Trang

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

Nội dung bài giảng của ĐTC trong ngày lễ phong thánh 12-05-2013


Nội dung bài giảng của ĐTC trong ngày lễ phong thánh
                                       
2013-05-12 Vatican Radio


Đức Thánh Cha Phanxicô phong thánh cho trên 800 vị thánh ngày Chúa Nhật 12 tháng 5, 2013, trong Thánh Lễ tại quảng trường Thánh Phêrô: Thánh Antonio Primaldo và các bạn tử đạo tại Otranto, Ý; Thánh Laura di Santa Caterina da Siena Montoya y Upegui, đồng trinh và lập Dòng; và Thánh Maria Guadalupe García Zavala, cùng thành lập Dòng. Sau đây là bản dịch bài giảng của Đức Thánh Cha nói bằng tiếng Ý và một phần bằng tiếng Tây Ban Nha

Anh chị em thân mến!

Trong ngày Chúa Nhật thứ 7 mùa Phục Sinh chúng ta tụ tập nơi đây để hân hoan mừng lễ Chúa Thăng Thiên. Tạ ơn Chúa đã vinh hiển – bằng vinh quang của tình yêu – để chiếu sáng trên các vị Tử Đạo tại Otranto, trên Mẹ Laura Montoya và María Guadalupe García Zavala. Tôi chào đón tất cả các bạn đã đến tham dự - từ Ý, từ Colombia, Mexico, và các quốc gia khác – và tôi cám ơn các bạn! Chúng ta hãy nhìn các vị thánh mới này dưới ánh sáng của Tin Mừng được công bố: Lời Chúa mời gọi chúng ta trung thành với Chúa Kitô, ngay cả khi phải tử đạo; Lời Chúa nhắc nhớ chúng ta về sự khẩn cấp và tuyệt vời của việc đem Chúa Kitô và Phúc Âm đến cho mọi người: Lời Chúa nói về nhân chứng cho tình bác ái, nếu không, ngay cả việc tử đạo và thi hành sứ mệnh sẽ mất đi hương vị Kitô giáo.

Sách Công Vụ Tông Đồ, khi viết về Thầy Phó Tế Stêphanô, vị tử đạo đầu tiên, đã nhấn mạnh khi nói với chúng ta rằng ngài là “một người đầy ơn Chúa Thánh Thần (6:5, 7:55).” Điều này có ý nghĩa gì? Có nghĩa là ngài có tràn đầy tình yêu Thiên Chúa, toàn thể con người ngài, tất cả cuộc đời của ngài được Thần Khí của Chúa Kitô Phục Sinh đánh động, để hoàn toàn trung thành đi theo Chúa Giêsu, ngay cả khi phải tự hiến thân mình

Hôm nay, Giáo Hội đề cử việc tôn kính một số các vị tử đạo đã cùng nhau được mời gọi để làm nhân chứng tối cao cho Phúc Âm năm 1480. Khoảng 800 vị đã sống sót cuộc vây hãm và xâm lăng thành Otranto, họ đã bị chém đầu gần thành phố này. Họ từ chối không từ bỏ đức tin và đã chết trong khi tuyên xưng Chúa Kitô Phục Sinh. Họ đã tìm được ở đâu sức mạnh để trung thành như thế? Chính là trong đức tin, đức tin giúp chúng ta nhìn xa hơn giới hạn của con mắt loài người, vượt quá ranh giới của cuộc sống trần thế, để chiêm ngưỡng “Thiên Đàng rộng mở”– như Thánh Stêphanô đã nói – và Chúa Kitô hằng sống, ngự bên phải Chúa Cha. 

Các bạn thân mến, chúng ta hãy gìn giữ đức tin chúng ta nhận được, và đó chính là kho tàng thật sự của chúng ta, chúng ta hãy canh tân sự trung thành của chúng ta với Chúa Kitô, ngay cả trong những khi gặp trở ngại và hiểu nhầm; Thiên Chúa sẽ không bao giờ để chúng ta thiếu sức mạnh và sự thanh bình. Trong khi chúng ta tôn kính các vị tử đạo thành Otranto, chúng ta hãy cầu xin Chúa nâng đỡ rất nhiều Kitô hữu ngày nay và tại nhiều nơi trên thế giới, vẫn còn đang chịu đựng những bạo tàn, xin ban cho họ lòng can đảm và trung thành để đáp trả sự dữ bằng sự lành.

Ý tưởng thứ hai có thể được trích ra từ Lời Chúa Giêsu trong Phúc Âm: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta (Ga 17:20)” Thánh Laura Montoya là một công cụ của việc phúc âm hóa, trước hết như một cô giáo, rồi như mẹ linh hướng của những người bản xứ, mẹ đã đem đến cho họ niềm hy vọng, đón chào họ bằng tình yêu mà mẹ đã học hỏi từ Thiên Chúa, và đem họ đến với Người bằng một khoa sư phạm có hiệu quả, vì mẹ đã tôn trọng, và không chống lại nền văn hóa của họ. Trong công trình truyền giáo, Mẹ Laura trở nên, theo lời Thánh Phaolô, đúng là mọi sự cho mọi người (1 Cr 9:22). Ngay cả ngày nay, các con cái thiêng liêng của mẹ vẫn đang sống và đem Phúc Âm đến những nơi xa xôi và nghèo khó nhất, như một đội ngũ tiên phong của Giáo Hội.

Vị thánh đầu tiên sanh trên miền đất Colombia đẹp đẽ, dậy cho chúng ta biết quảng đại với nhau, và không sống đức tin một mình – nhưng phải truyền thông, phải chiếu tỏa niềm vui của Phúc Âm bằng lời nói và nhân chứng trong cuộc sống khắp mọi nơi. Bà dậy chúng ta thấy được gương mặt Chúa Giêsu phản ảnh trên người khác, để vượt thắng sự thờ ơ và chủ nghĩa cá nhân, để đón nhận tất cả mọi người không kỳ thị, không gượng ép, bằng tình yêu, cho đi những gì quý nhất của chúng ta và trên hết, chia xẻ với họ những gì quý giá nhất chúng ta có, không phải là việc làm hay tổ chức của chúng ta, mà là những gì quý giá nhất chúng ta có, đó là Chúa Kitô và Phúc Âm của Người.

Cuối cùng, một tư tưởng thứ ba. Trong Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha bằng những lời này: “Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ con cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa (Ga 17:26)” Sự trung thành của các vị tử đạo cho đến chết, sự loan báo Tin Mừng được bắt rễ trong tình yêu Thiên Chúa đã đổ tràn đầy trong tim chúng ta qua Chúa Thánh Thần (Rm 5:5), và trong chứng tá chúng ta gánh mang trong cuộc sống hàng ngày. Thánh Maria Guadalupe García Zavala biết rõ điều này. Bà đã từ bỏ một đời sống sung túc – có biết bao nhiêu tai hại một đời sống quá đầy đủ có thể gây ra? Sự quý phái hóa trái tim làm cho chúng ta tê liệt – và bà, khi từ bỏ cuộc sống sung túc để theo tiếng gọi của Chúa Giêsu, dậy chúng ta biết yêu mến sự khó nghèo, để có thể yêu thương những người nghèo khổ và bệnh hoạn hơn. Mẹ Lupita quỳ trên sàn nhà thương trước những bệnh nhân, trước những người bị bỏ rơi, để phục vụ họ với sự dịu hiền và cảm thông. Đây chính là điều có nghĩa là chạm đến thân thể Chúa Kitô. Những người nghèo khó, bị bỏ rơi, và sống ngoài lề xã hội là thân thể của Chúa Kitô. Và Mẹ Lupita đã chạm đến thân thể Chúa Kitô và dậy chúng ta hành vi này: là không được e dè, sợ hãi, hay ghê sợ phải chạm đến thân thể Chúa Kitô. Mẹ Lupita hiểu việc “chạm đến thân thể Chúa Kitô” có ý nghĩa gì. Ngày nay các con cái thiêng liêng của mẹ cũng tìm cách phản ảnh tình yêu Thiên Chúa trong các công trình bác ái, và không quản ngại hy sinh, và đối phó các trở ngại và thử thách với lòng khiêm tốn và ý thức làm tông đồ thường trực.

Vị thánh Mễ Tây Cơ mới này mời gọi chúng ta yêu y như Chúa Giêsu yêu thương chúng ta, và điều này làm cho chúng ta không rút lui vào chính mình, vào chính những khó khăn của chúng ta, vào chính những ý tưởng của chúng ta, vào những gì chúng ta ưa thích trên trần thế nhỏ bé này đã gây nên biết bao nhiêu tai họa, để đứng giậy và đi gặp những ai cần được săn sóc, thông hiểu và trợ giúp, để đem sự gần gũi ấm áp của tình yêu Thiên Chúa đến cho họ bằng những cử chỉ tế nhị và yêu thương chân thành.

Trung thành với Đức Kitô và Phúc Âm của Người, để tuyên xưng bằng lời nói và hành động, làm nhân chứng cho tình yêu Thiên Chúa và tình yêu của chúng ta, với lòng bác ái đối với mọi người: các vị thánh chúng ta tôn phong hôm nay cho chúng ta những gương sáng và giáo huấn về điều này. Họ cũng đặt các câu hỏi về đời sống Kitô của chúng ta: tôi có trung thành với Chúa Kitô không? Chúng ta hãy suy tư về câu hỏi này trong ngày: Tôi có trung thành với Chúa Kitô không? Tôi có thể bầy tỏ đức tin của tôi một cách trân trọng và can đảm không? Tôi có chú ý đến người khác không, tôi có nhận biết khi có người thiếu thốn không? Tôi có coi tất cả mọi người như những anh chị em để yêu mến họ không? Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa qua sự cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria và của các vị thánh mới, để Người có thể đổ tràn trong chúng ta niềm vui của Tình yêu của Người, Amen.

Bùi Hữu Thư 5/12/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét