Trang

Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

27-08-2014 : THỨ TƯ TUẦN XXI MÙA THƯỜNG NIÊN - THÁNH NỮ MÔ-NI-CA : BỔN MẠNG GIỚI HIỀN MẪU

27/08/2014
Lễ Thánh Nữ Mônica, Lễ Nhớ
Bổn mạng Giới Hiền Mẫu.


* Thánh nữ sinh năm 331 tại Ta-gát, châu Phi trong một gia đình theo Kitô giáo. Lúc còn thanh xuân, thánh nữ đã kết hôn với anh Pa-tri-xi-ô và sinh được những người con, trong đó có thánh Âu-tinh. Khi Âu-tinh mất đức tin, thánh nữ đã dâng những dòng lệ tựa những lời cầu nguyện âm thầm lên Thiên Chúa. Khi thấy Âu-tinh trở lại, thánh nữ đã tràn ngập vui mừng. Người không còn gì để chờ đợi ở trần gian này nữa, Thiên Chúa đã gọi người về ở Ốt-ti-a, năm 387, khi người đang sửa soạn trở về châu Phi, quê hương của người.
Thánh nữ là tấm gương sáng chói cho những người làm mẹ: nuôi dưỡng lòng tin bằng lời cầu nguyện và chiếu tỏa ra bên ngoài bằng các nhân đức.

BÀI ĐỌC I: Hc 26, 1-4. 16-21 (Hl 1-4. 13-16)
"Như mặt trời mọc lên thế nào, thì người vợ hiền lành cũng sẽ là vật trang trí cho gia đình như vậy".
Trích sách Huấn Ca.
Phúc cho người chồng có được một người vợ hiền, vì sẽ được sống gấp đôi. Người vợ mạnh khoẻ là niềm hân hoan của người chồng và sẽ sống trong yên hàn: Một người vợ hiền là gia sản quý giá, nàng sẽ được ghi vào số những kẻ kính sợ Thiên Chúa, sẽ mang lại cho người chồng những công đức, luôn luôn tỏ lòng tốt đối với người giàu có và kẻ khó nghèo, lúc nào nét mặt cũng hân hoan.
Người vợ đức hạnh sẽ làm cho người chồng được sung sướng và được khoái trá tận xương tuỷ. Một phụ nữ đức hạnh là của Chúa ban cho. Một phụ nữ cẩn ngôn và có giáo dục là một bảo vật vô giá. Ơn lại thêm ơn, khi có một người vợ thánh thiện và danh thơm tiếng tốt. Vì một tâm hồn trong sạch thật là vô giá. Như mặt trời mọc lên chiếu sáng sự cao cả của Thiên Chúa thế nào, thì người vợ hiền cũng sẽ là vật trang trí cho tư thất mình như vậy. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6
Đáp: Phúc cho người đặt niềm hy vọng nơi Chúa (Tv 39,5a).
Xướng: 1) Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đềm ngày. - Đáp.
2) Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt. - Đáp.
3) Kẻ gian ác không được như vậy; họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi. Vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. - Đáp.
ALLELUIA: Ga 8, 12b
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: Ta là ánh sáng thế gian; ai theo Ta, sẽ có ánh sáng ban sự sống. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 7, 11-17
"Hỡi thanh niên, Ta truyền cho con hãy chỗi dậy ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu đến một thành gọi là Naim. Các môn đệ và đám đông dân chúng cùng đi với Người. Khi Người đến gần cửa thành, thì gặp người ta đang khiêng đi chôn người con trai duy nhất của một bà goá kia và có đám đông dân thành đi đưa xác với mẹ nó.
Trông thấy bà, Chúa động lòng thương và bảo bà rằng: "Đừng khóc nữa". Đoạn tiến lại gần, Người chạm đến quan tài và những người khiêng đứng lại. Bấy giờ Người phán: "Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy". Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Rồi Người trao lại cho mẹ nó.
Mọi người đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa rằng: "Một tiên tri cao cả xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã thăm viếng dân Người". Và việc này đã loan truyền danh tiếng Người trong toàn cõi Giuđêa và khắp vùng lân cận. Đó là lời Chúa.


Suy niệm : Quan Thầy Của Các Bà Mẹ
Hôm nay chúng ta mừng lễ thánh Monica, Nữ vương của các bà mẹ nói chung và của các bà mẹ công giáo nói riêng.
Sự kiên tâm bền chí của thánh nhân trong cầu nguyện là một lời chứng hùng hồn về đời sống đức tin sâu xa của một người nữ trong cương vị là một người mẹ. Thánh Monica đã nếm mùi đau khổ trong việc nuôi dạy người con ngỗ nghịch của mình là thánh Augustino. Như chúng ta biết, thánh Monica là người đã đau khổ nhiều vì thánh Augustino, có lúc tưởng chừng như tuyệt vọng, nhưng đức tin đã cung cấp cho thánh nữ sức mạnh, lòng tin tưởng và kiên trì trong lời cầu nguyện cho người con xa Chúa, và phần thưởng cho sự kiên trì đó là ơn trở lại của Augustino và cuối cùng, thánh nhân đã được hạnh phúc chứng kiến người con của mình trở thành người của Chúa, được tận hiến cho Chúa để chăm sóc cho một cộng đoàn. Có thể nói thánh Monica đã thành thật sống đức tin của mình để nêu gương cho người con đã một thời sống ngoài luật Chúa.
Thật là trái ngược với thái độ sống giả hình của những người biệt phái và kinh sư mà Chúa Giêsu đã nặng lời khiển trách.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Thứ Tư Tuần XXI Mùa Thường Niên Năm chẵn

BÀI ĐỌC I:  2 Tx 3, 6-10. 16-18
"Nếu ai không muốn làm việc, thì đừng có ăn".
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.
Anh em thân mến, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, chúng tôi truyền cho anh em hãy lánh xa khỏi bất cứ người anh em nào sống lười biếng, không theo truyền thống đã nhận lãnh nơi chúng tôi. Vì chưng, chính anh em biết phải noi gương chúng tôi thể nào, bởi chúng tôi đã không lười biếng lúc ở giữa anh em, cũng không ăn bám của ai, nhưng chúng tôi làm lụng khó nhọc vất vả đêm ngày, để không trở nên gánh nặng cho người nào trong anh em. Không phải chúng tôi không có quyền, nhưng là để nêu gương cho anh em, để anh em bắt chước chúng tôi. Bởi vì khi chúng tôi còn ở với anh em, chúng tôi đã truyền dạy anh em rằng: "Nếu ai không muốn làm việc, thì đừng có ăn".
Nguyện xin Chúa bình an ban cho anh em được bình an luôn mãi trong mọi nơi. Xin Chúa ở cùng tất cả anh em. Chính tay Phaolô này viết lời chào anh em: đó là dấu riêng trong các thư tôi gửi: Tôi viết như vậy đó. Nguyện chúc ân sủng của Chúa chúng ta, là Đức Giêsu Kitô, ở cùng tất cả anh em! Amen. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA:  Tv 127, 1-2. 4-5
Đáp: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa (c. 1a).
Xướng: 1) Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người. Công quả tay bạn làm ra bạn an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may. - Đáp.
2) Nguyện xin Thiên Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem, hết mọi ngày trong đời sống của bạn, và để bạn nhìn thấy lũ cháu đàn con. - Đáp.
ALLELUIA:  Pl 2, 15-16
Alleluia, alleluia! - Anh em hãy tích trữ lời ban sự sống, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao ở giữa thế gian. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 23, 27-32
"Các ngươi là con cháu những kẻ đã giết các tiên tri".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình: vì các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ tốt đẹp, nhưng bên trong đầy xương kẻ chết và mọi thứ dơ nhớp. Các ngươi cũng thế, bên ngoài, các ngươi có vẻ là người công chính, nhưng bên trong, các ngươi đầy sự giả hình và gian ác. Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình, các ngươi xây đắp phần mộ các tiên tri, trang hoàng mồ mả những người công chính, và các ngươi nói rằng: 'Nếu chúng tôi sống thời cha ông chúng tôi, ắt chúng tôi không thông đồng với các ngài trong việc đổ máu các tiên tri'. Vì thế, các ngươi tự chứng thực các ngươi là con cháu những kẻ đã giết các tiên tri. Vậy các ngươi cứ đong cho đầy đấu của cha ông các ngươi".  Đó là lời Chúa.


Suy niệm : Kết án tội giả hình

Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại hai lời kết án nữa của Chúa Giêsu chống lại các Luật sĩ và Biệt phái.
Với lời kết án thứ sáu, Chúa Giêsu ví các Luật sĩ và Biệt phái như những mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Tại Palestina, người dân có thói quen quét vôi trắng các mồ mả, nhất là vào dịp lễ Vượt Qua, để người ta có thể nhận ra và tránh xa khỏi bị nhơ uế ngăn trở cho việc phụng tự. Vẻ đẹp bên ngoài của các mồ mả che dấu thực tại ghê tởm bên trong. Cũng vậy, các Luật sĩ và Biệt phái bên ngoài xem ra là những người công chính, nhưng bên trong thì đầy sự giả hình và tội ác; việc họ giữ luật cách nghiêm nhặt chỉ là tấm màn che đậy một đời sống tương phản với những điểm cốt yếu của Lề Luật Thiên Chúa, đó là sự công bình, lòng bác ái và trung tín.
Trong lời kết án thứ bẩy, Chúa Giêsu tố cáo sự giả hình của các Luật sĩ và Biệt phái: họ xây mồ cho các tiên tri và sửa sang phần mộ những kẻ mà cha ông họ đã sát hại; họ than trách tội ác của cha ông họ trong quá khứ và tự phụ rằng nếu sống vào thời tổ tiên, họ sẽ không hành động như thế; nhưng họ quên rằng họ là con cháu của những kẻ đã sát hại các tiên tri, và giờ đây họ đang đi vào con đường đó bằng việc mưu hại Ngài.
Chúa Giêsu cũng chờ đợi nơi mỗi người chúng ta những thành quả tốt đẹp của việc cải hóa tâm hồn, nếu không, chúng ta cũng sẽ phải lãnh nhận số phận như các Luật sĩ và Biệt phái: cây khô sẽ bị chặt đi và bị ném vào lửa đời đời. Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi sự giả hình, khỏi tính ích kỷ và tự mãn. Xin cho chúng ta khiêm tốn nhận mình tội lỗi và thành tâm trở về với Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 21 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: 2 Thes 3:6-10, 16-18; Mt 23:27-32.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Làm việc với ý hướng tốt lành.
Cùng một việc làm, nhưng ý hướng tại sao làm rất khác nhau, và kết quả thu nhận được đều tùy thuộc vào ý hướng làm. Ví dụ việc đi lễ mỗi tuần: có người đi vì lòng kính mến Chúa, có người đi để giữ luật cho khỏi phạm tội, có người đi để làm vui lòng người khác, có người đi để khoe thân thể hay quần áo. Chỉ có người đi lễ vì lòng kính mến Chúa thực sự mới được Ngài ban mọi ơn thánh cần thiết cho cuộc sống.
Các bài đọc hôm nay đưa ra các mẫu người làm việc vì các ý hướng khác nhau. Trong bài đọc I, thánh Phaolô khuyên các tín hữu bắt chước ngài trong việc sống kỷ luật và làm việc để có của ăn; đừng bắt chước những người vô kỷ luật và lười biếng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu phơi bày những ý định xấu xa, tội lỗi của các Biệt-phái và Kinh-sư. Ngài tố cáo họ là những người giả hình, vì “bên ngoài có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đời sống kỷ luật
1.1/ Sự cần thiết của đời sống kỷ luật: Thành công hay thất bại cả về mặt vật chất lẫn tinh thần đều tùy thuộc vào đời sống kỷ luật, thái độ luôn biết làm chủ con người mình trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống. Người kỷ luật không bao giờ để cho người khác hay khó khăn chi phối họ; trái lại, họ tìm mọi cách để khắc phục các trở ngại gặp phải. Thánh Phaolô là mẫu người kỷ luật, nhưng ngài cũng biết ảnh hưởng của những người vô kỷ luật trên các tín hữu của ngài, nên ngài nhắc nhở họ: “Thưa anh em, nhân danh Chúa Giêsu Kitô, chúng tôi truyền cho anh em phải xa lánh mọi người anh em sống vô kỷ luật, không theo truyền thống anh em đã nhận được từ nơi tôi. Chính anh em thừa biết là anh em phải bắt chước chúng tôi thế nào. Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã không sống vô kỷ luật.”
1.2/ Sự cần thiết của làm việc: Con người sống cần có của ăn, và để có của ăn con người phải làm việc. Những tư tế của Chúa, vì phải làm việc trong Đền Thờ nên không có giờ để làm việc kiếm của ăn như những người khác, Chúa ban cho họ được quyền hưởng của ăn do giáo dân cung cấp. Điều này công bằng vì họ cũng làm việc để lo lắng phần hồn cho giáo dân; chỉ bất công khi họ không chu tòan trách vụ của mình. Thánh Phaolô được quyền hưởng những gì dành cho các tư tế, nhưng ngài cố gắng hy sinh làm việc để nêu gương sáng cho giáo dân. Ngài nói: “Chúng tôi đã chẳng ăn bám ai, trái lại đêm ngày đã làm lụng khó nhọc vất vả, để khỏi nên gánh nặng cho người nào trong anh em. Không phải là vì chúng tôi không có quyền hưởng sự giúp đỡ, nhưng là để nêu gương cho anh em bắt chước.”
Ngài ra chỉ thị cho họ: “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn!” Điều này thật công bằng cho những người có khả năng làm việc. Nhưng nhiều người lười biếng lý luận “không làm mà cũng có ăn thì tốt hơn” hay “làm ít ăn nhiều thì mới là người khôn ngoan.” Chẳng những đã không làm, họ còn dùng thời giờ rảnh rỗi để phạm tội: nói xấu, xen vào việc của người khác, hưởng thụ những thú vui bất chính… Đúng như lời một thánh nhân đã cảnh cáo: “Ở không là mẹ của các tật xấu.”
1.3/ Phản ứng của những người siêng năng làm việc: Khi thấy những người khác không làm mà được hưởng, đôi khi còn được hưởng trọn mọi cố gắng của người khác, những người siêng năng làm việc sẽ khó chịu tức tối vì bất công. Một số phản ứng sau đây sẽ xảy ra:
(1) Phản ứng thông thường là sẽ tìm cách cho những người ấy một bài học hay phơi bày họ ra ánh sáng. Phản ứng này sẽ làm con người bất an nếu gặp chống cự và kết quả không theo ý mình muốn.
(2) Một phản ứng khác là sờn lòng nản chí rồi bỏ không tiếp tục làm điều đúng nữa. Phản ứng này không nên làm vì đã để người khác chi phối cuộc đời mình.
(3) Phản ứng của Thánh Phaolô: Hãy khuyên bảo họ; nếu cách đó không kết quả thì hãy tìm sự bình an nơi Chúa vì: “Chúa là nguồn mạch bình an, xin Người ban cho anh em được bình an mọi lúc và về mọi phương diện.” Hơn nữa, chúng ta không lo việc bất công vì chính Ngài sẽ phán xét họ, vì không có gì giấu kín mà không bị tỏ lộ ra. Họ có thể đóng kịch qua mặt hết mọi người nhưng không bao giờ qua mặt được Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm hồn họ.
2/ Phúc Âm: Lối sống giả hình của các Kinh-sư và Biệt-phái.
Cũng giống như những người lười biếng không chịu làm việc, các Kinh-sư và Biệt-phái cũng bị Chúa tố cáo về lối sống giả hình của họ. Thay vì chu tòan bổn phận hướng dẫn dân chúng sống theo sự thật, theo lề luật Chúa dạy, họ làm dân chúng xa lánh Chúa vì lối sống đầy gương mù của họ: “Khốn cho các người, hỡi các Kinh-sư và Biệt-phái giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!”
Họ che mắt dân chúng để khỏi nhìn thấy những tính tóan dơ bẩn bên trong bằng việc làm những công trình to lớn bên ngoài như xây cất mồ cho các tiên tri và tô mả cho những người công chính. Chúa Giêsu vạch trần những tính tóan của họ: “Các ngươi nói: "Nếu như chúng ta sống vào thời của tổ tiên, hẳn chúng ta đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các ngôn sứ." Như vậy, các ngươi tự làm chứng rằng các người đúng là con cháu của những kẻ đã giết các ngôn sứ. Các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các người đi!” Những mồ mả họ xây là những bằng chứng tố cáo việc đổ máu người vô tội của họ. Cha ông họ đã làm những việc này trong quá khứ, họ đang làm những việc ấy trong hiện tại, và họ sẽ còn làm trong tương lai khi họ đổ máu người vô tội quan trọng nhất là Chúa Giêsu.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đời sống kỷ luật không thể thiếu nếu chúng ta muốn thành công trong tất cả các công việc tinh thần cũng như vật chất.
- Bao lâu còn khả năng làm việc, con người cần làm để nuôi sống bản thân và góp phần vào các công cuộc phát triển trong gia đình cũng như ngoài xã hội.
- Chúng ta cần phải thành thật trong khi làm việc. Chúng ta chỉ có thể che mắt con người, nhưng không thể đánh lừa Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM - MÙA QUANH NĂM - TUẦN 21
Mt 23,27-32

A. Hạt giống...
Hai lời khiển trách thứ sáu và thứ bảy :
6. Những mồ mả tô vôi (cc 27-28)
- “Khốn… các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp nhưng bên trong thì đầy dẫu xương người chết và đủ mọi thứ ô uế…” : Chúa Giêsu dùng hình ảnh những nấm mồ là do thói quen ở Giêrusalem hằng năm khi đến gần đại lễ Vượt qua, người ta quét vôi các ngôi mộ cho khách hành hương thấy rõ mà tránh kẻo đụng vào mà bị ô uế cả tuần (x. Ds 19,16). Chúa Giêsu so sánh cách sống đạo hình thức với những nấm mồ tô vôi ấy. Sự thối nát của thói giả hình và sự thiếu trung tín với tinh thần luật đã bị họ che đậy bằng cái vỏ xinh đẹp là “công chính trước mặt thiên hạ”.
7. Xây mồ cho các ngôn sứ (cc 29-32)
- “Khốn… các ngươi xây mồ cho các ngôn sứ và tô mả cho những người công chính…” : Một mặt họ xây mồ cho các ngôn sứ để tỏ ra phản đối chuyện tổ tiên mình đã sát hại các vị ấy, nhưng mặt khác họ căm thù chính Chúa Giêsu là Đấng mà các ngôn sứ đã loan báo. Như thế, chẳng những “cha nào con nấy”, mà họ còn tệ hơn tổ tiên họ nữa. Việc làm của họ “đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên” họ vì tổ tiên họ chỉ giết các ngôn sứ, còn họ thì sẽ giết chính Đấng Messia (CGKPV).

B.... nẩy mầm.
1. Thành ngữ VN có một câu tương đương với câu “mồ mã tô vôi” của Tin Mừng, đó là “Ngoài miệng thì niệm nam mô, trong lòng thì chứa một bồ dao găm”.
Con rất dễ phạm phải sự giả hình này. Xin Chúa giúp con thống nhất đời sống, thống nhất cái biểu lộ bên ngoài với cái tâm tình bên trong.
2. Những người biệt phái trách cha ông họ đã xử tệ với các ngôn sứ. Thế nhưng chính họ còn tệ hơn nữa khi bách hại Chúa Giêsu. Trách người thì dễ, sửa mình mới khó. Tôi cũng rất nhanh miệng phê phán chê trách người khác….
3. Một bà già tốt lành, hơn 40 năm sinh sống bằng nghề giặt ủi tầm thường, nhưng lại được mọi người quí mến, tín nhiệm. Khi được hỏi bí quyết, bà đáp : “Tôi có một qui luật sống là không mách lẻo chuyện nhà này cho nhà khác nghe." (Góp nhặt)
4. Mỗi người đều mang hai túi  : một ở trước ngực và một ở sau lưng, và cả hai nhét đầy lầm lỗi.
Tuy nhiên, túi trước đựng lỗi của người hàng xóm và túi sau đựng lỗi của mình. Vì thế, người ta thường mù quáng với khuyết điểm của mình và luôn sáng mắt với khuyết điểm của anh em. (Góp nhặt)
5. “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình ! các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế.” (Mt 23,27)
Như một qui luật của sự sống, con người luôn muốn tự khẳng định mình, đôi lúc trở nên phô trương, lố nghịch và vô nghĩa. Con người cứ mãi trang điểm cho mình những giá trị giả dối.
Như tôi chẳng hạn, luôn chuẩn bị cho mình một cách chu đáo trong ngày lễ hội, đại lễ : nào là quần áo giầu dép và cả đi xưng tội nữa ! Nhưng kết quả thì sao ? Cuộc sống chẳng khá hơn, con người vẫn cứ cũ mèm ! Khi “lớp vỏ” được bóc ra thì tôi vẫn là tôi ngày nào, trước sao thì nay vẫn vậy ! Tôi chỉ là một con người hay ganh tỵ, không dám nhìn thẳng vào sự thật, và là một kẻ hèn nhát không dám nói về đạo nơi tôi đang sống ! Tôi có còn là một kitô hữu thật sự hay không ? Không lý nào chỉ là kitô hữu được “quét vôi” !
Lạy Chúa, Chúa biết con sống như thế nào. Xin thêm sức để con có thể canh tân cuộc sống của chính mình. (Hosanna)
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

27/08/14 THỨ TƯ TUẦN 21 TN
Th. Mô-ni-ca
Mt 23,27-32

Suy niệm: Chẳng phải chỉ có mấy ông kinh sư và người Pha-ri-sêu ở xứ Pa-lét-tin thời Chúa Giê-su mới có thói vụ hình thức hay giả hình. Quả thực là ở đâu, vào thời nào, thói giả hình vẫn tồn tại trong lòng con người; và hơn nữa đối với các Ki-tô hữu, nó lại là một cơn cám dỗ triền miên. Chúng ta dễ có khuynh hướng trau chuốt bề ngoài để che đậy những xấu xa bẩn thỉu bên trong. Dĩ nhiên, xã hội cũng phải có những ràng buộc nhằm tạo nên trật tự và hài hoà. Nhưng nếu sự hài hoà đó không thể hiện trật tự nội tâm con người thì nó chỉ là một cái vỏ giả tạo, một nấm mồ được tô vẽ đẹp đẽ bên ngoài còn bên trong thì “đủ mọi thứ ô uế.”
Mời Bạn: Lời Chúa mời gọi bạn nhìn lại cách sống đạo của bạn. Nếu sự chính trực và lòng nhân ái chưa thực sự là động lực thúc đẩy và hướng dẫn mọi sinh hoạt tôn giáo của bạn, thì có lẽ bạn sẽ không hơn gì những kinh sư và người Pha-ri-sêu. Bạn đừng vì quan tâm đến cái bên ngoài mà quên đi cái cốt lõi của đạo là tình yêu.
Sống Lời Chúa: Nhiều khi bạn hay nổi nóng vì chạm tự ái hay vì mất sỹ diện khiến vỏ bọc con người bạn bị bóc trần. Hôm nay bạn thử một lần không nổi nóng khi gặp chuyện như thế.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, khi lắng nghe những lời chúc dữ các kinh sư và người Pha-ri-sêu, chúng con cảm thấy như Chúa cũng muốn ngỏ cùng chúng con. Xin cho chúng con biết thành tâm sám hối, tẩy xoá tội con và ban cho con quả tim mới đầy yêu thương.

Có vẻ công chính
Thói giả hình về đạo đức thời nào và ở đâu cũng có. Nó tạo ra một bầu khí dối trá trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân.


Suy nim:
Ở xứ Paléttin, các ngôi mộ thường được quét vôi màu trắng,
để người Do thái dễ nhận ra và tránh xa.
Đặc biệt trước lễ Vượt qua, mộ được quét vôi lại,
vì có đông đảo khách hành hương tuốn về quê dự lễ.
Ai bất cẩn đụng vào mộ là bị trở nên ô uế trong bảy ngày (Ds 19, 16).
Đối với người Do thái, ngôi mộ là điều nên tránh,
vì bên trong đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô nhơ (c. 27),
tuy bên ngoài có vẻ sạch sẽ tốt đẹp.
Đức Giêsu đã dám ví các kinh sư và người Pharisêu với ngôi mộ,
vì bên ngoài họ có vẻ công chính trước mặt người ta,
nhưng bên trong thì đầy đạo đức giả và gian ác (c. 28).
Có sự tương phản giữa cái có vẻ bên ngoài và cái thực tế bên trong.
Bên ngoài không diễn tả bên trong, nhưng làm hiểu sai cái bên trong.
Tất cả nỗ lực của chúng ta là làm cho bên ngoài và bên trong nên một,
để ai thấy bên ngoài của ta đều biết được điều sâu kín bên trong.
Đức Giêsu còn đề cập đến một sự giả hình khác (cc. 29-32),
đó là việc các người Pharisêu xây mồ, tô mả cho các ngôn sứ thời xưa.
Họ khẳng định mình không can dự vào tội giết các ngôn sứ của cha ông họ.
Tiếc thay, họ lại can dự vào tội giết các ngôn sứ do Đức Giêsu sai đến,
qua đó họ cho thấy mình đúng là người thuộc dòng dõi của cha ông,
Khi đọc toàn bộ chương 23 của Tin Mừng Mátthêu
về những lời phê phán của Đức Giêsu đối với giới lãnh đạo tôn giáo,
chúng ta có thể bị sốc, vì chúng quá nặng nề.
Liệu Đức Giêsu hiền lành có nói nguyên văn những lời như thế không?
Điều cần biết là không phải người Pharisêu nào cũng giả hình.
Có nhiều người thực sự thánh thiện đạo đức,
và Đức Giêsu đã có tương quan tốt với một số người trong nhóm.
Cũng nên nhớ là Ngài không giảng cả chương 23 trong một lần,
nhưng trong nhiều dịp khác nhau, và Mátthêu gom lại thành một chương.
Cuối cùng không nên quên là hầu chắc giọng điệu gay gắt của chương này,
là do có sự căng thẳng giữa Hội Thánh Chúa và Hội đường Do thái.
Vào thời Mátthêu viết Tin Mừng này, có những Kitô hữu bị bách hại,
bị đánh đòn, bị giết và đóng đinh bởi người Do thái (Mt 23, 34).
Bởi đó những lời của Đức Giêsu nhắm vào người Pharisêu ngày xưa,
lại trở thành lời nhắc nhở chúng ta hôm nay,
những người sống trong Hội Thánh và những người lãnh đạo.
Thói giả hình về đạo đức thời nào và ở đâu cũng có.
Nó tạo ra một bầu khí dối trá trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân.
Hội Thánh vẫn muốn cho đọc bài Tin Mừng gây sốc này
vì các Kitô hữu vẫn bị cám dỗ giữ đạo bên ngoài mà không sống đạo.
Thật ra chúng ta chỉ có thể rao giảng Tin Mừng cho con người hôm nay
khi những khoảng cách giữa lời nói và hành động được xóa bỏ,
khi người ta thấy sự thống nhất trong lối sống của chúng ta,
khi mọi mặt nạ được cởi ra, và sự thật được tỏ hiện.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
ánh sáng và bóng tối thì dễ phân biệt,
còn bóng mờ thì khó nhận ra hơn.

Con đã mạnh dạn khước từ bóng tối
nhưng khi nhìn thật sâu vào lòng mình,
con vẫn thấy có nhiều bóng mờ tác động.

Con an tâm ở lại trong bóng mờ,
vì thấy đó chưa phải là một tội.
Nhưng con cũng áy náy
vì biết rằng bóng mờ là nơi
ánh sáng Chúa chưa thấm nhập trọn vẹn.
Con không muốn bóng mờ thành ánh sáng,
vì con vẫn muốn giữ lại
một điều gì đó rất quý đối với con.

Xin giải phóng con khỏi những tình cảm lệch lạc
để con được tự do yêu mến và phụng sự Chúa hơn.

Xin chinh phục những bóng mờ trong lòng con
để con được thuộc trọn về Chúa.

Xin kéo con ra khỏi thái độ lấp lửng, nước đôi,
để dứt khoát đặt Chúa trên mọi sự.

Ước gì con có đủ can đảm để dám nhìn thẳng
vào những bóng mờ trong đời con.
Và ước gì con được trở nên trong suốt
nhờ để ánh sáng Chúa
tràn ngập mọi vùng mờ tối nơi con. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Suy niệm
Tiếp tục, đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu quở trách các luật sĩ và biệt phái hai điều:
Thứ nhất, gần giống như lời quở trách trong đoạn ngày hôm qua là Chúa quở trách họ chỉ lo bên ngoài mà che đậy những xấu xa bên trong. Chúa Giêsu dùng hình ảnh mồ mả được tô sơn bên ngoài rất đẹp, nhưng bên trong lại đầy hôi thối vì xác chết. Đó là hình ảnh của luật sĩ và biệt phái. Họ ra vẻ bên ngoài rất đạo đức như cầu nguyện lâu giờ, cầu nguyện ở ngả ba đường, ăn chay mặt mày nhăn nhó, đeo túi kinh thật lớn, tua áo thật dài... nhưng trong lòng họ đầy những xấu xa.
Họ kiêu ngạo với Thiên Chúa, kể những công đức cho Chúa nghe và đôi khi còn dựa vào những công đức của mình mà khinh thường tha nhân. Anh biệt phái cầu nguyện trong đền thờ là hình ảnh tiêu biểu nhất cho họ.
Thứ hai, Chúa Giêsu quở trách họ không nhận ra sự thật về họ. Họ lo xây đắp các mồ mả của các tiên tri như là sự bù đắp cho những lỗi lầm của cha ông họ, là những người từng từ chối và bách hại các tiên tri. Qua hành động "xây mộ", cách nào đó họ cho rằng việc cha ông họ đã từ chối và sát hại các tiên tri là sai trái. Trong khi đó, ngay trong hiện tại, họ cũng đang phạm lỗi giống như cha ông của họ thậm chí còn nặng hơn nữa, đó là họ đã từ chối và giết hại không chỉ vị tiên tri mà là Đấng Kitô của Thiên Chúa, đó là Chúa Giêsu.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta hai điều sau:
Trước hết, sống đạo đức thánh thiện qua việc đọc kinh, lần chuỗi, tham gia các hội đoàn, đóng góp cho họ đạo, cho Giáo Hội là điều đáng khen ngợi. Nhưng không ít người dựa vào những công đức của mình mà kể công với Chúa, với Giáo Hội, thậm chí còn kiêu hãnh và khinh dễ người khác. Đó là điều đáng trách.
Thánh Mônica mà chúng ta mừng kính hôm nay luôn cậy dựa vào Chúa, nhất là qua việc cầu nguyện. Ngài cậy vào ơn Chúa để giúp cho gia đình của mình, nhất là người chồng và người con đang sống trong tình trạng tội lỗi. Vì nương tựa vào Chúa, ngài đã cầu nguyện suốt 20 năm trời. Và cuối cùng Chúa cũng nâng đỡ và giúp sức cho ngài bằng cách cho chồng và con của ngài được hoán cải.
Kế đến, rất nhiều lần chúng ta rất sáng suốt về người khác nhưng lại không biết rõ mình hoặc không muốn thấy rõ mình. Chúng ta phê phán người khác làm những việc sai trái trong khi đó chính chúng ta cũng đang rơi vào sai trái đó. Chúa nhắc nhở chúng ta, hãy nhìn lại mình và thật lòng chấp nhận những sai trái của mình để sửa đổi.
Lạy Chúa, con rất thích chỉ trích những sai trái của người khác nhưng không thích hoặc không muốn thấy những sai trái của mình. Xin cho con thật lòng đón nhận những yếu hèn của mình và can đảm sửa đổi để mỗi ngày con nên hoàn thiện hơn. Amen.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
27 THÁNG TÁM
Ánh Sáng Soi Dẫn Sự Sống Của Giáo Hội Hôm Nay
Bản Báo Cáo Chung Kết (tài liệu đúc kết kỳ Thượng Hội Đồng bất thường này) diễn tả hùng hồn mối quan tâm của tập thể các giám mục và nỗ lực chung của toàn thể Giáo Hội nhằm muốn trân trọng hơn đối với Công Đồng Vatican II. Ở đây chúng ta nhìn các vấn đề của Giáo Hội hậu Công Đồng với một cái nhìn mới, với một tinh thần nhận định khách quan và với nhãn giới ưu tư mục vụ. Chúng ta khảo sát kỹ lưỡng tình hình của mình sau hai mươi năm, với tất cả những thay đổi và những cải thiện quan trọng đã xảy ra trong đời sống Giáo Hội. Trong cuộc khảo sát này, chúng ta nhìn thấy cả những khó khăn và những thành công.
Bản Báo Cáo Chung Kết này – được xem xét kỹ – đã trao cho chúng ta những đề nghị thích hợp để thay đổi và đã soi sáng cho những vấn đề khẩn cấp trong đời sống của Giáo Hội hiện nay. Có những nhấn mạnh đặc biệt về tiếng gọi nên thánh phổ quát. Chúng ta thấy rằng sự nên thánh này phải phát nguồn từ chính đời sống và ơn gọi của Giáo Hội. Trước hết, nó phải được cắm rễ trong sự đáp trả của Giáo Hội đối với Lời Chúa và đối với tiếng gọi phổ quát Phúc Aâm hóa bằng việc chia sẻ Tin Mừng. Hết thảy mọi Kitôhữu đều được mời gọi tiến tới trong tiếng gọi nên thánh khẩn thiết này, được hướng dẫn bởi quyền giáo huấn của các giám mục và công việc không ngừng của các nhà thần học của Giáo Hội.
Thứ hai, phụng vụ phải dẫn chúng ta vào trong một kinh nghiệm đích thực về sự thiêng thánh và thái độ tôn kính sự hiện diện của Thiên Chúa. Thực tại Giáo Hội trong phụng vụ phải được diễn tả như một sự hiệp thông với Đức Kitô và Thân Thể mầu nhiệm của Ngài.
Thứ ba, chúng ta nhận thấy nhu cầu phải đẩy mạnh những lãnh vực được Công Đồng đề cập đến. Chúng ta nhận thấy cần phải đối thoại và phát triển mối hiệp nhất giữa các Giáo Hội Đông phương và Tây phương. Chúng ta cần phải lưu tâm đến những đóng góp quan trọng của các hội đồng giám mục. Chúng ta phải tiếp tục làm cho Giáo Hội liên đới với những nhu cầu và những vấn đề của con người hiện đại. Chúng ta phải tăng cường sự hiểu biết và cảm thông đối với các tôn giáo ngoài Kitô giáo và đối với các anh chị em vô thần. Chúng ta phải luôn luôn thăng tiến quyền lợi của người nghèo và những người bị áp bức, và bảo vệ nhân phẩm của mọi con người bằng cách tuân thủ các giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Công Đồng Vatican II là di sản của chúng ta, di sản của Giáo Hội.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 27-8
Thánh Nữ Mônica
2Tx 3,6-10.16-18; Mt 23, 27-32.

LỜI SUY NIỆM: “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sự và người Pharisêu giả hình! Các ngươi giống như mồ mã tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô-uế”.
Cuộc sống của nhiều người trong thờ phượng Thiên Chúa không đi đôi với việc sống với nhau ngoài xã hội, mà nhiều người thường bảo là sống đạo theo ngăn kéo. Khi đến nơi thờ phượng thì kéo ngăn kéo này còn khi ra chợ búa thì đóng lại để rồi kéo ngăn kéo khác để sống với tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi người trong gia đình chúng con luôn sống với khuôn mặt chính của mình, đừng dùng đến mặt nạ để che dấu những xấu xa làm cho người khác lầm tưởng, mà không giúp lời cầu nguyện.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 27-08
Thánh MONICA
(331 - 387)

Thánh Monica, mẹ của Thánh Augustinô, có lẽ sinh tại Thagaste miền Numidia, là nơi Ngài lập gia đình và sống phần lớn cuộc đời mình. Thuộc dòng dõi Berber nên tên Ngài là Berber. Những gì chúng ta biết được về thánh nữ đều nhờ các bút tích của con Ngài, nhất là cuốn IX bộ "tự thuật" (confessions)
Monica là một người tốt, nhưng được một vú nuôi già của gia đình dạy dỗ những các khắt khe. Chẳng hạn, bà không cho phép cô uống nước ngoài những bữa ăn. Có lẽ vì vậy Ngài có thói quen dùng những thứ không được phép. Thói xấu lớn dần cho đến khi cha mẹ Ngài sai đi ép rượu, người đầy tớ giúp việc chế nhạo Ngài như một tay nghiền. Thánh nữ mắc cỡ và bỏ hẳn thói xấu ấy.
Còn nhỏ tuổi, Monica đã được gả cho Pareiciô, một người có tính hẹp hòi, nhưng không phải là xấu nết khó thương. Tuy nhiên thánh nữ đã đối xử tốt đẹp với cả chồng lẫn mẹ chồng khiến sau một thời gian nàng đã hoàn toàn chinh phục được bà. Khác với các phụ nữ láng giềng, không hề có dấu nào chứng tỏ rằng: thánh nữ đã bị chồng ngược đãi. Lý do khiến ông không mạnh tay với thánh nữ vì Ngài đã giữ không mạnh miệng với chồng.
Mối giây liên kết thánh nữ với người con thông thái là cả một phép mầu của lòng nhẫn nại và tình thương không biết mệt mỏi. Có lẽ thánh nữ đã không hoàn toàn hiểu nổi đời sống khó khăn và những thay đổi trong trí khôn con mình mà chỉ biết đau buồn vì chàng đã đi theo thuyết Manichêô. Về phần Augustinô khi ấy chỉ thấy mẹ mình gây phiền toái mà thôi. Khi bà quyết theo con tới Roma (vì Patricô đã qua đời) Augustinô đã trốn bà và đi một mình. Dẫu vậy, bà vẫn đuổi theo và gặp lại chàng ở Milanô. Tại đây bà gặp thánh Abrosiô. Hai người rất mực kính trọng lẫn nhau.
Cuối cùng vào năm 386, thánh nữ vui mừng thấy con hối cải. Đó là phần thưởng đền bù không biết bao nhiêu là nước mắt và kinh nguyện của Ngài. Thánh nữ cùng tĩnh tâm với Augustinô ở Cassicicum và có mặt trong lễ rửa tội của con do thánh Ambrosiô cử hành.
Năm 387, thánh nữ lên đường về Phi châu với con và các bạn hữu của Ngài. Tại Ostia, thánh nữ chia sẻ với con mình sự hoan lạc trong tâm hồn mà thánh Augustinô ghi lại trong cuốn IX "bộ tự thuật".
Sau đó thánh Monica nói: - Con ơi, phần mẹ, mẹ không còn thấy vui sướng vì bất cứ điều gì ở đời này nữa. Mẹ không hiểu sẽ phải làm gì và tại sao lại còn sống ở đây. Niềm hy vọng của mẹ trên thế gian này đã được hoàn thành. Chỉ có một điều mẹ ao ước là được thấy con trở thành người công giáo trước khi mẹ lìa đời. Thiên Chúa cho mẹ được toại nguyện và hơn nữa đã cho mẹ thấy con chán ghét hạnh phúc trần gian và hiến thân phụng sự Ngài. Mẹ còn làm gì nữa đây ?
Chẳng bao lâu sau đó, thánh nữ mang bệnh và từ trần tại Ostia vào tuổi 56 .
Trước kia thánh nữ thường ao ước được chôn cất bên chồng. Bây giờ, thánh nữ được hỏi xem có buồn khi phải gởi xác ở xa quê hương không ? Ngài trả lời : - Không có gì cách xa Thiên Chúa cả. Đừng sợ rằng: Ngài sẽ không biết mẹ ở đâu để phục sinh mẹ dậy .
Và những lời cuối cùng nói cho con mình:
- Hãy chôn cất mẹ ở đâu cũng được. Đừng lo lắng chi về điều đó cả. Mẹ chỉ xin con hãy nhớ đến mẹ tại bàn thờ Chúa khi nào con có thể.
Chắc chắn Augustinô không bao giờ quên Ngài và cả được ai đọc về Ngài trong bộ "tự thuật". Ngài được mai táng tại Ostia. Dường như năm 1430 xác Ngài được cải táng về Roma chôn tại thánh đường thánh Augustinô .
(daminhvn.net)


27 Tháng Tám
Ăn Cắp Lửa Trời
Thần thoại Hy Lạp có kể lại câu chuyện của thần Prométhée ăn cắp lửu trời để sáng tạo con người.
Theo óc tưởng tượng của người Hy Lạp, Thiên Triều do thần Zeus cai trị gồm có hai loại thần: các đại thần và tiểu thần. Tiểu thần là các vị thần đã bị nhóm các vị thần trung thành với Ngọc Hoàng Zeus đánh đổ... Trong số các tiểu thần thất sủng ấy, Prométhée là vị thần duy nhất vẫn còn được Ngọc Hoàng Zeus tín nhiệm nên ban cho quyền tạo dựng con người và súc vật trên mặt đất.
Ngày nọ, Prométhée và em của mình đã thí nghiệm khảt năng sáng tạo của họ. Họ dùng mọi yếu tố trên trần gian để nhào nặn nên con người... Thế nhưng, giống người mà họ tạo nên vẫn chết cứng bởi vì còn thiếu lửa. Nhưng lửa thì chỉ có các vị đại thần trên thiên triều mới nắm giữ. Thế là Prométhée đã lén đến lò rèn của thần Hephetus để đánh cắp lửa thiêng. Lửa ăn cắp từ thiên triều đx lan tràn khắp mặt đất làm cho con người được sưởi ấm và hân hoan.
Ngọc Hoàng Zeus đã hay biết mọi chuyện. Ông nổi giận lôi đình và cho sấm sét đến lay chuyển cả mặt đất... Vì tội ăn cắp lửa trời, nên Prométhée đã bị Zeus cho trói vào một ngọn núi cao, mỗi ngày diều hâu đến mổ vào gan của ông.
Huyền thoại Prométhée trên đây như muốn nói lên sự khao khát vô tận và khả năng khoa học gần như không giới hạn của con người... Khả năng đó là một thể hiện của chính hình ảnh Thiên Chúa khắc ghi vào con người... Khả năng sáng tạo đó cũng nói lên phẩm giá siêu việt của con người... Khả năng sáng tạo đó, Thiên Chúa phú bẩm cho con người là để phục vụ phẩm giá con người hay để hủy hoại nó? Ðó là câu hỏi đang được đặt ra cho con người của thời đại chúng ta.
Có nhiều người chủ trương rằng do tiến hóa, con người bởi loài khỉ mà ra. Ðứng trên phương diện khoa học thì giả thuyết đó không phải là một điều tưởng tượng... Tuy nhiên, một thách đố có thể đặt ra cho con người là: liệu có thể có một tiến trình ngược lại theo đó con người có trở thành khỉ không?
Cách đây không lâu, ông Chiarelli, một giáo sư nhân chủng học tại đại học Firenze bên Italia đã đề nghị cho khỉ cái được thụ tinh nhân tạo với tinh trùng của người nam. Giống sinh vật do sự lai giống này sinh ra sẽ là một con vật nửa người nửa khỉ. Mục đích được tạo dựng của giống sinh vật này là để dùng vào các công tác tạp dịch hoặc để lấy các cơ phận của nó ghép vào các bệnh nhân.
Vấn đề được đặt ra là: giống sinh vật nửa người nửa khỉ này nếu dùng được ngôn ngữ của con người, nó sẽ xưng hô thế nào với người cho tinh trùng từ đó nó được thụ thai? Dù muốn dù không, không ai có thể chối bỏ được phụ tính của người đàn ông cho tinh trùng. Nói một cách nôm na, giống sinh vật nửa người nửa khỉ này là con của ông, nó có quyền gọi ông là cha... Vậy thì, có người cha nào muốn dùng con mình vào những cuộc thử nghiệm không? Có người cha nào muốn biết con của mình thành một con thú hay không?
Ðặt câu hỏi như thế không phải là xa vời, bởi vì dưới ánh mặt trời này, khi con người chối bỏ lẫn nhau, khi con người không còn biết nhìn nhận phẩm giá siêu việt của người khác, thì chuyện gì xem ra cũng có thể xảy đến... Hitler đã giết hại 6 triệu người Do Thái, Polpot đã tiêu diệt gần 2 triệu đồng bào ruột thịt của mình. Cả hai đều xây dựng trên một lý thuyết: con người chỉ là một con vật!
Câu chuyện khoa học trên đây có quá xa vời với chúng ta không? Dù trong nghiên cứu khoa học, trong các hoạt động chính trị hay trong các giao tế hằng ngày: vấn đề vẫn giống nhau. Mỗi khi con người chối bỏ phẩm giá của người khác là lúc con người cũng muốn biến người đó thành một loài khỉ và dĩ nhiên theo một thứ luận lý rất chặt chẽ, con người cũng tự nhận mình là khỉ.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét