Trang

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

12-09-2013 : THỨ NĂM TUẦN XXIII MÙA THƯỜNG NIÊN

THỨ NĂM 12/09/2013
Thứ Năm sau Chúa Nhật 23 Quanh Năm
Danh Thánh Đức Maria.

  * Danh Thánh Đức Maria
Danh hiệu mà Hội Thánh và nhân loại qua bao nhiêu thời đại tuyên xưng, ca ngợi Mẹ, danh hiệu nào cũng đẹp, danh hiệu nào cũng quí, cũng cao vời và như muốn nhắc nhở con cái Mẹ trên khắp mặt đất này: “Danh Thánh của Mẹ luôn làm cho con người ngây ngất, say mê vì Mẹ luôn ở bên con người, Mẹ yêu thương con người”.
Lễ kính thánh danh Maria bắt đầu từ Tây Ban Nha và được Giáo Hội chuẩn nhận vào năm 1513. Đức Giáo Hoàng Innocentê XI đã truyền dạy mừng lễ này trên toàn thể Giáo hội năm 1683 để cảm tạ tri ân Đức Mẹ đã phù trợ Gioan Sobieski, vua Balan, chiến thắng quân Hồi Thổ Nhĩ Kỳ tại Vienna, và được mừng ngày 12 tháng 9, sau lễ Sinh nhật Đức Mẹ bốn ngày, cũng là ngày chiến thắng Vienna.


Bài Ðọc I: (Năm I) Cl 3, 12-17
"Anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Anh em thân mến, như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau, nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện.
Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em, sự bình an mà anh em đã được kêu gọi tới để làm nên một thân thể. Anh em hãy cảm tạ Thiên Chúa. Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em.
Với tất cả sự khôn ngoan, anh em hãy học hỏi và nhủ bảo lẫn nhau. Hãy dùng những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca của Thần khí, cùng với lòng tri ân, để hát mừng Thiên Chúa trong lòng anh em. Và tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 150, 1-2. 3-4. 5-6
Ðáp: Phàm vật chi có hơi thở, hãy ngợi khen Thiên Chúa (c. 6).

Xướng: 1) Hãy ngợi khen Chúa trong thánh đài của Chúa, ngợi khen Chúa nơi thanh không cao cả của Người. Hãy ngợi khen Người vì những kỳ công vĩ đại, ngợi khen Người bởi sự Người tuyệt đối oai nghiêm. - Ðáp.
2) Hãy ngợi khen Chúa với tiếng kèn rầm rộ, ngợi khen Người với cây đàn sắt, đàn cầm, hãy ngợi khen Người với trống rung và ca vũ, ngợi khen Người với tơ đàn, với ống tiêu. - Ðáp.
3) Hãy ngợi khen Người với âm vang não bạt, ngợi khen Người với tiếng rền rĩ mã-la. Phàm vật chi có hơi thở, hãy ngợi khen Thiên Chúa. - Ðáp.

Alleluia: 2 Cr 5, 19
Alleluia, alleluia! - Thiên Chúa ở trong Ðức Kitô đã giải hoà thế gian với Người, và đã đặt lời giải hoà trên môi miệng chúng tôi. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 6, 27-38
"Các con hãy tỏ lòng thương xót như Cha các con hay thương xót".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả con má bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho, và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại.
Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.
Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.
Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được thứ tha. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy".
Ðó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Yêu Thương Kẻ Thù

Thiên Chúa là Tình Yêu, ai sống trong Tình Yêu là sống trong Thiên Chúa; ai sống trong hận thù, người đó cũng chối bỏ Thiên Chúa. Ðã đi vào cuộc sống là đặt mình vào tương quan với Thiên Chúa: hoặc là sống cho và với Thiên Chúa; hoặc là chối bỏ Ngài.
Chúa Giêsu không đến trần gian để thiết lập một hệ thống luân lý, Ngài đến trước hết là để mặc khải tình yêu của Thiên Chúa và đặt con người vào mối tương quan với Thiên Chúa. Vì là hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu nên con người cũng phải sống như Thiên Chúa Tình Yêu. Chỉ có một tình yêu đúng nghĩa nhất, đó là tình yêu của Thiên Chúa, và cũng chỉ có một cách yêu đúng đắn nhất, đó là yêu như Thiên Chúa yêu. Qua cuộc sống của Ngài, qua các quan hệ của Ngài với tha nhân, và nhất là qua cái chết của Ngài trên thập giá, Chúa Giêsu đã tỏ cho con người thấy được tình yêu của Thiên Chúa. Yêu như Thiên Chúa yêu là trao ban và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu; yêu như Thiên Chúa yêu là yêu mọi người, ngay cả kẻ thù mình.
Chúa Giêsu sẽ không mặc khải trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa, nếu từ Thập giá, Ngài không tha thứ cho chính những kẻ đang hành hạ Ngài. Tuyệt đỉnh của yêu thương chính là đang lúc giang tay ra cho kẻ thù đóng đinh vào Thập giá mà vẫn có thể thốt lên: "Lạy Cha! Xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm". Chúa Giêsu đã không rao giảng bất cứ điều gì mà chính Ngài không sống và minh chứng trước: dạy chúng ta tha thứ cho kẻ thù, Ngài đã chứng minh đó là điều nằm trong khả năng của con người.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta về ơn gọi cao cả của người Kitô hữu: Như Chúa Giêsu đã tha thứ cho những kẻ hành hạ Ngài, chúng ta cũng được mời gọi để yêu thương và tha thứ không ngừng, bởi vì chỉ có lòng tha thứ, chúng ta mới thực sự trở thành nhân chứng tình yêu Thiên Chúa đối với mọi người.
(Veritas Asia)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 23 TN1, Năm lẻ.
Bài đọc: Col 3:12-17; Lk 6:27-38.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Bắt chước Đức Kitô để sống đời trọn lành.

Đạo không phải chỉ là những lễ nghi bên ngoài, nhưng là con đường nên trọn lành. Các Bài Đọc hôm nay đưa ra những lý do và dạy chúng ta trở nên trọn lành. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô đưa ra những lý do tại sao phải nên trọn lành: vì người tín hữu đã được tuyển chọn, thánh hiến, và yêu thương. Trong Phúc Âm, người tín hữu đã được trang bị để yêu kẻ thù bằng tình yêu Thiên Chúa đã phú bẩm trong tâm hồn; để họ có thể trở nên trọn lành như Cha trên trời.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, thánh hiến, và yêu thương.

1.1/ Hãy tập luyện để sống nhân đức.

(1) Các tín hữu có khả năng để sống tốt lành: vì họ đã được tuyển chọn, thánh hiến, và yêu thương trong Đức Kitô. Họ đã được tuyển chọn để trở thành môn đệ của Đức Kitô và nghĩa tử của Thiên Chúa nhờ niềm tin vào Đức Kitô. Họ đã được thánh hiến qua hai giai đoạn: được thanh tẩy sạch mọi tội lỗi nhờ Máu Đức Kitô và được trang bị bằng 7 hồng ân của Thánh Thần để sống đời trọn lành. Họ đã được Thiên Chúa yêu thương bằng tình yêu Thiên Chúa; và chính nhân đức yêu thương này giúp các tín hữu có thể yêu thương mọi người.

Có những nhân đức Thiên Chúa ban trực tiếp cho con người như 3 nhân đức tin, cậy, và mến; có những nhân đức con người phải bỏ công luyện tập, điển hình là 4 nhân đức trụ. Gọi là 4 nhân đức trụ, vì con người phải đứng vững trên 4 cột trụ là: khôn ngoan, công bằng, can đảm, và tiết độ. Thánh Phaolô liệt kê 5 nhân đức mà người Kitô hữu phải có; đó là lòng thương cảm, tử tế, khiêm nhường, hiền hoà, và nhẫn nại. Năm nhân đức này đều là thành phần của 4 nhân đức trụ nêu trên.

(2) Hai nhân đức tối quan trọng:

+ Tha thứ: "Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau." Tha thứ luôn mang hai chiều kích của Thập Giá mà Đức Kitô là trung tâm: chiều dọc với Thiên Chúa và chiều ngang với tha nhân; không thể có chiều kích này mà không có chiều kích kia. Nếu một người đã được hòa giải với Thiên Chúa, mà vẫn không chịu hòa giải với anh em; mối hòa giải với Thiên Chúa sẽ trở thành vô hiệu.

+ Yêu thương: "Trên hết mọi nhân đức, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo." Đức bác ái chính là tình yêu Thiên Chúa chúng ta đã đề cập ở trên. Thánh Phaolô gọi đức bác ái là nhân đức cao trọng hơn hết mọi nhân đức, và là sợi dây liên kết mọi điều hoàn thiện. Không có nhân đức này, người tín hữu không thể trở nên trọn lành (I Cor 13).

1.2/ Hãy đặt Đức Kitô là trọng tâm của đời sống: Người Kitô hữu có sự bình an của Đức Kitô, vì họ đã được Ngài hòa giải với Thiên Chúa, và với mọi người. Thánh Phaolô mong ước các tín hữu hãy để sự bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn; vì trong một thân thể duy nhất, họ đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó.

Người Kitô hữu là môn đệ của Đức Kitô; vì thế họ phải để những lời dạy dỗ của Đức Kitô ngự giữa tâm hồn thật dồi dào phong phú. Họ phải dùng những lời của Đức Kitô để dạy dỗ và khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, họ phải đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thánh Thần linh hứng. Nói tóm, họ phải nhân danh Đức Kitô làm mọi sự như Phaolô khuyên nhủ: "Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha."

2/ Phúc Âm: Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em.

Trước tiên, chúng ta cần phân biệt 3 động từ yêu trong Hy-lạp: Thứ nhất, eran, để chỉ tình yêu trai gái; thứ hai, philein, để chỉ tình yêu giữa những người trong gia đình, hay tình bằng hữu; sau cùng, agapan, để chỉ thứ tình yêu chỉ có trong khuôn khổ của Kitô Giáo. Chúng ta đã đề cập đến thứ tình yêu này khi đề cập đến đức bác ái ở trên.

2.1/ Yêu kẻ thù: chỉ có thể được đòi hỏi nơi những người môn đệ của Đức Kitô; vì họ đã được trang bị làm chuyện đó. Chúa Giêsu không đòi chúng ta yêu kẻ thù với tình yêu trai gái hay tình yêu gia đình, vì làm như vậy là đi ngược lại tự nhiên; nhưng Ngài đòi chúng ta yêu kẻ thù bằng tình bác ái, vì Ngài đã phú bẩm vào linh hồn chúng ta nhân đức bác ái này, mà chúng ta thường gọi là đức mến, một trong ba nhân đức đối thần.

(1) Những điều cần làm cho kẻ thù: Yêu kẻ thù không phải chỉ xảy ra trong tư tưởng; mà phải được biểu tỏ bằng hành động cụ thể. Đức Kitô liệt kê một số điều cần làm:

- Làm ơn cho kẻ ghét anh em;
- Chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em;
- Cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em;
- Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa;
- Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong;
- Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại.

Nói tóm, nếu chúng ta muốn người ta làm gì cho mình, thì chúng ta cũng hãy làm cho người ta như vậy.

(2) Tại sao phải yêu thương kẻ thù: là để trở nên tốt lành như Cha trên trời là Đấng Tốt Lành, và để được phần thưởng đời sau. Chúa Giêsu đưa ra 3 lý luận:

- Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ.
- Nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế.
- Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng.

Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và hãy cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác. Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.

2.2/ Đừng xét đoán tha nhân nhưng hãy rộng lượng cho đi: Con người dễ xét đoán tha nhân theo những gì xảy ra bên ngoài; nhưng Chúa Giêsu truyền: "Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha." Đây là luật tổng quát cho mọi người; nhưng có những người có nhiệm vụ phải xét đoán như: các nhà lãnh đạo tinh thần, cha mẹ, bề trên... Khi phải xét đoán, những người này phải có đủ bằng chứng, phải hiểu rõ hoàn cảnh, và nhất là phải biết xét đoán cách rộng lượng như lời Chúa dạy: "Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Vì đã được tuyển chọn, thánh hiến, và yêu thương, chúng ta không thể sống như một người tầm thường, nhưng cần tập luyện để sống đời nhân đức như Đức Kitô đã dạy.

- Yêu thương kẻ thù không phải chỉ là lời khuyên, mà là một lệnh truyền. Chúng ta đã được trang bị để có thể yêu thương kẻ thù.


Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 23 –

"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)

Lc 6,27-38

A. Hạt giống...
1. Những lời Chúa Giêsu dạy về cách đối xử với kẻ thù ghét mình :
- Đừng thù ghét lại nhưng hãy yêu thương, làm ơn, chúc phúc và cầu nguyện cho họ.
- Đừng trả đũa nhưng hãy nhường nhịn.
2. Những lời dạy về cách đối xử va tha nhân cách chung :
- Làm ơn và cho đi mà không cần đáp trả.
- Cư xử nhân hậu
- Đừng xét đoán và kết án.
- Hãy tha thứ.
3. Lý do của tất cả những cách cư xử trên là vì Cha trên trời : “Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ” ; “Đừng xét đoán thì các con sẽ khỏi bị (Cha trên trời) xét đoán, hãy tha thứ thì các con sẽ được (Cha trên trời) tha thứ ; hãy cho thì (Cha trên trời) sẽ cho lại các con…”

B.... nẩy mầm.
1. Những chữ “vì” trong tương giao :
- Nếu “vì tôi”, thì tương giao sẽ ích kỷ.
- “Vì người ấy” thì tương giao sẽ vụ lợi hoặc thất thường (người ấy tốt thì tôi sẽ tốt, ngược lại…)
- Khi biết “vì Chúa”, các tương giao sẽ vô cùng cao thượng và tốt đẹp.
2. “Các con muốn người ta làm gì cho các con thì các con hãy làm cho người ta như vậy” : Tôi thường đòi hoặc mong người ta làm cho tôi thế này thế nọ. Đó là cách tương giao lấy mình làm trung tâm qui chiếu. Cách tương giao này khiến người khác nặng nề và cũng thường làm tôi thất vọng. Hôm nay tôi thử cách tương giao quên mình để nghĩ đến người khác xem : chắc là mọi người đều sẽ vui, phần tôi cũng sẽ cảm thấy một niềm vui sâu xa khó tả.
3. “Đừng xét đoán thì các con sẽ khỏi bị (Cha trên trời) xét đoán… Hãy tha thứ thì các con sẽ được (Cha trên trời) tha thứ ; Hãy cho thì (Cha trên trời) sẽ cho lại các con” : những thứ mà người khác dùng để đáp lại tôi chắc chắn không tốt bằng chính Thiên Chúa đáp lại, vì Ngài rất quảng đại, Ngài “sẽ lấy đấu hảo hạng đã dằn, đã lắc mà đổ vào vạt áo các con”.
4. “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây : Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em” (Lc 6,27)
Lần nọ trong một ngôi thánh đường, hàng ngàn người say sưa ngồi lắng nghe vị mục sư giảng về lòng yêu thương. Khi bài giảng đã kết thúc, vị mục sư bước ra khỏi ngôi thánh đường. Bỗng một người tiến lại và chìa tay về phía ông. Đó chính là người đã hại ông khi xưa. Ngập ngừng hồi lâu, vị mục sư ngượng ngùng đưa tay bắt.
Sự ngập ngừng của vị mục sư cũng chính là thái độ của tôi trong cuộc sống hôm nay. Tôi không dễ dàng tha thứ để đón nhận và yêu thương kẻ thù. Tôi đã quay lưng lại khi phải đối diện với họ.
Lạy Chúa, xin cho con con tim của Chúa, để con bao dung, yêu thương và tha thứ cho hết mọi người như chính Chúa đã yêu thương và tha thứ cho chúng con. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

12/09/13 THỨ NĂM TUẦN 23 TN
Danh Thánh Đức Maria        
Lc 6,27-38

ANH DŨNG SỐNG LỜI CHÚA
“Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.” (Lc 6,27-28)
Suy niệm: Nietzsche (Nít-chơ), một triết gia người Đức, đã gọi nhân đức hiền lành trên của Ki-tô giáo là hành động của những người hèn kém. Theo bản tính tự nhiên, người ta dễ dàng niềm nở với người có thiện cảm với mình mà không cần một cố gắng nào; Đức Giê-su bảo những kẻ tội lỗi cũng làm được như thế. Nhưng sẽ không dễ chút nào khi phải nhoẻn miệng cười thân ái với người mình không hy vọng gì được chào đáp lại hay phải tha thứ cho một người đã cho mình thấm thía kinh nghiệm “làm ơn mắc oán”. Vì thế, sống nhân đức yêu thương Ki-tô giáo không phải là việc dành cho những người khiếp nhược, trái lại phải dũng cảm và nỗ lực vượt trên tính tự nhiên. Người ki-tô hữu nhờ ơn Chúa giúp, ý thức mình được Thiên Chúa tha thứ, hiểu rõ Chúa đang dùng đời họ để trải dài tình yêu của Ngài, và bằng ý chí kiên vững, họ dám sống như Đức Giê-su sống, “người mẫu” của đức yêu thương.
Mời Bạn: Bạn có nhiều lý do để thoái thác sống nhân đức yêu thương kẻ thù. Hôm nay, Đức Giê-su cho bạn biết lý do lớn hơn: bạn là môn đệ Ngài, hãy sống yêu thương như Ngài đã sống với bạn.
Chia sẻ: Bạn chia sẻ kinh nghiệm sống nhân đức yêu thương cho bạn bè.
Sống Lời Chúa: Niềm nở và tươi vui với hết mọi người, nhất là với người mà bạn đang có chuyện bực mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, mỗi khi tâm hồn con buông xuôi vì thấy cảnh đời trớ trêu, xin cho mắt con mau mắn nhìn lên Thánh Giá Chúa, cho tai con lắng nghe được lời Chúa mời gọi con sống yêu thương như Chúa yêu thương.


Tiến Mãi Không Ngừng
Ghi lại kinh nghiệm sống của mình trong tập nhật ký có tựa đề là Những người bạn muôn thuở, bà Ressa Marita, vợ của triết gia công giáo người Pháp Jack Maritain đã viết như sau:
"Trong cuộc sống thiêng liêng, chúng ta không nên so sánh mình với ai cả, mà chỉ so sánh mình với mẫu gương trọn lành của Chúa mà thôi. So sánh mình với kẻ khác, ta sẽ thấy mình dễ bị cám dỗ, thấy những điểm tiêu cực nơi anh chị em và trở nên tự kiêu, luôn cho mình là tốt hơn. Nhưng nếu nhìn vào mẫu gương trọn lành của Chúa, ta được mời gọi canh tân liên lỉ, tiến mãi không ngừng, vì Chúa là Ðấng trọn tốt trọn lành vô cùng".
Những lời tâm sự của bà Ressa Marita hướng chúng ta đến những lời dạy của Chúa Giêsu cho các môn đệ mà tác giả Phúc Âm thánh Luca đã ghi lại nơi chương 6.
Mức độ đo lường của tình yêu thương chúng ta là không có mức độ nào cả, hay đúng hơn là chính mẫu gương trọn tốt trọn lành vô cùng của Thiên Chúa Cha. Bao lâu còn sống trên trần gian này, chúng ta còn cần tiến thêm mãi trên con đường yêu thương. Không ai dám tự phụ cho rằng mình đã thành toàn, đã đạt đến mức độ trọn lành như Thiên Chúa rồi. Những hành động yêu thương được Chúa Giêsu nhắc đến mà tác giả Phúc Âm theo thánh Luca ghi lại là những hành động yêu thương thiết thực, yêu thương kẻ thù, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phúc cho kẻ nguyền rủa mình, cầu nguyện cho kẻ vu khống mình.
"Hãy ra đi mà không tính toán hơn thiệt, đừng xét đoán, hãy tha thứ". Ðó là những chân trời mới, bao la, rộng mở tình yêu thương nơi tâm hồn người môn đệ Chúa. Chúng ta không thể nào chỉ nói ngoài môi miệng mà còn cần phải thực hiện tình yêu thương như Chúa đã nêu gương bằng những hành động cụ thể. Nếu không, ta sẽ bị xét xử như là những kẻ giả hình, nói mà không làm, không sống thật Lời Chúa dạy.
Một cô giáo nọ ra bài cho các học sinh như sau: "Chiều nay về nhà, mỗi em phải làm một việc tốt đối với người thân nào đó trong gia đình".
Ngày hôm sau, một em học sinh đến trường than phiền với cô giáo như sau: "thưa cô, con không thể tiếp tục làm công tác này được nữa".
Trước sự ngạc nhiên của cô giáo, học sinh này giải thích như sau: Bữa cơm tối qua con đã khen mẹ nấu ngon. Thay vì vui mừng, mẹ con nổi giận nói con chọc tức và gián tiếp chê bữa ăn không ngon. Con giải thích với mẹ nhưng mẹ không tin, và nổi giận ra lệnh con phải rửa chén để chứng minh cụ thể bữa ăn ngon.
Tiếc thay, em bé thành tâm khen ngợi mẹ, nhưng người mẹ thì ngược lại không tin, cho rằng em giả vờ khen và có hậu ý nào khác. Thay vì yêu thương thật tình và cảm nhận tình thương của anh chị em đối với mình, thì nhiều lúc ta cũng hành động như người mẹ trong câu chuyện vui trên. Ta nghi ngờ tình thương của anh chị em vì có bao giờ ta yêu thương thật sự anh chị em đâu, có chăng chỉ là những lời nói xã giao bên ngoài cho qua lúc. Thật là, suy bụng ta ra bụng người.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


Suy niệm
Qua bài Tin Mừng Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ không được trả thù và oán hận, trái lại phải biết yêu thương và tha thứ cho những kẻ thù nghịch với mình. Nhưng Chúa muốn nói kẻ thù là ai? Là kẻ ghét ta hay ta ghét? Ở đây, Chúa muốn nói đến những kẻ ghét ta, những kẻ bách hại đạo, những kẻ gây thiệt hại cho mình, những kẻ sống đối kháng lại với mình vì bất kỳ lý do gì.
Việc làm đầu tiên Chúa muốn chúng ta phải thực hiện là phải kiểm soát được mọi hành động của mình, tránh xa những gì là ghen ghét oán hận và thay vào đó là cử chỉ yêu thương. Vì khi oán hận ghen ghét, con người hay thiếu tự chủ và dễ gây thiệt hại cho nhau. Yêu thương kẻ thù đây là thái độ tích cực đi ngược lại bản tính tự nhiên của con người, một thái độ đòi hỏi phải có ánh sáng đức tin hướng dẫn với một ý chí mạnh mẽ, được hòa quyện trong con tim tràn đầy tình yêu Thiên Chúa mới thực hiện được.
Trong bài Tin Mừng chúng ta thấy Chúa Giêsu không dạy chúng ta chịu đựng, trốn tránh, hay hững hờ với kẻ thù của mình. Thay vào đó Chúa hướng chúng ta yêu kẻ thù theo hướng tích cực: cầu nguyện, làm ơn…cho kẻ thù; tức là muốn và làm điều tốt nhất cho kẻ thù. Yêu thương kẻ thù là giới luật nổi bật, dấu chỉ để nhận biết người môn đệ Chúa Kitô. Dù biết thế, nhưng khi người khác làm thiệt hại cho chúng ta cách nặng nề, chúng ta thật khó quên được những kỷ niệm đau thương. Nhưng để trở nên giống Chúa Kitô, chúng ta cần phải có sự can đảm, quảng đại tha thứ. Vết thương hận thù không thể nào lành được nếu chúng ta cứ giữ hận thù trong lòng; nó chỉ có thể lành khi chúng ta biết yêu thương tha thứ cho kẻ khác. Sự tha thứ chứng tỏ rằng nơi thế giới của chúng ta, tình thương vẫn mạnh hơn tội lỗi.
Là một người Kitô hữu chúng ta hãy tự xét lại bản thân chúng ta đã sống tình yêu thương tha thứ của Chúa như thế nào? Chúng ta hãy luôn học và sống tình yêu thương tha thứ như chính Chúa Kitô đã sống.
Lạy Chúa, chúng con biết rằng yêu thương kẻ thù là một điều rất khó vì nó đi ngược lại với bản tính của chúng con, những con người yêu đuối tội lỗi. Xin ban cho chúng con thêm sức mạnh, lòng can đảm và vị tha để chúng con sống đúng theo lời Chúa dạy là yêu thương và tha thứ cho  những người giận ghét chúng con. Amen.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Chín

12 THÁNG CHÍN

Ai Thấy Thầy Là Thấy Cha

Hưởng kiến Thiên Chúa trực tiếp, đó là nỗi khao khát sâu thẳm nhất của tâm hồn con người. Về khát vọng này, Tông Đồ Philipphê đã nói lên một cách hết sức tha thiết: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha và thế là đủ cho chúng con rồi” (Ga 14,8). Những lời thật cảm kích, vì bộc lộ được khát vọng thâm sâu nhất của tâm khảm con người. Song câu trả lời của Đức Giêsu còn cảm kích hơn nữa.
Đức Giêsu giải thích cho các tông đồ: “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9). Ngài là mạc khải đầy đủ về Chúa Cha. Ngài diễn tả cho thế giới biết Chúa Cha là Đấng nào – không phải vì Ngài là Chúa Cha – nhưng vì Ngài hoàn toàn nên một với Chúa Cha trong sự hiệp thông sự sống thần linh. Ngài nói: “Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy” (Ga 14,11).
Cảm tạ Thiên Chúa ! Con người không còn phải hoàn toàn đơn độc kiếm tìm Thiên Chúa nữa. Cùng với Đức Kitô, con người khám phá Thiên Chúa – và con người khám phá ra Thiên Chúa nơi Đức Kitô.
Vâng, trong Đức Giêsu Kitô, sự tự mạc khải của Thiên Chúa đạt đến tột đỉnh và đầy đủ nhất. Tác giả thư Do thái đã nhấn mạnh điều này khi nói: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta qua các tiên tri; trong những ngày sau hết này, Ngài nói với chúng ta qua một người con” (Dt 1,1-2). Vì vậy, Đức Kitô mãi mãi là con đường của chúng ta. Chúng ta có một Đấng Cứu Độ và một Đấng Trung Gian nối kết chúng ta với Thiên Chúa.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 12-9
Danh Thánh Đức Maria
Cl 3, 12-17;  Lc 6, 27-38


LỜI SUY NIỆM: “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6,27-28)

Chúa Giêsu rất yêu mến Chúa Cha và yêu mến con người. Nên Ngài đã đưa ra những giáo huấn về yêu thương và lòng nhân từ, để chúng ta học biết và đem ra thực hành trong đời sống của mình. Để càng ngày chúng ta càng nên giống Chúa Giêsu và xứng đáng là con cái của Thiên Chúa. Thật hạnh phúc cho chúng ta luôn được Chúa Giêsu mở đường và dẫn lối cho chúng ta.


Mạnh Phương


12 Tháng Chín

Bức Tranh Ðời Người

Một họa sĩ vô danh nọ vào thời Trung Cổ đã tóm tắt đời người thành 4 bức tranh xếp bên cạnh nhau. Bức tranh thứ nhất họa lại tuổi thơ. Không gì đẹp và thanh thản cho bằng tuổi thơ. Một em bé hồn nhiên, vô tư ngồi trên một chiếc ghe buồm vừa nhổ neo ra khỏi bờ... Em bé nhìn theo sóng nước không sợ hãi bởi vì người đang cầm bánh lái là một thiên thần. Bóng đen đang ngủ một cách dịu hiền đằng sau bánh lái.
Sang đến bức tranh thứ hai, người ta bỗng thấy cậu bé trở thành một trang thiếu niên đang đứng nhìn chân trời xa tắp với những háo hức trước những điều mới lạ... Vị thiên thần vẫn còn cầm tay lái, nhưng sóng đã bạt đầu và bóng đen đã thức giấc.
Bức tranh thứ ba là cảnh tuổi trưởng thành. Bầu trời đã trở nên ảm đạm. Sóng gió ập phủ tứ bề. Bánh lái đã nằm trong tay của bóng đen. Vị thiên thần đã bị trói chặt trong một góc. Người đàn ông đã phải dùng tất cả sức lực của mình để chiến đấu, để chiếc ghe không bị lật úp..
Cuối cùng, trong bức tranh thứ tư, người ta thấy một cụ già đang ngồi ung dung giữa ghe. Sóng yên, gió lặng, mặt trời xuất hiện trở lại. Vị thiên thần đã dành lại được bánh lái, còn bóng đen thì bị trói chặt đằng sau.

Ðời là một cuộc hải trình gay go... Ðích điểm có thể là bến yên hàn mà cũng có thể là vực thẳm của chết chóc. Ðến nơi yên hàn hay đứt gánh giữa đường: số mệnh ấy không ai có thể định đoạt cho ta, mà chỉ có mỗi người phải biết làm chủ, lèo lái con thuyền của mình...
Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã quá quen thuộc với trò chơi "Thiên Ðàng Hỏa Ngục" mà các em bé thường tụ tập trước sân thánh đường để cùng biểu diễn... Thiên đàng hỏa ngục hai bên, ai khéo thì nhờ ai vụng thì sa... Trả lời được một số câu hỏi thì được vào Thiên Ðàng, trả lời không được thì bị chận lại ngoài cửa.
Trò chơi đơn sơ nhưng cũng có tác dụng gieo vào đầu chúng ta một hình ảnh về cuộc đời. Ðời là một cuộc ra đi. Hướng đi của cuộc đời tùy thuộc ở sự định đoạt của mỗi người. Con đường dẫn đến hư đốn luôn rộng thênh thang. Con đường dẫn đến sự sống là một con đường chật hẹp, đòi hỏi nhiều chiến đấu...
Sự thánh thiện là một ơn Chúa ban, nhưng phải mất nhiều lao nhọc, vất vả chiến đấu, con người mới đạt được. Nói đến chiến đấu là nói đến kẻ thù. Con sư tử lượn quanh tìm mồi cắn xé trong cuộc sống của chúng ta là không biết bao nhiêu cạm bẫy giăng mắc trên lối đi của chúng ta. Những cạm bẫy đó từ bên ngoài cũng có, nhưng hầu hết đều xuất phát từ trong tâm hồn chúng ta... Ðó là những dục vọng, đam mê đang cào xé tâm hồn chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta đánh bại được kẻ nội thù ấy và biến chúng thành đạo binh trung thành thì lúc đó chúng ta mới chiến thắng được kẻ thù đến từ bên ngoài...
Khí giới tiên quyết và chủ yếu giúp chúng ta chiến thắng được nội thù đó là sự cầu nguyện. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Ngài: chỉ có ăn chay và cầu nguyện các con mới chiến thắng được loài quỷ này...


(Lẽ Sống)

Thứ Năm 12-9
Cha Pedro de Corpa và Các Bạn 
(k. 1597)

N
ăm vị tu sĩ này bị tử đạo ở Georgia vì họ chống đối chế độ đa thê trong hôn nhân Kitô Giáo.
Vào năm 1565 Tây Ban Nha thiết lập một vị trí phòng thủ và khu quân sự ở St. Augustine, Florida. Cha Pedro de Corpa từ Tây Ban Nha đến Florida năm 1587 và trong cùng năm đó ngài đi truyền giáo cho người Guale ở Georgia.
Cha Pedro làm việc ở Tolomato (gần Darien hiện nay) là nơi ngài giúp nhiều người Guale trở lại đạo và giúp vị tù trưởng điều hành ngôi làng Kitô Giáo này. Juanillo, con trai vị tù trưởng, sa vào đường đa thê và được khuyên nên từ bỏ. Hắn từ chối và công khai khước từ cũng như bị tước quyền kế vị cha mình. Juanillo bỏ đi, nhưng thực ra là để tìm cách trả thù các tu sĩ. Vài ngày sau đó họ giết Cha Pedro vào ngày 13-9-1597.
Cha Blas de Rodriguez từ Tây Ban Nha đến Florida năm 1580. Ngài là bề trên của năm vị tử đạo. Juanillo và đồng bọn đã giết Cha Blas vào ngày 16-9 tại làng Tupiqui (gần Eulonia bây giờ).
Cha Miguel de Anon đến Georgia năm 1595; Thầy Antonio de Badajoz cũng đến đây năm 1587. Họ cùng làm việc ở bán đảo St. Catherine khi Juanillo và đồng bọn đã giết các ngài vào ngày 17-9.
Cha Francisco de Berascola đến Geogia từ 1595 và thành lập "Misión Santo Domingo de Asao" trên đảo St. Simon. Ngài bị Juanillo giết vào ngày 18-9.
Vào năm 1605 công cuộc truyền giáo cho người Guale được tái lập. Họ lại tiếp tục phát triển cho đến khi thực dân Anh đến và tiêu diệt họ vào năm 1702.
Xứ Guale

Lời Bàn
Ðiều gì sẽ xảy ra nếu Cha Pedro de Corpa và các linh mục không dạy giáo huấn một vợ một chồng trong hôn nhân Kitô Giáo? Họ sẽ phản bội chính Phúc Âm mà vì đó họ đến rao giảng. Theo Chúa Giêsu luôn luôn dẫn đến những lựa chọn khó k--mà cuối cùng là thập giá.
Lời Trích
Vào năm 1612 quan toàn quyền của St. Helen (gồm Florida và Cuba) phúc trình về vua Tây Ban Nha: "Mặc dù người thổ dân không giết các linh mục vì đức tin, chắc chắn họ bị tử đạo vì luật của Thiên Chúa mà tôn giáo dạy họ. Ðây chính là lý do mà người thổ dân từ bỏ đạo cũ và vẫn còn tuyên xưng... Người ta được biết ở phần đất này, kể từ sau cái chết của những người thánh thiện, dân này (thổ dân Guale) dễ bảo và hiền hòa hơn."
(Quan toàn quyền không rõ thế nào là tử đạo nên đã viết như trên. Quả thật, các ngài đã bị chết vì tín điều mà họ rao giảng)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét