Trang

Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

Ai thương xót ta, nếu ta không biết thương xót chính mình?

Ai thương xót ta, nếu ta không biết thương xót chính mình?
Ngày 15 tháng Giêng vừa qua hàng chục nước ân nhân của Siria đã kết thúc cuộc họp tại Kuweit. Cuộc họp đã chỉ thành công một nửa, vì đã không đạt được số tiền cần có để cứu trợ Siria. Ông Ban Ki-Moon, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, đã tỏ vẻ thất vọng, khi thông báo số tiền các nước này đã đóng góp chỉ được 2 tỷ 400 triệu mỹ kim, tức ít hơn một phần ba ngân khoản dự trù có được. Liên Hiệp Quốc cũng mạnh mẽ tố cáo các vụ tàn sát tập thể do các lực lượng thánh chiến chủ mưu, trong đó có nhóm ”Nhà nước Hồi giáo Irak” và ”Mặt trời mọc” gắn liền với tổ chức khủng bố Al Qaeda. Trên bình diện ngoại giao trong hai ngày 16 và 17 tháng Giêng đại diện của các chính quyền Nga, Iran và Siria đã gặp nhau tại thủ đô Matscơva. Trước các khó khăn mà việc cứu trợ nhân đạo phải đối phó trong lúc này Đức Tổng Giám Mục Mario Zenari, Sứ Thần Tòa Thánh tại Siria, đã tha thiết kêu gọi cộng đồng quốc tế lắng nghe tiếng gào thét tuyệt vọng của người dân Siria đang ngã qụy trong cơn lốc bạo lực, và mau chóng làm tất cả những gì có thể để cứu sống dân chúng. Điều cấp thiết nhất hiện nay là giúp đạt được một cuộc ngưng bắn để có thể chuyển đồ cứu trợ tới cho các nạn nhân, đặc biệt trong các tỉnh miền đông và cả các vùng chung quanh thủ đô Damasco.

Người ta không biết hội nghị Genève II khai diễn vào ngày 22 tháng Giêng này với sự tham dự của các phe lâm chiến và đại diện của các nước có liên lụy trong cuộc nội chiến có đem lại một giải pháp hòa bình cho Siria hay không. Các lực lượng cách mạng đối lập nhất quyết đòi tổng thống Bashar al-Assad phải ra đi, trong khi chính quyền Damasco vẫn luôn luôn coi các lực lượng nổi dậy là các nhóm khủng bố phá hoại. Và ước nguyện của tổng thổng Bashar al-Assad là ”được chết trên quê hương của mình”. Nhưng đó chỉ là kiểu nói hoa mỹ nhằm che dấu tham vọng duy trì quyền lực bằng mọi cách, kể cả với giá máu của hàng trăm ngàn người dân và một đất nước đổ nát tan hoang, sau bao nhiêu thập niên hy sinh cố gắng xây dựng để đạt được sự phồn thịnh như cho tới cách đây hơn ba năm.

Vấn đề đó là cả hai phe đều dựa vào sự ủng hộ của các nước ngoài sẵn sàng cung cấp khí giới cho họ tàn sát lẫn nhau. Như đã biết, chính quyền của tổng thống Bashar al-Assad được Nga, Trung Quốc và Iran cung cấp khí giới, trong khi Hoa Kỳ, Âu châu và vài quốc gia A Rập cung cấp khí giới cho các lực lượng cách mạng. Từ nhiều thập niên qua số vũ khí Nga bán cho Siria lên tới hơn 2 tỷ mỹ kim mỗi năm. Nhưng Siria cũng mua khí giới của vài nước Âu châu và nhờ kỹ thuật các nước này cung cấp đã chế ra các vũ khí hóa học, hiện nay đã bị tịch thu và sẽ bị hủy bỏ. Siria trở thành chợ trời vũ khí: đó là một trong các lý do khiến cho chiến tranh nước này kéo dài, khó chấm dứt.

Đây cũng là một sự thật sống sượng, mà các phương tiện truyền thông quốc tế thường tránh né, ít khi dám thẳng thắn đề cập tới, hay phân tích hoặc mạnh dạn tố cáo: đó là ”chiến tranh thương mại” làm giầu cho các quốc gia có kỹ nghệ chế tạo và buôn bán vũ khí.” Đứng đầu là Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, rồi đến các nước Âu châu, trong đó Anh, Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha chiếm vị thế ưu tiên. Tiếp đến cho tới vài thập niên gần đây lại có thêm các nước có nền kinh tế đang lên như Ấn Độ, Brasil và Nam Phi. Rồi còn có cả các nước A Rập và nhiều nước Phi châu như Ai Cập, A Rập Sauđi, Camerun vv... Như thế chiến tranh là một lợi nhuận, đem lại các số tiền lời khổng lồ hàng trăm tỷ mỹ kim hằng năm, nên việc ”tạo ra thị trường tiêu thụ vũ khí” cũng là một khâu khác của kỹ nghệ chế tạo và buôn bán vũ khí trên thế giới.

Tuy nhiên, ngày nay người ta không còn có thể chỉ quy tội cho các cường quốc, hay các nước tây âu hoặc đông âu, chế tạo buôn bán vũ khí nữa, mà trách nhiệm cũng tùy thuộc rất nhiều nơi hàng lãnh đạo của các nước nghèo đang trên đường phát triển. Sự kiện giới lãnh đạo các nước nghèo dành rất nhiều ngân khoản cho việc mua và trang bị vũ khí cho quân đội là một sự thật qúa hiển nhiên, không thể che dấu và chối cãi được nữa.

Điển hình như tình hình vùng Đông Nam Á hiện nay. Trung Quốc ”xấc xược” coi Biển Đông là của mình và uy hiếp các nước nhỏ trong vùng, chỉ vì muốn ăn cướp tài nguyên, hải sản và mỏ dầu hỏa khổng lồ nằm bên dưới thềm lục địa của Việt Nam và các nước vùng Đông Nam Á. Nhưng các động thái khiêu khích, đe dọa, trấn áp và xâm lăng của Trung Quốc khiến cho các nước toàn vùng ở trong trình trạng căng thẳng báo động, và làm cho các chính quyền thi đua nhau mua vũ khí của Hoa Kỳ, Nga, Âu châu và Ấn Độ. Kể cả chính quyền cộng sản Việt Nam, một đàng thì đã ký thỏa hiệp ngầm bán nước cho Trung Quốc từ lâu, nhằm biến Việt Nam trở thành một tình của Tầu, đàng khác lại ”giả vờ đóng kịch hốt hoảng” ký thỏa hiệp mua khí giới của Hoa Kỳ và Ấn Độ gọi là ”để đương đầu với họa mất nước”. Trong khi đó nhà nước cộng sản Việt Nam lại không hề dám mở miệng lên tiếng phản đối các hành động xấm lăng của Trung Quốc cướp đất, cướp biển, cưởp hải sản và quặng mỏ của Việt Nam, giết ngư dân, để cho người Tầu tha hồ tự do sang Việt Nam thành lập nhiều thành phố làng mạc buôn bán và thống trị thị trường sản xuất trong nước, nhưng lại thẳng tay đàn áp sinh viên học sinh, các nhà tranh đấu cho dân chủ và những người yêu nước biểu tình phản đối chính sách xâm lăng của Trung Quốc.

Như thế, cũng như trường hợp của Siria, nếu chính quyền và các lực lượng của một quốc gia mà không biết thương xót dất nước và dân tộc mình để cố gắng tìm ra giải pháp hòa bình, tránh cho quốc qia khỏi bị diệt vong, thì ai là người có thể thương xót và làm nhiệm vụ này thay cho họ đây? Ai thương xót ta, nếu ta không biết thương xót chính mình?

Linh Tiến Khải 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét