10/09/2020
Thứ Năm tuần 23
thường niên
BÀI ĐỌC I: 1 Cr 8,
1b-7, 11-13
“Anh em làm tổn thương lương
tâm yếu đuối của họ, là anh em phạm đến Đức Kitô”.
Trích thư thứ nhất
của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, sự thông thái làm cho người ta ra kiêu căng, còn lòng
yêu thương thì xây dựng. Nếu ai tưởng mình biết điều gì, thì kẻ ấy chưa biết
mình phải biết đúng cách. Nhưng nếu ai yêu mến Thiên Chúa, thì kẻ ấy được Thiên
Chúa nhận biết. Còn về đồ ăn đã cúng tế cho các ngẫu tượng, chúng ta biết ngẫu
tượng ở thế này là hư vô, và chẳng có Chúa nào khác ngoài một Thiên Chúa. Vì
chưng, dù trên trời dưới đất, có những vị được người ta gọi là thần, (thật ra
người ta cho rằng có nhiều thần nhiều chúa), nhưng đối với chúng tôi, chỉ có một
Thiên Chúa là Cha, bởi Người mà mọi sự đều có và chúng ta phải quy về Người. Và
có một Chúa là Đức Giêsu Kitô, nhờ Người mà có mọi sự, và cũng nhờ chính Người
mà có chúng ta. Nhưng không phải mọi người đều có sự thông biết, vì cho đến
nay, còn có ít kẻ giữ thói quen thờ ngẫu thần, nên họ ăn của cúng tế cho ngẫu
tượng, và lương tâm họ vốn yếu đuối, nên ra nhơ nhớp.
Và tại sự thông biết của ngươi, mà người anh em yếu đuối phải hư đi, người
anh em mà Đức Kitô đã chết cho. Và làm tổn thương lương tâm yếu đuối của họ, là
anh em phạm đến Đức Kitô. Vì thế, nếu thức ăn làm cho người anh em tôi vấp phạm,
thì tôi sẽ không ăn thịt cho tới muôn đời, kẻo làm cho người anh em tôi vấp phạm.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 138, 1-3.
13-14ab. 23-24
Đáp: Lạy Chúa, xin
hướng dẫn con trong đường lối đời đời (c. 24b).
Xướng:
1) Lạy Chúa, Ngài thăm dò và biết rõ con, Ngài biết con lúc con ngồi, khi
con đứng. Ngài hiểu thấu tư tưởng con từ đàng xa. Khi con bước đi hay nằm nghỉ,
Ngài thấy hết; Ngài để ý tới mọi đường lối của con. – Đáp.
2) Chính Ngài đã nặn ra thận tạng con, đã dệt ra con trong lòng thân mẫu.
Con ngợi khen Ngài đã tạo nên con lạ lùng như thế, vì công cuộc của Ngài thực
diệu huyền. – Đáp.
3) Lạy Chúa, xin dò xét con và nhận biết lòng con; xin thử thách con và
biết tỏ tư tưởng con. Xin Chúa nhìn coi hoặc giả con đi đường bất chính, và xin
hướng dẫn con trong đường lối đời đời. – Đáp.
ALLELUIA: 2 Cr 5, 19
Alleluia, alleluia!
– Thiên Chúa ở trong Đức Kitô đã giải hoà thế gian với Người, và đã đặt lời giải
hoà trên môi miệng chúng tôi. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 6, 27-38
“Các con hãy tỏ lòng thương xót
như Cha các con hay thương xót”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con đang nghe
Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc
phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình.
Ai vả con má bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con
cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho, và ai lấy gì của con,
thì đừng đòi lại.
Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta
như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả
những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ
làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy.
Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì?
Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại
sòng phẳng.
Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mượn mà không trông báo
đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Đấng
Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.
Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ. Đừng xét đoán,
thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy
tha thứ, thì các con sẽ được thứ tha. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta
sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì
các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”. Đó là lời
Chúa.
Suy Niệm : Yêu Thương Kẻ
Thù
Thiên Chúa là Tình Yêu, ai sống trong Tình Yêu là sống trong Thiên Chúa;
ai sống trong hận thù, người đó cũng chối bỏ Thiên Chúa. Ðã đi vào cuộc sống là
đặt mình vào tương quan với Thiên Chúa: hoặc là sống cho và với Thiên Chúa; hoặc
là chối bỏ Ngài.
Chúa Giêsu không đến trần gian để thiết lập một hệ thống luân lý, Ngài đến
trước hết là để mặc khải tình yêu của Thiên Chúa và đặt con người vào mối tương
quan với Thiên Chúa. Vì là hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu nên con người cũng
phải sống như Thiên Chúa Tình Yêu. Chỉ có một tình yêu đúng nghĩa nhất, đó là
tình yêu của Thiên Chúa, và cũng chỉ có một cách yêu đúng đắn nhất, đó là yêu
như Thiên Chúa yêu. Qua cuộc sống của Ngài, qua các quan hệ của Ngài với tha
nhân, và nhất là qua cái chết của Ngài trên thập giá, Chúa Giêsu đã tỏ cho con
người thấy được tình yêu của Thiên Chúa. Yêu như Thiên Chúa yêu là trao ban và
sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu; yêu như Thiên Chúa yêu là
yêu mọi người, ngay cả kẻ thù mình.
Chúa Giêsu sẽ không mặc khải trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa, nếu từ Thập
giá, Ngài không tha thứ cho chính những kẻ đang hành hạ Ngài. Tuyệt đỉnh của
yêu thương chính là đang lúc giang tay ra cho kẻ thù đóng đinh vào Thập giá mà
vẫn có thể thốt lên: "Lạy Cha! Xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc
chúng làm". Chúa Giêsu đã không rao giảng bất cứ điều gì mà chính Ngài
không sống và minh chứng trước: dạy chúng ta tha thứ cho kẻ thù, Ngài đã chứng
minh đó là điều nằm trong khả năng của con người.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta về ơn gọi cao cả của người Kitô hữu:
Như Chúa Giêsu đã tha thứ cho những kẻ hành hạ Ngài, chúng ta cũng được mời gọi
để yêu thương và tha thứ không ngừng, bởi vì chỉ có lòng tha thứ, chúng ta mới
thực sự trở thành nhân chứng tình yêu Thiên Chúa đối với mọi người.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 23 TN2
Bài đọc: I Cor 8:1-7, 11-13; Lk 6:27-38.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Yêu kẻ thù và những người yếu kém.
Nhiều người trong chúng ta cho rằng “biết đúng và làm đúng” là đủ rồi,
nhưng thánh Phaolô nhận thấy điều đó vẫn chưa đủ cho việc xây dựng cộng đòan.
Ngài dạy khi làm còn phải quan tâm đến những người mà đức tin còn yếu kém. Nếu
việc làm tuy đúng của mình gây ra sự hiểu lầm và làm cớ cho họ sa ngã thì tốt
hơn đừng làm, chẳng hạn như việc ăn thịt cúng. Chúng ta dễ dàng yêu thương những
ai yêu thương mình, trả ơn cho những ai làm ơn cho mình; nhưng Chúa Giêsu đòi
các môn đệ của Ngài phải đi bước xa hơn nữa là là yêu kẻ thù, và làm ơn cho những
người bắt bớ mình. Các Bài đọc hôm nay cung cấp những lý do tại sao chúng ta phải
làm như thế.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Không chỉ làm đúng mà còn
quan tâm đến những người yếu kém.
Người Hy-Lạp thờ rất nhiều thần và để xin ơn họ dâng cúng những lễ vật
lên các thần. Sau khi đã dâng cúng, họ đốt một phần nhỏ cho các thần, một phần
để lại cho các tư tế phục vụ trong đền thờ, một phần được gởi trả lại cho người
dâng để họ cùng chung vui với gia đình và bạn bè. Các tư tế được phép bán phần
thịt của mình nếu không muốn dùng. Vấn đề được đặt ra cho cộng đòan Corintô là
có được phép ăn hay mua thịt đã được dâng cúng cho các thần?
Có những người trong cộng đòan cho rằng cứ việc ăn vì theo giáo lý đức
tin dạy: “ngẫu tượng chẳng là gì trên thế gian, và cũng chẳng có thần nào ngoài
Thiên Chúa độc nhất.” Thánh Phaolô cũng đồng ý khi ngài dạy cứ việc ăn thịt đã
dọn sẵn hay mua thịt ngòai chợ mà chẳng cần hỏi han lôi thôi gì cả. Tuy nhiên,
nếu có sự hiện diện của những người trong cộng đòan, mà đức tin của họ còn yếu
kém, thì đừng ăn hay mua. Lý do là vì không phải mọi người đều hiểu biết như
nhau. Có một số người từ trước đến nay đã quen thờ ngẫu tượng, nên khi ăn các
thức ấy thì cứ tưởng làm như vậy là ăn của cúng; và lương tâm yếu đuối của họ
đã ra ô uế.
Xây dựng cộng đòan không phải chỉ trên kiến thức mà còn trên tình bác ái
vì “sự hiểu biết đó sinh lòng kiêu ngạo, còn tình bác ái thì xây dựng.” Theo đạo
lý của thánh Phaolô, mỗi người đều là một phần tử của một chi thể là Hội-Thánh
và Chúa Kitô là Đầu. Vì thế, chúng ta có bổn phận phải bảo vệ mọi chi thể để
tòan thân được lành mạnh. Vì thế ngài cắt nghĩa: “Thế là sự hiểu biết của bạn
làm hư mất một người yếu đuối, một người anh em mà Đức Kitô đã chịu chết để cứu
chuộc! Như vậy, phạm đến anh em và làm thương tổn lương tâm yếu đuối của họ là
phạm đến Đức Kitô! Vì thế, nếu của ăn mà làm cớ cho anh em tôi sa ngã, thì tôi
sẽ không bao giờ ăn thịt nữa, để khỏi làm cớ cho anh em tôi sa ngã.”
2/ Phúc Âm: Yêu kẻ thù.
Một sự phân biệt về từ ngữ sẽ giúp chúng ta hiểu rõ những đòi hỏi của
Chúa Giêsu. Trong tiếng Hy-Lạp, có 3 động từ để diễn tả hành động “yêu”:
– Để diễn tả tình yêu lãng mạn giữa trai gái, họ dùng động từ “eran.”
– Để diễn tả tình yêu giữa những người thân trong gia đình và tình bằng hữu,
họ dùng động từ “filein.”
– Để diễn tả tình yêu giữa những người tin vào Chúa Kitô như được dùng
hôm nay, các Thánh Ký dùng động từ “agapan.” Động từ này chỉ dùng trong
khuôn khổ của Kitô giáo.
Con người không thể yêu kẻ thù với nghĩa “eran,” vì họ không thể
yêu kẻ thù bằng tiếng sét ái tình. Họ cũng không thể yêu kẻ thù bằng nghĩa “filein,”
vì làm như vậy là trái với tự nhiên. Nhưng con người có thể yêu kẻ thù bằng
nghĩa “agapan,” bằng tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu này không chỉ tùy
thuộc vào con tim mà còn tùy thuộc rất nhiều nơi lòng muốn. Với tình yêu đến từ
Thiên Chúa, con người có thể làm những điều không thể như Chúa đòi hôm nay:
“Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa
anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ
cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong.
Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại.”
Thọat mới nghe qua những lời Chúa dạy, chúng ta thấy chúng rất giống những
lời khôn ngoan hay đạo lý của các tôn giáo khác, chẳng hạn lời của Khổng-Tử mà
thường được gọi là Luật Vàng hay Luật Hỗ-Tương: “Đừng làm cho người khác điều
gì mình không muốn người khác làm cho mình.” Nhưng nếu cẩn thận nghiên cứu,
chúng ta sẽ thấy chúng khác xa và vượt lên trên tất cả các đạo lý từ trước tới
nay. Luật của Chúa dạy là luật tích cực: “Làm cho người khác những gì mình muốn
người khác làm cho mình;” trong khi Luật vàng là luật tiêu cực: “Đừng làm cho
người khác điều gì mình không muốn người khác làm cho mình.” Luật tích cực khó
hơn luật tiêu cực và đòi con người phải thấm nhuần tình yêu Thiên Chúa mới có
thể làm được.
Tại sao Chúa đòi con người làm những điều khó khăn như vậy? Lý do Chúa
đưa ra phải yêu kẻ thù là để trở nên giống Chúa: “Anh em sẽ là con Đấng Tối
Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.” Làm con Chúa là
phải khác những người thường. Nếu các tín hữu cũng chỉ yêu những người yêu mình
và trả ơn những người đã làm ơn cho mình thì có khác chi những người tội lỗi?
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
– Cuộc sống chúng ta không đơn giản đến nỗi chỉ giải quyết vấn đề bằng
tri thức, mà nhiều khi còn phải giải quyết vấn đề bằng yêu thương. Tri thức có
thể đưa đến chỗ kiêu ngạo, khinh thường người không biết nhưng yêu thương luôn
giúp xây dựng cộng đòan. Cần phải quan tâm đến mọi phần tử trong cộng đòan khi
giải quyết những vấn đề liên quan tới họ.
– Yêu kẻ thù và làm ơn cho họ không phải là điều muốn làm hay không cũng
được, nhưng là đòi hỏi của những người con Chúa. Điều này chỉ có thể nếu chúng
ta được thấm nhuần tình yêu của Chúa, trước khi chúng ta có thể yêu người như
Chúa yêu ta.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
10/09/2020 – THỨ NĂM TUẦN 23 TN
Lc 6,27-38
YÊU THƯƠNG KẺ THÙ
“Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ
vu khống anh em.” (Lc 6,28)
Suy niệm: Nhiều người nghe Lời Chúa dạy “yêu thương kẻ thù”
không khỏi có cảm giác “lời này sao chói tai quá!” Theo lẽ tự nhiên, đối với những
kẻ làm hại, nguyền rủa, vu khống ta, ta không trả thù đã là quá tốt; làm sao ai
có thể “cầu nguyện,” “chúc lành” cho những hạng người ấy được?! Chúa dạy “chúc
lành” cho họ là để ta tiêu diệt lòng ghét ghen thù hận nơi chính mình và mong
điều tốt đẹp nhất cho những người đó. Chúa dạy “cầu nguyện” cho họ là xin tình
yêu và ân sủng Chúa xuống trên họ để nhờ đó họ được biến đổi nên thánh thiện.
Như vậy, thì làm gì có ý nghĩ hay hành động tiêu cực về bất kỳ ai! Trái lại
chúng ta được mời gọi sống tích cực hướng thiện: “đem yêu thương vào nơi oán
thù… đem an hòa vào nơi tranh chấp… đem chân lý vào chốn lỗi lầm.”
Mời Bạn: Lời này của Chúa có đang nói với tôi? Trong tận sâu
thẳm của tâm hồn, tôi có những người mình không thích hay thù hận? Tôi có cần cầu
nguyện cho ai đó như điều Chúa đang mời gọi tôi?
Sống Lời Chúa: Sống tích cực trong suy nghĩ, lời nói và hành động
với mọi người tôi gặp gỡ hôm nay. Những lời trong kinh Hoà Bình: “Lạy Chúa từ
nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…” là gợi ý cho
tôi thực hiện điều đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã yêu thương và cứu độ chúng
con khi chúng con còn là tội nhân, là những kẻ đang là thù địch với Chúa. Xin
cho chúng con đi theo con đường của Chúa là yêu thương mọi người, kể cả kẻ thù
địch, nguyền rủa, vu khống chúng con, để chúng con trở nên giống Chúa.
(5 Phút Lời Chúa)
Suy Niệm : Yêu kẻ
thù
Suy niệm :
Khi đọc lời nhắn nhủ
trên đây của Ðức Giêsu,
chúng ta thường thấy
đó là chuyện không thể làm nổi,
hay nếu làm được, ắt sẽ
sinh ra những hậu quả tồi tệ.
Chắc chắn Ðức Giêsu
không dạy ta bao che cho kẻ ác,
hay đòi hủy bỏ luật
hình sự để phạt các phạm nhân.
Ngài không cổ vũ việc
ăn xin khi nói: “Ai xin, con hãy cho.”
Ngài cũng không biến
chúng ta thành người bạc nhược.
Bài Tin Mừng hôm nay
là một viên ngọc,
vì nó cho thấy nét đặc
trưng của người Kitô hữu.
Nó vén mở một lý tưởng
mà ta phải vươn tới.
Chúng ta cần vượt lên
trên nghĩa đen của mặt chữ
để cảm được tinh thần
mà Chúa muốn ta sống.
Không sống lời Ngài,
ta vẫn là kẻ đứng ngoài Kitô giáo.
“Hãy yêu kẻ thù”: câu
này được nhắc lại hai lần.
Theo bài Tin Mừng này
thì kẻ thù của tôi là ai?
Ðó là kẻ ghét tôi, kẻ
nguyền rủa tôi và vu khống.
Ðó là kẻ tát vào mặt
tôi và đoạt áo ngoài của tôi.
Như thế kẻ thù tôi chẳng
đâu xa, ngày ngày tôi vẫn gặp.
Họ là những người hay
làm phiền và lợi dụng tôi,
là những kẻ xúc phạm đến
danh dự và quyền lợi của tôi.
Họ là những người tự
nhiên tôi không ưa, hay không ưa tôi.
Ðức Giêsu không đòi
tôi yêu kẻ thù như yêu người thân:
về mặt tình cảm, chuyện
đó khó thực hiện.
Nhưng Ngài mời tôi yêu
bằng hành động.
Yêu là làm ơn, là chúc
lành, là cho vay.
Yêu là cầu nguyện điều
lành cho kẻ thù (cc. 27-28).
Khi làm điều tốt cho kẻ
thù,
tôi được giải phóng khỏi
cái tôi ăn miếng trả miếng,
và nhờ đó chính kẻ thù
tôi cũng có thể được giải phóng
khỏi cái tôi ích kỷ của
họ.
Khi yêu kẻ thù bằng những
hành động tử tế,
tôi không còn coi họ
là kẻ thù của tôi nữa.
Dần dần, tình cảm của
tôi đối với họ cũng biến đổi.
Cần can đảm biết bao
khi chào hỏi, bắt tay
một người làm tôi vô
cùng đau khổ.
Ðó chẳng phải là một
hành động giả hình,
nhưng là một nỗ lực thắng
vượt tình cảm tự nhiên.
Ðó chẳng phải là một
hành vi của kẻ yếu,
nhưng là dấu hiệu của
tính quả cảm anh hùng.
Kitô hữu được mời gọi
vượt lên trên cái tự nhiên.
Suy nghĩ tự nhiên,
tình cảm tự nhiên, phản ứng tự nhiên...
Phải ra khỏi cái tự
nhiên, thường tình,
mới vào được thế giới
siêu nhiên,
thế giới của những người
con, sống nhân hậu như Cha.
Sống nhân hậu như Cha
là trở nên hoàn thiện.
Thế giới văn minh
không chỉ nhờ tiến bộ của khoa học,
nhưng chủ yếu nhờ những
chiến thắng trên lòng ích kỷ
của từng người cũng
như của mọi tập thể lớn nhỏ.
Trái đất chỉ tồn tại
nhờ tha thứ yêu thương.
Kitô giáo chỉ sống còn
nhờ yêu thương tha thứ.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa,
xin cho con quả tim của
Chúa.
Xin cho con đừng khép
lại trên chính mình,
nhưng xin cho quả tim
con quảng đại như Chúa
vươn lên cao, vượt mọi
tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình
bao dung tha thứ.
Xin cho con vượt qua mọi
oán hờn nhỏ nhen,
mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn
bình an, trong sáng,
không một biến cố nào
làm xáo trộn,
không một đam mê nào
khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá
vui khi thành công,
cũng đừng quá bối rối
khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ
lớn
để yêu người con không
ưa.
Xin cho vòng tay con
luôn rộng mở
để có thể ôm cả những
người thù ghét con.
(Lm. Ant. Nguyễn Cao
Siêu SJ.)
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
10 THÁNG CHÍN
Chúng Ta Khát Vọng
Tuyệt Đối
Giáo Hội tuyên bố rằng
con người, trong hành trình cuộc sống của mình, cần phải được hết mực kính trọng,
yêu thương và quan tâm săn sóc – bởi vì con người được tiền định sống đời đời.
Vì vậy, bất cứ nền văn hoá nào tôn trọng phẩm giá và định mệnh tối hậu của con
người đều hỗ trợ cho con người sống một cuộc sống cao thượng và công chính trên
cuộc hành trình dương thế này.
Thánh Phaolô đề cập đến
điều này trong giáo huấn của ngài gửi cho cộng đoàn tín hữu Philipphê: “Cuối
cùng, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực, tinh
tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh,
đáng khen, thì xin anh em hãy để ý”. (Pl 4,8). Trong suốt cuộc hành trình dương
thế này, từ khi sinh ra cho đến lúc lìa đời, con người phải ý thức hoàn toàn rằng
mình là một lữ khách trên đường hành hương về với Thiên Chúa.
Chính trong khát vọng
tuyệt đối này có hàm ẩn kinh nghiệm về Thiên Chúa. Trong tất cả những con người
xuyên qua lịch sử đã kiếm tìm Thiên Chúa, chúng ta có thể thấy khuôn mặt vĩ đại
của Thánh Augustinô, người đã thốt lên khi gặp gỡ được Đấng mà mình kiếm tìm:
“Con đã gặp Ngài ở đâu để nhận biết Ngài, nếu không phải là chính nơi Ngài, vượt
xa trên chính con?” (Tự Thú của T. Augustinô, 10,26).
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 10/9
1Cr 8, 1-7. 11-13;
Lc 6, 27-38.
LỜI SUY NIỆM: “Thầy nói với
anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét
anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống
anh em.”
Đây là một giáo lý căn bản của Kitô giáo, bởi vì người tín hữu đặt trọn niềm
tin vào Thiên Chúa, Chúa của mình. Đấng đã dựng nên mọi sự và đặc biệt dựng nên
con người có nam có nữ, mà Ngài yêu thương hết mình và Ngài muốn cứu rỗi mọi
người bằng giá Cứu Chuộc của Con Một của Ngài, Ngài không muốn bị mất một ai
trong loài người. Tất cả là con cái của Ngài, đặc biệt đối với người Kitô hữu
được làm con của Ngài trong phép Rửa Tội và các Bí Tích.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con luôn sống tình bác ái đối với
tất cả mọi người, không phân biệt và loại trừ bất cứ một ai, dể tạo nên hòa
bình thật sự khi sống với nhau.
Mạnh Phương
10 Tháng Chín
Quà Tặng Quý Giá Nhất
Trong một góc hè phố,
một bác hành khất tê bại nằm co quắp. Chợt có một người đàn ông ăn mặc bảnh bao
đi qua. Người hành khất bèn mở miệng xin bố thí. Người đàn ông ăn mặc sang trọng
xỏ tay vào túi áo, nhưng ông tìm mãi mà chẳng được gì. Vừa bối rối, vừa thành
kính, ông ta mới phân bua với người hành khất:
“Này bác, tôi muốn
biếu bác chút đỉnh, nhưng rất tiếc, vì đi bất ngờ nên tôi không có mang tiền
theo. Xin bác thông cảm cho”.
Người hành khất mới
trả lời: “Cám ơn ông. Ông đã cho tôi nhiều hơn mọi của bố thí. Bởi vì ông đã gọi
tôi là Bác. Chưa bao giờ trong đời tôi, tôi đã nhận được danh dự đó trên môi miệng
của một người sang trọng nào cả”.
Dù là một người hành
khất, dù là một người tàn tật, dù là một người bị xã hội ruồng rẫy bỏ rơi, tất
cả đều có một phẩm giá như nhau. Quà tặng quý giá nhất mà chúng ta có thể trao
tặng cho người khác, chính là tôn trọng người đó với tất cả phẩm giá cao quý nhất
của họ.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét