Trang

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

09-06-2012 : THỨ BẢY TUẦN IX MÙA THƯỜNG NIÊN


Thứ Bảy sau Chúa Nhật 9 Quanh Năm

 Bài Ðọc I: (Năm II) 2 Tm 4, 1-8
"Con hãy thi hành việc rao giảng Phúc Âm. Phần cha, cha đã già yếu và Chúa sẽ trao cho cha triều thiên công chính".
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.
Con thân mến, cha khuyến cáo con trước tôn nhan Thiên Chúa và Ðức Kitô, Ðấng sẽ thẩm phán kẻ sống và kẻ chết nhân danh cuộc xuất hiện của chính Người và vương quốc của Người: Con hãy rao giảng lời Phúc Âm, hãy xúc tiến việc đó, dầu thời thế thuận lợi hay không thuận lợi, hãy thuyết phục, hãy khiển trách, hãy khuyên lơn với tất cả lòng kiên nhẫn và quan tâm giáo huấn. Bởi vì sẽ có một thời, bấy giờ người ta không chịu nghe theo giáo lý lành mạnh nữa, nhưng theo tình tư dục, họ đã thu thập cho mình thực nhiều thầy, tai họ ngứa ngáy và họ ngoảnh tai đi cho khỏi nghe chân lý để quay về với những chuyện hoang đường. Phần con, hãy thận trọng trong hết mọi vấn đề, hãy can trường chịu đau khổ, hãy làm phận sự người rao giảng Phúc Âm, hãy lo chu toàn bổn phận phục vụ của con, hãy sống tiết độ.
Phần cha, cha đã già yếu, giờ ra đi của cha đã gần rồi. Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin. Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha. Và trong ngày đó, Chúa là Ðấng phán xét chí công sẽ trao lại cho cha mũ triều thiên ấy, nhưng không phải cho cha mà thôi, mà còn cho những kẻ yêu mến trông đợi Người xuất hiện.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 70, 8-9. 14-15ab. 16-17. 22
Ðáp: Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh (x. c. 15).
Xướng: 1) Miệng con đầy lời ca ngợi Chúa, và suốt ngày con ca hát vinh quang Ngài. Xin Chúa đừng bỏ con trong lúc tuổi già, khi con đã kiệt sức, xin chớ bỏ rơi con.. - Ðáp.
2) Phần con sẽ luôn luôn trông cậy, ngày ngày con sẽ thêm lời ngợi khen Chúa. Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh, và suốt ngày con kể ra ơn Ngài giúp đỡ, thực con không sao mà kể cho cùng. - Ðáp.
3) Con sẽ kể ra uy quyền Thiên Chúa, lạy Chúa, con sẽ ca ngợi đức công minh của Ngài. Lạy Chúa, Chúa đã dạy con từ hồi niên thiếu, và tới bây giờ con còn kể những sự lạ của Ngài. - Ðáp.
4) Phần con, với cây cầm thụ, con ca lòng trung thành Ngài; lạy Chúa, với cây huyền cầm, con sẽ hát mừng Chúa, lạy Ðấng thánh của Israel. - Ðáp.

* * *

Alleluia: Ga 15, 15b
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết". - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 12, 38-44
"Bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: "Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà goá: Họ sẽ bị kết án nghiêm nhặt hơn". Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: "Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bá goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm:
Ðức Giêsu đưa ra hai hình ảnh đối nghịch: một bên là sự giả hình của các kinh sư, biệt phái. Lòng họ đầy mưu mô xảo quyệt nhưng được che đậy bằng một lớp vỏ bọc bên ngoài hết sức an toàn. Bên kia là sự chân thành của bà góa nghèo, bà đã dâng số tiền nhỏ mọn với thái độ âm thầm và quảng đại. Như thế giá trị của việc dâng cúng hay bất cứ việc gì khác không tùy thuộc số lượng, hay kết quả bên ngoài; nhưng tùy thuộc tấm lòng thành và cách sống của mỗi người.

Cầu Nguyện:
Lạy Cha, Cha không cần chúng con phải dâng cho Cha của lễ cao trọng. Cha cũng không bắt chúng con phải hy sinh, phải chia sẻ cho anh em quá độ ngoài sức chúng con. Nhưng Cha đòi hỏi nơi chúng con sự chân thành, và quảng đại thực sự. Chúng con vẫn còn cái nhìn rất hạn hẹp khi đánh giá người khác qua hình thức bên ngoài. Chúng con vẫn dùng tiền bạc của cải làm thước đo thang giá trị. Xin cho chúng con tích cực cộng tác về mọi phương diện trong việc xây dựng Hội Thánh, xây dựng giáo xứ, khu xóm và chân thành thực thi bác ái đối với anh chị em chúng con. Amen.

(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Tín thác vào Chúa
(Mc 12, 38-44)
Suy Niệm:
Tín thác vào Chúa
Một văn sĩ Mỹ kể lại giai thoại như sau: Hôm đó là Chúa Nhật, ông đi tham dự buổi nói chuyện của một nhà truyền giáo. Nhà truyền giáo nói năng rất hùng hồn, những nỗi thống khổ của người dân bản xứ mà nhà truyền giáo kể lại đã khiến cử tọa cảm động sâu xa. Văn sĩ kể về mình thế này: Khi nhà truyền giáo kêu gọi sự giúp đỡ, tôi định bỏ vào giỏ một đôla; nhưng giọng nói của ông cảm động đến độ tôi định tăng lên năm đôla, và ngay cả ký một chi phiếu. Thế rồi, nhà truyền giáo tiếp tục phóng đại nỗi thống khổ của người bản xứ; ông cứ nói mãi, nói mãi, đến nỗi mọi người không còn muốn nghe nữa. Tự nhiên tôi có ý định rút lại việc ký ngân phiếu, rồi từ từ giảm xuống năm rồi còn một đôla, và cuối cùng khi nhà truyền giáo chấm dứt bài thuyết trình và cái giỏ tiền được chuyền đến tay tôi, thì tôi chỉ bỏ vào đó có mười xu.
Giai thoại trên đây có thể gợi cho chúng ta thái độ cầu nguyện của các luật sĩ và biệt phái mà Chúa Giêsu đã không ngừng lên án. Họ nới rộng thẻ kinh và làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Thái độ cầu nguyện này phát xuất từ một quan niệm có tính cách bùa chú về Thiên Chúa. Họ tưởng rằng Thiên Chúa là một vị Thần mà người ta có thể hối lộ hoặc kích thích lòng quảng đại bằng những việc đạo đức của họ. Họ áp dụng cho Thiên Chúa sự tính toán hơn thiệt dựa trên sự công bình: có vay có trả, có qua có lại của con người. Chính quan niệm ấy đã khiến nhiều người xem sự giàu sang phú quí là một chúc lành của Thiên Chúa, còn tai họa rủi ro là một trừng phạt vì tội lỗi; từ đó người ta tự phụ về những công đức của mình và khinh bỉ những người nghèo hèn và những người tội lỗi.
Chúa Giêsu đến để mạc khải cho con người một Thiên Chúa khác biệt. Thiên Chúa của Chúa Giêsu là Thiên Chúa yêu thương mọi người, ngay cả và nhất là những người kém may mắn nhất trong xã hội. Thiên Chúa của Chúa Giêsu là Thiên Chúa mà người ta không thể giới hạn vào một số công thức bùa chú. Thiên Chúa mà lòng quảng đại vượt trên mọi tính toán cân lường của con người.
Mạc khải cho chúng ta một Thiên Chúa như thế, Chúa Giêsu muốn chỉ cho chúng ta một thái độ đúng đắn phải có, đó là lòng tín thác tuyệt đối vào tình yêu của Thiên Chúa. Lòng tín thác ấy luôn luôn mời gọi chúng ta nhìn vào mọi biến cố cuộc sống với tất cả tin tưởng lạc quan. Khi có một cánh cửa nào đó trong căn nhà của cuộc sống chúng ta bị đóng lại, thì Thiên Chúa lại mở ra những cánh cửa khác. Thiên Chúa không bao giờ bỏ cuộc và bỏ rơi chúng ta; ngay cả khi đứng trước tội lỗi chúng ta, Ngài cũng không thất vọng, nhưng vẫn luôn luôn tìm một lối thoát tốt đẹp hơn cho chúng ta.
Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu không thể đo lường, tính toán. Xin cho từng tâm tư và suy nghĩ của chúng ta là một lời tri ân cảm tạ Chúa vì xác tín rằng bàn tay quan phòng của Chúa đang làm những điều kỳ diệu cho chúng ta.

(Veritas Asia)

Thứ7 sau CN IX TN:

 

Bài đọc: 2 Tim 4:1-8; Mk 12:38-44.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ :

Hãy vững tin nơi sự quan phòng của Thiên Chúa.

Cuối tuần qua, sau khi làm lễ ở một cộng đoàn nọ, tôi mời gọi một chú giúp lễ chừng 12 hay 13 tuổi đi tu. Chú trả lời ngay: Không! Khi tôi hỏi lý do, chú bé trả lời: vì con muốn làm thật nhiều tiền. Tôi hỏi tiếp: con có muốn lên Thiên Đàng không? Chú ngập ngừng trả lời: Có! Tôi nói tiếp: khi con về với Chúa, Ngài đâu hỏi con làm được bao nhiêu tiền! Ngài chỉ hỏi: con đã làm lợi được gì cho Ta thôi. Con về nhà và suy nghĩ lại đi.
Muốn có tiền thật nhiều để hưởng thụ là một trong những lý do chính ngăn cản con người vào Nước Chúa. Trường hợp của chàng thanh niên giầu có đến hỏi Chúa là một trường hợp điển hình. Các bài đọc hôm nay muốn khuyên con người hãy vững tin nơi sự quan phòng của Thiên Chúa để trung thành rao giảng Tin Mừng để lo cho phần rỗi linh hồn của tha nhân trên hết các lợi lộc vật chất. Trong bài đọc I, Phaolô khuyên môn đệ Timothy phải trung thành rao giảng mọi nơi và mọi lúc, thuận tiện hay không thuận tiện, không phải cho những lợi ích thấp hèn; nhưng cho phần thưởng muôn đời không hư nát. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khuyên khán giả đề phòng các kinh-sư lạm dụng việc đạo đức để mưu cầu lợi nhuận cá nhân. Ngài khen ngợi một bà góa đã ủng hộ vào Đền Thờ từ cái túng thiếu của mình. Việc làm của bà chứng minh bà hoàn toàn tin tưởng nơi tình yêu quan phòng của Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện.

1.1/ Những khó khăn trong việc rao truyền Lời Chúa
(1) Lý do phải trung thành rao giảng: Phaolô đưa ra hai lý do chính để chỉ thị Timothy phải trung thành rao giảng Tin Mừng: Thứ nhất, Đức Kitô sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết; không một ai và không một hành động nào của con người thoát khỏi sự phán xét của Ngài. Thứ hai, Ngài sẽ xuất hiện và nắm vương quyền; lúc đó, Ngài sẽ trả công cho mỗi người tùy theo việc làm của họ. Vì thế, anh “hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ.”
Nhiều người chủ trương: “gió chiều nào che chiều đó,” khi hoàn cảnh xã hội đã đổi, họ cũng phải thay đổi sao cho phù hợp; vì nếu không thay đổi sẽ bị người khác ghét và không trở thành phổ thông. Vì thế, nhiều nhà rao giảng có khuynh hướng thay đổi cách giảng dạy: họ chỉ nói những gì khán giả thích và tránh đề cập những tội mà khán giả đang mang trong mình. Tiên tri Jeremiah đã tuyên sấm nặng nề cho các ngôn sứ giả này: Họ sẽ phải chịu trách nhiệm về sự hư đi của khán giả.
(2) Khuynh hướng thay đổi của con người: Phaolô nói trước cho môn đệ mình biết về sự thay đổi của khán giả: “Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng vì ngứa tai, họ sẽ tìm kiếm cho họ những nhà rao giảng thích hợp với sở thích của họ, và sẽ quay lưng lại với sự thật và hướng về những chuyện hoang đường.” Điều này không lạ, vì theo tâm lý con người, họ không muốn ai làm cho họ phải cắn rứt về những chuyện họ đang mang trong lòng; nhưng chỉ muốn ai khen những chuyện họ làm hoặc nói những chuyện vui cười để giải trí. Nhà rao giảng Tin Mừng chân chính không được chiều theo thị hiếu của khán giả, như Phaolô khuyên nhủ Timothy: “anh hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của anh.”

1.2/ Hãy cố gắng dành cho được phần thưởng không hư nát: Câu hỏi quan trọng đặt ra cho mọi người: Họ muốn làm vừa lòng ai? Thiên Chúa hay con người? Họ muốn làm vừa lòng Thiên Chúa để lãnh phần thưởng bất diệt là sự sống đời đời, hay làm vừa lòng con người để lãnh phần thưởng mau hư nát. Thánh Phaolô cho chúng ta một tấm gương để soi chung: “Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.”

2/ Phúc Âm: Bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết.

2.1/ Rao giảng Lời Chúa không phải để được lợi lộc vật chất: Các tín hữu quí trọng các linh mục và tu sĩ, vì họ đã hy sinh cuộc đời cho việc rao giảng Tin Mừng để mưu cầu phần rỗi cho tha nhân. Bộ áo họ khoác lên người chứng minh sự hy sinh và từ bỏ mọi sự; nhưng xấu hổ thay, có những linh mục và tu sĩ lại lợi dụng chính chiếc áo để đánh lừa niềm tin của các tín hữu. Đó là điều mà Chúa Giêsu muốn đề phòng cho các tín hữu: "Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng.
Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ.”
Lời Chúa cảnh tỉnh cho các tín hữu nhưng cũng là lời cảnh tỉnh cho các linh mục và tu sĩ: “Họ sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn." Nhiều niềm tin của các tín hữu đã bị lung lay khi chứng kiến những sự lạm dụng này; nhưng các tín hữu cũng phải hiểu: Họ tin Thiên Chúa và Đức Kitô, chứ không tin vào những con người đi theo Ngài. Nếu các linh mục và tu sĩ phản ánh trung thực của Đức Kitô, hãy đến và cộng tác với họ để mở mang Nước Chúa; nếu không, hãy cầu xin cho họ biết sống đúng với chức vụ của họ. Là người ai cũng có thể sa ngã và cần được tha thứ; nhưng đừng lợi dụng bộ áo để đánh lừa và làm cho các tín hữu xa Thiên Chúa.

2.2/ Kẻ cho nhiều sẽ được lãnh nhận nhiều hơn: Rất nhiều lần trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa. Nếu Ngài chăm sóc cho bông huệ ngoài đồng và chim sẻ nay còn mai mất, huống hồ những người con mà Đức Kitô đã đổ máu đào chuộc tội cho! Nhưng rất nhiều tín hữu không tin vào lời hứa này, họ vẫn tin họ phải dành dụm để lo cho tương lai, mà không cần biết những người chung quanh đang sống thiếu thốn tới đâu.
Điều Chúa khen bà góa nghèo là niềm tin của bà vào sự quan phòng của Thiên Chúa: “mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình." Bà đã không có nhiều tiền lại phải chịu cảnh góa bụa; nhưng bà không lo ngày mai sẽ ra sao, vì bà tin Thiên Chúa sẽ không để cho một người con tin tưởng nơi Ngài phải chết đói.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Thiên Chúa cho chúng ta sống trong thế gian một thời gian là để chúng ta chứng minh lòng tin tưởng của chúng ta nơi Ngài trước khi cho chúng ta hưởng sự sống đời đời.
- Mục đích cuộc đời chúng ta là làm mọi cách để được hưởng sự sống đời đời và lo sao cho mọi người cũng được như vậy.
- Chúng ta đừng bao giờ lạm dụng việc đạo đức để mưu cầu lợi nhuận cá nhân; nhưng hãy để Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự trả công cho chúng ta.

Lm.An-tôn Đinh Minh Tiên, OP.


Thứ Bảy tuần 9 thường niên
Sứ điệp: Thiên Chúa khoan nhân đánh giá chính tấm lòng mỗi người. Giá trị của việc làm không tùy thuộc số lượng nhiều hay ít, nhưng tùy thuộc tấm lòng thành.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, loài người ai cũng muốn được tiếng khen. Tiếng khen như một lời động viên, tiếp sức cho con cố gắng. Điều đó tự nó là tốt. Tuy thế, nếu làm việc chỉ vì tiếng khen, thì việc đó trước mắt Chúa là vô giá trị.
Chúa khen người đàn bà góa nghèo khó đã dâng cúng vào đền thờ nhiều hơn hết mọi người vì Chúa nhìn thấy tấm lòng thành của bà. Bà được khen không phải vì bà bỏ nhiều tiền, cũng không phải vì bà nghèo. Bà được khen vì bà gói được trọn tấm lòng của bà trong món quà nhỏ bé đó mà dâng cho Chúa. Chúa khen tấm lòng của bà. Những người trước đó không được Chúa khen vì tấm lòng của họ dâng Chúa được ít lắm. Họ chưa sống hết lòng vì Chúa và cho Chúa.
Lạy Chúa, con biết rằng lạm dụng việc lành phúc đức để cầu danh chính là xử bất công với Chúa. Xét lại bản thân con có thể đôi lần làm việc chỉ vì mua danh cho mình. Rất nhiều khi con làm việc vừa vì tin mến Chúa mà cũng lại vừa vì tiếng khen. Con vẫn còn để cho lòng ham danh theo tính tự nhiên ảnh hưởng đến những việc lành phúc đức của con. Do vậy, của lễ con dâng chưa trọn vẹn là cho Chúa mà còn là cho con.
Xin Chúa thanh luyện ý hướng con. Xin cho con biết làm cả những việc tốt âm thầm, vì đó là những dịp giúp con sống trọn vẹn cho Chúa.
Xin nâng đỡ con, để con đừng nản lòng bất mãn khi một việc tốt con làm mà lại bị hiểu lầm chê bai. Amen.
Ghi nhớ : "Bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết".

Tất cả những gì bà có 
Suy nim:
Bài Tin Mừng hôm nay đặt bên nhau hai hình ảnh trái ngược.
Một bên là các kinh sư, một bên là một bà góa.
Chúng ta được mời gọi nhìn cách hành xử bên ngoài của họ,
từ đó thấy được thái độ nội tâm của mỗi bên.
Các kinh sư thuộc về giới lãnh đạo cấp cao của Do thái giáo.
Trong một xã hội được chi phối toàn diện bởi Luật Môsê,
thì những người giỏi Luật như các kinh sư đóng vai trò rất quan trọng.
Họ có nhiều uy tín và ảnh hưởng trên đời sống tinh thần của dân.
Chính vì thế không lạ gì nếu có một số kinh sư đã vấp ngã.
Một người vừa có tri thức, vừa có quyền lực, dễ bị vấp vào thói háo danh.
Đức Giêsu nêu lên một vài nét chấm phá về họ.
Trong hội đường, nơi công cộng hay đám tiệc,
họ thích mặc áo thụng, thích được chào, thích chỗ cao.
Nói chung, họ thích mình trở nên trung tâm chú ý của người khác.
Hiểu biết của họ về Lời Chúa sau bao năm học tập
lại trở nên phương tiện để họ tìm vinh danh cho mình thay vì cho Chúa.
Tệ hơn nữa, họ lại mang bộ mặt đạo đức khi giả vờ đọc kinh dài.
Với uy tín và sự giả hình khéo léo, họ nuốt chửng nhà của các bà góa.
Ngược với hình ảnh của một vị kinh sư cao trọng, quyền uy
là chuyện một bà góa nghèo bỏ tiền vào hòm dâng cúng.
Đức Giêsu cố ý ngồi gần để quan sát người giàu kẻ nghèo bỏ tiền.
Ngài muốn dạy các môn đệ một bài học lớn khi gọi họ lại
và khẳng định rằng bà góa này đã bỏ nhiều hơn mọi người khác,
mặc dù bà chỉ bỏ vào thùng số tiền rất nhỏ.
Nhưng cái rất nhỏ này lại là tất cả những gì bà có, tất cả của nuôi thân.
Hẳn các môn đệ ngỡ ngàng vì cách đánh giá ấy của Thầy,
cũng là cách đánh giá con người của Thiên Chúa.
Ngài đánh giá theo tấm lòng, chứ không theo lễ vật.
Ngài không mãn nguyện với của dư thừa, nhưng Ngài đòi tất cả.
Tất cả của bà góa là hai đồng kẽm, thuộc đơn vị tiền tệ thấp nhất.
Hóa ra người túng thiếu cũng có thể dâng chính cái nghèo của mình.
Một kinh sư có học thức, có vai vế và bề ngoài có vẻ đạo đức
khác với bà góa cô thân cô thế và túng nghèo,
ở chỗ ông quay vào mình, loay hoay với tiếng tăm và lợi nhuận của mình.
Còn bà thì quay về phía Thiên Chúa,
với thái độ quảng đại, tin tưởng, phó thác và liều lĩnh.
Chúng ta ai cũng có hai đồng kẽm.
Đừng mặc cảm khi phải bỏ đồng tiền nhỏ nhoi vào hòm tiền,
nếu quả thực chúng ta chỉ có hai đồng kẽm.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa,
xin cho con quả tim của Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,
mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,
không một biến cố nào làm xáo trộn,
không một đam mê nào khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn
để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
để có thể ôm cả những người thù ghét con.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


09/06/12 THỨ BẢY TUẦN 9 TN
Th. Éprem, phó tế, tiến sĩ Hội Thánh
Mc 12,38-44

HIẾN DÂNG TẤT CẢ LÀ HIẾN DÂNG CHÍNH MÌNH

“Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền (vào thùng dâng cúng). Cũng có một bà góa nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm.” (Mc 12,41-42)

Suy niệm: Hai đồng tiền kẽm (trị giá một phần tư đồng xu Rôma), thế mà Chúa Giêsu lại bảo: “Bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết;”  “mọi người đều lấy tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này đã túng thiếu lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có” (cc 43-44). Khi so sánh nhiều – ít, Chúa Giêsu không dựa trên số lượng, mà Ngài xét trên mức độ hy sinh. Khi dâng “tiền dư bạc thừa”, người ta vẫn dành lại cho mình một “khoảng cách an toàn”. Còn bà goá khi dâng hết hai đồng tiền kẽm là tất cả tài sản của mình, bà đã đánh liều cả sự sống còn của mình. Nhìn xem bà góa nghèo dâng cúng, Chúa Giêsu đã gặp sự đồng cảm nơi bà: Ngài đã tự nguyện trở nên nghèo để dám cho đi tất cả –kể cả mạng sống. Quả thật, chỉ khi hiến dâng chính mình, bạn mới hiến dâng tất cả.

Mời Bạn: Chỉ có tình yêu mới thúc đẩy người ta dám cho đi, và cao điểm của tình yêu là dám cho chính mình. Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa đã yêu chúng ta bằng một tình yêu trọn vẹn; và tình yêu luôn đòi đáp trả bằng tình yêu.

Chia sẻ: Có sự liên hệ nào giữa đời sống khó nghèo và tình yêu?

Sống Lời Chúa: Khi cầu nguyện với Chúa hay khi phục vụ tha nhân, bạn làm với tất cả sự tận tuỵ quảng đại như bà goá dâng tất cả những gì mình có.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chỉ khi thấu hiểu chân lý “ai cố giữ thì sẽ mất”, bà góa nghèo đã sẵn sàng cho đi tất cả. Xin giúp con hiểu chân lý cao quí ấy, để con dám cho đi chính mình, ngõ hầu Chúa sẽ trao lại cho con tất cả.


"Bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết".

  Những đồng xu nhỏ của bà góa nghèo
Đức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho đền thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giầu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà góa nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rô-ma. Đức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết.” (Mc. 12, 41-43)
Chính sau khi đã nặng lời chỉ trích các ông kinh sư luật sĩ vì họ kiêu ngạo và bất công, mà Chúa Giêsu tán dương lòng quảng đại của một bà góa nghèo. Rõ ràng là ý Chúa muốn dùng câu chuyện nhỏ này để tạo nên một nét tương phản hùng hồn với tính phô trương giả hình của các kinh sư, luật sĩ. Tuy nhiên sẽ là lầm lạc khi đưa ra kết luận rằng, trong tâm trí của Đức Kitô, những người nghèo nhất thiết là những người quảng đại, còn những người giầu có thì không thiếu những kẻ bủn xỉn; ta có thể đưa ra biết bao nhiêu gương tốt xấu về phía này cũng như về phía kia. Người ta không phân chia thế giới thành hai loại người: những người nghèo tốt và những kẻ giầu xấu; xác định lập trường quá đơn giản như vậy quả là một sự trái lẽ và nếu ta lại gán cho Chúa cũng có lập trường như vậy thì quá bất công.
Những kẻ bênh vực cho cảnh bần hàn đã hoài công xử dụng những lý chứng trên đây. Giả như có ai cho họ nhiều đồ, thì họ vẫn cứ thích nhận, hơn là nhận món quà ít oi bé nhỏ của những người túng thiếu, mặc dầu họ đã rào trước đón sau khi nói với bạn rằng của cho không quan trọng cho bằng tấm lòng người cho. Dầu sao, ai mà không cảm động khi thấy một người nghèo đã chắt chiu bòn hết tiền nhà để nâng đỡ một người khốn khổ hơn mình..
Đàng sau cái dư thừa        
Vượt qua bức tường của cái dư thừa, khó hơn là vượt qua bức tường âm thanh. Khi cho cái bạn thừa rồi, cái bạn không cần đến, bạn vẫn được xếp vào hàng người lương thiện; Chắc hẳn, người ta không thể trách móc bạn điều gì, nhưng bạn đừng hy vọng người ta khen bạn. Bạn chỉ bước vào lãnh vực của tình yêu, chỉ chiếm được con tim khi bạn đi xa hơn, khi cho cái thiết thân của bạn, khi cho chính bản thân mình, khi bạn dấn thân. Vì thế bạn có nhiều hay chẳng có gì, điều ấy chẳng mấy quan trọng; điều quan trọng là bạn có một trái tim biết yêu.
Điều Chúa Giêsu lặp đi lặp lại cho chúng ta bằng vô vàn thí dụ, chính là Nước Trời là của những ai hiến mạng sống mình cho tha nhân, chứ không phải là của những ai quăng đi những miếng bánh thừa.
Khi đạt tới việc chia sẻ cái cần thiết, con người không còn phân chia thành kẻ giầu, người nghèo nữa; họ bình đẳng với nhau. Thực ra những trái tim của con người, tim nào cũng đập, chỉ có môi trường là thay đổi thôi. Khi trần trụi, đó chính là lúc con người tỏ ra ích kỷ hay quảng đại đấy.


Tinh thần đạo đức
Trên bờ biển, bỗng một vị thánh nhân nhặt được một viên ngọc quí. Một người đàn bà nghèo nhìn thấy liền đến xin vị thánh nhân viên ngọc quí này. Vị thánh nhân vui vẻ cho ngay. Người đàn bà vui vẻ ra đi, vừa đi vừa hát, vì bà đã trở thành người giàu có. Tuy nhiên, một tuần lễ sau, bà trở lại trả viên ngọc quí giá đó cho vị thánh và nói:
- Xin ngài hãy cho tôi điều quí giá hơn viên ngọc quí này. Xin ngài hãy cho tôi điều gì đã khiến ngài vui vẻ cho tôi viên ngọc quí giá này.
Thử hỏi, cái gì hay điều gì đã khiến cho vị thánh kia cho đi viên ngọc vừa lượm được một cách vui vẻ.
"Xin đừng cho tôi viên ngọc, mà hãy cho tôi điều gì đã khiến cho ngài cho đi viên ngọc với hết lòng vui tươi". Ít người dám làm như vậy. Và trong đoạn Phúc Âm vừa đọc lại trên đây, chúng ta thấy Chúa Giêsu khen người đàn bà đã bố thí trọn vẹn những gì bà cần để sống qua ngày. Không phải những áp lực bên ngoài đã khiến bà bố thí như vậy. Nhưng chính thái độ bên trong, chính tinh thần đạo đức đích thực nơi người đàn bà goá nghèo, mà chỉ mình Chúa Giêsu, Ðấng thấu suốt mọi tâm hồn, chính thái độ nội tâm đầy tình yêu Chúa mới thôi thúc bà bố thí trọn cả gia tài để sống.
Thiên Chúa đoán xét không theo tiêu chuẩn con người phàm trần, nhưng theo nội dung tâm hồn bên trong. Ngài không xét theo số lượng nhiều ít, giàu nghèo, nhưng xét theo tâm hồn bên trong, theo phẩm chất. Có bao giờ chúng ta hành xử như người đàn bà này không?
Lạy Chúa
Xin thương ban cho con một đức tin sống động biết cho đi chính mình cho anh chị em chung quanh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh Ephrem, phó tế, tiến sĩ Hội Thánh;
2Tm 4, 1-8; Tin Mừng theo Thánh Mc 12, 38-44.
LỜI SUY NIỆM: “Trong lúc giảng dạy, Đức Giêsu nói rằng: Anh em hãy coi chừng những ông kinh sự ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cọng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.” (Mc 12,38-40)
        Chúa Giêsu đang lên án những con người có những hành động: như muốn được đề cao, tự cho mình là người lớn và quan trọng đối với anh em mình trong cuộc sống cũng như trong việc thờ phượng Thiên Chúa. Ngài đang đòi hỏi chúng ta phải tự biết mình không là gì cả; những điều chúng ta đang có cũng như những công việc chúng ta đang làm đều là do ân huệ yêu thương Ngài ban tặng;  Ngài còn cho chúng ta được cọng tác vào công việc với Ngài.
Trong thờ phượng Ngài cũng như trong việc phục vụ tha nhân. Chúng ta phải biết cảm tạ Ngài: là đang được hạnh phúc sống trong tình yêu thương của Ngài và được phục vụ anh chị em vì Ngài.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Bức Icon về thánh Ephrem (phải) cùng với thánh George (trên) và thánh Gioan Đa-mác-sô.
Ngày 09-06:
Thánh EPHREM
Phó Tế, Tiến Sĩ Hội Thánh (306 - 373)
Thánh nhân sinh tại Nisibis, miền Mesopotamia vào khoảng đầu thế kỷ thứ IV. Có truyện kể rằng: hồi nhỏ, một lần Ngài lấy đá chọi con bò mẹ gần chết. Khi chủ nhân hỏi thăm có thấy con bò ở đâu Ngài đã trả lời xấc xược để chữa lỗi. Ephrem đã khóc suốt đời về sự độc ác và hèn nhát này.
Sau này có lần vào đêm khuya bị lạc vào giữa đồng, một đứa chăn chiên cho Ngài trú ngụ trong lều của nó. Nhưng đứa chăn chiên này đã xấu bụng lại đang say rượu. Đêm ấy chó sói vào tàn sát đàn chiên. Để chữa mình, thằng chăn chiên đổ lỗi cho Ephrem. Trong tù Ngài nghe nhiều người than thở vì bị hàm oan. Một buồi chiều, trong giấc mơ, Ngài thấy thiên thần cho biết lần này Ngài vô tội nhưng phải khổ để đền bù vào những lỗi lầm khác. Thức dậy, Ephrem nhớ lại con bò và thú nhận với mọi người.
Thân phụ Ephrem là một thày cả thờ thần Abnil. Hình như Ngài bị đuổi khỏi nhà vì có thiện cảm với các Kitô hữu. Thánh Giacôbê, giám mục Nisibis tiếp nhận dạy dỗ và rửa tội cho Ngài hồi 10 tuổi. Để sống, Ngài làm việc ở những hồ tắm công cộng. Nhưng sau đó Ngài lại vào sa mạc sống với sự hướng dẫn của thánh Abbê ẩn tu; dệt vải để sống như thói quen của các ẩn sĩ Ai cập và Mêsôpôtamia thời đó.
Ephrem thường khóc tội mình và tội người khác. Các tập "tự thú" Ngài viết cho thấy Ngài rất mực khiêm tốn, Ngài rất ghét tính kiêu căng : - Tính kiêu căng phá đổ ơn Chúa và thiêu hủy mọi nhân đức.
Thánh Ephrem luôn ao ước sống đời ẩn dật. Nhưng một cuộc chiến đã bùng ra giữa người Rôma và người Batư. Người Batư bách hại các Kitô hữu cách tàn bạo. Nghe tin này, Ephrem về Nisibis để giúp đỡ và khích lệ họ. Danh thơm nhân đức của Ngài lan rộng đến nỗi người ta cho việc giải phóng khỏi ách thống trị của Sapor II là bởi lời cầu nguyện của thánh nhân.
Được thụ phong phó tế, nhưng rồi thánh nhân đã từ chối chức linh mục vì khiêm tốn. Được Đức giám mục Nisibis trao cho trách nhiệm rao giảng lời Chúa, Ngài dùng hết tài lợi khẩu để khêu gợi nhiệt tình nơi các linh hồn : - "Thần dữ nói: Ta đi tìm những người khô khan là bạn hữu của ta, và ta không cần phải tìm đến mưu kế, ta chỉ cần giữ chúng trong xiềng xích mà chúng ưa thích là đủ".
Thánh Ephrem đã gặp thánh Basiliô thánh Cappadocia. Truyền thuyết cho rằng: hai vị hiểu nhau dầu ngôn ngữ bất đồng.
Chiến tranh tái phát, Nisibis rơi vào tay người Batư, thánh Ephrem trốn đến Edessa. Nơi đây, Ngài tận tâm phục vụ bệnh nhân và người nghèo, hoạt động trí thức bằng việc viết sách và giải thích thơ phú. Thánh Ephrem đã viết các bài giảng bằng thơ, các thánh thi ca ngôi vinh quang Chúa Kitô và Đức Trinh Nữ Maria.
Người luôn được gọi là "cây đàn của Thánh Linh" là một trong những người rao truyền việc VÔ NHIỄM THAI. - Lạy Chúa, chỉ có Chúa và Mẹ Chúa là tuyệt mỹ. Nơi mẹ Chúa không vương một tì tích nào.
Một năm trước khi thánh nhân qua đời, Edessa bi một cơn đói. Ngài kêu gọi lòng quảng đại của mọi người và người ta đã rộng tay đóng góp vào công cuộc phát chẩn của thánh. Cơn đói chấm dứt, thánh nhân trở lại chòi của mình. Lên cơn sốt, Ngài nghĩ tới lúc chết: - Đừng liệm xác tôi bằng đồ quí giá, cũng đừng dựng đài tưởng niệm. Hãy đối xử với tôi như một người lữ khách vì thực sự tôi là một lữ khách xa lạ trên mặt đất này thôi.
Ngài qua đời có lẽ vào tháng 6 năm 373. Thánh Gregoriô miền Nyssa viết về thánh Ephrem : - Vinh quang đời sống và giáo thuyết của thánh nhân chiếu giãi khắp hoàn cầu.
Năm 1820, Đức Benedictô XI tôn phong Ngài làm tiến sĩ Hội Thánh.
(Daminhvn.net)
+++++++++++++++++
09 Tháng Sáu
Muôn Vàn Phép Lạ

Một vị ẩn sĩ nọ, sau 60 năm sống khắc khổ giữa sa mạc, bỗng cảm thấy chán nản khi nghĩ rằng mình chưa hề làm được phép lạ nào như các vị tiền bối.
Ông quyết định rời bỏ sa mạc để trở về đô thị sống một cuộc sống tiện nghi, bình thường như mọi người.
Nhưng đôi mắt Chúa lúc nào cũng dõi theo từng suy nghĩ, từng đường đi nước bước của ông. Biết ông đang toan tính bỏ cuộc để trở lại đô thị, Thiên Chúa bèn sai một thiên thần đến với ông. Vị sứ thần đã nói với ông như sau: "Ngài đang toan tính điều gì thế? Ngươi hãy thử nghĩ có phép lạ nào kỳ diệu nào hơn chính cuộc sống của ngươi không? Ai đã ban cho ngươi sức mạnh để có thể cầm cự được trong nơi hoang vu này trong mấy chục năm qua? Ai đã chúc lành cho cây cỏ ngươi đã dùng trong thời gian qua mà không hề gây nguy hại cho ngươi? Ngươi lại đây và xin Chúa ban cho ngươi thêm lòng kiên nhượng...".
Ðược lời của vị sứ thần nâng đỡ, nhà ẩn sĩ ở lại trong sa mạc và tiếp tục cuộc sống tu trì của ông với niềm tin vững rằng mỗi một phút giây qua đi trong cuộc sống là một phép lạ mà Thiên Chúa đang thực hiện cho ông.
"Ðây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ". Giáo Hội mượn lời Kinh Thánh này để mời gọi chúng ta sống một cách sung mãn giây phút hiện tại. Mỗi một giây phút hiện tại là một hồng ân cứu độ. Thiên Chúa vẫn tiếp tục biến mỗi phút giây của cuộc sống chúng ta thành một phép lạ.
Không là phép lạ sao tim của chúng ta vẫn tiếp tục đập, mũi chúng ta vẫn tiếp tục hít thở! Còn gì kỳ diệu bằng chính sự sống mà Thiên Chúa vẫn tiếp tục trao ban cho chúng ta. Còn gì kỳ diệu bằng niềm tin Ngài đã trao ban để chúng ta tiếp tục tiến bước trong cuộc lữ hành này.
Chúng ta vẫn thường nói: ngạc nhiên là khởi đầu của khám phá! Nếu tất cả những khám phá của khoa học đều bắt nguồn từ những câu hỏi mà con người tự đặt ra khi nhìn ngắm vũ trụ, thì sự ngây ngất trước những kỳ công của sáng tạo, trước cuộc sống, trước tình người cũng phải là động lực giúp người tín hữu Kitô chúng ta thấy được, cảm mến được sự hiện diện và tác động kỳ diệu của Thiên Chúa.
Cái nhìn ấy sẽ giúp chúng ta thấy được giá trị của những công việc âm thầm từng ngày của chúng ta. Cái nhìn ấy sẽ mang lại cho chúng ta sức mạnh để tiếp tục phấn đấu khi phải đương đầu với bệnh tật, với thử thách, với mất mát trong cuộc sống. Một Thiên Chúa luôn làm những kỳ diệu cũng chính là Ðấng có mặt trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta để đem lại cho chúng ta những điều thiện hảo đôi khi vượt quá khỏi cái nhìn nông cạn, sự thẩm định giới hạn của chúng ta.
(Lẽ Sống)

Ngày 09

Thánh Ephrem, phó tế và tiến sĩ Hội Thánh


Đức Maria "gìn giữ tất cả mọi chuyện trong tâm hồn” (Lc 2,51), vẫn làm cho những điều này hiện diện, luôn luôn sống động. Mẹ là Đấng đã được cứu thoát khỏi cái chết, được đi vào vinh quang của Đấng phục sinh, sẽ không còn là tế vật của thời gian chóng qua. Mẹ sống trong hiện tại, như Đức Kitô, Đấng trở thành người đồng thời với chúng ta.
 
Qua việc chia sẻ vào sự phục sinh của Đức Kitô, Đức Maria luôn sống trong hiện tại như Mẹ đã sống trong thời gian. Việc gặp gỡ trong ngày Truyền tin, chúng ta đã làm cho Mẹ sống lại như Mẹ đang ở trước mắt chúng ta. Đó không phải là một biến cố trong quá khứ mà chúng ta nhớ lại với sự cảm động và biết ơn. Nhưng là một biến cố luôn sống động mà Đức Maria, qua việc Mẹ chiêm ngắm, giúp cho chúng ta sống.
 
Trong mọi giây phút, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, Đức Maria được tổng lãnh thiên thần viếng thăm và Mẹ đã đồng ý tham gia vào ơn cứu độ của chúng ta.
Alain Quilici, o.p.

Thứ Bảy 9-6

Thánh Ephrem

(306-373)
L
à nhà thơ, nhà giáo, nhà hùng biện và bảo vệ đức tin, Thánh Ephrem là người Syria duy nhất được xưng tụng là Tiến Sĩ Giáo Hội. Ngài tự mặc cho mình một trọng trách là chống với các học thuyết lầm lạc đang lan tràn vào thời ấy, và luôn luôn là người bảo vệ đức tin Công Giáo mạnh mẽ.
Sinh ở Nisibis, Mesopotamia, Thánh Ephrem được rửa tội khi là thanh niên và nổi tiếng là một thầy giáo nơi quê của ngài. Khi hoàng đế nhượng lại phần đất Nisibis cho người Ba Tư, Ephrem cùng với các Kitô Hữu khác trốn sang Edessa (thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) để tị nạn. Ngài được cho là đã đem lại vinh dự lớn lao cho một trường kinh thánh ở đây. Ngài được phong chức phó tế nhưng không muốn làm linh mục.
Ngài có tài sáng tác văn chương và các tác phẩm phản ảnh sự thánh thiện của ngài. Mặc dù không phải là một học giả vĩ đại, các văn bản của ngài cho thấy sự hiểu biết sâu rộng về Kinh Thánh. Khi viết về mầu nhiệm của sự cứu độ loài người, Thánh Ephrem cho thấy một tâm linh nhân bản dễ mến và thiết thực cũng như sự sùng kính lớn lao đối với nhân tính Ðức Giêsu và Mẹ Maria.
Người ta nói rằng vào năm 325, ngài đã tháp tùng đức giám mục Giacôbê của Nisibis đi tham dự Công Ðồng Nicea. Chắc chắn rằng các văn bản của ngài là một bảo vệ hùng hồn cho thiên tính của Ðức Giêsu Kitô. Ngài còn sáng tác thi ca để chống với lạc giáo Gnostic. Ngài lấy những bài ca bình dân của người lạc giáo, và dùng chính âm điệu của họ, biến đổi thành những thi ca mang ý nghĩa chính truyền. Thánh Ephrem là người đầu tiên đưa thánh thi vào phụng vụ chung của Giáo Hội như một phương tiện để dạy dỗ người tín hữu. Ngài sáng tác thi ca nhiều đến nỗi được xưng tụng là "Ðàn Thụ Cầm của Chúa Thánh Thần."
Thánh Ephrem yêu quý một đời sống thanh bạch, khắc khổ trong một hang nhỏ ở ngoại ô thành phố Edessa. Ngài cũng thường vào phố để rao giảng. Trong thời kỳ nạn đói năm 372, ngài tiếp tay phân phối thực phẩm cho người đói, và tổ chức việc chữa trị người đau yếu. Ngài tận tụy trong công việc này đến nỗi kiệt sức, lâm bệnh và từ trần vào khoảng năm 373.
Nhà thờ thánh Gia-cóp mới được khai quật tại Nisibis, nơi thánh Ephrem giảng  dạy và phục vụ.

Lời Bàn

Nhiều người ngày nay vẫn khó chấp nhận việc ca hát trong nhà thờ. Tuy nhiên, ca hát là một truyền thống có từ thời Cựu Ước và Tân Ước. Ðó là một phương cách tuyệt vời để biểu lộ cũng như kết tạo tinh thần hợp nhất và niềm vui cho cộng đoàn. Thi ca của Thánh Ephrem được một sử gia thời xưa xác nhận là đã "đem đến vẻ lộng lẫy cho cộng đoàn Kitô Hữu." Ngày nay, chúng ta cũng cần có những người như Thánh Ephrem để cộng đoàn thêm thánh thiện trong lời ca tiếng hát.

Copyright © 2010 by Nguoi Tin Huu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét