Trang

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

THỨ BA TUẦN VII MÙA THƯỜNG NIÊN


Thứ Ba sau Chúa Nhật 7 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm I) Hc 2, 1-13
"Hãy chuẩn bị tâm hồn để chịu cám dỗ".
Trích sách Huấn Ca.
Hỡi con, khi con đến phụng sự Thiên Chúa, con hãy sống công chính và kính sợ, và hãy chuẩn bị tâm hồn để chịu thử thách. Con hãy gìn giữ tâm hồn và chịu đựng. Hãy lắng tai nghe và nhận lấy lời dạy của lương tri; và đừng vội vã trong lúc cùng quẫn.
Con hãy nương tựa vào sự nâng đỡ của Thiên Chúa và hãy liên kết với Người, và kiên nhẫn để con được thăng tiến trong ngày cuối cùng. Con hãy chấp nhận tất cả những gì xảy đến cho con và hãy kiên trì trong đau khổ, hãy nhẫn nại trong hoàn cảnh thấp hèn: vì vàng bạc được thử trong lửa, còn những người được Chúa chọn, thì được thử trong khổ nhục. Con hãy tin vào Thiên Chúa, và Người sẽ nâng đỡ con; hãy cứ thẳng đường và hy vọng vào Người. Con hãy kính sợ Người và bền vững mãi như thế.
Hỡi những kẻ kính sợ Chúa, hãy trông đợi lòng từ bi của Người, Các ngươi đừng rời xa Người kẻo phải sa ngã. Các ngươi là kẻ kính sợ Chúa, hãy tin vào Người và phần thưởng của các ngươi sẽ không mất đâu. Các ngươi là những kẻ kính sợ Chúa, hãy trông cậy vào Người, thì người sẽ lấy lòng từ bi ban thưởng cho các ngươi được hân hoan. Các ngươi là những kẻ kính sợ Chúa, hãy yêu mến Người, và lòng các ngươi sẽ được chiếu sáng.
Hỡi các con, hãy ngắm nhìn các dân thiên hạ, và hãy biết rằng không ai trông cậy vào Chúa mà phải hổ thẹn. Vì có ai sống trong giới răn của Người mà bị ruồng bỏ đâu? Hoặc có ai kêu cầu Người mà Người chê chối đâu? Vì Thiên Chúa khoan hậu và nhân từ, và trong ngày nguy khốn, Người tha thứ tội lỗi; Người là Ðấng bênh vực tất cả những kẻ tìm kiếm Người trong chân lý.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 36, 3-4. 18-19. 27-28. 39-40.
Ðáp: Bạn hãy phó thác đường lối mình cho Chúa, và để chính Người hành động (c. 5).
Xướng: 1) Hãy trông cậy vào Chúa và hãy làm lành, để được cư ngụ trong đất nước, thọ hưởng an ninh. Hãy hân hoan tin tưởng vào Chúa, Người sẽ ban cho sự lòng bạn thỉnh cầu. - Ðáp.
2) Chúa chăm lo cho mạng sống người nhân đức, và phần gia nghiệp họ còn mãi muôn đời. Ngày tai hoạ, những người đó không tủi hổ, và trong nạn đói, họ sẽ được ăn no. - Ðáp.
3) Hãy tránh ác và hãy làm lành, hầu được an cư tới ngàn thu: bởi vì Thiên Chúa yêu điều chân lý, và không bỏ rơi những tôi tớ trung thành. - Ðáp.
4) Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ, trong cơn khốn khó, Người là chỗ dung thân, Chúa bang trợ và giải thoát họ. Người giải thoát và cứu họ khỏi lũ ác nhân, vì họ đã nương tựa vào Người. - Ðáp.

* * *

Bài Ðọc I: (Năm II) Gc 4, 1-10
"Anh em xin mà không nhận được là vì anh em xin không đúng".
Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh em thân mến, bởi đâu anh em cạnh tranh và cãi cọ nhau? Nào không phải tại điều này: tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em đó sao? Anh em ham muốn mà không được hưởng, nên anh em giết nhau. Anh em ganh tị mà không được mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ. Anh em không có, là tại anh em không xin. Anh em xin mà không nhận được, là vì anh em xin không đúng, cứ mơ tưởng thoả mãn các đam mê của anh em. Hỡi những kẻ ngoại tình, anh em không biết rằng thân thiết với thế gian là thù địch với Thiên Chúa đó sao? Vậy kẻ nào muốn thân thiết với thế gian này, thì đặt mình làm thù địch với Thiên Chúa. Hay anh em tưởng Kinh Thánh nói cách vô lý rằng: "Chúa quyến luyến thần trí mà Người đặt trong anh em, đến nỗi ghen lên". Vả Người ban ơn bội hậu. Bởi đó có lời rằng: "Thiên Chúa chống lại những kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn phúc cho người khiêm nhường!" Vậy anh em hãy phục tùng Thiên Chúa, hãy chống trả ma quỷ, và nó sẽ trốn xa anh em. Hãy đến gần Thiên Chúa, và Người sẽ đến gần anh em. Hỡi những kẻ tội lỗi, anh em hãy rửa tay cho sạch. Hỡi những kẻ hai lòng, hãy thanh luyện tâm hồn đi. Anh em hãy buồn sầu, than van và kêu khóc. Hãy đổi tiếng cười ra tiếng khóc, và đổi niềm vui ra nỗi buồn. Anh em hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa và Người sẽ nâng anh em lên.
Ðó là lời Chúa

Ðáp Ca: Tv 54, 7-8. 9-10a. 10b-11a. 23
Ðáp: Hãy trút nhẹ gánh lo âu cho Chúa để chính Người nâng đỡ thân ngươi (c. 23a).
Xướng: 1) Tôi tự nhủ: ước chi tôi có cánh như bồ cầu, tôi sẽ bay đi và tìm nơi an nghỉ. Này đây tôi sẽ rời tới cõi xa xăm, tôi sẽ ở lại chỗ sơn lâm hoang vắng. - Ðáp.
2) Tôi tìm chỗ dung thân cấp tốc vội vàng, đi ngược dòng phong ba và gió lốc. Lạy Chúa, xin đập tan, xin chia rẽ ngôn từ của chúng. - Ðáp.
3) Vì tôi thấy có bạo lực và tranh chấp trong thành trì. Ngày đêm, trên mặt tường chúng đi dạo. - Ðáp.
4) Hãy trút nhẹ gánh nặng cho Chúa, để chính Người nâng đỡ thân ngươi: Người không để người hiền lương muôn đời xiêu té. - Ðáp.

* * *

Alleluia: Tv 94, 8ab
Alleluia, alleluia! - Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 9, 29-36
"Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại". Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.
Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: "Dọc đàng các con tranh luận gì thế?" Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất.
Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người". Và Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, rồi ôm nó mà nói với các ông rằng: "Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu loan báo về cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Ngài. Ðây là lần thứ hai Ngài muốn bộc lộ tâm sự và mạc khải sứ mệnh Ngài sẽ phải thực hiện. Nhưng các môn đệ không hiểu, lại còn tranh cãi với nhau về địa vị. Ðức Giêsu vẫn không tìm được bạn đồng cảm.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, với danh nghĩa là Kitô hữu, chúng con muốn là những người bạn thân của Chúa. Thế nhưng, chúng con lại không muốn hiểu Chúa, không đồng sở thích với Chúa. Chúng con chỉ thích lo cho mình, được vinh thân phì gia. Còn Chúa, Chúa đã sống và muốn chúng con biết quên mình vì tha nhân.
Xin Chúa cho chúng con mỗi ngày được nên giống Chúa, để Chúa được vui lòng và chúng con được hạnh phúc. Amen.

Suy Niệm:
Làm tôi tớ mọi người
Ở cuối văn kiện Tòa Thánh, các Ðức Giáo Hoàng thường ghi dòng chữ này cùng với chữ ký của mình: "Tôi tớ của các tôi tớ". Ðây là tinh thần mà Chúa Giêsu muốn tất cả các vị lãnh đạo trong Giáo Hội phải có, như được đề cập đến trong bài Tin Mừng hôm nay: "Ai muốn làm đầu thì phải làm người rốt hết, và làm tôi tớ mọi người".
Cám dỗ về quyền hành và cám dỗ lạm quyền là sự kiện thường xuyên và mãnh liệt đối với con người mọi thời. Chính những cám dỗ ấy cũng đã xảy ra cho Nhóm Mười Hai Tông đồ. Thật vậy, vào chính lúc Thầy của các ông loan báo về cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài, thay vì dừng lại và chia sẻ với Thầy, hoặc nếu chưa hiểu thì trao đổi với Thầy để am tường hơn, các ông đã có thái độ ích kỷ, vụ lợi; các ông tưởng thời lập quốc của Ðấng Mêsia và ngày vinh quang của các ông đã tới, thế là các ông bắt đầu tranh cãi về địa vị với nhau. Chính các ông cũng cảm thấy sự tranh cãi như thế là đáng trách, bởi vì khi được Chúa Giêsu hỏi, các ông đã làm thinh.
Và rồi sự việc đã diễn biến không như các ông tưởng nghĩ, bởi vì đối với Chúa Giêsu, trong Nước Trời tồn tại ở trần gian này, cho dù vẫn có tôn ti trật tự, nhưng đó là một trật tự lạ lùng: Người làm lớn sẽ là người hầu hạ kẻ khác, người nhỏ nhất phải là đối tượng để được hầu hạ. Rốt cuộc, chúng ta có thể hầu hạ ai chính là vì chúng ta muốn hầu hạ Chúa Giêsu trong họ, và chúng ta có được hầu hạ ai, thì cũng chỉ vì họ đang hầu hạ Chúa Giêsu nơi chúng ta. Như vậy, điều quan trọng không phải là làm lớn hay làm nhỏ trong Nước Trời, chỉ có Thiên Chúa là nhân vật quan trọng trong Nước Trời, và làm lớn hay làm nhỏ, tất cả đều phục vụ Thiên Chúa mà thôi.
Bài Tin Mừng hôm nay vẫn thường được dùng làm kim chỉ nam cho việc thi hành quyền bính trong Giáo Hội. Nếu mọi người, kẻ cầm quyền cũng như người dưới quyền đều hiểu và thực thi giáo huấn này, chắc chắn Giáo Hội sẽ trở nên thu hút hơn đối với nhân loại, nhất là đối với con người hôm nay đã quá mệt mỏi với những hình thức mị dân, lạm quyền, dua nịnh của giới lãnh đạo; người ta sẽ nhận ra nơi đó khuôn mặt của Chúa Kitô một cách rõ ràng hơn, một Chúa Kitô lãnh đạo bằng cách bị nộp, bị giết chết vì người khác.
Bao lâu xã hội loài người còn, thì bấy lâu bài học Chúa dạy hôm nay vẫn còn giá trị, bởi vì cám dỗ về quyền lực và lạm quyền đã ăn sâu trong mỗi người và trong mọi cơ chế xã hội. Nhưng để bài học ấy tác động mạnh mẽ và hữu hiệu, chúng ta cần nghĩ tới hình ảnh của Chúa, Ðấng lãnh đạo dân Chúa, nhưng đã trở thành tôi tớ cho mọi người.

 Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến để phục vụ. Chúa còn hiến mạng sống mình để nhân loại được sống và sống dồi dào. Chúa còn trở nên của ăn nuôi dưỡng linh hồn chúng con. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin Chúa cũng cho chúng con biết mặc lấy tâm tình của Chúa để chúng con sống có ích cho tha nhân. 

21/02/12 THỨ BA TUẦN 7 TN
Th. Phêrô Đamianô, giám mục, tiến sĩ HT
        Mc 9,30-37
*****
CÁCH NÀO ĐẾN VỚI CHÚA CHA?
“Ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.” (Mc 9,37)
Suy niệm: Chúa Giêsu có lần ví mình như là cửa chuồng chiên, ai qua cửa mà vào, người ấy là kẻ chăn chiên đích thực. Mượn cách diễn tả tượng hình ấy, hôm nay chúng ta có thể ví Ngài như là “cổng” dẫn tới Chúa Cha. Ngày nay người ta nói nhiều đến “cổng thông tin,” là những cổng ta vào để tìm kiếm, truy cập dữ kiện trên mạng. Mỗi cổng thông tin cung cấp những dữ liệu chuyên biệt. Muốn từ cổng này qua cổng kia, chúng ta phải kết nối. Cũng thế, muốn hiệp thông với Chúa Cha, con người phải liên kết với Chúa Giêsu vì Ngài là hiện thân của Chúa Cha. Ngài biết phương cách giúp ta gặp được Cha của Ngài. Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu gọi Ngài là “Đấng Cứu Độ Duy Nhất” nhưng Ngài lại “kết nối” cổng trời với những kẻ yêu mến trẻ nhỏ. Vì vậy, yêu mến trẻ thơ, đón tiếp người bé nhỏ (theo nghĩa cả thể lý lẫn tinh thần), sẽ có cơ hội gặp gỡ và hiệp thông với Chúa Cha.
Mời Bạn: Không mấy ai thích “tiếp đón” trẻ nhỏ vì chúng còn nhỏ và chỉ quấy rầy ta mà thôi. Quan niệm ấy cần được xem lại, vì Chúa Giêsu “ôm” trẻ nhỏ vào lòng, dùng trẻ nhỏ minh hoạ cho cẩm nang dẫn đến Chúa Cha.
Sống Lời Chúa: Đừng để con em mình thiếu tình gia đình khi cả tuần chỉ biết gởi gắm nơi nhà trẻ để cha mẹ rảnh tay!
Cầu nguyện: Lạy Chúa, trước khi có thể đón tiếp trẻ nhỏ, đối tượng Chúa dùng để ví như đón tiếp chính Chúa, xin cho chúng con – nhất là bậc làm cha mẹ – biết quí trọng sự sống của chính con cái chúng con, và giúp người khác bảo vệ sự sống của những trẻ thơ đang bị đe doạ. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh Phêrô Đamianô, Giám mục ,tiến sĩ Hội Thánh; Gc 4, 1-10; Mc 9, 30-37.
LỜI SUY NIỆM: Đức Giêsu và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Galilê. Nhưng Đức Giêsu không muốn cho ai biết vì Người đang dạy các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người. (Mc 9, 30-32)
            Đây là lúc Chúa Giêsu muốn công bố riêng một sứ điệp cho các môn đệ về cái chết và sự phục sinh của Ngài, nên Ngài không muốn có đám đông hiện diện. Khi các ông nghe những câu ngắn gọn này, mặc dù các ông không hiểu “Con Người bị nôp...bị giết chết và ba ngày sau sống lại” là như thế nào? Nhưng các ông không dám hỏi lại Chúa để biết cho rõ hơn. Trong đời sống đạo của chúng ta cũng vậy, Tiếp nhận Lời Chúa ai cũng biết đó là sự cần thiết cho đời sống đức tin và đời sống xã hội, là được hạnh phúc, là mai ngày sẽ được sống vinh quang trong Nước Trời. Nhưng rồi trong chúng ta vẫn có người không chịu uốn nắn mình lại, hay chỉ nghe những gì cho là phù hợp với  mình, với sở thích của mình và không chịu hiểu phần còn lại.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 21-02
Thánh PHÊRÔ ĐAMIANÔ
Giám mục Tiến sĩ (1007 - 1072)
Vị tu sĩ và Hồng Y sẽ nắm giữ một vai trò hàng đầu trong Ktô giáo này chào đời năm 1007 tại Ravenne, trong một gia đình nghèo túng, đến nỗi một trong số các anh Ngài đã phải thốt lên khi Ngài sanh ra: - "Chỉ còn thiếu nỗi bất hạnh này nữa thôi. Sao lại phải có nhiều người thừa hưởng cái di sản nhỏ nhoi này vậy"
Và người mẹ kiệt sức đã không muốn cho đứa trẻ sơ sinh bú sữa mà thất vọng bỏ mặc nó. Một bà hàng xóm giảng giải cho bà rằng: - "Những con báo con hùm không bỏ con chúng, trong khi chúng ta là những người Kitô hữu lại bỏ rơi con cái mình sao ? Đứa trẻ mà người ta xua đuổi này, một ngày kia biết đâu lại chẳng là niềm hân hạnh của gia đình ?"
Người đàn bà can đảm này không tin lời mình nói lắm, nhưng đã cung ứng những săn sóc đầu tiên cho đứa bé nghèo khổ. Người mẹ mắc cỡ nên âu yếm ẵm lấy đứa trẻ. Bà đặt tên là Phêrô.
Năm năm sau, Phêrô mồ côi cha mẹ, người được trao cho người anh đã giận dữ đón nhận cuộc sinh hạ của Ngài. Bị đối xử như người làm thuê Ngài phải chăn heo, ngủ chuồng của súc vật, mặc rách rưới và ăn bánh đen. Một ngày kia nhặt được đồng tiền, của trời ơi ngạc nhiên đối với đứa trẻ không hề ăn hàng, Ngài mang tiền đi xin lễ cho cha mẹ. Chính vì vậy mà dường như cha mẹ đã chúc lành cho cả đời đứa trẻ, con mình.
Đamianô, người anh cả của Ngài đã làm linh mục đưa Ngài về Ravenna ở với mình. Anh cho Ngài ăn học và Phêrô đã tỏ ra thông minh, đến nỗi Ngài đã sớm trở thành giáo sư. Đứa trẻ bị khinh miệt ngày trước, bây giờ dạy học tại Parma rồi tại Ravenna. Để bày tỏ lòng biết ơn với người anh cả, Ngài nhận tên mình là Phêrô Đamiano. Ngài được may mắn về mọi mặt. Nhiều gia đình quí, phải gọi Ngài tới ở. Song những thành công không làm cho Ngài thôi cầu nguyện ăn chay. Dưới bộ áo ngoài, Ngài mặc một chiếc áo nhặm.
Trước danh tiếng ngày càng gia tăng, Ngài tự nhủ: - Ích lợi gì nếu tôi dính bén vào được của cải chóng qua này? Bởi vì một ngày kia, tôi sẽ phải giã từ tất cả, tại sao ngay từ bây giờ tôi không hiến dâng chúng cho Thiên Chúa ?
Thế là Ngài từ bỏ cuộc sống dễ dãi và gia nhập dòng Camaldules, Ngài chọn cái gì nặng nhọc nhất và lui vào vô tịch ở nhà dòng Phonte Avellna. Đời khổ hạnh và cầu nguyện sắp biến Ngài thành một vị thánh lớn. Ngài chỉ muốn khiêm tốn vâng phục và thống hối, nhưng trong khi ẩn mình đi, thì năm 1043, vì vâng lời, Ngài đã được đặt làm tu viện trưởng. Khi đó, Ngài tăng số các tu sĩ, lập nhiều tu viện, giúp đỡ các dòng khác. Ý kiến của Ngài luôn hướng thượng, đến nỗi người ta nói rằng: Ngài được Thánh Thần soi sáng.
Giáo hội đang trải qua một thời u buồn và người tu sĩ nghèo khổ hôm qua sắp giữ một vai trò lớn lao làm giảm bớt đau đớn của Roma. Những nết xấu bỉ ổi đè nặng trên triều đại Giáo hoàng. Lời nói của Thánh Thần lẫn sự hiện diện của Ngài chưa đủ, Ngài viết một tác phẩm, "cuốn sách về thành Gomorrha", để lột trần những lạm dụng đang làm cho Giáo hội phải tủi hổ. Còn chính Ngài, để làm cân bằng cho sự yếu đuối của những giám mục bất xứng, đã tự mình đền tội đánh đòn hàng ngày đến độ chảy máu, dành giờ để hát mười thánh vịnh như Ngài đã khuyên nhủ các tu sĩ. Ngài ăn chay ba ngày mỗi tuần.
Phêrô Đamianô đã muốn là một tu sĩ rốt cùng suốt đời. Nhưng năm 1057, Đức Stephanô IX đã đặt Ngài làm Hồng Y giám mục Ostia. Ngài phản đối, nhưng Đức Thánh Cha khi giảng giải cho Ngài đã cầm tay xỏ nhẫn và đeo thánh giá cho Ngài. Trách vụ giao phó cho Ngài thật lớn lao. Phêrô Damianô hiến trọn tâm hồn cho gia đình mới rộng lớn này. Ngài đón nhận mọi khó khăn, chiến đấu chống các lạc giáo, chấm dứt các xáo trộn của Giáo hội Milanô dẹp tan những bất đồng với xã hội giáo hoàng. Những lo lắng mệt nhọc không cản trở Ngài sẵn sàng hiến dâng đời mình, dù chỉ cho một linh hồn thôi.
Dù kiệt sức, Ngài vẫn dậy sớm để giải tội, không nản lòng, Ngài săn sóc những người bất hạnh, phân phát áo mặc bánh ăn cho họ, thăm viếng các bệnh nhân. Mỗi ngày để nhắc lại tình yêu của Chúa Kitô, Ngài rửa chân cho 12 người nghèo. Đối với những người về quê lập nghiệp, Ngài gửi đồ trợ giúp họ, Ngài nhân hậu đồng đều đối với những người giàu có, những người cũng gặp khó khăn và cố gắng làm cho họ sống bác ái vị tha hơn. Thư từ còn làm cho ảnh hưởng của Ngài lan rộng hơn.
Sau bao nhiêu nhọc mệt và phục vụ, Phêrô trở nên già nua, Đức Thánh cha cho phép Ngài trở lại với nếp sống nhà dòng, Ngài đã muốn căn phòng xấu nhất, ăn thứ bành dành cho heo, hành hạ mình bằng dây lưng sắt, tìm đền bù cho các tội nhân và thánh hóa mình hơn nữa. Ngài nói:
- Một chiến sĩ của Chúa Kitô phải biết mình có thể tiến đến đâu trên đường nhân đức.
Phêrô Đamianô đã định ngày thứ sáu phải được thánh hiến bằng chay tịnh và thống hối, để kính nhớ Chúa Giêsu đã chịu chết trên thánh giá, và ngày thứ bảy kính Đức Mẹ, Đấng mà Ngài đã soạn một bản kinh Nhật tụng để chúc khen.
Tuy đã cao niên, nhưng khi Đức Thánh Cha xin Ngài làm đại diện cho mình tại Pháp. Thánh nhân lên đường ngay. Ngài viếng thăm nhiều địa phận, dẹp tan nhiều cuộc cãi vã, đi tới tận Nước Đức, hoà giải nhà vua với vợ mình là hoàng hậu Berthe, mẹ vua xin được Ngài hướng dẫn. Rồi Ngài tiêu diệt các bè rối tại Florence và mang an bình lại cho Ravenna. Phêrô Đamianô lên cơn sốt ở Faenza. Tu viện Nữ Vương các thánh thiên thần tiếp đón Ngài,
Ngài đã qua đời năm 1072 đang khi xin các tu sĩ vây quanh mình đọc kinh nhật tụng. Chính Ngài đã trước tác mộ bia của mình như sau: - "Mọi cái hôm nay đều phải qua đi để cho điều tồn tại mãi mãi tới gần. Hãy mộ mến những sự trên trời hơn những sự dưới đất, mộ mến điều tồn tại hơn cái rữa tàn. Ước gì tinh thần bạn đạt tới những đỉnh cao, tới được những nơi phát ra sự sống bạn".
(Daminhvn.com)
+++++++++++++++++
21 Tháng Hai
Người Cùi Hủi

Raoul Follreeau, vị đại ân nhân của người phong cùi trên thế giới có kể lại mẩu chuyện đáng thương tâm như sau:
Trong một thị trấn nhỏ nọ, một người đàn ông lâm bệnh nặng. Sau khi khám nghiệm, các bác sĩ nghi ngờ anh ta đã mắc bệnh phong hủi... Tuy không là một phán quyết dứt khoát, nhưng kể từ đó người ta không còn thấy anh ra khỏi nhà nữa. Gia đình anh mỗi lúc lại càng xác tín hơn về bệnh tình của anh. Thế là để che dấu con người mà họ coi như một sự xấu hổ chung, những người thân của anh đã giam anh trong một cái mùng lớn. Người đàn ông đáng thương chỉ còn sống vất vưởng nhờ lương thực tiếp tế mỗi ngày. Vũ trụ của anh chỉ còn là khung mùng phủ kín bốn chân giường. Ngậm đắng nuốt cay từng giờ từng phút, người đàn ông chỉ còn mỗi một hy vọng: đó là chốn thoát được chính nhà giam của anh... Ngày nọ, anh đã chốn ra khỏi khuôn mùng và gia đình của anh. Nhưng chẳng may, người ta đã nhận bắt được anh. Lần nay, người đàn ông khốn khổ dường như không còn một hy vọng nào nữa. Anh chỉ còn muốn tìm sự giải thoát qua cái chết...
Lần thứ hai, anh chốn khỏi vũ trụ tối tăm của anh. Nhưng lang thang mãi mà vẫn không tìm được sự tin tưởng và giúp đỡ của những người khác, anh đã tìm đến cái chết như một lời biện hộ cuối cùng. Người đàn ông đã mua thuốc ngủ và tự vận trước mặt mọi người. Cái chết của anh đã gây chấn động trong dư luận. Người ta yêu cầu cho khám nghiệm tử thi. Kết quả đã làm cho mọi người sửng sốt: anh đã không bao giờ mắc bệnh phong cùi...
Những ai đã và đang sống dưới một chế độ độc tài trong đó mọi thứ tự do cơ bản nhất của con người bị chối bỏ, đều cảm nhận được sự độc hại của thái độ thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa người với người... Một xã hội mà quan hệ giữa người với người cjỉ xây dựng trên dối trá, lừa đảo, hận thù, ganh ghét.... Một xã hội như thế không thể không đi đến chỗ diệt vong...
Người Kitô chúng ta luôn được mời gọi để xây dựng Nước Chúa, Nước của Chân Lý, của Công Bình, của Bác Ái, của sự tín nhiệm lẫn nhau...
Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta chế độ kiểu mẫu: Ngài không nhìn người bằng một nhãn hiệu, bằng một lăng kính có sẵn. Tất cả mọi người, dù tội lỗi thấp hèn đến đâu cũng đều được Ngài nhìn dưới ánh mắt của cảm thông, của yêu thương, của tha thứ... Tất cả mọi người đều được nhìn dưới ánh mắt yêu thương của Ngài như một giá trị độc nhất vô nhị trong tình yêu của Thiên Chúa.
Ðể được một cái nhìn như thế, chúng ta luôn được mời gọi để gạt bỏ mọi thứ thành kiến ra khỏi tâm hồn chúng ta. Trong tất cả mọi sự và trong mọi người, chúng ta hãy mặc lấy cái nhìn của Chúa Giêsu. Chỉ với cái nhìn ấy, chúng ta mới mong tái tạo được sự tín nhiệm và tin tưởng lẫn nhau trong xã hội chúng ta.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 7 TN2, Năm chẵn
Bài đọc: Jam 4:1-10; Mk 9:30-37.

1/ Bài đọc I:
1 Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao?
2 Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau. Anh em không có, là vì anh em không xin;
3 anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc.
4 Hỡi những kẻ ngoại tình, các người không biết rằng: yêu thế gian là ghét Thiên Chúa sao? Vậy ai muốn là bạn của thế gian thì tự coi mình là thù địch của Thiên Chúa.
5 Hay các người nghĩ rằng lời Kinh Thánh sau đây là vô nghĩa: Thần Khí mà Thiên Chúa đã đặt trong chúng ta, ước muốn đến phát ghen lên?
6 Nhưng ân sủng Người ban còn mạnh hơn; vì thế, có lời Kinh Thánh nói: Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.
7 Anh em hãy phục tùng Thiên Chúa. Hãy chống lại ma quỷ; chúng sẽ chạy xa anh em.
8 Hãy đến gần Thiên Chúa, Người sẽ đến gần anh em. Hỡi tội nhân, hãy rửa tay cho sạch; hỡi kẻ hai lòng, hãy tẩy luyện tâm can.
9 Hãy cảm cho thấu nỗi khốn cùng của anh em, hãy khóc lóc than van. Chớ gì tiếng cười của anh em biến thành tiếng khóc, niềm vui của anh em đổi ra nỗi buồn.
10 Anh em hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa và Người sẽ cất nhắc anh em lên.

2/ Phúc Âm:
30 Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết, 31 vì Người đang dạy các môn đệ rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại."
32 Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.
33 Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông: "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?" 34 Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. 35Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người." 36 Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói:
37 "Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy."

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Các đức tính cần có của nhà lãnh đạo tinh thần.

Rất nhiều người muốn làm lớn để ra lệnh cho người khác, để được mọi người biết tới, và để mọi người hầu hạ mình. Điều này có thể áp dụng với những nhà lãnh đạo chính trị, quân sự, hay kinh tế; nhưng không được áp dụng cho những nhà lãnh đạo tinh thần. Chính Chúa Giêsu đã dạy bảo các môn đệ: "Vua các dân thì dùng uy quyền mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không được như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ” (Lk 22:25-26).
Các Bài Đọc hôm nay liệt kê những đức tính cần có của người lãnh đạo theo tiêu chuẩn của Kitô Giáo. Trong Bài Đọc I, tác giả Thư Giacôbê liệt kê những điều tốt nhà lãnh đạo phải có và những điều xấu nhà lãnh đạo phải tránh xa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố với các tông đồ: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người." Chúa Giêsu làm gương bằng cách rửa chân cho các ông, và chấp nhận gian khổ của con đường Thập Giá để đưa mọi người về cho Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Anh em hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa và Người sẽ cất nhắc anh em lên.
1.1/ Lãnh đạo không phải để mưu cầu lợi ích hay hưởng lạc.
(1) Lãnh đạo để hưởng lợi sẽ dẫn tới chiến tranh: Điều này không lạ, vì khuynh hướng con người ai cũng muốn có quyền lợi; vì thế, họ phải tranh chấp nhau để được hưởng quyền lợi. Nếu không tranh chấp được bằng lời nói, họ sẽ dùng tới vũ lực để tranh dành quyền lợi.
(2) Thiên Chúa sẽ không ban ơn cho những nhà lãnh đạo hưởng thụ: Của cải trong trời đất là của Thiên Chúa ban cho mọi người hưởng dùng. Ngài sẽ không ban ơn cho những kẻ tham lam muốn vơ vét của cải để hưởng lạc; nhưng sẽ lấy ra để cho mọi người hưởng dùng.
(3) Ai muốn là bạn của thế gian thì tự coi mình là thù địch của Thiên Chúa: Thế gian ở đây được hiểu là những người không theo giá trị của Nước Trời; trái lại, họ còn tìm cách chống lại những người sống theo giá trị đó. Câu 5 trong trình thuật có căn bản của Sách Sáng Thế 6:5: Thiên Chúa thấy sự gian ác của con người ngày càng nhiều trên mặt đất và tâm trí họ tối ngày chỉ toan tính điều xấu. Có lẽ thánh Giacôbê nghĩ Thiên Chúa ban tặng cho con người Thánh Thần là để chế ngự và điều khiển những đam mê xấu xa của con người.
Sự suy xụp của cá nhân hay xã hội là do ở sự ghen tị, và điều này càng ngày càng bành trướng. Thần khí mà nó cư ngụ trong con người cách tự nhiên luôn luôn sản xuất hết ý tưởng xấu này đến ý tưởng xấu khác, luôn luôn thúc đẩy con người tìm kiếm những điều cần phải sở hữu để hưởng thụ. Cách thức này của thế gian, ảnh hưởng bởi sự xa hoa và lạc thú, dẫn con người đến ghen tương và cãi lộn để đạt được những điều này, là hệ quả chắc chắn của việc làm bạn với thế gian; vì không có tình bằng hữu mà không có sự hiệp nhất trong thần khí. Vì thế, các tín hữu, để tránh tham lam, phải tránh làm bạn với thế gian, và phải chứng tỏ rằng họ được hướng dẫn bởi những nguyên lý cao siêu hơn và một thần khí tốt lành hơn đang cư ngụ trong họ. Nếu chúng ta thuộc về Chúa, Ngài cho chúng ta nhiều ân sủng để sống và hành động hơn những người thế gian. Thần khí thế gian dạy con người sống ích kỷ, Thiên Chúa dạy con người sống rộng lượng. Thần khí của thế gian dạy con người tích trữ của cải cho mình, Thiên Chúa dạy chúng ta phải biết đóng góp những điều cần thiết và an ủi tha nhân.
1.2/ Lãnh đạo bằng khiêm nhường và phục vụ. Những ai khiêm nhường lãnh đạo theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa, Ngài sẽ ban mọi ân sủng để giúp họ sinh lợi ích cho muôn người. Thánh Giacôbê liệt kê một số những đức tính mà nhà lãnh đạo phải có:
(1) Gần Thiên Chúa là xa ma quỉ: Nhà lãnh đạo phải vâng phục Thiên Chúa và khử trừ mọi tội lỗi. Khi con người tiến đến gần Thiên Chúa là ma quỉ sẽ không dám bén mảng tới họ, vì Thiên Chúa thánh thiện và ma quỉ tội lỗi không thể ở chung.
(2) Đau khổ có giá trị hơn niềm vui của thế gian: Nhà lãnh đạo phải biết hy sinh, chịu đựng gian khổ. Đau khổ giúp con người nhận ra giá trị thực sự của cuộc đời. Phúc cho ai khóc lóc vì họ sẽ được Thiên Chúa an ủi. Sung sướng chỉ làm con người xa cách Thiên Chúa vì họ nghĩ họ đã có mọi sự.

2/ Phúc Âm: Ai muốn đứng đầu phải phục vụ mọi người.
2.1/ Lãnh đạo bằng hy sinh mạng sống cho người khác.
(1) Chúa Giêsu dạy một đường: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại." Đây chính là “bí mật của Đấng Thiên Sai” theo Marcô. Khác với hình ảnh Đấng Thiên Sai mà người Do-thái thêu dệt lên theo truyền thống: Ngài sẽ làm những phép lạ lớn lao, sẽ dùng uy quyền để tiêu diệt các thế lực ngọai bang, và lên ngôi cai trị khắp bờ cõi trái đất. Chúa Giêsu mặc khải cho các tông đồ kế họach Cứu Độ của Đấng Thiên Sai: Ngài sẽ chấp nhận con đường đau khổ để cứu độ con người, không phải giải thóat con người khỏi cảnh nô lệ của ngọai bang; nhưng là giải thóat con người khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự chết.
(2) Các ông hiểu một nẻo: Marcô tường thuật phản ứng của các môn đệ: “Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.” Các ông không hiểu vì các ông đã quá quen với hình ảnh của Đấng Thiên Sai theo truyền thống. Các ông sợ không dám hỏi Chúa, có thể vì các ông sợ khi phải đối diện với sự thật: Chúa Giêsu sẽ bị bắt bớ và bị giết chết.
Điều này được sáng tỏ hơn qua những gì mà các tông đồ bàn cãi dọc đường. Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?" Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Vẫn hy vọng vào một Đấng Thiên Sai có thế lực quân sự, nên các ông bàn cãi với nhau xem ai sẽ là nhân vật thứ hai sau Chúa Giêsu khi Ngài lên ngôi cai trị.

2.2/ Lãnh đạo bằng phục vụ: Đức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người." Nhà lãnh đạo tinh thần khác với nhà lãnh đạo quân sự, và tiêu chuẩn để làm người lớn nhất trong vương quốc của Thiên Chúa cũng khác với tiêu chuẩn của vương quốc trần gian: Họ phải trở nên rốt hết và phục vụ mọi người. Để dẫn chứng, Chúa Giêsu dạy họ phải phục vụ những người nhỏ, những người không có gì để đền trả, và Ngài nói: "Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Không phải ai cũng có thể lãnh đạo. Người lãnh đạo phải được huấn luyện để có những đức tính cần thiết trước khi có thể lãnh đạo.
- Không phải chỉ có các cha mới là những người lãnh đạo tinh thần, cha mẹ cũng là những nhà lãnh đạo trong gia đình. Noi gương Chúa Giêsu, cha mẹ cũng phải lãnh đạo bằng hy sinh, chịu đựng gian khổ để phục vụ con cái.
- Phần thưởng của những nhà lãnh đạo tinh thần không phải là những lợi nhuận vật chất, nhưng là chính Thiên Chúa và niềm vui khi thấy mọi người tin vào Thiên Chúa.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP


Suy nim:
Ngoài chuyện chậm tin, chậm hiểu, 
các môn đệ còn có một điểm yếu là hay cãi nhau.
Họ cãi nhau xem ai là người lớn nhất trong nhóm.
Người ấy sẽ là người đứng đầu trong Nước sắp tới của Đấng Mêsia.
Tiếc thay trong bài Tin Mừng hôm nay, 
họ lại cãi nhau khi đang đi ngoài đường (c. 33).
Tệ hơn nữa, họ cãi nhau ngay sau khi Thầy Giêsu loan báo lần thứ hai 
về cái chết và sự phục sinh sắp đến của mình (c. 31).
Hẳn Thầy Giêsu rất đau vì thấy học trò của mình khá trần tục.
Dù đang đi với Thầy trên cùng một con đường,
nhưng họ vẫn để lòng mình theo đuổi vinh quang thế gian.
Đức Giêsu quả là một bậc thầy về sự điềm đạm.
Ngài đợi tới khi về nhà ở Caphácnaum mới gợi lại chuyện trên đường.
Ngài làm như mình không rõ về đề tài câu chuyện :
“Dọc đường anh em đã bàn tán điều gì vậy ?”
Khi các ông mắc cỡ làm thinh, không dám nói ra chuyện cãi nhau (c. 34),
Thầy Giêsu cũng chẳng nỡ ép các ông phải nói.
Ngài ngồi xuống như một vị thầy bắt đầu giảng dạy (c. 35), 
gọi Nhóm Mười Hai lại – nhóm các nhà lãnh đạo tương lai của Giáo Hội -
và đưa ra một nguyên tắc chi phối việc quản trị cộng đoàn :
“Nếu ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết của mọi người
và làm người phục vụ cho mọi người 
(c. 35).
Câu nói trên của Đức Giêsu mở ra một cuộc cách mạng nơi tâm con người.
Đức Giêsu không dạy ta lật đổ người đứng đầu để chiếm lấy quyền lực.
Ngài cũng không đòi ta bỏ ước mơ làm lớn.
Ngài dạy cho ta cách trở nên lớn lao thực sự trước mặt Thiên Chúa.
Đó là trở nên người phục vụ mọi người, sống như ngài đã sống :
“Suốt đời Thầy đã sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22, 27).
Nếu làm đầu mà phải phục vụ thì có ai muốn làm người đứng đầu nữa không ?
 Lịch sử của nhân loại là lịch sử của những cuộc cãi nhau không ngớt
giữa các quốc gia, các tôn giáo, các bộ tộc, và ngay trong giáo xứ, gia đình.
Đề tài muôn thuở vẫn là quyền lực, chức tước, địa vị, tiếng tăm.
Ai cũng muốn làm đầu, làm lớn để được phục vụ, để khỏi phải hầu bàn.
Ước gì chúng ta hiểu rằng quyền uy chỉ là giấy phép để phục vụ.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa,
xin cất khỏi con mọi lo lắng bề ngoài.
Xin tha thứ cho con
vì đã quá bận tâm
đến những điều mình nói,
đến ảnh hưởng của mình,
đến những điều người ta nói và nghĩ về con.
 Xin tha thứ cho con
vì muốn nên giống kẻ khác
mà quên mất chính mình,
vì khao khát có được những đức tính của họ,
mà quên phát triển bản thân.
Xin tha thứ cho con
vì đã mất nhiều thời gian
cho việc phô trương
hơn là cho việc xây dựng bản thân.
Xin cho con biết cởi mở với anh em;
nhờ đó Chúa có thể đến với con
như đến với một người bạn.
Và Chúa sẽ làm cho con nên “người”
mà Chúa mong muốn trong tình yêu của Ngài
vì con là con của Chúa
và là anh em của mọi người.
Michel Quoist
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Ngày 21

Thánh Phêrô Đamianô, 
giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

Chúa   cùng anh chị em

Lời chào của linh mục "Chúa ở cùng anh chị em" với cộng đoàn. Ngài hy vọng rằng Chúa ở với các tín hữu, Chúa muốn nói qua lời các ngôn sứ: Ta sẽ ở giữa họ (Xh 25,8). Đâng cứu độ nói với các môn đệ và với mọi tín hữu: Này đây Thầy ở cùng anh em (Mt 28,20). Lời chào này không phải là kết quả của một quyết định vừa mới phát sinh từ trí tưởng tượng của con người, nhưng uy lực của lời chào này có nguồn gốc từ truyền thống trong Kinh Thánh.
Cộng đoàn nhận lời chào của linh mục, sẽ đáp lại bằng một ước vọng. Cộng đoàn, trong khi chào vị linh mục, muốn rằng sự hiện diện của Thiên Chúa sẽ được nhậm lời: "Và ở cùng cha", điều này có nghĩa ước gì Thiên Chúa toàn năng hiện diện trong tâm hổn cha để cha xứng đáng khẩn cầu cho ơn cứu độ của chứng con" để nhắc lại tất cả những gì sẽ được hoàn tất trong phụng vụ dưới tác động của Thánh Thần.

P. Pierre Damien 

Ngày 21
THÁNH PHÊRÔ DAMIANO
Giám mục Tiến sĩ
Người Ý (1007- 1072)
             1. Cuộc sống thơ ấu khó khăn: Phêrô Damiano sinh năm 1007, là người nước Ý. Mồ côi mẹ từ nhỏ, được người anh khó tính chăm sóc, nên cậu sống rất khổ cực.  Cũng may người anh cả là linh mục đưa về nuôi và cho ăn học.  Nhờ trí thông minh, học giỏi nên không mấy chốc thành tài, được làm giáo sư tại Ravenna.  Để tỏ lòng  biết ơn anh, ngài nhận tên mình là Phêrô Damiano. Để sống đời hoàn thiện,  Phêrô bỏ dạy học,  học làm linh mục.
             2. Tu sĩ đạo hạnh: Năm 1035, Phêrô xin vào Dòng Benedictô sống đời cầu nguyện, khiêm tốn và vâng phục.
            Thấy ngài nhân đức thánh thiện, ăn chay, hãm mình, siêng cầu nguyện lâu giờ, các tu sĩ chọn ngài làm Tu Viện Trưởng vào năm 1043.  Ngài tận lực lo cho anh em nên trọn lành theo tinh thần dòng, và lập thêm 5 Tu viện  để có chỗ cho những người mới.
            3. Giám mục nhiệt thành, có phương pháp: Năm 1057,  Đức Giáo Hoàng Tephano 9 nghe danh ngài,  liền đặt ngài làm Hồng Y Giám Mục Ottia.  Ngài khiêm nhường từ chối,  nhưng Đức Giáo Hoàng cầm tay xỏ nhẫn và đeo Thánh giá cho ngài.  Ngài tận lực phục vụ giáo hội : Chỉnh đốn hàng giáo sĩ là ý nghĩ đầu tiên của ngài trước khi chỉnh đốn giáo dân. Ngài chấp nhận mọi khó khăn phản kháng vì tin rằng đó là ân huệ Chúa ban cho kẻ người thương. Qua những lá thư, hạnh thánh, bài giảng, cau truyện, bài thơ, ngài khuyến khích phục hồi cuộc sống Kitô hữu.
            Đến đời Đức Giáo Hoàng Alesan II,  ngài xin phép về Aven để sống đời ẩn danh.  Năm 1072 Đức Giám Mục Revenna qua đời,  ngài lại phải thay thế.  Tuổi đã già yếu nhưng vẫn còn nỗ lực chu toàn nhiệm vụ chủ chăn,  cho đến ngày 22 tháng 2 năm 1072 Chúa gọi ngài về trên đường đi Lamã. 
Ngày 21-2: Thánh PHÊRÔ ĐAMIANÔ, Giám mục Tiến sĩ (1007-1072)
Vị tu sĩ và hồng y sẽ nắm giữ một vai trò hàng đầu trong Kitô giáo này chào đời năm 1007 tại Ravenne, trong một gia đình nghèo túng, đến nỗi một trong số các anh ngài đã phải thốt lên khi Ngài sanh ra: “Chỉ còn thiếu nỗi bất hạnh này nữa thôi. Sao lại phải có nhiều người thừa hưởng cái di sản nhỏ nhoi này vậy”.
Và người mẹ kiệt sức đã không muốn cho đứa trẻ sơ sinh bú sữa mà thất vọng bỏ mặc nó. Một bà hàng xóm giảng giải cho bà rằng: “Những con báo con hùm không bỏ con chúng, trong khi chúng ta là những người Kitô hữu lại bỏ rơi con cái mình sao? Đứa trẻ mà người ta xua đuổi này, một ngày kia biết đâu lại chẳng là niềm hân hạnh của gia đình?”
Người đàn bà can đảm này không tin lời mình nói lắm, nhưng đã cung ứng những săn sóc đầu tiên cho đứa bé nghèo khổ. Người mẹ mắc cỡ nên âu yếm ẵm lấy đứa trẻ. Bà đặt tên là Phêrô.
Năm năm sau, Phêrô mồ côi cha mẹ, người được trao cho người anh đã giận dữ đón nhận cuộc sinh hạ của ngài. Bị đối xử như người làm thuê ngài phải chăn heo, ngủ chuồng của súc vật, mặc rách rưới và ăn bánh đen. Một ngày kia nhặt được đồng tiền, của trời ơi ngạc nhiên đối với đứa trẻ không hề ăn hàng, ngài mang tiền đi xin lễ cho cha mẹ. Chính vì vậy mà dường như cha mẹ đã chúc lành cho cả đời đứa trẻ, con mình.
Đamianô, người anh cả của ngài đã làm linh mục đưa ngài về Ravenna ở với mình. Anh cho ngài ăn học và Phêrô đã tỏ ra thông minh, đến nỗi ngài đã sớm trở thành giáo sư. Đứa trẻ bị khinh miệt ngày trước, bây giờ dạy học tại Parma rồi tại Ravenna. Để bày tỏ lòng biết ơn với người anh cả, ngài nhận tên mình là Phêrô Đamiano. Ngài được may mắn về mọi mặt. Nhiều gia đình quý, phải gọi ngài tới ở. Song những thành công không làm cho ngài thôi cầu nguyện ăn chay. Dưới bộ áo ngoài, ngài mặc một chiếc áo nhặm.
Trước danh tiếng ngày càng gia tăng, ngài tự nhủ: Ích lợi gì nếu tôi dính bén vào được của cải chóng qua này? Bởi vì một ngày kia, tôi sẽ phải giã từ tất cả, tại sao ngay từ bây giờ tôi không hiến dâng chúng cho Thiên Chúa?
Thế là ngài từ bỏ cuộc sống dễ dãi và gia nhập dòng Camaldules, ngài chọn cái gì nặng nhọc nhất và lui vào vô tịch ở nhà dòng Phonte Avellna. Đời khổ hạnh và cầu nguyện sắp biến ngài thành một vị thánh lớn. Ngài chỉ muốn khiêm tốn vâng phục và thống hối, nhưng trong khi ẩn mình đi, thì năm 1043, vì vâng lời, ngài đã được đặt làm tu viện trưởng. Khi đó, ngài tăng số các tu sĩ, lập nhiều tu viện, giúp đỡ các dòng khác. Ý kiến của ngài luôn hướng thượng, đến nỗi người ta nói rằng: ngài được Thánh Thần soi sáng.
Giáo hội đang trải qua một thời u buồn và người tu sĩ nghèo khổ hôm qua sắp giữ một vai trò lớn lao làm giảm bớt đau đớn của Roma. Những nết xấu bỉ ổi đè nặng trên triều đại Giáo hoàng. Lời nói của Thánh Thần lẫn sự hiện diện của ngài chưa đủ, ngài viết một tác phẩm, “cuốn sách về thành Gomorrha”, để lột trần những lạm dụng đang làm cho Giáo Hội phải tủi hổ. Còn chính ngài, để làm cân bằng cho sự yếu đuối của những giám mục bất xứng, đã tự mình đền tội đánh đòn hằng ngày đến độ chảy máu, dành giờ để hát 10 thánh vịnh như ngài đã khuyên nhủ các tu sĩ. Ngài ăn chay 3 ngày mỗi tuần.
Phêrô Đamianô đã muốn là một tu sĩ rốt cùng suốt đời. Nhưng năm 1057, Đức Stêphanô IX đã đặt ngài làm Hồng y Giám mục Ostia. Ngài phản đối, nhưng Đức Thánh Cha khi giảng giải cho ngài đã cầm tay xỏ nhẫn và đeo thánh giá cho ngài. Trách vụ giao phó cho ngài thật lớn lao. Phêrô Damianô hiến trọn tâm hồn cho gia đình mới rộng lớn này. Ngài đón nhận mọi khó khăn, chiến đấu chống các lạc giáo, chấm dứt các xáo trộn của Giáo hội Milanô dẹp tan những bất đồng với xã hội giáo hoàng. Những lo lắng mệt nhọc không cản trở ngài sẵn sàng hiến dâng đời mình, dù chỉ cho một linh hồn thôi.
Dù kiệt sức, ngài vẫn dậy sớm để giải tội, không nản lòng, ngài săn sóc những người bất hạnh, phân phát áo mặc bánh ăn cho họ, thăm viếng các bệnh nhân. Mỗi ngày để nhắc lại tình yêu của Chúa Kitô, ngài rửa chân cho 12 người nghèo. Đối với những người về quê lập nghiệp, ngài gửi đồ trợ giúp họ, ngài nhân hậu đồng đều đối với những người giàu có, những người cũng gặp khó khăn và cố gắng làm cho họ sống bác ái vị tha hơn. Thư từ còn làm cho ảnh hưởng của ngài lan rộng hơn.
Sau bao nhiêu nhọc mệt và phục vụ, Phêrô trở nên già nua, Đức Thánh Cha cho phép ngài trở lại với nếp sống nhà dòng, ngài đã muốn căn phòng xấu nhất, ăn thứ bành dành cho heo, hành hạ mình bằng dây lưng sắt, tìm đền bù cho các tội nhân và thánh hoá mình hơn nữa. Ngài nói:
- Một chiến sĩ của Chúa Kitô phải biết mình có thể tiến đến đâu trên đường nhân đức.
Phêrô Đamianô đã định ngày thứ sáu phải được thánh hiến bằng chay tịnh và thống hối, để kính nhớ Chúa Giêsu đã chịu chết trên thánh giá, và ngày thứ bảy kính Đức Mẹ, Đấng mà ngài đã soạn một bản kinh Nhật tụng để chúc khen.
Tuy đã cao niên, nhưng khi Đức Thánh Cha xin ngài làm đại diện cho mình tại Pháp. Thánh nhân lên đường ngay. Ngài viếng thăm nhiều địa phận, dẹp tan nhiều cuộc cãi vã, đi tới tận nước Đức, hoà giải nhà vua với vợ mình là hoàng hậu Berthe, mẹ vua xin được ngài hướng dẫn. Rồi ngài tiêu diệt các bè rối tại Florence và mang an bình lại cho Ravenna. Phêrô Đamianô lên cơn sốt ở Faenza. Tu viện Nữ Vương các thánh thiên thần tiếp đón ngài.
Ngài qua đời năm 1072 đang khi xin các tu sĩ vây quanh mình đọc kinh nhật tụng. Chính ngài đã trước tác mộ bia của mình như sau: “Mọi cái hôm nay đều phải qua đi để cho điều tồn tại mãi mãi tới gần. Hãy mộ mến những sự trên trời hơn những sự dưới đất, mộ mến điều tồn tại hơn cái rữa tàn. Ước gì tinh thần bạn đạt tới những đỉnh cao, tới được những nơi phát ra sự sống bạn”. 
Trích trong Theo Vết Chân Người (Chân dung các thánh nhân)
(theo emty.org)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét