23/01/2015
Thứ Sáu
sau Chúa Nhật 2 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (năm I) Dt 8, 6-13
"Người là trung gian của một giao ước tốt hơn".
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, hiện giờ vị Thượng tế của chúng ta đã lãnh một
chức vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là Ðấng trung gian của một giao ước tốt
hơn, mà giao ước ấy được thiết lập trên những lời hứa rất tốt lành. Vì nếu giao
ước thứ nhất không khuyết điểm, thì thật sự không cần phải có giao ước thứ hai
nữa. Vì Chúa khiển trách họ rằng: "Này đến ngày Ta thực hiện một giao ước
mới cho nhà Israel và cho nhà Giuđa. Không phải như giao ước Ta ký kết với cha
ông chúng trong ngày Ta cầm tay chúng dẫn ra khỏi đất Ai-cập. Bởi chúng không
trung thành với giao ước Ta, nên Ta đã bỏ chúng. Vì chưng, giao ước Ta sẽ ký kết
với nhà Israel sau những ngày ấy, Ta sẽ đặt các lề luật của Ta trong trí chúng,
và khắc nó vào lòng chúng. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân
Ta. Không còn ai phải dạy bạn hữu mình, hay mỗi người không còn phải bảo anh em
mình rằng: "Hãy nhìn biết Chúa", vì mọi người, từ người nhỏ đến người
lớn, sẽ biết Ta; bởi Ta dung thứ các điều gian ác của chúng, và không còn nhớ đến
tội lỗi của chúng nữa". Người tuyên bố giao ước mới, thì Người làm cho
giao ước thứ nhất ra cũ đi. Nhưng điều gì đã cũ đã già, thì gần tiêu mất đi.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 84, 8 và 10. 11-12. 13-14.
Ðáp: Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau (c. 11a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin cho chúng con nhìn thấy tình thương của
Chúa, và ban cho chúng con được ơn Ngài cứu độ. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến
cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng con.
- Ðáp.
2) Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự
bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh
tự trời nhìn xuống. - Ðáp.
3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng
tôi sẽ sinh bông trái. Ðức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ
theo sau lốt bước của Người. - Ðáp.
Alleluia: Ga 10, 27
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe tiếng
Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta". - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 3, 13-19
"Người gọi những kẻ Người muốn gọi để họ ở cùng Người".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi và gọi những kẻ Người muốn gọi, và họ
đến cùng Người. Người chọn mười hai vị để theo Người, và sai các ông đi giảng
và ban cho các ông quyền trừ quỷ. Mười hai vị ấy là: Simon mà Người đặt tên là
Phêrô, Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan là em Giacôbê, (cả hai được Người đặt
tên là Boanerges, nghĩa là con của sấm sét), rồi đến Anrê, Philipphê,
Bartôlômêô, Matthêu, Tôma, Giacôbê con ông Alphê, Tađêô, Simon nhiệt tâm, và
Giuđa Iscariô là kẻ nộp Người.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Giáo Hội là một Mầu Nhiệm
Nếu thời Cựu Ước đã có những tiên tri cung đình, chuyên phụ họa
cho vua chúa, thay vì nói lời của Chúa; thì ngày nay cũng không thiếu những
tiên tri như thế: thay vì nói Lời Chúa, lên tiếng tố cáo bất công, người ta lại
chỉ làm tiên tri để công kích và chỉ trích Giáo Hội của mình. Dù sao, đây cũng
là dịp để các Kitô hữu suy nghĩ và đào sâu về bản chất của Giáo Hội.
Ðiều cơ bản nhất mà chúng ta cần phải tuyên xưng trước tiên khi
nói về Giáo Hội, đó là Giáo Hội là một mầu nhiệm, do đó chúng ta không thể so
sánh hay xếp Giáo Hội vào bất cứ một tổ chức trần thế nào. Giáo Hội không là một
thể chế quân chủ chuyên chế hay quân chủ lập hiến. Giáo Hội cũng không hề là một
chế độ tập quyền hay Bô lão trị; Giáo Hội lại càng không phải là một chế độ dân
chủ. Giáo Hội thiết yếu là một mầu nhiệm, do đó mà không có một tên gọi nào diễn
tả và múc cạn mầu nhiệm ấy. Giáo Hội được gọi là Hiền thê của Chúa Kitô, Giáo Hội
được gọi là thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, Giáo Hội được gọi là Dân Chúa; mỗi
kiểu nói này bày tỏ một khía cạnh, nhưng không thể nào nói hết về Giáo Hội.
Tin Mừng hôm nay như muốn đưa chúng ta vào trong bản chất mầu
nhiệm ấy của Giáo Hội. Chúa Giêsu thiết lập nhóm Mười Hai để các ông ở với Ngài
và được Ngài sai đi rao giảng. Ngài trao ban cho các ông quyền năng mà chính
Ngài đã từng sử dụng: chỉ có các Tông Ðồ mới có quyền trừ quỷ, mới có quyền cử
hành các Bí Tích, và chỉ những ai được các ông trao quyền cho mới được cử hành
các Bí Tích. Chúa Giêsu trao phó cho các Tông Ðồ kho tàng mạc khải, chỉ có các
ông mới có khả năng và có quyền giải thích kho tàng ấy và giảng dạy đúng ý muốn
của Chúa. Trong Nhóm Mười Hai, Chúa Giêsu đặt Phêrô làm thủ lãnh để cai trị và
trở thành mối giây hữu hình trong Giáo Hội, Ngài hứa ở với Giáo Hội mỗi ngày
cho đến tận thế: như Ngài đã ở với các Tông Ðồ ngay từ buổi đầu, thì hơn 2,000
năm qua, Ngài vẫn tiếp tục ở với và trong Giáo Hội.
Giáo Hội chính là thân thể Chúa Kitô. Thuộc về Giáo Hội chính là
chấp nhận lời rao giảng của Chúa Giêsu được ủy thác cho các Tông đồ và những
người mà các ông cắt đặt để thay thế và tiếp tục sứ mệnh của mình. Thuộc về
Giáo Hội một cách cụ thể, là đón nhận và sống giáo huấn của chính các Tông đồ
được ủy thác cho Giáo Hội và những người kế vị các ông. Giáo Hội không phải là
một thể chế dân chủ, nhưng Giáo Hội chưa hề cưỡng bách ai phải gia nhập Giáo Hội;
nhưng nếu đã thuộc về Giáo Hội thì không thể không chấp nhận quyền bính của
Giáo Hội. Dù vậy, ngay cả khi một Kitô hữu không chấp nhận quyền giáo huấn của
Giáo Hội, thì Giáo Hội cũng không phải dùng đến võ lực hoặc nhà tù để đe dọa và
trừng phạt.
Hằng năm, Giáo Hội dành một tuần lễ để cầu cho sự hiệp nhất của các
Kitô hữu, một tuần lễ để đi sâu vào mầu nhiệm của Giáo Hội, một tuần lễ để hoán
cải. Chúng ta hãy cầu xin bằng chính lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: "Xin
cho chúng nên một như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha, ngõ hầu thế gian
tin rằng Cha đã sai Con".
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Sáu Tuần 2 TN, Năm lẻ
Bài đọc: Heb 8:6-13; Mk 3:13-19.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa
Giêsu là trung gian của giao ước mới hòan hảo hơn.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh sự quan trọng của những gì Chúa
Giêsu làm. Trong Bài Đọc I, tác giả Thư Do-Thái so sánh hai giao ước cũ và mới
mà Thiên Chúa thiết lập với dân. Vì giao ước cũ bất tòan nên mới có giao ước mới.
Giao ước mới hòan hảo hơn giao ước cũ vì đặt căn bản trên những lời hứa tốt đẹp
hơn của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu thiết lập Nhóm Mười Hai để các
ông ở với Ngài và được huấn luyện, trước khi Ngài sai các ông đi rao giảng Tin
Mừng và tiếp tục sứ vụ của Ngài trên trần gian.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chúa Giêsu là trung gian của một giao ước tốt
đẹp hơn.
1.1/ Quan niệm về giao ước: Thông thường, giao ước là một
hợp đồng giữa hai bên, đồng ý thỏa thuận về một số những điều mà hai bên đồng ý
giữ. Nếu một bên không chịu giữ hợp đồng, giao ước ấy sẽ trở nên vô hiệu. Từ ngữ
Hy-Lạp thường dùng để chỉ giao ước là suntheke. Điều đáng chú ý
trong đọan văn này, tác giả không dùng suntheke, mà dùng diatheke;
từ ngữ này được dùng để chỉ một lời hứa mà một người ở cấp bậc cao hơn hứa với
một người dưới mình. Trong giao ước của Thiên Chúa với con người, Thiên Chúa là
nguồn gốc và là nguyên nhân của những lời hứa.
1.2/ Giao ước cũ và mới:
(1) Giao ước cũ: là giao ước Thiên Chúa thiết lập với Israel qua
trung gian của Moses trên Núi Sinai. Theo giao ước này, Thiên Chúa hứa sẽ
thương yêu và săn sóc Israel nếu họ tuân giữ cẩn thận các giới răn của
Ngài (Deut 4:23).
(2) Giao ước mới:
- Đặc điểm: hòan hảo hơn giao ước cũ. Tác giả dẫn chứng lời đã
được tiên báo bởi Tiên-tri Jeremiah 31:31-34: “Quả thật, Thiên Chúa khiển trách
Dân rằng: Đức Chúa phán: Này sắp đến những ngày Ta hoàn thành một Giao Ước Mới
với nhà Israel và nhà Judah. Giao ước đó sẽ không như giao ước
Ta đã thiết lập với cha ông của chúng, trong ngày Ta cầm tay dẫn chúng ra khỏi
Ai-cập. Bởi vì chúng đã không trung thành với giao ước của Ta, nên Ta cũng đã bỏ
mặc chúng, Đức Chúa phán.” Tác giả dùng tĩnh từ kainos để chỉ
mới cả về thời gian lẫn phẩm giá: “Nhưng hiện nay, Đức Giêsu được một tác vụ
cao trọng hơn, bởi vì Người là trung gian của một giao ước tốt đẹp hơn; giao ước
này căn cứ vào những lời hứa tốt đẹp hơn.”
- Lý do hiện hữu: là vì sự bất tòan của giao ước cũ. “Thật vậy,
giả như giao ước thứ nhất đã hoàn hảo rồi, thì chẳng cần phải tìm giao ước thứ
hai để thay thế.” Tác giả lý luận: “Khi Thiên Chúa nói đến Giao Ước Mới, Người
làm cho giao ước thứ nhất hoá ra giao ước cũ; và cái gì cũ kỹ, lỗi thời, thì sắp
tan biến đi.”
- Sự khác biệt nền tảng giữa 2 giao ước: Thập Giới của giao ước
cũ được khắc ghi trong 2 bia đá; trong khi Lề Luật của giao ước mới sẽ được
Thiên Chúa: “ghi vào lòng trí chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta;
Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là Dân của Ta.”
Con người giữ Lề Luật không chỉ vì bắt buộc, nhưng vì yêu thương
Đấng dạy dỗ mình.
- Mọi người đều biết Thiên Chúa: không còn chỉ giới hạn trong
vòng dân Do Thái mà thôi. “Không ai còn phải dạy đồng bào mình, không ai còn phải
dạy anh em mình rằng: "Hãy học cho biết Đức Chúa", vì hết thảy chúng,
từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta.”
- Hòan tòan tha thứ mọi tội lỗi cho dân: “Ta sẽ dung thứ những
điều gian ác chúng làm, sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa.”
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu thành lập Nhóm Mười Hai.
1.1/ Sứ vụ của Nhóm Mười Hai: “Rồi Người lên núi và gọi
đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười
Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ
quỷ.” Tại sao phải lập Nhóm Mười Hai?
(1) Để tiếp tục thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng: Chúa Giêsu biết
rõ những gì sẽ xảy đến cho Ngài trong tương lai, vì thế Ngài cần những người tiếp
tục công việc của Ngài. Người lãnh đạo giỏi là người biết nhìn đến tương lai,
và biết huấn luyện những người có khả năng để thay thế mình sau này; vì nếu
không huấn luyện người để thay thế, tất cả những cố gắng của mình, cho dù hay đến
đâu chăng nữa, cũng sẽ rơi vào quên lãng.
(2) Để Tin Mừng đựơc loan báo sâu rộng và nhiều người được chữa
lành hơn: Phương tiện truyền thông duy nhất thời đó là loan báo bằng miệng, và
phương tiện di chuyển thịnh hành nhất là đi bộ. Chúa Giêsu băn khoăn làm sao để
Tin Mừng có thể đạt tới mọi người, và không còn cách nào hiệu quả hơn là mời gọi
nhiều người cộng tác để huấn luyện, và rồi sai họ đi thi hành sứ vụ. Đó là lý
do tại sao Ngài không chỉ huấn luyện một, mà 12 Tông-đồ; bên cạnh đó, Ngài còn
huấn luyện rất nhiều các môn đệ đi theo Ngài. Điều này dạy chúng ta, để Tin Mừng
có thể lan tràn đến mọi người, chúng ta cần sự cố gắng và cộng tác của rất nhiều
người, chứ không giới hạn trong một thiểu số có tài năng hay kiến thức mà thôi.
(3) Chúa Giêsu gọi các ông để ở với Ngài: Cách huấn luyện hiệu
quả nhất của người thời xưa là cho ở với Thầy; mục đích không những là để cho
các trò học tất cả những gì nơi Thầy: sự khôn ngoan cũng như cách cư xử, nhưng
còn là cơ hội cho Thầy quan sát các trò của mình và sửa sai những tính xấu cho
họ.
1.2/ Thành phần của Nhóm Mười Hai: “Người
lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Simon là Phêrô, rồi có ông Giacôbê con ông
Zebedee, và ông Gioan em ông Giacôbê - Người đặt tên cho hai ông là
Boarneghese, nghĩa là con của thiên lôi - rồi đến các ông Anrê, Philípphê,
Barthôlômêô, Mátthêu, Tôma, Giacôbê con ông Anphê, Tađêô, Simon thuộc nhóm Quá
Khích, và Giuđa Iscariot là chính kẻ nộp Người.” Nhìn qua danh sách của 12
Tông-đồ, một người có những nhận xét như sau:
(1) Không có ai nổi bật: về danh giá, quyền thế, cũng như về kiến
thức. Ngược lại, đa số là những ngư phủ thất học tầm thường. Các ông có thành
công và trung thành với sứ vụ hay không là do cách Chúa Giêsu huấn luyện.
(2) Là những con người yếu đuối, tội lỗi: Matthew là người thu
thuế, và được xem là tội lỗi thường xuyên và công khai. Judah Iscarioth là người
sẽ nộp Chúa. Hai con ông Zebedee, Gioan và Giacôbê, là người nhắm địa vị “ngồi
bên tả và bên hữu” Chúa Giêsu trong vương quốc của Ngài. Phêrô chối Chúa 3 lần,
và hầu hết các Tông-đồ đều bỏ Chúa trong Cuộc Thương Khó của Ngài. Điều này cho
chúng ta thấy việc huấn luyện con người không dễ.
(3) Tính khí rất khác nhau: Simon, người thuộc Nhóm Quá Khích,
có khuynh hướng bảo vệ quốc gia Do-Thái, rất ghét những người cấu kết với ngọai
bang để bóc lột dân như Matthew, người thu thuế. Thế mà Chúa Giêsu chọn hai ông
để sống chung với nhau, dẹp bỏ sự khác biệt, và cùng chung lo một sứ vụ rao giảng
Tin Mừng. Phêrô rất nhanh nhẩu đến nỗi làm mà không chịu suy nghĩ, để ở với
Gioan, người luôn thâm trầm và cẩn thận suy nghĩ trước khi làm. Nói tóm, sự huấn
luyện của Chúa Giêsu và cuộc sống chung đã làm các ông phải dẹp bỏ những khác
biệt cá nhân để cùng hy sinh cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: Chúng
ta hãy tin tưởng hòan tòan nơi Chúa Giêsu, vì Ngài là trung gian của một giao ước
hòan hảo.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
23/01/15 THỨ SÁU TUẦN 2 TN
Mc 3,13-19
Mc 3,13-19
Suy niệm: Ta thường tìm cách giải thích vì sao người này
người kia có ơn gọi này hay ơn gọi nọ; nhưng ta không bao giờ lý giải được rốt
ráo, vì tiên vàn đó là một hồng ân. Chúa gọi những ai Chúa muốn.
Ơn gọi là một ân huệ vì đó là quà tặng của Thiên Chúa do ý định nhiệm mầu của
Ngài chứ không phải do chúng ta có quyền đòi hỏi. Ơn gọi luôn gắn liền với sứ
mạng: Chúa gọi các môn đệ để sai
họ đi rao giảng.
Điều này dễ nhận ra vì sứ mạng rao giảng có thể thấy được qua những hoạt động
bên ngoài. Nhưng cũng đừng quên rằng nhịp cầu nối liền ơn gọi với sứ mạng chính
là ở lại với Đức Ki-tô bằng
đời sống cầu nguyện kết hiệp. Được
ơn Chúa
kêu gọi thì phải đến
ở với
Chúa Giê-su thì mới được
Ngài sai đi.
Mời Bạn: Ý
thức rằng qua bí tích Rửa Tội mọi người đều được kêu gọi và được sai đi, chứ
không riêng gì những người được ơn gọi chuyên biệt trong Giáo Hội. Và không chỉ
những tu sĩ chiêm niệm mà mọi Ki-tô hữu đều phải có đời sống cầu nguyện để nuôi
dưỡng và thống nhất các hoạt động tông đồ của mình. Có những ơn gọi có vẻ như
gãy đổ hay mất 'chất', ta sẽ không oán trách gièm pha, nhưng tìm cách giúp đỡ
trong khả năng mình (nhất là bằng cầu nguyện) để người anh chị em ấy tìm lại
được “tình yêu thuở ban đầu” (cf. Kh 2,4).
Chia sẻ: Kinh
nghiệm của bạn về mối tương tác chặt chẽ giữa cầu nguyện và hoạt động.
Sống Lời Chúa: Sống
tâm tình tạ ơn vì mình đã được gọi, và tổ chức lại đời sống, nếu cần, để tạo
đựơc sự hài hoà giữa cầu nguyện và hoạt động tông đồ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin tạ ơn Chúa vì ơn gọi Chúa dành cho con.
Đến với Người, ở với Người
Cuộc sống xao động hôm nay có vẻ làm ta quên ở với
Chúa và rơi vào tình trạng nghiện việc. Chính vì thế công việc ta làm không đem
lại hiệu quả thực sự và lâu bền.
Suy niệm:
Thông thường ở xã hội
Do-thái, người môn đệ đi tầm sư học đạo.
Còn Thầy Giêsu lại đi “gọi”
học trò.
Thầy muốn lập một nhóm học
trò ruột, hết sức gần gũi với mình.
Những người Thầy muốn, Thầy
đã gọi họ lại.
Và họ đã đáp lời mà đến với
vị Thầy đang ở trên núi.
Như thế sáng kiến thì bắt
nguồn từ Thầy,
còn đáp lại là điều con
người cần thực hiện.
Thầy Giêsu muốn lập một nhóm
mười hai môn đệ.
Có thể vì Thầy nhớ đến mười
hai chi tộc Ítraen ngày xưa.
Mục đích của nhóm Mười Hai
này là ở với Thầy và được Thầy sai đi.
Ở với là chuyện ưu tiên, và
cũng là chuyện dễ bị xao lãng.
Ở với là có tương quan thân
thiết và thường xuyên với Thầy.
Ở với là chia sẻ cuộc sống
ăn ở, đói no, thành công, thất bại.
Khi ở với Thầy Giêsu, người
môn đệ hiểu Thầy sâu xa và gắn bó với Thầy.
Khi các môn đệ đến với và ở
với Thầy Giêsu,
họ như được tách ra khỏi đám
đông.
Sau này, khi tìm người thay
thế Giuđa phản bội,
Phêrô đòi đó phải là người
đã sống với Thầy Giêsu ngay từ đầu (x.Cv 1, 22).
Ở với nằm trong định nghĩa
về người môn đệ của Thầy Giêsu.
Nhưng đó không phải là điểm
dừng.
Ở lại với Chúa là để được
sai đến với con người.
Được tách ra khỏi đám đông
chính là để được sai đến với đám đông,
trong tư cách của người đã
được mắt thấy tai nghe Thầy Giêsu.
Người môn đệ được sai sẽ
được phép làm những việc y hệt như Thầy :
rao giảng Tin Mừng và trừ
quỷ nhằm phục vụ cho con người.
Chẳng những họ làm việc như
Thầy, họ còn làm việc của Thầy và với Thầy.
Không ở với thì cũng chẳng
được sai đi, và cũng không đủ sức để được sai.
Nhưng ở với là để có ngày
được sai đi, mà sai đi thì vẫn luôn ở với.
Kitô hữu là người được gọi,
để ở với Chúa Giêsu và được ngài sai đi.
Cuộc sống xao động hôm nay
có vẻ làm ta quên ở với Chúa
và rơi vào tình trạng nghiện
việc.
Chính vì thế công việc ta
làm không đem lại hiệu quả thực sự và lâu bền.
Hãy ở với Giêsu mỗi ngày 15
phút, bạn sẽ thấy mọi sự thay đổi.
Cầu nguyện:
Khi bị bao vây bởi muôn
tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những
phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công
ngàn việc,
xin cho con quý chuộng những
lúc
được an nghỉ trước nhan
Chúa.
Khi bị xao động bởi những
bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh thản
ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.
Khi bị kéo ghì bởi đam mê
dục vọng,
xin cho con thoát được lên
cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ
của sự cầu nguyện.
Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu nguyện
thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện,
xin cho con gặp được con
người thật của con
và khuôn mặt thật của Chúa.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng
Tâm Hồn Lên
23 THÁNG GIÊNG
Tôn Trọng Nhân Vị Con Người
Tại Môi Trường Lao Động
Nhãn quan Kitô giáo về thực tại tập chú trên con người và phẩm
giá của con người xét như một ngôi vị được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa.
Đó là lý do vì sao tôi muốn khẳng định mạnh mẽ rằng nhân vị phải luôn luôn là mối
ưu tiên đệ nhất trong lao động. Khẳng định ấy sẽ đưa ta tới một quan điểm hết sức
quan trọng về đạo đức. Đành rằng quả thật con người được gọi và được định liệu
để lao động; song, lao động tiên vàn là cho con người, chứ không phải con người
cho lao động. Nói cho cùng, mọi loại lao động của con người – dù tầm thường hay
đơn điệu đến mấy đi nữa – cũng luôn luôn nhận cứu cánh của nó là chính con người
(Laborem exercens 6).
Toàn bộ cơ cấu lao động phải vận hành xoay quanh chiếc trục bản
lề là chính con người. Lao động là thực tại cao quí. Nhưng con người còn cao
quí hơn muôn muôn triệu lần. Con người là thiêng thánh. Và tính thiêng thánh
này không thể bị xúc phạm. Dứt khoát phải tôn trọng nhân vị con người trong mọi
môi trường lao động.
Tính thiêng thánh ấy là gốc rễ từ đó bật ra tất cả các quyền đặc
biệt của con người. Bất cứ cảnh vực lao động nào muốn tạo lập một môi trường đạo
đức lành mạnh đều phải tôn trọng nhãn giới ấy về con người.
Thật vậy, chất lượng luân lý và đạo đức của một doanh nghiệp –
và thường kể cả mức hiệu năng của doanh nghiệp ấy trên thị trường nữa – được đo
lường chính nơi thái độ của doanh nghiệp này đối với con người.
Công nghệ, tư bản, lợi nhuận, và tất cả những gì góp phần đem lại
sự thành công về tài chánh đều được trân trọng và tưởng thưởng theo mức độ mà
chúng tôn trọng phẩm giá con người trong môi trường lao động. Chúng phải luôn
luôn lệ thuộc con người – và con người phải luôn luôn chiếm được sự quan tâm
hàng đầu tại mọi môi trường lao động.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
23-01
Thứ Sáu tuần II thường niên
Dt 6,8-13 ; Mc 3,13-19.
LỜI SUY NIỆM: “Rồi Người lên núi và gọi đến với
Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để
các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng với quyên trừ quỷ.”
(Mc 3,13-15).
Đã
đến thời điểm quan trọng của cuộc sống cũng như sứ điệp của Chúa cần được loan
báo rông khắp và được tiếp tục loan báo cho toàn thể nhân loại. Chúa Giêsu đã gọi
những kẻ Chúa muốn. Ngài đã lập Nhóm Mười Hai. Đây là những Giám Mục tiên khởi,
chính những vị Giám Mục này đã được Chúa Giêsu muốn và đã chọn để thay mặt Chúa
trên trần gian này, để tiếp tục loan báo sứ điệp của Ngài. Ngày hôm nay chúng
ta cũng có những vị Giám Mục ở giữa chúng ta. Các ngài đang chăm sóc đời sống của
chúng ta, không những chỉ riêng người Ki-tô hữu, mà gồm tất cả những con người
đang sống trong địa phận của ngài. Trong đời sống hiện tại của mỗi chúng ta phải
biết tôn trọng các ngài, vì các ngài đều đã được Xức Dầu là đấng thay mặt Chúa
Giêsu trên trần gian này; chúng ta phải biết vâng nghe những giáo huấn của các
ngài; bởi những giáo huấn này sẽ giúp chúng ta đi đúng con đường dẫn về Nước Trời,
đồng thời cũng phải biết đem hết nhiệt tâm cọng tác với các ngài trong sứ vụ
truyền giáo. để Ơn Cứu Độ đến được với mọi người trong nhân loại hôm nay.
Mạnh Phương
23 Tháng Giêng
Chúa
Giêsu Ði Xem Bóng Ðá
Một linh mục Ấn Ðộ chuyên về huấn luyện tu đức là cha Anthony de
Mello đã tưởng tượng ra một câu chuyện như sau: Chúa Giêsu than phiền là Ngài
chưa được một lần tham dự một trận túc cầu. Chúng tôi bèn đưa Ngài đi xem một
trận đấu rất gay go giữa một đội Tin Lành và một đội Công Giáo. Ðội Công Giáo
làm bàn trước một không. Chúa Giêsu vỗ tay hoan hô và tung cả mũ lên trời. Vài
phút sau, đội Tin Lành lại làm bàn. Lần này Chúa Giêsu cũng vỗ tay reo hò và
tung mũ lên trời.
Một khán giả ngồi bên cạnh lấy làm khó chịu về thái độ của Chúa
Giêsu. Ông ta lấy tay đập lên vai Ngài rồi hỏi: "Ê ông bạn, ông bạn ủng hộ
bên nào vậy?". Xem chừng như vẫn còn bị khích động bởi trận đấu, Chúa
Giêsu trả lời: "Tôi hả? Tôi không ủng hộ bên nào cả. Tôi đến đây là chỉ để
thưởng thức trận đấu thôi". Người khán giả khó chịu về thái độ của Chúa
Giêsu, nay lại càng bực bội hơn. Ông quay sang người bên cạnh và nói nhỏ:
"Hắn là một tên vô thần".
Trên đường trở về nhà, chúng tôi chất vấn Chúa Giêsu về tình
hình tôn giáo trên thế giới. Chúng tôi nói với Ngài: "Thưa Chúa, những con
người có tôn giáo thật là buồn cười. Họ tưởng rằng Chúa Giêsu chỉ đứng riêng về
phía họ và nghịch lại với những người thuộc tôn giáo khác".
Chúa Giêsu gật đầu tỏ vẻ ưng ý. Ngài nói: "Ðó là lý do tại
sao ta không ủng hộ tôn giáo mà chỉ ủng hộ con người. Con người quan trọng hơn
tôn giáo. Con người trọng hơn ngày Sabbat. Chúng con nên biết là chính những
người có tôn giáo đã treo Ta lên thập giá".
Câu chuyện tưởng tượng trên đây cho chúng ta thấy rằng một trong
những vết thương lớn nhất của nhân loại trải qua mọi thời đại: đó là thái độ bất
khoan dung đưa đến những cuộc chiến tranh tôn giáo. Con người ai cũng bị cám dỗ
nhân danh Thượng Ðế, thần minh và hệ tư tưởng của mình để triệt hạ, để loại trừ,
để bách hại người khác. Kỳ thực, có tôn giáo nào mà không dạy sự khoan dung,
lòng nhân từ đối với mọi người?
Chúa Giêsu đến để mạc khải cho chúng ta một Thiên Chúa là Cha của
mọi người. Ngài là Ðấng làm cho mặt trời mọc lên cho người lành cũng như kẻ dữ.
Ngài yêu thương những kẻ nhận biết và yêu mến Ngài cũng như những kẻ chối bỏ và
thù ghét Ngài. Ngài muốn chúng ta yêu thương nhau như anh em cùng một gia đình.
Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta là Ðấng mà người ta cũng sẽ chối
bỏ nếu người ta khước từ chính anh em đồng loại của mình. Thiên Chúa mà Chúa
Giêsu mạc khải là Ðấng mà người ta cũng sẽ xúc phạm nếu xúc phạm đến con người.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét