06/09/2020
Chúa Nhật 23 Thường
Niên năm A.
(phần II)
Phụng vụ Lời
Chúa: Chúa nhật 23 Thường niên năm A
(Ed 33,7-9; Rm
13,8-10; Mt 18,15-20)
HIỆP THÔNG VỚI
CHÚA VÀ VỚI NHAU
“Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong
anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban
cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,19-20)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Thiên Chúa luôn muốn
xây dựng mối hiệp thông giữa Ngài với con người như là nền tảng để con người sống
hiệp thông với nhau. Đồng thời, mối hiệp thông tốt đẹp giữa con người với nhau
lại là cơ sở để làm thăng hoa mối hiệp thông với Thiên Chúa. Các bài đọc Lời
Chúa hôm nay cho thấy tầm quan trọng của mối hiệp thông giữa con người với
Thiên Chúa và với nhau.
1. Bài đọc 1:
Ngôn sứ Êdêkien được
Thiên Chúa trao nhiệm vụ canh gác cho dân Israel bằng cách cảnh báo họ về những
điều sai trái để họ hối cải.
Nhiệm vụ của người
canh gác là nghe lời Chúa và trung thành loan báo lại cho dân. Dù việc cảnh báo
dân về những sai trái của họ luôn đặt người canh gác vào trong tình thế nguy hiểm
vì có thể bị thù ghét, nhưng những lời cảnh báo trừng phạt đối với kẻ gian ác
là cơ hội để họ nhận ra lỗi lầm mà hoán cải, trở về với Thiên Chúa.
Người canh gác chu
toàn nhiệm vụ khi truyền lại trọn vẹn lời cảnh báo của Thiên Chúa đối với những
ai làm điều sai trái, còn hối cải hay không thì không thuộc phạm vi trách nhiệm
của người canh gác. Trái lại, nếu người canh gác tránh né hoặc không loan báo đầy
đủ lời cảnh báo của Thiên Chúa, thì không những người làm điều sai trái phải chịu
hình phạt mà chính người canh gác cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước mặt Thiên
Chúa.
Đặt trong bối cảnh
Giêrusalem đang bị quân thù bao vây, việc Thiên Chúa đặt ngôn sứ làm người canh
gác cho dân Israel cho thấy rằng đằng sau những lời cảnh báo tai họa và hình phạt
là ý định của Thiên Chúa muốn thức tỉnh dân Chúa, và những tai họa xảy ra là để
thanh tẩy họ cho xứng với tương lai huy hoàng mà Thiên Chúa dự liệu cho họ là
được sống hiệp thông cách trọn vẹn với Người.
2. Bài đọc 2:
Thánh Phaolô đề cao
tình tương thân tương ái trong tương quan giữa con người với nhau. Yêu thương
như Chúa Giêsu, không chỉ giới hạn trong tương quan máu mủ thân thuộc mà mở rộng
ra tất cả mọi người, là gồm tóm toàn bộ Lề Luật của Thiên Chúa.
Trong khi thánh Phaolô
khuyên các tín hữu Rôma nếu “nợ ai cái gì, thì hãy trả cho người ta cái đó”, để
“anh em đừng mắc nợ gì ai”, thì ngài lại bảo họ hãy mắc nợ nhau “món nợ yêu
thương” (x. Rm 13,7-8). Thật vậy, vì được Thiên Chúa yêu thương cách nhưng
không, các Kitô hữu cũng phải có bổn phận yêu thương người khác; và tình thương
đó chính là món nợ đức ái cần phải trả. Chính Chúa Giêsu đã tóm gọn tất cả Lề
Luật Cựu Ước vào hai điều răn có giá trị như nhau (x. Mt 22,37-40): Yêu Chúa và
yêu người. Dựa trên căn bản đó, thánh Phaolô mới khẳng định: Yêu thương là chu
toàn Lề Luật (x. Gl 6,2; Ga 13,34; 15,12).
Hơn nữa, theo thánh
Phaolô, các điều răn trong Cựu Ước (x. Xh 20,13-17; Đnl 5,17-21) đều tóm lại
trong đòi buộc này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình (x. Rm 13,9).
Trong khi đối với người Do Thái “người thân cận” hiểu cách rộng nhất là một người
Do Thái khác, thì đối với thánh Phaolô, tình thương cần phải mở rộng ra cho
“người đồng loại” (x. Rm 13,10a), nghĩa là không chỉ giới hạn trong huyết tộc,
chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ, mà bao gồm tất cả mọi người. Cũng vậy, qua dụ
ngôn người Samari nhân hậu, Chúa Giêsu cho thấy rằng tất cả những ai đang cần đến
ta, cần tình thương của ta đều là người thân cận của ta (x. Lc 10,25-37).
Thiên Chúa Ba Ngôi hiệp
thông với nhau trong mối tương quan yêu thương. Vì được Thiên Chúa yêu thương,
con người cũng biết yêu thương và nhờ đó mà con người được hiệp thông với Thiên
Chúa và với nhau.
3. Bài Tin Mừng:
Trong bài giảng về
cách sống trong Hội Thánh (chương 18), thánh Mátthêu tường thuật việc Chúa
Giêsu dạy cách sửa lỗi cho nhau. Đối với Chúa Giêsu, việc sửa lỗi cho nhau phải
theo tinh thần đức ái và hướng đến sự hiệp thông với nhau.
Trước hết, Chúa Giêsu
cho các môn đệ hiểu rằng Chúa Cha trên trời “không muốn cho một ai trong những
kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18,14), nên khi có bất kỳ người anh em nào trót
phạm tội thì hãy sửa lỗi người đó trong tinh thần đức ái, nghĩa là nhằm cứu vãn
và xây dựng hơn là trừng phạt. Vì thế, Chúa Giêsu đòi buộc phải áp dụng những
phương thức có thể, dù bằng lời khuyên nhủ cá nhân, hay thông qua vài ba nhân
chứng, thì mục đích cuối cùng vẫn là để đưa người anh em lầm lạc trở về. Và dù
có phải đưa người anh em ra trước Hội Thánh, trước những người có thẩm quyền và
trách nhiệm chính thức, thì cũng vì muốn dùng một hình thức công khai để đưa
người đó trở về.
Sau nữa, mục đích tối
hậu của việc sửa lỗi cho nhau phải là để hiệp thông với Chúa và với nhau. Thật
vậy, việc sửa lỗi không phải để nhìn vào những lỗi lầm, thiếu sót của nhau, mà
cùng nhau nhìn về phía Chúa, để thấy tình thương của Chúa mà hòa giải với nhau.
Sửa lỗi cho nhau không phải để cầm giữ nhau trong những lỗi lầm, những tật xấu,
những bất toàn yếu đuối, mà tháo cởi cho nhau để cùng được hiệp thông với Chúa
và với nhau, vì dưới đất cầm buộc điều gì thì trên trời cũng cầm buộc như vậy;
trái lại, dưới đất tháo cởi điều gì thì trên trời cũng tháo cởi như vậy.
Thật thế, việc sửa lỗi
cho nhau để giúp nhau hoàn thiện và tạo nên sự hiệp thông với nhau ở dưới đất,
thì ở trên trời, lời cầu nguyện của những người sống hiệp thông với nhau sẽ được
Thiên Chúa lắng nghe và nhậm lời. Ở đâu có sự hiệp thông, ở đó có sự hiện diện
của Chúa. Dù sửa lỗi cho nhau thế nào thì mục đích tối hậu vẫn là để được hiệp
thông với nhau. Và sự hiệp thông ở dưới đất là điều kiện để có được sự hiệp
thông với Thiên Chúa trên trời.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG:
1/ Thiên Chúa trao cho
ngôn sứ Êdêkien trách nhiệm canh gác cho dân Israel để cảnh báo họ về những điều
sai trái nhằm giúp họ hoán cải để được Thiên Chúa tha thứ. Mục đích của Thiên
Chúa không phải để trừng phạt dân Người, nhưng muốn họ ăn năn trở về mà sống
trong ân nghĩa với Người. Các Kitô hữu cũng được mời gọi làm người canh gác cho
nhau: cảnh báo cho nhau về những điều sai trái không vì ghen ghét hay loại trừ,
nhưng vì muốn mọi người nhận ra con đường lầm lạc mà trở về sống hiệp thông với
Chúa và được hòa giải với nhau.
2/ Thánh Phaolô đề cao
đời sống thắm đượm yêu thương và coi đó như là cách chu toàn Lề Luật. Yêu
thương không chỉ những người thân cận mà còn mở rộng ra đối với tất cả mọi người,
không phân biệt ngôn ngữ, giai cấp hoặc tôn giáo. Đối với Chúa Giêsu, yêu Chúa
và yêu người mà không phân biệt cao thấp, sang hèn, địa vị hay nguồn gốc, là điều
răn quan trọng nhất. Giữa bao nhiêu điều luật phải giữ, đôi khi trở thành máy
móc, người Kitô hữu được nhắc nhớ đến điều cốt lõi nhất của Kitô giáo: yêu
thương.
3/ Trong một Hội Thánh
gồm những con người bất toàn, khó tránh khỏi những điều sai sót, Chúa Giêsu dạy
các môn đệ cách sửa lỗi cho nhau. Sửa lỗi với thái độ kiên nhẫn và trong tinh
thần bác ái; sửa lỗi không phải vì thù ghét hay nhằm để loại trừ nhau, mà vì muốn
anh chị em mình bỏ con đường sai trái mà trở về với Chúa và hiệp thông với Hội
Thánh. Sửa lỗi cho nhau để được hiệp thông với Chúa và với nhau, cùng nhau tiến
bước trên đường hoàn thiện, là bổn phận của các Kitô hữu trong một Hội Thánh
duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG:
Chủ tế: Anh chị
em thân mến! Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Anh em đừng mắc nợ ai điều gì ngoài việc
phải yêu mến nhau.” Giới răn yêu thương không chỉ đòi chúng ta biết cảm thông
chia sẻ, mà còn phải chân thành sửa lỗi cho nhau. Tin tưởng vào tình thương và
ơn trợ giúp của Thiên Chúa, cộng đoàn chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.
1. “Những gì các con cầm
buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị
chủ chăn trong Giáo Hội, luôn trung thành với tác vụ ban phát các mầu nhiệm
thánh và khôn ngoan sáng suốt khi thực thi quyền bính để phục vụ dân Chúa.
2. Thánh Phaolô nói:
“Yêu thương là chu toàn lề luật.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người có
quyền lập pháp và hành pháp trên thế giới, biết tôn trọng sự thật và tiếng nói
của lương tâm ngay chính, để mưu tìm cuộc sống hạnh phúc và thịnh vượng cho người
dân.
3. Chúa Giêsu dạy: “Nếu
anh em của con phạm tội, hãy đi sửa dạy nó.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các
kitô hữu luôn biết cảm thông trước những lầm lỗi của người khác, chân thành
giúp nhau trở nên hoàn thiện mỗi ngày qua các việc lành và đời sống gương mẫu.
4. “Ở đâu có hai hoặc
ba người họp nhau nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ.” Chúng ta cùng cầu nguyện
cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn siêng năng họp nhau nhân danh Chúa
trong các buổi cử hành phụng vụ cũng như các giờ kinh chung trong gia đình.
Chủ tế: Lạy
Chúa là Cha toàn năng và hay thương xót, xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và
ban Thánh Thần giúp chúng con biết sống trọn vẹn giới răn yêu thương mọi người
như Con Chúa truyền dạy. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
https://tgpsaigon.net/bai-viet/phung-vu-loi-chua-chua-nhat-23-thuong-nien-nam-a-3158
Sợi Chỉ Đỏ Chúa Nhật 23 TN Năm
A
ANH EM SỬA LỖI CHO NHAU
“Nếu người anh em con trót phạm
tội, con hãy đi sửa lỗi nó, một mình con với nó mà thôi…”
(Mt 18,15)
Sợi chỉ đỏ :
– Bài đọc I :
Thiên Chúa ra lệnh cho ngôn sứ Êdêkiên sửa dạy kẻ gian ác.
– Tin Mừng : Đức
Giêsu dạy các tín hữu trong cộng đoàn phải sửa lỗi cho nhau trong tình anh em.
Anh chị em thân mến
“Nhân vô thập toàn”,
nghĩa là không ai trọn tốt trọn lành, nhưng ai cũng có lỗi lầm và khuyết điểm.
Nếu đố kỵ nhau thì những lỗi lầm và khuyết điểm của những cá thể sẽ làm khổ cho
cả tập thể. Nhưng nếu tập thể đó là một cộng đoàn huynh đệ, thì người này phải
lấy tình thương mà sửa lỗi người kia, cộng đoàn sẽ ngày càng tốt hơn, cuộc sống
cộng đoàn sẽ ngày càng hạnh phúc hơn.
Trong Thánh lễ này,
chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa dạy ta phải sửa lỗi cho nhau cách nào. Và chúng
ta hãy tha thiết xin Chúa giúp mỗi người chúng ta can đảm lấy tình thương mà sửa
lỗi cho những anh chị em của ta.
– Vì thiếu can đảm,
chúng ta đã không dám sửa lỗi cho những anh chị em chúng ta.
– Vì thiếu quan tâm,
chúng ta bỏ mặc khi thấy một người trong cộng đoàn phạm lỗi.
– Nhiều khi chúng ta
không chú ý sửa lỗi, mà chỉ kết án anh chị em.
Thiên Chúa đặt ngôn sứ
Êdêkien như người lính canh, với nhiệm vụ vạch tội của kẻ gian ác. Nếu ngôn sứ
nói mà nó không nghe, thì nó chịu trách nhiệm về tội của nó. Còn nếu ngôn sứ
không vạch tội và kẻ gian ác phải chết, thì ngôn sứ phải chịu trách nhiệm về
cái chết đó.
Tác giả lên tiếng kêu
gọi các anh em tín hữu của mình. Nhưng hình như tiếng của tác giả kêu vô ích
trong sa mạc. Bởi thế tác giả mong rằng người anh em ý thức tiếng huynh đệ ấy
cũng là tiếng nói của chính Chúa và đừng cứng lòng nữa.
Vấn đề được đặt ra là
sửa lỗi anh em.
Tuy nhiên cần phải
phân biệt hai trường hợp : Trường hợp của đoạn Tin Mừng này liên quan đến
lỗi có hại cho cộng đoàn, khi đó vì tinh thần anh em trong cộng đoàn ta phải đi
sửa lỗi ; còn trường hợp thứ hai được Thánh Matthêu ghi tiếp theo sau đoạn
này (Mt 18,21-35) là lỗi giữa những cá nhân với nhau. Khi đó, giải pháp là tha
thứ, tha “không chỉ 7 lần mà là 70 lần 7”.
Vậy khi một người anh
em làm điều gì đó sai lỗi có hại đến cộng đoàn thì Đức Giêsu dạy ta phải sửa lỗi
như thế nào ?
– Căn bản là vẫn đối xử
như “anh em”. Chú ý trong đoạn Tin Mừng này, chữ “anh em” được lặp đi lặp lại rất
nhiều lần.
– Diễn tiến từ kín đáo
đến công khai : “riêng ngươi và nó” à “đem theo một hoặc hai người nữa” à
“Trình với cộng đoàn” à “Kể nó như người ngoại và người thu thuế”.
– Mục đích sự can thiệp
sửa lỗi này không phải là để kết án người anh em mình, mà là để thu phục, làm
cho người anh em trở lại với cộng đoàn. Nếu được như vậy thì kể như “đã lợi được
một người anh em”.
Thánh Phaolô chỉ cho
tín hữu Rôma biết cốt lõi của mọi lề luật, đó là “yêu mến nhau”. Ngài dùng hai
kiểu nói : “Vì ai yêu người thì đã giữ trọn Lề luật” ; “Yêu thương là
chu toàn cả lề luật”.
1. Tế nhị, khó khăn, nhưng cần thiết
Lời Chúa hôm nay trong
bài Tin Mừng nhắc lại một vấn đề quan trọng nhưng rất tế nhị trong cuộc sống
chung giữa con người với nhau : đó là việc sửa lỗi người khác.
Phải nói ngay rằng đó
là một việc vô cùng tế nhị và hết sức khó khăn :
– tế nhị về phía người
được sửa lỗi
– khó khăn về phía người
sửa lỗi, muốn giúp người khác nên hoàn thiện.
Nói rằng đó là một việc
tế nhị, vì thuốc đắng đã tật, lời thật mất lòng : muốn khỏi bệnh nhưng sợ
uống thuốc vì thuốc đắng ; muốn nói lên sự thật nhưng ngại không dám nói
vì sợ mất lòng. Đó là điều tế nhị thứ nhất. Điều tế nhị thứ hai ai cũng phải
công nhận : Nhân vô thập toàn, người nào cũng có khuyết điểm, không ai vẹn
toàn trăm phần trăm. Thế nhưng tâm lý tự nhiên người ta thường nói : đẹp đẽ
khoe ra xấu xa che lại. Và không ai muốn vạch áo cho người xem lưng, vì ai cũng
sợ người khác biết được khuyết điểm hay tính xấu của mình, tự nhiên ai cũng muốn
người khác quên đi hay đừng nhắc tới quá khứ không đẹp của mình. Do đó việc sửa
lỗi anh em gây khó khăn vì phía người sửa lỗi. Vì nếu không khéo hay vụng về
cách nào đó thì anh em sẽ cho rằng chúng ta sửa lưng anh em chứ không phải sửa
lỗi anh em, miệt thị, hạ giá anh em hơn là muốn anh em nên tốt. Và không khéo
thì chúng ta sẽ bị anh em mắng lại : Chân mình thì lấm mê mê, lại cầm bó
đuốc mà rê chân người. Thậm chí có khi lại bị anh em dùng chính Lời Chúa để
“phang” lại : “Hãy lấy cái đà khỏi mắt anh đã”
Việc sửa lỗi anh em thật
tế nhị và khó khăn. Nhưng Lời Chúa hôm nay xác định cách rõ ràng : sửa lỗi
anh em là một hành vi tích cực của đức Bác Ái, vì sửa lỗi anh em là để cho anh
em được nên hoàn thiện hơn. Đối với người có trách nhiệm hay bề trên sửa lỗi bề
dưới còn là một điều cần thiết và là một bổn phận nữa.
– Sửa lỗi anh em trong
đức ái không có nghĩa là dò xét bới móc, vạch lá tìm sâu, bé xé ra to, ít xít
ra nhiều.
– Sửa lỗi anh em không
phải là kể ra lỗi lầm của anh em với bất cứ ai.
– Sửa lỗi anh em trong
đức ái là ý thức rằng tôi cũng có lỗi lầm, tôi cũng đầy khuyết điểm và tôi cũng
cần người khác sửa lỗi.
Chúng ta hãy cầu xin
Chúa cho chúng ta được đầy tràn Thánh Thần tình yêu Thiên Chúa, vì chỉ có Chúa
Thánh Thần mới là Đấng duy nhất “sửa lại mọi sự trong ngoài chúng tôi”.
– Xin cho chúng ta được
tràn đầy Thánh Thần Chúa để khiêm tốn chấp nhận những sửa sai, những chỉ bảo của
người khác về những lỗi lầm, thiếu sót của ta.
– Xin cho chúng ta được
tràn đầy Thánh Thần Chúa để chúng ta có thể nói thẳng nói thật những lỗi lầm của
nhau mà không làm thương tổn tình đoàn keết thân ái và mối dây thông cảm yêu
thương.
– Xin Chúa cho chúng
ta hiểu được một lời kia của Tuân Tử nói rằng : Kẻ khen ta mà khen thật mới
chỉ là bạn ta. Kẻ chê ta mà chê thật là thầy ta. Còn kẻ nịnh hót, tâng bốc ta
là những kẻ chỉ làm hại đời ta mà thôi.
– Lạy Chúa, hình như
chúng con chỉ thích những lời khen và hình như chúng con thích nhất những lời nịnh
hót tâng bốc, và chúng con không thích mấy, hay rất sợ, thậm chí rất ghét những
ai sửa lỗi chúng con.
– Lạy Chúa, xin dạy
chúng con biết chọn lựa một thái độ đúng đắn qua Lời Chúa dạy hôm nay.
(Lm Đoàn vĩnh Thịnh.
Chánh xứ An Lạc, trong CgvDt số đặc biệt Giáng sinh ’95, trang 244-245)
“Nếu người anh em của
anh phạm lỗi…”
Từ sáng chói thứ nhất
trong bài Tin Mừng hôm nay là từ “anh em”. Tại sao tôi phải đi gặp người vừa phạm
lỗi nặng ? Bởi vì người ấy là anh tôi, em tôi. Chúng tôi là con cùng một
cha. Người anh em ấy đang mắc sai lầm. Nhưng tôi không đến để “vạch mặt chỉ
tên” mà đến nói chuyện tay đôi trong tình anh em, chỉ cho anh ta biết đâu là phải
đâu là quấy. Tôi đến với anh như người mục tử bỏ 99 con chiên để đi tìm và chăm
sóc con chiên lạc.
Nếu biện pháp nói chuyện
tay đôi cũng không có kết quả, thì tôi sẽ nhờ đến cộng đoàn. Đây là biện pháp
mà chỉ Tin Mừng theo thánh Matthêu mới có. Tin Mừng của Ngài viết cho những tín
hữu là người do thái. Họ đã thuộc luật do thái. Theo sách Thứ luật, viết trước
Đức Giêsu cả 6 thế kỷ, thì khi luận tội một người phải có ít là hai ba nhân chứng.
Biện pháp tiếp theo cũng chỉ có trong Tin Mừng Matthêu : “Nếu anh ta không
nghe cộng đoàn, thì hãy kể như anh ta là một người dân ngoại, một người thu thuế”.
Biện pháp sau cùng xem
ra khắc nghiệt. Phải chăng đây là biện pháp loại trừ ? Chúa có loại trừ
dân ngoại và người thu thuế bao giờ đâu. Vả lại hãy nhớ đến dụ ngôn người con
hoang đàng, hãy nhớ đến thái độ của người cha đối với nữa con hoang đàng và hợp
ý cầu nguyện cùng Cha cho người anh em được mau quay về đoàn tự trong nhà Cha.
Như vậy từ chói sáng
thứ hai trong bài Tin Mừng hôm nay là từ “Cha”. Chúa nói : “Nếu hai người
trong anh em họp nhau để cầu xin gì cùng Cha, thì họ sẽ được điều đó nhân danh
Thầy”. Lời Chúa còn mời gọi chúng ta nhận ra sự hiện diện âm thầm của
Chúa : “Khi hai hay ba người họp lại nhân danh Thầy, thì sẽ có Thầy ở đó”.
Cùng với Chúa, cả cộng đoàn thiết tha cầu mong cho người anh em trở về, thì nhất
định anh ta sẽ trở về, vì cảm được nỗi chờ mong đau đáu của Cha, giữa họ.
(Trích báo CgvDt, số đặc biệt Giáng sinh ’98, trang 258-259)
3. Dám sửa lỗi anh em là dấu hiệu của một tình thương cao
độ
Thương ai thật là muốn
điều tốt cho người đó. Muốn điều tốt cũng có nghĩa là không muốn điều xấu.
Vậy nếu ta thương người
anh em mình thật thì khi thấy người anh em mình sai lỗi, ta phải tìm đủ cách để
cứu người anh em ấy ra khỏi lỗi lầm.
Việc sửa lỗi cho anh
em cũng khó khăn và thậm chí đau khổ, đau đớn. Cũng giống như nhảy vào lửa để cứu
người.
Nếu không thương thì
không nhảy vào lửa. Dám nhảy vào lửa là dấu hiệu của tình thương lớn lao.
a/ Sửa lỗi cách tế
nhị
Đức Hồng y Roncalli
(sau là Giáo hoàng Gioan 23) ngày kia dự tiếp tân bên cạnh một nữ công tước mặc
chiếc váy cực kì ngắn. Ngài tỏ vẻ khó chịu bằng cách suốt bữa tiệc làm như
không biết bà. Cuối bữa, ngài đưa cho bà một trái táo. Rất hân hạnh, bà
nói :
– Tôi
không biết phải cám ơn Ngài thế nào. Nhờ đâu tôi được Ngài ưu ái như thế ?
Ngài chăm chăm nhìn bà rồi nói :
– Sau khi
Evà ăn quả táo, bà ta mới nhận ra là mình thiếu quần áo.
b/ Người anh em
Nạn đói xảy ra trong
vùng. Một người ăn xin bên góc đường bước đến bên đại văn hào Nga, Tolstoy,
đang đi ngang qua đó. Tolstoy dừng lại, lấy tiền cho nhưng không tìm được đồng
nào. Ông nói với sự nuối tiếc : ” Này người anh em, đừng giận tôi. Tôi chẳng
đem theo gì”.
Mặt người ăn xin sáng
lên và nói : “Ông gọi tôi là anh em, đó đã là món quà rất lớn rồi !”
CT : Anh chị em thân mến
Thánh Phaolô dạy :
“Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái. Vì ai yêu người
thì đã chu toàn lề luật”. Với quyết tâm sống bác ái yêu thương, chúng ta cùng
dâng lời cầu nguyện.
1- Đời sống của Hội
Thánh phải luôn phản ánh trung thực đới sống yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi.
/ Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các vị Mục tử / luôn nhẫn nại và hiền hòa /
nhưng cương quyết khi phải sửa chữa lầm lỗi của anh em mình.
2- Ngày nay / một số
người / nhất là các thanh thiếu niên / do ảnh hưởng của những băng hình xấu / cổ
võ bạo lực / thích dùng bạo lực để giải quyết những mâu thuẫn bất hòa / Chúng
ta hiệp lời cầu xin cho mọi người / biết lấy tình bác ái mà giải quyết những
xích mích trong cuộc sống thường ngày.
3- Lòng bác ái thật
không chỉ là giúp đỡ vật chất / hay an ủi người khác khi họ gặp hoạn nạn /
nhưng còn là sửa dạy khi thấy họ lỗi lầm / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các bậc
cha mẹ / cũng như những người có trách nhiệm đối với cộng đoàn / biết can đảm
và khôn khéo sửa dạy con cái / và những người dưới quyền khi thấy họ lỗi lầm.
4- Đức Giêsu luôn chúc
lành / và hiện diện giữa những ai có cùng một niềm tin / họp nhau để cầu nguyện
/ hay tham dự các nghi lễ phụng vụ / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn
giáo xứ chúng ta / luôn hiểu được điều đó và có những tâm tình xứng hợp.
CT : Lạy Chúa Cha nhân lành, sửa lỗi cho nhau để giúp
nhau nên tốt là một trong những bổn phận quan trọng của từng người trong chúng
con. Xin ban cho chúng con lòng khiêm tốn thật để chúng con có thể vui lòng đón
nhận những lời góp ý xây dựng của anh chị em chúng con. Chúng con cầu xin nhờ…
– Trước kinh Lạy
Cha : Chúng ta đều là những kẻ có tội. Trong Kinh Lạy Cha mà chúng ta
sắp cùng nhau đọc, chúng ta hãy tha thiết xin Cha tha tội cho chúng ta và cho
những người anh em của chúng ta nữa.
– Sau kinh Lạy
Cha : “… xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình
an. Xin giúp chúng con can đảm và chân thành sửa lỗi cho nhau. Nhờ
Cha rộng lòng thương cứu giúp…”
Trong tuần này, chúng
ta hãy cố gắng sống tình anh em với mọi người, là anh em của nhau trong sự giúp
nhau làm việc, mà cũng là anh em của nhau trong việc sửa lỗi cho nhau nữa.
https://gpcantho.com/soi-chi-do-chua-nhat-23-tn-nam-a/
Lectio Divina: Chúa Nhật XXIII Thường Niên (A)
Chủ Nhật 6 Tháng Chín,
2020
Lectio Divina | Lectio Divina Năm
A
Sửa lỗi anh em trong
cộng đoàn
Chăm sóc những người
đã rời khỏi cộng đoàn
Mátthêu 18:15-20
1. Lời
nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin
hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà
Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau. Trong ánh sáng của Lời
Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự
hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của
mình. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng,
đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong
chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa
trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày
và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.
Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để giống như hai môn đệ từ Emmau,
chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những
người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình
anh em, công lý và hòa bình. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của
Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần
đến với chúng con. Amen.
2. Bài
Đọc
a) Phân
đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Mt 18:15-16: Sửa
lỗi các anh chị em và tái-lập sự hiệp nhất
Mt
18:17: Những kẻ không nghe cộng đoàn thì tự mình tách rời khỏi cộng
đoàn
Mt
18:18: Những quyết định ở dưới đất được chấp nhận ở trên trời
Mt 18:19: Cầu
nguyện chung cho những người đã rời bỏ cộng đoàn
Mt 18:20: Sự
hiện diện của Chúa Giêsu ở giữa cộng đoàn
b) Chìa
khóa dẫn đến bài đọc:
– Tin Mừng
của thánh Mátthêu sắp xếp Lời Chúa Giêsu vào trong năm Bài Giảng tuyệt vời. Điều
này cho thấy rằng vào cuối thế kỷ thứ nhất, thời điểm của sách Tin Mừng Mátthêu
được hoàn tất, các cộng đoàn Kitô hữu đã thực hiện các hình thức giáo lý cụ thể. Năm
Bài Giảng là năm dấu tuyệt vời cho thấy phương cách trên cuộc hành
trình. Các Bài Giảng này đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể để dạy cho mọi
người và giúp họ giải quyết các vấn nạn. Lấy ví dụ, bài Giảng về
Giáo Hội (Mt 18:1-35) đưa ra những lời chỉ dẫn cho các thành viên của cộng đoàn
nên sống với nhau như thế nào để cộng đoàn có thể là một sự mặc khải của Nước
Chúa.
– Ngày Chúa Nhật thứ
23 Thường Niên tuần này, chúng ta sẽ đọc và suy niệm về phần thứ hai của Bài Giảng
về Giáo Hội và chúng ta sẽ thấy rõ hai khía cạnh: sự sửa lỗi trong
tình anh em, làm thế nào tiếp tục tiến tới trong trường hợp có sự xích mích giữa
các thành viên của cộng đoàn (18:15-18), và sự cầu nguyện
chung: cách chăm sóc những người đã rời bỏ cộng đoàn (18:19-20).
c) Phúc
Âm:
15 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu
anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu
nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. 16 Nếu
nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được
giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. 17 Nếu nó
không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng
đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo hoặc như người thu thuế. 18 Thầy
bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc,
và những gì các con tháo gỡ dưới đất thì trên trời cũng tháo gỡ. 19 Thầy
cũng bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu
xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều
đó. 20 Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân
danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy.”
3. Giây
phút thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời Chúa được thấm
nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Một
vài câu hỏi gợi ý:
Để giúp chúng ta trong
việc suy gẫm cá nhân.
a) Phần nào của bài Tin Mừng đánh động bạn nhất? Tại
sao?
b) Chúa Giêsu cho chúng ta lời khuyên nào để
giúp người ta giải quyết những vấn nạn của cộng đoàn và hòa giải giữa các thành
viên với
nhau?
c) Đòi hỏi căn bản từ lời khuyên của Chúa Giêsu
là gì?
d) Theo Mt 16:19, quyền tha tội được trao cho
ông Phêrô; trong sách Gioan câu 20:23, cùng một quyền này lại được trao cho các
môn đệ. Còn ở đây, quyền tha tội được trao cho cộng
đoàn. Cộng đoàn chúng ta sẽ xử dụng quyền tha thứ được trao cho
chúng ta bởi Chúa Giêsu như thế nào?
e) Chúa Giêsu nói: “Ở đâu có hai hoặc
ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”. Điều
này có ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay?
5. Chìa
khóa của bài đọc
Dành cho những ai muốn
đào sâu vào trong bài Tin Mừng.
a) Bối cảnh
của đoạn Phúc Âm chúng ta trong Tin Mừng Mátthêu:
Trong việc sắp xếp Lời
Chúa Giêsu vào trong năm bài giảng tuyệt vời, Phúc Âm Mátthêu bắt chước năm cuốn
sách Ngũ Kinh và trình bày Tin Mừng Nước Trời như một bộ Lề Luật Mới. Phần
Phụng Vụ của Chúa Nhật tuần này thách thức chúng ta với Lề Luật Mới dạy cho
chúng ta cách sửa lỗi anh em trong cộng đoàn và thái độ của chúng ta đối với những
kẻ tự tách rời khỏi cộng đoàn.
b) Lời
bình giải về đoạn Tin Mừng:
Mt
18:15-16: Sửa lỗi các anh chị em và tái-lập sự hiệp nhất
Chúa Giêsu ban ra các
tiêu chuẩn đơn giản và cụ thể để nói cho chúng ta biết cách tiếp tục tiến tới
trong trường hợp có sự xích mích trong cộng đoàn. Nếu một người anh
chị em phạm lỗi, đó là, hành động trái với đời sống của cộng đoàn, bạn không được
tố cáo anh ấy hay chị ấy trước cộng đoàn. Trước hết, bạn phải nói
chuyện riêng với người ấy. Hãy cố gắng tìm hiểu tại sao anh ấy/chị ấy
lại hành động như vậy. Nếu bạn thấy không có kết quả, thì hãy gọi
thêm hai hoặc ba người nữa của cộng đoàn để may ra có thể giải quyết được việc.
Mátthêu viết Tin Mừng
của ông vào những năm của thập niên 80 và 90, gần như vào cuối thế kỷ thứ nhất,
cho cộng đoàn người Do Thái cải đạo từ miền Galilê và Syria. Nếu ông
nhớ rành mạch những lời này của Chúa Giêsu, đó là bởi vì trên thực tế, trong những
cộng đoàn ấy đã có những sự chia rẽ trầm trọng liên quan đến việc chấp nhận
Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai. Nhiều gia đình đã bị chia rẽ và bị
bách hại bởi chính cha mẹ họ là những người đã không chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng
Mêssia (Mt 10:21, 35-36).
Mt 18:17: Những
kẻ không nghe lời cộng đoàn thì hãy kể nó như là người ngoại giáo
Trong những trường hợp
đặc biệt và sau khi đã cố gắng bằng mọi cách, người anh/chị em không vâng lời
phải được đưa ra trước cộng đoàn. Và nếu người ấy không chịu nghe
theo lời khuyên bảo của cộng đoàn, thì người ấy phải bị xem như là “người ngoại
giáo hoặc như người thu thuế”, nghĩa là người đó không thuộc về cộng đoàn và
người ấy không còn muốn là một thành viên của cộng đoàn. Vì thế, bạn
không loại trừ bất cứ ai, nhưng chính người ấy tự loại trừ mình ra khỏi đời sống
chung của cộng đoàn.
Mt 18:18: Quyết
định ở dưới đất được chấp nhận ở trên trời
Theo câu Mt 16:19, quyền
tha tội được trao cho Phêrô; còn câu Ga 20:23, quyền này được trao cho các môn
đệ. Giờ đây, trong đoạn Tin Mừng này, quyền tha tội được trao cho cộng
đoàn: “những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc,
và những gì các con tháo gỡ dưới đất thì trên trời cũng tháo gỡ”. Ở
đây chúng ta thấy tầm quan trọng của việc hòa giải và trách nhiệm lớn lao của cộng
đoàn trong việc cư xử với các thành viên. Cộng đoàn không rút phép
thông công một người, nhưng chỉ đơn giản phê chuẩn sự loại trừ rằng người ấy đã
công khai thừa nhận bằng cách rời khỏi cộng đoàn.
Mt 18:19: Cầu
nguyện chung cho những anh chị em đã rời khỏi cộng đoàn
Việc loại trừ một người
không có nghĩa là người ấy bị bỏ mặc cho số phận của họ. Nói đúng
hơn, người ấy có thể đã tách rời khỏi cộng đoàn, nhưng sẽ không bị tách rời khỏi
Thiên Chúa. Vì thế, nếu việc trình với cộng đoàn đã không mang lại kết
quả và nếu kẻ ấy không còn muốn là một phần tử của cuộc sống cộng đoàn, chúng
ta vẫn có nhiệm vụ cùng nhau cầu nguyện với Chúa Cha để đạt được sự hòa giải.
Và Chúa Giêsu cam đoan rằng Chúa Cha sẽ nhậm lời.
Mt 18:20: Sự
hiện diện của Chúa Giêsu ở giữa cộng đoàn
Lý do cho sự bảo đảm rằng
được lắng nghe là lời hứa của Đức Giêsu: “Ở đâu có hai hoặc ba người
tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy!” Chúa Giêsu
nói rằng Người là trung tâm, cái trục của cộng đoàn, và như thế, cộng đoàn cùng
nhau cầu nguyện với Chúa Cha thì Người có thể ban cho ơn trở lại của người anh
chị em đã rời khỏi cộng đoàn.
c) Đào
sâu hơn:
– Cộng
đoàn như là nơi chọn lựa cho sự đoàn kết và tình huynh đệ:
Xã hội tân cấp tiến
ngày nay, được đánh dấu bằng chủ nghĩa tiêu thụ, thì hà khắc và nhẫn
tâm. Nó không ngó ngàng gì đến người nghèo, đến những kẻ bé mọn, ngoại
kiều và dân tị nạn. Tiền của không có chỗ cho lòng thương
xót. Xã hội của Đế quốc La-mã cũng khắc nghiệt và nhẫn tâm, không có
chỗ cho những kẻ bé mọn. Họ đã đi tìm một chỗ trú cho trái tim của họ
nhưng hoài công. Các hội đường thì quá đòi hỏi và không cho họ một
chỗ nghỉ ngơi. Trong các cộng đoàn Kitô hữu, có những người muốn giới
thiệu sự khắt khe của những người Biệt Phái vào trong việc tuân giữ Lề Luật. Họ
đã đem vào tình huynh đệ các tiêu chuẩn bất công của xã hội và hội đường. Vì
thế, trong các cộng đoàn có phát sinh những chia rẽ như trong xã hội và trong hội
đường giữa những người Do Thái và không Do Thái, giữa người giàu và kẻ nghèo,
người cai trị và kẻ bị trị, kẻ lắm lời và người im lặng, đàn ông và phụ nữ, chủng
tộc và tôn giáo. Và thay vì làm cho cộng đoàn là nơi tiếp đãi ân cần,
nó đã trở nên nơi phán xét. Nhắc lại những Lời của Chúa Giêsu trong
Bài Giảng về Giáo Hội, Mátthêu muốn làm sáng tỏ cuộc hành trình của người Kitô
hữu để cộng đoàn có thể là nơi chọn lựa cho sự đoàn kết và tình huynh đệ. Nó
phải là Tin Mừng cho người nghèo.
– Vạ tuyệt
thông và loại trừ khỏi đời sống huynh đệ:
Chúa Giêsu không muốn
nhắc đến sự loại trừ. Đúng ra, Người muốn khuyến khích việc thâu gọp
lại. Chúa đã làm tất cả các điều này trong đời của Người: Chúa
đã chào đón và tái hòa nhập với những người, vì lợi dụng sai danh nghĩa Thiên
Chúa, đã bị loại trừ khỏi cộng đoàn. Nhưng Người không thể ngăn ngừa
được kẻ không đồng ý với Tin Mừng Nước Trời rồi sẽ từ chối không gia nhập cộng
đoàn và tự tách rời mình khỏi cộng đoàn. Đây là những gì mà một số
người Biệt Phái và luật sĩ đã làm. Thậm chí sau đó, cộng đoàn phải
cư xử giống như Người Cha trong dụ ngôn Đứa Con Hoang Đàng. Cộng
đoàn phải luôn nghĩ đến anh chị em ấy và cầu nguyện cho họ để những người ấy có
thể thay đổi ý nghĩ và quay về với cộng đoàn.
6. ThánhVịnh32
Kẻ lỗi lầm được tha
thứ
Hạnh phúc thay, kẻ lỗi
lầm mà được tha thứ,
người có tội mà được khoan dung.
Hạnh phúc thay, người CHÚA không hạch tội,
và lòng trí chẳng chút gian tà.
Bao lâu con lặng thinh không thú lỗi,
thì gân cốt rã rời, cả ngày con gào thét.
Vì ngày đêm con bị tay Ngài đè nặng,
nên sức lực hao mòn, như bị nắng mùa hè thiêu đốt.
Bởi thế, con đã xưng tội ra với Ngài,
chẳng giấu Ngài lầm lỗi của con.
Con tự nhủ: “Nào ta đi thú tội với Chúa,”
và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con.
Vì thế, ai là người hiếu trung với Chúa
sẽ kêu cầu Ngài lúc gặp cảnh gian truân;
cho dầu nước lũ có ngập tràn
cũng không dâng tới họ.
Chính Chúa là nơi con ẩn náu,
giữ gìn con khỏi bước ngặt nghèo.
Khắp bốn bề, Chúa làm trổi vang lên
những khúc ca mừng con được giải thoát.
Chúa rằng: “Này đây Ta răn dạy,
chỉ cho con biết đường lối phải theo,
để mắt nhìn con, Ta ban lời khuyên nhủ.
Đừng bắt chước lừa ngựa, giống vô tri,
phải chế ngự bằng dây cương hàm thiếc,
nếu không, nó chẳng chịu đến gần.”
Bao đau khổ sẵn chờ kẻ dữ,
còn ai tin cậy CHÚA, luôn được Người ấp ủ thương yêu.
Hỡi những người công chính,
hãy vui lên trong CHÚA, hãy nhảy mừng.
Mọi tâm hồn ngay thẳng, nào cất tiếng hò reo.
7. Lời
Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng
con xin cảm tạ Chúa vì Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa
Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và
ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng
con. Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria,
thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa
là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa
Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.
https://dongcatminh.org/event/lectio-divina-chua-nhat-xxiii-thuong-nien-a/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét