Trang

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

15-08-2014 : LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI - LỄ TRỌNG

Ngày 15 tháng 8
Lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
Lễ Trọng


Bài Ðọc I: Kh 11, 19a; 12, 1-6a, 10ab
"Một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng".
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.
Ðền thờ Thiên Chúa trên trời đã mở ra. Và một điềm lạ vĩ đại xuất hiện trên trời: một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao: Bà đang mang thai, kêu la chuyển bụng, và đau đớn sinh con.
Lại một điềm lạ khác xuất hiện trên trời: một con rồng đỏ khổng lồ, có bảy đầu, mười sừng, và trên bảy đầu, đội bảy triều thiên. Ðuôi nó kéo đi một phần ba tinh tú trên trời mà ném xuống đất. Con rồng đứng trước mặt người nữ sắp sinh con, để khi Bà sinh con ra, thì nuốt lấy đứa trẻ.
Bà sinh được một con trai, Ðấng sẽ dùng roi sắt mà cai trị muôn dân: Con Bà được mang về cùng Thiên Chúa, đến tận ngai của Người. Còn Bà thì trốn lên rừng vắng, ở đó Bà được Thiên Chúa dọn sẵn cho một nơi.
Và tôi nghe có tiếng lớn trên trời phán rằng: "Nay sự cứu độ, quyền năng, vương quyền của Thiên Chúa chúng ta, và uy quyền của Ðức Kitô của Người đã được thực hiện".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 44, 10bc. 11. 12ab. 16
Ðáp: Hoàng Hậu đứng bên hữu Ðức Vua, mặc đồ trang điểm vàng ròng (c. 10b).
Xướng: 1) Hoàng Hậu đứng bên hữu Ðức Vua, mặc đồ trang điểm vàng ròng lộng lẫy. - Ðáp.
2) Xin hãy nghe, thưa Nương Tử, hãy coi và hãy lắng tai, hãy quên dân tộc và nhà thân phụ. - Ðáp.
3) Ðể Ðức Vua Người sủng ái dong nhan: chính Người là Chúa của Cô Nương, hãy phục vụ Người. - Ðáp.
4) Họ bước đi trong niềm hân hoan vui vẻ, tiến vào trong cung điện Ðức Vua. - Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 15, 20-26
"Hoa quả đầu mùa là Ðức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Chúa".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc. Vậy sự chết bởi một người, thì sự kẻ chết sống lại cũng bởi một người. Cũng như mọi người đều phải chết nơi Ađam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được tác sinh trong Ðức Kitô như vậy. Nhưng ai nấy đều theo thứ tự của mình, hoa quả đầu mùa là Ðức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Ðức Kitô, những kẻ đã tin Người xuống thế: rồi đến tận cùng, khi Người đã trao vương quốc lại cho Thiên Chúa Cha, và đã tiêu diệt mọi đầu mục, quyền năng và thế lực. Nhưng Người còn phải cai trị cho đến khi Người đặt mọi quân thù dưới chân Người. Kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết, bởi Người đã bắt mọi sự quy phục dưới chân Người.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia:
Alleluia, alleluia! - Ðức Maria được mời gọi lên trời; đạo binh các thiên thần mừng rỡ hân hoan. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1, 39-56
"Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại: Người nâng cao những người phận nhỏ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Elisabeth, và khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng:
"Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện".
Và Maria nói: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi có phước, vì Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại, và Danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa. Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai thần trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi người đến muôn đời".
Maria ở lại với bà Elisabeth độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà Mình.
Ðó là lời Chúa.


Suy niệm : Ðến gần bên Chúa Yêsu như Ðức Mẹ
Nghe qua những bài Kinh Thánh hôm nay, chúng ta thấy phụng vụ dường như muốn hướng tâm hồn chúng ta về trời để thấy Ðức Mẹ đang ở trên đó qua bài sách Khải huyền; Người đang hân hoan ngợi khen Chúa qua bài Tin Mừng; và đặc biệt Người đang cảm mến ơn phúc hồn xác được ở trong vinh quang Thiên Chúa qua bài thư Phaolô. Nhưng nếu đọc kỹ lại, chúng ta có thể tự hỏi chưa chắc những bài Kinh Thánh kia đơn giản như vậy. Và biết đâu khi đó chúng ta sẽ thấy rằng Lời Chúa hôm nay nhắm vào chúng ta hơn Ðức Mẹ và dường như Chúa muốn gương sáng của cuộc đời Ðức Mẹ để giáo huấn và bổ dưỡng chúng ta trong cuộc đời dương thế. Chúng ta hãy thử tìm hiểu những bài đọc Kinh Thánh kia.

A. Bài Sách Khải Huyền
Thánh Yoan thấy Ðiện thờ Thiên Chúa ở trên trời mở ra. Và Khám Giao ước hiện ra trong Ðiện thờ của Người. Tức là người nhìn thấy thời đại cánh chung, thời đại Nước Trời, thời đại Thiên Chúa đến ở cùng nhân loại. Bởi vì theo tâm tư của người Do Thái thời bấy giờ, nói đúng hơn theo các sách Khải huyền thời thánh Yoan, người ta quan niệm đến thời gian sung mãn, Khám Giao ước sẽ lại hiện ra và lúc đó người ta có mạc khải toàn diện về giao ước, tức là về kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa.
Thời gian sung mãn dĩ nhiên là thời đại cánh chung, nhưng cũng là thời đại Thiên sai, thời Ðức Kitô xuất hiện mạc khải toàn diện chương trình của Thiên Chúa cho loài người. Chúng ta đang sống trong thời đại đó. Thế nên hiện tượng hay dấu hiệu mà thánh Yoan sắp nhìn thấy hẳn cũng phải đang xảy ra ở trước mắt chúng ta.
Người thấy một dấu lạ vĩ đại hiện ra ở trên trời: một Bà có mặt trời bao quanh, chân trên mặt trăng và đầu có triều thiên 12 ngôi sao. Chúng ta muốn đồng hóa Bà với Ðức Mẹ. Nhưng những điều thấy sau dường như không cho phép làm như thế. Vì "Bà đang thai nghén và kêu la đau đớn, quằn quại sinh con... Có một con rồng đứng chực trước mặt Bà, để Bà vừa sinh là nó nuốt con Bà... Nhưng con Bà đã được cất bổng lên nơi Thiên Chúa và Bà đã trốn vào sa mạc..."
Thú thật, chúng ta đã thấy khó hiểu rồi. Ðành rằng có thể giải thích: ở đây Yoan muốn nói đến việc Ðức Mẹ sinh Chúa Cứu thế. Nhưng lối giải thích này gặp nhiều khó khăn. Có nơi nào trong Kinh Thánh nói đến việc Ðức Mẹ sinh Chúa Yêsu mà phải đau đớn quằn quại đâu? Và cũng chẳng có nơi nào, nói rằng Ðức Yêsu đã tránh Satan như vậy. Ngược lại, Người phải đến để xua đuổi tà thần ra khỏi tâm trí và định mệnh loài người.
Ðàng khác, trong thư Phaolô có chỗ nói: người cưu mang phần rỗi các giáo dân của người và phải vất vả sinh họ ra trong đức tin. Ý tưởng ấy khuyến khích chúng ta thử nhìn người đàn bà trong đoạn Khải Huyền trên như là hình ảnh về Giáo hội. Giáo hội đang được Ơn Chúa bao bọc và có 12 chi họ, 12 Tông đồ tượng trưng bằng 12 ngôi sao. Giáo hội ở thời đại sung mãn này đang thai nghén đau đớn, quằn quại sinh ra các tín hữu... Ðàng trước Giáo hội và chung quanh Giáo hội, Satan luôn luôn quyện quanh để tìm mồi cắn xé. Nó rình nuốt con cái Giáo hội sinh ra. Nhưng chúng là con cái Chúa, là con cái trong Người Con Một của Thiên Chúa. Và Người Con này hiện đã được cất bổng lên nơi Thiên Chúa, lên ngai của Người. Và theo lời Thánh Kinh nói, những người con khác cũng đang được ở gần Thiên Chúa trong Ðức Yêsu Kitô. Còn người đàn bà kia, tức là Giáo hội đã trốn vào sa mạc, ở đó Thiên Chúa cung dưỡng bà 1,260 ngày. Con số này đã được nói tới ở đoạn trên cũng là 42 tháng và là ba năm rưỡi trời. Sách Ðaniel (7,25; 12,7) coi đó là thời gian bắt đạo thời Antiôkhô Epiphanê và vì thế nó trở thành biểu tượng thời kỳ cấm cách. Như vậy trong suốt thời kỳ bị bắt bớ và gặp khó khăn do Satan rảo quanh tìm mồi cắn xé, Giáo hội không lo sợ vì luôn được ơn Chúa phù trợ và dưỡng nuôi, cho đến ngày mọi sự nên trọn và quyền bính hoàn toàn thuộc về Ðức Kitô Chúa chúng ta.
Như thế bài sách Khải Huyền hướng chúng ta nhìn về Giáo hội. Giáo hội là Mẹ hằng sinh ra con cái Chúa trong đau thương vất vả. Giáo hội luôn bị rình chờ bắt bớ, nhưng đồng thời cả con lẫn mẹ luôn luôn được Chúa phù trợ.
Nhưng thường thường những gì nói về Giáo hội cũng có thể hiểu về Ðức Mẹ và về các linh hồn. Vì Ðức Mẹ là hình ảnh, là khuôn mẫu về Giáo hội. Hơn nữa Người cũng là Mẹ các tín hữu. Và rõ ràng Người phải đồng lao cộng tác với Chúa Cứu thế để sinh ra Giáo hội và các linh hồn. Ấy là chưa kể Ðức Mẹ cũng là một tín hữu, một "linh hồn". Và mỗi linh hồn cũng là người đàn bà trong đoạn Khải huyền trên. Linh hồn nào cũng phải cưu mang đức tin và đời sống ân sủng. Làm được một hành vi bác ái siêu nhiên, sinh ra được những hành động đức tin đẹp lòng Chúa, không phải là dễ. Người ta phải phấn đấu, chống lại Satan, thế gian và xác thịt. Người ta phải quằn quại trong cơn đau sinh nở như thánh Phaolô nói chung về thân phận toàn thể tạo vật hiện nay.
Suy nghĩ như vậy, bài sách Khải huyền đưa mắt chúng ta nhìn lên Ðức Mẹ trên trời thì ít, mà bảo chúng ta nhớ lại cuộc đời của Người ở trần gian thì nhiều. Mỗi lần sách Tin Mừng cho chúng ta thấy Người đứng bên Ðức Yêsu, chúng ta lại được chứng kiến Người như phải đau đớn đi vào con đường đức tin mỗi ngày một hoàn toàn hơn. Và nhất là Người đã thật sự quằn quại khi trở thành Mẹ của Yoan ở dưới chân Thánh giá, để có thể nói hằng ngày Người phải đồng lao cộng tác với Ðức Kitô và Giáo hội để sinh ra con cái Chúa ở trần gian này. Chúng ta phải cảm phục Mẹ và biết ơn Mẹ. Hằng ngày chúng ta phải mượn lời bà Elisabet mà chào Mẹ đầy ơn phúc. Và lúc ấy chúng ta sẽ được Mẹ dạy dỗ thêm.

B. Bài Kinh Tôn Dương
Thánh Luca viết: "Và Maria nói: hồn tôi tôn dương Chúa và thần trí tôi nhảy mừng Thiên Chúa". Nhưng thật ra Người có nói như vậy không? Mạch văn và hoàn cảnh khó cho phép chúng ta tin rằng đây thật là những lời đã trào ra từ lòng Ðức Mẹ khi Người đứng trước mặt bà Elisabet. Vị trí bài kinh "Tôn dương" là một vị trí giả dối. Nó cắt đứt câu truyện thăm viếng khá lâu. Nó lại nặng chất Do thái và Cựu Ước, khiến chúng ta nghĩ nó ít hợp với tư tưởng và văn chương Hylạp của thánh Luca. Và hoàn cảnh lúc hai người bà con gặp nhau chưa hẳn đã thuận lợi đến nỗi làm thốt lên được những cảm tình tôn giáo điêu luyện đến như thế.
Và nếu phân tích kỹ, bài Kinh Tôn dương khác nào một tổng hợp các suy tư của bao bài Thánh vịnh và khôn ngoan. Nó là tiếng nói của một cộng đoàn hơn là của một cá nhân. Nó có tính cách khách quan hơn là chủ quan.
Chúng ta có thể thấy ba phần rõ rệt. Thoạt đầu linh hồn tôn dương Chúa vì Người đã đoái thương đến phận hèn, tôi tớ của mình (46-49). Và như vậy cũng là hợp với đường lối của Người xưa nay hằng nhân nghĩa với kẻ khiêm nhu kính sợ và đuổi về tay không những kẻ giàu sang (50-53). Thái độ nhân nghĩa quảng đại của Chúa tỏ ra rõ rệt nhất khi đáp cứu Israel tôi tớ Người, như đã hứa cùng Abraham và dòng dõi ông (54-55).
Chúng ta không thấy ám chỉ gì tới những ơn trọng đại Ðức Mẹ vừa được. Càng không nêu lên việc Chúa vừa viếng thăm lòng bà Elisabét. Tất cả khiến chúng ta phải kết luận: bài ca tôn dương mà chúng ta vẫn gọi là của Ðức Mẹ, thực ra không phải là của riêng Người và do một mình Người sáng tác ra. Nhưng đó là tâm tình của cả Giáo hội, trong đó có Ðức Maria. Ðó là bản kinh phụng vụ của cộng đoàn Do thái - Kitô giáo tiên khởi đã cảm hứng khi suy nghĩ về ơn Chúa cứu độ mình. Ðược hạnh phúc của ngày hôm nay, Giáo hội thấy mình là đối tượng của lòng Chúa thương yêu đã tuyển chọn mình hầu thừa tự mọi Lời Hứa xưa.
Ðức Mẹ ở trong Giáo hội, là biểu tượng của Giáo hội. Người sẽ chẳng trách thánh Luca đã đặt bản kinh Tôn dương trên môi miệng Người. Và chắc chắn Giáo hội phải cám ơn thánh nhân đã làm cho bản kinh của Dân Thiên Chúa được thêm giá trị khi được mô tả như đã từ lòng Ðức Mẹ thốt ra.
Còn chúng ta khi đọc kinh này, không những chúng ta nghĩ đến những tâm tình chân thật của Ðức Mẹ và của Giáo hội, mà chúng ta cũng phải sung sướng nhận lấy làm của mình. Vì thật sự ai có lòng đạo đức mà không thấy mình trong bản kinh ấy? Tất cả đời sống đạo đức của chúng ta không hoàn toàn là tác phẩm của Thiên Chúa hay sao? Sở dĩ chúng ta được như ngày nay là vì Người đã nhìn đến phận hèn tôi tớ, vì lòng nhân nghĩa của Người từ đời nọ đến đời kia, vì Người nhớ lại Lời Hứa cùng tổ phụ Abraham cho đến muôn đời. Và chúng ta sẽ càng đọc kinh này sốt sắng khi chúng ta càng ý thức đang mang trong mình ơn cứu độ cao cả như Ðức Maria xưa, khi Người được bà Elisabét nhắc đến quả có phúc trong lòng Người.
Như vậy, chúng ta càng quý kinh này hơn khi biết nó là tác phẩm của cả Giáo hội và đã được Ðức Mẹ mà cho thêm giá trị. Và cũng như Giáo hội ngày nay chỉ còn muốn diễn tả kinh này qua tâm tình của Ðức Mẹ, thì chúng ta cũng phải kết hợp với Ðức Mẹ mỗi khi đọc kinh này. Ðức Mẹ, Giáo hội và chúng ta gắn bó mật thiết với nhau như vậy, thế mà nhiều khi chúng ta không hay biết! Ðiều ấy đã đúng trong quá khứ và hiện tại thì cũng đúng trong tương lai như lời thư Phaolô hôm nay cho thấy.

C. Bài Thư Phaolô
Thánh Tông đồ không hiểu sao có người lại không tin sự phục sinh, tức là việc kẻ chết sau này sẽ sống lại. Như vậy thì sự chết hay tử thần sẽ không bao giờ bị giết sao? Mà nó là kết quả của tội lỗi, thì như vậy cũng không bị xóa bỏ hoàn toàn ư? Ơn cứu độ của Chúa Kitô mạnh mẽ như thế nào? Chỉ cần suy nghĩ một tý là đã thấy rõ vấn đề. Không, sự chết cũng sẽ bị hủy diệt. Thế nên lời cuối cùng trong thư hôm nay nói rằng: "Ðịch thù sau hết sẽ bị hủy ra không là sự chết".
Nhưng để đi đến chân lý này, thánh Phaolô không lý luận suông. Người căn cứ vào sự kiện trong lịch sử cứu độ. Người nhắc lại việc Ðức Kitô đã sống lại từ cõi chết. Và Người đã không sống lại cho mình, nhưng với tư cách là tiên thường giữa các vong linh, hay như hoa quả đầu mùa của toàn thể nhân loại. Bởi vì chúng ta không bao giờ được quên Ðức Kitô là Ðầu của một thân thể, khác nào như Ađam là đầu của nhân loại. Nếu do tự Ađam sự chết đã lọt vào thế gian thì lẽ nào sự sống lại ở nơi Ðức Kitô lại không tràn đến tất cả nhân loại? Thế nên ai theo thứ tự nấy sẽ sống lại sau Ðức Kitô.
Ðàng khác, Thiên Chúa đã thề hứa đặt mọi thù địch dưới chân Ngài. Mà sự chết là kẻ thù cuối cùng của nhân loại. Sự chết cũng sẽ bị hủy diệt dưới chân Ðức Kitô để sự sống của Thiên Chúa sẽ ở trong tất cả.
Chúng ta không cần dài dòng diễn tả mầu nhiệm xác thịt sống lại. Chúng ta đã tin vững vàng rồi. Ở đây và hôm nay phụng vụ muốn chúng ta để ý đến một câu trong thư này: ai nấy cũng sẽ theo thứ tự của mình mà sống lại sau Ðức Kitô. Nhưng thứ tự nào, nếu không phải là như lời thư Phaolô, thứ tự thuộc gần hơn về Ðức Kitô? Thế mà ai gần Ðức Kitô hơn Ðức Mẹ? Do đó, tin hồn xác Ðức Mẹ ngày nay đang ở trên trời là khẳng định niềm tin xác thịt chúng ta sau này sẽ sống lại. Và thấy ngày nay Người đã được như thế, thì chúng ta phấn khởi chắc chắn sẽ đến lượt mình.
Và cho được như vậy phải đến gần Chúa Yêsu như Ðức Mẹ, phải chấp nhận phấn đấu để cưu mang đức tin và sinh ra hoa quả các việc lành như người đàn bà trong sách Khải huyền; phải bắt chước Giáo hội luôn sống tôn dương Thiên Chúa đã thương đến phận hèn của mình và ban cho mình tràn trề ơn cứu độ. Nói tóm phải bắt chước Ðức Mẹ trong đời sống phấn đấu, cầu nguyện và cậy trông để luôn luôn được gần Chúa Kitô. Giờ đây Người đến gần chúng ta trong Thánh Thể để ở với chúng ta trong đời sống hầu đưa chúng ta sau này sống lại. Chúng ta hãy có tâm tình của Ðức Mẹ để gần Người ở trần gian hầu được gần Người ở trên trời.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Lễ Đức Mẹ Lên Trời
Bài đọc: Rev 11:19a,12:1-6a, 10ab; I Cor 15:20-27; Lk 1:39-56.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Khiêm nhường làm theo thánh ý Thiên Chúa để phục vụ tha nhân.

Thiên Chúa luôn yêu thương, chúc lành, và mong muốn mọi sự tốt lành cho con người; ngược lại, ma quỉ luôn ghen tương, phá hủy, và mong muốn con người làm nô lệ cho chúng. Để thực hiện điều này, chúng luôn tìm mọi cách để đề cao sự tự do và tính kiêu hãnh nơi con người. Trong Vườn Địa Đàng, chúng đã cám dỗ cặp vợ chồng đầu tiên, ông Adong và bà Evà, dùng tự do để bất tuân lệnh Thiên Chúa. Hậu quả của sự bất tuân làm con người xa cách Thiên Chúa và phải chết. Để chuộc tội cho con người, Mẹ Maria và Đức Kitô là Adam và Eve mới, đã chọn một phương cách hoàn toàn ngược lại: tuyệt đối khiêm nhường và vâng lời làm theo mọi ý định của Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong những gì Mẹ Maria và Đức Kitô đã vâng lời làm theo thánh ý Thiên Chúa, để mang lại sự sống mà con người đã đánh mất. Trong Bài Đọc I, Sách Khải Huyền nói về cuộc tranh chấp giữa Người Phụ Nữ và Con Mãng Xà: Con thú dữ đứng chực sẵn trước mặt người Phụ Nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong là nó nuốt ngay con bà. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô so sánh và mặc khải Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa: "Nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, như mọi người vì liên đới với Adong mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống." Trong Phúc Âm, khi được chị họ khen ngợi là người có phúc hơn mọi phụ nữ, Mẹ Maria đã khiêm nhường tuyên xưng: tất cả những gì Mẹ có được đều do bởi Thiên Chúa. Mẹ chỉ là người nữ tỳ hèn hạ được Đấng Tối Cao cho cộng tác vào chương trình cứu độ của Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Kẻ ngày đêm tố cáo anh em của ta trước toà Thiên Chúa, nay bị tống ra ngoài.

1.1/ Cuộc giao chiến giữa Thiên Chúa và ma quỉ: Tác-giả Sách Khải Huyền tường thuật thị kiến ông thấy xảy ra trên không trung: Hai nhân vật chính ông thấy xuất hiện là người Phụ Nữ đang mang thai và con Mãng Xà đang chực sẵn trước mặt người Phụ Nữ, để khi bà sinh xong là nó nuốt ngay con bà.
Hầu như mọi người đều cho con Mãng Xà này là hiện thân của Satan vì những đặc tính mà tác giả đã đề cập tới: "đỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện. Đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất." Nhưng ai là người Phụ Nữ mà tác giả mô tả ở đây? Có hai ý kiến khác nhau:
(1) Người Phụ Nữ là Đức Mẹ và Người Con sắp sinh là Chúa Giêsu: Ý kiến này rất phổ thông trong thời Trung Cổ, đặt căn bản trên sự kiện sau: Trước hết, tác giả đề cập đến sự hiện diện của Thiên Chúa trong Hòm Bia của Cựu Ước để so sánh với Hòm Bia của Tân Ước là cung lòng Mẹ Maria khi cưu mang Đức Kitô, Người Con của Thiên Chúa. Thứ đến, tác giả mô tả vinh quang tuyệt đỉnh của Đức Mẹ: "mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao." Ngoài Đức Mẹ, không một ai được mô tả có vinh quang tuyệt đỉnh như thế. Sau cùng, tác giả cũng đề cập đến sứ vụ và uy quyền của người con: "người con trai này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân."
(2) Giáo Hội và các tín hữu: Ý kiến này có từ thời sơ khai của Giáo Hội, cho người Phụ Nữ là Mẹ Giáo Hội và người con là mỗi tín hữu. Con Mãng Xà tượng trưng cho đế quốc Rôma, vì luôn tìm dịp để bách hại đạo thánh Chúa. Người theo ý kiến này trưng dẫn các lý do thần học: Đức Mẹ có thể bị đau đớn và quằn quại khi sinh con như câu số 12:2 mô tả không? Đức Mẹ có phải trốn vào sa mạc trong thời hạn 1,260 ngày như câu 12:6 mô tả không? Sau cùng, phải cắt nghĩa câu 12:17 thế nào khi con Mãng Xà "đi giao chiến với những người còn lại trong giòng dõi của Bà, những người giữ lời chứng của Đức Giêsu!" Ngoài ra, hình ảnh người Phụ Nữ rất phổ thông trong văn chương cổ điển của Đông Phương và Kinh Thánh (Isa 50:1, Jer 50:12), được dùng để chỉ một dân tộc, một quốc gia, hay một thành phố.
Ý kiến thứ nhất được nhiều người đồng ý hơn; tuy nhiên, ý kiến này không hoàn toàn đối nghịch với ý kiến thứ hai, mà còn bao hàm nó, vì Đức Mẹ là hiện thân của Giáo Hội; các tín hữu là môn đệ của Đức Kitô và cũng là con cái của Mẹ. Ma quỉ không những muốn nuốt chửng Đức Kitô mà còn tất cả những ai tin vào Ngài. Tác giả có thể có hai hình ảnh khi mô tả thị kiến: cá nhân như Mẹ Maria và Đức Kitô, tập thể như Giáo Hội và các tín hữu.

1.2/ Quyền lực Thiên Chúa chiến thắng quyền lực của ma quỉ: "Còn người Phụ Nữ thì trốn vào sa mạc; tại đó Thiên Chúa đã dọn sẵn cho bà một chỗ ở, để bà được nuôi dưỡng ở đó, trong vòng một ngàn hai trăm sáu mươi ngày." Sa mạc là chỗ ẩn phổ thông cho các tín hữu khi bị bách hại. Hình ảnh con cái Israel trong sa mạc dường như được nhấn mạnh ở đây. Con số hay được dùng trong Kinh Thánh: 1,260 ngày tương đương với 42 tháng hay 3 năm rưỡi, để chỉ một thời gian khá lâu, nhưng không vĩnh cửu.
Tác giả nghe có tiếng hô to trên trời: "Thiên Chúa chúng ta thờ, giờ đây ban ơn cứu độ, giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền, và Đức Kitô của Người giờ đây cũng biểu dương quyền bính, vì kẻ tố cáo anh em của ta, ngày đêm tố cáo họ trước toà Thiên Chúa, nay bị tống ra ngoài." Đây là lời báo trước kết quả của cuộc giao chiến: Thiên Chúa và Đức Kitô sẽ toàn thắng quyền lực của ma quỉ. Satan và các đồng bọn của chúng sẽ bị trừng trị và tiêu diệt.

2/ Bài đọc II: Nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại.

2.1/ Đức Kitô cứu nhân loại khỏi nọc độc của sự chết: Thánh Phaolô so sánh hai sự kiện lịch sử quan trọng: sự sa ngã của ông Adong trong Vườn Địa Đàng và sự phục sinh vinh hiển của Đức Kitô trong mồ thánh để nói lên hậu quả xảy ra cho con người. Vì ông Adong đã bất tuân Thiên Chúa và phạm tội, nên nọc độc của tội di truyền đến mọi người, và hậu quả của tội là sự chết. Hậu quả này được đảo ngược bởi Đức Kitô, vì Ngài đã vâng lời Thiên Chúa gánh lấy hậu quả tội lỗi cho con người; và vì Ngài đã sống lại vinh hiển nên con người không còn phải chết nữa.

2.2/ Đức Kitô sẽ trao lại vương quốc cho Cha Ngài: "Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi Người đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha." Thoạt đọc, một người có thể cho Đức Kitô không ngang hàng với Thiên Chúa Cha; nhưng sự thực không phải như thế.
Chúng ta có thể dùng một hình ảnh để suy luận điều thánh Phaolô muốn diễn tả ở đây: như một vị tướng lãnh nhận sứ vụ từ nhà vua để chinh phục quân thù, Đức Kitô cũng lãnh nhận sứ vụ từ Chúa Cha để thi hành. Khi Ngài đã hoàn tất sứ vụ tiêu diệt thù địch cuối cùng là sự chết, Ngài trao lại con người đã được cứu chuộc cho Thiên Chúa; giống như vị tướng trao lại lãnh thổ đã bị xâm lấn cho vua mình.

3/ Phúc Âm: Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới.

3.1/ Làm theo thánh ý Thiên Chúa là lý do được Thiên Chúa chúc phúc.
(1) Chị họ Elisabeth nhận ra sự cao trọng của Mẹ Maria: Khi Mẹ Maria vào nhà ông Zachariah và chào hỏi bà Elisabeth, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà Elisabeth được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng." Người con bà Elisabeth đang cưu mang trong lòng là Gioan Tẩy Giả, hai thai nhi đã nhận ra nhau do Thánh Thần tác động; và Bà Elisabeth cũng nhận ra diễm phúc được làm Mẹ Thiên Chúa của Maria, người em họ mình.
(2) Lý do của sự cao trọng và được chúc phúc: Bà Elisabeth nhận ra lý do Maria được chúc phúc, và nói: "Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em." Con người được chúc phúc là vì niềm tin vững mạnh nơi Thiên Chúa, chứ không vì bất cứ việc gì con người làm. Mẹ Maria tin vững mạnh nơi Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, và Mẹ đã thưa lời "Xin Vâng" với sứ thần Gabriel.

3.2/ Khiêm nhường phục vụ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân: Theo sự quan phòng của Thiên Chúa, người tín hữu cao trọng là người biết khiêm nhường phục vụ tha nhân.
(1) Khiêm nhường phục vụ Thiên Chúa: Mẹ Maria biết nguồn gốc của sự cao trọng của Mẹ là nơi Thiên Chúa; Mẹ chỉ là nữ tỳ hèn hạ của Ngài. Vì thế, Mẹ Maria đáp trả lời khen ngợi của chị họ Elisabeth như sau: "Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!"
Ngược lại với cách đáp trả của Đức Mẹ, là cách con người kiêu hãnh nhận những gì Thiên Chúa và tha nhân đã làm cho, là của mình. Họ nghĩ vì họ có tài đức, hay có vận may, hay nhờ những cố gắng riêng, mà họ được như hiện tại. Bài kinh Magnificat là một thức tỉnh cho loại người này, họ phải biết khôn ngoan nhận ra và cư xử thích đáng trước khi quá muộn: "Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng. Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Abraham và cho con cháu đến muôn đời."
(2) Khiêm nhường phục vụ tha nhân: Lòng yêu mến Thiên Chúa phải được bày tỏ qua những việc làm cụ thể cho tha nhân. Mẹ Maria đã chọn đi thăm viếng và ở lại phục vụ người chị họ mình ba tháng, vì Mẹ biết chị họ đã cao niên và son sẻ, dù Mẹ có thể chọn ở nhà để dưỡng thai. Người kiêu hãnh có thể nghĩ: chị họ phải đi thăm và phục vụ mình, vì mình là Mẹ của Thiên Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

Chúng ta cần sáng suốt để nhận định:
- Thiên Chúa là Đấng uy quyền và khôn ngoan: Ngài phác họa và điều khiển toàn bộ Kế Hoạch Cứu Độ cho con người qua sự vâng lời và khiêm nhường thực hiện của Đức Kitô.
- Mẹ Maria đã khôn ngoan nhận ra Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, và khiêm nhường cộng tác để cung cấp cho Đức Kitô một thân xác, cần thiết cho Kế Hoạch Cứu Độ.
- Noi gương Mẹ, chúng ta cầu xin để chúng ta cũng nhận ra thánh ý Thiên Chúa, và khiêm nhường cộng tác để mưu cầu phần rỗi cho chúng ta và cho tha nhân. Đừng bao giờ rơi vào bẫy kiêu hãnh của ma quỉ để đánh cắp những ơn lành của Thiên Chúa và lạc xa đường cứu độ.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.

15/08/14 THỨ SÁU TUẦN 19 TN
Đức Mẹ hồn xác lên trời
Lc 1,39-56

Suy niệm: Trong một năm phụng vụ, những ngày lễ kính Đức Mẹ sắp xếp, dàn trải như một lộ trình mẫu giúp các tín hữu sống đức tin theo gương Mẹ để đạt tới đích điểm mà ngày lễ hôm nay nhắm tới là được lên trời với Mẹ. Thật vậy, vì cảm nhận được thân phận của một nữ tì hèn mọn trước kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa, Đức Ma-ri-a đã không khỏi bỡ ngỡ, e ngại trước lời mời gọi của Chúa qua lời thiên sứ truyền tin. Bằng lời xin vâng, Mẹ đã sẵn lòng cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Chúa: không phải chỉ có lời thưa xin vâng lúc truyền tin, Mẹ đã thưa xin vâng suốt cuộc đời mình, xin vâng trong những lúc tăm tối của thử thách, xin vâng ngay cả khi chưa hiểu ý Chúa, xin vâng khi cùng Chúa Giê-su đi trên đường khổ giá, xin vâng khi tiếp tục đồng hành với các tông đồ. Chính vì trung thành với lời xin vâng Mẹ được ân thưởng lên cõi trời.
Mời Bạn: Yêu mến Mẹ, noi gương Mẹ, và sống như Mẹ là phương thế tốt nhất để sống trọn vẹn ơn gọi là Ki-tô hữu. Bạn và tôi, trong hành trình đức tin cùa mình, chúng ta cũng dám thưa vâng để ý Chúa được thể hiện trong cuộc đời chúng ta, hầu mai sau được cùng Mẹ vui hưởng Nước Trời.
Sống Lời Chúa: Thực hiện quyết tâm ba bước sau đây: 1/ chọn một biến cố vừa xảy ra trong cuộc sống của mình; 2/ bình tâm suy gẫm để khám phá ý muốn của Chúa qua biến cố đó; 3/ thưa vâng với Chúa và nỗ lực thực hiện.
Cầu nguyện: Nữ vương ban sự bình an – Cầu cho chúng con.
Đức Bà phù hộ các giáo hữu – Cầu cho chúng con.

Em thật có phúc
Lễ Mẹ Lên Trời là lễ của niềm hy vọng cho cả nhân loại. Người Kitô hữu thêm xác tín về nơi mình sẽ đến. 


Suy nim:
Trong ngày mừng lễ Đức Maria được đưa lên trời cả hồn lẫn xác,
phụng vụ lại cho chúng ta chiêm ngắm một Đức Maria trong đời thường.
Lúc ấy Mẹ là một cô thiếu nữ, vượt đoạn đường dài hơn 100 cây số,
đi từ Galilê lên Giuđê, để thăm bà chị họ cao niên đang mang thai.
Bầu khí gặp gỡ là bầu khí của niềm vui.
Maria là người cất tiếng chào trước.
Tiếng chào ấy đã làm thai nhi Gioan nhảy mừng trong lòng mẹ (c. 44)
và làm bà Êlisabét ngỡ ngàng chúc tụng tán dương (cc. 42-45).
Maria cũng hân hoan cất lời ngợi khen Thiên Chúa (cc. 46-47).
Bầu khí gặp gỡ là bầu khí của Thánh Thần.
Maria đầy Thánh Thần từ khi cưu mang Đức Giêsu (Lc 1, 35).
Êlisabét đầy Thánh Thần từ khi nghe Maria chào (Lc 1, 41).
Nhờ Thánh Thần, bà Êlisabét đã khám phá ra bí mật của cô em.
Cô có phúc hơn mọi phụ nữ, vì cưu mang người Con tuyệt vời (c. 42).
Cô còn có phúc vì dám tin điều Thiên Chúa nói (c. 45).
Chính Mẹ cũng nhận mình là người diễm phúc vì được muôn hồng ân (c. 48).
Đem Đức Giêsu đến nhà, thăm viếng, chào hỏi, ở lại, phục vụ:
đó là những điều Mẹ Maria đã làm cho bà chị họ ngày xưa,
và vẫn còn làm cho chúng ta hôm nay trên trời.
Mẹ được tôn vinh không phải để xa cách, mà để gần gũi với con người.
Đấng tự xưng là nữ tỳ của Chúa thì đã sống như nữ tỳ của nhân loại.
Lễ Đức Mẹ được đưa lên trời cả hồn lẫn xác, nhắc chúng ta nhiều điều.
Lễ này nhắc chúng ta về thế giới của Thiên Chúa, về quê hương vĩnh cửu.
Chúng ta dễ bị hút xuống thế giới này, với vẻ đẹp và nỗi khốn cùng của nó.
Chúng ta loay hoay giải quyết không xong những vấn đề của trái đất,
vì quên nhìn nó từ trên cao và hướng nó về trời cao.
Lễ này cũng nhắc chúng ta về giá trị cao quý của thân xác.
Thân xác đi với ta suốt cả cuộc đời, chịu gian khổ và được tôn vinh với ta.
Chẳng thân xác nào gần Đức Giêsu bằng thân xác của Mẹ.
“Phúc cho người phụ nữ đã cưu mang Thầy và cho Thầy bú mớm.”
Tay Mẹ đã bồng ẵm Con từ Bêlem, qua Ai Cập, lên Đền thờ.
Tay Mẹ cũng đã ôm xác Con mình, được đưa xuống từ thập tự giá.
Mẹ sống bên Giêsu gấp mười lần thời gian các tông đồ sống bên Ngài.
“Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó” (Ga 12, 26).
Hơn ai hết Mẹ là người đã gắn bó phục vụ Đức Giêsu bằng cả cuộc đời.
Hơn ai hết Mẹ xứng đáng được ở bên Con cả hồn lẫn xác.
Lễ Mẹ Lên Trời là lễ của niềm hy vọng cho cả nhân loại.
Người Kitô hữu thêm xác tín về nơi mình sẽ đến.
Mẹ là người được hưởng trước những gì chúng ta sẽ được hưởng.
Dù cuộc đời người theo Chúa lắm gian truân và hy sinh,
nhưng kết thúc lại rất tươi và có hậu.
Lễ Mẹ Lên Trời, chỉ xin được yêu mến những sự bền vững trên trời,
và bớt bị mê hoặc bởi những điều chóng qua dưới đất.
Cầu nguyn:

Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.
Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.
Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.
Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Lectio Divina: Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
Thứ Sáu, 15 Tháng 8, 2014
Đức Maria đi viếng bà thánh Êlisabéth
Lc 1:39-56


1.    Bài Đọc

a)    Lời nguyện mở đầu:

Lạy Chúa Thánh Thần, Thần Khí của sự Khôn Ngoan, của Khoa Học, của Tri Thức, của Khuyên Bảo, xin Chúa hãy đổ tràn đầy chúng con. Chúng con cầu xin, cùng với sự hiểu biết Lời Chúa, xin đổ tràn đầy chúng con với mọi sự khôn ngoan và trí thông minh tinh thần, để chúng con có thể hiểu thấu Lời Chúa.  Nguyện xin cho chúng con, dưới sự hướng dẫn của Chúa, có thể hiểu được đoạn Tin Mừng trang trọng này về Đức Trinh Nữ Maria.  Lạy Chúa Thánh Thần, chúng con cần Chúa, vì Chúa là Đấng duy nhất uốn nắn chúng con một cách liên tục theo giống hình ảnh và hình thể của Chúa Giêsu.  Và chúng con hướng về Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu và Mẹ của Giáo Hội, Mẹ là người đã sống say sưa và hoàn toàn trong sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Mẹ là người đã có kinh nghiệm về quyền năng của Chúa Thánh Thần trong Mẹ, Mẹ là người đã thấy Chúa Thánh Thần hoạt động nơi Chúa Giêsu, con Mẹ, từ lúc còn ở trong lòng Mẹ.  Xin hãy mở rộng tâm trí chúng con, để chúng con có thể ngoan ngoãn lắng nghe Lời Chúa.
                                                     
b)  Bài Tin Mừng:

Trong những ngày ấy, bà Maria chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa.  Bà vào nhà ông Giacaria và chào bà Êlisabéth.  Sau khi bà Êlisabéth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà và bà Êlisabéth được đầy Chúa Thánh Thần.  Bà kêu lớn tiếng rằng:  “Em được chúc phúc hơn mọi người nữ và con lòng em cũng được chúc phúc.  Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm?  Vì này, tai tôi vừa nghe lời em chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi.  Phúc cho em là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng em sẽ được thực hiện.” 
Và bà Maria nói:  “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa,
và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa Đấng Cứu Độ tôi,
vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. 
Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi có phước, vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại và danh Ngài là thánh. 
Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa. 
Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai thần trí kiêu căng. 
Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ. 
Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. 
Chúa săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. 
Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi người đến muôn đời.” 
Maria ở lại với bà Êlisabéth độ ba tháng, đoạn người trở về nhà mình.

c)  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Thinh lặng là một đặc tính của những ai biết làm thế nào để lắng nghe Thiên Chúa.  Bạn hãy cố gắng tạo cho mình một bầu không khí của an bình và tôn thờ im lặng.  Nếu bạn có khả năng thinh lặng trước Thiên Chúa, bạn sẽ có thể lắng nghe hơi thở của Người đó là Sự Sống.

2.    Suy gẫm

a)    Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Em được chúc phúc hơn mọi người nữ

Trong phần đầu của bài Tin Mừng hôm nay, những lời của bà Êlisabéth kêu lớn tiếng:  “Em được chúc phúc hơn mọi người nữ”, được dẫn trước bởi một cuộc di chuyển không gian.  Mẹ Maria rời Nagiarét, một làng nằm ở phía bắc của đất Paléstine, để đi về phía nam, khoảng chừng năm mươi cây số, đến một nơi mà theo tương truyền đã xác định là vùng Ain Karem ngày nay, không xa thành Giêrusalem bao nhiêu.  Việc di chuyển thể lý cho thấy sự nhạy cảm nội tâm của Mẹ Maria, người không sống cho riêng mình, để chiêm niệm, trong một cách riêng tư và thân mật, mầu nhiệm của Mẹ Thiên Chúa đang được hoàn thành trong người của Mẹ, nhưng Mẹ lại chọn con đường hướng về lòng yêu thương tha nhân.  Mẹ đã lên đường để giúp cho người chị họ cao tuổi.  Việc đi thăm bà Êlisabéth của Mẹ Maria đã được tăng thêm ý nghĩa với những chữ “trong vội vã” mà thánh Ambrose đã diễn giải như sau:  “Mẹ Maria vội vã ra đi đến vùng cao nguyên, không phải vì Mẹ không tin lời tiên báo hay vì Mẹ không chắc chắn về lời thông báo của Thiên Sứ hay nghi ngờ về bằng chứng, mà vì Mẹ đã vui mừng với lời hứa và mong muốn làm tròn sứ vụ một cách tân tụy, với sự thôi thúc Mẹ đã nhận được từ niềm hân hoan mật thiết trong lòng của Mẹ ….  Ân huệ của Chúa Thánh Thần không gây ra sự chậm chạp”.  Tuy nhiên, người đọc biết rằng lý do thực sự của chuyến đi đã không được nhắc tới, nhưng có thể nhận thấy nó qua các dữ kiện rút ra từ bối cảnh.  Thiên thần đã truyền tin cho Đức Maria biết về việc mang thai của bà Êlisabéth, đã được sáu tháng (xem câu 37).  Ngoài ra, Mẹ Maria ở lại đó ba tháng (xem câu 56), đúng thời điểm để hài nhi có thể sinh ra, giúp chúng ta hiểu được rằng Đức Maria có ý định muốn giúp người chị họ.  Mẹ Maria chạy, và đi về nơi có nhu cầu cấp thiết, nhu cầu cần được giúp đỡ, theo cách này, cho thấy một cảm giác rõ ràng và lòng sẵn sàng cụ thể. 

Cùng với Mẹ Maria, thai nhi Giêsu, trong lòng Mẹ, cùng đi với Người.  Từ đây thật dễ dàng suy ra giá trị Kitô giáo của việc đi thăm người chị họ của Đức Maria:  hơn hết cả, sự chú ý được hướng về Chúa Kitô.  Thoạt tiên, mọi việc hình như có vẻ chú trọng vào hai người phụ nữ; thực ra, điều quan trọng đối với tác giả Phúc Âm là sự kiện phi thường hiện hữu trong việc thụ thai của họ.  Mẹ Maria có khuynh hướng chăm sóc, như trong thí dụ vừa rồi, để có cuộc gặp gỡ giữa hai người phụ nữ.

Ngay khi Mẹ Maria vào nhà và chào bà Êlisabéth, thai nhi Gioan nhảy mừng trong lòng mẹ.  Theo một số người, việc nhảy mừng này không thể so sánh với việc chuyển mình của thai nhi, mà mọi phụ nữ mang thai thường trải qua.  Thánh Luca xử dụng một động từ tiếng Hy Lạp mà một cách chính xác có nghĩa là “nhảy”.  Với mong muốn giải thích động từ này theo nghĩa đen một chút, nó có thể được hiểu với nghĩa “nhảy múa”, như thế ngoại trừ một hiện tượng vật lý mà thôi.  Có người đã nghĩ rằng động từ “nhảy” này có thể được coi như là một hình thức “tỏ lòng cung kính” của thai nhi Gioan dành cho Chúa Giêsu, từ lúc bắt đầu, mặc dù chưa được sinh ra, thái độ của sự kính trọng và khuất phục sẽ là đặc điểm của cuộc đời Gioan:  “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người” (Mc 1:7).  Rồi một ngày, chính Gioan sẽ là người chứng:  “Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng.  Đó là niềm vui của ta, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn.  Người phải nổi bật lên, còn ta phải lu mờ đi” (Ga 3:29-30). Vì thế thánh Ambrose đã nhận định:  “Bà Êlisabéth là người đầu tiên được nghe tiếng nói, nhưng Gioan lại là người đầu tiên nhận lãnh ân sủng”.  Chúng ta tìm thấy một sự xác nhận của lời giải thích này trong những chữ dùng của bà Êlisabéth, một động từ Hy-Lạp trong câu 41, đã được lập lại trong câu 44:  “Hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi”.  Thánh sử Luca, với những chi tiết cụ thể này, đã muốn gợi lên những điều kỳ diệu đã xảy ra tại nơi thân thiết Nagiarét.  Chỉ đến bây giờ, nhờ vào cuộc đối thoại với một người khác, mầu nhiệm Mẹ Thiên Chúa mới mặc khải sự bí mật và những gì thuộc về cá nhân để trở nên một thực tế đáng chú ý, và đối tượng của sự nhận thức và khen ngợi.

Theo lời của bà Êlisabéth:  “Em được chúc phúc hơn mọi người nữ và con lòng em cũng được chúc phúc.  Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm?” (các câu 42-43).  Với cách diễn tả của người Do-Thái, các chữ này tương đương với một bậc cao trọng (“trong số các người nữ”), tác giả muốn thu hút sự chú ý của người đọc về chức phận của Đức Maria:  là “Mẹ Thiên Chúa”.  Và sau đó, một ân sủng đã dành riêng cho Mẹ (“Em được chúc phúc”) và một chân phúc đã được ban.  Việc này bao gồm những gì?  Nó thể hiện việc Mẹ Maria tuân theo Thánh Ý Thiên Chúa.  Mẹ Maria không chỉ là người nhận lãnh một kế hoạch mầu nhiệm làm cho Mẹ được chúc phúc, mà Mẹ còn là người biết chấp nhận và tuân theo ý Chúa.  Mẹ Maria là một tạo vật có lòng tin, bởi vì Mẹ đã tin tưởng vào lời nói đơn sơ và ký thác vào câu trả lời “xin vâng” vì tình yêu của Mẹ.  Và bà Êlisabéth nhận biết được sứ vụ tình yêu này, xác định Mẹ là “được chúc phúc làm mẹ và được chúc phúc làm người tin vào quyền năng Thiên Chúa”.

Trong khi đó, thai nhi Gioan nhận thức được sự hiện diện của Chúa và mừng rỡ hân hoan, biểu lộ với việc nhảy múa trong lòng mẹ để từ đó liên hệ với ơn cứu độ.  Mẹ Maria sẽ là người thông dịch cho sự kiện đó trong bài thánh ca Magnificat.
    
b)    Bài ca tình yêu:


Trong bài ca này Mẹ Maria coi mình như một phần của những kẻ nghèo khó, “người nghèo của Thiên Chúa”, của những người “kính sợ Thiên Chúa”, đặt tất cả mọi tin tưởng vào Người, và hy vọng, vì trong mức độ hiểu biết của con người, họ không được hưởng bất kỳ một quyền lợi hay sự ưu đãi nào.  Tinh thần của những kẻ nghèo khó có thể được tổng hợp với những lời của Thánh Vịnh 37, các câu 7-9:  “Hãy thinh lặng trước mặt Chúa và đợi trông Người”, bởi vì “những ai trông đợi Chúa, sẽ được đất hứa làm gia nghiệp”.
Trong Thánh Vịnh 86, câu 6, người ta cầu nguyện, hướng về Thiên Chúa mà rằng:  “Xin hãy ban cho người tôi tớ Chúa nguồn trợ lực của Người”.  Thuật ngữ “tôi tớ” ở đây diễn tả người ấy đã bị khất phục, cũng như cảm nghĩ thuộc về Thiên Chúa, của cảm giác được an toàn với Người.
Kẻ nghèo khó, theo sát nghĩa của Thánh Kinh, là những ai đặt niềm tin vào Thiên Chúa một cách vô điều kiện; đây là lý do tại sao họ được đoái hoài tới, về phẩm chất, phần tốt nhất, của dân tộc Do-Thái.
Thay vào đó, những kẻ tự hào là những ai lại đặt tất cả tin tưởng của họ vào bản thân mình.
Bây giờ, theo bài ca Kinh Ngợi Khen (Magnificat), người nghèo có một ngàn lý do để vui mừng, bởi vì Thiên Chúa ban cho kẻ nghèo hèn được vẻ vang (Tv 149:4) và những kẻ khiêm tốn được hãnh diện. Một hình ảnh được trích từ Tân Ước diễn tả rất rõ thái độ của người nghèo hèn trong Cựu Ước, là trong đó người thu thuế giàu có đã tự khiêm nhường đấm ngực, trong khi người Biệt Phái lại tự mãn với các công lao của mình và đang để cho niềm tự mãn chi phối (Lc 19:9-14).  Một cách dứt khoát, Mẹ Maria ca tụng tất cả những việc Thiên Chúa đã thực hiện trong người Mẹ và tất cả những việc Người đã làm cho mọi tạo vật.  Niềm hân hoan và lòng biết ơn là đặc tính của bài thánh ca này về ơn cứu độ công nhận sự cao cả của Thiên Chúa, mà cũng làm cho người hát bài hát đó trở nên tuyệt vời.

c)    Một vài câu hỏi gợi ý:

·         Lời cầu nguyện của tôi, hơn hết cả, là sự biểu hiện tình cảm hay là việc tán dương và xác nhận hoạt động của Thiên Chúa?  
·         Đức Maria được xem như là người tin vào Lời của Chúa.  Tôi đã dành bao nhiêu thời gian để chỉ lắng nghe Lời Chúa?   
·         Lời cầu nguyện của bạn có đã được nuôi dưỡng từ Thánh Kinh, như lời cầu nguyện của Mẹ Maria không?  Hay đúng hơn tôi đã có siêng năng cho việc sùng kính với những lời kinh cầu liên tục nhạt nhẽo và buồn tẻ không?  Bạn có tin rằng tìm về lời cầu nguyện trong Kinh Thánh là sự bảo đảm để tìm thấy sự nuôi dưỡng chắc chắn, như Mẹ Maria đã chọn không?
·         Bạn có nhận thấy được lý lẽ của bài thánh ca Magnificat đã tán tụng niềm hân hoan của sự cho đi, đánh mất để được tìm thấy, của sự nhận lãnh, niềm hạnh phúc của sự tưởng thưởng, của sự biếu tặng không?   
                                           
3.    Cầu Nguyện

a)     Thánh Vịnh 44 (45)
                                                                                                                                                                                
Phần thứ hai này của bài Thánh Vịnh, ca ngợi Nữ hoàng.  Trong bài Phụng Vụ hôm nay những câu Thánh Vịnh này được áp dụng cho Mẹ Maria và tán dương vẻ đẹp và sự cao trọng của Mẹ.

Hàng cung nữ, có những vì công chúa,
bên hữu ngài, hoàng hậu sánh vai,
trang điểm vàng Ô-phia lộng lẫy.

Tôn nương hỡi, xin hãy nghe nào,
đưa mắt nhìn và hãy lắng tai,
quên dân tộc, quên đi nhà thân phụ.
Sắc nước hương trời, Quân Vương sủng ái,
hãy vào phục lạy: "Người là Chúa của bà."

Đẹp lộng lẫy, này đây công chúa,
mặc xiêm y dệt gấm thêu vàng,
phục sức huy hoàng, được dẫn tới Quân Vương,
cùng các trinh nữ theo sau hầu cận.
Lòng hoan hỷ, đoàn người tiến bước,
vẻ tưng bừng, vào tận hoàng cung.

b)  Lời nguyện kết

Lời nguyện sau đây là một đoạn suy gẫm ngắn gọn về vai trò làm mẹ của Đức Maria trong đời sống của người tín hữu:  “Lạy Mẹ Maria, Mẹ là người phụ nữ biết thế nào để vui mừng, người biết thế nào để hân hoan, người đã để cho được chiếm hữu bởi sự an ủi hoàn toàn của Chúa Thánh Thần, xin hãy dạy cho chúng con cách cầu nguyện để chúng con có thể khám phá ra nguồn mạch của sự hân hoan.  Trong nhà bà Êlisabéth, chị họ của Mẹ, cảm giác được chấp nhận và được thông hiểu về bí mật thâm kín nhất của Mẹ, Mẹ đã thốt lên một bài thánh ca của lòng hân hoan, nói về Thiên Chúa, nói về mối quan hệ của Mẹ với Chúa, và về một cuộc phiêu lưu chưa từng có đã bắt đầu là làm Mẹ Thiên Chúa và là mẹ của chúng con, dân thánh của Thiên Chúa.  Xin Mẹ hãy dạy cho chúng con biết dâng lên lời nguyện của nhịp điệu hy vọng và những rung động của niềm hân hoan, những khi chúng con kiệt sức bởi than vãn đắng cay và thấm tràn với sầu muộn gần như là nghĩa vụ.  Phúc Âm nói với chúng con về Mẹ và bà Êlisabéth:  cả hai đều giữ trong lòng một điều gì đó mà cả hai không dám hoặc không muốn tỏ lộ cho bất cứ ai.  Nhưng trong mỗi người, cảm nghiệm được thông hiểu bởi người đối diện, trong ngày đã được nói trước về việc Thăm Viếng và Mẹ đã thốt lên những lời của cầu nguyện và của ngày lễ hội.  Cuộc gặp gỡ của Mẹ đã trở nên phần Phụng Vụ tạ ơn và ngợi ca Thiên Chúa khôn tả của Mẹ.  Mẹ, người phụ nữ với niềm vui sâu sắc, đã xướng lên bài Kinh Ngợi Khen Magnificat, trong sự sung sướng và ngạc nhiên trước tất cả những gì Chúa đã sắp đặt nơi người tôi tớ khiêm cung của Người.  Bài ca Magnificat là tiếng hò reo, lời nổ bừng của mừng vui, nổ tung trong mỗi người chúng ta, khi người ta cảm thấy được chấp nhận và được thấu hiểu”.

4.    Chiêm Niệm

Lạy Đức Trinh Nữ Maria, đền thờ của Chúa Thánh Thần, được chấp nhận với niềm tin tưởng vào Lời Chúa và hoàn toàn quy phục vào quyền năng Tình Yêu.  Vì chính điều này Mẹ đã trở nên biểu tượng của nội tâm, tất cả mọi việc được nhớ lại dưới cái nhìn của Thiên Chúa và chìm đắm vào quyền năng của Đấng Tối Cao.  Mẹ Maria đã giữ im lặng về chính mình, bởi vì tất cả mọi việc trong người Mẹ có thể nói lên những việc kỳ diệu lạ lùng của Chúa trong cuộc đời của Mẹ.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét