26/04/2015
Chúa Nhật IV Phục Sinh Năm B
CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH
Cầu cho ơn thiên triệu linh mục và
tu sĩ
(phần I)
Bài
Ðọc I: Cv 4, 8-12
"Ơn
cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác".
Trích
sách Tông đồ Công vụ.
Trong
những ngày ấy, Phêrô được đầy Thánh Thần, đã nói: "Thưa chư vị Thủ lãnh
toàn dân và Kỳ lão, xin hãy nghe, nhân vì hôm nay chúng tôi bị đem ra xét hỏi về
việc thiện đã làm cho một người tàn tật, về cách thức mà con người đó đã được
chữa khỏi, xin chư vị và toàn dân Israel biết cho rằng: Chính nhờ danh Ðức
Giêsu Kitô Nadarét, Chúa chúng ta, Người mà chư vị đã đóng đinh, và Thiên Chúa
đã cho từ cõi chết sống lại, chính nhờ danh Người mà anh này được lành mạnh như
chư vị thấy đây. Chính người là viên đá đã bị chư vị là thợ xây loại ra, đã trở
thành viên Ðá Góc tường; và ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác. Bởi
chưng, không một Danh nào khác ở dưới gầm trời đã được ban tặng cho loài người,
để phải nhờ Danh đó mà chúng ta được cứu độ".
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 117, 1 và 8-9. 21-23. 26 và 28cd và 29
Ðáp: Phiến đá mà những người
thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường (c. 22).
Hoặc
đọc: Alleluia.
Xướng:
1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Tìm đến
nương tựa Chúa, thì tốt hơn nương tựa ở loài người. Tìm đến nương tựa Chúa, thì
tốt hơn nương tựa những bậc quân vương. - Ðáp.
2)
Con cảm tạ Chúa vì Chúa đã nghe con, và đã trở nên Ðấng cứu độ con. Phiến đá mà
những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa
làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. - Ðáp.
3)
Phúc đức cho Ðấng nhân danh Chúa mà đến, từ nhà Chúa, chúng tôi cầu phúc cho
chư vị. Chúa là Thiên Chúa của con và con cảm tạ Chúa, lạy Chúa con, con hoan
hô chúc tụng Ngài. Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Ngài muôn
thuở. - Ðáp.
Bài
Ðọc II: 1 Ga 3, 1-2
"Người
thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy".
Trích
thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các
con thân mến, các con hãy coi: tình yêu của Chúa Cha đối với chúng ta thế nào,
khiến chúng ta được gọi là con cái Thiên Chúa, và sự thật là thế. Vì đó mà thế
gian không nhận biết chúng ta, vì thế gian không biết Người. Các con thân mến,
hiện nay, chúng ta là con cái Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ ra sao thì vẫn chưa
được tỏ ra. Chúng ta biết rằng: khi được tỏ ra, thì chúng ta sẽ giống như Người,
vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy.
Ðó
là lời Chúa.
Alleluia:
Ga 10, 14
Alleluia,
alleluia! - Chúa phán: "Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và
các chiên Ta biết Ta". - Alleluia.
Phúc
Âm: Ga 10, 11-18
"Mục
tử tốt lành thí mạng sống vì chiên".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán: "Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống
vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của
người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm
chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết
gì đến đàn chiên. Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta
biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên.
Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải
mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ
chiên. Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta, là Ta thí mạng sống để rồi lấy lại. Không
ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống
và cũng có quyền lấy lại. Ðó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta".
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm: Người Mục Tử Nhân Lành
Bài
Tin Mừng Chúa nhật 4 Phục sinh năm nào cũng nói về Chúa Kitô mục tử. Do đó ngày
ấy đã được chọn làm ngày ơn thiên triệu để tất cả chúng ta suy nghĩ về vai trò
chăn chiên ở trong Hội Thánh, và hành động để Hội Thánh luôn được thêm nhiều mục
tử tốt. Nếu thế thì chúng ta cũng như bị bó buộc phải đi từ bài Tin Mừng để tìm
hiểu, bởi vì chính nó đã ban cho ngày hôm nay ý nghĩa như chúng ta vừa nói.
1.
Người Mục Tử Tốt
Phụng
vụ hôm nay chỉ lấy tám câu trong tác phẩm của Yoan làm bài Tin Mừng. Những câu
này nằm trong bài nói chuyện khá dài của Ðức Yêsu với người Dothái. Dĩ nhiên nếu
biết những câu trước và sau, chúng ta sẽ dễ hiểu tám câu này đầy đủ hơn. Nhưng
không sao, đây là những câu cao điểm của bài nói chuyện. Những câu khác phải
quy về đoạn quan trọng này; còn chính nó không cần những câu kia cũng đã đủ
nghĩa.
Như
thế có nghĩa là những câu Tin Mừng chúng ta vừa nghe đọc là những câu nói rất
súc tích. Ðức Yêsu khẳng định rõ rệt: Ngài là người mục tử tốt, tức là người
chăn chiên tốt. Chúng ta khoan tìm hiểu ý nghĩa của tĩnh từ "tốt" ở
đây. Hãy bắt đầu để ý đến tính cách tuyệt đối của lời khẳng định. Ðức Kitô
không xưng mình là " một" mục tử tốt. Câu nói của Người gạt bỏ hẳn mọi
mục tử khác sang bên đối diện và đối lập. Mục tử tốt ở đời này chỉ có một mà
thôi: đó chính là Người. Mọi kẻ khác chỉ chăn thuê nên không thể tốt được.
Thật
ra, muốn hiểu hết ý của Người, co lẽ chúng ta phải trở lại nhiều đoạn sách Cựu
Ước và đặc biệt đoạn 34 sách Êzêkiel. Ở đó Yavê Thiên Chúa phàn nàn vì mọi kẻ
Người đặt lên chăn dắt dân Người đều đã hà lạm, lợi dụng và làm khổ dân. Hạng mục
tử ấy, Người thôi không dùng nữa. Người sẽ lấy lại đàn chiên của Người khỏi tay
họ. Và chính Người sẽ đứng ra chăn dắt chiên. Với lời tiên tri này dân Dothái hết
muốn gọi ai là mục tử. Họ chờ Ðấng Thiên Sai Cứu thế đến. Người sẽ là vị mục tử
duy nhất của họ, vì Người sẽ là hiện thân của chính Yavê đến chăn dắt dân.
Hôm
nay khi tuyên bố mình là người chăn chiên tốt. Ðức Yêsu muốn nói Người chính là
vị mục tử mà Êzêkiel đã loan báo và dân Chúa đang trông chờ. Một lời tuyên bố
như vậy nhất định phải gây nên một xúc động mạnh mẽ. Và chắc chắn các đầu mục
Dothái sắp sửa phản đối con người dám tự phụ và lộng ngôn như vậy, nếu Ðức Yêsu
đã không nói tiếp nay một câu thứ hai để giải thích.
Người
quảng diễn: người chăn chiên tốt thí mạng mình vì chiên. Quan niệm này hoàn
toàn mới mẻ. Nó thu hút ngay sự chú ý của mọi người. Họ thấy không có một chút
tự phụ tự tôn nào trong ý tưởng của Người. Ngược lại, chỉ có một quyết tâm hy
sinh phục vụ và phục vụ cho đến chết. Vì Người đã nói luôn: người chăn chiên tốt
không như kẻ chăn thuê. Kẻ này thấy sói đến thì bỏ chạy khiến soi tha hồ cấu xé
chiên. Còn người chăn chiên tốt, sẽ thí mạng mình vì chiên.
Ðức
Yêsu thật rất tâm lý và tài tình... Người phân biệt kẻ chăn thuê và người chăn
tốt thật dễ dàng. Và đúng như Người phân tách: kẻ chăn thuê bỏ chạy vì chiên
không phải là của hắn. Hắn chỉ cần đồng lương chứ không màng gì đến chiên.
Nhưng dù sao câu nói của Người cũng còn một nét khó hiểu. Tại sao Người nói đến
việc "thí" mạng vì chiên? Tại sao không dùng từ "liều" mạng
cho dễ hiểu? Vì người có chiên thấy sói đến chắc vẫn ra sức đánh đuổi sói đi và
như thế một phần nào phải liều mạng. Ðó có thể nói là lẽ thường. Nhưng đàng
này, Người không nói "liều mạng" và là "thí mạng", việc có
lẽ chưa và chẳng bao giờ thấy xảy ra trong xã hội, vì mạng sống con người không
quý hơn cả một đàn chiên hay sao? Phải, nếu hiểu thí mạng là nộp mạng để chết
và chết mãi vì chiên thì không hiểu được. Lời nói của Người hẳn phải có ý nghĩa
rất đặc biệt. Chúng ta cần kiên nhẫn nghe Người giải thích thêm.
Thật
ra khi nói người chăn chiên tốt thí mạng mình vì chiên, Ðức Yêsu đã có hai ý tưởng.
Cả hai đã được giải thích không đồng đều khi Người gợi lên hình ảnh kẻ chăn
thuê bỏ chiên mà chạy khi sói đến. Nó làm như vậy vì chiên không phải của nó. Thế
nên người chăn chiên tốt trước hết phải là chủ chiên và chiên là của người ấy.
Ý tưởng này không cần bàn thêm. Nhưng để giải thích ý tưởng sau, ý tưởng thí mạng
vì chiên, hình ảnh kẻ chăn thuê bỏ chạy đã tỏ ra không đủ. Và nguyên việc
"có" chiên làm của mình cũng không giải thích thỏa đáng được. Không
phải hễ là "chủ" chiên là làm được đó. Ngược lại, chỉ có chủ chiên độc
nhất vô nhị mới nghĩ đến chuyện thí mạng vì chiên.
Thế
mà Ðức Yêsu xưng mình có khả năng ấy, vì Người là chủ chiên độc đáo. Người là vị
mục tử mà Thiên Chúa đã hứa và toàn dân đang trông đợi. Không những Người khác
kẻ chăn thuê mà còn khác mọi chủ chăn. Nhưng khác ở chỗ nào?
Ðức
Yêsu nói: Người biết chiên của Người. Và "biết" ở đây có một ý nghĩa
rất đặc biệt. Không phải chỉ dựa vào Cựu Ước mà hiểu, nhưng còn phải hiểu theo
cách của Yoan nữa. Theo Cựu Ước, "biết" không những là thấu suốt mà
còn thân mật và thắm thiết như trai gái và vợ chồng biết nhau. Còn theo Yoan
thì "biết" có ý nghĩa cuối cùng là có cái nhìn và tình yêu của chính
Thiên Chúa Ba Ngôi đối với nhau, như "Cha biết Ta và Ta biết Cha",
theo lời của chính Ðức Yêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay. "Biết"
như vậy là một lòng, một trí với Ðức Chúa Cha. Mà ý của Chúa Cha là cứu độ và cứu
thế. Ngôi Con biết như vậy nên đã xuống thế để cứu đời, và cứu bằng việc thí mạng
sống mình vì chiên. Ðó là sự biết đầy yêu mến và việc thí mạng này hoàn toàn tự
nguyện. Không phải để chết mãi mãi, nhưng để rồi lấy lại, khiến ý tưởng
"thí mạng" ở đây có một ý nghĩa rất đặc biệt, mà không quan niệm nào
trong xã hội loài người diễn tả được. Muốn hiểu chúng ta phải tin vào lời Ðức
Yêsu, là lên tới kế hoạch thâm sâu của Thiên Chúa.
Người
đầy lòng xót thương nhân loại bơ vơ như đàn chiên không người chăn. Hơn nữa
chiên của Người là nhân loại còn đang ở trong tay ác thần và tử thần. Ðức Yêsu
là mục tử tốt đến, sẽ tự thí mạng chết, để giải thoát kẻ đã chết trong tội lỗi
khi Người sống lại, hầu từ nay chiên của Người được sống và sống dồi dào. Ðó là
việc Người sẽ làm trong mầu nhiệm Tử nạn Phục sinh.
Ngay
bây giờ, đang khi nói chuyện với người Dothái, Người đã thấy trước có những
chiên đã thuộc về Người rồi. Ðó là đoàn môn đệ. Nhưng Người còn nhìn xa hơn và
nói: còn những chiên khác nữa, chưa thuộc ràn (môn đệ này), Người cũng phải
chăn dắt.
Bằng
cách nào và nhờ ai?
Bài
sách Công vụ Tông đồ sẽ trả lời cho chúng ta.
2.
Các Chủ Chăn Tốt
Phêrô
và Yoan hôm ấy bị điệu đến trước tòa án Dothái vì những tội: chữa lành một người
què, rồi giảng Danh Ðức Yêsu cho dân, khiến nhiều kẻ nghe lời mà tin. Họ đã thực
hiện lời Ðức Yêsu nói trong bài Tin Mừng. Người bảo, những chiên chưa ở trong
ràn (các môn đệ), sẽ nghe tiếng Người và sẽ theo Người, khiến Người cũng sẽ là
chủ chiên chăn dắt họ.
Nhưng
để họ nghe được tiếng Người, đã phải có Phêrô và Yoan được sai đi giảng Lời Chúa.
Phải có nhiều tông đồ đi rao giảng nữa thì cả nhân loại mới thật sự trở nên một
đàn chiên theo một chủ chiên. Vì thế ngày Ơn Thiên Triệu trước hết là ngày cầu
nguyện và hành động để có nhiều, có thêm, thêm nữa số các tông đồ. Con người
ngày nay càng không muốn nghe Tin Mừng thì lại càng phải có nhiều người rao giảng
để nói mãi, nói hết mọi khía cạnh của Tin Mừng và nói với hết mọi người, mọi
nơi, mọi khía cạnh trong đời sống, để không ai có thể nói mình chưa được nghe
giảng Tin Mừng.
Và
muốn giúp người ta dễ bắt được Tin Mừng, số đông các tông đồ chưa đủ. Còn phải
là những tông đồ có tư cách và khả năng nữa, mà Phêrô với Yoan trong bài sách
Công vụ hôm nay là những tấm gương sáng ngời.
Hai
người không những giảng khi được thong dong và ở trước mặt toàn dân đang ngạc
nhiên ngưỡng mộ vì phép lạ người què vừa được chữa lành. Họ còn giảng hùng hồn,
dạn dĩ hơn nữa trước tòa Dothái và chư vị đầu mục của dân cùng hàng niên trưởng.
Nói rằng họ đang thí mạng vì chiên thật không ngoa. Cứ thử so sánh phiên tòa
hôm nay với phiên tòa hôm xử Ðức Yêsu mà xem. Y hệt như nhau. Trước đây người
ta hỏi Ðức Yêsu: Ông lấy quyền gì mà làm như vậy? Bây giờ người ta cũng hỏi
Phêrô và Yoan " bởi quyền phép nào hay nhân danh nào, các ngươi làm các điều
ấy". Tòa chỉ chờ họ thưa: nhân danh Yêsu, để khép tội, vì thưa như vậy là
coi Yêsu là Thiên Chúa và là rơi vào đúng tội của Ðức Yêsu vì Người đã bị kết
án vì xưng mình là Con Thiên Chúa. Nhưng như Ðức Yêsu đã không sợ chết, thì các
tông đồ cũng đã không sợ thí mạng. Các ngài tuyên xưng công khai rõ ràng Ðức
Yêsu là cứu thế. Vụ án của Người đã được nói trước trong Thánh Kinh, vì Người
thật là viên đá đã bị thợ xây ném đi. Nhưng Thiên Chúa đã nhặt lại, tức là đã
cho Ðức Yêsu sống lại trở thành viên đá góc xây lên đền thờ Thiên Chúa, khiến
chỉ có Danh Người sẽ cứu được tất cả.
Phêrô
và Yoan là những tông đồ sẵn sàng thí mạng mình vì danh Ðức Yêsu, để giống như
Người và kết hợp với Người trong mầu nhiệm cứu thế. Tiếng của các ngài đã vang
ra, đã được nghe, và nhiều người đã tin để trở về ràn chiên Chúa.
Ước
gì các tông đồ trong Hội Thánh chúng ta được như vậy. Ðó là lời cầu nguyện thứ
hai trong ngày Ơn Thiên Triệu. Chúng ta phải xin Chúa sai thêm thợ gặt đến đồng
lúa của Người. Nhưng cũng phải xin Người sai thêm nhiều chủ chăn biết thí mạng
vì chiên, có đầy mầu nhiệm Ðức Yêsu ở trong lòng và luôn biết làm chứng cho mầu
nhiệm Thánh giá là mầu nhiệm cứu độ.
Nhưng
hàng ngũ chủ chăn được gọi từ lòng dân Chúa. Muốn có những chủ chăn tốt theo
gương mục tử tốt, dân Chúa phải là đàn chiên tốt. Bài thư Yoan muốn nói với
chúng ta điểm cuối cùng này trong ngày Ơn Thiên Triệu.
3.
Các Chiên Tốt
Như
Ðức Yêsu đã nói trong bài Tin Mừng, chiên của Người thì "biết" Người.
Và như chúng ta đã nói ở trên, "biết" đây là vươn lên tới kế hoạch cứu
độ của Thiên Chúa để một lòng một ý với Người. Thế nên thánh Yoan hôm nay viết
trong thư: hãy coi lòng mến lớn lao chừng nào Cha đã ban cho ta. Phải, chiên tốt
thì phải luôn suy nghĩ về lòng mến của Thiên Chúa đối với mình, để "biết"
Người, biết Người yêu ta đến nỗi đã ban Con Một Người thí mạng vì Ta, để ta được
gọi là con cái Thiên Chúa. Danh dự này nhỏ lắm sao? Tất cả nếp sống xấu tốt của
người tín hữu tùy ở việc biết và nhớ mình là con cái Thiên Chúa.
Dĩ
nhiên những người ở ngoài ràn chiên không biết được như vậy. Họ không biết
Chúa, nên cũng không biết chúng ta. Yoan nói như thế thật chí lý. Họ nhìn chúng
ta bằng con mắt của trần gian. Và con mắt xác thịt không nhìn được những sự
siêu nhiên. Phải đợi sau này khi mọi sự được tỏ hiện trong ánh sáng mới của
ngày Chúa trở lại, chăn tướng con cái Thiên Chúa mới tỏ hiện. Bấy giờ người ta
mới thấy chúng ta thật như Chúa.
Thế
thì chúng ta hiện nay phải sống thế nào cho hợp với niềm tin ấy? Thánh Yoan viết
ra những điều đó để làm gì? Nếu chúng ta nhớ lịch sử, thì hẳn ai cũng biết thời
bấy giờ có nhiều phong trào tư tưởng muốn lôi kéo các tín hữu. Nói chung họ
mang danh là "Ngộ Thuyết", tức là các lý thuyết tự phụ vạch ra được
con đường dẫn đến sự hiểu biết đích thực về thượng đế, tức là về hạnh phúc trường
cửu của con người. Họ nói rằng ai theo họ có thể đạt được hạnh phúc ngay ở đời
này. Thế nên thánh Yoan phải viết thư cảnh giác tín hữu của Người... Chính
Thiên Chúa đã cho chúng ta biết Người khi mạc khải tình yêu thương của Người
đem lại hạnh phúc cho chúng ta. Ðó là sự "biết" thật và là hạnh phúc
thật, tuy bây giờ còn che giấu trong mầu nhiệm, nhưng thật sự đã bắt đầu rồi.
Chúng ta đừng tin ở một ngộ thuyết tức là một thuyết hiểu biết nào khác.
Lời
khuyên này không hoàn toàn vô ích cho chúng ta đâu. Nó lại có khả năng vươn xa
hơn, nhắc nhở chúng ta nhớ tới Thiên Chúa là Ðấng yêu thương đã sai Con Một Người
xuống thế thí mạng Người vì chúng ta và sai các tông đồ của Người đến rao giảng
Lời cứu độ để chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa và sống trong ràn chiên
của Người.
Giờ
đây Người đưa chúng ta vào thánh lễ như vào đồng cỏ tốt tươi để chúng ta được
nuôi dưỡng bằng chính thịt máu Người. Tất cả những điều này không thắm thiết
sao? Chúng ta muốn được mãi như vậy chăng? Nếu muốn, không những chúng ta luôn
phải là con chiên tốt, mà còn phải cầu nguyện hằng ngày và giúp đỡ nhiệt tình để
Chúa là mục tử tốt không bao giờ bỏ rơi đàn chiên nhưng luôn cho Hội Thánh được
thêm nhiều tông đồ tốt chăn dắt đàn chiên của Người. Như vậy, ngày Ơn Thiên Triệu
hôm nay mới ý nghĩa và kết quả.
(Trích
dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chủ Nhật IV Phục Sinh, Năm B
Bài đọc: Acts 4:8-12; I Jn 3:1-2; Jn
10:11-18.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Những nguồn sức mạnh vô biên tiềm
ẩn nơi các tín hữu.
Người
Kitô hữu, tuy bề ngoài cũng giống như bao nhiêu con người khác, nhưng họ có những
nguồn sức mạnh vô biên đang tiềm ẩn nơi con người của họ; mà chính họ nhiều khi
không ý thức là mình có hay không biết cách xử dụng chúng. Khi các tín hữu biết
xử dụng các nguồn sức mạnh này, họ có thể chữa lành bệnh tật, cho người chết sống
lại, khai trừ ma quỉ, vượt qua các khó khăn của cuộc sống, và đạt được đích điểm
là cuộc sống muôn đời mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho họ.
Các
Bài Đọc hôm nay tập trung trong các nguồn sức mạnh vô biên đang tiềm ẩn nơi các
tín hữu. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Công Vụ Tông Đồ nhấn mạnh đến Danh Đức
Kitô mà các Kitô hữu tin tưởng, và mầm sống Phục Sinh mà họ đang mang trong
mình. Thánh Phêrô dùng Danh Đức Giêsu Kitô để chữa lành người bại liệt, và Ngài
quả quyết con người phải tin vào Danh này mới được ơn cứu độ. Trong Bài Đọc II,
thánh Gioan đề cập đến đặc quyền làm con Thiên Chúa của các tín hữu, và gia tài
họ sẽ được thừa hưởng sau này. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố Ngài là Mục Tử
Tốt Lành, Ngài đến để qui tụ tất cả con chiên lạc để bảo vệ chúng, và làm cho
chiên được sống dồi dào. Người Kitô hữu có một người bảo vệ uy quyền, yêu
thương, và sẵn sàng hy sinh tính mạng cho họ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Các tín hữu mang Danh
Đức Kitô và mầm sống Phục Sinh nơi mình.
Người
Kitô hữu chúng ta có một danh thánh quyền năng, mà không một danh nào trên địa
cầu này có uy quyền như danh thánh đó. Danh mà thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu
Philipphê xác tín: “Khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và
trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi
loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa" (Phi 2:10-11).
1.1/
Nhân Danh Đức Kitô, Phêrô chữa lành bệnh: Thượng
Hội Đồng chất vấn hai ông Phêrô và Gioan: “Các ông lấy quyền năng nào và nhân
danh ai để chữa bệnh?” Bấy giờ, ông Phêrô được đầy Thánh Thần, liền nói với họ:
"Thưa quý vị thủ lãnh trong dân và quý vị kỳ mục, hôm nay chúng tôi bị thẩm
vấn về việc lành chúng tôi đã làm cho một người tàn tật, về cách thức người ấy
đã được cứu chữa. Vậy xin tất cả quý vị và toàn dân Israel biết cho rằng: nhân
danh chính Đức Giêsu Kitô, người Nazareth, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập
giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người
này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị.” Người Kitô hữu chúng ta không phải
ai cũng có thể chữa bệnh như Phêrô, cha Piô, hay cha Bửu Diệp; nhưng niềm tin của
chúng ta vào Đức Kitô có thể giúp chúng ta tránh những nguy cơ của bệnh tật và
giúp chúng ta vui sống bình an với mọi người.
1.2/
Chỉ nhờ danh Đức Kitô, con người mới được cứu độ: Trên đồi Calgary, những người
trong Thượng Hội Đồng tưởng rằng họ đã loại trừ Chúa Giêsu và tránh được hậu quả
mà họ lo sợ là dân chúng bỏ họ mà theo Ngài, nhưng Phêrô nhắc nhở cho họ biết sự
sai lầm của họ: “Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá
ấy lại trở nên đá tảng góc tường. Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ;
vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để
chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ." Chính Chúa Giêsu đã từng mặc
khải điều này cho các môn đệ: “Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy
người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại
trong ngày sau hết" (Jn 6:40). Bằng niềm tin vào Danh Đức Kitô, người tín
hữu bảo đảm được hưởng cuộc sống muôn đời.
2/
Bài đọc II: Các tín hữu được hưởng
đặc quyền làm con Thiên Chúa.
2.1/
Người tín hữu là con Thiên Chúa: Bằng
niềm tin nơi Đức Kitô và chịu Phép Rửa, người tín hữu trở thành con Thiên Chúa,
như thánh Gioan xác nhận: “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh
Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Jn 1:12). Người Kitô hữu
được hưởng đặc quyền này không phải do liên hệ máu mủ hay họ hàng, cũng không
phải vì họ tốt lành hay đã làm nên công trạng gì; nhưng đơn giản là vì Thiên
Chúa yêu họ, ban cho họ Người Con Một của Ngài là Đức Kitô, để họ có thể trở
thành những người con nuôi của Ngài nhờ niềm tin vào Đức Kitô, như Gioan cắt
nghĩa: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho
chúng ta được gọi là con Thiên Chúa - mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở
dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người.”
Người
tín hữu không phải là con của thế gian: Thế gian ở đây hiểu là những người
không tin và chống lại Thiên Chúa. Khi người tín hữu tin Đức Kitô, họ đã thắng
thế gian vì thế gian không tin Người; nhưng giá họ phải trả giá là thế gian sẽ
ghét và truy tố họ, vì họ không chịu sống theo những tiêu chuẩn của thế gian. Đức
Giêsu nhắn nhủ các môn đệ điều này trước Cuộc Thương Khó của Ngài: “Nếu thế
gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em
thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em
không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế
gian ghét anh em” (Jn 15:18-19).
2.2/
Quyền lợi của những người con Thiên Chúa: Gioan
tóm gọn trong một câu đơn giản: “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con
Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta
biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế
nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.”
Trước
tiên, người tín hữu được bảo đảm quyền sống lại và mang một thi thể Phục Sinh bất
tử như Đức Kitô. Điều này gợi lại ý hướng của Thiên Chúa khi dựng nên con người
giống hình ảnh và những đặc tính của Thiên Chúa (Gen 1:26), mà tội lỗi đã bôi bẩn
và làm hoen ố con người. Đức Kitô đến không những để cất đi tội lỗi, mà còn
thánh hóa các tín hữu bằng ơn thánh qua các Bí-tích, và khôi phục lại hình ảnh
tốt lành và thánh thiện nguyên thủy của con người.
Thứ
đến, các tín hữu được thừa hưởng những kho tàng vô cùng quí giá do Chúa Giêsu để
lại. Chúng ta có thể tóm gọn trong 4 gia tài thánh:
(1)
Toàn bộ Thánh Kinh về Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa. Đây là một kho tàng khôn
ngoan mà không một Sách nào hay tất cả các khôn ngoan của thế gian có thể so
sánh được. Nó cung cấp cho người tín hữu mọi giải đáp cho cuộc đời.
(2)
Thánh Thần là nguồn mạch 7 ơn thiêng. Ngài họat động trong tâm hồn các tín hữu,
và sẽ giúp các tín hữu hiểu sự thật, sống sự thật, và có can đảm làm chứng cho
sự thật, giữa bao nhiêu sai trá và cám dỗ của thế gian.
(3)
Thánh Giá là khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa. Thánh Giá giúp các tín hữu
nhận ra tình yêu Thiên Chúa dành cho họ, và thúc đẩy họ chấp nhận và đi đường
gian khổ như Chúa Giêsu, để mang sự sống cho bản thân và cho tha nhân.
(4)
Thánh Thể là nguồn sức mạnh nuôi dưỡng các tín hữu, giúp họ luôn có cuộc sống
thần linh trong tâm hồn, để có thể vượt qua mọi khó khăn và trở ngại trong cuộc
sống.
3/
Phúc Âm: Các tín hữu được bảo
vệ bởi Người Mục Tử Nhân Lành.
3.1/
Mục Tử Tốt Lành sẵn sàng hy sinh tính mạng cho đòan chiên: Trong Tân Ước, Chúa Giêsu ví
các tín hữu như chiên và Ngài như người chăn chiên hay Mục Tử. Trong Cựu Ước,
tiên tri Ezekiel đã ví Israel như chiên và Thiên Chúa như người Mục Tử (Eze
34). Theo tiên tri, không phải các mục tử đều tốt lành, có những mục tử trong
Israel không săn sóc và hướng dẫn chiên, mà chỉ để ý đến lông chiên và thịt
chiên. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa quở trách họ và Ngài muốn chính Ngài là Mục
Tử để chăn dắt chiên. Ba đặc tính về Mục Tử Tốt Lành Chúa muốn nêu bật trong
trình thuật hôm nay:
(1)
Sự khác biệt giữa Mục Tử Tốt Lành và người chăn chiên: “Tôi chính là Mục Tử
nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm
thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói
rình đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì
anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên.”
(2)
Mục Tử Tốt Lành biết tất cả chiên của mình: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi
biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết
Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.”
(3)
Mục Tử Tốt Lành đến để tìm kiếm các chiên thất lạc và đưa về một đàn: “Tôi còn
có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ
nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.”
Người
tín hữu phải biết mình có một Mục Tử Tốt Lành luôn chú tâm săn sóc, hướng dẫn,
và bảo vệ họ mọi giây phút trong cuộc đời. Điều cần là họ phải luôn lắng nghe,
vâng lời, và làm theo những gì Ngài chỉ dạy, thì mới có thể được nuôi dưỡng, an
vui, và tránh khỏi nguy hiểm.
3.2/
Mục Tử Tốt Lành có uy quyền hy sinh và cũng có uy quyền lấy lại sự sống: Các tín hữu không chỉ có một Mục
Tử Tốt Lành, mà Ngài còn là một Mục Tử uy quyền. Chúa Giêsu cắt nghĩa: “Sở dĩ
Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống
của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi
có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi
mà tôi đã nhận được."
Nếu
chúng ta chỉ có Mục Tử Tốt Lành biết yêu thương và hy sinh cho đoàn chiên thôi,
điều đó chưa đủ, vì khi thế gian giết người Mục Tử Tốt Lành, đoàn chiên sẽ tan
tác; nhưng chúng ta cần có một Mục Tử Tốt Lành và uy quyền, Ngài có thể tự mình
sống lại và cứu đòan chiên khỏi chết. Chúa Giêsu là Mục Tử vừa tốt lành vừa uy
quyền; Ngài yêu thương con người tới độ sẵn sàng hy sinh chết vì tội lỗi con
người, và Ngài có uy quyền để sống lại từ cõi chết và phục hồi sự sống vĩnh cửu
cho con người.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta phải nhận ra và biết cách xử dụng những nguồn năng lực vô biên mà
Thiên Chúa ban tặng, để sinh ích cho cá nhân, gia đình, xã hội và Giáo Hội.
-
Chúng ta đừng khinh thường những sức mạnh mà mình đang mang trong mình; chúng
có thể giúp chúng ta làm những điều vượt quá sức con người, như Sách CVTĐ đã chứng
minh.
-
Chúng ta là con Thiên Chúa, không phải là con cái thế gian; nên đừng sống theo
tiêu chuẩn của thế gian. Với những nguồn sức mạnh của Thiên Chúa ban, chúng ta
có khả năng chiến thắng mọi cám dỗ của ma quỉ và thế gian. Đừng sợ bất cứ một
quyền lực nào, vì chúng ta được bảo vệ bởi người Mục Tử Tốt Lành, sẵn sàng thí
mạng để bảo vệ chúng ta.
Linh
mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
26/04/15 CHÚA NHẬT TUẦN
4 PS – B
CHÚA CHIÊN LÀNH
Ga 10,11-18
CHÚA CHIÊN LÀNH
Ga 10,11-18
Suy niệm: Hôm
nay Giáo Hội cử hành lễ Chúa Chiên Lành và kêu gọi cầu nguyện cho ơn gọi linh
mục, tu sĩ. Theo thống kê của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, số người theo đuổi ơn
gọi nay giảm đi một nửa so với 50 năm trước, cứ 1000 tín hữu thì chỉ có 1 người
sống ơn gọi linh mục tu sĩ. Con số ấy không làm Giáo Hội an tâm trước nhu cầu
con người thời đại đang cần sự chăm sóc của các mục tử. Cầu nguyện là giải pháp
đầu tiên như Chúa dạy, “các con hãy xin chủ ruộng.” Đức Bê-nê-đi-tô đã nói: nơi
nào người ta nhiệt tâm cầu nguyện, nơi đó có nhiều ơn gọi. Thứ đến, chúng ta
cầu nguyện cho có nhiều người quảng đại đáp lại tiếng Chúa gọi. Thánh giáo
hoàng Gio-an Phao-lô II nhận định, dù có nhiều người trẻ không dám sống “chuẩn
mực cao của đời sống Ki-tô hữu thường nhật”, Giáo hội vẫn không ngừng cầu
nguyện cho người trẻ “dám đánh liều đời mình cho lý tưởng thanh cao”, bởi
“Ki-tô hữu được chọn không phải cho những chọn lựa mọn hèn, mà hướng đến những
nguyên lý cao cả nhất.” Ơn gọi nơi người trẻ là hạt giống tốt Chúa gieo vào
lòng họ, để họ nên giống Ngài, nhưng hạt giống đó thường bị quỷ dữ lấy đi, lôi
kéo người trẻ chọn theo con đường có vẻ thoải mái hơn. Tuy nhiên, niềm vui chỉ
đến với những ai đáp lại lời mời gọi từ trên cao.
Mời Bạn: Nhìn
vào cơn đói Thiên Chúa của con người thời nay và suy nghĩ về sự cần thiết của
ơn gọi linh mục tu sĩ.
Sống Lời Chúa: Khích lệ một người trẻ đi tu.
Cầu nguyện: Hát: “Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán…”
Từ ông Abraham cho tới vua
Đavid, biết bao tổ phụ của dân Do Thái đã từng là những người chăn chiên. Họ
không được huấn luyện trong những trường hành chánh hay trường đào tạo cán bộ,
cũng chẳng được qua những lớp bổ túc văn hoá, nhưng chỉ được học từ kinh nghiệm
duy nhất của nghề chăn chiên để có thể đứng ra lãnh đạo dân tộc. Hơn thế nữa,
chính quan niệm của họ về Thiên Chúa cũng đã từng dựa trên kinh nghiệm đó, cho
nên họ gọi Thiên Chúa là mục tử và tự coi mình là đàn chiên của Ngài.
Chúa Giêsu làm người, sinh
trưởng trong môi trường xã hội Do Thái, cũng đã thừa hưởng một nền văn hoá và
một quan niệm tôn giáo Do Thái, nên cũng đã sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh cùng
những khái niệm Do Thái, để công bố cho họ thông điệp cứu độ của Thiên Chúa.
Nếu từ thời các tiên tri, dân Do Thái vẫn mong chờ ngày Thiên Chúa đích thân
đến chăn dắt họ như mục tử chăn dắt đoàn chiên, thì ngày hôm nay, Chúa Giêsu đã
xác quyết với họ rằng: Ngài là vị mục tử. Điều đó có nghĩa là Ngài tỏ lộ cho họ
biết Ngài chính là hiện thân của Thiên Chúa.
Tuy nhiên Ngài còn đi xa
hơn nữa. Đúng thế, Ngài đến không phải chỉ để chăn dắt đoàn chiên, mà còn hiến
mạng sống mình vì đoàn chiên. Đây là điều vượt ra ngoài sự tưởng tượng của
chúng ta. Bởi vì ngoài mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, chúng ta khó có thể nghĩ
tới chuyện Thiên Chúa chịu chết. Thực vậy, tự bản tính Thiên Chúa là Đấng vĩnh
cửu, Đấng trường tồn bất biến, nơi Ngài chỉ có sự sống mà thôi, thế nhưng vì
yêu thương chúng ta, Ngài đã chấp nhận cái chết ê chề nhục nhã trên thập giá để
giải thoát chúng ta khỏi án phạt đời đời của tội lỗi và sự chết.
Cùng với Đức Kitô, thì đoàn
chiên của Ngài không còn bị giới hạn trong phạm vi dân Do Thái, mà đã mở rộng
cho toàn thể nhân loại, như lời Ngài đã nói: Thiên Chúa đã yêu thương thế gian
đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin vào Người Con ấy thì sẽ
không phải chết, nhưng được sống đời đời. Như thế là đã rõ: Chúa Giêsu đã đến
trần gian, đã sống, đã yêu thương và đã chết, không phải chỉ cho dân tộc Do
Thái mà thôi, nhưng còn cho toàn thể loài người.
Tình yêu thương không chỉ
thôi thúc Chúa Giêsu đi tìm cứu những con chiên lạc, cũng không dừng lại ở việc
hy sinh mạng sống để cứu chuộc đoàn chiên, mà còn chủ yếu là quy tụ những con
chiên đã được tìm thấy, đã được cứu chuộc, để chúng làm thành một đoàn chiên,
quây quần chung quanh một vị mục tử duy nhất, để rồi dưới sự chăn dắt của Ngài,
chúng sẽ được sống trong tình yêu thương, hợp nhất và bình an.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
26
THÁNG TƯ
“Hãy
Nhận Lãnh Thánh Thần”
Trong
Mùa Phục Sinh, chúng ta có dịp trở lại căn gác thượng. Chúng ta nhớ lại những
biến cố của ngày đầu tuần, của Chúa Nhật Phục Sinh.
Đức
Giêsu xuất hiện, dù cửa đóng kín. Người đứng giữa các môn đệ và nói với các
ông: “Bình an cho anh em. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga
20,21). Và sau khi Người nói những lời ấy, Người thổi hơi trên các ông và nói:
“Anh em hãy nhận lãnh Thánh Thần” (Ga 20,22).
Đây
là cuộc hiện ra đầu tiên của Đức Giêsu sau khi Phục Sinh. Đức Giêsu xuất hiện.
Người vẫn như thế; nhưng Người cũng đã thay đổi. Người vẫn là con người đã chịu
khổ nạn, vì Người đã cho các môn đệ thấy các lỗ đinh nơi tay Người và vết
thương nơi cạnh sườn Người. Nhưng Người đã thay đổi. Cửa đóng không thể cản trở
thân xác vinh quang của Người!
Người
đã được thay đổi bởi cuộc Phục Sinh. Giờ đây, Người biểu hiện quyền năng của
Thánh Thần trao ban sự sống nơi thân xác Người. Người xuất hiện trong quyền
năng của Thánh Thần, và Người trao ban Thánh Thần cho các Tông Đồ. Chúa chúng
ta trao ban Thánh Thần, Ôi! Hồng phúc biết bao, các vết thương trong cuộc khổ nạn
của Chúa.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch từ
nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY
26- 4
Chúa
Nhật IV Phục Sinh. Chúa Chiên Lành
Cv
4, 5-12; 1Ga 3, 1-2; Ga 10, 11-18.
LỜI
SUY NIỆM: “Tôi
là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.”
Chúa
Giêsu đang nói với mỗi một người trong chúng ta đây. Người là Mục Tử Nhân Lành.
Mục tử duy nhất đối với mỗi một người trong chúng ta ngay lúc này và mãi mãi.
Chính Người là Đấng ban cho chúng ta sự sống tràn đầy. Người luôn hướng dẫn
chúng ta đi trên con đường an lành, đem chúng ta đến nơi cánh đồng xanh tươi và
dòng suối trong mát, không những thế Người cùng đồng hành với từng người trong
chúng ta để bảo vệ chăm sóc và gìn giữ.
Lạy
Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con được nuôi dưỡng bằng
Lời Chúa, bằng Mình Máu Thánh Chúa, để đức tin của chúng con ngày càng vững mạnh
hơn.
Mạnh
Phương
26
Tháng Tư
Người Sói
Một
trong những cuốn phim nói về sự bí ẩn của tuổi thơ: đó là cuốn phim có tựa đề
"người sói". Cuốn phim xây dựng trên một câu chuyện có thực xảy ra tại
Pháp vào cuối thế kỷ 18. Một đứa trẻ đã bị thất lạc trong rừng từ lúc lọt lòng
mẹ.
Mười
hai năm sau, khi người ta tìm gặp nó giữa rừng, thì đứa bé không khác nào một
con thú. Người ta không thể nào giao thiệp gặp gỡ với nó được. Tất cả những gì
một nhà giáo, một bà vú nuôi có thể làm được chỉ là chuẩn bị thức ăn và đặt vào
trong xó bếp để đứa bé tìm đến và liếm thức ăn như một con thú... Mọi người dường
như bó tay, không còn cách nào để đưa nó ra khỏi đời sống hoang dã của nó.
Và
một ngày kia, nó đã trốn thoát. Mọi người thở dài trước thất bại của mình...
Tình cờ, vì đói, nó đã trở ra xóm làng và một lần nữa người ta đã bắt lại được
nó. Người ta mang nó đến nhà giáo và người được chỉ định đến gần nó để hỏi han,
trò chuyện chính là vú nuôi. Bà cố gắng dùng ngôn ngữ thô sơ của mình để nói
chuyện với đứa bé. Gương mặt của nó như bất động. Nhưng bỗng nhiên, trước sự ngạc
nhiên của mọi người, đứa bé nắm tay người đàn bà. Nó nhìn bà một hồi lâu và
trong thinh lặng. nó cầm hai tay người đàn bà áp lên mặt mình...
Lúc
đó, người ta chỉ còn thấy những giọt nước mắt từ từ lăn trên gò má của hai
khuôn mặt...
Cuộc
gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người cũng diễn ra như thế. Nó nằm ra bên ngoài tất
cả những dự đoán và tính toán của chúng ta. Thiên Chúa không bao giờ là đối tượng
của những tính toán khoa học. Thiên Chúa cũng không là kết luận của những suy
tư uyên bác. Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta trong những cái bất ngờ nhất. Thiên
Chúa ở trong chúng ta, nhưng đồng thời cũng thoát khỏi tầm tay với của chúng
ta... Nói tóm lại, chúng ta không thể chiếm hữu Thiên Chúa như một sự vật,
nhưng trái lại chúng ta phải chiến đấu không ngừng để nhận ra Ngài trong những
cái tầm thường và bất ngờ nhất của cuộc sống...
Tin
Mừng cho chúng ta thấy nhiều phản ứng khác nhau của con người đối với Chúa
Giêsu. Phần đông dân chúng chỉ nhìn thấy nơi Ngài như một người dân quê xuất
thân từ cái miền nghèo nàn là Galilê. Những người trí thức thì nghiên cứu Kinh
Thánh để rồi áp dụng những hiểu biết sách vở của họ vào con người Chúa Giêsu.
Và, sĩ nhiên, những gì đã được Kinh Thánh nói đến, họ không tìm thấy nơi Chúa
Giêsu... Một số khác thì đề nghị bắt giữ Chúa Giêsu vì Ngài là một tên lừa bịp...
Chúa
Giêsu vẫn mãimãi là câu hỏi của chúng ta: "Còn các con, các con bảo Ta là
ai?". Một câu hỏi như thế, chúng ta không chỉ trả lời bằng những kiến thức
đã lĩnh hội được qua giáo lý, thần học, Kinh Thánh... Một câu hỏi như thế chỉ
có thể được trả lời bằng một cuộc gặp gỡ thân tình với Ngài.
Cũng giống như người vú nuôi già và đứa bé người sói đã cảm thông với nhau trong thinh lặng và vượt lên trên tất cả những ngôn ngữ của loài người, Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta đi vào thông hiệp với Ngài trong Ðức Tin.
Cũng giống như người vú nuôi già và đứa bé người sói đã cảm thông với nhau trong thinh lặng và vượt lên trên tất cả những ngôn ngữ của loài người, Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta đi vào thông hiệp với Ngài trong Ðức Tin.
Ðức
tin đó sẽ luôn là mặt trận chiến dai dẳng trong tâm hồn chúng ta. Có lúc chúng
ta cảm thấy như đi trong ánh nắng chan hòa. Có lúc, tất cả xung quanh chúng ta
như ập phủ xuống và chúng ta không còn thấy gì nữa. Thiên Chúa đến với chúng ta
bằng những câu hỏi mà chúng ta không ngừng nêu lên với Ngài... Tại sao Ngài bỏ
con? Chúng ta hãy không ngừng tra vấn Thiên Chúa. Ðó là dấu hiệu của một cuộc đối
thoại giữa Ngài với ta.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét