Trang

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

28-09-2013 : THỨ BẢY TUẦN XXV MÙA THƯỜNG NIÊN

THỨ BẢY 28/09/2013
Thứ Bảy sau Chúa Nhật 25 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm I) Dcr 2, 1-5. 10-11a
"Này đây Ta đến và ngự giữa ngươi".

Trích sách Tiên tri Dacaria.
Tôi đã ngước mắt lên và đã nhìn thấy: Kìa, có người cầm dây đo trong tay. Tôi đã hỏi rằng: "Ông đi đâu?" Người ấy đáp: "Tôi đi đo Giêrusalem, coi nó rộng bao nhiêu và dài bao nhiêu". Và đây vị thiên thần đang nói chuyện với tôi ra đi, một thiên thần khác đến đón người và nói: "Hãy chạy lại nói với đứa trẻ ấy rằng: Giêrusalem là nơi trú ngụ không có tường thành, vì trong đó có đông dân cư và súc vật. Chúa phán: "Phần Ta, Ta sẽ nên tường thành lửa đỏ chung quanh nó, và Ta sẽ tỏ vinh quang Ta giữa nó". Chúa lại phán: "Hỡi thiếu nữ Sion, hãy ca tụng và hân hoan: vì này đây Ta đến ngự giữa ngươi. Trong ngày ấy, sẽ có nhiều dân tộc quy phục Chúa, họ sẽ là dân Ta, và Ta sẽ ngự giữa ngươi".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Gr 31, 10. 11-12ab. 13
Ðáp: Chúa sẽ gìn giữ chúng ta như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình (c. 10d).
Xướng: 1) Hỡi các dân tộc, hãy nghe lời Chúa, hãy công bố lời Chúa trên các đảo xa xăm; hãy nói rằng: Ðấng đã phân tán Israel sẽ quy tụ nó lại, và sẽ giữ nó như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình. - Ðáp.
2) Vì Chúa đã giải phóng Giacóp, giờ đây với cánh tay mạnh mẽ hơn, Người cứu thoát nó. Chúng sẽ đến và ca hát trên núi Sion, chúng sẽ đổ xô về phía hạnh phúc của Người. - Ðáp.
3) Bấy giờ người trinh nữ sẽ hân hoan nhảy mừng, các thanh niên và các cụ già cũng làm y như thế; Ta sẽ biến đổi tang chế của chúng thành niềm hân hoan, sẽ an ủi chúng và cho chúng hết đau khổ. - Ðáp.

Alleluia: Tv 114, 13cd
Alleluia, alleluia! - Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 9, 44b-45
"Con Người sẽ phải bị nộp. Các ông không đám hỏi Người về lời ấy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Ðang lúc mọi người thán phục về tất cả các việc Chúa Giêsu làm, thì Người phán cùng các môn đệ rằng: "Phần các con, các con hãy ghi vào lòng những lời này là: Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời". Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó còn bị che khuất, nên các ông không lĩnh hội được ý nghĩa, và các ông không dám hỏi Người về lời ấy.
Ðó là lời Chúa.

Suy niệm : Chấp Nhận Khổ Ðau
Có hai người đang bị dằn vặt với nỗi khổ đau của mình. Họ tìm đến với một vị ẩn sĩ để xin ý kiến. Vị ẩn sĩ này giới thiệu họ đến gặp một vị ẩn sĩ khác. Sau khi nghe họ giãi bày tâm sự, ông trả lời: "Tốt hơn các anh hãy tìm đến một vị khác, tôi không có đủ tư cách để trả lời câu hỏi đó, bởi vì cả đời tôi có bao giờ nhận điều xấu từ bàn tay Chúa đâu". Hai người thanh niên chợt hiểu rằng khi con người vui vẻ đón nhận khổ đau, thì khổ đau không còn là vấn đề nữa.
Trong Tin Mừng hôm nay, khi loan báo cuộc khổ nạn của Ngài, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài hãy đối đầu với khổ đau, nếu khổ đau là thành phần thiết yếu của cuộc sống. Vấn đề không phải là chối bỏ hiện thực của khổ đau hay tìm cách tránh né khổ đau, mà là đối đầu với nó. Chúa Giêsu đã vạch ra cho chúng ta cách thế đối đầu với khổ đau, đó là chấp nhận khổ đau với tình yêu. Ðau khổ mà không có tình yêu thì chỉ là hỏa ngục mà thôi.
Xem chừng tất cả các vấn đề của con người đều được gắn liền với khổ đau. Vì không muốn chấp nhận khổ đau mà con người gây ra bao nhiêu tội ác, vì không muốn hy sinh mà một người mẹ đang tâm giết đứa con trong lòng mình, vì không muốn thấy người thân đau khổ mà người ta giết họ một cách êm dịu, vì không muốn đối đầu với thực tại khổ đau mà người ta tìm quên trong men rượu, ma túy và mọi thứ kích thích khác: hỏa ngục là như thế đó.
Chúa Giêsu đã đón nhận khổ đau, Ngài đã biến khổ đau thành hiến lễ tình yêu, do đó khổ đau đã trở thành nguồn ơn cứu thoát cho nhân loại. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy vác lấy thập giá mình mà đi theo Ngài. Mỗi ngày có nỗi khổ riêng của ngày đó, hạnh phúc hay không, bình an hay không, là tùy con người có biết đón nhận khổ đau với tình yêu hay không.
Giữa muôn nghìn khổ đau và thử thách của cuộc sống, xin Chúa cho chúng ta đón nhận tất cả với lòng tin yêu, phó thác và cảm tạ tình yêu Chúa.
(Veritas Asia)




Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 25 TN1
Bài đọc: Zec 2:5-9, 14-15a; Lk 9:43b-45

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải vượt gian khổ mới hy vọng đạt được vinh quang.

Nếu chúng ta nhìn lại cuộc đời mình sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chúng ta sẽ biết thế nào là sống nhờ hy vọng: nước mất, nhà tan, tù đày mà không biết có ngày được thả, vượt biển mà biết có thể chết bỏ mình trên biển khơi, những ngày khổ cực trong các trại tị nạn mà không biết bao giờ mới được định cư, khi đã được định cư lại bắt đầu làm lại cuộc đời với hai bàn tay trắng. Chúng ta chấp nhận tất cả với hy vọng cuộc đời mình sẽ tốt đẹp hơn sau khi đã vượt qua tất cả những gian khổ này. Giờ đây, ngồi suy xét lại, chúng ta nhận ra: quả thật, thành công trong cuộc đời chỉ dành cho những ai biết kiên trì vượt qua mọi gian khổ.
Các Bài Đọc hôm nay dạy con người hãy can đảm đương đầu với gian khổ và tìm cách khắc phục chúng. Trong Bài Đọc I, con cái Israel không có can đảm xây dựng lại Đền Thờ ngay sau khi hồi hương, vì họ còn phải đương đầu với biết bao gian khổ của cuộc sống để làm lại từ đầu. Tiên-tri Zechariah khuyến khích họ hãy mạnh dạn vượt qua gian khổ để xây dựng lại Đền Thờ để Thiên Chúa ở giữa họ; và hãy hy vọng vào những huy hoàng của thành thánh Jerusalem trong tương lai. Trong Phúc Âm, các môn đệ sợ không dám hỏi lại Chúa Giêsu về lời báo trước Cuộc Thương Khó, vì các ông sợ và không dám đương đầu với gian khổ. Chúa Giêsu muốn hướng lòng các ông về sự phục sinh vinh hiển trong tương lai.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thị kiến của tiên-tri Zechariah về Jerusalem

Lịch sử đàng sau thị kiến của tiên-tri Zechariah là thời gian sau Thời Lưu Đày, việc tái thiết Đền Thờ, và xây dựng lại quê hương. Giống như tiên-tri Haggai, Zechariah nhận ra sự quan trọng của việc tái thiết Đền Thờ Tại Jerusalem: Con cái Israel không thể sống mà không có Đền Thờ, vì đó là nơi Thiên Chúa hiện diện với họ, như Ngài đã hứa từ thời Xuất Hành. Lời hứa của Thiên Chúa sẽ bảo vệ dân được tiếp tục thi hành, cho đến ngày Đấng Thiên Sai ra đời.

1.1/ Jerusalem sẽ trở nên một thành lớn: Vào năm 587 BC, Jerusalem đã bị quân thù san phẳng: từ tường thành vây quanh tới chính Đền Thờ. Khi con cái Israel được các vua Ba-tư cho về hồi hương để tái thiết Đền Thờ, họ cảm thấy ngao ngán vì công trình đòi hỏi nhiều thời gian và hy sinh; trong khi họ chưa ổn định cuộc sống. Thị kiến của tiên-tri Zechariah hôm nay có mục đích cung cấp cho con cái Israel có hy vọng và nghị lực để xây dựng Đền Thờ: Jerusalem sẽ trở nên một thành lớn.
Zechariah tường thuật: "Tôi lại ngước mắt nhìn và thấy một thị kiến. Đây, có một người, tay cầm dây đo. Tôi hỏi người ấy: "Ông đi đâu?" Người ấy trả lời: "Đi đo Jerusalem xem thành ấy rộng bao nhiêu, dài bao nhiêu." Và đây, vị thần sứ từng nói với tôi tiến ra và một thần sứ khác tiến lại đón vị thần sứ ấy. Vị trước bảo vị sau: "Hãy chạy đi nói với người thanh niên kia rằng: Jerusalem phải là một thành rộng mở, sẽ có vô số người và súc vật đến cư ngụ ở đó.""


1.2/ Chính Thiên Chúa sẽ ở giữa và bảo vệ Jerusalem: Tường thành rất quan trọng cho thành thánh Jerusalem và Đền Thờ, vì nó ngăn cản sự xâm nhập của quân thù chung quanh. Còn tường thành là có an ninh; khi tường thành bị sụp đổ, thành và Đền Thờ cũng bị sụp đổ theo. Người Do-thái không chỉ xây dựng lại Đền Thờ, họ còn phải xây dựng cả tường thành chung quanh để bảo đảm an ninh cho Đền Thờ và dân chúng sống trong thành.
Tiên-tri Zechariah liên tưởng đến sự bảo vệ của Thiên Chúa trong biến cố Xuất Hành qua cột mây và cột lửa. Ông nói cho dân ý muốn của Thiên Chúa: "Phần Ta, sấm ngôn của Đức Chúa, Ta sẽ là tường luỹ bằng lửa bao quanh nó, và Ta sẽ là vinh quang ở giữa nó."

1.3/ Dân tộc trên khắp địa cầu sẽ tuôn về Jerusalem: Cho tới thời gian sau Lưu Đày, Jerusalem vẫn được coi hoàn toàn là của dân tộc Do-thái. Nhiều sấm ngôn của các tiên-tri trước và sau lưu đày nói về sự bành trướng của Jerusalem tới các Dân Ngoại; chứ không còn giới hạn cho người Do-thái nữa. Sấm ngôn của tiên tri Zechariah là một ví dụ điển hình, khi ông nói: "Hỡi con gái Sion, hãy vui sướng reo hò, vì này Ta đang đến để ở lại giữa ngươi, sấm ngôn của Đức Chúa. Ngày ấy, nhiều dân tộc sẽ gắn bó cùng Đức Chúa: Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ ở giữa ngươi." Jerusalem là biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa ở với con người. Dân Ngoại tuôn đến Jerusalem, vì họ cùng tin tưởng vào Thiên Chúa của dân tộc Do-thái.

2/ Phúc Âm: Mọi người đều kinh ngạc trước quyền năng cao cả của Thiên Chúa.

Trình thuật ngắn của Luca hôm nay là lần báo Cuộc Thương Khó thứ hai của Chúa Giêsu cho các môn đệ sau khi Ngài Biến Hình trên núi và chữa một cậu bé bị quỉ ám mà các môn đệ không chữa nổi.

2.1/ Chúa Giêsu phải chịu đau khổ: Sau khi đã trục xuất quỉ khỏi cậu bé, Chúa Giêsu tuyên bố với các môn đệ: "Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời." Chúa cho các môn đệ thấy vinh quang và uy quyền của Ngài là để cho các môn đệ có nghị lực để vượt qua gian khổ trong Cuộc Thương Khó sắp tới. Chúa lo lắng cho các ông, vì Chúa biết nếu không có hy vọng nâng đỡ, các ông sẽ dễ dàng bỏ cuộc khi nhìn thấy Chúa phải trải qua các gian khổ của Cuộc Thương Khó và cái chết của Ngài trên Thập Giá.

2.2/ Con người không dễ chấp nhận con đường đau khổ.

(1) Các môn đệ không hiểu lời Chúa Giêsu nói: "Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa." Các môn đệ cũng giống như nhiều người chúng ta không hiểu: Tại sao một Thiên Chúa vinh quang, có uy quyền trên cả quỉ thần và mọi bệnh tật, không chọn con đường mà họ đang mong muốn là dùng uy quyền và sức mạnh; mà lại chọn con đường gian khổ để cứu chuộc con người!

(2) Các môn đệ không dám hỏi lại Người về lời ấy: Các ông không dám hỏi vì các ông sợ phải đương đầu với sự thật mà các ông không muốn chấp nhận. Các ông muốn Chúa Giêsu theo sự khôn ngoan và cách thức cứu độ của các ông; chứ các ông không muốn theo sự khôn ngoan và đường lối cứu độ của Thiên Chúa. Điều này được dẫn chứng bằng thái độ của Phêrô, khi ông dẫn Chúa Giêsu ra một nơi và khuyên Chúa: "Chớ gì những sự đó đừng xảy ra cho Thầy" (Mt 16:22).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Đức Kitô muốn chúng ta phải bỏ ý riêng mình và đi qua con đường đau khổ thì mới xứng đáng trở thành những môn đệ của Ngài.

- Chúng ta phải kiên nhẫn vượt gian khổ hiện tại, thì mới xứng đáng hưởng được vinh quang mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho chúng ta sau này.

- Gian khổ chúng ta đang chịu đựng bây giờ không thể sánh được với vinh quang mà Đức Kitô đã mưu cầu cho chúng ta. Vì thế, hãy xin Thiên Chúa cho chúng ta sức mạnh để vượt qua mọi gian khổ trong cuộc đời.


Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 25–

"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)

Lc 9,43b-45

A. Hạt giống...
Chúa Giêsu báo tin lần thứ hai Ngài sẽ chịu nạn chịu chết.
- Ngài báo tin này “đang lúc mọi người thán phục” về những phép lạ hiển hách Ngài đã làm.
- Dù đây đã là lần thứ hai Ngài nói về điều này, “nhưng các ông không hiểu”
- Dù không hiểu, nhưng “các ông không dám hỏi”.

B.... nẩy mầm.
1. Đang lúc các môn đệ phấn khởi về quyền phép Chúa Giêsu thể hiện qua những phép lạ Ngài làm, thì đùng một cái Ngài cho các ông biết là Ngài sẽ bị bắt, bị hành hạ và giết chết. Phải chăng Chúa muốn làm các ông mất hứng ? Không, Chúa muốn dẫn các ông trở lại đúng con đường Ngài và các ông phải đi.
Nhiều khi chúng ta đang phấn khởi vì những niềm vui và những thành công, thì đùng một cái, đau khổ và thất bại ập đến. Cũng không phải là Chúa làm chúng ta mất hứng, mà Ngài đang dẫn chúng ta trở lại đúng con đường của mình. “Ai muốn theo Thầy, hãy vác thập giá mà theo”.
2. “Nhưng các ông không hiểu” : chúng con cũng chẳng hiểu. Tại sao con phải đau khổ ? Tại sao Chúa để Giáo Hội gặp nhiều khó khăn ? Tại sao kẻ làm lành mà lại bị thiệt thòi ? Tại sao thế này, tại sao thế nọ ? Tuy nhiên chúng con nhớ là Chúa đã bảo phải như thế !
3. “các ông không dám hỏi” : chúng ta đừng làm như các môn đệ xưa. Khi không hiểu về Thập giá, chúng ta cứ hỏi Chúa. Ngài sẽ trả lời : “Vì Thầy yêu thương chúng con. Thầy muốn chúng con chia sẻ thân phận của Thầy”.
4. Xem chừng như tất cả các vấn đề của con người đều được gắn liền với khổ đau. Vì không muốn chấp nhận khổ đau mà con người gây ra bao tội ác : vì không muốn hy sinh mà một người mẹ đang tâm giết chết đứa con trong lòng mình ; vì không muốn thấp người thân đau khổ mà người ta giết họ chết cách êm dịu, vì không muốn đối đầu với thực tại khổ đau mà người ta tìm quên trong men rượu, ma túy và mọi thứ kích thích khác : hoả ngục là như thế đó… Đau khổ mà không chấp nhận, không có tình yêu thì chỉ là hoả ngục mà thôi ("Mỗi ngày một tin vui")
5. “Chúa Giêsu nói với các môn đệ : ‘Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây : Con Người sắp bị nộp vào tay người đời’. Nhưng các ông không hiểu lời đó” (Lc 9,44-45)
Từ khi vợ mất, ông lão dọn đến đây ở với đứa con gái duy nhất, những mong tìm được nguồn an ủi trong những tháng ngày còn lại. Nhưng hình như ông đã già lắm rồi thì phải. Ít ra, thái độ của cô con gái khiến ông cảm thấy như thế.
… Đã thành lệ, mỗi buổi sáng sau khi nhận được ít tiền từ con gái, ông lại lủi thủi mình. Con gái ông còn bận “ngoại giao” bên hàng xóm hoặc vòng vòng ngắm nghía phố thị. Phần buồn nhớ vợ, phần cô đơn, ông đâm ra nghĩ quẩn… Vài ngày sau khi ông bỏ đi, người con gái nhận được giấy báo lên nhận xác ông, nghe đâu được một người dân chài vớt lên…
Đã bao lần tôi là thế, vô tư với nỗi niềm của người bạn bên cạnh tôi, những Giêsu của ngày hôm nay. Họ cũng đang cần sự cảm thông của tôi như Giêsu ngày xưa tìm kiếm sự đồng cảm nơi các môn đệ.
Lạy Chúa, xin cho con một trái tim đừng chỉ đập những nhịp đập cho riêng mình, nhưng còn biết rung lên những khúc ca vui với niềm vui của người khác, và cũng biết đớn đau trước nỗi đau của bao người quanh con. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

28/09/13 THỨ BẢY TUẦN 25 TN
Th. Venxétlao, tử đạo
Lc 9,43-45

VẤN NẠN ĐAU KHỔ
“Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” (Lc 9,44)

Suy niệm: Có thể nói tất cả các vấn nạn của con người đều được gắn liền với khổ đau. Và cũng vì không chấp nhận khổ đau mà con người gây ra bao tội ác khác: vì không muốn đối diện với thực tại khổ đau mà người ta tìm quên trong men rượu, ma túy và mọi thứ kích thích khác; vì không muốn chấp nhận những hệ luỵ của việc sinh ra một người con mà người ta đang tâm huỷ diệt những bào thai vô tội; vì không chấp nhận những đau khổ của tuổi già, bệnh tật mà người ta tìm đến giải pháp an tử… Không chấp nhận đau khổ, không đón nhận với lòng mến thì hậu quả là thế đấy. Các môn đệ Đức Giêsu cũng đã không muốn chấp nhận một Đức Kitô chịu đóng đinh thập giá mặc dù Ngài đã hé lộ cho họ thấy niềm hy vọng Phục sinh đằng sau cái chết trên thập giá đó.
Mời Bạn: Người tín hữu hôm nay cũng vậy, chỉ muốn thấy Giáo hội ‘hoành tráng’, chỉ mong ‘Chúa ra tay dẹp tan phường gian ác’, và vì thế mà thập giá của Đức Giê-su lần hồi trở nên xa vời, khó được đón nhận. Nhiều khi bạn và tôi đang phấn khởi vì những niềm vui và những thành công, thì thình lình, đau khổ và thất bại ập đến. Không phải Chúa làm chúng ta ‘mất hứng,’ mà Ngài đang dẫn chúng ta trở lại đúng con đường của mình.
Sống Lời Chúa: Mỗi khi gặp khó khăn thất bại, mời bạn ngồi lại suy gẫm để tìm ra ý Chúa trong những thập giá đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa biết con vốn yếu đuối khi đối diện với thập giá Chúa trao. Xin thêm sức để con có thể chấp nhận và thánh hóa đau khổ như Chúa đã biến cây thập giá thành cây Thánh giá vậy. Amen.

Lời tuyên xưng của Thánh Phêrô
Hôm qua, chúng ta đã đọc và suy niệm đoạn Tin Mừng nơi chương 9 cũng của Phúc Âm theo thánh Luca, trong đó chúng ta ghi nhận lời Chúa loan báo lần đầu tiên về cuộc tử nạn của Ngài để đáp lại lời tuyên xưng của thánh tông đồ Phêrô: "Thầy là Ðấng Thiên Sai của Thiên Chúa". Hôm nay, chúng ta lại được Giáo Hội cho đọc đoạn ghi nhận lời loan báo của Chúa Giêsu lần thứ hai về cuộc khổ nạn của Ngài để cứu chuộc nhân loại. Ðọc lại lời loan báo này, chúng ta ghi nhận sự kiện là Chúa Giêsu sử dụng ngôn ngữ của sách tiên tri Ðaniel chương 7,13 và áp dụng cho mình cách nói Con Người đến mạc khải về chính mình như là Ðấng Thiên Sai, Ðấng có nguồn gốc từ trên cao được sai xuống trần gian, và để lưu ý và sửa lại những lệch lạc trong quan niệm về một Ðấng Thiên Sai vinh quang. Chúa Giêsu nhắc đến việc Con Người bị nộp vào tay người đời. Chúa Giêsu mạc khải một Ðấng Thiên Sai chịu đau khổ, một Ðấng Thiên Sai là người Tôi Tớ của Thiên Chúa chịu đau khổ như được nhắc đến trong sách tiên tri Isaia. Phúc Âm ghi lại phản ứng của các tông đồ lúc đó là các ngài không hiểu ý nghĩa Chúa muốn nói, tuy nhiên các ngài có trực giác trước một điều gì đó khủng khiếp sắp xảy ra cho Chúa và cả cho các ngài nữa, bởi vì trước đó, trong lần tiên báo về cuộc khổ nạn của mình tại Giêrusalem, Chúa Giêsu nhắc đến điều kiện cần phải vác thập giá để theo Chúa. Linh tính trước có điều quan trọng sắp xảy đến mà các ông không hiểu nên các ông lo sợ, lo sợ nhưng lại e ngại không dám hỏi Chúa Giêsu.
Ngày hôm nay, chúng ta cũng có thể hành sự như các tông đồ ngày xưa, chúng ta không hiểu được mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô trong đời sống chúng ta, không hiểu được mầu nhiệm thập giá trong cuộc đời của Chúa cũng như trong cuộc đời của chính mình. Không hiểu, chúng ta ngại không dám tiến tới, không dám tiếp tục con đường theo Chúa, ngại ngùng trước việc tìm hiểu biết Chúa, ngại ngùng lên tiếng xin Chúa trợ giúp cho ta hiểu biết Ngài trong việc cầu nguyện và tiếp xúc với lời Chúa và đến với Chúa trong bí tích Thánh Thể. Chúng ta hãy khiêm tốn và tin tưởng đến với Chúa và xin Ngài mạc khải cho chúng ta được hiểu về Ngài mỗi ngày một sâu rộng hơn.
Lạy Chúa,
Xin thương tha thứ cho chúng con về những lần mà chúng con nghi ngờ về Chúa và về những sự nguội lạnh làm biếng của chúng con trong việc tìm biết về mầu nhiệm Chúa. Xin thương ban cho chúng con một con tim mới. Xin mạc khải cho chúng con hiểu thêm về Chúa, về con đường thập giá cần phải đi qua để tiến đến sự sống muôn đời với Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Suy Niệm

Sau khi chứng kiến phép lạ Đức Giêsu chữa một đứa bé khỏi kinh phong, các môn đệ đang say sưa và hãnh diện về quyền phép của thầy mình. Đột ngột Ðức Giêsu báo trước Ngài sẽ bị nộp và bị giết, nhưng các môn đệ không hiểu vì còn quá bỡ ngỡ. Tại sao Ðức Giêsu là Ðấng uy quyền, làm được những phép lạ lớn lao như thế mà lại bị nộp cho người đời? Các môn đệ chỉ nhìn Ðức Giêsu với cái nhìn của con người. Họ nghĩ là Ðức Giêsu đến với một sứ mệnh chính trị: giải phóng Israel khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma, dành lại quyền cai trị... chứ chưa nhận ra Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Thế đến đem ơn cứu độ, bằng con đường khổ giá.
Đức Giêsu tự xưng là 'Con Người'. Đó là nhân vật được ngôn sứ Đaniel tiên báo, nhân vật được Thiên Chúa trao cho mọi quyền, kể cả quyền làm phép lạ mà Đức Giêsu vừa thực hiện. Thế nhưng nhân vật toàn quyền như vậy mà bị nộp trong tay người phàm, vốn chẳng có quyền gì cả. Nghĩa là người của Thiên Chúa mà lại thua người phàm thì không thể chấp nhận được. Bởi đó các môn đệ không thể đón nhận lời này. Thế nhưng Đức Giêsu bảo họ: "Chúng con phải ghi lòng tạc dạ những lời này: Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời". Ngài nói về sự thất bại thua thiệt, đau khổ... người môn đệ phải ghi lòng tạc dạ rằng nhiều khi người của Thiên Chúa phải thua, phải lép vế trước người đời... nhưng hãy nhớ rằng những thất bại thua thiệt đó nằm trong chương trình của chính Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con tin vào Chúa để được cứu độ. Xin cho chúng con hiểu được rằng vì tội lỗi nhân loại của chúng con, Chúa đã chịu khổ hình, bị đóng đinh để cứu chúng con. Xin cho chúng con biết ăn năn sám hối và mau quay về với Chúa. Amen.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Chín

28 THÁNG CHÍN

Vai Trò Của Những Người Đỡ Đầu

Tôi mời gọi tất cả anh chị em, những người hiện diện trong nghi lễ lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức của các bạn trẻ, hãy nhớ lại biến cố hồng phúc này. Biến cố này rất quan trọng trong đời sống cộng đoàn Kitô hữu. Anh chị em hãy nâng đỡ và hãy góp lời cầu nguyện. Tôi đặc biệt muốn bày tỏ lời kêu gọi này với những người đỡ đầu – là những vị tự nguyện sát cánh với người bạn trẻ lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức khi các bạn ấy bước qua ngưỡng trưởng thành trong Đức Kitô.
Những người đỡ đầu, anh chị em là những người được ủy thác đặc biệt ân sủng này của Chúa Thánh Thần, ân sủng mà các bạn trẻ được Thêm Sức hôm nay vốn đã lãnh nhận lần đầu tiên trong Bí Tích Rửa tội. Giờ đây Chúa Thánh Thần lại một lần nữa được trao ban cho các bạn trẻ này. Anh chị em được mời gọi giúp đỡ các bạn ấy – là những người đang bắt đầu thực sự trưởng thành trong Đức Kitô và đang đứng trước nhiều bổn phận và trách nhiệm mới. Các bạn ấy rất cần sự nâng đỡ của anh chị em.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 28/9 - Thánh Venceslaô, tử đạo,
Thánh Laurensô Ruiz và các bạn tử đạo
Dcr 2, 9.14-15a; Lc 9, 43b-45


LỜI SUY NIỆM: Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” (Lc 9,44)

Chúa Giêsu không chỉ đến để dạy dỗ cho nhân loại biết về Thiên Chúa, nhưng Ngài còn mở ra một con đường sống cho chúng ta, để sống; sống được gần Thiên Chúa. Ngài đã sống trọn vẹn trong việc khước từ quyền lực theo cách trần thế, và của Sa-tan. Để chỉ vâng phục một mình Thiên Chúa và làm đẹp lòng Thiên Chúa mọi đàng. Chính vì con đường của Ngài, đã đi ngược với quan niệm của những con người trần thế và giáo quyền, đồng thời phơi bày tội ác của họ. Nên họ đã cố tình loại bỏ Ngài bằng cách treo Ngài trên cây Thánh Giá. Chính vì Ngài trung thành với đường lối mà Thiên Chúa đã vạch ra. Nên Ngài đã được Phục Sinh. Chúng ta muốn có sự sống đời đời, chúng ta cũng phải đi trên con đường Ngài đã đi qua.

Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân

NGÀY 28-09 THÁNH VENCESLANÔ - TỬ ĐẠO (907 - 935)


Thánh Venceslao cai trị Bôhêmia vào thời mà miền này mới chỉ có một phần theo Kitô giáo. Cha Ngài, ông Vratilar, là người khôn ngoan dũng cảm lương thiện, một Kitô hữu nhân đức nhưng bà Drahomira mẹ Ngài lại ngã theo lương dân. Em Ngài là Boleslao. Ludmila, bà nội của hai con trẻ, thấy rõ sự nguy hiểm cho cháu nên đã lo giáo dục Venceslao. Còn thánh Venceslao, con người có nhiều đức tính đáng phục đã đáp ứng hoàn toàn sự lo lắng của bà nội. Từ đó Ngài đã có lòng mộ mến các nhân đức, siêng năng tìm hiểu lẽ đạo để sống thành một Kitô hữu chân chính.
Chẳng may ông Vratilar từ trần trong một trận chiến. Bà Drahomira lên nắm quyền nhiếp chính. Độc ác và gian xảo, bà đã sát hại các Kitô hữu, triệt hạ các nhà thờ, cấm hành đạo công khai và dạy giáo lý cho trẻ em. Các Kitô hữu có chức phận bị cách chức, nhường chỗ cho lương dân.
Đau lòng vì sự dữ lan tràn, bà Ludmila thuyết phục Venceslao lên nắm quyền. Nhưng để tránh cuộc tranh chấp tương tàn, người ta chia đôi lãnh thổ, một phần trao cho Boleslaô. Lên cai trị với sự tán đồng của dân chúng, thánh Venceslaô chỉ mong cho thần dân được hạnh phúc. Ngài cai trị bằng lòng nhân từ hơn là bằng sức mạnh. Ngài lo trợ giúp mọi cô nhi quả phụ, mọi người nghèo khổ. Thỉnh thoảng trong đêm tối, Ngài vác củi đến cho người bất hạnh, Ngài phóng thích các tù nhân hay đêm tối tìm đến an ủi họ. Nếu phải kết án, chính Ngài đã khóc thương. Đầy lòng kính phục các linh mục, Ngài tự trồng nho ép rượu và giúp lễ.

Đêm đêm, Ngài đi chân không đến viếng các nhà thờ. Trong một cuộc hành hương như vậy, người hầu cận cho biêt chân mình đã tê cóng không thể đi thêm được nữa. Thánh nhân dặn, hãy đạp lên vết chân Ngài. Anh ta đã vâng theo và cảm thấy ấm áp toàn thân.
Drahomira tức giận vì sự êm ấm trong miền Bôhêmia theo Kitô giáo. Bà quyết sát hại Ludmila, người bà nhân đức làm cố vấn cho Venceslao. Hai kẻ sát nhân đã hành sự ngay dưới chân bàn thờ. Sau đó đến lượt thánh Venceslao, người mẹ ác đức đã xúi Radislas nổi loạn. Ông này tập trung một đạo quân hùng hậu đến gây chiến. Khi hai bên giáp trận, thánh Venceslao đã đơn phương độc mã lâm trận chiến như một David giáp mặt Goliath. Thế nhưng Radislas đã xin dầu hàng. Ông ta thấy thiên thần trợ chiến cho Venceslao.
Phải đến tham dự một cuộc họp ở Worm theo lệnh của hoàng đế Othon I, thánh Venceslao đã tới trễ. Ngài muốn dự hai thánh lễ. Hoàng đế bực tức vì sự chậm trể này, quyết định sẽ không đứng dậy khi thánh nhân đến. nhưng rồi khi Ngài tới nơi ông bỗng đứng lên và mời ngồi bên cạnh mình. Ông cũng đã thấy hai thiên thần hộ vệ và bao phủ Ngài bằng một thánh giá vàng.
Boleslanô, theo lời khuyên của mẹ, quyết hạ sát thánh nhân, hắn lấy tình nghĩa để che lấp ý đồ đen tối của mình. Được mời tới để mừng lễ hai thánh Cosma và Đamianô, thánh Venceslao không một chút nghi ngại gì.
Buổi lễ thật linh đình. Đêm sau thánh Venceslao đến nhà thờ cầu nguyện như thói quen. Boleslaô tàng hình theo sau và đã hạ sát thánh nhân ngày 28 tháng 9 năm 935. Trước cửa đền thờ, miệng khẩn cầu ơn tha thứ cho em mình. Thánh nhân từ trần trên vũng máu đào. Sau cái chết, thánh Venceslao được dân chúng tôn kính như một vị tử đạo và trổ thành Đấng thánh bảo trợ cho xứ Bôhêmia, nay là Czecheslavia.

(daminhvn.net)

28 Tháng Chín

Con Vật Ðầu Ðàn

Một khách lữ hành đi về những vùng núi xứ Tô Cách Lan, một hôm dừng chân lại bên cạnh một đàn cừu. Bỗng ông ta chú ý đến một con cừu đang được người mục tử chăm sóc một cách đặc biệt. Con vật nằm dài trên mặt đất. Chủ nó vừa vuốt ve vừa nói chuyện với nó một cách dịu dàng, trong lúc tay vẫn không ngừng băng bó một chân của nó. Người khách bộ hành lại gần và hỏi xem cho biết việc gì. Thoạt tiên, người chăn chiên tỏ vẻ khó chịu vì phải trả lời. Nhưng sau đó vẻ thân mật của người bộ hành đã làm cho anh vững lòng, vì thế anh ta không ngần ngại giải thích:
"Con cừu này có những đức tính tuyệt hảo của một người hướng đạo. Khi còn lành mạnh, nó luôn dẫn đầu đàn cừu, biết cách làm cho những con vật khác vâng lời nó và theo nó. Khổ thay vì quá tự tin nên nó không theo lệnh của tôi và dẫn đàn cừu theo sở thích riêng của nó. Tôi đã tìm đủ mọi cách để thay vào chỗ của nó một con đầu đàn khác nhưng vô hiệu, vì hễ con nào có vẻ như muốn thay nó đều bị nó đánh và xua đuổi. Tình trạng của đàn cừu do đó trở nên nguy ngập. Tôi buộc lòng phải áp dụng một phương pháp khá đau đớn".


Nói đến đây người chăn chiên ngừng lại như bị cảm xúc mạnh. Anh giải thích tiếp như sau: "Tôi đành phải bẻ gãy chân nó. Kể từ lúc đó, con vật bị thương nên hoàn toàn tùy thuộc vào tôi. Mỗi buổi sáng, tôi vác nó lên vai ra đồng cỏ. Và buổi chiều về tôi lại vác nó trên vai đem về. Nó không thể tự mình đi ăn cỏ được. Vì thế, từ một tháng nay, nó ăn giữa lòng bàn tay của tôi. Những săn sóc liên tục của tôi đã tạo nên giữa tôi và nó một sự liên hệ vô cùng mật thiết. Bây giờ có lẽ nó hiểu rằng sau khi đã làm cho nó bị thương, tôi đã tìm đủ mọi cách để làm giảm bớt sự đau đớn của nó. Về phần tôi, tôi cũng biết rằng sẽ không tìm được trong tất cả đàn cừu một con cừu biết vâng lời tôi hơn nó. Trong vài ngày nữa, khi nó khỏe mạnh, tôi sẽ phục hồi nó lại trong địa vị cũ của nó".

Hình ảnh trên đây gợi lại phần nào Tình Yêu của Thiên Chúa đối với từng người trong chúng ta. Cựu ước đã không ngần ngại so sánh Thiên Chúa với một người mục tử. Người mục tử săn sóc từng con chiên, người mục tử uốn nắn từng con chiên, người mục tử sửa trị từng con chiên... Nhưng tất cả chỉ vì sự yêu thương đàn chiên của mình.
Thiên Chúa có thực sự yêu thương chúng ta không? Ðó là câu hỏi mà chúng ta có quyền đặt ra trong những mò mẫm tìm kiếm hạnh phúc của chúng ta. Cuộc sống xem chừng như không diễn ra một cách xuôi chảy cho từng người. Chúng ta không bao giờ được thỏa mãn hoàn toàn. Ðau khổ, thất bại như những bóng mờ lúc nào cũng chực sẵn để ập phủ trên chúng ta... Chiến tranh, chết chóc, bệnh tật, tai ương đã trở thành như tất yếu đối với chúng ta. Một Thiên Chúa nhân từ, một Thiên Chúa quan phòng, một Thiên Chúa quyền năng lẽ nào lại để cho đau khổ đè bẹp con người?... Bí ẩn của đau khổ luôn gợi lên trong chúng ta những thắc mắc về Tình Yêu của Thiên Chúa.
Người Kitô chúng ta chỉ có thể tìm thấy câu trả lời trong Mầu Nhiệm Thập Giá của Ðức Kitô. Thánh Gioan đã viết: Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài. Và Người Con Một đó đã yêu đến nỗi đã tự phó nộp mình và chết trên thập giá.
Tình Yêu của Thiên Chúa gắn liền với Thập Giá của Ðức Kitô. Ðau khổ đã trở thành ánh sáng chiếu rọi vào Tình Yêu của Thiên Chúa đối với con người. Nói như thế không có nghĩa là Thiên Chúa muốn con người phải chịu đau khổ, Thiên Chúa cũng không tạo ra đau khổ để sửa trị con người. Nhưng qua đau khổ, Thiên Chúa như muốn hé mở cho con người thấy Ngài là Ðá Tảng, là nơi nương tựa duy nhất của con người.


(Lẽ Sống)

28-9
Thánh Wenceslaus
(907? - 929)

N
ếu các thánh được mô tả một cách sai lầm là những người "thuộc thế giới bên kia," thì cuộc đời Thánh Wenceslaus là một minh chứng cho sự khác biệt đó: Ngài bênh vực các giá trị Kitô Giáo giữa những mưu đồ chính trị mà đó là đặc điểm của Bohemia vào thế kỷ thứ 10.
Ngài sinh năm 907 gần Prague, con của Công Tước Bohemia. Bà nội thánh thiện của ngài là bà Ludmilla, đã nuôi nấng và dạy dỗ ngài với hy vọng là ngài sẽ cầm quyền ở Bohemia thay cho mẹ của Wenceslaus, là người ưa thích các bè phái chống đối Kitô Giáo. Hiển nhiên là bà nội Ludmilla bị giết, nhưng các lực lượng Kitô Giáo mạnh thế đã chiến thắng, và Wenceslaus đã nắm giữ chức vụ lãnh đạo trong chính phủ.
Sự cai trị của Wenceslaus được ghi nhận qua các nỗ lực nhằm đoàn kết Bohemia, hỗ trợ Giáo Hội và các cuộc đàm phán hòa bình với nước Ðức, nhưng chính vì thế ngài đã gặp khó khăn với những người chống-Kitô Giáo. Em của ngài là Boleslav đã nhúng tay vào một âm mưu, và trong tháng Chín 929, ông mời Wenceslaus đến Alt Bunglou để dự lễ các Thánh Cosmas và Damian. Trên đường đi dự lễ, Boleslav đã tấn công chính anh mình, và trong cuộc ẩu đả, Wenceslaus đã bị giết bởi bộ hạ của Boleslav.
Mặc dù cái chết của ngài là hậu quả chính yếu của biến động chính trị, Thánh Wenceslaus được ca tụng như một vị tử đạo vì đức tin, và mộ của người trở nên trung tâm hành hương. Thánh nhân được xưng tụng là quan thầy của người Bohemia và người Tiệp Khắc trước kia.
Lời Bàn
"Vua Wenceslaus Nhân Từ" đã cụ thể hóa Kitô Giáo trong một thế giới đầy xáo trộn chính trị. Trong khi chúng ta thường là nạn nhân của một loại bạo lực nào đó, chúng ta cũng có thể đồng hóa với sự tranh đấu của thánh nhân nhằm đem lại sự hài hoà cho xã hội. Mọi Kitô Hữu đều được mời gọi tham dự vào việc thay đổi xã hội và sinh hoạt chính trị, vì các giá trị phúc âm rất cần thiết cho thế giới ngày nay.
Lời Trích
"Trong khi công nhận thẩm quyền của các thực thể chính trị, Kitô Hữu nào tham gia sinh hoạt chính trị phải cố gắng có những quyết định phù hợp với phúc âm và, trong khuôn khổ của một tập thể chính đáng, phải làm chứng cho đức tin của mình bởi sự phục vụ hữu hiệu và vô vị lợi" (Ðức Giáo Hoàng Phao-lô VI, Lời Mời Gọi Hành Ðộng, 46)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét