09/09/2020
Thứ Tư tuần 23 thường
niên.
BÀI ĐỌC I: 1 Cr 7,
25-31
“Ngươi bị ràng buộc với vợ ư?
Ngươi đừng tìm cách tháo gỡ. Ngươi không còn ràng buộc với vợ ư? Ngươi đừng tìm
cưới vợ nữa”.
Trích thư thứ nhất
của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, về những người đồng trinh, tôi không có lời Chúa truyền
dạy nào, nhưng tôi đã được Chúa thương, nên tôi cho ý kiến như một người đáng
tin cậy. Vậy tôi nghĩ rằng đó là một điều tốt theo nhu cầu hiện tại. Phải, người
ta ở vậy quả là một điều tốt. Ngươi bị ràng buộc với vợ ư? Ngươi đừng tìm cách
tháo gỡ. Ngươi không còn bị ràng buộc với vợ ư? Ngươi đừng tìm cưới vợ nữa.
Nhưng nếu ngươi cưới vợ, ngươi chẳng có tội gì. Và nếu kẻ đồng trinh kết bạn,
thì chẳng có tội gì. Nhưng những người thể ấy, sẽ chuốc lấy khốn khổ vào thân.
Phần tôi, tôi muốn cho anh em tránh được điều đó.
Anh em thân mến, tôi nói cùng anh em điều này là: Thời giờ vắn vỏi; còn
có cách là những ai có vợ, hãy ăn ở như không có; những ai than khóc, hãy ăn ở
như không than khóc; những kẻ hân hoan, hãy ăn ở như không hân hoan; những người
mua sắm, hãy ăn ở như không có gì; những ai dùng sự đời này, hãy ăn ở như không
tận hưởng, vì chưng bộ mặt thế gian này đang qua đi. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 44, 11-12.
14-15. 16-17
Đáp: Xin hãy nghe,
thưa nương tử, hãy coi và hãy lắng tai (c. 11a).
Xướng:
1) Xin hãy nghe, thưa nương tử, hãy coi và hãy lắng tai, hãy quên dân tộc
và nhà thân phụ, để Đức Vua Người sủng ái dong nhan: chính Người là Chúa của cô
nương, hãy phục vụ Người. – Đáp.
2) Tất cả huy hoàng là nàng công chúa đi vào cung nội, áo nàng dệt bằng
những sợi chỉ vàng. Bận áo gấm sặc sỡ, nàng được dẫn tiến Đức Vua, theo sau
nàng là những cô trinh nữ bạn bè, họ cũng được bệ kiến long nhan. – Đáp.
3) Họ bước đi trong niềm hân hoan vui vẻ, tiến vào trong cung điện Đức
Vua. Người sẽ có con nối gót tiên vương liệt vị, và phong họ làm quan trên cả
sơn hà. – Đáp.
ALLELUIA: Ep 1, 17-18
Alleluia, alleluia!
– Xin Chúa Cha của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cho mắt tâm hồn chúng ta được
sáng suốt, để chúng ta biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi chúng ta.
– Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 6, 20-26
“Phúc cho những kẻ nghèo khó.
Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa mắt nhìn các môn đệ và nói:
“Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các
ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no
đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được
vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất
và phỉ báng các ngươi, và loại trừ các ngươi như kẻ bất lương, ngày ấy các
ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu
trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.
“Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần
an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải
đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu
khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha
ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả”. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm : Các Mối Phúc
Thật
Nhiều người cho rằng tôn giáo nói chung và Kitô giáo nói riêng, là những
sức mạnh chống lại sự tiến bộ và phát triển của nhân loại. Lời cáo buộc này xem
ra được củng cố hơn khi người ta đọc những lời chúc phúc của Chúa Giêsu mà Giáo
Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay.
Thật thế, trong quan niệm thông thường của con người, dù ở đâu và ở bất cứ
thời đại nào: có tiền của là có tất cả. Trong khi đó, Chúa Giêsu lại tuyên bố:
Phúc cho những người nghèo khó, phúc cho những kẻ bây giờ phải đói khát, phúc
cho những kẻ bây giờ đang phải than khóc, phúc cho những kẻ đang bị oán ghét.
Phải chăng Chúa Giêsu không là kẻ lừa bịp đang cười cợt trên những đau khổ của
nhân loại? Phải chăng đó không phải là sứ điệp cổ võ sự bần cùng, đói khổ, lạc
hậu, đi ngược với tiến bộ và phát triển của nhân loại?
Chúa Giêsu quả thực đã sống như một người nghèo giữa những người nghèo;
đã tuyên bố: Phúc cho những kẻ nghèo đói, phúc cho những kẻ đang khóc lóc, phúc
cho những kẻ bị bách hại, Chúa Giêsu hẳn phải là người hạnh phúc nhất, vì Ngài
đã đi đến tận cùng sự nghèo đói, bách hại ấy. Chúa Giêsu đã không làm phép lạ
cho trái đất luôn chảy sữa và mật, Ngài đã không đem lại một giải pháp chính trị,
kinh tế, xã hội cụ thể nào; thế nhưng, cuộc sống, lời nói và cái chết của Ngài
lại là chìa khóa giúp giải quyết các vấn đề của con người. Quả vậy, vấn đề cơ bản
của con người là gì, nếu không phải là được sống hạnh phúc; tuy nhiên, sai lầm
lớn nhất của mọi thời chính là nghĩ rằng càng có nhiều tiền của, quyền bính,
danh vọng thì càng được hạnh phúc.
Khi tuyên bố: "Phúc cho những kẻ nghèo khó", Chúa Giêsu không hề
có ý muốn biến thế giới thành một thế giới nghèo đói, bần cùng. Của cải vật chất
là phương tiện cần thiết để cho con người được sống xứng phẩm giá con người;
Thiên Chúa đã tạo dựng con người để nó thống trị và hưởng dụng mọi sự trong vũ
trụ. Khi tuyên bố: "Phúc cho những kẻ nghèo khó", Chúa Giêsu nhắc nhở
cho con người bậc thang giá trị đích thực trong cuộc sống. Của cải vật chất là
phương tiện, chứ không phải là cứu cánh của cuộc sống. Người nghèo khó như Chúa
Giêsu đã từng sống là người sống theo bậc thang giá trị ấy. Người sống nghèo
khó như Chúa Giêsu là người biết sống cho những giá trị vĩnh cửu, là yêu
thương, quảng đại, liên đới, tình người.
Ðược lời Chúa soi sáng hướng dẫn, người Kitô hữu chúng ta phải là người
luôn tìm kiếm và sống cho những giá trị vĩnh cửu. Giữa những vất vả vì chén cơm
manh áo từng ngày, xin cho chúng ta luôn tìm kiếm Nước Chúa, nhờ đó chúng ta sẽ
là người hạnh phúc nhất, vì chúng ta biết mình sống để làm gì và sẽ đi về đâu.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 23 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: I Cor 7:25-31; Lk 6:20-26.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Hãy tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu mai sau.
Người tín hữu chúng ta tin “sống gởi thác về.” Cõi trần này chỉ là chỗ tạm
dung, chỉ khi chết đi mới thực sự là về nhà vĩnh cửu của mình. Nếu chúng ta xem
cõi trần này là chỗ tạm dung thì chúng ta đừng tích trữ của cải trần gian vì sẽ
không mang theo được khi nhắm mắt nằm xuống. Trái lại, phải dùng mọi cố gắng để
chuẩn bị mang theo những hành trang cần thiết của đời sau để chuẩn bị cho cuộc
sống hạnh phúc với Chúa trên Thiên Đàng. Trong Bài đọc I, thánh Phaolô dạy các
tín hữu về việc sống ơn gọi độc thân hay gia đình trong cuộc trần với viễn tượng
của cuộc sống mai sau. Trong Phúc Âm, Chúa chúc lành cho những người mà thế
gian coi thường và chúc dữ cho những người mà thế gian khen tặng.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hãy chú ý đến những sự đời
sau vì thế gian đang qua đi.
Điểm đầu tiên chúng ta cần nhấn mạnh: Những lời khuyên của thánh Phaolô
phải được hiểu trong bối cảnh lịch sử của câu “thế gian này đang qua đi.” Ngài
tin là Ngày Tận Thế sắp sửa đến; vì thế, các tín hữu phải gạt bỏ mọi chia trí
làm cản trở cho việc chuẩn bị để về với Chúa. Sau này, khi biết Ngày Tận Thế sẽ
không đến ngay, thánh Phaolô có cái nhìn khác hơn về ơn gọi gia đình như những
gì ngài viết cho các tín hữu thành Êphêsô. Dẫu sao đi nữa, những gì ngài viết vẫn
có giá trị của nó: Đừng quá chú trọng đến của cải vật chất và sự hưởng thụ ở đời
này, mà phải dành thời giờ và nỗ lực để chuẩn bị cho cuộc sống mai sau.
Nhiều người nhận xét: Thánh Phaolô coi trọng ơn gọi độc thân hơn ơn gọi
gia đình vì những gì ngài viết ở đây. Thực sự ngài chỉ viết theo kinh nghiệm sống,
và như ngài viết ngay từ đầu của Bài đọc, đây chỉ là những lời khuyên chứ không
phải là giáo điều phải tin. Ngay sau những câu hôm nay ngài giải thích rõ hơn:
“Tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì. Đàn ông không có vợ
thì chuyên lo việc Chúa: họ tìm cách làm đẹp lòng Người. Còn người có vợ thì lo
lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng vợ, thế là họ bị chia đôi. Cũng vậy,
đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn
về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời: họ tìm cách
làm đẹp lòng chồng. Tôi nói thế là để mong tìm ích lợi cho anh chị em, tôi
không có ý gài bẫy anh chị em đâu, nhưng chỉ muốn đề nghị với anh chị em một điều
tốt, để anh chị em được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co.” (I Cor
7:32-35).
Thánh Phaolô không khuyên mọi người phải từ bỏ ơn gọi gia đình để sống đời
độc thân: “Bạn đã kết hôn với một người đàn bà ư? Đừng tìm cách gỡ ra. Bạn chưa
kết hôn với một người đàn bà ư? Đừng lo kiếm vợ. Nhưng nếu bạn cưới vợ, thì
cũng chẳng có tội gì. Và nếu người con gái lấy chồng, thì cũng chẳng có tội
gì.” Nhưng ngài chỉ nhắc nhở một sự thật: họ sẽ bị chia trí và sẽ không có nhiều
thời gian để lo việc của Chúa.
2/ Phúc Âm: Quá chú ý đến những sự đời
này làm con người quên đi những sự đời sau.
So sánh “Bài giảng trên núi” của Matthêu (5:2-12) và “Bài giảng trong đồng
bằng” của Luca (6:20-26):
– Matthêu dùng ngôi thứ ba để áp dụng cách tổng quát trong khi Luca dùng
ngôi thứ hai để áp dụng trực tiếp cho các môn đệ và những ngừơi nghe.
– Matthêu cấu trúc bài giảng bằng “8 mối phúc” trong khi Luca bằng “4 mối
phúc” và “4 mối khốn.” Bốn mối phúc của Luca đều được trình bày trong 8 mối
phúc của Matthêu. Có lẽ Luca muốn làm nổi bật lên sự tương phản giữa tiêu chuẩn
của Nước Trời và của thế gian.
Những lời Chúa phán về 4 mối phúc gợi lên niềm hy vọng cho những người
nghèo khổ, đói khát, đau khổ, và bị bắt bớ vì Con Người; trong khi như bom nổ
ngang tai cho những người giầu có, no đủ, vui cười, và được ca tụng. Chúa Giêsu
lấy những giá trị thế gian tôn thờ và đảo ngược chúng: Bốn điều phúc của thế
gian thành 4 điều khốn, và 4 điều khốn của thế gian thành 4 điều phúc.
Tại sao tiêu chuẩn của Nước Trời hòan tòan ngược lại tiêu chuẩn của thế
gian? Lý do đơn giản như thánh Phaolô nói ở trên vì “thế gian này đang qua đi,”
để tiến tới một quê hương vĩnh cửu trên trời. Một cái nhìn chi tiết vào 4 mối
Chúa nói sẽ cho chúng ta hiểu rõ hơn:
(1) Nghèo khó: Sự giầu có làm cho con người khó vào Nước Trời như Chúa
nói: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời.” Giầu
có làm con người bằng lòng với những hưởng thụ của cuộc sống hiện tại và quên
đi cuộc sống đời sau. Họ dùng tất cả thời gian và nỗ lực để kiếm tiền, và sau
khi kiếm tiền lại lo hưởng thụ; họ không còn thời giờ cho Chúa. Người nghèo hiểu
họ chỉ cần ăn để sống nên không lo tích trữ. Nếu Thiên Chúa đã nuôi chim trời
và thú vật ngòai đồng, Ngài sẽ không để cho con cái của Ngài phải chết đói. Họ
dành giờ để chuẩn bị cho cuộc sống mai sau.
(2) Đói khát: Luca chỉ để trống không “đói khát” trong khi Matthêu có
thêm “sự công chính.” Chắc chắn Chúa không cổ võ sự đói khát về của ăn và lấy
làm sung sướng khi thấy con mình phải chết đói; nhưng điều Ngài muốn nói ở đây
là những đói khát về tinh thần. Thế gian cậy vào sức mình trong khi người nghèo
cậy vào Thiên Chúa. Ngài sẽ lấp đầy những đói khát tinh thần này.
(3) Đau khổ: Không đau khổ sẽ không có vinh quang; nếu con người muốn
chung phần vinh quang thì cũng phải chung phần đau khổ với Chúa. Hơn nữa đau khổ
còn giúp rèn luyện con người để có thể vượt qua mọi cám dỗ và trở ngại trong cuộc
sống. Người ham thích vui sướng và trốn tránh đau khổ sẽ không thành công ngay
cả ở đời này.
(4) Bị bắt bớ vì Con Người: Các tiên tri và những người rao giảng bị bắt
bớ và giết chết vì nói những gì thế gian không muốn nghe, nhưng là những gì
Chúa muốn nói. Ai tuyên xưng Chúa trước mặt thiên hạ thì Ngài cũng tuyên xưng
người ấy trước mặt Cha Ngài.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
– Là người tín hữu, chúng ta phải sống theo tiêu chuẩn Nước Trời, chứ
không theo tiêu chuẩn của thế gian. Chúng ta không thể bắt cá hai tay: vừa sống
theo tiêu chuẩn của Nước Trời vừa sống theo tiêu chuẩn của thế gian, vì như
Chúa đã xác quyết: “Các con không thể làm tôi cả Thiên Chúa lẫn tiền tài” (Mt
6:24).
– Ngay cả trong đời sống gia đình, chúng ta không thể dành hết thời giờ
và cố gắng cho gia đình mà quên đi bổn phận của chúng ta với Thiên Chúa, Người
mà sẽ sống với chúng ta mãi mãi sau này. Những người sống độc thân vì Nước Trời,
họ sẽ có nhiều thời giờ cho Chúa và tha nhân hơn.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
09/09/2020 – THỨ TƯ TUẦN 23 TN
Lc 6,20-26
HẠNH PHÚC KHÔNG PHẢI LÀ KHOÁI LẠC
Đức Giê-su nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó… Khốn
cho các ngươi là những kẻ giàu có…” (Lc 6,20.24)
Suy niệm: Liệu rằng việc Chúa
Giê-su nói về “cái phúc” của những người nghèo khó, đói khát, đau khổ… trong
khi lại “trù ẻo” những kẻ giàu có, no nê, sung sướng… có phải là lời ru ngủ những
người vốn bị coi là bất hạnh để họ an phận với kiếp lầm than? Câu trả lời đương
nhiên là không. Chúa Giê-su phân biệt sự khác nhau giữa “khoái lạc” và “hạnh
phúc”. Sự giàu có, no nê, sung sướng… là những khoái lạc chỉ thỏa mãn cơn khát
dục vọng, nhưng không phải là hạnh phúc thật. ĐHY Timothy Dolan cho biết: “Hạnh
phúc chỉ tùy thuộc ở chỗ chúng ta là ai, chứ không ở chỗ chúng ta làm gì hay có
gì.” Như thế, khi người ta biết trở nên nghèo khó – dù đang sở hữu của cải –
người ta mới nhận biết mình là ai và mới cảm thấy cần đến Chúa, và khi đó họ hạnh
phúc vì biết mình là con cái Thiên Chúa.
Mời Bạn: Con vi-rút Corona thật độc
dữ nhưng nó lại giúp cho chúng ta thức tỉnh và nhận ra rằng những gì chúng ta sở
hữu thực ra rất mong manh, và nhất là nhận ra rằng không phải chúng mà chính
Chúa mới là hạnh phúc đích thực của chúng ta. Ngài vẫn hiện diện đồng hành với
chúng ta, và mở đón chúng ta đến hưởng hạnh phúc nơi Ngài.
Sống Lời Chúa: Tận dụng việc giãn cách
xã hội để sống với Chúa cách sâu xa mật thiết hơn, đặc biệt qua việc đọc và suy
gẫm Lời Chúa mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con ơn
khôn ngoan để phân biệt được, giữa những điều con muốn và những thứ con cần.
Xin cho con xác tín rằng: trước hết hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa, còn những
thứ khác, Ngài sẽ ban cho sau.
(5 Phút Lời Chúa)
Suy Niệm : Phúc cho
anh em là những người nghèo
Suy niệm
:
Một học sinh nghèo trả lại chiếc bóp lượm được.
Một giáo viên kiên trì theo đuổi nghề giáo.
Một cán bộ về hưu trong cảnh thanh bạch.
Một bạn nữ bỏ chỗ làm có thu nhập cao...
Một nhân viên từ chối những đồng tiền hối lộ.
Giữa cuộc sống khó khăn,
vẫn có bao người không bị mê hoặc bởi bạc tiền.
Họ chọn sống trong cảnh nghèo,
lam lũ hơn, nhưng vui hơn và thanh thản hơn.
Vẫn có bao người nếm được mối phúc của Tin Mừng:
“Phúc cho anh em là những người nghèo khó,
Vì Nước Trời là của anh em”.
Người đời thường coi hạnh phúc bắt nguồn
từ giàu sang, no đủ, từ danh thơm tiếng tốt.
Đức Giêsu đưa chúng ta đi vào một thế giới khác,
với lối đánh giá khác, làm chúng ta ngỡ ngàng.
Ngài cho các môn đệ của Ngài biết rằng:
họ là những người có phúc,
khi phải chịu nghèo đói, đau khổ, bách hại vì Ngài.
Nước Trời đã thuộc về họ từ đây,
và hạnh phúc sẽ trọn vẹn trong ngày sau hết.
Đức Giêsu đã sống những mối phúc trước chúng ta.
Ngài là một người thợ thủ công nghèo,
Ngài biết đến sự dày vò của cơn đói,
Ngài đã từng nhỏ lệ trước thành Giêrusalem,
và đã chịu mọi khổ hình cho đến chết.
Nhưng Đức Giêsu là con người hạnh phúc,
vì biết mình luôn sống cho Cha và con người.
Chúng ta cần có kinh nghiệm của Đức Giêsu:
Nghèo của cải mà thật giàu Nước Thiên Chúa.
Đức Giêsu chúc phúc cho những môn đệ nghèo của Ngài,
nhưng Ngài không ca ngợi sự bần cùng, lạc hậu.
Cả cuộc đời Ngài là một hành vi cúi xuống
để nâng dậy những ai nghèo sức khoẻ, nghèo niềm vui.
Hôm nay Ngài muốn chúng ta
đến với khu lao động, với lớp học tình thương,
xóa đi cái nghèo tri thức, nghèo những ước mơ cao cả.
Sự no đủ và niềm vui phải bắt đầu từ đời này.
Ước gì chúng ta sống như Đức Kitô,
tự nguyện trở nên nghèo hơn
để làm giàu cho người khác (2 Cr 8,9).
Cầu nguyện :
Lạy Chúa,
xin cho con nhìn thấy những người nghèo
ở quanh con, ở trong gia đình con,
đang cần đến con.
Bất cứ ai cần đến con đều là người nghèo,
xin cho con thấy Chúa trong họ.
Dần dần con hiểu rằng
cả người giàu cũng nghèo,
nghèo vì cần thấy đời họ có ý nghĩa.
Dần dần con chấp nhận rằng
cả bản thân mình cũng nghèo
và cần đến người khác.
Lắm khi con cần một nụ cười, một ánh mắt,
một lời thăm hỏi đỡ nâng.
Cám ơn Chúa vì đã dựng nên chúng con
ai cũng nghèo về một mặt nào đó,
ai cũng cần đến người khác.
Như thế là chúng con được mời gọi sống cho nhau,
làm cho nhau thêm giàu có.
Cám ơn Chúa vì Chúa cũng nghèo,
vì Chúa rất cần đến chúng con
để hoàn thành công trình cứu độ.
Xin cho con khiêm tốn nhận mình nghèo
để nhận lãnh,
can đảm nhận mình giàu
để hiến trao. Amen.
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
9 THÁNG CHÍN
Một Cuộc Sửa Soạn
Ngắn Ngủi Cho Đời Sống Vĩnh Cửu
Đức Kitô nói : “Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”. Vâng, cuộc sống
con người trên trần gian là một cuộc hành hương. Tất cả chúng ta đều ý thức rằng
cuộc sống của mình trên trần gian chỉ là một ‘gang tay’ thôi. Chào đời đó rồi lại
lìa đời đó, khác chi một kiếp phù du! Và chính trong cuộc lữ hành ngắn ngủi
này, tiếng gọi của Đức Kitô sẽ giúp chúng ta biết cách sống sao cho cuối cùng
mình có thể tới được bến bờ thật sự.
Con người không ngừng đối mặt với bản tính phù du của cuộc sống – cuộc sống
mà họ biết là vô cùng quan trọng trong tư cách là sự chuẩn bị cho cuộc sống
vĩnh hằng. Cuộc hành trình đức tin của con người hướng họ về phía Thiên Chúa và
giúp họ có những chọn lựa đúng đắn trên hành trình tiến về cõi trường sinh. Vì
vậy, mỗi giây phút của cuộc hành trình này đều quan trọng – quan trọng nơi những
thách đố và nơi những chọn lựa không ngừng đặt ra trước mặt con người.
Một thực tại rất thiết thân trong cuộc hành trình của con người chính là
nền văn hóa. Công Đồng Vaticanô II khẳng quyết rằng: “Có nhiều mối quan hệ giữa
sứ điệp ơn cứu độ và văn hóa con người. Thật vậy, Thiên Chúa đã không ngừng mạc
khải chính Ngài cho con người, cho đến khi Ngài hoàn toàn tự tỏ hiện nơi Chúa
Con nhập thể, Đấng đã lên tiếng nói theo sắc thái văn hóa riêng của các giai đoạn
lịch sử khác nhau” (MV 58).
Công Đồng cũng dạy: “Ngưòi Kitô hữu trên đường tiến về thành đô thiên quốc,
phải tìm kiếm và nếm cảm các thực tại trên trời. Tuy nhiên, điều này không làm
suy giảm song càng nhấn mạnh tầm quan trọng của bổn phận họ phải cộng tác với mọi
người nhằm xây dựng một thế giới nhân đạo hơn.”(57).
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 09/9
Thánh Phêrô Claver,
linh mục
1Cr 7, 25-31; Lc 6,
20-26.
LỜI SUY NIỆM: Đức Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho anh em là những
kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em… Nhưng khốn cho các ngươi
là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi…”
Chúa Giêsu đang đưa ra bốn hoàn cảnh
được Chúa cho là: “phúc cho anh em”; và bốn hoàn cảnh mà Chúa cho là “khốn cho
các ngươi”. Theo quan niệm của Thế gian thì nó hoàn toàn trái ngược nhau. Nhưng
với ơn ban của Chúa, người Kitô hữu sẽ nhận thức được thế nào là Phúc thật và
những gì là điều khốn nạn cho mình ngay hôm nay cũng như cho mai sau. Đây cũng
là những thách thức lớn mà mỗi người trong chúng ta phải chọn lựa ngay hôm nay:
“hưởng hạnh phúc theo kiểu của thế gian hay hưởng hạnh phúc theo đường lối của
Chúa.”
Lạy Chúa Giêsu. Như lời của thánh
Phaolô cũng đang nhắc nhở chúng con: “Thật vậy, một chút gian truân tạm thời
trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời.
Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những
thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực
tại vô hinh mới tôn tại vĩnh viễn” (2Cr 4,17-18). Xin cho chúng con đức khôn
ngoan để đón nhận những lời chúc phúc của Chúa.
Mạnh Phương
09 Tháng Chín
Các Thánh Xuống Hỏa Ngục
Văn hào Guenter Eich, người Ðức, có viết một vở kịch truyền thanh với
nhan đề: “Festamus, người tử đạo”, đại ý câu chuyện như sau:
Festamus là một con người lành thánh, đơn sơ hiếm có. Mặc dù sống giữa những
người gian ác, chàng vẫn luôn cư xử đoan chính, giàu lòng thương đối với những
người bần cùng.
Sau khi chết, chàng được lên Thiên Ðàng. Ở đó, sau khi làm quen với các vị
thánh, chàng đã bỏ ra mấy ngày liền để đi tìm kiếm cha mẹ, anh em và bạn hữu
ngày xưa. Nhưng chàng không thấy ai. Thánh Phêrô cho biết: Cha mẹ và bạn hữu
chàng ngày xưa đã ăn ở gian ác, nên đã bị giam trong Hỏa Ngục.
Nghe đến đây, Festamus buồn thiu, chàng liền thưa với thánh Phêrô: “Con
không thể ở nơi đây được bao lâu còn có những người đang phải chịu đau khổ dưới
đó”.
Chàng liền rời bỏ Thiên Ðàng, xuống Hỏa Ngục để thăm cha mẹ, bạn hữu và
những người thân. Chàng làm điều đó với thác tín rằng: Khi một người vô tội từ
trời cao, đến và sống với những người bị kết án, cùng chia sẻ với họ những đau
khổ nhọc nhằn, thì người đó sẽ phá tan được địa ngục và vòng phong tỏa của quỷ
ma…
Câu chuyện tưởng ttượng trên đây phần nào muốn đề cao thiện chí của những
người dám hy sinh hạnh phúc riêng tư của mình để chia sẻ số phận đau thương của
những người khác.
Ðó là tất cả Mầu Nhiệm Thiên Chúa làm người. Thiên CHúa đa từ trời cao xuống
trần trong thân phận nghèo hèn nhất. Ngài sinh ra trong chuồng bò để thông cảm
với nỗi cơ cực nghèo nàn của những kẻ không nhà không cửa.
Thiên Chúa từ trời cao không muốn ban xá lệnh, ban ơn tha thứ cho tội
nhân, mà trái lại đã thân hành đến ngồi đồng bàn với từng tội nhân. Thiên Chúa
không thể hiện sự cảm thông bằng lời nói suông, mà bằng cả cuộc sống làm người…
Người Việt Nam nào dường như cũng đang sống trong địa ngục của thiếu thốn
và nghèo khổ. Không cần phải đi tìm kiếm, ai trong chúng ta cũng cảm nghiệm được
thế nào là cơ cực, bần cùng. Ai sẽ biến cảnh khốn cùng ấy trở thành Thiên Ðàng
của Tình Thương? Mỗi người một ít, nếu ai cũng ra khỏi nỗi khổ của mình và gom
góp lại đóm lửa của yêu thương, chia sẻ, cảm thông, chúng ta sẽ xoa dịu được phần
nào nỗi khổ đau chung mà chúng ta đang trải qua…
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét