Thứ Năm Ngày 16/05/2013
Tuần VII Mùa Phục Sinh Năm C
Cv 22,30;23,6-11 |
BÀI ĐỌC I: Cv 22, 30; 23, 6-11
"Con phải làm
chứng về Ta tại Rôma".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, toà án muốn biết đích xác
người Do-thái tố cáo Phaolô về tội gì, nên cởi trói cho ngài, và truyền lệnh
cho các thượng tế và toàn thể công nghị họp lại, rồi dẫn Phaolô đến đứng trước
mặt họ. Phaolô biết có một số người thuộc phe Sađốc, và một số khác thuộc phe
biệt phái, nên kêu lớn tiếng giữa công nghị rằng: "Thưa anh em, tôi là biệt
phái, con của người biệt phái, tôi bị xét xử vì niềm hy vọng và vì sự sống lại
của những người đã chết". Ngài vừa nói thế, thì xảy ra sự bất đồng ý kiến
giữa các người biệt phái và Sađốc, và hội đồng đâm ra chia rẽ. Vì các người
Sađốc cho rằng không có sự sống lại, không có thiên thần và thần linh; còn các
người biệt phái thì tin tất cả điều đó. Tiếng la lối inh ỏi, và có mấy người
biệt phái đứng lên bênh vực rằng: "Chúng tôi không thấy người này có tội
gì; và nếu thần linh hay thiên thần nói với người này thì sao?" Cuộc tranh
luận đã đến hồi gây cấn, viên quản cơ sợ Phaolô bị phân thây, nên sai lính
xuống kéo ngài ra khỏi họ và dẫn về đồn.
Đêm sau, Chúa hiện đến cùng ngài và phán:
"Hãy can đảm lên! Con đã làm chứng về Ta tại Giêrusalem thế nào, thì cũng
phải làm chứng về Ta tại Rôma như vậy". Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8.
9-10. 11
Đáp: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa (c.
1).
Xướng: 1) Xin bảo toàn con,
lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa. Con thưa cùng Chúa: Ngài là chúa tể con;
Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của
con. - Đáp.
2)
Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con tự
nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự
bên hữu con, con sẽ không nao núng. - Đáp.
3)
Bởi thế, lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt của
con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong Âm phủ, cũng
không để thánh nhân của Ngài thấy điều hư nát. - Đáp.
4)
Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên
nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa, tới muôn muôn đời! - Đáp.
ALLELUIA: Ga 14, 18
Alleluia,
alleluia! - Chúa phán: "Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các
con và lòng các con sẽ vui mừng". - Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 17, 20-26
"Xin cho chúng
nên một".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu
nguyện rằng: "Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những
kẻ, nhờ lời chúng mà tin vào Con, để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong
Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng
Cha đã sai Con. Con đã ban cho chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng
nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng
được hoàn toàn nên một và để thế gian biết rằng Cha đã sai Con, và Con đã yêu
mến chúng như Cha đã yêu mến Con. Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con
muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang
mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian. Lạy
Cha công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con biết Cha, và những người
này cũng biết rằng Cha đã sai Con. Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ
còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong
chúng nữa". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Cầu Cho Hiệp
Nhất
Có
một câu chuyện cổ được kể lại như sau: trong một cuộc họp tất cả các muông thú
rừng xanh, dòng nhà cọp đã dành được ngôi vị chúa sơn lâm nhờ vào sức mạnh và
bản tính hung dữ của chúng. Ngày kia, cọp gặp người thợ săn, trước khi buông
phát tên, người thợ săn nói với cọp: "Hỡi chúa sơn lâm, hãy đón nhận các
điều mà con người gửi đến cho các muông thú". Và một phát tên đã cắm phập
vào lưng cọp, quá đau đớn nên cọp đã chạy vào rừng rậm.
Thấy
cọp bỏ chạy, một con sói già hỏi tại sao? Cọp lắc đầu đáp: "Chỉ một lời
con người muốn nói với chúng ta mà đã làm cho ta đau đớn đến thế này, thì làm
sao ta có thể chống lại được bọn họ". Sói già an ủi cọp: "Ðiều suy
nghĩ của chúa sơn lâm thật thực tế, tuy nhiên chúa sơn lâm đã quên một điều là
nếu tất cả các muông thú rừng xanh đoàn kết lại, chúng ta có thể chống lại con
người. Tỉ như họ hàng nhà sói chúng tôi tuy sức mạnh không bằng chúa sơn lâm,
nhưng một bầy sói vẫn có thể nuốt trọn tên thợ săn". Ý kiến thật hay, tuy
nhiên thú rừng vẫn cứ bị tiêu diệt vì chẳng bao giờ chúng học được hai chữ
"đoàn kết - hợp nhất".
Anh
chị em thân mến!
Trước
khi từ giả các môn đệ để về cùng Cha, Chúa Giêsu biết rằng những kẻ theo Ngài
sẽ bị thế gian ghét bỏ và vì quyền lực của sự dữ tấn công. Nếu đơn độc chiến
đấu, chắc chắn họ sẽ thất bại cũng như nguyên tổ của họ đã thất bại. Nếu con
người thua trận lần nữa thì việc cứu chuộc của Chúa Giêsu trở thành luống công
vô ích. Bởi thế mà Ngài đã cầu nguyện cho họ "như Cha ở trong Con và Con ở
trong Cha". Chúa Giêsu không cầu xin cho họ có sức mạnh, vì sức mạnh
thường đưa con người vào nguy cơ ỉ lại vào chính mình, không còn biết đến ai và
lúc đó, con người trở thành hòn đảo cô độc.
Ngài
cũng không cầu xin cho con người có quyền lực, vì quyền lực dễ đưa con người
vào hố sâu của tham vọng, tham vọng thống trị, buộc người khác phải phục vụ
mình, tham vọng giàu sang đã có quyền lại có thế để rồi từ đây sẽ phát sinh ra
biết bao nhiêu tham vọng khác.
Hẳn
thật, sức mạnh và quyền lực sẽ chóng giúp con người từ thành đạt đến thành
công. Có được hai yếu tố này, mọi tổ chức chẳng lo gì phải thất bại, Vậy mà khi
cầu nguyện cho Giáo Hội, cộng đoàn của những kẻ nhờ lời các tông đồ mà tin, thì
Chúa Giêsu lại không xin cho Giáo Hội được phát triển bằng sức mạnh và quyền
lực, nhưng Ngài chỉ xin cho tất cả được hiệp nhất trong Ngài và hiệp nhất với
nhau, để Ngài ở đâu thì họ cũng được ở đó, và để họ được chiêm ngưỡng vinh
quang Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã đem lửa xuống trần gian và Ngài hằng ao ước cho
lửa ấy cháy lên. Ngài vẫn luôn mong mỏi cả thế gian tin nhận rằng: Ngài là Ðấng
Cứu Thế duy nhất.
Tuy
nhiên, con đường Ngài đi và phương thế Ngài dùng lại hoàn toàn khác biệt, tất
cả được gói trọn trong hai chữ "Yêu Thương - Phục Vụ". Bởi thế, muốn
phản chiếu hình ảnh trung thực của Chúa Giêsu, không gì hiệu nghiệm cho bằng
sống yêu thương - hiệp nhất.
Lời
mời gọi của Chúa Giêsu tuy đơn giản nhưng lại rất khó thực hiện, Bởi vì bao lâu
còn góc cạnh là bấy lâu chẳng thể đặt sát gần nhau và nếu chỉ một phía cắt bỏ
các góc cạnh mà thôi thì vẫn còn xa cách. Sự hiệp nhất chỉ được phát sinh từ
những cố gắng của mọi phía. Chẳng thể ngồi chờ đợi kẻ khác, còn tôi cứ đóng
khung trong các chứng tật cố hữu của mình, xem như chẳng liên quan đến ai cả.
Lạy
Chúa, khi đã trở thành phần tử trong nhiệm thể Chúa Kitô, chắc chắn mỗi người
trong chúng con không thể đứng riêng rẽ một mình, nhưng phải liên kết với nhau
để thông truyền sức sống. Muốn liên kết chúng con phải cắt bỏ những chứng tật
cố hữu, phải hy sinh trong mọi lúc. Thế nhưng, nhờ những hy sinh này, chúng con
sẽ nên một trong Chúa và sẽ được chiêm ngắm quyền năng vinh quang Chúa hành
động. Amen.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần VII PS
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chia rẽ và hiệp nhất
Hiệp
nhất là điều ao ước của con người cho gia đình, cộng đoàn, Giáo Hội, và toàn
thế giới. Nhưng sự hiệp nhất hệ tại điều gì? Có phải là cùng chung một màu da
hay nói cùng một ngôn ngữ? Nếu hiệp nhất chỉ cần như thế, thì đã không có những
cuộc nội chiến tương tàn như chiến tranh Nam-Bắc tại Việt Nam ! Có phải là
mang cùng một tên gọi? Nếu thế, đã không có quá nhiều giáo phái giữa các Kitô
hữu! Hay tin vào cùng một Chúa? Cả ba tôn giáo độc thần: Do-thái, Kitô Giáo, và
Hồi Giáo đều tin vào một Chúa mà vẫn không hiệp nhất với nhau! Các Đức Giáo
Hoàng sau này đã kêu gọi và cổ võ cho sự hiệp nhất bằng cách chú trọng nhiều
đến điểm tương đồng giữa các tôn giáo, để cùng nhau làm việc và làm cho mọi
người nhận biết Thiên Chúa.
Các
Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy sự hiệp nhất hòan hảo phải đặt căn bản trên
sự thật và yêu thương quí trọng nhau. Trong Bài Đọc I, Phaolô tuy là người rao
giảng về hiệp nhất về nền học thần học thân thể, đã nói những lời gây ra cuộc
ẩu đả dữ dội giữa hai phái Pharisees và Saduccees. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu
chú trọng đến việc làm theo thánh ý Thiên Chúa và yêu thương. Đây là hai điều
căn bản xây dựng sự hiệp nhất.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Chính vì hy vọng rằng kẻ chết sẽ sống lại mà tôi bị đưa ra xét xử.
1.1/
Phaolô gây chia rẽ giữa những người Pharisees và Saduccees trong THĐ:
(1)
Sự sống lại:
Phaolô rất tinh ý. Ông biết cả hai giáo phái đều chống ông về niềm tin vào Đức
Kitô, nên ông không đề cập trực tiếp đến Đức Kitô; nhưng ông đề cập đến sự sống
lại mà hai giáo phái khác biệt nhau, nên ông nói lớn tiếng giữa hội nghị:
"Thưa anh em, tôi là người Pharisee, thuộc giòng dõi Pharisees; chính vì
hy vọng rằng kẻ chết sẽ sống lại mà tôi bị đưa ra xét xử."
(2)
Hậu quả của những gì Phaolô nói: Ông vừa nói thế, thì người Pharisees và người
Saduccees chống đối nhau, khiến hội nghị chia rẽ. Thật vậy, người Saduccees chủ
trương rằng chẳng có sự sống lại, chẳng có thiên sứ hay quỷ thần; còn người
Pharisees thì lại tin là có.
Người
ta la lối om sòm. Có mấy kinh sư thuộc phái Pharisees đứng lên phản đối mạnh
mẽ: "Chúng tôi không thấy người này có gì là xấu. Biết đâu một vị thần hay
một thiên sứ đã nói với ông ấy?" Hai bên chống đối gay gắt đến nỗi vị chỉ
huy sợ người ta xé xác ông Phaolô, nên mới ra lệnh cho lính xuống lôi ông ra
khỏi đám người đó mà đưa về đồn.
1.2/
Niềm tin của Phaolô vào sự sống lại: Một người có thể trách Phaolô đã gây chia rẽ
trong THĐ, và đã không là sứ giả mang hòa bình tới cho mọi người; nhưng Phaolô
hoàn toàn có lý khi làm như thế vì những lý do sau:
+
Hiệp nhất lý tưởng là hiệp nhất trong sự thật; chứ không hiệp nhất trong sự
gian dối. Những
người trong THĐ đã không theo hướng dẫn của Lề Luật khi xét xử Chúa Giêsu,
Phêrô, Phaolô, và các môn đệ của Ngài. Một THĐ gồm những người như thế, con
người không buộc phải tuân theo, như Phêrô và Gioan đã từng nói: "Chúng
tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người đời." Phaolô không nói
điều gì gian dối, nhưng hoàn toàn đúng theo sự thật: Ông tin có sự sống lại, và
chính vì điều này mà ông vào tin Đức Kitô, khi Ngài hiện ra khuyến cáo ông trên
đường ngã ngựa tại Damascus. Sự sống lại là nền tảng chính yếu cho đức tin của
Kitô Giáo, đến nỗi Phaolô đã phải nói mạnh: "Nếu Đức Kitô không sống lại,
niềm tin của chúng ta sẽ ra vô ích."
+
Hiệp nhất đòi con người phải công bằng: Người Kitô hữu không phải ngây thơ đến độ
"cứ đưa má cho người ta vả;" nhưng có lúc họ phải chất vấn những
người bắt nạt, như Chúa Giêsu đã chất vấn viên sĩ quan của Thượng Tế, khi hắn
vả mặt Ngài: "Nếu Ta nói sai, hãy chứng minh; nếu ta nói phải, sao ngươi
đánh Ta" (Jn 18:22)?
+
Hiệp nhất đòi người môn đệ phải khôn ngoan: Phaolô biết cách phân tán lực lượng của kẻ
thù; đồng thời ông cũng biết cách đặt vấn đề cho con người phải suy nghĩ. Chính
Chúa Giêsu cũng hài lòng về những gì ông làm, khi "đêm ấy Chúa đến bên ông
Phaolô và nói: "Hãy vững lòng! Con đã long trọng làm chứng cho Thầy ở Jerusalem thế nào, thì
con cũng phải làm chứng như vậy tại Rôma nữa.""
2/
Phúc Âm: Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha.
2.1/
Mô hình lý tưởng của sư hiệp nhất: Sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.
+
Hiệp nhất trong sự thật: mọi người cùng chung một niềm tin vào Đức Kitô. Đây là lời cầu
nguyện của Chúa Giêsu cho hết mọi người, trong đó có chúng ta, những người đã
tin vào Ngài: "Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho
những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và
con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha
đã sai con." Trong lời cầu nguyện này, chúng ta thấy biểu lộ một niềm tin
không lay chuyển của Chúa Giêsu vào Thiên Chúa và vào con người, cho dẫu Ngài
đã thấy trước sự phản bội của các môn đệ trong Cuộc Thương Khó. Ngài tin các
môn đệ, sau khi đã trải qua sóng gió, sẽ nhận ra sự thật, sẽ tin và làm chứng
cho Ngài.
+
Hiệp nhất trong tình yêu: mọi người cùng chung một tình yêu đến từ Thiên Chúa. Chúa Giêsu
biết rõ hai điều căn bản cho sự hiệp nhất là sự thật và tình yêu, nên Ngài cầu
xin với Chúa Cha: "Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban
cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong
con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha
đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con." Tình yêu phải là
đồng phục của hiệp nhất: các tín hữu có thể khác biệt về những điều khác, nhưng
phải cùng một tình yêu, như Chúa đã nhấn mạnh: "Người ta cứ dấu này, mà
nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau" (Jn 13:35).
2.2/
Vinh quang của Chúa Cha ban cho Chúa Giêsu: Tình yêu đòi hỏi sự hiệp nhất với nhau trong
mọi nơi và mọi lúc, khi vinh quang cũng như lúc gian khổ. Chúa Giêsu cầu xin
Chúa Cha liên kết Ngài với các môn đệ luôn: "Lạy Cha, con muốn rằng con ở
đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng
vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con
trước khi thế gian được tạo thành." Vinh quang Thiên Chúa đã ban cho Chúa
Giêsu là những điều gì?
(1)
Thập Giá là vinh quang của Chúa Giêsu: Theo Gioan, khi chịu treo trên Thập Giá là
lúc Chúa Giêsu được vinh quang. Thiên Chúa cũng được vinh quang vì Kế Hoạch Cứu
Độ của Ngài hoàn tất. Con người cũng được vinh quang vì từ nay con người không
ở dưới ách của tử thần nữa. Vì thế, khi các môn đệ chịu đựng đau khổ vì Chúa
Giêsu, họ mang lại vinh quang cho chính họ và cho Thiên Chúa.
(2)
Hoàn toàn vâng lời làm theo thánh ý Thiên Chúa là vinh quang của Chúa Giêsu: Trong giờ phút hấp hối
ở Vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đã cầu nguyện để làm theo thánh ý Thiên Chúa. Vì
thế, vượt qua mọi gian khổ để chu toàn thánh ý Thiên Chúa, làm Chúa Giêsu được
vinh quang.
(3)
Làm cho các môn đệ nhận biết Chúa là vinh quang: "Con đã cho họ biết danh Cha, và
sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng
ở trong họ nữa."
Khi
các môn đệ làm cho mọi người nhận biết Thiên Chúa, họ làm cho Danh Chúa được cả
sáng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
-
Để có hiệp nhất trong gia đình và cộng đoàn, chúng ta cần biết sống theo sự
thật và yêu thương nhau bằng tình yêu Thiên Chúa.
-
Mỗi con người đều có ý kiến khác nhau. Điều làm cho con người liên kết với nhau
là cùng làm theo ý Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh
Minh Tiên OP
HẠT
GIỐNG NẨY MẦM TUẦN 7 PHỤC SINH
Ga 17,20-26
A. Hạt giống...
Chúa Giêsu cầu cho những tín hữu đã nghe
lời rao giảng của các môn đệ mà tin vào Ngài :
- "Con không cầu xin cho chúng mà
thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ nhờ lời chúng mà tin vào Con"
- "để cả chúng cũng nên một trong
Ta"
- "Con muốn rằng Con ở đâu thì chúng
cũng ở đấy với Con"
- "để tình Cha yêu Con ở trong chúng
và Con cũng ở trong chúng nữa"
B.... nẩy mầm.
1. "Để cả chúng cũng nên một trong
ta" : "nên một" là một điều hét sức quan trọng, nên khi cầu
nguyện cho bất cứ thành phần nào trong Giáo Hội, Chúa Giêsu cũng cầu xin cho họ
được điều ấy.
Lạy Cha, xin giữ chúng con trong tình hiệp
nhất
Không phải thứ hiệp nhất rẻ tiền : cố nhịn
nói, cố tránh va chạm để người ngoài nhìn vào không biết chúng con đang chia rẻ
Mà là sự hiệp nhất dám chấp nhận những dị
biệt và những lời góp ý thẳng thắn
Một sự hiệp nhất được thúc đẩy bởi ước muốn
duy nhất trong lòng mọi người là sống theo chân lý của Cha.
2. Nhạc trưởng Michael Costa đang diễn tập
với một ban đại hợp xướng với cả trăm nhạc cụ và nhạc công. Bỗng có tiếng sáo
ré lên. Chắc người thổi sáo sợ rằng nhạc trưởng không nghe thấy tiếng sáo của
mình. Nhạc trưởng cáu kỉnh quát : "Tiếng sáo nào kì vậy
?" Và phải tập lại từ đầu. (Góp nhặt)
3. "Con muốn rằng Con ở đâu thì chúng
cũng ở đấy với Con" : Chúa Giêsu ở đâu ? Ở trong tình yêu Chúa Cha ; ở
trong sự thật ; ở trong thánh ý Chúa Cha ; ở trên thập giá... và ở trên thiên
đàng.
3. "Chính Cha đã sai con và yêu thương
họ như đã yêu thương con"
Mỗi lần nói đến cuộc đời Chúa Giê-su, tôi
rất dễ lời cảm tạ, ngợi khen, tri ân trước những hy sinh lớn lao của Ngài. Và
tôi thường lý luận nông cạn rằng vì Chúa Giê-su được Chúa Cha thương đặc biệt
nên Người có thể làm mọi sự.
Nhưng hôm nay, trước khi về trời, Chúa
Giê-su lại khẳng định với tôi rằng Chúa Cha đã yêu thương tôi như đã yêu thương
Chúa Giê-su.
Như vậy, Giê-su Nadarét ngày nào cũng như
tôi hôm nay, cũng được Chúa Cha yêu thương bằng một tình Cha thật gần gũi.
Nhưng khác một điều Ngài đã nhận ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình, dù
trong những lúc đau thương nhất của cuộc sống. Còn tôi, cũng tin vào Tình Yêu
của Thiên Chúa, những không mấy xác tín rằng Chúa Cha đã yêu thương tôi
như đã yêu thương Chúa Giê-su.
Cha ơi, xin cho con cảm nghiệm được Cha yêu
con và học biết nơi Đức Kitô cách đáp lại trọn vẹn tình Cha. (Epphata)
4. (những mầm khác)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI –
Gp.Cần Thơ
16/05/13 THỨ
NĂM TUẦN 7 PS
Ga 17,20-26
Ga 17,20-26
NÊN MỘT : DẤU CHỈ MÔN ĐỆ CHÚA GIÊ-SU
“Con ở
trong họ và Cha ở trong Con, để họ được hoàn toàn nên một.” (Ga 17,23)
Suy niệm: Mẫu mực cho sự hiệp nhất của
Kitô hữu là sự hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là Thiên Chúa,
nhưng Ngài không phải là đối thủ của Chúa Cha; trái lại, Ngài là Con của Chúa
Cha, vì thế, Ngài tuân hành thánh ý Chúa Cha: “Lương thực của Thầy là làm theo
ý Đấng đã sai Thầy.” Người Do Thái tưởng lầm rằng, khi Chúa Giêsu xưng mình là
Con Thiên Chúa thì Ngài có đủ quyền năng để chống lại ý muốn của Thiên Chúa.
Nhưng không, Chúa Giêsu luôn tìm hiệp nhất với Chúa Cha, dù có khi việc hiệp
nhất đó có nghĩa là chén đắng mà Ngài phải uống cạn. Sự hiệp nhất theo thánh ý
Chúa Cha chứng minh Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa.
Mời Bạn: Chúa Giêsu cầu nguyện cùng Chúa
Cha để xin cho chúng ta hiệp nhất nên một như Ngài nên một với Chúa Cha. Kitô
hữu dễ dàng đánh mất sự hiệp nhất này, nhất là mỗi khi có quyền hành. Chúng ta
tưởng rằng quyền hành là để đòi buộc mọi người làm theo ý của chúng ta và quên
mất quyền hành ấy trao cho chúng ta bổn phận nhắc nhở người khác thực thi thánh
ý của Thiên Chúa. Quả thật, việc của chúng ta không phải là làm gì cho Thiên
Chúa, nhưng là cùng làm với Thiên Chúa.
Chia sẻ: Giáo xứ của bạn có đang gặp
những trở ngại nào cho sự hiệp nhất không?
Sống Lời Chúa: Mời gọi một số bạn bè cùng cầu
nguyện cho các thành viên được hiệp nhất trong Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi
người được nên một, để ước mong hiệp nhất của Chúa được thành tựu nơi mỗi chúng
con.
Để
họ được nên một
Chúng ta cầu cho sự hiệp nhất yêu thương giữa các Kitô hữu
trên thế giới. Nếu một phần ba dân số thế giới sống nên một trong yêu thương,
hai phần ba còn lại sẽ sống trong hạnh phúc bình an.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay là phần cuối của Lời
Nguyện sau Tiệc Ly.
Đức Giêsu cầu nguyện, không phải cho các môn đệ
đang hiện diện,
nhưng cho các môn đệ tương lai, là chính chúng
ta,
những người tin nhờ nghe lời giảng của các môn
đệ đi trước (c.20).
Hôm nay Đức Giêsu là Thượng Tế trên trời, là
Đấng Trung Gian duy nhất,
vẫn dâng lên Chúa Cha lời nguyện tương tự.
Ngài nhìn thấy một phần ba dân số thế giới là
Kitô hữu, hơn hai tỷ người.
Ngài nhìn thấy những người theo Công Giáo gồm
hơn một tỷ,
theo Chính Thống giáo, Tin Lành, Anh giáo và
bao giáo phái khác.
Ngài xin Cha cho họ nên một, như Cha và Con là
một (c. 22).
Đức Giêsu đã xin cho các môn đệ đang hiện diện
bên Ngài
được nên một “như chúng ta” (Ga 17, 11b).
Bây giờ Ngài xin cho các môn đệ tương lai cũng
được nên một.
Sự hiệp nhất nên một giữa Cha và Con
vừa là khuôn mẫu, vừa là nguồn mạch cho sự hiệp
nhất giữa các Kitô hữu.
“Để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con
ở trong Cha” (c. 21).
Cha và Con ở trong nhau, đó là mẫu mực cho sự
hiệp nhất.
Chúng ta được mời gọi ở trong nhau khắng khít
như Cha và Con.
Điều này không thể thực hiện được, nếu chúng ta
không được đưa vào
trong mối tương quan thân thiết giữa Cha và
Con:
“để họ cũng ở trong Chúng Ta” (c. 21).
Các Kitô hữu chỉ hiệp nhất khi họ được sống
trong nguồn hiệp nhất
là sự ở trong nhau giữa Cha và Con.
Trong Lời Nguyện của Đức Giêsu, ta thấy có một
tương quan ba chiều
giữa Cha, Con và các môn đệ.
“Con ở trong họ và Cha ở trong Con…
Cha đã yêu thương họ như đã yêu thương Con” (c.
23).
“Tình Cha đã yêu thương Con ở trong họ, và Con
cũng ở trong họ nữa” (c.26).
Tương quan này sâu lắng đến mức có sự ở lại
trong nhau thật sự
giữa Cha, Con và các môn đệ là chính chúng ta.
Tuy vậy ít khi chúng ta dám nghĩ mình có tương
quan gần gũi đến thế
với thế giới siêu việt của Cha và Con.
Nhưng Đức Giêsu còn nói đến tương quan giữa các
môn đệ với thế gian.
Chỉ khi có sự hiệp nhất giữa các môn đệ, lúc đó
mới hy vọng
“Thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (c. 21),
“Thế gian sẽ nhận biết rằng Cha đã sai Con (c.
23).
Chúng ta cầu cho sự hiệp nhất yêu thương giữa
các Kitô hữu trên thế giới.
Nếu một phần ba dân số thế giới sống nên một
trong yêu thương,
hai phần ba còn lại sẽ sống trong hạnh phúc
bình an.
Cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng con tôn thờ,
xin giúp
con quên mình hoàn toàn
để ở lại trong Chúa.
lặng lẽ và an bình
như thể hồn con đã sống trong vĩnh cửu.
Lạy Đấng thường hằng bất biến,
mong sao không gì có thể khuấy động
sự bình an của con,
hay làm
cho con ra khỏi Chúa;
nhưng ước
chi mỗi phút lại đưa con
tiến xa
hơn vào chiều sâu của mầu nhiệm Chúa !
Xin làm cho hồn con bình an thanh thản,
xin biến hồn con thành chốn trời cao,
thành nơi cư ngụ dấu yêu của Chúa,
nơi Chúa nghỉ ngơi.
Ước chi
con không bao giờ để Chúa ở đó một mình
nhưng con luôn có mặt, với trọn cả con
người,
với thái độ nhạy bén trong đức tin,
cung kính tôn thờ
và phó mình cho Chúa sáng tạo.
(Lời nguyện của chân phước Elisabeth de
Trinité)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Suy niệm Ga 17,20-26
Lạy Chúa Giêsu, lời Chúa hôm nay tiếp tục là những lời
cầu nguyện tha thiết của Chúa. Lời cầu nguyện hôm nay Chúa muốn hướng đến Giáo
Hội của Chúa. Giáo Hội là tất cả những người nhờ nghe lời rao giảng của các
Tông Đồ mà tin vào Chúa: “Con
không chỉ cầu nguyện cho những người này (Tông Đồ), nhưng còn cho những ai nhờ
lời họ mà tin vào con” (Ga17,20).
Qua lời cầu nguyện này con thấy được Chúa luôn luôn ở bên
cạnh Giáo Hội, và Giáo Hội muốn là dân của Chúa thì cũng phải đi theo con đường
của Đức Kitô: “Lạy Cha, con
muốn rằng con ở đâu thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con”
(Ga17,24). Ở với Chúa, đi theo con đường của Chúa, từ trước tới giờ con cứ
nghĩ đó chỉ là con đường thập giá, nhưng không chỉ có thế, mà ở với Chúa, theo
con đường của Chúa còn có cả vinh quang nữa: “Để
họ chiêm ngưỡng vinh quang của Con, vinh quang mà Cha đã ban cho con”
(Ga17,24).
Chính vì vậy điệp khúc đau khổ-vinh quang luôn vang lên
trong lòng Giáo Hội cũng như chính cuộc đời con. Những lúc Giáo Hội phát triển
mạnh mẽ về đức tin, đức cậy, đức mến là những lúc Giáo Hội vinh quang. Những
lúc Giáo Hội bị khủng hoảng là những lúc Giáo Hội đau khổ. Bản thân con cũng có
những lúc được thành công, được tán dương, được khen thưởng, hoặc chính bản
thân cảm nhận được sự bình an trong Chúa… thì những lúc đó quả thật là vinh
quang. Nhưng cũng không ít lần trong cuộc đời phải nếm trãi đau thương, thất
bại, thử thách, hiểu lầm, hoặc tâm hồn con cảm thấy hoang mang lo sợ… thì những
lúc đó quả thật là thập giá nặng nề.
Lời Chúa ngày hôm nay cho con thấy đó là con đường mà
Giáo Hội và chính bản thân con phải đi. Con đường đó không phải chỉ có thập
giá, nhưng cũng có vinh quang để con nếm trải trước vinh quang nước Chúa; để
con không chán nản mà bỏ cuộc; để con không thất vọng mà buông xuôi “Nhưng can đảm lên vì, vì Thầy đã
thắng thế gian” (Ga16,33).
Lm. Thiện Duy
Sống trong hiệp nhất
Lời
cầu nguyện của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly cũng là lời cầu nguyện cho sự hiệp
nhất giữa các môn đệ và giữa tất cả những người tin nhận Chúa Giêsu từ Thiên
Chúa. Chúa Giêsu cầu nguyện cách đặc biệt cho tất cả chúng ta được trở nên một
như các thành phần chi thể trong một thân mình duy nhất của Ngài, đó là Hội
Thánh. Cũng như Ngài và Chúa Cha đã kết hợp nên một. Sự hiệp nhất giữa Chúa
Giêsu và Chúa Cha là sự hiệp nhất trong tình yêu thương và sự vâng phục, và đó
là sự hiệp nhất mật thiết nhất. Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta trước nhất và
Ngài kết hợp với chúng ta trong bí tích thánh tẩy, qua đó chúng ta được kêu gọi
để sống trong sự hiệp nhất tình yêu.
Lời
cầu nguyện của Chúa trước lúc khổ nạn cho chúng ta thấy tình yêu cao cả và sự
tín cẩn mà Thiên Chúa đã trao cho các môn đệ của Ngài, vì thế Ngài vẫn trao cho
các ông một sứ mạng vô cùng lớn lao là rao giảng tên Ngài khắp nơi trên thế
gian và cho đến tận cùng thời gian. Chúa Giêsu chết đi và sống lại để tất cả
mọi người trở nên một như Ngài ở trong Cha và Cha ở trong Ngài. Chúa Giêsu nói:
“Con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con để họ được là một như chúng
ta là một”.
Lời
Chúa trong bài Phúc Âm hôm nay nói tới sự vinh quang mà Ngài ban cho các môn đệ
và Ngài cũng mời gọi tất cả chúng ta hãy mở rộng vòng tay để đón nhận sự vinh
quang đến từ tình yêu của Chúa Cha, để tất cả được trở nên một. Tuy nhiên, đây
là sự vinh quang khác biệt với sự vinh quang phát sinh từ lòng kiêu ngạo của
con người, vì loại vinh quang này chỉ đem tới sự chia rẽ. Sự vinh quang của
Chúa Giêsu là sự vinh quang của Ðấng đã tự hạ mình xuống ngang hàng với nhân
loại để yêu thương và phục vụ như Ngài đã rửa chân cho các môn đệ. Ðó là sự
vinh quang của Ðấng đã không màng tới sự vinh quang của cá nhân, vì thế mà Chúa
Cha đã vinh danh Ngài. Thánh Phaolô tông đồ trong thư gởi các tín hữu Philipphê
đã nói rằng Chúa Giêsu trong lúc còn sống tại trần thế đã lãnh nhận vinh quang
của Thiên Chúa. Vì Ngài tuy là Thiên Chúa nhưng đã trút bỏ vinh quang và mặc
lấy thân nô lệ và sống nên người phàm nhân. Ngài lại còn tự hạ mình xuống và
vâng lời Cha để chết trên thập giá cho sự cứu rỗi của nhân loại. Chính vì thế
mà Cha Ngài đã suy tôn Ngài và ban cho Ngài một danh hiệu vượt trổi hơn các
danh hiệu khác. Chính Chúa Cha đã dành cho Con Ngài sự vinh quang vượt lên trên
các vinh quang của trần thế. Chúa Giêsu đã có được sự vinh quang đó không phải
vì Ngài ưa thích tìm kiếm mà vì Chúa Cha đã ban cho Ngài. Thiên Chúa đã chỉ cho
chúng ta phương cách để trở nên một đó là đón nhận sự vinh quang mà Ngài đã ban
cho chúng ta, sự vinh quang giúp chúng ta biết phục vụ cho những người khác và
mở rộng trái tim đến tất cả mọi người. Sự vinh quang giúp chúng ta biết hạ mình
sống gần gũi với tầng lớp của những người anh em khốn khó của mình.
Lạy
Chúa, xin hãy thương xót nhân loại và chữa lành các vết thương chia rẽ của
chúng con. Xin cho tất cả các tín hữu Kitô sống trong sự hiệp nhất như Ngài đã
cầu xin Cha. Xin hãy đổi mới chúng con bằng sức mạnh của Thần Khí để chúng con
trở thành dấu chỉ của sự hiệp nhất và làm tăng thêm trong chúng con tình yêu đối
với anh chị em khác trong Chúa Kitô.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Ba
16 THÁNG
NĂM
Tiếng Gọi Bước Tới
Vinh Quang
Vào ngày
thứ bốn mươi, “Người đã được đưa lên trời” (Cv 1, 2). Phụng vụ ngày lễ Thăng
Thiên cử hành biến cố hồng phúc này. Nơi chốn thực sự của cuộc vinh thăng Đức
Kitô không phải là trên mặt đất này mà là trong cung lòng Chúa Cha. “Lên trời”
ở đây ám chỉ việc đi đến một nơi hoàn toàn khác với cõi trần gian.
Đó là sự
hiệp thông hoàn toàn với Thiên Chúa – Đấng Thiên Chúa hiệp nhất Cha, Con và
Thánh Thần. Đó là vị Thiên Chúa “làm cho tất cả được viên mãn” (Ep 1, 23), vị
Thiên Chúa là “Cha vinh hiển”.
Nơi chốn
của sự thông hiệp hoàn toàn với Thiên Chúa chính là nơi mà Đức Kitô được vinh
thăng. Ở đó Người được tôn thờ trong tư cách là Con đời đời đồng bản tính với
Cha, và là Chúa Tể của mọi loài đã được cứu chuộc. Thật vậy, Chúa Cha đã đặt
tất cả dưới chân Người và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh – mà Hội Thánh
là Thân Thể Người, là sự viên mãn của Đấng làm cho tất cả được viên mãn” (Ep 1,
22 – 23).
Đức Kitô,
Chúa Tể của tạo vật đã được giải cứu, được tuyên dương nơi cuộc Phục Sinh và
được vinh thăng nơi cuộc Thăng Thiên. Người tiếp tục hoạt động với chính quyền
lực thần linh đã thể hiện nơi Người trong cuộc sống dương thế. Quyền lực này,
được đóng ấn bởi mầu nhiệm phục sinh, dẫn dắt loài người và mọi tạo vật tiến
đến vinh quang của Chúa Cha.
Hoa quả của
quyền lực ấy là toàn bộ kho tàng vinh quang được kế thừa bởi các thánh. Quyền
lực ấy cũng thể hiện một cách vô cùng lớn lao cho chúng ta là những tín hữu (Ep
1, 18 – 9). Vì thế, tính trang trọng của sự kiện Chúa Thăng Thiên nói với chúng
ta về tiếng gọi bước tới vinh quang, tiếng gọi mà loài người và mọi tạo vật
phải nhận ra nơi Thiên Chúa qua Đức Kitô – Đấng đã được đưa lên trời.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan
Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul
II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Cv
22, 30; 23,6-11; Ga 17, 20-26.
LỜI SUY NIỆM: “Con
không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà
tin vào con” (Ga 17,20)
Chúa
Giêsu cầu nguyện không còn gói gọn trong số những Tông đồ mà Ngài đã tuyển
chọn, nhưng cầu nguyện cho tất cả những ai qua lời rao giảng của các Tông đồ mà
tin vào Ngài đều được Chúa yêu mến mà cầu nguyện lên cùng Chúa Cha xin gìn giữ.
Thật là hạnh phúc cho chúng ta là những Ki-Tô hữu của những thế hệ sau các
Thánh Tông Đồ; có một Đấng Trung Gian Chí Thánh, là Con Thiên Chúa; không những
chuyển cầu lời cầu xin của chúng ta lên cùng Chúa Cha; mà còn đích thân luôn
cầu nguyện cho chúng ta trước Nhan Thánh Ngài. Ước gì chúng ta yêu mến Thánh
Lễ, tích cực tham dự hằng ngày.
Mạnh
Phương
16 Tháng Năm
Cái Hôn
Hãng thông tấn AFP của
Pháp trong bản tin ngày 23/01/1991 đã ghi một mẩu chuyện lạ như sau:
Một phụ nữ Brazil đã lợi
dụng cái hôn để cắn và nuốt mất khúc lưỡi của người yêu. Bà cho biết: làm như
thế là để trả thù người đàn ông vì đã đánh đập, hành hạ bà.
Cảnh sát tại thành phố
Salvador de Bahia, mạn đông bắc Brazil cho biết như sau: Lucia bị người yêu là
ông Djalm dos Santos, 47 tuổi, đã đánh đập, hành hạ thậm tệ. Nàng kiên nhẫn chờ
đợi cơ hội. Hôm 22/01/1991, ông Djalm đến thăm Lucia để xin lỗi. Cô ta liền
nhảy xổ vào người yêu, ôm hôn ông một cách rất tình tứ, không cho ông có thì
giờ để giải thích.
Hai người đang hôn
nhau, thì đột nhiên, Lucia cắn đứt một phần lưỡi của Djalim và nuốt luôn vào
bụng để người ta không thể vá lại khúc lưỡi đã bị mất.
Người đàn ông được đưa
vào bệnh viện cấp cứu. Nhưng theo các bác sĩ điều trị, ông ta sẽ không bao giờ
có thể nói lại một cách bình thường được, vì đã mất một khúc lưỡi.
Ông Djalm than thở như
sau: "Ðây là nụ hôn thê thảm nhất trong đời tôi. Ðó thật là nụ hôn của
Giuda".
Cái
hôn có nhiều hình thức và ý nghĩa khác nhau.
Có
cái hôn của các nhà lãnh đạo tôn giáo, chính trị để nói lên tình hữu nghị, sự
hòa giải. Có cái hôn bình an của các tín đồ của một tôn giáo. Có cái hôn dạt
dào thương mến giữa cha mẹ và con cái. Có cái hôn nồng cháy dục tình giữa đôi
tình nhân hay vợ chồng.
Tựu
trung, trong cái hôn nào cũng có hai yếu tố: yếu tố hữu hình là sự tiếp giáp
giữa hai thân xác qua môi miệng và yếu tố vô hình mà cái hôn muốn diễn tả như
tình liên đới, hữu nghị, sự hòa giải, tình mẫu tử, tình yêu lứa đôi. Cái hôn sẽ
trở thành đồng nghĩa với sự phản bội khi nó tước đoạt khỏi yếu tố vô hình trên
đây. Ðó là trường hợp cái hôn của người đàn bà Brazil trên đây.
Nhưng
điển hình nhất của cái hôn phản bội vẫn là cái hôn Giuda dành cho Chúa Giêsu.
Ðiều bỉ ổi nhất trong cái hôn của Giuda chính là dùng một cử chỉ của tình thân
như một dấu hiệu của sự bán nộp.
Cái
hôn của Giuda được lập lại khi người ta dùng những chiêu bài cao đẹp để che đậy
những ý đồ đen tối. Cái hôn của Giuda được lập lại khi người ta nhân danh nhân
nghĩa, nhân danh phục vụ, nhân danh người nghèo để kiếm quyền bính, tư lợi cho
mình.
Ðối
với người tín hữu Kitô, thì cái hôn của Giuda chính là thái độ sống giả hình mà
Chúa Giêsu không ngừng kết án trong Phúc Âm. Ðó là điều mà tiên tri Isaia đã
cảnh cáo khi ông nói: "Dân này thờ Ta ngoài môi miệng, mà lòng trí chúng
thì xa Ta". Nếu cái hôn của Giuda là một cử chỉ thân tình ngoài môi miệng,
nhưng lòng trí thì lại chất chứa âm mưu thâm độc, thì thái độ sống giả hình của
người tín hữu cũng là một cái hôn như thế.
Khi
môi miệng sốt sắng cầu kinh, nhưng cuộc sống lại đầy những hành động gian ác
ích kỷ, phải chăng đó không là chiếc hôn của Giuda mà chúng ta dành cho Chúa.
(Lẽ Sống)
Thứ Năm 16-5
Thánh Simon Stock
(1165 - 1265)
T
|
hánh Simon Stock sinh ở Kent , nước Anh năm 1165. Chúng ta không
được biết gì nhiều về thời niên thiếu của thánh nhân, ngoại trừ một truyền
thuyết nói rằng tên "Stock", có nghĩa "thân cây", do bởi
ngay từ khi mười hai tuổi, thánh nhân đã sống ẩn dật trong chỗ lõm sâu của thân
cây sồi. Và khi trưởng thành ngài hành hương đến Ðất Thánh là nơi ngài gia nhập
nhóm tu sĩ Cát Minh (Camêlô) và sau đó theo họ về Âu Châu.
Thánh Simon Stock thành lập nhiều cộng đoàn Cát Minh, nhất là
trong các khuôn viên Ðại Học như Cambridge, Oxford, Paris, và Bologna, và ngài
là người đã giúp thay đổi dòng Cát Minh từ hình thức ẩn tu sang hình thức tu sĩ
khất thực. Năm 1254, ngài được chọn làm Bề Trên Tổng Quyền của Dòng ở Luân Ðôn.
Thánh Simon cai quản nhà dòng với sự thánh thiện và khôn ngoan, và đã phát
triển dòng từ Anh Quốc ra khắp Âu Châu nhờ nhân đức của ngài cũng như ơn nói
tiên tri và làm phép lạ.
Thánh Simon Stock thường được nhắc đến qua một thị kiến ngài được
thấy ở Cambridge, Anh Quốc, ngày 16 tháng Bảy năm 1251, lúc đó Dòng Cát Minh
đang bị đàn áp. Trong thị kiến ấy, Ðức Trinh Nữ Maria đã hiện ra với thánh
nhân, tay cầm khăn choàng mầu nâu. Ðức Mẹ nói: "Hỡi con yêu dấu, hãy
nhận lấy khăn choàng này của Dòng con; đó là dấu hiệu đặc biệt nói lên lòng quý
mến của Mẹ đã dành cho con và con cái Dòng Cát Minh. Những ai từ trần khi mang
khăn này sẽ không bị lửa đời đời. Ðó là phù hiệu của sự cứu chuộc, là khiên
thuẫn khi gặp nguy hiểm, và là lời hứa được bảo vệ và sự bình an đặc biệt."
Khăn choàng (do bởi tiếng Latinh, scapula, có nghĩa "xương bả vai")
gồm hai mảnh vải, một mảnh ở trước ngực và mảnh kia ở đằng sau, được nối với
nhau bằng dây vải bắt ngang qua vai. Trong một số dòng tu, các tu sĩ nam nữ mặc
khăn choàng dài từ vai đến gót chân như áo khoác ngoài. Giáo dân thường mang
khăn choàng bên trong quần áo thường; gồm hai mảnh vải chỉ độ vài phân vuông mà
người Việt chúng ta thường gọi là "áo Ðức Bà."
Tuy bất cứ ai cũng có thể mặc "áo Ðức Bà" nhưng phải có
một linh mục cử hành nghi thức này. Ngoài ra, phải mang "áo Ðức Bà"
một cách xứng đáng, nếu quên không mang áo này trong một thời gian, lợi ích sẽ
không còn. Giáo Hội Công Giáo cho phép sử dụng mười tám loại "áo Ðức
Bà" khác nhau thường làm bằng nỉ mầu nâu.
Thánh Simon từ trần ở Bordeaux ,
nước Pháp ngày 16 tháng Năm 1265. Dù Thánh Simon Stock chưa bao giờ được chính
thức phong thánh, nhưng ngài được sùng kính từ lâu và Tòa Thánh cho phép cử
hành lễ kính.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét