Trang

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

30-09-2013 : THỨ HAI TUẦN XXVI MÙA THƯỜNG NIÊN

THỨ HAI 30/09/2013
Thứ Hai sau Chúa Nhật 26 Quanh Năm
Thánh Giêrônimô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

* Thánh nhân sinh quãng năm 340 tại Xơtriđôn, Đanmaxia. Người đến Rôma học văn chương và đã lãnh bí tích Thánh Tẩy tại đó. Người sang Đông phương và làm linh mục. Trở lại Rôma, người làm thư ký cho Đức Giáo Hoàng Đamaxô. Thời gian này, người bắt đầu dịch Sách Thánh sang tiếng La tinh và cổ võ nếp sống đan tu. Nhưng nhất là người đã sống 35 năm cuối đời ở Bêlem, gần cái hang nơi Đức Giêsu ra đời. Ở đây, người cầu nguyện hãm mình, chăm chỉ nghiên cứu, dịch và chú giải Kinh Thánh. Người qua đời ở Bêlem năm 420.

Bài Ðọc I: (Năm I) Dcr 8, 1-8
"Ta sẽ cứu dân Ta khỏi đất phía mặt trời mọc và phía mặt trời lặn".

Trích sách Tiên tri Dacaria.
Có lời Chúa các đạo binh phán rằng: "Ðây Chúa các đạo binh phán: Ta đã ghen tức Sion với lòng ghen tức cực độ; Ta đã ghen tức nó với cơn phẫn nộ quá sức".
Chúa các đạo binh còn phán như thế này: "Ta trở về Sion, và sẽ ngự giữa Giêrusalem; Giêrusalem sẽ được gọi là Thành chân lý, và núi Chúa các đạo binh sẽ được gọi là Núi thánh".
Chúa các đạo binh lại phán như thế này: "Sẽ còn có lão ông lão bà cư ngụ trên phố phường Giêrusalem, mỗi người cầm gậy trong tay, vì họ đã cao niên. Các ngả đường thành phố đầy những trẻ nam trẻ nữ chơi trên đường phố".
Chúa các đạo binh phán thêm rằng: "Trong những ngày ấy, nếu điều đó làm chướng mắt những kẻ còn sót lại trong dân, chớ thì nó sẽ làm chướng mắt Ta sao?" Chúa các đạo binh phán như vậy. Chúa các đạo binh còn phán rằng: "Này đây Ta sẽ cứu dân Ta thoát khỏi đất phía mặt trời mọc và phía mặt trời lặn. Ta sẽ dẫn chúng về cư ngụ giữa Giêrusalem: Chúng sẽ là dân Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, trong chân lý và công chính".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 101, 16-18. 19-21. 29 và 22-23
Ðáp: Chúa sẽ tái lập Sion, và xuất hiện trong vinh quang sáng lạng (c. 17).
Xướng: 1) Lạy Chúa, muôn dân sẽ kính tôn danh thánh Chúa, và mọi vua trên địa cầu sẽ quý trọng vinh quang Ngài; khi Chúa sẽ tái lập Sion, Chúa xuất hiện trong vinh quang sáng lạng; Chúa sẽ đoái nghe lời nguyện kẻ túng nghèo, và không chê lời họ kêu van. - Ðáp.
2) Những điều này được ghi lại cho thế hệ mai sau, và dân tộc được tác tạo sẽ ca tụng Thiên Chúa. Từ thánh điện cao sang Chúa đã đoái nhìn, từ trời cao Chúa đã nhìn xuống trần thế, để nghe tiếng than khóc của tù nhân, để giải thoát kẻ bị lên án tử. - Ðáp.
3) Con cháu của bầy tôi Chúa sẽ được an cư, và miêu duệ chúng sẽ tồn tại trước thiên nhan, để người ta truyền bá danh Chúa tại Sion, và lời khen ngợi Ngài ở Giêrusalem, khi chư dân cùng nhau quy tụ, và các vua nhóm họp để phụng thờ Chúa. - Ðáp.

Alleluia: Tv 129, 5
Alleluia, alleluia! - Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 9, 46-50
"Kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, các mộn đệ nghĩ ngợi trong lòng rằng ai trong các ông sẽ là người cao trọng nhất. Chúa Giêsu thấu biết tư tưởng trong lòng các ông, Người liền dẫn một trẻ nhỏ tới, để đứng bên cạnh Người, và bảo các ông rằng: "Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy: mà hễ ai đón nhận Thầy, tức là đón nhận Ðấng đã sai Thầy. Vì kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất".
Gioan lên tiếng thưa Người rằng: "Lạy Thầy, chúng con thấy một người kia lấy danh Thầy mà trừ quỷ, và chúng con đã ngăn cản nó, vì nó không theo Thầy cùng với chúng con". Chúa Giêsu bảo ông rằng: "Các con chớ ngăn cản, vì ai không chống nghịch các con, tức là thuận với các con".
Ðó là lời Chúa.

Suy niệm : Nhân Danh Chúa Giêsu

Một hôm, họa sĩ Picasso đến một xưởng mộc làm một cái tủ. Ông lấy bút phác họa hình thù và kích thước cái tủ rồi trao cho người thợ mộc và hỏi giá cả. Người thợ mộc cầm lấy tờ giấy một cách trân trọng và trả lời: "Ngài không phải trả gì cả, chúng tôi chỉ xin Ngài ký tên vào giấy này là đủ rồi".
Tên tuổi gắn liền với sự nghiệp của con người. Người ta nhắc nhớ và đề cao tên tuổi của những bậc anh hùng, những người tài ba, những ân nhân của dân tộc hay nhân loại. Nhưng người ta phỉ nhổ và nguyền rủa tên tuổi của những con người chỉ biết gây đau thương tang tóc cho đồng loại. Khi một người nào đó đã được nổi tiếng, thì tên tuổi người đó tạo được một sức mạnh lạ thường. Chúng ta thích xin chữ ký của những người nổi tiếng, chúng ta thích ăn mặc và sử dụng những sản phẩm có chữ ký hoặc tước hiệu của những người nổi tiếng. Một cách nào đó, chúng ta tôn thờ tên tuổi của những người nổi tiếng, chúng ta tự đặt mình dưới quyền lực của những người nổi tiếng.
Ðối với người Kitô hữu, như thánh Phêrô đã nói trước Công nghị Do thái: "Dưới bầu trời này không một danh hiệu nào đã được ban cho con người, để được cứu rỗi, ngoài danh Chúa Giêsu Kitô".
Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Luca cũng ghi lại sức mạnh của Danh Giêsu. Chính nhân danh Ngài mà một số người có thể xua trừ ma quỉ và chữa bệnh. Nhân Danh Chúa là một quyền hạn đã được trao ban cho các môn đệ Chúa Giêsu. Người ta chỉ có thể trừ quỉ và như vậy tiếp tục hoạt động cứu rỗi của Chúa Giêsu nhờ quyền năng Ngài và lòng tin vào Ngài mà thôi. Ðó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã không lo ngại với những kẻ lén lút nhân danh Ngài để trừ quỉ, bởi vì khi hành động như thế, họ chỉ hành động với lòng tin vào quyền năng Ngài mà thôi.
Danh Chúa Giêsu không những có sức mạnh chữa lành bệnh và xua trừ ma quỉ, mà còn tạo được mối tương quan giữa con người . Chính nhân danh Ngài mà con người mới có thể tập họp để cầu nguyện; chính nhân danh Ngài mà con người phải tiếp rước những kẻ Ngài sai đi; chính nhân danh Ngài mà con người phải đón rước tha nhân, nhất là những kẻ bé mọn, hèn kém như các trẻ em. Chúa Giêsu nói: "Ai nhân danh Thầy mà đón tiếp trẻ nhỏ này là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy". Câu nói của Chúa Giêsu cho thấy được bản chất của Giáo Hội: Chúa Giêsu tiếp tục sống trong Giáo Hội Ngài, không như một vĩ nhân sống trong sự nghiệp mình và trong ký ức của dân tộc; Giáo Hội chính là một nối dài của Chúa Giêsu, Giáo Hội sống bằng sức sống của Chúa Giêsu.
Người Kitô hữu không chỉ mang danh hiệu Chúa Giêsu, họ còn sống bằng chính sức sống của Ngài. Ngài tự đồng hóa mình với mỗi tín hữu. Người Kitô hữu nhân danh Ngài để hành động, đến độ họ có thể nói như thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi".
Chúng ta thường nói đến tội kêu tên Chúa vô cớ, chúng ta nói đến tội xúc phạm Danh Chúa. Thực ra, khi cuộc sống chúng ta chưa là thể hiện của sức sống Chúa Kitô trong chúng ta; khi nhìn vào chúng ta, người ta chưa nhận ra Chúa Kitô đang sống trong chúng ta, phải chăng đó không là một kiểu chúng ta kêu tên Chúa một cách vô cớ và làm ô Danh Ngài?
(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 26 TN1
Bài đọc: Zec 8:1-8; Lk 9:46-50.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy biết quên mình để phục vụ tha nhân

Các Bài Đọc hôm nay chú trọng đến việc quên mình để phục vụ tha nhân. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Zechariah khuyên con cái Israel tin tưởng nơi tình yêu Thiên Chúa, để vững tâm xây dựng một Jerusalem thái bình. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chỉ cho các môn đệ biết con đường để trở thành người lớn nhất trong Nước Trời: Hãy trở nên nhỏ nhất và phục vụ các trẻ thơ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thị kiến về tương lai an bình của Jerusalem.

1.1/ Thành Trung Tín sẽ được thiết lập trên Núi Thánh của Thiên Chúa: Bản dịch của Nhóm PVCGK lẫn lộn hai thời quá khứ và tương lai trong câu hai và câu ba; nên không lột tả được ý nghĩa của lời sấm của tiên tri Zechariah. Hai câu này cần được dịch và phân tích như sau:

(1) Câu hai là những gì đã xảy ra trong quá khứ: "Vì Sion, Ta đã phát ghen dữ dội, Ta đã nổi giận đến tột cùng vì nó.'' Bản LXX dùng hai động từ ở thời quá khứ (aorist); bản MT dùng động từ ở thời quá khứ (piel). Câu này gợi lại cho dân chúng biết lý do của việc phải đi lưu đày, họ đã làm cho Đức Chúa tức giận tột độ vì lối sống không cần Thiên Chúa và bất công với tha nhân.
(2) Câu ba là những gì sẽ xảy đến trong tương lai: Đức Chúa phán thế này: ''Ta sẽ trở lại Sion, Ta sẽ ngự lại ở Jerusalem. Jerusalem sẽ được gọi là Thành Trung Tín, và núi của Đức Chúa các đạo binh là Núi Thánh.'' Cả hai, Bản LXX và MT đều dùng ba động từ ở thời tương lai. Câu này muốn nhắn nhủ dân chúng: một khi họ đã nhận ra lỗi lầm và ăn năn trở lại với Thiên Chúa, Ngài sẽ nối lại tình xưa nghĩa cũ với họ. Thành Jerusalem và Núi Sion là hai biểu tượng cho mối liên hệ tốt đẹp này: Jerusalem sẽ được gọi là Thành Trung Tín, và Núi Sion sẽ được gọi là Núi Thánh, nơi cư ngụ của Đức Chúa các đạo binh.

1.2/ Thành Jerusalem sẽ là nơi cư ngụ của Dân Chúa trong cảnh thái bình.

(1) Dấu chỉ của thời thanh bình: Đức Chúa các đạo binh phán thế này: "Trên những đường phố của Jerusalem, các cụ ông cụ bà ra ngồi nghỉ; ai nấy tay chống gậy vì tuổi thọ đã cao. Tại các đường phố trong thành, đông đảo thiếu nhi nam nữ tới vui đùa.''
Trong thời chiến tranh, ít có người đạt tới tuổi thọ, vì bị chết trong khi thi hành nghĩa vụ quân sự; nhưng sẽ có nhiều các cụ ông, cụ bà xuất hiện trong thời thái bình trên các đường phố của Jerusalem, hay ngồi chơi cờ và nói chuyện trong các công viên. Một dấu chỉ nữa của thời hòa bình là sự xuất hiện của nhi đồng chơi giỡn trên các đường phố. Trong thời chiến, cha mẹ không có con được, vì chồng phải lên đường bảo vệ giang sơn; nhưng khi chiến tranh chấm dứt, nhiều trẻ thơ sẽ xuất hiện và chơi giỡn trên các nẻo đường.
(2) Ước mơ hòa bình có thể thực hiện: Trong thời gian đầu khi mới hồi hương từ nơi lưu đày, ít người nghĩ đến cảnh thái bình thịnh trị của Jerusalem, vì chung quanh toàn là những hoang tàn, đổ nát, và đe dọa. Tiên-tri Zechariah phải trấn an dân bằng lời sấm của Đức Chúa các đạo binh: "Nếu đó là điều không thể đối với số dân còn sót lại trong những ngày này; thì cũng là điều không thể được với Ta chăng?'' Những gì được coi là không thể đối với sức con người; nhưng luôn là có thể đối với uy quyền của Thiên Chúa. Ngài sẽ thúc đẩy tâm hồn con cái Israel đang cư ngụ rải rác khắp nơi, để họ kéo về cư ngụ tại Jerusalem, để nối lại mối liên hệ với Thiên Chúa trong chân lý và công chính: ''Ta sẽ cứu dân Ta ra khỏi miền đất phía Đông và miền khỏi miền đất phía Tây. Ta sẽ dẫn chúng về và cho cư ngụ giữa Jerusalem. Chúng sẽ là dân của Ta; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng trong sự thật và chính trực.''

2/ Phúc Âm: Ai nhỏ nhất trong tất cả anh em, kẻ ấy là người lớn nhất.

2.1/ Tính yêu chuộng danh vọng, quyền bính, và lợi lộc vật chất: Trình thuật hôm nay xảy ra ngay sau lời tiên báo thứ hai của Chúa Giêsu về Cuộc Thương Khó sắp đến, các tông-đồ tranh luận với nhau để tìm ra, ''trong các ông, ai là người lớn nhất?''
Vấn nạn này không chỉ xảy ra trong hàng ngũ các tông-đồ, nhưng xảy ra ở mọi nơi và mọi thời. Theo bản ngã, con người muốn được:
+ Danh vọng: được nổi tiếng hay được mọi người biết tới. Chúng ta không bàn tới những người "hữu xạ tự nhiên hương," họ xứng đáng được biết tới và khen ngợi vì việc làm của họ. Có những người đã bất tài còn vô đức, nhưng lại muốn được nổi tiếng bằng cách: chỉ làm những việc quan trọng, chỉ làm khi có sự hiện diện của người khác, hay khi làm thì đánh chống khua chiêng để mọi người chú ý. Đó là chưa kể đến việc tìm cách dìm người khác xuống để mình được nổi bật hơn, hay xuyên tạc những ý hướng ngay lành của tha nhân.
+ Quyền bính: thích được truyền lệnh, nhưng không muốn vâng lời hay làm theo ý của người khác. Chúng ta không bàn tới những người phải dùng quyền hành để cai trị dân chúng trong công bằng và yêu thương. Có những người muốn dùng quyền hành để bắt người khác phục vụ họ, để ức chế người khác, hay để mưu cầu lợi nhuận cho bản thân hay cho gia đình.
+ Lợi lộc: Ẩn giấu đàng sau hai bản ngã trên là lòng ham muốn lợi nhuận vật chất. Chúng ta không bàn tới những người cố gắng làm việc, phần thưởng vật chất đến với họ là điều tự nhiên. Có những người muốn ăn trên ngồi chốc hay vơ vét lợi nhuận vật chất cách bất công như: ăn hối lộ, đút lót để có cơ hội ăn hối lộ, lạm dụng quyền để tước đoạt tài sản của người khác...


2.2/ Cách chân thật và khôn ngoan để trở thành lớn nhất: Đức Giêsu biết điều các ông đang tự hỏi trong lòng, liền đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình và nói với các ông: "Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy. Thật vậy, ai nhỏ nhất trong tất cả anh em, kẻ ấy là người lớn nhất."
Trẻ em không có gì để trả lại cho người lớn: Các em chưa có danh vọng, quyền bính, và của cải để ban cho người lớn; ngược lại, các em hầu như hoàn toàn trông cậy vào sự chăm sóc và dạy dỗ của cha mẹ, anh chị em, thầy cô, và những người có trách nhiệm. Một số lý do thúc đẩy chúng ta phục vụ các em:
(1) Thiên Chúa sẽ trả thay cho các em: Chúa Giêsu rất rõ ràng trong việc đồng nhất việc phục vụ trẻ nhỏ hay những người cô thân cô thế là phục vụ chính Ngài và Thiên Chúa; ngược lại, khi ai từ chối phục vụ những người này là từ chối phục vụ chính Ngài và Cha của Ngài. Nếu con người phục vụ để mong người khác trả công, khi người khác trả rồi, Thiên Chúa sẽ không cần trả lại nữa. Nhưng nếu con người phục vụ những người không có cơ hội trả lại, Thiên Chúa sẽ trả thay cho họ. Khi Thiên Chúa trả, phần thưởng chắc chắn sẽ xứng đáng và cao quí hơn những gì lòng người dám ước mong. Nếu muốn Thiên Chúa trả, hãy làm cho những người không có gì để trả.
(2) Đã nhận nhưng không, hãy cho cách nhưng không: Con người khi vào cuộc trần này chẳng mang theo được gì vào; nhưng hoàn toàn là do công ơn Thiên Chúa, cha mẹ, và những người đi trước. Vì không trả lại được gì cho Thiên Chúa (Ngài chẳng cần gì nơi con người), ít người có cơ hội trả lại cho cha mẹ và những người đi trước; điều con người có thể làm được là giúp cho thế hệ tương lai để các em lớn lên mạnh khỏe, biết yêu thương Thiên Chúa, và giúp ích mọi người.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải sống đúng mối liên hệ với Thiên Chúa và với tha nhân để có bình an và hạnh phúc thực sự; nếu không, chiến tranh, lưu đày, và đau khổ chắc chắn sẽ xảy ra.
- Vì đã lãnh nhận tình yêu và yêu thương chăm sóc từ Thiên Chúa, cha mẹ, và các thế hệ đi trước, chúng ta cũng phải biết hy sinh và phục vụ cho thế hệ tương lai.


Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 26–

"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Lc 9,46-50

A. Hạt giống...
Chúa Giêsu dạy các môn đệ ba điều ngược hẳn suy nghĩ của các ông :
1. Lớn và nhỏ : mọi người, trong đó có các môn đệ và có cả chúng ta nữa, đều muốn làm người cao trọng nhất, nghĩa là có địa vị, có quyền hành, có quyền lợi. Nhưng khi các môn đệ đang suy nghĩ trong lòng về ước mong đó thì Chúa Giêsu biết ý nghĩ của các ông, Ngài bảo các ông đừng nghĩ tới vấn đề đó nữa, mà hãy nghĩ ngược lại : hãy trở thành kẻ bé nhỏ nhất, nghĩa là đùng nhắm địa vị và quyền hành, quyền lợi mà hãy sống khiêm tốn như trẻ nhỏ
2. Đón tiếp ai : Thói thường, người ta niềm nở với những ai có lợi cho mình, chẳng hạn người có địa vị, có quyền hành, có của cải. Chúa Giêsu thì dạy : hãy có thái độ rộng mở đón tiếp mọi người, dù đó là một đứa trẻ chẳng có địa vị quyền hành gì cả.
3. Thuận và nghịch : người ta thường dùng cái khung phe nhóm để định hướng thái độ của mình. Ai thuộc phe nhóm mình thì là bạn mình và mình hợp tác ; ngược lại ai không thuộc phe nhóm mình thì là kẻ thù của mình và mình chống lại. Chúa Giêsu dạy ngược lại : “Ai không chống lại các con tức là thuộc với các con”, và “Chớ ngăn cản họ”.

B.... nẩy mầm.
1. Cái ý muốn “làm lớn” đã là nguồn gốc sinh ra biết bao đố kỵ, tranh dành và gây ra biết bao xào xáo khổ sở trong cuộc sống chung. Bởi thế Chúa dạy ta đừng ham làm lớn nhưng hãy ham làm nhỏ. Kiêu căng là đầu của 7 mối tội đầu, khiêm tốn là đứng số một trong 7 nhân đức hàng đầu.
Nếu con đang “làm nhỏ”, xin cho con biết cám ơn Chúa vì con được giống như những đứa bé trong gia đình. Nếu nhiệm vụ đang đặt con làm lớn, xin cho con biết “làm lớn” một cách khiêm tốn, làm lớn để phục vụ chứ không phải để bắt người ta phục vụ.
2. Vấn đề quan trọng không phải là tôi được địa vị cao hay thấp mà là tôi được đặt vào đúng chỗ hợp với khả năng của mình. Kẻ ít khả năng mà ở địa vị cao thì không chu toàn được những nhiệm vụ được giao, và như thế càng cho người khác thấy rõ những yếu kém của mình.
3. “Cái vòng danh lợi cong cong, kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào”. Chưa có địa vị thì ham có, đang có rồi thì cảm thấy nặng nề và mong được trút bỏ. Điều này càng đúng trong Giáo Hội.
4. Về thái độ đón tiếp : lẽ ra là môn đệ của Chúa, tôi phải đón tiếp mọi người, đặc biệt ưu tiên đón tiếp những kẻ bé mọn. Thế nhưng khuynh hướng tự nhiên vẫn còn sống mạnh trong tôi, nên đôi khi tôi vẫn thờ ơ, thậm chí xua đuổi những kẻ bé mọn ấy, và niềm nở vồn vả với những người có lợi cho tôi.
5. Thuận và nghịch : nhân danh Chúa Giêsu để trừ quỷ, đó là một việc làm tốt. Nhưng vì Gioan đã đánh giá việc làm đó theo một tiêu chuẩn sai (người đó không thuộc phe nhóm của mình), nên dẫn tới một thái độ sai là chống đối và ngăn cản. Để “chữa trị” Gioan, Chúa Giêsu bảo ông hãy suy nghĩ theo một tiêu chuẩn mới “Ai không nghịch với các con tức là thuận với các con”. Nghĩa là hãy suy nghĩ theo chiều “thuận” : hãy coi mọi người đều là “thuận” với mình, chỉ trừ khi rõ ràng người ta chống mình.
6. “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy ; và ai tiếp đón Thầy là tiếp đón Đấng đã sai Thầy” (Lc 9,48)
Tôi đang loay hoay tìm kiếm mấy con ốc bị thất lạc khi sửa cái máy cassette thì thằng cháu mon men lại gần :
- Cậu ơi, cậu làm gì thế ? Cho cháu làm với.
- Con nít chỉ biết nghịch phá chứ biết làm cái gì. Đi chỗ khác chơi ! Tôi quát lớn.
- Nhưng cháu muốn ở lại nói chuyện với cậu, cho cậu đỡ buồn.
Câu nói ngây thơ của đứa trẻ lên bốn chứa đựng cả một tấm lòng nhân hậu làm tôi phải xét lại thái độ của mình. Những người lớn hay coi thường trẻ thơ bởi chúng là những trẻ nhỏ chưa có địa vị hay chỗ đứng trong xã hội. Thế nhưng những suy nghĩ tưởng chừng là bé nhỏ của chúng lại chất chứa cả một tâm hồn vĩ đại.
Lạy Chúa, xin cho những người lớn chúng con biết khiêm tốn lắng nghe và khám phá ra thế giới trẻ thơ ; để qua trẻ thơ, mỗi người chúng con sẽ hoàn thiện chính mình (Hosanna)

Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

30/09/13 THỨ HAI TUẦN 26 TN
Th. Giêrônimô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh     
Lc 9,46-50

NGHỊCH LÝ “LỚN VÀ NHỎ”
Chúa Giê-su... nói với các môn đệ :”Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.” (Lc 9, 46.48)
Suy niệm: Đức Cha Ph.X. Nguyễn Quang Sách, nguyên giám mục giáo phận Đà Nẵng vừa từ trần hồi đầu tháng 7 vừa qua, có viết trong di chúc rằng: “Suốt cả đời tôi, công phúc chẳng có gì, mà tội lỗi, thiếu sót thì vô số...” Sống một cuộc đời giản dị, hiếu khách và thánh thiện với châm ngôn “để phục vụ,” ngài muốn trở nên một người “nhỏ nhất” trong giáo phận và giữa anh chị em mình, để phục vụ mọi người như Thầy Giêsu. Phải, chỉ khi nào nhận ra tương quan đích thực giữa “tôi” với “mọi người”, tôi mới có thể phục vụ họ một cách chính đáng: “họ” phải lớn lên, còn “tôi” phải nhỏ lại, thậm chí “nhỏ” đến mức độ của “người tôi tớ”. Tuy nhiên, lý tưởng này luôn luôn là một thách đố lớn lao cho người môn đệ của Đức Kitô.
Mời Bạn: Ở đời, ai cũng muốn “ăn trên ngồi trước”, “được làm vua”, “được kẻ hầu người hạ”..., để “vinh thân phì da”, để “cả họ được nhờ”...; còn Đức Kitô lại dạy ta một con đường khác, trái nghịch với thế gian. Con đường thập giá của Ngài mãi mãi là sự vấp phạm, là sự điên rồ đối với thế gian, nhưng Chúa Giêsu khẳng định đó chính là con đường cứu rỗi nhân loại mà Ngài lựa chọn theo thánh ý Chúa Cha. Bạn đang chọn con đường nào, “thỏa hiệp,” “bắt cá hai tay,” “làm tôi hai chủ” hay “từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày” theo Chúa Kitô?
Sống Lời Chúa: Suy niệm mẫu gương tự hạ để phục vụ của Chúa Giêsu và làm một việc phục vụ anh chị em mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban  thêm sức cho con dám từ bỏ mình để con trở nên “người nhỏ nhất” giữa anh chị em như Chúa đã làm gương cho con. 

Nhân Danh Chúa Giêsu
Tên tuổi có một ý nghĩa và sức mạnh đặc biệt trong cuộc sống con người. Người ta thường kể về tên tuổi Alexandre Ðại Ðế của Hy Lạp giai thoại như sau:
Trong quân đội của ông có một binh sĩ rất nhát đảm, cứ mỗi lần nguy ngập anh đều tìm cách thoái lui. Alexandre cảm thấy bị xúc phạm về hành vi của người binh sĩ này vì anh ta cũng mang tên Alexandre như ông. Một hôm, ông gọi anh ta lại và bảo: "Ta cho nhà ngươi một chọn lựa: hoặc là chấm dứt thái độ nhát đảm hoặc là đổi tên đi".
Tên tuổi là một sức mạnh. Ðược nổi danh vốn là một trong những khát khao tự nhiên của con người. Trong Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm về ý nghĩa, sức mạnh và quyền năng của Danh Chúa trong cuộc sống người Kitô hữu chúng ta.
Tin Mừng được ghi lại những sự kiện được liên kết với nhau bằng Danh Chúa. Chỉ nhân danh Chúa mà đón tiếp những người bé nhỏ nhất, cụ thể là các em nhỏ và cũng chỉ nhân Danh Chúa, con người mới có thể khu trừ ma quỉ, chữa lành bệnh tật và làm phép lạ.
Ngày nay, Giáo Hội cũng nhân Danh Chúa để tiếp tục sứ mệnh cứu rỗi của Ngài. Giáo Hội nhân Danh Chúa để cử hành các bí tích, để thực thi công tác bác ái, tranh đấu cho công lý. Nhưng phải chăng Danh Chúa Giêsu là một thứ bùa chú, một công thức ma thuật?
Chúng ta biết rằng nội dung niềm tin Kitô chính là tin rằng Thiên Chúa đã phục sinh Chúa Giêsu từ cõi chết, tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa và kêu cầu Danh Ngài. Cả ba kiểu nói này đều tương tự như nhau. Các Kitô hữu tiên khởi thường tự gọi mình là những kẻ kêu cầu Danh Chúa. Ðiều này được thể hiện một cách rõ rệt trong nghi thức rửa tội. Kêu cầu Danh Chúa có nghĩa là tin nhận rằng Ngài là Chúa và đặt mình dưới sự thống trị của Ngài. Duy chỉ mình Ngài mới có thể đem lại ơn cứu rỗi và sự sống, duy chỉ có mình Ngài mới có thể là lý tưởng của đời sống Kitô hữu.
Xét cho cùng, niềm tin của chúng ta không phải là một giáo điều để tuyên xưng, một số kinh kệ phải đọc làu làu, một số biểu dương tôn giáo cần bày tỏ ra bên ngoài. Niềm tin thiết yếu của chúng ta là Chúa Giêsu, Ðấng đang hiện diện cách sống động trong mỗi người chúng ta. Sống niềm tin ấy chính là luôn ý thức về sự hiện diện ấy của Ngài và không ngừng đi vào tương quan mật thiết với Ngài. Sống niềm tin ấy chính là để Ngài thấm nhập vào từng suy nghĩ, tâm tư và hành động đến độ có thể thốt lên như thánh Phaolô: "Tôi sống nhưng không phải là tôi mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi".
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


Suy niệm

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu đề cập đến tinh thần, thái độ và cách hành xử cần phải có trong cuộc sống hàng ngày.
- Tinh thần cần phải có của người làm lớn.
Lẽ thường tình ở đời ai cũng thích làm lớn, đứng đầu, lãnh đạo để sai khiến, để ra lệnh, để ăn trên ngồi trước, để hưởng bỗng lộc..., nhưng người môn đệ Chúa Giêsu thì cần phải có suy nghĩ và cách hành xử khác. Để xứng đáng là người đứng đầu, lãnh đạo cộng đoàn phải là người biết tận tình phục vụ người khác trong khiêm tốn. Vì chức vụ phải đi đôi với trách nhiệm. Khi người lãnh đạo biết hạ mình xuống như trẻ nhỏ để phục vụ người khác cách vô tư thì chính lúc ấy hình ảnh và giá trị của người lãnh đạo mới đẹp, thanh cao và đáng quý biết mấy. Ước mong trong đạo, ngoài đời đều có những vị lãnh đạo mang tinh thần ấy!
- Thái độ cần có đối với mọi người.
Lẽ thường tình ở đời, chúng ta thích tiếp đón và liên hệ với những người có chức vụ cao, vai trò lớn và những ai giàu sang; còn những người thấp cổ bé miệng, nghèo khó có vẻ không ai muốn qua lại. Phải chăng chúng ta chỉ xem trọng những mối tương quan nào có lợi cho chúng ta?
Chúa lại không muốn như thế. Chúa muốn chúng ta hãy vì danh Chúa mà đón tiếp những ai bé nhỏ, nghèo hèn. Khi chúng ta đón tiếp những ai bé nhỏ nghèo hèn là đón tiếp chính Chúa, không những là đón tiếp Chúa mà còn là đón tiếp Thiên Chúa Cha, vì Chúa Giê-su chính là Thiên Chúa nhập thể làm người.
Chúa Giê-su đã từng nói về ngày phán xét chung. Ngày đó, Chúa sẽ xét hỏi mọi người về đức ái. Phần thưởng hay hình phạt là tùy thuộc vào việc có giúp đỡ những người đói ăn, khát nước, bệnh tật, trần truồng, khách lỡ đường, kẻ tù tội hay không? Đón tiếp và tận tâm giúp đỡ những con người đó chính là làm cho Chúa. Hy vọng mọi người đều có thái độ đón tiếp ân cần, quảng đại với hết mọi người, nhất là người nghèo!
- Cách thế hành xử cần có với đồng loại.
Sống trên đời này con người cần có một tấm lòng và cần phải biết cư xử tử tế với nhau như tâm tình của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhưng hình như con người thời nay thường hay xử sự loại trừ nhau. Óc phe nhóm lợi ích ngày càng phổ biến và lớn mạnh. Chính các Tông Đồ xưa kia cũng thế, các ngài có vẻ khó chịu và cố ngăn cản một ai đó nhân danh Chúa Giê-su mà trừ quỷ. Với óc phe nhóm, các ngài không muốn chia sẻ đặc quyền đặc lợi trừ quỷ ấy cho bất cứ ai ngoài nhóm của các ngài. Nhất là khi các ngài được Chúa ban quyền trừ quỷ khi sai các ngài đi rao giảng Tin Mừng, các ngài lại càng không muốn bất cứ ai cũng có quyền đó.
Những suy nghĩ của Tông Đồ ngày xưa cũng là bài học cho chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta vẫn còn ích kỷ nhỏ nhen muốn Chúa chỉ ban ơn riêng cho ta hay phe nhóm chúng ta thôi. Là những người tin theo Chúa, chúng ta nghĩ mình sống đạo đức thánh thiện, Chúa phải ban ơn này ơn nọ cho chúng ta. Chúa không được ban ơn cho những người ngoại giáo hay khô khan nguội lạnh. Chúng ta bắt Chúa phải theo phe nhóm của ta để đối đầu với những nhóm khác.
Xin Chúa hoán cải và biến đối lối suy nghĩ hẹp hòi ích kỷ này của chúng con. Mong muốn lắm mọi người dù lương hay giáo, lớn hay nhỏ, hữu thần hay vô thần đều có được tinh thần hợp tác, tôn trọng đặc sủng riêng của mỗi người để mỗi người có điều kiện họp tác chung tay phục vụ mưu cầu lợi ích cho con người!
Lm. Seoka


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Chín

30 THÁNG CHÍN

Chúng Ta Vẫn Ở Lại Với Chúa Giêsu Trong Thánh Thể

“Thầy là cây nho … ai ở lại trong Thầy thì sẽ sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5). Đức Kitô ở lại trong chúng ta qua Bí Tích Thánh Thể. Chúa Giêsu mời gọi ta ở lại trong Ngài, lời mời gọi này nhắc chúng ta nhớ một chân lý khác mà Ngài đã đề cập trong bối cảnh diễn từ về Bánh Hằng Sống. “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta, sẽ được sống đời đời” (Ga 6,56). Đức Giêsu đã nói như thế với đám đông.
Bản văn song song này cho chúng ta thấy rằng trong biểu tượng cây nho có chứa đựng ý nghĩa của Bí Tích Thánh Thể. Chúng ta hiểu ra cách thế để mình ở lại trong Đức Giêsu, Cây Nho Thật: đó là đón nhận Ngài làm của ăn của uống cho mình. Thánh Thể chính là Chúa Giêsu ở lại giữa chúng ta một cách thực sự. Ngài thực sự hiện diện với chúng ta, ngay cả dù chúng ta thấy có vẻ như Ngài hiện diện qua các dấu chỉ bí tích là bánh và rượu.
Thực ra những dấu chỉ ấy không đem lại cho chúng ta niềm vui được cảm giác Ngài, nhưng chúng bảo đảm với chúng ta rằng Ngài đang hiện diện trọn vẹn giữa chúng ta. Qua bí tích này, Chúa Giêsu trở thành lương thực mọi nơi và mọi thời cho linh hồn người ta. Và chúng ta là những người được hưởng dụng. Chúng ta hãy tiến tới với bàn tiệc của Chúa để lãnh nhận thứ lương thực quí giá này.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II



Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 30-9
Thánh Hiêrônimô, linh mục tiến sĩ Hội Thánh
Dcr 8, 1-8; Lc 9, 46-50


LỜI SUY NIỆM: “Một câu hỏi chợt đến với các ông: trong các ông, ai là người lớn nhất?” (Lc 9,46)

Trong cuộc đời khi sống và làm việc chung với nhau, hay cùng hoạt động chung về một công tác với nhau, người ta cũng thường đặt vấn đề: “ai là người lớn nhất”. Trong mỗi một con người luôn khát vọng được làm lớn hơn người khác và mọi mặt khác cũng muốn mình là nhất, là số một. Chính những ước muốn này không xấu, nhưng với những mưu mô, xão quyệt, dối trá để chiếm đoạt của kẻ khác để tư lợi cho mình, và thống trị anh em mới là điều xấu. Đối Với Chúa Giêsu. Chúa muốn chúng ta biết dùng quyền để phục vụ, làm lớn để trở nên tôi tớ cho mọi người. Ước gì mỗi người trong chúng ta được ở gần Chúa Giêsu như em nhỏ được đặt bên cạnh Ngài.

Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân

NGÀY 30-09 THÁNH HIÊRÔNIMÔ - LINH MỤC, TIẾN SĨ HỘI THÁNH (340 - 420)


Thánh Hiêrônimô chào đời khoảng năm 340 tại Stridon gần Aquila, miền tam biên giữa Dalmatia, Pannonia và Italia. Tên đầy đủ của Ngài là Eusêbiô Hiêrônimô Sôphrôniô. Dường như Ngài thuộc một gia đình giàu có và được giáo dục đầy đủ về văn chương, theo thường lệ dành cho các thiếu niên thượng lưu thời đó. Trước hết Ngài đã theo học tại Stridon rồi sau đó tại Roma với nhà văn phạm thời danh Donatô, Ngài đã học để viết văn Latin cho tuyệt diệu tinh ròng và chính xác. Bởi đó Ngài say mê các tác phẩm cổ, dầu sau này Ngài coi chúng như một thứ cám dỗ.
Trong một bức thư gởi cho Eustochium, Ngài có kể lại một giấc mơ khi nằm tại bệnh viện Antiochia. Trong giấc mơ Ngài thấy mình phải đến trước vị quan án. Ngài tự xưng mình là Kitô hữu, nhưng quan án trả lời : - Ngươi không phải là Kitô hữu. Ngươi là đồ đệ Cicêrô. Kho tàng ngươi ở đâu thì lòng ngươi cũng ở đó. Mà kho tàng của ngươi là các thứ tác phẩm của Cicêrô.
Sau đó Ngài bị đánh đòn và hứa sẽ từ bỏ các tác phẩm trần tục này.
Thánh Hiêrônimô được giáo dục để trở thành Kitô hữu và luôn coi trọng tôn giáo. Dầu vậy 19 tuổi Ngài mới lãnh bí tích rửa tội ở Roma vào ngày Phục sinh năm 366. Khi viếng thăm Trier, sau khi hoàn tất việc học ở Roma, Ngài hiểu biết ít nhiều về lối sống khổ hạnh, có lẽ do thánh Athanasiô bị lưu đày tới và đã quyết rằng đó là ơn gọi của Ngài. Ngài gia nhập một cộng đoàn linh mục và giáo dân tại Aquileia năm 370. Cộng đoàn bị tan vỡ vì một cuộc tranh chấp nào đó.
Năm 375, Hiêrônimô đi về hướng đông với mấy người bạn, tới miền tổ đời khổ hạnh Kitô giáo. Sau khi dừng lại ở Antiochia ít lâu, Ngài đến sống trong sa mạc Chalcis như một ẩn sĩ, nơi đây Ngài "không có bè bạn nào khác ngoài bò cạp và hoang thú". Ngài khổ cực vì bệnh tật mà nhất là các cơn cám dỗ. "Trong đầu óc tôi thường thấy mình giữa đám gái nhảy". Và Ngài khóc thương rằng: "Một người chết yểu trong xác thịt như vậy mà ngọn lửa thèm muốn còn cháy lên dữ dội".
Để kiềm chế óc tưởng tượng, sau khi đã xử phạt xác mà không được, Ngài chú tâm học tiếng Do thái. Như vậy Ngài đã khởi đầu công trình chính yếu trong đời làm học giả nhiệt thành giải thích thánh kinh.
Năm 378, Ngài trở lại Antiochia và đến với Constantinople để học thánh kinh với nhà thần học lừng danh là thánh Gregôriô thành Nazian. Năm 382, Ngài đến Roma và trở thành thư ký của Đức giáo hoàng Đamasô. Tại đây Ngài bắt đầu công trình hệ trọng về thánh kinh. Ngài hiệu đính các bản dịch Latinh về Phúc âm và thánh vịnh. Ngoài ra Ngài cũng hăng hái khích lệ phong trào sống khổ hạnh giữa các phụ nữ Roma.
Nỗ lực này đã gây nên một số chống đối của một số giáo sĩ Roma. Chống lại, Ngài đã viết những dòng sống động: - "Cái gì sơn phết lên khuôn mặt người Kitô hữu. Các miếng cao dán đầy tham vọng này là dấu chỉ của đầu óc thiếu trong sạch. Làm sao có thể nói được rằng một phụ nữ khóc than tội mình mà nước mắt họ cầy luống trên cặp má tô vẽ của họ. Hạnh phúc trông đợi gì từ thiên đàng khi mà cầu khẩn Chúa, họ lại chường mặt ra cho đấng tạo thành không còn nhận diện được họ nữa ?"
Do những lời quở trách này mà Ngài trở nên xa lạ với dân gian. Sau cái chết của thánh Damasô, Ngài lại lui về phương đông (năm 348).
Một nhóm phụ nữ đã sống dưới sự hướng dẫn của Ngài đã theo Ngài, đứng đầu là thánh nữ Paula với con Ngài là thánh nữ Eustochium. Họ lập thành một nhóm các tu viện gần đại giáo đường Giáng sinh tại Bêlem, tại đây thánh Hiêrônimô đã trải qua những ngày an bình hạnh phúc cuối đời, Ngài cũng dự phần vào nhiều cuộc tranh luận dữ dội. Một trong các cuộc tranh luận ấy là cuộc tranh luận giáo thuyết của Origen. Nhưng công cuộc lớn lao nhất của đời Ngài ... chính là công cuộc Ngài đã chuẩn bị từ sa mạc Chalcis, đã khởi sự từ Roma, công cuộc phiên dịch thánh kinh ra tiếng Latinh. Dựa vào công trình này mà thế giá Ngài tồn tại mãi trong Giáo hội công giáo, cũng như sự thánh thiện của Ngài có được một bằng chứng hùng hồn.
Toàn bộ thánh kinh bằng tiếng Latinh, gọi là bản phổ thông đều được thánh Hiêrônimô phiên dịch hay nhuận đính trừ các sách: Khôn ngoan, Huấn ca, Baruch và hai sách Macabê. Ngài thực hiện bản dịch thứ nhất đã làm tại Roma, chính bản dịch thứ hai này nằm trong bản dịch thánh kinh phổ thông và được Giáo hội dùng trong phụng vụ giờ kinh.
Thánh Hiêrônimô qua đời bình an tại Belem ngày 30 tháng 9 năm 420. Thánh Paula và Eustochium đã chết trước Ngài. Thi thể Ngài được chôn cất với họ trong nhà thờ Giáng sinh, nhưng sau này được đưa về Roma và nay đang được chôn cât tại đền thờ Đức bà Cả.


(daminhvn.net)


30 Tháng Chín

Tình Thương Ðáp Trả Hận Thù

Bà Coretta King, vợ của cố mục sư Martin Luther King, đã ghi lại trong quyển hồi ký của bà như sau:
Martin ra trước cửa nhà. Một cách nào đó, đây là giờ phút quan trọng nhất của cuộc đời của anh.
Trước đó vài hôm, một quả bom đã được quăng vào nhà. Vợ và con anh suýt bị sát hại. Ðây là thử thách đầu tiên nặng nề nhất mà anh phải chịu đựng. Ðồng thời nó cũng là trắc nghiệm để xem anh có thể sống nguyên tắc Kitô và thuyết bạo động mà anh hằng rao giảng không. Anh xuất hiện một cách bình thản trước đám đông người da đen đang sôi sục hận thù.
Khi anh vừa giơ tay lên làm hiệu thì mọi tiếng động bỗng như dừng lại. Anh đã chiếm lĩnh được tâm hồn mọi người, từ những người đứng tuổi đến các bạn trẻ bốc đồng nhất, từ các cảnh sát viên cho đến những người sợ hãi đang đứng nép bên các bậc thang trước cổng nhà.
Với một giọng nói bình tĩnh, nhẹ nhàng, anh khuyên nhủ mọi người như sau:
"Vợ tôi và con gái tôi vẫn bình an. Tôi xin anh em hãy trở về nhà và hãy buông khí giới. Chúng ta không thể giải quyết vấn đề bằng bạo động. Chúng ta phải yêu thương những người da trắng anh em của chúng ta, dù họ có làm gì cho chúng ta đi nữa. Chúng ta phải làm cho họ hiểu rằng chúng ta yêu thương họ thật sự. Chúng ta phải sống như thế đó: nghĩa là lấy tình thương đáp trả hận thù".

Lời kêu gọi trên đây của mục sư Luther King và cái chết của ông là một bản sao trung thành nhất của Tin Mừng: đó là Tin Mừng của Ðấng yêu thương và yêu thương cho đến chết trên thập giá...
Vào tù ra khám, bị đòn vọt, trải qua trăm nghìn gian lao khốn khổ do những người không tiếp nhận Tin Mừng gây ra, thánh Phaolô vẫn có thể khuyên nhủ các tín hữu Roma như sau:
"Hãy chúc lành cho kẻ bắt bớ, chúc lành chứ đừng chúc dữ. Hãy vui với kẻ vui, hãy khóc với kẻ khóc. Cùng nhau tâm đầu ý hợp. Ðừng qúa cao vọng về mình. Trái lại, hãy biết bỏ mình, chuộng phần yếu kém... Ðừng lấy ác báo ác: điều thiện trước mắt mọi người, hãy cố quan tâm. Hãy sống an hòa với mọi người... Anh em thân mến, hãy sống an hòa với hết thảy mọi người. Ðừng báo oán. Chớ để sự dữ thắng được ngươi, nhưng hãy lấy lành mà thắng dữ".
Ước gì những lời khuyên nhủ trên đây trở thành khuôn vàng thước ngọc trong mọi giao tiếp và gặp gỡ của chúng ta với mọi người.


(Lẽ Sống)

Thứ Hai 30-9
Thánh Giêrôme
(345 - 420)

Hầu hết các thánh được nhớ đến là vì một vài nhân đức trổi vượt hay sự sùng kính đặc biệt của các ngài, nhưng Thánh Giêrôme được nhớ đến là vì tính nóng nẩy! Thật sự ngài rất nóng tính và có tài viết cay độc. Tình yêu của ngài dành cho Thiên Chúa và Ðức Kitô Giêsu thật mãnh liệt, nên bất cứ ai dạy bảo điều gì sai trái ngài đều coi là kẻ thù của Thiên Chúa và chân lý, và Thánh Giêrôme theo đuổi người ấy đến cùng với lối viết táo bạo và đôi khi châm biếm.
Trên tất cả ngài là một học giả Kinh Thánh, dịch bộ Cựu Ước từ tiếng Hy Lạp sang tiếng La Tinh. Ngài cũng viết những bài chú giải là nguồn cảm hứng về kinh thánh cho chúng ta ngày nay. Ngài là một sinh viên nhiều tham vọng, một học giả thông suốt, một văn sĩ phi thường và là cố vấn cho các tu sĩ, giám mục và giáo hoàng. Thánh Augustine nói về ngài, "Ðiều mà Thánh Giêrôme không biết, thì thần chết cũng không biết."
Thánh Giêrôme đặc biệt nổi tiếng trong việc chuyển dịch Kinh Thánh mà cuốn ngài dịch được gọi là Vulgate. Ðó không phải là bộ Kinh Thánh tuyệt hảo nhưng Giáo Hội công nhận đó là một kho tàng. Như các học giả ngày nay nhận xét, "Không ai trước thời Thánh Giêrôme hay cùng thời với ngài và rất ít người hậu sinh sau đó hàng thế kỷ cũng không đủ khả năng để thực hiện công trình đó." Công Ðồng Triđentinô đã tu sửa bản Vulgate và công bố đó là văn bản chính thức được dùng trong Giáo Hội.
Ðể thực hiện công trình đó, Thánh Giêrôme đã phải chuẩn bị rất kỹ. Ngài là bậc thầy về tiếng La Tinh, Hy Lạp, Cổ Do Thái và Canđê. Học vấn của ngài bắt đầu từ nơi sinh trưởng, ở Stridon thuộc Dalmatia (Nam Tư cũ). Sau giai đoạn giáo dục sơ khởi, ngài đến Rôma, là trung tâm học thuật thời ấy, và đến Trier, nước Ðức, là nơi quy tụ các học giả. Mỗi nơi ngài sống một vài năm, để theo học với những bậc thầy tài giỏi.
Sau phần chuẩn bị kiến thức ngài tung hoành ở Palestine cốt để ghi nhận những nơi đã in dấu Ðức Kitô với lòng sùng kính dạt dào. Ngài cũng là một nhà thần bí, đã sống trong sa mạc Chalcis 5 năm để hy sinh cầu nguyện, hãm mình và nghiên cứu. Sau cùng ngài dừng chân ở Bêlem, là nơi ngài sống trong một cái hang mà ngài tin rằng Ðức Kitô đã sinh hạ ở đấy. Vào ngày 30 tháng Chín năm 420 Thánh Giêrôme từ trần ở Bêlem. Thi hài của ngài hiện được chôn cất trong Ðền Ðức Bà Cả ở Rôma.
Lời Bàn
Thánh Giêrôme là một người thẳng tính, cương quyết. Ngài có nhân đức cũng như các tính xấu của một người ưa chỉ trích tất cả những vấn đề luân lý thường tình của con người. Như có người nhận xét, ngài là người không chấp nhận thái độ lưng chừng trong phẩm hạnh cũng như trong việc chống đối sự xấu xa. Ngài mau nóng, nhưng cũng mau hối hận, và rất nghiêm khắc với những khuyết điểm của chính mình. Người ta kể, khi nhìn thấy bức tranh vẽ Thánh Giêrôme đang cầm hòn đá đánh vào ngực, một giáo hoàng nói, "Ngài cầm hòn đá đó là phải, vì nếu không, Giáo Hội không bao giờ phong thánh cho ngài" (Ðời Sống Thánh Nhân của Butler).
Lời Trích
"Ở nơi xa xôi nhất của sa mạc hoang vu đầy đá sỏi, như thiêu đốt dưới cái nóng hực lửa của mặt trời đã khiến các tu sĩ cư ngụ nơi đây cũng phải khiếp sợ, tôi thấy mình như ở giữa những say mê và đàn đúm ở Rôma. Trong sự đầy ải và tù ngục mà tôi tự ý xử phạt mình vì sợ hỏa ngục, nhiều khi tôi thấy mình ở giữa đám thiếu nữ Rôma như tôi đã từng sống với họ: Trong cái cơ thể lạnh ngắt và trong da thịt nứt nẻ của tôi, dường như tôi đã chết trước khi thực sự chết, lại khao khát được sống. Cô đơn trước kẻ thù này, linh hồn tôi phủ phục dưới chân Ðức Giêsu, lấy nước mắt rửa chân Người, và tôi chế ngự xác thịt với những tuần lễ ăn chay. Tôi không xấu hổ để thố lộ những sự cám dỗ, nhưng tôi đau buồn vì trước đây tôi không được như bây giờ" (trích thư Thánh Giêrôme gửi Thánh Eustochium).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét