Trang

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

Giải đáp phụng vụ: Xin cho biết các mức độ của việc làm phép


Giải đáp phụng vụ: Xin cho biết các mức độ của việc làm phép
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma. 



Hỏi: Tôi là một linh mục Công Giáo, tôi tin rằng nhờ việc truyền chức thánh, sự gì được một linh mục hợp pháp làm phép thì đã được làm phép chúc phúc. Như thế không có việc làm phép nửa vời. Sự gì được làm phép là thánh thiêng và có tính bí tích trong bản chất. Tôi cảm thấy khó chịu khi nhìn thấy một số linh mục làm phép nước để dùng cho việc truyền phép, trước khi thêm chút nước vào chén thánh – các ngài cũng dùng phần còn lại của nước này để rửa tay và tráng chén. Phần còn lại sau đó cũng được duy trì cho quá trình tương tự trong thánh lễ kế tiếp. Liệu điều này có đúng về phụng vụ không? - C. I., bang Imo, Nigeria.


Đáp: Trước hết tôi có thể nói rằng chữ đỏ không tiên liệu việc linh mục làm phép nước hoặc làm dấu thánh giá trên nước, trước khi bỏ chút nước vào chén thánh.
Sách Lễ Roma chỉ đơn giản nói: "Phó tế, hoặc linh mục, rót rượu và một chút nước vào chén thánh ...."

Do đó, nếu một linh mục sử dụng hình thức bình thường sau nghi thức này, sự nhầm lẫn không xảy ra.

Việc thực hành làm dấu thánh giá trên chai nước dường như bắt nguồn từ hình thức ngoại thường. Trong hình thức này, linh mục làm dấu thánh giá trên chai nước, khi người giúp lễ cầm tới và linh mục bắt đầu lời nguyện: "Deus, qui humanae substantiae", khi ngài đọc tới "da nobis per huius acque et vini mysterium", ngài cầm chai nước bằng tay phải và rót chút nước vào chén thánh.

Dù nguồn gốc của sự thực hành này là gì chăng nữa, việc làm dấu thánh giá trên một đồ vật là không tự động tương đương với việc làm phép cho nó. Ví dụ, hình thức ngoại thường có nhiều lần làm dấu thánh giá, vốn không là làm phép, nếu nói một cách chặt chẽ. Thật vậy, bởi vì một số trong các dấu thánh giá này được làm trên chính Mình Máu Thánh, chúng có thể không bao giờ được xem là việc làm phép, vì không ai có thể làm phép cho Chúa.

Ngoài ra còn có việc làm phép thuộc các loại khác nhau. Ví dụ, Giáo Hội có một nghi thức riêng để làm phép nước, và nó đòi hỏi nhiều điều hơn là một dấu thánh giá đơn giản. Có một lời cầu nguyện dài diễn tả ý định của Giáo Hội và các mục tiêu trong việc làm phép nước cho sự sử dụng đạo đức. Lời cầu nguyện này thường được sử dụng, mặc dù nó có thể được đọc vắn tắt trong trường hợp khẩn cấp. Chúng được gọi là việc làm phép cấu thành, vốn làm thay đổi mục đích của vật và dành nó cho sự sử dụng thánh thiêng hoặc phụng vụ.

Nó không giống như khi một linh mục làm phép bữa ăn trước khi ăn. Ở đây thực phẩm không trở nên thánh thiêng, và có thể được tái sử dụng nếu còn dư lại. Chúng thường được gọi là việc làm phép khẩn cầu, vì chúng chỉ cầu xin Chúa xuống ơn cho người và đồ vật, mà không làm thay đổi bản tính của họ hoặc làm cho họ nên thánh.

Do đó không phải là đúng khi nói rằng một khi linh mục đã làm phép cho vật gì, thì vật ấy được làm phép chúc phúc luôn luôn và thường xuyên. Giáo Hội nhìn nhận nhiều mức độ của việc làm phép, và nhiều tình huống khác nhau, và do đó tổ chức các nghi thức của mình một cách phù hợp. (Zenit.org 14-5-2013)

Nguyễn Trọng Đa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét