Trang

Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

10-06-2012 : CHÚA NHẬT LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA


Lễ Mình Máu Thánh Chúa Năm B

Bài Ðọc I: Xh 24, 3-8
"Ðây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi".
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, Môsê đến thuật lại cho dân chúng nghe tất cả những lời và lề luật của Chúa, và toàn dân đồng thanh thưa rằng: "Chúng tôi xin thi hành mọi lời Chúa đã phán". Vậy Môsê ghi lại tất cả những lời của Chúa. Và sáng sớm, ông chỗi dậy, lập bàn thờ ở chân núi, dựng mười hai cột trụ, chỉ mười hai chi họ Israel, ông sai các thanh niên trong con cái Israel mang của lễ toàn thiêu và hiến dâng lên Chúa những con bò tơ làm hy lễ giao hoà. Môsê lấy phân nửa máu đổ vào các chậu và rưới phân nửa kia lên bàn thờ. Ông mở quyển giao ước ra đọc cho dân nghe và họ thưa: "Chúng tôi xin thi hành và tuân theo tất cả những điều Chúa đã phán". Vậy ông lấy máu rẩy lên dân chúng và nói: "Ðây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi theo đúng tất cả những lời đó".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 115, 12-13. 15-16bc. 17-18
Ðáp: Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa (c. 13).
Hoặc đọc: Alleluia
Xướng: 1) Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. - Ðáp.
2) Trước mặt Chúa thật là quý hoá, cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. Tôi là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tì Ngài, Ngài bẻ gãy xiềng xích cho tôi. - Ðáp.
3) Tôi sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Dt 9, 11-15
"Máu Chúa Kitô tẩy sạch lương tâm chúng ta".
Trích thư gởi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, Chúa Kitô xuất hiện như vị Thượng tế cầu bầu mọi phúc lành tương lai. Người đi qua nhà tạm rộng rãi và hoàn hảo hơn, không phải do tay người phàm xây dựng, nghĩa là không thuộc về trần gian này, cũng không nhờ máu dê bò, nhưng nhờ chính máu của Người mà vào Cung Thánh chỉ một lần và đem lại ơn cứu độ muôn đời. Vì nếu máu dê và tro bò mà người ta rảy trên kẻ ô uế còn thánh hoá được thân xác nên trong sạch, huống chi máu của Ðức Kitô, Ðấng đã nhờ Thánh Thần mà hiến tế chính mình làm của lễ trong sạch dâng lên Thiên Chúa; máu đó sẽ tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những việc sinh sự chết, khiến chúng ta có thể phụng sự Thiên Chúa hằng sống. Vì vậy Chúa Kitô là trung gian của Tân Ước, vì nhờ sự chết của Người để cứu chuộc tội phạm dưới thời Cựu Ước, mà những kẻ được kêu gọi, đến lãnh lấy gia nghiệp đời đời đã hứa cho họ.
Ðó là lời Chúa.

Ca Tiếp Liên
"Lauda Sion: Hỡi Sion, Hãy Ngợi Khen"
Trước Alleluia, có thể hát hoặc đọc Ca Tiếp Liên này, tất cả hoặc từ câu 21 ("Này đây bánh") cho đến hết.
1. Hỡi Sion, hãy ngợi khen Ðấng cứu độ ngươi, Ðấng lãnh đạo và mục tử của ngươi / với những bài vãn và những khúc ca!
2. Ngươi có sức chừng nào, hãy rán ngợi khen chừng nấy, vì Người vĩ đại hơn mọi lời khen ngợi, và ngươi cũng không đủ sức ngợi khen Người.
3. Ðề tài của sự ngợi khen đặc biệt, đó là bánh sống và tác thành sự sống, ngày hôm nay đã đặt ra cho ngươi.
4. Ðó là bánh mà trên bàn tiệc thánh, cho đoàn thể mười hai người anh em, Chúa đã ban tặng chẳng khá nghi ngờ.
5. Hãy xướng lên lời ca khen ngợi đầy đủ, lời ca hoan hỉ và râm ran, tâm thần hãy vui mừng rạng rỡ!
6. Vì đây là ngày trọng thể, ngày kỷ niệm bàn tiệc thánh / lần đầu tiên được thiết lập ra.
7. Tại bàn tiệc này của Ðấng Tân Vương, lễ Vượt Qua mới theo luật pháp mới / chấm dứt lễ Vượt Qua của thời đại cũ.
8. Lễ nghi cũ nhường chỗ cho sự thực; đêm tối tăm nhường chỗ cho sự sáng sủa.
9. Ðiều mà Chúa Kitô đã làm trong bữa tiệc ly, thì Người đã ra lệnh cho thực thi điều đó để nhớ lại Người.
10. Nhờ lời thánh huấn của Người dạy bảo, chúng ta làm phép cho bánh và rượu / trở nên lễ vật hy sinh ban ơn cứu độ.
11. Ðây là tín điều dạy người Kitô hữu rằng / bánh trở nên thịt Chúa, và rượu trở nên máu Người.
12. Ðiều bạn không hiểu, không xem thấy, thì đức tin mạnh mẽ xác nhận xảy ra, ngoài luật lệ thiên nhiên.
13. Dưới những hình sắc khác nhau, chúng chỉ là biểu hiệu, không còn thực chất, có ẩn nấp những thực tại cao siêu.
14. Thịt Chúa là của ăn, máu Người là thức uống, nhưng Chúa Kitô vẫn còn đầy đủ dưới mỗi sắc hình.
15. Người không bị kẻ lãnh nhận nghiền nát, không bị bẻ gẫy, không bị phân chia, nhưng Người được thiên hạ lãnh nhận toàn thân.
16. Một người lãnh nhận, ngàn người lãnh nhận, những người này cũng lãnh bằng những người kia, thiên hạ ăn thịt Người mà Người không bị tiêu hao.
17. Người lương thiện lãnh, kẻ ác nhân cũng lãnh, nhưng số phận họ không đồng đều: hoặc được sống hay là phải chết.
18. Kẻ ác nhân phải chết, người lương thiện được sống; hãy coi, cùng một của ăn như nhau, mà kết quả khác xa biết mấy.
19. Hình bánh bị vỡ, chớ khá lo âu, nhưng hãy nhớ rằng / trong miếng vỡ cũng như trong toàn thể / Chúa vẫn hiện diện đầy đủ như nhau.
20. Bản chất không hề bị bẻ vỡ, duy có biểu hiệu bị phân chia, nhưng không giảm thiểu tình trạng và dáng vóc của Ðấng ẩn dật bên trong.
21. Này đây bánh của các thiên thần, biến thành lương thực của khách hành hương; thực là bánh của những người con cái, không nên ném cho loài khuyển.
22. Bánh này đã được báo trước bằng hình ảnh, khi người ta sát tế Isaac, chiên của lễ vượt qua đã được kể ra, khi cha ông chúng ta được tặng manna.
23. Lạy Chúa Giêsu là mục thủ tốt lành, là bánh thực, xin Người thương xót, chăn nuôi và bảo vệ chúng con; xin Người ban cho chúng con nhìn thấy / những điều thiện hảo trong cõi nhân sinh.
24. Chúa là Ðấng thông biết và có thể làm nên mọi sự, Chúa nuôi dưỡng chúng con trong đời sống tạm gửi này, trên cõi cao xanh, xin cho chúng con được trở nên thực khách đồng bàn của Chúa, đồng thừa kế và đồng danh phận / với những công dân thánh của nước trời. Amen. Alleluia.

Alleluia: Ga 6, 51-52
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời". - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 14, 12-16. 22-26
"Này là Mình Ta. Này là Máu Ta".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn bánh không men là ngày giết chiên mừng lễ Vượt Qua, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: "Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?" Người liền sai hai môn đệ đi và dặn rằng: "Các con hãy vào thành, và nếu gặp một người mang vò nước thì hãy đi theo người đó. Hễ người ấy vào nhà nào thì các con hãy nói với chủ nhà rằng: Thầy sai chúng tôi hỏi: 'Căn phòng Ta sẽ ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ ở đâu?' Và chủ nhà sẽ chỉ cho các con một căn phòng rộng rãi dọn sẵn sàng và các con hãy sửa soạn cho chúng ta ở đó". Hai môn đệ đi vào thành và thấy mọi sự như Người đã bảo và hai ông dọn Lễ Vượt Qua.
Ðang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: "Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta". Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: "Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người. Ta bảo thật các con: Ta sẽ chẳng còn uống rượu nho này nữa cho đến ngày Ta sẽ uống rượu mới trong nước Thiên Chúa". Sau khi hát Thánh Vịnh, Thầy trò đi lên núi Cây Dầu.
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Ðức Giêsu yêu thương Ngài không chỉ ban cơm bánh, tiện nghi, sức khỏe... Một cuộc sống mau qua đời này cho chúng ta: mà còn dành cho chúng ta một nguồn ân sủng vô tận đặc biệt nhất, chính là Mình Máu Ngài làm lương thực nuôi linh hồn ta. Ngài đã yêu và yêu đến cùng. Người Do thái không hiểu Ngài, cũng không hiểu được Lời Ngài vì thế đưa đến mâu thuẫn.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con siêng năng chạy đến với Chúa qua thánh lễ qua bí tích Thánh Thể. Xin cho chúng con cảm nghiệm được tình yêu bao la của Chúa đã tự hiến vì chúng con. Ðể từ đó chúng con biết múc tình yêu của Chúa trao ban cho tha nhân. Amen.

(Lời Chúa trong giờ kinh gia đình)

Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa Năm B
Mầu nhiệm hàm chứa trong bí tích tình yêu
(Xuất hành 24,3-8; Thư Hipri 9,11-15; Tin Mừng Marcô 14,12-16.22-26)

Suy Niệm:
Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa Năm B
Xuất hành 24,3-8; Thư Hipri 9,11-15; Tin Mừng Marcô 14,12-16.22-26
Câu kết và cả bài Phúc Âm hôm nay dường như lại muốn đưa chúng ta trở về bầu khí của ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Mà quả thật, ngày lễ hôm nay bắt nguồn từ ngày đó. Hôm ấy, chúng ta kính nhớ việc Chúa Yêsu lập phép Thánh Thể. Ðó là biến cố đặc biệt và thâm thúy quá, lẽ ra phải để ra nhiều giờ mà suy niệm. Nhưng hôm ấy, Giáo hội phải vội đi theo Chúa Yêsu trong mầu nhiệm cứu thế. Bỏ bàn Tiệc ly Chúa với các môn đệ ra đi lên núi Cây Dầu. Rồi Chúa bị bắt, bị tra, bị đánh, bị đóng đinh vào thánh giá... Biết bao là việc kế tiếp nhau dồn dập! Giáo hội phải âu yếm đi theo Chúa ngay, không thể dừng lại lâu để suy nghĩ về bí tích Thánh Thể mà Chúa vừa thiết lập. Giáo hội hôm đó chỉ chầu Mình Thánh Chúa một lúc thôi. Nên hôm nay, sau khi đã đi hết chu kỳ phụng vụ và tưởng niệm hết các mầu nhiệm chính trong lịch sử cứu độ, Giáo hội dừng chân, lấy lại công việc bỏ dở hôm trước chạy đến với bí tích Thánh Thể một lần nữa để tìm hiểu cho hết ý nghĩa sâu xa của bí tích tình yêu này.
Và Giáo hội thấy đây là một mầu nhiệm cao cả, mầu nhiệm bao trùm, chứa đựng mọi mầu nhiệm khác. Hát ca tung hô mấy cũng không vừa. Vì thế Giáo hội khuyến khích chúng ta cố gắng tối đa để tôn sùng mầu nhiệm ấy. Lễ Mình Thánh Chúa trở thành một lễ lớn làm khuôn vàng thước ngọc cho mọi lễ khác, đến nỗi trong suốt năm, lễ nào cũng chỉ là lễ Thánh Thể tạ ơn. Thế nên, mầu nhiệm lễ này không thể diễn tả một lần. Hy vọng đây chỉ là khởi điểm cho những suy niệm sâu xa hơn.
Ðể bắt đầu, chúng ta hãy nhớ lại bài Phúc Âm. Hôm ấy các môn đệ hỏi ý Chúa Yêsu về việc dọn lễ Vượt qua. Ðó là ngày hội lớn trong dân. Càng những người đạo đức như các tông đồ lại càng háo hức mừng lễ trọng đại này. Vì hôm nay toàn dân sẽ tưởng niệm Ngày hoàn toàn được giải phóng khỏi ách nô lệ, được đưa vào đất chảy sữa và mật. Kỷ niệm ấy lại càng đáng nhắc nhở khi dân Chúa ngày nay đang sống dưới ách ngoại bang. Khơi lại lịch sử cũ và sưởi ấm lòng người để quy hướng về tương lai.
Các tông đồ muốn ăn lễ Vượt qua trong viễn tượng trông chờ ngày cứu độ mà các tiên tri từng nói tới. Chúa Yêsu chia sẻ những cảm tình đó. Người tỏ ra rộng rãi, bảo môn đệ đi dọn một căn phòng trang trọng. Rồi, như Phúc Âm Yoan cho chúng ta biết, Người đã bước vào phòng ăn một cách đặc biệt, bởi vì Người biết đã đến giờ Người hành động, nên Người tuyên bố: Thầy đã từng ước ao ăn lễ Vượt qua này với chúng con. Câu nói hẳn đã làm cho các môn đệ phải lưu ý. Thầy sắp có một hành vi nào đây. Phải chăng Người sắp công bố Công cuộc cứu dân độ thế của Người. Người vẫn xưng mình là đấng phải đến, là Ðấng Thiên Sai cứu thế. Thì đây là lúc thuận tiện nhất để công bố một kế hoạch như vậy. Tâm lý mọi người ngồi ăn đang hướng về tương lai cứu độ.
Có lẽ vì vậy mà vừa ngồi xuống, các môn đệ đã bắt đầu tranh nhau xem ai sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời. Họ như đã được lôi vào bầu khí, tưởng bữa tiệc hôm nay sẽ khai Nước Trời ở trần gian. Ðủ mặt 12 tông đồ đại diện cho 12 chi tộc Israel. Thế nên bữa ăn này như đúc kết tất cả lịch sử dân tộc Dothái. Nó nhắc lại hôm mừng lễ Vượt qua chuẩn bị Xuất hành, từ giã nơi nô lệ lầm than để đi vào đất hứa tự do trù mật. Nó cũng gợi đến bữa ăn giao ước như bài đọc I hôm nay vừa thuật: Môsê cùng dân làm lễ cam kết trung thành với Thiên Chúa. Và nhất là nó nghĩ đến bữa ăn cứu độ mà một Isaia đã loan báo: Thiên Chúa sẽ dọn ra trên đồi Sion cho muôn dân đến no thỏa. Chính Ðức Kitô cũng đã từng ví Nước Trời như một bữa tiệc trọng đại.
Lời nói và thái độ của Chúa Yêsu hôm nay rõ ràng như muốn thực hiện điều đó ở trong bữa ăn này. Thế nên bàn tiệc Thánh Thể quả thật là Nước Trời. Quá khứ, hiện tại, tương lai phải lấy đây làm mốc. Tất cả lịch sử cựu ước hướng về bữa ăn này; và tất cả tương lai của lịch sử cứu độ cũng phát xuất từ đây. Ước gì mỗi khi đến dự bàn tiệc Thánh Thể chúng ta có được tâm trạng của các môn đệ ngày xưa cảm thấy đây là giây phút trọng đại của tất cả lịch sử loài người.
Quả thật, Phúc Âm hôm nay kể tiếp: đang khi ăn, Chúa Yêsu cầm lấy bánh mà đọc: này là Mình Ta sẽ bị nộp vì chúng con. Rồi Người lại cầm lấy chén rượu mà phán: Này là Máu Ta, Máu tân ước vĩnh cửu sẽ đổ ra cho muôn người được khỏi tội. Thật là rõ ràng, Chúa Yêsu đã biến mình trở thành con chiên vượt qua. Bữa ăn này không phải chỉ tưởng niệm lễ Vượt qua của người Dothái nữa, nhưng từ nay muốn thay hẳn lễ vượt qua này. Vì Con Chiên Vượt qua đích thực là đây, nơi con người mà trước kia Yoan đã trỏ vào mà nói: đây là Con Chiên Thiên Chúa gánh tội thiên hạ. Hôm ấy, Anrê đã có mặt... Ông đã nghe rõ lời Yoan. Ông xin Yoan cho đi theo Chúa Yêsu. Hôm nay chắc ông mới hiểu rõ lời của Yoan, vì trong lễ Vượt qua này, rõ ràng Chúa Yêsu đã muốn bỏ quên máu chiên để nói máu mình.
Và bữa ăn hôm nay, với những lời tuyên bố kia, rõ rệt cũng muốn thay thế lễ nghi ký kết giao ước như Môsê đã làm. Hôm ấy như bài đọc I hôm nay kể, ông đã lấy máu bò rảy trên dân để tuyên bố giao ước giữa Chúa và dân. Hôm nay Ðức Kitô đã lấy chính máu mình đưa cho các môn đệ uống và công bố đó là máu giao ước mới và vĩnh cửu. Như vậy cũng đã chấm dứt giao ước cũ và dĩ hậu trong tương lai cũng chẳng còn giao ước nào khác nữa vì đây đã là giao ước mới và vĩnh cửu rồi.
Thành ra các lời tiên tri loan báo Nước Trời, về bữa ăn thịnh soạn sẽ bày ra trên đỉnh đồi Sion để công bố thời đại thiên sai hòa giải nay cũng đã được thực hiện trong bữa ăn giữa Chúa và các môn đệ... Các tiên tri đã loan báo thời đại cứu thế như thời thái hòa: Chúa tha hết tội lỗi cho dân, dân trở thành nơi quy tụ các dân tộc, các dân tộc sống với nhau trong hòa bình và thông cảm. Hôm nay cầm lấy chén rượu, Chúa Yêsu tuyên bố đây là chén máu của giao ước mới và vĩnh cửu, tha tội cho dân và cho mọi người. Chúa Yêsu muốn thực hiện mọi lời tiên tri, khiến bàn tiệc Thánh Thể hôm nay trở thành bàn tiệc Nước Trời và ai muốn được ơn nào bởi trời, phải đến với bàn tiệc Thánh Thể.
Quả vậy, trong bàn tiệc này, không thiếu một ơn trên trời nào. Chúng ta cần trời ban cho những ơn nào? Sức khỏe phần xác và giàu sang phú quý ư? Chắc chắn đó không phải là những ơn đầu tiên chúng ta cần trời ban cho. Những ơn đó quá gần với mặt đất, nên có cầu xin, chúng ta cũng chỉ coi như là những ơn phụ, đi kèm và biểu lộ những ơn phần hồn quan trọng hơn.
Chính Chúa Yêsu cũng có ý như vậy khi dùng bánh rượu vào tiệc bồi dưỡng tâm hồn. Chúa ban Mình Máu Người cho ta dưới hình thức bánh rượu để nói lên ý Chúa muốn nuôi dưỡng tâm hồn ta nhưng cũng không quên đời sống vật chất của mọi người. Những ơn mà ta cần trời ban cho hơn cả chính là tình thương của Thượng đế, ơn tha tội mà chỉ mình Người mới có thể ban được, để chúng ta được hòa giải với Người hầu sống trong tình thương của Người.
Thế mà Thánh Thể lại muốn ban chính ơn ấy cho ta. Chén máu mà chúng ta lãnh nhận là chén máu giao ước tha tội. Và tấm bánh mà chúng ta cầm ăn chính là mình Chúa chịu nộp vì chúng ta. Lãnh nhận Thánh Thể như vậy là lãnh nhận được ơn cao cả nhất mà chúng ta cần được Chúa ban cho. Mọi ơn khác được bao hàm trong ơn cứu độ phong phú này. Tìm đến với Thánh Thể là tìm được điều cần thiết duy nhất và mọi sự khác sẽ được ban thêm cho. Chúng ta chỉ còn việc làm cách nào hầu lãnh nhận được ơn Thánh Thể cho sung mãn.
Chính Chúa Yêsu khi lập Bí tích Thánh Thể đã gợi ý cho ta: chúng con hãy làm việc này để nhớ đến Ta. Và thánh Phaolô đã quảng diễn: mỗi khi ăn bánh và uống chén rượu này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết cho đến khi Người lại đến. Nghĩa là chúng ta luôn luôn phải cử hành mầu nhiệm Thánh Thể trong bầu khí Chúa chịu chết của ngày thứ Năm Tuần Thánh. Chúng ta phải có tâm tình hơn những người Dothái khi ăn thịt chiên vượt qua, vì Mình Thánh Chúa đây mới thật là thịt chiên vượt qua của đạo mới. Thế mà người Dothái ngày trước khi ăn lễ chiên đã có tâm trạng dứt khoát từ bỏ nếp sống nô lệ để dấn thân vào nếp sống tự do mới mẻ. Chúng ta tham dự phụng vụ Thánh Thể phải có tâm hồn cương quyết hơn nữa muốn dứt bỏ đời sống tội lỗi và xác thịt để sống cho Thiên Chúa. Và như dân Dothái ngày xưa khi làm lễ giao ước đã thề hứa sống liên kết với Chúa và trung thành với Lời Chúa thế nào, thì chúng ta ngày nay càng cần phải có tâm trạng như thế vì trong bàn tiệc Thánh Thể này có máu giao ước thật thay cho máu bò xưa.
Nếu tham dự lễ nghi Thánh Thể trong viễn tượng ấy, chúng ta có thể nhìn vào Mình Máu Thánh Chúa mà nói với tác giả thư Hibá như chúng ta vừa nghe đọc: Chúa Kitô xuất hiện như vị thượng tế... Người hiến tế chính mình làm của lễ trong sạch... Máu Người sẽ tẩy sạch lương tâm chúng ta, khiến chúng ta có thể phụng thờ Thiên Chúa hằng sống... và nhờ sự chết của Người mà những kẻ được kêu gọi đến lãnh gia nghiệp đời đời.
Ít là hôm nay chúng ta hãy tham dự thánh lễ với tất cả những ý nghĩa đó. Và mong rằng ngày hôm nay khi tôn sùng Thánh Thể bằng bao nghi thức long trọng bên ngoài, chúng ta hằng suy niệm trong lòng tất cả các mầu nhiệm hàm chứa trong bí tích tình yêu, để ai tin và ăn bánh này sẽ được trường sinh.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

LỜI CHÚA MỖI NGÀY:

 

CN Lễ Mình Máu Chúa, Năm B:

Bài đọc: Exo 24:3-8; Heb 9:11-15; Mk 14:12-16, 22-26.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ :
Chúa Giê-su hy sinh Mình và Máu Người cho chúng ta được sống.


Mỗi năm, tại các quốc gia trên thế giới, người ta thường có một ngày đặc biệt (Memorial Day) để tưởng nhớ các chiến sĩ đã bỏ mình vì chính nghĩa. Đây là những con người đã hy sinh bản thân bằng cách đổ máu, để bảo vệ tổ quốc và dân lành khỏi kẻ thù. Ngày Lễ Mình và Máu Thánh Chúa hôm nay, chúng ta cũng dành để tưởng niệm Đức Kitô, không những đã hy sinh thân mình và đổ máu cứu con người khỏi chết, cho con người được sống đời đời, mà còn muốn ở với con người mọi ngày cho đến tận thế, qua việc thiết lập Bí-tích Thánh Thể. Ngài có thể làm những chuyện này vì Ngài có uy quyền và Ngài yêu thương con người.
Các Bài Đọc hôm nay tường thuật tình yêu Thiên Chúa qua các việc Ngài làm để cứu chuộc con người. Trong Bài Đọc I, vì con người không ngừng xúc phạm đến Thiên Chúa, nên để được tha tội, con người cần dâng các súc vật. Máu của các súc vật đổ ra để cho con người khỏi chết và được sống. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Do-thái so sánh lễ vượt qua và giao ước Sinai được thực hiện qua ông Moses, với lễ vượt qua và giao ước mới, được thực hiện qua Đức Kitô. Ngài là Bánh Không Men và Chiên Vượt Qua của giao ước mới, sẵn sàng hy sinh để chết thay cho con người, và làm cho họ được sống muôn đời. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu sai các môn đệ vào thành Jerusalem để chuẩn bị Lễ Vượt Qua. Đang khi dùng bữa, Ngài đã thiết lập Bí-tích Thánh Thể, để hiến Mình và Máu cho con người được sống cả đời này và đời sau. Ngài cũng truyền cho các môn đệ phải làm những điều đó thường xuyên để tưởng nhớ đến Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Giao ước Sinai được chứng thực bằng máu của chiên bò.
1.1/ Thiên Chúa thiết lập giao ước trên núi Sinai với dân người: Trước khi tiến vào Đất Hứa, Thiên Chúa muốn thiết lập với dân người một giao ước. Vì con người không thể chịu nổi khi Thiên Chúa muốn nói với họ; nên họ đã xin Thiên Chúa nói với họ qua ông Moses. Sau khi đã nhận chỉ thị của Thiên Chúa, ông Moses xuống thuật lại cho dân mọi lời của Đức Chúa và mọi điều luật. Toàn dân đồng thanh đáp: "Mọi lời Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành." Giao ước là một thỏa thuận của hai bên chính thức ký kết một số điều để bảo vệ nhau. Theo giao ước Sinai, Thiên Chúa hứa sẽ bảo vệ dân, và dân hứa sẽ thi hành mọi điều luật của Ngài.
"Ông Moses chép lại mọi lời của Đức Chúa. Sáng hôm sau, ông dậy sớm, lập một bàn thờ dưới chân núi và dựng mười hai trụ đá cho mười hai chi tộc Israel. Rồi ông sai các thanh niên trong dân Israel dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò làm hy lễ kỳ an tế Đức Chúa. Ông Moses lấy một nửa phần máu, đổ vào những cái chậu, còn nửa kia thì rảy lên bàn thờ. Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: "Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo.""

1.2/ Giao ước được ký kết bằng máu chiên bò: "Bấy giờ, ông Moses lấy máu rảy lên dân và nói: "Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này."" Người Do-thái quan niệm: "máu là sự sống." Khi giao ước được ký kết bằng máu, họ lấy sự sống mà thề với Thiên Chúa là họ sẽ giữ Lề Luật của Ngài; nhưng họ đã vi phạm giao ước nhiều lần sau khi đã ký kết với Thiên Chúa. Để được tha thứ, Thiên Chúa truyền cho họ phải sát tế các súc vật để lấy máu làm của lễ hy sinh đền tội cho họ, như Sách Levi viết: "vì mạng sống của xác thịt thì ở trong máu, và Ta, Ta đã ban máu cho các ngươi, trên bàn thờ, để cử hành lễ xá tội cho mạng sống các ngươi. Thật vậy, máu xá tội được vì nó là mạng sống. Vì thế, Ta đã bảo con cái Israel: Không một ai trong các ngươi được ăn huyết, ngoại kiều sống giữa các ngươi cũng không được ăn huyết." (Lev 17:11-12).

2/ Bài đọc II: Người đã vào cung thánh không phải với máu súc vật, nhưng với Máu của Mình.
2.1/ Máu của giao ước cũ và máu của giao ước mới: Máu của giao ước cũ chỉ là hình ảnh và phải được kiện toàn bằng Máu của giao ước mới. Tác giả Thư Do-thái đã so sánh một cách chi tiết hai giao ước cũ và mới, rồi đưa đến kết luận như sau: Giao ước mới hoàn hảo hơn giao ước cũ: "Nhưng Đức Kitô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai. Để vào cung thánh, Người đã đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn, không do bàn tay con người làm nên, nghĩa là không thuộc về thế giới thọ tạo này. Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta." Đức Kitô là Thượng Tế cao trọng hơn tất cả các thượng tế, vì các lý do sau:
(1) Ngài không phải dâng lễ đền tội cho mình vì Ngài không có tội; trong khi các thượng tế khác phải dâng lễ đền tội cho mình trước khi dâng lễ đền tội cho người khác.
(2) Ngài tự nguyện hy sinh chính Mình để làm của lễ đền tội cho con người, và chỉ cần một lần là đủ. Từ nay, con người không cần phải dâng lễ vật chiên bò mỗi khi phạm tội nữa.
(3) Các Thượng Tế mỗi năm chỉ được vào trong Nơi Cực Thánh của Đền Thờ (nơi Thiên Chúa hiện diện) một lần trong Ngày Xá Tội, Đức Kitô vào một cung thánh hoàn hảo hơn trên trời, và Ngài luôn luôn ngự bên hữu Thiên Chúa để chuyển cầu cho con người. Khi chịu chết, Đức Kitô đã xé tan bức màn ngăn cách giữa hai nơi thánh và cực thánh trong Đền Thờ; vì thế, tất cả mọi người đều có thể đến trực tiếp với Thiên Chúa qua Đức Kitô bất cứ lúc nào.
(4) Máu của Đức Kitô không thể so sánh với máu của chiên bò: "Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch, thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống." Thứ nhất, Máu của Đức Kitô đổ ra là máu tình nguyện, "làm theo ý Thiên Chúa;" chứ không phải máu của các súc vật bị bắt phải đền tội. Thứ hai, Máu của Đức Kitô là Máu của Con Thiên Chúa. Sau cùng, Máu của Đức Kitô đổ ra không những có sức thanh tẩy tội lỗi, còn có sức thánh hóa và thông ban cho con người sức sống thần linh.
2.2/ Công dụng của máu:
(1) Thanh tẩy: Máu của thân thể luân chuyển để lọc bỏ các chất dơ trong các phần của thân thể. Máu của giao ước cũ là máu của súc vật đổ ra để thanh tẩy tội lỗi cho con người. Máu của giao ước mới thanh tẩy tội lỗi cho con người một lần là đủ: "Bởi vậy, Người là trung gian của một giao ước Mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ. "
(2) Nuôi sống: Máu là biểu tượng của sự sống vì máu luân chuyển và nuôi dưỡng mọi phần của thân thể. Máu các súc vật đổ ra để chết thay cho con người. Máu Đức Kitô đổ ra để chết thay cho con người và khôi phục lại sự sống đời đời cho con người: "Máu Đức Kitô đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa."
(3) Liên kết: Máu liên kết các phần của thân thể với nhau. Trong Cựu Ước, ngày lễ Xá Tội (Yon Kippur) được mệnh danh là "at-one-ment = trở thành một," để liên kết con người với Thiên Chúa và với nhau. Trong Tân Ước, máu của Đức Kitô liên kết chúng ta, những chi thể của một thân thể là Giáo Hội, với Đức Kitô là Đầu.
3/ Phúc Âm: "Đây là máu Thầy, máu giao ước mới, đổ ra vì muôn người."
3.1/ Lễ Vượt Qua của Đức Kitô: có bối cảnh lịch sử từ Lễ Vượt Qua của người Do-thái. Trong biến cố Vượt Qua này, Thiên Chúa giải thoát dân tộc Do-thái khỏi làm nô lệ cho người Ai-cập, và đem họ vào vùng Đất Hứa tràn trề sữa và mật. Chúa Giêsu cũng ví Cuộc Thương Khó của Người như một vượt qua: "khi biết đã đến giờ Người sắp sửa từ giã cuộc đời này để về với Thiên Chúa" (Jn 13:1). Trong Lễ Vượt Qua cũ, bánh không men và chiên vượt qua là hai thứ không thể thiếu để mừng lễ: máu chiên dùng để bôi trên cửa nhà, để thiên thần vượt qua mà không vào sát hại như sát hại các con đầu lòng của người Ai-cập.
3.2/ Chúa Giêsu thiết lập Bí-tích Thánh Thể: Trong Lễ Vượt Qua mới, bánh không men chính là Mình Chúa Giêsu, như trình thuật kể: "Đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy." Chiên Vượt qua mới là máu của Đức Kitô: "Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: "Đây là máu Thầy, máu giao ước, đổ ra vì muôn người."
Trong Cuộc Vượt Qua mới, Đức Kitô cũng giải thoát con người khỏi làm nô lệ cho tội lỗi và sự chết bằng chính Mình và Máu của Ngài. Sau khi ăn Lễ Vượt Qua, người Do-thái phải lên đường bắt đầu cuộc hành trình qua Biển Đỏ. Chúa Giêsu và các môn đệ cũng thế, sau khi đã thiết lập Bí-tích Thánh Thể, Chúa Giêsu và các môn đệ hát thánh vịnh, Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ ra núi Olive để cầu nguyện và chịu thử thách.
Cuộc sống của mỗi người cũng thế, sau khi đã lãnh nhận thần lương của Bí-tích Thánh Thể, chúng ta cũng phải vào cuộc đời để đương đầu với những khó khăn và thử thách hằng ngày của cuộc sống như: bệnh tật; học hành và công ăn việc làm; bất đồng, hiểu lầm, chia rẽ, và hận thù đến từ các mối liên hệ với tha nhân, cộng thêm vào những lo lắng tương lai... Chính sự sống thần linh nhận được từ Bí-tích Thánh Thể sẽ giúp chúng ta có đủ sức mạnh và nghị lực, để vượt qua tất cả các khó khăn này. Nếu không năng lãnh nhận thần lương, làm sao chúng ta tìm được sức mạnh để vượt qua các khó khăn của cuộc sống?

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Bí-tích Thánh Thể là Bí-tích tình yêu. Vì yêu nên Đức Kitô đã lập ra để ở lại với con người mỗi ngày cho đến tận thế. Chúng ta cần năng lãnh nhận Bí-tích này để xin Ngài gia tăng tình yêu cho chúng ta.
- Bí-tích Thánh Thể là Bí-tích đem lại sự sống. Chúng ta không chỉ sống cách thể lý; nhưng phải sống đời sống thiêng liêng. Bí-tích Thánh Thể cung cấp sức mạnh tinh thần, để chúng ta có nghị lực vui sống và vượt qua các khó khăn mỗi ngày.
- Bí-tích Thánh Thể là Bí-tích hiệp nhất. Bí-tích này liên kết con người với Thiên Chúa và với nhau. Để có thể chung sống hài hòa, chúng ta cần năng lãnh nhận Bí-tích này.
Lm.An-tôn Đinh Minh Tiên OP.


Lễ Mình và Máu Thánh Chúa - năm B
Suy niệm:Ðức Giêsu yêu thương Ngài không chỉ ban cơm bánh, tiện nghi, sức khỏe... Một cuộc sống mau qua đời này cho chúng ta: mà còn dành cho chúng ta một nguồn ân sủng vô tận đặc biệt nhất, chính là Mình Máu Ngài làm lương thực nuôi linh hồn ta. Ngài đã yêu và yêu đến cùng. Người Do thái không hiểu Ngài, cũng không hiểu được Lời Ngài vì thế đưa đến mâu thuẫn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con siêng năng chạy đến với Chúa qua thánh lễ qua bí tích Thánh Thể. Xin cho chúng con cảm nghiệm được tình yêu bao la của Chúa đã tự hiến vì chúng con. Ðể từ đó chúng con biết múc tình yêu của Chúa trao ban cho tha nhân. Amen.
Ghi nhớ : "Này là Mình Ta. Này là Máu Ta".

10/06/12 CHÚA NHẬT TUẦN 10 TN - B 
Mình Máu Thánh Chúa Kitô
Mc 14,12-16.22-26

TIỆC MÌNH MÁU CHÚA KITÔ

“Anh em hãy cầm lấy, này là mình Thầy ... Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người.” (Mc 14,22.24)

Suy niệm: Để tỏ lòng hiếu khách, người ta thường đãi khách những món ăn ngon lạ và bổ dưỡng; những món ăn chọn lọc, do mình tự nuôi trồng và chế biến lấy thì lại càng quý. Dù bằng cách nào, các món ăn đó cũng chỉ là những thứ ngoài họ. Chúa Giêsu mời chúng ta đến dự một bữa tiệc có một không hai trên đời. Bất cứ bữa tiệc nào bằng mọi thứ sơn hào hải vị quí giá cũng không bằng bữa tiệc Người thết đãi chúng ta bằng chính Thân Mình Người: “Anh em hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy. Anh em hãy cầm lấy mà uống, này là Máu Thầy.” Không ai có thể đãi bạn bữa tiệc quý như thế, và Chúa Giêsu cũng không thể đãi ai bữa tiệc quý hơn bữa tiệc Mình và Máu Người. Đúng là Chúa đã yêu thì yêu đến kỳ cùng!

Mời Bạn: Được ăn Mình và uống Máu Chúa, chúng ta trở nên một với Chúa. Diễm phúc nên một này mời gọi chúng ta hãy nên một cả trong hành động. Chúa đã hiến mình làm của nuôi chúng ta. Đến lượt chúng ta cũng cần hiến mình để trở nên của ăn cho người khác. Bằng cách hiến cho tha nhân thời gian, sức lực, của cải, tình yêu, sự quan tâm... Để qua chúng ta, việc hiến Mình và Máu của Chúa Giêsu được sống động. Cũng nhờ đó bí tích Thánh Thể được nhân thừa và đi vào cuộc sống.

Sống Lời Chúa: Để trở thành “tấm bánh bẻ ra và cho đi”, luôn sẵn sàng phục vụ quảng đại, với tất cả tấm lòng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, vì yêu con, Chúa không quản ngại cho đi chính thân mình Chúa làm sức sống cho linh hồn con. Xin cho con cũng biết chia sẻ cho tha nhân tình yêu con nhận được từ Chúa.




Bí tích cứu độ - Lễ suy tôn Thánh Thể
Hôm nay, lễ suy tôn Thánh Thể. Nói đến Thánh thể người ta thường hay nói đến một bữa ăn, một bữa ăn Agape, bữa ăn huynh đệ. Nhưng thực ra, “Bản chất của Bí tích Thánh Thể không chỉ là bữa ăn chung, mà còn và trước tiên là hiện tại hóa hy lễ thập giá. Thiếu giá trị hy tế, Mầu Nhiệm Thánh Thể không có ý nghĩa và chỉ có giá trị như là một buổi gặp gỡ giao hảo và huynh đệ” (BT cứu độ).
Vì thế hôm nay, chúng ta cùng nhau khơi gợi lại ý nghĩa và những giá trị thiêng liêng của thánh lễ.

Một họa sĩ người Ý, đã diễn tả giá trị thánh lễ qua bức tranh như sau: Khi linh mục dâng lễ, trên đầu ngài có 4 thiên thần bay lượn, miệng ngậm loa, sẵn sàng báo tin ngày chung thẩm của thế giới. Nhưng xem ra các Ngài còn chờ đợi cho tới khi linh mục cuối cùng này cử hành xong thánh lễ giao hòa dâng lên Thiên Chúa,  mới gióng lên tiếng loa định mệnh này.

Thực vậy, Mẹ Têrêsa thành Calcutta thường hay nói với các chị em trong dòng rằng: “Không có thánh lễ Misa, chúng ta sẽ ra sao, mọi sự dưới gầm trời này hẳn sẽ bị tiêu hủy, chỉ có thánh lễ mới ngăn được tay Thiên Chúa. Không có thánh lễ, chắc chắn Giáo Hội sẽ không còn tồn tại và thế giới ắt sẽ bị diệt vong”.

Vì cử hành thánh lễ là hiện tái hóa hy tế thập giá năm xưa của Chúa Kytô trên thập giá. Máu Thánh Chúa được tiếp tục đổ ra cho nhiều người được tha tội, được ơn cứư độ. Hy tế thập giá của Chúa Kytô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn tiếp tục tái diễn để giao hòa thế gian với Thiên Chúa.

Nhìn vào thế giới hôm nay, người ta thấy tội lỗi mỗi ngày một gia tăng, sự dữ ngày càng ngập tràn. Tại sao Thiên Chúa không trút cơn thịnh nộ xuống trên địa cầu? Thưa, bởi vì hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, Con Chiên Thiên Chúa tế lễ trên bàn thờ, xoa dịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa Cha, “và tước khí giới nơi bàn tay sẵn sàng sửa phạt của Ngài”. Chúng ta không thể đếm được các tia lửa từ các ông khói tàu thủy tung tóe ra. Thế mà, các tia lửa đó không gây hỏa hoạn. Vì chúng rơi xuống biển và dập tắt ngay. Cũng không thể đếm được các tội ác hằng ngày từ trái đất xông lên và đòi sự công thẳng của Thiên Chúa. Nhưng nhờ sự giải hòa của Thánh lễ, chúng ta được đẩy vào đại dương của lòng từ bi Thiên Chúa và hình phạt đã không trút xuống địa cầu.

Thánh Laurensô Giustinianô nói: “lưỡi loài người không thể kể hết những ơn phúc từ thánh lễ: nào là tội nhân được giao hòa với Thiên Chúa, người công chính nên công chính hơn, tội lỗi được xóa sạch, nết xấu được giảm thiểu, nhân đức và công nghiệp gia tăng, kế hoạch của ma quỷ bị bẻ gãy”.

Cha sở họ Ars : “Mọi việc lành họp lại cũng không thể so sánh với thánh lễ Misa, vì mọi việc lành là của loài người, còn thánh lễ là của Thiên Chúa”.

Thế nhưng, hôm nay nhiều người vẫn xem nhẹ thánh lễ. Họ đi lễ nhưng thiếu tấm lòng đón nhận ơn cứu độ, ơn tha thứ của Chúa. Đi lễ cho qua lần chiếu lượt. Đi lễ vì luật buộc. Vì người khác đi mình cũng được. Có mấy ai ý thức giá trị của hiến tế thập giá. Có mấy ai hiểu được hy tế thập giá cần phải được cử hành mỗi ngày để xin ơn tha tội và để Con Thiên Chúa lại tiếp tục đổ máu mình ra để giao hòa với Chúa Cha.

Bên cạnh đó, khi tham dự thánh lễ là chúng ta thông hiệp vào Mình và Máu Thánh Chúa Kytô. Chúng ta được kết hợp nên một trong Chúa Kytô. Chúa Kytô là Đầu Hội Thánh đã dâng chính mình làm tế lễ, còn chúng ta là những chi thể trong nhiệm thể của Người, chúng ta cùng ăn một bánh, cùng uống một chén thánh là chính Mình Máu Thánh Chúa Kytô, chúng ta có cùng chịu hiến tế chính mình như Đức Kytô là Đầu của Hội thánh hay không? Liệu rằng, chúng ta có thể đứng nhìn Chúa chịu sát tế, còn mình không chịu làm gì cả, hay chỉ đứng đó như những khách bàng quang, đứng bên vệ đường nhìn xem máu Chiên Con vô tội đang đổ ra vì loài người, mà lòng mình không cảm thấy một chút hổ thẹn hay ái ngại lương tâm? Chúa Kytô vẫn đang đổ máu vì tội lỗi loài người. Giáo hội vẫn đang hiệp thông với đau khổ của Con Chiên Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ đóng góp phần vụ gì trong việc đền tội cho thế giới và cứu độ trần gian?

Chúng ta biết rằng, trên bàn thờ tế lễ Giáo hội buộc phải có tượng Chúa chịu nạn, chính là để nhắc nhở chúng ta phải hy sinh, phải dâng hiến mình như Chúa Giêsu đã hiến dâng. Phải đóng góp phần chúng ta như Mẹ Maria đã đóng góp chính nỗi đau khổ xé nát lòng mình, hiệp thông với đau khổ của Chúa Giêsu để dâng lên Chúa Cha.

Thiết tưởng để thánh lễ thực sự mưu ích cho phần rỗi chúng ta và cho toàn thể nhân loại. Mỗi người chúng ta cũng phải biết gom góp hy sinh mỗi ngày như những hạt lúa bị nghiền nát, như trái nho ép thành chén rượu mới có của lễ để dâng trên bàn thờ. Đó chẳng phải là mồ hôi nước mắt trong lao công con người làm nên hay sao? Đó chẳng phải là những hy sinh, những chén đắng trong cuộc đời mà mỗi người chúng ta đang chấp nhận vì lòng yêu mến Chúa hay sao?

Lạy Chúa, xin nhận lấy hạt lúa nghèo nàn này, nó thuộc về Chúa. Dưới cối xay của bổn phận trong bậc sống của mình, của những thập giá Chúa gởi tới, xin cho con được nghiền nát cho Chúa, và xin cho ngọn lửa tình yêu mến làm con trở nên một tấm bánh tinh tuyền dâng lên trước tôn nhan Chúa. Amen

Linh mục Jos Tạ Duy Tuyền

Vì muôn người

Suy Niệm
Ðại lễ Vượt qua gần đến.
Chúa Giêsu ước ao ăn lễ Vượt qua lần cuối
với các môn đệ trước khi chịu khổ hình (Lc 22,15).
Ngài đã tiên liệu nơi tổ chức bữa tiệc.
Một căn phòng rộng rãi trên lầu, đã chuẩn bị sẵn sàng.
Các môn đệ chỉ phải lo những gì cần cho bữa ăn:
bánh không men, rượu, chiên và rau đắng.
Thế nhưng chỉ mình Chúa Giêsu biết
Ngài sẽ làm gì trong bữa tiệc Vượt qua này.
Bữa tiệc cuối là thánh lễ đầu tiên của Chúa.
Vẫn bánh đó, vẫn rượu đó trên bàn tiệc.
Nhưng đối với các môn đệ, thật là bất ngờ
Khi Chúa Giêsu bẻ bánh, trao cho họ và nói:
“Anh em hãy cầm lấy, đây là Mình Thầy.”
Ngài còn mời họ uống rượu và nói:
“Ðây là Máu Thầy, Máu giao ước, đổ ra vì muôn người.”
Như thế bánh rượu đã được biến đổi tận căn
để trở thành Mình Máu Chúa.
Ăn bánh và uống rượu trở nên hành vi thông hiệp
vào cái chết sắp đến của Thầy.
Ngay hôm sau, trên núi Sọ, máu Chúa đã đổ,
và tấm thân Chúa bị nát tan.
Hy lễ núi Sọ chỉ diễn ra một lần,
nhưng ảnh hưởng trên cả dòng lịch sử.
Bữa tiệc ly chỉ diễn ra một lần,
nhưng Chúa muốn nó được lặp lại cho đến tận thế:
“Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19).
Mỗi thánh lễ là một bữa tiệc ly,
vị linh mục lặp lại cử chỉ và lời nói của Chúa.
Mỗi thánh lễ là một tưởng nhớ hy tế thập giá.
Cái chết cứu độ năm xưa, nay trở thành hiện tại
để đem đến sự sống cho tín hữu thuộc mọi thời.
Rước lễ là gặp gỡ Ðấng hy sinh chịu chết,
là kết hợp với Ðấng đã yêu đến cùng.
Ta được mời gọi sống như Ðấng ta lãnh nhận,
nghĩa là bẻ ra, chia sẻ, phục vụ và hiến trao.
Ta không thể tiếp tục sống ích kỷ và khép kín,
khi ngày ngày rước lấy Ðấng đã chết vì muôn người.
Rước lễ không phải chỉ là nhận Chúa vào miệng,
mà là để Chúa chiếm lấy mọi ngõ tối của đời mình,
nhờ đó đời ta được hoàn toàn biến đổi.
Nhiều khi có một khoảng cách quá xa
giữa thánh lễ và đời thường của người Kitô hữu.
Thực sự gặp Chúa dưới hình bánh rượu
sẽ đưa ta gặp Chúa nơi những người nghèo khổ,
vì họ cũng là sự hiện diện thật sự của Chúa (x. Mt 25, 35).
Mặt khác, càng say mê phục vụ con người,
ta càng cảm thấy nhu cầu rước lấy Ðấng phục vụ.
Khi dự lễ, bạn hãy đem theo hy lễ đời mình
để kết hiệp với Hy lễ của Chúa.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con một tâm hồn
theo hình ảnh Tấm Bánh Thánh
Một tâm hồn trong trắng,
cố tránh cả những ô uế nhỏ mọn
để luôn xứng đáng với Chúa.
Một tâm hồn khiêm hạ
tìm chiếm chỗ nhỏ bé,
nhưng luôn luôn muốn bày tỏ
một tình yêu lớn lao.
Một tâm hồn đơn sơ,
không biết đến những phức tạp của ích kỷ,
và tìm hiến dâng mà không đòi lại.
Một tâm hồn lặng lẽ,
hạnh phúc khi thấy sự quảng đại của mình
không được người khác biết đến.
Một tâm hồn nghèo khó,
chỉ làm giàu cho mình
nhờ chiếm được chính Chúa.
Một tâm hồn luôn hướng về tha nhân,
quan tâm đến những nhu cầu và ước muốn của họ.
Một tâm hồn luôn kết hiệp với Chúa,
và múc lấy nguồn sống từ nơi Chúa.
(Cha Galot)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Lời Chúa Trong Gia Đình
CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN
MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ
Xh 24, 3-8; Dt 9, 11-15; Mc 14, 12-16.22-26.
LỜI SUY NIỆM: “Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giêsu: Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?” (Mc 14,12).
        Khi chúng ta mới đọc ở câu Kinh Thánh này; chúng ta có cảm nghĩ là Chúa Giêsu chưa có sự chuẩn bị cho ngày lễ Vượt Qua nhưng thực ra, Ngài đã chuẩn bị và sắp đặt mọi sự đâu vào đó rồi, Ngài chỉ chờ ở sự quan tâm của các môn đệ về ngày lễ. Khi các môn đệ tỏ ý quan tâm thì Ngài sẽ sai đi và mọi sự đều tốt đẹp.
        Trong đời sống làm tông đồ chúng ta cũng phải biết quan tâm đến công việc của Giáo Hội, của Giáo phận, của Giáo xứ cũng như của cha xứ, để chúng ta có sự chuẩn bị, khi công việc cần đến chúng ta, Với tinh thần sẵn có; chúng ta sẽ cọng tác chung để thực hiện công việc ấy tốt đẹp hơn và đẹp lòng Chúa.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++

10 Tháng Sáu
Hãy Làm Chủ Chính Mình

Một tác giả nọ có kể một câu chuyện nghụ ngôn như sau: Một nhà trí thức, một thương gia và một quan đầu tỉnh bị quân cướp tấn công nhân một cuộc hành trình giữa sa mạc. Sau khi đã đánh đập, bọn cướp bỏ ba người dở sống dở chết bên lề đường. Tuy nhiên, ba người cũng cố gắng lê bước để tìm đến túp lều của một vị ẩn sĩ. Sau khi đã băng bó các vết thương cho ba người, vị ẩn sĩ mới nói với họ: "Túp lều của tôi quá nhỏ. Mùa đông lại sắp đến. Xin mỗi vị cố gắng làm riêng cho mình một căn lều để trú ẩn".
Nghe thế cả ba người bộ hành đều chống chế, vì họ chỉ muốn tiếp tục cuộc hành trình mà thôi. Vị ẩn sĩ mới cho họ biết rằng tuyết đã bắt đầu rơi và không còn một lối thoát nào có thể giúp họ ra khỏi vùng sa mạc. 
Nhưng làm thế nào để tự mình có thể dựng cho mình túp lều? Nhà trí thức thì than phiền rằng mình không có sách vở trong tay. Thương gia thì quả quyết rằng cả đời mình chỉ biết đếm tiền và giao dịch. Còn viên đầu tỉnh thì cho rằng ông không thể làm việc gì mà không có thuộc hạ.
Nhưng nước đến trôn rồi thì cũng đành phải nhảy. Không còn lý do gì để khước từ, cả ba người đành phải bắt tay vào dựng riêng cho mình căn lều. Khi họ vừa hoàn thành túp lều thì mùa đông cũng vừa đến. Trong suốt mùa đông dài, họ không còn bít làm gì hơn là ngồi bên bếp lửa để ôn lại chuyện quá khứ... Vị ẩn sĩ thỉnh thoảng cũng xen vào câu chuyện để góp ý và an ủi ba người bất hạnh.
Ðông tàn, xuân đến. Ba người bộ hành muốn lên đường trở về tức khắc. Nhưng lòng tốt và tình bạn của nhà ẩn sĩ không nỡ để họ ra đi. Thành ra, họ đành ở nán lại một thời gian để giúp ông cày xới và gieo trồng cũng như chăm sóc gia súc. Và rồi, khi ánh nắng xuân chiếu tỏa giữa sa mạc, họ cũng ở lại thêm một thời gian để ngắm cảnh thiên nhiên...
Một ngày nọ, vị ẩn sĩ mới thắc mắc như sau: "Tôi không còn nghe các ông nói đến sách vở, công việc làm ăn và những người thuộc hạ nữa. Có chuyện gì xảy ra cho các ông không?". Cả ba người đều giữ thinh lặng. Vị ẩn sĩ mới nói tiếp: "Tôi xin phép được trả lời cho các ông nhé. Trước kia, các ông có một ông chủ, ông chủ của các ông có tên là sách vở, là tiền bạc, là các thuộc hạ. Giờ đây, các ông cũng giống như chó lạc mất chủ, các ông cảm thấy tự do. Nhưng tôi nghĩ rằng tốt hơn là các ông nên trở về với sách vở, với tiền bạc, với các thuộc hạ của các ông. Trêu về nhưng không với tư cách là nô lệ nữa. Các ông hãy là chủ chính mình. Và nếu các ông muốn có một người chủ luôn để cho các ông tự do hoàn toàn, xin hãy nhớ đến tôi và chủ của tôi".
Lục soát cho kỹ trong lương tâm, có lẽ ai trong chúng ta cũng phải thú nhận rằng mình là nô lệ của rất nhiều ông chủ.
Có ông chủ mang tên là một ý thức hệ kiên cố đang trói buộc đôi cánh tư tưởng của chúng ta. Chúng ta bị giam hãm trong vòng nô lệ đến độ không dám đưa chân bước ra khỏi vòng tròn mà ý thức hệ đó đã vẽ sẵn.
Có ông chủ mang tên là những định kiến đối với cuộc đời, đối với xã hội, đối với con người mà chúng ta không bao giờ muốn từ bỏ, mà chúng ta luôn chụp xuống trên người khác có lẽ cúng là hàng rào kẽm gai mà chúng ta khoanh tròn xung quanh chúng ta để mãi mãi chỉ mang lấy một cái nhìn hẹp hòi, ích kỷ.
Có ông chủ là những thói quen xấu mà chúng ta tích lũy như một pháo đài kiên cố để không muốn rời một bước.
Có ông chủ là thứ tôn giáo vụ hình thức trong đó chúng ta cố gắng tô vẽ cho mình một bộ mặt đạo đức, nhưng kỳ thực lại hoàn toàn xa lạ với Tin Mừng của Chân Lý và tự do đích thực.
Mỗi người chúng ta cần phải rời bỏ những ông chủ quen thuộc để đi vào trong túp lều nhỏ bé, nhưng chính do chúng ta cố gắng tự tạo ra. Nơi sa mạc của cõi lòng, chúng ta sẽ gặp được chính Chúa làông chủ đích thực của chúng ta. Có trút bỏ mọi ràng buộc trong cuộc sống, chúng ta mới cảm thấy được Ngài chiếm ngự và lúc đó chúng ta mới cảm nhận được niềm hạnh phúc đích thực mà Chúa Giêsu đã hứa: "Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó".
(Lẽ Sống)


Ngày 10

LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ


Việc cử hành long trọng Bí tích Thánh Thể có một ưu tiên đặc biệt được gọi là "Lễ của Chúa - Fête-Dieu." Phụng vụ cử hành Thân Mình Chúa Kitô, Bánh hằng sống, bánh thiên thần, Lương thực tinh thần. Đức Kitô nhập thể vào bản thể của chúng ta để chúng ta được sống mãi mãi, theo tiền đề của Phúc Âm thánh Gio an.
Bánh của Thiên Chúa, Bánh bởi trời không thể tách biệt nhau, hoa màu ruộng đất và công lao của con người". Bánh thỏa mãn cơn đói, bị bẻ ra vì đau khổ chúng ta, xuyên qua các khổ đau. Bánh được nhân lên cho toàn thể nhân loại, với rượu hoan ca, rượu nồng cho các điều thiện hảo của Thiên Chúa. Rượu buồn khổ và say sưa vì lệch lạc của chúng ta. Rượu của ơn cứu độ đổ vào chén Máu của Đức Kitô.
 
Nếu như có ai trong tiếng thưa Vâng, qui tụ trong Người cả Bánh và rượu này, thì người đó chính là Đức Maria. Chúng ta hãy quan sát, hãy chiêm niệm, hãy liên kết. Hang đá, sinh Con Thiên Chúa, Mẹ nằm tại Bethléhem, có nghĩa là "Nhà Bánh". Cana! Với sự thúc đẩy của Đức Maria mà Đức Giêsu đã biến nước thành rượu trong bữa tiệc trọng đại. Thánh Thể! Bánh cho người nghèo cũng như cho người giàu. Bánh cho cuộc vượt qua trần thế của chúng ta.
Linh mục Pierre Talec

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét