểm ấy đều cực
đoan và phiến diện, nhưng ít nhất chúng giúp chúng ta nhận ra những sự thật nào
bật ra khi chúng ta cố gắng nhận hiểu sự quan phòng của Thiên Chúa. Làm thế nào
có thể hòa hợp hành động toàn năng của Thiên Chúa và sự tự do của chúng ta? Làm
thế nào sự tự do của chúng ta có thể hòa hợp với những kế hoạch không thể gãy đổ
của Thiên Chúa? Tương lai của chúng ta sẽ thế nào? Làm thế nào chúng ta có thể
bắt đầu hiểu biết và nhìn nhận chân lý và sự khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa
giữa những sự dữ ngập tràn thế giới này? Ta nghĩ sao về sự xấu xa của tội lỗi?
Ta nghĩ sao về những đau khổ của bao con người vô tội?
Lịch sử của chúng ta – với bao thăng
trầm của các quốc gia, với những tai họa khủng khiếp lẫn những hành động cao cả
và thánh thiện tuyệt vời – tất cả có nghĩa gì? Phải chăng có thể xảy ra một đại
nạn cuối cùng chôn vùi vĩnh viễn hết mọi sự sống? Hay phải chăng thật sự có một
Đấng Quan Phòng yêu thương mà chúng ta gọi là Thiên Chúa? Đó là Đấng Thiên Chúa
vẫn luôn bao bọc chúng ta bằng thượng trí, khôn ngoan và lòng trìu mến của
Ngài. Đó là Đấng Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta thật quyết liệt nhưng cũng thật êm
ái. Đó là Đấng Thiên Chúa hướng dẫn thế giới, hướng dẫn cuộc đời chúng ta, và
thậm chí hướng dẫn ý chí phản loạn của chúng ta – nếu chúng ta chấp nhận để cho
Ngài hướng dẫn. Đó là Đấng Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta đến sự nghỉ ngơi của
“ngày thứ bảy”, sự nghỉ ngơi của công trình tạo dựng đang tiến gần đến điểm
thành toàn của mình.
Đây là câu trả lời. Lời Chúa đứng
chênh vênh giữa hai bờ hy vọng và thất vọng. Vâng, Lời Chúa trao cho chúng ta
những lý do tuyệt vời để hy vọng. Lời Chúa luôn luôn mới mẻ tinh khôi. Lời Chúa
xoáy vào trong tâm trí người ta với sứ điệp lạ kỳ của nó.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
1V 21,1-16; Tin Mừng theo Thánh Mt 5,
38-42.
LỜI SUY NIỆM: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo
anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ
cả má bên trái ra nữa” (Mt 5,38-39).
Trong thời sơ khai, con người sống như thú vật mạnh thắng yếu thua, cố tình
tiêu diệt lẫn nhau. Đến thời Môsê luật đã tiến bộ nhiều, đã giới hạn trong sự
trả thù. Nhưng đối với Chúa Giêsu, Chúa không muốn con người sống với nhau có bất
cứ hành vi nào trả thù nào nữa, khi sống với nhau chỉ có tình thương tha thứ,
làm ơn và cầu nguyện cho nhau; bất cứ là ai; là đối tượng nào hay là thành phần
nào.
Chúa
Giêsu dạy chúng ta, và Ngài đã sống đúng những gì Ngài đã dạy. Nên người Kitô hữu
là người không có sự báo thù dù trong hành động cũng như cả trong tư tưởng.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
18 Tháng Sáu
Tạ ơn Chúa
Thi sĩ Lamartine của
Pháp có kể lại một giai thoại như sau: Một hôm, tình cờ đi qua một khu rừng,
ông nghe một âm thanh kỳ lạ. Cứ sau mỗi tiếng búa gõ vào đá lại vang lên một tiếng
"Cám ơn". Ðến gần nơi phát ra âm thanh, thi sĩ mới nhận thấy một người
thợ đang miệt mài làm việc. Cứ mỗi lần gõ vào phiến đá, ông lại thốt lên
"Cám ơn'.
Thi sĩ Lamartine mới nấn
ná đến trò chuuyện, người thợ đập đá giải thích: "Tôi cảm ơn Chúa".
Ngạc nhiên về lòng tin của một con người mà cuộc sống hẳn phải lầm than lam lũ,
thi sĩ mới nói: "Giả như bác được giàu có, thì tôi hiểu tại sao bác không
ngừng thốt lên hai tiếng cám ơn. Ðằng này, Thiên Chúa chỉ nghĩ tới bác có mỗi một
lần duy nhất đó là lúc Ngài tạo nên bác. Sau đó, Ngài ban cho bác có mỗi cái
búa này để rồi không còn ngó ngàng gì đến bác nữa. Thế thì tại sao bác lại mỏi
miệng để cám ơn Ngài?".
Nghe thế, người đập đá
mới hỏi vặn lại thi sĩ: "Ngài cho rằng Chúa chỉ nghĩ đến tôi có một lần
thôi sao". Thi sĩ Lamartine bèn thách thức: "Dĩ nhiên, Chúa chỉ nghĩ
đến bác có mỗi một lần mà thôi".
Người thợ đá nghèo,
nhưng đầy lòng tin, mới mếu máo thốt lên: "Tôi nghĩ rằng điều đó không có
gì đáng ngạc nhiên cả. Ngài nghĩ rằng Thiên Chúa đã đoái thương đến một người
thợ đá thấp hèn như tôi, dù chỉ một lần thôi. Vậy không đủ cho tôi cám ơn Ngài
sao? Vâng, cám ơn Chúa, cám ơn Chúa". Nói xong, ông bỏ mặc cho thi sĩ đứng
đó và tiếp tục điệp khúc quen thuộc của ông, vừa đục đá vừa tạ ơn Chúa.
Thiên Chúa yêu thương
con người. Ðó là bài ca mà chúng ta không chỉ hát lên trong mùa Giáng Sinh, mà
phải được lập lại trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Nhưng khi chúng ta nói:
Thiên Chúa yêu thương con người, điều đó trước hết phải có nghĩa là Ngài yêu
thương tôi. Thiên Chúa không yêu thương con người bằng một cách chung. Thiên
Chúa yêu thương mỗi người bằng một tình yêu cá biệt, riêng rẽ. Ðiều đó cũng có
nghĩa là mỗi người là một chương trình trong trái tim của Thiên Chúa.
Ðối với Thiên Chúa,
không có đám đông vô danh, cũng không có những con số. Ngài gọi mỗi người bằng
tên gọi riêng... Chúng ta không thể đo lường Tình Yêu của Thiên Chúa bằng thước
đo hẹp hòi, thiển cận của chúng ta. Trong Tình Yêu Quan Phòng của Ngài, mỗi một
con người là một chương trình và mỗi một chương trình đều cao cả. Thiên Chúa
không tạo dựng chúng ta theo một khuôn mẫu, mà theo một chương trình riêng cho
mỗi người. Mỗi một biến cố xảy đến đều được Ngài sử dụng để đem lại điều thiện
hảo cho chúng ta. Nói như thánh Phaolô, Thiên Chúa quy mọi sự về điều thiện cho
những kẻ Ngài yêu thương. Cũng chính vị thánh này nói: "Tất cả nọi sự đều
là ân sủng của Chúa".
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
"Thầy
bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác".
Ðừng báo thù
“Mắt đền mắt, răng đền răng”, đó là
công thức của luật báo thù. Người ta xúc phạm đến tôi bao nhiêu, tôi phải làm lại
cho người đó bấy nhiêu. Kẻ lý luận như thế là dựa trên sự công bằng, nhưng đây
là sự công bằng theo mức độ của loài người. Luật trả thù này đã được ghi chép
thành văn trong bộ luật của vua xứ Babylon
năm 1750 TCN. Trong Bộ Ngũ Kinh, người ta cũng có thể đọc thấy vài công thức của
luật trả thù này, và đó là sự bất toàn của Luật Môsê thời Cựu Ước.
Nhưng luật trả thù này không những
có trong những bộ luật lâu đời, mà còn nằm trong tâm hồn con người mọi thời.
Chúa Giêsu muốn nhắc cho các môn đệ Ngài xưa cũng như nay, là cần phải sẵn sàng
dập tắt ngay nơi bản thân mầm mống của bạo động: “Ðừng chống cự người ác”. Ngài
nhấn mạnh đến tinh thần mà người môn đệ phải có, đó là tinh thần tha thứ, vượt
qua điều anh em xúc phạm đến mình. Ðây là hình thức cao cả của tình yêu Kitô:
yêu thương một cách nhưng không, không đòi lại điều gì, cũng không chờ đợi điều
gì. Như vậy câu nói của Chúa Giêsu: “Ai muốn lấy áo trong của con, thì hãy cho
nó cả áo ngoài” không phải là thái độ thụ động, mà là thái độ tích cực sống yêu
thương tha thứ như Chúa đã nêu gương từ trên Thập giá khi Ngài cầu nguyện: “Lạy
Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Chúa Giêsu đã yêu
thương và tha thứ đến cùng, và Ngài dạy chúng ta sống theo gương Ngài, nếu
chúng ta muốn trở nên môn đệ đích thực của Ngài.
Chúng ta hãy cầu xin bằng chính lời
kinh hòa bình của thánh Phanxicô Assisiô: Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến
yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Xin hãy dùng con như khí cụ bình an của
Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem
an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn u sầu.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Ngày
18
Nếu Đức Kitô sai chúng ta đi rao giảng Tin Mừng cho thế giới,
Người đòi buộc chúng ta phải biết nhận ra những dấu chỉ sự hiện diện của Thánh
Thần, Đấng đi trước chúng ta. Các tín hữu tiên khởi kinh ngạc khi khám phá ra sự
hiện diện của Thánh Thần nơi mà họ chờ đợi Người (Cv 10). Chính Đức Giêsu cũng
bị đức tin của một người lính La mã đánh động (Lc 7,1-10). Chúng ta còn có khả
năng ngạc nhiên khi nhận ra sự mong chờ trong tinh thần của những người đồng thời
của chúng ta hay không?
Chúng
ta hãy để cho hoa trái của Thánh Thần phát triển trong đời sống chúng ta: "Tình yêu, niềm vui, bình an,
kiên nhẫn, tỉnh thức, nhân hậu, tin tưởng nơi kẻ khác, dịu dàng, tự chủ" (GI 5,22-23). Thánh Thần dẫn chúng ta đến với
những kẻ khác, trước tiên đến với những người nghèo khổ hơn chúng ta. Trong sự
liên đới với những người cùng khổ, ánh sáng Chúa Thánh Thần có thể tràn ngập
trong đời sống chúng ta.
Vâng, Thánh Thần đang hoạt động trong ngày hôm nay. Người luôn lập
lại tình yêu của Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta. Phúc cho những ai không bị
lo âu bao vây, nhưng nằm dưới hơi thở của Thánh Thần. Đấng cũng là nước hằng sống;
Người là Thánh Thần của sự bình an, Đấng hướng dẫn tâm hồn chúng ta và qua
chúng ta đến với thế giới.
Thầy Alos, viện trưởng Taizé
Thứ Hai 18-6
Ðấng Ðáng Kính Matt Talbot
(1856-1925)
ng Matt có thể coi là quan thầy của những người đang chiến
đấu với sự nghiện rượu.
Matt sinh ở
Trong vòng 15 năm -- cho đến khi 30 tuổi -- Matt là người
nghiện rượu. Một ngày kia, ông "tự hứa" không uống rượu trong vòng
ba tháng, ông đi xưng tội và bắt đầu tham dự Thánh Lễ hàng ngày. Hiển nhiên
là những năm đầu tiên sau khi thề hứa thật khó khăn. Chỉ cần tránh gặp các
tay bạn nhậu không thôi cũng đã khó. Tuy nhiên, ông đã trông nhờ đến sự trợ
giúp của Thiên Chúa. Trước đây ông uống rượu như thế nào thì bây giờ ông cũng
cầu nguyện như vậy. Ðồng thời ông tìm cách trả lại tiền vay mượn hoặc ăn cắp
của người khác trong thời gian nghiện ngập.
Hầu hết cuộc đời của ông là một người lao động nặng nhọc.
Ông gia nhập dòng Ba Phanxicô và bắt đầu một đời sống khắc khổ sám hối; ông
kiêng thịt đến chín tháng mỗi năm. Hàng đêm, ông dành nhiều thời giờ để đọc
sách thiêng liêng cũng như hạnh các thánh. Ông lần chuỗi Mai Khôi một cách có
ý thức. Mặc dù đồng lương của ông thật khiêm tốn, ông đã rộng lượng đóng góp
cho công cuộc truyền giáo.
Vào năm 1925, sức khỏe ông sa sút đến độ phải nghỉ việc.
Và vào ngày lễ Chúa Ba Ngôi, ông đã từ trần trên đường đến nhà thờ. Năm mươi
năm sau, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã ban cho ông tước vị đáng kính.
Lời
Bàn
Khi nhìn vào cuộc đời ông Matt Talbot, chúng ta thường để
ý đến những năm sau khi ông đã chừa rượu và sống cuộc đời ăn năn sám hối.
Nhưng chỉ những ai đã từng nghiện rượu mới thấy thật khó khăn chừng nào khi mới
bắt đầu bỏ rượu. Ông Matt đã cố gắng hàng ngày. Và mọi người chúng ta cũng phải
như vậy.
Lời
Trích
Trên trang giấy của cuốn sách ông Matt để lại, người ta
thấy có dòng chữ sau: "Thiên Chúa đã an ủi ngươi và biến ngươi nên
thánh. Ðể đạt được sự khiêm tốn tuyệt đối, cần có bốn điều sau: khinh miệt thế
gian, đừng khinh miệt ai, khinh miệt chính mình, hãy coi thường khi bị người
khác khinh miệt."
|
|
Copyright © 2010 by
Nguoi Tin Huu.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét