Trang

Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

Ở Lại Với Người (kỳ 17): Đồng Hóa Với Con Người

Ở Lại Với Người (kỳ 17): Đồng Hóa Với Con Người


Các bạn trẻ thân mến, 

Sau khi trải qua những thời loạn lạc, tị nạn, gia đình Thánh Gia đã về định cư tại Nazaret. Tại đây, họ chia sẻ với nhau cuộc sống âm thầm và bình dị như bao gia đình khác. Tin Mừng không hề thuật lại cho chúng ta biết họ đã sống như thế nào nhưng chỉ hé lộ một chi tiết là “trẻ Giêsu ngày càng khôn lớn, luôn đẹp lòng Thiên Chúa và người ta.” Để có thể nuôi sống gia đình, Giuse phải có một nghề nghiệp nào đó. Và sau khi lớn lên, Giêsu cũng nối nghiệp cha. Suốt hơn 30 năm âm thầm lặng lẽ, Giêsu đã được nuôi dưỡng và giáo dục trong một môi trường thánh thiện và học cách để trở nên một con người thực thụ. Hít thở được sự khiêm nhường của cha và nét hiền lành của mẹ, cùng với việc liên lỉ kết hiệp với Cha trên trời, Giêsu đã được chuẩn bị thật tốt để thi hành sứ mạng về sau.

Bỗng ngày kia, một vị tôn sư xuất hiện từ hoang mạc, cao giọng kêu gọi mọi người hãy ăn năn sám hối vì vị Cứu Chúa đã gần đến. Vị tiên tri này loan báo hãy san phẳng những đồi cao, hãy uốn cho thẳng những lối quanh co để Đức Chúa ngự đến. Ông quở mắng những người sống trong tội lỗi lâu năm. Ông cảnh báo họ là nếu họ không chịu quay trở lại thì sẽ bị đức công minh của Thiên Chúa trừng phạt như gốc cây bị chặt đổ, như thóc lép bị quẳng vào lò. Nhiều người tuôn đến với ông và được ông làm phép rửa cho. Phép rửa của ông là phép rửa thanh tẩy. Những ai là tội nhân thì cần phải chịu phép rửa này như một dấu chỉ của lòng sám hối. Trong hàng ngũ những con người tội lỗi xếp hàng để chờ được thanh tẩy, bỗng có bóng dáng của Giêsu xuất hiện. Vị Tiền Hô hốt hoảng, ông không dám cử hành phép rửa vì một Đấng thanh sạch như Giêsu thì cần chi phép rửa này. Hơn nữa, ông nhìn nhận rằng chính mình mới là người cần được Giêsu thanh tẩy chứ không phải ngược lại. Nhưng Giêsu một mực từ chối, bảo ông hãy làm những gì cần phải làm, rồi từ từ ông sẽ hiểu. Tại sao Đức Giêsu lại chấp nhận bị coi là tội nhân, dù Ngài tinh khiết và vẹn sạch vô cùng? Vì sao Ngài lại muốn đồng hóa mình với hạng tội lỗi và chấp nhận được rửa tội bởi một con người, trong khi chính Ngài là Thiên Chúa?

Các bạn trẻ thân mến,

Trong thư gửi tín hữu Philiphe, thánh Phaolô đã diễn tả công cuộc tự hạ của Ngôi Hai Thiên Chúa như sau: Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc thấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá (Pl 2,6-8). Sự tự hạ của Ngôi Hai Thiên Chúa từ thân phận Chúa Tể muôn loài xuống thân phận con người mới chỉ là bước đầu tiên. Trở nên như con người, sống như con người, có cảm giác và có các nhu cầu như con người, Ngài đã hoàn toàn giống như con người. Nhưng con người cũng có nhiều loại, nhiều hạng. Có người sống nơi chốn đài cát cao sang, có người cơm dư gạo thừa phú quý. Giêsu đã đi xuống một bước nữa, là chọn cho mình một vị thế ngang bằng với vị thế của một tội nhân, được đánh dấu bằng cái chết nhục hình, cái chết trên thập giá, một hình phạt dành cho những tên tội đồ nguy hiểm, hung ác và ghê tởm nhất. 

Vốn là Đấng thanh sạch, Giêsu đã tự xếp mình vào hàng tội nhân là để có thể hoàn toàn chung chia kiếp sống tối đen của con người. Có con người nào không có tội đâu? Nếu Ngài chỉ ở vị trí của những vị thánh, Ngài không thể là Đấng cứu chuộc được. Nếu Ngài muốn giữ một khoảng cách với các tội nhân, Ngài đâu cần xuống thế làm gì. Giêsu đã chọn là một con người, để trở thành mẫu gương cho mọi con người vì Ngài đã sống trọn một đời mà không hề bị vấy bẩn bởi tội lỗi. Giêsu đồng hóa mình với tội nhân, không phải vì Ngài đồng lõa với các tội nhân. Ngài không muốn con người phạm tội nhưng Ngài luôn bao dung với những ai vì yếu đuối mà phạm tội. Ngài không thích tội lỗi mà ta vương vào nhưng Ngài luôn yêu mến và ôm ấp chính con người của ta. 

Ngược lại với Giêsu, ta vẫn hay kỳ thị và thích bêu xấu một ai đó khi họ làm điều gì sai. Ta quên mất là người ấy với tội người ấy phạm là hai điều khác nhau. Thiên Chúa dựng nên con người vốn bản chất là tốt đẹp, vì dựa trên khuôn mẫu là chính Chúa. Vì thế, mọi con người đều phải đáng được trân trọng và yêu thương. Tội lỗi có thể làm cho họ có phần xấu đi, nhưng tự bản chất, họ được đóng ấn sự Thiện của Thiên Chúa. Họ đáng thương và cần được giúp đỡ, hơn là đáng trách và bị lánh xa. Giêsu đã từ trời cao xuống tận đáy của âm phủ, xếp mình ngang hàng với tội nhân, là để đưa tội nhân có ngày được nên như Chúa. 

Chúng ta hãy cùng tạ ơn Chúa vì tình yêu vô lượng của Ngài dành cho những người tội nhân như chúng ta và xin Ngài giúp chúng ta cũng biết mở rộng trái tim khi hành xử với những anh chị em vì yếu đuối mà sa vào tội lỗi.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét