Trang

Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

Các Thượng Phụ Trung Đông và tình hình Kitô hữu Iraq

Các Thượng Phụ Trung Đông và tình hình Kitô hữu Iraq

Theo tin AINA, ngày 20 tháng Tám vừa qua, 5 Thượng Phụ Trung Đông đã tới thăm Arbel ở Bắc Iraq để bày tỏ sự hỗ trợ của các ngài đối với Cộng Đồng Kitô Hữu Assyria đang bị vây khốn và kêu gọi dư luận thế giới lưu ý tới thảm họa diệt chủng văn hóa đang diễn ra bởi Hồi Giáo Trị ISIS. Ngày 7 tháng Tám, ISIS đã tiến vào phía bắc Mosul khiến cho 200,000 người Assyria phải bỏ chạy trong hoảng sợ khỏi các căn làng ở vùng Đồng Bằng Ninivê cũng như các vùng Baghdede Bartella và Karamles. Họ chạy về phía Bắc tới Dohuk và về phía đông tới Ankawa, ngay bắc Arbel.

Các thượng phụ này là Thượng Phụ Maronite Bechara Boutros AlRai, Thượng Phụ Ignatius Ephrem II Karim của GH Chính Thống Syriac, Thượng Phụ Canđê Louis Rafael Sako, Thượng Phụ Công Giáo Hy Lạp Gregorius III Lahham và Thượng Phụ Công Giáo Syriac Ignatius Joseph III Younan.

Ba vị thượng phụ thăm Bắc Iraq là người Assyria: TP Karim, TP Sako và TP Younan. Thượng Phụ của Giáo Hội Thánh Thiện Tông Truyền Công Giáo Assyria Đông Phương, Đức Dinkha IV, không thể tới Bắc Iraq được vì lý do sức khỏe. 

Sau khi thăm người tỵ nạn và hướng dẫn các lời cầu nguyện, bao gồm việc cùng nhau đọc kinh Lạy Cha bằng tiếng Syriac (Aramaic), ngôn ngữ của chínhh Chúa Giêsu, các thượng phụ đã tổ chức một cuộc họp báo.

Hồi hương, bảo vệ và tự bảo vệ

Thượng Phụ Karim tuyên bố rằng: “Người Syriac, Canđê, Assyria, những người vốn hiện diện tại các lãnh thổ này cả hàng nghìn năm trước Chúa Kitô, thậm chí còn là những người thành lập ra các xã hội này, hiện đang bị tận diệt và tống xuất. Chẳng bao lâu nữa, có lẽ chúng ta sẽ không còn thấy người Syriac, người Canđê và người Assyria trong vùng này, cùng với nhiều sắc dân khác đang hiện hữu”. Ngài cũng nói rằng Mosul và các thị trấn và làng mạc của đồng bằng Mosul phải được giải phóng với sự giúp đỡ của các cường quốc bên ngoài và người Assyria cần được trợ giúp để hồi hương. Ngài cũng kêu gọi phải có một lực lượng bảo vệ quốc tế cho người Assyria và một vùng tự trị, là đồng bằng Ninivê, do người Assyria quản trị và được bảo vệ bởi lực lượng Assyria. 

Thượng Phụ Sako tuyên bố rằng: “Ngày nay điều đòi hỏi đối với chúng ta là bất kể ở đâu, chúng ta cũng phải có một tiếng nói, một chủ trương, một cảm nhận. Ngày nay chúng ta buộc phải vượt qua các dị biệt sắc tộc và tôn giáo. Vì nghĩ cho cùng, chúng ta chỉ là một Giáo Hội. Bao lâu còn là một Giáo Hội, ta sẽ còn mạnh hơn và sẽ có một tương lai”. 

Thượng Phụ Younan cho hay: “Chúng ta phải cất cao tiếng nói của chúng ta để nói với tòan thể thế giới rằng: thế giới văn minh của thế kỷ 21 không được phép chấp nhận việc tận diệt một nhóm người nào, bất kể nhóm này thuộc tôn giáo nào, chủng tộc nào và mầu da nào”.

Thượng Phụ AlRai nói rằng các thượng phụ tới đây viếng thăm để hỗ trợ tinh thần và tâm linh các Kitô hữu Assyria, để gặp gỡ các viên chức chính phủ nhân cuộc khủng hoảng tỵ nạn hiện nay và để cánh báo cộng đồng quốc tế về thảm họa diệt chủng người Kitô hữu đang diễn ra tại Bắc Iraq. 

Cộng đồng Assyria thế giới

Thảm họa đang diễn ra cho người Assyria ở Iraq đã động viên toàn bộ cộng đồng Assyria khắp thế giới, và phá vỡ các bức tường hệ phái vốn hiện hữu cả hàng thế kỷ nay. Ngưòi Assyria có ba Giáo Hội lớn: Giáo Hội Thánh Thiện Tông Truyền Công Giáo Assyria Đông Phương, Giáo Hội Chính Thống Syriac và Giáo Hội Canđê Babylon.Trong nhiều thế kỷ qua, thành viên các Giáo Hội này vẫn nhận diện mình bằng hệ phái của họ (“người Canđê”, “người Syriac”) và kiểu nhận diện này được các nhà cầm quyền Hồi Giáo khuyến khích và định chế hóa từ bao thế kỷ qua nhằm chia rẽ dân chúng. Nhưng căn tính Assyria vẫn chưa bao giờ bị mất và người Assyria luôn luôn ý thức căn tính sắc tộc của mình, và đã có lịch sử bằng văn tự và truyền khẩu của họ từ 7 thiên niên kỷ qua. 

Các thành viên nói tiếng Syriac/Aramaic của các Giáo Hội này là người thuộc sắc tộc Assyria, tuy các Giáo Hội cũng có các thành viên không phải là người Assyria. Trong một trăm năm qua, các bức tường hệ phái đang dần dần sụp đổ, và phần đông người Assyria không còn dùng các hệ phái của họ làm căn tính sắc tộc nữa. Người Assyria là người bản địa của vùng Bắc Lưỡng Hà. Giáo dục, kiến thức và ý thức về lịch sử rộng lớn của họ, 6764 năm, đã làm bừng tỉnh ý thức quốc gia và ước muốn thiết tha cũng như sự khẩn thiết của việc bảo tồn nền văn hóa, ngôn ngữ và di sản Assyria, đang bị đe dọa bởi chính sách thuần hóa hoàn cầu. 

Do đó, khi nói rằng “nhân dân ta, người Syriac, người Canđê, người Assyira”, TP Karim quả đã chuyển một thông điệp mạnh mẽ về hy vọng và hợp nhất tới người Assyria, mà đa số đang sống, lần đầu tiên trong lịch sử, tại Phương Tây, vì bị xua đuổi khỏi quê cha đất tổ do việc liên tục bị đối xử như các công dân bậc nhì ở các xã hội Hồi Giáo và những cuộc diệt chủng bất tận. Cuộc diệt chủng người Assyria tại Thổ Nhĩ Kỳ trong Thế Chiến I làm thiệt mạng 750,000 người Assyria (75%). 

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài Truyền Hình Al Mayadeen, TP Karim tuyên bố: “cho đến mấy tuần nay, chúng ta phải đối diện với một thực tại đắng cay, người Syriac, người Canđê và người Assyria. Thời gian này, có một sự chia rẽ, một sự chia rẽ lớn lao giữa các đảng phái chính trị của chúng ta và các tổ chức của chúng ta đang hành động trên bình diện chính trị bên trong các cộng đồng này nhưng cuộc khủng hoảng hiện nay đang hợp nhất chúng ta lại, ngay lúc chúng ta đang cùng nhau ngồi tại đây [với TP Younan và TP Sako], và chúng ta sẽ tiếp tục gặp nhau và làm việc với nhau. Các đảng phái chính trị của ta cũng đã phải kết luận rằng họ không thể giúp nhân dân họ nếu họ hoạt động riêng rẽ”.

Ngày 22 tháng Tám, đã có cuộc họp của các đảng phái chính trị và các tổ chức này tại Ankawa và nếu Chúa muốn, sự hợp tác này sẽ tiếp diễn, và bất cứ kế hoạch nào nhằm hồi hương những người dân này và bảo vệ họ đều không thể thực hiện hay thành công nếu các nhà tranh đấu này, cả chính trị lẫn xã hội, không đoàn kết với nhau. Sẽ có sự liên minh giữa người Syriac, Canđê và Assyria.

Một vùng tự trị cho Assyria

Samuel Ozdemir, một đan sĩ người Assyria ở Brussels, hết sức xúc động vì cuộc khủng hoảng tại Iraq, đã đưa ra lời kêu gọi thống thiết với người Assyria khắp thế giới. Ngài nói rằng người Assyria phải để các chia rẽ hệ phái của họ sang một bên, phải tăng tiến, phải làm việc bên trên các hệ phái nhằm bảo đảm việc họ tiếp tục ở lại mảnh đất tổ tiên, và phải được trang bị để tự bảo vệ mình và có được vùng tự trị cho riêng mình. 

Các tổ chức chính trị người Assyria từng kêu gọi một vùng tự trị của họ ít nhất từ 10 năm nay và thường nêu đích danh loại đe dọa này (ISIS) để biện minh trước người Assyria. Ngày 21 tháng Giêng, Hội Đồng Bộ Trưởng Iraq chấp thuận kế hoạch thiết lập 3 tỉnh mới tại Iraq, một trong 3 tỉnh này nằm ở bắc Iraq, trong Đồng Bằng Ninivê, giáp ranh với khu vực người Kurd. Đồng Bằng Ninive vốn có số người Assyria đông nhất cho tới ngày 7 tháng Tám, khi ISIS xua đuổi hầu hết những người này ra khỏi vùng. 

Các lời kêu gọi trang bị vũ khí cho người Assyria ở Iraq vốn phát xuất từ nhiều giới, trong đó có Vatican. 

Sau đây là lời tuyên bố của các thương phụ tại cuộc họp báo:

Thượng Phụ Karim

Trước nhất, tôi xin cám ơn (TP) Beshara AlRai và (TP) Laham, mọi người khác trong chúng tôi đều có đoàn chiên ở đây, nhưng sự hiện diện của hai vị thực sự đã làm chúng tôi thấy mình như một và được viếng thăm một Giáo Hội hợp nhất. 

Người Syriac, Canđê, Assyria, những người từng sống trên các lãnh thổ này cả hàng nghìn năm trước Chúa Kitô, thậm chí còn là những người chính đã tạo lập ra các xã hội này, hiện đang bị tận diệt và trục xuất. Chẳng bao lâu nữa, có lẽ chúng ta sẽ không còn thấy người Syriac, người Canđê hay người Assyria tại vùng này, cùng với nhiều sắc dân khác đang hiện hữu. 

Chúng ta không chịu đựng nổi các thảm họa đang chứng kiến hiện nay nữa. Như những người cha phải chứng kiến con cái mình không nơi để ngủ, làm sao chúng ta có thể ngủ được? Thực vậy, tất cả chúng ta đều phải chẩy nước mắt khi chứng kiến nỗi đau khổ này. Chúng ta xúc động sâu xa vì chúng ta không thể cho họ bất cứ điều gì ngoại trừ yêu cầu họ giữ vững hy vọng vì chúng ta vốn là con cái của Giáo Hội, của hy vọng và của Phục Sinh. 

Để kết luận, tôi xin tóm tắt những gì đang được thỉnh cầu:

1. Trợ giúp để giải phóng Mosul và các thị trấn cùng làng mạc của Đồng Bằng Ninivê. Đây là một điều các nước lớn có thể làm được.

2. Trợ giúp để hồi hương người dân trở lại nhà cửa và đất đai của họ càng nhanh càng tốt.

3. Cung cấp sự che chở quốc tế cho những người dân này, vì hôm nay chúng tôi nghe họ và cả chính quyền địa phương Kurdistan nữa nói rằng họ không còn tin tưởng ở peshmerga [các lực lượng của người Kurd] hay các lực lượng khác nữa. Do đó, cần cung cấp sự che chở quốc tế cho những người dân này để họ tiếp tục ở lại trên mảnh đất và nhà cửa của họ. 

4. Chúng tôi yêu cầu và đòi cho người dân chúng tôi có khả năng tự bảo vệ họ và tự lo lấy công việc của họ trong các vùng của riêng họ, với sự thỏa hiệp của chính quyền địa phương Kurdistan hay các thoả hiệp khác có thể có. Xin cám ơn.

Thượng Phụ Sako

Đây là cuộc viếng thăm lịch sử đối với chúng tôi, một biểu dương tình liên đới. Nó làm chúng tôi cảm thấy như một và chúng tôi không bị quên lãng, không bị cắt đứt khỏi nhau. Cuộc thăm viếng và sự hiện diện của các vị tự nó đã là một sứ điệp rồi. 

Các Giáo Hội đông phương của chúng ta đang ở giữa một thảm kịch, một thảm kịch đang giáng xuống các Kitô hữu, người Yazidis và nhiều người khác. Cuộc thăm viếng này thăng tiến niềm tin của chúng ta và gia tăng niềm hy vọng của chúng ta vào tương lai. 

Cùng nhau, chúng ta đã thăm viếng chủ tịch và thủ tướng của Kurdistan và sứ điệp thống nhất này là một sức mạnh đối với chúng ta. 

Hôm nay, điều đòi hỏi nơi chúng ta là bất cứ ở đâu, chúng ta cũng phải có một tiếng nói, một chủ trương, một cảm nhận. Hôm nay, chúng ta được yêu cầu phải vượt qua các dị biệt về sắc tộc và tôn giáo. Xét cho cùng, chúng ta là một Giáo Hội. Bao lâu còn là một Giáo Hội, ta sẽ là một Giáo Hội mạnh hơn, và chúng ta sẽ có một tương lai.

Nhiều người dân của ta đã di cư và chúng ta trở thành các Giáo Hội nhỏ bé, nhưng cùng nhau ta sẽ trở thành một Giáo Hội, một Giáo Hội của Chúa Kitô, một Giáo Hội ăn sâu và bén rễ vào Phương Đông này.

Như Đức Giáo Hoàng từng nói, các Giáo Hội chúng ta là một sứ điệp. 

Thượng Phụ Younan

Như các hiền huynh Sako và Bshara đã tuyên bố, chủ đề là thảm kịch của người dân ta. Tôi chỉ thêm điểm sau.

Ngày nay, ta không thể chỉ nói tới thảm kịch và nạn diệt chủng đối với các Kitô hữu hay người Yazidis hoặc Shabak mà thôi. Ta còn phải cất cao tiếng nói của ta để nói với toàn thể thế giới rằng thế giới văn minh không được phép chấp nhận việc tận diệt một nhóm người nào, bất kể họ thuộc tôn giáo, sắc tộc hay mầu da nào.

Chúng ta biết rằng cuộc diệt chủng hay mưu toan diệt chủng người dân của chúng ta này nằm trong tay một nhóm takfiri vốn không chấp nhận “người khác”. 

Vấn đề rất nguy hiểm của việc trên là nhóm này phát triển và được nuôi dưỡng trong các cộng đồng và được sự hỗ trợ của các nước nổi tiếng trong vùng vì đã xây dựng trên chủ nghĩa Wahab của Hồi Giáo và họ đang tìm cách trốn tránh, không nhận trách nhiệm vì họ bảo Al-Qaeda là kẻ thù của họ. 

Ngày nay, là các mục tử thiêng liêng, chúng ta muốn tham gia với tất cả những ai đang bảo vệ các nhân quyền và lên tiếng với mọi thế lực quốc tế, như các thượng phụ vừa nói. Chúng ta muốn nhắc Tây Phương, nhất là Hoa Kỳ, Anh và Pháp rằng các nhóm Takfiri này không trở nên mạnh nếu không phải vì các hỗ trợ dấu mặt của họ. Ngày nay họ đang rút lui và mưu toan dấu diếm các vấn đề. 

Đó là nan đề của chúng ta, vì ngày nay, ta đang đương đầu với hai chọn lựa: hiện hữu hay không hiện hữu. Không phải vì chúng ta là người Kitô hữu hay thuộc một giáo phái chuyên biệt nào, mà đúng hơn chúng ta là người. Là người. Xin cám ơn.

Thượng phụ AlRai

Các thượng phụ của chúng ta, mọi thượng phụ Chính Thống Đông Phương và Công Giáo, đã gặp nhau ngày 7 tháng Tám trong đó chúng ta đã quyết định thực hiện chuyến viếng thăm này vì ba lý do:

1. Tuyên bố tình liên đới thiêng liêng, tinh thần, nhân đạo và vật chất với các Kitô hữu từ trước tới nay đang phải rời cư hay bị trục xuất khỏi đất đai của họ, và chúng ta cũng muốn được gặp người Yazidis và chúng ta đã đạt được việc này. Nên, trước nhất, chúng ta có thể nói với những người này rằng chúng tôi hiện diện với quí anh chị em, chúng tôi đứng về phía quí anh chị em, các đau khổ của quí anh chị em cũng là các đau khổ của chúng tôi và thảm kịch của quí anh chị em cũng là thảm kịch của chúng tôi. Đừng sợ, tất cả chúng ta đều hiện diện với nhau, chúng ta có vai trò để đóng, quí anh chị em như những Kitô hữu ngày nay đang vác thánh giá mà chúng ta phải vác vì chính giá trị của nó cho tới ngày phục sinh. 

Và chúng tôi muốn nói với quí anh chị em đừng nghĩ tới việc di cư, nay là lúc ở lại trên mảnh đất của quí anh chị em và bảo vệ nền văn hóa, lịch sử và gốc rễ của anh chị em, quí anh chị em không ở một nơi tạm bợ đâu, quí anh chị em trong tư cách Kitô hữu vốn có 2,000 năm lịch sử và gốc rễ của thân mình Kitô Giáo vốn có từ thời Ápraham. 

Quí anh chị em có vai trò lớn để đóng, chúng tôi ở với quí anh chị em và bên cạnh quí anh chị em, trong mọi nan đề của anh chị em, và chúng tôi sẽ trông chừng anh chị em, với mọi Giáo Hội của chúng tôi đang hiện diện với mọi thượng phụ, mọi giám mục và mọi linh mục.

2. Mục tiêu thứ hai là chúng tôi gặp gỡ các viên chức chính phủ, cuộc gặp gỡ của chúng tôi rất tốt đẹp và rất quan trọng, chúng tôi nói tới mọi vấn đề của anh chị em Kitô hữu; chúng tôi nhận được lời bảo đảm của chủ tịch cũng như thủ tướng của Cộng Hòa Kurdistan, chúng tôi cám ơn các vị tận đáy lòng vì đã mở rộng cửa đón tiếp mọi người.

3. Để làm cho cộng đồng quốc tế nghe được tiếng nói của chúng ta phát ra từ mảnh đất này giúp họ nhận trách nhiệm, vì trong thế kỷ 21 này, một tổ chức khủng bố như ISIS, hay còn gọi là Nhà Nước Hồi Giáo Trị, hay một từ nào khác, không thể để chúng thống trị những người đang sống yên ổn tại nhà, tống xuất họ khỏi nhà cửa, trưng thu các tài sản của họ, rồi giết họ và hành hạ họ, trong khi cộng đồng quốc tế đứng im mà ngắm. Đây là điều chúng ta hoàn toàn bác bỏ. Chúng ta yêu cầu rằng không thể cho phép các tổ chức khủng bố quyền kiểm soát các công dân yêu hòa bình. Từ đó, những người này cần sự bảo vệ để họ có thể sống cách xứng đáng. Chúng ta đòi hỏi rằng họ phải được trở về một cách xứng đáng với đất đai của họ, với tài sản của họ, vốn là két quả cả một đời lam lũ. 

(Ngỏ với TP Sako) Như ngài vừa nói, dĩ nhiên, chúng ta là một Giáo Hội, lẽ dĩ nhiên với cùng một số phận, trên các bình diện nhân đạo và tâm linh, và chúng ta muốn xác nhận: tất cả chúng ta đều là một tiếng nói, một thân thể, các vết thương của quí vị cũng là các vết thương của chúng tôi, của tất cả chúng ta. 

Chúng ta hy vọng sẽ có thiện chí trên thế giới.

Các thượng phụ chúng ta sẽ hành động trên mọi bình diện phù hợp với tuyên bố ngày 7 tháng Tám. 

Thượng Phụ Lahham

Thánh Phaolô dạy phải khóc với người khóc nên chúng tôi đã tới đây như Thánh Phaolô để hiện diện với quí anh chị em và cùng khóc với quí anh chị em. Tôi muốn nói chúng tôi yêu mến tất cả quí anh chị em và Thiên Chúa yêu thương tất cả quí anh chị em. Tôi mời anh chị em cầu nguyện, chúng tôi đã thấy các phụ nữ và trẻ em cầu nguyện với chúng ta. Thảm kịch này cần lời cầu nguyện và ăn chay.

Tôi đã nói chuyện với các thượng phụ, và khi trở lại Syria, tôi sẽ xin mọi nhà thờ của chúng tôi cầu nguyện và ăn chay hàng ngày bắt đầu từ tháng Chín cho sự an toàn và an ninh của nhân dân và các quốc gia chúng ta là Syria, Iraq, Lebanon, Jordan, Palestine, Ghaza, Ai Cập. Và hôm nay, các thượng phụ chúng tôi tụ họp nhau ở đây và đó là một điều tươi đẹp. Giữa tháng Sáu, tháng Bẩy và tháng Tám, chúng tôi họp nhau bốn lần để lên chiến lược và xác định cương lĩnh không những cho người Kitô hữu và Yazidis mà thôi, mà là một cương lĩnh cho nhân loại, vì ngày nay, nhân phẩm đang bị chà đạp dưới chân. Chúng tôi sẽ làm việc cho phẩm giá của mọi người, để một loại người mới sẽ được sinh ra trong thế giới Ả Rập. 

Bởi vì nếu chúng ta thực sự thương yêu nhau trong thế giới Ả Rập, thì ngay lúc này, ta cần một cuộc sinh hạ mới. 

Và chúng tôi xin thưa với họ rằng theo lời Chúa Kitô nói với các tông đồ, người ta sẽ biết các con là môn sinh của Thầy nếu các con yêu thương nhau. Nếu chúng ta yêu thương nhau như người Ả Rập, như người Hồi Giáo, như Kitô hữu, như người Shiite, như người Sunni, chúng ta sẽ xây dựng một thế giới trên nền tảng yêu thương. 

Chúng tôi cũng còn nhiều cuộc hội họp với nhau, và riêng rẽ, chúng tôi sẽ qua Vatican, và có lẽ viếng thăm các nước khác như Hoa Kỳ, và các nước khác, để nói với họ: chúng ta phải hành động, và đó là vai trò của các Kitô hữu ngày nay, và đừng sợ cho chính chúng ta mà phải sợ cho các chứng từ của chúng ta.

Sự hiện diện mà không có chứng từ của ta, thì vai trò và sứ điệp của ta sẽ không đủ. Tôi hy vọng chúng ta sẽ làm việc cho sự hiện diện, cho vai trò và sứ điệp của chúng ta. 

Người Hồi Giáo và người Kitô Giáo phải hiểu cách xây dựng một thế giới tốt hơn tại các quốc gia của mình. Thứ hai, người Hồi Giáo và người Kitô Giáo có thể sống chung với nhau để xây dựng một thế giới tốt hơn tại các quốc gia của riêng mình. Thứ ba, chúng ta muốn sống với nhau để xây dựng một thế giới tốt hơn, là thế giới của chúng ta mà Thiên Chúa rất yêu thương. 

Và tôi xin nói với con cái tôi, anh chị em tôi, những người thân yêu của tôi, cám ơn ngài Ephrem và ngài Sako và ngài Younan, qúi vị là các mục tử của mảnh đất này.

Chúng tôi xin thưa với các người con nam nữ tại Iraq, các con đang ở trên đường Thánh Giá và là một con đường cực kỳ tàn bạo, nhưng các con đừng quên tên tuổi và nhãn hiệu của các con trong lịch sử. Các con là con cái của Phục Sinh. 

Và từ diễn đàn này, chúng tôi muốn nói: hỡi Iraq, anh chị em là một phục sinh mới, hỡi thế giới Ả Rập, anh chị em có một mùa phục sinh mới.


Vũ Văn An8/27/2014(vietcatholic)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét