Trang

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

20-09-2013 : THỨ SÁU TUẦN XXIV MÙA THƯỜNG NIÊN - Thánh Anrê Kim Têgon, Phaolô Chung Hasan và các bạn, tử đạo.( Lễ nhớ).

THỨ SÁU 20/09/2013
Thứ Sáu sau Chúa Nhật 24 Quanh Năm
Thánh Anrê Kim Têgon, Phaolô Chung Hasan và các bạn, tử đạo. Lễ nhớ.

Nhờ việc tông đồ của một số giáo dân, đức tin Kitô giáo đã đi vào Hàn Quốc đầu thế kỷ XVII. Dù thiếu các mục tử, giáo đoàn vẫn sống đức tin hăng say và mạnh mẽ. Cộng đoàn được hướng dẫn và xây dựng hầu như chỉ nhờ những người giáo dân, cho tới cuối năm 1836, khi những nhà truyền giáo đầu tiên người Pháp bí mật đến xứ này.
Giáo đoàn này, với những cuộc bách hại vào những năm 1839, 1846, 1866, 1867, đã sản sinh ra 103 thánh tử đạo, trong đó nổi bật là linh mục đầu tiên người Hàn Quốc, cha Anrê Kim Têgon. Cha là một mục tử hăng hái nhiệt thành. Kế đó là người tông đồ giáo dân, anh Phaolô Chung Hasan.
Còn những vị khác, đa số là giáo dân nam, nữ, độc thân, có gia đình, người già, thanh niên, thiếu nhi. Tất cả đều đã lấy máu mình để làm chứng cho Chúa Kitô, làm nên mùa xuân tươi đẹp của Giáo Hội Hàn Quốc.

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Tm 6, 2c-12
"Phần con, hỡi con người của Thiên Chúa, hãy theo đuổi đức công chính".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.
Con thân mến, con hãy giảng dạy và khuyên nhủ những điều này. Nếu ai giảng dạy điều chi khác lạ và không thành tín nắm giữ những lời giáo huấn lành mạnh của Chúa chúng ta, là Ðức Giêsu, và giáo lý phù hợp với đạo đức, thì người đó là kẻ mù quáng vì kiêu ngạo, không hiểu biết gì, nhưng mải mê về những chuyện bàn cãi và tranh chấp danh từ. Do đó phát sinh ra sự ghen tương, tranh chấp, lăng nhục, nghi ngờ với ác tâm, và những cuộc cãi cọ dai dẳng của những người hư hỏng tinh thần và thiếu thốn chân lý. Họ coi đạo đức là một nguồn lợi. Thực ra đạo đức là nguồn lợi lớn cho những ai biết bằng lòng với số phận mình. Bởi vì chúng ta đã không mang gì vào thế gian này, và chắc chắn chúng ta cũng không thể lấy ra được gì. Khi có cơm ăn và áo mặc, chúng ta hãy lấy thế làm bằng lòng. Còn như những kẻ muốn làm giàu, họ sa vào cơn cám dỗ, vào cậm bẫy và nhiều dục vọng điên rồ tác hại. Những cái đó làm con người ta chìm đắm vào chỗ điêu tàn và hư hỏng. Bởi chưng gốc rễ mọi sự dữ là lòng tham tiền bạc. Một số người vì đeo đuổi lòng tham này đã lạc mất đức tin và tự chuốc vào thân nhiều nỗi khổ đau.
Phần con, hỡi người của Thiên Chúa, hãy trốn xa những chuyện đó. Hãy theo đuổi đức công chính, lòng đạo hạnh, đức tin, đức ái, đức nhẫn nại, đức hiền lành. Con hãy chiến đấu trong cuộc chiến đấu chính nghĩa của đức tin. Hãy cố đoạt lấy sự sống đời đời mà con đã được kêu gọi tới, và cũng vì đó, con đã mạnh dạn tuyên xưng đức tin trước mặt nhiều nhân chứng.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 48, 6-7. 8-10. 17-18. 19-20
Ðáp: Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ (Mt 5, 3).
Xướng: 1) Tại sao tôi phải kinh hãi trong ngày tai hoạ, khi ác tâm quân thù mưu hại bao bọc quanh tôi? Bọn người này tin cậy vào tài sản, chúng tự hào vì có bạc vạn tiền muôn. - Ðáp.
2) Nhưng thực ra không ai tự cứu được bản thân, cũng không ai dâng được lên Chúa giá tiền thục mạng. Giá thục mạng quá đắt, không bao giờ có đủ, hầu mong sống mãi đời đời, không phải nhìn coi sự chết. - Ðáp.
3) Ðừng e ngại khi thấy ai giàu có, khi thấy tài sản nhà họ gia tăng: bởi lúc lâm chung, họ chẳng mang theo gì hết, và tài sản cũng không cùng họ chui xuống nấm mồ. - Ðáp.
4) Dầu khi còn sống họ ca tụng mình rằng: "Thiên hạ sẽ khen ngươi, vì ngươi biết khôn ngoan tự liệu", họ sẽ tìm đến nơi đoàn tụ của tổ tiên, những người muôn thuở không được nhìn xem sự sáng. - Ðáp.

Alleluia: Tv 118, 36a và 29b
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin nghiêng lòng con theo lời Chúa răn bảo, và xin rộng tay ban luật pháp của Chúa cho con. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 8, 1-3
"Có mấy phụ nữ đi với Người và họ đã lấy của cải mình mà giúp Người".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa rảo qua các thành thị và xóm làng, giảng dạy và loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa. Có nhóm Mười Hai cùng đi với Người, cũng có cả mấy người phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật: là bà Maria cũng gọi là Mađalêna, người đã được trừ khỏi bảy quỷ ám, bà Gioanna vợ của Chusa, viên quản lý của Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác; những bà này đã lấy của cải mình mà giúp Người.
Ðó là lời Chúa.


Suy niệm : Sự Bình Ðẳng Của Phụ Nữ

Vào thế kỷ 14, người ta vẫn còn xem người phụ nữ như một thứ nguy hiểm, một cám dỗ triền miên, một tạo vật thấp hèn, hay cùng lắm chỉ là phương tiện để bảo tồn nòi giống. Một quan niệm và đối xử như thế với phụ nữ vẫn còn rơi rớt trong thời đại chúng ta: trong biết bao xã hội, người phụ nữ vẫn còn bị đối xử như chưa bình đẳng với nam giới. Thời Chúa Giêsu, dĩ nhiên cách đối xử với nữ giới còn tệ hơn. Chúa Giêsu quả thực đã làm một cuộc cách mạng khi đảo lộn quan niệm về nữ giới nơi những người đồng thời với Ngài.
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy cách đối xử của Chúa đối với nữ giới. Những người phụ nữ mà thánh Luca nhắc đến có người đã từng bị quỉ ám, bởi vì họ là đối tượng của những sức mạnh huyền bí gây xáo trộn trong cuộc sống và chức năng của họ: không những họ phải mang nặng đẻ đau mà còn bị nguyền rủa khi son sẻ. Mối quan tâm của Chúa Giêsu đối với nữ giới, nhất là việc Ngài chữa lành cho họ, là dấu chỉ cho thấy họ đã được tự do, không những được giải phóng khỏi sức mạnh tăm tối, mà còn trở nên bình đẳng trước mặt mọi người.
Ðể nói sự bình đẳng ấy, Chúa Giêsu cho các phụ nữ được tham gia vào sinh hoạt của Nhóm Mười Hai. Sự hiện diện và phục vụ của họ bên cạnh Chúa Giêsu và Nhóm Mười Hai chứng tỏ rằng trong Giáo Hội của Ngài không hề có sự phân biệt phụ nữ. Sự kiện những phụ nữ đi theo Chúa Giêsu ngay từ lúc Ngài bắt đầu sứ vụ công khai chứng tỏ rằng họ là những người đồng hàng với các Tông Ðồ trong việc loan báo Tin Mừng của Ngài. Có sứ mệnh và trách nhiệm loan báo sứ điệp Tin Mừng, đây là thể hiện cao độ nhất của sự bình đẳng của nữ giới.
Chúa Giêsu đã đến để giải phóng con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Ngài tái lập con người trong tước phẩm cao trọng của con cái Chúa. Chính tước phẩm ấy là nền tảng sự bình đẳng của con người: nam nữ, già trẻ, giàu nghèo, tất cả đều có một phẩm giá cao trọng như nhau. Thánh Phaolô đã diễn tả chân lý ấy trong thư Galata: "Không còn Do thái hay Hy lạp, không còn nô lệ hay tự do, không còn nam hay nữ, bởi vì tất cả là một trong Chúa Giêsu Kitô".
Chúa Giêsu đã khẳng định sự bình đẳng của nữ giới không bằng tuyên bố suông, Ngài đã chứng minh điều đó khi để cho các phụ nữ gia nhập vào nhóm mười hai Tông đồ của Ngài. Sự bình đẳng, hay đúng hơn, phẩm giá của con người được thể hiện trước tiên qua hành vi phục vụ: càng phục vụ, con người càng chứng tỏ phẩm giá cao trọng của mình. Thật ra, đây cũng chính là nghịch lý chạy xuyên suốt Tin Mừng: càng đi tìm bản thân, con người càng đánh mất bản thân; trái lại, càng quên mình phục vụ, con người càng tìm lại bản thân và chứng tỏ phẩm giá cao trọng của mình.
Xin Chúa ban đức tin để chúng ta luôn biết tôn trọng phẩm giá nơi mỗi người, nhất là biết cố gắng thể hiện phẩm giá của mình bằng cuộc sống quảng đại phục vụ và yêu thương.
(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 24 TN1
Bài đọc: I Tim 6:2c-12; Lk 8:1-3.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Góp phần trong việc rao giảng Lời Chúa và loan truyền Tin Mừng.

Nhìn lại lịch sử ơn cứu độ, chúng ta thấy sự cộng tác giữa Thiên Chúa với con người và giữa con người với nhau, trong việc đem Tin Mừng đến cho muôn người. Trước hết, Thiên Chúa bắt đầu mọi sự: Ngài sai các thiên sứ, các ngôn sứ, và chính Con của Ngài đến để mang Tin Mừng cho con người. Khi các thiên sứ, các ngôn sứ, và Chúa Giêsu, Ngôn Sứ Tối Cao đến, các ngài ngoài việc rao giảng Tin Mừng, còn lựa chọn và huấn luyện môn đệ để tiếp tục thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho con người. Mọi sự cứ tiếp tục như vậy, hết thời đại này đến thời đại kia, cho đến khi Tin Mừng được lan rộng đến mọi người trên toàn cõi đất.
Các Bài Đọc hôm nay chú trọng đến bổn phận phải góp phần vào việc loan truyền Tin Mừng. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô khuyên môn đệ là Timothy phải chú trọng đặc biệt đến 3 điều quan trọng: (1) rao giảng giáo lý chân thật của Chúa thay vì chạy theo sự phù phiếm của nghệ thuật hùng biện; (2) sống đơn giản để có thời gian rao giảng Tin Mừng thay vì dành thời gian để tích trữ của cải thế gian; và (3) tập luyện để sống đời nhân đức thì mới có thể thắng vượt được mọi cạm bẫy nguy hiểm của ba thù. Trong Phúc Âm, sau khi đã được Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng và chữa lành mọi bệnh tật xác hồn, Nhóm Mười Hai và nhóm phụ nữ đã đi theo Chúa. Họ hy sinh nghề nghiệp, gia đình, và của cải để góp phần vào việc rao giảng và loan truyền Tin Mừng cho mọi người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hãy thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin, giành cho được sự sống đời đời.

1.1/ Hãy giảng dạy Lời Chúa thay vì chạy theo những xảo thuật của ngành hùng biện: Khi đạo Công Giáo được loan truyền vào thế giới văn hóa của Hy-lạp và Rô-ma, các tín hữu thường xuyên bị đe dọa bởi các triết thuyết của Hy-lạp và nghệ thuật hùng biện của Rô-ma. Thánh Phaolô có kinh nghiệm cá nhân về điều này; nên Ngài khuyên môn đệ Timothy: "Nếu có ai dạy một giáo lý khác, không theo sát các lời lành mạnh, tức là các lời của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và không theo sát giáo lý phù hợp với đạo thánh, thì người ấy lên mặt kiêu căng, không biết gì cả, nhưng mắc bệnh ham tranh luận và thích cãi chữ." Phaolô biết rõ khôn ngoan của con người chỉ là tro bụi khi so với khôn ngoan của Thiên Chúa; nhưng rất nhiều con người, vì kiêu căng hay không biết, đã đặt những triết thuyết nhân loại lên trên giáo lý chân thật của Thiên Chúa.

Hậu quả là họ đi trật đường và phải lãnh bao hậu quả như: "ganh tị, tranh chấp, lộng ngôn, nghĩ xấu, đấu khẩu liên miên giữa những người đầu óc lệch lạc, mất cả chân lý và coi việc giữ đạo là một nguồn lợi."

1.2/ Hãy bằng lòng với việc có đủ cơm ăn áo mặc thay vì ham muốn giầu có.

(1) Sống ở đời này là để giữ đạo: cố gắng làm sao cho mình được cuộc sống đời đời: Khi nguyện kinh Lạy Cha, người tín hữu cầu xin cho được hằng ngày dùng đủ, để còn thời gian và có sức lực lo cho Nước Chúa trị đến, và ý Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Thánh Phaolô cũng dạy Timothy: "Đã hẳn, việc giữ đạo là nguồn lợi lớn đối với ai lấy cái mình có làm đủ. Quả vậy, chúng ta đã không mang gì vào trần gian, thì cũng chẳng mang gì ra được. Vậy nếu có cơm ăn áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ."

(2) Sống ở đời này không phải để làm giàu: Nhưng biết bao tín hữu cầu nguyện một đàng, nhưng thực hiện một nẻo trong cuộc sống. Chúa Giêsu đã từng cảnh cáo: "Người giàu có, rất khó vào Thiên Đàng." Thánh Phaolô cũng đề phòng cho môn đệ Timothy: "Còn những kẻ muốn làm giàu, thì sa chước cám dỗ, sa vào cạm bẫy và nhiều ước muốn ngu xuẩn độc hại; đó là những thứ làm cho con người chìm đắm trong cảnh huỷ diệt tiêu vong. Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé." Lòng ham muốn tiền bạc không chỉ ảnh hưởng sâu rộng đến các tín hữu; nhưng còn len lỏi vào hàng ngũ tu sĩ, linh mục, và Giáo Hội.

1.3/ Hãy cố gắng sống cuộc đời nhân đức: Để diệt trừ những thói quen xấu ngăn cản con người trên bước đường đạt tới sự sống vĩnh cửu, Phaolô khuyên người môn đệ phải chú trọng đến việc tập luyện các nhân đức: "Phần anh, hỡi người của Thiên Chúa, hãy tránh xa những điều đó; hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hoà. Anh hãy thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin, giành cho được sự sống đời đời; chính vì sự sống ấy, anh đã được Thiên Chúa kêu gọi, và anh đã nói lên lời tuyên xưng cao đẹp trước mặt nhiều nhân chứng."

2/ Phúc Âm: Từ khắp các thành thị, người ta kéo đến cùng Đức Giêsu.

2.1/ Những người đi theo Chúa Giêsu: Đức Giêsu rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Trình thuật hôm nay liệt kê hai nhóm người chính mà Chúa Giêsu đã thu phục được.

(1) Nhóm Mười Hai: Tên dành đặc biệt để chỉ 12 Tông-đồ. Các ông được Chúa huấn luyện đặc biệt, để thay thế Ngài trong vai trò điều khiển Giáo Hội và làm cho Tin Mừng được lan rộng đến mọi nơi.

(2) Nhóm phụ nữ đã được Ngài trừ quỷ và chữa bệnh: Sống trong xã hội ở một thời mà vai trò của người đàn bà chưa được đề cao, Chúa Giêsu đánh đổ sự phân chia giai cấp và dành cho các phụ nữ một vai trò quan trọng trong việc rao giảng Tin Mừng. Trình thuật hôm nay tường thuật nhóm phụ nữ đi theo Chúa; các bà đi theo vì đã được chữa lành phần hồn hay phần xác.

+ Bà Maria: gọi là Maria Magdalene, người đã được Chúa giải thoát khỏi bảy quỷ. Cả 4 Tin Mừng đều đề cập đến Bà: là người đã đứng dưới chân Thập Giá, và được Chúa hiện ra đầu tiên khi Ngài sống lại từ cõi chết.

+ Bà Joanna: vợ ông Chuda quản lý của vua Herode. Chỉ có Luca đề cập đến Bà ở đây và trong trình thuật sống lại (Lk 24:10). Bà là người khá giả, nhưng biết dùng tiền của dư thừa để góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng.

+ Bà Susanna và nhiều bà khác nữa: Bà Susanna cũng chỉ được đề cập tới trong Tin Mừng Luca. Ngòai ra, Luca cũng đề cập đến một số bà khác nữa.

2.2/ Hy sinh và đóng góp cho việc rao giảng Tin Mừng: Không chỉ bằng lòng với việc đi theo Chúa, "các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ."

+ Khi đã được hưởng lợi ích do Chúa Giêsu và Tin Mừng mang tới, mọi người đều có bổn phận góp phần vào việc loan truyền Tin Mừng cách khác nhau tùy quà tặng Thiên Chúa ban cho họ, chứ không nhất thiết là tất cả phải rao giảng. Các Tông-đồ được Chúa Giêsu huấn luyện để rao giảng Tin Mừng; các phụ nữ góp phần vào việc lo lắng cho Chúa Giêsu và các Tông-đồ ăn uống để có sức khỏe để rao giảng Tin Mừng. Cả hai đều được phần thưởng của người rao giảng.

+ Một cánh én không làm nên một mùa xuân; khi mỗi người đều góp phần theo khả năng và quà tặng mình nhận được, Tin Mừng được lan rộng ra khắp nơi: "Người ta tụ họp đông đảo. Từ khắp các thành thị, người ta kéo đến cùng Đức Giêsu."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải lấy đức tin để đáp trả đức tin, và lấy tình yêu để đáp trả tình yêu, mà Thiên Chúa, Đức Kitô, và những người đi trước đã gieo vào tâm hồn chúng ta.

- Chúng ta phải luôn nhớ: mục đích của chúng ta sống ở đời này, không phải thu tích của cải để làm giàu; nhưng là lo sao cho mọi người được hưởng ơn cứu độ.

- Đã nhận ơn là phải đền trả. Nếu chúng ta đã đón nhận mà không chịu góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng, chúng ta phải chịu trách nhiệm trước Thiên Chúa và với tha nhân.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 24–

"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Lc 8,1-3

A. Hạt giống...
Bảng tóm lược những người đi theo Chúa Giêsu trên bước đường rao giảng Tin Mừng :
- Nhóm 12
- Các phụ nữ : trong số đó có người đã từng bị tà thần khống chế, có người bình dân và người quyền quý. Các bà giúp Ngài bằng công sức và bằng của cải nữa.

B.... nẩy mầm.
1. Chúa Giêsu đang rảo khắp nơi loan báo Tin Mừng. Tin Mừng Ngài loan báo là sự giải phóng con người khỏi mọi thứ nô lệ. Nguyên việc có một số phụ nữ được đi theo chia sẻ sứ mạng của Ngài cũng là một dấu chỉ của Tin Mừng giải phóng ấy, vì thời đó người ta coi khinh phụ nữ, không cho phụ nữ tham gia những sinh hoạt công khai ngoài xã hội.
Ta hãy học cùng Chúa lòng tôn trọng mọi người không phân biệt nam nữ, lớn bé, giàu nghèo v.v.
2. Chúa muốn chia sẻ sứ mạng loan Tin Mừng cho hết mọi người, trong đó có cả phụ nữ là hạng bị thời đó coi khinh, trong đó có cả tôi.
3. Nam và nữ, mỗi phái đều có những sự phong phú riêng để đóng góp vào việc xây dựng xã hội và Giáo Hội. Sự phong phú đặc biệt của phái nữ là tình yêu, sự dịu dàng, kiên nhẫn, bao dung….
4. Thầy giáo giải thích cho cả lớp nghe về việc Chúa dựng nên Ađam Evà. Tuần sau, thầy gọi học sinh trả bài. Một chú bé đứng lên tả việc Chúa dựng nên Ađam. Rồi một cô bé tiếp : “Chúa dựng nên Ađam xong, Ngài đứng ngắm và phán : ‘Ta sẽ làm đẹp hơn’, và Ngài dựng nên Evà.”
5. “Cùng đi với Chúa Giêsu, có mấy người phụ nữ là các bà Maria Mác-đa-la người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gioan-na, bà Susanna và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Chúa Giêsu và các môn đệ” (Lc 8,2-3)
Thế giới này không chỉ được xây dựng bởi phái nam mà có cả bàn tay của phái nữ nữa. Dù là nam hay nữ, tôi cũng được Thiên Chúa tạo nên và cho vinh dự góp phần làm nên hạnh phúc của mình. Tôi phải là cánh tay nối dài của Chúa, đem Lời Chúa thấm nhuần mọi lãnh vực. Không chỉ là người nam mới làm nên chuyện, mà người nữ hôm nay cũng đã có mặt trong hầu hết mọi lãnh vực xã hội.
Ước gì các chị em biết phát huy cá tính, biết lấy sự êm ái dịu dàng để xây dựng bình an, biết tha thứ để tạo nên an hòa, biết cảm thông và chia sẻ với mọi người, biết sống âm thầm thanh đạm để cứu vớt bao linh hồn. Hãy tô đẹp cuộc đời bằng vẻ đẹp dịu hiền và làm vẻ vang cho thiên chức làm mẹ.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết góp phần xây dựng Nước Chúa ở trần gian này. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ

20/09/13 THỨ SÁU TUẦN 24 TN
Th. Anrê Kim Têgon, Phaolô Chung Hasan và các bạn tử đạo
Lc 8,1-3

TÔNG ĐỒ CỦA CHÚA
Cùng đi với Người có nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp Đức Giê-su và các môn đệ. (Lc 8,1.3)
Suy niệm: Trả lời cho phóng viên tờ La Croix trên chuyến bay từ Rio de Janeiro về Roma, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng không có phụ nữ, Giáo Hội mất đi sức phong phú của mình. Vì chưng, một Giáo Hội không có các phụ nữ cũng giống như đoàn Tông Đồ không có Mẹ Maria. Vai trò của phụ nữ không chỉ là người mẹ trong gia đình mà còn là hình ảnh của Đức Maria, Đấng làm cho Giáo Hội sinh ra và lớn lên. Trong Tin Mừng Luca, cùng với nhóm Mười Hai, còn có các “nữ tông đồ” đi theo Chúa “trên từng cây số,” hỗ trợ vật chất cho các ngài. Nhờ đó, việc loan báo Tin Mừng được thuận lợi hơn.
Mời Bạn: Hội Thánh được khai sinh để làm cho Nước Thiên Chúa rộng mở trên khắp hoàn cầu, hầu mọi dân nhận biết danh Thiên Chúa. Bản chất của Hội Thánh là loan báo Tin Mừng. Cho nên, dù bạn là nam giới hay phụ nữ, giáo sĩ hay giáo dân, hãy tích cực đóng góp công sức, thời gian, khả năng, vật chất cho sứ vụ cao quý ấy của Hội Thánh.
Chia sẻ: Bạn nghĩ gì khi đọc điều răn thứ năm của Hội Thánh: “Đóng góp theo khả năng cho nhu cầu của Hội Thánh”? (Toát Yếu GLCG, số 432).
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ tự nguyện và thành tâm đóng góp theo khả năng cho nhu cầu vật chất của cộng đoàn, giáo xứ, giáo phận, hay Tòa Thánh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, tất cả những gì con có là của Chúa ban; xin cho con biết sử dụng những nén bạc ấy cách tích cực và xứng hợp, hầu làm rạng danh Chúa và mưu ích cho tha nhân. 


Vai Trò Của Người Phụ Nữ


Thánh nữ tiến sĩ Hội Thánh Edith Stein trước khi trở lại công giáo đã từng là một triết gia nổi tiếng. Thánh nữ đã trở lại công giáo sau khi đọc tiểu sử của thánh nữ Têrêsa Avila. Và mười hai năm sau khi chịu phép rửa đã vào tu trong dòng Kín. Không giống như thánh nữ Têrêsa, Edith Stein vốn là người đàn bà vụng về trong công việc nội trợ trong nhà dòng. Tuy nhiên, theo chứng từ của những người còn sống sót trở về từ các trại tập trung Ðức quốc xã, thánh nữ Edith Stein đã luôn giữ vững được tinh thần và là người đứng ra chăm sóc cho các thiếu nhi cùng bị giam giữ với mẹ chúng trong các trại tập trung Ðức quốc xã.
Bí quyết để thánh nữ có thể giữ vững được tinh thần và nâng đỡ những người chung quanh chính là luôn sống giây phút hiện tại và đặt cả niềm phó thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Cũng giống như thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu, thánh nữ Edith Stein luôn sống một cách sung mãn từng giây phút hiện tại.
Tin Mừng hôm nay nhắc tới tên của một số người phụ nữ đã được Chúa Giêsu chọn làm cộng tác viên của Ngài trong công cuộc rao giảng Tin Mừng, đây không phải là một sự tình cờ hay phụ thuộc trong chương trình của Ðấng cứu thế. Tuy không được chọn làm tông đồ nhưng sự hiện diện và công việc âm thầm của những người phụ nữ này cũng quan trọng chẳng kém gì công tác tông đồ. Vai trò của họ lại càng quan trọng và nổi bật hơn nữa bởi vì trong những giây phút đau thương nhất của Chúa Giêsu họ là những người duy nhất đứng kề bên Ngài. Sự hiện diện của một số người phụ nữ trong công cuộc rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu và nhất là trong những giây phút cuối đời của Ngài cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của chứng tá âm thầm của cuộc sống đức tin. Chứng tá ấy nói với chúng ta rằng trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô dù có âm thầm và vô danh đến đâu mỗi người đều có một chỗ đứng quan trọng và không thể thay thế được.
Nguyện xin Chúa ban đức tin để chúng ta luôn biết tôn trọng phẩm giá con người, nhất là thể hiện phẩm giá của mình bằng cuộc sống quảng đại, phục vụ và yêu thương.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Suy nim

Chỉ với 3 câu ngắn ngủi, nhưng Luca đã cho thấy những nét đặc trưng trong Tin Mừng của ngài, và mặc khải cho chúng ta sự thật về Thiên Chúa.
“Đức Giêsu rảo quanh các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa” (Lc 8, 1a). Đây là sứ mạng chính yếu của Chúa Giêsu: loan báo Nước Thiên Chúa. Để thực hiện điều đó, Ngài đã không ngần ngại “rảo quanh các thành phố”. Đôi chân của Ngài là đôi chân không biết mệt mỏi, vì trái tim của Ngài là trái tim không ngừng đập những nhịp điệu yêu thương. Trái tim thôi thúc, đôi chân hối hả để sứ điệp của Thiên Chúa được vang lên đến “tận cùng trái đất”.
“Cùng đi với Người, có nhóm mười hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh” (Lc 8,1b-2a). Nhóm 12 luôn ở bên cạnh Chúa. Những người phụ nữ cũng được chia sẻ sứ mạng với Chúa dù thời đó người ta coi khinh phụ nữ và không cho họ tham gia vào những công tác xã hội. Những phụ nữ này là những người “đã được Người trừ quỷ”. Theo quan niệm của người Do Thái, bị quỷ nhập nghĩa là bị tội lỗi đè bẹp; nhưng bây giờ họ đã được Chúa Giêsu chữa khỏi và thu phục. Họ không còn “đầu quân” cho ma quỷ, nhưng đã “đầu quân” cho Chúa Giêsu. Họ không còn đi theo thế lực của bóng tối, nhưng đã về phía ánh sáng.
“Các bà này đã lấy của cải mà giúp đỡ Chúa Giêsu và các môn đệ” (Lc 8,3b). Đây là điều kiện mà Chúa Giêsu đòi hỏi những ai muốn làm môn đệ của Ngài: “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,33).
Như vậy Luca cho chúng ta thấy Đức Kitô trong Tin Mừng của Ngài là một Đức Kitô luôn quan tâm đem đến ơn cứu độ cho người khác; một Đức Kitô không loại trừ một ai, kể cả những hạng người bị người ta khinh khi, và hạng người tội lỗi; một Đức Kitô đòi hỏi người môn đệ của Ngài phải triệt để từ bỏ tất cả mọi sự để đi theo Ngài.
Đứng trước sự thật về một Đức Kitô như vậy, Tin Mừng buộc chúng ta phải đáp ứng những đòi hỏi của Lời Chân Lý để từ đó ưu tiên trong cuộc sống của chúng ta cũng phải là ơn cứu độ của chính bản thân chúng ta và của những người xung quanh chúng ta. Đôi chân chúng ta không biết mệt mỏi để đi đến với Chúa, để đem Chúa đến cho người khác. Phải năng đến nhà thờ tham dự thánh lễ, đón nhận các bí tích, sinh hoạt hội đoàn…; phải năng thăm viếng anh chị em mình, nhất là những người đau yếu, nghèo khổ, bệnh tật…
Chúng ta cũng không được loại trừ một ai, kể cả những người bên lề xã hội, để chỉ quy tụ xung quanh mình những con người “được gọi là tốt đẹp”, những “thành phần ưu tú”. Nhóm của tôi là nhóm đạo đức, vì vậy những người tội lỗi không được dính dáng vào. Nhóm của tôi là nhóm bác ái, vì vậy những người ích kỷ, không biết cho đi không được tham gia. Nhóm của tôi là nhóm siêng năng, nhiệt thành, vì vậy những ai lười biếng, bê trễ sẽ bị loại trừ. Nhóm của tôi là nhóm có nhân bản, có lịch sự, vì vậy những ai thiếu nhân bản, ít lịch sự sẽ bị tôi lườm nguýt… Đức Kitô đã đón nhận tất cả để dùng tình yêu của Ngài cảm hóa họ. Còn tôi chọn lọc để loại trừ những gì không đúng ý tôi.
Chúng ta cũng phải biết hy sinh những gì mình có để cộng tác vào công việc truyền giáo của Giáo Hội, nhất là công việc bác ái từ thiện, để đem tình yêu thương đến cho những người bất hạnh trong xã hội.
Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa rất quảng đại, rất yêu thương, để thấy mình còn nhỏ bé, hẹp hòi. Thấy con nhỏ bé, hẹp hòi để biết vươn đến sự yêu thương, quảng đại như Chúa.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Chín

20 THÁNG CHÍN

Nối Những Nhịp Cầu Yêu Thương

Bạn hãy hăng say cộng tác với Đấng Cứu Độ. Người bày tỏ cho chúng ta thấy lòng thương xót của Chúa Cha. Trong Đức Kitô, Chúa Cha luôn luôn chan tưới hồng ân của Ngài trên chúng ta. Ngài ban cho chúng ta sự sống và sức mạnh. Ngài tha thứ chúng ta và đưa chúng ta vào mối quan hệ riêng với Ngài; Ngài sai Con của Ngài đến với chúng ta, qua Người Con ấy lòng thương xót của Ngài tuôn trào.
Vâng, bạn hãy học với Đức Ki-tô, hình ảnh hoàn hảo (Tổng Luận Thần Học I,35) diễn tả tình yêu vô hạn của Chúa Cha. Như Chúa Giêsu, bạn hãy gần gũi với con người. Nhất là, hãy gần gũi với những người bệnh tật, những người bị chà đạp phẩm giá. Bạn hãy trở thành người chiến sĩ xây dựng nền văn minh tình thương, hãy nhiệt thành chia sẻ lòng bác ái chân thực, để thăng tiến nhân loại này nên tốt hơn. Như vậy, bạn sẽ tham dự trọn vẹn vào công cuộc cứu độ của Đức Ki-tô.
Hội Thánh ngỏ lời với các bạn, những người xây đắp nền văn minh tình thương: “Kinh nghiệm của quá khứ và của chính thời đại chúng ta cho thấy rằng chỉ công bằng mà thôi thì chưa đủ để đảm bảo cho con người được sống trên mọi chiều kích của sự sống. Chúng ta cần phải có được năng lực sâu xa hơn nữa, đó chính là tình yêu” (Div. In Mis, 12).

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 20-9
Thánh Anrê Kim Têgon, Phaolô Chong Hasang và các bạn tử đạo
1Tm 6, 2c-12; Lc 8, 1-3


LỜI SUY NIỆM: Trong câu chuyện những người phụ nữ đi theo Chúa Giêsu được nêu tên rõ ràng cho chúng ta Thấy Chúa Giêsu không hề bận tâm với những định kiến sẵn có trong xã hội người Do-Thái thời bấy giờ là coi thường và kinh dể người phụ nữ, họ xem người phụ nữ như một đồ vật trong nhà. Chúa Giêsu đã cho các bà đứng chung với các môn đệ của Ngài và cùng đi trên đường Ngài đi. Ngài khai mở cho chúng ta một cái nhìn, để biết tôn trọng người phụ nữ. Trong đời sống gia đình, đối với người Công Giáo, chung ta, không những nhớ đến một ngày, nhưng phải nhớ đến 365 ngày và nhớ mãi mãi trong yêu thương và tôn trọng người chị em.


Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân

Thứ Sáu 20-9

Thánh Anrê Kim Taegon, Phaolô Chong Hasang và Các Bạn


Anrê Kim Taegon là linh mục Ðại Hàn đầu tiên và là con của một người trở lại đạo. Cha của ngài, ông Ignatius Kim, được tử đạo trong thời cấm đạo năm 1839 và được phong thánh năm 1925. Sau khi được rửa tội vào lúc 15 tuổi, Anrê phải trải qua một hành trình dài 1,300 dặm để gia nhập chủng viện ở Macao, Trung Cộng. Sáu năm sau, ngài xoay sở để trở về quê hương qua ngả Mãn Châu. Cùng năm ấy ngài vượt qua eo biển Hoàng Sa đến Thượng Hải và thụ phong linh mục. Khi trở về quê, ngài có nhiệm vụ thu xếp cho các vị thừa sai vào Ðại Hàn qua ngã đường biển, nhằm tránh né sự kiểm soát biên phòng. Ngài bị bắt, bị tra tấn và sau cùng bị chặt đầu ở sông Han gần thủ đô Hán Thành.

Thánh Phaolô Chong Hasang là một chủng sinh, 45 tuổi.


Kitô Giáo được du nhập vào Ðại Hàn khi Nhật xâm lăng quốc gia này vào năm 1592, lúc ấy có một số người Ðại Hàn được rửa tội, có lẽ bởi các binh sĩ Công Giáo người Nhật. Việc truyền giáo rất khó khăn vì Ðại Hàn chủ trương bế quan tỏa cảng, ngoại trừ những hành trình đến Bắc Kinh để trả thuế. Một trong những chuyến đi này, khoảng năm 1777, sách vở tài liệu Công Giáo của các cha dòng Tên ở Trung Cộng được lén lút đem về để dạy bảo người tín hữu Kitô Ðại Hàn. Giáo Hội tại gia bắt đầu thành hình. Khoảng mười năm sau đó, khi một linh mục Trung Hoa lén lút đến Ðại Hàn, ngài thấy có đến 4,000 người Công Giáo mà chưa có ai được gặp một vị linh mục. Bảy năm sau, số người Công Giáo ấy lên đến khoảng 10,000 người. Sau cùng, tự do tôn giáo được ban hành vào năm 1883.
Khi Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến Nam Hàn năm 1984 để phong thánh, ngoài Thánh Anrê và Phaolô, còn 98 người Ðại Hàn và ba vị thừa sai người Pháp, tất cả đều tử đạo trong khoảng 1839 và 1867. Trong số đó có các giám mục và linh mục, nhưng hầu hết là giáo dân: 47 phụ nữ, 45 quý ông.
Trong những người tử đạo năm 1839 là Columba Kim, một phụ nữ 26 tuổi. Ngài bị cầm tù, bị tra tấn bằng vật dụng bằng sắt nung nóng và than. Ngài và người em là Agnes bị lột quần áo và bị giam chung với những tù nhân hình sự, nhưng họ không bị làm nhục. Sau khi Columba phàn nàn về sự sỉ nhục này, từ đó về sau không một phụ nữ nào bị nhục nhã như vậy nữa. Hai người bị chém đầu. Một em trai 13 tuổi, Phêrô Ryou, bị tra tấn dã man đến độ em có thể lấy da thịt của mình mà ném vào quan toà. Em bị xiết cổ cho đến chết. Protase Chong, một người quý tộc 41 tuổi, sau khi bị tra tấn ông đã chối đạo và được thả tự do. Sau đó, ông trở lại, tuyên xưng đức tin và bị tra tấn cho đến chết.

Lời Bàn

Chúng ta bàng hoàng khi thấy sau khi được thành lập, Giáo Hội Ðại Hàn hoàn toàn là một Giáo Hội của giáo dân khoảng hơn một chục năm. Làm thế nào mà giáo hội ấy sống còn khi không có bí tích Thánh Thể? Ðiều này cho thấy, không phải các bí tích không có giá trị, nhưng phải có một đức tin sống động trước khi thực sự được hưởng ơn ích của bí tích Thánh Thể. Bí tích là dấu chỉ của sự hoạt động và đáp ứng của Thiên Chúa đối với đức tin sẵn có. Bí tích làm gia tăng ơn sủng và đức tin, nhưng chỉ khi nào sẵn có một điều gì đó để được gia tăng.

Lời Trích

"Giáo Hội Ðại Hàn thì độc đáo vì được thành lập hoàn toàn bởi giáo dân. Giáo Hội còn non yếu, thật trẻ trung nhưng thật vững mạnh trong đức tin, và đã đứng vững sau những đợt sóng bách hại mãnh liệt. Do đó, chỉ trong vòng một thế kỷ, Giáo Hội đã kiêu hãnh với 10,000 vị tử đạo. Cái chết của các vị tử đạo này trở thành men cho Giáo Hội và đưa đến sự triển nở huy hoàng của Giáo Hội Ðại Hàn ngày nay. Ngay cả bây giờ, tinh thần bất khuất ấy vẫn còn trợ giúp cho người tín hữu của Giáo Hội thầm lặng ở miền bắc bên kia vĩ tuyến" (ÐGH Gioan Phaolô II, bài giảng trong lễ phong thánh).

(nguoitinhuu.com)


20 Tháng Chín

Bởi Vì Tôi Rất Yêu Mến Bà!


Một buổi tối nọ, Mẹ Têrêxa thành Calcutta tiến lại gần một người mà người ta vừa mang vào căn nhà dành cho những người hấp hối. Ðó là một lão bà. Mình phủ đầy những mảnh giẻ rách, nước da đen đầy những vết thương hôi thối. Mẹ Têrêxa đã chùi rửa các vết thương và chăm sóc để ngừa bị nhiễm trùng. Nhưng người đàn bà đáng thương này đang hấp hối... có lẽ khó mà qua khỏi, do đó tốt hơn là nên tìm cách an ủi lần cuối cùng bằng một chén canh nóng và tràn đầy tình thương yêu.
Người đàn bà đáng thương ấy sững sờ nhìn và hỏi Mẹ Têrêxa bằng một giọng thều thào:
- "Tại sao bà lại làm như vậy?"
Mẹ Têrêxa trả lời:
- "Bởi vì tôi rất yêu mến bà..."
Một tia sáng hạnh phúc, dù vẫn còn pha chút nghi ngờ, phát xuất từ tận đáy lòng, đã ngời lên khuôn mặt gầy gò của người đàn bà, nơi dấu ấn của tử thần đã bắt đầu xuất hiện.
- "Ôi bà hãy nhắc lại một lần nữa đi!"
- "Tôi rất yêu mến bà". Mẹ Têrêxa lập lại bằng một giọng điệu rất dịu dàng.
- "Hãy nhắc lại, hãy nhắc lại đi bà".
Người đàn bà đang bước vào cõi chết xiết chặt tay Mẹ Têrêxa và kéo về phía bà ta, như muốn lắng nghe rõ hơn, nghe với niềm hạnh phúc tràn trề những lời lẽ tuyệt vời nhất trên cõi đời...
Bằng chính tình yêu của mình, Mẹ Têrêxa đã biết nhìn sự suy sụp của tình người, Mẹ đã biết khám phá ra cái thực thể thiêng liêng Mầu Nhiệm của những con người nghèo hèn xấu số nhất. Chúng ta cũng hãy luôn nhìn mọi người bằng chính cái nhìn yêu thương và tôn trọng của chính Chúa đối với mọi người...


(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét