20/01/2015
Thứ Ba
Tuần II Mùa Thường Niên Năm lẻ
BÀI ĐỌC I: Dt 6, 10-20
"Chúng ta có một niềm tin đặt trước mặt như chiếc
neo chắc chắn và bền vững".
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, Thiên Chúa không bất công đến nỗi quên công
trình của anh em và lòng bác ái anh em đã tỏ ra vì danh Người, anh em là những
người đã phục vụ và hiện đang phục vụ các thánh. Chúng tôi mong ước mỗi người
anh em thi thố cũng một lòng hăng hái đó để giữ vững niềm hy vọng đến cùng, ngõ
hầu anh em không trễ nải, nhưng sẽ noi gương những kẻ nhờ tin tưởng và kiên nhẫn
mà hưởng thụ các điều đã hứa.
Quả thật, khi Thiên Chúa hứa cùng Abraham, Người không dựa vào
ai lớn hơn mà thề, nhưng dựa vào chính Mình mà thề rằng: "Ta sẽ chúc phúc
cho ngươi và sẽ cho ngươi sinh sản ra nhiều". Do đó, Abraham kiên nhẫn chờ
đợi, nên được hưởng lời hứa. Vì chưng, loài người dựa vào kẻ lớn hơn mình mà thề,
và lời thề được coi như bảo chứng chấm dứt mọi tranh tụng. Cũng vậy, vì Thiên
Chúa muốn minh chứng cho những kẻ hưởng thụ lời hứa ý định bất di bất dịch của
Người, nên đã làm lời thề, để nhờ hai điều bất di bất dịch mà Thiên Chúa không
thể sai lời, thì chúng ta là những người tìm ẩn náu nơi niềm hy vọng đã ban cho
chúng ta, chúng ta có một nguồn yên ủi chắc chắn. Trong niềm hy vọng đó, linh hồn
chúng ta có một chiếc neo chắc chắn và bền vững, cắm vào tận bên trong bức màn,
nơi Đức Giêsu đã vào như vị tiền phong của chúng ta, Người được phong làm Thượng
tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 110, 1-2. 4-5. 9 và 10c
Đáp: Cho tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 5b).
Hoặc đọc: Alleluia.
1) Tôi sẽ ca tụng Chúa hết lòng, trong nhóm hiền nhân và trong
Công hội. Vĩ đại thay công cuộc của Chúa tôi, thực đáng cho những người mến yêu
quan tâm học hỏi. - Đáp
2) Chúa đã làm những điều lạ lùng đáng nhớ, Người thật là Đấng
nhân hậu từ bi. Chúa đã ban lương thực cho những ai tôn sợ Người, cho tới muôn
đời Người vẫn nhớ lời minh ước. - Đáp.
3) Chúa đã gởi tặng ơn giải phóng cho dân Người, đã thiết lập lời
minh ước tới muôn đời, danh Người thực là thánh thiện và khả uý. Lời khen
ngợi Chúa còn tồn tại đến muôn đời. - Đáp.
ALLELUIA: Ga 8, 12
- Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta sẽ được
ánh sáng ban sự sống". - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 2, 23-28
"Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải
loài người vì ngày Sabbat".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, môn đệ Người vừa
đi vừa bứt lúa. Tức thì những người biệt phái thưa Người rằng: "Kìa Thầy
xem. Tại sao ngày Sabbat người ta làm điều không được phép như vậy?" Người
trả lời rằng: "Các ông chưa bao giờ đọc thấy điều mà Đavít đã làm khi ngài
và các cận vệ phải túng cực và bị đói ư? Người đã vào nhà Chúa thời thượng tế
Abiata thế nào, và đã ăn bánh dâng trên bàn thờ mà chỉ mình thượng tế được ăn,
và đã cho cả các cận vệ cùng ăn thế nào?" Và Người bảo họ rằng: "Ngày
Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat; cho nên
Con Người cũng làm chủ cả ngày Sabbat". Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
SUY NIỆM : Linh hồn của Lề Luật
Nói về luật pháp của con người, triết gia Schopenhauer đã ví von
như sau: "Luật pháp cũng giống như một mạng nhện, những con ong gấu thì vượt
qua một cách dễ dàng, những thứ ruồi nhặng thì kẹt lại". Ðây là một sự thật
đau lòng mà chúng ta chứng kiến mỗi ngày trên khắp thế giới: những con ong gấu,
tức những người làm ra luật, những kẻ có quyền thế trong tay, thường chiu qua
những kẽ hở của luật pháp một cách dễ dàng; thế lực của đồng tiền, vây cánh, ô
dù, giúp họ luôn đứng trên luật pháp mà chính họ lập ra.
Vào thời Chúa Giêsu không có chuyện ô dù, nhưng có một hạng người
tự cho mình có quyền lập ra luật, bắt người khác giữ luật, còn mình thì không
muốn lay thử một ngón tay. Tin Mừng hôm nay là khởi đầu của một cuộc đối đầu
triền miên giữa Chúa và hạng người này, tức là nhóm Biệt phái về vấn đề luật
pháp. Chúa Giêsu không phải là một người vô kỷ luật. Ngài sinh ra khi cha mẹ
Ngài tuân theo lệnh kiểm tra dân số do Hoàng đế La mã ban hành; sau này Ngài vẫn
đóng thuế như bất cứ một công dân của Ðế quốc nào. Trong lãnh vực tôn giáo Ngài
tuân giữ lề luật của Môsê. Ngài cũng chịu cắt bì, được hiến dâng trong Ðền thờ
vì là con trai đầu lòng, hằng năm lên Yêrusalem để mừng lễ, mỗi ngày hưu lễ
Ngài cũng đến Hội đường.
Tuy nhiên, như Chúa Giêsu đã có lần tuyên bố Ngài đến là để kiện
toàn lề luật, và kiện toàn lề luật là gì nếu không phải là mặc cho nó linh hồn
là tình yêu; không có tình yêu thì lề luật chỉ là những thây chết, nhưng nói đến
tình yêu là nói đến con người. Như vậy luật lệ là vì con người, là để giúp con
người sống chứ không phải để đàn áp và giết chết con người; luật lệ chỉ có ý
nghĩa và giá trị khi nó là một biểu lộ của tôn trọng và yêu thương đối với con
người; trái lại, tất cả những luật lệ nào đi ngược lại với sự sống và tình yêu,
đều là những luật lệ bất công. Trong Thông điệp "Tin Mừng Sự Sống"
ban hành năm 1995, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã kêu gọi các tín hữu mạnh mẽ
và can đảm chống lại những thứ luật lệ xúc phạm đến chính sự sống của con người,
như luật cho phép phá thai, luật cho phép kết liễu cuộc sống của bệnh nhân.
Là một xã hội, Giáo Hội cũng ban hành luật lệ. Tất cả lề luật của
Giáo Hội được tóm gọn trong một giới luật duy nhất và nền tảng, đó là yêu
thương. Ăn chay, giữ ngày Chúa nhật hoặc bao nhiêu khoản luật khác liên quan đến
đời sống hôn nhân, tất cả đều qui về một luật duy nhất là để giúp các tín hữu sống
tôn trọng và yêu thương con người. Như thế, người Kitô hữu chỉ có một giới răn
để tuân giữ, đó là giới răn yêu thương, và họ cũng chỉ có một tinh thần duy nhất
để tuân giữ lề luật, đó là tình yêu thương.
Nguyện xin Chúa hướng dẫn để chúng ta luôn sống đạo theo tinh thần
yêu thương ấy.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời
Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba
Tuần II TN, Năm lẻ
Bài đọc: Heb
6:10-20; Mk 2:23-28.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người
quí trọng hơn luật lệ.
Phẩm giá con người rất quí trọng trước mặt Thiên Chúa. Các Lề Luật
Ngài ban cũng là để bảo vệ và phục vụ con người. Trong sự quan phòng của Thiên
Chúa, Ngài không bao giờ muốn cho con người phải làm nô lệ cho Lề Luật và tội lỗi;
nhưng muốn Lề Luật phục vụ con người và làm cho đời sống con người được bảo vệ
và an tòan hơn.
Các Bài Đọc hôm nay nói lên sụ quan tâm của Thiên Chúa cho con
người. Trong Bài Đọc I, tác-giả Thư Do-Thái khuyên các tín hữu phải bền lòng
trông cậy vào Lời Thiên Chúa đã hứa. Một khi Thiên Chúa hứa, Ngài sẽ thi hành.
Tác giả đưa ra một ví dụ là Lời Thiên Chúa hứa với Tổ-phụ Abraham. Lời hứa này
đã được thực hiện nơi Đức Kitô, khi Ngài đi tiên phong vào nơi Cực Thánh để mở
đường cho con người đến trực tiếp với Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, các Pharisees
tố cáo với Chúa Giêsu: các môn đệ của Ngài đã vi phạm luật của ngày Sabbath.
Chúa Giêsu bảo vệ các môn đệ của Ngài có lý do làm như thế để bảo vệ sự sống.
Ngài nhắc cho họ biết luật lệ làm ra là vì con người, chứ không con người cho
luật lệ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện qua Đức
Kitô.
1.1/ Phải kiên nhẫn trong khi Chúa thực hiện Lời Hứa: “Quả
thế, Thiên Chúa không bất công đến nỗi quên việc anh em đã làm và lòng yêu mến
anh em đã tỏ ra đối với danh Người, khi trước đấy anh em phục vụ các người
trong dân thánh, và hiện nay vẫn còn đang phục vụ. Nhưng chúng tôi ao ước cho mỗi
người trong anh em cũng tỏ ra nhiệt thành như thế, để niềm hy vọng của anh em
được thực hiện đầy đủ cho đến cùng.” Qua đọan văn này, tác giả muốn khuyên các
tín hữu 2 điều:
(1) Những lúc tăm tối
của cuộc đời: Đừng nản lòng! Hãy nắm giữ niềm hy vọng vào Lời Thiên Chúa hứa.
Con người ai cũng phải trải qua những đêm tăm tối này. Trong những lúc như thế,
tác giả khuyên cứ giữ vững đức tin, thực hành các việc lành như đã và đang làm.
Chắc chắn tăm tối sẽ qua, và ánh sáng của Thiên Chúa lại tiếp tục chiếu sáng.
(2) Bắt chước gương Tổ-phụ
Abraham: “Anh em đừng trở nên uể oải, nhưng hãy bắt chước những người nhờ
có đức tin và lòng kiên nhẫn mà được thừa hưởng các lời hứa… Như thế, vì nhẫn nại
đợi chờ, ông Abraham đã nhận được lời hứa.”
1.2/ Lời Thiên Chúa hứa với Tổ-phụ Abraham: “Ta sẽ
ban phúc dư dật cho ngươi và sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông vô số” (Gen
22:16-18).
(1) Lời hứa được bảo đảm
bằng lời thề: Con người thường lấy danh ai cao hơn mình mà thề để bảo đảm lời
mình đã long trọng hứa. Khi Thiên Chúa hứa với ông Abraham, Người đã không thể
lấy danh ai cao trọng hơn mình mà thề, nên đã lấy chính danh mình mà thề. Như vậy,
cả lời hứa lẫn lời thề đều bất di bất dịch, và khi thề hứa, Thiên Chúa không thể
nói dối được. Do đó, chúng ta là những kẻ ẩn náu bên Thiên Chúa, chúng ta được
mạnh mẽ khuyến khích nắm giữ niềm hy vọng dành cho chúng ta.
(2) Lời hứa của Thiên
Chúa được thực hiện qua Đức Kitô: “Chúng ta có điều này như cái
neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn, là hy vọng được vào cung điện cực
thánh bên trong, đàng sau tấm màn. Đó là nơi Đức Giêsu đã vào như ngườitiền
phong mở đường cho chúng ta, sau khi trở thành vị Thượng Tế đời đời
theo phẩm trật Melkisedech.”
Đối với các thủy thủ, cái neo là khí cụ cần thiết cho việc sinh
tồn. Một khi đã thả neo là không còn sợ sóng gió làm thuyền lật được nữa. Trong
thế giới ngày xưa, cái neo là biểu tượng của hy vọng. Epictetus nói: “Một chiếc
thuyền không bao giờ nên tùy thuộc vào một cái neo hay một đời sống trên một niềm
hy vọng.” Pythagore nói: “Của cải là cái neo mỏng giòn; danh vọng còn yếu hơn.
Khôn ngoan, rộng lượng, và can đảm, là những cái neo mà không sóng gió nào có
thể vùi giập được.” Tác giả Thư Do-Thái nhấn mạnh người tín hữu có một hy vọng
lớn lao nhất trong thế giới là hy vọng của họ vào Lời Thiên Chúa hứa.
Niềm hy vọng đó là được vào trong thánh điện đàng sau bức màn.
Trong Đền Thờ, chỗ cực thánh là nơi chứa đựng Hòm Bia Thiên Chúa, được che phủ
bởi bức màn. Đây là nơi Thiên Chúa ngự. Trong nơi này, chỉ độc quyền có một người
được vào, mỗi năm một lần; đó là Thượng Tế trong Ngày Xá Tội mà thôi. Tác giả
Thư Do-Thái có ý muốn nói: Giờ đây, Chúa Giêsu Kitô đã mở đường vào nơi đó cho
tất cả con người ở mọi nơi và mọi thời. Từ ngữ ông dùng để chỉ Chúa Giêsu nhưprodromos =
người tiên phong mở đường. Chúa Giêsu đi tiền phong mở đường vào nơi hiện diện
của Thiên Chúa, và Ngài bảo đảm an tòan cho tất cả những ai theo sau. Nói cách
khác, trước khi Đức Kitô xuất hiện, Thiên Chúa là Người Khách xa lạ và cách biệt
với con người; chỉ một số nhỏ có thể đến gần và luôn sợ bị thiệt mạng. Nhưng
sau khi Đức Kitô đến, Thiên Chúa trở nên bạn hữu của tất cả; mọi người đều có
thể đến trực tiếp với Thiên Chúa.
2/ Phúc Âm: Con Người làm chủ luôn cả ngày Sabbath.
2.1/ Người Pharisee tố cáo các môn đệ Chúa Giêsu vi phạm ngày
Sabbath: Vào ngày Sabbath, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc
đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. Người Pharisee liền nói với Đức Giêsu:
"Ông coi, ngày Sabbath mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!" Có tất
cả 39 luật về ngày Sabbath ngăn cấm không cho làm việc, và các môn đệ phạm 4 luật
bằng hành động bứt lúa để ăn: gặt (bứt lúa), xay (vò lúa trong tay), sàng (thổi
vỏ đi), và chuẩn bị bữa ăn (làm lúa sẵn sàng để ăn). Sự tỉ mỉ của Luật có thể
có thể làm chúng ta lắc đầu; nhưng đối với các Rabbi, nó liên quan đến tội, và
có thể gây ra cái chết. Đó là lý do họ tố cáo các môn đệ với Chúa Giêsu, và họ
chờ Chúa sửa phạt các môn đệ.
2.2/ Chúa Giêsu bảo vệ các môn đệ của Ngài: Chúa Giêsu
đưa ra một trường hợp riêng đã được ghi lại trong Cựu Ước, và sau đó, Ngài thiết
lập một qui luật chung về ngày Sabbath.
(1) Trường hợp Vua David (I Sam 21:1-6): Người
đáp: "Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông David đã làm gì, khi
ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? Dưới thời Thượng-tế Abiathar, ông
vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này
không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế." Chúa Giêsu có ý muốn nói: trong
trường hợp phải bảo vệ sự sống, con người có thể vi phạm Luật.
(2) Luật chung của ngày Sabbath: Người nói tiếp:
"Ngày Sabbath được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho
ngày Sabbath. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày Sabbath." Điều này hiển
nhiên, vì con người được Thiên Chúa tạo dựng trước khi luật về ngày Sabbath ra
đời. Con người không được tạo dựng để trở thành nạn nhân hay làm nô lệ cho luật
lệ của ngày Sabbath. Sở dĩ có luật lệ về ngày Sabbath là để bảo vệ con người,
làm cho con người biết thân xác họ cần được nghỉ ngơi, và linh hồn họ cần được
nuôi dưỡng bởi thức ăn tinh thần.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Phẩm giá con người chúng ta rất quí trọng trước mặt Thiên
Chúa. Ngài đã hy sinh Người Con của Ngài để cứu chúng ta thóat khỏi làm nô lệ
cho Lề Luật, tội lỗi, và sự chết.
- Nhờ lễ tế hy sinh của Người Con, chúng ta có thể đến trực tiếp
với Thiên Chúa mà không cần qua trung gian; đến bất cứ lúc nào chứ không phải đợi
một ngày cố định trong năm.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
20/01/15 THỨ BA TUẦN 2 TN
Th. Pha-bi-a-nô, giáo hoàng và Sê-ba-ti-a-nô tử đạo
Mc 2,23-28
Th. Pha-bi-a-nô, giáo hoàng và Sê-ba-ti-a-nô tử đạo
Mc 2,23-28
Suy niệm: Luật
ngày sa-bát là một ngòi nổ thường trực tiếp làm bùng lên những cuộc đụng độ
giữa Đức Giê-su và những người Pha-ri-sêu. Và bao giờ cũng vậy, đối với thói nệ luật đến mức phi nhân và nô lệ hoá con người như thế, Đức Giê-su luôn chống lại. Luật phục
vụ cho con người, chứ không ngược lại. Đây cũng là chuẩn mực tối hậu của luật
Giáo Hội. Là một cơ chế lớn, Giáo Hội cần một bộ giáo luật khá ‘kềnh càng’; tuy
nhiên, bộ giáo luật ấy được đúc kết ở điều cuối cùng (đ. 1752) như sau: “lex
suprema, salus animarum” (luật tối thượng là phần rỗi các linh hồn). Đáng tiếc
là trong thực tế, thói nệ luật xem ra vẫn còn vướng vất đâu đó, ít hay nhiều,
nơi các ‘chủ chăn’ lẫn ‘con chiên’.
Mời Bạn: Nhìn
ngắm thái độ của Đức Giê-su đối với luật. Ngài không ‘nổi loạn’ dẹp bỏ hết luật
lệ; song Ngài cũng không đặt luật trên con người. Ngài trả luật về đúng vai trò
và ý nghĩa của nó.
Chia sẻ: Nhân
câu chuyện về ngày sa-bát, thử xét việc giữ luật ngày Chúa Nhật của chúng ta
ngày nay: 1) Có phải việc bỏ Thánh Lễ Chúa Nhật trong mọi trường hợp đều là tội
trọng không? 2) Một người thường xuyên ‘đi lễ’ Chúa Nhật, nhưng cũng thường
ngồi ngoài sân tán gẫu, hút thuốc, nói chuyện trên điện thoại di động, v.v...
thì có hoàn thành bổn phận giữ ngày Chúa Nhật không?
Sống Lời Chúa: Hôm
nay bạn cố gắng làm mọi việc bổn phận với cả tấm lòng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết làm các việc bổn phận một cách có chất
lượng, bằng cách đặt cả tấm lòng mình vào đó. Và xin giải phóng con khỏi thói
nệ luật, để có thể sống trong sự tự do của con cái Chúa.
Con
Người làm chủ ngày sabát
Trong thế giới quá cạnh tranh hiện nay, chúng ta
cần được nhắc nhở về chuyện nghỉ ngơi để sống cho mình, cho nhau, cho Chúa.
Ngày Chúa Nhật là thời gian tuyệt vời để sống cả ba chiều kích ấy.
Suy niệm:
Các kitô hữu gốc Do Thái của
Giáo Hội sơ khai
thường bị chê trách vì đã lơ
là trễ nải trong việc giữ ngày sabát.
Giữ ngày sabát là điều hết
sức quan trọng đối với người theo Do Thái giáo
Ai vi phạm ngày này có thể
bị xử tử (Xh 31, 14), bị ném đá (Ds 15, 32-36).
Qua bài Tin Mừng hôm nay,
Đức Giêsu hẳn đã soi sáng cho vấn đề này.
Câu chuyện xảy ra vào một
ngày sabát.
Khi thầy trò băng qua đồng lúa,
các môn đệ đã bứt các bông lúa.
Và hẳn họ đã vò lúa trong
tay trước khi có thể ăn hạt bên trong.
Theo sách Đệ nhị luật (23,
26) thì hành động này được phép làm :
“Khi vào đồng lúa của người
đồng loại, anh em có thể lấy tay bứt bông lúa.”
Nhưng theo các kinh sư, điều
này bị cấm làm trong ngày sabát,
lý do là vì bứt lúa và vò
trong tay cũng giống với hành vi gặt và xay lúa,
mà gặt và xay lúa là một
trong ba mươi chín việc không được phép làm ngày sabát.
Từ đó người Pharisêu kết
luận việc các môn đệ bứt lúa là phạm đến luật Môsê.
Ngày nay chúng ta có thể
buồn cười về chuyện này,
nhưng nó nói lên việc các
kinh sư vì sợ người ta phạm luật
nên sau này đã thêm thắt
những quy định tỉ mỉ chi li.
Đức Giêsu đã trả lời người
Pharisêu bằng đức cách trưng dẫn chuyện vua Đavít.
Trong truyền thống Do Thái,
vua này thường được coi là đạo đức mẫu mực.
Đavít đã làm điều không được
phép làm, đó là ăn bánh tiến (x. 1 Sm 21, 1-6).
Bánh này gồm mười hai ổ lớn
được đặt trước nhà tạm (x. Lv 24, 5-9).
Vào mỗi ngày sabát, bánh mới
được thay, bánh cũ chỉ dành cho các tư tế.
Khi kể câu chuyện về vua
Đavít, Đức Giêsu muốn cho thấy rằng
nếu Đavít và các thuộc hạ có
thể được miễn giữ luật liên quan đến bánh thánh
thì Đức Giêsu và các môn đệ
trong trường hợp nào đó
cũng có thể được miễn giữ
ngày sabát thánh (x. 1 Mac 2, 34-38).
Theo Đức Giêsu, ngày
sabát được tạo cho loài người, chứ không phải ngược lại.
Người Pharisêu có lẽ đã quên
đi mục đích của việc giữ luật ngày sabát.
Thiên Chúa lập nên ngày
sabát để loài người có thời gian nghỉ ngơi
hầu nhớ đến công trình tạo
dựng và giải phóng của Ngài (Đnl 5, 14-15).
Ngày sabát đúng là ngày của
Chúa, dành cho Chúa,
nhưng nó cũng là ngày cho
loài người sau sáu ngày làm việc vất vả.
Ngày nay chúng ta không còn
giữ ngày sabát nữa,
nhưng giữ ngày Chúa Nhật,
ngày của Chúa.
Cám ơn vị nào đã lần đầu
tiên dùng từ này để chỉ ngày đầu tiên của tuần.
Trong thế giới quá cạnh
tranh hiện nay, chúng ta cần được nhắc nhở
về chuyện nghỉ ngơi để sống
cho mình, cho nhau, cho Chúa.
Ngày Chúa Nhật là thời gian
tuyệt vời để sống cả ba chiều kích ấy.
Cầu nguyện:
Ngày lại ngày, lạy Thiên
Chúa,
tôi sẽ đứng trước Người
chiêm ngưỡng dung nhan,
hai tay cung kính, lạy Thiên
Chúa muôn loài,
tôi sẽ đứng trước Người
chiêm ngưỡng dung nhan.
Dưới bầu trời bao la,
trong cô đơn và thầm lặng,
với tấm lòng thanh tịnh,
tôi sẽ đứng trước Người
chiêm ngưỡng dung nhan.
Trong thế giới ồn ào vì nhọc
nhằn,
huyên náo vì đấu tranh,
giữa đám đông hối hả lăng
xăng,
tôi sẽ đứng trước Người
chiêm ngưỡng dung nhan.
Và khi đã hoàn tất việc đời,
lạy Thiên Chúa muôn loài,
một mình, lặng lẽ,
tôi sẽ đứng trước Người
chiêm ngưỡng dung nhan.
(R. Tagore - Ðỗ Khánh Hoan
dịch)
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng
Tâm Hồn Lên
20 THÁNG GIÊNG
Chia Sẻ
Trong Công Trình Cứu Chuộc
Chúng ta không được phép quên lý do tại sao Đức Giêsu đã đến làm
người trên cõi đời này. Người đã đến để hoàn thành công trình cứu độ. Người đã
hoàn thành bằng cách nào? Bằng đau khổ và cái chết của Người trên Thập Giá và bằng
chiến thắng của Người nơi cuộc Phục Sinh vinh quang. Mọi lao động của con người,
dù có vẻ tầm thường đến mấy đi nữa, cũng đều tham dự vào công trình cứu độ này
của Đức Giêsu. Như tôi đã nói trong thông điệp về Lao Động: “Bằng thái độ chấp
nhận những nỗi vất vả trong công việc của mình, trong niềm kết hiệp với Đức
Kitô Khổ Nạn vì chúng ta, chúng ta đang cộng tác – một cách nào đó – với Con
Thiên Chúa trong công trình cứu chuộc nhân loại; chúng ta đang chứng tỏ mình là
môn đệ đích thực của Đức Giêsu; chúng ta đang vác thập giá hằng ngày của mình
qua công việc mà mình được mời gọi đảm nhận.” (Laborem exercens 27).
Giáo Hội cố gắng trung thành với mẫu gương và chứng tá của Đức
Kitô bằng cách kiên thủ với nỗi quan tâm đến thiện ích của người lao động. Những
thông điệp nổi tiếng của các giáo hoàng, bắt đầu với Thông Điệp Rerum novarum của
Đức Lê-ô XIII, luôn luôn bênh vực quyền lợi về lương bổng và về điều kiện làm
việc của người lao động.
Giáo huấn của Giáo Hội dựa trên nguyên tắc rằng mọi con người đều
được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và đều được Thiên Chúa ban cho một phẩm
giá độc đáo. Vì thế, cần phải bảo đảm rằng không ai bị sử dụng thuần túy như một
phương tiện sản xuất, như kiểu một cỗ máy hay một con trâu, con bò… Giáo Hội
bác bỏ mọi hệ thống xã hội và kinh tế dẫn đến tình trạng tước đoạt nhân tính của
người lao động.
Bên cạnh mối quan tâm về điều kiện làm việc, Giáo Hội kiên quyết
đòi hỏi rằng người lao động phải nhận được món tiền lương xứng đáng – một món
tiền lương có tính đến các nhu cầu của gia đình họ nữa. “Đối với một người lao
động trưởng thành có những trách nhiệm gia đình, thì một món tiền lương công bằng
nghĩa là phải đủ để tạo lập và duy trì một gia đình đúng phẩm giá và bảo đảm
tương lai của gia đình ấy nữa” (Laborem exercens 19).
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa
Trong Gia Đình
NGÀY 20-01
Dt 6,10-20; Mc 2,23-28.
LỜI SUY NIỆM: Vào ngày Sa-bát, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa. Các môn đệ
Người bắt đầu bứt lúa trong khi đi đường. Những người Pharisêu liền nói với Đức
Giêsu : “Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kìa? Điều ấy đâu được phép!”
Giữ Lề luật của Thiên Chúa, là để giúp nhau sống tốt và đi đúng
đường dẫn về Trời để gặp lại Ngài là Cha của mình. Nhưng trong cuộc sống của
con người, lại lấy lề luật của Chúa để đánh giá nhau, hạ nhục nhau, làm khổ cho
nhau. Đối với người Kitô hữu luôn phải tuân giữ lề luật của Chúa để đem lại những
lợi ích cho bản thân và cho tha nhân, nên phải uân giữ với cả sự yêu thích và
tích cực. Không những chỉ giữ luật “công bằng” nhưng Công bằng trong yêu
thương, với lòng bác ái; không những không làm thiệt hại người khác, mà còn phải
làm sinh lợi cho họ nữa, không những chỉ chúc bình an cho người anh em trên môi
miệng, mà phải thực tâm mong cho họ được bình an...
Lạy Chúa Giêsu. Trong cuộc sống của chúng con, thường thường
chúng con chỉ nhìn thấy những cái xấu nơi người anh em, mà quên đi những cái tốt
nơi họ. Xin Chúa cho mọi thành viên trong gia đình chúng con, biết nhìn những
cái xấu để tránh và thấy những cái tốt để neo theo.
Mạnh Phương
Gương
Thánh Nhân
Ngày 20-01: Thánh FABIANO
Giáo Hoàng Tử Đạo (+ 250)
Thánh Fabianô lên ngôi thánh Phêrô không phải do người ta bầu
ra, cho bằng chính sự chọn lựa của Thiên Chúa. Vào lúc dân chúng và hàng giáo
sĩ Roma họp nhau để chọn vị mục tử, thì một cánh chim câu từ trên trời xuống đậu
trên đầu Fabiano. Ngài kế vị thánh Anthêrô làm giáo hoàng năm 236.
Do đó, dầu trước kia không ai ngó tới Ngài vì Ngài còn là một
giáo dân ngoại quốc, bây giờ mọi người đều lớn tiếng gọi Ngài là người được
Chúa chọn. Một cuộc tuyển lựa đặc biệt như vậy vào Giáo hội hàng đầu trong các
Giáo hội, chắc chắn phải có những biến cố đáng kể tiếp theo. Nhưng lịch sử lại
không lưu giữ kỷ niệm nào.
Ngài được cai quản Giáo hội trong 14 năm, với lòng nhiệt thành lẫn
sự khôn ngoan. Ngài đã gửi nhiều nhà truyền giáo sang xứ Gôn (Gaule) và đã kết
án nhiều lầm lạc bị gán ghép cách sai trái cho Origenê. Thánh Cyprianô đã tặng
cho Ngài danh hiệu "một con người khôn sánh".
Ngài đã chịu chết vì đạo trong thời bách hại của Đeciô khoảng
năm 250.
Ngày 20-01: Thánh SÊBASTIANÔ
Tử Đạo (Thế kỷ III)
Thánh Sêbastianô là công dân của hai thành phố vì cha Ngài quê
quán tại Nac-bon (Narbonne) và mẹ Ngài quê quán tại Milanô. Năm 283 Ngài gia nhập
quân đội. Thánh Sêbastianô nói rằng: sự hiền lành, khôn ngoan, tài khéo, quảng
đại, ngay thẳng và cả trăm đức tính khác khiến triều đình sớm biết tới thánh
nhân. Hoàng đế Điôclêtiano quí mến và đặt Ngài làm đại úy phòng vệ của ông. Vai
trò này giúp cho thánh nhân dễ dàng đến với các nhà tu để an ủi khích lệ đức tin
của các Kitô hữu bị bách hại.
Dịp may đã đến cho Ngài thi thố lòng nhiêt hành của mình khi
Marcô và Marcelinô, hai hiệp sị bị kết án tử hình vì danh Chúa. Lúc ấy họ suýt
bị lung lay đức tin vì những dòng nước mắt của cha mẹ già yếu lẫn vợ con. Thánh
nhân đã có mặt kịp thời để khuyến khích họ,
Ngài nói: - Hỡi các chiến sĩ Chúa Kitô, các bạn hy sinh linh hồn
bất tử cho thân xác bùn đất sao ? Các bạn chối bỏ đức tin, phản bội Thiên Chúa,
hiến thân cho ma quỉ và từ khước triều thiên sắp sáng chói trên đầu các bạn sao
?
Đang khi nói những lời này, một ánh sáng chói lòa tràn ngập ngôi
nhà của người giữ ngục. Vợ của người giữ ngục tên là Zoê được khỏi bệnh câm. Lời
nói của thánh Sêbastianô với vài phép lạ kèm theo đã khơi dậy lòng can đảm nơi
các vị tử đạo, cải hóa cha mẹ họ và khoảng sáu mươi lương dân khác.
Nhưng cuộc trở lại cảm kích nhất là cuộc trở lại của Crô-mat
(Cromace), viên tổng trấn Roma. Ong ta bị bệnh lậu và nghe biết rằng thánh
Sêbastianô, nhờ sức mạnh thầm kín nào đó, có thể chữa lành nhiều bệnh tật. Ông
đến xin thánh nhân cầu khẩn trời cao cho mình được lành bệnh, thánh nhân nhận lời:
- Tôi rất muốn, nhưng với điều kiện là ông phải thiêu hủy các ngẫu tượng và
theo đạo đã.
Đầu tiên ông không chịu nhưng rồi cũng ưng theo. Ông phá hủy một
số lớn các ngẫu tượng. Nhưng bệnh lại trầm trọng hơn. Ông than thở với thánh
nhân: - Nghe lời ông tôi đã pahá hủy các tựơng thần. Ông đã hứa cho tôi hết bệnh.
Bây giờ tôi lại khổ cực hơn bao giờ hết .
Thánh Sêbastianô trả lời: - Thưa hoàng công, việc Ngài phá hủy
các tượng chẳng nhằm gì nếu Ngài còn cố giữ lại một tượng thôi. Hãy tiêu hủy nó
đi hết và Ngài sẽ được toại nguyện.
Crô-mat tuân theo và ông đã hết bịnh. Ong và cả gia đình đã theo
đạo. Từ chức, ông về miền quê và nhà ông đã trở thành nơi nương náu cho các Kitô
hữu bị đánh hại.
Năm 286, ngọn lửa bách hại bùng lên dữ dội. Phần đông các Kitô hữu
trốn về miền quê. Thánh Sêbastianô xin đức giáo hoàng cho phép ở lại Rôma để hướng
dẫn và nâng đỡ những người còn lại. Đức giáo hoàng đã trả lời ngay: - Hỡi con
hãy ở lại chiến trường để giúp đỡ các chiến sĩ và hãy tỏ ra là một chiến sĩ gan
dạ bảo vệ đức tin.
Một kẻ bội giáo đã tố giác Ngài với hoàng đế, giận dữ,
Điôcletianô triệu vời Ngài tới ngay. Thánh nhân vừa tới, hoàng đế nói liền: -
Sêbastianô, ta đã quí mến ngươi, ta cho ngươi ở trong hoàng cung và coi ngươi
như người nhà mà bây giờ ngươi thù nghịch với hoàng đế và các thần linh sao ?
Sêbastianô khiêm tốn trả lời rằng: mình chỉ có thể phục vụ hoàng
đế và tổ quốc khi thờ phượng một Thiên Chúa chân thật và khinh bỏ các ngẫu tượng
bằng gỗ đá. Tức giận, hoàng đế truyền lập tức trói thánh nhân lại và bắn tên
cho đến chết. Khi thân thể Ngài đầy ngập thương tích, người ta tưởng Ngài đã chết
và bỏ mặc tại chỗ. Ban đêm, một góa phụ tên là Irênê đến lấy xác Ngài để mai
táng. Nhưng thật lạ lùng khi thấy Ngài còn sống. Bà liền đưa về nhà săn sóc cho
đến khi thánh nhân bình phục hoàn toàn.
Lúc ấy các Kitô hữu khuyên Ngài nên tìm đường lẩn trốn. Nhưng
sau khi cầu nguyện, Ngài quyết định đến trước Điôcletianô tuyên xưng đức tin một
lần nữa. Trước mặt hoàng đế, Ngài nói: - Các thày cả thờ ngẫu thần làm cho nhà
vua coi các Kitô hữu như là kẻ thù của tổ quốc. Nhưng đó chỉ là vu khống. Trái
lại phải coi như là người xây dựng tổ quốc mới đúng, bởi vì họ không ngừng cầu
nguyện cho tổ quốc được cứu rỗi và nên phồn thịnh.
Ngạc nhiên không biết có phải là Sêbastianô ông đã ra lệnh giết
không, ông hỏi lại cho chắc. Khi đã biết chắc, ông truyền đem thánh nhân ra
pháp trường đánh đòn cho chết rồi vất xác xuống rãnh. Một mệnh phụ tên là
Lucina đã chôn cất Ngài vào một nghĩa địa ở dưới hầm.
Từ đó nơi này được mệnh danh là hang toại đạo thánh Sêbastianô
và ngày nay cũng tại nơi này có xây một đại thánh đường lấy tên là vương cung
thánh đường thánh Sêbastianô .
(daminhvn.net)
20 Tháng Giêng
Chuyện Một
Khu Rừng
Một câu chuyện có thật đã được kể về nguồn gốc của một khu rừng
như sau: Một ông lão người Pháp nọ, sau khi vợ qua đời, đã mang đứa con trai
duy nhất của ông đến một vùng đất khô cằn nhất của Miền Trung nước Pháp để lập
nghiệp. Thật ra, người đàn ông chỉ muốn quên đi cái quá khứ khó khăn vất vả.
Vùng đất khô cằn nơi ông đặt chân đến chỉ còn vỏn vẹn năm ngôi
làng nhỏ với rất ít dân cư sống trong những căn nhà siêu vẹo đổ nát, đa số đã bỏ
lên những thành phố lớn để tìm công ăn việc làm. Ông lão trên 60 tuổi đưa mắt
nhìn khung cảnh xung quanh và đi đến kết luận: nếu không có cây cối, chỉ trong
vòng một thời gian ngắn, cả vùng này sẽ trở thành sa mạc hoang tàn. Sau khi đã
dọn chỗ cho đàn cừu và một số gia súc khác, ông lão bắt đầu đi bộ dọc theo các
lối đi và nhặt từng hạt dẻ. Ông chọn những hạt dẻ tốt để riêng và ngâm vào nước.
Khi mặt trời vừa lên, ông dùng một thanh sắt nhọn moi những lỗ nhỏ và đặt cứ mỗi
lỗ một hạt dẻ.
Ngày ngày như thế, trong liên tiếp 3 năm, ông lão đã trồng được
100 ngàn cây dẻ con. Ông hy vọng rằng ít nhất 10 ngàn cây còn sống sót. Ông
cũng hy vọng rằng Chúa sẽ cho ông sống được thêm vài năm nữa để làm cho xong
công tác trồng cây này.
Ông qua đời năm 1947, hưởng thọ 89 tuổi. Từ những hạt dẻ ông đã
cặm cụi moi từng lỗ bỏ vào, nay nước Pháp đã có được một trong những khu rừng đẹp
nhất thế giới. Trong ba khóm rừng mỗi khóm dài 11 cây số, những cây dẻ xanh
tươi cao lớn đã có mặt để giữ nước mưa, làm cho cây cối xung quanh được xanh
tươi và biến khu đồi khô cằn ngày xưa thành những dòng suối róc rách. Chim chóc
đã trở lại. Sự sống cũng chớm nở. Dân chúng từ từ trở lại các ngôi làng cũ để
xây nhà và làm lại cuộc đời.
Sự sống của thiên nhiên thường giúp con người bớt cô đơn. Ðồng
ruộng, cây cỏ xanh tươi, tiếng chim ca hót thường khơi dậy niềm vui sướng trong
lòng người. Ðó là lý do khiến cho những người sống ở thôn dã dễ có tâm hồn
thanh thản và lạc quan vui sống hơn người thành thị.
Lớn lên ở thôn dã, chứng kiến cảnh gieo trồng của người nông
dân, Chúa Giêsu đã mượn những hình ảnh của những sinh hoạt thôn dã ấy để nói về
Nước Trời. Người gieo trồng nào cũng có niềm tin và sự lạc quan. Gieo hạt giống
vào lòng đất là đặt tất cả niềm tin tưởng phó thác của mình vào thiên nhiên. Có
hạt rơi xuống đất tốt, có hạt rơi bên vệ đường, có hạt rơi trong bụi gai. Nhưng
kết quả cuối cùng vẫn là vụ mùa tươi tốt. Có những hạt rơi vào đất tốt, có những
hạt rơi bên vệ đường, có những hạt rơi vào bụi gai. Có những kết quả trông thấy,
có những âm thầm đau khổ, có những bách hại dữ dội, nhưng cuối cùng Giáo Hội của
Ðức Kitô vẫn tồn tại và sinh ra được nhiều hoa trái của niềm Hy Vọng.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét