Trang

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

13-06-2012 : THỨ TƯ TUẦN X MÙA THƯỜNG NIÊN


THỨ TƯ SAU CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN

BÀI ĐỌC I:1 V 18, 20-39

"Chớ gì dân này nhìn nhận Chúa là Thiên Chúa và chính Chúa đã hoán cải lòng họ".
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Vua Acáp sai người triệu tập toàn thể con cái Israel và nhóm họp các tiên tri trên núi Carmel.
Bấy giờ Êlia đến cùng toàn dân và tuyên bố rằng: "Các ngươi đi nước đôi cho đến khi nào? Nếu Chúa là Thiên Chúa, các ngươi hãy theo Người; nếu Baal là thiên chúa, thì hãy theo nó đi!" Dân chúng không thưa lại được lời nào. Êlia nói tiếp: "Chỉ còn tôi là tiên tri duy nhất của Chúa, mà tiên tri của Baal thì có đến bốn trăm năm mươi người. Hãy cho chúng tôi hai con bò đực; họ hãy chọn lấy một con cho họ, xẻ ra từng miếng đặt trên củi, nhưng đừng đốt lửa. Phần tôi, tôi làm thịt con bò kia, xếp trên củi và cũng không châm lửa. Đoạn các ông hãy kêu cầu danh các thần của các ông, còn tôi, tôi sẽ kêu cầu danh Chúa của tôi. Đấng nào đáp lời cho lửa xuống đốt, thì Đấng ấy là Thiên Chúa". Toàn dân đồng thanh đáp: "Đề nghị hay đấy!"
Vậy Êlia nói với các tiên tri của Baal rằng: "Các ông hãy chọn lấy một con bò và làm thịt trước đi, vì các ông đông hơn, rồi hãy kêu cầu danh thần của các ông, nhưng đừng châm lửa". Họ liền bắt con bò người ta trao cho mà làm thịt. Họ kêu cầu danh Baal từ sáng đến trưa và nguyện rằng: "Lạy thần Baal, xin nghe lời chúng tôi!" Nhưng chẳng có tiếng đáp, cũng chẳng ai trả lời. Họ nhảy múa chung quanh bàn thờ họ đã dựng lên. Khi trời đã trưa, Êlia chế diễu họ rằng: "Hãy gào thét to hơn, vì Baal là một vị thần. Có khi Người đang là tính công chuyện hoặc đang bận việc, hoặc đi vắng, hay đang ngủ chăng, và sẽ thức dậy". Họ càng kêu lớn tiếng, lấy gươm giáo rạch mình theo tập tục họ, cho đến khi mình đầy máu me. Khi đã quá trưa, họ còn đọc thần chú đến giờ dâng lễ vật thường lệ, nhưng không có tiếng đáp, cũng chẳng có ai trả lời tỏ dấu lưu tâm đến.
Bấy giờ Êlia nói với toàn dân rằng: "Hãy lại gần tôi". Toàn dân liền đến gần bên ông. Ông dựng lại bàn thờ Chúa trước kia đã bị phá huỷ. Ông lấy mười hai hòn đá đúng theo số mười hai chi tộc con cái Giacóp, là kẻ đã được nghe lời Chúa phán như sau: "Ngươi sẽ gọi là Israel". Ông dùng các hòn đá ấy làm bàn thờ kính danh Chúa. Rồi ông đào một cái mương, rộng chừng hai đấu hạt giống, chung quanh bàn thờ; ông xếp củi, xẻ con bò ra từng miếng và đặt trên củi. Đoạn ông nói: "Hãy múc đầy bốn hũ nước và đổ trên của lễ toàn thiêu và củi". Và họ làm như thế. Ông còn dạy: "Hãy làm như vậy một lần thứ hai". Khi người ta đã làm như ông dạy, ông lại ra lệnh: "Hãy làm như thế một lần thứ ba". Và họ làm lần nữa. Nước chảy chung quanh bàn thờ, mương đầy nước.
Khi đã đến giờ dâng của lễ toàn thiêu, tiên tri Êlia tiến ra cầu nguyện rằng: "Lạy Chúa là Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Israel, xin tỏ ra Chúa là Thiên Chúa của Israel và con là tôi tớ của Chúa, và chính vì tuân lệnh Chúa truyền mà con đã làm các việc này. Lạy Chúa, xin nhậm lời con, xin đoái nghe lời con, hầu cho dân này nhìn nhận Chúa là Thiên Chúa và chính Chúa hoán cải lòng họ". Bấy giờ lửa Chúa giáng xuống thiêu đốt của lễ toàn thiêu, củi, đá và cả bụi đất, đồng thời cũng hút hết nước trong mương. Trông thấy thế, toàn dân kinh hãi sấp mặt xuống đất mà nói rằng: "Chúa là Thiên Chúa! Chúa là Thiên Chúa!"
 Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 15, 1-2a. 4. 5 và 8. 11

Đáp: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa (c. 1).
Xướng: 1) Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa, con thưa cùng Chúa: Ngài là chúa tể con. - Đáp.
2) Thiên hạ tăng thêm nhiều nỗi đau thương của họ, họ là những kẻ chạy theo các thần tượng ngoại lai. Con sẽ không dâng lễ quán bằng máu của chúng, cũng không đọc tên chúng trên môi. - Đáp.
3) Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Người nắm giữ vận mạng của con. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng. - Đáp.
4) Chúa sẽ chỉ cho con đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời! - Đáp.

ALLELUIA: Tv 24, 4c và 5a

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 5, 17-19

"Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đừng tưởng Thầy đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Thầy bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời".
 Đó là lời Chúa.
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ tư sau CN X TN B
Bài đọc: 1 Kgs 18:20-39; Mt 5:17-19.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ :
Biết phân biệt những gì thuộc Thiên Chúa hay thuộc con người
Sống trong cuộc đời vàng thau lẫn lộn, sự thật trộn với sự sai lầm, người tín hữu cần Chúa Thánh Thần để nhận ra sự thật từ biết bao sự sai lầm trong thế gian.
Các bài đọc hôm nay nêu bật một số nguyên tắc giúp người tín hữu nhận ra sự thật. Trong bài đọc I, ngôn sứ Elijah bày ra cuộc thi đấu giữa ông và tất cả nhà vua, 450 ngôn sứ của Baal, và toàn thể nhà Israel. Mục đích của ngôn sứ là để cho tất cả nhận ra đâu là Thiên Chúa đích thực để thờ phượng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu muốn các môn đệ phân biệt Luật của Thiên Chúa và luật của con người. Luật của Thiên Chúa thì bất biến trong khi luật của con người có thể thay đổi và bị hủy diệt.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Nếu Đức Chúa là Thiên Chúa, các ngươi hãy từ bỏ thần Baal và thờ phượng Người.

1.1/ Vua chúa và hầu hết con cái Israel chạy theo thần Baal: Con người rất dễ quên và hay thay đổi. Dưới thời vua Ahab, nhà vua và hầu hết dân chúng đã chạy theo thần Baal của người SidonCanaan. Họ hầu như quên hẳn những gì Thiên Chúa đã làm cho tổ tiên của họ. Một số những lý do làm cho con người quay lưng với sự thật:
(1) Sự thật mất lòng: Thiên Chúa đòi con người phải đi con đường hẹp, nhưng con người lại thích đường rộng rãi thênh thang và cuộc sống dễ dãi. Đa số những người vô thần không phải họ không biết có Thiên Chúa, nhưng họ sợ nếu tin họ phải giữ các giới răn của Thiên Chúa, hay ít nhất họ sẽ phải cắn rứt lương tâm khi làm điều sai trái; vì thế, họ từ chối luôn Chúa để dễ dàng phạm tội. Đã không tin Thiên Chúa thì chớ, nhiều khi họ còn khó chịu khi thấy người khác biểu tỏ niềm tin vì làm cho lương tâm của họ bị cắn rứt; nên họ nhân danh tự do để đòi chính phủ phải cấm luôn những biểu lộ này. Thật vô lý khi họ được tự do để sống vô thần nhưng lại bắt các người khác không được sống hữu thần!
(2) Lý do chính trị: Vua Israel, sau khi đất nước bị chia đôi, không muốn dân của mình xuống Jerusalem tham dự các lễ nghi, vì sợ họ nếu cứ xuống đó, sẽ theo vua Judah thì sẽ mất dân; nên nhà vua đã cho làm hai tượng bò vàng bắt dân thờ: một tượng đặt ở Bethel giữa biên giới của hai vương quốc Israel và Judah, tượng kia đặt ở Dan giữa biên giới của Israel với Syria.
(3) Lợi nhuận và hưởng thụ vật chất: Quỉ thần và thế gian biết chiếc mồi hiệu nghiệm nhất cho con người là tiền của. Với sức mạnh của đồng tiền cám dỗ, ít người có thể thắng nổi.
(4) Chiều theo ý của người khác: Nhiều người biết sự thật nhưng không có can đảm để sống theo sự thật. Vua Ahab chiều theo ý của bà hoàng Jezebel vì sợ phật lòng mỹ nhân. Một số con cái chiều theo ý của cha mẹ không dám theo đạo hay đi tu vì sợ mang tội bất hiếu.
1.2/ Cuộc thi đấu giữa ngôn sứ Elijah và 450 ngôn sứ của Baal
(1) Đề nghị của ngôn sứ Elijah: Để chứng tỏ đâu là Thiên Chúa thật, ngôn sứ Elijah đề nghị cách thức giải quyết bằng cách mỗi bên lập đền thờ của mình, sát tế bò làm của lễ nhưng không đốt lửa, rồi kêu cầu với Thiên Chúa của mình. Thần nào cho lửa thiêu xuống đốt của lễ, đó là thần thật mà mọi người phải thờ phượng. Đây là:
+ Một đề nghị can đảm: Chỉ một mình ngôn sứ Elijah chống lại vua Ahab, 450 ngôn sứ của Baal, và tất cả con cái Israel, để làm chứng cho sự thật. Elijah mời gọi tất cả phải xét lại niềm tin vô lý của họ: “Các ngươi nhảy khập khiễng hai chân cho tới bao giờ? Nếu Đức Chúa là Thiên Chúa, hãy theo Người; còn nếu là Baal thì cứ theo nó!”
+ Một đề nghị rất táo bạo: nhưng nói lên niềm tin vững mạnh của ngôn sứ Elijah vào Thiên Chúa. Nếu kết quả không như nguyện ước, ngôn sứ sẽ mất mạng vào tay vua Ahab và các ngôn sứ của Baal.
+ Một đề nghị rất hữu hiệu: Chẳng gì hữu hiệu cho bằng mắt thấy tai nghe. Đề nghị này chẳng những giúp con cái Israel nhận ra uy quyền của Thiên Chúa, mà còn thấy sự vô hiệu của việc thờ các thần khác.
1.3/ Kết quả cuộc thi đấu
(1) Cố gắng của 450 ngôn sứ của Baal: Họ kêu cầu danh thần Baal từ sáng tới trưa: "Lạy thần Baal, xin đáp lời chúng tôi!" Nhưng không một tiếng nói, không một ai trả lời, và họ nhảy khập khiễng bên cạnh bàn thờ họ đã dựng. Theo thói tục của họ, họ dùng gươm, giáo rạch mình đến chảy máu. Quá trưa rồi mà họ vẫn tiếp tục nói liên miên cho tới giờ dâng lễ; nhưng vẫn không một tiếng nói, không ai trả lời, không người để ý. Trả lời sao được khi Baal chỉ là sản phẩm tưởng tượng do con người làm ra!
(2) Elijah chứng tỏ quyền năng của Thiên Chúa: Đến giờ dâng lễ, ngôn sứ Elijah tiến ra và nói: "Lạy Đức Chúa, Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Israel! Ước chi hôm nay người ta biết rằng trong Israel Ngài là Thiên Chúa và con là tôi tớ Ngài. Cũng vì lời Ngài phán mà con đã làm tất cả các việc này. Xin đáp lời con, lạy Đức Chúa, xin đáp lời con, để dân này nhận biết Ngài là Đức Chúa, Thiên Chúa thật, và Ngài đã khiến họ thay lòng đổi dạ." Bấy giờ lửa của Đức Chúa ập xuống, thiêu rụi của lễ, củi, đá và bụi, cả nước trong mương cũng hút cạn luôn. Toàn dân thấy vậy, liền phủ phục sát đất và nói: "Đức Chúa quả là Thiên Chúa! Đức Chúa quả là Thiên Chúa!"

2/ Phúc Âm: Ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.

Tất cả Luật và Lời Thiên Chúa phán ra đều tốt lành và muôn đời không đổi vì phát xuất từ Thiên Chúa và có khả năng giúp con người sống tốt lành; nhưng vấn đề là ở phía con người. Chúa Giêsu xác quyết: "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Moses hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.” Một số những lý do làm con người hiểu sai Luật của Thiên Chúa:
(1) Không hiểu nguyên tắc của Lề Luật và phiên dịch Luật theo ý mình: Ví dụ: Luật ngày Sabbath. Nguyên tắc là để con người nghỉ ngơi và thờ phượng Chúa; chứ không phải để tranh luận trong những vấn đề liên quan đến sự sống như: có nên chữa bệnh nhân trong ngày Sabbath, có nên bứt bông lúa để ăn cho khỏi đói, vì đó thuộc lãnh vực bảo vệ sự sống.
(2) Tạo thêm nhiều Luật khác: Những nhà làm luật của Do-thái tạo thêm 615 luật từ những Luật Chúa ban cho Moses, ấy là chưa kể những luật bất thành văn (truyền khẩu) vì vô tình hay vì lợi nhuận (định nghĩa thế nào là của lễ thanh sạch). Những luật do con người làm ra có thể thay đổi hay hủy bỏ.
Khi Chúa tranh luận những việc liên quan đến Luật, Chúa muốn con người nhận ra đâu là Luật của Thiên Chúa và đâu là luật của con người. Các kinh sư tranh luận với Chúa muốn đánh lừa mọi người để kết tội Chúa như người phá bỏ Luật của Thiên Chúa. Ngài cũng muốn cho họ nhận ra nguyên lý đứng đang sau là tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, chứ không giữ cách vụ luật.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chân lý không bao giờ lệ thuộc vào số đông người vì số đông có khuynh hướng tương đối hóa chân lý theo sở thích. “Gió chiều nào che chiều đó” sẽ không bao giờ dẫn con người tới đích điểm.
- Chúng ta đừng dễ dàng chạy theo sở thích của đám đông, nhưng phải bảo vệ những gì chân thật và tốt lành. Chúng ta phải sống làm sao để đạt mục đích cuộc đời chứ không theo những đòi hỏi của thế gian và xác thịt.
Lm.An-tôn Đinh Minh Tiên,OP.


 

13/06/12 THỨ TƯ TUẦN 10 TN
Th. Antôn Pađôva, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh 
Mt 5,17-19

MỖI NGƯỜI MỘT VIỆC

“Cả anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.” (Mt 20,4)

Suy niệm: Theo qui luật, hễ nền kinh tế suy thoái, thì nạn thất nghiệp gia tăng vì các ông chủ thường tìm cớ sa thải công nhân. Ông chủ vườn nho trong dụ ngôn lại không hành động theo qui luật kinh tế thị trường. Thợ được kêu vào làm vườn nho cho ông bất kể thời gian làm việc nhiều hay ít vẫn hưởng trọn số lương của một ngày lao động. “Lẽ công bằng” của ông là không ai phải thất nghiệp, trái lại “mỗi người một việc” ai cũng có một vai trò trong vườn nho của ông và vì thế đáng hưởng lương một đồng theo đúng lẽ công bằng.

Bạn thân mến, mỗi người chúng ta đầu là con cái Chúa và được Ngài yêu thương; mỗi người đều có một phẩm giá độc đáo trước mặt Ngài, đi kèm với những nghĩa vụ phải hoàn thành theo phận sự riêng, ơn gọi riêng của mình trong Đức Kitô. Mỗi người đều phải nhận biết ơn gọi của mình và dành tất cả tài năng, sức lực phục vụ Nước Chúa với tâm tình người con cái Chúa.

Chia sẻ: Cộng đoàn, giáo xứ không phải thiếu nhân lực, vật lực, nhưng công việc chung nhiều khi vẫn bị dở dang, trì trệ. Vì sao? Làm thế nào để mọi người đều tham gia trong công cuộc xây đắp Giáo Hội trong tinh thần hiệp thông?

Sống Lời Chúa: Sẵn sàng từ bỏ ý riêng của mình để tham gia công việc vì lợi ích chung của cộng đoàn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã mời con vào làm vườn nho của Chúa với tư cách là người con, chứ không phải kẻ làm thuê. Xin cho con biết nỗ lực làm việc cho Nước Chúa không phải vì tìm kiếm phần thưởng hay lợi lộc nhưng vì tình yêu của người con thảo hiếu đối với Chúa là Cha của con.



Để kiện toàn 
Suy nim:
Đã có thời người ta nghĩ rằng theo Công giáo là bất hiếu,
vì phải từ bỏ việc cúng giỗ cha mẹ tổ tiên.
Nếu người chết cũng có nhu cầu ăn uống tiêu dùng như người sống,
thì hiếu thảo đòi phải lo cho người đã khuất được đầy đủ, ấm no.
Nhiều người không dám theo đạo,
vì sợ theo đạo thì không được cúng giỗ tổ tiên, phải bỏ ông bà.
Vào thời thánh Mátthêu, một số người Do Thái cũng có nỗi sợ tương tự.
Họ tin vào Đức Giêsu và muốn trở thành môn đệ của Ngài,
nhưng họ lại sợ làm thế là bỏ đạo của cha ông, bỏ Do Thái giáo.
Họ sợ giáo huấn mới mẻ của Đức Giêsu làm họ bỏ Luật Môsê,
và không còn thuộc về dân Thiên Chúa nữa.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu khẳng định:
“Đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hay lời các Ngôn sứ.
Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (c. 17).
Luật Môsê thật ra là Luật của Thiên Chúa trao qua trung gian ông Môsê.
Môsê đã làm nhiệm vụ trao lại cho dân Do Thái và giải thích Luật ấy.
Người Do Thái từ bao đời đã giữ Luật theo lời giải thích của Môsê.
Bây giờ có một Đấng mới xuất hiện, là Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa.
Ngài biết rõ ý định của Thiên Chúa mà Ngài âu yếm gọi là Cha.
Đức Giêsu không gạt bỏ Luật của Thiên Chúa được trao cho Môsê.
Nhưng Ngài sẽ giải thích lại Luật ấy cho đúng với ý Thiên Chúa,
vì chẳng ai biết rõ ý Cha bằng Con.
Trong Bài Giảng trên núi mà ta sắp nghe trong những ngày tới,
ta sẽ thấy Đức Giêsu giải thích lại Luật Môsê như thế nào.
Hành vi đó được gọi là kiện toàn hay hoàn chỉnh.
Một giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ đã được mở ra với Đức Giêsu.
Giai đoạn chung cục này vừa liên tục, vừa vượt quá giai đoạn cũ.
Đức Giêsu mời chúng ta tuân giữ nghiêm túc Luật Thiên Chúa đã ban,
nhưng theo cách giải thích mới mẻ, hoàn chỉnh và có thẩm quyền của Ngài.
Muốn trở nên hoàn thiện, muốn đón nhận Nước Trời do Ngài khai mở,
cần sống Luật Tôra đã được Ngài giải thích lại.
Người Kitô hữu gốc Do Thái khi theo Đức Giêsu thì chẳng sợ mình bỏ đạo,
bỏ Lề Luật, bỏ các Ngôn sứ hay truyền thống của cha ông
Giáo huấn của Đức Giêsu đã chứa đựng cốt lõi tinh túy của Luật ấy rồi.
Làm thế nào để các Kitô hữu Á Châu cảm thấy đức tin của mình
không tạo ra sự xung đột hay đoạn tuyệt
với những giá trị của nền văn hóa mình đã lãnh nhận và đã sống?
Làm sao để mình sống viên mãn là một Kitô hữu, một người Công Giáo Rôma,
mà vẫn chẳng mất căn tính là người Việt Nam hay người Châu Á?
Chỉ cần một điều kiện, đó là thấy Kitô giáo không phá bỏ, nhưng kiện toàn
tất cả mọi giá trị cao quý có trong các nền văn hóa và tôn giáo khác.

Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa,
Chúa đã muốn trở nên con của loài người,
con của trái đất, con của một dân tộc.
Chúa vẫn yêu mến dân tộc của Chúa
dù họ từ khước Tin Mừng
và đóng đinh Chúa vào thập giá.
Xin cho chúng con biết yêu mến quê hương,
một quê hương còn nghèo nàn lạc hậu
sau những năm dài chiến tranh,
một quê hương đang mở ra trước thế giới
nhưng lại muốn giữ gìn bản sắc dân tộc
và bảo vệ nền đạo lý của cha ông.
Xin cho chúng con đừng nhắm mắt ngủ yên
trong sự an toàn và tiện nghi vật chất,
nhưng biết trăn trở trước nỗi khổ đau,
và làm một điều gì đó thật cụ thể
cho những đồng bào quanh chúng con.
Ước gì chúng con biết phục vụ đất nước
bằng khối óc, quả tim và đôi tay.
Và ước gì chúng con biết khiêm tốn
cộng tác với muôn người thiện chí.

 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

"Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn".

Kiện toàn lề luật
Luật cơ bản nhất trong đời sống tu trì vốn là luật bác ái và nền tảng của luật này là sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Sự kiện này tiêu biểu cho chính sự tuân hành luật lệ trong Giáo Hội. Giáo Hội có luật lệ, nhưng không bao giờ dùng sức mạnh đe dọa để cưỡng bách người tín hữu tuân hành. Tinh thần đích thực của việc tuân hành luật lệ trong Giáo Hội chính là tình mến; không có tình mến, thì một bộ luật, dù hoàn hảo đến đâu, cũng không khác gì một cây khô héo.
Ý nghĩa và tinh thần ấy của luật lệ, chúng ta có thể đọc được trong Tin Mừng hôm nay. Những người Biệt phái, nhất là các Luật sĩ, vốn là những người rất trung thành với lề luật, họ tuân giữ luật lệ không thiếu một chấm, một phết. Nhưng đàng sau sự trung thành ấy có hàm ẩn tự mãn: họ cho rằng trung thành với lề luật là đương nhiên trở thành người công chính, và vì nghĩ mình là người công chính, nên họ lên mặt khinh dễ những người không tuân giữ luật lệ một cách nghiêm chỉnh như họ.
Chúa Giêsu không phải là người vô kỷ cương và luật pháp. Ngài đã sống như một người Do thái, nghĩa là tuân giữ luật lệ của Môsê truyền lại. Chỉ có điều khác biệt giữa Ngài và các người Biệt phái, đó là tinh thần: nếu những người Biệt phái tự cho mình là người công chính nhờ tuân giữ lề luật, thì Chúa Giêsu lại khẳng định rằng chỉ nhờ ơn Chúa, con người mới có thể nên công chính. Chúa Giêsu tuân giữ lề luật để kiện toàn nó, kiện toàn theo nghĩa thực hiện chính những lời loan báo của các tiên tri liên quan đến Ngài, kiện toàn đến độ mặc cho lề luật một tinh thần mới, tức là tình mến.
Luật lệ vốn là lời loan báo của các tiên tri về Ðấng Cứu thế, do đó luật lệ có tính tiên tri. Khi chu toàn lề luật, Giáo Hội chứng tỏ cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng các tiên tri đã loan báo. Như vậy, một cách nào đó, khi người Kitô hữu tuân hành lề luật, họ cũng loan báo chính Chúa Kitô, nhưng dĩ nhiên, họ chỉ có thể loan báo về Ngài khi việc tuân giữ của họ thể hiện được chính tinh thần của Ngài. Xét cho cùng, đối với người Kitô hữu, tuân giữ lề luật là mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô, là sống như Ngài, là trở thành hiện thân của Ngài.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn ý thức sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống của chúng ta và ban sức mạnh để chúng ta chu toàn lề luật của Ngài.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Phục tùng Thiên Chúa
Timothy McVeigh, người đã đặt bom sát hại một trăm sáu mươi tám người, trong đó có mười chín trẻ em dưới sáu tuổi, tại Oklahoma City hồi năm 1995, đã bị đưa lên ghế điện và tắt thở vào lúc bảy giờ mười bốn phút sáng ngày 6/6/2001. Người tử tội này không nói một lời cuối nào nhưng thay vào đó, anh tự tay viết một bản tuyên ngôn, trong đó anh trích dẫn bài thơ nổi tiếng bằng tiếng Latinh Vô Ðịch của thi sĩ William Ernest Henry. Lời cuối của bài thơ được người tử tội trích dẫn là:
"Tôi làm chủ số phận của tôi
tôi là người chỉ huy của linh hồn tôi".
Mượn hai câu thơ ấy, Timothy McVeigh muốn nói lên thái độ không chút hối hận của anh. Anh muốn chứng tỏ cho mọi người thấy rằng anh làm chủ không những sự sống của anh, mà ngay cả số phận của những người khác nữa. Anh muốn sát hại ai là quyền của anh. Timothy McVeigh làm chủ số phận của anh. Anh đã chọn cái chết, nhưng cái chết của thân xác anh không là điều đáng nói. Biết bao nhiêu tử tội cũng đã bị đưa lên ghế điện và chết như anh. Ðiều ái ngại hơn cả chính là cái chết của lòng hối hận, cái chết của lương tâm, cái chết của sự hiểu biết về thiện ác nơi con người, cái chết đích thực của con người.
"Tôi làm chủ số phận của tôi
tôi là người chỉ huy của linh hồn tôi".
Hai câu thơ của thi sĩ Henri được Timothy McVeigh trích dẫn như một tuyên ngôn về cái chết do chính anh chọn lựa gợi lên cho chúng ta thảm kịch đã xảy ra ở khởi đầu của lịch sử nhân loại. Ma quỉ xúi giục ông bà nguyên tổ loài người ăn trái biết lành biết dữ: "Ngày nào các ngươi ăn trái này, các ngươi sẽ nên giống như Chúa, nghĩa là các ngươi sẽ không còn ai làm chủ trên các ngươi. Các ngươi sẽ làm chủ số phận các ngươi. Các ngươi sẽ là người chỉ huy của linh hồn các ngươi". Thảm kịch do ông bà nguyên tổ loài người khai mở chính là gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, là không chấp nhận quyền chủ tể của Thiên Chúa. Thảm kịch ấy đã được nhân lên với một cường độ khủng khiếp trong lịch sử nhân loại. Chính vì gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống mà con người mới có thể chối bỏ phẩm giá và sự sống của người đồng loại của mình. Tất cả những cuộc sát tế dọc theo lịch sử nhân loại thiết yếu là một sự chối bỏ Thiên Chúa.
Trong Tin Mừng được Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe và suy niệm hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định quyền chủ tể đối với con người. Qua Môisen và các tiên tri, Thiên Chúa ban bố Lề Luật cho con người. Duy chỉ một mình Thiên Chúa mới làm chủ tể trên con người. Lề Luật do Ngài ban bố là thể hiện của quyền chủ tể ấy. Chúa Giêsu đã đến như một con người. Nói như thánh Phaolô: "Ngài nên giống con người trong tất cả mọi sự, ngoại trừ tội lỗi. Trong thân phận con người, Ngài đã thưa hai tiếng xin vâng trọn vẹn với quyền chủ tể của Thiên Chúa". Chính trong ý nghĩa ấy mà Ngài khẳng định rằng Ngài đến để kiện toàn Lề Luật. Ông bà nguyên tổ loài người đã phủ nhận quyền chủ tể của Thiên Chúa và như vậy đã đưa sự chết vào trong thế gian.
Chúa Giêsu đã thưa xin vâng với quyền chủ tể ấy. Chính nhờ cử chỉ phục tùng tuyệt đối ấy mà Ngài sáng lập sự sống của loài người. Từ đây, con người chỉ thực sự sống và sống sung mãn khi phục tùng Thiên Chúa mà thôi. Lời Chúa hôm nay gợi lên thập điều mà Thiên Chúa đã ban bố cho loài người qua trung gian của Môisen. Ý nghĩa của thập điều lại được làm nổi bật qua giới răn thứ nhất: "Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực ngươi". Giới răn ấy đã khiến cho thánh Phêrô dõng dạc tuyên bố trong công nghị của người Do Thái: "Thà vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người". Trong một chế độ muốn lấy luật pháp tuỳ tiện của loài người để thay thế cho ý muốn của Thiên Chúa, thiết tưởng các tín hữu Kitô cần phải đặt Thiên Chúa vào chỗ nhất trong cuộc sống của họ và có đủ can đảm để nói không với tất cả những gì chối bỏ hay đi ngược lại với quyền chủ tể của Thiên Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Rắc rối yêu thương
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ. Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.” (Mt. 5, 17)
Quá nhiều luật lệ!
Hai mươi hoặc ba mươi năm vè trước, người Kitô hữu phải tuân giữ nhiều luật lệ và điều răn hơn hôm nay. Điều gì phải làm hay không được làm đều đã được phân định rạch ròi đến từng chi tiết. Thời ấy người ta rất tỉ mỉ, phải nói là quá tỉ mỉ nữa.
Khoảng mấy năm gần đây, nhiều sự đã thay đổi. Hôm nay người ta thường nghe nói rằng chẳng còn luật lệ gì nữa. Có người tiếc rẻ, người khác lại vui mừng. Những người luyến tiếc mạnh miệng nói rằng Giáo hội bây giờ dễ dãi quá, để mặc cho ai nấy muốn làm gì thì làm.
Đức Giêsu với lề luật
Chúa Giêsu bảo ta rằng “dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, cũng không được bãi bỏ”. Nói được rằng Chúa Giêsu ủng hộ việc có nhiều luật lệ và điều răn chăng? Chắc chắn là không.
Như ta biết, đối với Chúa Giêsu chỉ có một điều răn thâu tóm mọi điều răn khác. Đó là điều răn dạy phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương tha nhân như chính mình. Nhưng bởi chỉ có một điều răn nền tảng, thì không có nghĩa là không có điều răn nào khác cũng quan trọng.
Để yêu thương như Chúa muốn, người ta không thể giữ mực chung chung, mà phải đi vào cụ thể, phải chú ý đến cả những điều nhỏ nhặt. Tình yêu được hình thành từ vô vàn những sự chăm chú, từ vô số những cái tế nhị, từ ngàn lẻ một những chuyện nhỏ nhặt. Ta đừng tin những ai nói mình yêu Chúa yêu anh em mà lại bất chấp mọi điều khác.
Những điều răn nhỏ nhất phải tuân giữ mà Chúa nói đến ở đây, chính là những điều tế nhị phải có trong khi yêu thương vậy.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 6

13 THÁNG SÁU
                                                            
Hơn Hết Mọi Loài Thụ Tạo

Chúng ta vừa nới mô tả khuôn mặt độc đáo của con người trong tư cách là kẻ có thể hiểu biết và suy lý để đạt đến sự thật trong tận bản chất mọi sự. Con người có thể tự do chọn lựa làm điều đúng và tốt. Như vậy, con người được mời gọi nhận định những nhu cầu đích thực của đồng loại mình và thiết lập công lý. Và, thông thường, con người được mời gọi đảm nhận đời sống hôn nhân, trong đó người này tự nguyện trao hiến chính mình cho người kia và xây dựng một cộng đồng hiệp thông nhân vị. Chính mối hiệp nhất này là nền móng của gia đình và xã hội.

Nhưng tất cả không chỉ có vậy. con người còn được mời gọi đi vào trong một giao ước với Thiên Chúa. Quả thật, con người không chỉ là một tạo vật của Đấng Tạo Hóa mà còn là hình ảnh của Thiên Chúa. Mối quan hệ đặc biệt này giữa Thiên Chúa và con người làm cho việc thiết lập giao ước trở thành có thể. Chúng ta nhận ra giao ước này trong trình thuật về cuộc sáng tạo ở ba chương đầu Sách Sáng Thế. Chính sáng kiến đi trước của Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo, lập nên giao ước này. Và giao ước này vẫn không thay đổi xuyên qua lịch sử cứu độ cho đến khi Thiên Chúa thiết lập giao ước vĩnh cửu với con người trong Đức Giêsu Kitô.

+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình

Thánh Antôn Pađôva, Linh mục, tiến sĩ Hội Thánh;

1V 18, 20-39; Mt 5, 17-19.

LỜI SUY NIỆM: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn.” (Mt 5, 17).

        Luật Môsê được Thiên Chúa ban bố cho dân riêng của Ngài, để dẫn đưa dân Ítraen đi đúng con đường vào sự sống; khỏi phải chết. Nhưng dân Ítraen không xem Luật như là một phương tiện để tiến thân trên đường thánh thiện, nhưng họ lại xem Luật là cứu cánh của họ, nên họ đã biến Luật trở thành một ông chủ và Luật trở thành một gánh nặng cho con người.

        Chúa Giêsu muốn chúng ta phải nhận ra Luật là những nguyên tắc giúp cho chúng ta trở thành người tốt khi sống với nhau, cũng như phụng thờ Thiên Chúa. Khi đó chúng ta sẽ yêu mến Luật và giúp nhau sống trong Lề Luật của Ngài.

Mạnh Phương

++++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân

Ngày 13-06:
Thánh ANTÔN PADUA
Linh mục và tiến sĩ Hội Thánh (1195 - 1231)
Lòng tôn sùng rộng rãi và mạnh mẽ đối với thánh Antôn Padua thật lạ lùng so với những sự kiện đời Ngài. Ngài sinh năm 1195 có lẽ gần Lisbonne, với tên gọi là Fernandô. Cha Ngài là hiệp sĩ và viên chức tại triều đình hoàng đế Alphongsô thứ II, vua nước Bồ Đào Nha. Fernadô được gởi đi học trường nhà thờ chánh tòa tại Lisbonne. Nhưng vào tuổi 15, Ngài gia nhập dòng thánh Augustinô.
Sau hai năm tại nhà dòng, Ngài xin được chuyển về Coimbra vì bạn bè đến thăm quá đông. Tu viện Coimbra có một trường dạy Thánh kinh rất danh tiếng. Tám năm trời Fernadô nỗ lực học hỏi và đã trở thành học giả sâu sắc về thần học và kinh thánh.
1. Biến cố thay đổi
Ngày kia với nhiệm vụ tiếp khách, Ngài săn sóc cho 5 tu sĩ Phanxicô đang trên đường tới Morocco. Về sau họ bị tàn sát dã man và thi hài họ được đưa về Coimbra để tổ chức quốc táng. Fernadô mong ước hiến đời mình cho cánh đồng truyền giáo xa xăm.
Nôn nóng với ước vọng mới, Fernadô phải tiến một bước bất thường đầy đau khổ là rời bỏ dòng Augustinô để nhập dòng Phanxicô. Nhà dòng đặt tên Ngài là Antôn và chấp thuận cho Ngài tới Moroccô. Nhưng vinh dự tử đạo không được dành riêng cho Ngài. Ngài ngã bệnh và phải trở về nhà, Trên đường về, con tàu bị bão thổi bạt tới Messina ở Sicyly. Thế là An tôn nhập đoàn với anh em Phanxicô nước Ý. Có lẽ thánh nhân có mặt trong cuộc họp ở Assisi. Năm 1221, và gặp thánh Phanxicô ở đây. Ít lâu sau Ngài được gởi tới viện tế bần ở Forli gần Emilia để làm những công việc hèn hạ.
2. Biến cố hai.
Dầu vậy một biến cố bất ngờ khiến người ta khám phá ra khả năng đặc biệt của thánh nhân. Trong một lễ nghi phong chức ở Forli nhà giảng thuyết đặc biệt vắng mặt. Không ai dám thay thế. Cha giám tỉnh truyền cho An tôn lên tòa giảng. Antôn làm cho khán giả kinh ngạc. Người ta thấy ngay trước được rằng: Ngài là một nhà giảng thuyết bậc nhất. Hậu quả tức thời không Ngài được chỉ định làm nhà giảng thuyết trong cả Italia. Đây là một thời mà Giáo hội cần đến những nhà giảng thuyết hơn bao giờ hết để chống lại các lạc thuyết.
Kể từ đó nhà tế bần Forli không còn gặp lại Antôn nữa. Ngài du hành không ngừng bước từ miền nam nước Ý tới miên Bắc nước Pháp, hiến trọn thời gian và năng cực cho việc giảng dạy. Sự đáp ứng của dân chúng đã khích lệ Ngài nhiều, các nhà thờ không đủ chỗ cho người đến nghe. Người ta phải làm bục cho Ngài đứng ngòai cửa. Nhưng rồi đường phố và quảng trường đã lại chật hẹp quá và người ta lại phải mang bục ra khỏi thành phố tới những cánh đồng hay sườn đồi, nơi có thể dung nạp những 20, 30, 40 ngàn người đến nghe Ngài. Nghe tin Ngài đến đâu, thì nơi đó tiệm buôn đóng cửa, chợ hoãn phiên họp, tòa ngưng xử án. Suốt đêm dân chúng từ khắp hướng đốt đuốc tụ về. Dường như bất cứ ai một lần chịu ảnh hưởng của thánh Antôn thì không có gì chống lại được sự lôi cuốn bởi các bài giảng của Ngài.
3. Chủ trương.
Ngài thường mạnh mẽ chống lại sự yếu đuối của hàng tu sĩ qua những tội nổi bật trong xã hội đường thời như: tính tham lam, nếp sống xa hoa, sự độc đoán của họ. Đây là một giai thoại điển hình: khi Ngài được mời để giảng ở hội đồng họp tại Bourges, dưới sự chủ tọa của tổng giám mục Simon de Sully. Với những lời mở đầu "Tibi loquor cornute" (Tôi xin thưa cùng Ngài đang mang mũ giám mục trên đầu), thánh nhân tố giác vị giám mục mới Ngài tới, làm mọi thính giả phải kinh ngạc.
Cũng tại Bourges, nên ghi lại một phép lạ lừng danh về một con lừa thờ lạy bí tích cực trọng. Với một người Do thái không tin phép Bí tích Mình Thánh.
Thánh nhân nói : - Nếu con lừa ông cưỡi mà quỳ xuống và thờ lạy Chúa ẩn mình dưới hình bánh thì ông có tin không ?
Người Do thái nhận lời thách thức. Hai ngày ông ta không cho lừa ăn rồi dẫn tới chỗ họp chợ, giữa một bên là lúa mạch và bên kia thánh Antôn kiệu Mình Thánh Chúa đi qua, con vật quên đói quay sang thờ lạy Chúa.
Mùa chay cuối cùng thánh Antôn giảng ở Padua. Và người ta còn nhớ mãi về sau nhiệt tình mà thánh nhân đã khơi dậy. Dân địa phương đã không thể nào tìm ra thức ăn lẫn chỗ ở cho đoàn người đông đảo kéo tới. Nhưng sau mùa chay này, thánh nhân đã kiệt sức. Ngài xin các bạn đồng hành đưa về nhà thờ Đức Maria ở Padua để khỏi làm phiền cho chủ nhà trọ. Không nói được nữa. Ngài dừng chân ở nhà dòng Đức Mẹ người nghèo ở Arcella.
Tại đây, người ta đặt Ngài ngồi dậy và giúp Ngài thở. Ngài bắt đầu hát thánh thi Tạ ơn và qua đời giữa tiếng ca ngày 13 tháng 6 năm 1231.
(Daminhvn.net)

+++++++++++++++++


13 Tháng Sáu
Hãy Mai Táng Chính Mình

Một vị linh mục nọ đã có một sáng kiến rất ngộ nghĩnh để đánh động giáo dân trong giáo xứ. Một buổi sáng Chúa Nhật nọ, dân chúng bỗng nghe một lời rao báo như sau: "Một nhân vật trong giáo xứ vừa qua đời. Tang lễ sẽ được cử hành vào sáng thứ Tư tới". Nghe lời loan báo ấy, cả giáo xứ nhốn nháo lên. Người nào cũng muốn biết con người quan trọng ấy là ai.
Ðúng ngày tang lễ, mọi người trong giáo xứ nườm nượp kéo nhau đến nhà thờ. Từ cung thánh cho đến cuối nhà thờ, không còn một chỗ trống. Người ta đến không phải để cầu nguyện cho người quá cố cho bằng để nhìn mặt lần cuối cùng con người mà ai cũng muốn biết.
Sau thánh lễ, vị linh mục đến mở nắp quan tài để cho mọi người đến chào từ biệt lần cuối cùng người quá cố. Ai ai cũng sắp hàng để nhìn cho kỳ được người chết. Nhưng ai cũng đều ngạc nhiên, bởi vì thay cho thi hài của người chết, mỗi người chỉ nhìn thấy trong quan tài một tấm gương và dĩ nhiên, khi cúi nhìn vào quan tài, mỗi người chỉ nhìn thấy dung nhan của mình mà thôi.
Chờ cho mọi người làm xong nghi thức từ biệt ấy, vị linh mục mới giải thích: "Như anh chị em đã có thể nhận thấy, tôi đã cho đặt vào trong quan tài một tấm kính. Con người mà anh chị em nhìn thấy trong quan tài không ai khác hơn là chính mỗi người trong chúng ta. Vâng, đúng thế, thưa anh chị em, mỗi người chúng ta cần phải mai táng chính mình... Thánh lễ vừa rồi đã được cử hành cho tất cả chúng ta".
Bắt đầu sứ mệnh công khai của Ngài bằng cử chỉ dìm mình xuống dòng nước sông Giodan, Chúa Giêsu muốn loan báo cho mọi người thấy rằng Ngài đã vâng phục Ý Chúa Cha để đi vào Cái Chết và nhờ đó cứu rỗi nhân loại. Một cách nào đó, mầu nhiệm của Sự Chết và Sống lại đã được diễn tả qua việc Chúa Giêsu dìm mình trong dòng nước.
Thiết lập Phép Rửa như cửa ngõ để đưa chúng ta vào cuộc sống trường sinh, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta tham dự vào mầu nhiệm chết và sống lại của Ngài. Dìm mình trong nước của Phép Rửa, chúng ta khởi đầu cuộc sống Kitô hữu bằng chính cái chết. Sống đối với chúng ta có nghĩa là chết: chết cho những khuynh hướng xấu, chết cho những đam mê xấu, chết cho tội lỗi, chết cho ích kỷ, chết cho hận thù. Cuộc sống do đó đối với chúng ta cũng là một cuộc mai táng liên lỉ. Cũng như hạt lúa rơi xuống đất phải thối đi, cũng thế chúng ta phải chấp nhận chôn vùi con người cũ tội lỗi của chúng ta.
(Lẽ Sống)

++++++++++++++++++
Ngày 13


Có ba đối tượng: lửa, cái nồi và lương thực. Lửa cháy dưới nồi; lương thực trong nồi. Trong lúc này, lửa không chạm đến lương thực dù vậy, nung nóng, thanh luyện và nấu chín

Lửa là Thánh Thần; thân xác con người là nồi; linh hồn: lương thực. Cũng như lương thực được nấu chín trong nồi nhờ sức nóng của lửa, cũng thế bí tích Rửa tội bằng nước, được Thánh Thần nung nóng, trong khi đụng chạm đến thân xác từ bên ngoài, thanh luyện bên trong khỏi mọi tội lỗi.

Thánh Thần ngự xuống ở sông Gio-đan trên Đức Kitô được thanh tẩy; Người đến mỗi ngày trong dòng nước rửa tội trên tất cả mọi Kitô hữu; họ nhờ sức mạnh này, từ là con của cơn giận trở thành con của ân sủng. Vì thế Đức Kitô nghe được lời này: "Đây là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng" (Mt 5,17).

Trong nghĩa đạo đức, bí tích Rửa tội bằng nước và Thánh Thần là sám hối. Bí tích phun trào tinh thần sám hối và từ nước của việc xưng thú đầy nước mắt vì khóc cho tội lỗi. Vì thế ai đã đánh mất sự vô tội của mình vì tội lỗi và hồng ân tái sinh có thể đón nhận lại sức mạnh của việc tái sinh.

Thánh Antôn thành Pađua
Thứ Tư 13-6

Thánh Antôn ở Padua

(1195-1231)
Q
uy tắc đời sống của Thánh Antôn là "từ bỏ mọi sự và theo Ðức Kitô," đúng như lời ghi trong Phúc Âm. Nhiều lần Thiên Chúa đã gọi thánh nhân đến các hoạch định mới và ngài đã đáp ứng một cách nhiệt thành và tận tụy hy sinh để phục vụ Ðức Giêsu Kitô cách trọn vẹn hơn.
Vị thánh rất nổi tiếng này sinh ở Bồ Ðào Nha, và tên rửa tội là "Ferdinand." Ngài được sự giáo dục kỹ lưỡng của các tu sĩ dòng Augustine và sau đó đã gia nhập Dòng. Khi hai mươi lăm tuổi, cuộc đời ngài chuyển hướng. Lúc bấy giờ, ngài nghe tin một số tu sĩ dòng Phanxicô bị bách hại bởi người Moor và được tử đạo ở Morocco -- đó là Thánh Bernard và các bạn. Ferdinand khao khát được chết vì Ðức Kitô nên ngài gia nhập dòng Phanxicô. Lúc bấy giờ, dòng này mới thành lập và Thánh Phanxicô vẫn còn sống. Ferdinand lấy tên là "Antôn" và đến Phi Châu để rao giảng cho người Moor. Nhưng ngay sau đó, ngài lâm bệnh nặng phải trở về Ý và sống trong một nơi hiu quạnh, chấp nhận công việc rửa chén trong nhà bếp và dành thời giờ để cầu nguyện, đọc Kinh Thánh.
Thầy Antôn không bao giờ nói về mình, nên không ai trong nhà dòng biết được sự thông minh và tài giỏi thực sự của ngài. Mãi cho đến khi có buổi lễ tấn phong, và vì không ai trong dòng kịp chuẩn bị nên Thầy Antôn đã được chọn để diễn giảng. Những năm tìm kiếm Ðức Kitô trong sự cầu nguyện, trong Kinh Thánh và phục vụ Chúa trong sự nghèo hèn, khiêm hạ đã chuẩn bị Thầy Antôn được sẵn sàng để Thần Khí dùng đến khả năng của thầy. Bài giảng của thầy đã làm mọi người kinh ngạc và từ đó trở đi, cho đến khi ngài từ trần vào chín năm sau đó, Thầy Antôn đã đi rao giảng khắp nước Ý. Ngài nổi tiếng đến nỗi dân chúng phải đóng cửa tiệm để đến nghe ngài giảng.
Ðược công nhận là một người siêng năng cầu nguyện, hiểu biết Kinh Thánh và thần học, Thầy Antôn là thầy dòng đầu tiên được dạy thần học cho các thầy khác. Kiến thức uyên thâm của thầy lại được Thiên Chúa dùng để rao giảng cho những người lạc giáo và hoán cải những kẻ lầm lạc.
Người thời ấy thường tìm đến Thầy Antôn để xin chữa lành hồn xác. Nhiều phép lạ đã xảy ra qua lời cầu bầu của thánh nhân ngay khi còn sống.
Thầy Antôn từ trần ở Arcella, gần Padua, nước Ý khi ngài ba mươi sáu tuổi. Chỉ một năm sau, ngài đã được Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô IX phong thánh.
Người ta thường vẽ Thánh Antôn bế Hài Nhi Giêsu vì Ðức Giêsu đã hiện ra với ngài. Thánh Antôn là người hiểu biết thâm sâu, nhất là về Kinh Thánh, do đó Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã tuyên xưng ngài là "Tiến Sĩ Tin Mừng," hoặc Tiến Sĩ Kinh Thánh.

Lời Bàn

Nhiều khi chúng ta muốn được người đời để ý đến những công việc tốt lành của chúng ta, nhưng ít ai muốn chú ý. Ðó là lúc chúng ta cầu xin Thánh Antôn giúp chúng ta vui lòng chấp nhận, và chú tâm đến những gì chúng ta có thể đem lại cho đời, hơn là nhận được từ người đời.

Lời Trích

Trong một bài giảng, Thánh Antôn nói: "Các thánh giống như các vì sao. Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Ngài đã giấu họ nơi kín đáo để đừng chiếu tỏa trước mặt người khác dù đôi khi họ muốn như vậy. Tuy nhiên, họ phải sẵn sàng hy sinh đời sống chiêm niệm âm thầm để đổi lấy việc bác ái, một khi tâm hồn họ nhận ra đó là lời mời của Ðức Kitô."

Copyright © 2010 by Nguoi Tin Huu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét