CHÚA NHẬT Ngày 5 tháng
Giêng năm 2014
Lễ Hiển Linh
(phần II)
Giáo Lý Phúc Âm Lễ Hiển Linh A, B & C
LỄ HIỂN LINH, NĂM A, B & C
Sách Ngôn Sứ Isaia 60.1-6;
Thư Thánh Phaolô Tông Đồ gửi Giáo Đoàn Êphêsô
3.2-3; 5-6,
Phúc Âm Thánh Matthêô 2.1-12
I. Giáo Huấn Phúc Âm :
Chúa Giêsu tỏ mình ra cho dân ngoại chứng tỏ
rằng: Ngài là cứu Chúa muôn loài.
Muốn tìm thấy Chúa phải rời bỏ quê hương,
can đảm lên đường và theo sự soi dẫn của Chúa qua vì sao lạ như ba Đạo Sĩ
Phương Đông.
II. Vấn nạn Phúc Âm
Hêrôđê cả.
Gọi Hêrôđê cả đúng hơn là đại đế, vì Do Thái bị La Mã thống trị từ năm 63 trước
Công Nguyên. Do Thái thành một tỉnh bang của Đế Quốc La Mã, nằm dưới sự đô hộ
của Hoàng Đế La Mã đồng thời trực thuộc đại diện của Hoàng Đế La Mã được gọi là
Tổng Trấn, như Quirinô làm tổng trấn khi Chúa Sinh và Philatô làm tổng trấn khi
Chúa chết. Chúng ta có thể so sánh những vị vua của thuộc quốc nầy giống như
những vua Thành Thái, Bảo Đại của triều đình Huế thời Pháp thuộc. Những vị vua
do đế quốc thống trị đặt lên và dưới quyền thống trị của mẫu quốc.
Theo bách Khoa Tự Điển Wikipedia thì “Hêrôđê cả sinh trưởng trong một gia đình
quyền quý có cha là Antipater the Idumaean. Mẹ ông là công nương Cypros của
vùng Petra Nabatea (nay là một phần của Jordan). Gia đình ông có quan hệ thân
thiết với nhiều nhân vật quyền quý ở La Mã thời bấy giờ, trong đó có Pompey và
Cassius. Nhờ mối quan hệ này, năm 47 TCN cha của Hêrôđê cả được cất nhắc làm
quan tổng trấn của vùng Giuđêa, và Hêrôđê được làm thống đốc Galilêa. Sau khi
cha bị đầu độc vào năm 43 TCN, Hêrôđê cả lên nắm tất cả quyền bính của cha và
truất phế người vợ đầu và con cả để lấy công nương Mariamne của hoàng tộc cai
trị Giuđêa trước đó. Năm 40 TCN, khi người Hasmonea và Parthia xâm chiếm
Giuđêa, Hêrôđê cả chạy trốn sang La Mã. Tại đó ông được Hội đồng Trưởng lão La
Mã bầu làm Vua Do Thái. Nhưng phải đến năm 37 TCN ông mới thức sự thống trị
được Giuđêa”
Hêrôđê cả trong Tân Ước
Hêrôđê cả chính là người đã tỏ ra bối rối khi nghe các đạo sĩ Phương Đông hỏi
thăm là “Vua Người Do Thái mới sinh ra ở đâu?” Bối rối và sợ mất ngôi. Ông đã
khôn khéo cho vời các Đạo Sĩ vào hoàng cung hỏi thăm xem ngày giờ ngôi sao xuất
hiện để tìm cách giết Hài Nhi Giêsu. Sau khi thăm Chúa Hài Nhi và dâng cúng lễ
vật. Ba đạo sĩ được sứ thần báo mộng tìm đường khác về quê thay vì trở lại gặp
Hêrôđê.
Hêrôđê cả cũng chính là người đã cho giết chết những trẻ thơ vô tội ở Bêlem từ
hai tuổi trở xuống với hy vọng là trừ diệt được “vua mới sinh” như được tường
thuật trong Phúc Âm Thánh Matthêô 2.13-18. Hêrôđê cả được kế thừa bởi những
người con làm quận vương như sau:
Hêrôđê Archelaus được phân chia cai trị miền Giuđêa, Samaria và Idumea cũng gọi
là Edom từ năm 4 trước Công Nguyên cho đến năm 6 sau Công nguyên.
Hêrôdê Antipas làm vua cai trị Galilêa từ năm thứ 4 trước Công Nguyên cho đến
năm 39 sau Công Nguyên. Hêrôđê Antipas là người lấy Hêrôđia, vợ của anh trai mình
là Philip. Gioan Tẩy Giả tố cáo ông là loạn luân. Ông cầm tù Gioan và cho lính
vào ngục chém đầu Gioan Tẩy Giả đặt trên mâm mang cho con gái bà Hêrôdia
(Matthêô 14.3-12; Matcô 6.17-29 và Luca 3.19-20) Ông cũng chính là kẻ mà sau
này Chúa Giêsu gọi là "con cáo già" (Lc 13,32).
Hêrôđê Philip cũng là con của Hêrôđê cả và Clêopâtre (không phải hoàng hậu Ai
Cập), tức là anh em cùng cha khác mẹ với Hêrôđê Antipas. Làm quận vương xứ
Iturê và Trakhônitô, cũng như gồm cả Auranitô, Batanêa, Gaulinitô. Philip cai
quản năm 4 trước Công nguyên cho đến chết vào năm 34 sau Công nguyên. Vì không
có con nối ngôi, vua Tibêriô sáp nhập phần đất này vào miền Syria. Hêrôđia là
vợ của Philip và bị Hêrôdê Antipa chiếm đoạt.
Lễ Hiển Linh.
Nguyên ngữ Hy Lạp là epiphaneia, có nghĩa là tỏ mình hay xuất hiện ra bên
ngoài. Trong tiếng Hy Lạp cỗ cũng gọi là Τheophaneia, có nghĩa là thị kiến
Thiên chúa, tức thấy Chúa. Lễ Hiển Linh rơi vào ngày 6 tháng Giêng hàng năm
được coi như là Lễ Con Thiên Chúa thành con người trong Chúa Giêsu Kitô. Giáo
Hội Công Giáo Tây Phương cử hành Lễ Hiển Linh trong ý nghĩa chính yếu là việc
Chúa tỏ mình ra cho Ba Đạo Sĩ tử Phương Đông đến thờ lạy Chúa.
Giáo Hội Công Giáo Đông Phương cử hành lễ hiển linh qua các biến cố: Giáng Sinh
– Chúa tỏ mình cho Ba Đạo Sĩ Phương Đông – Chúa lãnh phép rửa ở Sông Giođan và
cả việc Chúa làm phép lạ đầu tiên cho nước lã hoá thành rượu. Tất cả là hiển
linh trong quan niệm thần học của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương.
Trong ý nghĩa Thần Học Hiển Linh rất bao quát nầy, Giáo Hội Chính Thống Đông
Phương chỉ cử hành ba lễ lớn trong Năm Phụng Vụ: Phục Sinh – Chúa Thánh Thần
Hiện Xuống và Lễ Hiển Linh. Lễ Hiển Linh thường vào ngày 6 tháng Giêng hàng năm
chứ không có lễ Giáng Sinh ngày 25.12 như Giáo Hội Công giáo Tây Phương.
III. Thực hành Phúc Âm :
Dân ngoại đi tìm Chúa:
Lễ Hiển Linh là mầu nhiệm ánh sáng, được diễn tả qua biểu tượng ngôi sao hướng
dẫn cuộc hành trình của các nhà đạo sĩ. Chúa Kitô chính là nguồn sáng thật,
Ngài đã tỏ mình cho dân ngoại, cho ba đạo sĩ tử phương đông lặn lội đi tìm
Chúa. Ba đạo sĩ không có Kinh Thánh. Ba đạo sĩ ở thật xa. Nhưng ba đạo sĩ chiêm
ngắm vì sao và theo sự hướng dẫn của ánh sáng vì sao tìm thấy Chúa.
Vua Hêrôđê và dân chúng trong thành Giêrusalem là những người thuộc nằm lòng
Kinh Thánh. Họ được tiên báo trước là Đấng Cứu Thế Sinh ra ở Bêlem. Họ ở chỉ
cách Bêlem có chừng sáu cây số. Nhưng họ không có ánh sáng soi đường. Nên họ
không thấy Chúa Hiển Linh.
Càng tìm hiểu về Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp, tôi càng cảm phục cách mang ánh
sáng Kitô giáo đến cho lương dân của Ngài. Bà Lucia Huỳnh thị Nghĩa kể lại
rằng: Khi biết có xác chết trôi sông, Cha cho người vớt lên bờ và chôn cất
trong Đất Thánh. Cách nay 70 năm. Người công giáo nguội lạnh hay rối rắm chết
không được chôn trong đất thánh huống chi kẻ chết trôi sông! Cha Diệp đã đưa
lương dân vào Đất Thánh. Anh em lương dân cũng cần thấy Chúa.
Đa số người đến kính viếng mộ phần và cầu nguyện với Chúa qua Cha Trương Bửu
Diệp là người không công giáo. Giáo dân Công Giáo, có Kinh Thánh trong tay
nhưng không có ánh sáng hiển linh Chúa soi dẫn. Có một vài người Công Giáo khi
nghe nói đến chương trình tuyên phong Chân Phước cho Cha Diệp thì đã mỉa mai
rằng: Toàn chuyện lạ khó tin, không chắc gì được Toà Thánh nhìn nhận đâu. Có lẽ
những anh chị em nầy cần về Việt Nam vả đi viếng mộ Cha Trương bửu Diệp để được
người ngoại giáo hướng dẫn đi tìm Chúa chăng?
Lm. Phê-rô TRẦN THẾ
TUYÊN
Hãy đứng lên, hãy tỏa sáng ra
Các bài đọc của lễ Hiển
Linh đều hướng về một chủ đề chính: "Chúa Kitô là ánh sáng chiếu soi muôn
dân". Nơi bài đọc I được trích từ sách tiên tri Isaia: "Hãy đứng lên,
hãy tỏa sáng ra" (Is 60,1-6).
Đó là lời tiên tri Isaia
loan báo về tương lai huy hoàng của Giêrusalem. Giêrusalem có được như vậy,
được trở thành trung tâm của muôn dân đổ dồn về đó là vì nhờ Giêrusalem có
Thiên Chúa hiện diện ở giữa. Không có Thiên Chúa hiện diện thì Giêrusalem vẫn
chỉ như bao thành khác. Ánh sáng mà Giêrusalem nhận được từ Chúa đã chiếu soi
muôn người, ánh sáng đó lôi kéo tất cả mọi người, không trừ một ai đến với
Chúa. Giêrusalem ngày xưa là hình ảnh của Giáo Hội, vì Giáo Hội là nơi qui tụ
tất cả mọi dân tộc.
Lời tiên tri Isaia loan
báo về tương lai huy hoàng cho Giêrusalem được ứng nghiệm trong biến cố các vua
từ Phương Đông tìm đến Vua dân Do Thái mới sinh đã được thánh sử Luca ghi lại
(x.Lc 2,1-12).
Gặp được Chúa Giêsu và
thờ lạy Ngài, đó là mục đích cuối cùng của đời người chúng ta, và đó cũng là
trung tâm của bài Tin Mừng Lễ Hiển Linh hôm nay. Các mục tiêu cuối cùng trên,
chúng ta thấy có những nhân vật nổi bật như vua Hêrôđê, các trưởng tế và luật
sĩ tại Giêrusalem, các đạo sĩ từ Phương Đông. Mỗi một người trong hoàn cảnh riêng
của họ đều được Chúa mạc khải cho, được Chúa mời gọi đến với Ngài bằng những
con đường khác nhau. Các đạo sĩ nhờ ngôi sao sáng của thiên nhiên trong vũ trụ,
một kỳ công sáng tạo của Thiên Chúa. Các trưởng tế và luật sĩ thì qua con đường
mạc khải của Kinh Thánh, qua lời dạy của các tiên tri mà họ biết nằm lòng. Vua
Hêrôđê thì qua chứng tá của những kẻ qua con đường gặp Chúa, qua chứng tá của
các đạo sĩ và các trưởng tế, luật sĩ tại Giêrusalem. Nhưng rồi chỉ có các đạo
sĩ là đi đến cùng con đường, là gặp được Chúa Giêsu và thờ lạy Ngài.
Chúa ban cho mỗi người,
cho mọi người con đường để gặp Ngài, nhưng chỉ có những ai thành tâm thiện chí
và can đảm đi đến cùng, đi trọn con đường thì mới thành công trong việc gặp gỡ
được Chúa.
Trong ngày Lễ Ba Vua hay
Lễ Hiển Linh hôm nay, chúng ta trước nhất vui mừng vì thấy rõ hành động Thiên
Chúa không dành riêng ân sủng của Ngài cho một nhóm người nào, nhưng Ngài kêu
gọi tất cả mọi người đến với Ngài, đồng thời chúng ta cần tự vấn chính mình về
thái độ trước Chúa Kitô, chúng ta đã thực sự gặp Chúa và tôn thờ Ngài hay chúng
ta cũng có thái độ giống như vua Hêrôđê xem Chúa như là kẻ thù, như là người
cản trở sự thành đạt của mình, vì đó mà hành động ngấm ngầm chống lại Chúa.
Lạy Chúa, xin cho con
được bắt chước thái độ của các đạo sĩ ngày xưa muốn ra đi khỏi nơi an toàn tự
nhiên của mình để gặp Chúa và tôn thờ Chúa tại nơi mà Chúa muốn dùng để mạc
khải cho chúng con về Chúa.
Lạy Chúa, xin cho con
được gặp Chúa và tôn thờ Chúa là Đấng cứu rỗi duy nhất đời con. Amen.
R.
Veritas
(Trích
từ ‘Sống Tin Mừng’)
Lectio Divina: Chúa Hiển Linh (A)
Chúa Nhật, 5 Tháng 1,
2014
Hành trình đức tin của ba vị Đạo Sĩ
Việc bái thờ Chúa Giêsu Hài Đồng là Vua và là
Chúa
Mt 2:1-12
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Cha nhân từ, Chúa đã gọi con để gặp gỡ
Chúa trong lời của Tin Mừng, bởi vì Chúa muốn con được có sự sống, Chúa muốn
ban cho con chính bản thân Chúa. Con cầu xin Chúa, xin Chúa hãy sai
Chúa Thánh Thần xuống trên con để con được dẫn dắt trên con đường thiên liêng
của đoạn Kinh Thánh này. Hôm nay, nguyện xin cho con có thể ra khỏi
nhà tù của chính mình để bắt đầu cuộc hành trình đi tìm kiếm
Chúa. Xin cho con có thể nhận ra ánh sao mà Chúa đã thắp sáng như
một dấu hiệu tình yêu của Chúa trên cuộc hành trình bước theo nó không hề mệt
mỏi, một cách mạnh dạn, dấn thân cả đời con. Cuối cùng, xin cho con được
bước vào nhà Chúa và ở đó được trông thấy tôn nhan Chúa, xin cho con biết cúi
lạy cách khiêm tốn để bái thờ trước nhan Chúa và dâng lên Chúa cuộc sống của
con, cả con người con và tất cả những gì con có. Lạy Chúa, nhờ vào
ân sủng Chúa, xin cho con có thể trở về bằng một con đường mới, mà không bao
giờ đi qua những con đường cũ của tội lỗi.
2. Bài đọc
a) Bối cảnh của đoạn Tin Mừng
Đoạn Tin Mừng này thuộc về hai chương đầu tiên
của sách Tin Mừng Mátthêu, tạo thành lời mở đầu cho toàn bộ tác
phẩm. Ở đây chúng ta được giới thiệu về nguồn gốc lịch sử của Đấng
Cứu Thế là con cháu của vua Đavít, cũng như nguồn gốc thiên tính của Đức Giêsu
Kitô, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Ngay lập tức, thánh Mátthêu dẫn
chúng ta vào trong một sự suy niệm sâu lắng và lôi cuốn, đặt trước chúng ta một
sự chọn lựa chính xác qua con người mà ông giới thiệu trong câu
chuyện: chúng ta hoặc nhận ra và chào đón Chúa là Đấng vừa được sinh
ra, hay là chúng vẫn lãnh đạm thờ ơ, thậm chí còn muốn loại trừ và giết bỏ
Người. Đoạn Tin Mừng này cống hiến cho chúng ta một câu chuyện đẹp
về cuộc hành trình của ba nhà Đạo Sĩ, những người đến từ phương xa bởi vì họ
muốn tìm kiếm và chào đón, yêu thương và tôn thờ Chúa Giêsu. Nhưng
cuộc hành trình dài và miệt mài tìm kiếm của họ, việc hoán cải tâm hồn của họ
là sự kiện đang nói về chúng ta, sự kiện đã được ghi lại trong cuốn sách câu
chuyện thiêng liêng của chính chúng ta.
b) Phần phụ chú để giúp cho việc
đọc bài Tin Mừng:
Đoạn Tin Mừng này có thể được chia ra làm hai
phần chính, được xác định theo nơi câu chuyện xảy ra: phần thứ nhất (đoạn
2:1-9a) xảy ra tại Giêrusalem, trong khi phần thứ hai lại tập trung xung quanh
thành Bêlem (đoạn 2:9b-12).
Mt 2:1-2: Đoạn Tin Mừng bắt đầu với những dấu hiệu chính xác
như nơi chốn và thời gian chào đời của Chúa Giêsu: tại Bêlem, thuộc xứ Giuđêa,
trong đời vua Hêrôđê. Trong lời mô tả khá rõ ràng này, các nhà Đạo
Sĩ đột nhiên xuất hiện, những người đến từ phương xa, tìm đến Giêrusalem dưới
sự hướng dẫn của một ánh sao. Chính họ là những người loan báo sự ra
đời của vị Vua Thiên Chúa. Họ hỏi thăm xem Người hiện đang ở đâu bởi
vì họ muốn đến để triều bái Người.
Mt 2:3-6: Khi nghe những lời của các vị Đạo Sĩ nói, vua
Hêrôđê, và tất cả thành Giêrusalem cùng với nhà vua, bối rối và sợ
hãi. Thay vì chào đón Chúa và chọn Người, họ tìm cách trừ khử
Người. Vua Hêrôđê triệu tập tất cả các thượng tế Do Thái và Kinh Sư
trong dân. Chính các nhà Đạo Sĩ, nhờ sự giúp đỡ của các ngôn sứ thuở
xưa, là những người nói và mặc khải Bêlem là nơi để tìm thấy Đấng Mêssia.
Mt 2:7-8: Vua Hêrôđê ngầm cho vời các nhà Đạo Sĩ bởi vì nhà
vua muốn dùng họ cho mục đích xấu xa của mình. Việc hỏi han cặn kẽ
của nhà vua hoàn toàn nhắm vào việc loại trừ Đức Kitô.
Mt 2:9a: Các nhà Đạo Sĩ, được thúc đẩy bởi sức mạnh đức tin
và được hướng dẫn bởi ánh sao, lại lên đường và hướng về thành Bêlem.
Mt 2:9b-11: Ngôi sao lại xuất hiện, đi với các vị Đạo Sĩ và dẫn
họ đến đúng nơi chỗ Chúa Hài Đồng Giêsu ở. Tràn đầy niềm vui mừng,
họ tiến vào nhà và phủ phục sụp lạy Người; họ dâng tiến Người lễ vật quý giá vì
họ nhận biết Người là vua và là Chúa.
Mt 2:12: Khi đã chiêm ngắm và thờ lạy Chúa, các vị Đạo Sĩ
nhận được sự mặc khải từ Thiên Chúa; chính Chúa nói với họ. Các ông
là những con người mới; họ có trong mình một trời mới đất mới. Các
vị Đạo Sĩ đã thoát khỏi sự lừa dối của vua Hêrôđê, và do đó, họ quay trở lại
với đời sống mình bằng một nẻo đường hoàn toàn mới.
c) Phúc Âm:
1 Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem, thuộc xứ Giuđêa, trong đời vua
Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Đông Phương tìm đến Giêrusalem. 2 Các
ông nói: “Vua người Do-Thái mới sinh ra hiện đang ở
đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông Phương, và
chúng tôi đến để triều bái Người.”
3 Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem
cùng với nhà vua. 4 Vua đã triệu tập tất cả các thượng tế
và kinh sư trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ. 5 Họ
tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ Giuđêa, vì đó là lời do đấng
tiên tri đã chép: 6 “Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa,
không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi
sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta.”
7 Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu mấy nhà Đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi
han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. 8Rồi vua phái họ đi
Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi,
rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho trẫm, để cả trẫm cũng đến triều bái
Người.” 9 Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi
sao họ xem thấy ở Đông Phương, lại đi trước họ, mãi cho tới khi tới nơi và đậu
lại trên chỗ Hài Nhi ở. 10 Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết
sức vui mừng. 11 Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy con
trẻ và Đức Maria, mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống, sụp lạy
Người. Rồi, mở bảo tráp ra, họ đã dâng tiến Người lễ
vật: vàng, nhũ hương, và mộc dược.
12 Và khi nhận được lời mộng báo “Đừng trở lại với Hêrôđê”, họ đã
qua đường khác, trở về xứ sở mình.
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Tôi lắng nghe thật sâu tiếng nói thì thầm của
Chúa và để cho hơi thở của Chúa Thánh Thần đến với tôi và truyền cho
tôi. Trong sự thinh lặng này, tôi đi tìm kiếm Chúa và lặp lại trong
lòng tôi: “Lạy Thiên Chúa của con, Chúa đang ở đâu?”
4. Một vài câu hỏi gợi ý
a) Tôi dùng những lời đầu tiên xuất
phát từ miệng các nhà Đạo Sĩ và làm cho chúng trở thành của riêng
tôi: “Vua dân Do-Thái mới sinh ra hiện đang ở đâu?” Tôi
có thực sự cảm thấy bị lôi cuốn đến nơi Chúa ở bởi vì tôi mong ước được ở bên
cạnh Người không? Tôi có sẵn sàng lìa bỏ nơi tối tăm và cũ kỹ của
thói quen của tôi, của sự thoải mái của tôi, để thực hiện một cuộc hành trình
đức tin trong việc tìm kiếm Đức Giêsu không?
b) “Chúng tôi đến để triều bái
Người.” Ở đây Lời Chúa kiểm định tôi, đặt tôi qua một thử thách: tôi
có thực sự sống trong một mối quan hệ yêu thương với Thiên Chúa
không? Tôi có thể nào rộng mở cuộc sống tôi trong sự hiện diện của
Người và để cho Người ngự vào trong mỗi nhịp đập của tim tôi không?
c) “Vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện
một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta.” Tôi
có khả năng đặt và dâng trọn xác hồn tôi cho sự hướng dẫn của Chúa, tin cậy nơi
Ngài, tin vào tình yêu của Ngài, trong sự hiện diện rất thật của Ngài dù rằng
Ngài vẫn vô hình không?
d) “Khi tiến vào nhà, họ đã gặp
thấy con trẻ.” Đó chính là bởi vì họ chấp nhận bước vào trong
nhà, bước vào sự hiệp thông, dâng trọn vẹn và thật sự con người họ để mắt họ có
thể trống thấy, chiêm ngưỡng và nhận ra. Tại sao tôi không nhận thức
được thực tế là khi tôi càng ở bên ngoài, thì tôi càng xa cách với cuộc sống
anh chị em tôi và tôi càng trở nên u buồn và trống trải?
5. Chìa khóa dẫn đến bài đọc
Tôi tìm một số chữ chính, một số chủ đề căn
cản, để có thể hướng dẫn và giúp tôi hiểu thấm hơn ý nghĩa của đoạn Tin Mừng
này, để cho đời tôi có thể được soi sáng và thay đổi bởi Lời của Chúa.
* Hành trình: Đoạn Tin Mừng này dường như trải qua với chủ
đề lớn của một cuộc hành trình, một cuộc xuất cư, một chuyến đi. Các
vị Đạo Sĩ, những nhân vật bí ẩn, ra đi, đi xa khỏi miền đất của họ và đi tìm
kiến vị vua, Chúa. Thánh Mátthêu trình bày dữ kiện này bằng một số
các động từ song song với sự phát triển của sự kiện: tìm đến, chúng
tôi đến, phái đi, đi, lên đường, đi trước họ, tiến vào,
đừng trở lại, trở về. Cuộc hành trình thể lý của các vị
Đạo Sĩ ẩn dấu một cuộc hành trình rất quan trọng và có ý nghĩa hơn, cuộc hành
trình đức tin. Đây là sự chuyển động của tâm hồn được nảy sinh từ
lòng ước ao gặp gỡ và biết Chúa. Đồng thời, đó là lời mời gọi của Thiên
Chúa, Đấng kêu gọi và lôi cuốn chúng ta với quyền năng của Người; chính Người
là Đấng nâng chúng ta dậy và chuẩn bị cho chúng ta lên đường, Đấng ban cho
chúng ta các dấu chỉ và không ngừng đồng hành với chúng ta. Kinh
Thánh cho chúng ta nhiều ví dụ quan trọng và những điều đó giúp chúng ta bước
vào con đường của ân sủng và phúc lành này. Thiên Chúa đã phán bảo
ông Abraham rằng: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà
cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12:1). Ông Giacóp cũng
là một người hành hương của đức tin và sự hoán cải; trên thực tế, Thánh Kinh đã
viết về ông: “Giacóp ra khỏi Bơ-e-Seba và đi về Kharan” (St 28:10)
và “Giacóp cất bước đi về đất con cái Phương Đông” (St 29:1). Nhiều
năm sau đó, Đức Chúa đã phán với ông rằng: “Hãy trở về quê cha đất
tổ, về với họ hàng ngươi; Ta sẽ ở với ngươi” (St 31:3). Ông Môisen
cũng là người đi trên một cuộc hành trình; chính Thiên Chúa đã chỉ cho ông
đường đi, cuộc Xuất Hành, trong tâm hồn ông, trong cõi lòng ông, và được làm
bằng cả cuộc đời ông cho cuộc hành trình dài của ơn cứu độ cho ông và cho dân
tộc ông: “Bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với
Pharaô để đưa dân Ta là con cái Israel ra khỏi Ai-Cập!” (Xh
3:10). Dân riêng mới của Chúa cũng thế, chúng ta là con cái của lời
hứa và giao ước mới, hằng được gọi để lên đường và ra đi trên cuộc hành trình
theo chân của Chúa Giêsu. Cuộc xuất hành không bao giờ ngừng; cuộc
giải phóng xuất phát từ đức tin thì vẫn luôn năng động. Chúng ta hãy
nhìn vào Chúa Giêsu, vào các vị tông đồ của Người, vào thánh
Phaolô: không ai đứng yên tại chỗ, không ai lẩn
tránh. Tất cả các nhân chứng này nói với chúng ta ngày nay bằng
những hành động của họ và họ lặp lại: “Phúc thay kẻ lấy Ngài làm sức
mạnh, ấp ủ trong lòng giấc mộng hành hương” (Tv 84:6).
* Ngôi sao: Đây là một yếu tố trọng tâm và rất
quan trọng trong đoạn Tin Mừng này bởi vì ngôi sao có vai trò hướng dẫn các vị
Đạo Sĩ đi đến nơi họ định đến, nó là sự soi sáng cho họ trong những đêm trên
cuộc hành trình, nó chỉ đúng nơi có sự hiện diện của Chúa, nó cho một niềm vui
tuyệt vời trong tim họ. Khắp suốt bộ Kinh Thánh, ngôi sao xuất hiện như là
dấu chỉ của sự chúc phúc và vinh quang, gần như là một hiện thân của Thiên
Chúa, Đấng không bỏ rơi dân Ngài, và đồng thời, sự nhân cách hóa của dân tộc đã
không quên Thiên Chúa của họ và chúc tụng Ngài (xem Tv 148:3; Br
3:34). Từ ngữ ngôi sao xuất hiện lần đầu tiên trong Kinh Thánh trong
sách Sáng Thế Ký 1:16, khi mà vào ngày thứ tư, câu chuyện về Thiên Chúa sáng
tạo trời đất cho chúng ta biết về sự xuất hiện trên vòm trời: mặt trời, mặt
trăng và các ngôi sao, như là các dấu hiệu và ánh sáng, để thiết lập trật tự và
cho ánh sáng. Thuật ngữ của người Do Thái về chữ “ngôi sao” (kokhab)
rất tuyệt đẹp và đầy ý nghĩa. Thật ra, những mẫu tự tạo nên chữ mặc
khải sự bao la của sự hiện diện mà các yếu tố thiên thể đi kèm với
chúng. Chúng ta thấy hai chữ caf, có nghĩa là “bàn
tay” và kèm theo chữ waw, có nghĩa là con người, được hiểu
trong cấu trúc sự sống của anh ta, trong nghị lực, giúp cho anh ta đứng vững,
giúp anh ta hướng lên trời, tiếp xúc với Thiên Chúa và là Đấng Tạo Dựng của anh
ta. Do đó, bên trong các ngôi sao có hai bàn tay, mẫu tự caf và caf,
được giữ cách yêu thương trong mẫu tự “waw”, con người: đó là
đôi bàn tay của Thiên Chúa không bao giờ ngừng nắm lấy chúng ta, nếu chúng ta
chỉ cần phó thác cho đôi bàn tay ấy. Sau đó xuất hiện mẫu tự bet,
có nghĩa là nhà. Do đó, các ngôi sao nói với chúng ta về cuộc hành
trình hướng về nhà chúng ta, về cuộc di cư liên tục từ đó và trở về, một khi
chúng ta đã đến, từ ngày tạo thiên lập địa và thậm chí từ đời đời. Thiên
Chúa thường so sánh con cháu của Abraham với sao trên trời, như thể mỗi người
là một vì sao, được sinh ra để cho ánh sáng vào ban đêm: “Hãy ngước
mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không” Và rồi Người lại thêm
rằng: “dòng dõi ngươi sẽ như thế đó!” (St 15:5). Đức
Giêsu là một vì sao, một vì sao xuất hiện từ nhà Giacóp (Ds 24:17), rằng bắt
nguồn từ trên cao, là Sao Mai sáng ngời, như sách Khải Huyền đã viết
(22:16). Thật ra, trong Người tình yêu vô hạn của Thiên Chúa đã mặc
lấy xác thịt, mà chiếu hướng về phía chúng ta, con cái của Người, và mở rộng
vòng tay để tụ tập và chào đón chúng ta. Chỉ có tình yêu như vậy mới
có thể ban cho sự yếu đuối vô hạn của chúng ta khả năng và lòng dũng cảm, sự
kiên trì và niềm hân hoan của việc chấp nhận ra đi, đi trên cuộc hành trình dài
và gian khổ của đức tin, dẫn chúng ta đến Bêlem, đến nơi Thiên Chúa xuất hiện
cho chúng ta.
* Tôn thờ triều bái: Hành động tôn thờ triều bái thì
xưa như chuyện nhân loại, bởi vì ngay từ đầu, mối quan hệ với Thiên Chúa đã
được đi kèm theo với nhu cầu của sự yêu thương, của sự khiêm nhường, của sự tận
hiến. Trước sự cao cả của Thiên Chúa, chúng ta, những con người bé
nhỏ, cảm nhận và khám phá ra rằng chúng ta không là gì, một hạt bụi, một giọt
nước trong biển khơi. Trong Cựu Ước, cử chỉ tôn thờ xuất hiện như
một hành động của tình yêu sâu sắc đối với Chúa, một cử chỉ đòi hỏi sự tham dự
của cả bản thân: tâm trí, ý muốn chọn lựa, tình yêu tràn đầy ước vọng và một
bản thân cúi lạy và thậm chí còn phủ phục dưới đất. Người ta nói
rằng ở một vài nơi cử chỉ tôn thờ triều bái được kèm theo cả việc phủ phục dưới
đất; khuôn mặt của một người, ánh mắt, hơi thở của người ấy sẽ trở về bụi đất
một khi người đó có nguồn gốc và tại đó người ấy nhìn nhận mình là tạo vật của
Thiên Chúa, như hơi thở đến từ Thiên Chúa. “Hãy vào đây ta cúi mình
phủ phục, quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta” (Tv
95:6): đây là lời mời của Kinh Thánh cho chúng ta mỗi ngày, chỉ cho
chúng ta thấy đường đi để chúng ta có thể nhiều lần trở lại với chân lý và để
sống trọn vẹn.
Tân Ước còn đi sâu hơn trong sự suy niệm tinh
thần về sự kiện này và dường như còn muốn cùng đồng hành với chúng ta trên cuộc
hành trình sư phạm của sự hoán cải và trưởng thành trong đời sống nội tâm của chúng
ta. Trong các sách Tin Mừng, chúng ta thấy các môn đệ, nam và nữ,
thờ lạy Chúa Giêsu sau khi Người sống lại (Mt 28:9; Lc 24:52), bởi vì họ nhận
ra Người chính là Thiên Chúa. Lời của Chúa Giêsu trong cuộc đối
thoại với người phụ nữ Samaritanô cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc vào sự thật
của cử chỉ này, đó là, sau cùng, liên quan đến cả cuộc đời và là thái độ của
con tim: việc thờ lạy là dành cho Chúa Cha và không xảy ra đây đó mà
là trong Chúa Thánh Thần và trong chân lý, đó là trong Chúa Thánh Thần và trong
Chúa Con, Đức Giêsu. Chúng ta không được phép tự lừa dối mình; đó
không phải là việc đi hết nơi này sang nơi nọ, cũng chẳng phải vì tìm kiếm một
nhân vật thần thánh này hay nhân vật khác để chúng ta có thể tôn thờ Thiên
Chúa. Việc di chuyển, cuộc hành trình là một chuyến đi nội tâm và
xảy ra trong nơi tận cùng sâu thẳm nhất của chúng ta và là sự hàng phục hoàn
toàn chính mình, đời sống chúng ta, cả con người chúng ta, vào đôi cánh của
Chúa Thánh Thần và trong vòng tay của Chúa Giêsu, đang mở rộng trên thập giá và
luôn sẵn sàng đón nhận tất cả mọi thứ đến với Người. Thánh Phêrô đã
nói rõ ràng: “Đức Kitô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị
trong lòng anh em” (1Pr 3:15). Cử chỉ cúi mình trên đất, phủ phục trước
mặt Chúa đến từ trái tim. Nếu chúng ta để cho Chúa đụng chạm vào tâm
hồn chúng ta, nếu chúng ta cho phép Chúa đi vào lòng mình, không gian thiêng
liêng, thì Người sẽ thay đổi chúng ta hoàn toàn, biến đổi toàn bộ con người
chúng ta và biến đổi chúng ta trở nên những con người mới.
6. Cầu nguyện: Thánh Vịnh 84
Một bài Thánh Vịnh về lòng tin tưởng của con
người trên cuộc hành trình tiến về nhà Thiên Chúa
Đáp
ca: Lạy Chúa, con đã thấy ngôi sao của Chúa,
Và con đã đến để thờ
lạy Chúa!
Lạy Chúa Tể càn khôn,
cung điện Ngài xiết bao khả ái.
Mảnh hồn này khát khao mòn mỏi
mong tới được khuôn viên đền vàng.
Cả tấm thân con cùng là tấc dạ
những hướng lên Chúa Trời hằng sống mà hớn hở reo mừng.
Lạy Chúa Tể càn khôn là Đức Vua, là Thiên Chúa con thờ,
ngay chim sẻ còn tìm được mái ấm,
cánh nhạn kia cũng làm tổ đặt con
bên bàn thờ của Chúa!
Phúc thay người ở trong thánh điện
họ luôn luôn được hát mừng Ngài.
Phúc thay kẻ lấy Ngài làm sức mạnh,
ấp ủ trong lòng giấc mộng hành hương.
Lúc trẩy qua thung lũng Khô Cằn,
họ biến nó thành nguồn suối nước,
mưa đầu mùa đổ phúc lộc chứa chan.
Càng tiến lên, họ càng mạnh bước
đến chiêm ngưỡng Chúa Trời ngự trên núi Xi-on.
Lạy CHÚA là Chúa Tể càn khôn,
xin đoái nghe lời con cầu nguyện.
Xin lắng tai, lạy Chúa nhà Giacóp.
Lạy Chúa là khiên mộc chở che,
xin thương xem nhìn đến
gương mặt đấng Ngài đã xức dầu.
Một ngày tại khuôn viên thánh điện
quý hơn cả ngàn ngày.
Thà con ở cổng đền Thiên Chúa
vẫn còn hơn sống trong trại ác nhân!
Thiên Chúa là vầng thái dương, là thuẫn đỡ,
CHÚA tặng ban ân huệ với vinh quang.
Ai sống đời trọn hảo, Người chẳng nỡ từ chối ơn lành.
Lạy Chúa Tể càn khôn, phúc thay người tin tưởng vào Chúa!
Mảnh hồn này khát khao mòn mỏi
mong tới được khuôn viên đền vàng.
Cả tấm thân con cùng là tấc dạ
những hướng lên Chúa Trời hằng sống mà hớn hở reo mừng.
Lạy Chúa Tể càn khôn là Đức Vua, là Thiên Chúa con thờ,
ngay chim sẻ còn tìm được mái ấm,
cánh nhạn kia cũng làm tổ đặt con
bên bàn thờ của Chúa!
Phúc thay người ở trong thánh điện
họ luôn luôn được hát mừng Ngài.
Phúc thay kẻ lấy Ngài làm sức mạnh,
ấp ủ trong lòng giấc mộng hành hương.
Lúc trẩy qua thung lũng Khô Cằn,
họ biến nó thành nguồn suối nước,
mưa đầu mùa đổ phúc lộc chứa chan.
Càng tiến lên, họ càng mạnh bước
đến chiêm ngưỡng Chúa Trời ngự trên núi Xi-on.
Lạy CHÚA là Chúa Tể càn khôn,
xin đoái nghe lời con cầu nguyện.
Xin lắng tai, lạy Chúa nhà Giacóp.
Lạy Chúa là khiên mộc chở che,
xin thương xem nhìn đến
gương mặt đấng Ngài đã xức dầu.
Một ngày tại khuôn viên thánh điện
quý hơn cả ngàn ngày.
Thà con ở cổng đền Thiên Chúa
vẫn còn hơn sống trong trại ác nhân!
Thiên Chúa là vầng thái dương, là thuẫn đỡ,
CHÚA tặng ban ân huệ với vinh quang.
Ai sống đời trọn hảo, Người chẳng nỡ từ chối ơn lành.
Lạy Chúa Tể càn khôn, phúc thay người tin tưởng vào Chúa!
7. Lời
nguyện kết
Lạy Chúa, là Cha của
chúng con, con đã thực sự nhìn thấy ngôi sao của Chúa, con đã mở mắt ra với sự
hiện diện tình yêu và ơn cứu rỗi của Chúa và con đã lãnh nhận ánh sáng của sự
sống. Con đã lặng ngắm bóng đêm biến đổi thành ánh sáng, nỗi đau khổ
trở nên niềm hân hoan, nỗi cô đơn thành sự hiệp thông; vâng, tất cả những điều
này đã xảy ra trước nhan thánh Chúa, trong Lời Chúa. Chúa đã dẫn con
qua sa mạc; Chúa đã đưa con đến nhà Chúa và mở cửa cho con bước
vào. Ở đó con trông thấy Chúa, , Đức Giêsu Con Một Chúa, Đấng
Cứu Độ của đời con; con đã cầu nguyện và thờ lạy, con đã khóc và tìm thấy nụ
cười của Chúa, con giữ im lặng và học nói. Trong nhà Chúa, là Cha
nhân từ, con đã tìm được sự sống một lần nữa!
Và giờ đây con sắp trở
lại, con tiếp tục cuộc hành trình của mình, nhưng đường đi không phải là con
đường mà con đã đi trước đây và cuộc sống con không phải là cuộc sống như trước
đó nữa. Lời Chúa đã để lại trong con một quả tim mới, có khả năng mở
ra để yêu thương, để lắng nghe, để chào đón và trở thành mái ấm cho nhiều anh
chị em mà Chúa đã đặt để họ trên đường con đi. Lạy Chúa, con đã
không biết, nhưng Chúa đã làm cho con trở nên trẻ thơ một lần nữa, Chúa đã sinh
ra con với Chúa Giêsu. Lạy Cha, xin cảm tạ Cha, ôi Cha của con!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét