Trang

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

Chính Ở Nơi THIÊN CHÚA Mà Chúng Ta Sống, Cử Động Và Hiện Hữu

Chính Ở Nơi THIÊN CHÚA Mà Chúng Ta Sống, Cử Động Và Hiện Hữu

Ông Lục Chưng Tường (Lou Tseng-Tsiang 1871-1949) là nhà học giả kiêm ngoại giao và chính trị gia nổi tiếng vào đầu thế kỷ XX. Nhưng có lẽ ông được biết đến nhiều hơn với tên gọi Linh Mục Pierre-Célestin Lục, tu sĩ dòng Biển Đức.
 Ông Lục Chưng Tường chào đời ngày 12-6-1871 tại Thượng Hải bên Trung Quốc. Thân phụ là mục sư tin lành và là thành viên Hội Thừa Sai Luân Đôn. Hội chuyên phổ biến sách báo tôn giáo và Kinh Thánh. Vào thời kỳ đó tại Trung Quốc, các mục sư tin lành hoạt động rất tích cực, đặc biệt trong lãnh vực nối liền hai nền văn hóa Đông Tây. Chính trong khung cảnh này mà cậu Lục lớn lên và thấm đậm giáo lý tin lành. Ông Lục không bao giờ quên những vị mục sư đáng kính đã gây một ảnh hưởng sâu xa nơi ông.
 Năm 22 tuổi, sau khi tốt nghiệp trường thông dịch của Bộ Ngoại Giao tại Thượng Hải, Lục Chưng Tường được chỉ định làm thông dịch viên cho sứ quán Trung Quốc tại Saint-Pétersbourg (Nga) dưới quyền điều khiển của ông Chu, một tín hữu Công Giáo. THIÊN CHÚA Chúa Quan Phòng đưa đẩy cho nhà ngoại giao trẻ tuổi được diễm phúc gặp gỡ ông Chu, một bậc thầy đáng kính, một nhà ái quốc chân chính và nhất là một tín hữu Công Giáo Trung Hoa nhiệt thành. Tất cả đức tính cao quý này ông Chu hết lòng truyền đạt cho môn sinh yêu dấu của mình.
 Ông Chu ước muốn cải tiến Trung Quốc, một Trung Quốc hằn sâu giáo huấn của Khổng Tử. Tuy nhiên, ông không muốn làm cho Trung Quốc mất gốc, trái lại, làm sao giúp Trung Quốc vươn cao, tân tiến hóa từ gốc rễ cổ kính của mình. Rất khâm phục trước nền văn minh Tây Phương, ông Chu cố gắng đào sâu nguyên tắc cùng tinh thần của các thể chế hầu thông truyền cho đất nước mình. Nhưng điều làm cho ông Chu vô cùng ngưỡng mộ đối với Tây Phương chính là Kitô Giáo và đặc biệt là Giáo Hội Công Giáo mà ông được diễm phúc là một tín hữu.
 Ông Chu nói với Lục Chưng Tường:
 - Sức mạnh của Âu Châu không nằm trong võ trang cũng không nằm trong khoa học nhưng chính là trong KITÔ GIÁO. Khi hành nghề ngoại giao anh sẽ có dịp quan sát về tôn giáo này. Thật ra Kitô Giáo bị phân chia thành nhiều ngành và nhiều Giáo Hội khác nhau. Nhưng anh nên chọn Công Giáo là ngành cổ xưa nhất gắn liền với nguồn cội nhất, rồi hãy đào sâu tôn giáo này. Anh hãy học hỏi giáo lý cùng thực thi các huấn giới Công Giáo. Anh hãy quan sát cách tổ chức cùng những hoạt động của Giáo Hội Công Giáo. Sau này, khi từ bỏ ngành ngoại giao có lẽ anh sẽ có dịp đi xa hơn, nghĩa là sẽ trở thành một tín hữu âm thầm của Công Giáo. Rồi một khi đã hoàn toàn hiểu rõ giáo lý Công Giáo và thực thi giáo huấn này, anh hãy mang Kitô Giáo và các huấn giới của Kitô Giáo về truyền đạt cho Trung Quốc.
 Ông Chu nói với trọn tâm lòng nhiệt thành và lời ông đã gặp thửa đất tốt.
Năm 1899, ông Chu trở về Trung Quốc vào chính lúc bọn giặc Quyền Phỉ nổi dậy tiêu diệt Đạo Công Giáo. Ông Chu bị bắt rồi bị giết.
 Cái chết của vị tôn sư đáng kính đã gây một xáo trộn mạnh nơi tâm hồn ông Lục Chưng Tường. Cùng thời gian này ông Lục lập gia đình với một thanh nữ Công Giáo Bỉ tên Berthe Bovy.
 Thêm một tín hữu Công Giáo đi vào cuộc đời ông Lục. Nhưng còn phải chờ đợi hơn 12 năm sau ông Lục mới quyết định giã từ tin lành để gia nhập Giáo Hội Công Giáo, duy nhất, thánh thiện và tông truyền.
 Ngày 25-10-1911 - một thời gian ngắn sau khi được chỉ định làm Bộ Trưởng Trung Quốc tại Nga - ông Lục lãnh bí tích Rửa Tội.
 Nhờ đời sống đạo đức của hiền thê và nhờ ảnh hưởng tinh thần của ông Chu vẫn còn sâu đậm, ông Lục sống đời tín hữu Công Giáo thật đạo đức và đem hết khả năng phục vụ Trung Quốc nơi hải ngoại.
 Cái chết của vợ hiền vào năm 1927 khiến ông Lục nghĩ đến việc dâng hiến cuộc đời còn lại trong nếp sống đan tu. Một năm sau, ông gia nhập đan viện Biển Đức Saint-André ở Bruges thuộc vương quốc Bỉ, với tên dòng là thầy Pierre-Célestin.
 Năm 1935, thầy Lục thụ phong linh mục với số tuổi 64. Trong cuộc sống tu trì nơi hải ngoại Cha Pierre-Célestin Lục vẫn không ngừng làm việc để thăng tiến quê hương và phục vụ Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc. Năm 1946, Tòa Thánh có chương trình mở một đan viện Biển Đức tại Trung Quốc và chỉ định Cha trở về phụ trách đan viện đầu tiên này. Nhưng Cha Lục không thực hiện được nguyện ước. Ngày 15-1-1949, Cha trút hơi thở cuối cùng hưởng thọ 78 tuổi.
 Buổi chiều sau Thánh Lễ an táng Cha Pierre-Célestin Lục Chưng Tường, đại sứ Trung Quốc tại Bruxelles đã lập lại trên đài phát thanh Công Giáo Bỉ lời di chúc của Cha:
 - Con xin phó dâng xứ sở con trong bàn tay nhân lành vững chắc của Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Chúa chúng con.
 ... THIÊN CHÚA, Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa Tể trời đất, không ngự trong những đền do tay con người làm nên. Ngài cũng không cần được bàn tay con người phục vụ, như thể Ngài thiếu thốn cái gì, vì Ngài ban cho mọi loài sự sống, hơi thở và mọi sự. Từ một người duy nhất, THIÊN CHÚA đã tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên khắp mặt đất. THIÊN CHÚA đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ. Như vậy là để họ tìm kiếm THIÊN CHÚA, may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Ngài, tuy rằng thực sự Ngài không ở xa mỗi người chúng ta. Thật vậy, chính ở nơi Ngài mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu, như một số thi sĩ của quý vị đã nói: ”Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Ngài” (Sách Công Vụ Tông Đồ 17,24-28).
 (Gaston Zananiri, ”FIGURES MISSIONNAIRES MODERNES”, Casterman 1963, trang 225-235)
 Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét