05/09/2020
Thứ Bảy đầu tháng,
tuần 22 thường niên
BÀI ĐỌC I: 1 Cr 4, 6-15
hoặc 9-15
“Chúng tôi chịu đói khát và trần
trụi”.
Trích thư thứ nhất
của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, anh em hãy học hỏi nơi tôi và Apollô lời tục ngữ rằng:
“Đừng làm quá điều đã chép”, để anh em đừng kiêu căng mà theo phe người này chống
lại phe người khác. Vì có ai làm cho ngươi được nổi bật đâu? Nào ngươi có điều
gì mà không phải là ngươi đã nhận lãnh? Nếu ngươi đã nhận lãnh, lẽ nào ngươi
khoe mình dường như ngươi không nhận lãnh?
Phải rồi! anh em đã được no đầy rồi đấy, đã trở nên giàu có rồi đấy, anh
em đã cai trị mà không cần đến chúng tôi. Chớ chi anh em được làm vua, để chúng
tôi cùng được cai trị với anh em. Vì tôi nghĩ rằng chúng tôi là những tông đồ
rốt hết, mà Thiên Chúa đã phơi bày chúng tôi ra như những người bị tử hình: vì
chúng tôi đã nên trò cười cho thế gian, cho các Thiên Thần và loài người. Chúng
tôi là những kẻ ngu dại vì Đức Kitô, còn anh em là những người khôn ngoan trong
Đức Kitô; chúng tôi là những kẻ yếu đuối, còn anh em là những người hùng mạnh;
anh em là những người sang trọng, còn chúng tôi là những kẻ hèn hạ. Cho đến giờ
này, chúng tôi phải chịu đói khát, trần trụi, bị xỉ vả và long đong, chính tay
chúng tôi đã vất vả làm việc; khi bị chúc dữ, chúng tôi chúc lành; bị bắt bớ,
chúng tôi chịu đựng; bị thoá mạ, chúng tôi năn nỉ. Chúng tôi trở nên như đồ phế
thải của thế gian này, và như cặn bã của mọi loài cho đến giờ này.
Tôi viết những điều này, không phải để làm nhục nhã anh em, nhưng tôi
khuyến cáo anh em như con cái rất yêu dấu của tôi. Vì dẫu anh em có hàng vạn thầy
dạy trong Đức Kitô, nhưng anh em không có nhiều cha đâu; vì nhờ Tin Mừng, tôi
đã sinh anh em ra trong Đức Giêsu Kitô. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 144, 17-18.
19-20. 21
Đáp: Chúa gần gũi mọi
kẻ kêu cầu Người (c. 18a).
1) Chúa công minh trong mọi đường lối, và thánh thiện trong việc Chúa
làm. Chúa gần gũi mọi kẻ kêu cầu Người, mọi kẻ kêu cầu Người cách thành tâm. –
Đáp.
2) Chúa thực hiện ý muốn của những ai tôn sợ Người, Người nghe tiếng họ
kêu và Người cứu họ. Chúa gìn giữ tất cả những ai mến yêu Người, và Người hủy
diệt hết mọi kẻ bất nhân. – Đáp.
3) Miệng tôi hãy xướng lời ca khen ngợi Chúa, mọi loài huyết nhục hãy
chúc tụng danh Chúa tới muôn đời. – Đáp.
ALLELUIA: Tv 110, 8ab
Alleluia, alleluia!
– Lạy Chúa, mọi giới răn Chúa được lập ra cho tới muôn ngàn đời. –
Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 6, 1-5
“Tại sao các ông làm điều không
được phép làm trong ngày Sabbat?”
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Trong một ngày Sabbat, khi Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, thì các môn đệ bứt
bông lúa miến, vò xát trong tay, rồi ăn. Có mấy người biệt phái nói với các ông
rằng: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?” Chúa
Giêsu trả lời họ rằng: “Các ông chưa đọc điều Đavit đã làm khi ông và các người
tuỳ tùng bị đói sao? Ngài đã vào đền thờ Thiên Chúa, lấy bánh dâng hiến mà ăn
và cho các người bạn tuỳ tùng ăn, bánh đó họ không được phép ăn, nhưng chỉ dành
cho các trưởng tế mà thôi”. Và Người bảo họ rằng: “Con Người làm chủ cả ngày
Sabbat”. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm : Ý nghĩa đích
thực của lề luật
Một trong những sợi chỉ chạy xuyên suốt các sách Tin Mừng là cuộc đối đầu
giữa Chúa Giêsu và các nhà lãnh đạo tôn giáo, tức là những người đứng ra bảo đảm
cho việc thi hành Lề Luật. Thật ra, như Chúa Giêsu đã từng khẳng định Ngài đến
không phải để hủy bỏ Lề Luật mà để hoàn thành nó.
Với Chúa Giêsu, sống tốt lành, thánh thiện không hệ tại ở chỗ thi hành Lề
Luật mà chính là sống theo tinh thần Lề Luật. Một người có thể giữ hết mọi Lề
Luật nhưng có thể chưa phải là một người thánh thiện. Lề Luật tự nó là tiêu cực,
Lề Luật thường đưa ra những điều cấm đoán. Chúa Giêsu thì trái lại, luôn tích cực.
Ngài công bố Lề Luật mới xây dựng trên tình yêu. Con người phải nên thánh thiện
như Cha trên trời. Thiên Chúa thánh thiện không phải do tuân giữ Lề Luật. Thiên
Chúa thánh thiện bởi vì Ngài là tình yêu và vì Thiên Chúa là tình yêu cho nên
ai sống trong tình yêu thì thuộc về Thiên Chúa và nên thánh thiện. Trong bài diễn
văn chung luận về ngày sau hết, Chúa Giêsu sẽ không dùng Lề Luật để phán xét
con người mà chỉ hỏi con người có yêu thương tha nhân không mà thôi.
Trong bài Tin Mừng hôm nay sự kiện các môn đệ đi qua cánh đồng lúa và bứt
lúa ăn trong ngày sabát làm nổi bật sứ điệp của Chúa Giêsu. Cuộc chạm trán ngắn
ngủi giữa Chúa Giêsu và các biệt phái cho thấy ý nghĩa đích thực của Lề Luật.
Bánh thánh là biểu hiện sự hiện diện của Thiên Chúa giữa cộng đồng. Bánh Thánh
của người Do Thái cũng mầu nhiệm như bánh thánh của Chúa Kitô, nó biểu hiện
phép Thánh Thể. Không người Do Thái nào dám sờ đến bánh thánh cũng như không một
người công giáo nào dám mở nhà chầu lấy bánh thánh để ăn trưa. Thật là trái tai
khi nghe Chúa Giêsu biện hộ cho hành vi của vua Ðavít. Tuy nhiên, qua lời biện
hộ này chúng ta hiểu được quan niệm của Chúa Giêsu về Lề Luật. Lề Luật là chỉ để
hướng dẫn và hỗ trợ cho con cái của Thiên Chúa, không nên biến nó thành một
gánh nặng, nó phải đáp lại nhu cầu của con người. Chính vì thế mà Chúa Giêsu
tuyên bố: "Lề Luật được lập ra cho con người chứ không phải con người cho
Lề Luật, ngày sabát được lập ra cho con người chứ không phải con người cho ngày
sabát". Con cái của Thiên Chúa là thánh thiện chứ không phải Lề Luật.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta, có
khi chúng ta giữ đạo một cách chi ly nhưng chưa thực sự sống đạo, chúng ta tuân
giữ mọi Lề Luật nhưng chưa sống tinh thần của Lề Luật. Cốt lõi của Lề Luật
chính là tình yêu. Tất cả mọi Lề Luật đều thu tóm về giới răn yêu thương, sống
yêu thương là chu toàn Lề Luật. Lời của thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi
giáo đoàn Côrintô đoạn 13 cần được chúng ta đem ra suy niệm và thực hành:
"Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các
thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác nào thanh la
phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri và được biết
hết mọi chuyện bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu hay có được tất cả những đức tin đến
chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giá như tôi
có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt,
mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi".
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 22 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: 1 Cor 4:9-15; Lk 6:1-5.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Chịu đau khổ vì Tin Mừng.
Người đời có thể hy sinh chịu đau khổ, thời giờ, sức lực… với hy vọng họ
sẽ lãnh nhận lại uy quyền, danh vọng, và những lợi lộc vật chất; nhưng vì động
lực nào các môn đệ của Chúa dám hy sinh chịu đau khổ, thời giờ, sức lực, tiền của?
Nhiều tín hữu bị khinh thường là làm việc không công!
Các bài đọc hôm nay giúp chúng ta nhận ra những động lực thúc đẩy Phaolô
và các tín hữu làm việc. Trong bài đọc I, thánh Phaolô thú nhận ngài đã trở nên
điên dại vì Đức Kitô với một mục đích duy nhất là làm cho mọi người nhận ra
tình yêu của Đức Kitô đã dành cho họ và tin tưởng nơi Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa
Giêsu bảo vệ các môn đệ bằng cách nhắc nhở cho các Kinh-sư và Biệt-phái biết họ
đừng vụ luật; nhưng phải biết giữ ngày Sabbath cho lợi ích của linh hồn và thân
xác họ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Những động lực thúc đẩy
Phaolô chịu đau khổ.
(1) Chịu đau khổ vì Đức Kitô: Cũng như các tiên tri của Cựu Ước, một khi
đã chấp nhận làm tiên tri của Chúa là phải chịu đau khổ; các Tông Đồ của Tân Ước
cũng vậy, họ phải chịu mọi gian nan thử thách vì Tin Mừng của Đức Kitô. Lý do
là vì thế gian không luôn muốn đón nhận Sự Thật và lối sống theo Tin Mừng.
Thánh Phaolô cũng không ra ngoài trường hợp này. Ngài phải chịu đau khổ trăm
chiều vì Đức Kitô như lời ngài viết: “Thật vậy, tôi thiết nghĩ: Thiên Chúa đã đặt
chúng tôi làm Tông Đồ hạng chót như những kẻ bị án tử hình, bởi vì chúng tôi đã
nên trò cười cho thế gian, cho thiên thần và loài người!”
Nhưng những gian khổ họ chịu không vô nghĩa vì nếu chung phần đau khổ với
Chúa Kitô họ sẽ cùng chung phần vinh quang với Ngài trong vương quốc của Ngài đời
sau.
(2) Chịu đau khổ cho người khác được lợi ích: Ngoài hy vọng được chung hưởng
vinh quang đời sau, đau khổ sẽ giúp ích cho tha nhân ngay khi còn ở đời này. Những
hy sinh cố gắng của các nhà truyền giáo sẽ mang hạt giống đức tin đến cho những
người chưa nhận biết Chúa. Những giọt máu đào đổ ra sẽ giúp cho hạt giống đức
tin sinh hoa kết quả nơi những người đã lãnh nhận, gia đình của họ, và giáo hội
địa phương. Thánh Phaolô liệt kê một số các đau khổ ngài đã chịu, có lẽ để nhắc
nhở các tín hữu biết quí trọng những gì ngài đã hy sinh cho họ: “Chúng tôi điên
dại vì Đức Kitô, còn anh em thì khôn ngoan trong Đức Kitô; chúng tôi yếu đuối,
còn anh em thì mạnh mẽ; anh em được kính trọng, còn chúng tôi thì bị khinh khi.
Cho đến giờ này, chúng tôi vẫn chịu đói khát, trần truồng, bị hành hạ và lang
thang phiêu bạt; chúng tôi phải vất vả tự tay làm lụng. Bị nguyền rủa, chúng
tôi chúc lành; bị bắt bớ, chúng tôi cam chịu; bị vu khống, chúng tôi đem lời an
ủi. Cho đến bây giờ, chúng tôi đã nên như rác rưởi của thế gian, như phế vật đối
với mọi người.”
Như cha mẹ phải vất vả lo lắng, làm việc, và dạy dỗ con cái, thánh Phaolô
cũng coi mình như một người cha tinh thần của các tín hữu. Vì thế, ngài không
ngại chấp nhận mọi hy sinh và đau khổ với hy vọng cho những người con tinh thần
của ngài được lớn lên trong đức tin và được hưởng muôn vàn lợi ích thiêng liêng
qua việc tin tưởng vào Đức Kitô. Ngài tâm sự: “Tôi viết những lời đó không phải
để làm anh em xấu hổ, nhưng là để sửa dạy anh em như những người con yêu quý của
tôi. Thật thế, cho dầu anh em có ngàn vạn giám thị trong Đức Kitô, anh em cũng
không có nhiều cha đâu, bởi vì trong Đức Kitô Giêsu, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã
sinh ra anh em.”
2/ Phúc Âm: Biệt-phái xét đoán các môn đệ
Chúa.
Các Kinh-sư và Biệt-phái không tố cáo các môn đệ của Chúa lỗi đức công bằng,
vì luật cho phép có thể bứt bông lúa ăn bằng tay, nhưng không được tra liềm cắt
lúa (Dt 23:26). Họ tố cáo các môn đệ vì dám vi phạm ngày Sabbath. Những việc cấm
làm trong ngày Sabbath là gặt hái, đập lúa, sàng xẩy, và chuẩn bị đồ ăn. Theo họ,
các môn đệ vi phạm tất cả các điều này khi bứt lúa, vò trong tay (coi như đập
lúa), thổi vỏ trấu (sàng lúa), và chuẩn bị đồ ăn trước khi cho vào miệng. Chúng
ta có thể cười thầm vì lối nhìn của họ, nhưng đối với họ, những người vi phạm
ngày Sabbath như thế có thể bị tử hình!
Đức Giêsu trả lời họ bằng việc nhắc nhở họ biến cố được ghi chép lại
trong I Sam 21:1-6. “Các ông chưa đọc chuyện này trong Sách sao? Ông Đavid đã
làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa lấy Bánh Tiến mà ăn
và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi.” Ở đây Chúa
Giêsu muốn nói: Luật nào cũng có luật trừ. Luật ăn Bánh Tiến được vi phạm để bảo
vệ sự sống cho Đavid và thuộc hạ của ông.
Chính những Rabbi cũng công nhận “Ngày Sabbath được làm ra cho con người,
chứ không phải con người cho ngày Sabbath.” Điều này chứng tỏ khi sự sống bị đe
dọa, con người có thể vi phạm các luật ngày Sabbath.
Và Chúa Giêsu kết luận: “Thiên Chúa làm chủ ngày Sabbath.” Nếu ngày
Sabbath được làm ra vì con người, luật lệ ngày đó chỉ để áp dụng cho con người,
chứ không cho Thiên Chúa. Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbath vì (1) Ngài
làm chủ ngày Sabbath, và (2) bệnh tật đe dọa sự sống con người.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
– Chúng ta sẵn sàng chịu đau khổ vì Đức Kitô vì biết chúng ta sẽ cùng được
hưởng vinh quang đời sau với Ngài.
– Chúng ta sẵn sàng chịu đau khổ cho tha nhân được sống. “Nếu hạt giống
rơi xuống đất mà không thối đi, nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó chịu thối
đi, nó sẽ trổ sinh nhiều bông hạt khác.”
– Đừng cố vạch lá tìm sâu bằng cách bắt tha nhân giữ tỉ mỉ các lề luật,
nhưng hãy lo cho sao có lòng nhân từ và bảo vệ công lý.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
05/09/2020 – THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Th. Tê-rê-xa Can-cút-ta, nữ tu
Lc 6,1-5
SỐNG CÓ LÝ CÓ TÌNH
“Ông Đa-vít đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào
nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này chỉ có tư tế
mới được ăn mà thôi.” (Lc 6,3-4)
Suy niệm: Trong các mối tương quan xã hội, vẫn thường xảy ra
xung đột giữa tình và lý, lắm khi rất gay gắt và nan giải. Vì thế một cuộc sống
hài hoà có lý có tình là một lý tưởng mà người ta mong ước đạt được. Người
Pha-ri-sêu được cho là không có “tình” khi họ bắt bẻ các môn đệ vi phạm luật
ngày sa-bát chỉ vì các ông bứt vài bông lúa chà xát trong tay để ăn cho đỡ đói.
Khi hành xử “vô tình” như vậy, họ đã đánh mất cái “lý” đích thực qua việc vận dụng
lề luật cách nệ hình thức, hẹp hòi và hà khắc. Chúa Giê-su nhắc lại câu chuyện
tư tế A-khi-mê-léc cho vua Đa-vít và thuộc hạ ăn bánh tiến trong đền thờ, thứ
bánh mà chỉ tư tế mới được ăn (x. 1Sm 21,1-7) và Ngài cho biết “chìa khoá” để
hành xử “thấu tình đạt lý” đó là “vì Con Người”; “Con Người” ở đây là chính
Ngài, “chủ của ngày sa-bát,” mà ngày sa-bát được đặt ra là vì con người, tức là
vì hạnh phúc của chúng ta (x. Mc 2,23-18).
Mời Bạn: Nếu bạn giữ luật cách nghiêm túc, đó là điều đáng
khen nhưng nếu bạn chỉ giữ luật theo hình thức bên ngoài mà trong cuộc sống lại
cư xử vô cảm nghiệt ngã với anh chị em, đó lại là điều đáng trách. Mời bạn học
mẫu gương của Chúa, Đấng “hiền lành và khiêm nhường trong lòng”, luôn đầy lòng
khoan dung và thương xót đối với chúng ta, nhờ đó bạn hành xử với nhau cho “thấu
tình đạt lý” giống như Ngài, bạn nhé!
Sống Lời Chúa: Thường xuyên xét mình xem các hành động của mình có
phát xuất từ động lực là tình yêu không.
Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.
(5 Phút Lời Chúa)
Suy Niệm : Điều
không được phép làm
Suy niệm:
“Tại sao các ông lại
ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?”
“Tại sao môn đệ ông lại
không ăn chay?”
“Tại sao môn đệ ông
không chịu rửa tay khi dùng bữa?”
Mấy người Pharisêu có
vẻ thích đặt những câu hỏi tại sao.
Và trong bài Tin Mừng
hôm nay, họ lại đặt một câu hỏi nữa :
“Tại sao các ông làm
điều không được phép làm trong ngày sabát?”
Câu chuyện đơn giản
như sau.
Thầy Giêsu và các trò
đi ngang qua một cánh đồng lúa chín.
Các môn đệ đói nên bứt
những bông lúa, vò trong tay cho vỏ tróc ra mà ăn.
Hành vi này được phép
làm, dựa theo sách Đệ nhị luật (23, 26).
Nhưng vì đó là ngày
sa-bát, nên lại không được phép làm.
Thật ra sách Xuất hành
chỉ cấm gặt lúa vào ngày sa-bát thôi (34, 21).
Nhưng truyền thống đã
dựng thêm một hàng rào bảo vệ,
bằng cách coi bứt lúa
cũng là một hình thức gặt lúa.
Bởi thế các môn đệ bị
coi là đã vi phạm luật giữ ngày sa-bát.
Thầy Giêsu lại một lần
nữa bênh vực học trò của mình.
Ngài bắt đầu câu trả lời
bằng việc đưa các ông Pharisêu về với Kinh Thánh.
Chẳng lẽ những người
trí thức như họ mà đã không đọc chuyện này rồi sao.
Đó là chuyện vua
Đa-vít và thuộc hạ đói bụng, đã được ăn “bánh thánh”,
khi họ đến đền thờ Nốp,
gặp tư tế Akhimêléc (1 Sm 21, 2-7).
Vị tư tế này đã cho họ
ăn thứ bánh đặt trước nhan Đức Chúa (Xh 25, 30)
mà chỉ tư tế mới được
phép ăn (c. 4; Lv 24, 9),
khi 12 bánh cũ của tuần
trước được thay bằng bánh mới vào ngày sa-bát.
Akhimêléc đã làm điều
không được phép, vì bánh thường không còn.
Đứng trước cơn đói của
Đavít, ông đã không quay đi vì nệ luật.
Đức Giêsu dùng câu
chuyện này để bênh các môn đệ đang đói của Ngài,
dù nó không liên quan
gì đến chuyện giữ ngày sabát.
Như tư tế Akhimêléc,
Ngài cũng không quay đi vì nệ luật.
Hơn nữa, Ngài khẳng định
mình là chủ ngày sa-bát (c. 5).
Đức Giêsu không dẹp bỏ
ngày sa-bát, nhưng đặt nó ở dưới quyền của Ngài.
Chính Ngài cho ta biết
cách giữ ngày sa-bát theo đúng ý Thiên Chúa.
Tội nghiệp các môn đệ
bị đói, vì họ đã bỏ mọi sự mà theo Thầy Giêsu.
Họ chấp nhận bữa đói bữa
no với một vị Thầy lang thang đây đó,
sống hoàn toàn nhờ
lòng tốt của người nghe.
Mấy bông lúa có là gì
để tránh cái cồn cào trong ruột.
Thầy Giêsu đã từng nếm
cái đói, và thèm một trái vả (Mc 11, 13).
Thầy đã từng khát và
xin nước của người phụ nữ (Ga 4, 7).
Bởi đó Thầy hiểu được
cái đói khát hành hạ con người mọi thời.
Mọi luật lệ được đặt
ra để phục vụ con người và thăng tiến nó.
Đôi khi chúng ta phải
nhìn lại những luật đã quen giữ từ lâu
để điều chỉnh lại cho
phù hợp với những nhu cầu mới của con người.
Làm sao để luật không
đè bẹp, nhưng nâng đỡ con người sống tốt hơn?
Làm sao để khi áp dụng
luật, tôi vẫn giữ được sự mềm mại của tình yêu?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
con được no nê mà vẫn
thiếu ăn,
vì bên con còn có người
đói lã
Con uống nước mát mà
lòng vẫn khô ran
vì bên con còn có người
đang khát
Con vui cười mà nước mắt
tuôn rơi
vì bên con còn có người
phiền muộn.
Con sáng mắt mà vẫn ở
trong bóng đêm
vì bên con còn có người
mù tối
Con mặc áo đẹp mà vẫn
rách tả tơi.
vì bên con còn có người
trần trụi
Con nằm trong nệm êm
mà vẫn thao thức,
vì bên con còn có bao
nhiêu người thiếu thốn.
(Myrtle Householder)
Lm. Antôn Nguyễn Cao
Siêu, S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
5 THÁNG CHÍN
Chúng Ta Sẽ Đáp Lại
Tiếng Gọi Của Thiên Chúa
Trong sâu thẳm trái
tim con người, ơn gọi mặc lấy hình thức một cuộc đối thoại. Đó là cuộc đối thoại
giữa Đức Kitô và cá nhân mỗi người, trong đó một lời mời gọi riêng tư được nói
lên. Đức Kitô gọi đích danh mỗi người, Ngài nói: “Hãy theo Ta”. Lời mời gọi này
– được Đức Kitô nói lên cách nhiệm mầu bên trong nội tâm con người – sẽ được
chúng ta nhận ra rõ ràng nhất trong bầu khí thinh lặng cầu nguyện. Việc đón nhận
tiếng gọi này là một hành vi của đức tin.
Tiếng gọi vừa là dấu
hiệu của tình yêu vừa là lời kêu gọi yêu thương. Trong trình thuật Tin Mừng về
cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với người thanh niên giàu có, Mác-cô kể rằng Đức
Giêsu trìu mến nhìn anh ta khi Người thách đố anh ta bán mọi sự và đi theo Người
(cf. Mc 10,21). Tiếng gọi của Chúa luôn đòi hỏi một sự chọn lựa, một quyết định
hoàn toàn tự do về phía chúng ta.
Quyết định thưa “Vâng”
trước lời mời gọi của Đức Kitô sẽ kéo theo với nó rất nhiều hệ quả quan trọng.
Chúng ta phải từ bỏ những mối ưu tiên khác. Chúng ta phải sẵn sàng bỏ những người
thân yêu của mình lại sau lưng. Chúng ta phải bắt đầu tín thác hoàn toàn vào
Thiên Chúa bằng cách sống gần gũi hơn với Đức Kitô.
Lời đáp trả trong tình
yêu này đối với tiếng gọi được diễn tả rất rõ ràng bởi tác giả Thánh Vịnh :
“Con thưa cùng Chúa:
‘Ngài là Chúa con thờ,
ngoài Chúa ra đâu là hạnh
phúc? …
Lạy Chúa, Chúa là phần
sản nghiệp con được hưởng,
là chén phúc lộc dành
cho con;
số mạng con, chính
Ngài nắm giữ …
Chúa sẽ dạy con biết
đường về cõi sống:
trước Thánh Nhan, ôi
vui sướng tràn trề,
ở bên Ngài hoan lạc chẳng
hề vơi!” Tv 16,2.5.11)
Ân huệ này yêu cầu sự
đáp trả của chúng ta. Chúng ta phải nỗ lực nhận hiểu mầu nhiệm vốn vượt quá mọi
sự hiểu biết song đã được Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta. Thiên Chúa kêu gọi
chúng ta. Chúng ta có sẵn sàng đáp trả tiếng gọi của Ngài?
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 05/9
Thánh Têrêxa
Calcutta, nữ tu
1Cr 4, 6-15; Lc 6,
1-5.
LỜI SUY NIỆM: “Con Người
làm chủ ngày Sabát.”
Trong câu chuyện khi Chúa Giêsu cùng với các môn đệ của Người băng qua cánh đồng
lúa trong ngày Sabát, các môn đệ đã bứt lúa, vò trong tay mà ăn. Những người
Pharisêu trông thấy và đã lên án: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm
ngày Sabát.” Để hiểu rõ về ngày Sabát, trong sách Diễn Nghĩa Kinh Thánh cho
chúng ta biết: trong Cựu Ước: ngày Sabát là ngày kết thúc một tuần lễ bằng một
ngày nghỉ, ngày vui mừng và ngày hội họp có tính cách phụng tự. (Os 2,13; 2V
,23; Is 1,13). Vì thế Thiên Chúa đã cho Israen ngày Sabát như một dấu chỉ để họ
biết rằng Thiên Chúa thánh hóa dân Ngài. (Ez 20,12). Còn trong Tân Ước Chúa
Giêsu thường dùng ngày Sabát để giảng dạy Tin Mừng. (Lc 4,16) và Người còn cho
biết: “Ngày Sabát được lập ra vì người ta, không phải người ta được dựng nên vì
ngày Sabát.” (Mt 2,27). Và Chúa Giêsu đã tự nhận mình có quyền trên ngày Sabát.
(Mc 2,28).
Lạy Chúa Giêsu. Ngày thứ nhất trong tuần, ngày Chúa sống lại, đã trở thành ngày
tế tự của Giáo Hôi như là ngày của Chúa. Xin cho chúng con được nghĩ ngơi để thờ
phượng Chúa và làm việc thiện.
Mạnh Phương
05 Tháng Chín
Bỏ Mọi Sự Ðể Theo Chúa
“Bỏ tất cả mọi sự để
theo Chúa”, lời kêu gọi này của Chúa Giêsu có thể thực hiện được trong xã hội
dư dật ngày nay không? Như một dụ ngôn trong Phúc Âm, chúng ta hãy lắng nghe
câu chuyện sau đây của tiến sĩ Marcello Candia, người đã dâng cúng tất cả tài sản
để xây dựng một bệnh viện giữa khu rừng già Amazone bên Ba Tây và sinh sống tại
đó như một người dân nghèo.
“Khi còn ở bậc
trung học, tôi là thành phần của một nhóm trẻ sinh hoạt dưới sự hướng dẫn của một
cha dòng Phanxico. Chúng tôi thường đi thăm các gia đình nghèo tại ngoại ô
Milano… Sự chú ý đến người nghèo đã làm nảy sinh ước muốn truyền giáo nơi tôi.
Một hôm thầy
Cêciliô, người coi cổng nhà dòng đã nhờ tôi phát thức ăn cho người nghèo… Trên
tường nơi phòng ăn dành cho người nghèo có treo một tấm hình của cha Daniele
Samarate, một vị thừa sai của dòng đã chết vì bệnh cùi sau một thời gian phục vụ
người thổ dân tại một miền ở Ba Tây… Mỗi lần phát thức ăn cho người nghèo, tôi
đều nhận ra hình ảnh đầy đau khổ của ngài. Dần dà, hình ảnh đó quen thuộc đến nỗi
trong bất cứ người nghèo nào, tôi cũng nhận ra hình ảnh ấy… Từ đó, ước muốn phục
vụ những người cùi đã nảy sinh trong tôi”.
Sau khi tốt nghiệp
đại học, Macello đã được cha gửi đi công cán tại nhiều nước nghèo trên thế giới.
Trong dịp ghé thăm một vùng nghèo tại Amazone bên Ba Tây, Macello đã trở về với
quyết định bán hết tất cả tài sản và rút về đây để phục vụ người nghèo. Với tài
sản do gia đình để lại, Macello đã xây cất một bệnh viện với 120 giường và được
trang bị với đầy đủ dụng cụ của một trung tâm y tế đa khoa.
Macello đã giải
thích về việc làm của mình như sau: “Người ta nói với tôi rằng tốt hơn hãy giúp
những người nghèo ở xứ sở của mình trước đã. Tôi xin trả lời rằng điều quan trọng
là mỗi người chúng ta biết làm một chút gì cho những người đang đau khổ, bất cứ
họ đang ở đâu… Niềm vui lớn nhất của tôi là thấy nhiều người, thụ động và cam
chịu số phận, đã biết cởi mở”.
Sự trưởng thành của
Giáo Hội được thể hiện qua ý thức mỗi lúc một sâu sắc của người giáo dân về vai
trò của mình. Ðã qua rồi cái thời mà người ta cho rằng Giáo Hội là chuyện của
các giám mục, linh mục. Ðã qua rồi cái thời mà người ta cho rằng nên thánh là
chuyện của vị giáo hoàng, các giám mục, linh mục và tu sĩ… Không ai chiếm giữ độc
quyền để nên thánh một mình. Nên thánh là ơn gọi chung cho tất cả mọi người đã
chịu Phép Rửa… Do đó, tất cả những lời khuyên trong Phúc Âm đều có giá trị cho
tất cả mọi người theo Chúa Kitô. “Hãy về bán hết mọi sự, phân phát cho người
nghèo khó và trở lại với Ta”. Mệnh lệnh này không chỉ ngỏ với một số thành phần
ưu tuyển trong dân Chúa, nhưng là lệnh truyền cho tất cả mọi người.
Chúng ta không được sống
trong một xã hộ dư dật. Nghèo đói là một sự dữ mà Thiên Chúa không bao giờ muốn
cho con người rơi vào. Tuy nhiên, bên cạnh sự nghèo đói cơm bánh, còn có một sự
nghèo đói còn đáng khiếp sợ hơn, đó là: nghèo đói tình thương… Có biết bao người
đang chờ một ít cơm thừa cá cặn từ bàn ăn của chúng ta? Có biết bao nhiêu người
đang mong mỏi một nghĩa cử yêu thương của chúng ta?
Thế giới cần được biến
đổi không chỉ bằng của cải vật chất, nhưng bằng chính tình thương mà con người
biết san sẻ với nhau. Sự san sẻ đó là: dù sống trong xã hội nào, dù trải qua
hoàn cảnh nào, mọi người Kitô chúng ta đều có thể và phải làm được. Và đó cũng
là bí quyết duy nhất để giúp chúng ta nên thánh.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét