17/04/2015
Thứ Sáu sau Chúa Nhật
II Phục Sinh
Bài
Ðọc I: Cv 5, 34-42
"Các
ngài hân hoan ra về, vì thấy mình xứng đáng chịu sỉ nhục vì danh Ðức
Giêsu".
Trích
sách Tông đồ Công vụ.
Bấy
giờ, có người biệt phái tên là Gamaliel, cũng là luật sĩ, có thế giá trong dân,
đứng lên giữa công nghị, truyền dẫn các tông đồ ra ngoài trong giây lát, rồi
nói với các người trong công nghị rằng: "Hỡi chư vị Israel, xin hãy thận
trọng về việc chư vị định làm đối với những người này. Vì trước đây ít ngày, có
tên Thêôđa nổi lên, tự xưng là một nhân vật, có độ bốn trăm người theo mình, y
đã bị giết, và nhóm người theo y đều tan rã và không còn gì nữa. Sau y, lại có
tên Giuđa người Galilêa, cũng nổi lên trong những ngày kiểm tra dân số, lôi kéo
dân chúng theo mình, rồi chính hắn cũng chết, mọi kẻ theo hắn đều tan rã. Và
bây giờ, tôi xin chư vị đừng can dự gì đến những người này, cứ để mặc họ: vì nếu
một mưu toan hay việc này là do loài người, thì sẽ tự tan rã; nhược bằng bởi
Thiên Chúa, thì chư vị không thể phá tan được, kẻo lỡ ra mang tội chống đối
Thiên Chúa". Họ đồng ý. Họ cho gọi các tông đồ vào, ra lệnh đánh đòn các
ngài, và cấm tuyệt đối không được nhân danh Ðức Giêsu mà giảng dạy nữa, đoạn
tha các ngài về. Vậy các ngài ra khỏi công nghị, lòng hân hoan, vì thấy mình xứng
đáng chịu sỉ nhục vì Danh Ðức Giêsu. Và hằng ngày, tại đền thờ hay tại tư gia,
các ngài cứ tiếp tục giảng dạy, và loan truyền Tin Mừng Ðức Giêsu Kitô.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 26, 1. 4. 13-14
Ðáp: Có một điều
tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt
đời tôi (c. 4ab).
Hoặc
đọc: Alleluia.
Xướng:
1) Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời
tôi, tôi sợ gì ai? - Ðáp.
2)
Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong
nhà Chúa suốt đời tôi, hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh
điện của Ngài. - Ðáp.
3)
Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh.
Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa. -
Ðáp.
Alleluia:
Cl 3, 1
Alleluia,
alleluia! - Nếu anh em sống lại làm một với Ðức Kitô, thì anh em hãy kiếm những
sự cao siêu trên trời, nơi Ðức Kitô, đang ngự bên hữu Thiên Chúa. - Alleluia.
Phúc
Âm: Ga 6, 1-15
"Người
phân phát cho các kẻ ngồi ăn, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi
ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. Có đám đông
dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật.
Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lễ Vượt Qua là đại lễ của người
Do-thái đã gần tới. Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến
với Người. Người hỏi Philipphê: "Ta mua đâu được bánh cho những người này
ăn?" Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp
làm. Philipphê thưa: "Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một
chút".
Một
trong những môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng:
"Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy
nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người". Chúa Giêsu nói: "Cứ bảo
người ta ngồi xuống". Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông
độ năm ngàn. Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh và khi đã tạ ơn, Người phân phát
cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích.
Khi họ đã no nê, Người bảo các môn đệ: "Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo
phí đi". Họ thu lại mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch
người ta đã ăn mà còn dư.
Thấy
phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: "Thật ông này là Ðấng
Tiên tri phải đến trong thế gian". Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến
bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình.
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm: Đấng cứu rỗi thế gian
Phép
lạ bánh và cá được hóa ra nhiều là phép lạ duy nhất được tường thuật trong cả bốn
Phúc Âm. Ðiều này chứng minh cho chúng ta biết tầm quan trọng của dấu lạ này
trong toàn bộ giáo huấn của Chúa Giêsu, cũng như trong sinh hoạt của cộng đoàn
Kitô tiên khởi thời các tông đồ. Những người Kitô đầu tiên thường dùng dấu hiệu
bánh và cá để nói lên niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Ðấng cứu rỗi
thế gian, và là của ăn ban sự sống đời đời. Chúa Giêsu sẽ giải thích điểm này rộng
rãi hơn trong bài giảng tiếp sau biến cố phép lạ bánh và cá được hóa ra nhiều.
Chúng ta sẽ lần lượt suy niệm về những lời giảng dạy này trong những ngày tới.
Trong
những phút suy niệm hôm nay, chúng ta hãy chú ý đến thái độ của dân chúng đối với
dấu lạ Chúa thực hiện. Có thể nói rằng dân chúng đã hiểu lầm ý định của Chúa
Giêsu. Nói cách khác, chúng ta có thể nói rằng dân chúng đã trần tục hóa biến cố,
họ hiểu biến cố trong lăng kính vụ lợi vật chất cho bản thân. Phúc Âm theo
thánh Gioan ghi lại chi tiết này: "Sau biến cố, dân chúng muốn bắt Chúa đi
mà tôn lên làm vua", có lẽ để tiếp tục phục vụ cho những lợi lộc vật chất,
cho những tham vọng của họ. Thay vì biến đổi con người mình trở nên sẵn sàng
hơn để lắng nghe sứ điệp của Chúa muốn nói với họ. Hãy cố gắng để được ăn của
ăn không hư nát, để được sống đời đời, thì dân chúng lại giới hạn dấu lạ trong
chiều kích trần tục của cơm bánh để nuôi sống thể xác mà thôi. Ðây có thể nói
là một trong những cám dỗ thường hằng của con người qua mọi thời đại, cám dỗ bắt
buộc Thiên Chúa phải và chỉ phục vụ cho những nhu cầu vật chất trần tục mà
thôi.
Lạy
Chúa, xin giải thoát con khỏi làm nô lệ cho những tham vọng trần tục. Chúa vẫn
luôn tiếp tục thực hiện những dấu lạ trong đời sống của con, để mời gọi con
luôn nâng tâm hồn lên mà nhìn nhận và tôn vinh Chúa hằng ngày. Xin cho con được
luôn sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa dạy và sống thực hành trong mọi hoàn cảnh. Xin
cho con biết đến gặp Chúa trong bí tích Thánh Thể để được Chúa soi sáng và bổ
dưỡng thêm sức mạnh và chu toàn trọn vẹn hơn sứ mạng Chúa đã trao phó cho con.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần II PS
Bài đọc: Acts 5:34-42; Jn
6:1-15.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nếu quả thật là
việc do Thiên Chúa, quý vị không thể nào phá huỷ được.
Thời
gian là một trong những yếu tố quan trọng để xác định điều gì là thật. Một vài
ví dụ sẽ chứng tỏ điều này: cần thời gian để biết chiếc đồng hồ đeo tay làm ở
Thụy-sĩ hay ở Trung-hoa;
cần
thời gian để biết đâu là tình yêu chân thật và tình yêu qua đường; cần thời
gian để biết đạo nào là đạo thật. Thông thường, khi muốn dẹp loạn, người ta chỉ
cần giết người cầm đầu, như Chúa Giêsu cũng đã nhận định: “Họ sẽ đánh chủ chăn
và đàn chiên sẽ tan tác.” Nhưng đã hơn 2,000 năm qua, mặc dù người ta đã giết Đức
Kitô; nhưng đàn chiên của Kitô giáo đã không tan tác, mà còn phát triển thêm
dân số mỗi ngày. Sự hiện hữu của Kitô Giáo cho đến ngày nay là một bằng chứng
hùng hồn nữa cho sự phục sinh của Đức Kitô: Ngài vẫn đang hoạt động trong Giáo
Hội.
Các
Bài Đọc hôm nay muốn chứng minh uy quyền của Thiên Chúa: khi Ngài muốn, Ngài sẽ
hoàn thành; không một khó khăn hay quyền lực nào có thể ngăn cản ý định của
Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, kinh-sư Gamaliel đề nghị Thượng Hội Đồng hãy cẩn
thận trong việc bắt bớ các môn đệ của Thiên Chúa. Theo kinh nghiệm của ông, hãy
cứ để cho thời gian gạn lọc: nếu đó không phải là việc của Thiên Chúa, sớm muộn
gì rồi điều đó cũng tan; nhưng nếu việc đó do ý định của Thiên Chúa, quý vị
không thể nào phá huỷ được. Trong Phúc Âm, khi Chúa Giêsu muốn nuôi dân, Ngài
tìm cách cho dân có của ăn, mặc dù các tông đồ đưa ra những khó khăn. Khi Ngài
không muốn dân chúng tôn làm vua, Ngài đi lên núi một mình.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Hãy để cho thời gian gạn lọc sự sai trái.
1.1/
Thái độ khôn ngoan của ông Gamaliel: Ông là một người Pharisee được toàn dân kính trọng
và là Thầy của thánh Phaolô trước khi trở lại (Acts 22:3). Ông truyền đưa các
Tông-đồ ra ngoài một lát, và ông trình bày ý kiến với Thượng Hội Đồng:
"Thưa quý vị là người Israel, xin quý vị coi chừng điều quý vị sắp làm cho
những người này: Thời gian trước đây, có Theudas nổi lên, xưng mình là một nhân
vật quan trọng và kết nạp được khoảng bốn trăm người; ông ta đã bị giết, và mọi
kẻ theo ông cũng tan rã, không còn gì hết. Sau ông, có Judah người Galilee nổi
lên vào thời kiểm tra dân số, và lôi cuốn dân đi với mình; cả ông này cũng bị
diệt, và tất cả những người theo ông ta đều bị tan tác. Vậy giờ đây, tôi xin
nói với quý vị: hãy để mặc những người này. Cứ cho họ về, vì nếu ý định hay
công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá huỷ; còn nếu quả thật là do Thiên
Chúa, thì quý vị không thể nào phá huỷ được; không khéo quý vị lại thành những
kẻ chống Thiên Chúa." Họ tán thành ý kiến của ông vì đây là một ý kiến
khôn ngoan dựa trên kinh nghiệm và lịch sử.
1.2/
Các Tông-đồ tiếp tục làm chứng cho Chúa Giêsu: Tuy đã tán thành ý kiến của ông
Gamaliel, Thượng Hội Đồng vẫn dùng sức mạnh để dọa nạt các Tông-đồ. Họ cho gọi
các ông lại mà đánh đòn và cấm các ông không được nói đến danh Đức Giêsu, rồi
thả các ông ra.
Các
Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu
khổ nhục vì danh Đức Giêsu. Mỗi ngày, trong Đền Thờ và tại tư gia, các ông
không ngừng giảng dạy và loan báo Tin Mừng về Đức Giêsu Kitô.
2/
Phúc Âm:
“Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi.”
2.1/
Chúa Giêsu muốn nuôi ăn dân chúng: Đức Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lúc ấy,
sắp đến Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái. Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn
thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philíp: "Ta mua đâu ra
bánh cho họ ăn đây?"
(1)
Các môn đệ muốn Chúa thay đổi ý định: Có lẽ các ông quan niệm Chúa Giêsu cũng
giống như một Rabbi, chỉ có bổn phận lo dạy dỗ và cắt nghĩa Lề Luật cho dân
chúng, chứ không có bổn phận phải cho dân chúng ăn.
-
Ông Philíp nại lý do không có tiền: "Thưa Thầy, có mua đến hai trăm quan
tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút."
-
Ông Anrê, anh ông Simon Phêrô, nại lý do không đủ thực phẩm: "Ở đây có một
em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm
vào đâu!"
(2)
Chúa Giêsu biết những gì Ngài sắp làm: Tuy gặp sự can ngăn của các Tông-đồ và nỗi
khó khăn phải tìm lương thực trong nơi hoang dã, Chúa Giêsu vẫn bảo các ông:
"Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi." Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta
ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Ngài dùng uy quyền làm
bánh hóa ra nhiều: “Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho
những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu
tuỳ ý.”
Khi
họ đã ăn no nê rồi, Người bảo các môn đệ: "Anh em thu lại những miếng thừa
kẻo phí đi." Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch
người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng.
Đây
là hình ảnh của Bí-tích Thánh Thể trong Tin Mừng Gioan, tuy Gioan không tường
thuật sự kiện Chúa Giêsu lập BT Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly, nhưng Gioan dùng
công thức truyền phép và diễn từ về sự quan trọng của Bí-tích này trong Chương
6. Chúa Giêsu muốn lập Bí-tích Thánh Thể để ở lại và cho dân chúng ăn Ngài mỗi
ngày. Giống như thái độ của các Tông-đồ, con người ở mọi thời tiếp tục cho đây
là điều không thể, hay chỉ là biểu tượng …, và nghi ngờ sự hiện diện đích thực
của Chúa trong Bí-tích. Họ quên đi rằng: chẳng có gì là không thể đối với Thiên
Chúa; một khi Ngài muốn, Ngài sẽ có cách để thực hiện.
2.1/
Dân chúng muốn tôn Chúa Giêsu làm vua: Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm, họ nói: "Hẳn
ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!" Lý do họ muốn tôn Ngài làm
vua là để Ngài lo cho họ có bánh ăn; nhưng Chúa Giêsu muốn họ phải làm mới có
bánh ăn. Khi Ngài cho họ ăn, Ngài không chỉ nuôi dưỡng phần xác; nhưng còn tăng
nghị lực cho phần hồn của họ, để họ có sức mạnh vượt qua những khó khăn trong
cuộc sống.
Khi
Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, Người lánh mặt và đi
lên núi một mình. Ngài không muốn làm vua họ như một ông vua thế gian vì họ đã
có rồi; Ngài chỉ muốn làm vua trong tâm hồn của họ và trên Nước Trời.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Khi làm việc tông đồ mà gặp khó khăn, chúng ta cần tin tưởng: “Nếu quả thật là
việc do Thiên Chúa, không ai có thể phá huỷ được.” Nói cách khác: nếu là việc
Thiên Chúa muốn, Ngài sẽ làm cho thành; nếu không phải là việc Thiên Chúa muốn,
hãy để chúng tiêu tan, đừng quá bận tâm lo lắng. Không ai có thể chống lại ý
Thiên Chúa muốn.
-
Chúng ta cần để cho thời gian gạn lọc sự giả tạo và sai trá trong cuộc đời. Đừng
vội chạy theo những giáo lý mới hay những trào lưu mới, mà gạt bỏ những giá trị
nền tảng của đạo và những truyền thống tốt đẹp của Giáo Hội, của quê hương, hay
của gia đình.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
17/04/15 THỨ SÁU TUẦN 2
PS
Ga 6,1-15
Ga 6,1-15
Suy niệm: Trước
đám đông dân chúng đến mình, Chúa Giê-su đã đặt vấn đề cho các môn đệ, nhưng
chỉ là “để thử các ông.” Nhu cầu của đám đông quá lớn, Chúa lại bảo các
môn đệ phải cho họ ăn. Phi-líp-phê, người được hỏi, lo lắng không biết lấy tiền
đâu để mua bánh; ấy là chưa kể, dù có tiền, biết mua ở đâu đủ bánh cho một
lượng người đông đảo như thế! Vì thế, cho đến chiều tối, các môn đệ vẫn lúng
túng không tìm ra được giải pháp cho đám đông ăn. Quả thật, Chúa Giê-su muốn
các ông quan tâm đến con người thời đại và ra lệnh cho các ông làm hơn những gì
các ông có thể, vì Chúa muốn các ông nhận ra giới hạn của mình trên bình diện
tự nhiên, và cũng để các ông nhận ra rằng Chúa không là “nơi” cung cấp dư đầy
bánh ăn vật chất mà Ngài còn là chính tấm bánh trường sinh, bẻ ra cho muôn
người được ăn và sống đời đời.
Mời Bạn: Chúa
sai chúng ta đến với muôn dân và ra lệnh cho chúng ta làm hơn những gì chúng ta
có thể. Mệnh lệnh của Chúa không cho chúng ta thoái thác. Nhưng đôi lúc chúng
ta cứ theo giải pháp nhân loại như Phi-líp-phê loay hoay tìm kinh phí ở đâu để
mua bánh. Những giải pháp quen thuộc chưa phải là giải pháp tốt nhất. Mời bạn
hãy đến với Chúa Giê-su: Ngài có cách tốt hơn, theo cách thức riêng của Ngài mà
con người không hề nghĩ đến.
Sống Lời Chúa: Trước
khi làm một công việc, bạn hứa nỗ lực thực thi thánh ý Chúa và xin Chúa sáng
soi ban sức.
Cầu nguyện: Đọc kinh “Sáng soi” trước mỗi công việc hay mỗi quyết định.
Ăn bao nhiêu tùy ý
Ước gì việc chúng ta chia sẻ Tấm Bánh thánh trong
nhà thờ giúp chúng ta tiếp tục chia sẻ những tấm bánh vật chất ngoài cuộc sống.
Suy niệm:
Có người coi tôn giáo như
một thứ duy tâm, duy linh,
chỉ để ý đến chuyện linh
hồn, chuyện đời sau,
mà hững hờ với cái đói cái
no của thân xác, với chuyện áo cơm thường nhật.
Kitô giáo hẳn không phải là
thế.
Đức Giêsu, Con Thiên Chúa,
đã khai mở Nước Thiên Chúa trên trần gian
không phải chỉ bằng việc rao
giảng như một thầy dạy,
mà còn bằng việc chữa bệnh
thân xác như một thầy thuốc.
Ơn cứu độ do Ngài mang lại
có tính toàn diện, cả xác lẫn hồn,
và ơn cứu độ ấy đã bắt đầu
ngay từ đời này rồi.
Trong Mùa Phục sinh, Giáo
hội cho ta nghe đọc chương 6 của Tin Mừng Gioan,
bởi lẽ chương này nói về Đức
Giêsu là Bánh hằng sống, Bánh ban sự sống.
Chương này khởi đầu bằng
phép lạ hóa bánh ra nhiều.
Phép lạ diễn ra ở bên kia hồ
Galilê, vào mùa xuân, cỏ mọc xanh mướt.
Đám đông đến với Đức Giêsu
đang ở trên núi với các môn đệ.
Tất cả bắt đầu bằng câu hỏi
bất ngờ của Thầy Giêsu:
“Ta mua đâu ra bánh cho họ
ăn đây?”
Các câu trả lời của hai ông
Philípphê và Anrê thật đáng thất vọng.
Hai trăm quan tiền bánh cũng
chẳng đủ mỗi người một chút (c. 7).
Năm cái bánh lúa mạch và hai
con cá khô thì thấm vào đâu (c. 9).
Nhưng Đức Giêsu lại cần năm
cái bánh và hai con cá đó.
Ngài đón nhận sự đóng góp
của con người, dù là rất nhỏ mọn.
Nhỏ mọn nhưng là tất cả
những gì tìm được ở chốn hoang vu này.
Không có sự đóng góp của một
em bé, không chắc phép lạ đã xảy ra.
Khi mọi người đã ngồi xuống
trên cỏ theo lệnh các tông đồ,
Đức Giêsu cầm lấy bánh, tạ
ơn và phân phát cho họ.
Chắc các tông đồ đã giúp
Ngài phân phát đến tay dân.
Chính khi bẻ ra để phân phát
thì bánh và cá hóa nhiều.
Chúng ta không hiểu được
điều gì đang diễn ra.
Mầu nhiệm chia sẻ vẫn làm
chúng ta ngỡ ngàng, sửng sốt.
Chia sẻ là biến điều ít ỏi
ta đang có trở thành kho báu vô tận cho mọi người.
Chia sẻ làm chúng ta chẳng
vơi đi, nhưng còn mãi.
Hơn năm ngàn con người đã
được ăn tùy ý, được no nê, được dư thừa.
Gần một tỷ con người sống
trên trái đất hôm nay cũng mong được như vậy.
Đức Thánh Cha coi việc liên
đới chia sẻ
như một cách thức để thoát
ra khỏi nạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Ước gì việc chúng ta chia sẻ
Tấm Bánh thánh trong nhà thờ
giúp chúng ta tiếp tục chia
sẻ những tấm bánh vật chất ngoài cuộc sống.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, đây là ước mơ của con về thế giới:
Con mơ ước tài nguyên của cả
trái đất này
là thuộc về mọi người, mọi
dân tộc.
Con mơ ước
không còn những Ladarô đói
ngồi ngoài cổng,
bên trong là người giàu yến
tiệc linh đình.
Con mơ ước mọi người đều có việc làm tốt đẹp,
không còn những cô gái đứng
đường
hay những người ăn xin.
Con mơ ước
những ngưòi thợ được hưởng
lương xứng đáng,
các ông chủ coi công nhân
như anh em.
Con mơ ước
tiếng cười trẻ thơ đầy ắp
các gia đình,
các công viên và bãi biển
đầy người đi nghỉ.
Lạy Chúa của con,
con ước mơ một thế giới đầy
màu xanh,
xanh của rừng, xanh của
trời, xanh của biển,
và xanh của bao niềm hy vọng
nơi lòng những ai ham sống
và ham dựng xây.
Nếu Chúa đã gieo vào lòng con những ước mơ,
thì xin giúp con thực hiện
những ước mơ đó.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy
Nâng Tâm Hồn Lên
17
THÁNG TƯ
Xây
Dựng Giáo Hội Trên Đá Tảng Là Đức Kitô
Các
chương đầu của Sách Công Vụ Tông Đồ nhấn mạnh cho ta biết bằng cách nào mà nhờ
sứ vụ của các Tông Đồ – nhất là của Phê-rô – “càng ngày càng có thêm những người
tin theo Chúa: cả đàn ông đàn bà rất đông” (Cv 5,14).
Chúng
ta bắt gặp những biến cố xảy ra vào những ngày đầu tiên sau Phục Sinh: những biến
cố khai sinh Giáo Hội. Thánh Thần đã được đổ tràn trên các Tông Đồ trong căn
gác thượng. Giờ đây, qua sứ vụ của các Tông Đồ, nhân danh Đức Giêsu, hàng ngàn
người bắt đầu nhận biết về Chúa Kitô – một sự nhận biết có năng lực cứu độ.
Những
biến cố ấy hình thành nền móng cho một tương lai lâu dài về sau. Chúng đánh dấu
thời đại của Giáo Hội các Tông Đồ – với sứ vụ là công bố lời chứng và rao giảng
về quyền năng cứu độ của cuộc Phục Sinh cho mọi thế hệ mới. Công cuộc hệ trọng ấy
vẫn tiếp tục trong thời đại chúng ta cho tới hôm nay.
Và
xuyên qua mọi thế hệ, vẫn một sự thật bất hủ được công bố: “Người là tảng đá bị
anh em, những người thợ xây, loại bỏ – nhưng đã trở thành đá tảng góc tường”
(Cv 4,11). Chân lý này, được mô tả dưới một ẩn dụ, mang trong mình nó năng lực
ngôn sứ kỳ diệu. Nó xác nhận rằng việc xây dựng Giáo Hội là công trình của
Thiên Chúa từ đầu tiên cho đến cuối cùng của lịch sử Giáo Hội và loài người. Nó
đặc biệt xác nhận điều ấy trong thời đại chúng ta – với một mức độ rất sâu xa.
Đức
Giêsu Na-da-rét bị loại trừ bởi những người từng được ủy thác “nhà tạm của
Thiên Chúa” (Kh 21,3) trong Cựu Ước. Và Giê-su bị loại trừ đó – qua Thập Giá và
cuộc Phục Sinh của Người – được mạc khải là “tảng đá góc” của công trình. Công
trình được đặt trên nền tảng là chính Người. Công trình phát triển từ chính Người.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
NGÀY
17-4
Cv
5, 34-42; Ga 6, 1-15.
LỜI
SUY NIỆM: “Khi họ đã ăn no nê rồi, Người bảo các môn đệ: Anh em hãy
thu lại những miếng thừa kẻo phí đi”
Với
phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều, từ năm chiếc bánh và hai con cá, đủ cho
năm ngàn người ăn no nê, không kể đàn bà và trẻ em. Nhưng cuối bữa ăn đó, Chúa
bảo các môn đệ đi thu gom các mẫu bánh thừa. Thế giới ngày hôm nay, với bao tiến
bộ của khoa học, kỷ thuật và văn minh, của cải và lương thực trở nên dư thừa.
Nhưng trên thế giới vẫn còn hằng triệu người phải chết đói. Bởi vì không biết
san sẻ cho nhau, vẫn xem là dư thừa và vứt bỏ, không biết thu gom những gì dư
thừa nơi này để chia sẻ cho nơi đang thiếu.
Lạy
Chúa Giêsu, Qua việc Chúa bảo các môn đệ thu gom bánh và cá sau khi đám đông ăn
no nê. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con, mỗi khi dùng lương thực
Luôn biết tạ ơn Chúa, đồng thời cũng cho chúng con liên tưởng đến những người
đang đói khát thiếu ăn mà không phung phí.
Mạnh
Phương
17
Tháng Tư
Sờ Ðược Ðức Kitô
Mẹ
Têrêxa thành Calcutta đã có lần kể lại như sau:
Một
hôm, có một cô thiếu nữ đã tìm đến Ấn Ðộ để xin gia nhập dòng Thừa Sai Bác Ái của
chúng tôi.
Chúng
tôi có một quy luật, theo đó, ngày đầu tiên khi mới đến, tất cả những ai muốn sống
với chúng tôi, cũng đều được mời sang nhà hấp hối, tức là nhà đón tiếp những
người sắp chết. Do đó, tôi đã nói với thiếu nữ đó như sau:
"Con
đã nhìn thấy vị linh mục dâng Thánh lễ. Con đã thấy Ngài sờ đến Thánh Thể với
chăm chú và yêu thương là dường nào. Con cũng hãy đi và làm như thế tại nhà Hấp
Hối, bởi vì con sẽ thấy Chúa Giêsu trong suốt ba tiếng đồng hồ". Tôi mới hỏi
lại sự thể đã diễn ra như thế nào, cô ta đáp như sau: "Con vừa đến nhà Hấp
Hối thì người ta mang đến một người vừa té xuống một hố sâu. Mình mẩy của người
đó đầy những vết thương và bùn nhơ hôi thối... Con đã đến và đã tắm rửa cho anh
ta. Con biết rằng làm như thế là chạm đến Thân Thể của Ðức Kitô".
Có
lẽ chúng ta nên tự vấn: chúng ta có tin rằng, tất cả mọi cuộc gặp gỡ với tha
nhân đều là một cuộc gặp gỡ với Chúa không? Ðức tin của chúng ta có được diễn đạt
qua cuộc sống hằng ngày không? Thánh lễ mà chúng ta tham dự mỗi ngày có được tiếp
tục trong cuộc sống hằng ngày không?
Thánh Thể là trung tâm của đời sống Kitô, bởi vì Kitô giáo thiết yếu là một sức sống. Người Kitô đến bàn tiệc Thánh Thể để tiếp nhận sự sống và năng lực cho mọi hoạt động của mình.
Thánh Thể là trung tâm của đời sống Kitô, bởi vì Kitô giáo thiết yếu là một sức sống. Người Kitô đến bàn tiệc Thánh Thể để tiếp nhận sự sống và năng lực cho mọi hoạt động của mình.
Là
trung tâm của cuộc sống, Thánh Thể được cử hành với đầy đủ ý nghĩa nếu việc cử
hành đó gắn liền với cuộc sống. Cắt đứt liên lạc với cuộc sống, tất cả mọi cử
hành chỉ còn là những động tác lãng mạn, viển vông.
Do
đó, người Kitô sẽ mang đến bàn thờ tất cả cuộc sống của mình và múc lấy từ bàn
thờ sức sống mới cho cuộc sống của họ. Hay nói cách khác, Thánh thể là một thu
gọn của cuộc sống hằng ngày và cuộc sống hằng ngày là một tiếp nối của Thánh Thể.
Ðức Kitô không những chỉ muốn chúng ta gặp gỡ nhau trong Thánh Thể và gặp gỡ
Ngài trong lúc cử hành, Ngài còn muốn chúng ta gặp gỡ với Ngài qua tất cả mọi
sinh hoạt và gặp gỡ khác trong cuộc sống.
Bàn
thờ trong giáo đường và bàn thờ của cuộc sống phải là một. Ðức tin của chúng ta
không chỉ thể hiện trong nhà thờ, nhưng còn phải được tuyên xưng giữa phố chợ.
Từng giây từng phút của chúng ta phải trở thành một cuộc gặp gỡ với Chúa. Từng
cuộc gặp gỡ với tha nhân, nhất là những người hèn kém nhất, phải là một gặp gỡ
với Ðức Kitô.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét