19-09-2020
Thứ Bảy Tuần XXIV Mùa Thường Niên
BÀI ĐỌC I: 1 Cr 15, 35-37. 42-49
“Gieo xuống trong mục nát, sống
lại trong bất hủ”.
Trích thư thứ nhất của Thánh
Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, có người sẽ
nói: những người chết sống lại thế nào? Họ lấy thân xác nào mà đến? Hỡi kẻ khờ
dại! Vật ngươi gieo xuống, nếu nó không chết trước đã, thì sẽ không sống được;
và vật gì ngươi gieo xuống, không phải là hình sẽ có, nhưng chỉ là một hạt trơ
trụi, chẳng hạn như hạt lúa mì hay bất cứ hạt gì khác. Việc kẻ chết sống lại
cũng thế: gieo xuống trong mục nát, sống lại trong bất hủ. Gieo xuống trong hèn
mạt, sống lại trong vinh quang. Gieo xuống trong yếu đuối, sống lại trong khoẻ
mạnh. Gieo xuống là xác phàm, sống lại là xác thiêng.
Và nếu có xác phàm thì cũng có
xác thiêng, như lời chép rằng: “Ađam cũ là người có sự sống, còn Ađam mới thì
có thần trí ban sự sống. Nhưng điều có trước, không phải thuộc tinh thần, song
là điều thuộc thể xác, rồi mới đến cái thuộc tinh thần. Người thứ nhất bởi đất
mà ra, thì thuộc địa giới; còn người thứ hai bởi trời mà đến, thì thuộc thiên
giới. Người thuộc địa giới đó thế nào, thì những người khác thuộc địa giới cũng
vậy; và người thuộc thiên giới đó thế nào, thì những người khác thuộc thiên giới
cũng vậy”. Bởi thế, như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì
chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 55, 10c-11. 12-13
Đáp: Tôi sẽ bước đi trước
nhan Thiên Chúa, trong ánh sáng của cõi nhân sinh (c. 13c).
Xướng:
1) Tôi biết chắc điều này là
Thiên Chúa phù trợ tôi. Nhờ ơn Thiên Chúa là Đấng mà tôi ca tụng lời hứa, tôi
tin cậy vào Thiên Chúa, tôi không kinh hãi; con người phàm kia làm chi hại được
tôi. – Đáp.
2) Ôi Thiên Chúa, con mắc nợ những
điều con khấn cùng Ngài, con sẽ tiến dâng Ngài lễ vật bằng lời ca tụng. Vì Ngài
đã cứu mạng con thoát khỏi tử thần, và cứu chân con khỏi quỵ ngã, để con được
tiến thân trước nhan Thiên Chúa, trong ánh thiều quang của cõi nhân sinh. –
Đáp.
ALLELUIA: Tv 118, 34
Alleluia, alleluia! – Lạy
Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa, và để con hết lòng
vâng theo luật đó. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 8, 4-15
“Hạt rơi trong đất tốt, là những
người giữ lấy lời và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, có đông dân chúng tụ họp
lại, và người ta từ các thị trấn đến cùng Chúa Giêsu. Người dùng dụ ngôn mà nói
rằng: “Người gieo hạt giống ra đi gieo hạt giống mình. Và đang khi gieo, có hạt
rơi xuống bên vệ đường, bị người ta chà đạp và chim trời đến ăn đi. Hạt khác
rơi trên đá sỏi, vừa mọc lên liền héo đi, vì không có đất ẩm. Hạt khác rơi vào
bụi gai, và gai góc cùng mọc lên, bóp nghẹt nó. Hạt khác rơi vào đất tốt, đã mọc
lên và kết quả gấp trăm”.
Khi nói những lời đó, Người kêu
lên rằng: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”. Bấy giờ các môn đệ hỏi Người dụ
ngôn đó ý nghĩa thế nào. Người nói rằng: “Phần các con, thì cho các con biết những
mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; đối với người khác, thì dùng dụ ngôn, để chúng xem
mà không thấy, nghe mà không hiểu. Dụ ngôn đó có nghĩa thế này: Hạt giống là lời
Thiên Chúa. Những hạt rơi bên vệ đường, tức là những người đã nghe, nhưng rồi
quỷ tới và cướp lời khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Những hạt rơi trên
đá sỏi là những người, khi nghe thì vui vẻ đón nhận lời Chúa, nhưng họ không
đâm rễ, họ chỉ tin tưởng nhất thời, và khi đến giờ thử thách, thì tháo lui. Hạt
rơi vào bụi gai, là những người đã nghe, nhưng khi đi đường, những mối lo nghĩ,
sự giàu có và thú vui của đời sống bóp nghẹt và họ không sinh hoa kết quả. Còn
như hạt rơi trong đất tốt, là những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và thiện
hảo, họ giữ lấy và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái”. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm: Dụ Ngôn Người Gieo
Giống
Dụ ngôn, theo tiếng Hy Lạp có
nghĩa là so sánh, là thí dụ. Trong Tin Mừng, là những câu truyện Chúa Giêsu đưa
ra dựa trên những hình ảnh quen thuộc trong đời sống hằng ngày của người nghe,
để giúp họ hiểu ý nghĩa những sự thật có liên quan đến niềm tin mà Ngài muốn
trình bày.
Tin Mừng hôm nay thuật lại cho
chúng ta dụ ngôn về người gieo giống.
Trước hết, cần lưu ý đến sự khác
biệt giữa dụ ngôn và những lời giải thích dụ ngôn. Khi kể dụ ngôn, Chúa Giêsu
xem ra nhấn mạnh đến sự hiệu nghiệm của hạt giống hay đúng hơn sự thành công của
người gieo giống: có hạt rơi bên vệ đường, có hạt rơi trên đá, có hạt rơi vào bụi
gai, nhưng cũng có hạt rơi trên đất tốt và sinh hoa kết quả gấp trăm. Còn khi
giải thích dụ ngôn cho các môn đệ, Chúa Giêsu như muốn nhấn mạnh đến thái độ cộng
tác của con người để làm cho Lời Chúa được sinh hoa kết quả. Thật ra, hai khía
cạnh này không đối nghịch nhau, nhưng được tổng hợp để diễn tả thực tại phong
phú của mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa chắc chắn được phát triển,
nhưng phần cộng tác của con người trong việc phát triển Nước Chúa cũng không thể
bỏ qua được.
Hạt giống Lời Chúa là yếu tố
chính của dụ ngôn. Hạt giống này tự nó có sức trổ sinh hoa trái, nhưng khi được
gieo vãi thì gặp những hoàn cảnh đối nghịch tùy vào thái độ chấp nhận cộng tác
của con người lãnh nhận Lời Chúa. Người gieo giống ở đây là chính Thiên Chúa,
Ngài gieo vãi khắp nơi, trao ban nhưng không ơn cứu rỗi cho mọi người. Thiên
Chúa có sáng kiến trước, nhưng con người cũng cần cộng tác vào: hai yếu tố này
không thể bỏ qua được.
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người
chúng ta canh tân đời sống, cộng tác với ơn Chúa ban để trở thành những mảnh đất
tốt đón nhận và làm phát triển hạt giống Lời Chúa. Xin Chúa củng cố chúng ta
trong niềm xác tín đó.
Veritas
Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 24 TN2
Bài đọc: I
Cor 15:35-37, 42-49; Lk 8:4-15.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hạt giống.
Nhìn một hạt giống nhiều người
chúng ta không thể đóan nổi nó là hạt giống gì; khi nó bắt đầu có lá chúng ta
có thể đóan dễ hơn; khi nó bắt đầu nở hoa và sinh trái thì đã quá rõ ràng.
Tương tự, nhìn một thai nhi trong lòng mẹ, chúng ta không thể đóan đứa trẻ sẽ
giống ai; khi nó được sinh ra chúng ta có thể đóan nó giống ai trong gia đình;
nhưng vẫn không đóan nổi cuộc đời đứa bé sẽ ra sao cho đến khi chúng thành
nhân. Các Bài đọc hôm nay đều nói về hạt giống: Trong Bài đọc I, thánh Phaolô
ví việc con người chết như hạt giống gieo xuống đất; làm sao biết được con người
sẽ giống ai khi sống lại trong vinh quang Nước Chúa? Trong Phúc Âm, Chúa ví Lời
Chúa như hạt giống nhà nông gieo vãi; chúng có thể bị cướp mất, có thể lớn lên
tí chút rồi khô héo, có thể lớn lên mà chẳng sinh hoa kết quả, và có thể sinh
quả gấp trăm.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hình dạng thân thể con người sẽ như thế nào sau khi sống
lại?
Mặc dù Phaolô và các Tông Đồ đã
được chứng kiến Chúa Kitô Phục Sinh, họ có thể mô tả tổng quát Chúa Phục Sinh
như thế nào; nhưng thể mô tả chi tiết vì họ chưa được mang lấy thi thể đó.
Trong Bài đọc này, thánh Phaolô dùng niềm tin, ý tưởng, và ngôn ngữ của con người
để cố gắng mô tả điều rất khó mô tả. Câu trả lời của ngài bao gồm 3 điều chính
yếu sau:
(1) Như một hạt giống gieo xuống
lòng đất, nó phải chết đi trước khi mọc lên, hình thể khi mọc lên khác xa với
hình thể khi gieo xuống, tuy hình thể khác xa như vậy, nhưng bản thể vẫn giống
nhau để có thể được phân biệt với các giống khác; thân xác con người cũng vậy,
phải chết đi trước khi sống lại, thân thể khi sống lại rất khác với thân thể
khi chết, nhưng bản thể vẫn giống nhau để có thể nhận ra đó là cùng một người.
(2) Thân thể khi sống lại khác với
thân thể khi chết ở 4 điểm sau: (1) Thân thể trước khi chết sẽ bị hủy họai còn
thân thể khi sống lại sẽ không bao giờ bị hủy họai. (2) Thân thể trước khi chết
thì hèn hạ còn thân thể khi sống lại thì vinh quang. Có lẽ điều thánh Phaolô muốn
nói ở đây là các giác quan và dục vọng của con người khi còn sống, chúng làm
cho con người trở thành nô lệ cho tội lỗi. (3) Thân thể trước khi chết thì yếu
đuối còn thân thể khi sống lại thì mạnh mẽ. Có lẽ ở đây thánh Phaolô nói về sức
mạnh thể lý. Bao lâu còn ở trong thân xác đời này là còn bị chi phối bởi các thứ
bệnh tật và môi trường sống. Thân thể khi sống lại sẽ không còn bệnh tật và bị ảnh
hưởng bởi môi trường. (4) Thân thể trước khi chết là thân thể có sinh khí còn
thân thể sống lại là thân thể có thần khí. Có lẽ ở đây thánh Phaolô muốn chú trọng
đến tính vững bền của thần khí: thân xác con người trước khi chết muốn sống
theo thần khí nhưng có khi được khi không vì vẫn còn bị chi phối bởi dục vọng;
một khi dục vọng hết, con người sẽ hòan tòan sống theo thần khí.
(3) Con người là một tổng thể của
cả sinh khí và thần khí: Thánh Phaolô tổng hợp 2 biến cố: Thiên Chúa tạo dựng
Adam, con người đầu tiên, và biến cố Nhập Thể của Chúa Giêsu; để suy luận về
thân thể con người khi sống lại như sau: “Con người đầu tiên là Adam được dựng
nên thành một sinh vật, còn Adam cuối cùng là thần khí ban sự sống. Loài xuất
hiện trước không phải là loài có thần khí, nhưng là loài có sinh khí; loài có
thần khí chỉ xuất hiện sau đó. Người thứ nhất bởi đất mà ra thì thuộc về đất;
còn người thứ hai thì từ trời mà đến. Những kẻ thuộc về đất thì giống như kẻ bởi
đất mà ra; còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ trời mà đến. Vì thế,
cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được
mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến.”
2/ Phúc Âm: Lời Chúa được ví như hạt giống gieo xuống đất.
Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để nói
lên trách nhiệm mỗi người phải có khi nghe Lời Chúa, Ngài nói: “Người gieo giống
đi ra gieo hạt giống của mình. Trong khi người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ
đường, người ta giẫm lên và chim trời ăn mất. Hạt khác rơi trên đá, và khi mọc
lên, lại héo đi vì thiếu ẩm ướt. Có hạt rơi vào giữa bụi gai, gai cùng mọc lên,
làm nó chết nghẹt. Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết
quả gấp trăm.”
Các môn đệ hỏi Người dụ ngôn ấy
có ý nghĩa gì. Người đáp: “Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước
Thiên Chúa; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để chúng nhìn mà có lẽ không
nhìn thấy, nghe mà có lẽ không hiểu.” Câu trả lời này hơi khó hiểu. Phải chăng
mầu nhiệm Nước Thiên Chúa chỉ được hiểu bởi một số người được chọn? Chắc chắn một
Thiên Chúa công bằng sẽ không làm điều đó; và mục đích của dụ ngôn này là nói
lên trách nhiệm mỗi người phải có khi nghe Lời Chúa. Không phải mọi người có mắt
là nhìn thấy, vì có những việc xảy ra ngay trước mắt mà có người vẫn không nhìn
thấy; lý do vì họ không muốn nhìn thấy hoặc họ không cố gắng chú ý để nhìn.
Không phải ai có tai để nghe cũng hiểu, vì có bao nhiêu giáo dân hiểu được bài
giảng các cha giảng mỗi tuần? Họ không hiểu là vì họ không chịu chú ý nghe hay
không chịu dùng đầu óc để suy nghĩ những gì các cha cắt nghĩa.
Và Chúa cắt nghĩa dụ ngôn như
sau: Hạt giống là lời Thiên Chúa.
(1) Hạt rơi bên vệ đường là những
kẻ đã nghe, nhưng quỷ đến cất Lời Chúa ra khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu
độ. Đây là lọai người mà chúng ta mới nói tới: họ nghe mà không hiểu.
(2) Hạt rơi trên đá là những kẻ
khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời Chúa, nhưng họ không có rễ. Họ tin nhất thời,
và khi gặp thử thách, họ bỏ cuộc. Họ quên rằng Lời Chúa phải được mang ra thực
hành để đức tin của họ luôn được vững mạnh, có thể đương đầu với mọi hòan cảnh.
(3) Hạt rơi vào bụi gai là những
kẻ nghe, nhưng bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc
đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành. Họ muốn làm điều mà
Chúa đã cảnh cáo: “Các con không thể làm tôi hai chủ.”
(4) Hạt rơi vào đất tốt là những
kẻ nghe Lời Chúa với một tâm lòng tốt lành và quảng đại, giữ Lời Chúa trong
lòng, và kiên nhẫn sinh hoa kết quả.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta tuy không biết hòan
tòan những gì sẽ xảy ra cho con người sau khi chết; nhưng một điều chúng ta biết
chắc chắn là con người sẽ sống lại. Một khi đã sống lại, chúng ta sẽ không bao
giờ phải chết nữa, thân xác con người sẽ trở nên mạnh khỏe, luôn hướng thiện,
luôn sống trong thần khí và sẽ không còn bị ảnh hưởng bởi bệnh tật hay các dục
vọng thấp hèn.
– Để Lời Chúa có thể sinh lợi
ích cho cuộc đời mỗi người, chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn cho sốt sắng mỗi khi
nghe Lời Chúa, nghiền gẫm Lời Chúa hằng ngày, mang ra áp dụng trong cuộc sống để
đức tin ngày càng trở nên vững mạnh hơn. Đức tin vững mạnh sẽ giúp chúng ta can
đảm vượt qua mọi trở ngại trong cuộc sống và sẵn sàng làm chứng cho Chúa: bằng
lời giảng cũng như bằng chính cuộc sống.
Linh mục Anthony Đinh Minh
Tiên, OP
19/09/2020 – THỨ BẢY TUẦN 24 TN
Th. Gia-nu-a-ri-ô, giám mục, tử đạo
Lc 8,4-15
DỌN ĐẤT ĐỂ GIEO HẠT
“Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng
cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả.” (Lc
8,15)
Suy niệm: Dọn đất tuy vất vả nhưng là việc phải làm trước khi
gieo hạt, bằng không ‘gieo thì có mà gặt thì không’. Nhất là tại những chỗ
đất hoang, phải tốn nhiều công sức ‘cải tạo’ mới có thể gieo trồng được. Mảnh đất
tâm hồn cần dọn dẹp để tiếp nhận hạt giống Lời Chúa. Những “thử thách, vinh hoa
phú quý, đam mê khoái lạc thế gian” là những đá sỏi, gai góc có nguy cơ bóp nghẹt
sức sống Lời Chúa. Trong khi đó, “tấm lòng cao thượng quảng đại nắm giữ kiên
trì” là mảnh đất tốt để hạt giống Lời nẩy mầm, lớn lên trổ sinh nhiều bông hạt
tốt lành.
Mời Bạn: Rao giảng Tin Mừng, ‘trồng’ Giáo Hội, nơi một địa
phương là cả một tiến trình đầu tư công sức qua nhiều giai đoạn. Có lúc nhà
truyền giáo phải dò dẫm bước đầu; có lúc phải dừng lại, suy gẫm, thích nghi rồi
thâm nhập dần dần. Khi chưa thể rao giảng trực tiếp, các vị thừa sai sống âm thầm,
nhẫn nại làm chứng qua cuộc sống bác ái. Các vị làm công việc dọn một mảnh đất
tốt để có ngày hạt giống Tin Mừng sẽ được gieo xuống làm dậy lên những vụ mùa bội
thu. Tôi có thể làm gì để dọn mảnh đất tốt cho hạt giống Tin Mừng nơi tôi đang
sống đây?
Sống Lời Chúa: Tôi dọn đất tâm hồn tôi để có “tấm lòng cao thượng
quảng đại nắm giữ kiên trì” bằng cách thực hành các nhân đức Tin Mừng theo Tám
Mối Phúc Thật.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tâm hồn con là mảnh đất tốt cho hạt
giống Tin Mừng. Xin cho các thừa sai đang gặp thử thách được ơn khôn ngoan và
kiên trì để thi hành sứ vụ trong tin tưởng phó thác vào tình yêu thương của
Chúa.
(5 Phút Lời Chúa)
Với tấm lòng cao thượng
Suy niệm:
Nhóm Mười hai cùng đi với Thầy
Giêsu qua các thành phố, làng mạc,
để rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa (c. 1).
Chuyện các môn đệ nam giới đi theo Thầy
là chuyện bình thường trong xã hội Do Thái.
Chuyện lạ ở đây là chuyện cùng đi với Thầy còn có các phụ nữ.
Các bà đi theo Thầy, rong ruổi trên những nẻo đường của vùng Galilê.
Họ như thuộc cùng một nhóm với các môn đệ.
Vào thời Đức Giêsu, chuyện phụ nữ đi chung như thế quả là gây sốc.
Nếu một phụ nữ cứ tiếp xúc với nam giới ở ngoài họ hàng,
thì bản thân chị ấy và gia đình sẽ phải mang tiếng xấu.
Vả lại chẳng ông chồng nào chịu để cho vợ mình làm như vậy.
Những phụ nữ đã đi theo Thầy
Giêsu từ Galilê.
Câu này nói lên căn cước của nhóm phụ nữ.
Họ đã theo Thầy đến chỗ Thầy chịu đóng đinh (Lc 23, 49).
Họ đã theo Thầy đến chỗ Thầy được mai táng (Lc 23, 55).
Họ là những người đầu tiên ra thăm mộ vào sáng sớm (Lc 24, 1-3).
Theo Tin Mừng Mátthêu (28, 9-10), Máccô (16, 9) và Gioan (Ga 20, 18),
chính họ là những người đầu tiên được thấy Đấng phục sinh
Hai môn đệ Emmau tuy không tin lời chứng của các phụ nữ về Phục sinh,
nhưng hai ông đã gọi họ là những phụ nữ trong nhóm chúng tôi (Lc 24, 22).
Những phụ nữ này còn có mặt cùng với nhóm Mười Hai,
để cầu nguyện chung, sau khi Thầy Giêsu được cất về trời (Cv 1, 13-14).
Như thế nhóm phụ nữ này đã kiên trì và can đảm đi theo Thầy Giêsu,
từ Galilê đến Núi Sọ, và từ Núi Sọ đến cộng đoàn Giáo Hội sơ khai.
Một cách nào đó, họ xứng đáng được gọi là người môn đệ.
Đức Giêsu đã không chỉ thu hút
được các môn đệ nam theo Ngài.
Qua việc trừ quỷ và chữa bệnh, Ngài đã làm cho nhiều cuộc đời tươi trở lại.
Một nhóm phụ nữ khi được chữa lành, đã muốn tỏ lòng biết ơn,
trong đó có bà Gioanna, là người đã lập gia đình, giàu có và quyền quý.
Họ quyết định đi theo Đức Giêsu và các môn đệ như những trợ tá.
Họ dùng của cải mình có để phục vụ các ngài (c. 3).
Không nên coi việc phục vụ của nhóm phụ nữ là thấp kém,
vì các môn đệ cũng được mời gọi làm người phục vụ anh em (Mc 10, 43).
Và chính Thầy Giêsu cũng đã sống như một người phục vụ (Lc 22, 27).
Không thấy nói đến việc các phụ nữ này được Thầy Giêsu sai đi rao giảng.
Có lẽ vì vào thời đó ở nước Do Thái, người ta còn coi thường phụ nữ,
và không coi các phụ nữ như những chứng nhân đáng tin.
Khi nhìn Nhóm Thầy Giêsu cách
đây hai mươi thế kỷ,
chúng ta thấy Thầy đã táo bạo, dám đi ngược với nền văn hóa thời đó.
Ngài mở rộng thế giới của phụ nữ, vốn chỉ giới hạn trong gia đình.
Phụ nữ hôm nay được mời gọi tham gia vào những công việc chung.
Chúng ta cần thấy sự hiện diện tích cực của các phụ nữ lo việc bác ái,
dạy giáo lý, làm việc cho giáo xứ, hay ở trong các tổ chức của giáo phận.
Làm sao có được nhiều phụ nữ thánh thiện và năng động như Mẹ Têrêsa?
Cầu nguyện:
Giữa một thế giới
đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê
thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe
phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng
rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu
như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu,
S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
19 THÁNG CHÍN
Thường Xuyên Lãnh Nhận Các Bí
Tích
Chương trình mục vụ mà Hội Thánh
đã triển khai kể từ sau Công Đồng cung ứng cho chúng ta những sự giúp đỡ kịp thời
để củng cố việc huấn luyện tu đức và canh tân tình yêu đối với con người. Trước
hết, tôi mời gọi anh chị em tham dự vào các nỗ lực phúc âm hoá mọi người cho Đức
Kitô và hướng dẫn các tín hữu sống đời sống bí tích. Sống đời sống bí tích, đó
là cách để anh chị em hiểu và đón nhận những ân sủng mà Đức Kitô muốn thông ban
cho anh chị em.
Bằng việc thường xuyên lãnh nhận
các bí tích với ý ngay lành, anh chị em sẽ trở thành những chứng nhân dạt dào
niềm vui trong đời sống Kitô hữu đích thực. Anh chị em sẽ tìm thấy sự đỡ nâng
mà mình cần để bước theo Chúa của sự sống. Ngài sẽ sử dụng anh chị em để mạc khải
cho con người của thời đại đầy xao xuyến này dung mạo đích thực của Thiên Chúa,
Đấng luôn “chan chứa lòng xót thương” (Ep 2,4).
Trong khi năng lãnh nhận các bí
tích, anh chị em cũng hãy cộng tác với các mục tử của mình, vì chính sự hiệp nhất
với các ngài là điều kiện để anh chị em nhận được tràn trào sức sống của Chúa
Thánh Thần. Nhờ vậy, các mục tử sẽ có thể hướng dẫn anh chị em trong công cuộc
xây dựng Hội Thánh trên trần gian này, một Hội Thánh đúng nghĩa là cộng đoàn
yêu thương, phản ảnh chính sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. (Thánh Augustinô, De
Trinitate, 4,9).
– suy tư 366 ngày của Đức
Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope
John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 19/9
Thánh Januariô, giám mục tử đạo
1Cr 15, 35-37. 42-4; Lc 8,
4-15.
LỜI SUY NIỆM: “Người gieo
giống đi ra gieo hạt giống. Trong khi người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường,
người ta dẵm lên và chim trời ăn mất. Hạt khác rơi trên đá, và khi mọc lên, lại
héo đi vì thiếu ẩm ướt. Có hạt rơi vào giữa bụi gai, gai cùng mọc lên làm nó chết
nghẹt. Có hạt rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên nó sinh hoa kết quả gấp trăm”
Nói xong, Người hô lên rằng: “Ai có tai nghe thì nghe.”
Trước một lượng thính giả đi theo Chúa Giêsu, để nghe Lời Người giảng dạy một
ngày một thêm đông. Nhưng trong số đó có nhiều hạng người và có nhiều loại tâm
hồn đón nhận Lời của Người. Nên Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn người đi gieo hạt giống
hầu mong rằng đánh động được tất cả mọi tâm hồn, giúp họ thâu nhận Lời và sinh
hoa kết quả một cách tốt đẹp hơn.
Lạy Chúa Giêsu. Lời Chúa là lời chân lý và sự thật và là sức sống của mọi tâm hồn.
Xin Chúa sai Thần Khí Chúa đến trên những người truyền đạt cũng như trên mỗi
người nghe, để Lời Chúa được thấm nhập tâm hồn mọi tín hữu, đem lại lợi ích phần
rỗi linh hồn tất cả chúng con.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
NGÀY 19-09 THÁNH GIANUARIÔ
GIÁM MỤC, TỬ ĐẠO (THẾ KỶ IV)
Thánh Gianuariô danh tiếng không
vì cuộc sống hay cái chết của ngài mà chỉ vì việc máu Ngài được lưu giữ tại
Naples tan loãng định kỳ.
Câu chuyện Ngài chịu tử đạo còn
rất mù mờ vì không được kể từ sớm trong sách các vị tử đạo, mà có lẽ chỉ được
đưa vào đó do các tác phẩm của Bêđê viết năm 733. Người ta tin rằng: Ngài là
giám mục Bênêventô nước Ý, thời hoàng đế Diôclêtianô. Khi nghe 4 Kitô hữu bị tống
giam vì đức tin, Ngài đã tới thăm họ. Bọn người dò xét sau đó đã khám phá ra và
Ngài bị bắt giam. Những tường thuật về cái chết của Ngài không giống nhau.
Xem như Ngài cùng các bạn bị ném
cho thú dữ xâu xé tại vận động trường Puzzuoli…. nhưng thú dữ đã không xâm phạm
tới các Ngài. Thánh nhân sau đó bị xử trảm vào năm 305. Thoạt đầu thi thể Ngài
được lưu giữ tại Bênêven tô, nhưng sau này vì sợ chiến tranh tàn phá nên được dời
về Monte Vergine và sau này về Naples. Dấu chứng đầu tiên về Ngài dường như là
của Uraniô (431) là người cho rằng: nhờ sự chuyển cầu của Ngài mà núi lửa
Vesuviô không phun nữa.
Tới thế kỷ XV những hiểu biết
trên là bối cảnh cho lòng sùng kính thánh nhân. Nhưng từ đó về sau, máu Ngài được
lưu giữ tại Naples đã làm tăng sự chú ý của rất nhiều người. Thánh tích được chứa
trong ống nghiệm có hình một chiếc bình và lại được đặt trong một ống kính đặt
trên giá trang hoàng lộng lẫy. Như vậy thánh tích được đặt trong hai lớp kính
và được gắn kín, không tiếp xúc với khí trời. Chính thánh tích là một chất đen
đục chiếm nửa bình đựng. Mỗi năm khoảng 18 lần được trưng bày cho dân chúng,
cùng với một thánh tích khác được coi là đầu của vị thánh tử đạo.
Sau một khoảng thời gian thay đổi
từ ít phút đến vài giờ, trong khi vị linh mục đảo ngược vài lần bình đựng và cầu
nguyện xin trời cao làm phép lạ, thì khối đặc tan loãng ra, đổi thành mầu đỏ,
thỉnh thoảng còn sôi lên và sủi bọt nữa. Rất nhiều người nghi ngờ sự kiện này
nhưng không có sự đồng nhất trong việc giải thích. Vấn đề chưa được chứng minh.
(daminhvn.net)
19 Tháng Chín
Ôi Lạy Ðấng Tối Cao
Ðể nói lên tình yêu vô biên
và mầu nhiệm của Thiên Chúa, người Hồi Giáo thường kể câu chuyện sau đây:
Một hôm, Ðấng Allah cho gọi một
thiên sứ đến và sai xuống trần gian. Ngài truyền lệnh cho vị thiến sứ như sau:
“Ngươi hãy xuống trần gian và đưa về đây người đàn bà góa có bốn đứa con thơ”.
Vị thiên sứ ra đi. Ngài gặp
ngay người đàn bà góa đang cho đứa con nhỏ nhất bú. Ngài hết nhìn người đàn bà
với bốn đứa con dại, lại ngước mắt lên nhìn về Ðấng Allah như xin rút lại lệnh
truyền. Làm sao có thể nhẫn tâm để tách biệt người mẹ với những đứa con thơ còn
lại… Nhưng ánh mắt van xin của vị sứ thần đã không mảy may đánh động được Ðấng
Allah. Cuối cùng, vị sứ thần đành phải vâng lệnh Ðấng Allah để cướp lấy người
đàn bà khỏi đám con thơ và đưa về trời.
Hoàn thành công tác, nhưng
xem chừng vị sứ thần không thể vui được. Vui thế nào được trước cảnh chia cách
giữa mẹ và con. Thấy vị sứ thần buồn bã, Ðấng Allah mới cho gọi ngài lại và đưa
ngài vào giữa sa mạc. Ðấng Allah chỉ cho vị sứ thần thấy một tảng đá lớn và bảo
ngài hãy đập vỡ nó ra…
Tảng đá vừa vỡ ra, vị sứ thần
ngạc nhiên vô cùng, vì từ trong đó, một con sâu nhỏ từ từ bò ra… Hiểu được ý
nghĩa của cử chỉ ấy, vị sứ thần thốt lên: “Ôi lạy Ðấng tối cao, màu nhiệm thay
công cuộc sáng tạo của Ngài. Với sự không ngoan thượng trí và tình yêu vô biên,
Ngài đã không bỏ mặc một tạo vật nhỏ bé như con sâu kia, thì hẳn Ngài cũng sẽ
không quên được bốn đứa bé mồ côi là con cái của Ngài”.
Ðâu là hình ảnh chúng ta có về
Chúa? Ngài là Thiên Chúa từ nhân, luôn tha thứ, Ngài là người Cha nhân hậu luôn
yêu thương săn sóc cho từng đứa con, hay trái lại, Ngài chỉ là một ông thần độc
ác mà vì sợ hãi chúng ta phải chạy đến để khỏi bị trừng phạt…?
Trở về với Thiên Chúa, trước
tiên là phải gạt bỏ ra khỏi tâm hồn chúng ta hình ảnh bất xứng mà chúng ta gán
cho Chúa. Hãy phục hồi lại trong tâm hồn chúng ta hình ảnh của một Thiên Chúa
mà Tin Mừng đã mạc khải cho chúng ta: đó là một người Cha luôn yêu thương và
không ngừng tha thứ cho chúng ta, một người Cha mà tình thương vượt hẳn những
tính toán cân lường của trí khôn loài người chúng ta…
Có những lúc chúng ta cảm thấy tội
lỗi đang đè nặng trong tâm tư ư? Hãy mau mắn chạy đến với Ngài.
Có những lúc đau khổ, mất mát
che phủ khiến chúng ta nghi ngờ tình yêu của Ngài ư? Hãy tin tưởng rằng, Ngài
đang nhìn thấy và cảm thông với từng nỗi khốn khổ của chúng ta và tình yêu nhiệm
màu của Ngài luôn nhào nặn để biến những đắng cay chua xót ấy thành ân phúc cho
chúng ta.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét