13/01/2014
Thứ Hai sau Chúa Nhật
1 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (năm II) 1 Sm 1, 1-8
"Anna buồn sầu, vì Chúa đã để bà phải son sẻ".
Khởi đầu sách Samuel quyển thứ nhất.
Khi ấy, có một người quê ở Rama-Sôphim, miền núi
Ephraim, tên là Elcana, con của Giêrôha, Giêrôha con của Êlihu, Êlihu con của
Thôhu, Thôhu con của Súp, người Ephratha. Elcana có hai người vợ: một tên là
Anna, người kia tên là Phênenna. Và Phênenna có nhiều con, còn Anna thì không
có con. Vào những ngày luật quy định, ông này thường rời quê mình lên Silô để
thờ lạy Chúa các đạo binh và hiến dâng của lễ. Tại Silô, có hai người con của
Hêli là Ophni và Phêni, cả hai đều là tư tế của Chúa. Ngày kia Elcana đi tế lễ,
ông chia phần cho bà vợ Phênenna và tất cả các con trai con gái của bà. Ông buồn
sầu chia cho Anna có một phần, mặc dầu ông yêu bà: vì Thiên Chúa để cho bà phải
son sẻ. Cả đối thủ của bà cũng làm cho bà buồn phiền và nhục mạ bà, vì Chúa đã
để bà phải son sẻ. Hằng năm, mỗi lần đến ngày lên đền thờ Chúa, Elcana đều chia
phần như thế, và Anna cũng đều bị khiêu khích như vậy. Bà than khóc và không ăn
uống gì. Vậy Elcana, chồng bà, đã nói với bà rằng: "Hỡi Anna, sao bà khóc,
và không ăn uống gì? Sao bà buồn như vậy? Tôi đây chẳng quý hơn mười đứa con
sao?"
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 115, 12-13. 14 và 17. 18-19
Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ hiến
dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ (c. 17a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Con lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp
những điều Ngài ban tặng cho con? Con sẽ lãnh chén cứu độ, và con sẽ kêu cầu
danh Chúa. - Ðáp.
2) Con sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt
toàn thể dân Ngài. Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu
cầu danh Chúa. - Ðáp.
3) Con sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt
toàn thể dân Ngài, trong nơi hành lang nhà Chúa, ở giữa lòng ngươi, Giêrusalem
hỡi! - Ðáp.
Alleluia: 1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi
tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 1, 14-20
"Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa,
rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: "Thời giờ đã mãn và nước
Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng".
Ðang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy
Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh
cá. Chúa Giêsu bảo các ông: "Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở
thành những kẻ chài lưới người". Lập tức bỏ lưới, các ông theo Người. Ði
xa hơn một chút nữa, Người thấy Gia-côbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp
lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên
thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:Sám hối và tin vào Tin Mừng
Trong
sưu tập về các thánh ẩn tu trong sa mạc, có kể giai thoại như sau: Có hai tội
nhân quyết tâm vào sa mạc để ăn chay đền tội. Nguyên một năm ròng rã, mỗi người
giam mình trong một túp lều riêng, ngày đêm ăn chay, cầu nguyện và đánh tội.
Ngày ngày các tu sĩ của cộng đoàn nọ đem thức ăn đến tận căn lều riêng cho từng
người. Sau đúng một năm thử thách, các tu sĩ nhận thấy có sự khác biệt giữa hai
người: một người thì vui vẻ, khỏe mạnh; một người thì ốm o buồn phiền. Cả hai đến
trình diện trước Bề Trên cộng đoàn để chờ xem họ có xứng đáng được gia nhập cộng
đoàn hay không. Khi được hỏi suốt một năm qua, họ đã suy niệm về những gì.
Người
ốm o buồn sầu cho biết:
-
Trong năm qua, ngày ngày tôi nhớ lại những tội đã phạm, từng giây từng phút tôi
nhớ đến những hình phạt sẽ gánh chịu, tôi sợ hãi đến mất ăn mất ngủ.
Ðến
lượt mình, người vui vẻ khỏe mạnh trả lời:
-
Suốt một năm qua, từng giây từng phút, tôi hằng cảm tạ Chúa vì đã tha thứ cho
tôi: tôi luôn nghĩ tới tình yêu của Ngài.
Các
tu sĩ trong cộng đoàn rất cảm kích trước tâm tình của người vui tươi khỏe mạnh
vì lòng sám hối của anh đã biến thành lời ca cảm tạ tri ân tình yêu Chúa.
Sám
hối là khởi đầu của sự nên thánh. Dĩ nhiên, không phải tất cả những vị thánh đều
bắt buộc phải là những tội nhân, nhưng tất cả đều phải bắt đầu với ý thức về tội
lỗi và sự yếu hèn của mình. Càng ý thức về con người tội lỗi, bất toàn của
mình, con người càng cảm nhận được tình yêu của Chúa. Ðó là cảm nhận của vua
Ðavít, của thánh Phêrô, của thánh Augustinô và của tất cả các vị đại thánh
trong lịch sử Giáo Hội.
Lời
đầu tiên Chúa Giêsu dùng để khai mạc sứ mệnh của Ngài chính là: "Hãy sám hối
và tin vào Tin Mừng". Chúa Giêsu đã nối kết sám hối với Tin Mừng. Tin Mừng
là gì, nếu không phải là tình yêu Thiên Chúa được thể hiện qua con người Chúa
Giêsu Kitô. Sám hối không chỉ là ý thức và hồi tưởng về tội lỗi của mình; sám hối
đích thực không dừng lại ở buồn phiền, sợ hãi và thất vọng, mà là ngõ tất yếu dẫn
đến Tin Mừng, nghĩa là vui mừng, hoan lạc.
Thiên
Chúa mà Chúa Giêsu mạc khải qua cuộc sống và nhất là qua cái chết của Ngài, là
một người Cha muốn được con cái yêu mến hơn là sợ hãi. Ðạo mà Chúa Giêsu thiết
lập không phải là đạo của buồn phiền, của khổ đau, nhưng là đạo của Tin Mừng, của
tình yêu, của hân hoan và hy vọng. Ðành rằng Thập giá là biểu tượng của Kitô
giáo, nhưng người Kitô hữu không dừng lại ở chết chóc, khổ đau, buồn phiền;
trái lại họ luôn được mời gọi để nhìn thấy ánh sáng, hy vọng, tin yêu và sự sống
bên kia Thập giá.
Ước
gì Lời Chúa hôm nay ban sức sống để chúng ta không bị đè bẹp dưới sức nặng của
tội lỗi, của yếu hèn. Xin cho chúng ta luôn tiến bước trong hân hoan và tin tưởng,
vì biết rằng Thiên Chúa là Cha yêu thương, không ngừng nâng đỡ và tha thứ cho
chúng ta.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 1 TN2
Bài đọc: I Sam 1:1-8; Mk
1:14-20.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cùng nhau làm việc.
Người
Việt Nam chúng ta rất thành công khi làm việc một mình; nhưng thường thất bại
khi phải làm việc chung với người khác. Lý do là vì chúng ta sợ: sợ bị mất quyền
hành, sợ người khác hơn mình, sợ phải san sẻ lợi lộc cho người khác. Để có thể
làm việc chung, chúng ta phải vượt qua những nỗi lo sợ này; phải cho các cộng sự
viên của mình cơ hội để họ chứng minh họ xứng đáng với niềm tin của chúng ta;
và phải nhìn thấy những mối lợi do sự làm việc chung mang lại hơn là lo sợ những
gì chúng ta phải mất.
Hơn
nữa, để làm việc chung có hiệu quả, trước khi trao công việc, chúng ta phải: huấn
luyện để các cộng sự viên biết làm những gì chúng ta trao cho họ; trao việc là
phải trao quyền hành: cộng sự viên là những người đại diện chúng ta để giải quyết
vấn đề, chúng ta cần cho họ biết trước những giới hạn về quyền hành nếu có; và
phải giúp mọi phương tiện, để họ có thể thi hành sứ vụ được trao phó.
Các
Bài đọc hôm nay cho thấy ích lợi của làm việc chung: Trong Bài Đọc I, tác giả
nêu lên sự tương phản giữa sự khinh thường và sự thông cảm hoàn cảnh đau khổ của
bà Hannah. Bà Peninnah luôn tìm cơ hội để chọc tức và khinh thường; trong khi
ông Elkanah luôn tìm dịp an ủi và yêu thương bà Hannah. Trong Phúc Âm, sau khi
nhận lãnh sứ vụ từ Chúa Cha, Chúa Giêsu mời gọi 4 môn đệ đầu tiên để Ngài huấn
luyện họ, trước khi sai họ đi để tiếp tục sứ vụ của Ngài trên trần gian.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài Đọc I:
Hai thái độ trước nỗi đau khổ của tha nhân
1.1/
Thái độ khinh thường và chọc tức của bà Peninnah: Trình thuật kể ông
Elkanah có hai vợ: bà Peninnah và bà Hannah. Bà Peninnah có con, còn bà Hannah
không có con. Hằng năm, ông Elkanah đưa gia đình lên thờ lạy và dâng hy lễ cho
Đức Chúa các đạo binh tại Shiloh. Đến ngày ông Elkanah dâng hy lễ, ông thường
chia các phần cho bà Peninnah, vợ ông, và cho các con trai con gái bà ấy. Còn
bà Hannah, thì ông chia cho một phần ngon, vì ông yêu bà, mặc dù Đức Chúa đã
làm cho bà không sinh sản được.
Ông
Elkanah đối xử công bằng đồng đều và yêu thương mọi người trong gia đình; nhưng
bà Peninnah thì không. Bà luôn kiếm cơ hội để chọc tức và hạ nhục bà Hannah, vì
Đức Chúa đã làm cho bà không sinh sản được. Đây là điều thường xảy ra cho những
người có nhiều vợ, vì bà nào cũng muốn không những được chồng thương yêu; nhưng
còn phải ghét bỏ những bà khác.
1.2/
Thái độ thông cảm với nỗi buồn tủi của bà Hannah: Khi nhìn thấy nỗi
đau khổ của bà Hannah, ông Elkanah biết ông không thể thay đổi tính kiêu ngạo
và ghen tị của bà Peninnah; nên ông dành tình yêu thương cho Bà Hannah nhiều
hơn. Khi thấy bà khóc và không chịu ăn, ông Elkanah an ủi bà: "Hannah, sao
em khóc? Sao em không chịu ăn? Sao lòng em rầu rĩ vậy? Đối với em, anh lại
không hơn mười đứa con trai sao?"
Làm
vợ mà không có con là một sự sỉ nhục cho người đàn bà. Miệng lưỡi người thế
gian thường cho là hậu quả của việc ăn ở thất nhân ác đức. Đó là lý do bà
Hannah u sầu đau khổ: Bà biết mình không ăn ở thất nhân, ác đức; nên Bà đến cầu
xin thống thiết với Thiên Chúa. Nếu Ngài thương cất nỗi nhục nhằn và ban cho Bà
một mụn con trai, Bà sẽ dâng con trả lại cho Thiên Chúa, để nó phục vụ Ngài suốt
đời; chứ Bà sẽ không giữ con cho mình. Thiên Chúa đã thấu hiểu nỗi đau khổ của
Bà; nên qua miệng thầy cả Eli, Ngài hứa sẽ ban cho Bà điều Bà xin.
2/
Phúc Âm:
Chúa Giêsu gọi 4 môn đệ đầu tiên.
2.1/
Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá: Trình thuật hôm nay
bắt đầu sứ vụ công khai rao giảng của Chúa Giêsu sau 30 năm ẩn mình tại
Nazareth. Sứ điệp của Chúa Giêsu cho mọi người: “Thời kỳ đã mãn, và triều đại của
Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy xám hối và tin vào Tin Mừng.” Hai điều quan
trọng Chúa muốn nhấn mạnh đến:
(1)
Thời giờ đã điểm, triều đại của Thiên Chúa đã đến: Giống như Thư
Do-Thái, Marcô nhấn mạnh đến sự xuất hiện quan trọng của Chúa Giêsu: tuy vẫn có
sự liên tục trong Kế Họach Cứu Độ, nhưng Chúa Giêsu mang Kế-hoạch này đến chỗ
hoàn hảo.
(2)
Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng: Đây là điều kiện để con người được hưởng Ơn Cứu Độ của
Thiên Chúa.
Để
kiếm người cộng tác loan truyền sứ điệp, Chúa Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên.
Ngài không xa lạ gì với Biển Hồ Galilee và dân chài lưới, có thể Ngài đã từng dạo
chơi chung quanh, và đã nói chuyện với họ; nhưng hôm nay, Ngài mời gọi họ bỏ mọi
sự để cất bước theo Ngài. Nghề đánh cá là nghề khó nhọc và đòi hỏi rất nhiều
kiên nhẫn: phải thả lưới bắt cá khi nào cá đi tìm mồi, chứ không phải muốn thả
lúc nào thì thả. Thời giờ bắt cá thường là đêm tối cho đến lúc tảng sáng, đó là
giờ ngủ của con người. Chúa Giêsu chỉ hứa hẹn với các ông một điều: “Tôi sẽ làm
cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Nói cách khác, Ngài hứa sẽ
huấn luyện các ông để cứu vớt linh hồn của người ta. Ngài muốn cho các ông nhận
ra ý nghĩa của cuộc đời bằng chính việc các ông đang làm: Đánh cá để kiếm của
ăn sinh sống không quan trọng cho bằng việc đánh cá để cứu linh hồn các con người
đang cần đến các ông.
2.2/
Thái độ của các môn đệ khi được Chúa Giêsu gọi.
(1)
Simon và Anrê: Lập
tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. Thái độ của hai ông đáp trả rất can
đảm và dứt khóat. Can đảm vì phải bỏ nghề nghiệp sinh sống, các ông không chút
thắc mắc “giải nghệ rồi làm gì ăn?” Dứt khóat vì quyết định rất nhanh chóng,
không tiếc nuối chút nào cả.
(2)
Giacôbê và Gioan:
Các ông bỏ cha mình là ông Zebedee ở lại trên thuyền với những người làm công,
mà đi theo Người. Hai ông không những bỏ nghề mà còn bỏ cả cha, đấng sinh thành
ra mình. Chúa Giêsu phải có điều gì lôi cuốn các ông hơn là nghề nghiệp và tình
cảm gia đình.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Thiên Chúa có thể làm tất cả một mình, nhưng Ngài muốn sự cộng tác của con người.
Ngài muốn con người cộng tác với nhau để cùng nhau sinh sống và giúp đỡ lẫn
nhau. Để có thể làm việc chung, chúng ta cần tin tưởng, thông cảm, giúp đỡ, và
tạo cơ hội thuận tiện cho tha nhân để họ có thể đóng góp vào công việc chung.
-
Chúng ta cần tuyệt đối tránh thái độ kiêu ngạo, khinh thường tha nhân, và sợ họ
hơn mình. Để có được những điều này, chúng ta cần có tầm nhìn rộng lớn, tích cực,
và những lợi ích do làm việc chung mang lại.
-
Chúng ta cần phản ứng cách tích cực trước lời mời gọi của Thiên Chúa; nhất là
trong việc rao giảng Tin Mừng. Mỗi người được Chúa ban tài năng và hoàn cảnh
khác nhau để góp phần trong việc mang Lời Chúa đến cho mọi người.
Linh
mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
HẠT GIỐNG NẢY MẦM
Mc
1,14-20
A.
Hạt giống...
Bài
Tin Mừng này gồm 2 đoạn :
a.
Tóm lược nội dung lời rao giảng của Chúa Giêsu : Ngài nói "Nước Thiên Chúa
đã đến gần" ; Ngài cho biết điều kiện để được vào Nước ấy là "Hãy sám
hối và tin vào Tin Mừng".
b.
Ơn gọi của những môn đệ đầu tiên. Qua đó ta biết được những điểm chính yếu của
một ơn gọi :
-
Chúa Giêsu "thấy" (động từ đầu tiên của cả 2 bài tường thuật) : ơn gọi
xuất phát từ sáng kiến của Chúa.
-
"Hãy theo tôi" : được gọi tức là được mời đi theo Chúa Giêsu để Ở Với
Ngài, học với Ngài, noi gương Ngài và chia xẻ sứ mạng của Ngài.
-
"Lập tức" : mau mắn đáp trả lời Chúa gọi.
-
"Hai ông bỏ (bài đầu "Bỏ chài lưới" ; bài sau "bỏ cha và những
người làm công") mà đi theo Ngài" : theo ơn gọi thì phải từ bỏ, kể cả
tất cả những gì thân thiết nhất.
B....
nẩy mầm.
1.
Sám hối : Satan phàn nàn với Chúa : "Ngài không công bằng. Nhiều tội nhân
làm điều sai trái và Ngài lại đón nhận họ. Thật ra, có người trở lại sáu bảy lần
và Ngài vẫn nhận. Tôi chỉ phạm một lỗi lớn mà Ngài kết án tôi đời đời."
Chúa nói : "Đã bao giờ ngươi xin tha thứ hoặc ăn năn chưa ?". (Góp nhặt)
2.
Paddy đang hồi phục sau ca mổ, ba bạn thân ghé thăm để khích lệ anh. Ngoài chuyện
thăm hỏi, họ kể cho anh về những ca mổ họ nghe biết.
Một
người nói : "Tôi nghe có một ca mổ họ để quên cái gạc trong bụng bệnh nhân
và phải mổ để lấy ra".
Người
khác kể về ca mổ bác sĩ để quên kéo bên trong và bệnh nhân phải mổ lần nữa để lấy
ra. Vừa nói xong, bác sĩ thực hiện ca mổ cho Paddy thò đầu vào cửa gọi lớn :
"Có ai thấy mũ của tôi không ?" Và Paddy ngất đi.
Một lần xưng thú không chân thành giống như một ca mổ tồi tệ. Một vài thứ bị để
quên và phải thực hiện một ca mổ khác để lấy ra. (Góp nhặt)
3.
Người ta thường hiểu ơn gọi theo nghĩa hẹp là ơn gọi làm Linh mục, Tu sĩ. Nhưng
thực ra mọi kitô hữu cũng đều được Chúa gọi để làm kitô hữu xứng đáng trong bậc
sống của mình.
4.
Khi Chúa gọi ai, việc đầu tiên là Ngài bảo người đó từ bỏ. Ơn gọi đầu tiên
trong Cựu Ước là như thế : Thiên Chúa nói với Abraham "Hãy đi khỏi xứ sở
ngươi, khỏi nhà cha ngươi..." (St 12,1). Ơn gọi đầu tiên trong Tân Ước
cũng như thế : 4 môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu "lập tức bỏ chài lưới (bỏ
thuyền, bỏ cha mẹ lại) mà theo Ngài" (Mt 4,20.22). Tất cả những ơn gọi khác
cũng phải như thế thôi.
5.
Hai người giáo dân đứng ngoài chợ nói chuyện với nhau :
-
Anh nghĩ xem chúng ta có cần tiếp tay với Cha xứ để lo việc họ đạo không ? Người
thứ nhất hỏi.
-
Tôi cũng thường nghĩ đến điều đó. Nhưng khi tôi thấy chung quanh cha chỉ có một
nhóm nhỏ những người thân tín thì tôi không muốn gia nhập nhóm nhỏ ấy nữa.
Nảy
giờ đứng bên cạnh đã nghe hết, anh chen vào :
-
Đúng thế, chung quanh cha xứ chỉ có một nhóm nhỏ thôi. Nhưng các anh có biết tại
sao không ?
-
Tại sao ? Tại sao ? Xin cho chúng tôi biết với.
-
Hồi cha mới đến xứ đạo, cha đã kêu mời mọi người cộng tác. Nhưng sau đó chỉ có
một ít người đáp lời thôi. Đó là những người biết nói "VÂNG". (Góp nhặt)
Lm.Carolo HỒ BẶC
XÁI – Gp. Cần Thơ
13/01/14 THỨ HAI TUẦN 1 TN
Th. Hilariô, giám mục, tiến sĩ HT
Mc 1,14-20
Th. Hilariô, giám mục, tiến sĩ HT
Mc 1,14-20
TIN VÀ ĐI THEO
“Anh em hãy sám hối và tin
vào Tin Mừng. ...Các anh hãy theo tôi. Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới
người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. (Mc 1,15-18)
Suy niệm: Tin Mừng Chúa Giêsu là một con đường đòi hỏi người
ta tin và đi theo.
Đó là cả một quá trình phấn đấu để trở thành người thấm nhuần con đường cứu độ
của Chúa. Đó là con đường cách mạng nhân bản gồm ba điểm: tu thân, sống giáo lý
đạo trời, và đi theo Chúa. Để tu thân, Chúa mở ra con đường mới: sống hòa bình
chứ không hiếu chiến, yêu thương chứ không tàn ác, hối hận chứ không thù hận,
sửa mình chứ không bêu xấu anh em. Nhờ giáo lý đạo trời, chúng ta được giải
thoát khỏi đời sống thấp hèn, sống hòa hợp với Chúa và với anh em. Bước
theo Chúa là bắt đầu lên đường và phải qua quá trình phấn đấu, thử thách, thanh
tẩy, được huấn luyện và kiện toàn.
Mời Bạn: Chúng
ta chỉ trở thành Kitô hữu khi chúng ta đặt đời sống của chúng ta trong đời sống
Chúa Kitô. Hôm nay Chúa Giêsu vẫn cần bạn vì bạn là Kitô hữu. Thực tế gia đình
và xã hội hôm nay đang đặt ra cho mỗi người chúng ta những vấn đề như băng hoại
đạo đức, chà đạp nhân phẩm, bất công xã hội và đói nghèo. Không những chúng ta
phải cầu nguyện nhưng còn phải dấn thân nhập cuộc nữa.
Chia sẻ: Bạn
có muốn trở nên tông đồ của Chúa không? Bạn sẽ làm gì cho gia đình, cho giáo xứ
bạn, nơi bạn làm việc?
Sống Lời Chúa: Quyết tâm từ bỏ một nết xấu như rượu chè, cờ
bạc, cãi cọ…
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương và mời gọi chúng con làm con cái
Chúa. Xin giúp chúng con sống xứng danh người Kitô hữu, để nhờ đó mọi người
nhận ra Chúa là tình yêu.
Thấy
- Gọi - Bỏ - Theo
Hôm nay Đức Giêsu vẫn cần những con người dám sống
cho người khác, dám bỏ lại những điều rất quý giá và thân thương, dám bỏ lại cuộc
sống ổn định và ấm êm, tiện nghi và dễ chịu.
Suy niệm:
Sau khi chịu phép rửa của
Gioan ở sông Giođan
Đức Giêsu biết đã đến lúc
mình phải rời bỏ gia đình ở Nadarét,
phải chia tay với người
mẹ thân yêu,
phải từ giã nghề nghiệp
mà mình đã theo đuổi mấy chục năm trời.
Sau khi nhận Thánh Thần
từ trên xuống,
Đức Giêsu biết đã đến lúc
mình phải lên đường
dấn thân cho sứ mạng do
Cha ủy thác.
Vùng Galilê là vùng Ngài
bắt đầu rao giảng Tin Mừng về Nước Trời (c.14).
Ngài mời người ta sám hối
và tin vào Tin Mừng mà Ngài rao giảng.(c.15).
Nhưng Đức Giêsu không
nghĩ rằng mình có thể tự mình làm mọi sự.
Ngài cần người cộng tác,
dù nước Ítraen chỉ là một nước bé nhỏ.
Đức Giêsu đi tìm môn đệ,
và Ngài bắt gặp các anh đánh cá nơi hồ Galilê.
Có hai đôi anh em ruột đã
lọt vào mắt của Ngài.
Ngài THẤY Phêrô và Anrê
đang quăng lưới bắt cá.
“Hãy theo tôi. Tôi sẽ làm
các anh thành những kẻ lưới con người” (c. 17).
Đây là một mệnh lệnh
nhưng cũng là một lời mời thân thương.
Ngài GỌI họ đi theo Ngài,
theo chính con người của Ngài,
chứ không phải theo một
lý tưởng hay một chủ nghĩa nào đó, dù là cao đẹp.
Theo Ngài sẽ dẫn đến một
thay đổi lớn nơi họ: từ lưới cá đến lưới con người.
Bây giờ con người là mối
bận tâm của họ, không phải là cá như xưa nữa.
Đức Giêsu cũng thấy cặp
anh em ruột thứ hai là Giacôbê và Gioan.
Họ đang vá lưới trong
khoang thuyền với người cha.
Khung cảnh cha con thật
êm đềm, tưởng như chẳng gì có thể làm xáo trộn.
Tiếng gọi của Thầy Giêsu
vang lên, gây cuộc chia ly.
Bốn anh đánh cá đầu tiên
này đã BỎ để dáp lại tiếng gọi của Thầy Giêsu.
Họ đã bỏ chài lưới, bỏ
nghề dánh cá, bỏ những thú vui của sông nước.
Hơn nữa họ còn bỏ gia
đình, bỏ vợ, bỏ cha, để gắn bó với Thầy Giêsu.
Họ bỏ một giá trị để sống
cho một Giá Trị lớn hơn,
bỏ một tình yêu để sống
cho một Tình Yêu lớn hơn.
Đức Giêsu đã có kinh
nghiệm về sự đau đớn khi phải từ bỏ như vậy.
Nhưng bỏ chính là để THEO
(cc. 18.20).
Theo một Đấng sống không
chỗ tựa đầu, và bước vào cuộc phiêu lưu bấp bênh.
Hôm nay Đức Giêsu vẫn cần
những con người dám sống cho người khác,
dám bỏ lại những điều rất
quý giá và thân thương,
dám bỏ lại cuộc sống ổn
định và ấm êm, tiện nghi và dễ chịu.
Xin cho chúng ta nghe
được tiếng gọi thì thầm của Ngài và vui sướng đáp lại.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
chúng con không hiểu tại
sao Chúa chọn Simon,
một người đánh cá ít học
và đã lập gia đình,
để làm vị Giáo Hoàng đầu
tiên của Giáo Hội.
Chúa xây dựng Giáo Hội
trên một tảng đá mong
manh,
để ai nấy ngất ngây trước
quyền năng của Chúa.
Hôm nay Chúa cũng gọi
chúng con
theo Chúa, sống cho Chúa,
đặt Chúa lên trên mọi sự:
gia đình, sự nghiệp,
người yêu.
Chúng con chẳng thể nào
từ chối
viện cớ mình kém đức kém
tài.
Chúa đưa chúng con đi xa
hơn,
đến những nơi bất ngờ,
vì Chúa cần chúng con ở
đó.
Xin cho chúng con một
chút liều lĩnh của Simon,
bỏ mái nhà êm ấm để lên
đường,
hạnh phúc vì biết mình
đang đi sau Chúa. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Suy niệm
Sau trình thuật vắn tắt
về Gioan Tẩy giả, về phép rửa của Đức Giêsu và thời gian ẩn dật của Người.
Thánh sử Marcô tiếp tục khắc họa những ngày khởi đầu trong sứ vụ công khai của
Đức Giêsu. Sau khi công bố sứ điệp cứu rỗi, Chúa Giêsu đi tới hành động:
Người chọn gọi các môn đệ đầu tiên. Người gọi ông Simon và Anrê, Giacôbê và
Gioan, và các ông đã mau mắn đáp trả, bỏ mọi sự mà đi theo Người. Sự hối cải và
tin vào Tin mừng được thể hiện nơi quyết định chọn theo Chúa.
Chúa lên tiếng gọi, các
ông đáp trả. Cả tiếng gọi và lời đáp trả đều diễn ra cách mau lẹ nhưng không
kém phần quyết đoán, dứt khoát. Đáp lại lời mời gọi của Chúa, Simon (Phêrô) và
Anrê đã phải bỏ lưới là dụng cụ thiết thân với cuộc sống, với việc mưu sinh;
còn Giacôbê và Gioan đã phải giã biệt cha. Các ông không những từ bỏ một tay
nghề sẵn có, một cuộc sống ổn định, mà còn phải bỏ cả những gì là thân thương,
gần gũi nhất… để hoàn toàn thuộc trọn về Chúa. Như thế, để trở nên môn đệ của
Chúa không gì khác hơn là “một cuộc lột xác” khỏi những vướng mắc thế gian để
hướng con tim mình về một bến bờ khác, bến bờ của yêu thương và phục vụ
như Chúa.
Ngày ngày, Chúa vẫn “đi
dọc theo biển hồ” của dòng đời. Người vẫn không ngừng lên tiếng gọi tức thời và
khẩn thiết để gọi mời mọi người cùng chung tay góp sức, hái về cho Người những
mùa gặt bội thu. Sứ mạng rao giảng Tin mừng luôn là điều cấp bách cho mọi ngày,
mọi thời. Giáo hội đã, đang và sẽ luôn cần đến những tay thợ gặt lành nghề để
trở thành “những kẻ chài lưới người” thực thụ
Lạy Chúa, xin cho chúng
con có một tâm hồn lắng đọng để dễ nghe tiếng Chúa. Xin Cho chúng con biết mau mắn
đáp trả lời mời gọi của Chúa, để sẵn sàng dấn thân đem Chúa đến với nhiều
người. Amen.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
13
THÁNG GIÊNG
Những Sứ Giả Đầu
Tiên Của Đức Tin
Gia
đình Kitôhữu không duy chỉ là một cộng đồng nhân loại. Món quà vô giá là sự sống
con người cần phải được tháp nhập vào chính sự sống của Đức Kitô và nhờ đó trở
nên phong phú. Sứ mạng chân chính của gia đình là bảo vệ các giá trị nhân bản,
nhưng đồng thời gia đình cũng phải dồn tâm lực đào sâu các giá trị Kitô giáo.
Nhiều
người có thể bị cám dỗ để nghĩ rằng chỉ các linh mục và tu sĩ mới được ủy trao
trách nhiệm đối với Giáo Hội. Thật là một quan niệm sai lầm. Rõ ràng chính gia
đình là môi trường đầu tiên để các trẻ em học biết thế nào là “thông dự vào lời
hứa của Đức Giêsu Kitô qua Tin Mừng” (Ep 3, 6). Như Công Đồng Vatican II nêu
rõ: “Các đôi vợ chồng Kitô giáo là những người cộng tác với ơn thánh và là nhân
chứng đức tin đối với nhau, cũng như đối với con cái và những phần tử khác
trong gia đình của họ. Chính họ là những người đầu tiên phải rao truyền và giáo
dục đức tin cho con cái mình. Bằng lời nói và gương sáng họ huấn luyện con cái
sống đời Kitô giáo và làm việc tông đồ. Họ thận trọng giúp đỡ con cái trong việc
lựa chon ơn kêu gọi, và nếu thấy chúng có ơn kêu gọi sống đời linh mục hay đời
sống thánh hiến, họ tận tình nuôi dưỡng ơn gọi ấy.” (SL Tông Đồ Giáo Dân 11)
Gia
đình Kitôhữu là mảnh đất đầu tiên để các ơn gọi nẩy mầm và phát triển. Đó là một
chủng viện hay một tập viện cho trẻ em. Chúng ta hãy dứt bỏ quan niệm sai lầm rằng
Kitô giáo chỉ là một cái gì đóng khung bên trong cánh cổng nhà thờ. Bất cứ gì
diễn ra trong phụng vụ cần phải được chuyển hóa vào đời sống hằng ngày. Gia
đình phải là nơi sống phụng vụ. Để rồi, sự sống trong Đức Kitô sẽ lớn lên và
trưởng thành dưới mái nhà của mỗi gia đình. Khi ấy, gia đình mới đích thực là một
diễn tả chính Giáo Hội.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ
nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
NGÀY 13-01
THÁNH HILARIÔ, GIÁM MỤC, TIẾN SĨ HỘI
THÁNH.
1Sm 1, 1-8; Mc 1, 14-20.
LỜI SUY NIỆM: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người
như lưới cá”.
Khởi đầu sứ vụ rao giảng của Chúa Giêsu, Chúa đã chọn
bốn môn đệ đầu tiên. Đây là những người môn đệ của Gioan, mà Ngài đã gặp khi đến
với Gioan. Chắc chắn cả bốn con người này đã biết chuẩn bị đời sống cho riêng
mình, hướng về Thiên Chúa. Để chờ đón Đấng Kitô xuất hiện. Đối với mỗi Kitô hữu
cũng phải biết chuẩn bị cho mình những gì cần thiết, để khi nghe tiếng Chúa mời
gọi là đáp trả ngay.
Lạy Chúa Giêsu. Giáo Hội của Chúa đang cần những tông
đồ nhiệt thành để rao giảng và làm chứng cho Chúa giữa thế gian. Xin cho mỗi
thành viên trong gia đình chúng con luôn biết chuẩn bị cho mình những gì cần
thiết cho công tác tông đồ mà Chúa cần đến.
Mạnh
Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày
13-01: Thánh HILARIÔ
Giám
Mục Tiến Sĩ (khoảng 320-368)
Thánh
Hilariô chào đời tại Poa-tu (Poitou) Ngài là con một nhà quí tộc làm nghị viên
và được giáo dục đầy đủ. Các môn học mà thánh nhân ưa thích là văn chương, thi
ca, nhất là triết lý. Việc học tập của Ngài luôn được đào sâu cho tới cùng là
Thiên Chúa, Ngài nhận định rằng: hạnh phúc thật của con người không phải bị những
thú vui đời này, dù chúng thanh cao đến mấy đi nữa. Trái lại hạnh phúc là được
sống cho chân lý ở một cuộc sống khác với cuộc sống tạm trên trần gian này.
Ngài nói: - "Tôi khóc lên vì vui sướng mỗi khi nghĩ đến thân xác này chỉ
được tiền định để phải chết đi".
Nhưng
làm thế nào mà thánh nhân đã gặp được chân lý, gặp được Thiên Chúa mà các triết
gia và các tôn giáo thường nói tới một cách mù mờ ? Chính thánh nhân kể lại cuộc
khám phá của mình: - "Từ môi trường ngoại giáo, Chúa đã dẫn đưa tôi tới
nguồn sáng chân thực. Giữa bao nhiêu hệ thống triết lý và tư tưởng khác nhau,
tôi vẫn ưu tư tìm đến Chúa bằng con đường ngay thật, chắc chắn hữu thể thần
linh vĩnh cửu phải là đơn thuần và độc nhất, không có gì là không bắt nguồn tự
Ngài, vạn vật đều phải thờ phượng Ngài".
Xác
tín rằng phải có Chúa, Ngài còn suy nghĩ về các phẩm tính thần linh của Chúa.
-
"Nếu một công rình vượt quá trí khôn chúng ta, thì nhà nghệ sĩ thần linh
còn trổi vượt công trình đó thế nào ? Vậy phải nhận biết rằng, Thiên Chúa tuyệt
mỹ và chúng ta chỉ cảm nhận mà chúng ta không thể thấu hiểu nổi".
Trong
khi còn miên man suy nghĩ như vậy. Thánh nhân bỗng gặp được một cuốn kinh
thánh. Ngài đọc được đoạn văn trên Chúa hiện ra với Môsê và tự bày tỏ: "Ta
là Đấng hiện hữu".
Ngài
sung sướng với khám phá này: - "Tôi vui thỏa với danh hiệu mà Thiên Chúa
đã tỏ ra cho Môsê. Thánh danh ấy vừa biểu lộ một quan niệm sâu xa về Thiên
Chúa, lại vừa tầm với trí óc con người.
Từ
đó thánh nhân say mê nghiên cứu thánh kinh, nhất là các sách tiên tri với những
đoạn loan báo về Đấng thiên sai. Trong các sách Tin Mừng, Ngài thích nhất tự
ngôn của Tin Mừng theo thánh Gioan. - "Trí tôi học biết và Thiên Chúa vượt
quá điều nó dám ước mong... lòng tôi run rẩy bồn chồn vì vui sướng trước giáo
thuyết về Thiên Chúa Ba Ngôi và trước lời mời gọi tái sinh nhờ đức tin".
Thế
là thánh nhân đã lãnh nhận phép rửa tội và cảm thấy hạnh phúc lạ lùng. Ngài đã
lập gia đình và có được một người con gái. Rồi đây Ngài sẽ đưa cả vợ con về với
đức tin. Khi Ngài muốn trở thành linh mục, vợ Ngài chỉ còn gặp lại Ngài tại bàn
thánh và coi Ngài như một người anh. Nhân đức và trí khôn ngoại hạng còn đưa
Ngài tới chức giám mục cai quản địa phận Pcachie (Poutiers) năm 350.
Lúc
ấy lạc giáo Ariô nổi lên như vũ bão trong Giáo hội. Vua Constantiô ủng hộ lạc
giáo và tiếp tay cho cuộc bách hại. Thánh Athanasiô bị bắt đi lưu đày. Thánh
Hilariô đứng lên lãnh đạo công cuộc bảo vệ đức tin chân chính. Ngài triệu tập một
công đồng để lên án hai giám mục theo lạc giáo. Cộng đồng còn cử Ngài đi thương
thuyết với nhà vua. Nhưng lòng can đảm của Ngài đã bị trừng phạt bằng cuộc lưu
đày năm 356, chấp nhận gian khổ, Ngài tuyên bố:
-
"Người ta có thể bắt các giám mục lưu đày, nhưng có thể trục xuất chân lý
được không ?"
Cuộc
hành trình tới Phrygia nằm ở cuối miền Tiểu Á thật dài và đầy gian khổ. Nhưng
thánh nhân đã không hề phàn nàn mà vẫn bình thản sống mật thiết kết hợp với
Chúa. Đầy dũng cảm, Ngài vẫn tiếp tục làm rung chuyển thế giới bằng công việc
viết lách của mình.
Ngài
nói: - "Dầu bị lưu đày, chúng tôi vẫn tiếp tục nói bằng sách vở, bởi vì
người ta không thể giam hãm lời Chúa".
Ngài
đã viết 12 khảo luận bàn về Chúa Ba Ngôi, và đưa giáo thuyết chân chính của
công giáo với những tư tưởng kinh tế của Hylạp vào thổ ngữ. Ngài tiếp tục điều
khiển giáo phận bằng thư tín. Cũng vào thời này, thánh nhân diụ dàng hướng dẫn
Ebra, người con gái của mình tới đời sống thánh thện. Một bức thư Ngài viết
trong buổi lưu đày còn sót lại có khuyên nhủ nàng tận hiến cho Chúa như sau:
-
"Con thân yêu, con là đứa con duy nhất của cha, cha muốn thấy con đẹp nhất
và đẹp nhất trong các phụ nữ. Người ta nói với cha về một thanh niên có một
viên ngọc quí và một bộ áo quí giá đến nỗi ai mà có được những thứ đó thì sẽ là
người giàu có hơn hết mọi người".
Và
thánh nhân kể lại rằng: phải khó khăn lâu ngày, Ngài mới gặp được người thanh
niên này để xin Người ban viên ngọc và chiếc áo ấy cho Ebra. Bên chiếc áo này,
tuyết hết trắng, không có một vết niơ nào có thể bôi bẩn, không một tai nạn nào
có thể xé rách. Còn viên ngọc, không vật nào chịu nổi vể rực rỡ huy hoàng, chẳng
bao giờ tàn sắc, ai mang được sẽ hết khổ và không phải chết.
Và
Ngài tiếp: - "Đấy là những món trang sức mà cha ước ao, những thứ ban ơn cứu
rỗi và hạnh phúc vĩnh cửu".
Ngài
còn gửi cho cô những khúc thánh thi để cô ca nguyện sớm chiều. Ebra sớm theo ước
nguyện của người cha nhưng cũng sớm lìa trần.
Bốn
năm trôi qua, Hoàng đế cho triệu tập công đồng Sêlêucia. May mắn Ngài cũng được
mời dự. Tại đây Ngài đã dùng hết tài hùng biện và trí thông minh để chống lạc
giáo, bảo vệ đức tin chân chính. Không chịu nổi ảnh hưởng của Ngài. Bọn theo lạc
giáo đã can thiệp để Ngài về quê hương cho rảnh rợ. Thế là năm 360, Đức Giám mục
Hilariô được trở về Poa-chi-ê.
Cuộc
hồi hương của thánh nhân là niềm vui cho toàn dân chứ không riêng gì cho giáo
phận Poa-chi-ê. Thánh Hiêrônumô đã nói: "Toàn dân Gôn (Gaules) ôm hôn vị
anh hùng tay mang ngành vạn tuế trở về".
Trong
đoàn người đông đảo đón mừng người cha già, phải kể đến một người lính trẻ tên
là Martinô. Lúc ấy Martinô đang sống ẩn dật ở Ganlinaria và sau này sẽ làm
thánh giám mục. Ngày về của vị giám mục già cả còn được ghi dấu bằng một phép lạ
nhãn tiền. Một bà mẹ khóc lóc ôm một đứa con mới chết gặp Ngài. Bà tha thiết
xin thánh nhân cứu sống con mình, ít ra để nó được rửa tội. Cảm tưởng nỗi niềm
đau đớn của người thiếu phụ, Ngài quì gối cầu nguyện và da thịt đứa trẻ dần dần
đỏ hồng rồi sống lại.
Tuổi
già sức yếu nhưng thánh nhân vẫn nhiệt thành chỉnh đốn lại những tàn phá do bè
rối gây nên. Lòng nhiệt thành đã đưa Ngài tới tận Milan khiến bọn lạc giáo kinh
hoàng và làm áp lực bắt Ngài phải trở lại Poa-chi-ê. Ngày 13 tháng giêng năm
386 Ngài đã qua đời. Người ta kể lại rằng: lúc thánh nhân tử trần, một luồng
chói chang khắp phòng.
Ngày
10 tháng giêng năm 1852, theo lời thỉnh cầu của nhiều vị giám mục. Đức giáo
hoàng phong Ngài lên bậc Tiến sĩ Hội Thánh. Ngài là vị thánh tiến sĩ đầu tiên ở
Gôn.
(daminhvn.net)
13
tháng Giêng
Tiếng Chó Sủa
Những
người có chức vụ và quyền hành trong bất cứ xã hội nào cũng thường bị chỉ trích
và chống đối.
Có
một nhà lãnh đạo quốc gia kia thường bị những người đối lập tấn công và thóa mạ
một cách bất công, nhưng lúc nào ông ta cũng tỏ ra bình thản như không có gì xảy
ra. Một hôm, có người bạn hỏi lý do tại sao ông có thể tỏ ra bình tĩnh được trước
không biết bao nhiêu khiêu khích của người khác, ông đã giải thích như sau:
"Tôi
đã học được bí quyết giữ bình tĩnh ngay từ lúc nhỏ. Chúng tôi sống bên cạnh một
nhà láng giềng có nuôi một con chó khó tính. Cứ mỗi lần trăng tròn, con chó lại
sủa một cách giận dữ vô căn cứ, có khi cơn sủa của nó kéo dài đến cả tiếng đồng
hồ. Tất cả những người xung quanh đều tỏ ra bực bội đối với con vật khó tính ấy,
chỉ trừ có người chủ của nó. Ông không bao giờ tỏ ra bực bội, bởi vì ông ta là
một người điếc.
Tất
cả bí quyết của tôi nằm ở đó. Trăng sáng, con chó sủa. Một lúc sau, nó lại mỏi
mệt và thôi sủa mặc dù trăng vẫn cứ sáng".
Kiên
nhẫn chịu đựng thường bị xem như một thể hiện của tính thụ động, tiêu cực. Có
người còn gọi đó là nhân đức của người nghèo. Thế nhưng, trong cuộc sống, nhất
là trong hoàn cảnh hiện tại, có lẽ chúng ta cần đến nhân đức này hơn bao giờ hết.
Thiên
Chúa là đấng kiên nhẫn. Kiên nhẫn vẫn là nét đặc thù trong công trình sáng tạo
của Ngài. Chúng ta có biết rằng trái đất của chúng ta có bao nhiêu tuổi chưa?
Các nhà địa chất nói với chúng ta rằng trái đất đã được cấu tạo qua từng thời kỳ
kéo dài đến cả triệu triệu năm. Ðịa chất học quả thực là môn học của sự kiên nhẫn
của Thượng Ðế. Thiên Chúa luôn tỏ ra kiên nhẫn đối với con người. Toàn bộ Cựu Ước
là một quyển ký lục về những nhẫn nhục chịu đựng của Thiên Chúa đối với sự yếu
đuối, khờ dại cũng như hung bạo của con người. Ngài phải chờ đợi đến cả trăm
năm để cho lụt Hồng Thủy trút xuống trên con người. Ngài chờ đợi đến cả mười
năm mới trừng phạt vua Saolô.
Tân
Ước lại càng cho chúng ta cảm nhận được bằng xương thịt. Tình yêu thương nhẫn
nhục, chịu đựng của Thiên Chúa. Chúng ta hãy chiêm ngắm sự nhẫn nhục của Chúa
Giêsu đối với các môn đệ, đối với kẻ thù của Ngài và nhất là đối với đám đông
nghèo khổ, lạc lõng. Nhưng nhất là những đau khổ, bách hại mà chính bản thân
mình gánh chịu, Chúa Giêsu chỉ biết giữ thinh lặng, thinh lặng không phải của
căm hờn, oán trách mà là của yêu mến, tha thứ cho đến cùng.
(Lẽ
Sống)
Thứ Hai 13-1
Thánh Hilary ở Poitiers
(315 - 368)
V
|
ị trung kiên bảo vệ
thiên tính của Ðức Kitô này là một người hiền lành và can đảm, tận tụy sáng tác
một số văn bản tuyệt vời về Ba Ngôi Thiên Chúa, và cũng giống như Thầy Kitô,
ngài được coi là "người xáo trộn sự bình an." Trong giai đoạn
cực kỳ khủng hoảng của Giáo Hội, sự thánh thiện của ngài nổi bật cả trong lãnh
vực uyên bác và tranh luận.
Sinh trưởng trong một
gia đình ngoại giáo, ngài trở lại Kitô Giáo khi tìm thấy Thiên Chúa qua Kinh
Thánh. Sau khi lập gia đình và có được một người con gái là Apra, ngài được
chọn làm Giám Mục của Poitiers nước Pháp trái với ý muốn của ngài. Không bao
lâu ngài phải chiến đấu với một tai họa của thế kỷ thứ tư, là bè rối Arian,
những người khước từ thiên tính của Ðức Kitô.
Tà thuyết này lan tràn
nhanh chóng. Khi hoàng đế Constantius ra lệnh cho mọi giám mục Tây Phương phải
ký vào bản kết án Ðức Athanasius, vị bảo vệ đức tin của Giáo Hội Ðông Phương,
Ðức Hilary từ chối và bị trục xuất khỏi nước Pháp đến vùng Phrygia hẻo lánh
(khi bị lưu đầy là khi ngài được mệnh danh là "Athanasius của Tây
Phương"). Vị bảo vệ chính giáo một cách kiên cường này lại là người
rất nhân từ khi hòa giải các giám mục của nước Pháp, là những người vì sợ mang
tiếng là ngu dốt nên đã chấp nhận bản kinh tin kính của Arian. Và trong khi
ngài viết bản cáo trạng sắc bén lên án hoàng đế về tội bao che tà thuyết, thì
ngài lại ôn tồn giải thích rằng, đôi khi sự khác biêät giữa các học thuyết
chính giáo và lạc giáo chỉ là nghĩa chữ hơn là tư tưởng. Do đó, ngài khuyên các
giám mục Tây Phương đừng vội kết án. Chính vì vậy, ngài lại có thêm những kẻ
thù mới.
Trong thời gian lưu đầy
và viết lách, ngài được mời tham dự một công đồng do hoàng đế triệu tập để
chống với Công Ðồng Nicea. Như chúng ta có thể tiên đoán, Ðức Hilary đã đứng
lên bảo vệ Giáo Hội, và khi ngài thách thức tranh luận một cách công khai với
vị giám mục đã đầy ải ngài, những người theo Arian, vì sợ buổi tranh luận ấy và
những hậu quả của nó, đã xin hoàng đế tống cổ "người xáo trộn sự bình
an" này về nhà. Nhưng thay vì về thẳng Poitiers, ngài đã sang Hy Lạp
và Ý, rao giảng chống lại tà thuyết Arian.
Có lẽ một số người hiện
nay nghĩ rằng tất cả những khó khăn ấy chỉ trên phương diện ngôn từ. Nhưng
Thánh Hilary không chỉ tham dự cuộc chiến ngôn ngữ, mà còn chiến đấu cho sự
sống vĩnh cửu của các linh hồn đã nghe theo tà thuyết Arian và không còn tin
vào Con Thiên Chúa, là nguồn hy vọng cứu độ của họ.
Cái chết của hoàng đế
Constantius năm 361 cũng chấm dứt việc bách hại Kitô Giáo chính thống. Ðức
Hilary từ trần năm 367 hoặc 368, và được tuyên xưng là tiến sĩ Hội Thánh vào
năm 1851.
Lời Bàn
Ðức Kitô đã nói Ngài đến
thế gian không để đem lại sự bình an nhưng đem lại gươm giáo (x. Mátthêu
10:34). Nếu chúng ta nghĩ rằng sự thánh thiện chói lòa không đem lại nhiều khó
khăn thì điều ấy không được thấy trong Phúc Âm. Ngay cả giây phút cuối cùng,
Ðức Kitô cũng không thoát, mặc dù từ đó trở đi Ngài đã sống hạnh phúc -- sau
một cuộc đời đầy tranh đấu, khó khăn, đau khổ và thất vọng. Ðức Hilary, như mọi
vị thánh khác, cũng không khác gì hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét