Trang

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Các giản lược hạ giá và đàn áp đối với biểu tượng

Các giản lược hạ giá và đàn áp đối với biểu tượng

Cho tới nay chúng ta đã thấy các vất vả mò mẫm mà nền thần học bí tích đã phải trải qua trên con đường phát triển, nhưng vẫn chưa tìm được thế quân bình thỏa đáng. Lý do là vì thứ ngôn ngữ biểu tượng có thể giúp giải thích bản chất đích thật của bí tích vẫn tiếp tục bị hiểu lầm, khinh thường và còn bị uy hiếp đàn áp nữa.

Trong số các xác tín mà nền văn minh khoa học kỹ thuật của chúng ta tin là đã đạt được, cũng có xác tín có thể xếp loại biểu tượng và mọi sinh hoạt biểu tượng vào các thực tại hầu như vô ích nhất, và có lẽ tai hại nữa, hay dầu sao đi nữa cũng coi biểu tượng là kiểu diễn tả một thuyết nhân bản cổ xưa và hoàn toàn lỗi thời. Trong ngôn ngữ thịnh hành từ ”biểu tượng” hầu như bị coi đồng nghĩa với cái ”không có thực”, ”tưởng tượng”, ”không thật”, trong khi sinh hoạt biểu tượng bị gắn liền với trật tự của các hình thể bề ngoài ít nhiều tha hóa, diễn tả một nhân loại không biết sống chân thật, đeo mặt nạ che dấu các thiếu sót của mình, và nhất là diễn tả thái độ không dấn thân đàng sau cái mặt nạ của các hành động giả tạo. Thế rồi còn có một nền văn chương mác xít nào đó xếp biểu tượng vào loại các ảo tưởng bảo thủ nhất, và khinh rẻ coi nó là của trường phái bình dân và văn hóa hạ cấp. Tuy nhiên, ngày nay các xác tín ấy lung lay không đứng vững nữa, và người ta không còn có thể có các kiểu nói khoa trương trịch thượng như trên đối với biểu tượng.

Thật ra, biểu tượng là một thứ ngôn ngữ vô cùng súc tích giúp các dân tộc diễn tả những thực tại vượt ngoài thế giới vật chất khoa học kỹ thuật và các hạn hẹp của xã hội loài người. Trong nhiều thập niên qua các khoa học tôn giáo đã chứng minh cho thấy ngôn ngữ biểu tượng giúp con người tiếp cận với các thực tại siêu việt, thiên linh. Nhưng việc phục hồi các gía trị của biểu tượng đã tiến triển rất chậm chạp với nhiều ngập ngừng, và hầu như dấu diếm. Lý do là vì có nguy hiểm thực sự trong việc lý thuyết hóa và sử dụng sinh hoạt biểu tượng một cách không trung thực. Nhưng nhất là không dễ dàng lật ngược một tiến trình giản lược và đàn áp, mà ngôn ngữ biểu tượng đã phải gánh chịu trong hàng thế kỷ.

Tuy nhiên, thái độ và xác tín sai lầm trên đây đã gây thiệt hại không ít cho khả năng hiểu biết của con người, và làm nảy sinh ra nhiều loại giản lược tiêu cực. Trước hết là giản lược siêu hình. Một giải thích đầu tiên giản lược triệt để biểu tượng có thể gặp thấy trong bối cảnh siêu hình của thế giới hy lạp, là nguồn gợi hứng cho tất cả nền văn minh tây phương trong bao nhiêu thế kỷ. Thế giới hy lạp coi việc tiếp cận và giải thích có luận lý thực tại là hình thể hiện thực nhất của cuộc sống con người, và vì thế biểu tượng bị giản lược thành dụng cụ thông tin. Như là hình ảnh và dấu chỉ, biểu tượng chỉ là các hình thể chuyên môn giúp thông truyền một tư tưởng, một ý niệm, một sự hiểu biết. Trong bối cảnh này biểu tượng và dấu chỉ hầu như đồng nghĩa với nhau, và dấu chỉ sẽ được định nghĩa như dụng cụ cho phép hiểu biết điều không thể biết được một cách tức thì.

Nhiệm vụ của biểu tượng trước hết và trên hết là quy ước, không phải không quan trọng. Trái lại trong tình trạng của tinh thần nhập thể trong đó con người sống, nó là điều không thể thiếu, nhưng trong mức độ, trong đó để có thể đi tới một sự hiểu biết trực giác và tức thì thực tại, thì cần phải loại bỏ biểu tượng. Như thế hoạt động biểu tượng là một sự cần thiết cần phải chấp nhận, một hạn hẹp phải chịu đựng, và nếu nó có tính cách tích cực, thì chỉ có trong tương quan với sự hiểu biết sự thật, tức giải thích thực tại một cách có luận lý, và như vậy trong tương quan với ý thức hệ và giáo thuyết nó chuyển đạt. Cùng tiêu chuẩn này giúp thiết định tính cách đích thực của biểu tượng và hoạt động biểu tượng một cách chuyên nhất và nó nằm tại chỗ kiểm thực sự thích hợp của chúng với sự thật mà chúng chuyển tải. Trong tiến trình này biểu tượng đã mất đi bất cứ nhiệm vụ nào khác nếu không phải là nhiệm vụ luận lý hiểu biết, và nó không được biết tới như là hình thức tiếp cận hiện sinh, toàn cầu, chứ không phải chỉ là tri thức đối với thực tại; nó không được biết tới như tình trạng liên đới giữa con người và các thực tại khác nhau. Như vậy khi được đặt để phục vụ một ”sự thật”, càng bất biến bao nhiêu càng thật bấy nhiêu, ít nhất biểu tượng sẽ được chỉ định cho tình trạng tĩnh một cách triệt để. Biểu tượng có thể chịu vài thay đổi vì tính không thích đáng thường hằng của nó trong việc thông truyền sự thật một cách toàn vẹn mà nó đem theo, trong cố gắng tự cho mình một hình thức diễn tả luôn ngày càng hữu hiệu hơn.

Như thế, biểu tượng có sự trở thành của nó, có một lịch sử của nó, nhưng sẽ không bao giờ được hiểu như là yếu tố của lịch sử, mà sễ chỉ là sự diễn tả lịch sử mà thôi. Cho dù biểu tượng là kết qủa của một sinh hoạt sáng tạo nào đó của con người, một sự sáng tạo của biểu tượng sẽ không bao giờ được thừa nhận.

Loại giản lược thứ hai có tính cách thực dụng. Trong lãnh vực của các hệ thống thực dụng, đối với chúng sự hiểu biết khoa học - trong nghĩa thông thường nhất của từ này - là hình thức thực sự duy nhất của việc hiểu biết và chế ngự thực tại, việc giản lược của dấu chỉ và biểu tượng lại còn trở thành triệt để hơn nữa. Trong bối cảnh này của tư tưởng dấu chỉ-biểu tượng luôn luôn và chỉ có tính cách nhiệm vụ, quy ước thuần túy.

Nhiệm vu của nó cũng không phải là nhiệm vụ thông tin, mà chỉ là nhiệm vụ khiến cho diễn văn thông tin trở thành đơn sơ và mau chóng hơn trong các yếu tố nhiệm vụ. Các dấu chỉ và các biểu tượng thường dùng trong ngôn ngữ toán học hay trong ngôn ngữ của bất cứ ngành nào khác của các khoa học thiên nhiên, đều tĩnh một cách triệt để. Ai sử dụng các dấu chỉ này tức đã biết ý nghĩa mà chúng chuyển tải, và sự hiểu trước của chúng không thể thiếu được đến độ khiến cho việc sử dụng nhiệm vụ của các dấu chỉ không thể xảy ra nơi đâu không có sự hiểu trước này. Trong tiếp cận siêu hình tuy dấu chỉ không là yếu tổ lịch sử, nhưng nó cũng có một lịch sử: lời nói, là dấu chỉ cổ điển của tiếp cận siêu hình - lời nói là dấu chỉ của ý niệm - có một ý nghĩa, nhưng trong lãnh vực của sự hiểu biết thực dụng, dấu chỉ một cách tuyệt đối là tĩnh, không chỉ trong tương quan với thực tại mà nó là dấu chỉ, nhưng trong chính nó. Theo lập trường giản lược này ngoài tính cách nhiệm vụ, rất tạm thời ra, dấu chỉ không có một lý do hiện hữu nào khác. Nó không thăng tiến, nó không có một nhiệm vụ nhân chủng nào cả. Chuyên lo hay dành khoảng trống sinh cho hoạt biểu tượng có thể là một sự kiện giải trí, như là trò chơi và nghệ thuật, nhưng nó không bao giờ là một sự kiện khoa học, trái lại, thường khi nó phản khoa học và tha hóa là đàng khác.

Loại giản lực thứ ba là giản lược thần học. Một giải thích giản lược dấu chỉ, tuy không phải là đặc tính của suy tư kitô nói chung, nhưng nó đã định tính một phần của nền thần học kinh viện và nhất là nền thần học giáo khoa. Sự giản lược thần học ít triệt để hơn hai loại giản lược kể trên, nhưng nó bị chúng ảnh hưởng khá nhiều. Ý niệm dấu chỉ được nền thần học này tiếp nhận một phần lớn là ý niệm siêu hình, mà chỉ dưới vài khía cạnh có thể yêu sách quy chiếu về suy tư của thánh Agostino.

Dấu chỉ là một sự kiện cố ý, một phương tiện truyền thông giải thích thực tại một cách có luận lý. Được hiểu như là phương tiện hiểu biết những gì không thể hiểu biết được một cách tức thì, dấu chỉ bước vào trong diễn văn thần học như là phạm trù không thể thiếu, giúp đạt tới sự hiểu biết cái siêu việt bên trong lịch sử. Nhưng để ngăn chặn diễn văn thần học bị coi như không thực và nói cho cùng như là tưởng tượng, người ta sẽ tránh coi nó như là diễn văn biểu tượng, và thích miêu tả nó như là diễn văn loại suy (analogico). Dầu sao đi nữa, ngoài cám dỗ làm cho dấu chỉ trở thành nơi gặp gỡ với sự siêu việt, không chỉ ở trên bình diện hiểu biết, nền thần học sẽ còn kéo theo cám dỗ cho dấu chỉ một giải thích nhiều tiêu cực: dấu chỉ như là sự đáng tiếc của một lịch sử không tiếp nhận được nơi chính mình yếu tố nào của sự chân thực cả, nếu không phải là trong sự hướng tới một việc thực hiện chuyển tiếp.

Thế là ở đây nảy sinh ra một nền thần học đã không biết đọc hiểu đích điểm cánh chung của lịch sử như là khẳng định sự chân thực của chính lịch sử và nó sẽ tạo dễ dàng cho một giải thích đi ngược dòng, giữa lịch sử và thần học. Các hạn hẹp của việc lý thuyết hóa này liên quan tới dấu chỉ đã vén mở cho thấy một cách tỏ tường hai lãnh vực của diễn văn thần học: lãnh vực của các bí tích và lãnh vực của lịch sử cứu độ. Còn hơn thế nữa, xét rằng có tương quan mật thiết giữa các bí tích và các biến cố lớn của lịch sử cứu độ, người ta không lạ gì khi thấy thần học đã tạo dễ dàng cho việc miêu tả bản chất của tương quan này, và trong mọi trường hợp đã phát triển việc miêu tả của nó với các phạm trù chẳng dính dáng gì tới biểu tượng.

(Thần Học Kinh Thánh bài số 1186)

Linh Tiến Khải


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét