Trang

Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

TRƯỚC MẶT THIÊN CHÚA TẤT CẢ ĐỀU MAU QUA!

TRƯỚC MẶT THIÊN CHÚA TẤT CẢ ĐỀU MAU QUA!

... Chứng từ hoán cải và cuộc sống Đức Tin hiện nay của ông Laurent Landete với tựa đề: ”Lời chúc tụng phải xuyên qua trũng sâu các vết thương của chúng ta” .. Ông Laurent là y tá và là người điều hợp Cộng Đoàn Emmanuel. Ông lập gia đình và có 6 đứa con. Cùng với hiền thê ông đã trải qua một thử thách cam go: hai đứa con đầu một trai một gái mắc một chứng bệnh di truyền không thể chữa trị được. Xin nhường lời cho ông Laurent Landete.

Thánh Linh biết gởi đến chúng ta một ”cái chớp mắt” đúng thời đúng lúc! Tôi lớn lên trong một gia đình Công Giáo không đạo đức lắm. Tuổi dậy-thì tôi bỏ rơi ngay việc học giáo lý. Năm 20 tuổi tôi có mặt tại Trung Tâm Thánh Mẫu Lộ-Đức nhân chuyến hành hương với các người tàn tật. Tôi tháp tùng một bạn trẻ mắc chứng trướng-cơ. Chúng tôi đồng tuổi nhau. Tôi chăm chú nhìn anh sống. Tôi xúc động trước nét hiền dịu Đức Tin và lòng thương cảm của anh. Một buổi sáng lúc chúng tôi đang ở trước Hang Đá Lộ-Đức tôi tình cờ bắt gặp ánh nhìn anh trao đổi với một bạn trẻ khuyết tật khác. Cách thức anh đưa mắt nhìn người bạn cùng mang chứng bệnh giống anh đã thật sự làm tôi bồi hồi thổn thức. Tôi tự nhủ nếu có một tình yêu như thế hiện diện ngay giữa lòng các khổ đau thì hẳn phải được một sức mạnh cao cả điều động. Trong thoáng giây, tôi tức khắc tin nơi THIÊN CHÚA. Đức Chúa GIÊSU KITÔ trở thành ”Người sống động” đối với tôi.

Từ Lộ-Đức trở về với nhiệt huyết bừng cháy, tôi vội vã trở lại nhà thờ tham dự Thánh Lễ. Tôi sung sướng khám phá hương vị Thánh Thể. Tôi tham dự Thánh Lễ mỗi Chúa Nhật nhưng rồi có cái gì đó khiến lòng tôi buồn vô hạn. Tôi là một trong số rất ít bạn trẻ có mặt và không ai thèm đến chào thăm tôi trước hoặc sau Thánh Lễ! Tôi thấy cộng đoàn sao có vẽ nghiêm khắc và buồn bã quá. Thế là một lời cầu thốt lên từ môi miệng tôi:
- Lạy Chúa, nếu Chúa muốn con tiếp tục cuộc hành trình trong Đức Tin, xin làm cho con gặp được những tín hữu vui tươi!

Chỉ vài ngày sau, tôi gặp các bạn trẻ vui vẻ hát xướng nơi một góc đường ở thành phố Bordeaux (Tây Nam nước Pháp). Tôi dừng lại và một thiếu nữ đến gần để nói chuyện. Cô giải thích cho tôi biết đây là Nhóm Cầu Nguyện của Cộng Đoàn Emmanuel, vừa thành hình tại Bordeaux. Tôi bỗng nhận ra nơi họ điều tôi đang tìm kiếm:
- Một tình huynh đệ vui tươi, một niềm khao khát hưởng nếm Lời Chúa, một lời cầu nguyện đơn sơ, nhạy cảm và nồng cháy ..

Cuộc gặp gỡ quan phòng trên đây đưa tôi vào một đà tiến mới, nối kết lại với Đức Tin và gặp được Christel người sẽ trở thành hiền thê tôi. Chúng tôi làm đám cưới và những đứa con thân thương báo hiệu chào đời. Tôi bắt đầu hành nghề y tá với trọn đam mê. Ơn gọi y tá có lẽ nẩy sinh từ Lộ-Đức.

Gia đình chúng tôi bơi lội trong hạnh phúc. Thế nhưng cuộc đời đôi lúc lại mượn những con đường quanh co uốn khúc. Vài năm sau, khi chúng tôi đang đợi đứa con thứ ba thì trong một cuộc khám sức khoẻ thông thường người ta khám phá ra đứa con trai đầu và em gái nó mắc một chứng di truyền không thể chữa trị được. Một cú sét kinh hoàng nổ tung trên bầu trời trong xanh quang đãng của đôi vợ chồng trẻ! Bé trai đầu 15 tháng và bé gái 4 tháng.

Cả hai chúng tôi chìm ngập trong đau thương với những câu hỏi thảng thốt dồn dập kêu lên:
- Tại sao, tại sao chúng nó??? Tại sao, tại sao chúng tôi???

Đức Tin trong lúc này mang bộ mặt nhân bản, lảo đảo muốn té, với những đêm trường mất ngủ đắng cay. Rồi chúng tôi đọc sách Ông Gióp, than thở lời Thánh Vịnh:
- Lậy Chúa chúng con, sao Chúa bỏ rơi chúng con?

Một hôm bé gái chúng tôi phải qua một cuộc khám nghiệm đau đớn nơi nhà thương. Tôi bị căng thẳng tột độ. Vị bác sĩ liền đề nghị tôi nên ra khỏi phòng. Tôi đi thẳng xuống nhà nguyện. Nơi đây tôi trông thấy một cặp vợ chồng thuộc cộng đoàn Emmanuel đang có mặt. Họ cho biết họ đến đây vì chúng tôi.

Cử chỉ tế nhị kín đáo này khiến lòng tôi bâng khuâng xao xuyến. Tôi bỗng ý thức kho tàng quý giá của tình huynh đệ Kitô. Chính ngày hôm ấy, cùng với hiền thê, chúng tôi thề hứa sẽ cắm sâu hơn trong Cộng Đoàn. Chúng tôi khám phá ra tình huynh đệ trợ giúp biết bao, đặc biệt trong những tình huống tuyệt vọng. Người ta không thể tự cứu mình. Cần phải có ai đó đưa tay ra giúp và THIÊN CHÚA cứu vớt qua cánh tay ấy!

Chúng tôi bám vào Lời Chúa như bám vào chiếc phao. Chúng tôi đọc Phúc Âm và ngỡ ngàng khám phá ra Lời Chúa nâng dậy, thoa dịu và trao một ”viễn tượng” cho đau khổ. Tôi không nói ”ý nghĩa”. Bởi vì đau khổ là ngu đần. Tôi thích dùng từ ”viễn tượng” để gợi lên chân trời Phục Sinh. Với Đức Chúa GIÊSU KITÔ trên Thánh Giá, tôi khám phá ra mọi khối đá chắn mồ, đều có thể, một ngày kia bị đẩy qua một bên bởi một thiên thần. Nghĩa là bởi các người được THIÊN CHÚA gởi đến. Họ là những anh chị em của chúng ta mà nhờ một tác động, một cử chỉ, một nụ cười, một cú điện thoại có thể giúp chúng ta đứng vững và tìm kiếm một con đường sống.

Khi chúng tôi nhận tin hai đứa con đầu mắc một chứng bệnh di truyền không chữa trị được, chúng tôi đang đợi đứa con thứ ba. Hiện tại chúng tôi có tất cả 6 đứa con. Nói thế để quý vị có thể tưởng tượng những áp lực - bắt đầu từ giới y khoa - muốn chúng tôi từ bỏ ý định sinh thêm những đứa con khác. Bởi vì, rất có thể, những đứa con đó sẽ mang cùng chứng bệnh di truyền. Đúng là một dằn co xé rách ruột gan. Mãi cho đến khi chúng tôi làm một cuộc hành hương đến Iles-Bouchard một thị xã nhỏ của Indre-et-Loire nằm không xa thành phố Tours ở miền Trung nước Pháp. Đây là nơi Đức Mẹ MARIA đã hiện ra vào năm 1947 với 4 trẻ gái và hứa ban hạnh phúc trong các gia đình.

Cuộc hành hương nhằm mục đích dành thời giờ phân định cân nhắc giữa - CÓ và KHÔNG - sinh thêm những đứa con khác??? Sứ Điệp Đức Mẹ MARIA hứa hạnh phúc cho các gia đình gợi lên trong chúng tôi một cảm giác ”giảm giá” bởi lẽ thật khó nói đến hạnh phúc trong hoàn cảnh của chúng tôi! Nhưng chúng tôi quyết định giữ vững lòng tin tưởng.

Thế rồi vào ngày thứ nhất của cuộc hành hương tôi bắt gặp câu này trong sách tiên tri Ézéchiel: ”Đừng làm cho dân ngươi thiếu con cái”. Ban đầu tôi không hiểu câu này có liên quan gì đến tôi. Vài ngày sau, hiền thê tôi lại rơi đúng vào câu đó như tôi. Chúng tôi thật xao xuyến nhưng rồi cảm thấy thật an bình. Chính ngày hôm ấy chúng tôi hiểu là chúng tôi có thể chọn sự sống. Chúng tôi chọn tiếp nhận sự sống - dưới bất cứ hình thức nào - ngay cả khi là tật nguyền. Ngay cả bề ngoài xem ra bị ”bầm dập”. Mỗi một sự sống đều đáng trân trọng. Và đó là con đường chúng tôi đi.

Có người hỏi có bao giờ chúng tôi xin ơn lành bệnh cho các con? Tôi trả lời ngay: ”Sao lại không!”. Và làm thế nào để có thể sống với cảm giác là lời cầu nguyện không được lắng nghe? Đúng thật là một mầu nhiệm. Tôi từng trông thấy những người bệnh được chữa lành. Nhưng đa số thì không được may mắn như thế. Nhưng chúng tôi xác tín rằng THIÊN CHÚA không bỏ rơi con cái Người. Người ban ơn đúng thời đúng lúc tùy theo thánh ý Người. Người luôn ban những gì là thiện ích là tốt lành nhất cho chúng ta.

... ”Học trước đã rồi hãy nói sau; để ngừa bệnh, con hãy uống thuốc. Trước khi xét đoán, hãy tự kiểm điểm, thì trong giờ Chúa đến viếng thăm, con sẽ được khoan hồng. Để khỏi mang bệnh, con hãy hạ mình xuống, trong lúc ốm đau vì tội lỗi, con hãy tỏ lòng ăn năn. Hãy giữ lời khấn hứa đúng thời, đừng chậm trễ, chớ đợi đến giờ lâm chung mới ăn ở liêm chính. Trước khi khấn hứa, con hãy lo dọn mình; đừng làm như người thử thách THIÊN CHÚA. Hãy nhớđến cơn thịnh nộ trong những ngày cuối cùng, đến giờ báo oán, khi Người ngoảnh mặt đi. Hãy nhớ đến thời đói kém, khi con dư dật; khi giàu có, hãy nhớđến cơn nghèo khổ và nỗi khốn cùng. Từ sáng sớm tới chiều tà, thời gian thay đổi; trước mặt THIÊN CHÚA, tất cả đều mau qua. Người khôn ngoan thì thận trọng trong mọi sự, và giữ mình khỏi lầm lỡ trong ngày tội lỗi hoành hành. Ai thông minh thì biết khôn ngoan, và ca tụng kẻ tìm được khôn ngoan. Những người thạo ăn nói, chính họ cũng trau dồi khôn ngoan, và nhả ngọc phun châu thành những câu ngạn ngữ tuyệt vời” (Sách Huấn Ca 18,19-29).

(”Prier”, l'aventure spirituelle, n.360, Avril 2014)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét