27/01/2015
Thứ Ba
sau Chúa Nhật 3 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (năm I) Dt 10, 1-10
"Lạy Chúa, nầy tôi đến để làm theo thánh ý Chúa"
Bài trích thơ gởi tín hữu Do thái.
Anh em thân mến, lề luật là bóng dáng của những việc tốt lành
tương lai, chớ không phải chính hình ảnh chân chính của sự thật.
Lề luật ấy với những hy tế được hiến dâng liên tiếp hằng năm
không bao giờ có thể làm cho những kẻ đến tham dự được hoàn hảo.
Chẳng vậy, người ta sẽ chấm dứt việc tế lễ, vì lẽ những người
làm việc phượng tự nầy, đã được tẩy sạch một lần rồi, nên không còn ý thức mình
có tội nữa.
Ngược lại, các lễ tế hằng năm nhắc nhở người ta nhớ đến tội lỗi.
Bởi chưng máu bò dê không thể xóa bỏ tội lỗi.
Vì thế, khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu phán: "Chúa đã
không muốn của hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác.
Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội.
Nên tôi nói: Lạy Chúa, nầy tôi đến để thi hành thánh ý Chúa, như
đã nói về tôi ở đoạn đầu cuốn sách.
Sách ấy bắt đầu như thế này: Của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của
lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, Chúa không muốn cũng không nhận, mặc dầu được
hiến dâng theo lề luật".
Ðoạn Người nói tiếp: "Lạy Chúa, nầy đây tôi đến để thi hành
thánh ý Chúa".
Như thế đã bãi bỏ điều trước để thiết lập điều sau, chính bởi thánh
ý đó mà chúng ta được thánh hóa nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giêsu Kitô một lần
là đủ.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv. 39,2 và 4ab, 7-8a, 7-9, 10, 11
Ðáp: Lạy Chúa, nầy tôi xin đến, để thực thi ý Chúa. (8a và 9a)
Xướng 1) Tôi đã cậy trông, tôi đã cậy trông ở Chúa, Ngài đã
nghiêng mình về bên tôi, và Ngài đã nghe tiếng tôi kêu cầu. Ngài đã đặt trong
miệng tôi một bài ca mới, bài ca mừng Thiên Chúa chúng ta. - Ðáp.
2) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở tai
tôi. Chúa không đòi hỏi hy lễ toàn thiêu và đền tội, bấy giờ tôi đã thưa:
"Nầy tôi xin đến". - Ðáp.
3) Như trong cuốn sách đã chép về tôi: lạy Chúa, tôi sung sướng
thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận lòng tôi. - Ðáp.
4) Tôi đã loan truyền đức công minh Chúa trong Ðại Hội, thực tôi
đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi. - Ðáp.
5) Tôi chẳng có che đậy đức công minh Chúa trong lòng tôi: tôi
đã kể ra lòng trung thành với ơn phù trợ Chúa, tôi đã không giấu giếm gì với Ðại
Hội về ân sủng và lòng trung thành của Chúa. - Ðáp.
Alleluia: Ga 15,15b
Alleluia, Alleluia. - Chúa phán: "Thầy gọi các con là bạn hữu,
vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết".
- Alleluia.
Phúc Âm: Mc 3,31-35
"Ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là
mẹ Ta".
Bài trích Phúc Âm theo Thánh Marcô.
Khi ấy, mẹ Chúa Giêsu và anh em Người đến và đứng ở ngoài sai
người vào mời Chúa ra.
Bấy giờ có đám đông ngồi chung quanh Người và họ trình với Người
rằng: "Kìa mẹ và anh em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy".
Người trả lời rằng: "Ai là mẹ Ta? Ai là anh em Ta?"
Rồi đưa mắt nhìn những người ngồi vòng quanh, Người nói:
"Ðây là mẹ Ta và anh em Ta. Vì ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là
anh chị em và là mẹ Ta".
Ðó là Lời Chúa.
Suy Niệm: Ai là Mẹ Ta
Khổng Tử có một người cháu tên là Khổng Liệt và một người học
trò tên là Bật Thứ Thiên, cả hai ra làm quan cùng một thời. Một hôm Khổng Tử hỏi
người cháu:
- Từ khi ra làm quan đến giờ, ngươi đã được điều gì và mất điều
gì?
Khổng Liệt trả lời:
- Từ khi làm quan, tôi chưa được điều gì, mà đã mất ba điều:
không có giờ học tập vì thế trình độ vẫn thấp, lương bổng không đủ giúp người
thân, công việc bề bộn nên không có giờ thăm viếng bạn bè.
Nghe thế, Khổng Tử rất buồn lòng.
Một ngày nọ, Khổng Tử cũng hỏi Bật Thứ Thiên cùng một câu như đã
hỏi Khổng Liệt, Bật Thứ Thiên đáp:
- Từ khi ra làm quan, tôi chưa mất điều gì, mà đã được ba điều:
Những điều đã học nay đem ra thực hành, vì thế việc học được rõ ràng thêm;
lương bổng tuy ít nhưng cũng có thể giúp người thân phần nào, do đó mà thân thiện
hơn; công việc tuy nhiều, những cũng bớt chút thời giờ thăm bạn bè khiến tình bạn
càng thân thiết.
Câu trả lời của Bật Thứ Thiên được Khổng Tử khen là chí lý và thực
là câu trả lời của người quân tử.
Câu trả lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, thoạt nghe
người ta dễ hiểu lầm là từ khi bắt đầu đời công khai, Chúa Giêsu đã đánh mất
gia đình và người thân của mình. Thật vậy, khi Chúa đang ngồi giảng giữa một
đám đông, có kẻ nói với Ngài: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang tìm Thầy".
Chẳng những Chúa Giêsu không ra gặp mẹ, mà Ngài còn nói: "Ai là mẹ Ta, ai
là anh em Ta? Chính những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là mẹ Ta
và là anh em Ta".
Thật ra, qua câu nói này, Chúa Giêsu gián tiếp khen ngợi Mẹ
Ngài, bởi vì Mẹ là người hoàn toàn tuân theo ý Chúa. Mẹ đã hiểu rõ sứ mạng của
Chúa Giêsu, con của Mẹ. Như thế câu nói của Chúa Giêsu cho thấy Ngài đặt quan hệ
tình nghĩa trên nền tảng đức tin, thể hiện niềm tin của mình bằng việc thực thi
thánh ý Chúa.
Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha;
còn chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần,
và nhờ tình yêu Chúa, chúng ta được liên kết với nhau trong một quỹ đạo mới, một
tình nghĩa mới, cao đẹp hơn tình nghĩa cha mẹ, anh chị em ruột thịt.
Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta luôn biết sống theo thánh
ý Chúa, để chúng ta được nối kết trong tình nghĩa với Chúa, với Mẹ và với tất cả
mọi người.
Veritas Asia
Lời
Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba
Tuần 3 TN, Năm lẻ
Bài đọc: Heb
10:1-10; Mk 3:31-35.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thi
hành thánh ý Thiên Chúa.
Có một câu truyện dẫn chứng sự quan trọng của việc làm theo
thánh ý Thiên Chúa như sau: Một vị vua kia muốn trao tài sản cho các con; nhưng
để dạy các con một bài học phải tránh xa sự hào nhóang bên ngòai, nhà vua cho
gói những thứ thật quí vào những hộp trông có vẻ tầm thường, và những thứ tầm
thường vào những hộp trông rất lộng lẫy bên ngòai. Sau đó, vua cho gọi các con
vào để lựa chọn, bắt đầu từ hòang tử lớn nhất. Đa số các hòang tử đều chọn các hộp
lộng lẫy. Đến phiên hòang tử út, chàng tần ngần một lát, rồi nói nhỏ với cha:
Con không biết cách chọn; nhờ cha chọn cho con. Nhà vua đã chọn của quí nhất
cho hòang tử út.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh chủ đề sự quan trọng của việc làm
theo thánh ý Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tác-giả Thư Do-Thái tiếp tục so sánh
giữa 2 lễ vật hy sinh: máu chiên bò theo Lề Luật của Cựu Ước và Máu Đức Kitô của
Tân Ước. Máu chiên bò không thể xóa sạch tội cho con người, nên phải tái diễn mỗi
năm. Máu Đức Kitô chỉ cần đổ ra một lần là đủ xóa sạch tội cho con người, vì là
máu đổ ra tự nguyện để làm theo thánh ý Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu
tuyên bố: mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa không đặt căn bản trên liên
hệ ruột thịt, nhưng trên căn bản làm theo thánh ý của Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Lạy Thiên Chúa! Này Con đây, Con đến để thực
thi ý Ngài.
1.1/ Lề Luật và hy lễ chiên bò: “Lề Luật chỉ là hình bóng của
những gì tốt đẹp hơn sẽ tới, chứ không phải là phản ánh chính xác những thực tại
đó. Lề Luật không bao giờ có thể làm cho những người tiến lại gần Thiên Chúa được
nên hoàn thiện, nhờ những hy lễ người ta dâng năm này qua năm khác.” Điều
tác-giả muốn nói ở đây, trong sự quan phòng của Thiên Chúa, cái hòan hảo đến
sau sẽ thay thế cho cái bất tòan đến trước. Lề Luật chỉ là hình bóng của những
gì tốt đẹp hơn mà Đức Kitô sẽ mang đến cho con người.
Tác giả lý luận: Nếu các hy lễ mà Lề Luật đòi buộc có thể cất đi
tội lỗi của con người, họ đâu cần phải dâng đi dâng lại mỗi năm. Hay nếu máu
chiên bò thực sự thanh tẩy tội lỗi trong tâm hồn, con người đâu còn ý thức mình
có tội nữa. Hơn nữa, hy lễ dâng hàng năm nhắc nhở cho con người ý thức tội lỗi
của họ. Vì vậy, con người cần có một lễ tế hy sinh hòan hảo hơn.
1.2/ Điều đẹp lòng Thiên Chúa: Tác giả dẫn chứng Thánh Vịnh
40:6-9 với ít nhiều sửa đổi, “Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã
không ưa hy sinh và lễ tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng
thích lễ toàn thiêu và lễ đền tội.” Những thứ Thiên Chúa không thích này lại là
những thứ mà Lề Luật truyền. Thực ra, không phải chỉ tác-giả Thư Do-Thái tin những
điều này, rất nhiều tác giả khác của Cựu Ước cũng đã nói tới sự bất tòan của hy
sinh và của lễ; họ cũng nhấn mạnh đến những điều khác quan trọng hơn như: Ông
Samuel nói: "Đức Chúa có ưa thích các lễ toàn thiêu và hy lễ như ưa thích
người ta vâng lời Đức Chúa không? Này, vâng phục thì tốt hơn là dâng hy lễ, lắng
nghe thì tốt hơn là dâng mỡ cừu” (I Sam 15:22). Hay như lời Tiên-tri Hosea: “Vì
Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được
của lễ toàn thiêu” (Hos 6:6).
Tác giả nhấn mạnh đến việc Thiên Chúa đã ban cho Chúa Giêsu một thân
thể để Ngài có thể chịu đựng đau khổ và dâng nó như một hy lễ để đền tội cho
con người. Đồng thời tác giả cũng nhấn mạnh tới việc vâng lời làm theo ý Thiên
Chúa như lời Thánh Vịnh 40: “Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa! Này con đây,
con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.” Khi con người phạm
tội là họ đã bất tuân thánh ý Thiên Chúa; làm sao họ có thể bắt những chiên bò
đổ máu để xóa tội cho họ được? Để có thể xóa đi tội bất tuân của con người, Con
Thiên Chúa đã tình nguyện mang thân xác con người và đổ máu của chính mình. Chỉ
có lễ hy sinh tự nguyện và cao đẹp này mới có thể xóa đi tội lỗi của con người,
và làm cho con người được giao hòa với Thiên Chúa mà thôi.
2/ Phúc Âm: Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi,
là mẹ tôi.
2.1/ Phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự: Thọat đọc
trình thuật hôm nay, một người không tránh được bất mãn với Chúa Giêsu, vì đã
khinh thường Đức Mẹ và anh em của Ngài; và đã không giữ giới răn thứ bốn. Nhưng
Chúa Giêsu có vi phạm những điều này không? Một trong những sứ vụ của Chúa
Giêsu là dạy dỗ và sửa chữa những hiểu biết sai lầm. Trong bài học hôm nay,
Chúa Giêsu không đi ra ngòai 2 giới răn quan trọng nhất: trước tiên, mến Chúa;
sau đó, yêu người. Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến thứ tự ưu tiên của 2 giới răn,
mà con người rất nhiều lần đã đảo lộn thứ tự ưu tiên của nó. Việc Chúa Giêsu
đang rao giảng Tin Mừng là Ngài đang làm theo thánh ý Thiên Chúa; và Ngài phải
đặt nó lên trên tất cả các việc khác. Ngài không thể hy sinh việc rao giảng để
tiếp chuyện với thân nhân. Tuy nhiên, khi nào không làm việc Thiên Chúa, Ngài vẫn
yêu thương và săn sóc Đức Mẹ; như khi Chúa Giêsu trao Đức Mẹ cho Thánh Gioan
chăm sóc dưới chân Thập Giá.
2.2/ Yêu mến Thiên Chúa là làm theo thánh ý Ngài: Bài học
thứ hai Chúa Giêsu muốn dạy con người hôm nay: tình yêu phải biểu tỏ cụ thể bằng
hành động. Con người thường nghĩ mình có thể yêu Thiên Chúa bằng lời nói, hay bằng
những hành động bên ngòai như tham dự Thánh Lễ, đọc kinh, cầu nguyện. Những điều
này tốt, nhưng không quan trọng bằng việc tìm ra và làm theo thánh ý của Thiên
Chúa. Cuộc đời Chúa Giêsu là một mẫu mực cho con người học thế nào là yêu
thương Thiên Chúa: Ngài muốn nhập thể để thi hành Kế Họach Cứu Độ của Thiên
Chúa. Trong những năm ở trần gian, thánh ý Thiên Chúa là động lực sống của Ngài
đến nỗi Ngài thốt lên những câu phải là châm ngôn cho chúng ta như: “Của ăn của
Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta, và chu tòan các việc của Ngài” (Jn 4:34). “Điều
Ta tìm kiếm không phải ý Ta, nhưng là ý của Đấng đã sai Ta” (Jn 5:30). “Ý của
Chúa Cha là hễ ai thấy Chúa Con và tin vào Ngài, sẽ có sự sống đời đời” (Jn
6:40). Những giờ phút sau cùng trong vườn Ghetsemane, Chúa Giêsu bị giằng co giữa
đau khổ sắp đến và thánh ý Thiên Chúa, nhưng sau cùng Ngài đã thốt lên: “Lạy
Cha! Nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này, nhưng đừng theo ý con, một
xin vâng ý Cha” (Mt 26:42).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa không hài lòng về hy sinh và lễ vật chúng ta dâng,
nhưng hài lòng về những cố gắng của chúng ta tìm ra và làm theo thánh ý Ngài.
- Thánh ý của Thiên Chúa, cách tổng quát, là lo sao cho chính bản
thân chúng ta và mọi người đạt được ơn Cứu Độ.
- Để tìm ra thánh ý của Thiên Chúa, chúng ta phải học hỏi Kinh
Thánh để hiểu biết Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa; và làm hết sức có thể để làm
cho Ơn Cứu Độ lan rộng đến mọi người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
27/01/15 THỨ BA TUẦN 3
TN
Th. An-giê-la Mê-ri-si, trinh nữ
Mc 3,31-35
Th. An-giê-la Mê-ri-si, trinh nữ
Mc 3,31-35
Suy niệm: Động cơ thúc đẩy Mẹ và anh em
đến tìm Ngài là: có dư luận dân chúng cho rằng Ngài bị ‘điên’ (c. 21b), nên họ
tìm đến để lôi kéo Ngài từ bỏ sứ vụ rao giảng Lời Thiên Chúa. Tuy nhiên, chẳng
những không từ bỏ, Chúa Giê-su còn tận dụng cơ hội này để loan báo một sự thật
khác trong Nước Thiên Chúa, dù ‘nói thật mất lòng’, một sự thật ‘khó nghe’,
‘chướng tai gai mắt’, ngay cả cho thân nhân của Ngài. Ngài muốn nhấn mạnh mối
liên hệ đích thực với Ngài không hệ tại ở huyết thống, mà là ở việc thi hành ý
muốn của Thiên Chúa. Đó chính là tiêu chí xác định mối tương quan giữa Chúa
Giê-su với chúng ta: tôi đích thực là thân nhân của Chúa Giê-su hay tôi đang từ
chối, hoặc chỉ liên hệ với Ngài bề ngoài thôi?
Mời Bạn: Là một Ki-tô hữu, mối tương quan hiện nay giữa
bạn và (gia đình bạn) với Chúa Giê-su là gì? Bạn đang từ chối hay đón nhận
Ngài? Bạn chỉ liên hệ với Ngài bề ngoài hữu danh vô thực… hay liên hệ đích thực
bằng việc thực hành, sống Lời Chúa, làm theo ý muốn của Chúa…?
Chia sẻ: Từ chối Đức Kitô, tức là đồng ý rằng Ngài bị
‘điên’; ngược lại, đón nhận Đức Kitô, tức là chấp nhận bạn bị ‘điên’ vì Ngài.
Mời bạn lựa chọn!
Sống Lời Chúa: Trong Năm Tân Phúc hoá này, quyết tâm đọc, suy
niệm và thực hành đoạn Lời Chúa này bằng việc quyết định gắn bó với Đức Ki-tô
mỗi ngày, vì “không biết Kinh Thánh là không biết Đức Ki-tô” (T. Giêrônimô).
Cầu nguyện: Hát “Xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài…”
Đây là mẹ tôi
“Bất cứ ai thi hành ý muốn
của Thiên Chúa người ấy là mẹ tôi, là anh em và chị em tôi”. Khi thực thi ý
Thiên Chúa muốn, người ta trở nên có họ với Đức Giêsu.
Suy niệm:
Các thân nhân của Đức Giêsu
nghĩ Ngài bị mất trí,
vì họ nghe tin Ngài và các
môn đệ làm việc nhiều đến nỗi không có giờ ăn.
Các kinh sư từ Giêrusalem
xuống
thì kết luận rằng Ngài đã
thông đồng với tướng quỷ để trừ quỷ.
Còn đám đông dân chúng lại
ngồi nghe Ngài giảng trong nhà.
Hơn ai hết, họ biết Đức
Giêsu là ai.
Chính lúc ấy mẹ và anh em
của Ngài đến và đứng ngoài.
Họ không vào được, có thể vì
đám đông ngồi chật cứng.
Nhưng họ đã nhờ người nhắn
với Đức Giêsu.
“Mẹ Thầy và anh em Thầy đang
ở ngoài, tìm gặp Thầy đó.”
Rốt cuộc chắc ai cũng biết
là Thầy có người thân đến thăm.
Người ta tưởng Ngài sẽ bỏ dở
bài giảng để ra ngay gặp họ.
Nhưng Đức Giêsu lại muốn
dùng cơ hội này
để nói với đám đông đang
ngồi nghe một điều quan trọng.
Ngài đặt cho họ một câu hỏi
tưởng như vô nghĩa:
“Ai là
mẹ tôi và là anh em tôi?”
Dĩ
nhiên là những người đang đứng ngoài kia rồi.
Nhưng
không, Ngài đảo mắt nhìn những người đang ngồi,
và
nói với họ: “Đây là mẹ tôi và anh em tôi.”
Với lời
khẳng định này, Đức Giêsu loan báo về gia đình mới của Ngài.
Có
những người thân yêu cùng máu mủ đứng ngoài kia.
Có một
gia đình mới đang ngồi trong này.
Đức
Giêsu không coi thường hay loại bỏ gia đình ruột thịt.
Nhưng
Ngài cho thấy Ngài còn có một gia đình lớn hơn nhiều,
một gia
đình gồm những người rất khác nhau về nhiều mặt,
nhưng
lại có một mẫu số chung, một điểm giống nhau,
đó là
cùng muốn thi hành ý Thiên Chúa trong cuộc sống.
Đức
Giêsu đã rời bỏ gia đình để lên đường loan báo Tin Mừng.
Và Ngài
cũng đã mời gọi các môn đệ của mình như thế.
Đức
Giêsu để lại người mẹ, Phêrô để lại người vợ,
Gioan
và Giacôbê để lại người cha.
Tương
quan gia đình ruột thịt là điều cao quý thiêng liêng.
Nhưng
nó lại không được trở nên một cản trở cho sứ vụ.
Đức
Giêsu đã khai mở một đại gia đình mới cho mọi người:
“Bất cứ
ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa
người
ấy là mẹ tôi, là anh em và chị em tôi”.
Khi
thực thi ý Thiên Chúa muốn, người ta trở nên có họ với Đức Giêsu.
Người
kitô hữu chúng ta vui sướng được thuộc về gia đình này,
có người
Mẹ là Đức Maria suốt đời tín trung sống ý Chúa,
có Đức
Giêsu là Anh Trưởng, người Con luôn sống đẹp lòng Cha,
và có
bao anh chị em khác đã dám đặt ý Chúa lên trên mạng sống.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
những hạt cải Chúa gieo vãi
cách đây hai ngàn năm
nay đã trở thành cây cao
cho chim trời rủ nhau trú
ngụ.
Nhúm men nhỏ bé được Chúa
vùi vào khối bột,
đã làm bột dậy lên,
để trở nên tấm bánh thơm
ngon cho thế giới.
Sau hai mươi thế kỷ,
các môn đệ Chúa không còn là
nhóm Mười Hai bé nhỏ.
Hôm nay, các kitô hữu chiếm
gần một phần ba,
người công giáo chiếm hơn
một phần sáu dân số thế giới.
Chúng con được mời gọi xây
dựng Nước Chúa trên trần gian,
cho đến khi tất cả mọi người
nhận biết và tin yêu Chúa.
Xin cho chúng con đừng mặc
cảm
vì người công giáo chỉ là
thiểu số trên quê hương Việt Nam,
nhưng xin cho chúng con mạnh
dạn làm chứng cho Chúa
trong việc xây dựng một xã
hội công bằng và huynh đệ.
Hôm nay chúng con phải tiếp
tục làm việc như Chúa,
gieo hạt giống để làm nên
những cánh rừng,
trở nên chất xúc tác để biến
đổi môi trường mình sống.
Và chúng con biết rằng sớm
muộn cũng sẽ thành công
vì tin Chúa vẫn cần cù làm
việc với chúng con. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng
Tâm Hồn
27 THÁNG GIÊNG
Bảo Vệ Quyền Lợi Người Lao Động Trong Thời Đại Tự Động Hóa
Hiểu được giá trị trỗi vượt của con người trong môi trường lao động,
chúng ta thấy rõ rằng con người không thể bị hy sinh để phục vụ cho hiệu năng của
tự động hóa. Vâng, các môi trường lao động hiện đại phải hết sức lưu tâm để bảo
vệ quyền làm việc của con người – bằng cách chỉ triển khai loại thay đổi này (tức
tự động hóa) sau khi đã vạch kế hoạch kỹ lưỡng. Với thiện chí và với sự tiên lượng
tốt, chúng ta có thể giúp cho nhiều người trong số những kẻ mất việc làm do sự
thay đổi công nghệ được đào tạo lại và được tái thu dụng vào lực lượng lao động.
Trong tình hình như vậy, ý nghĩa đích thực của nhân vị và của phẩm
giá con người phải là mối ưu tiên hàng đầu trong bất cứ trường hợp nào liên can
đến sự thu dụng hay chuyển đổi chỗ làm của người lao động. Những người chủ việc
phải cố gắng đứng ở vị trí bảo vệ quyền làm việc thích đáng cho mọi công nhân của
mình. Tôi đặc biệt đề xuất điều này với các tổ chức công đoàn – là những tổ chức
có bổn phận bênh vực quyền lợi của người công nhân. Các công đoàn không thể giới
hạn tầm nhìn của mình nơi chỉ một loại công nhân nào đó, nhưng cần phải quan
tâm đến phẩm giá của mọi người trong môi trường lao động.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa
Trong Gia Đình
NGÀY 27-01
Dt 10,1-10; Mc 3,31-35.
LỜI SUY NIỆM: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ
ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn
của Thiên Chúa, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”
Chúa Giêsu đang hỏi mỗi một người trong chúng ta: Ai là mẹ của
Người, ai là người anh em chị em của Người, ai là người thuộc về gia đình của
Người. Mỗi người phải học biết để tự xem mình là ai đối với Chúa, và Chúa là ai
đối với mình, những câu hỏi này Chúa Giêsu nói một cách hết sức rõ ràng: “Ai
thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em, là mẹ tôi.” (Mc
3,35)
Lạy Chúa Giêsu. Muốn thi hành ý muốn của Thiên Chúa, chúng con cần
phải học biết dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thàn qua Giáo huấn của Giáo Hội.
Xin cho tất cả các thành viên trong gia đình của chúng con, chuyên tâm học hỏi
Lời Chúa và đem ra thực hành trong đời sống mỗi người chúng con. Để trở thành
người thuộc gia đình của Chúa.
Mạnh Phương
Gương
Thánh Nhân
Ngày 27-01: Thánh ANGÊLA MÊRICI
Đồng trinh (1474-1540)
Angêla Mêrici sinh ngày 21-3-1474 ở Dessenzanô bên hồ Garda. Khi
lên mười, Ngài đã bị mồ côi cha mẹ. Những tín hữu đạo đức ước ao cho con cái
mình tìm được hạnh phúc trong vinh quang Chúa và đưa cuộc đời các thánh ra làm
gương mẫu. Cậu của Ngài lãnh trách nhiệm giáo dục Ngài, cũng theo một tinh thần
trên. Khi các ông cậu qua đời, Ngài lại về sống với anh em. Angêla là một cô
gái đạo đức và để bảo đảm sự thánh thiện của mình, Ngài đã gia nhập hội dòng ba
thánh Phanxicô, hiến mình làm việc bác ái, nhất là việc giáo dục trẻ em.
Một ngày kia Angêla được thị kiến thấy một chiếc thang nối liền
đất với trời. Một đoàn trinh nữ leo lên từng bậc thang ấy và một người trong số
đó nó với Ngài: - Chị sẽ làm mẹ đám người ấy.
Theo lòng đạo đức thời đó, người thiếu nữ đã đi hành hương nhiều
nơi. Rồi với một nhóm người hành hương, Ngài muốn đi hành hương Giêrusalem.
Nhưng Ngài bị một cơn mù lòa nhiệm lạ tại Candie và chỉ hết bệnh khi Ngài trở lại
đây. Ngài đã giải thích sự kiện nầy như biểu tượng sự từ bỏ, làm nền tảng cho mọi
dự định của mình. Angêla đến yết kiến Đức Thánh cha và lo thực hiện công trình
giữa những sự đau khổ của chiến tranh. Ngài tận tụy nhiều cho người nghèo và
dân lao động. Những kỷ niệm cuộc thị kiến ám ảnh lòng Ngài mãi. Ngài đã tới
Brescia là nơi có một ngôi nhà dành cho Ngài xử dụng.
Một số thiếu nữ đến qui tụ bên Ngài. Đây là hạt nhân của một hội
dòng mà Ngài sẽ thành lập với một hình thức tu trì mới mẻ đối với thời đại, một
cuộc sống nối kết sự chiêm niệm với việc dạy dỗ trẻ em. Angêla đặt hội dòng dưới
sự bảo trợ của thánh nữ Ursula, vị nữ đồng trinh thành Côlôgna, đã được tôn
vinh như là một nữ anh hùng chiến thắng man rợ về văn hóa.
Phương pháp của thánh Angêla thật khác với ý niệm tân tiến về một
trường dòng Ngài thích sai các nữ tu đến dạy các thiếu nữ tại ngay gia đình họ.
Ngài thường nói: - Xáo trộn trong xã hội là kết quả sự xáo trộn ngay tự trong
gia đình.
Không được học hành nhiều. Thánh Angêla có những trực giác lạ
lùng. Ngài nghĩ rằng: người ta chỉ có thể canh tân phong hóa tự gia đình, và
gia đình được canh tân là do việc giáo dục phụ nữ.
Thánh Angêla Mêrici được biết tới như vị sáng lập dòng của các nữ
tu Ursula. Thực sự Ngài là vị sáng lập, dầu không đúng với các ý hướng của
Ngài. Bởi vì Ngài xem ra có hơi cấp tiến đối với thời đại của mình. Dự định của
Ngài về các nữ tu là không có y phục riêng, không có lời khấn trọng, không có
lũy rào để dễ đến với tuổi trẻ hứa hẹn của tương lai, và để có thể phục vụ tha
nhân hữu hiệu hơn. Nhưng dự định này đi ngược với những ý niệm thịnh hành thời
Ngài và dưới ảnh hửơng của thánh Carôlô Berrômêô và của qui luật của đức Thánh
cha (Thánh Piô V) là buộc các nữ tu Ursula phải nhận những bảo đảm theo giáo luật
đòi buộc mọi nữ tu.
Những năm cuối đời, thánh Angêla Mêrici thường hay xuất thần.
Ngài qua đời ở Brescia ngày 27 tháng giêng năm 1540.
(daminhvn.net)
27 Tháng Giêng
Ống Ðiện
Thoại Sống
Xã hội càng văn minh, kỹ thuật càng tân tiến, thì người già càng
bị ngược đãi. Tại Roma chẳng hạn, với khoảng 3 triệu dân cư, người ta ước tính
có đến trên sáu trăm ngàn người già. Chỉ có một số nhỏ được săn sóc đàng hoàng,
đa phần phải trải qua một trong những thử thách lớn nhất của tuổi già là cô đơn
và nhiều sự ngược đãi khác.
Từ bao lâu nay, các tu sĩ thuộc cộng đồng Thánh Egidio đã dấn
thân một cách đặc biệt trong việc bảo vệ quyền lợi của người già. Nay, cộng đồng
còn đưa ra một sáng kiến mới gọi là "Cú điện thoại chống lại bạo động và
bênh vực quyền lợi của người già". Với sáng kiến này, cộng đồng đã thiết lập
một đường dây điện thoại đặc biệt nhằm giúp cho những người già đang sống một
mình hoặc bà con thân thuộc của họ có thể liên lạc để xin trợ giúp tron bất cứ
nhu cầu nào. Túc trực điện thoại trên đường dây này là 60 nhân viên, tất cả đều
đã từng có kinh nghiệm trong nhiều ngành khác nhau như luật pháp, cán sự xã hội,
y tá, nói chung trong mọi lĩnh vực có liên quan đến các vấn đề của người già.
Qua sáng kiến trợ giúp trên đây, nhiều người già cả đã ý thức
hơn về quyền lợi của họ cũng như tìm được nhiều an ủi đỡ nâng qua chính những
người chỉ túc trực ở điện thoại để lắng nghe.
Một tác giả đã viết về sự cô đơn như sau: "Cô đơn là cho đi
mà không có người nhận, muốn nhận mà chẳng có ai cho. Cô đơn là chờ đợi, mà cái
mình chờ chẳng bao giờ đến. Như hai bờ sông nhìn nhau mà vẫn nghìn trùng cách
xa bởi dòng sông. Nên cô đơn là gần nhau mà vẫn cách biệt. Không phải cách biệt
của không gian mà là cách biệt của cõi lòng. Bởi đó, vợ cô đơn bên chồng, con
cái cô đơn bên cha mẹ. Càng gần nhau mà vẫn cách biệt thì nỗi cô đơn càng cay
nghiệt mà vẫn phải gần nhau thì lại càng cô đơn hơn. Tôi cô đơn khi tôi bị vây
bọc bởi những con sông thờ ơ, những mây mù ảm đạm. Tôi có thể cô đơn vì tôi
không đến với những người khác…".
Những dòng trên đây như muốn nói lên một sự thật: ai trong chúng
ta cũng đều có thể rơi vào cô đơn. Trong bất cứ tuổi tác nào, trong bất cứ địa
vị nào trong xã hội, ai cũng có thể làm mồi cho cô đơn. Liều thuốc để ra khỏi sự
cô đơn, chính là ra khỏi chính mình để làm cho người khác bớt cô đơn. Xã hội sẽ
được ấm tình người hơn nếu mỗi người biết ra khỏi cái vỏ ích kỷ hẹp hòi của
mình để đến với người khác, để trở thành một đường dây điện thoại sống cho người
khác.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét