Bài Đọc Hằng Ngày
|
|
|
Thứ Ba Tuần 10 Thường Niên Năm II
|
|
BÀI ĐỌC I:1 V 17, 7-16
"Vò bột không cạn và bình dầu
không giảm như lời Chúa đã dùng lời Êlia mà phán".
Trích
sách Các Vua quyển thứ nhất.
Trong
những ngày ấy, giòng suối nơi Êlia ẩn náu đã cạn, vì trong xứ không mưa. Bấy giờ
Thiên Chúa phán cùng Êlia rằng: "Hãy chỗi dậy, đi Sarephta thuộc miền Siđon và ở lại đó: Ta đã
truyền cho một quả phụ nuôi dưỡng ngươi". Ông liền lên đường đi Sarephta.
Khi ông đến trước cửa thành, ông thấy một quả phụ đang lượm củi; ông gọi bà và
nói với bà rằng: "Xin đem cho tôi một ít nước trong bình để tôi uống".
Đương lúc bà đi lấy nước, ông gọi lại mà nói: "Xin cũng mang cho tôi một
miếng bánh". Bà thưa: "Có Chúa là Thiên Chúa hằng sống chứng giám:
Tôi không có sẵn bánh, tôi chỉ còn một nắm bột trong hũ với một ít dầu trong
bình. Này đây tôi lượm vài que củi về nấu cho tôi và con trai tôi ăn, rồi chết
thôi". Êlia trả lời bà rằng: "Bà đừng lo, cứ đi và làm như bà đã nói.
Nhưng, với chút bột ấy, trước hết hãy làm cho tôi một cái bánh nhỏ, đem ra đây
cho tôi, sau đó hãy làm cho bà và con trai bà. Vì Chúa là Thiên Chúa Israel truyền rằng:
"Hũ bột sẽ không cạn và bình dầu sẽ không vơi đi, cho đến ngày Chúa cho
mưa xuống trên mặt đất". Bà đi làm theo lời ông Êlia; chính ông và bà cùng
cả nhà đều đủ ăn; từ ngày đó, hũ bột không cạn và bình dầu không vơi, như lời
Chúa đã dùng Êlia mà phán. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 4, 2-3. 4-5. 7-8
Đáp: Lạy Chúa, xin chiếu sáng thiên nhan Chúa trên mình chúng con
(c. 7b).
Xướng: 1) Khi con cầu, nguyện
Chúa nghe, lạy Chúa công bình của con, Chúa đã giải thoát con trong cơn khốn
khó, nguyện xót thương và nghe tiếng con cầu. Người quyền thế, các ông cứng
lòng tới bao giờ nữa? Tại sao say đắm bả phù hoa và kiếm chuyện sai ngoa? - Đáp.
2)
Nên biết rằng Chúa biệt đãi thánh nhân Ngài, Chúa sẽ nghe tôi khi tôi cầu khẩn
Chúa. Hãy run lên và thôi phạm tội, hãy hồi tâm nghĩ lại trên giường nằm, và
hãy lặng thinh. - Đáp.
3)
Nhiều người nói: "Ai chỉ cho ta thấy điều thiện hảo?" Lạy Chúa, xin
chiếu sáng thiên nhan Chúa trên mình chúng con. Chúa đã gieo vào lòng con niềm
vui, vui hơn tụi kia khi chúng tràn đầy lúa rượu. - Đáp.
ALLELUIA: Ga 8, 12
Alleluia,
alleluia! - Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh
sáng ban sự sống". - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 5, 13-16
"Các con là sự sáng thế
gian".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con là muối đất. Nếu muối
đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn xử dụng vào
việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó. Các con là sự
sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người
ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu
soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra
trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha
các con trên trời". Đó là lời Chúa.
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ 3 sau CN X TN B
Bài đọc: 1 Kgs 17:7-16; Mt
5:13-16.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ :
Một người hay một vật hữu ích khi người đó hay vật đó làm những
gì giả sử phải làm; ví dụ: học sinh phải học, cảnh sát phải giữ trật tự và bảo
vệ dân, chó phải giữ nhà, cây ăn trái phải cho trái ăn, cái cuốc phải đào được
đất. Nếu không làm nhiệm vụ giả sử phải làm, người đó hay vật đó trở thành vô
ích. Người ta sẽ quăng đi và thay thế bằng người hay vật khác.
Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật bổn phận của các tín hữu là phải
soi sáng cho những người chưa biết Thiên Chúa để họ cũng tin vào Ngài. Trong
bài đọc I, tác giả Sách Các Vua I tường thuật niềm tin của một bà góa Dân Ngoại
vào ngôn sứ Elijah và vào Thiên Chúa; trong khi vua và toàn thể con cái Israel lìa xa
Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra hai biểu tượng của muối và ánh sáng như
hai đặc tính của người Kitô hữu đã có, để nhắc nhở cho họ biết bổn phận của họ
là phải giúp cho những người chưa biết Chúa nhận ra và tin tưởng vào Ngài. Nếu
không, họ là những người vô dụng cần cất đi để lấy chỗ cho người khác sinh lợi
ích cho Ngài.
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Một bà góa Dân Ngoại
biểu lộ niềm tin vào ngôn sứ Elijah và vào Thiên Chúa.
1.1/ Có Đức Chúa, Thiên Chúa hằng sống của ông tôi thề là tôi
không có bánh.
Thiên Chúa muốn ngôn sứ Elizah chứng kiến niềm tin của Dân Ngoại
chưa biết Thiên Chúa nên truyền cho ông: "Ngươi hãy đứng dậy đi Zarephath,
thuộc Sidon , và
ở lại đấy. Này Ta truyền cho một bà goá ở đó nuôi ngươi." Điều lạ ở đây là
người đó lại là một bà góa nghèo đang đi lượm củi và cũng đang chịu cùng một cảnh
khổ như tất cả các người Israel
khác. Nước rất khan hiếm vì trời hạn hán; nhưng khi Elijah xin, bà cũng thương
tình đi lấy cho ông chút nước. Nhưng khi Elijah xin bánh, bà thành thật nói với
ông hoàn cảnh bi đát của bà: "Có Đức Chúa, Thiên Chúa hằng sống của ông tôi thề
là tôi không có bánh. Tôi chỉ còn nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò. Tôi
đang đi lượm vài thanh củi, rồi về nhà nấu nướng cho tôi và con tôi. Chúng tôi
sẽ ăn rồi chết." Ông Elijah hứa với Bà: "Bà đừng sợ, cứ về làm như bà vừa nói.
Nhưng trước tiên, bà hãy lấy những thứ đó mà làm cho tôi một chiếc bánh nhỏ, và
đem ra cho tôi, rồi sau đó bà sẽ làm cho bà và con bà. Vì Đức Chúa, Thiên Chúa
của Israel
phán thế này: "Hũ bột sẽ không vơi vò dầu sẽ chẳng cạn cho đến ngày Đức
Chúa đổ mưa xuống trên mặt đất." Bà ấy đi và làm như ông Elijah nói.
1.2/ Niềm tin can đảm của bà góa thành Zarephath: Hoàn cảnh và cách
biểu lộ niềm tin yêu của bà góa cho Elijah và vào Thiên Chúa phải là mẫu gương
cho các tín hữu. Thứ nhất, bà là người Dân Ngoại chưa biết Thiên Chúa. Bà nghe
nói về Đức Chúa của Israel
nhưng chưa biết Người là ai. Thứ hai, bà cũng không biết Elijah là ngôn sứ. Bà
chỉ biết ông là người Do-thái và đang lâm cơn hoạn nạn giống như bà. Thứ ba, nước
và bánh là hai thứ quí giá để bảo vệ sự sống cho con người khi nạn đói hoành
hành; nhất là hoàn cảnh mẹ góa con côi như bà. Thế mà bà tin lời Elijah và
Thiên Chúa của ông, Bà sẵn sàng chia sẻ chiếc bánh cuối cùng cho ông. Thiên
Chúa đã ân thưởng niềm tin can đảm của bà: “ông Elijah và con bà có đủ ăn lâu ngày.
Hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn, đúng như lời Đức Chúa đã dùng ông
Elijah mà phán.”
Chúa Giêsu dùng câu truyện này để nhắc nhở cho người Do-thái biết
họ phải xấu hổ về cách sống niềm tin của họ; nhưng họ đã không nghe còn mang
Ngài lên cao để xô Ngài xuống vực thẳm (Lk 4:25-26). Thời của ngôn sứ Elijah,
thời của Chúa Giêsu, và thời đại của chúng ta, vẫn còn biết bao nhiêu nhiêu người
chỉ mang cái vỏ “Kitô hữu;” nhưng cách sống và cách biểu lộ niềm tin cho tha nhân không bằng
một phần của những người chưa bao giờ biết Thiên Chúa như trường hợp của bà góa
nghèo nàn này!
2/ Phúc Âm: Anh em phải sống
làm sao để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh
em, Đấng ngự trên trời.
Đạo không phải chỉ giới hạn trong việc biết Thiên Chúa và các
nghi lễ trong nhà thờ; nhưng phải thấm nhập vào mọi hoàn cảnh của cuộc sống để
con người áp dụng những gì Chúa dạy. Chúa Giêsu đưa ra hai biểu tượng rất gần
gũi với con người và mời gọi chúng ta cùng suy nghĩ:
2.1/ Công dụng của muối: Không có gì rẻ và căn bản hơn muối; nhưng
muối làm nhiều điều hữu ích cho con người:
+ Muối tượng trưng cho trong sạch tinh tuyền: vì được kết tinh bởi
ánh sáng mặt trời và nước biển. Kitô hữu là những người đã được rửa sạch bằng
máu Đức Kitô và thấm nhuần mọi quà tặng của Thánh Thần, họ phải trở nên thánh
thiện và tinh tuyền trước khi sinh ích cho người khác.
+ Muối dùng để ngăn ngừa đồ ăn cho khỏi hư: Vì đặc tính mặn mà
của muối, nên muối được dùng để làm cho lương thực khỏi hư: thịt cá cần muối,
rau cỏ cần muối như dưa, cà, kim chi, trái cây cần muối nếu muốn để lâu. Ca dao
Việt-nam dùng việc muối cá để nói lên sự cần thiết của con cái phải vâng lời
cha mẹ: “Cá
không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.” Nếu điều này cần
thiết cho con cái, những điều dạy dỗ của Đức Kitô còn cần thiết hơn cho các
Kitô hữu. Nếu không có vị mặn của muối, làm sao các Kitô hữu có thể “ướp mặn
lòng người. “Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã
thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.”
+ Muối dùng để thêm gia vị cho thực phẩm: Muối không thể thiếu
trong việc nấu ăn, thực phẩm có ngon tới đâu mà nếu không có chất mặn của muối
hay nước mắm (cũng từ muối), cũng trở thành vô vị. Người Kitô hữu đã được trang
bị để trở thành muối cho đời. Điều cần chú ý ở đây là Chúa Giêsu dùng động từ ở
thời hiện tại “là;” có nghĩa: người Kitô hữu đã và luôn có. Bản chất của Kitô hữu
có những điều tốt để giúp cho thế gian trở nên tốt.
2.2/ Công dụng của ánh sáng: Biểu tượng này còn gần gũi với con người
hơn cả muối. Ánh sáng có rất nhiều công dụng.
+ Ánh sáng dùng để soi sáng: Khi trời tối, con người cần ánh sáng để khỏi
vấp ngã và tìm đồ đạc. Người Kitô hữu có sự thật soi sáng để khỏi rơi vào sai lầm.
+ Ánh sáng dùng để sưởi ấm: Khi trời lạnh, con người cần ánh sáng để
sưởi ấm như ánh sáng mặt trời hay lửa. Người Kitô hữu có Thánh Thần để sưởi ấm
mọi cô đơn, buồn khổ.
+ Ánh sáng bảo vệ con người khỏi nguy hiểm: Tội lỗi thường xảy
ra ở nơi không có ánh sáng. Người làm tội lỗi ghét ánh sáng vì họ sợ việc làm
đen tối của họ bị phơi bày...
Chúa Giêsu nói: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.” Đã là
ánh sáng thì không thể che giấu; nhưng phải đặt trên cao để soi sáng cho mọi
người, vì “chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế,
và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà.” Mục đích của việc soi sáng là để những
người chưa biết Thiên Chúa “thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn
vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.”
ÁP
DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải trở thành muối thiêng ướp mặn lòng người và
thành ánh sáng soi đường cho mọi người đến với Thiên Chúa.
- Nếu chúng ta không làm được những điều này, chúng ta đã trở
thành người vô dụng, và phế thải để lấy chỗ cho người khác.
Lm.An-tôn Đinh Minh Tiên, OP.
Sứ điệp: Người môn đệ Chúa Giêsu phải là muối, là ánh sáng cho trần gian. Đời sống thánh thiện theo Tin Mừng sẽ gìn giữ xã hội khỏi suy thoái và giúp xã hội thăng tiến.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, hàng ngày con nhìn thấy biết bao tội ác diễn ra quanh con. Đời sống luân lý ngày càng suy thoái. Những trào lưu xấu và những lý thuyết lầm lạc, đang lôi kéo và làm hư hỏng nhiều tâm hồn. Đứng trước thực trạng bi đát ấy, người ta đã báo động, la ó. Nhiều người thiện chí đã cố gắng ngăn chặn điều xấu và làm một cái gì đó tích cực để lôi kéo xã hội thăng tiến. Nhưng trái lại, rất nhiều người vẫn thờ ơ, thậm chí còn gieo rắc tội ác để đẩy xã hội xuống vực thẳm.
Lạy Chúa, con là môn đệ của Chúa. Chúa muốn con hơn ai hết phải tích cực tiêu diệt sự xấu, sự dữ, sự lầm lạc và gieo rắc điều tốt, điều lành, điều đúng. Chúa trao cho con sứ mạng trở thành muối và ánh sáng cho đời. Thế mà nhiều lúc đời sống Kitô hữu nơi con đã xuống cấp. Muối thánh thiện nơi con đã trở nên nhạt nhẽo, ánh sáng nơi con đã lu mờ và đem úp dưới thùng. Thậm chí lắm lúc con đã lôi kéo anh chị em vào con đường tội ác, sai trái.
Lạy Chúa, xin tha thứ cho con. Xin ướp mặn lại đời con bằng ân sủng và sự thánh thiện của Chúa. Xin Chúa giúp con đừng bao giờ hợp tác với điều xấu, trái lại, xin cho con can đảm tiêu diệt điều xấu bằng cách làm điều tốt, dù có bị thiệt thòi hay bị cười chê. Xin Chúa thúc đẩy con dám nói chân lý, dám sống theo phúc âm, dám lôi kéo người khác đi trên đường ngay nẻo chính. Amen.
Ghi nhớ : "Các con là sự sáng
thế gian".
12/06/12 THỨ BA TUẦN 10 TN
Mt 5,13-16
Mt 5,13-16
MUỐI CHO ĐỜI, ÁNH
SÁNG CHO TRẦN GIAN
“Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại?… Cũng chẳng ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi sáng cho mọi người trong nhà.” (Mt 5,13.15)
Suy niệm: Bản chất của người kitô hữu là vừa đơn sơ như hạt muối trắng, vừa bé nhỏ như ngọn đèn dầu, nhưng lại cao cả trong sứ mệnh.
Mặn là bản chất của muối. Muối thấm vào thức ăn, giữ cho nó khỏi hư và thêm đậm đà. Cũng thế, người kitô hữu hoà nhập vào trần thế, để làm cho môi trường thế gian trở nên tốt đẹp hơn nhờ bản chất “Kitô” của chính mình.
Và hãnh diện thay “anh em là ánh sáng cho trần gian”. Người Kitô hữu là con cái sự sáng, bắt nguồn từ nguồn sáng Đức Kitô. Ánh sáng Tin Mừng của Chúa phải được minh chứng qua lối sống của người kitô hữu. Đáng tiếc thay, nhiều kitô hữu khi hoà mình vào trần thế, đã để cho thế trần làm biến chất “kitô hữu”; họ sợ hãi: sợ dấn thân, sợ nguy hiểm, sợ mất địa vị, chẳng khác nào đặt ngọn đèn mình dưới thùng.
Mời Bạn: Khi hoà mình vào giòng đời hôm nay với nền đạo đức xuống cấp, phẩm giá con người bị chà đạp, bạn có nghĩ rằng thực trạng đó một phần cũng do muối của bạn kém mặn, đèn của bạn kém sáng chăng?
Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn hãy đến với Chúa Giê-su Thánh Thể để bạn được ướp mặn lại bằng muối của Ngài và đèn bạn được thắp sáng bằng ánh sáng của Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn chúng con là muối, là ánh sáng cho đời, xin cho chúng con biết sống bác ái, phục vụ để làm trọn sứ vụ này. Amen.
Muối cho trái đất
Suy niệm:
Người ta thường
định nghĩa Kitô hữu là người tin vào Đức Kitô,
là người sống
mầu nhiệm Vượt Qua với Đức Kitô, Con Một Thiên Chúa,
hay đơn giản
là người bạn của Ngài.
Chẳng thể nào
nói đến Kitô hữu mà không nói đến mối dây với Đức Kitô.
Nhưng trong
bài Tin Mừng hôm nay, khi nói chuyện với các môn đệ,
những người vừa
được nghe các Mối Phúc,
Đức Giêsu lại
đưa ra một định nghĩa khác về họ.
“Các con là muối
cho trái đất” (c. 13).
“Các con là
ánh sáng cho thế giới” (c. 14).
Thế giới này,
trái đất này, nằm trong định nghĩa về người Kitô hữu.
Không có Kitô
hữu sống lơ lửng giữa trời và đất.
Họ thuộc về trời
và thuộc về đất, về thế giới hiện tại và thế giới mai sau.
Họ được sai
vào thế giới này để phục vụ bằng cách biến đổi.
Muối có nhiều
công dụng.
Muối dùng để bảo
quản cho khỏi hư, để nêm nếm cho đậm đà, để bón phân.
Muối cần cho sự
sống thường ngày con người.
Đức Giêsu dùng
hình ảnh muối để áp dụng cho các môn đệ.
Họ cần cho
trái đất này,
Như muối thấm
vào đồ ăn, họ phải có ảnh hưởng tích cực trên trái đất.
Điều làm cho
muối là muối, đó là vị mặn.
Muối trở nên
nhạt thì đánh mất chính mình rồi, chẳng đáng gọi là muối nữa.
Đức Giêsu tự
nhận mình là Ánh sáng cho thế giới (Ga 8, 12; 9,5; 12, 46).
Bây giờ Ngài mạnh
dạn gọi các môn đệ là ánh sáng cho thế giới.
Thế giới hôm
nay đã được điện khí hóa khắp nơi.
Nhưng bóng tối
và bóng mờ thì chỗ nào cũng có.
Cả bên ngoài lẫn
bên trong tim con người.
Bóng tối thật
là một quyền lực đáng sợ mà con người phải đối diện.
Chỉ khi môn đệ
mang Ánh sáng của Đức Giêsu, và trở nên ánh sáng,
khi ấy họ mới
có thể giúp thế giới này bừng sáng.
Thành thánh
Giêrusalem ở trên núi, không sao giấu được.
Ngọn đèn được
thắp lên cũng không để lấy thùng che lại.
Căn tính của
người Kitô hữu cũng vậy.
Tự nó bừng
sáng, tự nó quyến rũ, tự nó hồn nhiên tỏa hương.
Đừng sợ để người
khác thấy điều tốt nơi mình,
nếu điều đó
đưa người ta đến chỗ nhận biết và tôn vinh Thiên Chúa.
Một phần ba thế
giới là Kitô hữu,
bẩy phần trăm
người Việt Nam
là Công Giáo.
Chúng ta có thể
làm được nhiều điều cho thế giới hôm nay.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa
Giêsu, Vua vũ trụ,
nếu Chúa là
vua của hơn bốn trăm ngàn linh mục,
nếu Chúa là
vua của hơn tám trăm ngàn nữ tu,
nếu Chúa là
vua của một tỉ người công giáo,
thì thế giới
này sẽ đổi khác,
Hội Thánh sẽ đổi
khác.
Chúng con
không phải là một lượng men quá nhỏ.
Nếu khối bột
chẳng được dậy lên,
thì là vì men
đã mất phẩm chất.
Chúng con phải
chịu trách nhiệm
về sự dữ trên
địa cầu:
có nhiều sự dữ
do chính chúng con gây ra.
Chúng con chỉ
kêu cầu cho Nước Chúa mau đến,
nhưng lại
không chịu xây dựng Nước ấy trên trần gian.
Lạy Chúa Giêsu
Vua vũ trụ,
chúng con thường
cố ý thu hẹp vũ trụ của Chúa,
giữ chặt Chúa ở
trong nhà thờ,
nên nhiều nơi
vẫn vắng bóng Chúa,
dù Chúa đã đến
trái đất này từ 2000 năm.
Chúng con sợ
Chúa đến làm phiền chúng con,
và không cho
chúng con được yên ổn.
Ước gì một tỉ
người công giáo
chịu để Chúa
chi phối đời mình
và đưa Chúa đi
vào những nơi Chúa chưa hề đến.
Như thế vũ trụ
này
trở thành vũ
trụ của Thiên Chúa.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu SJ.
Muối và
Ánh Sáng
"Các
con là sự sáng thế gian".
Muối và Ánh Sáng
Muối là để làm gia vị, đèn là để soi
sáng. Với hai hình ảnh này, Chúa Giêsu muốn nói lên sứ mệnh của Giáo Hội trong
trần thế. Ngay từ đầu lịch sử của mình, Giáo Hội đã ý thức về sứ mệnh ấy. Giáo
Hội là muối và ánh sáng của thế giới, bởi vì là Thân Thể của Ðấng là Ðường, là
Sự Thật và là Sự Sống. Giáo Hội luôn xác tín rằng tất cả chân lý về Thiên Chúa
và về con người đã được Chúa Giêsu mạc khải và ủy thác cho Giáo Hội. Qua cuộc sống
của mình, Giáo Hội bày tỏ cho nhân loại biết con người là ai? Con người bởi đâu
mà đến? Con người sẽ đi về đâu? Qua cuộc sống của mình, Giáo Hội chứng tỏ cho
con người cùng đích của cuộc sống, đó là sống với Thiên Chúa.
Các tín hữu tiên khởi đã xác tín về
điều đó, cuộc sống bác ái yêu thương của họ đã là muối và ánh sáng cho nhiều
người. Những tiến bộ về khoa học, văn hóa, kinh tế và ngay cả chính trị tại Âu
Châu thời Trung Cổ quả là thể hiện vai trò muối và ánh sáng của Giáo Hội. Không
ai có thể vai trò hạt nhân về phát triển của các Tu viện Công giáo. Văn minh
Tây phương, dù muốn hay không, vẫn là văn minh Kitô giáo. Những giá trị tinh thần
mà nhân loại đạt được ngày nay, như tự do, dân chủ, nhân quyền, đều là những
giá trị xuất phát từ Kitô giáo. Qua những giá trị tinh thần ấy, chúng ta có thể
nói rằng muối của Giáo Hội đã ướp được phần lớn trái đất, ánh sáng của Giáo Hội
đã chiếu soi vào những góc tối tăm của tâm hồn.
Tuy nhiên, hình ảnh muối và ánh sáng
vẫn luôn gợi lên cho chúng ta cái tư thế nhỏ bé của Giáo Hội. Người ta chỉ cần
một lượng nhỏ muối để ướp một lượng lớn thực phẩm, một cái đèn nhỏ cũng đủ để
chiếu dọi một khoảng không gian lớn. Phải chăng với hình ảnh của muối và ánh
sáng, Chúa Giêsu không muốn ám chỉ tới cái vị thế đàn chiên nhỏ bé là Giáo Hội?
Ðã qua hơn 2,000 năm lịch sử, các môn đệ Chúa Giêsu đã đi khắp thế giới để rao
giảng cho mọi dân tộc. Nếu xét về con số, thì thực tế không thể chối cãi là hơn
2/3 nhân loại vẫn chưa trở thành môn đệ Chúa Giêsu, và càng ngày xem chừng những
người mang danh hiệu Kitô càng nhỏ lại, nếu so với những người ngoài Kitô giáo.
Muối và đèn soi vốn là những hình ảnh
gợi lên cho chúng ta cái tư thế thiểu số của Giáo Hội trong trần thế, nhưng lại
mời gọi chúng ta xác tín về sứ mệnh vô cùng to tát của Giáo Hội. Bằng mọi giá,
Giáo Hội phải ướp mặn thế giới, phải chiếu soi trần gian bằng chính chân lý cao
cả mà Chúa Giêsu đã mạc khải và ủy thác cho mình. Cả vận mệnh nhân loại tùy thuộc
sứ mệnh của Giáo Hội, do đó không có lý do nào cho phép Giáo Hội xao lãng sứ mệnh
ấy. Thánh Phaolô đã nói lên sự khẩn thiết của sứ mệnh ấy như sau: "Gặp thời
thuận tiện hay không thuận tiện, cũng phải luôn luôn rao giảng Tin Mừng của
Chúa".
Ðã có một lúc Giáo Hội gặp nhiều dễ
dàng và thuận tiện trong việc thực thi sứ mệnh: cả một quốc gia, cả một lục địa
đón nhận sứ điệp Tin Mừng. Thế nhưng, cũng có biết bao thời kỳ Giáo Hội bị khước
từ, bị bách hại, đây chính là lúc không thuận tiện mà thánh Phaolô nói đến và
cũng là lúc Giáo Hội càng phải rao giảng mạnh mẽ và kiên quyết hơn. Chính vì là
thiểu số, và là một thiểu số bị loại trừ và bách hại, Giáo Hội lại càng phải ý
thức hơn về vai trò là muối và ánh sáng của mình.
Một trong những nguy cơ lớn nhất đối
với Giáo Hội chính là thỏa hiệp: thỏa hiệp để được một chút dễ dãi, thỏa hiệp để
được một chút đặc quyền đặc lợi. Thực ra, đã là thỏa hiệp tức là đánh mất một
phần căn tính của mình: thay vì muối để ướp cho mặn, thì muối lại đánh mất chất
mặn của mình đi; đã là đèn dùng để soi sáng thì đèn lại bị đặt dưới đáy thùng;
thay vì rao giảng lời chân lý, Giáo Hội thỏa hiệp để chỉ còn rao giảng lời của
những sức mạnh đang khống chế mình. Xét cho cùng, sứ mệnh của muối và ánh sáng
cũng chính là sứ mệnh của tiên tri. Số phận của tiên tri là số phận của thiểu số,
nhưng là thiểu số dám lên tiếng rao giảng chân lý, sẵn sàng tố cáo bất công, và
dĩ nhiên sẵn sàng hy sinh, ngay cả mạng sống mình.
Giáo Hội là muối và ánh sáng thế
gian. Mỗi Kitô hữu tự bản chất cũng là muối và ánh sáng của thế gian. Họ sẽ
đánh mất bản chất mặn của muối và tia sáng của ánh sáng, nếu chỉ vì một chút lợi
lộc vật chất, một chút dễ dãi, mà họ thỏa hiệp với những gì đi ngược chân lý của
Chúa Giêsu. Một cách cụ thể, người Kitô hữu sẽ không còn là muối và ánh sáng, nếu
theo dòng chảy của xã hội, họ cũng lọc lừa, móc ngoặc, dối trá.
Nguyện xin Chúa ban thêm sức mạnh, để
dù chỉ là một thiểu số, chúng ta vẫn luôn là muối có sức ướp mặn xã hội, là đèn
có sức chiếu soi xã hội.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Muối và ánh sáng
Chính
anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà đã nhạt đi, thì lấy gì muối cho nó mặn lại?
Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.
Chính
anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu
được. (Mt. 5, 13-14)
Thế
giới chẳng đẹp gì
Thế
giới chẳng đẹp đẽ cho lắm. Nào là chiến tranh, bất công, bạo lực và hận thù
tràn lan. Bạn cứ đọc báo là thấy ngay! Chỗ này chỗ kia, người ta đâm chém nhau,
ăn cắp của nhau, đánh lộn nhau, sâu xé nhau. Đâu đâu người ta cũng thấy phô ra
cái chẳng đẹp, chẳng tốt, chẳng sạch. Xa xa thì ở nơi nhà hàng xóm, mà cần gì
phải đâu xa ngay tại nhà mình cũng có nữa.
Người ta không yêu nhau nhiều. Chắc chắn là
không đủ. Có nhiều những người bất hạnh hơn là phải có. Có quá nhiều phụ nữ bị
bỏ rơi đang khóc. Quá nhiều trẻ em bị hành hạ. Quá nhiều người nghèo khổ chẳng
ai thèm chú ý tới. Có quá nhiều mảnh đời đủ mọi hạng tuổi mà thật ra chẳng được
bao nhiêu thú vui để sống.
Lãnh đạm đủ rồi!
Trước những thảm cảnh đó, ta phải làm gì? Có
thể làm gì? Có người lên tiếng! Thì đã có chính phủ để mắt tới! Thì đã có những
nghiệp đoàn họ lo! Thì đã có những cơ quan cứu trợ xã hội để họ làm tốt công việc
của họ!” Chỉ có giải pháp đó thôi sao?”
Chúa Giêsu có những lời mà người nghe phải hiểu
rằng có một giải pháp khác. Chúa nói với chúng ta: “Anh em là muối đất. Anh em
là ánh sáng trần gian”. Người còn phán: “Chính anh em phải làm cái gì đó. Chính
anh em phải động đậy lên, phải nhúng tay vào. Chính anh em phải thay đổi thế giới
một chút. Chính anh em phải giúp đỡ người ta được hạnh phúc hơn một chút, được
tốt hơn một chút, được có tình huynh đệ hơn nữa”.
Chúng ta có là muối mặn không? Là ánh sáng chiếu
soi không? Nếu chúng ta là những kẻ chẳng soi sáng cho ai, chẳng khích lệ ai,
chẳng nâng dỡ ủi an ai, chẳng đem đến cho ai nụ cười; nếu chúng ta là những người
lãnh đạm ơ hờ. Chà!…Một phần nào đó chính là vì chúng ta mà thế giới không khá
hơn đó.
Hạnh
phúc của con người
Ðoạn
Phúc Âm trên đây có thể được coi như phần dẫn giải cụ thể về những phúc thật
trong đoạn Phúc Âm đã nghe hôm qua. Áp dụng cụ thể trước tiên trong cuộc sống
người môn đệ Chúa Giêsu là niềm xác tín mình, là muối cho đời và là ánh sáng
cho trần gian. Trong bài Tám Mối Phúc Thật, Chúa Giêsu nói với đám đông dân
chúng một cách chung nhưng ở đây Chúa Giêsu nói trực tiếp với các môn đệ thân cận
của Ngài. Ngài dùng từ: "Các con là muối đất, là ánh sáng thế gian",
đây là lần duy nhất biểu tượng muối được dùng tới trong Phúc Âm, trong khi biểu
tượng ánh sáng được nhắc tới nhiều lần hơn và ám chỉ về chính Chúa Giêsu là ánh
sáng đến trong thế gian để soi sáng cho tất cả mọi người.
Biểu
tượng muối đất muốn nói lên trách nhiệm của mỗi người, tức là mặt lấy cho cuộc
sống mình những đặc tính của muối, đó là thêm gia vị cho thức ăn, gìn giữ thức
ăn khỏi bị hư hại và thanh lọc khử trùng. Nói theo nghĩa bóng, đời sống người
môn đệ của Chúa Giêsu phải trở nên chứng tá của những giá trị lâu bền, phải sống
thế nào để những người chung quanh có thể nhận ra giá trị và hương vị của cuộc
sống, đồng thời giúp canh phòng khỏi những gì có thể làm tổn thương đến sự sống
vĩnh cửu của linh hồn.
Sứ
mệnh đó cũng là một thách đố lớn cho người tín hữu bởi vì như muối có thể bị mất
vị mặn của nó, đời sống người môn đệ cũng có thể trở nên vô ý nghĩa nếu không gắn
liền với Chúa Kitô, không được chiếu sáng và tiến tới trong ánh sáng chân lý của
Ngài. Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian. Là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta cũng
phải chiếu giãi ánh sáng, đem niềm vui và ý nghĩa cuộc sống đến cho mọi người.
Ướp
mặn và chiếu sáng là sứ mệnh mà Chúa Giêsu ủy thác cho các môn đệ của Ngài. Sứ
mệnh đó dựa trên lòng tin tưởng Ngài đặt nơi mỗi người và cũng là hạnh phúc cho
mỗi người. Hạnh phúc cho những ai là muối đất và là ánh sáng thế gian.
Trở
nên muối đất và ánh sáng thế gian bằng cách nào?
Bằng chứng tá cuộc sống của mình, bằng
lời nói ăn khớp với việc làm, không phải vừa có vừa không như thánh Phaolô tông
đồ nói trong thư gởi các tín hữu thành Côrintô, mà phải luôn rõ ràng, dứt
khoát, hoặc có hoặc không, bởi vì Thiên Chúa là Ðấng trung tín và chân thật. Một
khi hiểu được sứ mệnh của mình thì đời sống người tín hữu không thể nào tầm thường
hoặc vô ý nghĩa được. Tất cả mọi công việc cho dù là nhỏ nhặt và tầm thường đến
mấy đi nữa cũng không bị mất mát hoặc vô dụng nhưng sẽ nên như một tia sáng loé
lên xé tan tăm tối, sẽ như một cây cỏ làm cho mảnh đất thêm xinh tươi, sẽ như một
bông hoa nhỏ làm cho cảnh vườn thêm màu sắc, sẽ như một viên gạch xây dựng toà
nhà xã hội và như những giọt nước tụ hợp lại để thành biển cả mênh mông.
Lạy
Thiên Chúa là Cha.
Chúng
con cảm tạ Chúa vì qua lời chân lý của Chúa Giêsu, Chúa đã muốn mời gọi và kén
chọn chúng con trở nên muối đất và ánh sáng thế gian, để qua mọi công việc và
khó khăn vất vả trong cuộc sống hàng ngày chúng con trở nên chứng tá của tình
thương Chúa.
Lạy
Chúa là Cha đầy lòng xót thương.
Xin
gìn giữ che chở để muối tình thương trong cuộc sống chúng con không bị phai lạt
và ánh sáng sự thật không bị lu mờ làm chúng con phải vấp ngã giữa đêm tối của
thử thách và tội lỗi. Xin Chúa đoái thương nghe lời chúng con khẩn cầu để tất cả
cuộc sống chúng con luôn là tiếng Amen liên tục dâng lên trước tòa Chúa.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 6
12 THÁNG SÁU
Chúng
Ta Quyết Định
Vận
Mệnh Của Chính Mình
Công Đồng Vatican II diễn tả cùng sự thật ấy
về con người bằng những ngôn từ vừa bất hủ vừa rất chính xác đối với thời đại
hôm nay: “Con người chỉ có thể quay về với sự thiện một cách tự do … Phẩm giá
con người đòi họ phải hành động theo sự lựa chọn ý thức và tự do” (MV 17). “Nhờ
có nội giới, con người vượt trên mọi vật. Khi quay về với lòng mình tức là họ
trở về với nội giới thâm sâu này, ở đó Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm hồn, đang
chờ đợi họ; và cũng chính nơi đó con người tự định đoạt về vận mệnh riêng của
mình dưới con mắt của Thiên Chúa” (MV 14).
Sự tự do đích thực của con người là sự tự do
đặt nền tảng trên sự thật. Từ nguyên thủy, sự tự do này đã mạc khải hình ảnh của
Thiên Chúa nơi con người. Vâng, sự thật giải phóng con người để con người trở
nên chính mình một cách viên mãn trong Đức Kitô.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
1V 17, 7-16; Tin Mừng theo Thánh Mt 5,
13-16.
LỜI SUY NIỆM: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng mà muối
nhạt đi, thì lấy gì muối cho nó mặn lại? Nó thành vô dụng, thì chỉ còn việc
quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. (Mt 5,13)
Ai ai trong chúng ta cũng thấy muối là cần thiết cho cuộc sống, nó tăng
hương vị cho mọi món ăn dù là cay, chua hay kể cả ngọt và béo, nếu có một số lượng
muối vừa đủ thì hương vị sẽ được tăng lên. Muối kéo dài sự tươi sống. Muối quan
trọng như thế nhưng muối cũng là loại rẻ tiền nhất, muối sát trùng nhưng muối
cũng làm cho người ta thêm đau rát, muối dồn vào thực phẩm quá nhiều thì nó sẽ
mặn chát người ta khó mà nuốt nổi. Muối mà để nguyên một cục tại một chỗ thì nó
sẽ chảy nước làm dơ bẩn, Nhưng Chúa đã đề
cao chúng ta và đã dạy bảo chúng ta phải là muối cho đời. Chúng ta phải ý thức
vai trò của mình, phải biết hòa tan đúng lượng vào môi trường đang sống, để
tăng hương vị cho đời.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
12
Tháng Sáu
Ngọn
Lửa Không Hề Tắt
Tong
tác phẩm Ðại Học Máu, văn sĩ Hà Thúc Sinh cũng giống như văn hào Nga
Solzenitzyn ghi lại thân phận tù đày của các tù nhân Việt Nam trong các trại học
tập. Nhưng giữa những đọa đày cùng cực của kiếp người, Hà Thúc Sinh vẫn có cái
nhìn lạc quan về thân phận con người. Con người bị bạo hành ở những mức độ vô
nhân nhất mà vẫn khôi hài, cười đùa, bỡn cợt được.
Trong
tác phẩm đầu tay của ông có tựa đề "Hai chị em", Hà Thúc Sinh đã nêu
bật được hình ảnh con người tranh đấu lạc quan, chẳng còn biết gì để sợ, sẵn
sàng kịch liệt chống lại định mệnh để tự thắng và tự cứu mình... Hai chị em Lan
và Trực bị đắm tàu trong một cuộc vượt biên đầy nguy hiểm. Là hai người duy nhất
còn sống sót, họ trôi dạt và tấp vào một hoang đảo giữa Thái Bình Dương. Trong
nguyên một tuần lễ, tác giả đề cao sức chịu đựng, tinh thần tháo vát của hai chị
em. Sau một tuần lễ chịu đựng, người chị ngã bệnh, Trực bèn kết bè để ra khơi
mong tìm lại được chiếc ghe đắm trên đó còn chút ít lương thực, thuốc men và quần
áo. Khi ra đi, anh đã nhóm được một ngọn lửa trên núi cao vừa làm dấu hiệu để
kêu gọi sự chú ý của thuyền bè qua lại trong vùng, vừa lấy đó như ngọn hải đăng
để còn có thể quay lại đảo... Nhưng anh đã ra đi và không bao giờ trở lại hoang
đảo... Sóng to gió lớn có lẽ đã chôn vùi anh giữa lòng đại dương. Người chị tất
tả chạy ra bãi cát giữa cơn giông bão để réo gọi tên em.
Tác
giả đã kết thúc câu chuyện như sau: "Nếu có thuyền bè chạy qua eo biển, một
vùng hoang đảo trên Thái Bình Dương những ngày biển lặng sau đó, chú mục, người
ta có thể nhìn thấy một ngọn lửa. Ngịn lửa ấy đốt bập bùng trên một triền núi,
khi lớn, khi nhỏ, khi tỏ, khi mờ. Nhưng có điều chắc chắn là nó chưa hề tắt".
Sống là một cuộc chiến đấu không ngừng. Chiến
đấu chống lại với những khắc nghiệt của thiên nhiên, chống lại không biết bao
nhiêu kẻ thù, chống lại với chính bản thân đầy ươn hèn, xấu xa.
Nhưng người Kitô hữu không phải là một thứ anh
hùng khắc kỷ, tự chiến đấu một mình và tin ở sức mạnh vô song của ý chí. Chúa
Giêsu đã chiến đấu, nhưng Ngài không là một anh hùng của một ý chí sắt đá. Sức
mạnh duy nhất của Ngài chính là Thiên Chúa. Lương thực của Ngài chính là Thánh
ý Chúa Cha. Khí giới của Ngài là sự kết hiệp với Chúa Cha.
Qua ba cơn cám dỗ, Chúa Giêsu đã luôn luôn qui
chiếu vào Lời Chúa. Lời của Chúa là khí giới, là thuẫn đỡ của Ngài.
Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà
chính là Ðức Kitô sống trong tôi. Ðó phải là ý lực sống của chúng ta. Chúng ta
cũng hãy nói: tôi chiến đấu, nhưng không phải là tôi chiến đấu, mà chính Ðức
Kitô chiến đấu trong tôi. Sức mạnh của Kitô giáo, bản chất của Kitô giáo không
phải là tổng số của các tín hữu, mà chính là Sự Sống của Ðức Kitô đang châu lưu
trong từng người tín hữu.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 12
Nuôi sống
để giúp cho phát triển và sống, đó là phản ánh đầu tiên của tình yêu, các cha mẹ
đều biết rõ điều này! Thiên Chúa tự ban chính mình để nuôi con cái Người; Người
ban, không phải tất cả những gì Người có, nhưng tất cả những gì thuộc hiện sinh
của Người.
Tình yêu nhân bản nuôi sự sống, nhưng sự
sống này phải chết. Tình yêu thần linh nuôi sự sống và chuyển biến trở thành sự
sống vĩnh cửu. "Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi sẽ có sự sống đời đời; và Tôi sẽ
cho người ấy sống lại trong ngày sau hết" (Ga 6,54).
Đức Kitô sẽ làm cho chúng ta điều mà
Thiên Chúa Cha đã làm cho Người trong buổi sáng Phục sinh. Chỉ có lương thực được
chia sẻ mới làm giảm tất cả các cơn đói của chúng ta, cơn đói của thế xác lẫn
tinh thần, vì Đấng làm cho chúng ta sống sẽ đưa chúng ta vào liên hệ với Người:
"Tôi, tôi sống nhờ Cha, cũng thế, ai ăn tôi cũng sẽ sống nhờ Tôi" (Ga
6,57). Sự sống vĩnh cửu không phải là câu hỏi về thời gian kéo dài, nhưng là sự
liên hệ. Ăn Thịt của Đức Kitô và uống Máu Người, có nghĩa là bước vào tinh thần
của Cha và của Con, nguồn bất tận của sự sống và tình yêu... Từ khi chúng ta
lãnh nhận bí tích Rửa tội, chúng ta là những con người mới cho sự sống đời đời,
hãy lãnh nhận Đức Kitô như lương thực để lớn lên như những người con của ánh
sáng.
Christelle Javary
Thứ Ba 12-6
Thánh Giáo Hoàng Lêô III
(c. 816)
inh ở Rôma, nước Ý, Ðức Lêô là người thủ kho của tòa
thánh và là linh mục trưởng ở Santa Suzanna khi ngài được chọn làm giáo hoàng
năm 795 để kế vị Ðức Hadrian I, vừa mới từ trần.
Hai người cháu của Ðức Hadrian I đều mong muốn được làm
giáo hoàng, do đó họ xúi giục các thanh niên quý tộc tấn công Ðức Lêô. Trong
cuộc rước nhân ngày lễ Thánh Máccô, Ðức Lêô bị bọn côn đồ kéo xuống khỏi ngựa
và chúng định cắt lưỡi và đâm mù mắt của ngài. Nhờ sự can thiệp kịp thời của công
tước xứ Spotelo, ngài thoát chết và trốn trong tu viện Thánh Erasmus, sau đó
ngài đã bình phục mau chóng một cách lạ lùng.
Ðức Lêô được cảm tình của người thế lực nhất thời bấy
giờ, đó là Hoàng Ðế Charlemagne ở Paderborn, và ông đã cung cấp vệ binh để hộ
tống đức giáo hoàng trở về Rôma giữa tiếng reo hò của mọi người.
Tuy nhiên, kẻ thù vẫn không để ngài yên. Họ tố cáo Ðức
Lêô về tội thề gian và ngoại tình. Năm 800, Charlemagne đến Rôma và chỉ định
một ủy ban điều tra để cứu xét điều cáo buộc Ðức Lêô. Uỷ ban không tìm thấy một
chứng cớ nào, và Ðức Lêô đã thề trước hội đồng giám mục rằng ngài vô tội đối
với các cáo buộc ấy.
Vào lễ Giáng Sinh, tại đền Thánh Phêrô, Ðức Lêô đã ban
thưởng cho Charlemagne tước vị Thánh Ðế Rôma. Ðiều này là nguyên do hình
thành Ðế Quốc Rôma Thánh Thiện -- là một cố gắng nhằm thể hiện lý tưởng Thành
Phố Thiên Chúa của Thánh Augustine -- mà đã ảnh hưởng đến lịch sử Âu Châu
trong nhiều thế kỷ.
Với sự giúp đỡ của Charlemagne, Ðức Lêô đã dẹp được lạc
thuyết Thừa Tự (*) ở Tây Ban Nha, nhưng khi Charlemagne muốn thêm chữ Filioque ("và Ðức Chúa Con"
*) vào kinh Tin Kinh Nicene thì Ðức Lêô đã từ chối, một phần vì ngài không
cho phép giáo dân can thiệp vào nội bộ giáo hội, và một phần vì ngài không muốn
chống đối Giáo Hội Byzantine.
Một cách
tổng quát, đức giáo hoàng và hoàng đế hành động ăn khớp với nhau. Theo lời đề
nghị của Charlemagne, Ðức Lêô còn thành lập một đạo quân để chống với giặc
Saracen, lấy lại được một số tài sản của Giáo Hội ở
Khi
Charlemagne từ trần năm 814 và Ðức Lêô không còn ai bảo vệ, quân thù lại nổi
dậy chống đối ngài. Với tất cả uy thế và quyền bính cá nhân, ngài đã dẹp tan
âm mưu nổi loạn của giới quý tộc ở Campagna. Tuy nhiên, ngài bị vẫn bị giới
quý tộc khinh miệt vì ngài xuất thân từ giới bình dân. Ngài từ trần năm 816
và được phong thánh năm 1673.
(*) Thuyết Thừa Tự chủ trương Ðức Kitô chỉ là
con nuôi của Thiên Chúa, do đó Người không phải Thiên Chúa thật.
Filioque: Cho đến ngày nay, Chính Thống Giáo
Hy Lạp và một số Giáo Hội Ðông Phương vẫn cho rằng Chúa Thánh Thần chỉ bởi
Chúa Cha mà ra, do đó, những ai chủ trương rằng Chúa Thánh Thần cũng bởi Chúa
Con mà ra thì họ cho là lạc giáo.
|
|
Copyright © 2010 by
Nguoi Tin Huu.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét