Thứ Năm Ngày 30/05/2013
Tuần VIII Mùa Thường Niên
Năm C
BÀI ĐỌC I: Hc 42, 15-26 (Hl
15-25)
" Các công trình
của Chúa đầy ánh vinh quang của Người".
Trích
sách Huấn Ca.
Tôi
sẽ ghi nhớ công trình của Chúa, và sẽ thuật lại những điều tôi đã thấy. Nhờ lời
Chúa mà Chúa đã thực hiện những kỳ công. Mặt trời chiếu soi vạn vật, và công
trình của Chúa đầy ánh vinh quang của Người.
Nào
Chúa đã không ban cho các thánh được cao rao các việc kỳ diệu của Người, những
việc mà Chúa toàn năng đã củng cố trong vinh quang của Người sao?
Người
dò xét vực thẳm và lòng con người, thấu biết những mưu chước của họ, vì Chúa
thấu suốt mọi sự và theo dõi những dấu thời đại, tuyên bố những gì thuộc về dĩ
vãng và hậu lai, tỏ bày những dấu vết các việc ẩn kín. Không một tư tưởng nào mà
Người không biết, không một lời nào có thể giấu được Người.
Người
sắp đặt những kỳ công sự khôn ngoan của Người. Người có trước muôn đời và tồn
tại muôn thuở, không thêm không bớt, không cần đến vị cố vấn nào. Mọi công
trình của Người thực đáng quý chuộng, và như những ánh lửa người ta có thể ngắm
nhìn. Mọi vật ấy đều sống động và tồn tại muôn đời, và vâng phục Người trong
mọi hoàn cảnh. Tất cả đều có từng đôi và cái này đối diện với cái nọ, và Người
không làm chi khuyết điểm. Vật này làm nổi bật vẻ đẹp cho vật kia. Và ai có thể
nhàm chán nhìn xem vinh quang của Người?
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 32, 2-3. 4-5. 6-7. 8-9
Đáp: Do lời Chúa mà
trời xanh được tạo thành (c. 6a).
1)
Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, với đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa.
Hãy ca mừng Người bài ca mới, hát mừng Người với tiếng râm ran.
2)
Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu
chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng của Chúa. .
3)
Do lời Chúa mà trời xanh được tạo thành, và mọi cơ binh chúng đều do hơi thởmiệng
Người. Chúa thu nước biển lại như để trong bầu, Người đặt những ngọn sóng trong
kho chứa đựng. .
4)
Toàn thể địa cầu hãy tôn sợ Chúa, mọi người sống trong vũ trụ hãy kính nể
Người. Vì chính Người phán dạy mà chúng được tạo thành, chính Người ra lệnh mà
chúng trở nên thực hữu. .
ALLELUIA: Tv 144, 13cd
Alleluia,
alleluia! - Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi
việc Chúa làm. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 10, 46-52
"Lạy Thầy, xin
cho tôi được thấy".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi
ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ, và một đám đông, thì
có con ông Timê tên là Bartimê, một người mù ăn xin đang ngồi ở vệ đường. Khi
anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nagiarét, liền kêu lên rằng: "Hỡi ông
Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi". Và nhiều người mắng anh bảo im
đi, nhưng anh càng kêu to hơn: "Hỡi con vua Đavít , xin thương xót
tôi".
Chúa
Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh:
"Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh". Anh ta liệng áo choàng, đứng
dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: "Anh muốn Ta làm gì
cho anh"? Người mù thưa: "Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy". Chúa
Giêsu đáp: "Được, đức tin của anh đã chữa anh". Tức thì anh ta thấy
được và đi theo Người. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Ðến với Chúa
Trước
cửa Thiên Ðàng, một tu sĩ gõ cửa và cầu khẩn: "Lạy Chúa, xin cho con được
vào". Cánh cửa vẫn đóng kín, nhưng có tiếng hỏi: "Con có mang theo
điều gì không?". Vị tu sĩ đáp: "Con mang theo một bị chứa đầy những
nhân đức của con". Có tiếng vọng lại: "Ðiều ấy tốt, nhưng Ta không
thể mở cửa cho con vào".
Vị
tu sĩ ra đi, nhưng buổi chiều ông lại đến gõ cửa để xin được vào. Lần này, khi
được hỏi có đem theo điều gì không?, ông cho biết có đem theo công nghiệp của
việc suy niệm và cầu nguyện lâu giờ. Tuy nhiên, ông vẫn chỉ nhận được lời này:
"Thật là tốt, nhưng Ta vẫn không thể mở cửa cho con vào".
Vị
tu sĩ lại ra đi, đến tối, ông trở lại. Lần này, ông chỉ đến với con người của
ông mà thôi. Nhưng tức khắc cánh cửa mở rộng để cho ông bước vào.
Câu
chuyện trên đây nhắc chúng ta về thái độ tinh thần cần phải có để đến với Chúa,
đó là đến với Chúa bằng chính thực tế con người mình; bằng tâm tình tin tưởng
và cậy trông vào lòng nhân từ của Chúa, hơn là dựa vào sức riêng của mình. Ðó
cũng là thái độ chúng ta có thể thấy được nơi anh mù gần thành Yêricô mà Tin
Mừng hôm nay ghi lại.
Anh
mù đến với Chúa bằng chính thực tại đau thương của mình và trông cậy vào tình
thương của Chúa: "Lạy con vua Ðavít, xin dủ lòng thương tôi". Ðây là
lời cầu xin của một tâm hồn khiêm tốn và tin tưởng, như Chúa Giêsu đã ghi nhận
sau khi chữa lành anh: "Lòng tin của anh đã cứu chữa anh". Ðức tin
nơi anh mù đã giúp anh vượt qua thử thách, người ta càng ngăn cản anh, anh càng
kêu to hơn cho đến khi được Chúa nghe thấy và cho gọi anh lại.
Liệu
chúng ta có đủ khiêm tốn, kiên trì chờ đợi gặp Chúa không? Chúng ta có ý thức
mình cần đến ơn Chúa, cần đến tình yêu và sự tha thứ của Chúa không? Như anh
mù, chúng ta hãy thưa: "Lạy Chúa, xin thương xót con". Chúng ta hãy
xin Chúa cho chúng ta nhìn thấy những kỳ công Chúa đã và đang thực hiện trong
lịch sử nhân loại và trong chính đời sống chúng ta, để chúng ta trở thành bài
ca tôn vinh Chúa luôn mãi.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 8 TN1, Năm Lẻ
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ:
Sự quí
trọng của con mắt.
Trong
năm giác quan của con người, con mắt là quan năng cao trọng hơn cả; vì chúng
cung cấp cho trí khôn những ảnh niệm để suy luận. Con mắt được dùng để nhìn và
để đọc. Con người có thể dùng con mắt để nhìn thấy những kỳ công của Thiên Chúa
tạo dựng, hay để đọc những gì hay mà người khác viết về Ngài. Con mắt luôn đi
đôi với trí khôn suy luận. Con người có thể suy luận để biết có Thiên Chúa qua
tất cả những gì con người nhìn thấy hay đọc được.
Các
bài đọc hôm nay tập trung trong sự quan trọng của con mắt. Trong bài đọc I, tác
giả Sách Huấn Ca dùng con mắt để chiêm ngưỡng những kỳ công Thiên Chúa tạo
dựng, và dùng trí khôn để suy niệm sự quan phòng của Thiên Chúa, trước khi ông
có thể tường thuật lại những gì Ngài làm để cho thế hệ tương lai được biết.
Trong Phúc Âm, anh mù Bartimê đã cảm nghiệm được sự đau khổ của việc mù lòa,
nên khi biết Đức Kitô đi ngang qua, anh nhất định la to lên xin chữa lành, và
Ngài đã cho anh nhìn thấy.
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Những điều mắt thấy, tôi sẽ kể lại.
1.1/
Sự tạo dựng tuyệt vời của Thiên Chúa: Rất nhiều tác giả của Kinh Thánh đã buộc tội
con người khi họ có mắt nhìn mà vẫn không tin Thiên Chúa như tác giả của Thánh Vịnh,
Isaiah, Job... Thánh Phaolô cáo buộc những người không tin như sau: “Những gì
người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì
chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn
thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người,
thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy
được qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa được, vì
tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo. Trái
lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội. Họ
khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ” (Rom 1:18-22). Tác giả Sách
Huấn Ca bày tỏ niềm tin tương tự: “Tôi sẽ nhắc lại những công trình của Đức
Chúa, những điều mắt thấy, tôi sẽ kể lại. Do lời Đức Chúa mà có những công
trình của Người.”
1.2/
Sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa: Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ cách tuyệt vời như
thế, Ngài còn quan phòng mọi sự cách kỳ diệu hơn nữa. Tác giả liệt kê một số
những điều quan sát thấy:
(1)
Thiên Chúa biết tất cả mọi sự xảy ra trong trời đất, ngay cả những ý nghĩ sâu
thẳm trong tâm hồn con người: “Người dò thấu vực thẳm và cõi lòng nhân thế, hiểu rõ toan
tính của con người... Không một ý nghĩ nào Người không thấu suốt, chẳng một lời
nào là bí ẩn đối với Người.”
(2)
Thiên Chúa không những biết hiện tại, mà còn thấu suốt mọi dĩ vãng, tương lai: “Người công bố dĩ
vãng và tương lai, và mặc khải dấu vết của những điều bí ẩn.” Vì đối với Thiên
Chúa, mọi sự đều xảy ra trong hiện tại.
(3)
Thiên Chúa quan phòng mọi sự cách khôn ngoan: Trong sự quan phòng, Ngài chẳng cần
phải thay đổi điều chi cả, và cũng chẳng cần ai làm cố vấn cho Ngài. Thiên Chúa
điều khiển mọi sự xảy ra trong vũ trụ, những gì con người có thể thấy hay hiểu
và những gì con người không thể thấu hiểu. Tất cả mọi sự đều vâng phục Ngài.
Tác giả cho chúng ta hai ví dụ về sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa: Thứ
nhất, Thiên Chúa dựng nên các sinh vật đều có đôi để truyền sinh, để bổ túc cho
nhau, và để giúp nhau tìm được niềm vui. Thứ hai, là sự hòa điệu nhịp nhàng của
muôn vật trong vũ trụ: “Vật này làm tôn vẻ đẹp của vật kia, nhìn ngắm vinh
quang của Người, ai mà chán được?”
2/
Phúc Âm: "Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được."
2.1/
Niềm tin vững chắc của anh mù Bartimê: Trình thuật Marcô cho ta biết những đức tính
của anh.
(1)
Anh biết nhu cầu của mình: Mù lòa là sống trong tăm tối, nhìn đâu cũng toàn thấy một
màu đen, đi đâu cũng phải có người dắt. Còn gì khổ hơn người suốt đời không nhìn
thấy ánh sáng. Vì mù lòa nên anh không thể tự kiếm ăn, anh phải ăn xin vệ đường
và chịu mọi người khinh bỉ. Mù lòa thể xác dẫn tới mù lòa trí tuệ và tinh thần,
những mù lòa này còn khổ hơn vì phải sống trong sự giả trá sai lạc. Mù lòa
thiêng liêng chỉ có thể được soi sáng bằng những sự thật đến từ Thiên Chúa. Chỉ
có Ngài mới có thể cất đi mù lòa và soi sáng tâm hồn. Chúa Giêsu từng xác nhận:
“Ta là ánh sáng thế gian... Ta là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống.” Còn gì khổ
hơn người suốt đời không biết sự thật, nhất là sự thật về đích điểm của cuộc
đời. Anh biết mình cần được sáng mắt; vì thế khi được Chúa Giêsu hỏi: “Anh muốn
Ta làm gì cho anh?” Anh không chút ngần ngại trả lời: "Thưa Thầy, xin cho
tôi nhìn thấy được."
(2)
Anh biết người nào có thể chữa mình: Bartimê mù chứ không điếc, anh để ý nghe
ngóng những gì người ta đồn thổi. Qua sự nghe ngóng, anh tin chỉ có Chúa Giêsu
mới có thể chữa anh khỏi mù. Khi cơ hội gặp Chúa Giêsu đến, anh nhất định không
chịu bỏ qua.
(3)
Anh không để bất cứ một trở ngại nào ngăn cản mình đến với thầy thuốc: Khi Chúa Giêsu đi
ngang qua, anh mù gọi Chúa hai lần, lần thứ hai to hơn lần thứ nhất dù đã bị
đám đông ngăn cấm. Khi biết Chúa gọi mình, anh tung áo choàng, bỏ tất cả mọi
của cải anh có, đứng phắt dậy và chạy đến với Ngài. Người đang sống trong mù
lòa đường thiêng liêng cũng cần có thái độ tương tự như anh. Đừng bỏ lỡ cơ hội
học hỏi về Chúa, vì biết đâu khi cơ hội đã qua, nó sẽ không bao giờ trở lại
nữa.
(4)
Anh là người biết ơn và trả ơn Thiên Chúa: Sau khi được chữa lành, anh không bỏ đi như 9
người phong hủi; anh tung tăng đi theo Chúa Giêsu, có lẽ để ca tụng tình thương
của Ngài đã dành cho anh cho mọi người được biết.
2.2/
Lòng thương xót của Chúa Giêsu: Thiên Chúa không bao giờ từ chối con cái vững
lòng trông cậy nơi Ngài. Chúa Giêsu ban ánh sáng cho người mù vì Ngài nhìn thấy
khát vọng được có ánh sáng và niềm tin của anh. Người nói: "Anh hãy đi,
lòng tin của anh đã cứu anh!" Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo
Người trên con đường Người đi.
Thiên
Chúa chắc chắn không để những người muốn tìm hiểu về Ngài phải thất vọng. Ngài
ban cho mọi người có rất nhiều cơ hội để học hỏi về Ngài và về Đức Kitô, qua
việc gởi các sứ giả đến rao giảng Tin Mừng bên ngoài và gởi Thánh Thần làm việc
bên trong tâm hồn con người. Ai thành tâm đi tìm Ngài, chắc chắn sẽ được Ngài
cho gặp.
ÁP DỤNG
TRONG CUỘC SỐNG:
-
Đôi mắt là cửa sổ của linh hồn, chúng ta hãy biết dùng đôi mắt để nhận ra những
điều kỳ diệu Thiên Chúa đã làm và tin vào Ngài.
-
Người mù phần xác đã khổ, người mù về tâm linh còn khổ hơn. Chúng ta đừng nhìn
những gì Thiên Chúa tạo dựng cách thờ ơ, lãnh đạm; nhưng phải biết suy nghĩ để
nhận ra Người đã tạo dựng nên chúng và tình yêu của Thiên Chúa dành cho con
người.
Linh mục Anthony Đinh
Minh Tiên OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 8 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu
mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Thứ Năm :
Mc 10,46-52
A. Hạt giống...
Liền sau chuyện Giacôbê và Gioan xin địa vị
ưu tiên trong "nước" Chúa Giêsu sắp thành lập, Mc viết tiếp chuyện
anh Bartimê như để "sửa lưng" các môn đệ. Bartimê là tấm gương cho
tất cả những ai muốn "thấy" Chúa Giêsu thực sự là ai và thực lòng
muốn "đi theo" Ngài.
- Mặc dù mù, nhưng anh tha thiết "xin
cho tôi được thấy", và cuối cùng anh đã thấy. Khi thấy rồi, anh còn
"đi theo" Chúa Giêsu lên Giêrusalem (ở đó Ngài sẽ chịu nạn chịu chết
và sống lại).
- Trước đó, khi được Chúa Giêsu gọi, anh đã
từ bỏ ("liệng áo choàng"), thay đổi nếp sống (từ "ngồi ở vệ
đường" đến "đứng dậy"), quy hướng về Chúa Giêsu ("nhảy đến
với Chúa Giêsu").
B.... nẩy mầm.
1. "Xin cho con được thấy" : Đây
cũng là lời cầu xin của các tín hữu trong cộng đoàn của Mác-cô. Họ đang sống
trong một thời kỳ bị bách hại, nghi kỵ và khinh miệt. Họ không biết phải sống
như thế nào. Họ xin Chúa cho họ thấy con đường mà họ phải sống và đi theo Ngài.
Một phần nào đó, tôi cũng không biết phải sống thế nào trong hoàn cảnh hiện tại
của tôi. Tôi hãy mượn lời anh Bartimê để cầu xin với Chúa : "Lạy Chúa, xin
cho con được thấy".
2. "Nhiều người mắng anh… Người ta gọi
anh mù và bảo ‘Hãy vững tâm đứng dậy. Ngài gọi anh đó" : tha nhân có khi
là cản trở, có khi là trợ lực giúp ta đến với Chúa. Xin Chúa giúp con, khi bị
tha nhân cản trở, vẫn cương quyết một lòng hướng về Chúa ; và khi được tha nhân
trợ lực, con càng tiến đến Chúa cách tích cực hơn.
3. "Mỗi năm một lần vào mùa xuân,
những sức mạnh ẩn mình của trái đất bỗng bừng dậy. Hoa nở, lá cây đâm chồi, cỏ
mọc, lúa vươn lên… Sức sống mà Thiên Chúa dấu ẩn bấy lâu trong lòng đất bỗng
đột ngột vươn dậy. Vài tháng trước đó, nếu không có kinh nghiệm của những mùa
xuân đã qua, thì có ai mà ngờ sẽ thấy được cảnh sống lại huy hoàng của thiên
nhiên như vậy. Đối với mùa xuân vĩnh cửu cũng thế. Có nhiều điều rất kỳ diệu tự
ta không thấy nhưng Chúa có thể cho ta thấy… Lạy Chúa, xin mở mắt con"
(Newman)
4. Lời kể của một bà mẹ :
Tôi có một đứa con mù từ lúc mới sinh. Khi
cháu được 20 tháng, lần đầu tiên tôi đưa cháu đến một siêu thị. Cứ vài bước, nó
lại dừng lại để lắng nghe những tiếng động chung quanh : tiếng chân của những
người đi bộ, tiếng xe chạy, tiếng chim đang hót, tiếng gió mát từ xa thổi đến…
Trên đường về, tôi nhận thấy con tôi vui vẻ
rộn rã hơn bao giờ hết. Nụ cười của nó nói với tôi rằng buổi sáng hôm đó là
buổi sáng đẹp nhất đối với nó vì nó đã khám phá được những điều mới mẻ kỳ diệu.
Riêng tôi, tôi tự hỏi : con tôi và tôi, ai
thực sự là kẻ mù loà ? (Chờ đợi Chúa)
5. "Anh mù liền vất áo choàng lại,
đứng phắt dậy tới gần Chúa Giêsu. Người hỏi : Anh muốn tôi làm gì cho anh ? Anh
mù đáp : Thưa Thầy, xin cho con nhìn thấy được". (Mc 10,50-51)
"Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn"
Mắt là cảm hứng cho thi sĩ làm thơ, cho
nhạc sĩ viết nên cung nhạc. Mắt là hồn cho thơ, là sóng cho nhạc. Có người nhìn
đôi mắt như mùa thu. Có người nhìn đôi mắt như dòng sông. Trong văn chương và
nghệ thuật, cảm hứng về mắt bao giờ cũng đẹp. Trái lại khi nói về mắt, Phúc Âm
lại nói về đôi mắt mù. Mù đôi mắt thân xác đã bất hạnh, còn mù đôi mắt tâm hồn
lại là một bất hạnh lớn. Mù đôi mắt tâm hồn là "mù" mà không chấp
nhận mình "mù", vì nghĩ rằng mình vẫn sáng suốt để nhận ra Chúa.
Nhưng đâu ngờ, đằng sau đôi mắt ấy, có thể chỉ là một màn đêm lạnh lẽo. Một tâm
hồn trống trải, buồn tênh. Chẳng buồn nghe và thực thi lời Chúa nữa.
Lạy Chúa Giêsu, xin mở mắt tâm hồn con vì
con cần được khai mở để nhận ra Chúa và bước theo Ngài là Đường, là sự Thật và
là sự Sống của con (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI –
Gp.Cần Thơ
30/05/13 THỨ
NĂM TUẦN 8 TN
Mc 10,46-52
Mc 10,46-52
XIN DỦ LÒNG THƯƠNG TÔI !
Vừa nghe nói đó là Đức Giêsu Nadarét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng:
“Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” (Mc
10,47)
Suy niệm: “Xin dủ lòng thương tôi!” Tiếng
kêu thảm thiết của anh mù Batimê xuyên thủng mọi bức tường ngăn cách, vượt mọi
hàng rào cản trở để thấu tới tai Chúa Giêsu. Mặc cho những trở ngại thể lý và
tâm lý, những can ngăn của người khác, Batimê vẫn lên tiếng kêu cứu với Ngài,
khi biết Ngài đang đi ngang qua. Hơn nữa, ngay khi Ngài cất tiếng gọi anh, anh
đã bỏ tất cả sau lưng để đến với Ngài. Cám cảnh mình mù loà, nhưng tin vào lòng
thương và quyền năng Chúa, anh can đảm vượt mọi chướng ngại, thế là anh đã được
toại nguyện.
Mời Bạn: “Xin dủ lòng thương tôi,” đó
không chỉ là tiếng kêu của anh mù Batimê, mà còn là của toàn thể nhân loại đang
rên xiết quằn quại dưới sức nặng của chiến tranh hận thù, của “sinh, lão, bệnh,
tử”, của “cơm, áo, gạo, tiền”, của mọi thứ thống khổ của con người. Bạn có
nghe, có thấy những anh Batimê trên con đường đời của bạn không? Có khi chính
mình không “mù mắt” mà lại “mù lòng” trước những đau khổ của tha nhân. Chính
chúng ta phải kêu lên tiếng kêu thống thiết: “Lạy Chúa xin dủ lòng thương
con!” xin Ngài mở cho mình đôi mắt tâm hồn ngõ hầu nhìn thấy và đồng cảm
với tha nhân.
Sống Lời Chúa: Mỗi cuối ngày để xét mình
nghiêm túc về tình trạng “mắt” và “lòng’ của mình: “Tôi đã quan tâm đến anh chị em
của mình như thế nào?”
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, biết bao vẫn
chưa nhận biết Chúa để được cứu độ, thế mà con vẫn thờ ơ. “Xin Chúa dủ lòng
thương con” để con nhận ra Chúa trong anh chị em con.
Xin
cho tôi nhìn thấy
Dưới góc độ nào đó, chúng ta đều là những người mù. Có khi ta
biết mình mù và muốn thoát khỏi cảnh mù tối như Báctimê. Nhưng có khi ta mù mà
không biết, nên vẫn vô tư ở lại trong cảnh mù.
Suy niệm:
Bị mù mắt, thật là khổ.
Cả thế giới như khép lại trong toàn một màu
đen.
Nhiều người thà chọn bị câm điếc còn hơn là mù.
Tuy vậy thế giới người mù cũng không bị hoàn
toàn đóng kín.
Người mù còn có tai mở ra để nghe, miệng mở ra
để nói.
Nếu biết tận dụng những gì mình có,
người mù cũng “thấy” được nhiều điều.
Có một người mù ngồi bên vệ đường, sống bằng
nghề ăn xin.
Tai anh nghe thấy bước chân rộn rã
của một đoàn người khá đông, đang đi ra khỏi
thành Giêricô.
Khi biết trong đoàn người này có Đức Giêsu
Nadaret,
Đấng nổi tiếng về chữa bệnh và trừ quỷ,
anh mù thấy ngay cơ hội mình chờ đợi bấy lâu,
nay đã đến.
Anh quyết sẽ không bỏ lỡ cơ hội ngàn năm một
thuở này.
Tuy bị mù, nhưng anh còn có tiếng nói.
Anh sẽ tận dụng tiếng kêu của mình để ông Giêsu
chú ý đến anh:
“Lạy ông Giêsu, Con Vua Đavít, xin thương xót
tôi!”
Tiếc thay tiếng kêu của anh lại bị át đi bởi
những tiếng nạt nộ.
Nhiều người bắt anh im đi để khỏi gây trở ngại
cho cuộc hành trình.
Chẳng những không im, anh mù càng kêu lớn
tiếng,
vì anh biết rằng chỉ cần làm cho Giêsu nghe
được tiếng kêu của mình,
dù chỉ một lần, thì đời mình sẽ hoàn toàn thay
đổi.
Anh mù cứ nhắc đi nhắc lại cùng một điệp khúc
xin xót thương.
Giữa đám đông ồn ào náo động,
Đức Giêsu có nghe được tiếng anh mù gọi tên
mình không?
Có, dù rất nhỏ, dù chỉ một lần.
Tiếng kêu ấy vừa thống thiết, quyết liệt, vừa
đầy tin tưởng, cậy trông.
Tiếng kêu ấy báo hiệu về một sự hiện diện mà
Ngài chưa rõ.
Tiếng kêu làm cho Ngài dừng lại (c. 49).
“Gọi anh ta lại đây.”
Lúc nãy anh gọi Giêsu, bây giờ Giêsu nhờ người
ta gọi anh (c. 49).
Khi biết mình được gọi, anh mù nhảy cẫng lên,
vất cả áo choàng lại mà bước tới.
Nhưng anh vẫn cần có ai dắt anh đến gần Giêsu.
Ngài đã nghe anh xin Ngài thương xót, nhưng cụ
thể anh muốn xin gì:
“Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (c. 51).
Đức Giêsu muốn anh nói lên ước muốn của mình.
“Thưa Thầy, Rabbouni, xin cho tôi thấy lại
được.”
Anh mù đã được thấy lại, anh lại thấy mặt trời
và người xung quanh.
Anh thấy Giêsu, người anh tin nhưng chưa một
lần gặp mặt.
Giêsu cho anh ánh sáng để anh khỏi phải ngồi ăn
xin ở vệ đường.
Giêsu giải phóng anh khỏi bóng tối và trả cho
anh phẩm giá anh vốn có.
Giêsu đã dừng lại, đã bắt cả đám đông phải dừng
lại, chỉ vì anh.
Bây giờ anh muốn hòa mình với đám đông để theo
Ngài trên đường (c. 52).
Dưới góc độ nào đó, chúng ta đều là những người
mù.
Có khi ta biết mình mù và muốn thoát khỏi cảnh
mù tối như Báctimê.
Nhưng có khi ta mù mà không biết, nên vẫn vô tư
ở lại trong cảnh mù.
Tệ hơn nữa, có khi ta sáng mắt, nhưng lại cố ý
không muốn thấy.
Cố ý không muốn thấy một sự thật rành rành chỉ
vì cố chấp hay tư lợi.
Không thấy xà trong mắt mình, nhưng lại thấy
rác trong mắt anh em.
Chúng ta vẫn cần người khác để được sáng mắt,
cần có ai đó dẫn ta mù lòa đến với Giêsu.
Điều gì có thể khiến ta bị mù?
Một định kiến có thể khiến ta khép lại trước
một sự thật lớn hơn nhiều.
Điều ta biết, dù đúng, cũng chỉ là một phần nhỏ
của toàn bộ sự thật.
Một đam mê, dục vọng cũng có thể làm chúng ta
bị mù (1 Ga 2, 16),
không muốn sáng mắt vì sợ phải từ bỏ điều mình
gắn bó.
“Ta khuyên ngươi đến với Ta mà mua thuốc
để xức mắt cho ngươi nhìn thấy được” (Kh 3, 18).
Mong Giêsu chữa lành mắt ta mỗi ngày.
Cầu nguyện:
Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.
Xin cho con được thấy bản thân
với những yếu đuối và khuyết điểm,
những giả hình và che đậy.
Cho con được thấy Chúa hiện diện bên con
cả những
khi con không cảm nghiệm được.
Xin cho con thực sự muốn thấy,
thực sự
muốn để cho ánh sáng Chúa
chiếu dãi
vào bóng tối của con.
Như người mù ngồi bên vệ đường
xin Chúa
dủ lòng thương cho con được thấy.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Suy niệm Mc
10,46-52
Tin mừng
hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu chữa đôi mắt mù loà của anh chàng Bartimê
được sáng, nhờ lời kêu xin tha thiết của anh ta: “Lạy ông Giêsu, con vua Đavít.
Xin dủ lòng thương tôi” và “ xin cho tôi được sáng”.
Chúng ta
cũng bắt chước anh mù này, tha thiết xin Chúa chữa đôi mắt tâm hồn
chúng ta được sáng, để chúng ta nhận ra Chúa chính là Cứu Chúa chúng ta, nhận
ra mọi người là anh em, nhất là nhận ra Chúa nơi những người nghèo khổ bất
hạnh.
Anh mù rất
đổi quen thuộc ở thành Giêricô, tên đích danh của anh ta ai mà không biết:
Báctimê, con ông Timê chẳng xa lạ gì. Bởi lẽ hằng ngày anh thường quanh quẩn
nơi đó để xin ăn.
Mà đã mang
kiếp "cái bang", thì có ai muốn đến gần, chẳng ai muốn để ý làm gì
cho vướng bận, tốn hao. Vì quen nên nhàm. Do đó, chẳng ai muốn nhìn và cũng
chẳng ai chịu nghe tiếng kêu xin của anh ta.
Nhưng người
đời thường nói “có tật, có tài”. Cho dù mọi nguời xa tránh làm ngơ, nhưng anh
mù biết Đức Giêsu quan tâm và yêu thương anh. Dẫu mọi người hôm đó không nhận
ra sứ mạng Thiên Sai của Ông Giêsu, nhưng bằng con mắt tâm hồn anh lại
nhận ra sứ mạng bí mật Thiên Sai của Đức Giêsu. Vì vậy, anh ta đã không ngần
ngại lớn tiếng kêu vang Người. “Lạy ông Giêsu, con vua Đavit. Xin dủ lòng
thương tôi”. Bằng cảm nhận trực giác, anh ta nhận ra quyền năng chữa lành nơi
Đức. Vì thế, dù bị cản ngăn, cấm đoán anh vẫn kêu xin thiết tha.
Thật
tinh tường, anh ta còn thấy nơi Đức Giêsu có một kho báu rất quý giá mà trần
gian chẳng ai có, đó là quyền cứu chữa. Vì thế, anh ta không hề xin Người tiền
bạc, cơm gạo, bánh trái như mọi ngày, trái lại anh ta xin cho được sáng mắt:
“xin cho tôi được sáng”.
Nhờ nổ lực
cảm nhận thế giới và con người bằng đôi mắt của tâm hồn, của đức tin và rồi nổ
lực hết sức mình để thực hiện điều cảm nhận đó, anh ta đã được Chúa đáp lời,
cho anh ta được sáng mắt như lòng nguyện ước.
Hằng
ngày các môn đệ vẫn thấy, vẫn nghe Chúa Giêsu nói, chứng kiến những việc Người
làm, nhưng vì mơ tưởng địa vị cao sang, chức cao quyền trọng nên đôi mắt họ đã
bị che mờ, không nhận ra sứ mạng Messia của Chúa Giêsu.
Cảm tạ ơn
Chúa đã cho ta có được đôi mắt sáng ngời, để nhìn đời và để làm duyên. Xin cho
chúng ta có được đôi mắt sáng tâm hồn để đừng bao giờ nhìn đời, nhìn người bằng
ánh mắt (mang hình viên đạn) của vô tình, hững hờ và khinh khi như đám đông và
các môn đệ, nhưng biết nhìn đời bằng ánh mắt của cảm thông, yêu mến chân tình.
Xin cho ta
cũng có được ánh sáng của niềm tin để đừng bao giờ hành xử vô duyên đối với
nhau, nhất là đối với những người thiếu may mắn hơn mình bằng những hành vi
ngăn cản, cấm đoán như đám dân xưa. Trái lại, xin cho chúng ta có những hành
động thật đẹp, bằng những việc làm bác ái, bằng những hy sinh phục vụ quên mình
khi anh chị em cần đến chúng ta. Nhất là đừng bao giờ có thái độ và hành vi
ngăn cản những người yếu đuối, sa ngã đến với Chúa.
Lm.
Seoka
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Ba
30 THÁNG
NĂM
Công Cuộc Của Thiên
Chúa Ba Ngôi
“Khi Thần
Khí sự thật đến, Ngài sẽ tôn vinh Thầy, vì Ngài sẽ lấy những gì của Thầy mà
loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy; vì thế Thầy đã nói:
Ngài sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16, 13 – 15).
Đức Kitô đã
nói những lời đó vào buổi tối trước khi vào cuộc Khổ Nạn. Người đang nói về
Chúa Cha, về chính Người, và về Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Đấng “lấy
từ Chúa Con” – trong sự hoàn thành nhiệm cục cứu độ. Ngài lấy những gì thuộc về
Chúa Con và những gì – nơi Chúa Con – thuộc về Chúa Cha: “Mọi sự Chúa Cha có
đều là của Thầy”.
Từ Chúa
Cha, qua Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần – đó là công cuộc sáng tạo. Từ Chúa
Cha, qua Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần – đó là công cuộc cứu chuộc. Đó là
công cuộc đổi mới thiêng liêng của tất cả những gì đã được tạo dựng. Bất luận
cái gì được đổi mới trong Chúa Thánh Thần qua cuộc hy sinh của Chúa Con đều
phải qui hồi về với Chúa Cha là Đáng Sáng Tạo. Và, như vậy, mọi sự đều tham dự
vào sự sống. Thiên Chúa “không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ
sống” (Mc 12, 27).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan
Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul
II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Hc
42,15-25 ; Mc 10, 46-52.
LỜI
SUY NIỆM : Câu chuyện Chúa Giêsu chữa mù cho anh chàng Batimê, cho chúng ta
thấy được sự khát khao của anh ta là được Thấy, và còn cho chúng ta thấy một
hành động dứt khoát của anh, khi anh nghe tiếng gọi của Chúa Giêsu. (anh ta đã
đứng lên, chạy, dứt bỏ áo khoát của anh). Sau khi đã được nhìn thấy, anh đã đi
theo Chúa Giêsu. Đây là mẫu người tuyệt vời, của người môn đệ Chúa Giêsu. Ước gì chúng ta biết noi theo :
Khát vọng được thấy ; Dứt khoát bỏ lại tất cả để đến với Chúa Giêsu, vả đi trên
con đường Chúa đi.
Mạnh
Phương
30 Tháng Năm
Một Chỗ
Khủng Khiếp
Câu chuyện xảy ra tại
một nhà giam bên Liên Xô. Một cựu tù nhân, bà Arsenjeff, thuật lại một kinh
nghiệm mắt thấy tai nghe diễn ra tại đó, nơi bà gọi là "Một chỗ khủng
khiếp" như sau: Một buổi chiều kia, một cô gái trẻ cùng bị giam với chúng
tôi kề miệng vào tai tôi khẽ nói: chị biết mai là ngày gì không? Rồi không đợi
tôi trả lời, cô ta nói tiếp: "Mai là ngày lễ Phục Sinh".
Nghe thế, tôi tự hỏi:
"Lễ Phục Sinh đã đến rồi sao, lễ của niềm vui và hy vọng? Nhưng trong tù,
niềm vui của chúng tôi đã héo úa và khô cằn. Còn niềm hy vọng?...". Tôi đi
lại trong phòng và không dám suy nghĩ tiếp.
Bỗng một tiếng reo
vang nổi lên phá tan bầu không khí nặng nề: "Ðức Kitô đã sống lại
thật".
Quá sức sửng sốt, các
nhân viên trở nên bất động như những tượng gỗ. Có lẽ trong tâm trí, họ giận dữ
lên án một diễn tiến không bao giờ xảy ra tại đây. Sau một lúc yên lặng, tôi
nghe tiếng giày nặng nề tiến đến gần phòng giam của chúng tôi. Rồi cửa phòng
được mở tung. Hai nhân viên giận dữ hỏi ai đã xướng câu mê tín dị đoan và hùng
hổ túm lấy cô gái, lôi cô ta sền sệt ra khỏi phòng.
Một tuần lễ sau, cô ta
được thả về phòng giam, mặt cô ta xanh xao, người gầy đi thấy rõ. Qua tuần lễ
Phục Sinh, người ta đã biệt giam cô vào một phòng không có lò sưởi, để cái lạnh
thấu xương và cơn đói hành hạ thân thể một con người họ cho là cuồng tín. Sau
khi nằm yên tại một góc phòng hồi lâu, cô ta vẫy tay gọi tôi lại thều thào:
"Dù sao tôi cũng đã tuyên xưng niềm tin vào sự Phục Sinh trong trại giam.
Những cái khác không quan trọng gì cho lắm". Nói xong cô cố gắng mỉm cười
và tôi thấy ánh mắt cô vẫn lóe sáng lên như dạo nào.
Ðược
dịp tuyên xưng niềm tin Phục Sinh cách đặc biệt như cô gái trên thật hiếm hoi.
Nhưng mẫu gương can đảm của cô phải nhắc nhở chúng ta cố gắng thực thi lời
nguyện chúng ta luôn cùng nhau xướng lên sau những lời truyền phép: "Chúng
con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho đến
khi Chúa lại đến".
Tuyên
xưng việc Chúa sống lại bằng cách hiểu rõ ý nghĩa và giá trị của sự chết, của
những đau khổ, của những vấn đề khó khăn. Cuộc sống của chúng ta không chỉ đóng
khung và chấm cùng tại đó. Nhưng người mang niềm tin Phục Sinh phải chiến đấu
để vượt qua, để lướt thắng những khó khăn, hạn chế những đau khổ, những sự dữ,
những tội lỗi, để phát huy cuộc sống mới của những tạo vật được tái sinh nhờ
cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Kitô.
(Lẽ Sống)
Thứ Năm 30-5
Thánh Jeanne d'Arc
(1412 - 1431)
T
|
hánh Jeanne d'Arc sinh trong một gia đình nông dân đạo đức người
Pháp ở ngôi làng hẻo lánh Domremy, gần tỉnh Lorraine . Cô Jeanne không biết đọc và biết
viết. Khi lên 13 hoặc 14 tuổi, cô được các cảm nghiệm siêu nhiên là nghe các
tiếng nói mà cô nhận ra là của Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, Thánh Catarina ở
Siena, và Thánh Margaret.
Lúc đầu việc thị kiến chỉ có tính cách riêng tư và tổng quát. Sau
đó, vào tháng Năm 1428, các tiếng nói ấy bảo cô Jeanne đến với vua nước Pháp và
giúp ông ta tái chiếm lại quốc gia. Vào lúc ấy, vua nước Anh đang tìm cách xâm
chiếm nước Pháp, và Công Tước ở Burgundy, là đối thủ chính của vua Pháp cũng
đứng về phe Anh để nuốt dần nước Pháp.
Sau khi trải qua các chống đối từ hàng giáo sĩ và các quan trong
triều, người thiếu nữ mười bảy tuổi đã được giao cho một đạo quân mà cờ hiệu
của cô có hàng chữ "Giêsu-Maria" và dấu hiệu Thiên Chúa Ba Ngôi với
hai thiên thần cầm hoa huệ hai bên. Trong bộ giáp trắng và với tinh thần hăng
say, cô đã khích động tinh thần yêu nước của dân Pháp và đã giải thoát thành Orleans ngày 8 tháng Năm
1429. Sau đó là một chuỗi chiến thắng mà vua Pháp có thể tiến vào Rheims để đăng quang với
sự hiện diện của cô ở bên cạnh.
Vào tháng Năm 1430, khi cố gắng giải vây Compiegne, cô bị người
Burgundi bắt và bán cho Anh, trong khi đó vua Charles và nước Pháp đã bỏ mặc cô
trong tay quân địch. Sau nhiều tháng tù đầy, cô bị đưa ra tòa ở Rouen dưới
quyền xét xử của Peter Cauchon, Ðức Giám Mục ở Beauvais, mà ông hy vọng rằng người
Anh sẽ giúp ông lên chức tổng giám mục ở Rouen. Cô bị gạn hỏi về "các
tiếng nói", về đức tin và tại sao cô lại mặc y phục đàn ông.
Không ai có thể chối bỏ sứ mạng và sự hy sinh của cô nên tòa tìm
cách bôi nhọ tên tuổi của cô với các lời cáo buộc về tội lạc giáo và việc sử
dụng ma thuật. Tuy nhiên, các câu trả lời thông minh và chân thật của cô chứng
tỏ một đức tin vững mạnh và một tâm hồn thanh khiết đã khiến mọi người sửng
sốt.
Sau cùng, khi cô không chịu rút lại lời khẳng định rằng chính các
thánh của Thiên Chúa đã ra lệnh cho cô phải thi hành những gì trong quá khứ, cô
đã bị kết án tử hình về tội lạc giáo, tội sử dụng ma thuật và bị thiêu sống
ngày 30 tháng Năm 1431, và hài cốt của cô bị quăng xuống sông Seine. Lúc ấy, cô
mới mười chín tuổi.
Vào năm 1456, người mẹ và hai em của cô kháng án xin mở lại hồ sơ,
mà Ðức Giáo Hoàng Callistus III đã chấp thuận. Sau cuộc điều tra của giáo hội,
cô được tuyên bố là vô tội đối với các lời cáo buộc trước đây. Cô được Ðức Giáo
Hoàng Bênêđíc XV phong thánh năm 1920, và được tuyên xưng là quan thầy của nước
Pháp năm 1922.
Lời Bàn
Cuộc đời Thánh Jeanne d'Arc tiêu biểu cho sự tương phản giữa tinh
tuyền và thối nát quyền lực. Không giống như các thánh cổ điển, thánh nữ không
dùng sự đạo đức để phục vụ giáo hội, nhưng để giải thoát quốc gia. Thánh nữ
tượng trưng cho sự đạo đức chính trị, và sự can đảm của ngài khi đáp ứng
"các tiếng mời gọi" là một gương mẫu thúc giục chúng ta lắng nghe
tiếng gọi của lương tâm để hy sinh tranh đấu cho các nguyện vọng chính đáng.
Lời Trích
Trong một phiên toà, Thánh Jeanne d'Arc tuyên bố, "Về Ðức
Kitô và Giáo Hội, tôi chỉ biết đó là một, và chúng ta đừng làm vấn đề thêm phức
tạp."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét