24/01/2015
Thứ Bảy
sau Chúa Nhật 2 Quanh Năm
Thánh Phanxicô Salêsiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.
* Thánh nhân sinh tại
Xavoa năm 1567. Sau khi làm linh mục, người tận tuỵ với công việc canh tân Hội
Thánh công giáo tại quê hương. Được chọn làm giám mục Geneve, người tỏ ra là một
mục tử lo lắng cho giáo sĩ và giáo dân. Người là vị sáng lập dòng các nữ tu thăm viếng cùng với chị Phanxica đờ Săngtan. Suốt cuộc đời, người trở
nên mọi sự cho mọi người qua lời nói và chữ viết, cũng như khi tranh luận thần
học với anh em Tin Lành, khi giúp cho giáo dân biết sống đời sống thiêng liêng,
lo lắng chăm nom cả kẻ bé lẫn người lớn. Thánh nhân qua đời ở Lyon ngày 28
tháng 12 năm 1622.
Bài Ðọc I: (năm I) Dt 9, 2-3, 11-14
"Nhờ chính máu Mình mà Người vào Cung Thánh chỉ một lần".
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, nhà tạm được cất lên trong gian thứ nhất, có đặt
chân nến, bàn, và bánh tiến. Gian này gọi là Cung Thánh. Sau tấm màn thứ hai
thì đến gian gọi là Cực Thánh.
Còn Chúa Kitô xuất hiện như vị Thượng tế của mọi tốt lành tương
lai. Người đi qua nhà tạm rộng rãi và hoàn hảo hơn, không phải do tay người
phàm xây dựng, nghĩa là không thuộc về trần gian này, cũng không nhờ máu dê bò,
nhưng nhờ chính máu của Người mà vào Cung Thánh chỉ một lần và đem lại ơn cứu độ
muôn đời. Vì nếu máu dê bò và tro bò cái mà người ta rảy trên kẻ ô uế, còn
thánh hoá được thân xác nên trong sạch, huống chi máu của Ðức Kitô, Ðấng đã nhờ
Thánh Thần mà hiến tế chính mình làm của lễ trong sạch dâng lên Thiên Chúa; máu
đó sẽ càng tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những việc sinh sự chết, khiến
chúng ta có thể phụng sự Thiên Chúa hằng sống.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 46, 2-3. 6-7. 8-9
Ðáp: Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên
trong tiếng kèn vang (c. 6).
Xướng: 1) Hết thảy chư dân hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa
tiếng reo vui! Vì Chúa là Ðấng Tối Cao, Khả uý, Người là Ðại Ðế trên khắp trần
gian. - Ðáp.
2) Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong
tiếng kèn vang. Hãy ca mừng, ca mừng Thiên Chúa, hãy ca mừng, ca mừng Vua của
chúng ta! - Ðáp.
3) Vì Thiên Chúa là vua khắp cõi trần gian, hãy xướng ca vịnh mừng
Người, Thiên Chúa thống trị trên các nước, Thiên Chúa ngự trên ngai thánh của
Người. - Ðáp.
Alleluia: Ga 14, 5
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật
và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 3, 20-21
"Những thân nhân của Người nói: Người đã mất trí".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà, và dân chúng đông
đảo lại đổ xô tới, đến nỗi Người không dùng bữa được. Những thân nhân của Người
hay tin đó, liền đi bắt Người, vì họ nói: "Người đã mất trí".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Vai trò của gia đình
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về tương quan với
Chúa Giêsu và gia đình của Ngài, để từ đó rút ra những bài học thực tiễn về vai
trò gia đình đối với con người.
Chúa Giêsu đã sinh ra và lớn lên trong một gia đình. 33 năm sống
kiếp làm người, Ngài đã sống 30 năm với gia đình. Hơn nữa, cũng như bất cứ một
người Á Ðông nào, Chúa Giêsu rất xem trọng những mối giây liên hệ thân thuộc:
trong ba năm rao giảng công khai, Ngài vẫn tìm dịp trở về thăm làng cũ, và giữa
lúc Ngài bận bịu với sứ vụ công khai, bà con thân thuộc của Ngài vẫn tìm đến
thăm Ngài. Quả thật, Chúa Giêsu xem trọng những liên hệ máu mủ và tình bà con
xóm giềng, Ngài quí trọng gia đình; Ngài đề cao sự thánh thiêng và bất khả phân
ly của giây hôn phối. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không lập gia đình; trong ba năm
thi hành sứ vụ công khai, Ngài sống xa gia đình, không nhà, không cửa.
Như vậy, đối với Chúa Giêsu, trên cõi đời này, gia đình cũng như
mọi thứ định chế khác của loài người đều không phải là những giá trị tuyệt đối.
Chỉ có một giá trị tuyệt đối, đó là con người, bởi có con người mới có một vận
mệnh vĩnh cửu. Tất cả đều hiện hữu vì con người. Trong Kinh Tin Kính, Giáo Hội
tuyên xưng: "Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ
trờ xuống thế". Như vậy, ngay cả mầu nhiệm Nhập Thể cũng là vì con người.
Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố rằng Ngài đến để phục vụ, chứ không phải để được
phục vụ; nếu Con Thiên Chúa nhập thể là để phục vụ con người, thì huống chi những
định chế của xã hội loài người. Tất cả đều hiện hữu vì con người: gia đình cũng
như xã hội hiện hữu vì con người, chứ không phải con người vì gia đình và xã hội.
Từ cái nhìn trên đây của Chúa Giêsu về gia đình, chúng ta có thể
thấy được vai trò của gia đình và một cách cụ thể mục đích của việc giáo dục
trong gia đình. Trong tuyển tập "Giới Luật Yêu Thương", Ðức Cha Bùi
Tuần đã có một phân tích sâu sắc về mục đích của việc giáo dục gia đình, Ngài
viết:
"Các bậc cha mẹ muốn biết xưa nay mình nhằm mục đích gì
trong việc giáo dục con cái, thì hãy xét xem ta thường muốn gì, chờ đợi gì ở
con cái. Có phải muốn chúng nên giàu sang không? Có phải chờ đợi ở chúng một lợi
lộc vật chất chăng? Không thiếu những cha mẹ nhắm cái đó khi giáo dục con cái.
Những hy vọng đó không phải là xấu, nhưng chắc chắn không phải là chính mục
đích mà cha mẹ phải nhắm để đưa con cái mình đi tới. Mục đích chính đó là
gì?"
Mục đích đó là giúp chúng nên người với tất cả ý nghĩa cao đẹp của
nó. Mà nên người trước hết là thực hiện đầy đủ ý nghĩa câu nói quen thuộc:
"Con người, đầu đội trời, chân đạp đất"... Chân đạp đất là thái độ phải
thắng dẹp những lôi cuốn tội lỗi thế tục, là đạp lên trên những gì làm cho mình
ra hèn như cát bụi, là đạp lên trên những gì đưa ta xuống đất, xuống địa ngục.
Nếu chân đạp đất chỉ những sự phàm trần, thì đầu đội trời chỉ những sự siêu
phàm. Ðầu đội trời chi thái độ vươn lên những gì cao thượng, đầu đội trời chỉ sự
cố gắng phóng mình tới lý tưởng xa vời, đầu đội trời chỉ sự hướng tâm con người
về mục đích ở tận bên kia thế giới, đầu đội trời chỉ nỗ lực băng mình lên cao để
tìm về quê hương trên trời.
Những suy tư của Ðức Cha Bùi Tuần gợi lại cho chúng ta câu nói của
Chúa Giêsu với cha mẹ Ngài khi hai Ðấng gặp lại Ngài trong Ðền Thờ Yêrusalem:
"Cha mẹ không biết con phải lo việc Cha con sao?" Ðầu đội trời chính
là lo việc Cha trên trời, là hướng về trời cao, là sống cho những giá trị vĩnh
cửu. Nên người thực sự là sống đúng ý nghĩa ba chữ "đầu đội trời", và
đó phải là mục đích của giáo dục gia đình, bất cứ hành động nào đi ngược mục
đích ấy đều là phản giáo dục.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tự vấn lương tâm xem đâu là những
giá trị đích thực mà chúng ta đang theo đuổi và muốn truyền đạt cho người khác.
Nguyện xin Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống soi sáng và hướng dẫn chúng
ta.
Veritas Asia
Lời
Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy
Tuần 2 TN, Năm lẻ
Bài đọc: Heb
9:2-3, 11-14; Mk 3:20-21.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình
yêu vô biên của Chúa Giêsu
Khi yêu, con người làm những việc bị người khác coi là điên
khùng; chẳng hạn, đứng chờ người yêu dưới mưa, hay sẵn sàng chết vì người mình
yêu. Nhưng đối với người đang yêu, nó được thúc đẩy phải biểu lộ để chứng tỏ
tình yêu. Chính Chúa Giêsu đã từng rửa chân cho các Tông-đồ và căn dặn các ông
cũng phải rửa chân cho nhau. Ngài cũng đã nói với các ông: “không có tình yêu
nào lớn lao cho bằng tình của người chết vì yêu.” Ngài không chỉ nói, nhưng đã
vác Thập Giá lên Đồi Golgotha để chết cho con người, để chứng tỏ tình yêu của
Ngài.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong những biểu lộ tình yêu của
Chúa Giêsu dành cho con người. Trong Bài Đọc I, tác-giả Thư Do-Thái so sánh máu
của Chúa Giêsu đổ ra để xóa tội cho con người với máu của chiên bò rảy trên con
người của Cựu Ước. Nếu máu chiên bò có thể cất đi tội cho con người, huống hồ
gì là máu của Con Thiên Chúa! Trong Phúc Âm, vì quá yêu thương dân chúng, Chúa
Giêsu và các môn đệ làm việc không ngơi nghỉ đến nỗi không có giờ ăn uống. Thân
nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Máu của Đức Kitô đổ ra có sức thanh tẩy hiệu
quả hơn máu của chiên bò.
1.1/ Lều Hội Ngộ và Lều của Đức Kitô: Sau khi đã so sánh phẩm
trật Thượng Tế và lễ vật hy sinh, tác giả Thư Do-Thái muốn so sánh nơi chốn mà
Thượng Tế dâng lễ vật. Lều Hội Ngộ, nơi mà các Thượng Tế dâng lễ hy sinh trong
Ngày Đền Tội mỗi năm, được dựng nên bởi con người theo kiểu mẫu Thiên Chúa mặc
khải cho Moses. Lều này chỉ là hình bóng của một thực tại, Lều lớn và hòan hảo
hơn, không do bàn tay con người xây dựng và không thuộc về thế giới này, nhưng
do chính Thiên Chúa tạo dựng.
(1) Lều Hội Ngộ: Trong Cựu-Ước, Lều này được cấu trúc theo mô
hình mà Thiên Chúa đã mặc khải cho Moses. Tác giả mô tả vắn tắt như sau: “Lều
này được gọi là Nơi Thánh, có cây đèn bảy ngọn, có bàn và bánh dâng tiến. Đằng
sau bức màn thứ hai, có một cái lều gọi là Nơi Cực Thánh.” Các tư tế có thể vào
Nơi Thánh để dâng lễ vật hàng tuần; nhưng chỉ có Thượng Tế mới được vào Nơi Cực
Thánh, mỗi năm một lần, để dâng lễ vật cho mình và cho dân.
(2) Lều lớn và hòan hảo hơn: “Nhưng Đức Kitô đã đến làm Thượng Tế
đem phúc lộc của thế giới tương lai. Để vào cung thánh, Người đã đi qua một cái
lều lớn hơn và hoàn hảo hơn, không do bàn tay con người làm nên, nghĩa là không
thuộc về thế giới thọ tạo này.” Có học-giả cho rằng, Lều này chính là thân xác
Chúa Giêsu, nhưng thân xác Chúa Giêsu được cưu mang và thành hình bởi Đức Mẹ, một
con người. Lối giải thích hợp lý hơn cho Lều này chính là con người Chúa Giêsu,
kết hợp bởi cả thiên tính và nhân tính, như Thánh Ambrosio nói: “Bàn thờ tượng
trưng thân thể Chúa Kitô, và thân thể của Chúa Kitô ở trên bàn thờ” (GLCG trưng
Ambrosio, Sacer. 4, 7). Hiểu như thế, Chúa Giêsu vừa là Thượng Tế, vừa là Lễ Hy
Sinh, vừa là Bàn Thờ.
1.2/ Máu của Đức Kitô và máu của chiên bò: Tác giả
đã so sánh lễ hy sinh của Cựu Ước với Lễ Hy Sinh của Thượng Tế Giêsu; giờ đây,
tác giả so sánh về hiệu quả của máu đổ ra của hai lễ hy sinh này. Trong Cựu Ước,
máu đổ ra là máu của chiên, dê, bò; trong Tân Ước, máu đổ ra là chính máu của
Thượng Tế Giêsu, Người Con của Thiên Chúa. Máu của Đức Kitô đem lại cho con người
những hiệu quả sau:
(1) Sự vững bền: Máu súc vật phải đổ mỗi lần con người phạm tội.
Máu Đức Kitô đổ một lần là đủ: “Người chỉ đổ máu một lần thôi, và đã lãnh được
ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta.”
(2) Hiệu quả: Theo truyền thống Do-Thái, máu súc vật chỉ có thể
lấy đi những tội phạm vì vô tình; những tội cố ý phạm, không máu súc vật nào có
thể lấy đi được. Máu của Đức Kitô vì là máu của tự nguyện, của yêu thương, của
Con Thiên Chúa, có thể tha thứ tất cả các tội: “Vậy nếu máu các con dê, con bò,
nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá
được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch, thì máu của Đức Kitô càng
hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế
như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm
chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên
Chúa hằng sống.”
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu và các môn đệ quên mình để lo cho dân chúng.
2.1/ Lòng yêu thương của Chúa Giêsu dành cho con người: “Người
trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn
uống được.” Những việc này xảy ra là vì Chúa Giêsu và các môn đệ quá thương dân
chúng. Nếu Chúa Giêsu không muốn những điều này xảy ra, Ngài chỉ cần đình chỉ
việc chữa lành hay lánh đi một nơi hẻo lánh, là giải quyết được vấn đề. Chỉ có
tình yêu mới thúc đẩy Chúa Giêsu và các môn đệ vào hòan cảnh này; tuy vậy, các
ngài vẫn vui vẻ phục vụ.
2.2/ Thân nhân không thể hiểu nổi những gì Chúa Giêsu làm: “Thân
nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.”
Theo thói thường, người không yêu không thể hiểu nổi lý lẽ của tình yêu. Các
thân nhân của Chúa Giêsu không thể nào hiểu nổi tình yêu của Chúa Giêsu dành
cho Chúa Cha và cho con người. Theo họ, cuộc sống như Chúa Giêsu đang sống là một
điên khùng và thất bại, vì:
(1) Lang thang khắp nơi, nay đây mai đó, không có nghề nghiệp gì
nhất định; trong khi theo họ, con người phải có mái nhà an tòan và nghề nghiệp
vững chắc để sinh sống.
(2) Kết bạn với những người nghèo khổ và thất học; trong khi
theo họ, phải có kiến thức và địa vị cao trọng trong xã hội.
(3) Dám đương đầu với quyền lực của giới cai trị tôn giáo như Biệt-phái,
Kinh-sư, Cao-niên. Theo họ, làm như thế là tự mang án tử cho mình.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Nhìn vào những gì Chúa Giêsu đã, đang, và sẽ làm cho con người,
chúng ta nhận ra tình yêu của Ngài dành cho chúng ta.
- Không ai dám hy sinh tính mạng cho người khác; họa chăng có
người dám chết vì người công chính. Đức Kitô đã chết cho chúng ta khi chúng ta
còn là tội nhân.
- Vì Đức Kitô đã yêu thương và hy sinh tất cả cho chúng ta,
chúng ta không được ích kỷ để chỉ biết sống cho mình; nhưng phải yêu thương và
hy sinh cho người khác như Đức Kitô đã dạy chúng ta.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
24/01/15 THỨ BẢY TUẦN 2
TN
Th. Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô, linh mục, tiến sĩ HT
Mc 3,20-21
Th. Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô, linh mục, tiến sĩ HT
Mc 3,20-21
Suy niệm: Bài
Tin Mừng hôm nay chỉ gồm bốn dòng, đúng hai câu, nhưng rất hàm súc thông tin.
Một đạo diễn lành nghề có thể dựng nên các cảnh phim sống động, trong đó nhân
vật chính là chính Đức Giê-su với đầy những nét khắc họa sự bận rộn của Ngài:
nào là rao giảng cho dân, nào là chữa lành bệnh nhân, xua đuổi thần ô uế (x. Mc
3,1-12); bận rộn với việc tuyển chọn các tông đồ để hỗ trợ Ngài trong sứ vụ
(cc. 13-19); vẫn không hết bận rộn vì đám đông vẫn bám riết lấy Ngài khiến Ngài
và các môn đệ thậm chí không có giờ để ăn uống! Có lẽ vì thế mà thân nhân Ngài
cho rằng Ngài mất trí!
Mời Bạn: Điều
gì đã thôi thúc Chúa Giê-su tất bật như thế nếu không phải là vì Ngài “chạnh
lòng thương” như các tác giả Tin Mừng vẫn thường ghi nhận? Chúa bận rộn, không
phải để tìm kiếm tiền bạc, danh vọng hay quyền lực… hay điều gì cho Ngài; Ngài
bận rộn chỉ vì yêu thương và để cứu độ cách riêng những người bé mọn khốn cùng.
Trong sự bận rộn ấy của Chúa Giê-su, chúng ta thấy nguyên mẫu của điều mà ngày
nay chúng ta gọi là đức ái mục tử.
Mời Bạn chiêm
ngắm Chúa để biết chạnh lòng trước tấm lòng của Chúa. Chúa Giêsu yêu thương
chúng ta quá đỗi. Làm sao ta có thể ghẻ lạnh với Ngài? Chiêm ngắm Chúa, ta sẽ
học với Chúa cung cách yêu thương và phục vụ, đến mức chấp nhận bị quấy rầy, bị
xáo trộn trong đời sống riêng tư, chấp nhận quên mình.
Sống Lời Chúa: Vui
vẻ đón nhận hy sinh và sẵn sàng phục vụ tha nhân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin giúp con luôn sẵn sàng phục vụ anh chị em con.
Người bị mất trí
Đức Giêsu bao giờ cũng vượt trên những gì chúng
ta thường nghĩ. Cần thấy được sự khôn ngoan và lòng nhân hậu của Thiên Chúa nơi
sự “mất trí” và điên rồ của Đức Giêsu trên thập giá.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay thật là
ngắn, chỉ gồm có hai câu.
Nhưng câu chuyện kể lại có
thế làm chúng ta bối rối.
Đức Giêsu đã gặp sự chống
đối từ phía các kinh sư và người Pharisêu.
Bây giờ Ngài lại gặp sự hiểu
lầm từ phía những thân nhân,
trong đó có thể có thân mẫu
của Ngài (x. Mc 3, 31).
Khi Đức Giê su và
các môn đệ trờ về nhà ở Caphácnaum,
đám đông lại kéo đến.
Nhu cầu thật lớn lao và thúc
bách khiến cả nhóm không thể nào có giờ ăn.
Thân nhân của Ngài nghe tin
ấy thì hốt hoảng.
Có lẽ họ đã đi từ quê làng
Nadarét đến để gặp Đức Giêsu.
Họ nghĩ Ngài bị mất trí và
họ muốn lôi Ngài về lại quê nhà.
Họ sẵn sàng dùng sức mạnh để
ép Đức Giêsu phải đi.
Kể cũng lạ nếu chỉ dựa vào
chuyện Đức Giêsu không ăn
để vội vã kết luận là Ngài
mất trí.
Các thân nhân chẳng để ý đến
chuyện đám đông chạy đến với Ngài
để được trừ quỷ, được chữa
bệnh và để được nghe giảng.
Làm sao một người mất trí có
thể làm được những việc như thế ?
Xem ra họ không hiểu mấy về
con người và sứ mạng của Đức Giêsu.
Thật ra dưới mắt của các
thân nhân,
Đức Giêsu có những điều
chẳng bình thường chút nào.
Ngài đã không lập gia đình
như những thanh niên khác.
Ngài đã bỏ nghề thợ mộc ở
Nadarét để lang thang khắp đó đây.
Dù không phải là người học
thức,
Ngài đã chiêu tập một nhóm
môn đệ chủ yếu là dân đánh cá,
đã giao du với những hạng
người nên tránh, đã dám đụng độ với các kinh sư,
và bây giờ Ngài đang mê mệt
với một đám đông cuồng nhiệt theo Ngài.
Họ tự hỏi ông Giêsu, người
thân của họ, có vấn đề gì về tâm lý không,
có rơi vào tình trạng hoang
tưởng tự đại không.
Chúng ta cần nhiều thời gian
để hiểu được sự “mất trí” của Đức Giêsu.
Quan hệ máu mủ có khi lại
làm cản trở việc nhận ra Ngài là ai.
Đức Giêsu bao giờ cũng vượt
trên những gì chúng ta thường nghĩ.
Cần thấy được sự khôn ngoan
và lòng nhân hậu của Thiên Chúa
nơi sự “mất trí” và điên rồ
của Đức Giêsu trên thập giá (1 Cr 1, 18).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nadarét đã không
tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ
thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên
thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa
là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con
người,
Cũng có lúc chúng con không
tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh
mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội thánh còn
nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê
bỏ,
để chúng con tập nhận ra
Ngài
bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng
con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường
giữa lòng cuộc sống.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng
Tâm Hồn Lên
24 THÁNG GIÊNG
Sống Để Làm Việc - Hay Làm Việc Để Sống?
Con người được mời gọi trân trọng phẩm giá của mình trong công
việc mình làm.
Đáng tiếc, rất nhiều hiện trạng lao động dường như đang phản nghịch
lại mục tiêu quan trọng ấy. Tình trạng làm việc quá nặng, quá căng thẳng, quá
chú trọng đến tính ganh đua hay sức sản xuất của người công nhân, và rất nhiều
những khía cạnh cơ giới hóa khác … đều đang nhất tề ‘thọc gậy bánh xe’! Nhiều
khi chúng đi đến mức biến công việc thành chủ của con người chứ không phải con
người làm chủ công việc.
Nhiều người bắt đầu cảm thấy rằng dường như mình sống để làm việc
chứ không phải là làm việc để sống.
Có người đã đặt câu hỏi với tôi: Phải đối phó thế nào với tình
hình như vậy? Rõ ràng vấn đề có liên hệ đến người lao động, đến gia đình của họ
và điều kiện làm việc của họ. Tôi tin rằng – một cách căn bản – tôi có thể chỉ
ra câu trả lời cho vấn đề. Đó chính là một tuyên bố rất hàm súc của Công Đồng
Vatican II: “Điều quan trọng hệ tại ở chỗ con người là gì chứ không phải ở chỗ
con người có gì” (MV 35). Một châm ngôn đệ nhất!
Người ta phải không ngừng tự tra xét mình để hiểu sự thực mình
là ai. Mỗi người phải lặn sâu xuống đáy lòng mình để khám phá sự thực về hướng
đích của mình trong lao động. Phải nhận ra những giới hạn của mình và cố vượt
qua chúng càng nhiều càng tốt. Phải nhận ra những khả năng của mình và làm cho
chúng sinh hoa trái phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Càng nhận hiểu sự thực về
mình, chúng ta sẽ càng hiểu hơn mình phải làm gì để quân bình và hòa điệu các
quyền và các bổn phận của chúng ta trong tư cách là những con người .
Làm người – đó phải là nền tảng để đánh giá cả những gì mình làm
lẫn những gì mình có. Đó là điểm qui chiếu mà mọi hoạt động của chúng ta phải
hướng về. Đó là cơ sở để bảo đảm mối thống nhất trong chính con người chúng ta.
Mọi khía cạnh của con người phải hòa hợp chặt chẽ với nhau. Chẳng hạn, những
trách nhiệm mà người công nhân đảm nhận ở sở làm phải giúp cho người ấy trưởng
thành hơn trong đời sống gia đình cũng như trong sự đóng góp của đương sự đối với
cộng đồng.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 24-01
Thánh Phanxicô Salêsiô Giám mục
Dt 9,2-3.11-14; Mc 3,20-21
LỜI SUY NIỆM: “Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và
các môn đệ không sao ăn uống được.”
Chúa Giêsu luôn sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của những con người
tin tưởng nơi Người mà chạy đến với Người, Người không giới hạn nơi chốn và thời
gian, cốt để đem niềm vui sự an ủi và bình an cho hết mọi người trông cậy nơi
Người.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con
luôn tin là Chúa đang chờ chúng con, Chúa đang tìm kiếm chúng con, để ban mọi
ơn lành cho chúng con, xin cho chúng con luôn biết tìm đến mà nhận lãnh. Để đem
lại sức sống mới tốt đẹp hơn cho chúng con và những người đang sống chung quanh
chúng con.
Mạnh Phương
Gương
Thánh Nhân
Ngày 24-01: Thánh PHANXICÔ SALÊ
Giám Mục Tiến Sĩ (1567-1622)
Một đứa trẻ giận dữ nhất cũng phải nói rằng: thánh Phanxicô
Salêciô là vị thánh hiền hoà nhất thế giới, Ngài đã biết cách để sửa mình và do
đó đưa ra phương thức tốt đẹp để nên thánh: "Tôi chỉ nghĩ tới sự dịu hiền,
dĩ nhiên, không phải chỉ có điều đó mà thôi. Sau này các bạn hữu Ngài đã ngạc
nhiên vì sự im lặng thánh nhân giữ được trước những lăng nhục.
Ngài nói: - "Gì vậy, bạn muốn tôi bỏ mất trong giây lát một
chút dịu dàng mà tôi đã mất 20 năm để thu thập sao ?"
Sự dịu dàng Ngài đã thực hiện với bao nghị lực, bắt nguồn từ
tình yêu Thiên Chúa, Ngài đã có thể nói với bạn bè sau một cảnh thô tục mà một
lãnh Chúa đã làm cho Ngài rằng: - Tôi giận sôi người lên, nhưng tôi thích chết
đi còn hơn là nói lên một điều nhỏ nào có thể làm buồn lòng Thiên Chúa.
Thật khó hiểu nổi cách thế mà trong Ngài, một lòng nhân hậu dịu
dàng như vậy đã thay thế cho bạo lực. Đối với người dọa nạt, Ngài trả lời: -
Thưa ông, nếu ông có một con mắt, tôi sẽ nhìn ông bằng con mắt kia với lòng
trìu mến.
Cả thánh Vincentê Phaolô cũng nói: - Khi muốn chiêm ngưỡng sự dịu
hiền của Thiên Chúa, tôi nhìn về giám mục thành Ghênêva.
Chào đời ngày 21 tháng tám năm 1567 ở lâu đài Sales, Phanxicô từ
trong nôi đã gặp được đức tin và đức ái. Ngài học được từ người mẹ đã từng dẫn
Ngài đi thăm các người nghèo khó, để yêu thương và giúp đỡ họ. Năm 1582, Ngài
theo học khoa hùng biện và ôn triết tại Paris. Vào tuổi 17 một cơn dằn vặt
thiêng liêng kinh khủng ám ảnh Ngài: người tưởng rằng: mình không còn sống
trong tình trạng ơn thánh nữa, hoả ngục dành cho Ngài và nơi khủng khiếp này
không còn tình yêu Chúa nữa.
Phanxicô cầu khần: - Lạy Chúa ít ra cuộc sống vắn vỏi này con biết
dành để yêu mến Chúa.
Kiệt sức, Ngài chạy đến xin đức Trinh nữ gìn giữ mình được trinh
trong và cứu thoát cho khỏi cơn thử thách gay go này. Ngài đọc kinh "hãy
nhớ" và sau cùng tìm lại được bình an.
Từ năm 1586 -1591, Ngài theo học luật tại Padua và đậu bằng tiến
sĩ. Trở lại gia đình gia đình, Ngài được đón tiếp trong niềm hân hoan phấn khởi.
Cha mẹ Ngài vui sướng về đám cưới của Ngài. Nhưng Ngài đã từ khước mọi dự định
của gia đình. Hạnh phúc và danh vọng trần thế không đáng kể gì đối với
Phanxicô, con người đã được tình yêu tuyệt đối chiếm đoạt, Ngài muốn trở thành
linh mục. Được phong chức vào ngày 31 thắng 5 năm 1593, Ngài trở thành linh mục
hoàn hảo, luôn có Chúa Giêsu ngự trong mình, Ngài sống gần dân làng như một người
cha hiền, có mặt trong mọi sự. Gặp cơn dịch hạch lan tràn, ngày đêm người ta thấy
Ngài đi từ bệnh nhân này tới bệnh nhân khác, chú ý tới những thể xác lẫn tinh
thần đau khổ.
Một sứ mệnh lớn lao kêu gọi tới Phanxicô. Những người theo phái
thệ phản thêm nhiều trong xứ sở, phá hủy nhiều nhà thờ và tu viện, lòng nhiệt
thành đã đưa Ngài tới với đức Cha Granier, giám mục Ghênêva, Ngài được phép hiến
mình thực hịên một nỗ lực dường như không thể được, là đưa dân chúng Chablais
trở lại khỏi ảnh hưởng phái ở Calvinnô. Không có đe dọa hay bạo lực nào bắt Người
ngừng giảng được. Nơi nào không thể đến rao gảing, Ngài phân phát truyền đơn.
Suốt ba năm dưới ảnh hưởng của thánh nhân, 72 ngàn người theo thệ phản đã hoán
cải.
Năm 1602, vua Henri IV đã muốn thánh Phanxicô làm giám mục thành
Paris nhưng Ngài đã từ khước danh dự này và nói: - Thưa Ngài, tôi đã đính hôn với
một bà Chúa nghèo, tôi không thể từ giã bà để theo một bà khác giàu có hơn.
Nhà vua rất thán phục sự độc lập của Ngài và tuyên bố rằng:
Phanxicô vĩ đại hơn ông là kẻ làm vua nhiều. Dầu vậy tháng 6 năm 1602, Ngài
Ngài đã phải nhận tòa giám mục Annecy - Gheneva.
Các bài giảng thuyết của Ngài sớm lừng danh, đến độ những thành
phố lớn đòi được nghe tiếng Ngài. Nhưng giám mục người Xa-voa (Savoie) thích giảng
cho dân nghèo hơn. Ngài còn cho họ cả tới áo mặc của mình. Người ta thấy Ngài
không giữ lại gì cho mình. Ngài chỉ thánh giá và nói: - Người ta có thể từ chối
điều gì được, đối với một Thiên Chúa đã tự đặt mình vào trạng huống này vì
chúng ta ?
Đối với các tội nhân, Ngài thân tình đón tiếp họ: - Các con hãy
đến đây để cha ôm ẵm và đặt các con vào lòng cha. Cha chỉ đòi các con một điều
là không được thất vọng, phần còn lại cha lãnh tất cả.
Đi tìm kiếm một linh hồn, nếu cần Ngài vượt qua rừng trong đêm tối,
bất chấp bọn cướp giật hay thú rừng độc dữ, chân Ngài thường rớm máu vì băng
giá. Một lần bọn sát nhân nhào tới, Ngài âu yếm bảo họ: - Các bạn không cần đòi
mạng tôi làm chi, bởi vì tôi đã hiến mạng sống tôi để bảo tồn sự sống của các bạn.
Người ta có thể thấy rõ là Ngài đã nói thực. Bao người sát nhân
đã làm như bao người khác: họ trở thành bạn hữu của Phanxicô. Và làm sao yêu
Ngài, mà lại không yêu tôn giáo đã làm cho Ngài hiến thân trọn vẹn cho mỗi tâm
hồn như vậy. Ngài nói: - Một linh hồn là một giáo phận rộng đủ cho một giám mục
rồi.
Phanxicô không ngừng rao giảng, ngồi tòa, thăm viếng bệnh nhân,
giúp đỡ người cùng khổ. Giữa những công việc bề bộn, Ngài còn viết nhiều tác phẩm
được nhiều Kitô hữu mến chuộng như quyển: "Đường trọn lành", quyển
"Dẫn vào đời sống nhiệt thành" (cuốn này đã được chuyển sang Việt ngữ
với tựa đề: sống thánh giữa đời), chứng tỏ rằng: đời nhiệm hiệp và các nhân đức
cao cả nhất, đều có thể nảy nở, ngay trong cuộc sống từ cung điện, lẫn
"trong binh đội và trong các xưởng máy", Ngài truyền "dệt nên những
sợi dây nhân đức nhỏ bé". Cuốn "khảo luận về tình yêu Thiên
Chúa" của Ngài đáng cho Ngài được vinh quang như ở giữa bầu lửa, trong khi
chuẩn bị viết về tình yêu của Ngôi Lời vĩnh cửu.
Thánh Phanxicô đã lập nhiều tu viện và tiếp tục hứơng dẫn các tu
viện ấy. Hai ngàn bức thư của Ngài vẫn còn, Ngài trao dòng "Thăm viếng"
cho thánh nữ Chantal, Đấng mà Ngài hiệp nhất bằng một tình yêu trắng hơn tuyết,
trong sáng hơn ánh mặt rời.
Thánh nhân kiệt sức khi Ngài nhận giảng dạy tại Lyon dịp lễ
Giáng sinh. Ngài ngã bệnh lúc lên đường. Vừa tới nơi Ngài biết mình sắp chết.
Người ta chỉ còn nghe thấy Ngài nói: - Lạy Chúa là tất cả của con.
Với các bạn bè đang khóc lóc Ngài nói: - Các bạn lại không muốn
ý Chúa được thực hiện sao ?
Trọn đời thánh Phanxicô yêu mến hoàn thành thánh ý Chúa. Bí quyết
đời thánh thiện của Ngài diễn tả như sau: - Với giá vĩnh cửu, cái gì chấm đứt với
thời gian lại có thể ảnh hưởng trên chúng ta được ? Phải ước muốn một mình
Thiên Chúa thôi, một cách tuyệt đối không thay đổi và bất khả xâm phạm.
Ngài qua đời ngày 28 tháng 12 năm 1622 và được Đức Gáio hoàng
Alexandre VII tôn phong hiển thánh năm 1665.
(daminhvn.net)
24 Tháng Giêng
Hãy Triệt
Hạ Thập Giá
Gibert Keith Chesterton, một văn sĩ Công giáo người Anh, qua đời
năm 1936, đã mô tả thảm họa của vua thần trong một quyển tiểu thuyết mang tựa đề:
"Bầu trời và Thập Giá". Một giáo sư vô thần tên là Lucifer được ông
cho ngồi bên cạnh một tu sĩ tên là Michel trên một chuyến máy bay xuyên qua Anh
quốc.
Khi máy bay đi qua London, giáo sư Lucifer bỗng nhìn thấy thập giá
trên tháp chuông nhà thờ chánh tòa. Không tự chế được, ông đã thốt lên lời sỉ vả
đối với Kitô Giáo. Vị tu sĩ mới xin phép kể câu chuyện như sau: "Tôi cũng
biết có một người thù ghét thập giá như ông. Bất cứ nơi nào có thập giá, ông ta
cũng tìm đủ mọi cách để triệt hạ cho bằng được. Bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật
có hình thập giá ông đều xé nát. Ngay cả chiếc thập giá bằng vàng trên cổ người
vợ, ông cũng tìm cách giành giật để kéo ra khỏi người bà. Oâng nói rằng thập
giá là một biểu trưng của sự độc ác dã man, hoàn toàn đối nghịch với niềm vui,
với cuộc sống.
Ngày nọ, không còn chịu đựng nổi hình thù của thập giá nữa, ông
đã leo lên tháp chuông nhà thờ của giáo sứ, tháo gỡ thập giá và ném xuống đất.
Sự thù hận đối với thập giá không mấy chốc đã biến thành điên loạn… Một buổi
chiều mùa hè nóng bức nọ, ông đứng tựa vào một balcon gỗ, miệng phì phà khói
thuốc. Bỗng chốc, ông thấy nguyên chiếc balcon gỗ biến thành một đạo binh thánh
giá. Rồi trước mặt, đằng sau lưng ông, nơi nào cũng có thập giá. Hoa cả mắt lên,
ông cầm chiếc gậy trên tay để đánh đổ tát cả những cây thập giá. Vào trong nhà,
bất cứ những gì làm bằng gỗ cũng được ông nhìn thấy với hình thù của thập giá.
Không còn dùng gậy để đạp đổ nữa, người đàn ông đành phải dùng đến lửa mới may
ra tiêu diệt được thập giá. Ngọn lửa bốc cháy thiêu chụi căn nhà. Ngày hôm sau,
người ta tìm thấy xác của người đàn ông đáng thương trong dòng sông bên cạnh
nhà.
Câu kết luận mà văn sĩ đã đặt trên môi miệng vị tu sĩ là:
"Nếu bạn bắt đầu bẻ gãy thập giá, bạn sẽ không chóng thì chày phá hủy
chính cái thế giới có thể sống được này". Với cái chết của Ðức Kitô, thập
giá trở thành biểu trưng của một sự chiến thắng: đó là chiến thắng của Tình yeu
trên hận thù. Nơi nào có thập giá, nơi đó có người còn tin ở sức mạnh của tình
yêu. Ðạp đổ thành giá có nghĩa là nâng cao hận thù chết chóc lên cao và chối bỏ
tình yêu. Một thế giới không có tình yêu là một thế giới của chết chóc. Bất cứ
một con người có lý luận bình thường nào cũng có thể thấy được điều đó.
Ngày nay, con người vẫn còn tiếp tục chối bỏ và chà đạp thập
giá. Không cần phải leo lên tháp chuông nhà thờ để có thể triệt hạ thập giá;
hình thù của thập giá, dấu chỉ của Tình Yêu, đã được vẽ trên mỗi một con người.
Xúc phạm đến con người cách này hay cách khác cũng đã là một triệt hạ thập giá
rồi.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét