Trang

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

10-01-2014 : THỨ SÁU SAU LỄ HIỂN LINH

10/01/2014
Thứ Sáu Sau Lễ Hiển Linh


Bài Ðọc I: 1 Ga 5, 5-6. 8-13 (Hl 5-13)
"Thánh Thần, nước và máu".
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, ai là người chiến thắng thế gian, nếu không phải là người tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa? Ðấng đã đến nhờ nước và máu, chính là Ðức Giêsu Kitô, không phải trong nước mà thôi, nhưng trong nước và máu nữa. Có Thánh Thần làm chứng rằng Chúa Kitô là chân lý. Và trên mặt đất có ba nhân chứng: Thánh Thần, nước và máu, cả ba chỉ là một. Nếu chứng của người đời mà chúng ta còn nhận lấy, thì chứng của Thiên Chúa còn mạnh hơn. Vì đó là chứng của Thiên Chúa, chứng mạnh hơn là Người đã làm chứng về Con Mình.
Ai tin kính Con Thiên Chúa, thì có chứng của Thiên Chúa nơi mình. Còn ai không tin Thiên Chúa, thì cho Người là gian dối, vì kẻ ấy không tin nơi chứng mà Thiên Chúa đã làm chứng về Con Mình. Và chứng đó là thế này: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời, và sự sống đó ở trong Con của Người. Ai có Chúa Con, thì có sự sống; còn ai không có Chúa Con, thì cũng không có sự sống. Ta viết các điều này cho các con, để các con biết rằng các con là những người tin vào danh Con Thiên Chúa, các con có sự sống đời đời.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 147, 12-13. 14-15. 19-20
Ðáp: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa (c. 12a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa! Hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion! Vì Người đã giữ chặt các then cửa thành ngươi; Người đã chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội. - Ðáp.
2) Người sắp đặt bờ cõi ngươi trong thanh bình, cho ngươi hưởng no nê những tinh hoa lúa miến. Người đã sai Lời Người xuống cõi trần ai, và Lời Người lanh chai chạy rảo. - Ðáp.
3) Người đã loan truyền Lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế; Người đã không công bố cho họ các huấn lệnh của Người. - Ðáp.

Alleluia: 1 Tm 3,36
Alleluia, alleluia. - Lạy Chúa Kitô, Ðấng được rao giảng cho lương dân, vinh danh Chúa! Lạy Chúa Kitô, Ðấng được tin kính ở thế gian, vinh danh Chúa! - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 5, 12-16
"Lập tức người ấy khỏi phong hủi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Xảy ra khi Chúa Giêsu đang ở trong một thành kia, thì có một người mình đầy phong hủi, thấy Chúa Giêsu, liền sấp mặt xuống đất, van xin Ngài rằng: "Lạy Thầy, nếu Thầy muốn, Thầy có thể cho tôi được sạch". Người giơ tay chạm đến người ấy và nói: "Ta muốn, hãy nên trơn sạch". Lập tức, người ấy khỏi phong hủi. Người ra lệnh cho người ấy không được nói với ai, nhưng: "Hãy đi trình diện với tư tế, và hãy dâng lễ vật như luật Môsê đã dạy, để làm chứng cho người ta biết ngươi được sạch". Nhưng tiếng đồn về Người cứ lan rộng, và dân chúng đông đảo kéo nhau đến để nghe Người và được chữa lành bệnh tật. Còn Người, thì lánh vào nơi hoang vắng và cầu nguyện.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Thứ Sáu sau Chúa nhật Lễ Chúa hiển linh
Lc 5,12-16
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,
Chúa là tình yêu. Chúa đã mang tình yêu đến để chữa lành những thương đau, tật nguyền cho nhân thế. Tình yêu Chúa đã hồi phục nhân phẩm, địa vị của những con người bất hạnh, hèn kém do đói khổ, tật nguyền. Chúng con xin dâng lên Chúa tâm hồn và thân xác chúng con. Xin Chúa thương gìn giữ hồn xác chúng con mãi vẹn tuyền.
Lạy Chúa Giê-su mến yêu, ở đời thường "có bệnh vái tứ phương". Kẻ có bệnh thường hoang mang lo lắng và mong cho tìm gặp thầy gặp thuốc. Chúng con xin dâng lên Chúa những ai đang đau khổ vì bệnh tật, những ai đang thất vọng vì cơn bệnh kéo dài. Xin tình yêu Chúa chạm đến thân xác họ và ban bình an cho hết thảy những ai đang mang gánh nặng nề của bệnh tật. Xin Chúa là Ðấng đến để phục hồi những gì đã hư mất, xin phục hồi sức khỏe cho các bệnh nhận. Xin thương cho mọi người tìm được niềm an vui nơi lòng thương xót của Chúa.
Lạy Chúa, những người bệnh năm xưa đã vui mừng khi được Chúa xót thương chữa lành, họ đã hết lòng ca ngợi Chúa. Xin cho chúng con biết ca ngợi Chúa mỗi ngày khi nhận ra ân huệ sự sống là quà tặng vô song mà Chúa đã tặng ban cho chúng con. Amen.

(Veritas Asia)

Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu sau Lễ Hiển Linh
Bài đọc: I Jn 5:5-13; Lk 5:12-16.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Làm chứng nhân cho Đức Kitô.
Để có thể tin một điều là sự thật, con người cần: chính mắt nhìn thấy, hay cảm thấy hậu quả của nó, hay dựa vào lời của các nhân chứng. Nhiều người nghĩ rằng chỉ khi nào họ thấy tận mắt, họ mới tin; như Tông-đồ Thomas khi được các Tông-đồ thuật lại việc Chúa hiện ra. Chúa Giêsu nói với Thomas: thấy và tin là chuyện thường, nhưng phúc cho những ai không thấy mà tin. Đàng khác, có những cái dù không thấy, nhưng phải tin vì hậu quả của nó: gió, điện, sự sống. Đa số những trường hợp chúng ta tin là qua các nhân chứng; nhất là sau khi được phối kiểm bởi 2 hoặc 3 nhân chứng có thế giá.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung vào việc con người phải tin Đức Kitô đến từ Thiên Chúa qua các bằng chứng. Trong Bài Đọc I, Thánh Gioan đưa ra 3 nhân chứng cho Đức Kitô: Thánh Thần, nước, và máu. Nếu ai, sau khi đã được làm chứng, mà vẫn không chịu tin Đức Kitô, người ấy biến Thiên Chúa thành kẻ nói dối. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu, sau khi chữa người phong cùi, sai anh đi trình diện các tư tế và dâng của lễ đền tội, để làm chứng mình đã hòan tòan sạch. Điều này cũng là bằng chứng Đức Kitô đã chữa lành cho anh, vì Ngài có sức mạnh của Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thánh Thần, nước, và máu; cả ba cùng làm chứng một điều.
1.1/ Ba chứng nhân của Đức Kitô: “Chính Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu; không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu. Chính Thánh Thần là chứng nhân, và Thánh Thần là sự thật. Có ba chứng nhân: Thánh Thần, nước và máu. Cả ba cùng làm chứng một điều.” Để hiểu đọan văn này, chúng ta cần đọc lại Phúc Âm Gioan, và hòan cảnh lịch sử thời đại của Ngài. Đọan văn trong Phúc Âm nói về “nước và máu” như sau: “Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, “máu cùng nước” chảy ra. Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin” (Jn 19:34-35). Nước và Máu là 2 biến cố quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu: Nước khi Ngài chịu Phép Rửa bởi Gioan trong giòng sông Jordan. Máu khi Ngài chịu chết trên Đồi Golgotha.
Sở dĩ Gioan nhấn mạnh đến “nước  máu” là vì có bè rối “Thuần Tri Thức.” Cerinthus, người đại diện cho bè rối này, tin Chúa Kitô đến bằng “nước,” khi Ngài chịu Phép Rửa. Thánh Thần hiện xuống và ở lại trong Đức Kitô, và làm cho Ngài trở thành Con Thiên Chúa. Họ không chấp nhận “máu,” vì họ không tin Thiên Chúa phải chịu đau khổ. Họ giải thích: trên Đồi Golgotha, Thánh Thần xuất khỏi Đức Kitô và về trời. Có người còn cho người chịu đóng đinh là ông Simon, chứ không phải là Đức Kitô. Thánh Gioan muốn chống lại bè rối này bằng cách nhấn mạnh đến cả 3 nhân chứng đều cần thiết để tin vào Đức Kitô là Đấng Thiên Chúa sai đến để chuộc tội cho nhân lọai.
(1) Thánh Thần: hiện xuống và xức dầu cho Đức Kitô khi Ngài chịu Phép Rửa (Mk 1:9-11, Mt 3:16-17, Lk 3:21, Jn 1:32-34, Acts 10:38). Phép Rửa này hòan tòan khác với Phép Rửa của Gioan (Mk 1:8, Mt 3:11, Lk 3:16, Acts 1:5, 2:33). Thánh Thần hiện xuống với các Tông-đồ trong Ngày Lễ Ngũ Tuần (Acts 2:4), và trong đời sống của Giáo-Hội (Acts 8:17, 10:14).
(2) Nước: Tại biến cố Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, Gioan Tẩy Giả làm chứng cho Đức Kitô: "Tôi đã thấy Thánh Thần tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: "Ngươi thấy Thánh Thần xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần." Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn" (Jn 1:32-34).
(3) Máu: Theo truyền thống Do-Thái, máu súc vật phải đổ ra để làm lễ hy sinh đền tội cho con người. Đức Kitô là Chiên Thiên Chúa đến xóa tội trần gian bằng lễ tế hy sinh của Ngài trên Thập Giá. Ngài thiết lập Bí-tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly, và Giáo Hội chúng ta hằng ngày cử hành Thánh Lễ để liên tục tái diễn Hy Lễ của Đức Kitô trên Thập Giá để xóa tội cho con người.
1.2/ Chúng ta phải tin lời của các chứng nhân: Đức Kitô đến từ Thiên Chúa.
(1) Lời chứng của Thiên Chúa cao trọng hơn lời chứng của người phàm: Luật dạy khi có 2 hoặc 3 nhân chứng, lời chứng đó là sự thật. Đức Kitô có rất nhiều nhân chứng: Gioan Tẩy Giả, các phép lạ Ngài làm, Kinh Thánh, các Tông-đồ …, nhưng lời chứng của Chúa Cha qua tiếng vọng từ trời “Đây là Con Ta yêu dấu,” và lời chứng của Thánh Thần qua hình ảnh chim bồ câu đậu lại trên Đức Kitô, là những lời chứng có thế giá hơn cả. Con người phải nhận những lời chứng này và tin vào Đức Kitô; vì “Ai không tin Đức Kitô, thì coi Thiên Chúa là kẻ nói dối, vì kẻ ấy không tin vào lời Thiên Chúa đã làm chứng về Con của Người.”
(2) Tin vào Đức Kitô mới có sự sống đời đời: “Lời chứng đó là thế này: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời, và sự sống ấy ở trong Con của Người. Ai có Chúa Con thì có sự sống; ai không có Con Thiên Chúa thì không có sự sống.”
2/ Phúc Âm: Làm chứng cho người ta biết mình đã được sạch.
2.1/ Chúa Giêsu chữa người phong cùi được sạch:
(1) Thái độ của người phong cùi: Trước hết, thái độ khiêm nhường của anh được biểu tỏ bằng cách anh sấp mặt trước mặt Ngài. Thứ đến, sự tin tưởng của anh nơi Chúa Giêsu được bày tỏ trong câu xin “Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Sau cùng, lời cầu xin của anh rất đẹp lòng Thiên Chúa: "Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch." Nếu Thiên Chúa muốn, chứ không phải chỉ riêng con người muốn mà thôi; vì có rất nhiều điều con người muốn, nhưng không đẹp lòng Thiên Chúa.
(2) Thái độ yêu thương trìu mến của Đức Kitô: Chúng ta biết luật lệ của Do-Thái rất nghiêm nhặt với người cùi: họ phải ở trong trại xa cách với mọi người, và phải tránh tiếp xúc với mọi người bằng cách la to câu “Không sạch! Không sạch!” mỗi khi có người đi ngang qua, để họ khỏi trở nên không sạch. Nhưng Đức Giêsu giơ tay đụng vào anh ta và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi." Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh.
2.2/ Hai điều Chúa truyền cho người được chữa lành:
(1) Đừng nói với ai: Chúa làm phép lạ vì lòng thương dân, và để họ tin vào Ngài để được sự sống đời đời, chứ không phải để nổi tiếng. Đó là lý do tại sao Ngài ngăn cản anh “Đừng nói với ai!” Nhưng tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng; đám đông lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh. Phần Chúa Giêsu, Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện.
(2) Để làm chứng cho người ta biết, hãy đi trình diện với các tư tế và hãy dâng của lễ như Luật dạy. Để chứng tỏ mình đã khỏi bệnh, người phong cùi phải đi trình diện các tư tế để chịu khám xét. Nếu quả thực đã lành, các tư tế sẽ chứng nhận cho về sống với mọi người. Ngòai ra, người đó còn phải dâng của lễ như được mô tả chi tiết trong (Lev 14).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta tin Đức Kitô đến từ Thiên Chúa, không phải chúng ta đã thấy Ngài, nhưng dựa vào lời của nhiều nhân chứng.
- Hai nhân chứng có thế giá nhất là Kinh Thánh chúng ta đọc từ bên ngòai và Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta từ bên trong. Ngòai ra, còn có nhiều các chứng nhân khác nữa như: lời chứng của các Tông-đồ, gương chứng nhân của các thánh Tử-đạo, đời sống tốt lành của các thánh và của những người sống chung quanh chúng ta.
- Sau khi đã tin Đức Kitô, chúng ta cũng phải làm chứng cho Ngài bằng việc rao giảng và cuộc sống chứng nhân, để người khác cũng nhận ra và tin vào Đức Kitô.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


HẠT GIỐNG NẢY MẦM

Lc 5,12-16
A. Hạt giống...
Chúa Giêsu tiếp tục hoạt động cứu độ, Ngài chữa một người bị phong cùi.
- Việc chữa người phong cùi làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia về Đấng Messia, chứng minh Chúa Giêsu chính là Đấng Messia.
- Thái độ của người cùi chứng tỏ người này tin Ngài là Messia : anh “sấp mặt xuống” kêu xin ; anh nói “Nếu ngài muốn, ngài có thể làm cho tôi được sạch” (thời đó, phong cùi được coi là chứng nan y vô phương chữa trị).
- Thái độ của Chúa Giêsu biểu lộ một sự ưu ái đặc biệt : “Ngài giơ tay đụng vào anh” (không ai khác dám đụng người cùi, vì sợ lây bệnh và lây sự ô uế).
- Lời Ngài bảo anh đi trình diện tư tế và dâng của lễ chứng tỏ Chúa Giêsu tôn trọng luật lệ đạo do thái.

B.... nẩy mầm.
1. Chúa Giêsu không chỉ chữa bệnh cho người bị phong cùi, mà còn đưa tay đụng anh, chứng tỏ Ngài không ghê tởm anh ; Ngài còn dạy anh đi trình diện với tư tế để được công nhận hết bệnh và nhờ đó được hội nhập vào xã hội. Như thế, người phong cùi này vừa được chữa bệnh, vừa được phục hồi nhân phẩm. Nói cách khác, Chúa Giêsu vừa chữa anh khỏi bệnh tật phần xác vừa chữa anh khỏi bệnh tật tâm hồn. Sự quan tâm của ta với những người nghèo khổ có được toàn diện như thế chưa ?
2. Cái nghèo cũng là một thứ “tội đầu”, vì nghèo nên khổ, vì nghèo khổ nên bị coi khinh và xua đuổi
3. Nạn đói xảy ra trong vùng. Một người ăn xin bên góc đường bước đến bên đại văn hào Nga, Tolstoy, đang đi ngang qua đó. Tolstoy dừng lại, lấy tiền cho nhưng không tìm được đồng nào. Ông nói với sự nuối tiếc : “ Này người anh em, đừng giận tôi. Tôi chẳng đem theo gì”.
Mặt người ăn xin sáng lên và nói : “Ông gọi tôi là anh em, đó đã là món quà rất lớn rồi !” (Góp nhặt).
Việc giúp đỡ người nghèo khổ chưa chắc có giá trị bằng thái độ tôn trọng của ta đối với họ.
4. “Đức Giêsu giơ tay chạm đến anh ta và bảo “Tôi muốn, tôi cho anh được khỏi bệnh”. Ngay tức khắc, chứng phong hủi biến đi” (Lc 5,13)
Tôi có người bạn học sắp theo ngành cảnh sát. Trước khi nhập học, bạn đã hỏi cha mình “Con có nên nhập bọn với nhóm tội phạm, để một ngày nào đó phá tan băng nhóm ấy không ?” Cha bạn trả lời “Áo dơ muốn sạch thì phải chịu khó nhúng tay vào”.
Người mắc bệnh phong, vì muốn được khỏi bệnh nên đã tìm đến với Đức Giêsu. Chúa cũng muốn anh được chữa lành nên đã chạm đến anh.
Chúa cũng đã chạm đến tôi nhiều lần : khi tôi rước lễ, khi tôi cầu nguyện, đọc sách thánh… nhưng dường như chẳng có gì thay đổi nơi tôi cả ! Phải chăng vì tôi chưa thực sự tin tưởng vào Chúa và thực tâm muốn được chữa lành ?
Lạy Chúa, xin cho con khao khát được canh tân và ước muốn được chữa lành, để con luôn bước đến với Chúa và được hoàn toàn đổi mới. (Epphata)
L. Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cân Thơ

10/01/14 THỨ SÁU SAU LỄ HIỂN LINH
Lc 5,12-16

ĐƯỢC CHÚA CHẠM ĐẾN
Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn anh được sạch.” (Lc 16,13)
Suy niệm: Vào thời chưa có thuốc ngừa và thuốc chữa bệnh phong, căn bệnh truyền nhiễm quái ác này quả thật là đáng sợ. Ai mắc phải căn bệnh này kể như đã tàn đời. Thân xác thì lở loét đau đớn, tinh thần thì bị cô đơn không ai dám tiếp xúc với mình. Nếu như mọi người đều tìm cách xa lánh, tránh tiếp xúc với người phong, thì ngược lạiĐức Giêsu giơ tay đụng vào người bệnh. Làm như vậy, Đức Giêsu thể hiện sự liên đới với người bệnh, chữa cho anh lành sạch và phục hồi cho anh quyền sống trong tương quan với người khác, với đầy đủ phẩm giá là một người và là thành viên trọn vẹn trong cộng đồng nhân loại.
Mời Bạn: Trong mầu nhiệm Hiển Linh, Chúa tỏ mình ra cho chúng ta; điều đó có nghĩa là Ngài không phải là một Thiên Chúa ở xa cách con người mà là Emmanuen, là“Thiên Chúa ở cùng chúng ta”,  Đấng mà chúng ta có-thể-đụng-chạm-đến để được chữa lành. Phương thế để Chúa chạm đến chính là các bí tích mà cửa ngõ đầu tiên mở sẵn cho chúng ta là Bí tích Rửa Tội. Chúng ta trở thành người phong trước mặt Thiên Chúa khi chúng ta tìm cách xa lánh Ngài. Chúng ta cần để cho Chúa chạm đến để được chữa lành. Bạn còn ngần ngại chi mà chưa đến với Ngài?
Sống Lời Chúa: Thường xuyên lãnh nhận các bí tích nhất là Thánh Thể và Hoà Giải để luôn được Chúa chữa lành.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn đồng hành với con trên đường đời, nhưng nhiều lúc con chỉ thấy mình cô đơn và đau khổ như người mắc bệnh phong. Xin cho con biết để Chúa đụng chạm vào cuộc đời con và xin Chúa chữa lành con.

SUY NIỆM

NGHỊCH LÝ CUỘC ĐỜI

Đọc và suy niệm đoạn tin mừng này tôi thấy buồn cười, thấy tiếc và không hiểu tại sao người dân được nói đến trong đoạn tin mừng lại mời Chúa Giêsu ra khỏi vùng đất của họ. Thật không ngờ, Chúa Giêsu đến giải thoát họ khỏi sự sợ hãi nguy hiểm, họ lại mời Ngài đi ra khỏi chỗ của họ. Chúa Giêsu đem đến cho họ niềm vui và bình an, họ lại không đón nhận. Chúa Giêsu đến giúp họ, mang cho họ sự trong sạch, vậy mà họ không chấp nhận.

Điều gì làm cho họ đóng kín như thế?
- Phải chăng họ bị thiệt thòi về vật chất vì mất một đàn heo.
- Phải chăng họ sợ Chúa Giêsu trở nên người có uy tín, có ảnh hưởng và trở thành người lãnh đạo vượt trội hơn họ.

Ôi, quả thật là nghịch lý cuộc đời!

Quả thật, con người chúng ta rất thường hay sợ mất mát, sợ thay đổi. Chúng ta cứ khư khư nắm giữ những gì mình đang có, mà không hề nghĩ đến những mối nguy về sau, những bất lợi cho cuộc sống, nhất là cuộc sống tinh thần. Vì thế, tính hư, tật xấu chúng ta cứ mù quáng không chịu nhận ra, tự ái và lòng kiêu ngạo không cho phép ta sửa sai nhận lỗi.

Tôi cười họ, tôi tiếc cho họ và không hiểu tại sao họ lại như vậy, nhưng khi nhìn lại mình, nhiều lúc tôi cũng giống như họ.

Tôi cũng không đón nhận Chúa khi tôi không thực hiện Lời Chúa vì Chúa muốn tôi phải hy sinh, phải thiệt thòi và mất mát.

Tôi cũng từ chối Chúa khi tôi không nghe Lời Chúa bỏ đi những hẹp hòi ích kỷ để sống tha thứ, bác ái, yêu thương.

Tôi cũng mời Chúa ra khỏi cuộc đời tôi khi tôi làm theo ý mình chứ không theo ý Chúa, nhất là khi tôi chiều theo những đam mê xấu và sống trong tội lỗi.

Lạy Chúa, trong cuộc sống mỗi ngày, xin ban cho con ơn Chúa để con vượt thắng những cám dỗ xấu và tội lỗi. Xin mở mắt mở lòng để con sáng suốt nhận ra đâu là lợi ích vĩnh cửu, đâu là chân lý để chúng con mở rộng đôi tay đón nhận Chúa vào lòng và tin tưởng phó thác cho dù phải hi sinh mất mát nhất thời. Xin cho con biết chọn Chúa, xin cho con biết mời Chúa đến ngự trị trong đời sống và trong tâm hồn của con. Amen.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
10 THÁNG GIÊNG
Ánh Sáng Cho Các Dân Tộc
Lời Chúa giới thiệu cho chúng ta hình ảnh Đức Giê-su Na-da-rét như là “người tôi tớ của Thiên Chúa” đã được báo trước trong Sách Ngôn sứ Isaia, như là người được Thiên Chúa tuyển chọn và hài lòng. Trong tư cách là người tôi tớ của Thiên Chúa, Đức Giêsu đã chu toàn sứ mạng của Người với sự dấn thân trọn vẹn cho Thánh Ý Thiên Chúa; và Người nêu mẫu gương khiêm nhường trong quan hệ với mọi người. Như vậy, Thiên Chúa đã đặt Người “như một giao ước với con người”, “như một ánh sáng cho các dân tộc”, để đem lại ánh sáng cho người mù và trả lại tự do cho các tù nhân.
Người tôi tớ kỳ diệu ấy của Thiên Chúa là Đức Kitô, Đấng đã đến để đem ơn cứu độ cho nhân loại – như được mạc khải trong nước của phép Rửa. Trong Tin Mừng của Luca, Đức Giêsu được Gio-an làm phép Rửa. Bấy giờ trời mở ra, và Chúa Thánh Thần hiện xuống trên Đức Kitô trong hình một chim bồ câu. Rồi tiếng Chúa Cha phán: “Đây là Con Yêu Dấu của Ta; Ta hài lòng về Người.” (Mt 3, 17).
Giờ đây sấm ngôn xưa đã được ứng nghiệm. Thiên Chúa vui thỏa đối với tôi tớ của Ngài; Cha hài lòng về Con đời đời của mình. Bởi người Con ấy đã đảm nhận bản tính nhân loại. Với lòng khiêm nhường sâu thẳm, Người đã xin Gio-an làm phép rửa cho Người trong nước. Tuy nhiên, Gio-an Tẩy Giả chỉ là một vị tiền hô của Đức Kitô, và phép rửa của Gio-an trong nước chỉ là một chuẩn bị cho cuộc xuất hiện của Đấng Mêsia – một chuẩn bị để đón nhận ân sủng. Đức Giêsu, người tôi tớ khiêm nhường của Thiên Chúa, mới là người mang ân sủng đến và làm phép Rửa bằng Thánh Thần và bằng lửa.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 10-01
1Ga 5, 5-13; Lc 5, 12-16.

LỜI SUY NIỆM: Tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng; đám đông lũ lượt tuôn đến để nghe Người, và để được chữa bệnh. Nhưng Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện”
Cầu nguyện đối với Chúa Giêsu là một sự rất cần thiết cho đời sống sứ vụ của Ngài, trong mọi lúc và mọi nơi, trước mỗi công việc lớn nhỏ cho Ngài hay cho con người, Ngài đều cầu nguyện, cũng như sau khi hoàn thành công việc Ngài cũng cầu nguyện. Hạnh phúc của người Kitô hữu là được cầu nguyện với Chúa, chỉ trong cầu nguyện với Chúa, chúng ta mới thổ lộ tâm tình chân thật nhất và đón nhận được sự an bình cho tâm hồn.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành viên trong gia dình chúng con, luôn biết cầu nguyện trước mọi công việc chúng làm, và tạ ơn Chúa sau khi đã hoàn thành công việc.
Mạnh Phương


10 Tháng Giêng
Hạt Giống Của Hy Vọng
Văn hào Shakespeare của nước Anh đã nói rằng: liều thuốc duy nhất còn lại cho những người khốn khổ chính là niềm Hy Vọng. Bao lâu còn hy vọng, bấy lâu con người muốn tiếp tục sống.
Những người Mỹ tại một thành phố nọ thường truyền tụng cho nhau nghe câu chuyện nuôi niềm hy vọng của một gia đình nọ như sau: Có một đôi vợ chồng nọ vừa yêu người cũng lại vừa yêu thiên nhiên. Ngoài năm đứa con ruột thịt ra, họ còn nhận thêm năm đứa con nuôi. Niềm vui chung của mọi người trong nhà là được săn sóc vườn hoa và những thứ cây cảnh trong nhà. Người vợ tưởng chừng như không biết thế nào là đau khổ. Nhưng cả bầu trời như sụp xuống, vườn hoa trở thành hoang tàn, khi người chồng ngộ nạn, qua đời. Kể từ đó, người đàn bà không còn muốn ra khỏi nhà nữa. Thiếu bàn tay săn sóc của bà, ngôi vườn cũng mỗi lúc một tàn lụi.
Mùa đông đến càng làm cho ngày tháng càng thêm ảm đạm hơn. Thế nhưng, một bữa sáng nọ, người đàn bà bỗng nghe tiếng cười nói và cào xới trong ngôi vườn. Kéo tấm màn cửa sổ phòng ngủ lên, bà thấy các con của bà đang hì hục xới đất. Trước sự ngạc nhiên của bà, người con cả trong gia đình chỉ mỉm cười đáp: "Má sẽ biết khi mùa xuân đến". Và nguyên một mùa đông, ngày nào các con của bà cũng ra vườn để xới đất.
Thế rồi khi mùa xuân đến, bao nhiêu hoa đẹp đều nở rộ trong vườn. Những hạt giống mà những người con đã âm thầm gieo vãi trong mùa đông nay thức giấc bừng dậy làm cho ngôi vườn trở thành tươi mát, sặc sỡ.
Cùng với hạt giống của các thứ hoa, những người con đã gieo vào lòng người mẹ một thứ hạt giống khác: đó là hạt giống của Hy Vọng. Chính niềm hy vọng đó đã đem người đàn bà trở lại cuộc sống và đánh tan mọi buồn phiền trong tâm hồn bà.
Câu chuyện trên đây có lẽ cũng chính là bức tranh của không biết bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống hiện tại của chúng ta. Có những ngày tháng, mọi sự xem chừng như vô vọng. Có những lúc mây mù của khổ đau bao phủ kín khiến chúng ta không còn thấy đâu là lối thoát. Chính trong những lúc đó, chúng ta hãy nhớ đến hạt giống của niềm Hy Vọng. Thánh Phaolô đã viết trong thư gửi cho các tín hữu Rôma như sau: "Chính trong niềm Hy Vọng mà chúng ta được cứu thoát. Chính trong niềm Hy Vọng đó, chúng hãy nhìn thấy Sức Sống đang chờ đợi chúng ta. Chính trong niềm Hy Vọng đó, chúng ta hãy nhìn thấy những hoa trái của những hạt giống mà chúng ta đã vất vả gieo vãi.
Một người Hòa Lan và một người Mỹ bàn về ý nghĩa của hai lá cờ quốc gia. Người hòa Lan phát biểu một cách mỉa mai như sau: lá cờ của chúng tôi có ba màu: đỏ, trắng, xanh. Chúng tôi tức giận đỏ cả người lên, mỗi khi chúng tôi bàn đến thuế má. Chúng tôi run sợ đến trắng bệch cả người mỗi khi chúng tôi nhận được giấy thuế má. Và chúng tôi xanh như tàu lá sau khi đã trả hết các thứ thuế. Người Mỹ cũng nói lên một cảm tưởng tương tự mỗi khi nhận được các thứ giấy đòi nợ, nhưng lại bảo rằng: bù lại, chúng tôi chỉ thấy toàn các thứ sao.
Sao trên bầu trời là biểu hiện của chính niềm Hy Vọng. Bên kia những vất vả thử thách, bên kia những mất mát, bên kia những thất bại khổ đau, phải chăng người Kitô chúng ta không được mời gọi để thấy được các ngôi sao của niềm Hy Vọng.
(Lẽ Sống)

Thứ Sáu 10-1
Thánh William ở Bourges

(c. 1209)
T
hánh William xuất thân từ một gia đình giầu có ở Nevers nước Pháp. Ngay khi còn nhỏ, ngài không uổng phí thời giờ để chơi đùa hay mơ mộng. Ngài dùng thời giờ để cầu nguyện. Khi gia nhập dòng Xitô, ngài đã cố gắng để trở nên một đan sĩ tốt lành. Các đan sĩ khác rất ngưỡng mộ ngài mặc dù ngài không có ý định đó.
Thánh William đặc biệt sùng kính Ðức Giêsu trong Thánh Thể. Ngài hãm mình thật khắc khổ nhưng luôn luôn tỏ ra vui vẻ. Khi được chọn làm đan viện trưởng, ngài rất khiêm tốn. Khi đức tổng giám mục của Bourges từ trần, ngài được chọn để thay thế. Tuy cảm kích được phong chức giám mục nhưng ngài không vui vì sự lưu ý của người đời. Ngài tiếp tục sống khiêm tốn và ăn năn đền tội để cải hóa các tội nhân. Ngoài công việc bình thường của một giám mục là thăm viếng các giáo xứ, ngài còn đến thăm người nghèo và các bệnh nhân để đem Ðức Kitô đến cho họ.
Ðức William từ trần ngày 10 tháng Giêng 1209. Ngài được chôn trong vương cung thánh đường ở Bourges. Sau đó các phép lạ bắt đầu xảy ra cho những ai cầu nguyện ở mộ của ngài. Vào năm 1218, Ðức Giáo Hoàng Honorius III đã phong thánh cho ngài.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét