Trang

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

TẾT TRUNG THU - Ngày cầu cho thiếu Nhi

THỨ NĂM 19/09/2013
TẾT TRUNG THU


THÁNH LỄ TẾT TRUNG THU
Cầu cho thiếu nhi

BÀI ĐỌC I: Hc 42, 15-16; 43, 1-2.6-10
“Sự nghiệp Đấng Tối Cao kỳ diệu dường nào”

Bài trích sách Huấn Ca.
Giờ đây, tôi xin nhắc lại những công trình của Chúa. Những gì mắt thấy, tôi sẽ tường thuật.
Do Lời Chúa phán mà có những công trình của Người. Mặt trời tỏa sáng nhìn xuống muôn loài.       
Vinh quang Chúa bao phủ công trình Người sáng tạo, lộng lẫy chốn cao vời, một khung trời trong vắt.
Nhìn ngắm cả bầu trời: cảnh tượng xán lạn thay! Vừa ló dạng lúc hừng đông, mặt trời liền công bố: “Sự nghiệp Đấng Tối Cao kỳ diệu dường nào!”. Còn mặt trăng, vẫn luôn đúng hẹn, là dấu hiệu muôn đời để chỉ rõ thời gian. Trăng tròn rồi trăng lại khuyết, đánh dấu các thời kỳ đại lễ.
Theo chu kỳ tuyệt diệu, trăng cứ mãi tròn thêm; người ta lấy chữ nguyệt mà đặt tên cho tháng.
Trăng chiếu sáng trên cả bầu trời, đó là một vũ trụ huy hoàng trên khắp chốn cao xanh của Chúa.
Vâng lời Đấng Chí Thánh, các vì sao luôn sẵn sàng chờ lệnh, không chểnh mảng trong lúc canh đêm.
Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 135,1.4-9

Xướng: Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ.

Đáp: Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Xướng: Chỉ có Người làm nên những kỳ công vĩ đại.
Xướng: Tầng trời cao, Chúa tạo dựng tài tình.
Xướng: Trái đất này trên làn nước bao la.
Xướng: Người làm ra những đèn trời to lớn.
Xướng: Cho thái dưõng điều khiển ban ngày.
Xướng: Đặt trãng sao hướng dẫn ban đêm.


ALLELUIA: 1 Ga 2, 5
All. All. - Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha đã mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn. - All.

PHÚC ÂM: Mc 10, 13-16
“Người ôm các trẻ em vào lòng, và đặt tay ban phúc lành cho chúng”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Máccô.
Khi ấy, người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thày bảo thật các con: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó”. Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.
Đó là lời Chúa.


QUÀ TRUNG THU CHO NGƯỜI LỚN
(Suy niệm Mc 10,13-16)

Ai cũng đã từng đi qua một tuổi thơ

- Có tuổi thơ thật êm đềm nơi thôn quê thanh bình ngạt ngào hương lúa, nơi cao nguyên bạt ngàn hùng vĩ muôn khí sắc của rừng núi thiên nhiên, hoặc bên bờ biển xanh dặt dìu, rì rào đến lao xao lời con sóng hát.

- Có những tuổi thơ kinh hoàng trong chiến tranh, trong bom đạn mịt mù khói súng, nồng sặc máu thương binh… Có những tuổi thơ bập bềnh trên biển giữa triều sóng vượt biên, những tuổi thơ bị bỏ rơi nơi trại tạm cư “đi không đến, về không được” “ngày không yên, đêm sầu nhớ”… Có những tuổi thơ lạc loài giữa những con mắt vô tình “nói không nghe, nghe không hiểu” trong những ngày đầu đời chân ướt chân ráo nơi đất khách quê người.

- Có những tuổi thơ mót lúa, mót mì, mót khoai lang trên cánh đồng hợp tác xã. Có những tuổi thơ bắt con cá thòi lòi ướp muối mắm phơi khô cho những bữa cơm cả tuần không đi chợ.

- Có những tuổi thơ khóc mẹ không nhìn, khóc cha không biết, ở với người dưng bữa đói bữa no. Có những tuổi thơ dập dìm trong khu nhà ổ chuột, nắng đội đầu trần, đêm ngủ co ro.

- Còn những tuổi thơ đùa vui trên bãi rác, bới bóc kiếm tìm lon, vỏ, bịch từ sáng sớm đến tối mịt chưa về. Còn những tuổi thơ rao vé số trên hè phố khuya không nghe tiếng người gọi mua, mà nghe bao lời dụ ngọt. Còn những tuổi thơ nơi những vùng quê xa xôi chưa có trường để đi học đành phải làm toán trên lưng trâu, tập làm văn nơi cánh diều, học chữ học nghĩa nơi những người không có chữ có nghĩa.

- Có những tuổi thơ đã đi qua, những tuổi thơ đang đi qua, và còn những tuổi thơ đang đi tới… Và vẫn không thiếu những tuổi thơ đầy bất hạnh. Nỗi bất hạnh của tuổi thơ chưa phải là chiến tranh hay hoà bình, thôn quê hay thành thị, giàu hay nghèo, được ăn học, được rong chơi hay mót mì mót lúa, bán vé số hay luợm ve chai… nhưng nỗi bất hạnh nhất của tuổi thơ chính là không được nép mình trong lòng mẹ, không được nhận quà từ tay cha và không được sống trong tình yêu thương của anh chị – nỗi bất hạnh vì mồ côi, cha mẹ mất sớm, nỗi bất hạnh vì mẹ không nhìn và không biết cha nó là ai, nỗi bất hạnh vì có cha có mẹ mà cha mẹ chia tay nhau sống với người yêu mới, rồi bỏ rơi con, rơi bụi rơi bờ, rơi đầu đường xó chợ, có khi rơi vào trại giam do phạm pháp…

Vâng, Tết Trung Thu cho các em là cơ hội cho mỗi người lớn chúng ta hoài niệm về một tuổi thơ của đời mình. Và dù mỗi người có một khung cảnh tuổi thơ rất riêng, êm đềm hay bi đát, ở đây hay ở kia, tôi vẫn thấy một điểm chung này: “hạnh phúc của tuổi thơ là được nép mình trong lòng Mẹ, được nhận quà từ tay Cha, và được các anh chị thương mến”.

Và còn hơn thế, với chúng ta, người tín hữu Công giáo, tuổi thơ hạnh phúc vì tuổi thơ được Thiên Chúa chúc phúc, qua lời dạy của Chúa Giêsu:

“Cứ để trẻ nhỏ đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng. Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mc 10,14-15) (Lc 18,15-17) (Mt 19,14,15)

Thiết nghĩ, câu Lời Chúa “Nước Trời là của những ai giống như chúng” là quà tặng Trung Thu cho mỗi người lớn chúng ta. Vì Chúa đang nhắc nhở mỗi người phải sống tinh thần tuổi thơ trong suốt cuộc đời. Thiên Chúa vừa là người Cha công bằng, chính trực, uy nghiêm, vừa là người Mẹ giàu lòng từ bi nhân hậu, thương xót con cái vô ngần, và Đức Giêsu là người Anh Cả của đoàn em tin yêu phó thác vào Thiên Chúa. Tinh thần tuổi thơ đối với Thiên Chúa là tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa là Cha, yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, như bé thơ đơn sơ phó thác cuộc đời mình cho Cha mẹ, bằng lòng nép mình vào lòng Mẹ, vui mừng chờ đón quà tặng từ tay Cha, và sung sướng đón nhận tình anh em huynh đệ của Đức Giêsu Kitô chí ái.

Tìm lại tuổi thơ
Nhưng Chúa Giêsu biết rõ những đổi thay của con người chúng ta, biết rõ ai cũng muốn mình là lớn, không ai muốn làm người bé nhỏ – không những muốn lớn, mà còn muốn lớn nhất.

Ai cũng đòi cái nhất. Chỉ có hai bà hàng xóm thôi, cũng dùng so sánh nhất: “Nhà tôi với nhà chị, thì nhà tôi lớn nhất.” – “Giữa con tôi với con chị, thì con tôi học giỏi nhất.”. “Nhìn tôi với chị, thì tôi đẹp nhất”… Vì thế, chính tôi cũng phải xin lỗi các bạn vì ngay từ đầu bài tôi đã dùng cụm từ “đi qua một tuổi thơ” vì những nét đơn sơ hồn nhiên chân thật ngày nào không còn nguyên tuyền trong tôi nữa. Tôi vẫn nghĩ tôi đã lớn rồi.

- Hồi nhỏ, nếu có được sai đi đâu, mua dầu mua mắm khi mặt trời vừa xuống là tôi đã không dám đi rồi. Tôi vùng vằng không đi vì tôi sợ bóng tối. Lớn lên, khi vừa có hẹn với người yêu, tôi lại sợ ánh sáng. Tôi thích hẹn với nàng chỗ mờ mờ tối tối thú vị hơn. – Hồi nhỏ sợ bóng tối, lớn lên sợ ánh sáng.

- Hồi nhỏ, thành thật lắm, chẳng biết dối trá, lớn lên một chút biết quanh co, đôi chối, tìm đủ mọi cách để chạy tội mình.

- Hồi nhỏ đi thưa, về trình, đi báo việc, về báo công, thật có lễ, có phép – lớn lên đi “thưa một đường, đi một nẻo”, chẳng thật thà cho đúng lễ đúng phép – không chỉ con với cha mẹ mà cả cha mẹ với con.

- Hồi nhỏ mẹ cho ăn gì thì ăn cái nấy, lớn lên đòi Mẹ phải dọn ăn những gì ưa thích mà thôi.

- Hồi nhỏ theo ý Cha, lớn theo ý con.

- Hồi nhỏ tin tưởng hết lòng vào cha mẹ, đến khi vào đời, thấy nhà nghèo không vốn liếng, không của cải, không kịp bạn kịp người, bèn xem thường cha mẹ quá đỗi…
- Hồi nhỏ…, lớn lên…

- Hồi nhỏ…, lớn lên…

Nếu có hứng thú, có thời gian, xin mời các bạn tiếp tục làm một bảng so sánh, để thấy rằng Chúa Giêsu thật có lý khi yêu cầu chúng ta: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, nếu các ngươi không hoán cải mà nên như trẻ nhỏ, các ngươi sẽ không được vào nước Trời.” (Mt 18,3). Hoặc ở nơi khác: “Phàm ai kể mình hèn hạ như trẻ nhỏ, thì người ấy là kẻ lớn hơn trong Nước Trời.” (Mt 18,4)

Chúa bảo chúng ta phải “hoán cải”, để sống lại tinh thần tuổi thơ mà ta đã không còn muốn gìn giữ và nối tiếp khi vừa mới lớn. Và như thế, mới có cơ may có một cuộc sống trường sinh trong Nước Thiên Chúa. Và khi sống được tinh thần tuổi thơ ấy, ta mới mở nổi tấm lòng mình ra mà đón tiếp những người bạn nhỏ của ta trong cuộc đời – những người bạn nhỏ tuổi, nhỏ tiền, nhỏ bạc, nhỏ địa vị, nhỏ chức danh, nhỏ tiện nghi, nhỏ kiến thức, nhỏ đức tin, nhỏ lòng yêu mến, nhỏ nhà nhỏ cửa, nhỏ mọi thứ nhỏ… như Chúa Giêsu nói: “Kẻ nào tiếp đón trẻ nhỏ nầy vì danh Ta, tức là tiếp đón Ta, và kẻ tiếp đón Ta, là tiếp đón Đấng đã sai Ta. Vì chưng ai nhỏ hơn trong các ngươi, thì kẻ đó là lớn.. (Lc 9,48).

Và vì biết hạnh phúc cao vời Thiên Chúa hứa ban cho nhũng người thấp hèn, bé nhỏ, sống tinh thần bé nhỏ, đơn sơ, thì chúng ta, những người tự cho mình là lớn, là ông kia bà nọ, có chức, có quyền, có cả thiên chức, có cả cơ đồ xứng đáng… chắc chắn phải thận trọng trong lối sống, trong lời ăn tiếng nói, trong phát ngôn phát biểu trên mạng trên đài, trên báo chí… đừng để gây nên gương mù gương xấu cho những người bé mọn, bạn hữu chí thiết của Thiên Chúa. Tuyên án của Chúa thật nặng nề: “Nhưng ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn.” (Mt 18,6).

Quà tặng Chúa Giêsu
Trong những ngày này, quà bánh trung thu bày bán khắp nơi. Bánh lớn bánh nhỏ, bánh rẻ bánh mắc đủ hạng. Đến nay thì Trung Thu không còn là Tết chỉ của thiếu nhi, mà còn là dịp của người lớn, vì mỗi dịp có thể tặng quà là người ta mua quà tặng. Có những quà tặng có giá trị rất lớn, người ta chờ dịp để tặng cho nhau mà không bị mang tiếng to tiếng nhỏ. Có người tặng quà vì quý mến chân thành, nhưng cũng không thiếu những món quà trục lợi…

Chỉ có các em thiếu nhi đơn sơ nhất, nhận được những món quà chân thành nhất.

Chúng tôi có một con đường làng 17 hộ lương giáo – con đường của những người làm thanh long thuê quanh năm suốt tháng, con đường nhân dân tự lập từ việc lấp hố lấp hầm làm đường đi, thắp sáng điện đường, đến việc tổ chức vui trung thu và phát quà khuyến học cho các em hằng năm, con đường như một cộng đồng cơ bản (Communité de base) – Các cháu thiếu nhi thấp thỏm từ sáng đến chiều, rồi trông cho đến 7 giờ 30 tối để tụ họp vui chơi, lãnh quà và phần thưởng khuyến học. Quà và phần thưởng năm nay có hơn năm ngoái đôi chút, nhờ cha mẹ các em đồng lòng đóng góp nhiều hơn, nhưng một phần quà bánh kẹo cũng không quá năm ngàn đồng VN, và phần thưởng khuyến học cho các em không quá 15.000. Ấy thế mà mỗi em đều thấp thỏm, đợi chờ, rồi rạng rỡ vui mừng khi nhận được từ tấm lòng yêu thương của các cha mẹ.

Tôi nghĩ ở đâu cũng vậy, nhưng tâm tình đón nhận của những người thấy mình nghèo bao giờ cũng vui mừng và xúc động hơn.

Từ thái độ đón nhận của các em thiếu nhi, tôi nghĩ đến thái độ đón nhận quà trung thu của người lớn chúng ta. Quà Trung Thu của chúng ta là “Nước Trời của những ai trở nên giống như trẻ nhỏ”. Chúng ta có chấp nhận tìm lại tuổi thơ đã đánh mất, sống lại tinh thần tin tưởng mến yêu phó thác và tâm tình thấp thỏm, đợi chờ vui mừng khi đón nhận quà tặng của Thiên Chúa không? Quà tặng ấy, chính là Lời Đức Giêsu, là chính Đức Giêsu món quà quý giá mà Thiên Chúa Cha đã ban tặng cho nhân gian. Chính tinh thần Đức Giêsu và lời dạy của Ngài sẽ làm cho chúng ta dần tìm lại được cuộc sống hạnh phúc “được nép mình trong lòng mẹ, được nhận quà từ tay cha, và được các anh chi trong gia đình thương mến”.

Vì tinh thần tuổi thơ của Chúa Giêsu là: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ nhất quyết phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người còn hạ mình, vâng lời đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2,6-8).

Năm ngoái, tại Viện Tim, một số em mổ tim chơi trung thu ngay trong Viện với mấy cái đèn cầy, vài cái bánh… Anh Trung bạn tôi đem lồng đèn vào cho cháu Hữu:

- Chú tặng con cái lồng đèn trung thu, nhớ Chúa Giêsu.
- “Ngày xưa Chúa Giêsu có ăn tết Trung Thu không? Có lãnh quà trung thu không?”
Chú Trung trả lời:
- “Chúa Giêsu lãnh quà trung thu cả đời con ạ, vì Chúa Giêsu lúc nào cũng đơn sơ khiêm tốn, và vâng lời Chúa Cha cả.”
- “Vậy ai vâng lời là được lãnh quà Trung Thu hả?”
- “Đúng rồi, ai còn biết vâng lời, ấy là người thiếu nhi.”
- “Cha con vâng lời mẹ con, vậy cha con có phải thiếu nhi không?”
-“Có chứ, ai biết vâng lời làm điều tốt đều là thiếu nhi cả, đều được lãnh quà trung thu…”
Hữu quay sang mẹ, hỏi:
- “Quà của cha đâu, mẹ?”
Xin cảm ơn món quà và giải thích của anh Trung, bạn tôi.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con sống lại tuổi thơ thánh thiện- tuổi thơ khiêm cung vâng lời. Xin ôm chúng con vào lòng như “Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng” (Mc 10,16). Amen.

PM. Cao Huy Hoàng
(thanhlinh.net)

Tản mạn về Tết Trung Thu


Nói về Trung Thu là nói về thiếu nhi, nói về thiếu nhi là nói về Chúa Giêsu. Vì có lần Chúa nói: “Hãy để trẻ nhỏ đến với ta,… vì Nước Trời thuộc về những ai nên giống như trẻ nhỏ” (Mt 19,14).

Một năm có 12 ngày rằm, nhưng ngày 15 tháng 8 âm lịch được gọi là tết Trung Thu. Còn ngày rằm tháng giêng thì được gọi là tết Nguyên Tiêu, có nghĩa là ngày đó là ngày bắt đầu cho một năm mới, chứ không phải là ngày mồng một. Bởi vì người ta tính từ ngày trăng rằm đầu tiên. Theo đó, một năm có 12 tháng là có 12 lần trắng rằm. Trăng tượng trưng cho “Đêm”, cho âm lịch, được gọi là “Nguyệt”. Nguyệt tượng trưng cho tháng, Nhật tượng trưng cho ngày. Như vậy, tháng dài hơn ngày. Nên chi tháng lớn hơn ngày, vì ba mươi ngày mới đầy một tháng. Mở đầu cho ngày đầu tháng chính là ngày rằm. Nhưng ngày rằm là ngày ở giữa, chứ không phải là ngày đứng đầu. Như vậy, giữa mùa thu, vào ngày rằm gọi là Tết Trung Thu. Tết Nguyên Tiêu thì dành cho người lớn nhưng tết Trung Thu thì dành cho trẻ em, người lớn chỉ “ ăn theo”.

Trẻ em thấy Trung Thu đến thì rất vui mừng, bởi vì là ngày tết của chúng. Không ai đã là người lớn mà không trải qua “tuổi Trung Thu”. Có hai món quà Trung Thu đó là: Lồng đèn và bánh. Nên chi, cứ thấy người ta bày bán lồng đèn và bánh thì biết là sắp đến tết Trung Thu. Trong năm, mùa đẹp nhất chính là mùa Thu, vì mùa Xuân như người thiếu nữ dậy thì, còn ngái ngủ, còn trăng rằm mùa Thu mới chính là người thục nữ. Với ý nghĩa đó, người ta đón mừng Trung Thu như một lễ hội, gọi là tết.

Giữa đêm gió mát trăng thanh, nói lên sự thanh bình của trời đất, một chiếc lồng đèn lớn của vũ trụ đang treo lơ lững giữa bầu trời, đó là ánh trăng vàng đang tỏa sáng, kéo theo dưới vòm trời là những chiếc lồng đèn con con của các em bé, tạo thành một cảnh vật thật đẹp và có ý nghĩa biết bao!

Nhưng những chiếc lồng đèn be bé ấy được lung linh, được rực rỡ tạo nên vẻ đẹp ấy là gì? Nếu như không phải là ánh sáng trong những chiếc lồng đèn ấy. Trong đêm càng tối, thì ánh sáng càng đẹp. Tâm hồn của người Kitô hữu, nhất là trẻ em, nếu thiếu ánh sáng Chúa Kitô, thì giống như những chiếc lồng đèn không có ánh sáng, như vậy nó sẽ không còn đẹp nữa.

Ánh sáng Chúa Kitô được thắp lên trong tâm hồn của các em, giống như những ngọn nến được thắp lên trong những chiếc lồng đèn, đủ loại, đủ hình dáng màu sắc của tết Trung Thu thật là đẹp mắt. Với tâm tình đó, mỗi tâm hồn trẻ thơ nói chung và tâm hồn trẻ thơ công giáo nói riêng cần được thắp sáng ngọn lửa niềm tin và tình yêu nơi Đức Kitô, như vậy, những “tâm hồn lồng đèn” của các em sẽ rực sáng như ngày hội trăng rằm Trung Thu hằng năm. Lúc bấy giờ, tết Trung Thu thật là có ý nghĩa đích thự vậy.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa đến thắp sáng ngọn lửa tin yêu trong tâm hồn mọi trẻ thơ, nhất là những trẻ thơ đang cần thắp sáng ánh sáng của Chúa trong tâm hồn các em. Amen.

Xin cầu nguyện và chia sẻ với tất cả các trẻ em đang thiếu “ánh sáng” vật chất cũng như tinh thần ở khắp mọi nơi trên thế giới, để được Chúa Giêsu cùng đồng hành với các em.

16/09/2013
P. Trần Đình Phan Tiến



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét