THỨ BA SAU CHÚA NHẬT XI THƯỜNG
NIÊN năm II
EElia gặp vua A-cáp và hoàng hậu Giê-za-bel. |
BÀI ĐỌC
I: 1 V 21, 17-29
"Ngươi đã làm cho Israel phạm tội".
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
(Sau khi Naboth chết), có lời Chúa phán cùng ông Êlia, người
miền Thesbê rằng: "Ngươi hãy chỗi dậy, xuống gặp Acáp, vua Israel , ở thành Samaria : này Acáp đang xuống vườn nho của
Naboth để chiếm lấy. Ngươi sẽ nói với ông ấy rằng: "Ðây lời Chúa phán:
Ngươi đã giết, lại còn chiếm đoạt". Sau đó ngươi nói tiếp: "Ðây là lời
Chúa phán: Những con chó đã liếm máu Naboth tại đâu, thì cũng sẽ liếm máu ngươi
tại đó". Acáp liền nói với Êlia: "Ông coi tôi là thù địch của ông
sao?" Êlia đáp: "Ðúng thế, vì vua đã liều mình làm điều gian ác trước
mặt Chúa. Này Ta sẽ giáng hoạ trên ngươi, sẽ làm cho ngươi tuyệt tự; Ta sẽ giết
tất cả con trai của nhà Acáp, bất kể sang hèn trong dân Israel . Ta sẽ
cho dòng dõi ngươi ra giống như dòng dõi Giêroboam, con của Nabat, và như dòng
dõi của Baasa con của Ahia, vì ngươi đã hành động để chọc giận Ta, và làm cho
Israel phạm tội". Còn về Giêzabel, Chúa phán rằng: "Chó sẽ ăn thịt
Giêzabel ở cánh đồng Giêzrơel. Acáp chết trong thành, sẽ bị chó ăn thịt; nếu chết
ngoài đồng, thì sẽ bị chim trời rỉa ăn". Chẳng có ai giống như Acáp, đã liều
mình làm điều gian ác trước mặt Chúa, bởi vì Giêzabel, vợ vua đã xúi giục. Vua
đã trở nên quái gở, đến nỗi chạy theo các tà thần mà người Amorrhe đã làm ra, họ
là những người Chúa đã tiêu diệt trước mặt con cái Israel .
Khi Acáp nghe những lời này, mặc áo nhặm, ăn chay, vấn bao
bố mà ngủ và ăn ở khiêm nhường. Có lời Chúa phán với Êlia người Thesbê rằng:
"Ngươi có thấy Acáp hạ mình trước mặt Ta không? Vì Acáp đã hạ mình trước mặt
Ta, Ta sẽ không giáng hoạ xuống trong đời ông ta, nhưng trong đời con ông ta,
Ta sẽ giáng hoạ trên nhà ông ấy".
Ðó là lời Chúa.
ÐÁP CA: Tv 50, 3-4. 5-6a. 11 và 16
Ðáp: Xin xót thương, lạy Chúa, vì chúng con
đã phạm tội.
Hoặc đọc:
Lạy Chúa, nguyện thương con
theo lòng nhân hậu Chúa (x. c. 3a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội
con theo lượng cả đức từ bi; xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch
lâng tội ác. - Ðáp.
2) Vì sự lỗi con, chính con đã biết, và tội con ở trước mặt
con luôn; con phạm tội phản nghịch cùng một Chúa. - Ðáp.
3) Xin ngoảnh mặt đi, đừng nhìn tội lỗi, và tẩy xoá mọi điều
gian ác của con. Xin cứu gỡ con khỏi đền nợ máu, ôi lạy Chúa là Chúa cứu độ
con, lưỡi con sẽ ca ngợi đức công minh Chúa. - Ðáp.
ALLELUIA: Tv 24, 4c và 5a
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước
của Chúa, và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 5, 43-48
"Các ngươi hãy yêu thương thù địch".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đã
nghe dạy: "Ngươi hãy yêu thân nhân, và hãy thù ghét địch thù". Còn
Ta, Ta bảo các con: Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các
con, hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con: để như vậy các
con nên con cái Cha các con, Ðấng ngự trên trời: Người khiến mặt trời mọc lên
cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương.
Vì nếu các con yêu thương những ai mến trọng các con, thì các con được công
phúc gì? Các người thu thuế không làm thế ư? Nếu các con chỉ chào hỏi anh em
các con thôi, thì các con đâu có làm chi hơn? Những người ngoại giáo không làm
như thế ư? Vậy các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Ðấng hoàn
hảo".
Ðó là lời Chúa.
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
THỨ BA SAU CN XI TN – B
Bài đọc: 1 Kgs
21:17-29; Mt 5:43-48.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ :
Hãy yêu
thương, tha thứ , cầu nguyện và làm ơn cho kẻ thù.
Nhiều người cho những điều Chúa Giêsu dạy các
môn đệ hôm nay là quá khả năng con người có thể làm được. Không chống lại,
không kiện cáo đã khó mà Chúa Giêsu còn đòi phải yêu thương, tha thứ, cầu nguyện,
và làm ơn cho kẻ thù của mình nữa! Chắc chắn Chúa Giêsu không đòi các tín hữu
phải làm những chuyện không thể; khi đòi họ phải làm điều gì, Ngài sẽ cung cấp
lý do và nhất là ơn thánh cần thiết để làm chuyện đó.
Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta hai lý do
chính không cần phải báo thù. Trong bài đọc I, Thiên Chúa là người sửa phạt những
kẻ làm điều gian ác. Ngài sai Elijah tới để tuyên án phạt cho vua Ahab và hoàng
hậu Jezebel. Hoàng hậu sẽ bị chó ăn thịt trong cánh đồng Jezreel, hậu duệ nhà
Ahab sẽ bị xóa sạch, và ai thuộc về Ahab “chết trong
thành thì sẽ bị chó ăn thịt, người chết ngoài đồng sẽ bị chim trời rỉa
thây." Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đòi các môn đệ trở
nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành bằng việc yêu thương, tha thứ,
cầu nguyện và làm ơn cho kẻ thù.
KHAI TRIỂN
BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc
I: Việc báo thù người ác là việc của Thiên Chúa
1.1/ Thiên Chúa sẽ trả lại cho mỗi người tùy
việc họ làm.
Trong trình thuật hôm qua, hẳn mọi người
chúng ta rất bất bình với vua Ahab, và nhất là với hoàng hậu Jezebel. Trong
trình thuật hôm nay, chúng ta sẽ thấy rõ án công thẳng của Thiên Chúa, vì không
một việc gì dù kín nhiệm đến đâu đi nữa mà Thiên Chúa không biết.
Thiên Chúa sai ngôn sứ Elijah đến gặp vua
Ahab và tuyên án cho vua rằng: "Đức Chúa phán
thế này: Ngươi đã giết hại, lại còn chiếm đoạt nữa ư? ... Đức Chúa phán thế
này: Tại chính nơi chó đã liếm máu Naboth, thì chó cũng sẽ liếm máu ngươi...
Này, Ta sẽ giáng tai hoạ xuống trên ngươi: Ta sẽ xoá sạch hậu duệ ngươi, Ta sẽ
tiêu diệt các đàn ông con trai của Ahab trong Israel, đang bị ràng buộc hay được
tự do.”
Riêng đối với hoàng hậu Jezebel, người chủ
mưu trong kế hoạch giết và chiếm vườn nho của Naboth: "Chó sẽ ăn thịt Jezebel trong cánh đồng Jezreel. Kẻ nào thuộc về Ahab
mà chết trong thành thì sẽ bị chó ăn thịt, người chết ngoài đồng sẽ bị chim trời
rỉa thây." Lời tuyên án "chó sẽ ăn thịt Jezebel
trong cánh đồng Jezreel” thành sự thật trong 2 Kings 9:35-36; và lời tuyên án
“kẻ nào thuộc về Ahab mà chết trong thành thì sẽ bị chó ăn thịt, người chết
ngoài đồng sẽ bị chim trời rỉa thây” được thi hành trong 2 Kings 9:25-26.
Chó ăn thịt bà Jezebel. |
1.2/ Vua Ahab ăn năn hối cải:
Thật ra, vua Ahab là người biết kính sợ Thiên
Chúa; nhưng là một ông vua nhu nhược, không có đức tin vững chắc nên đã nghe lời
xúi giục của hoàng hậu Jezebel để làm những điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa.
Điều này phải là mẫu gương cho các tín hữu: Đừng dại dột lấy vợ ngoại đạo, vì
các bà sẽ bắt các ông cũng tôn thờ thần tượng của các bà; và vì không biết hay
không tin nơi những điều dạy tốt lành của Thiên Chúa, các bà sẽ hành động theo
bản năng và sự xúi giục của ma quỉ.
Khi nghe những lời tuyên án của ngôn sứ
Elijah, “vua Ahab xé áo mình ra, khoác áo vải gai
bám sát vào thịt, ăn chay, nằm ngủ với vải gai và bước đi thiểu não.” Đức Chúa động lòng thương xót, Ngài phán với ông Elijah, người Tishbite, rằng: "Ngươi có thấy Ahab đã hạ mình trước mặt Ta thế nào không? Vì nó đã
hạ mình trước mặt Ta, nên Ta sẽ không giáng hoạ trong buổi sinh thời của nó,
nhưng đến đời con nó, Ta sẽ giáng hoạ xuống nhà nó."
Giống như trường hợp của vua David, Đức Chúa
nhân nhượng cho vua Ahab trong khi ông còn sống; nhưng sẽ thi hành trong đời
con cháu. Tội không bao giờ chỉ là tội của cá nhân; nhưng luôn ảnh hưởng trên
gia đình và xã hội.
2/ Phúc Âm: Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.
2.1/ Luật người xưa dạy: ''Hãy yêu đồng loại
và hãy ghét kẻ thù.'' Luật Đức Kitô: ''Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ
thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.''
(1) Phân tích từ ngữ: Trước tiên, chúng ta cần phân biệt: có ba động từ yêu trong Hy-lạp: erein, philein, agapan. Động từ yêu dùng ở đây là
"avgapa,w,'' động
từ này chỉ được dùng trong khuôn khổ của Kitô Giáo. Đức Kitô không đòi chúng ta
yêu kẻ thù với tình yêu tự nhiên dành cho người yêu, hay dành cho những người
trong gia đình (erein, philein). Nếu
Chúa đòi như thế, Ngài bắt chúng ta đi ngược lại tự nhiên. Điều khác biệt giữa
tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tự nhiên là ở chỗ khi yêu cách tự nhiên, con
người dùng trái tim; nhưng khi yêu kẻ thù với tình yêu Thiên Chúa, con người phải
dùng tới ý muốn của mình, nó là một thỏa thuận giữa trí tuệ và lòng muốn.
(2) Thứ đến, con
người chỉ có thể yêu kẻ thù khi con người đã được thấm nhuần đạo lý và tình yêu
của Đức Kitô: Theo Gioan, tình
yêu này phát xuất từ Thiên Chúa và được thông ban cho con người qua Đức Kitô.
Chúa Giêsu luôn đòi các môn đệ phải ở lại trong tình yêu này qua việc giữ các
giới răn, trước khi truyền cho các ông phải "yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh
em."
(3) Sau cùng, con người phải sống theo lời dạy
của Đức Kitô: Để có thể yêu kẻ
thù, con người cần cầu nguyện cho họ. Khi con người có thể cầu nguyện cho họ,
Chúa sẽ giúp con người có thể tha thứ hoàn toàn cho kẻ thù. Trên Thánh Giá,
Chúa Giêsu cầu nguyện: "Lạy Cha! Xin tha cho chúng vì
chúng không biết việc chúng làm." Noi gương Đức
Kitô, thánh Stephanô, vị tử đạo tiên khởi, cũng cầu nguyện cho những người ném
đá mình: ''Lạy Chúa! Xin đừng chấp họ tội này.'' Và còn biết bao gương của các vị tử đạo khác nữa; điều này chứng minh đời
hỏi của Đức Kitô không vượt quá giới hạn của con người.
2.2/ Những lý do tại sao phải yêu kẻ thù: Chúa Giêsu đưa ra 4 lý do:
(1) Để trở nên con cái của Thiên Chúa: Con nhà tông chẳng
giống lông cũng giống cánh. Điều làm con người nên giống Thiên Chúa nhất là yêu
thương.
''Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và
cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.''
(2) Người môn đệ phải khác với người thường: ''Vì nếu anh em yêu
thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu
thuế cũng chẳng làm như thế sao?''
(3) Người có đạo phải khác với người vô đạo: ''Nếu anh em chỉ
chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người
ngoại cũng chẳng làm như thế sao?''
(4) Để trở nên hoàn thiện: "Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như
Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.'' Hoàn thiện là mục đích của Thiên Chúa khi dựng
nên con người, như Sách Sáng Thế viết: "Thiên Chúa sáng tạo con người theo
hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa" (Gen 1:27).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta là những con cái của Thiên Chúa, và có bổn phận sống theo
tiêu chuẩn của những công dân Nước Trời; chứ không được bằng lòng với những
tiêu chuẩn của trần thế. Một trong những tiêu chuẩn làm chúng ta giống Thiên
Chúa là yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù.
Lm.An-tôn Đinh Minh Tiên,OP.
Đức cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolo II và Ali Agca. |
Thứ Ba tuần 11 thường niên
Sứ điệp:Là người môn đệ Chúa
Giêsu, ta yêu thương cả kẻ thù, vì ta phải bắt chước lòng quảng đại của Cha
trên trời và phải có lòng yêu thương hơn những người khác.
Cầu nguyện: Lạy Cha, Cha là tình
yêu. Con cảm tạ Cha đã yêu thương con. Nhiều lúc con đã phạm tội chống lại Cha,
tự đặt mình làm kẻ thù của Cha. Nhưng dù vậy, Cha cũng vẫn một lòng yêu thương
con, tha thứ cho con, vẫn hằng tiếp tục ban phát muôn vàn hồng ân xuống trên
con. Cả những người chưa hề biết Cha, cả bao nhiêu người cố tình chối bỏ Cha, cả
muôn vàn người tội lỗi bất chính, Cha vẫn yêu thương họ, vẫn cho mặt trời soi
sáng và cho mưa xuống trên họ.
Tình yêu của Cha luôn
đi bước trước, luôn quên mình, luôn quảng đại. Chúa Giêsu cũng yêu thương với một
tình yêu như vậy. Người tha thứ cho kẻ giết mình, Người cầu nguyện cho kẻ ngược
đãi mình, Người yêu thương kẻ giết mình.
Lạy Cha, Cha đã thông
chia tình yêu ấy cho con. Xin dạy con biết quên mình để yêu thương cả kẻ thù,
biết cầu nguyện cho kẻ làm hại con, biết quảng đại với kẻ ích kỷ với con, biết
làm ơn cho kẻ chơi xấu con, biết vui vẻ với những kẻ mắng chửi hoặc dửng dưng với
con, biết nói tốt cho kẻ nói xấu con.
Xin cho con biết sống
trong tình yêu, để con sống trong hạnh phúc. Những lúc con để bụng để dạ giữ
lòng hận thù, con cũng chẳng sung sướng gì, mà chính là con tự đày đọa mình.
Ích kỷ phát sinh ích kỷ, hận thù lôi kéo hận thù, gian ác sinh ra gian ác. Hận
thù như loài vi khuẩn sinh sản thật nhiều, ăn sâu vào lòng mỗi người chúng con
và phá hoại hạnh phúc chúng con.
Lạy Cha, xin cho chúng
con biết sống xứng đáng là con cái của Cha, xứng đáng với danh hiệu làm môn đệ
Chúa Giêsu. Amen.
Ghi nhớ : "Các ngươi hãy yêu thương thù địch".
19/06/12 THỨ BA TUẦN 11 TN
Th. Rômoanđô, viện phụ
Mt 5,43-48
Th. Rômoanđô, viện phụ
Mt 5,43-48
CHỈ VÌ YÊU CHA
“Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,48)
Suy niệm: Thông thường trong cuộc đời ai trợ giúp đang lúc ta túng thiếu, nâng đỡ lúc ta ngặt nghèo, an ủi khi đau buồn… ta sẽ nhớ ơn và yêu mến họ. Yêu mến như vậy là tình cảm tự nhiên, thuộc loại bẩm sinh của con người, cần gì Đức Giêsu phải dạy! Yêu thương theo Đức Giêsu thuộc về một bình diện khác là yêu thương kẻ thù nghịch với mình: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em.” Chính lời dạy đó chất vấn, thôi thúc chúng ta nỗ lực sống yêu thương kẻ thù. Không phải vì chúng ta phải thi hành một khoan luật, nhưng vì chúng ta khát khao nên giống Cha trên trời, muốn trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.
Mời Bạn: Mỗi khi nghe Lời Chúa “hãy yêu kẻ thù,” ta muốn để nó ra ngoài tai, vì tận đáy lòng ta chưa muốn tha thứ! Nhưng mặt khác, nếu chúng ta chỉ yêu kẻ yêu thương mình thì cần gì phải đến nhà thờ hằng ngày, hằng tuần để lắng nghe lời dạy yêu thương của Chúa. Thế giằng co đó chỉ được giải quyết ổn thỏa khi chúng ta vì yêu mến Cha mà thi hành tất cả những lời Cha dạy bảo!
Chia sẻ: Việc chuyên cần cầu nguyện có giúp bạn dễ tha thứ cho nhau hơn không?
Sống Lời Chúa: Hôm nay tôi cố gắng thực hiện Lời Chúa dạy: “Cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.”
Cầu nguyện: Lạy Cha! Tha thứ không phải là điều dễ thực hiện, bởi vì không phải chúng con thực hiện lời dạy này theo tình cảm, nhưng bằng ý chí. Xin thêm tình mến cho chúng con, để vì yêu Cha mà chúng con sẵn sàng yêu mọi người, ngõ hầu trở nên giống Cha nhiều hơn. Amen.
Như Cha trên trời
Suy niệm:
Bí tích Thánh
Tẩy làm chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa.
Nhưng bí tích
Thánh Tẩy không phải chỉ là bí tích để lãnh nhận,
mà còn là bí
tích để sống.
Trở nên con
cái Thiên Chúa là tiến trình dài một đời người.
Kitô hữu trở
nên con Cha trên trời nhờ bí tích Thánh Tẩy
và cũng nhờ cố
gắng liên tục sống như Cha của mình.
Thiếu cố gắng
này, người ta chỉ còn là Kitô hữu có tên trong sổ Rửa tội.
Bài Tin Mừng
hôm nay thật là đỉnh cao của Kitô giáo.
Đức Giêsu dạy
ta nẻo đường để trở nên con cái Cha trên trời (c. 45).
Đó là: “Hãy
yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”.
Cựu Ước dạy ta
yêu người thân cận (Lv 19, 18).
Còn Đức Giêsu
dạy ta yêu kẻ thù và cầu nguyện cho họ (c. 44).
Yêu ở đây không
phải là chuyện của cảm xúc hay thích thú.
Dĩ nhiên chúng
ta không thể yêu kẻ thù tha thiết như yêu cha mẹ mình được.
Yêu ở đây là
chuyện của ý chí và hành động.
Chúng ta yêu kẻ
thù, vì kẻ thù cũng là thụ tạo của Cha như ta.
Dù kẻ thù của
ta có là kẻ xấu xa và bất chính,
nhưng họ vẫn
được Cha trên trời dấu yêu.
Ngài cho mặt
trời mọc lên mỗi sáng để nắng ấm đem lại sự sống cho họ.
Ngài cho mưa
rơi xuống luống cày của họ để họ có của nuôi thân (c. 45).
Thiên Chúa
không dành nắng hay mưa cho riêng người tử tế đạo đức.
Ngài bao dung
và rộng rãi khi đối xử với mọi người.
Trở nên con
cái Cha là mang những tâm tình sâu kín ấy của trái tim Cha.
Khi trái tim
ta giống trái tim Cha,
ta sẽ nhìn kẻ
thù bằng cặp mắt mới, sẽ cư xử với họ theo cung cách mới.
Lúc đó họ sẽ
chẳng còn là kẻ thù nữa, mà là bạn.
Đức Giêsu mời
gọi các môn đệ của mình bước lên,
lên cao hơn
cái tự nhiên, bình thường của người đời.
Dù là kẻ xấu,
người thu thuế vẫn yêu kẻ yêu thương ông ta.
Người dân ngoại
chưa biết Chúa vẫn chào hỏi anh em của họ (c. 46).
Điều mà Đức
Giêsu đòi các Kitô hữu phải làm hơn người khác,
đó là yêu kẻ
thù ghét mình, cầu nguyện cho kẻ làm khổ mình
và chào những
kẻ chẳng bao giờ chào hỏi mình.
Làm thế là vượt
lên trên tình cảm tự nhiên đang kéo trì mình xuống,
là giải thoát
mình khỏi sức nặng của cái tôi nhỏ mọn, tự ái, kiêu căng.
Làm thế là bắt
đầu đi vào trong nơi sâu nhất của trái tim Thiên Chúa.
“Hãy nên hoàn
thiện như Cha trên trời” (c. 48).
Lý tưởng này
thật là cao xa, sức người không vươn tới được.
Nhưng nếu ta tập
quen yêu kẻ thù chung quanh ta,
- mà ai trong
chúng ta lại không có kẻ thù -
thì chúng ta dần
dần sẽ trở nên hoàn thiện.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa
Giêsu,
xin cho con
trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con
dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy
Chúa hiện diện
và hoạt động
trong đời con.
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con
đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và
nghi ngờ.
Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết
cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám
buông đời con cho Chúa.
Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi
trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc
vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.
Lm.An-tôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.
"Các
ngươi hãy yêu thương thù địch".
Yêu thương kẻ thù
Sau hơn 50 ngày bị bắt làm con tin
và bị sút gần 20 ký vì sống trong thiếu thốn vật chất cũng như tinh thần, một
nhà truyền giáo nọ đã bình tĩnh trả lời câu hỏi của các phóng viên về những gì
mình đang suy tính trong lòng: “Tôi vẫn yêu mến đất nước và dân tộc đó, như
ngày tôi mới đến truyền giáo cách đây 40 năm. Tôi đã tha thứ cho những kẻ bắt
giữ và hành hạ tôi. Tôi muốn nói với họ rằng tôi không có gì thù ghét họ, nhưng
vẫn yêu thương và sẵn sàng trở lại đó làm việc mục vụ”.
Những lời dạy của Chúa Giêsu mà Giáo
Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay, cũng không mập mờ, không nhượng bộ hay chiều
theo khuynh hướng tự nhiên của con người muốn giới hạn tình yêu của mình đối với
tha nhân.
“Hãy yêu mến anh em mình”, mệnh lệnh
này được ghi rõ trong sách Lêvi 19,18. Những “anh em” được nhắc đến ở đây chỉ
những kẻ thân thuộc, đồng hương, thuộc về dân riêng của Chúa. Còn câu: “Hãy
ghét kẻ thù địch” thì chúng ta không gặp thấy công thức nào tương tự như vậy
trong Kinh Thánh. Những lời này có thể hiểu như một diễn tả tự nhiên của tâm lý
thường tình nơi con người, một hậu quả của tình yêu thương có giới hạn trong
khung cảnh những kẻ thân thuộc, những người thuộc về cùng một dân tộc, một xã hội.
Theo tâm thức hạn hẹp của Cựu Ước, bất cứ ai không thuộc về Dân Chúa chọn, thì
người đó là kẻ xa lạn, là kẻ thù địch, không được yêu thương.
Chúa Giêsu đã đến để mạc khải sứ điệp
trọn hảo hơn, bẻ gẫy những giới hạn tự nhiên: “Còn Thầy, Thầy bảo các con: hãy
yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con”. Chúng ta chú ý đến
hai chi tiết trong lời dạy của Chúa Giêsu: thứ nhất: không còn ai bị loại ra khỏi
tình yêu thương của người môn đệ Chúa và sự phân chia con người ra làm hai loại:
thân thuộc và thù địch không còn nữa. Thứ hai: Tình yêu thương đó được thể hiện
bằng những hành động cụ thể, và quan trọng nhất, đó là thi ân và cầu nguyện cho
những kẻ không tự nhiên được chúng ta yêu thương, và đây không còn là tình yêu
thương theo tình cảm, mà là tình yêu thương thực sự hướng đến lợi ích của người
khác.
Nhưng tại sao phải yêu thương như vậy?
Bởi vì chính chúng ta là con cái của Thiên Chúa và do đó phải noi gương trọn
lành của Ngài, Ðấng cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người lành.
Xin Chúa đổ tràn trên chúng ta tình
thương của Chúa, để chúng ta được giải thoát khỏi tình yêu hạn hẹp, có tính
toán, mà quảng đại yêu thương tất cả mọi người, ngay cả kẻ chống đối và có ác cảm
với chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Tha thứ, được! Yêu thương, không!
“Anh em đã nghe luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại
và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo thật anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện
cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt. 5, 43-44)
Yêu như Chúa Cha yêu thương
Yêu thương kẻ thù của ta. Yêu thương những
ai làm ta thất vọng, làm tổn thương, phản bội và bầm dập ta. Yêu thương những
ai không còn yêu ta nữa. Yêu thương những kẻ đã làm hư hỏng đời ta. Yêu như thế
đó. Và đúng là Chúa đòi hỏi ta nhiều lắm. Chúng ta sẽ dám nói là quá nhiều nữa.
Không phải chúng ta chống lại việc yêu kẻ
thù. Ta còn cảm thấy rõ rằng nếu có thể yêu tới mức đó mới thật là đẹp. Hãy yêu
thương như Chúa Giêsu và Cha Người yêu thương chúng ta. Yêu thương đối lại với
tất cả. Yêu thương bất chấp tất cả. Được như vậy, quả là tuyệt vời. Nhưng có thể
được không? Có vừa sức ta không? Ta có thể đi tới đó được không?
Ta có thể cố gắng tha thứ cho kẻ đã làm khổ
ta, có thể không tìm ác để trả ác. Nhưng yêu thù địch của ta, lại là một chuyện.
Nếu Thiên Chúa có thế làm được điều này, thì ta có thể làm được không?
Tha thứ, chính là yêu thương nhiều
Khi tự thâm tâm, ta nói với người đã nhẫntâm
làm khổ ta rằng: “Tôi tha thứ cho nó. Tôi sẽ cố gắng quên đi phần nào”; và ngay
cả khi có nói thêm rằng: “Nhưng yêu hắn nữa, thì tôi không có thể!” … ấy là lúc
ta đang đặt chân trên đường lành rồi. Chúng ta đã hành động như Thiên Chúa ước
mong, bởi vì thực lòng tha thứ, chính là đã tỏ ra yêu thương nhiều.
Có những tình yêu sẽ không bao giờ tái
sinh. Có những con người đã gần gũi với ta ngày nào và rồi có thể không gần cận
nữa. Đó chính là những cảnh nghiệt ngã của cuộc sống mà thường thường ta không
thể cưỡng lại được. Thế nên mỗi khi ta trục xuất hận thù ra khỏi lòng ta, mỗi
khi ta không mong ước điều xấu cho người đã làm ta tan nát, mỗi khi ta muốn
thành tâm cầu nguyện cho họ, là ta đang có đôi nét giống Cha. Và Cha vui thích
nhìn ta khi không khép kín cửa lòng như vậy.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 6
19 THÁNG SÁU
Tình Yêu Hôn Nhân
Và Gia Đình Kitôhữu
Nơi người Kitôhữu, vai trò làm cha làm mẹ trước hết là một thực tại
luân lý và tâm linh. Người ta chỉ cần có mấy tháng để đưa một em bé vào đời,
nhưng trọn cả đời người cũng không đủ để hoàn thành việc nuôi dạy đứa con. Thật
vậy, có rất nhiều giá trị – cả nhân bản lẫn siêu nhiên – mà cha mẹ phải truyền
đạt cho con cái mình. Bởi vậy, hành vi trao ban sự sống của cha mẹ có một chiều
kích hoàn toàn nhân bản. Và điều này đòi hỏi thời gian, lòng kiên nhẫn, trí
phán đoán, sự khéo léo và tình yêu thương mấy cũng không vừa. Đó là nẻo đường
mà cả gia đình được mời gọi cùng nhau bước đi từ ngày này sang ngày khác. Trong
đó, mọi thành viên của gia đình – cả cha mẹ lẫn con cái – sẽ trưởng thành ngày
càng hơn. Quả vậy, các bậc cha mẹ sống tư cách làm cha làm mẹ một cách đầy
trách nhiệm sẽ khám phá thấy rằng trong tình yêu hôn nhân của họ có những khía
cạnh rất tuyệt vời mà họ vốn không ngờ.
Những khía cạnh thâm sâu ấy của tình yêu hôn nhân cho phép chúng
ta nhìn thoáng thấy chân trời rộng lớn ấy. Chúng ta nhận ra rằng tình yêu giữa
người nam và người nữ siêu vượt trên kinh nghiệm về thời gian và nó tự mở ra tới
viễn tượng sự phục sinh vinh quang của thân xác, ở đó sự sinh sản thể lý sẽ
không còn, nhưng mối kết hợp tâm linh của hai tâm hồn sẽ vẫn tồn tại.
Trong ánh sáng này, hình ảnh của Giu-se được nhận thấy có một ý
nghĩa phi thường. Vì trong cuộc hôn nhân trinh khiết giữa ngài với Đức Trinh Nữ
Maria, một cách nào đó ngài báo trước kinh nghiệm trọn vẹn về thiên đàng. Ngài
cho chúng ta thấy sự phong phú của tình yêu phu phụ được xây dựng trên những
hòa điệu thâm sâu của linh hồn và được nuôi dưỡng bằng nguồn mạch yêu thương không
bao giờ cạn kiệt.
Đây là một bài học rất có ý nghĩa cho thời đại chúng ta – một thời
đại mà gia đình thường lâm vào khủng hoảng chỉ vì tựa vào một thứ tình yêu thiếu
hẳn chiều sâu và sự phong phú này. Đàng khác, gia đình hôm nay in hằn những rối
rắm, những nhấn mạnh thái quá đến bản năng và những sự lôi cuốn bên ngoài. Đành
rằng bản năng và những lôi cuốn bên ngoài rất quan trọng, nhưng chúng không thể
là nền tảng của tình yêu hôn nhân đối với các đôi vợ chồng Kitôhữu. Chúng ta
hãy học lấy gương mẫu của Thánh Giu-se.
“Này con, sao con nỡ làm thế? Kìa cha con và mẹ đã lo lắng tìm
con” (Lc 2,48). “Cha con” – đó là Thánh Giu-se, chồng của Mẹ Thiên Chúa, và trước
mặt người đời là cha của Giê-su Na-da-rét, Giê-su Kitô, Con Thiên Chúa. Câu nói
trên là một lời khiển trách rất bình dị, rất ‘người’. Nhưng, trên tất cả, câu
nói ấy bày tỏ mối ưu tư. Nỗi ưu tư này chính là đặc trưng của vai trò làm cha
làm mẹ, từ khoảnh khắc thụ thai đứa con trong cung lòng người mẹ, xuyên qua tuổi
ấu thơ và cả cho đến tuổi trưởng thành. Mối ưu tư ấy của cha và mẹ há không phải
là phản ảnh của sự quan phòng thần linh đó sao?
Và rồi, một câu nói khác nữa, lần này là của Đức Giê-su: “Cha mẹ
không biết rằng con phải ở trong nhà Cha con sao?” (Lc 2,49). Câu nói của
Giê-su, người con, nói với cha mẹ mình – là Giu-se và Maria. Câu nói ấy vén mở
cho thấy rằng ở giữa mối ưu tư nói trên của cha và mẹ, vẫn có những khả năng
cho đứa con lớn lên, vẫn luôn có khả năng cho tiếng gọiđến từ Thiên Chúa: “Con
phải ở trong nhà Cha con…”
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh Rômualđô, viện phụ;
1V 21, 17-29; Mt 5, 43-48.
LỜI SUY NIỆM: “Anh em đã nghe luật dạy rằng:
Hãy yêu đồng loại và ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và
cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5,43-44)
Sống với Chúa Giêsu,
nghe những lời của Chúa Giêsu dạy và đem ra thực hành là điều không dễ chút nào
cả. Cần phải cầu nguyện xin ơn. Với ân sủng của Ngài ban cho, chúng ta mới có
thể thực thi điều này.
Khi sống đúng giáo huấn
này thì mọi tương quan trong cuộc sống của chúng ta sẽ đem lại hạnh phúc thật sự
cho bản thân mình, cho gia đình và những người thân cũng như những người lân cận.
Thế giới sẽ không còn
chiến tranh; công lý và hòa bình sẽ được thiết lập và nhân phẩm của con người sẽ
được tôn trọng. Mọi người sẽ có tự do và biết tôn trọng sự tự do của nhau.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
19 Tháng Sáu
Thế Ư?
Hakuin là một thiền sư
nổi tiếng tại Nhật Bản, ông sống ẩn dật trên núi. Ngày kia, có một thiếu nữ con
nhà gia giáo bỗng thấy mình có thai. Cô nàng tuyên bố với mọi người rằng chính
thiền sư Hakuin là tác giả của bào thai. Vừa nghe tin này, cả dân làng, do cha
mẹ của cô thiếu nữ dẫn đầu, đã giận dữ kéo đến chòi của vị thiền sư. Họ la hét,
chửi rủa vị thiền sư đủ điều...
Nhưng vốn điềm tĩnh,
nhà sư chỉ biết mỉm cười thốt lên: "Thế ư?". Ai cũng nghĩ đó là một
cách chịu tội. Ai cũng nghĩ chính ông là tác giả của bào thai trong lòng người
thiếu nữ. Khi đứa bé chào đời, thiền sư Hakuin lặng lẽ đến nhận nó và đưa về
chiếc chòi nghèo nàn của mình. Ông bồng lấy nó, nang niu nó và chăm sóc nó như
chính đứa con ruột của mình.
Nhưng khoảng 18 năm sau, người thiếu nữ bông hối hận về hành vi của mình. Cô thú nhận rằng người cha của đứa bé chính là chàng ngư phủ trẻ trong làng.
Nhưng khoảng 18 năm sau, người thiếu nữ bông hối hận về hành vi của mình. Cô thú nhận rằng người cha của đứa bé chính là chàng ngư phủ trẻ trong làng.
Nghe tin này, ai ai
trong làng cũng cảm thấy xấu hổ vì đã nghĩ xấu và nhục mạ một con người đáng
kính. Một lần nữa, dưới sự dẫn đầu của cha mẹ thiếu nữ, cả làng kéo nhau đến
chòi của vị thiền sư. Mọi người sụp lạy tỏ dấu sám hối vì đã xúc phạm đến thanh
danh của vị đạo sĩ thánh thiện. Giữa lúc mọi người đồng thanh tuyên bố sự vô tội
và cứu gỡ danh dự cho mình, vị thiền sư chỉ mỉm cười nói: "Thế ư?".
Hai tiếng " Thế
ư?" của thiền sư Hakuin trên đây xem chừng như cũng cùng một âm điệu với
hai tiếng "Xin vâng" của Mẹ Maria.
Thái độ điềm nhiên và
chấp nhận không chỉ là kết quả của một sự rèn luyện ý chí, nhưng còn là một thể
hiện của niềm tin. Thưa xin vâng trước tiên có nghĩa là tuyên xưng Tình Yêu
không hề lay chuyển của Thiên Chúa. Thưa xin vâng là chấp nhận đi vào chương
trình của Thiên Chúa, trong đó cho dù phải trải qua tăm tối và thử thách, con
người vẫn tin ở sự thành toàn.
Thưa xin vâng cũng có
nghĩa là nói lên niềm tin nơi chính bản thân: dù có yếu hèn, vấp ngã, con người
vẫn luôn là đối tượng của một Tình Yêu chung thủy và là trọng tâm của một
chương trình cao cả mà thiên Chúa đang thực hiện.
Thưa xin vâng cũng có
nghĩa là nói lên niềm tin vào cuộc đời. Cuộc đời này, dù có đen bạc đến đâu, vẫn
luôn có một ý nghĩa và tha nhân, dù có thấp hèn, xấu xa đến đâu, vẫn tiếp tục
mang lấy hình ảnh cao vời của Thiên Chúa.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 19
Thánh
Rômualđô, viện phụ
Tôt nhất đặt
tâm hồn vào lời cẩu nguyện hơn là đi tìm lời, hơn là không đặt vào tâm hổn.
Gandhi
Lời của
Đức Giêsu như một mũi tên có hai lưỡi chống lại cơn giận: "Thật vậy, Tôi
nói cho anh em: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người bách hại anh
em". Những người bách hại là những kẻ thù căng thẳng nhất. Thuật ngữ chỉ
những kẻ thù của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, những kẻ tiếp tục công trình của
những người bách hại Đức Giêsu.
Chúng ta được gợi lên mối phúc cuối cùng, gợi lên hoàn cảnh bách
hại nơi những người nắm chắc Tin Mừng. Đó là một trong những nguồn linh đạo của
tử đạo, ảnh hưởng trên những thế kỷ đầu Kitô giáo.
Thánh Luca, trong Phúc Âm (6,27-35), đã gia giảm các thuật ngữ:
không còn so sánh các môn đệ với những người Pharisêu và những người ngoại
giáo, nhưng vói những kẻ tội lỗi.
Như thế, Thánh Luca đã đại cương hóa lời dạy của Đức Giêsu, cho
chúng ta thấy lệnh truyền áp dụng cho chúng ta như các môn đệ và Kitô hữu thế kỷ
thứ I.
Linh mục Servais-Théodore Pinckaers, op
Thứ Ba 19-6
Thánh Rômuanđô
(950?-1027)
Thánh Rômuanđô thuộc dòng họ quyền quý ở Ravenna , nước Ý và quãng đời thanh thiếu niên
của ngài không có gì là đặc biệt. Một ngày kia, ngài chứng kiến cảnh người cha
nóng tính của ngài đã giết chết người bà con trong cuộc tranh chấp về đất đai.
Quá hoảng sợ, ngài trốn trong một đan viện gần Ravenna trong 40 ngày để ăn năn
đền tội cho cha mình cũng như cho sự đồng lõa của chính ngài.
Lẽ ra ngài đã trở về cuộc sống bình thường như trước, nhưng thời
gian 40 ngày ấy thực sự đã hoán cải con người của ngài. Do đó, thay vì trở về
nhà, Rômuanđô đã xin gia nhập dòng Biển Ðức. Sau ba năm, ngài từ giã đan viện để
đi tìm một đời sống khắc khổ hơn, và trở nên một môn đệ của vị ẩn sĩ Marinus gần
Venice .
Ngài khao khát được tử đạo vì Ðức Kitô và đã được đức giáo hoàng
cho phép để đi truyền giáo ở Hung Gia Lợi. Nhưng khi đến nơi ngài phải trở về
vì lâm trọng bệnh và vì cao tuổi. Trong 30 năm tiếp đó, ngài đi khắp nước Ý để
thành lập các đan viện và viện khổ tu ở miền bắc và trung nước Ý. Năm viện khổ
tu ngài thành lập ở Camaldoli đã trở thành nhà mẹ của Dòng Camaldoli, có truyền
thống tổng hợp giữa đời sống khổ tu giữa Ðông và Tây và dưới quy luật Biển Ðức
đã được ngài biến cải.
Ngài từ trần ở Piceno, nước Ý năm 1027.
Lời Bàn
Ðức Kitô là vị lãnh đạo nhân từ, nhưng Ngài mời gọi chúng ta trở
nên hoàn toàn thánh thiện. Thỉnh thoảng, trong lịch sử Giáo Hội, chúng ta vẫn
được thách đố nên thánh bởi những người tận tụy hy sinh, với tinh thần hăng
say, và thực sự thay đổi. Dĩ nhiên, chúng ta không thể trở nên hoàn toàn giống
họ, nhưng điều đó không làm mất ý nghĩa lời kêu gọi của mỗi người chúng ta là
hãy mở lòng cho Thiên Chúa tùy theo hoàn cảnh của từng người.
(người tín hữu)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét