ĐTC
chủ sự lễ nghi phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh trong Đền Thờ Thánh Phêro
VATICĂNG: Lúc 5 giờ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh hôm qua ĐTC đã chủ sự
các lễ nghi tưởng niệm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu với nghi thức
tôn thờ Thánh Giá Chúa.
Giảng trong buổi cử
hành phụng vụ, vị thuyết giảng của Toà Thánh, cha Raniero Cantalamessa
nêu bật hình ảnh của Chúa Giêsu bị đánh đòn, đầu đội mão gai, mình đầy máu và
thương tích, một người hoàn toàn bất lực, nguyên mẫu của tất cả mọi nạn nhân
của bất công trong lịch sử loài người. Chúa Giêsu hấp hối cho tới tận thế nơi
mọi người nam nữ bị tra tấn hành hạ và giết chết. Lời Chúa nói “Các ngươi đã
làm cho Ta” không chỉ ám chỉ nhũng người tin nơi Ngài, mà ám chỉ mọi người đói
khát, trần truồng, bị ngược đãi, bị nhốt tù. Ở đây chúng ta không nghĩ tới các
tệ nạn xã hội tập thể: dói khát, nghèo túng, bất công, khai thác bóc lột người
yêu đuối, có nguy cơ trở thành các phạm trù trừu tượng, chứ không phải
con người. Nhưng chúng ta nghĩ tới các nỗi khổ đau của những con người riêng
rẽ, có tên tuổi và căn cước, tới các tra tấn được quyết định một cách lạnh lùng
và cố ý áp dụng ngay trong lúc này đây cho các con người, kể cả các trẻ em. Có
biết bao nhiêu “Này là người” trên thế giới này. Có biết bao tù nhân phải ở
trong cùng các điều kiện của Chúa Giêsu trong sân dinh quan Philatô: cô đơn, bị
còng tay, bị tra tấn, nạn nhân trong tay của các tên lính cộc cằn thô lỗ, đầy
thù hận, buông mình theo mọi loại tàn ác thể lý và tâm lý, vui đùa khi thấy
người khác khổ đau. Tiếng kêu “Này là người” không chỉ được áp dụng cho các nạn
nhân, nhưng cho cả các lý hình nữa. Nó muốn nói rằng con người có khả năng làm
các điều đó. Với sự sợ hãi và run rẩy chúng ta cũng nói: đấy, loài người chúng
ta có khả năng làm các điều đó!
Các kitô hữu không
phải là các nạn nhân duy nhất của bào lực giết người trên thế giới này, nhưng
không thể không biết rằng trong nhiều quốc gia họ là các nạn nhân được chỉ định
và ngày càng thường xuyên hơn. Giám Mục Dionigi thành Alessandria đã làm chứng
lễ Vượt Qua kitô hữu cử hành dưới thời hoàng đế Decio bắt đạo như sau:
“Họ lưu đầy chúng tôi, và cô đơn giữa mọi người chúng tôi bị bắt bớ và giết
chết. Nhưng cả khi đó nữa chúng tôi cũng đã cử hành lễ Phục Sinh. Mỗi nơi chúng
tôi đau khổ trở thành một nơi để cử hành lễ; cho dù có là một cánh đồng, một sa
mạc, một con tầu, một quán trọ, một nhà tù. Các vị tử đạo toàn thiện cử hành
các lễ Phục Sinh, vì được nhận vào lễ hội thiên quốc”. Cũng sẽ như thế đối với
nhiều kitô hữu lễ Phục Sinh năm 2015 này!
Tiếp tục bài giảng cha
Cantalamessa nói: có người can đảm tố cáo sự thờ ơ gây lo ngại của các cơ cấu quốc
tế và của dư luận trước những điều này, bằng cách nhắc nhở rằng trong quá khứ
một sự thờ ơ như vậy đã đưa tới đâu. Các cơ cấu và con người của thế giới tây
phương có nguy cơ trở thành các Philatô rửa tay phủi bỏ trách nhiệm của mình.
Nhưng trong lúc này chúng ta không dược phép tố cáo. Bởi nếu không, chúng ta sẽ
phản bội mầu nhiệm chúng ta đang cử hành, Khi chết Chúa Giêsu đã kêu lên “Lậy
Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Thay vì tố cáo
các kẻ thù nghịch hay tha thứ cho họ, Chúa Giêsu tín thác cho Thiên Chúa Cha
việc báo oán và Ngài bênh vực họ. Gương Ngài đề nghị với các môn đệ là một lòng
quảng đại vô biên. Tha thứ với cùng sự cao cả của tâm hồn không chỉ bao gồm một
thái độ tiêu cực khước từ muốn sự dữ cho kẻ làm sự dữ, nhưng phải được diễn tả
ra bằng một ý muốn làm điều lành cho họ, cầu nguyện cho họ.
Chúa Giêsu đã chiến
thắng baọ lực không phải bằng cách chống lại với một bạo lực lớn hơn, nhưng
bằng cách chịu đựng nó và lột trần tất cả sự bất công và vô ích của nó… Vấn đề
bạo lực bao vây chúng ta, gây gương mù gương xấu cho chúng ta, vì ngày nay nó
sáng chế ra các hình thức tàn ác kinh hoàng và mọi rợ mới. Kitô hữu chúng ta
phản ứng kinh khiếp trước ý tưởng người ta có thể giết người nhân danh Thiên
Chúa. Nhưng tư tưởng của Thiên Chúa là “Chớ giết người”… Diễn văn trên núi đã
thay đổi thế giới là diễn văn được công bố giờ đây, một cách lặng lẽ, từ thập
giá. Trên núi Sọ Chúa Giêsu đã nói lên tiếng “Không” vĩnh viễn với bạo lực,
chống lại nó không chỉ đơn sơ với việc không bạo lực, nhưng còn hơn thế nhiều
với sự tha thứ, dịu hiền và tình yêu thương. Các vị tử đạo đích thật của Chúa
Kitô không chết với nắm đấm, nhưng với đôi tay chắp vào nhau.
Ôi lậy Chúa, chúng con
cầu xin Chúa cho các anh em đức tin của chúng con bị bách hại và cho tất cả các
“Này là người” trong lúc này đây trên mặt đất này, các kitô hữu và không kitô
hữu. Lậy Mẹ Maria, dưới thập giá Mẹ đã hiệp nhất với Con và thầm thì theo
Ngài: “Lậy Cha, xin tha cho họ”: xin giúp chúng con chiến thắng sự dữ
bằng sự thiện, không chỉ trên quang cảnh lớn của thế giới này, nhưng cả trong
cuộc sống thường ngày, trong bốn bức tường của gia đình chúng con nữa” (SD
3-4-2015)
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét