THỨ NĂM TUẦN XI THƯỜNG NIÊN
năm II
BÀI ĐỌC I: Hc 48, 1-15
(Hl 1-14)
"Êlia được che khuất trong gió cuốn,
và Êlisê được trọn vẹn thần trí của người".
Trích sách Huấn Ca.
Bấy giờ tiên tri Êlia như lửa hồng xuất hiện,
lời ông nóng bỏng như ngọn đuốc cháy phừng. Ông đem cho họ một mùa đói khát, và
số người ghét ông đã hao đi, vì chúng chẳng giữ được giới răn Chúa. Do lời Chúa
phán, ông đóng cửa trời và ba lần khiến lửa trời xuống. Êlia được vinh quang nhờ
các việc lạ lùng đã làm, và ai có thể tự hào được vinh quang như người? Bởi lời
Chúa là Thiên Chúa, người cứu kẻ chết ra khỏi âm phủ, khỏi quyền sự chết. Người
triệt hạ các vua xuống cảnh điêu tàn, bẻ gãy dễ dàng quyền thế của họ, xô kẻ
sang trọng rớt khỏi giường nằm. Trên núi Sinai, người đã nghe lời xét xử, và
trên núi Horeb, người đã nghe án quyết phục thù. Người xức dầu các vua để báo
oán và đặt các tiên tri để nối nghiệp mình. Người đã được cất đi trong bầu lửa,
trong xe ngựa kéo đi. Người đã nên dấu chỉ sự đe phạt qua các thời đại, để làm
nguôi cơn thịnh nộ Chúa, để giao hoà cha với con, và chấn hưng lại những chi họ
Giacóp. Phúc cho những ai đã thấy người, và được hân hạnh thiết nghĩa với người:
Vì chúng tôi chỉ được sống trong cuộc sống này, sau giờ chết, danh tiếng của
chúng tôi sẽ được như thế. Êlia được che khuất trong gió cuốn, và Êlisê được trọn
vẹn thần trí của người. Trong đời người, người không sợ vương tướng, và không
quyền lực nào thắng được người, cũng không ai vượt người trong lời nói, và khi
người chết rồi, xác người vẫn nói tiên tri. Khi còn sống, người đã làm những
phép lạ, và khi đã qua đời, người đã làm những việc kỳ diệu.
Ðó là lời
Chúa.
ÐÁP CA: Tv 96, 1-2. 3-4.
5-6. 7
Ðáp: Người hiền đức, hãy mừng
vui trong Chúa (c. 12a).
Xướng: 1) Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan, hải đảo
muôn ngàn, hãy mừng vui. Mây khói và sương mù bao toả chung quanh, công minh
chính trực là nền kê ngai báu. - Ðáp.
2) Một làn lửa đi trước thiên nhan, để đốt những
quân đối nghịch chung quanh Chúa. Chớp của Người sáng rực cõi trần, địa cầu xem
thấy và run rẩy sợ hãi. - Ðáp.
3) Núi non vỡ lở như mẩu sáp ong trước thiên
nhan, trước thiên nhan Chúa tể toàn cõi đất. Trời xanh loan truyền sự công minh
Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người. - Ðáp.
4) Hãy hổ ngươi tất cả những ai phụng thờ hình
ảnh, những ai khoe khoang về thần tượng, bao nhiêu chúa tể hãy cúc cung bái lạy
Người. - Ðáp.
ALLELUIA: Tv 144, 13bc
Alleluia, alleluia! - Chúa trung thành trong mọi
lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 6, 7-15
"Vậy các ngươi hãy cầu nguyện như
thế này".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:
"Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói
nhiều mới được chấp nhận. Ðừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con
cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này:
"Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con
nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như
trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng
con, như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước
cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
"Vì nếu các con có tha thứ cho người ta
những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Ðấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các
con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ
lỗi lầm cho các con".
Ðó là lời Chúa.
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
THỨ NĂM TUẦN XI năm II
Sir 48:1-15; Mt 6:7-15.
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ :
Hãy
học biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa.
Đọc lịch sử Cựu Ước,
chúng ta có thể rút ra một kiểu sống của dân Do-thái trong mối tương quan của họ
với Thiên Chúa như sau: Khi thiếu thốn, cơ cực, họ cầu nguyện với Thiên Chúa để
được Ngài thương xót. Sau khi được Thiên Chúa ơn, họ lại quay sang thờ các thần
ngoại và làm những điều ghê tởm trước mắt Thiên Chúa. Vì tình thương, Thiên
Chúa gởi các ngôn sứ tới để tố tội và kêu gọi họ quay về với Thiên Chúa để được
hưởng lòng thương xót. Ai biết ăn năn quay về, Ngài sẽ tha thứ lỗi lầm. Ai
ngoan cố, Ngài sẽ để họ sẽ chết trong tội.
Các bài đọc hôm nay muốn
nêu bật chủ đề con người phải luôn luôn sống tốt lành trong mối tương quan với
Thiên Chúa và với nhau. Nếu con người biết làm như thế, Thiên Chúa sẽ cung cấp
mọi sự cần thiết và sẽ bảo vệ họ khỏi mọi nguy hiểm trong cuộc đời. Trong bài đọc
I, tác giả Sách Huấn Ca nhắc lại những việc vĩ đại hai ngôn sứ Elijah và
Elishah đã làm khi hai ông vâng lệnh Thiên Chúa kêu gọi dân trở về. Những người
nào làm theo lời chỉ dẫn của hai ông đã được Thiên Chúa chúc lành và ban ơn; những
người cãi lệnh đã bị Thiên Chúa trừng phạt. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy cho
các môn đệ biết cách cầu nguyện cách đúng đắn: Thay vì lải nhải xin hết ơn này
đến ơn kia, họ hãy tập trung trong việc “xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Người
nào làm theo ý Thiên Chúa sẽ được Ngài chúc lành và ban ơn.
1.1/ Cuộc đời sự nghiệp của
ngôn sứ Elijah
Ngôn sứ Elijah bực mình
khi thấy vua và con cái Israel
bỏ Thiên Chúa, Đấng chúc lành và bảo vệ họ để chạy theo thần Baal, thứ thần chẳng
làm được một sự gì cho con người cả.
- Để giúp dân chúng nhận
ra những gì Thiên Chúa vẫn đang làm cho họ, ông truyền lệnh đóng cửa trời để
mưa và sương không rơi xuống nữa. Dân chúng phải chịu đói khát và nhận ra uy
quyền của Thiên Chúa.
- Để giúp con cái Israel
nhận ra đâu là Chúa thật, ông truyền gom tất cả các ngôn sứ của Baal, vua quan
cũng như dân chúng trên núi Carmen để tổ chức một cuộc thi dâng lễ vật. Các
ngôn sứ Baal đã thất bại nặng nề trong khi của lễ của Elijah được Thiên Chúa
cho lửa từ trời xuống thiêu rụi.
Vì ông luôn trung thành với
Thiên Chúa, Ngài luôn quan tâm đến nhu cầu của ông: Ngài chỉ cho ông khe nước
và sai quạ nuôi ông trong khi cả xứ bị hạn hán. Khi ông kêu cầu Ngài chứng tỏ
cho dân chúng thấy đâu là Thiên Chúa thật, Ngài đã khiến lửa từ trời xuống
thiêu rụi lễ vật của ông. Nói tóm, Ngài không từ chối ông một điều gì khi ông
kêu cầu danh Ngài. Sau cùng, khi đã hoàn tất sứ vụ, Ngài đã không để ông phải
chết; nhưng dùng cỗ xe ngựa đỏ để cất giấu ông đi một nơi.
Truyền thống Do-thái tin
ngôn sứ Elijah sẽ trở lại trước khi Đấng Thiên Sai tới để ông dọn đường cho
Ngài, để ông “làm nguôi cơn giận của
Thiên Chúa trước khi cơn thịnh nộ bùng lên, để đưa tâm hồn cha ông trở lại với
con cháu, và tái lập các chi tộc Jacob.”
Khi các môn đệ hỏi Chúa Giêsu về sự phải đến của ông, Ngài ám chỉ cho các môn đệ
biết Gioan Tẩy Giả chính là ngôn sứ Elijah (Mt 11:14; Mk 9:13).
1.2/ Cuộc đời sự nghiệp của
ngôn sứ Elishah
Ông dứt khoát theo Chúa
khi Elijah quăng áo choàng trên ông bằng cách giết đôi bò làm lễ vật hy sinh và
phá cày làm củi thiêu bò. Ý thức được khó khăn trong sứ vụ ngôn sứ, ông đã xin
cho được gấp hai thần khí của thầy. Khi ông Elijah được ẩn trong cơn lốc, thì
ông Elishah được đầy thần khí của người.
Suốt đời ông Elishah,
không thủ lãnh nào có thể làm ông lung lạc, cũng chẳng ai khuất phục được ông.
Đối với ông, chẳng có gì là quá sức vì Thiên Chúa luôn ở với ông. Ngay cả khi
ông đã qua đời, thân xác ông vẫn còn giữ năng lực của một ngôn sứ. Lúc sinh thời,
ông đã làm nhiều dấu lạ, sau khi chết, ông vẫn còn thực hiện những điềm thiêng.
2/ Phúc Âm: Cha anh em trên
trời đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.
2.1/ Trước hết và trên hết,
hãy lo xin cho những gì thuộc về Chúa được phát triển.
Trong mối tương quan giữa
con người, chúng ta không thích những ai lợi dụng lòng tốt của chúng ta để lúc
nào cũng xin xỏ. Người Việt Nam
chúng ta có câu: “hòn đất ném đi, hòn chì
ném lại.” Nếu không ném được hòn chì, ít nhất cũng phải
ném lại hòn đất chứ. Ai có thể mặt dày mặt dạn cứ đi ăn của người được.
Trong mối tương quan với
Thiên Chúa còn hơn thế. Ngài là Cha và chúng ta là con. Bổn phận của con trước hết là phải làm cho
danh Cha cả sáng bằng cách làm cho nhiều người biết đến Thiên Chúa qua những việc
lành chúng ta làm. Tiếp đến, chúng ta cầu xin cho Nước Chúa được trị đến bằng
cách cầu nguyện cho mỗi ngày càng nhiều người biết đến Cha mình. Sau cùng,
chúng ta phải xin cho tất cả mọi tạo vật nhận ra ý Chúa và thi hành; hay ít nhất
chính chúng ta phải tìm ra ý Chúa và mau mắn thi hành.
2.2/ Sau đó, hãy lo xin cho
biết sống cuộc đời đẹp ý Thiên Chúa.
Sau khi quan tâm đến việc
của Cha, mới nên xin Cha nhìn đến các việc của con. Có 4 lời cầu Chúa Giêsu dạy
chúng ta nên chú trọng tới và kêu xin. Thứ nhất, chỉ “xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” thôi. Chúng ta đừng dại dột xin cho có dư, vì “no cơm rửng mỡ.” Thứ đến, chúng
ta “xin Cha tha tội cho chúng con như chúng con
cũng tha cho những người có lỗi với chúng con.” Nếu
chúng ta có can đảm xin Thiên Chúa tha tội thì cũng phải có can đảm để tha thứ
các lầm lỗi của anh chị em mình. Nếu không, “Cha
anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.” Tiếp
đến, mọi người chúng ta cần ý thức: chúng ta đang phải chiến đấu với ba thù
hàng giây hàng phút. Ba thù đây là XÁC THỊT – THẾ GIAN – VÀ MA QUỈ. Kẻ thù nào
cũng nặng ký cả. Và nếu không có ơn thánh, chúng ta không thể nào thắng vượt được.
Vì vậy, chúng ta hãy thường xuyên đọc kinh Lạy Cha và “xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.” Sau cùng, sự dữ vẫn rình chờ chúng ta hằng giây hằng phút trong
thế gian như bệnh tật, chiến tranh, thiên tai... , chúng ta cần xin Thiên Chúa “cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ”
nếu đẹp ý Ngài.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tiên vàn chúng ta hãy
lo sao cho danh Chúa được cả sáng, Nước Chúa được trị đến, ý Chúa được thể hiện
dưới đất cũng như trên trời. Khi đã làm như thế, Thiên Chúa chắc chắn sẽ không
từ chối chúng ta một điều gì khi chúng ta kêu xin Ngài.
- Chúng ta đừng bao giờ
nghĩ mình có thể lợi dụng Thiên Chúa để xin ơn, sau đó dùng những quà tặng Ngài
ban để làm theo ý chúng ta.
- Đừng đọc kinh Lạy Cha một
đàng, nhưng lại nghĩ tưởng một nẻo. Hãy để Thiên Chúa trong sự quan phòng của
Ngài lấp đầy những thiếu thốn của chúng ta.
Lm.An-tôn Đinh Minh Tiên, OP.
Thứ Năm tuần 11 thường niên
Sứ điệp: Lời kinh Chúa dạy dẫn
chúng ta đến một chân trời rộng mở. Tất cả đều là con cùng một Cha. Vì thế, ta
cần giang rộng vòng tay đón nhận anh em trong tình yêu Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Cha của con,
con xin dâng Cha tâm tình cảm tạ tri ân, vì Con Một Cha đã dạy con gọi Chúa là
Cha. Ngài cũng dạy con biết cách trò chuyện với Cha trong tâm tình cha con. Lời
kinh tuyệt hảo này như cánh cửa mở ra dẫn con bước vào khung trời yêu thương: mọi
người là con Cha, là anh em với nhau.
Lạy Cha, lời kinh Chúa
Giêsu dạy giúp con khám phá địa vị của người khác. Cho dù người bên cạnh con sống
với tâm hồn khép kín, cho dù người bên cạnh con đang cố tình tránh mặt Cha, cho
dù người bên cạnh con gây nên bất hòa… thì họ vẫn là con Cha, là anh chị em với
con. Cha đã quảng đại đón nhận tất cả mọi người vào gia đình Cha. Xin cũng mở rộng
lòng con để con biết đón nhận mọi người. Xin Cha phá tung cánh cửa ích kỷ nơi
con để con biết nghĩ đến người khác. Vì từ nghĩa cử cao đẹp con làm cho anh em
là con đang được lớn lên trong ân tình của Cha. Và từng ánh mắt cảm thông, từng
nụ cười chia sẻ với người khác, là con trở nên thân thiết với họ, làm tình anh
em được bền chặt hơn.
Lạy Cha, tình thương của
Cha đang thúc bách con yêu thương người khác. Và thực hành yêu thương là điều
khẩn cấp, vì đó là điều kiện để con trở thành con Cha và nên anh em bạn hữu
thân thiết với mọi người. Xin Cha giúp con. Amen.
Ghi nhớ : "Vậy các ngươi hãy cầu nguyện như thế
này"
.
21/06/12 THỨ NĂM TUẦN 11 TN
Th. Luy Gondaga, tu sĩ
Mt 6,7-15
Th. Luy Gondaga, tu sĩ
Mt 6,7-15
LỜI CẦU CHÂN THÀNH ĐƠN SƠ
“Đừng nghĩ cứ nói nhiều là được nhận lời… Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.” (Mt 6,7-8)
Suy niệm: Một điều đáng khích lệ cho việc cầu nguyện trong Kitô giáo, đó là Chúa của ta “đã biết rõ” ta cần gì trước khi ta xin. Nhưng khổ nỗi lắm lúc điều ta xin lại không phù hợp với điều Chúa muốn chúng ta xin. Vì vậy có sự trì trệ, ngã lòng trông cậy của một số người. Nhu cầu của cuộc sống thì quá nhiều, do đó lời cầu của ta cũng đa dạng, hết ơn này đến ơn khác. Còn Chúa thì lại muốn ta đơn sơ, chân thành, xin cái gì là chính đáng nhất, rồi các nhu cầu khác cứ thế sẽ được đáp ứng. Xin đưa ra đây một ví dụ: để gia đình thuận hoà êm ấm ta thường xin giàu có. Đáng lý ra ta nên xin cho gia đình biết gìn giữ ơn Chúa nhờ mọi thành phần biết đọc kinh, cầu nguyện sáng tối, vì có ơn Chúa là có tất cả. Nhiều khi ta “đau đầu” vì những lời xin của mình thì làm sao ta có thể khiến Chúa làm như ta muốn được!
Mời Bạn: Đâu là nhu cầu cấp thiết nhất của cá nhân, của gia đình, của cộng đoàn bạn lúc này mà bạn cần xin Chúa? Những nhu cầu ấy có làm cho “danh Chúa cả sáng” không hay chỉ làm thoả mãn tính hiếu kỳ của ta?
Chia sẻ: Chia sẻ cho nhau một ơn nào mà ta thấy mình “không xin” hay “chưa nghĩ tới” mà vẫn có được; và kiểm tra xem nhờ lời cầu xin nào mà ta có được những ơn huệ nhưng không ấy.
Sống Lời Chúa: Tôi tin rằng tha lỗi cho người khác cũng là điều kiện để được Chúa nhậm lời: “Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,15).
Cầu nguyện: Sốt sắng đọc hay hát kinh “Lạy Cha” trong giờ kinh gia đình.
Lạy Cha chúng con
Lời Chúa: Mt 6, 7-15
Khi ấy, Đức
Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân
ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha
anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.Vậy, anh em hãy cầu
nguyện như thế này:
Lạy Cha chúng
con là Đấng ngự trên trời,
xin làm cho
danh thánh Cha vinh hiển,
triều đại Cha
mau đến,
ý Cha thể hiện
dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho
chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;
xin tha tội
cho chúng con
như chúng con
cũng tha
cho những người
có lỗi với chúng con;
xin đừng để
chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu
chúng con cho khỏi sự dữ.
Thật vậy, nếu
anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh
em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không
tha lỗi cho anh em.”
Suy niệm:
Chúng ta không thể
lèo lái hay ép buộc Thiên Chúa
bằng những lải nhải
dài dòng hay bằng những câu thần chú.
Cầu nguyện không
phải là thông báo cho Chúa biết nhu cầu của ta (c. 8).
Cha Teilhard de
Chardin đã viết:
“Chúng ta phải cầu
xin Chúa không phải vì lề luật buộc như thế,
cũng không phải
vì Chúa không biết ta cần gì.
Không, kinh nguyện
là tình yêu, là cách diễn tả tình yêu.”
Thiên Chúa thích
nghe miệng chúng ta nói lên nhu cầu của mình.
Đức Giêsu dạy
chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, Abba, như Ngài đã gọi.
Abba là tiếng gọi
âu yếm thân thương của đứa con đối với người cha.
Khi gọi Thiên
Chúa là Cha, chúng ta thấy mình hết sợ hãi và xa cách.
Cha siêu việt và
quyền uy, nhưng Cha không áp bức và bắt con làm nô lệ,
Cha cao sang ở
trên trời nhưng Cha lại gần gũi với nhu cầu của con cái.
Ba lời cầu xin đầu
tiên đều hướng về Cha: Danh Cha, Nước Cha, và Ý Cha.
Danh Cha được
vinh hiển khi Nước Cha được thành tựu, Ý Cha được thể hiện.
Nước Cha đã đến rồi
với sự hiện diện và hoạt động của Đức Giêsu,
nhưng chúng ta vẫn
phải cầu xin cho Nước ấy mau đến cách viên mãn.
Ý Cha và quyền tối
cao của Cha đã được thể hiện trọn vẹn trên trời rồi,
nhưng còn phải được
thể hiện dưới đất nữa, nơi mọi người và nơi từng người.
Ba lời cầu đầu
tiên, là những lời trực tiếp nài xin Cha.
Làm cho Danh Cha
được biết đến, Nước Cha được nhìn nhận,
Ý Cha được tuân
hành: đó là công việc của Cha cho đến tận thế.
Nhưng việc đó
cũng cần sự cộng tác hằng ngày của mỗi Kitô hữu
qua việc họ sống
tận căn những đòi hỏi gai góc của Nước Trời,
để cho thấy Nước
Trời đã đến trên mặt đất.
Bốn lời cầu xin
sau nhắm đến nhu cầu cụ thể của các môn đệ.
Xin lương thực
hàng ngày là điều cần thiết cho họ,
những người nay
đây mai đó, sống nhờ lòng tốt của người nghe.
Xin ơn tha thứ là
điều ta cần mỗi ngày từ Chúa, sau bao sai lỗi,
mà cũng là điều
ta phải trao lại cho anh em.
Xin Chúa đừng đưa
chúng ta vào cơn thử thách quá sức chịu đựng
đến mức mất đức
tin và quỵ ngã.
Nhưng xin Chúa
gìn giữ và giải thoát chúng ta khỏi Ác Thần.
Kinh Lạy Cha giúp
chúng ta trò chuyện với chính Thiên Chúa là Cha.
Chúng ta được mở
ra trước thế giới trên trời nơi Cha ngự trị,
những cũng được mở
ra trước thế giới dưới đất của con người.
Một thế giới có
bao người thiếu bánh ăn, cần được chia sẻ.
Một thế giới có
nhiều xung đột và hận thù, cần sự bao dung thứ tha.
Một thế giới hỗn
loạn với bao điều phải chấn chỉnh cho hợp Ý Chúa.
Một thế giới
không biết mình là anh em, con cùng một Cha.
Kinh Lạy Cha bao
giờ cũng nhắc chúng ta về những điều dang dở…
Cầu nguyện:
Lạy Chúa
Giêsu, xin hãy đến.
Xin đừng mỉm
cười mà nói rằng
Chúa đã ở bên
chúng con rồi.
Có cả triệu người chưa biết Chúa.
Nhưng biết
Chúa thì được cái gì?
Chúa đến để
làm gì
nếu đời sống
con cái của Chúa
cứ tiếp tục y
như cũ?
Xin hoán cải chúng con.
Xin lay chuyển
chúng con.
Ước gì sứ điệp của Chúa
trở nên máu thịt
của chúng con,
trở nên lẽ sống
của cuộc đời chúng con.
Ước gì sứ điệp đó
lôi chúng con
ra khỏi sự an nhiên tự tại,
và đòi buộc
chúng con,
làm chúng con
không yên.
Bởi lẽ chỉ như thế,
sứ điệp đó mới
mang lại cho chúng con
bình an sâu
xa,
thứ bình an
khác hẳn,
đó là Bình An của Chúa.
(Hélder Câmara)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Vậy các ngươi hãy cầu nguyện như
thế này".
Kinh
Lạy Cha
Kinh
Lạy Cha là một kinh quan trọng đối với đời sống người Kitô hữu, vì đó là kinh
do chính Chúa Giêsu đặt ra, là kinh được Giáo Hội đọc nhiều hơn cả trong các cử
hành phụng vụ và các cử hành khác, là kinh tóm gọn tất cả những gì phải làm
trong khi cầu nguyện.
Chúng
ta cần cầu nguyện với Chúa Cha để sống và hoạt động tông đồ đắc lực, khi cầu
nguyện như thế, chúng ta cậy nhờ Chúa Giêsu và nhờ chính lời cầu nguyện của Ngài.
Có một điểm Chúa Giêsu căn dặn là trong khi cầu nguyện đừng có thái độ thuyết
phục Thiên Chúa theo ý muốn của mình bằng những lời khéo léo dài dòng như những
người ngoại giáo đối với các thần minh của họ. Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng làm
như thế, bởi vì “Cha các con đã biết rõ các con cần gì, trước khi các con cầu
xin”. Nói khác đi, khi cầu nguyện, chúng ta chỉ cần đơn sơ khiêm tốn nhìn nhận
mình hèn mọn thiếu thốn, vạch rõ con người của chúng ta trước mặt Thiên Chúa, rồi
vững dạ cậy trông tin tưởng. Thiên Chúa chẳng những sẽ lấp đầy cái trống rỗng của
chúng ta, mà còn dằn lắc, còn ban cho chúng ta nhiều ơn hơn chúng ta khấn xin.
Kinh
Lạy Cha là kiểu mẫu cho tất cả việc cầu nguyện. Theo thánh Luca, Kinh Lạy Cha
có 5 lời nguyện, trong khi đó ở Phúc Âm Matthêu có 7 lời nguyện: 3 lời cầu đầu
tiên nói về Thiên Chúa, Ðấng mà Chúa Giêsu dạy chúng ta gọi là Cha: Cha chúng
con ở trên trời, sau đó chúng ta xin cho Danh Thánh Cha được hiển vinh, nước
Cha được lan rộng trên thế gian, nhất là trong tâm hồn con người, và xin cho
thánh ý Cha được thực hiện dưới đất cũng như trên trời. Trong phần hai, có 4 lời
nguyện: xin lương thực hàng ngày, nghĩa là xin cơm bánh nuôi thân xác và của ăn
nuôi hồn, tức là Lời Chúa và Mình Chúa; xin tha thứ các tội xúc phạm đến Thiên
Chúa, nhưng để được tha thứ, chúng ta cũng phải tha thứ lỗi lầm của anh em; xin
ơn kiên trì để lướt thắng cám dỗ hàng ngày, nhất là trong cơn thử thách sau
cùng trước sức tấn công của tà thần muốn đưa chúng ta xa lìa Chúa; xin ơn thoát
khỏi mọi sự dữ để có thể phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân mọi ngày trong
đời sống chúng ta.
Chúng
ta hãy dốc quyết không bao giờ bỏ đọc Kinh quan trọng và hiệu nghiệm này trong
đời sống cá nhân, gia đình và cộng đoàn chúng ta.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Hãy cầu nguyện như thế này
Nhắc đến cuộc đời của thánh Gioan M. Vianey, cha sở họ Art. Người ta không
thể quên câu chuyện sau đây về một nông dân xứ Art: Mỗi ngày trước khi ra đồng,
anh đều ghé vào nhà thờ cầu nguyện giây lát rồi mới ra đồng. Khi trở về nhà anh
cũng ghé vào nhà thờ để cầu nguyện như vậy. Trong xứ ai cũng nể và kính phục. Một
hôm có người hỏi: “Ngày ngày ông ghé vào nhà thờ mấy lần để làm gì thế?”. Anh
nông dân trả lời: “Tôi bàn chuyện với Chúa và Chúa bàn chuyện với tôi”.
“Tôi bàn chuyện với Chúa và Chúa bàn chuyện với tôi”. Câu trả lời trên của
anh nông dân xứ Art diễn tả được tận gốc tủy của việc cầu nguyện. Hoạt động
không cầu nguyện là vô ích trước mặt Thiên Chúa. Máy móc tự động có thể làm hơn
con. Cầu nguyện là nền tảng của đời sống thiêng liêng, vì lúc cầu nguyện con nối
liền sự kết hợp với Thiên Chúa. Bí quyết nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu là cầu
nguyện. Không cầu nguyện dù có làm phép lạ con cũng đừng tin. Các tông đồ đã
thưa với Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy xin dạy chúng con cầu nguyện”. Chúa Giêsu
đáp: “Khi các con cầu nguyện hãy nói: Lạy Cha chúng con ở trên trời”.
Chúa đã dạy đọc kinh để giúp chúng con cầu nguyện, nhưng điểm chính là gặp
gỡ, là nói chuyện giữa Chúa và con. Khi con cầu nguyện đừng lo phải nói gì, chỉ
vào phòng đóng cửa mà cầu nguyện với Cha của con một cách kín đáo, chắc chắn
Ngài sẽ nhận lời con. Không cần hình thức, chỉ cần tâm tình phụ tử.
Những chia sẻ trên của tác giả “Đường
Hy Vọng” hướng dẫn chúng ta hiểu sâu hơn ý nghĩa của đoạn Tin Mừng mà chúng ta
vừa nghe. Giờ đây chúng ta hãy chia sẻ với nhau những ý nghĩa sâu xa của lời
kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu đã truyền dạy cho các tông đồ. Trong vài phút suy niệm
này, chúng ta hãy chú ý đến tinh thần phải có khi cầu nguyện.
Trong đoạn Phúc Âm trên, Chúa Giêsu
đã dạy cho các môn đệ lời kinh Lạy Cha, như những lời dạy nói về tinh thần phải
có khi cầu nguyện. Đó là tinh thần tha thứ cho kẻ xúc phạm đến mình, và tinh thần
đơn sơ khiêm tốn nhằm gặp gỡ thân tình với Chúa hơn là nói nhiều lời ngoài môi
miệng: “Khi anh cầu nguyện, thì đừng nhiều lời như những kẻ ngoại giáo, vì họ
nghĩ rằng nói nhiều thì được nhiều”. Vì suốt ngày mỏi mệt rao giảng Tin Mừng,
nên mỗi khi đêm về quỳ gối trước Chúa Giêsu Thánh Thể, thánh Phanxicô có những
lúc quá mệt mỏi phải ngủ gục bên bàn thờ. Lúc ấy ngài thường cầu nguyện với
Chúa một cách đơn sơ như sau: “Lạy Chúa, nếu linh hồn con không tỉnh thức được
với Chúa, thì ít nữa xác con đây muốn ở gần Chúa”.
Cầu nguyện là giờ tâm sự với Chúa là
Cha, chứ không phải là giờ làm bài. Giờ cầu nguyện là giờ của quả tim, chứ
không phải là giờ của luận lý. Đừng nặn óc bóp trán để trình bày với Chúa. Khi
chúng ta cầu nguyện, chúng ta không cô độc lẻ loi một mình. Thánh Phaolô tông đồ
giãi bày như sau: “Chúng ta không biết phải cầu nguyện như thế nào cho phải,
nhưng Chúa Thánh Thần cầu nguyện cho chúng ta với những lời kêu van không thể
diễn tả được” (Rm 8,26)
Nhờ bí tích Rửa tội mà ta đã lãnh nhận,
mỗi người Kitô hữu sẽ được kết hợp với Chúa Giêsu Kitô và được lãnh nhận hồng
ân Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy cố gắng sống trong Chúa Thánh Thần, để phát
triển đời sống con người trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Nếu ta không phải
là người cầu nguyện thì không ai tin ta làm việc vì Chúa. Nếu muốn biết công việc
tông đồ của ai như thế nào, thì hãy xem người đó có cầu nguyện hay không, và cầu
nguyện ra sao?
Lạy Chúa, xin hãy thương ban cho
chúng con được tràn đầy Chúa Thánh Thần để canh tân chính mình và anh chị em
trong môi trường chúng con sống. Amen.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 6
21 THÁNG SÁU
Thiên Chúa Can Thiệp
Vì Ích Lợi Của Chúng Ta
Giáo Hội rao giảng về sự quan phòng của Thiên Chúa, không phải
vì đó là sáng kiến của chính Giáo Hội, song bởi vì Thiên Chúa đã quyết định mạc
khải chính Ngài. Chính Thiên Chúa là Đấng tự mạc khải chính Ngài và cứu độ dân
Ngài, chính Ngài vén mở cho thấy kế hoạch cứu độ mà Ngài đã chuẩn bị từ đời đời.
Trong ánh sáng này, Thánh Kinh là bản trình thuật vĩ đại nhất về sự quan phòng
của Thiên Chúa, bởi vì Thánh Kinh cho thấy rằng Thiên Chúa đã sáng tạo nên mọi
sự từ đầu và Ngài can thiệp một cách kỳ diệu xuyên qua lịch sử cứu độ. Đây
chính là sự quan phòng của Thiên Chúa – sự quan phòng này làm cho chúng ta trở
thành những tạo vật mới trong một thế giới đổi mới nhờ tình yêu của Thiên Chúa
trong Đức Kitô.
Thánh Kinh đặc biệt nói về sự quan phòng thần linh trong các
chương về sự sáng tạo và nhất là trong những chỗ qui chiếu đặc biệt đến công cuộc
cứu độ trong Sách Sáng Thế và các Sách Ngôn Sứ, nhất là Sách Isaia. Thánh
Phao-lô cũng có những suy tư sâu sắc về những kế hoạch khôn dò của Thiên Chúa
diễn ra trong lịch sử, nhất là trong các Thư Ê-phê-sô và Cô-lô-sê. Trong các
Sách khôn ngoan, các tác giả nhắm đến việc tái khám phá các kế hoạch và đường lối
của Thiên Chúa. Tông Đồ Gio-an trong Sách Khải Huyền thì cố gắng khám phá lại ý
nghĩa của các mục đích cứu độ của Thiên Chúa trong thế giới.
Xem ra quan điểm Kitô giáo về quan phòng không chỉ là một
chương khác của triết lý tôn giáo. Vâng, Thiên Chúa trả lời cho những vấn nạn sừng
sững của Gióp (và của mọi người giống như Gióp) với nhãn giới Thánh Kinh về sự
trung thành và sự quan phòng của Thiên Chúa đối với con người. Đây là một thần
học rõ ràng về sự trợ giúp và sự can thiệp có sức cứu độ của Thiên Chúa khi Dân
của Ngài đáp lại Ngài trong đức tin.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 21-6
Thánh Luy Gônzaga, tu sĩ; Hc 48, 1-14; Mt 6, 7-15.
LỜI SUY NIỆM: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân
ngoại, họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha
anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin. (Mt 6,7-8).
Không có tôn giáo nào mà vị thần được tôn thờ, lại gần giũ
với con người; như người Kitô hữu chúng ta. Chúa Giêsu cho chúng ta biết Thiên
Chúa là Cha của chúng ta, Người Cha biết rõ mọi sự về chúng ta; Người Cha biết
những gì chúng ta đang cần; những gì làm cho chúng ta trở nên tốt lành trước mặt
Ngài, cũng như đối với đồng loại. Cho nên trong cầu nguyện, chúng ta chỉ trình
bày ngắn gọn đầy đủ để tỏ lòng tin tưởng vào quyền năng, và tình yêu thương của
Ngài; rồi phó thác mọi sự trong tay Ngài. Bởi quá khứ, hiện tại và cả tương lai
của chúng ta luôn thuộc về Ngài là điều hạnh phúc cho chúng ta; nên chúng ta chỉ
biết tạ ơn và làm vinh danh Ngài bằng cuộc sống của chúng ta.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 21-06:
Thánh LUY GONZAGA
Tu Sĩ (1568 - 1591)
Thánh
Luy là con trưởng của Ferrante, bá tước lâu đài Castiglione miền Lombardic. Ông
đã nhượng chức tổng chỉ huy cho hiệp sĩ của vua Henry VIII vì thích triều đình
Tây Ban Nha hơn, tại Marid, Ferrante gặp Martha Tana đi theo hoàng hậu
Isabelle. Ông lập gia đình với Martha năm 1566. Ngày 9 tháng 3 năm 1568, Luy
chào đời.
Thân
mẫu thánh nhân là người đạo đức. Bà đã dạy cho Luy biết kính sợ và yêu mến Chúa
ngay từ hồi còn thơ ấu. Vì vậy, thánh nhân hay được gọi là "thiên thần
con". Thân phụ Ngài trái lại đã muốn hứơng dẫn con mình vào nghề binh đao.
Hồi lên 4 tuổi, Ngài được dẫn tới Casal để dự cuộc duyệt binh. Thân phụ Ngài
cho Ngài mặc như một sĩ quan và vui mừng khi thấy con dẫn đầu đoàn quân, với
quân phục vừa tầm cậu. Luy sống ở đây nhiều tháng và có dịp nghe những lời tục
tĩu của lính tráng, dầu không hiểu gì.
Một
ngày kia,, khi binh sĩ đang ngủ, Luy ăn cắp thuốc nạp vào súng khai hóa và suýt
chết vì súng giật. Bá tước định trừng phạt đứa con của mình nhưng nhờ binh sĩ
can thiệp, cậu được thả. Tuy nhiên đây là một lỗi lầm mà Luy than khóc suốt đời.
Năm
1577, Luy cùng với em trai là là Rôđôlfo được gởi đi học tại Florence. Tại đây,
Luy đã khấn giữ mình trinh khiết trước ảnh Đức Mẹ truyền tin nhà nguyện dòng
Tôi Tớ Đức Mẹ. Chẳng bao lâu sau, Ngài trở về Castigliône, và quyết định hiến
mình cho Thiên Chúa, Ngài tăng thêm việc đạo đức và coi đó như bổn phận: quỳ đọc
kinh nhật tụng Đức Mẹ, các thánh vịnh sám hối và những kinh nguyện khác. Tại
Castigilione, Đức Hồng y Carrôlô Borrômeô đã làm cho Luy rước lễ lần đầu. Đức hồng
y đã ngạc nhiên trước nhiệt tình và sự khắc khổ của thánh nhân và thốt lên:
"Đứa trẻ này có thể làm gương cho chính các tu sĩ".
Bá
tước Ferrante được đặt làm quan thị vệ của vua Tây Ban Nha, Luy trở thành thị đồng
của hoàng tử, Luy nhiệt tình phục vụ hoàng tử Diogô, nhưng vẫn tìm cách sống tại
triều đình như là sống trong tu viện. Nhưng rồi cái chết của Diegô dẫn Luy tới
quyết định dứt khoát từ bỏ thế gian để gia nhập dòng Chúa Giêsu. Thân phụ Ngài
bất mãn vì quyết định ấy và Luy phải đợi ba năm để được sự ưng thuận của thân
phụ. Năm 18 tuổi, Ngài vui vẻ nhượng quyền thừa tự và bước vào đời sống tu trì.
Tại
tu viện Luy muốn được hoàn toàn quên lãng. Ngài lo chuyện bếp núc, giúp đỡ người
nghèo đeo bị đi ăn xin ngoài phố. Đối với gia đình, Ngài chỉ còn muốn nghĩ tới
trong kinh nguyện mà thôi. Sau 2 năm trong dòng, ngày 25 tháng 11 năm 1587,
Ngài tuyên khấn và lãnh phép cắt tóc gia nhập hàng giáo sĩ ít lâu sau đó.
Nhưng
gia đình bỗng có chuyện tranh chấp sau khi thân phụ Ngài qua đời. Tháng 9 năm
1589, bề trên cho phép Luy về Castiglione để giàn xếp. Luy được tiếp đón như một
thiên thần từ trời xuống. Mẹ Ngài không cầm mình nổi, đã quì xuống trước mặt
con. Từ khắp ngả người ta nói với nhau : Chúng ta thấy Một Vị Thánh.
Cuộc
dàn xếp ổn thỏa, Luy được lãnh giảng thuyết trước khi đi. Ngài đã diễn thuyết một
cách kỳ diệu đến nỗi hơn 700 thính giả đã tới tòa cáo giải ngay.
Giã
từ cha mẹ, Luy trở lại Milan ngày 22 tháng 3 năm 1590 để tiếp tục lớp thần học
và được dời về Rôma ngay năm đó để diễn thuyết trước mặt nhiều giám mục nước Ý.
Chính tại đây Ngài qua đời như là nạn nhân của lòng bác ái. Lúc ấy có một bệnh
dịch tàn phá Rôma.
Thánh
Luy hiến trọn xác hồn phục vụ các bệnh nhân, Ngài làm nhiệm vụ khuân vác giúp đỡ
mọi người, có khi vác cả xác chết nữa. Tận tụy làm việc cho đến ngày 20 tháng 6
năm 1591 thì bị bất tỉnh. Hôm sau tỉnh dậy Ngài chào anh em, rước của ăn đàng rồi
từ trần.
(Daminhvn.net)
+++++++++++++++++
21 Tháng Sáu
Nhân Danh Thiên
Chúa Ba Ngôi
Christophoro Columbo, người đã khám
phá ra Châu Mỹ vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ 15, có lòng sùng kính
Chúa Ba Ngôi cách đặc biệt. Trước mọi hoạt động, ông đều kêu cầu Chúa Ba Ngôi
cũng như ông luôn khởi đầu những gì mình viết bằng dòng chữ: "Nhân danh
Chúa Ba Ngôi cực thánh".
Lần kia, khi Columbo trình bày về
thuyết "Trái đất tròn" trước một nhóm học giả được gọi là Hội Ðồng
Salamanca, một tổ chức quy tụ những nhà khoa học và thần học danh tiếng nhất thời
bấy giờ, ông đã khởi đầu như sau: "Hôm nay tôi được hân hạnh đứng trước mặt
các ngài nhân danh Chúa Ba Ngôi cực thánh, vì hoàng đế đã truyền lệnh cho tôi đệ
trình lên sự khôn ngoan của quý vị một dự án mà tôi xác tín là Chúa Thánh Thần
Ba Ngôi Thiên Chúa đã gợi hứng cho tôi".
Trong cuộc hành trình thứ ba của ông
khởi hành năm 1948, Columbo đã thề hứa sẽ hiến dâng cho Chúa Ba Ngôi phần đất
nào ông khám phá ra đầu tiên, vì thế hòn đảo ông đặt chân xuống đầu tiên trong
cuộc hành trình thám hiểm Tân thế giới ấy cho đến nay vẫn được gọi là
"Trinidad", tức là Chúa Ba Ngôi.
Trong
suốt cuộc đời, người Kitô hữu chúng ta luôn kinh nghiệm sự gần gũi của Ba Ngôi
Thiên Chúa: lúc vừa mở mắt chào đời, chúng ta được nhận lãnh Phép Rửa nhân danh
Chúa Ba Ngôi. Trong suốt ngày sống, chúng ta thường ghi dấu thánh giá trên mình
với lời chúc tụng nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, cũng như mỗi lần chúng ta
dùng bữa hay khi khởi đầu mọi sinh hoạt.
Cộng
vào đấy mỗi lần chúng ta vấp ngã và khiêm nhượng đi xưng thú những lỗi lầm
trong tòa cáo giải, chúng ta được giao hòa lại với Thiên Chúa và cộng đoàn nhân
danh Thiên Chúa Ba Ngôi và cũng nhân danh Người các đôi trai gái yêu nhau được
nối kết để chung sống đời hôn nhân.
Rồi
cả các bệnh nhân cũng được ban ơn sức mạnh nhờ danh Thiên Chúa Ba Ngôi để khi
nhắm mắt xuôi tay, các Kitô hữu chúng ta cũng được tiễn đưa vào cuộc sống đời
sau và được chôn cất nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Mặt
khác, Chúa Ba Ngôi cũng là trung tâm và mục đích mọi hoạt động của những kẻ tin
kính Người. Bởi thế chúng ta thường kết thúc nhiều Kinh và những sinh hoạt bằng
câu: "Sáng danh Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con và Ðức Chúa Thánh Thần".
(Lẽ
Sống)
++++++++++++++++++
Ngày 21
Thánh Luy de Gônzaga, tu sĩ
Thánh Luy de Gônzaga, tu sĩ
Phụng vụ Kitô giáo
không tiếp nhận những ai đến để tìm một phương tiện yêu cuộc sống, như một thứ
đạo đức. Sự trung tín với Thánh Lễ không nói lên một sự đạo đức tôn kính Thánh
Thể, nhưng là tình yêu của Thiên Chúa. Không phải thu gom phụng vụ như phương
tiện để "tin vào cuộc sống" mà người ta nắm được cánh cửa tiến vào.
Các bí tích không phải là những đề nghị Kitô giáo để yêu cuộc sống, nhưng là những
đề nghị của Đức Kitô để tiến đến tình yêu của Thiên Chúa Cha.
Mọi người, trong mọi ngày, cố gắng để đáp lại tiếng gọi
tình yêu. Đến nhà thờ, đầy những lời đối đáp, họ được Đức Kitô đón nhận. Đức
Kitô mang đến Thánh lễ câu trả lời của Người cho tiếng gọi tình yêu trong đời sống
trần thế. Người ta thấy Người đang hoạt động trong tình yêu cho Thiên Chúa là
Cha của Người, Đấng hướng dẫn Người trong một cuộc sống cho ơn ích của chúng
ta. Đức Kitô biết được câu trả lời của chúng ta đối với tiếng gọi tình yêu, đó
là con người nội tâm và thinh lặng, và Người đã đón nhận họ vào trong Người;
Người chia sẻ với chúng ta tình yêu của Thiên Chúa Cha Cuộc dấn thân sống động
của chúng ta trong tình yêu của Đức Kitô đối với Cha, sẽ tìm được vị trí yên
nghỉ và phần thưởng. Từ đó, không còn phải là phụng vụ , nhưng là dấn thân của
chúng ta trong phụng vụ.
Linh mục Jacques Gagey
Thứ Năm 21-6
Thánh Aloysius Gonzaga
(1568-1591)
Thánh Aloysius là một người nổi
tiếng thời bấy giờ vì ngài sinh trong một gia đình quý tộc, nhưng đời sống
như thiên thần, và cái chết thật thánh thiện.
Aloysius là con cả của Hầu Tước Ferrante ở Castiglione
nước Ý, phục vụ dưới triều Philip II của Tây Ban Nha. Cha ngài mong cho con
mình trở nên một nhà lãnh đạo quân sự tài ba, do đó ngay từ khi bốn tuổi
Aloysius đã được tự do tung tăng trong trại lính, làm quen với các vũ khí.
Nhưng khi lên bảy, đời sống tâm linh Aloysius thay đổi lạ lùng và hàng ngày cậu
đã đọc kinh sách, thánh vịnh và đặc biệt kính mến Ðức Maria. Lúc 13 tuổi,
cùng với người em, Aloysius theo cha mẹ lên triều đình và cả hai giữ nhiệm vụ
phục dịch cho Don Diego, thái tử người Asturias ở Tây Ban Nha. Càng nhìn thấy
sinh hoạt triều đình bao nhiêu, Aloysius càng chán ngán bấy nhiêu và tìm cách
khuây khỏa qua hạnh các thánh.
Chính trong thời gian này, khi nghe biết về công cuộc
truyền giáo của các cha dòng Tên ở Ấn Ðộ, Aloysius đã có ý định đi tu và tập
sống kham khổ cũng như tụ tập các trẻ em nghèo để dạy giáo lý cho chúng. Mơ ước
đi tu của Aloysius phải trải qua bốn năm tranh đấu với chính người cha của
mình cũng như sự dụ dỗ của rất nhiều chức sắc trong triều. Sau cùng, Aloysius
đã chinh phục được tất cả và được nhận vào đệ tử viện dòng Tên lúc 17 tuổi.
Vì nhận thấy sức khỏe yếu kém của Aloysius, các cha
giám đốc đã buộc Aloysius phải chấm dứt sự kham khổ, phải ăn nhiều hơn, phải
sinh hoạt với các đệ tử khác và không được cầu nguyện ngoài những giờ ấn định.
Aloysius được gửi lên Milan đi học, nhưng vì sức khỏe yếu kém nên đã phải trở
về Rôma.
Vào năm 1587, Aloysius tuyên khấn. Ðược vài năm sau, trận
dịch hạch tấn công Rôma. Các tu sĩ dòng Tên mở một bệnh viện của nhà dòng.
Chính cha bề trên cũng như nhiều linh mục đích thân chăm sóc bệnh nhân. Dù sức
khỏe yếu kém, Aloysius cũng tận tình phục vụ bệnh nhân và bị lây bệnh. Sau ba
tháng bệnh hoạn, Aloysius đã từ trần ngày 21 tháng Sáu 1591, lúc ấy mới 23 tuổi.
Ðời sống thánh thiện của Aloysius được cha linh hướng
Robert Bellarmine (sau này là thánh) minh xác. Và ngài được Ðức Giáo Hoàng
Bênêđíctô XIII phong thánh năm 1726 và được đặt làm quan thầy các học sinh
Công Giáo.
Lời
Bàn
Thánh
Aloysius dường như không thích hợp là quan thầy của các người trẻ trong một
xã hội mà sự khổ hạnh chỉ tìm thấy trong các đội thể thao hay võ thuật. Có thể
nào một xã hội luôn dư thừa và đầy tiện nghi lại tự ý khép mình vào kỷ luật?
Ðiều đó chỉ có thể xảy ra nếu nó tìm thấy một lý do, cũng như Thánh Aloysius
trước đây. Ðộng lực để Thiên Chúa thanh luyện chúng ta là phải cảm nghiệm được
tình yêu của Thiên Chúa qua sự cầu nguyện.
Lời
Trích
"Anh
em thân mến, khi cầu nguyện chúng ta phải tỉnh thức và tha thiết với tất cả
tâm hồn, sốt sắng cầu nguyện. Hãy gạt bỏ tất cả những ý tưởng trần tục, cũng
như đừng để linh hồn chúng ta lo lắng về bất cứ điều gì ngoại trừ đối tượng của
sự cầu nguyện là Thiên Chúa" (Về Kinh Lạy Cha, Thánh
Cyprian).
|
Copyright © 2010 by
Nguoi Tin Huu.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét