Chúa Nhật sau Lễ Hiện Xuống
Lễ Chúa Ba Ngôi Năm B
Bài Ðọc I: Ðnl 4, 32-34.
39-40
"Chính Chúa là Thiên
Chúa, chớ không có Chúa nào khác".
Trích sách Ðệ Nhị Luật.
Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng:
"Các ngươi hãy tìm hiểu những thời xa xưa trước kia, từ khi Thiên Chúa tác
thành con người trên mặt đất, từ chân trời này đến chân trời nọ, có bao giờ xảy
ra một việc vĩ đại như thế này chăng? Có bao giờ người ta đã nghe thấy những việc
lạ lùng như vậy chăng? Có bao giờ một dân tộc đã nghe lời Thiên Chúa từ trong lửa
phán ra như các ngươi đã nghe mà còn sống chăng? Có bao giờ Chúa đã dùng sự thử
thách, dấu chỉ, điềm lạ, chiến tranh, cánh tay quyền năng mạnh mẽ và những thị
kiến khủng khiếp, để chọn lấy cho mình một dân tộc giữa các dân tộc khác, như
Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã làm tất cả các điều đó trước mặt các ngươi
trong đất Ai-cập chăng? Vậy hôm nay các ngươi hãy nhận biết và suy niệm trong
lòng rằng: Trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào
khác. Hãy tuân giữ các lề luật và giới răn mà hôm nay chính ta truyền dạy cho
các ngươi, hầu cho các ngươi và con cháu mai sau được hạnh phúc và tồn tại trên
phần đất mà Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho các ngươi".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 32, 4-5. 6 và 9.
18-19. 20 và 22
Ðáp: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình (c. 12b).
Xướng: 1) Vì lời Chúa là lời
chân chính, bao việc Ngài làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh
chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa. - Ðáp.
2) Do lời Chúa mà trời xanh
được tạo thành, và mọi cơ binh chúng đều do hơi thở miệng Ngài. Vì chính Ngài
phán dạy mà chúng được tạo thành, chính Ngài ra lệnh mà chúng trở nên thực hữu.
- Ðáp.
3) Kìa Chúa để mắt coi những
kẻ kính sợ Ngài, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Ngài, để cứu gỡ họ khỏi
tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn. - Ðáp.
4) Linh hồn chúng con mong đợi
Chúa, chính Ngài là Ðấng phù trợ và che chở chúng con. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ
bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Rm 8, 14-17
"Anh em đã nhận tinh
thần nghĩa tử; trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên rằng: Abba, lạy Cha!".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ
gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, ai sống theo
Thánh Thần Thiên Chúa, thì là con cái Thiên Chúa. Vì không phải anh em đã nhận
tinh thần nô lệ trong sợ hãi nữa, nhưng đã nhận tinh thần nghĩa tử; trong tinh
thần ấy, chúng ta kêu lên rằng: "Abba - lạy Cha!" Vì chính Thánh Thần
đã làm chứng cho tâm trí chúng ta rằng: Chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy nếu
là con cái, thì cũng là những người thừa tự, nghĩa là thừa tự của Thiên Chúa,
và đồng thừa tự với Ðức Kitô: vì chúng ta đồng chịu đau khổ với Người, để rồi
chúng ta sẽ cùng hưởng vinh quang với Người.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Kh 1, 8
Alleluia, alleluia! - Sáng
danh Ðức Chúa Cha, và Ðức Chúa Con, và Ðức Chúa Thánh Thần; sáng danh Thiên
Chúa, Ðấng đang có, đã có và sẽ đến. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 28, 16-20
"Làm phép rửa cho họ,
nhân danh Cha và Con và Thánh Thần".
Bài kết thúc Tin Mừng Chúa
Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, mười một môn đệ đi về
Galilêa, đến núi Chúa Giêsu chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người,
nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: "Mọi
quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy
muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ
tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi
ngày cho đến tận thế".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Thiên Chúa là tình yêu. Ba
Ngôi Thiên Chúa yêu thương nhau, hiệp nhất trong một Thiên Chúa. Mầu nhiệm
Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm của tình yêu và đã được Ðức Giêsu mạc khải.
Tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi được thể hiện trong chương trình cứu độ:
Chúa Cha ban sáng kiến - Chúa
Con thực hiện - và Chúa Thánh thần chuyển thông ơn cứu độ.
Ðón nhận được tình yêu của
Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta sẽ sống với tất cả tâm tình người con thảo hiếu.
Lòng tin và yêu mến ấy phải thể hiện bằng đời sống cầu nguyện, kết hiệp với Ðức
Giêsu và trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Ba Ngôi, chúng con
tin Chúa toàn năng và đầy tình yêu thương. Khi suy ngắm mầu nhiệm, chúng con
càng cảm nghiệm hơn về tình yêu Chúa dành cho loài người chúng con. Xin cho
chúng con luôn trung thành tin yêu phụng thờ Chúa. Xin cho gia đình, giáo xứ
chúng con cũng biết sống yêu thương hiệp nhất với nhau trong tình yêu của Chúa.
Chính lúc chúng con sống yêu thương là chúng con sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.
Amen.
(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)
Ba Ngôi đều chỉ hành động
cho ta và chỉ muốn yêu
ta
Suy Niệm:
Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi Năm B
Thứ Luật 4,32-34.39-40; Thư Roma 8,14-17; Tin Mừng
Matthêu 28,16-20
Chúa nhật trước, chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống.
Hôm nay, chúng ta mừng lễ Thiên Chúa Ba Ngôi. Liên lạc, tương quan giữa hai
ngày lễ có thể tìm thấy ngay trong bài đọc II hôm nay. Thánh Phaolô quả quyết:
chúng ta đã nhận được tinh thần nghĩa tử và trong tinh thần ấy chúng ta kêu lên
rằng Abba, lạy Cha. Vì chính Thánh Thần làm chứng cho tâm trí chúng ta rằng:
chúng ta là con cái Thiên Chúa.
Như vậy theo thánh Phaolô, chính Thánh Thần khi ngự xuống
lòng ta, đốt lửa mến Chúa lên trong lòng ta khiến ta tự nhiên gọi Thiên Chúa là
Cha. Rồi trong một đoạn thư khác, thánh Phaolô lại viết: cũng như trong con người
chúng ta, chỉ có một tinh thần chúng ta mới hiểu biết được những sự thâm sâu ở
trong mình; thì cũng vậy, chỉ có Thánh Thần mới hiểu biết được mầu nhiệm sâu xa
nơi Thiên Chúa. Thế mà Thánh Thần đã hiện xuống trên chúng ta, hành động nơi
tâm hồn chúng ta, nên sau lê Chúa Thánh Thần Hiện xuống, chúng ta mừng lễ Mầu
Nhiệm Chúa Ba Ngôi thật là phải lẽ. Chính Chúa Yêsu cũng đã tuyên bố: khi Thánh
Thần đến Người sẽ dạy dỗ chúng ta tất cả sự thật và nhắc nhở, soi sáng để chúng
ta hiểu lại mọi điều Chúa Yêsu đã nói với chúng ta. Thế mà sứ mạng giáng trần của
Chúa Yêsu cũng là mạc khải danh Chúa Cha cho loài người, tức là làm cho loài
người hiểu biết về Thiên Chúa. Do đó sau Chúa nhật lãnh nhận Thánh Thần, hôm
nay chúng ta được hiểu biết về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi để mến yêu nhiều hơn và
được hạnh phúc.
Như hôm lễ Hiện xuống, chúng ta đã thấy sau khi nhận được
Thánh Thần, các tông đồ trở nên sốt mến, nói lên những lời ca tụng các kỳ công
của Thiên Chúa. Ðó là các tác động đầu tiên của ơn Thánh Thần. Không phải vô lý
mà Người đã lấy hình lưỡi lửa để hiện xuống. Lửa vừa soi sáng vừa sưởi nóng.
Thánh Thần soi sáng để chúng ta biết Chúa và sốt sắng yêu mến Chúa. Người là
tình yêu. Tình yêu tràn ngập lòng ai sẽ làm cho người đó kêu lên những lời ân
ái. Mà lời ân ái chúng ta tự nhiên kêu lên Thiên Chúa khi hiểu tình thương của
Người là "Abba, lạy Cha".
Thiên Chúa thật là Cha chúng ta và là Cha của mọi tạo vật.
Chính Người đã dựng nên trời đất và sinh ra tất cả mọi loài. Người yêu thương
loài người hơn hết, nên đã dựng nên họ sau hết mọi loài, để vừa sinh ra con người
đã có đủ mọi sự cần dùng. Người còn yêu thương ta đến nỗi đã dựng nên chúng ta
giống hình ảnh Người và sinh ra loài người có nam có nữ để ngay từ đầu con người
đã biết sống bằng tình thương. Sách thánh còn kể Thiên Chúa dựng nên địa đàng
cho Adong Evà. Và nếu chúng ta biết nhìn thì sông kia núi nọ chim trời cá nước,
tất cả đều nói lên sự phong phú hùng vĩ tươi đẹp của thiên nhiên, chứng tỏ khả
năng tạo dựng sinh sản kỳ diệu của Ðấng hóa công. Ai nhìn thấy giang san gấm
vóc và các cảnh núi non hùng vĩ mà không gọi trời là Cha?
Nhưng Thánh Thần ở trong lòng ta không phải chỉ muốn kêu
lên chữ "Cha" tự nhiên ấy... Người cũng đã ở trong lòng và nơi môi miệng
Môsê để ông còn nhắc đi nhắc lại trong bài đọc I hôm nay: Thiên Chúa là Cha của
dân. Người đã coi dân như con cái, không phải chỉ giải phóng dân khỏi ách đô hộ,
ban đất chảy sữa và mật cho dân, nhưng nhất là làm cho dân những kỳ công mà ai
nhìn vào cũng thấy ngay. Người cưng dân như cha như mẹ. Có lần Người tuyên bố rõ
hơn: Người đã ghi tên dân vào lòng bàn tay đến nỗi dù có người mẹ nào quên được
con cái thì Người cũng chẳng bao giờ quên dân. Môsê bảo người Dothái đừng bao
giờ quên điều đó. Hạnh phúc cho họ nếu họ luôn luôn nhớ rằng, không những Chúa
là Cha của họ vì đã sinh ra họ, nhưng nhất là vì Chúa đã chọn họ giữa muôn ngàn
dân để yêu chiều họ như con cưng trìu mến.
Người Kitô hữu còn có lý do sâu xa hơn nữa để kính thờ
Thiên Chúa là Cha. Bởi vì sang thời Tân Ước Thiên Chúa đã yêu thương loài người
đến nỗi sai Con Một yêu quý Người xuống thế để làm cho tất cả những ai tin vào
Con yêu quý Người, trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa Cha. Mà quả vậy, từ ngày tin
Chúa Yêsu, chúng ta đã được cầu xin Thiên Chúa rằng: lạy Cha chúng con ở trên
trời. Chúa Yêsu đã sát nhập chúng ta vào trong cơ thể Người, để ở trong Người,
chúng ta được xưng Cha - con với Thiên Chúa. Việc xưng hô này sâu xa khác hẳn
khi lương dân gọi trời là Cha và khi người Dothái kêu Ðức Yavê là Cha. Chúng ta
kêu Thiên Chúa là Cha khi chúng ta ở trong cơ thể Ðức Kitô là Con Một yêu dấu của
Thiên Chúa. Như lời Thánh Thư hôm nay nói: chúng ta là con Chúa một cách đặc biệt,
nên chúng ta là người thừa tự tất cả những gì mà Thiên Chúa có và đã làm ra,
như con cái trong nhà sẽ được lãnh nhận tất cả gia sản mà cha mẹ đã tạo dựng.
Thiên Chúa đã tạo dựng trời đất. Thiên Chúa đã làm những kỳ công trong lịch sử.
Tất cả bây giờ thành sản nghiệp của chúng ta vì chúng ta đã là con cái Chúa
trong Ðức Yêsu cứu thế.
Như vậy, ngày lễ Thiên Chúa Ba Ngôi hôm nay trước hết
chúng ta hãy thờ lạy, kính yêu cảm tạ Thiên Chúa Cha. Người thật là Cha vì hằng
nuôi dưỡng chúng ta và nhất là vì Người không ngừng ban ơn nghĩa tử để chúng ta
được làm con Người ở trong Ðức Kitô. Và chúng ta chỉ có thể hiểu được tình Cha
của Người khi nhìn vào tương quan giữa Người với Ðức Kitô.
Phúc Âm cho ta thấy Ðức Kitô không phải chỉ là một nhà
tiên tri xuất chúng, một vị sáng lập ra một tôn giáo mới. Từ khi đầu thai tới
khi vượt qua về trời, để gửi Thánh Thần xuống, tất cả cuộc đời của Người nói
lên Người chỉ là Chúa Con lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa Cha. Chính Người đã
nói: Người không có gì riêng cả. Mọi sự ở nơi Người, cho đến sự sống và sự chết,
giáo lý cũng như việc làm hết thảy đều của Chúa Cha ban cho và trao cho. Thấy
Chúa Cha sống làm sao, Người làm y hệt như vậy, đến nỗi Người nói với
Philipphê: "Ai thấy Thầy cũng thấy Cha Thầy", vì thật ra Người chỉ là
hình ảnh Chúa Cha. Người với Chúa Cha là một. Người xuống trần gian đâu có phải
để làm việc riêng. Ý của Chúa Cha là lương thực nuôi dưỡng Người hằng ngày và
Người chỉ sống để mạc khải Danh Chúa Cha, để hoàn tất mọi điều Chúa Cha đã viết
về Người. Cuối cùng Người đã phải chết nhục nhã khổ sở cũng chỉ vì Người dám
quyết mình với Chúa Cha là một. Người với Chúa Cha là một, bởi vì giữa Chúa Cha
và Chúa Con, giữa hai ngôi vị ấy, tương quan mật thiết sâu xa duy nhất đến nỗi
ai thấy Chúa Con cũng như thấy Chúa Cha, vì Chúa Con không tự mình có gì cả
nhưng Chúa Cha đã ban tất cả những cái gì Chúa Cha có cho Chúa Con. Thành ra
chúng ta chỉ thật sự được làm con cái Thiên Chúa nếu chúng ta được ở trong cơ
thể Chúa Con. Và đó là điều chúng ta đã được từ ngày rửa tội. Và mỗi khi đến với
Mình Thánh, chúng ta lại được đồng hóa hơn với Chúa Con, để khi hợp nhất với
Chúa Con, chúng ta được thật là con cái Chúa Cha.
Và như vậy để làm gì?
Như thánh Phaolô
đã nói trong bài thư hôm nay, để chúng ta được đồng thừa tự với Ðức Kitô. Và muốn
biết Ðức Kitô đã được thừa tự gì, chúng ta hãy xem ngày Người sống lại và lên
trời. Người đã được đầy Thánh Thần đến nỗi thân thể của Người đã trở nên sáng
láng vinh quang y như vinh quang của Thiên Chúa Cha. Và Người đã sai Thánh Thần
đó xuống cho các môn đệ trong ngày Hiện xuống. Chúng ta chỉ cần nhìn vào đó mà
hiểu biết Chúa Thánh Thần� Người vô hình nhưng hành động
mãnh liệt. Người hành động như Chúa Cha vì Chúa Cha sinh ra muôn vật thế nào,
bây giờ Người đổi mới vũ trụ như vậy. Tất cả đã được tạo dựng lại trong ngày
Người hiện xuống. Người cũng hoàn thành công việc của Chúa Con vì tất cả những
gì Chúa Con muốn làm cho trần gian, bây giờ Người củng cố, đẩy mạnh và hoàn tất.
Người với Chúa Cha và Chúa Con cũng chỉ là một. Và cả ba đều hành động theo một
mục tiêu duy nhất: làm cho tất cả con cái loài người cùng toàn thể vũ trụ được
chia sẻ sự sống đời đời và hạnh phúc bất tận của chính các Người là Ba Ngôi
Thiên Chúa.
Ngày lễ Chúa Ba
Ngôi muốn chúng ta suy niệm chương trình cứu độ đầy tình thương đó. Mầu nhiệm
Chúa Ba Ngôi không được viết trong sách toán, nhưng trong sách Thánh là sách mạc
khải các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Câu tóm tắt sách Thánh, cô đọng mọi mạc khải
đã được Phúc Âm hôm nay gợi lên khi viết: chúng con hãy đi giảng dạy muôn dân,
làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, để hiến dâng họ cho
Thiên Chúa Ba Ngôi.
Như vậy, từ nay
chúng ta hãy quý dấu Thánh giá, hãy làm dấu đó để hiến dâng mình đi vào sự sống
phúc lộc của Thiên Chúa Ba Ngôi. Và mỗi lần muốn hiểu thêm về mầu nhiệm này, đọc
tất cả sách Thánh một lúc không được, nhưng nếu cứ ngẫm suy mọi điều trong kinh
Tin Kính, chúng ta sẽ lần lượt hiểu rõ tình thương của Chúa Cha, Chúa Con và
Chúa Thánh Thần, khiến chúng ta sẽ thấy đời thật ý nghĩa. Tôi mời anh chị em đứng
lên sốt sắng đọc kinh ấy, để hiểu thêm về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, để thấy rõ
ràng Ba Ngôi đều chỉ hành động cho ta và chỉ muốn yêu ta.
(Trích dẫn từ
tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố
Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Suy Niệm
“Nếu bạn đi khắp cùng trời cuối đất,
bạn sẽ gặp những dấu vết của Thiên Chúa.
Nếu bạn đi thẳng vào cung lòng bạn,
bạn sẽ gặp chính Thiên Chúa.”
bạn sẽ gặp những dấu vết của Thiên Chúa.
Nếu bạn đi thẳng vào cung lòng bạn,
bạn sẽ gặp chính Thiên Chúa.”
Nhiều người đã gặp thấy Ngài nhờ chiêm niệm suy tư.
Nhưng con người không thể biết hết về Thiên Chúa,
cũng không thể mô tả cho đủ về Ngài.
Có những thiếu sót, vụng về và đôi khi sai lạc.
Ai có thể giúp ta thấy được khuôn mặt thực của Thiên Chúa?
Ai sẽ chỉ cho ta con đường để gặp gỡ Ngài?
Phải là Ðấng ở nơi cung lòng Thiên Chúa,
Ðấng ấy là Ðức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể.
Nhờ Ðức Giêsu mà mầu nhiệm Thiên Chúa được vén mở,
nhờ Ngài mà chúng ta biết
có một Thiên Chúa duy nhất trong ba Ngôi Vị
là Cha, Con và Thánh Thần.
Ba Ngôi khác nhau nhưng là cùng một Thiên Chúa.
Nhưng con người không thể biết hết về Thiên Chúa,
cũng không thể mô tả cho đủ về Ngài.
Có những thiếu sót, vụng về và đôi khi sai lạc.
Ai có thể giúp ta thấy được khuôn mặt thực của Thiên Chúa?
Ai sẽ chỉ cho ta con đường để gặp gỡ Ngài?
Phải là Ðấng ở nơi cung lòng Thiên Chúa,
Ðấng ấy là Ðức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể.
Nhờ Ðức Giêsu mà mầu nhiệm Thiên Chúa được vén mở,
nhờ Ngài mà chúng ta biết
có một Thiên Chúa duy nhất trong ba Ngôi Vị
là Cha, Con và Thánh Thần.
Ba Ngôi khác nhau nhưng là cùng một Thiên Chúa.
Thiên Chúa là Tình Yêu,
Ngài duy nhất nhưng không đơn độc.
“Ta và Cha là một” (Ga 14,10).
“Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta” (Ga 16,15).
Tình yêu khăng khít giữa Cha và Con là Thánh Thần.
Trong niềm hạnh phúc sung mãn,
Ba Ngôi đã dựng nên con người giống hình ảnh mình
và muốn đưa con người đi vào hiệp thông với Thiên Chúa.
“Ðến với Chúa Cha, nhờ Chúa Con
và trong Chúa Thánh Thần”:
đó là hành trình thiêng liêng của mọi Kitô hữu.
Ngài duy nhất nhưng không đơn độc.
“Ta và Cha là một” (Ga 14,10).
“Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta” (Ga 16,15).
Tình yêu khăng khít giữa Cha và Con là Thánh Thần.
Trong niềm hạnh phúc sung mãn,
Ba Ngôi đã dựng nên con người giống hình ảnh mình
và muốn đưa con người đi vào hiệp thông với Thiên Chúa.
“Ðến với Chúa Cha, nhờ Chúa Con
và trong Chúa Thánh Thần”:
đó là hành trình thiêng liêng của mọi Kitô hữu.
Chúng ta cần ý thức về sự hiện diện của Ba Ngôi
ở trong ta.
“Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy
và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy
và Chúng Ta sẽ đến và cư ngụ nơi người ấy” (Ga 14,23).
“Cha sẽ ban cho các anh một Ðấng Phù Trợ khác
để Ngài ở với các anh luôn mãi” (Ga 14,16).
Chúng ta cần có tương quan riêng với từng Ngôi!
Chúa Cha, Ðấng hằng làm việc để duy trì vũ trụ, con người.
Chúa Con, Ðấng cứu chuộc nhân loại bằng hy sinh mạng sống.
Chúa Thánh Thần, Ðấng thánh hoá và dẫn dắt Giáo Hội.
“Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy
và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy
và Chúng Ta sẽ đến và cư ngụ nơi người ấy” (Ga 14,23).
“Cha sẽ ban cho các anh một Ðấng Phù Trợ khác
để Ngài ở với các anh luôn mãi” (Ga 14,16).
Chúng ta cần có tương quan riêng với từng Ngôi!
Chúa Cha, Ðấng hằng làm việc để duy trì vũ trụ, con người.
Chúa Con, Ðấng cứu chuộc nhân loại bằng hy sinh mạng sống.
Chúa Thánh Thần, Ðấng thánh hoá và dẫn dắt Giáo Hội.
Sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi
là sống hiệp thông và chia sẻ,
là ở lại trong Tình Yêu
vì “ai ở trong Tình Yêu thì ở lại trong Thiên Chúa
và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4,16).
là sống hiệp thông và chia sẻ,
là ở lại trong Tình Yêu
vì “ai ở trong Tình Yêu thì ở lại trong Thiên Chúa
và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4,16).
Mỗi ngày chúng ta làm dấu nhiều lần trên thân
xác
“Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”
Ước gì chúng ta cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi
trên cuộc đời ta, trên thế giới chúng ta đang sống.
Chúng ta đã được chịu Phép Rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi,
nhưng làm Phép Rửa cho muôn dân
vẫn còn là ước mơ Ðức Giêsu chờ ta thực hiện.
“Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”
Ước gì chúng ta cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi
trên cuộc đời ta, trên thế giới chúng ta đang sống.
Chúng ta đã được chịu Phép Rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi,
nhưng làm Phép Rửa cho muôn dân
vẫn còn là ước mơ Ðức Giêsu chờ ta thực hiện.
Cầu Nguyện
Giữa một thế giới
đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các Kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các Kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Tôn Thờ Chúa Ba Ngôi Trong Đời Sống
Suy Niệm
Tin Mừng
Trong thời Cựu ước, mầu nhiệm Một Chúa
Ba Ngôi không được mạc khải cho dân được chọn. Bị bao vây bởi các dân thờ đa thần,
dân Do thái được Thiên Chúa truyền dậy qua Môsê là họ phải tôn thờ một Thiên
Chúa là Chúa tể duy nhất, hằng hữu, toàn năng và chân thật, ngoài ra không có
chúa nào khác (Ðnl 4:39). Đó là điều thiết yếu trong tôn giáo độc thần của họ.
Do đó, đề cập đến mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi có thể khiến họ lầm tưởng rằng
có ba chúa hay ba thần. Mà ba chúa hay ba thần là điều trái nghịch với nền tôn
giáo độc thần của họ, lại còn có thể làm giảm lòng tin của họ vào một Chúa.
Thế nên Thánh kinh Cựu ước không nói gì
về mầu nhiệm một Chúa Ba ngôi. Đôi khi Thánh kinh Cựu ước mới ám chỉ, chứ không
nói rõ, về Ba ngôi Thiên Chúa. Chẳng hạn như trong sách Sáng thế, Thiên Chúa
dùng số nhiều để nói về mình: Chúng ta hãy tạo dựng con người theo hình ảnh
chúng ta (St 1:26). Đại danh từ ngôi thứ nhất số nhiều ở đây là chúng ta, ám chỉ
rằng có hơn một ngôi vị nơi Thiên Chúa.
Chỉ khi Chúa Giêsu xuống thế làm người
chứng tỏ Người là Con Thiên Chúa và hứa sai Chúa Thánh thần xuống để an ủi, thánh
hoá và ban sức mạnh thiêng liêng cho loài người, thì tín điều Ba Ngôi Thiên
Chúa mới được tỏ hiện. Khi ông Gioan tiền hô làm phép rửa cho Đức Giêsu ở sông
Giođan, thì Chúa Thánh thần và Thiên Chúa Cha cũng được bày tỏ. Khi ra khỏi nước,
Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và
kìa có tiếng từ trời phán: Đây là Con yêu quí của Ta, Ta hài lòng về Người (Mt
3:16-17). Trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu còn bầy tỏ cho các tông đồ về Chúa Thánh
thần: Thầy ra đi thì có lợi cho chúng con hơn. Nếu Thầy không đi, Đấng Phù Trợ
sẽ không đến với chúng con (Ga 16:7).
Như vậy trong dòng lịch sử cứu độ, Chúa
Cha được bầy tỏ trước tiên, rồi đến Chúa Con, rồi đến Chúa Thánh Thần. Ba ngôi
trong một Chúa là một Mầu nhiệm. Ta có thể dùng hình tam giác cân để diễn tả mầu
nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong hình tam giác cân và đều, ta thấy ba cạnh và ba
góc đều nhau và bằng nhau, nhưng chỉ là một hình tam giác. Thánh Patriciô dùng
một lá tam diệp thể (shamrock) để so sánh mầu nhiệm Ba Ngôi Một Chúa. Ngài hỏi
dân Ái Nhĩ Lan xem họ thấy bao nhiêu lá tam diệp thể. Họ trả lời một. Rồi Ngài
hỏi vậy có bao nhiêu lá. Họ nói có ba. Khi học kinh bổn thời tiền Công đồng
Vaticanô II và sau đó một thời gian, ta còn nhớ học bằng cách tự hỏi, rồi tự
thưa. Những người sinh trước Công đồng Vaticanô II hẳn còn nhớ thưa thế nào cho
câu hỏi: Hỏi Đức Chuá Trời có mấy ngôi? Rồi người học tự thưa theo sách, hay
thưa theo những người đọc thuộc lòng: Thưa Đức Chúa Trời có Ba ngôi: Ngôi Nhất
là Cha, Ngôi Hai là Con, Ngôi Ba là Thánh Thần. Rồi Sách lại hỏi thêm: Hỏi
trong Ba Ngôi, có Ngôi nào trước, Ngôi nào sau, Ngôi là hơn, Ngôi nào kém
chăng? Họ lại tự thưa theo sách Bổn: Thưa Ba Ngôi cũng bằng nhau. Sở dĩ trước
đây giáo dân học kinh bổn thuộc lòng như vậy là vì người ta thiếu sách vở, và
có những người lại không biết đọc. Việc học thuộc lòng còn có điểm lợi là ghi tạc
vào tâm khảm của họ một niềm tin vững chắc như kiềng ba chân.
Một trong những điều Giáo hội muốn nhắc
nhở cho ta về Chúa Ba ngôi là dấu thánh giá. Dấu thánh giá nhắc nhở cho ta về
lòng tin vào hai mầu nhiệm quan trọng trong đức tin người công giáo là mầu nhiệm
một Chúa Ba ngôi và mầu nhiệm cứu chuộc. Ta thấy linh mục rửa tội nhân danh
Chúa Ba ngôi như lời Chúa dạy trong Phúc âm hôm nay: Hãy làm phép rửa cho họ nhân
danh Cha, và Con và Thánh Thần (Mt 28:20). Các bí tích khác cũng được cử hành
nhân danh Chúa Ba Ngôi. Trong phần đầu lễ, linh mục chủ tế dùng lời chúc bình
an của thánh Phaolô để chào đón giáo dân tham dự thánh lễ như sau: Nguyện xin
ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của
Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em. Linh mục kêu cầu Chúa Ba Ngôi khi cử
hành Bí tích Giải Tội. Linh mục sức dầu bệnh nhân, nhân danh Chúa Ba Ngôi. Đức
giám mục cử hành Bí tích Thêm sức trong dấu thánh Chúa Ba Ngôi. Ta bắt đầu và kết
thúc kinh đọc bằng dấu thánh giá tuyên xưng đức tin vào Chúa Ba Ngôi. Trước khi
ăn, ta cũng làm dấu thánh giá, tạ ơn Chúa Ba ngôi cho ta của ăn hàng ngày.
Biết được có mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi
còn làm giàu cho đời sống thiêng liêng của người tín hữu. Biết được có Chúa Cha
là Đấng tạo dựng loài người, Chúa Con là Đấng cứu chuộc nhân loại, Chúa Thánh
Thần là Đấng thánh hoá, an ủi, ban sức mạnh thiêng liêng giúp ta dễ dàng cầu
nguyện, biết phải xin với Ngôi Vị nào cho thích hợp. Xét về phương diện thần học
thì khi ta cầu nguyện với một Ngôi Vị là ta cầu nguyện với Ngôi Vị kia vì Ngôi
Cha, Ngôi Con, Ngôi Thánh Thần là một Chúa. Tuy nhiên xét theo tâm lý học, thì
để cho ăn chắc, ta có thể cầu nguyện với cả Ba Ngôi Vị cùng lúc như: Lậy Thiên
Chúa Ba Ngôi, con thờ lạy, chúc tụng và tạ ơn Ba Đấng. Con xin Ba Đấng ban cho
con được thế nọ, thế kia vân vân...
Thiết tưởng hôm nay nhân ngày lễ kính
Chúa Ba Ngôi ta cần trả lời vài thắc mắc sau đây: Ta có ý thức được chỗ đứng của
Chúa Ba ngôi trong đời sống chưa? Dấu thánh giá ta làm có nhắc nhở cho ta về
lòng tin vào Chúa Ba ngôi không? Ta có làm dấu thánh giá cách ý thức và kính cẩn,
hay làm một cách cẩu thả, vô ý thức?
Lời cầu nguyện: xin cho được biết tôn
thờ Chúa Ba Ngôi.
Lậy Thiên Chúa Ba Ngôi toàn năng!
Con thờ lậy, đội ơn và chúc tụng Ba
ngôi Thiên Chúa.
Con cảm tạ Chúa đã tạo thành nên con.
Xin Ngôi Hai Thiên Chúa tiếp tục công
việc cứu độ nơi con.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần thánh hoá đời
sống con.
Xin đến phù trợ mỗi khi con làm dấu
thánh giá,
kêu cầu đến Ba Ngôi Thiên Chúa. Amen
Lm Trần Bình Trọng
MỘT ĐỊNH MỆNH LÀM
CHOÁNG VÁNG MẶT MÀY
(Trích trong ‘Lương
Thực Ngày Chúa Nhật’ -
Achille Degeest)
Đức Giêsu tự giới thiệu
cho người ta như là Ngôi Con, trên Ngài Chúa Thánh Thần đậu xuống. Với tư cách
là Ngôi Con, Ngài không ngừng quy về Chúa Cha hành động của Ngài. Ngài là Ngôi
Con mạc khải Ngôi Cha trong quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Tin vào Đức Giêsu Kitô là
dấn thân chấp nhận mầu nhiệm căn bản này. Không phải chỉ là một sự chấp nhận về
tinh thần thôi. Nhưng là một sự tự hiến toàn thể con người ta vào trong hiệp
thông sống động với Thiên Chúa hằng sống, Đấng, với tư cách là Cha, sẽ làm cho
ta trở nên con cái Người, với tư cách là Thánh Thần sẽ thông báo cho ta sự sống
Thiên Chúa.
Niềm tin này sẽ được
thành toàn nhờ phép Rửa tội. Chính phép Rửa tội làm cho con người đạt tới tình
trạng làm con Thiên Chúa –làm anh em với Đức Kitô, là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần.
Nhờ niềm tin, con người đáp lại lời mời gọi của Chúa, lời mời gọi này được truyền
đạt nhờ lời rao giảng của Giáo Hội. Nhờ phép Rửa tội, Thiên Chúa tiếp nhận bước
tiến của con người và làm cho con người đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Như thế, có hai yếu tố chứa
đựng trong Lời Đức Giêsu nói: “Hãy đi thâu nạp môn đệ khắp muôn dân, rửa tội
cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Ta có thể hiểu chữ “môn đệ” bằng
hai cách:
a/ việc chấp nhận lời rao
giảng của Đức Giêsu, và
b/ việc đi vào hiệp thông
với Thiên Chúa nhờ bí tích Rửa tội.
Như thế, xuyên qua lời rao
giảng của Đức Giêsu và nhờ phép Rửa tội, rõ ràng là con người tiến đến một định
mệnh làm choáng váng mặt mày: con người được tham dự vào chính đời sống của
Thiên Chúa được mạc khải như là Cha, Con, Thánh Thần.
Đâu là những hiệu quả thực
tế của phép rửa chúng ta? Ở đây, chúng ta nêu lên 2 điểm:
1) Hậu quả thứ nhất
được chỉ rõ qua công thức: “Phép rửa nhân danh Đức Giêsu”. Thật vậy, nhiều đoạn
Tân Ước nói về phép rửa nhân danh Đức Giêsu. Có gì khác với phép rửa nhân danh
Thiên Chúa Ba Ngôi không? Trong bài diễn từ thứ nhất, thánh Phêrô nói: “Mỗi người
hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha thứ tội lỗi, và các
người sẽ được lĩnh ơn Thánh Thần” (Tđcv 2,38). Không thấy nói đến một phép rửa
được trao ban mà không móc nối với Chúa Cha, Con và Thánh Thần. Như thánh
Phaolô thường dạy: Phép rửa nhân danh Đức Giêsu chỉ rõ hậu quả này: kẻ chịu
phép rửa thuộc về Đức Kitô, được liên kết với Đức Kitô nhờ được tham dự cùng một
đời sống và được liên kết với các người chịu phép rửa khác nhờ được cùng liên kết
với Đức Kitô. Thánh Phaolô cũng nói: “Kẻ chịu Phép Rửa trở nên anh em với Đức
Kitô” (Rm 8,29), “Đền Thờ của Chúa Thánh Thần” (1Cr 6,19), “nghĩa tử của Chúa
Cha” (Gal 4,6).
2) Tiếp đến là nhờ
Phép Rửa tội, người tín hữu đi vào trong một quá trình đồng hoá với Đức Kitô. Đức Giêsu đã
chủ tâm muốn hoàn toàn trở nên Người Con ở giữa chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta
chỉ mơ ước một điều duy nhất: đến lượt chúng ta cũng hãy cố gắng trở nên con
cái Thiên Chúa. “Được rửa tội trong Đức Kitô” (Gal 3,27). Đối với thánh Phaolô,
mặc lấy Đức Kitô là để cho mình biến hoá thành Đức Kitô. Và đó là công việc của
Chúa Thánh Thần. Có được thế mới là thành công trong vấn đề ơn kêu gọi làm Con
Thiên Chúa. Nhưng điều này không thể thực hiện được mà không có sự cộng tác của
chúng ta. Một cách đơn sơ. Vấn đề đối với chúng ta chẳng phải là: cố gắng bước
chân theo gót Đức Kitô sao?
03/06/12 CHÚA NHẬT TUẦN 9 TN – B
Lễ Chúa Ba Ngôi
Mt 28,16-20
Lễ Chúa Ba Ngôi
Mt 28,16-20
MẦU NHIỆM TÌNH
YÊU
“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” (Mt 28,19)
Suy niệm: Đã là mầu nhiệm thì con người, với trí năng tự nhiên, không thể nào đạt thấu. Đối với mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo, điều đó lại càng đúng. Thánh Âutinh đã có cảm nghiệm về sự bất lực đó khi suy gẫm về mầu nhiệm cao cả thâm sâu này. Thế nhưng Chúa Giêsu đâu có muốn đè bẹp lý trí của chúng ta khi mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm này. Trái lại Ngài cho chúng ta biết Thiên Chúa là Ba Ngôi những vẫn là Một, bởi vì Chúa là Tình Yêu; Ngài cứu chuộc chúng ta cũng vì yêu thương, để đưa chúng ta vào trong Mầu Nhiệm Tình Yêu với Ngài. Chính vì thế những lời Chúa Giêsu sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng và làm phép rửa nhân danh Mầu Nhiệm Tình Yêu này là những lời đầy tâm tình tha thiết: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”
Mời Bạn: Lời mạc khải ấy mời gọi các môn đệ mọi thời đón nhận chân lý cao cả này bằng lòng khiêm nhường và yêu mến tin tưởng; đàng khác đó còn là mệnh lệnh sai chúng ta tiếp tục loan báo tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi đến cho anh chị em mình.
Sống Lời Chúa: Làm dấu Thánh Giá một cách thật trang nghiêm sốt sắng để nói lên tình yêu và niềm tin tưởng tuyệt đối của bạn vào Chúa Ba Ngôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con thật hạnh phúc được sống trong Tình Yêu của Chúa Ba Ngôi. Con nguyện sống theo lệnh truyền của Chúa để con được ở trong Chúa và Chúa ở trong con.
(www.5phutloichua.net)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chủ Nhật Lễ Ba Ngôi, Năm B
Bài đọc: Deut
4:32-34, 39-40; Rom 8:14-17; Mt 28:16-20.
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ:
Ba Ngôi Thiên Chúa hiệp nhất để lo liệu cho con người.
Vua David, tác giả Thánh Vịnh 8, sau khi đã suy gẫm về tình yêu Thiên Chúa và sự
bất xứng của con người, đã phải thốt lên: "Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,
muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm
nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?" Không phải chỉ có một ngôi, mà cả Ba
Ngôi Thiên Chúa đã cùng cộng tác để lo liệu cho con người. Điều này nhắc nhở
cho con người biết họ có địa vị cao quí trước Thiên Chúa; và họ phải biết sống
làm sao cho xứng đáng với tình yêu của Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa dành cho con người.
Trong Bài Đọc I, ông Moses nhắc lại hai đặc quyền mà dân tộc Israel được hưởng:
Thiên Chúa đã chọn họ làn dân riêng và ban Thập Giới cho họ. Trong Bài Đọc II,
thánh Phaolô nhắc nhở cho các tín hữu đặc quyền được làm con Thiên Chúa qua niềm
tin vào Đức Kitô, và họ sẽ được thừa hưởng gia tài của Ngài. Trong Phúc Âm,
Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ trước khi Ngài về trời: Các ông phải đi khắp
nơi thu nhận môn đệ và dạy bảo họ tuân giữ những gì Ngài đã dạy dỗ các
ông.
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chỉ có Đức Chúa là Thiên Chúa,
chứ không có thần nào khác nữa.
Chúng ta phải hiểu tình yêu Chúa dành cho dân tộc Do-thái, trước khi chúng ta
có thể hiểu tình yêu Thiên Chúa dành cho hết mọi người.
1.1/ Tình yêu Thiên Chúa dành cho dân tộc Do-thái: Người Do-thái rất hãnh diện
được Thiên Chúa chọn làm dân tộc riêng của Ngài từ muôn dân tộc trên thế giới.
Họ cũng hãnh diện về Thập Giới, vì không một dân tộc nào được thần minh của họ
thân hành hiện đến để ban Lề Luật cho. Trình thuật hôm nay nhắc nhở cách đại
cương tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân tộc Do-thái:
(1) Thiên Chúa tỏ mình cho dân tộc Israel: Sau khi đã vượt qua Biển Đỏ, Moses dẫn
dân chúng vào trong sa mạc để được thử luyện bởi Thiên Chúa. Trước khi vào Đất
Hứa, Ngài muốn ban cho dân Thập Giới; nhưng để tỏ uy quyền của Ngài cho dân biết
kính sợ, Ngài đã làm cho cả ngọn núi cháy bừng như lửa, và Ngài nói chuyện với
Moses từ đám lửa. Chứng kiến cảnh tượng này, dân Do-thái thất kinh vì mắt và
tai họ không chịu đựng nổi uy quyền của Thiên Chúa. Họ xin Moses để Thiên Chúa
nói với mình ông thôi, rồi ông sẽ nói với họ những gì Thiên Chúa muốn. Truyền
thống Do-thái tin không một ai nhìn thấy Thiên Chúa hay thiên sứ mà còn sống,
như ông Moses nhắc nhở cho dân chúng: "Có dân nào đã được nghe tiếng Thiên
Chúa phán từ trong đám lửa như anh em đã nghe, mà vẫn còn sống không?"
(2) Thiên Chúa chọn họ là dân riêng của Ngài: Ông Moses hỏi dân: "Có thần
nào đã ra công đi chọn lấy cho mình một dân tộc từ giữa một dân tộc khác, đã
dùng bao thử thách, dấu lạ, điềm thiêng và chinh chiến, đã dang cánh tay mạnh mẽ
uy quyền, gây kinh hồn táng đởm, như Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã làm
cho anh em tại Ai-cập, trước mắt anh em không?" Biến cố Xuất Hành ra khỏi
Ai-cập là biến cố đáng ghi nhớ, vì Thiên Chúa tỏ tình yêu và uy quyền của Ngài
cho dân tộc Do-thái, để giải thoát họ khỏi ách nô lệ của người Ai-cập.
1.2/ Bổn phận của người Do-thái: Mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân tộc Israel
là một giao ước, được ký kết giữa hai bên: Thiên Chúa sẽ yêu thương, bảo vệ, và
ban ơn cho họ; đổi lại, họ cũng phải chu toàn hai bổn phận sau:
(1) Con người phải thờ phượng một mình Thiên Chúa: "Vậy hôm nay, anh em phải
biết và để tâm suy niệm điều này: trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Đức
Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa." Thờ bụt thần khác hay
không thờ phượng Chúa trên hết mọi sự, là vi phạm giao ước với Thiên Chúa.
(2) Con người phải tuân giữ các giới răn của Người: Ông Moses long trọng truyền
lệnh cho dân: "Anh em phải giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người, mà
hôm nay tôi truyền cho anh em; như vậy anh em và con cháu anh em sau này sẽ được
hạnh phúc, và anh em sẽ được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh
em, vĩnh viễn ban cho anh em." Không tuân giữ Lề Luật, dù nhỏ mọn đến đâu
chăng nữa, cũng vi phạm giao ước này.
Từ một dân tộc Do-thái, tình yêu Thiên Chúa lan rộng đến mọi dân tộc khác, khi
Đức Kitô xuất hiện. Từ nay, ơn được làm con Thiên Chúa và được sống muôn đời là
của mọi người.
2/ Bài đọc II: Ai được Thánh Thần Thiên Chúa
hướng dẫn, người đó là con cái Thiên Chúa.
2.1/ Vai trò của Chúa Thánh Thần: Ngài soi sáng và hướng dẫn các tín hữu.
Chúa Cha là Người ban Thánh Thần: khi Chúa Cha ban Thánh Thần của Người cho ai,
kẻ đó là con cái Thiên Chúa, như Phaolô xác quyết: "Quả vậy, phàm ai được
Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa."
Có nhiều thần khí khác nhau trong thế gian; nhưng chỉ có một Thánh Thần duy nhất.
Thần khí mà con người sở hữu trước khi lãnh nhận Thánh Thần, là thần khí của nô
lệ và sợ hãi; nhưng khi đã được lãnh nhận Thánh Thần, con người trở thành nghĩa
tử của Thiên Chúa, và Thánh Thần thúc đẩy để con người có thể kêu lên hai tiếng
"Abba! Cha ơi!" với Chúa Cha.
Thánh Phaolô xác quyết: "Chính Thánh Thần cùng chứng thực với thần trí
chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa." Khi chúng ta tuyên xưng đức
tin vào Đức Kitô, chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa (Rm 3:28, Jn 1:12).
Chúng ta có một nhân chứng khác nữa là Thánh Thần; vì không ai có thể tuyên
xưng Đức Kitô là Thiên Chúa, mà không do Thánh Thần hướng dẫn (I Cor 12:3). Một
lần nữa, chúng ta thấy niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa là công việc của Ba
Ngôi Thiên Chúa.
2.2/ Các Kitô hữu là những người thừa kế gia tài của Thiên Chúa:
(1) Quyền
làm con: Như đã nói trên, con người trở thành con cái Thiên Chúa là nhờ tin vào
Đức Kitô, chứ không nhờ bất cứ lý do nào khác (Jn 1:13).
(2) Đồng thừa kế gia tài của Thiên Chúa với Đức Kitô: Thánh Phaolô lý luận:
"Vậy đã là con, thì cũng là người thừa kế; mà được Thiên Chúa cho thừa kế,
thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô." Đây là một hồng ân vô cùng lớn lao
mà Thiên Chúa ban cho con người: Tất cả những gì Thiên Chúa có, con người đều
được hưởng; tất cả những gì Đức Kitô có, con người đều có; tất cả những gì
Thánh Thần biết, con người đều có thể biết. Dĩ nhiên, để được hưởng hồng ân
này, con người phải sống hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa, và trung thành với
nghĩa vụ làm con của mình.
(3) Chung phần đau khổ, chung phần vinh quang: Khi đồng thừa kế gia sản với Đức
Kitô, con người không chỉ chung phần vinh quang, nhưng cũng chung phần với những
đau khổ Ngài chịu. Đau khổ Ngài đang chịu bây giờ là nơi thân thể của Ngài là
Giáo Hội; mà Giáo Hội là tất cả các tín hữu, những chi thể của một thân thể. Điều
này mở ra nhiều lộ trình mới để chúng ta có thể chung phần đau khổ với Đức
Kitô:
- Làm vơi đi đau khổ của anh chị em là làm vơi đi đau khổ cho Chúa;
- Giúp anh chị em yêu thương Chúa và đừng phạm tội là làm vơi đi đau khổ của
Chúa;
- Chịu đựng gian khổ để đưa anh chị em về với Chúa là làm vơi đi đau khổ của
Chúa ...
3/
Phúc Âm: Anh
em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ.
Chúa Giêsu truyền lệnh cho các môn đệ: "Thầy đã được trao toàn quyền trên
trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép
rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ
mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến
tận thế."
3.1/ Tiếng gọi truyền giáo: Các ông phải tiếp tục làm cho tất cả mọi người trở
nên môn đệ của Chúa Ba Ngôi. Hai bổn phận quan trọng nhất các ông phải làm:
(1) Làm Phép Rửa cho họ: Điều kiện để chịu Phép Rửa là tin vào Đức Kitô. Để một
người tin vào Đức Kitô, cần có những người rao giảng Tin Mừng. Vì thế, bổn phận
quan trọng hàng đầu của người môn đệ là rao giảng Tin Mừng trước khi con người
có thể tin và chịu Phép Rửa để trở thành những người môn đệ mới của Chúa.
(2) Dạy bảo họ tuân giữ các giới răn: Để chứng tỏ niềm tin, các tín hữu cần giữ
các giới răn. Vì thế, bổn phận thứ hai của người môn đệ là tiếp tục dạy bảo để
các tín hữu giữ các giới răn của Chúa. Khi giữ các giới răn, người tín hữu tiếp
tục ở lại trong tình thương của Thiên Chúa.
3.2/ Lời hứa bảo đảm cho các môn đệ: Lúc nào họ cũng có Ba Ngôi Thiên Chúa ở với
họ.
(1) Chúa Giêsu đã được Chúa Cha trao toàn quyền trên trời cũng như dưới đất:
Ngài có toàn quyền trên tất cả mọi biến cố xảy ra trên thế gian. Nếu chúng ta
nhiệt thành rao giảng Tin Mừng, chúng ta sẽ không sợ thua cuộc trước bất cứ một
quyền lực nào của con người, thế gian, và quỉ thần. Điều này sẽ giúp chúng ta
hăng hái trong việc rao giảng Tin Mừng.
(2) Chúa Giêsu ở cùng các môn đệ mọi ngày cho đến tận thế: Chúa Giêsu không vắng
mặt trong cuộc đời các môn đệ sau khi Chúa về trời. Các môn đệ không những có
Chúa Thánh Thần làm việc từ bên trong, để các ông hiểu thấu những gì Chúa Giêsu
đã nói, và hướng dẫn để các ông am hiểu mọi sự thật. Các môn đệ còn có Chúa
Giêsu trợ giúp và bảo vệ từ bên ngoài. Ngài thấy rõ mọi sự việc xảy ra cho các
môn đệ, vì Ngài đang ngự bên hữu Chúa Cha để chuyển cầu những trợ giúp cần thiết
cho các môn đệ. Điều gì, các môn đệ xin nhân danh Chúa Giêsu, Chúa Cha sẽ không
bao giờ từ chối (Jn 16:23-26). Nếu các môn đệ xác tín sự hiện diện của Chúa Ba
Ngôi trong cuộc đời, họ sẽ không sợ hãi bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc đời,
và kiên trung làm chứng cho Thiên Chúa.
ÁP
DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Con người chúng ta có phẩm giá cao quí trước Thiên Chúa; vì thế, chúng ta phải
luôn biết sống làm sao cho xứng với địa vị cao quí này.
- Nếu chúng ta cùng chung phần đau khổ của Chúa Kitô, chúng ta cùng chung phần
vinh quang với Ngài, và ngược lại.
- Tiếng gọi truyền giáo phải luôn thôi thúc chúng ta là những môn đệ của
Chúa. Chúng ta đã làm gì để đáp lại lời mời gọi của Chúa?
- Chúng ta phải luôn ý thức sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa trong cuộc đời.
Ý thức này sẽ giúp chúng ta có sức mạnh chu toàn các bổn phận của người tín hữu.
Linh mục
Anthony Đinh Minh Tiên OP
Lễ Chúa Ba Ngôi, năm B
Suy niệm:Thiên Chúa là tình yêu.
Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương nhau, hiệp nhất trong một Thiên Chúa. Mầu nhiệm
Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm của tình yêu và đã được Ðức Giêsu mạc khải.
Tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi được thể hiện trong chương trình cứu độ:
Chúa Cha ban sáng kiến -
Chúa Con thực hiện - và Chúa Thánh thần chuyển thông ơn cứu độ.
Ðón nhận được tình yêu của
Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta sẽ sống với tất cả tâm tình người con thảo hiếu.
Lòng tin và yêu mến ấy phải thể hiện bằng đời sống cầu nguyện, kết hiệp với Ðức
Giêsu và trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ba Ngôi, chúng con tin Chúa toàn năng và đầy tình
yêu thương. Khi suy ngắm mầu nhiệm, chúng con càng cảm nghiệm hơn về tình yêu
Chúa dành cho loài người chúng con. Xin cho chúng con luôn trung thành tin yêu
phụng thờ Chúa. Xin cho gia đình, giáo xứ chúng con cũng biết sống yêu thương
hiệp nhất với nhau trong tình yêu của Chúa. Chính lúc chúng con sống yêu thương
là chúng con sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Amen.
Ghi nhớ : "Làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con
và Thánh Thần".
Lời Chúa Trong Gia Đình
CHÚA NHẬT IX THƯỜNG NIÊN, CHÚA BA
NGÔI;Đnl 4, 32-34.39-40; Rm 8, 14-17; Mt 28,16-20.
LỜI SUY NIỆM: Chúa Giêsu nói với
các môn đệ của Ngài: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh
em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh
Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền
cho anh em. Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28, 18-20)
Đây cũng là những lời nói của Chúa
Giêsu đang nói với mỗi người trong chúng ta. Trước hết Chúa cho chúng ta biết:
Chúa có toàn quyền trên trời dưới đất; còn mỗi người chúng ta đều được Ngài sai
đi và Ngài ở cùng với chúng ta luôn mãi. Đồng thời Ngài cũng cho chúng ta biết
có Ba Ngôi Thiên Chúa. Điều này bắt buộc mỗi người trong chúng ta phải học biết
về Ngài và những điều Ngài đã truyền dạy. Nếu chúng ta không học biết, những điều
Ngài truyền dạy, không sống đúng những đòi hỏi của Tin Mừng thì không những
chúng ta loan báo sai Tin Mừng mà còn phản lại Tin Mừng.
Mạnh
Phương
hg
Chúa Là Nơi Con Nương Tựa
Dạo tháng 6 năm 1985, những người theo dõi truyền hình bên Tây phương vẫn
còn nhớ mãi hình ảnh chiếc máy bay đang đậu ở phi trường, với viên phi công
trong buồng lái ngó ra ngoài nói chuyện với một số phóng viên, trong khi có một
người đứng bên cạnh, cầm súng dí sát vào đầu viên phi công. Ðó là hình ảnh của
viên phi công John Testrake trên chiếc máy bay của hãng hàm không TA, bị không
tặc uy hiếp trên đường bay từ thủ đô Hên của Hy Lạp về La Mã. Trong suốt 17
ngày, không tặc đã dùng lựu đạn và súng uy hiếp viên phi công, buộc ông phải
bay từ Bút qua Alger rồi bay về Bút cả thảy bốn lần. Họ cũng đã bắn chết một
hành khách, đánh đập một số hành khách khác. Cuối cùng họ đã để cho 39 con tin
trên máy bay được đem đến một căn nhà ở Bút rồi được chở về Ðoác trước khi được
trả tự do. Mặc dù không phải là con tin trên chiếc máy bay đó, nhiều người cũng
thấy căng thẳng hồi hộp chỉ vì theo dõi tin tức trên truyền hình hay truyền
thanh...
Mới đây, viên phi công John Testrake có thuật lại kinh nghiệm hi hữu của
mình. Anh nói như sau: "Lúc đó, tôi biết chắc chắn là có Chúa ở với tôi,
nên tôi không những không sợ hãi mà còn tràn ngập bình an tin tưởng là
khác". Anh cũng nói thêm rằng anh đã theo đạo năm lên 25 tuổi, nhưng lúc bấy
giờ anh chưa thật sự thức tỉnh, bắt đầu đọc Kinh Thánh và cầu nguyện một cách đều
đặn. Nhờ có Kinh Thánh mang trong mình, cho nên trong suốt 17 ngày bị uy hiếp,
anh vẫn không tỏ ra nao núng vì tin chắc có Chúa đang phù trợ anh...
Cách đây hai năm, John Testrake đã xin thôi không làm việc cho háng hàng
không TWA để tập trung vào các công việc từ thiện và để lái máy bay đưa các nhà
truyền giáo đến các vùng xa xôi hẻo lánh. Ði đến đâu, anh cũng thuật lại việc
Chúa đã giải cứu anh, nhất là việc Ngài đã ban cho anh bình an tin tưởng khi phải
chạm trán với tử thần.
Ai trong chúng ta
có lẽ cũng hơn một lần chạm trán với tử thần hay kinh qua những giờ phút đen tối
trong cuộc sống... Những người không có niềm tin thường sợ hãi bối rối vì không
biết những gì đang chờ đợi mình bên kia cuộc sống. Những người có niềm tin hẳn
không là những con người không biết sợ hãi, nhưng họ tin rằng bên cạnh họ luôn
có Ðấng che chở phù trợ họ.
Chúng ta có thái độ
nào khi đứng trước những giờ phút nguy ngập, những thử thách trong cuộc sống?
Chúng ta có tin tưởng rằng có Ðấng luôn ở bên cạnh chúng ta, để giữ gìn, phù hô
chúng ta không? Với niềm tin vững vào Tình Yêu của Ðấng luôn có mặt bên cạnh
chúng ta, chắc chắn chúng ta có thái độ lạc quan hơn trước cuộc sống, chúng ta
sẽ đối đầu với những khó khăn và thử thách với bình thản và vui tươi.
(Lẽ Sống)
Gương Thánh Nhân
Ngày 03-06:
Thánh CAROLÔ và PHÊRÔ LWANGA
và các bạn tử đạo (1885 - 1887)
Dân da đen sống ở miền Ouganda, Trung
Phi thuở ấy chưa hề nghe đến tên Chúa. Ma quỉ còn thống trị họ với mọi thứ phù phép. Họ chém giết lẫn nhau và ăn thịt nhau nữa. Trẻ em bị bỏ rơi. Đàn bà bị coi như thú vật phải làm việc mệt nhọc và bị sát hại theo sở thích của đàn ông.
Ngày kia hai cha thừa sai Lourdel và Livinhac đến với họ sau một cuộc hành trình đầy cực khổ. Các Ngài đến gặp nhà vua trong chòi của ông và buổi đầu mọi sự tốt đẹp. Các Ngài tận tụy phục vụ.
Dân da đen đã không
bao giờ tưởng tượng được điều các vị thừa sai nói cho lại là điều tốt đẹp như vậy: Họ có một người cha trên trời đã yêu thương họ đến nỗi đã ban con mình là Chúa Giêsu đến cứu chuộc họ, và Chúa Giêsu lại chết trên thánh giá đã họ được về trời với Người, như thế họ lại không yêu mến vâng phục Người để được gặp lại Người trong hạnh phúc bất tận sao ? Để được như vậy, họ quyết yêu thương nhau theo luật Chúa để nên tốt hơn. Khi đã cố gắng lãnh phép Rửa tội. Chúa Giêsu đổ tràn ơn thánh vào trong lòng họ và kết hợp với họ trong Bàn tiệc Thánh Thể.
Nhà Vua cũng rất thích điều các Cha nói. Những điều các Ngài rao giảng làm cho
các phù thủy và bọn người Ả rập buôn người giận dữ. Một thị động bị vu oan và bị thiêu sống. Anh ta xin được rửa tội và đã can đảm chịu cực hình, các nhà thừa sai cảm thấy cơn bách hại đã đến nên vội rửa tội cho những người đã được chuẩn bị rồi rút lui với một số trẻ em các Ngài đã chuộc lại được. Các Ngài rút lui
về bờ hồ phía nam, là nơi bệnh đậu mùa đang giết hại rất nhiều người. Số đông trẻ em sắp chết đều được rửa tội.
Các Ngài nói với một em bé 9 tuổi : Hãy cầu nguyện xin Chúa Giêsu cứu chữa con. Nhưng em bé trả lời : - Bây giờ được làm con Thiên Chúa, con không sợ chết nữa.
Được ba năm, nhà vua qua đời, các vị thừa sai trở lại, dân chúng mừng rỡ. Dân được rửa tội trước đã rửa tội cho nhiều người khác nữa. Việc tông đồ khởi sắc nhưng một viên chức của Tân vương đã gieo nghi ngờ đối với các thành quả của các Kitô hữu, nhất là đối với Giuse Mukasa, thủ lãnh các thị đồng, người đã chống lại sự vô luân của ông. Ông ta tâu vua rằng: các Kitô hữu mưu chiếm ngôi vua. Các phủ thủy bảo rằng bọn khởi xướng phải chết. Vua tin họ và Giuse bị thiêu sống. Lý hình muốn trói Ngài
lại nhưng Ngài nói:- Tôi chết vì đạo mà lại tìm cách thoát
thân sao ? Một Kitô hữu không có sợ chết đâu.
Nhà vua nghĩ rằng bản án nầy sẽ làm cho các Kitô hữu khiếp sợ. Trái lại, ngày càng có nhiều người theo đạo. Khi đi săn về, ông gọi tiểu đồng Mwafou 14 tuổi lại, và khi biết rằng em đang học đạo với một thiếu niên tên là Denis, ông truyền dẫn Denis lại, la lớn : - Tên nô lệ khốn khiếp, ngươi dạy đạo hả ?
Và ông dùng lưỡi dao tẩm thuốc độc hạ sát Denis.
Giận dữ đi ra, ông gặp Honôrat
và hỏi : - Mày cũng là
Kitô hữu hả ?
- Phải.
Và Hônôrat bị tra khảo, bị xẻ thịt. Bấy giờ vua khám phá ra một tân tòng là Giacôbê và tra gông vào cổ. Về nhà ông thúc trống tập họp các đao phủ lại. Bọn đao phủ và các phù thủy nhảy múa như được thoát khỏi ngục. Ngược lại tại các nhà thị đồng quang cảnh như thần tiên. Carôlô
Lwanga, chiến sĩ anh dũng nhất của triều đình đã rửa tội cho em bé Kizitô và ba trẻ em khác, dọn mình cho
các em chịu chết cách thánh thiện.
Ngày 28 tháng 5,
nhà vua truyền thiêu sống các thị đồng dám cầu nguyện. Mwa-Ga là con một đao phủ. Ba em khẩn khoản xin em trốn đi, nhưng em từ chối. Một chiến sĩ Kitô giáo nói
với vua : - Con lên
trời và cầu nguyện cho Đức Vua.
Các phạm nhân mạnh dạn tiến đi chịu khổ hình, gặp Pontianô tên đao phủ hỏi anh : - Mày biết cầu nguyện không ?
Vừa trả lời "biết" Pontianô bị chém đầu ngay. Những người khác nói : - Ở trên trời Pontianô sẽ cầu nguyện cho chúng ta được can đảm chịu chết.
Các vị tử đạo bị kềm cứng trong gông cùm
trong khi người con của đao phủ bị ép đến với cha mẹ. Họ phải đợi sáu ngày để chuẩn bị giàn thiêu, đã đến ngày xử, Mwaga nhảy xổ đến nhập bọn tại pháp trường, các vị tử đạo nói với nhau : - Chính tại nơi đây chúng mình được thấy Thiên Chúa.
Các Ngài bị đặt trên các tấm phên như những cây đuốc sống. Người ta đốt chân các vị tử đạo để mong các Ngài thôi
cầu nguyện, nhưng các Ngài đã trả lời : - Còn sống, chúng tôi sẽ không ngừng cầu nguyện.
Một phù thủy nói với các Ngài : Thiên
Chúa sẽ không giải thoát các Ngài đâu. Brunô trả lời : - Ông không đốt cháy linh
hồn chúng tôi được đâu, nhưng nó sẽ bay lên thiên đàng.
Giàn thiêu được đốt lên. Lời kinh lạy cha của các thánh còn vượt trên những tiếng la hét man rợ và những tiếng nổ lốp đốp của lò lửa. Người ta biết được là các Ngài đã chết khi hết nghe tiếng các Ngài cầu nguyện.
Ông vua da đen tự nhiên chắc rằng sau tội ác này, chẳng còn bóng dáng Kitô hữu nào trong xứ sở của ông nữa. Nhưng ngày nay, Ouganda có hơn nửa triệu tín hữu.
(Daminhvn.net)
Chúc Tụng Thiên Chúa Ba
Ngôi
"Chúc tụng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, vì Chúa đã tỏ lòng từ
bi đối với chúng ta". Ðó là lời mở đầu của thánh lễ mừng kính Thiên Chúa
Ba Ngôi. Các bản văn phụng vụ không nhằm giải thích tại sao một Thiên Chúa duy
nhất mà lại có ba ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Mạc khải trọn vẹn về mầu nhiệm
Thiên Chúa Ba Ngôi đã được hoàn tất nơi Chúa Giêsu Kitô. Nhưng cả khi mạc khải
cho các môn đệ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu cũng không dạy tại
sao Thiên Chúa duy nhất phải có ba ngôi. Chúa Giêsu đã mạc khải cho các tông đồ,
nhất là trong bài diễn văn về việc hiện hình trong bữa tiệc ly vì sự hiện diện
và tác động của từng ngôi Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần, và về mối tương
quan hiệp nhất giữa ba ngôi mà không giải thích lý do tại sao. Các tông đồ lúc
đó cũng không thắc mắc tại sao như vậy, nhưng các ngài đã yêu mến chấp nhận và
sống mầu nhiệm với hết lòng chân thành: "Ta và Cha Ta, chúng ta chỉ là một.
Ai tuân giữa giới răn Ta truyền, thì chúng ta sẽ đến ngự trong người đó".
Và nơi Phúc Âm thánh Gioan chương 16,12-15 được dùng trong thánh lễ kính Ðức
Chúa Trời Ba Ngôi là những lời Chúa Giêsu mạc khải về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên
Chúa Cha, Con và Thánh Thần.
Vấn đề quan trọng nhất không phải là biết hết tất cả mọi sự về Thiên Chúa,
mà là sống mầu nhiệm về Thiên Chúa. Sự hiểu biết của con người tuy có thể đạt
được phần nào về Thiên Chúa, nhưng không thể nào biết trọn được cả. Sự việc đã
xảy ra cho thánh Augustinô khi thánh nhân suy nghĩ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba
Ngôi còn là một lời dạy cho chúng ta ngày hôm nay. Trí khôn con người hữu hạn,
làm sao có thể hiểu hoàn toàn về Thiên Chúa vô cùng. Nếu muốn hiểu thì chẳng
khác nào muốn đem nước của đại dương mênh mông mà đổ vào trong một lỗ nhỏ, như
một trò đùa của em bé mà thánh Augustinô gặp nơi bờ biển. "Thầy còn nhiều
điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lãnh hội được. Khi
Thần Chân Lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật. Người sẽ đưa các
con vào trọn cả trong sự thật."
Mỗi ngày, chúng ta cần lớn lên trong
tương quan với Thiên Chúa, cần được Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn chúng ta
tiến sâu vào trong mầu nhiệm Ba Ngôi của Thiên Chúa. Ðây là một sự khám phá vô
cùng và mãi mãi không bao giờ ngừng cả khi chúng ta được đối diện với Thiên
Chúa trong cõi đời đời.
Mỗi ngày, chúng ta càng được hướng dẫn
hay để cho mình được hướng dẫn tiến sâu vào trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi
thì chúng ta càng trưởng thành trong đức tin, đức cậy và đức mến, càng được thần
thiêng hóa và trở nên giống Thiên Chúa hơn và đối xử với anh chị em chung quanh
như chính Thiên Chúa muốn, càng được thấm nhuần trong mầu nhiệm Thiên Chúa bằng
đời sống cầu nguyện, kết hiệp thân tình với Thiên Chúa, thì chúng ta càng có
tâm hồn quảng đại, mở rộng đón nhận anh chị em chung quanh và mời gọi họ trong
mọi hoàn cảnh cụ thể. Ðây là kinh nghiệm sống đức tin của những vị thánh mà
không sự chứng minh hay giải thích nào của lý trí có thể đủ sức trình bày.
Nguyện xin Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha,
Con và Thánh Thần, mà dấu thánh giá chúng ta mang lấy hy sinh mình hàng ngày
trước mỗi công việc quan trọng ban cho chúng ta được mỗi ngày một tiến sâu vào
trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, được ẩn mình trong Thiên Chúa, được biến đổi
trong Thiên Chúa để sống trọn cuộc sống con người của mình trên trần gian này
và mãi mãi trong cõi vĩnh phúc mai sau.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’
– Radio Veritas Asia)
Ngày 03
LỄ CHÚA BA NGÔI
Thánh Carôlô Lwanga và các bạn từ đạo
Nhờ Đức Giêsu, chúng ta học được đời sống
thân mật với Thiên Chúa, Đấng là tình yêu và liên hệ. Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi được
trình diện với chúng ta như nguồn sống của Kitô hữu. Chúng ta được rửa tội
trong Danh "Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần". Căn tính của
Thiên Chúa trở thành căn tính của chúng ta. Vào thời người ta đi tìm nguổn gốc
hay lo lắng về một thế giới giao động, một điều chắc chắn được ban cho
chúng ta: chúng ta được Ba Ngôi Thiên Chúa đánh dấu cách thân mật và dẫn chúng
ta vào sự sống. Từ đó, có một dây liên hệ mới với Chúa Cha trên trời. Chúa
Thánh Thần cầu nguyện trong chúng ta. Người đặt lời nguyện của Đức Giêsu vào
môi miệng chúng ta, Người Con Duy nhất, lời nguyện mà thánh Phaolô giao lại cho
chúng ta bằng tiếng Aram
“Abba" và bằng tiếng Hy Lạp,
những ngôn ngữ của các Kitô hữu tiên khởi. Còn sâu thẳm hơn nữa, Thánh Thần
giúp chúng ta xác tín chúng ta là con Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta như
Con của Người. Lễ này giúp chúng ta có cơ hội suy nghĩ về lời nguyện: chúng ta
dâng lời nguyện này lên Ngôi vị nào trong Ba Ngôi? Chúng ta hãy học cầu nguyện
như Chúa Giêsu.
Giám mục Pierre-Marie
Carré - Pèlerin
Ngày 03 Tháng Sáu
Thánh Carôlô Lwanga
Và Các Bạn Tử Đạo (+ 188)
Hai mươi hai thánh tử đạo da
đen ở Ouganda đã làm chúng ta sống lại thời các thánh Tông Đồ. Những hình khổ
thật tàn nhẫn: ném đá, làm mồi cho thú dữ, chém đầu v.v... Trong hai mươi vị,
có 13 vị thiêu sống trong những giỏ mây. Các ngài thuộc đủ mọi hạng tuổi:
Matthias Kalenba 5 tuổi, Kitô 13 tuổi, những vị lớn hơn khoảng 16 đến 24 tuổi.
Sự phát triển của Giáo Hội
Ouganda ngày nay đã minh chứng cho kết quả của các hy sinh của các ngài. Thật
đúng với câu: "Máu vị tử đạo là hạt giống của các Kitô hữu".
Lwanga luôn khích lệ tinh thần
anh em và cùng họ cầu nguyện liên lỉ. Bốn vị trong số các ngài chưa chịu phép
thánh tẩy đều được Lwanga Rửa Tội trước khi chịu khổ hình.
Mừng kính các ngài, chúng ta
cũng nhìn lại chính mình: Chúng ta cũng là con cháu các thánh tử đạo, nhưng
chúng ta đã sống đúng gương sáng của cha ông chúng ta chưa, và máu các ngài đổ
ra có làm đức tin nảy mầm tươi tốt trong tâm hồn chúng ta không?
Thánh Phaolô Đổng, Giáo Dân (+ 1862)
Thánh Phaolô Đổng là một giáo
dân đạo đức và đầy thế giá trong xứ Vực Đường, nhưng vì không tuân theo chiếu
chỉ của vua Tự Đức, buộc phải đạp qua Thánh Giá để tỏ ra chối đạo, nên đã bị tống
giam. Ngài luôn luôn giữ vững đức tin dù nhiều lần bị đánh đập tàn nhẫn và thân
thể mang đầy thương tích. Ngài đã anh dũng chống lại bọn lính khi họ định khắc
trên má hai chữ "tả đạo".
Thay vào đó, ngài đã nhờ bạn
tù khắc hai chữ "chính đạo" trên má mình. Ngài bị bỏ đói nhiều ngày
và sau cùng bị lên án tử hình. Ngài chịu trảm quyết tại Nam Định ngày 03/6/1862.
Đức Thánh Cha Piô XII đã
phong ngài lên bậc Chân Phước ngày 29/4/1951.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đã
tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.
Phaolô Ðổng (1802 – 1862)
|
||||
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét