Thứ Bảy sau Chúa nhật II sau lễ Hiện Xuống
- Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ
Is 61,9-11 ; Tv 68 ;
Lc 2,41-51.
Bài đọc Is 61,9-11
9 Dòng dõi các ngươi sẽ nức tiếng giữa chư dân,
và giống nòi các ngươi sẽ lừng danh giữa
muôn nước.
Tất cả những ai thấy các ngươi sẽ biết
rằng
các ngươi là một dòng dõi được Đức
Chúa ban phúc lành.
10 Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa,
nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết
bao !
Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ,
choàng cho tôi đức chính trực công
minh,
như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô
dâu lộng lẫy điểm trang.
11 Như đất đai làm đâm chồi nẩy lộc,
như vườn tược cho nở hạt sinh mầm,
Đức Chúa là Chúa Thượng cũng sẽ làm trổ
hoa công chính,
làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt
muôn dân.
Đáp ca Tv 44,11-12.14-15.16-17 (Đ. c. 11a)
Đáp : Tôn nương hỡi, xin hãy nghe nào,
đưa mắt nhìn và hãy lắng tai.
11 Tôn nương hỡi, xin hãy nghe nào,
đưa mắt nhìn và hãy lắng tai,
quên dân tộc, quên đi nhà thân phụ.
12 Sắc nước hương trời, Quân Vương sủng ái,
hãy vào phục lạy : "Người là Chúa
của bà." Đ.
14 Đẹp lộng lẫy, này đây công chúa,
mặc xiêm y dệt gấm thêu vàng,
15 phục sức huy hoàng, được dẫn tới Quân Vương,
cùng các trinh nữ theo sau hầu cận. Đ.
16 Lòng hoan hỷ, đoàn người tiến bước,
vẻ tưng bừng, vào tận hoàng cung.
17 Con cái ngài sẽ nối dòng tiên đế,
ngài phong làm vương bá khắp trần
gian. Đ.
Tung hô Tin Mừng x. Lc 1,28
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Kính chào Đức
Ma-ri-a, Mẹ đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Mẹ, Mẹ có phúc hơn mọi người nữ.
Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng Lc 2,41-51
41 Hằng
năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. 42Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường
làm trong ngày lễ. 43 Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem,
mà cha mẹ chẳng hay biết. 44 Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ
hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. 45 Không
thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.
46 Sau
ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy,
vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. 47 Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí
thông minh và những lời đối đáp của cậu. 48 Khi
thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người : "Con ơi, sao
con lại xử với cha mẹ như vậy ? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực
lòng tìm con !" 49 Người đáp : "Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn
phận ở nhà của Cha con sao ?" 50 Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.
51 Sau
đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các
ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.
(bản văn theo UB.Kinh
Thánh/HĐGMVN)
Trái tim vô nhiễm Đức Mẹ
Sứ điệp: Chúa Giêsu theo Đức Mẹ và thánh Giuse trở về
Nagiaret và Người hằng vâng phục hai ông bà. Lòng vâng phục của Chúa Giêsu
trong cuộc đời trần thế, là nguồn sự vâng phục của Mẹ Maria đối với Thiên Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, trái tim Mẹ Maria là một trái tim biết
yêu thương. Từ lúc nói lên lời “xin vâng” với sứ thần Gabriel, Mẹ đã từ bỏ tất
cả ý riêng, và trọn đời tín thác vào Chúa. Bằng đủ mọi cách, Mẹ luôn lắng nghe
và mau mắn thi hành thánh ý Chúa. Trái tim của Mẹ luôn cùng một nhịp đập với
trái tim Chúa : vui với niềm vui của Chúa, và đau khổ với nỗi đau của Chúa. Loại
trừ tất cả những gì không cần thiết, trái tim vô nhiễm của Mẹ luôn đập lên nhịp
đập của tình yêu.
Lạy Chúa, hôm nay, cùng với Mẹ, con cần sống cuộc đời yêu thương. Trái tim
vô nhiễm của Mẹ vẫn đang thổn thức vì yêu thương nhân loại.
Vì là Mẹ của Chúa, nên Mẹ Maria đã có nhiều kinh nghiệm của tình mẫu tử,
nên Mẹ cũng đang đau khổ vì mỗi người chúng con như những đứa con vô tâm, bội
nghĩa trước tình thương của Chúa. Mẹ muốn chúng con cùng Mẹ lặp lại lời “xin
vâng “ mỗi ngày : xin vâng trong mọi nơi mọi lúc, xin vâng để luôn lắng nghe Lời
Chúa, xin vâng để biết quên mình và sống yêu thương người khác.
Lạy Chúa, khi làm những việc nhỏ mọn, tầm thường và rất âm thầm, là con
đang đặt một viên gạch nền móng cho chương trình cứu độ của Chúa, và con tin rằng
: lúc ấy, Thánh ý Chúa được thể hiện nơi con. Amen.
Ghi nhớ : "Cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con".
16/06/12 THỨ BẢY TUẦN 10 TN
Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ
Lc 2,41-51
Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ
Lc 2,41-51
TRÁI TIM NGƯỜI MẸ
Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy ? Con thấy không, cha con và mẹ đây phải cực lòng tìm con !” (Lc 2,46-51)
Suy niệm: Dù rằng Đức Maria nhờ lời thiên sứ truyền tin đã biết rằng người Con mình sinh ra đây là chính Con Đấng Tối Cao (Lc 1,32), Mẹ cũng không khỏi “sửng sốt” khi thấy Con ngồi giữa vòng vây của các thầy thông thái trong đền thờ, đồng thời Mẹ cũng không ngăn được những tâm tình bức xúc, “cực lòng” trước việc Người Con yêu dấu của mình ở lại trong đền thờ mà không cho cha mẹ hay biết. Đức Maria đã bày tỏ những tâm tình rất “người” của một người mẹ đối với con mình. Mặt khác, Người Con đó vẫn luôn đặt ra cho Mẹ một dấu hỏi huyền nhiệm: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Dù không hiểu lời Con vừa nói, nhưng Mẹ vẫn âm thầm đáp lại như ngày nao Mẹ đã thưa lời “xin vâng”: “Mẹ hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy niệm trong lòng” (Lc 2,19.51).
Mời Bạn: Nếu Đức Giê-su vừa là người vừa là Thiên Chúa thì Đức Maria cũng vừa là Mẹ vừa là môn đệ của Ngài: một người mẹ theo con từng bước để yêu thương ấp ủ, đồng thời một người môn đệ cũng theo sát gót Thầy để lắng nghe và thực hiện lời Thầy. Mời bạn cùng đi với Đức Maria để cũng dành cho Chúa những tâm tình giống như Mẹ.
Chia sẻ: Bạn quyết tâm bắt chước Mẹ Maria để nên giống Mẹ và giống Chúa hơn ở điểm nào?
Sống Lời Chúa: Siêng năng lần hạt Mân côi, nhất là lần hạt chung trong gia đình vì đó là phương thế cầu nguyện mà Mẹ ưa thích nhất.
Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mừng.
Hằng
ghi nhớ trong lòng
Suy niệm:
Nếu ai hỏi Mẹ
Maria điều gì quý nhất trong đời Mẹ,
hẳn Mẹ sẽ trả lời
đó là Giêsu, con của Mẹ.
Người con này Mẹ
đã cưu mang, dưỡng dục, và bảo vệ giữ gìn.
Người con này đã
đem lại cho Mẹ biết bao niềm vui và hãnh diện.
Nhưng Mẹ cũng chịu
nhiều đau khổ vì người con ấy.
Bài Tin Mừng hôm
nay vén mở một chút nỗi đau của Mẹ,
cho thấy một chút
trái tim của Mẹ khi sống bên Giêsu.
Cậu Giêsu, mười
hai tuổi, cùng với cha mẹ lên Đền thờ mừng lễ Vượt qua.
Kể cũng lạ khi cậu
ở lại Giêrusalem mà không báo cho cha mẹ biết.
Hai ông bà đi một
ngày đường mới nhận ra mình mất con,
vội vã đi tìm
trong đám bà con thân thuộc,
nhưng không thấy,
nên trở lại Giêrusalem mà tìm.
Phải qua ba ngày
đầy lo âu và nước mắt mới tìm thấy con trong Đền thờ.
Kinh nghiệm mất-
tìm kiếm-tìm thấy này thật đau đớn đối với người mẹ.
Mẹ Maria sợ mất
con, mất điều rất quý đã được Thiên Chúa trao cho mình.
Nhưng khi thấy
con mình ngồi giữa các vị thầy, rất bình an trò chuyện với họ,
thì Mẹ lại sửng sốt,
ngỡ ngàng, thay vì vui sướng.
Như vậy là con
không bị lạc, nhưng đã cố ý ở lại Đền thờ mà không báo.
Mẹ không nén được
một lời trách móc: “Tại sao con làm thế với cha mẹ?
Cha con và mẹ đã
khắc khoải tìm con” (c. 48).
Chuyện không ngờ
là cậu Giêsu đã đáp lại câu hỏi của Mẹ bằng hai câu hỏi,
đầy vẻ sửng sốt
và cũng là một lời trách: “Tại sao cha mẹ lại tìm con?
Cha mẹ không biết
là con phải ở nhà của Cha con sao ?” (c.49).
Cũng có thể hiểu
là: cha mẹ không biết con phải lo việc của Cha con sao?
Đức Giêsu, khi
lên mười hai tuổi, đã bắt đầu có ý thức mình thuộc về Cha.
Người Cha trên trời
này khác với người cha mà Ngài đang chung sống.
Ngài phải ở với
và lo việc cho người Cha này, lẽ ra cha mẹ phải biết chuyện đó.
Dĩ nhiên hai ông
bà chưng hửng, không hiểu được câu nói của cậu Giêsu (c.50).
Riêng Mẹ Maria có
thói quen nghiền ngẫm về các biến cố khó hiểu.
Mẹ giữ kỹ trong
trái tim mình những chuyện xảy ra (Lc 2, 19. 51b).
Chúng ta tưởng Mẹ
Maria luôn luôn hiểu Con mình, hiểu ngay, hiểu trọn vẹn.
Chúng ta tưởng ai
sống thánh thiện thì lúc nào cũng vui, chẳng bao giờ lo sợ.
Nhìn Mẹ Maria,
chúng ta hiểu theo Chúa là bước vào một cuộc hành trình.
Có những lúc như
đang chơi ú tim với Chúa, mất rồi lại tìm, tìm thấy rồi lại mất.
Chúng ta chẳng
bao giờ nắm được Chúa, giữ chặt Chúa trong tay.
Chúa vẫn là Đấng
không thể thấu hiểu được, và vẫn làm chúng ta sững sờ.
Mẹ Maria đã chứng
kiến Đức Giêsu lớn dần về mọi mặt (Lc 2, 40),
từ khi sinh ra đến
khi mười hai tuổi,
và từ mười hai tuổi
đến lúc trưởng thành (Lc 2, 52).
Ngài càng lúc
càng ý thức mình thuộc về Cha và ý thức về sứ mạng.
Con của Mẹ là một
mầu nhiệm khôn dò mà Mẹ phải tìm hiểu mỗi ngày.
Mẹ để cho Con tự
do sống theo Ý Cha, dù điều đó đem lại nhiều đau khổ.
Chuyện mất Con
hôm nay chuẩn bị cho việc Con sẽ chia tay Mẹ đi sứ vụ,
và chuẩn bị cho
cuộc chia tay kinh hoàng trên thập giá.
Chúng ta cầu cho
các bà mẹ đang đau khổ vì con.
Mong sự vâng phục
của con cái làm tươi trái tim người mẹ.
Cầu nguyện:
Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc
Âm,
lúc nào chúng
con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà
Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.
Mẹ đưa con đi
trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm con bị
lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana .
Mẹ đi thăm Đức
Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ
đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.
Mẹ lên đường để
đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ
ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người
hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy
Mẹ luôn đi với Đức Giêsu
trong mọi bước
đường của cuộc sống.
Chẳng phải con
đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con
đường đầy máu và nước mắt.
Xin Mẹ dạy
chúng con
đừng sợ lên đường
mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại
những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp
nhận đoạn tuyệt chia ly.
Xin giữ chúng
con luôn đi trên Đường-Giêsu
để chúng con
trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người
hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Mẫu mực trong đời sống đức tin
Một người đàn bà
Nigiêria bị tòa án Hồi Giáo kết án tử hình bằng cách ném đá về tội ngoại hôn đã
được hoãn hành quyết hai năm để bà có thể cai sữa cho đứa con.
Hôm thứ Hai ngày
17/6/2002, tòa phá án thành phố Pontuar ở miền tây bắc Nigiêria vẫn duy trì cuộc
hành quyết này sau khi xét đơn kháng cáo của bà Amila Nawanrami. Người phụ nữ
này bị kết án tử hình hồi tháng 3/2002, sau khi bị tố cáo có thai với một người
đàn ông không chính thức là chồng của chị. Kurami là người đàn bà thứ hai bị kết
án tử hình vì có con ngoại hôn tại Nigiêria. Án tử hình của chị sẽ được thi
hành vào năm 2004 sau khi đứa con của chị dứt sữa mẹ. Bản án thật bất công, nó
ngược lại với mọi chuẩn mực văn minh của loài người. Tuy nhiên, vẫn còn thấy ở
đây một giá trị mà cho dù có độc ác tới đâu loài người vẫn còn trân quí, đó là
tình mẫu tử. Người mẹ Nawanrami sẽ chết đi nhưng ít ra đứa con của chị vẫn còn
có được những giọt sữa mẹ nuôi dưỡng cho đến khi thôi bú.
Cho con bú mớm, đó là hình ảnh đẹp
nhất mà người ta có thể nhìn thấy nơi bất cứ người mẹ nào. Hôm nay Lễ Trái Tim
Vô Nhiễm Mẹ Maria, có lẽ chúng ta cũng được mời gọi để suy niệm về tình mẫu tử
của Mẹ. Mẹ đã sinh dưỡng Chúa Giêsu, Mẹ đã từng cho Ngài bú mớm. Một hôm, vào
giữa lúc Chúa Giêsu đang giảng dạy, có một người trong đám đông đã lên tiếng ca
ngợi Mẹ: "Phúc cho kẻ đã cho Ngài bú mớm". Quả thật, cũng như bất cứ
bà mẹ nào, Mẹ đã cho Chúa Giêsu bú mớm, Mẹ đã nhìn Ngài lớn lên từng ngày, Mẹ
theo dõi và hân hoan với từng bước chân chập chững của Ngài, Mẹ vui với sự khôn
lớn của Ngài, Mẹ buồn lo vì sự bất chấp xảy ra cho Ngài.
Câu chuyện Chúa Giêsu lạc mất trong
đền thờ được thánh sử Luca ghi lại trong Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy được
trái tim hiền mẫu của Mẹ: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con
thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con?" Lời trách móc này
bộc lộ tất cả trái tim con người của Mẹ. Mẹ đối xử với Chúa Giêsu với tất cả
tình cảm của một con người và chính vì là một con người cho nên Mẹ trở thành mẫu
mực cho chúng ta trong cuộc lữ hành đức tin. Nơi Mẹ, chúng ta nhận ra được một
người tín hữu tiến bước trong mò mẫm, trong chiến đấu, trong tin yêu và vâng phục.
Nhưng Mẹ không chỉ là mẫu mực cho chúng ta trong đời sống đức tin. Mẹ là Mẹ của
chúng ta. Mẹ đã yêu thương Chúa Giêsu với tất cả trái tim nhân loại của Mẹ.
Ngày nay, Mẹ cũng tiếp tục dõi theo mỗi người chúng ta với trái tim hiền mẫu ấy.
Mẹ đã trải qua thử thách, Mẹ hiểu được thế nào là khổ đau. Hơn ai hết, Mẹ đồng
cảm với bao nỗi lo lắng và khổ đau của chúng ta. Mẹ hằng ghi nhớ tất cả những
điều ấy trong lòng. Mẹ đã từng dõi theo từng bước trong tiến trình trưởng thành
của Chúa Giêsu Con Mẹ. Mẹ suy niệm từng biến cố của cuộc sống.
Ngày nay cũng thế, không có giây
phút nào trong cuộc sống của mỗi người chúng ta mà không được Mẹ ôm ấp trong
lòng. Với niềm tin tưởng ấy, chúng ta phó thác cuộc sống cho Mẹ.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 6
16 THÁNG SÁU
Có Thể Tin Tưởng
Dù Ngay Giữa Khổ Đau
“Vì sao Thiên Chúa đã tạo nên chúng ta?” Câu hỏi ấy đã được đặt
ra trong sách giáo lý Kitô giáo hay trong giáo huấn về đời sống Kitôhữu. Trong
ánh sáng đức tin kiên vững của Giáo Hội, chúng ta (cả người trưởng thành lẫn
thanh thiếu niên) cần phải tâm niệm những lời này: “Thiên Chúa đã tạo nên
ta để ta hiểu biết và yêu mến Ngài trong cuộc sống này và để sống với Ngài mãi
mãi trong cuộc sống đời sau”.
Đó là một chân lý lớn lao và chắc chắn về Thiên Chúa. Ngài là Cha
Trên Trời của chúng ta và là Đấng hướng dẫn cuộc sống chúng ta bằng sự tiếp xúc
êm ái và đầy yêu thương của Ngài. Ngài muốn chúng ta sống với Ngài mãi mãi.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Trái tim Vô Nhiễm Đức Mẹ;
Is 61,9-11; Lc 2, 41-51.
LỜI SUY NIỆM: “Sau đó, Người đi xuống
cùng với cha mẹ, trở về Nazarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng Mẹ Người thì
hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.” (Lc 2,51).
Trong cuộc sống của Đức
Mẹ, Đức Mẹ thường đón nhận Thánh ý của Thiên Chúa và chỉ biết vâng phục rồi chu
toàn. Sự cố lạc xa Chúa Giêsu ba ngày, Mẹ đã có lời trách móc Chúa Giêsu
và được Chúa Giêsu thưa lại “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha
con sao?” Đã làm cho Đức Mẹ hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Trong
cuộc sống của chúng ta mỗi khi đọc hay nghe Lời Chúa chúng ta có ghi nhớ vào
lòng mình không? Có đối chiếu xem mình đã sống được và chưa được với Lời Chúa
mà mình đón nhận. Hãy học nơi Đức Mẹ; với Đức Mẹ. Để chúng ta biết cách sống đẹp
lòng Thiên Chúa.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
16 Tháng Sáu
Hãy Ðến Với Ta
Bức tượng trong Thánh đường Dominus Sub Aquis. |
Tại Roma có một ngôi
thánh đường cổ tên là Dominus sub aquis, nghĩa là Chúa ở dưới nước... Du khách
đến Roma thường đến viếng thăm ngôi thánh đường này, vì phía trên bàn thờ, có một
tượng thánh giá rất đặc biệt: bất cứ ai đến quỳ trước tượng thánh giá và cầu
nguyện với tất cả thành tâm đều nhận được sức mạnh và niềm an ủi thâm sâu...
Người ta kể lại rằng
tác giả của tượng thánh giá bằng cẩm thạch này đã mát rất nhiều năm mới hoàn
thành được tác phẩm. Hơn hai lần, mỗi khi treo bức tượng lên để ngắm nhìn, ông
lại cho kéo xuống và đập phá đi vì ông cho rằng tác phẩm vẫn chưa diễn đạt được
điều ông mong muốn...
Sau nhiều năm bỏ dở,
ông lại bắt tay vào công trình lần thứ ba. Nhưng chính lúc ông miệt mài chú tâm
vào công việc thì cũng là lúc ông gặp nhiều thử thách nhất. Nhiều người ganh tỵ
nên tìm cách hạ uy tín của ông. Vợ con ông qua đời trong những hoàn cảnh thật
đau thương. Người nghệ sĩ chỉ còn biết kêu cầu xin Chúa giúp ông chịu đựng được
mọi gian lao thử thách.
Ai cũng tưởng rằng cơn
thử thách đã khiến ông bỏ cuộc. Trái lại, ông càng miệt mài chú tâm vào công
trình. Người nghệ sĩ dồn tất cả niềm đau của mình lên khuôn mặt của Ðức Kitô. Bức
tượng của Chúa Giêsu trên thập giá không là một phiến đá lạnh lùng, xa lạ, mà
trở thành niềm đau đậm nét của một tâm hồn. Bức tượng đã trở nên sống động và
có sức thu hút do chính tâm tình mà người nghệ sĩ đã muốn tháp thập vào đó.
"Hỡi tất cả những
ai gồng gánh nặng nề, hãy đến với Ta và Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho".
Lời mời gọi trên đây của
Chúa Giêsu hẳn phải đem lại cho chúng ta an ủi đỡ nâng, nhất là trong những lúc
chúng ta gặp đau khổ, thử thách. Chúa Giêsu như muốn nói với chúng ta rằng Ngài
đang có đó, Ngài có mặt trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta, Ngài mang
lấy tất cả những sầu đau, buồn tủi của chúng ta. Mãi mãi, Ngài vẫn là Ðấng Cứu
Chuộc chúng ta. Mãi mãi, Ngài đến với chúng ta như đến với những người phong hủi,
những kẻ bệnh tật, kẻ tội lỗi, phường thu thuế... Ngài đón nhận tất cả mọi khổ
nhọc, khó khăn của chúng ta. Và bởi vì Ngài mang lấy mọi khổ đau của con người,
cho nên Ngài cũng tự đồng hóa với con người, nhất là những người nghèo khổ, bất
hạnh. Trên những khuôn mặt gần như không còn hình tượng của con người nữa,
chúng ta phải nhận diện được chính Ngài. Ngài đã từng nói với chúng ta:
"Ai cho những kẻ bé mọn nhất, dù chỉ một chén nước lã thôi, họ đã cho
chính Ta vậy".
Trút lên Ngài tất cả
gánh nặng của khổ đau, được ngài nâng đỡ bổ sức, chúng ta cũng hãy mang lại an ủi
đỡ nâng cho mọi người xung quanh. Sự đau khổ nào cũng có sức liên kết con người.
Kết hiệp với Ðức Kitô trên thập giá, chúng ta cũng dễ dàng liên đới, cảm thông
với mọi người đang đau khổ...
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 16
Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ
Hỡi người nữ của Thánh tâm Chúa Giêsu, xin hãy nhớ đến những điều
kỳ diệu Thiên Chúa đã làm cho Mẹ! Người đã chọn Mẹ làm Mẹ và muốn rằng Mẹ phải
đứng dưới thập giá; Người đã chia sẻ vinh quang của Người cho Mẹ; Người lắng nghe
lời cầu nguyện của Mẹ.
Xin hãy dâng lên những lời ca ngợi của chúng con; xin hãy dâng
lên Người tất cả các khẩn cẩu của chúng con.
Xin hãy làm cho chúng con được sống như Mẹ trong tình yêu của
Con Mẹ, để Vương quốc của Người mau đến!
Xin hãy hướng dẫn tất cả mọi người đến nguồn nước hằng sống, chảy
tràn từ tim Mẹ, tưới tràn cả thế giới hy vọng và ơn cứu độ, công lý và bình an.
Xin nhìn đến sự tin tưởng của chúng
con, xin đáp trả những lời kêu gọi của chúng con và cho thấy Mẹ luôn là Mẹ của
chúng con.
Vô danh (thế kỷ 19-20)
Thứ Bẩy 16-6
Thánh Gioan
Phanxicô Regis
(1597-1640)
inh trong một gia đình giầu có ở Narbonne, Languedoc nước
Pháp, ngay từ nhỏ, vì quá mến mộ các thầy giáo Dòng Tên nên Gioan Phanxicô
luôn ao ước gia nhập dòng này. Và ngài đã thực hiện ý định ấy khi 18 tuổi.
Trong thời gian tu tập, mặc dù học trình rất nghiêm nhặt nhưng ngài đã dành
nhiều thì giờ cầu nguyện hàng đêm.
Sau khi được thụ phong linh mục, Cha Regis đi truyền
giáo trong một vài thành phố ở Pháp. Ðặc biệt, ngài lưu tâm đến người nghèo
và rất siêng năng thi hành mục vụ. Ngay từ sáng sớm ngài đã có mặt ở tòa giải
tội sau khi cử hành Thánh Lễ; vào buổi chiều ngài đi thăm các bệnh nhân và tù
nhân. Vào năm 1631, khi trận dịch hạch tấn công thành phố, ngài làm việc
trong bệnh viện ở Toulouse với "những công việc tầm thường nhất ở
trong bếp nhưng lúc nào cũng vui vẻ và sẵn sàng."
Vào thời bấy giờ, vì thiếu giám mục và các linh mục thì
chểnh mảng, giáo dân không biết gì đến bí tích có trên 20 năm. Nhiều hình thức
Tin Lành phát triển mau chóng trong khi hàng giáo sĩ vẫn giữ thái độ lãnh đạm
trong nhiều lãnh vực. Trong ba năm trường, Cha Regis đã đi khắp địa phận, tổ
chức các buổi học hỏi, xưng tội trước khi mời đức giám mục đến thăm. Ngài
thành công trong việc hoán cải nhiều người và đã đưa họ trở về với đời sống đạo
tốt lành.
Về đời sống cá nhân, ngài càng khó khăn với chính mình
bao nhiêu thì ngài lại nhân từ với người khác bấy nhiêu. Thức ăn của ngài thường
là rau trái và bánh thô, nhiều khi vì số người đến xưng tội quá đông đến độ
ngài không còn thời giờ để ăn uống. Ðể hy sinh hãm mình, mỗi đêm, ngài ngủ
không quá ba giờ đồng hồ.
Mặc dù Cha Regis ao ước đi truyền giáo cho người da đỏ
Bắc Mỹ ở Gia Nã Ðại, nhưng suốt cuộc đời ngài đã tận tụy phục vụ Thiên Chúa
trong những nơi hoang vu nhất ở ngay quê hương của ngài. Ở đó ngài phải chịu
sự khắc nghiệt của thời tiết và nhiều thiệt thòi khác. Tuy nhiên, sự thánh
thiện của ngài ngày càng gia tăng và được nhiều người biết đến.
Trong bốn
năm cuối đời, ngài rao giảng và làm việc trong các tổ chức xã hội, nhất là
cho người tù, người bệnh và người nghèo. Vào mùa thu năm 1640, dù cảm thấy
cái chết đã gần kề, Cha Regis vẫn cố gắng trong công tác mục vụ, nhằm đưa các
linh hồn về với Chúa. Sau khi làm việc cả ngày Giáng Sinh không ngừng nghỉ,
vào ngày hôm sau, sau khi lên toà giảng ngài đã ngất xỉu vì kiệt sức. Bốn
ngày sau đó, trước khi thở hơi cuối cùng, ngài đã thốt lên: "Lạy Chúa
Giêsu, con phó linh hồn con trong tay Chúa." Lúc ấy ngài mới 43 tuổi.
Ngài được
phong thánh năm 1737.
|
|
Copyright © 2010 by
Nguoi Tin Huu.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét