Trang

Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

05-03-2014 : THỨ TƯ LỄ TRO

Thứ Tư Mùa Chay Năm A
Lễ Tro

BÀI ĐỌC I: Ge 2, 12-18
"Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo các ngươi".
Trích sách Tiên tri Giôel.
Bấy giờ Chúa phán: Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van. Hãy xé tâm hồn, chớ đừng xé áo các ngươi. Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa các ngươi, vì Người nhân lành và từ bi, nhẫn nại, giầu lòng thương xót và biết hối tiếc về tai hoạ. Biết đâu Người sẽ trở lại, sẽ hối tiếc và sẽ ban lại phần phúc để có của lễ hiến tế dâng lên Chúa là Thiên Chúa các ngươi?
Hãy thổi kèn lên khắp Sion, hãy ra lệnh ăn chay, triệu tập một đại lễ, quy tụ dân chúng, ra lệnh mở đại hội, tập họp các bô lão, quy tụ các thiếu nhi và các trẻ còn măng sữa. Tân lang hãy ra khỏi nhà, và tân nương hãy ra khỏi phòng. Các tư tế là những kẻ phụng sự Chúa, hãy đứng giữa cửa chính và bàn thờ mà than khóc và kêu lên rằng: Lạy Chúa, xin thương xót dân Chúa, xin đừng để cho cơ nghiệp Chúa phải hổ thẹn, đừng để các dân tộc thống trị nó. Tại sao thiên hạ dám nói rằng: "Chúa của chúng ở đâu?" Chúa đã nhiệt thành với xứ sở Người và đã tha thứ cho dân Người. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 50, 3-4. 5-6a. 12-13. 14 và 17
Đáp: Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa (x. c. 3a).
1) Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác. - Đáp.
2)  Vì sự lỗi con, chính con đã biết, và tội con ở trước mặt con luôn; con phạm tội phản nghịch cùng một Chúa. - Đáp.
3)  Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con. - Đáp.
4)  Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ, với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Lạy Chúa, xin mở môi con, để miệng con sẽ loan truyền lời ca khen. - Đáp.
BÀI ĐỌC II: 2 Cr 5, 20 - 6, 2
"Hãy làm hoà cùng Chúa đi... Bây giờ là cơ hội thuận tiện".
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.
Anh em thân mến, chúng tôi đây là sứ giả của Đức Kitô, chính Thiên Chúa nhờ chúng tôi mà khích lệ anh em. Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi năn nỉ anh em hãy làm hoà cùng Thiên Chúa. Đấng không hề biết đến tội lỗi thì Thiên Chúa đã làm Người thành thân tội vì chúng ta, để trong Người, chúng ta được trở nên sự công chính của Thiên Chúa.
Với tư cách là những cộng sự viên của Người, chúng tôi khuyên anh em đừng nhận lấy ơn của Thiên Chúa một cách vô hiệu. Quả thật Chúa phán: "Dịp thuận tiện đến rồi, Ta đã nhậm lời ngươi, vào ngày giải thoát, Ta đã cứu vớt ngươi". Bây giờ là cơ hội thuận tiện, giờ đây là ngày cứu thoát. Đó là lời Chúa.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: Tv 50, 12a và 14
Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch. Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ.
PHÚC ÂM: Mt 6, 1-6. 16-18
"Cha ngươi, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không các con mất công phúc nơi Cha các con là Đấng ở trên trời. Vậy khi các con bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Các con có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.
"Rồi khi các con cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy. Quả thật, Ta bảo các con rằng: họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.
"Khi các con ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết con ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con".  Đó là lời Chúa.
LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN
Hôm nay bắt đầu Mùa Chay, mùa thanh luyện tâm hồn. Với tâm tình sám hối chân thành, chúng ta tha thiết cầu nguyện.
1. Hội Thánh gồm người lành kẻ dữ. Xin cho người lành biết hy sinh cầu nguyện cho kẻ tội lỗi ăn năn, để Hội Thánh được tinh tuyền thánh thiện, nên nguồn ơn cứu rỗi cho mọi người.
Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
2. Mùa Chay nhắc nhở con người mỏng dòn yếu đuối, nay còn mai mất, cần chết cho tội lỗi với Ðức Kitô, để cùng được sống lại vinh hiển với Người.
Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
3. Mùa Chay là mùa sám hối tội lỗi, cải thiện đời sống. Xin cho những người rối rắm, những kẻ tội lỗi hoặc đã lìa bỏ Chúa được sớm quay về với Chúa.
Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
4. Mùa chay là mùa gia tăng cầu nguyện, ăn chay, bố thí. Xin cho cộng đoàn chúng ta biết làm các việc lành đó vì lòng mến Chúa yêu người, để lập công đền tội.
Xướng: Chúng con cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con trong Mùa Chay gia tăng cầu nguyện, ăn chay bố thí, chết cho tội lỗi, để được sống lại với Chúa. Xin thương ban ơn giúp sức chúng con.


SUY NIỆM : Sám hối và Giao hòa
Lời Mở Ðầu
Sau những ngày vui đầy ánh sáng và âm nhạc của lễ Giáng sinh, chu kỳ phụng vụ dẫn ta vào mùa Chay để chuẩn bị cử hành long trọng mầu nhiệm Vượt qua, gồm cái chết trên Thập giá và cuộc Phục sinh vinh quang của Chúa Cứu thế. Mầu nhiệm ấy, chúng ta cử hành mỗi ngày trong thánh lễ. Nhưng 40 ngày mùa Chay và 7 ngày Tuần thánh là thời gian đặc biệt Giáo hội dùng để giúp ta suy niệm về những khía cạnh huyền nhiệm nhất của cuộc sống, như: thân phận yếu hèn và tội lỗi của con người, sự hoán cải nội tâm, đời sống đền tội, ý nghĩa của thử thách, thân phận nô lệ và giải phóng, giao ước tình yêu và phản bội, đau khổ và hy sinh, cuối cùng là cái chết và Phục sinh như là giải đáp cho vấn đề gây cấn nhất của đời người: sự chết và cái gì bên kia sự chết?
Bởi đó phụng vụ mùa Chay mang một sắc thái khắc khổ, bi thống, vì biểu lộ những thực tại cứng rắn, gai góc nhất của cuộc nhân sinh. Nhưng vì đã nắm chắc giải đáp của đức tin xây dựng trên biến cố Phục sinh, nên phụng vụ mùa Chay cũng chan chứa một niềm vui khải hoàn và chiếu giãi một cái nhìn lạc quan. Vì thế các bài suy niệm mùa Chay phải dựa theo chuyển động hai thì của đoạn thư thánh Phalô gửi giáo đoàn Philipphê (2,6-11) bàn về mầu nhiệm Chúa Kitô: đi xuống đáy sâu của khốn khổ và hư vô để từ đó vươn lên đỉnh cao của vinh quang và sức sống. Chiều hướng suy niệm khởi sự từ các tương quan giữa con người và Thiên Chúa theo cách trình bày của Thánh Kinh và cách sắp xếp của Phụng vụ, để từ đó rút tỉa ra những ánh sáng soi dẫn cho thái độ sống hôm nay của Giáo hội, từ linh mục cho đến giáo dân.
Cũng như các tập suy niệm mùa Vọng và lễ Giáng sinh, các tập suy niệm mùa Chay và lễ Phục sinh này nhằm gửi đến anh em linh mục trước tiên, và để cho mỗi người tùy nghi chia sẻ với cộng đoàn dân Chúa.
Các tập suy niệm mùa Chay và lễ Phục sinh năm nay sẽ gồm 10 chủ đề:
Lễ Tro: Sám hối và Giao hòa
Chúa nhật I: Chọn theo Chúa là đón nhận Giao ước
Chúa nhật II: Cái chết, con đường đưa tới sự sống
Chúa nhật III: Những đền thờ
Chúa nhật IV: Giờ của Chúa Yêsu
Lễ Lá: Chúa đến
Lễ Chúa lập phép Thánh Thể: Bữa tiệc giao ước
Khổ nạn: Tình yêu mạnh hơn cái chết
Phục sinh: Người đã sống lại vì ta


Thứ Tư Lễ Tro
Suy niệm:
Mùa Chay thánh mở đầu bằng lễ Tro, một biểu tượng mang đầy ý nghĩa. Các bài đọc sách thánh chu kỳ B (Yo 2,12-18; 2C 5,20-6,2; Mt 6,1-6.16-18), kêu gọi chúng ta hoán cải tâm hồn: trong tương quan nội tâm với Thiên Chúa và tương quan xã hội với loài người.

1. Nhưng Vì Sao Có Nghi Lễ Xức Tro?
Trong lúc phẩm giá con người được đề cao: con người đầy sức sáng tạo, con người làm chủ trái đất và vận mệnh mình... thì tại sao người ta lại bôi tro lên trán tôi và nói với tôi: "Hãy nhớ rằng: ngươi là bụi tro và sẽ trở về bụi tro" (Kn 3,19)?
Ðó chính là lời Thánh Kinh mà Giáo hội có phận sự công bố. Nhìn con người một cách toàn diện nơi nguồn gốc, trong bản chất sâu xa và tại điểm chung kết của nó, Thánh Kinh cho ta câu giải đáp về quá khứ, hiện tại và tương lai của ta. Những trang đầu sách Khởi nguyên cho ta biết con người bởi đâu mà ra. - Bởi lời sáng tạo - đầy quyền năng và yêu thương của Thiên Chúa, chứ không phải ngẫu nhiên mà có. Theo ngôn ngữ tượng trưng của Thánh Kinh, bụi đất Thiên Chúa dùng để nặn nên thân xác con người, biểu hiện cho thân phận yếu hèn, mỏng dòn và giới hạn của nhân loại. Con người xuất hiện giữa vũ trụ do một hồng ân: tôi không tự tạo ra tôi nhưng tôi đã được tạo thành. Sự sống cũng là một ân huệ tôi đón nhận để vun trồng, phát triển, để làm vinh danh Chúa tôi, và như thế tôi cũng dự phần vinh hạnh. Phẩm giá con người hệ tại chỗ: khi được dựng nên, nó cũng nhận được khả năng sáng tạo tiềm tàng trong mình nó. Và ý Chúa muốn rằng: ai nhận được vốn là phải sinh lợi, làm lợi cho xã hội loài người và cho Nước Trời. Chính khả năng sáng tạo, làm chủ và phục vụ trong tinh thần liên đới cộng đoàn như thế là hình ảnh Thiên Chúa trong ta, làm cho ta nên giống Người. Ta giống Chúa, nhưng không phải là Chúa, vì chỉ mình Người là Ðấng Toàn Năng, có quyền tuyệt đối trên sự sống, sự chết. Còn ta chỉ là thụ tạo và đời đời có giới hạn.
Nghi lễ xức tro nhắc ta nhớ lại chân lý ấy.

2. Tội, Ăn Năn Tội Và Ðền Tội
Mỗi người khi tự nguyện chịu xức tro, không những thú nhận mình lệ thuộc vào Thiên Chúa quyền năng và yêu thương, mà còn biểu thị tâm tình hoán cải, vì ý thức rằng mình đã phản bội, đã hèn nhát, đã phạm tội. Tội lỗi là một thực tế thuộc kinh nghiệm sống của mỗi người. Ai tự cho mình là vô tội là tự dối bản thân (1Yn 1,8) vì mỗi người đều đầy dẫy ích kỷ và ham muốn. Ðó là những tội phạm đến con người và phạm đến Thiên Chúa. Vì tội phát xuất tự lòng người, nên tiên tri Yôel kêu gọi chúng ta: "Hãy xé lòng, đừng xé áo" (2,13), hãy phản đối lại chính cái tà tâm trong ta bằng tâm tình sám hối, hoán cải, nghĩa là thay đổi kiểu nhìn, thay đổi tư tưởng và ước muốn bên trong và hành động bên ngoài, cho phù hợp với những đòi hỏi thánh thiện của Giao ước tình yêu do Thiên Chúa ban cho dân Người.
Chúng ta là dân Thiên Chúa, là một cộng đoàn, trong đó có các thành phần liên đới với nhau trong điều phúc cũng như sự tội. Hoán cải phải xảy ra trong thâm tâm mỗi người. Nhưng mỗi thành phần dân Chúa phải chứng tỏ sự quyết tâm đổi đời bằng những hành vi cụ thể bên ngoài như ăn chay, hãm mình và từ bỏ, vì con người có một thể xác và sống trong tương quan xã hội.
Tội lỗi còn tạo ra sự chia rẽ, xa cách: con người không còn hiệp thông với Thiên Chúa là nguồn gốc sự sống và tình yêu nữa, và như thế con người như bị dìm vào trong tình trạng buồn thảm của sự chết. Vẻ tang chế mà tiên tri Yôel muốn trùm lên các tội nhân biểu lộ tình trạng bi đát ấy, và tự nó, tình trạng đó đòi phải được cất đi và thay thế bằng niềm vui của sự giải hòa, nối lại Giao ước tình yêu.
Quả thật quan hệ giữa chúng ta và Thiên Chúa là quan hệ của những người con với Cha mình. Người là người Cha nhân lành, lưu tâm đến từng tâm hồn con cái. Người nhìn vào đáy lòng ta và thấy tất cả trong âm thầm kín đáo (Mt 6,1-6.16-18). Những lời cầu nguyện chân thật nhất và đẹp lòng Người nhất là do thôi thúc của Chúa Thánh Thần, Thần Trí của Chúa Kitô, mà Chúa Cha gửi vào lòng ta, làm cho ta có thể kêu lên: "Abba, lạy Cha yêu dấu" (Yn 4,6; Rm 8,15). Tâm tình cầu nguyện phát xuất từ trong thâm cung của tâm hồn như một căn phòng kín đáo và yên tĩnh, như một nơi vắng lặng mà chính Chúa Kitô thích tìm đến để tâm sự với Cha mình. Mọi hành động thiện hảo khác cũng do Thần Trí của Chúa Kitô tác động trong tâm hồn ta mà sinh thành (Yn 5,22-26). Ðúng như lời Chúa Kitô đã nói: "Không có Ta các ngươi không làm được gì"; và Chúa Cha ưa thích những người thờ phượng Ngài trong Thần Trí và Sự Thật - Thần Trí của Chúa Kitô và của ta - và từ đó chiếu giãi ra trong hành động xã hội, và nhờ đó Sự Thật sẽ giải phóng loài người.
Chính Chúa Kitô muốn rằng ta phải chia sẻ của cải với anh em đồng loại. Bát cơm, manh áo hay ly nước lã ta trao cho người nghèo là như thể trao vào tay Chúa Kitô (Mt 25,35). Sự hãm mình, ăn chay và kiêng thịt chắc chắn mang ý nghĩa đền tội, kiềm chế dục vọng và tham dự vào mầu nhiệm thương khó của Chúa Cứu thế, nhưng nhất thiết phải kết thúc bằng hành động chia sẻ. Truyền thống xa xưa trong Kinh Thánh cũng như trong lịch sử Giáo Hội đều hiểu thế. Sau Công đồng Vatican II, Giáo Hội đặc biệt nhấn mạnh khía cạnh chia sẻ. Thế nên, mùa Chay năm nay, trong hiện tình kinh tế của đất nước và đồng bào, Chúa đang kêu gọi chúng ta làm những hành vi cụ thể để xoa dịu đau khổ của Người trong những người anh em. Vì chúng ta thực sự gặp Chúa trong anh em.


3. Tác Vụ Giải Hòa
Chúng ta làm môi giới cho nhau để gặp Chúa. Thánh Phaolô (2C 5,20-6,2) đặc biệt nói tới vai trò của linh mục là những cộng sự viên, đại diện của Chúa Cứu thế. Linh mục tham dự cách chính thức vào chức vụ môi giới của Ðấng đã giải hòa loài người với Chúa Cha trong mầu nhiệm chết và sống lại. Linh mục nhân danh Ðức Kitô kêu gọi, khuyên lơn loài người trở lại với Thiên Chúa. Cao quý và hệ trọng biết bao: lời giải tội và bàn tay vẽ dấu Thánh giá trên hối nhân! Qua hành vi của một tôi tớ phàm hèn, chính Thiên Chúa Ba Ngôi tha tội và ban sự bình an cho lương tâm hối nhân. Bí tích Cáo giải là nơi gặp gỡ giữa hai mầu nhiệm trọng đại: mầu nhiệm tình yêu thứ tha và mầu nhiệm tình yêu thống hối. Lòng thống hối đích thực và trọn hảo phát xuất từ tình yêu. Ðó là tiếng kêu của đứa con hoang đàng hướng lòng về Cha mình từ nơi xa xôi: "Lạy Cha, con đã làm phiền lòng Cha..." (Lc 15,21). Tình yêu có một sức mạnh bất khả kháng. Tình yêu trong lòng người con thôi thúc nó lên đường trở về. Tình yêu trong lòng người Cha thu hút, lôi kéo đứa con vào lòng mình để tha thứ và ban đầy hồng ân dư dật. Lời nói của linh mục phải giống như lời nói của Chúa Kitô: bắc nhịp cầu cho tình yêu tha thứ của Chúa Cha và tình yêu thống hối của tội nhân gặp nhau trong sự giải hòa, đem lại bình an và niềm vui của Chúa Thánh Thần cho mọi tâm hồn. Ðó quả là một tác vụ thánh. Chẳng những bí tích cáo giải là phương tiện thánh hóa con người, mà sâu xa hơn nữa: bí tích ấy chạm tới đáy lòng Thiên Chúa và tâm hồn hối nhân trong thực tại thánh thiện nhất là tình yêu. Tác vụ thánh đưa linh mục vào trong thâm tâm của tâm hồn Thiên Chúa và tâm hồn loài người. Ðiều đó đòi phải có sự tín nhiệm tuyệt đối từ phía Thiên Chúa và loài người và lòng khiêm cung kính cẩn từ phía linh mục đối với mầu nhiệm.
Nhìn ở bề sâu như thế, ta hiểu được vì sao tác vụ thánh có ưu thế trên cả mạng sống, và chu toàn tác vụ thánh là một bổn phận hệ trọng của linh mục, đầy tớ của Thiên Chúa và của loài người. Chính việc chu toàn tác vụ thánh ấy sẽ thánh hóa thừa tác viên.

4. Người Trở Thành Tội Vì Ta
"Ðức Kitô không hề biết đến tội, nhưng Thiên Chúa Cha đã làm cho Người trở thành tội vì ta" (2C 5,21).
Chúa Kitô không có tội theo nghĩa chủ động, luân lý; nhưng Người đã gánh chịu hậu quả của tội, nghĩa là gánh chịu sự vô phúc, bất hạnh do tội của ta gây nên. Thánh Phaolô còn nói mạnh hơn nữa: "Chúa Kitô đã trở nên đồ chúc dữ vì ta" (Ga 3,13), vì như Sách Thánh đã chép: "Kẻ nào bị treo trên cây gỗ thì đã bị chúc dữ" (Tl 21,23). Tội đòi phải có sự đền tội. Chúa Kitô đã tự nguyện chấp nhận trở thành tội, "trong thân phận xác thịt tội lỗi của ta, để đền tội thay cho ta, va Người đã kết án tội ngay nơi thân xác Người" bị treo trên Thập giá (Rm 8,3). Người đã hành động như thế vì yêu mến Chúa Cha và yêu mến ta. Tình yêu ngược đời ấy có sức đảo ngược lại tình thế: Người tái lập được sự công chính (Rm 8,4; 2C 5,21), nhận lại được phúc lành cho ta và làm sống lại sự sống thiêng liêng bởi Thánh Linh trong ta (Yn 3,14; Rm 8,4).
Một trong những khía cạnh của chức vụ tư tế là chuyển cầu và tế lễ đền tội cho Dân Chúa. Của lễ sống động nhất chính là bản thân người linh mục kết hiệp với mầu nhiệm Thập giá Chúa Kitô: trong lễ tế tạ ơn, trong sự cô quạnh của đời sống độc thân tận hiến, trong lời cầu nguyện với Chúa Cha, trong việc chu toàn tác vụ thánh và trong thái độ sẵn sàng trở thành tội nợ vì Dân Chúa và thí mạng sống cho đoàn chiên, như Thầy Chí Thánh đã làm.


Giảng Lễ
Thánh lễ hôm nay rất đặc biệt. Chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa, để biết đánh giá đúng mức phụng vụ mà chúng ta đang cử hành, hầu lãnh nhận được ơn Thánh Chúa muốn trao ban cho ta trong thánh lễ này.
Trước hết, bài sách Yôel gợi lên cho ta cả một bầu khí trang trọng ở trong lịch sử Dân Chúa. Con cái Israel bấy giờ đang lầm than khổ sở. Họ hao mòn kiệt sức. Họ bất lực, không thể tự chỗi dậy. Chúa sai tiên tri Yôel đến, bảo họ hãy thống hối ăn năn; hãy trở về với Chúa; hãy xin Ngài tha thứ và cứu độ. Ðó là đường lối duy nhất để được cứu vãn. Thế nên, từ già đến trẻ, từ tư tế đến thứ dân, từ cô dâu mới cưới đến người góa phụ khổ sở, toàn dân, cả nước hãy tuyên bố mở mùa chay tịnh, ăn năn thống hối các lỗi lầm để được giải thoát và cứu độ.
Hôm nay, Giáo hội cũng muốn mượn lời tiên tri trên để khai mạc mùa Chay Thánh. Giáo hội muốn các linh mục, tu sĩ và toàn thể giáo dân, từ hôm nay, hãy chấp nhận một nếp sống chay tịnh. Không phải vì Giáo hội đang ở trong một tình cảnh khổ sở đặc biệt nào, nhưng vì lễ Phục Sinh sắp tới. Giáo hội nhớ: nếu muốn được sống lại với Ðức Kitô, người ta phải chấp nhận đi vào con đường thánh giá của Người. Và con đường thánh giá này, Người đã đi không phải vì tội lỗi riêng nào của Người, nhưng chỉ vì để cứu nhân loại khỏi cảnh lầm than do tội lỗi gây nên, hầu đi tới vinh quang hạnh phúc bất diệt. Vậy hôm nay, Giáo hội tuyên bố mùa Chay Thánh, là Giáo hội nhớ tới trách nhiệm của mình đối với toàn thể nhân loại. Thánh Tông đồ viết: "Toàn thể tạo vật đang rên siết, chờ đợi ngày con cái Chúa xuất hiện". Tất cả vũ trụ và lịch sử nhân loại hiện nay đang chờ đợi cộng đoàn Dân Chúa sống thánh thiện, để tất cả được thấm nhuần ơn thánh hầu đời sống trở nên tốt đẹp hơn. Như vậy, chấp nhận đi vào mùa Chay Thánh, là tham dự vào ý chí cứu nhân độ thế, vào chương trình cứu độ trần gian, vào đường lối đưa nhân loại đạt tới hạnh phúc chân thật. Thế nên các việc đạo đức trong mùa Chay này không phải chỉ có ý đền bù tội lỗi riêng của mỗi người, nhưng còn phải được hoàn thành trong thiện ý muốn cộng tác vào việc cứu thế của Ðức Kitô, vào trách nhiệm thánh hóa trần gian của Giáo hội.
Phải chăng các việc đạo đức mà Phúc Âm hôm nay đề ra cho chúng ta làm trong mùa Chay này, xem ra không tương xứng với mục đích và lý tưởng của mùa Chay mà chúng ta vừa gợi lên? Bố thí, cầu nguyện, ăn chay, đâu phải là những việc duy nhất và công hiệu hơn cả để thay đổi mặt đất này và làm cho đời sống con người thánh thiện và hạnh phúc hơn? Thong thả, chúng ta còn có cả một mùa Chay Thánh trên dưới 40 ngày để cô đọng lại lịch sử của Dân Chúa trong cuộc hành trình 40 năm tiến vào Ðất Hứa và nhất là để kết hiệp với Ðức Kitô trong mầu nhiệm chay tịnh 40 đêm ngày trong rừng vắng. Trong 40 ngày sắp tới, Giáo hội sẽ dần dần đề nghị cho ta những công tác đạo đức để tu thân sửa mình đồng thời cũng để "bình thiên hạ", tức là đem lại hạnh phúc cho nhiều người. Hôm nay chúng ta hãy bằng lòng với 3 công tác mà Phúc Âm đề ra. Ðó là 3 việc đạo đức mà mọi người Dothái tốt lành xưa vẫn làm. Làm được 3 việc ấy, người biệt phái trong Phúc Âm Luca tưởng đã có thể tăng công trước mặt Chúa. Ðức Kitô không phủ nhận những việc ấy. Ngài không đến để xác định những việc nào có giá trị đạo đức một cách máy móc, nghĩa là cứ làm xong là được rồi. Ngài đến để đặt nền tảng cho đời sống đạo chân thật. Ngài tuyên bố ngay trong câu đầu và câu cuối của bài Phúc Âm hôm nay: đừng chỉ giữ đạo trước mặt thế gian, một hãy cố gắng giữ đạo trước mặt Thiên Chúa Cha; đừng chỉ giữ đạo vì thói quen, vì tập quán, một hãy xây dựng lòng đạo đức chân thật ngay từ trong thâm cung lòng mình. Thế nên có lần Ngài lại nói: không phải những kẻ cứ kêu "Lạy Chúa, lạy Chúa" sẽ được vào Nước Trời đâu, nhưng chỉ những ai thi hành thánh ý Chúa Cha mới được hạnh phúc đó mà thôi.
Vậy trong mùa Chay Thánh năm nay, chúng ta cũng hãy bắt đầu ý thức muốn sống đạo một cách chân thực. Nghĩa là ta đừng quan niệm đạo đức là đọc kinh, xem lễ vì thói quen nữa, nhưng phải cố gắng nội tâm hóa các việc đạo đức quen làm, tức là đưa các việc đó vào trong tâm hồn, vì có vào trong tâm hồn, các việc ấy mới là các việc đạo đức phát xuất từ tâm hồn chúng ta và mới trở thành các việc đạo đức đẹp lòng Chúa. Người đi lễ trong mùa Chay này hãy để cho các bài Sách Thánh, các bài kinh cầu nguyện, các bài ca phụng vụ, đi vào cho tới tận nơi thâm sâu của tâm hồn, để từ đó các lời thánh thiện kia sẽ ảnh hưởng tới đời sống. Và khi rước lễ rồi cũng vậy, ta hãy để cho Chúa Yêsu nói lên ở trong mình, hướng dẫn cuộc đời ta, làm cho đời sống phù hợp với tâm tình mến Chúa, yêu người ở mọi nơi. Một nếp sống đạo như thế, nhất định sẽ cải thiện cuộc đời của ta, canh tân não trạng và thái độ của mình; và như vậy chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tốt cho xã hội.
Thế nên, thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai viết: "Ðây là thời gian thuận lợi, thời gian để Chúa cứu độ chúng ta". Ta hãy bắt chước con cái Israel ngày trước và toàn dân Chúa ngày xưa, lấy tro rắc trên mình để công bố ý chí đi vào mùa Chay Thánh, mà thống hối canh tân, để đem toàn dân Chúa và nhân loại đi vào con đường tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Lễ nghi làm phép và nhận tro bây giờ có một ý nghĩa sâu xa và quảng đại như thế. Ai tham dự cũng hãy cầu xin cho mình được tinh thần cứu thê của Ðức Kitô, để nhận tro rồi, chúng ta được ơn thánh lễ hỗ trợ, bắt đầu một nếp sống canh tân đời sống, chuyển lịch sử dân Chúa và nhân loại sang một giai đoạn tốt đẹp và hạnh phúc hơn.
Chúng ta hãy sốt sắng đứng lên cử hành nghi thức khai mạc mùa Chay với những tâm tình tốt đẹp ấy.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Lễ Tro, Mùa Chay
Bài đọc: Joel 2:12-18; II Cor 5:20-6:2; Mt 6:1-6, 16-18.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lòng thương xót của Thiên Chúa và tội lỗi của con người
Mùa Chay nhắc nhở con người nhiều điều: Thân phận mỏng giòn của con người qua nghi thức xức tro: “Hãy nhớ mình là bụi đất và sẽ trở về bụi đất!” Hay tính yếu đuối và tội lỗi của con người: “Hãy ăn năn xám hối và tin vào Tin Mừng!” Tuy nhiên, tình thương của Thiên Chúa lớn hơn những tội lỗi mà con người xúc phạm; Ngài sẵn sàng tha thứ tất cả nếu con người biết ăn năn xám hối.
Các Bài Đọc cho chúng ta những khía cạnh khác nhau của Mùa Chay. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Joel nhắc nhở con người chú ý đến hai khía cạnh: hãy xé lòng chứ đừng xé áo và chiều kích cộng đồng của việc xám hối. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô nhấn mạnh đến sự thuận tiện của thời gian để con người làm hòa với Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, thánh Matthêu chú trọng đến 3 cột trụ của Mùa Chay: ăn chay, cầu nguyện, và làm các việc lành phúc đức.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hãy xé lòng chứ đừng xé áo.
1.1/ Hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van: Để con người được tha tội, họ cần 2 điều kiện căn bản sau đây:
(1) Tin Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót: Ngài sẽ tha thứ mọi lỗi lầm con người đã phạm. Con người phải tin vào sự thật này trước khi có thể ăn năn trở lại. Sự thật này được nhắc lại nhiều lần trong Sách Tiên Tri và là hy vọng của dân trong Thời Lưu Đày.
(2) Phải hết lòng hết dạ trở về với Thiên Chúa: Tiên tri Joel nhấn mạnh đến chiều kích trong tâm hồn: “Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng… hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van.” Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự trong tâm hồn, những lễ nghi hay hành động hời hợt bên ngòai sẽ không đủ để được Ngài tha thứ.
1.2/ Chiều kích cộng đồng của tội lỗi: Ngòai chiều kích cá nhân, tội lỗi còn mang tính cộng đồng; vì Thiên Chúa muốn con người sống chung và nâng đỡ nhau ngay từ đầu khi Ngài tạo dựng con người. Vì thế, khi xét mình, con người không chỉ xét những tội cố tình phạm, mà còn những tội vô tình quên như: bổn phận phải giúp đỡ người khác (7 mối phần hồn cũng như 7 mối phần xác). Tiên tri Joel nhấn mạnh đến chiều kích cộng đồng trong Bài Đọc hôm nay: “Hãy rúc tù và tại Sion, ra lệnh giữ chay thánh, công bố mở cuộc họp long trọng; hãy tụ tập chúng dân, mời dự đại hội thánh, triệu tập các cụ già, tụ họp đám thiếu nhi cũng như trẻ thơ còn đang bú. Tân lang hãy ra khỏi loan phòng, tân nương hãy rời bỏ phòng khuê!” Tiên tri Jonah còn đi xa hơn, khi tường thuật Vua Nineveh ra lệnh không những cho con người, mà ngay cả những súc vật cũng phải ăn chay đền tội (Joh 3:7-8).
Khi hội đủ 2 điều kiện trên, Thiên Chúa sẽ tha thứ tội vạ cho dân và sẽ tiếp tục săn sóc và bảo vệ họ: “Đức Chúa đã nồng nhiệt yêu thương đất của Người, đã tỏ lòng khoan dung đối với dân Người. Tai ương chấm dứt và dân được giải thoát.”
2/ Bài đọc II: Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ.
2.1/ Hãy làm hoà với Thiên Chúa: Hai lý do để con người phải làm hòa với Thiên Chúa: (1) Tất cả đều đã phạm tội; và (2) Đức Kitô đã chết để gánh tội cho con người: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.”
2.2/ Đây là thời gian thuận tiện: Con người lệ thuộc vào thời gian, phần hồn cũng như phần xác. Con người phải lệ thuộc thời gian về phần xác, khi con người phải chờ thời để gieo cũng như gặt. Con người phải lệ thuộc thời gian về phần hồn như giữ ngày Sabbath, Lễ Tuần, Năm Thánh, hay Năm Đại Thánh.
Mỗi năm khi Mùa Chay tới, Mẹ Giáo Hội nài nỉ và khuyến khích các tín hữu hãy ăn năn xám hối và quay về với Thiên Chúa như Thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu của Ngài: “Anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu.” Mùa Chay là mùa hồng phúc, mùa Thiên Chúa giáng phúc thi ân, mùa con người có cơ hội nhìn lại và định vị cuộc đời để biết mình đang ở đâu trong hành trình về nhà Cha trên trời. Nếu đã đi trật đường, Mùa Chay cung cấp cho con người bẻ lái cho đúng hay kịp thời quay đầu trở lại.
3/ Phúc Âm: Ba cột trụ của Mùa Chay
(1) Làm việc lành phúc đức: Vì chiều kích cộng đòan của tội, con người cũng phải đền bù tội bằng việc làm những việc lành phúc đức: giúp đỡ người nghèo khó, thăm viếng bệnh nhân và tù nhân, khuyên bảo tội nhân quay về với Chúa…
Khi làm những việc lành phúc đức này, Chúa Giêsu dạy: “Anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng.”
(2) Cầu nguyện: không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của các Kitô hữu. Tuy nhiên, họ phải gia tăng việc cầu nguyện trong Mùa Chay vì là Mùa kỷ niệm Cuộc Thương Khó của Đức Kitô, Đấng đã hy sinh đổ máu để chuộc tội cho con người. Hơn nữa, Mùa Chay cũng là mùa giúp con người nhìn lại cuộc đời, con người cần nhiều thời gian để xét mình và ăn năn xám hối xin Chúa tha thứ các tội đã xúc phạm đến Ngài.
Khi cầu nguyện, Chúa Giêsu dạy: "Anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”
(3) Ăn chay: không phải là chỉ đơn giản bớt ăn uống, nhưng còn phải để ý đến ý hướng của việc ăn chay. Trước tiên, ăn chay là để cho mọi người đều có của ăn, chứ không phải ăn chay để tiết kiệm tiền; vì thế, những gì chúng ta không ăn, phải được phân phát cho những người đang cần của ăn. Ngòai ra, chúng ta cũng cần ăn chay con mắt để đừng nhìn những sự chẳng nên nhìn; ăn chay trí óc để đừng có những ao ước bất chính hại người; ăn chay miệng lưỡi để đừng đưa điều đặt chuyện làm thiệt hại danh giá của tha nhân.
Khi ăn chay, Chúa Giêsu dạy: "Anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mùa Chay nhắc nhở chúng ta tình thương Thiên Chúa qua việc trao ban Người Con Một để gánh tội cho chúng ta. Hãy biết sống xứng đáng với tình thương này.
- Việc cần thiết nhất mỗi người phải làm trong Mùa Chay là hòa giải với Thiên Chúa qua Bí-tích Giao Hòa để lãnh nhận ơn tha thứ.
- Chúng ta phải làm cho đời sống thiêng liêng trở nên vững mạnh qua việc làm cho 3 cột trụ của Mùa Chay trở nên vững chắc: ăn chay, cầu nguyện, và làm các việc lành phúc đức.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM  MÙA CHAY
* Trong Mùa Chay, các bài đọc Cựu Ước và Tân Ước có liên quan với nhau và soi sáng ý nghĩa cho nhau.
Ge 2,12-18 ; Mt 6,1-6

A. Hạt giống...
1. Mở đầu Mùa Chay, Hội Thánh dùng lời ngôn sứ Gio-en để chỉ cho chúng ta thấy phải sống Mùa Chay như thế nào :

- “Hãy thật lòng trở về với Ta”

- “Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo”

2. Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu dạy về 3 việc đạo đức tiêu biểu mà người do thái thường làm, đó là bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Qua 3 việc tiêu biểu này, chúng ta có thể hiểu về tất cả những việc đạo đức khác.

- Khi làm, đừng quá chú trọng đến vẻ bề ngoài của những việc đó (“khua chiêng đánh trống”, “trong hội đường hay ở ngã ba đường”, “làm cho ra vẻ thiểu não”)

- Đừng làm để được người ta khen (“cốt để người ta khen”, “cho người ta thấy”, “để thiên hạ thấy là chúng ăn chay”)

- Mà hãy làm cách kín đáo (kín đáo : không có nghĩa là dấu diếm người ta, mà là không có ý khoe khoang) nhưng và chỉ cốt làm vui lòng Cha trên trời.

B.... nẩy mầm.
1. Trong Mùa Chay, chẳng những ta gia tăng những việc đạo đức (phương diện lượng) mà còn phải lưu ý làm những việc đó với tâm tình sốt sắng hơn (phương diện phẩm).

2. Một việc đạo đức đang đi vào quên lãng, đó là Bố Thí. Giá trị của việc bố thí : a/ “Đồng tiền liền khúc ruột”, do đó bố thí có giá trị hy sinh lớn ; b/ Bố thí giúp ta bớt dính bén tiền bạc ; c/ Bố thí còn là một cách đền tội : Sách Tôbia nói “Việc bố thí thanh tẩy khỏi mọi tội lỗi” (Tb 12,8-9).

3. Rượu chè : Khi ông Nôe trồng nho, Satan lấy làm lạ nên tiến lại gần hỏi :

- Ông đang trồng cây gì thế ?

- Cây nho.

- Nó có lợi gì không ?

- Có chứ. Trái nó vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng. Từ trái nho ta còn có thể làm ra rượu giúp lòng người hưng phấn nữa.

- Vậy thì để tôi giúp ông.

Satan mới giết một con chiên, một con sư tử, một con lừa và một con heo. Lấy máu của chúng tưới gốc cây nho. Thế là cây nho lớn nhanh. Noe lấy trái nho làm rượu.

Từ đó trở đi khi người ta uống một chút rượu vào thì sẽ vui vẻ dễ thương như con chiên ; uống thêm chút nữa thì mạnh bạo như sư tử ; Nếu chưa ngưng mà còn uống thêm thì sẽ ngu như lừa ; nếu lại uống nữa thì... hoàn toàn như con heo vậy. (Truyện cổ Nước Pháp).

4. Chỗ ở của chuột : Có một con chuột sống trong một ngôi nhà thờ cũ kỹ ở miền quê. Một hôm nó đi lang thang dạo mát bỗng gặp một con chuột khác cũng đang đi chơi. Nó liền được dịp tâm sự : “Tôi sống chui rúc dưới gầm một toà giải tội. Nhưng chẳng được yên  thân vì hầu như lúc nào cũng có người xưng tội, phá giấc ngủ của tôi.” Nghe thế, con chuột kia nói : “Vậy bạn hãy dọn đến chỗ ở của tôi. Chỗ ấy ấm áp sạch sẽ mà chẳng mấy khi có người quấy rầy, yên tĩnh lắm. “Ô thế bạn ở đâu vậy ?” - “Tôi ở trong thùng tiền cứu giúp người nghèo.”  (Trích "Món quà giáng sinh")
 Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

05/03/14 THỨ TƯ LỄ TRO
Mt 6,1-6.16-18

CHỚ CÓ PHÔ TRƯƠNG
“Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. “ (Mt 6,1)
Suy niệm: Chúa không nhắm dạy bố thí, cầu nguyện, và ăn chay. Vì các môn đệ dường như vẫn thường làm các việc ấy. Điều Chúa nhấn mạnh là cách làm: chớ có phô trương! Tin Mừng hôm nay xoáy duy nhất vào điểm này. Phô trương là cám dỗ muôn thuở; nó chọc thẳng vào yếu huyệt thứ nhất của con người là lòng kiêu ngạo. Nó tinh vi vì nó không cố kéo người ta ra khỏi “việc lành phúc đức;” nó chỉ đánh vào cách họ làm mà thôi. Khi người ta phô trương, thì những “việc lành phúc đức” của họ trở thành số không, vì “đã được trả công rồi!"
Mời Bạn: Nhiều khi ta không phô trương cách thô thiển, huỵch toẹt, ta chỉ phô trương cách khéo léo thôi. Song, đằng nào thì cũng là phô trương – và trước mặt Chúa, những “việc lành phúc đức” ta làm sẽ hoàn toàn mất chất. Để tránh bẫy phô trương, ta phải chặn cái ý nghĩ “mình có công phúc” hay “mình tốt lành” ngay từ trong lòng mình. Một vị thánh là thánh cho tới khi vị ấy biết mình là một vị thánh. Chúa dạy ta nhớ mình là tôi tớ vô dụng, nếu có làm được gì thì đấy chỉ là bổn phận mà thôi (x. Lc 17,10).
Chia sẻ: Nghĩ đến những cái bẫy phô trương ngay trong đời sống Giáo hội. Chẳng hạn, những nghi lễ rình rang bên ngoài mà thiếu hẳn chiều sâu, những bia khắc tên ân nhân này nọ...
Sống Lời Chúa: Ta hưởng ứng điều Chúa dạy bằng cách: kín đáo hết sức khi làm bất cứ điều gì tốt lành.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con ý thức rằng dù con ở đâu, nghĩ gì, làm gì, thì Chúa cũng luôn nhìn thấy và biết rõ lòng con. Amen.

Cha hiện diện nơi kín ẩn 
 Nhờ ăn chay, chúng ta không còn sống cho chính mình nữa, nhưng biết sống cho Chúa và tha nhân. 


Suy nim:
Cứ đến Thứ Tư Lễ Tro là chúng ta lại được nghe bài Tin Mừng này.
Đức Giêsu nói đến ba việc đạo đức quan trọng của người Do Thái:
cầu nguyện, bố thí, ăn chay.
Chẳng phải cứ đợi đến Mùa Chay chúng ta mới làm ba việc đó.
Nhưng Mùa Chay là thời gian thuận lợi để ta tập trung chú ý hơn.
Tập trung vào cầu nguyện là làm mới lại tương quan với Thiên Chúa,
từ bỏ những gì làm tôi xa Chúa và dứt bỏ mọi tội lỗi quen phạm.
Tập trung vào bố thí là chia sẻ của cải cho những người nghèo hơn,
tự nguyện bỏ bớt một phần tiện nghi để giúp những ai đói khổ.
Tập trung vào chay tịnh là làm cho thân xác, tâm hồn mình trở nên nhẹ nhàng,
thoát khỏi những kéo xuống nặng nề, những cám dỗ sống hưởng thụ, ích kỷ.
Cả ba việc này có tương quan chặt chẽ với nhau.
Khi làm tốt một việc, ta sẽ dễ làm hai việc còn lại hơn.
Ăn chay giúp chúng ta hàn gắn lại tình bạn với Chúa,
và lớn lên trong sự thân mật đối với Ngài.
Ăn chay giúp ta tránh tội và tránh mọi thứ dẫn đến tội.
Ăn chay là thoát ra khỏi sự thèm muốn tự nhiên về cơm bánh vật chất,
để nếm cảm sự cần thiết của tấm bánh tinh thần.
Nhờ ăn chay con người thấy mình được tự do hơn để sống theo ý Chúa.
Khi chịu đói nơi thân xác, chúng ta sẽ thấy tim mình đói khát Thiên Chúa
và mong Ngài đến với ta để làm ta mãn nguyện.
Nhưng ăn chay cũng giúp ta mở mắt trước tình cảnh thiếu thốn của tha nhân.
Nhờ ăn chay, chúng ta không còn sống cho chính mình nữa,
nhưng biết sống cho Chúa và tha nhân.
Ăn chay giúp ta chế ngự được tính ích kỷ làm ta co lại,
nhờ đó ta có thể mở lòng ra trước nhu cầu của anh chị em mình
và chia sẻ cho họ điều mình đã tiết kiệm được từ ăn chay.
Ngay cả một người có hai áo cũng có thể chia sẻ được cho người trần trụi.
Người chỉ còn vài lon gạo cũng có thể chia cho người đang đói.
Chúng ta đã bắt đầu cuộc hành trình 40 ngày Mùa Chay.
Không phải chỉ là ăn chay, mà là sống chay.
Chay tịnh phải là một thái độ thấm vào cuộc sống.
Khi bớt nuông chiều những đòi hỏi ngày càng nhiều của thân xác,
chúng ta sẽ thắng được những cám dỗ của thèm muốn vô độ.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.

Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.

Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.

Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.

Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Lửa và tro là hai biểu tượng ghi dấu để bước vào Mùa Chay. Nhúm tro tàn một cách bột phát gợi lên sự sầu khổ thiêng liêng, sự điêu tàn. Nhưng ở đây, người ta thấy sự khởi đầu một sự bắt đầu lại, một sự sám hối. Đó là nội dung bài chia sẻ của Đức Hồng Y Pierre Eyt cho các bạn trẻ về ý nghĩa Mùa Chay tại nhà thờ chính tòa Thánh Anrê, giáo phận Bordeaux, Pháp.

Thứ Tư lễ Tro không phải chỉ là ngày hôm sau của Thứ Ba Béo. Trước tiên, nó không phải là một ngày mang nét dân gian. Thứ Tư lễ Tro đối với các Kitô hữu là dịp bước vào Mùa Chay. Nó diễn tả một con đường thiêng liêng, được biểu hiện và hỗ trợ bởi những dấu chỉ, những biểu tượng như lửa và nhúm tro xức trên trán.

Hình ảnh lửa mà chúng ta sẽ lại thấy trong đêm Vọng Phục Sinh có ý nghĩa là chúng ta muốn thiêu đốt những gì cản bước chúng ta, và rồi chúng ta muốn hủy diệt tội lỗi vốn làm cho con người bị tổn thương và dị dạng. Thánh Phaolô nói rằng cần phải phá bỏ trong chúng ta con người cũ để mang lấy con người mới (x. Col 3,1-11). Lời gọi thật rõ ràng. Nó chứa đựng lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu là: « Hãy sám hối ». Điều này còn có nghĩa là thay đổi tinh thần, thay đổi tâm hồn, thay đổi não trạng. Tất cả những ích kỷ, lười biếng, lề mề, tham lam, giận dữ, bạo hành, kiêu ngạo là những thứ cần phá hủy và thiêu rụi.

Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về tội. Làm thế nào để dũ bỏ nó ? Chúa Giêsu dạy bảo trong Tin Mừng rằng chúng ta sẽ là những kẻ chiến thắng tội lỗi khi biết thay thế lửa của sự xấu bằng lửa của Tình Yêu. Bởi vì, trước tiên lửa ở đây bừng cháy để thiêu hủy, nhưng cùng lúc nó còn chiếu sáng, sưởi ấm, củng cố, hướng dẫn và động viên. Như một ngọn lửa sống động, Đức Kitô là ánh sáng, là hơi ấm, là tiếng gọi, là sự an ủi. Ước chi ngọn lửa này tiếp tục bừng cháy trong tâm hồn chúng ta.

Tro được xức trên trán đối với chúng ta còn minh nhiên kêu gọi sám hối, nói cách chính xác là bằng con đường khiêm nhường. Nắm tro là những gì còn lại sau khi ngọn lửa thiêu rụi chất liệu mà nó đã chiếm lĩnh hoàn toàn. Chúng ta nhận thấy rằng khi có những nắm tro tàn, điều đó hẳn là không còn gì nữa từ cái mà đã bị lửa thiêu hủy. Đó còn là hình ảnh về sự nghèo khó của chúng ta. Nhưng tro cũng còn có thể làm cho đất đai màu mỡ, giúp tái tạo thiên nhiên và sự sống có thể tái sinh dưới đống tro tàn.

Khi chúng ta lưu ý đến những gì mang ý nghĩa từ tro tàn là chúng ta được dẫn vào bí tích giao hòa và thống hối. Nói rằng mình có tội là để được đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Nói rằng chúng ta hung bạo và hối tiếc về điều ấy, rồi ăn năn hối lỗi là để đến lượt mình chúng ta cũng biết bắt chước Thiên Chúa trong việc tha thứ. Bí tích giao hòa định hướng nội tâm, cũng giống như ngọn lửa có thể soi tỏ cho chúng ta từ bên ngoài trước bóng đêm tội lỗi. Do đó, con đường Phục Sinh nhìn bề ngoài gồm sáu tuần lễ và bốn mươi ngày của Mùa Chay, nhưng cách đặc biệt còn là con đường của trái tim, con đường của nội tâm, con đường của sám hối.

Lửa, tro, thống hối…nói lên sự phá bỏ và thiêu rụi « con người cũ », nhưng một điều rất rõ ràng, người ta chỉ hủy bỏ và thiêu rụi để thay thế bằng cái khác. Vậy thì tất cả nghĩa cử, hành động, và dấn thân mà Giáo Hội đề nghị thực hành cho Mùa Chay mà trong Tin Mừng chính Đức Giêsu đã giảng giải cho chúng ta về tính khẩn thiết như: bố thí, cầu nguyện, ăn chay. Điều này đề cập đến việc xây dựng lại những gì đã bị phá hủy. Đó chính là xây dựng bằng ân sủng của Đức Kitô, và bằng cách đưa bàn tay của mình cho Ngài dẫn dắt. Đó còn là xây dựng bằng Thần Khí của Đức Kitô tác tạo nên con người mới. Ở đó hội tụ ba phương hướng mà Tin Mừng nói với chúng ta: bố thí, cầu nguyện và chay tịnh.
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
5 THÁNG BA
Xu Hướng Về Một Thứ Tự Do Vô Giới Hạn
Cuộc Vượt Qua của giao ước cũ là hình ảnh báo trước cuộc Vượt Qua mới của Đức Kitô. Trong biến cố dân It-ra-en trốn thoát ra khỏi Ai-cập, Thiên Chúa tự thể hiện chính Ngài như Đấng giải phóng họ khỏi tình cảnh nô lệ. Giờ đây, Ngài tự biểu lộ như Đấng cứu độ tất cả những ai tin vào Ngài xuyên qua sức mạnh của Thập Giá và Phục Sinh.
Ta là Đức Chúa, là Thiên Chúa của các ngươi. Nhờ hy tế Thập Giá của Đức Kitô, Ta có thể đưa các ngươi ra khỏi tình cảnh nô lệ. Tội lỗi là ách nô lệ tai ác nhất. Nó dẫn tới sự chết. Khi các ngươi lạm dụng tự do, chính là các ngươi đang ở trong tình cảnh nô lệ. Và hậu quả của điều đó chỉ có thể là sự chết. Khi cố bám lấy một thứ tự do vô giới hạn, phải chăng chúng ta, những con người hiện đại, đã lựa chọn sự câu thúc và đã tự dối gạt chính mình?
Để vãn hồi sự tự do khỏi tội lỗi, cần phải có một hành động quyết liệt của Thiên Chúa. Mọi tội lỗi phải được vạch mặt đích danh. Ơn cứu độ của Thiên Chúa phải được trao ban lại cho đời sống chúng ta.
Điều chúng ta cần có chính là ánh sáng giúp ta nhận thức về tội lỗi mình, ánh sáng đến từ sự hiện diện của Thiên Chúa hằng sống. Aùnh sáng ấy giúp mỗi người chúng ta có thể đi vào ngả đường tự do đích thực trong Đức Kitô.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 05-03
LỄ TRO (Giữ chay và kiêng thịt)
Gc 2, 12-18; 2Cr 5, 20-6,2; Mt 6, 1-6.16-18.


LỜI SUY NIỆM: “Khi ăn chay, anh em chớ có làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả; chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật họ anh em, chúng đã được phần thưởng rồi.”
Khởi đầu Mùa Chay. Giáo Hội dùng Lời Chúa để mời gọi chúng ta dọn mình, chuẩn bị đi vào Tam Nhật Vượt Qua và đón chào Phục Sinh. Trong Mùa Chay giúp con chúng ta nhận ra mình là tro bụi mai ngày sẽ trở về với bụi tro, nhận ra bản thân mình là một tội nhân cần được tha thứ, cần được tẩy sạch để được nên mới, mới trước Chúa và tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu. Bước vào Mùa Chay. Xin Chúa ban cho mọi người trong gia đình chúng con sống khiêm tốn, biết sám hối để nhận lãnh ơn tha tội; và thực hành đức công bằng, bác ái, giúp đỡ người nghèo.
Mạnh Phương


05 Tháng Ba
Bệnh Quên
Trưa ngày 25/12/1985, sau khi dự lễ Giáng Sinh ở nhà thờ về, bà cụ Anne Mc Donnell ở tiểu bang New York, thấy một ông cụ già râu tóc bạc phơ như ông già Noel đang đứng trước cửa nhà. Thoạt nhìn, bà cụ tưởng một người nào đó giả dạng ông già Noel để đùa, nhưng sau khi nhìn kỹ, bà cụ nhận ra đó là chồng mình, đã biệt tích từ 15 năm qua...
Nguyên do vào ngày 24/12/1971, ông James Mc Donnell bị té xuống thang lầu, rồi qua hôm sau bị tai nạn xe hơi. Gần một tháng sau ông lại bị tai nạn xe hơi một lần nữa, bị chấn động não và bất tỉnh. Vài ngày sau đó, ông đi bách bộ ngoài trời cho thoáng khí, rồi từ đó đi biệt tích luôn.
Về sau, ông Mc Donnell kể lại rằng: "Tôi không còn nhớ gì cả. Tôi không biết tôi đã đến Philadelphia bằng phương tiện gì và bằng cách nào". Ông cũng không nhớ tên họ hay địa chỉ của mình, nên khi đi ngang qua một cửa hiệu có tên là Peter, ông tự đặt tên cho mình là Jim Peter, rồikiếm việc làm ăn trên đó gần 15 năm.
Ngày Giáng Sinh năm 1985 vừa qua, tình cờ va đầu vào trần nhà ở sở làm, ông Mc Donnell bỗng phục hồi được trí nhớ. Ông nhớ lại tên tuổi, nơi sinh, chỗ ở cũng như quãng đời trước đó 15 năm. Ông liền tìm đến cuốn niên giám điện thoại để xem vợ còn ở chỗ cũ không. Khi biết chắc vợ mình chưa thay đổi địa chỉ, ông Mc Donnell đã đáp xe lửa về lại nhà cũ vào đúng ngày lễ Giáng Sinh...
Trong vòng 15 năm, ông Mc Donnell đã mắc một chứng bệnh: đó là bệnh quên. Quên có thể là một chứng bệnh như trường hợp ông Mc Donnell bị té thang lầu, bị tai nạn xe hơi... Quên cũng có thể là những chứng bệnh thông thường của nhiều người lớn tuổi, như nhiều cụ già thường quên bẵng những sự việc vừa xảy ra, nhưng họ lại nhớ rất rõ ràng tỉ mỉ những việc đã xảy ra hằng ba bốn chục năm về trước. Nhưng cũng có những trường hợp con người muốn quên đi một dĩ vãng đau lòng nào đó, như trường hợp nhiều người tìm quên lãng trong men rượu khói thuốc...
Quên lãng có thể giúp con người tìm lại được đôi chút thanh thản trong tâm hồn, nhưng cũng có thể đưa con người đến chỗ vô ân. Người không còn muốn nhớ đến nguồn gốc và công ơn sinh thành của cha mẹ mình là người đáng trách. Người không còn muốn nhớ đến những liên hệ mình với người khác cũng là một người đáng trách. Người khép mắt bịt tai trước những nỗi đau khổ của người khác cũng là một người đáng thách...
Người Kitô luôn được nhắc nhở để tìm ra dấu chỉ của thời gian qua các biến cố, để nhờ đó luôn nhận ra sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa. "Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta". Ðó là khẩu hiệu hàng đầu của người Kitô. Họ được mời gọi để ôn lại bước chân đi qua của Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Ðó là thái độ tỉnh thức mà Ðức Kitô không ngừng mời gọi chúng ta hãy có trong từng giây phút.
(Lẽ Sống)


Lectio Divina: Thứ Tư Lễ Tro (A)

Thứ Tư, 5 Tháng 3, 2014
Ý nghĩa của lời cầu nguyện, bố thí và ăn chay
Cách để dùng thời giờ của Mùa Chay cho xứng đáng
Mt 6:1-6, 16-18


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường E-mau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng đã trở nên nguồn gốc của sự sống và sự sống lại.

Xin Chúa hãy tạo ra trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để cho chúng con, cũng giống như hai môn đệ từ E-mau, được biết đến sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và xin gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

2.  Bài Đọc

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Bài Phúc Âm của Thứ Tư Lễ Tro được trích ra từ Bài Giảng Trên Núi và giúp cho chúng ta hiểu được sự thực hành ba việc của lòng thương xót: cầu nguyện, bố thí và ăn chay và cách để dùng thời gian Mùa Chay cho xứng đáng.  Cách thức thực hành ba công việc này đã thay đổi qua nhiều thế kỷ, theo văn hóa và phong tục của dân chúng và tình trạng sức khỏe của họ.  Những người già cả ngày nay vẫn còn nhớ khi xưa đã có luật ăn chay bắt buộc và nghiêm ngặt của bốn mươi ngày trong suốt Mùa Chay.  Mặc dù có những thay đổi trong cách thực hiện những việc phúc đức, vẫn còn có những điều buộc cho người ta và Kitô hữu:  (i) chia sẻ của cải với người nghèo khó (bố thí); (ii) sống trong sự liên hệ với Đấng Tạo Hóa (cầu nguyện); và (iii) có thể kiềm chế được những thúc giục và lòng ham muốn của chúng ta (ăn chay). Lời của Chúa Giêsu mà chúng suy gẫm có thể cho chúng ta óc sáng tạo cần thiết để tìm thấy những cách thức mới trong việc sống với ba điều thực hành rất quan trọng này trong đời sống của người Kitô hữu.
   
b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:

Mt 6:1:  Chìa khóa chung cho sự hiểu biết về điều giáo huấn theo sau
Mt 6:2:  Cách không nên khi bố thí
Mt 6:3-4:  Cách bố thí
Mt 6:5:  Cách không nên khi cầu nguyện
Mt 6:6:  Cách cầu nguyện
Mt 6:16:  Cách không nên khi ăn chay
Mt 6:17-18:  Cách ăn chay

c)  Phúc Âm:

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:  “Các ngươi hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không các ngươi mất công phúc nơi Cha các ngươi là Đấng ở trên trời.  Vậy khi các ngươi bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng họ.  Quả thật, Ta bảo các ngươi, họ đã được thưởng công rồi.  Các ngươi có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc ngươi bố thí được giữ kín và Cha ngươi Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi. 
Rồi khi các ngươi cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình:  họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy.  Quả thật, Ta bảo các ngươi rằng:  họ đã được thưởng công rồi.  Còn ngươi khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha ngươi, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha ngươi, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi.
Khi các ngươi ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não:  họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta.  Quả thật, Ta bảo các ngươi, họ đã được thưởng công rồi.  Còn ngươi khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết ngươi ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha ngươi Đấng ngự nơi bí ẩn và Cha ngươi thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi.”

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện 

Để cho Lời của Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.

a)  Điều nào trong bài Tin Mừng này khiến bạn cảm động hoặc bạn hài lòng nhất?     
b)  Lời cảnh báo đầu tiên của Đức Giêsu mang ý nghĩa gì?    
c)  Chúa Giêsu chỉ trích điều gì và giảng dạy về việc bố thí như thế nào?  Hãy làm một bản tóm lược cho riêng bạn.
d)  Chúa Giêsu chỉ trích gì và giảng dạy về việc cầu nguyện như thế nào?  Hãy làm một bản tóm lược cho riêng bạn.
e)  Chúa Giêsu chỉ trích điều gì và giảng dạy về việc ăn chay như thế nào?  Hãy làm một bản tóm lược cho riêng bạn.

5.  Dành cho những ai muốn đào sâu vào chủ đề


a)  Bối cảnh của bài Phúc Âm:

Chúa Giêsu nói về ba điều:  bố thí (Mt 6:1-6), cầu nguyện (Mt 6:5-15) và ăn chay (Mt 6:16-18).  Đây là ba công việc của lòng thương xót của người Do Thái.  Chúa Giêsu chỉ trích rằng trong thực tế họ thực hành những công việc này là chỉ được đế phô trương với những người khác (Mt 6:1).  Chúa sẽ không cho phép việc thực hành công lý và lòng thương xót được dùng như là một phương tiện để tiến thân trong xã hội cộng đoàn (Mt 6:2, 5, 16).  Trong những Lời của Chúa Giêsu có nói đến một phong cách mới về mối quan hệ với Thiên Chúa đã được mặc khải cho chúng ta.  Người nói:  “Cha ngươi Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi” (Mt 6:4), “Cha ngươi biết rõ ngươi cần gì trước khi ngươi cầu xin (Mt 6:8), “nếu ngươi tha lỗi cho người khác thì Cha ngươi trên trời cũng sẽ tha thứ cho ngươi” (Mt 6:14).  Chúa Giêsu trình bày cho chúng ta một phương pháp mới để tiến tới trái tim của Thiên Chúa.  Một sự suy gẫm về lời của Người liên quan đến việc làm phúc đức có thể giúp chúng ta khám phá ra cách thức mới mẻ này.

b)  Lời bình giải về đoạn Phúc Âm:

Mt 6:1:  Chìa khóa chung cho sự hiểu biết về điều giáo huấn theo sau
Chúa Giêsu nói:  Hãy cẩn thận, đừng phô trương sự công chính của các con nơi công cộng để tạo sự chú ý; nếu không các con sẽ mất tất cả phần thưởng từ Cha các con trên trời.  Sự công bằng được đề cập bởi Chúa Giêsu là điều mà Thiên Chúa muốn chúng ta có.  Phương cách đó được tìm thấy trong Lề Luật của Chúa.  Chúa Giêsu báo cho biết rằng chỉ tuân giữ lề luật thôi để được người ta tán dương thì chưa đủ.  Trước đó Người đã nói:  “Vì Ta bảo các con, nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và Biệt Phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu” (Mt 5:26).  Khi đọc những lời này, chúng ta không chỉ nên nghĩ đến những người Biệt Phái thời Chúa Giêsu, mà hơn hết cả là nghĩ về người Biệt Phái đang ngủ yên trong mỗi người chúng ta.  Nếu thánh Giuse, bạn đời của Đức Maria, làm đúng theo lề luật của những người Biệt Phái, thì ông đã có thể từ bỏ Đức Maria.  Nhưng ông là “người công chính” (Mt 1:19), và đã có được sự công chính mới được công bố bởi Đức Giêsu.  Đó là lý do tại sao ông đã không làm theo lề luật cổ xưa và đã cứu sống Đức Maria và Thai Nhi Giêsu.  Nền công lý mới được công bố bởi Chúa Giêsu dựa trên một nền tảng khác, phát sinh từ một nguồn gốc khác.  Chúng ta phải xây dựng sự bình an của chúng ta từ bên trong nội tâm, không phải trong những việc gì chúng ta làm cho Thiên Chúa, mà trong những việc gì Thiên Chúa làm cho chúng ta.  Đây là chìa khóa chung cho một sự hiểu biết về giáo huấn của Chúa Giêsu về những việc làm phúc đức.  Trong những câu kế tiếp, thánh Mátthêu áp dụng nguyên tắc chung này trong việc thực hành đức bác ái, cầu nguyện và ăn chay.  Theo phong cách sư phạm, đầu tiên ông nói về những gì không nên làm và ngay sau đó dạy vể những gì nên phải làm.

Mt 6:2:  Cách không nên khi bố thí
Cách sai lầm khi bố thí, thời bấy giờ và bây giờ, là phô trương ở nơi công cộng để cho người khác biết đến và tán dương.  Chúng ta thường thấy trên các băng ghế trong nhà thờ có những hàng chữ:  “Do gia đình nọ gia đình kia dâng tặng”.  Trên truyền hình, các chính trị gia thích xuất hiện như là những mạnh thường quân thương người vào các dịp lễ khánh thành các công trình công cộng để phục vụ xã hội. Chúa Giêsu nói:  Những người làm như vậy họ đã được thưởng công rồi.

Mt 6:3-4:  Cách bố thí
Cách đúng khi làm việc bố thí là:  “Các con làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm!”  Nói cách khác, chúng ta phải bố thí theo cách mà thậm chí ngay chính bản thân chúng ta cảm thấy rằng việc thiện tôi đang làm không xứng đáng được Chúa thưởng công và lời khen ngợi từ người ta.  Bố thí là một nghĩa vụ.  Đó là việc chia sẻ những gì tôi có với những người không có gì.  Trong một gia đình, tất cả đều là của chung.  Chúa Giêsu khen ngợi việc làm của người đàn bà góa nghèo, bà đã cho đi tất cả những gì bà có để nuôi sống mình (Mc 12:44).

Mt 6:5:  Cách không nên khi cầu nguyện
Nói về cách cầu nguyện sai, Chúa Giêsu đề cập đến một số phong tục và tập quán kỳ lạ trong thời của Người.  Khi tiếng kèn loa thổi vang vào giờ cầu nguyện buổi sáng, buổi trưa và chiều tối, có những người tìm cách để ra được giữa đường cầu nguyện một cách long trọng với hai tay dang rộng ra để cho mọi người trông thấy và do đó được coi là những người đạo đức.  Còn những kẻ khác thì đã phô trương một cách quá mức trong hội đường để tạo sự chú ý của cộng đoàn.

Mt 6:6:  Cách cầu nguyện
Vì vậy, để không có nghi ngờ, Chúa Giêsu hết sức nhấn mạnh cách thức cầu nguyện.  Người nói rằng chúng ta phải cầu nguyện nơi chỗ riêng tư, chỉ hiện diện trước mặt Chúa Cha.  Không một ai sẽ nhìn thấy bạn.  Có thể trước mặt những người khác, thậm chí bạn có thể có vẻ như là một người không hề cầu nguyện.  Điều này không thành vấn đề!  Ngay cả với Chúa Giêsu, người ta đã bàn tán:  “Ông ấy không phải là Thiên Chúa!”  Đó là bởi vì Chúa Giêsu thường cầu nguyện vào ban đêm và không quan tâm đến những gì người ta đã nghĩ về Người.  Điều đáng nói là người cầu nguyện phải có một tâm hồn bình an và biết rằng Thiên Chúa là Cha Đấng chào đón tôi, không phải vì những gì tôi đã làm cho Thiên Chúa hay là vì lòng tự mãn mà trong thực tế tôi đi tìm chỉ vì những người khác đánh giá tôi là một người đạo đức và sốt sắng cầu nguyện.

Mt 6:16:  Cách không nên khi ăn chay
Chúa Giêsu chỉ trích những cách ăn chay sai trái.  Có những người làm ra vẻ thiểu não ủ dột, mặt mũi lem luốc, quần áo tả tơi, tóc tai rối bù, để cho tất cả mọi người có thể trông thấy họ đang ăn chay một cách hoàn hảo.

Mt 6:17-18:  Cách ăn chay
Chúa Giêsu thì đề nghị ngược lại:  Khi các con ăn chay, hãy xức dầu thơm lên đầu, rửa mặt, để thiên hạ không biết các con ăn chay, chỉ tỏ ra cho Cha các con là Đấng ngự trên trời.
Như chúng ta đã đề cập trước đó, đó là phương cách mới để tìm đến trái tim của Thiên Chúa đang mở rộng trước mắt của chúng ta.  Vì sự bình an trong tâm hồn chúng ta, Chúa Giêsu không đòi hỏi chúng ta làm những gì cho Thiên Chúa, nhưng những gì Thiên Chúa làm cho chúng ta.  Bố thí, cầu nguyện và ăn chay không phải là những phương tiện dùng để mua chuộc ân huệ của Thiên Chúa, mà là sự đáp trả của chúng ta về lòng biết ơn đối với tình yêu đã được nhận lãnh và cảm nghiệm.   

c)  Phần phụ chú:

 i)  Bối cảnh Tin Mừng của thánh Mátthêu

Phúc Âm của thánh sử Mátthêu được viết cho cộng đoàn người Do Thái cải đạo là những người đang sống trong một cuộc khủng hoảng sâu xa về lai lịch trong quan hệ với quá khứ của họ.  Sau khi họ cải đạo thành những Kitô hữu, họ đã tiếp tục sống theo những truyền thống cũ và thường xuyên đi đến các hội đường cùng với thân nhân và bạn bè của họ, y như trước đây.  Nhưng họ phải chịu đựng những áp lực mạnh mẽ từ những người bạn Do Thái của họ là những người đã không chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu ThếMối căng thẳng này ngày càng gia tăng sau năm 70 sau Công Nguyên.  Vào năm 66, khi cuộc nổi dậy của người Do Thái chống lại đế quốc La-Mã bùng nổ, hai nhóm người từ chối tham gia, những người Biệt Phái và các Kitô hữu gốc Do Thái.  Cả hai nhóm đều cho rằng chống lại đế quốc La-Mã không có gì liên quan đến sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế, như một số người đã nghĩ.  Sau khi thành thánh Giêrusalem bị tàn phá bởi người La-Mã vào năm 70, tất cả các nhóm người Do Thái khác biến mất.  Chỉ còn lại nhóm người Biệt Phái và Kitô hữu Do Thái.  Cả hai nhóm đều tuyên bố họ là những người thừa kế lời hứa của các tiên tri, và vì thế, sự căng thẳng càng gia tăng giữa những người anh em, chỉ vì vấn đề thừa kế.  Nhóm Bit Phái tái tổ chức những người còn lại và có một thái độ mạnh mẽ hơn bao giờ hết đối với người Kitô hữu, những người mà cuối cùng đã bị tuyệt thông khỏi các hội đường Do Thái.  Sự tuyệt thông này đã nhen nhúm lại toàn bộ vấn đề về lai lịch.  Bấy giờ những Kitô hữu đã hoàn toàn chính thức bị tách lìa khỏi dân tộc của lời Chúa hứa.  Họ không còn có thể vãng lai đến các hội đường và các giáo sĩ Do Thái của họ nữa.  Và họ tự hỏi:  Ai thực sự chính là dân riêng của Chúa?  Họhay chúng ta?  Chúa đang đứng về phe nào đây?  Chúa Giêsu có thật là Đấng Cứu Thế không?
 thế, thánh Mátthêu viết sách Tin Mừng của ông với mục đích:  (1) cho nhóm các Kitô hữu này, như là một Tin Mừng của sự ủi an cho những người đã bị vạ tuyệt thông và đàn áp bởi người Do Thái; giúp họ vượt qua những vết thương lòng vì chia lìa; (2) như là một Tin Mừng của sự mặc khải, cho thấy rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế đích thực, ông Môisen mới, Đấng làm viên mãn những lời hứa; (3) như là một Tin Mừng của việc thực hành mới, chỉ cho thấy họ phải đạt được sự công chính đích thực, cao cả hơn sự công chính của những người Biệt Phái.

ii)  Chìa khóa về Bài Giảng Trên Núi

Bài Giảng Trên Núi là bài giảng đầu tiên của năm bài giảng trong Tin Mừng của thánh Mátthêu.  Nó mô tả các điều kiện để cho một người được phép vào Nước Thiên Chúa:  lối vào, cách đọc mới về lề luật, cách nhìn mới và sự thực hành mới về việc làm phúc đức; cách sống mới trong cộng đoàn.  Nói tóm lại, trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu thông tri lối nhìn mới về những việc của đời sống và Nước Trời. Sau đây là phần phân đoạn để giúp như một chìa khóa cho bài đọc:
Mt 5:1-16:   Lối vào
Mt 5: 1-11:  Tám Mối Phúc Thật giúp chúng ta thấy Nước Trời đã hiện hữu ở đâu (thánh Mátthêu sống giữa những người nghèo khổ và bị bách hại) và sắp hiện hữu ở đâu (thánh Mátthêu sống ở giữa sáu nhóm người kia).
Mt 5: 12-16:  Chúa Giêsu nói những lời an ủi đến các môn đệ và báo trước:  bất cứ ai sống theo Tám Mối Phúc Thật thì sẽ bị bách hại (Mt: 5:11-12), nhưng cuộc sống của người ấy sẽ có ý nghĩa bởi vì họ sẽ là muối cho đời (Mt 5:13) và là ánh sáng cho thế gian (Mt 5:14-16).
Mt 5:17 đến 6:18:  Mối quan hệ mới với Thiên Chúa:  Nền Công Chính mới
Mt 5:17-48:  Sự công chính mới phải cao cả hơn sự công chinh của những người Biệt Phái
Chúa Giêsu căn bản hóa lề luật, đó là, Người mang nó trở lại cội nguồn của nó, với mục đích chính và tối hậu của nó là phục vụ sự sống, công lý, tình yêu, và chân lý.  Những giới răn của lề luật chỉ ra một cách sống mới, mà người Biệt Phái đã né tránh (Mt 5:17-20).
Chúa Giêsu lập tức trình bày những ví dụ khác nhau về cách phải hiểu như thế nào về những giới răn của Lề Luật Thiên Chúa đã được ban cho ông Môisen:  Các con đã nghe người xưa dạy rằng, còn Ta, Ta bảo các con (Mt 5:21-48)
Mt 6:1-18:  Sự công chính mới không phải là để mong muốn sự ban thưởng hay trả công (Đầy là phần Tin Mừng của Thứ Tư Lễ Tro này).
Mt 6:19-34:  Mối quan hệ mới với của cải thế gian:  một cái nhìn mới về sự sáng tạo
Chúa Giêsu đến để hiểu thấu những nhu cầu chính của đời sống:  của ăn, áo mặc, nhà cửa, và sức khỏe.  Đây là phần của đời sống đã gây lo lắng nhất cho người ta.  Chúa Giêsu dạy cách làm thế nàoliên quan đến của cải vật chất và đến sự giàu có ở thế gian: đừng tích trữ kho tàng ở dưới đất (Mt 6:19-21), đừng nhìn thế gian với đôi mắt u buồn (Mt 6:22-23), đừng vừa làm tôi Thiên Chúa và vừa làm tôi tiền của cùng một lúc (Mt 6:24), đừng lo lắng về thức ăn và đồ uống (Mt 6:23-24).
Mt 7:1-29:  Mối quan hệ mới với mọi người:  một đời sống mới trong cộng đoàn
Đừng tìm kiếm cái rác trong mắt của người anh em (Mt 7:1-5); chớ liệng ngọc trai cho heo (Mt 7:6); đừng ngần ngại cầu xin Thiên Chúa điều gì (Mt 7:7-11); tuân giữ khuôn vàng thước ngọc (Mt 7:12); hãy tìm con đường hẹp và khó khăn (Mt 7:13-14); hãy coi chừng các tiên tri giả (Mt 7:15-20); đừng chỉ nói suông mà hãy làm (Mt 7:21-23); cộng đoàn được xây dựng trên những nguyên tắc này sẽ đứng vững dù cho gió bão có lùa vào (Mt 7:24-27).  Kết quả của những lời này là một nhận thức mới về chân dung của các vị kinh sư và luật sĩ (Mt 7:28-29).     

 6.  Cầu Nguyện bằng Thánh Vịnh:  Thánh Vịnh 40 (39): 

Công bố nền công chính tuyệt vời của Thiên Chúa
Tôi đã hết lòng trông đợi CHÚA,
Người nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu.
Người kéo tôi ra khỏi hố diệt vong,
khỏi vũng lầy nhơ nhớp,
đặt chân tôi đứng trên tảng đá,
làm cho tôi bước đi vững vàng.
Chúa cho miệng tôi hát bài ca mới,
bài ca tụng Thiên Chúa chúng ta.
Thấy thế, nhiều người sẽ kính sợ
và tin tưởng vào CHÚA.

Phúc thay người đặt tin tưởng nơi CHÚA,
chẳng vào hùa với bọn kiêu căng
và những kẻ theo đường gian ác.
Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ,
những kỳ công Ngài đã thực hiện
và những điều Ngài dự định cho chúng con:
thật là nhiều vô kể!
Không một ai sánh được như Ngài.
Dầu con muốn loan đi kể lại,
nhưng quá nhiều, đếm nổi làm sao!

Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật,
nhưng đã mở tai con;
lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi,
con liền thưa: "Này con xin đến!
Trong sách có lời chép về con
rằng: con thích làm theo thánh ý,
và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con."

Đức công chính của Ngài,
con loan truyền giữa lòng đại hội;
lạy CHÚA, Ngài từng biết: con đâu có ngậm miệng làm thinh.
Đức công chính của Ngài,
con chẳng giữ riêng lòng mình biết;
nhưng con đã nói lên đức trung tín và ơn cứu độ của Ngài,
chẳng giấu diếm chi cùng đại hội
rằng Ngài thành tín và yêu thương.

Phần Ngài, muôn lạy CHÚA,
xin chớ ngừng âu yếm cảm thương con.
Lòng thành tín và yêu thương của Ngài sẽ giữ gìn con mãi.
Tai họa bủa vây con hằng hà sa số,
tội ác con đổ xuống trên mình, làm tối tăm mặt mũi,
thật nhiều hơn cả tóc trên đầu, khiến rụng rời tâm trí.
Lạy CHÚA, xin thương tình cứu con,
Muôn lạy CHÚA, xin mau phù trợ!
Ước gì những kẻ tìm cướp mạng sống con,
đều phải nhơ nhuốc thẹn thùng!
Ước gì bọn đắc chí vì con mắc họa
phải tháo lui nhục nhã!
Những đứa cười ha hả nhạo con
phải thẹn thùng chết điếng!
Ước chi mọi kẻ tìm kiếm Chúa,
đều mừng vui hoan hỷ trong Ngài!
Và những ai cảm mến ơn Ngài tế độ
luôn nói rằng: "ĐỨC CHÚA vĩ đại thay!"
Thân phận con khốn khổ nghèo hèn,
nhưng Chúa hằng nghĩ tới.
Ngài là Đấng phù trợ, là Đấng giải thoát con,
lạy Thiên Chúa con thờ, xin đừng trì hoãn!
 
7.  Lời nguyện kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa vì những Lời của Chúa đã trao ban để giúp chúng con có thể hiểu cặn kẽ hơn Thánh ý của Chúa Cha.  Nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho những việc chúng con đang làm và ban cho chúng con sức mạnh để chúng con có thể thực hành những Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Chúng con nguyện xin được giống như Đức Maria, mẹ Người, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.
www.dongcatminh.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét