Nhiệt
thành của thập giá
Tuần Thánh bắt đầu với Chúa nhật Lễ Lá và Phụng vụ Lễ Lá lại tiến
hành với hai nhịp tương phản. Bắt đầu là cử hành việc Chúa Giêsu vào thành
Giêrusalem trong tư cách một vị vua, được dân chúng đón tiếp trọng thể, ngập
tràn tiếng reo vui. Rồi ngay sau đó trong Thánh Lễ, thay cho bài Tin Mừng lại
là bài tường thuật cuộc thương khó của Chúa, cuộc thương khó đầy máu và nước mắt.
Hội Thánh có ý gì khi liên kết hai sự kiện tương phản này? Tại sao không đợi đến
Thứ Sáu Tuần Thánh để công bố bài thương khó mà phải đọc ngay từ Chúa nhật Lễ
Lá? Đã hẳn có nhiều ý nghĩa phong phú hàm chứa ở đây cần được khai triển. Một
trong những nội dung đáng quan tâm là Hội Thánh muốn làm nổi bật đường lối cứu
thế của Chúa Giêsu và mời gọi con cái mình bước theo Thầy.
Khi kể lại việc Chúa Giêsu thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem, thánh
Gioan ghi nhận: “Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì
nhiệt thành lo việc Nhà Chúa mà tôi đây phải thiệt thân” (Ga 2,17). Một số Kitô
hữu đã liên kết từ “nhiệt thành” ở đây – cũng như việc Chúa Giêsu được đón rước
trọng thể vào thành Giêrusalem trong tư cách một vị vua – với phong trào chính
trị được gọi là “Nhiệt Thành-zelos” thời bấy giờ. Ngoài ra người ta còn kết nối
sự kiện này với lời các thượng tế tố cáo Chúa Giêsu trước tòa Philatô: “Ai xưng
mình là vua thì chống lại Cêsarê” (Ga 19,12). Tất cả để dẫn đến kết luận Chúa
Giêsu là nhà cách mạng chính trị.
Phong trào chính trị có tên gọi “Nhiệt Thành” được khơi nguồn từ
ông Mattathias, cha của anh em nhà Macabê. Vào thời đó, vua Antiôkô cưỡng bức
người Do Thái phải chối đạo và tế thần trên bàn thờ, nhưng ông Mattathias tuyên
bố: “Chúng tôi sẽ không tuân theo lệnh vua mà bỏ việc thờ phượng của chúng tôi
để xiêu bên phải, vẹo bên trái” (1 Mac 2,22). Và khi có một người Do Thái tiến
ra tế thần trên bàn thờ theo chỉ dụ của nhà vua, thì sách Macabê kể lại: “Ông
Mattathias bừng lửa nhiệt thành… ông nhào tới hạ sát hắn ngay tại bàn thờ. Ông
cũng giết luôn viên chức của vua có nhiệm vụ cưỡng bức người Do Thái tế thần, rồi
ông phá đổ bàn thờ”. Sau đó sách Macabê kết luận: “Ông bừng lửa nhiệt thành đối
với Lề Luật giống như ông Pinêát trong vụ Dimri, con của Xalu” (2,23-26). Kể từ
lúc đó, từ ngữ “nhiệt thành-zelos” trở thành khẩu hiệu diễn tả quyết tâm dùng sức
mạnh và bạo lực để bảo vệ đức tin, bảo vệ Lề Luật.
Vào thời Chúa Giêsu, không ít người Do Thái đi theo phong trào
này, chủ trương dùng bạo lực để xua đuổi đế quốc Rôma, giành lại chủ quyền và độc
lập của dân tộc. Dựa vào một số chi tiết trong các sách Tin Mừng, người ta cũng
nhìn Chúa Giêsu như một nhà cách mạng chủ trương dùng bạo lực để xây dựng một
vương quốc chính trị. Đồng thời, dọc dài lịch sử Giáo Hội, hình ảnh Chúa Giêsu
như một nhà cách mạng cũng được vận dụng để biện minh cho việc sử dụng bạo lực
nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
Thế nhưng đây có thực sự là ý hướng của Chúa Giêsu? Khi suy niệm
về việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem cách trọng thể, Đức Bênêđictô XVI trả lời:
“Không. Làm cách mạng bằng bạo lực, nhân danh Thiên Chúa để giết người, đó
không phải là đường lối của Chúa. Lòng nhiệt thành của Người đối với vương quốc
Thiên Chúa được thể hiện bằng cách thức hoàn toàn khác”.
Trong ngày Lễ Lá, hình ảnh Chúa Giêsu cỡi trên lưng lừa tiến vào
Giêrusalem làm dội lại lời tiên tri Zacaria: “Nào thiếu nữ Sion, hãy vui mừng
hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của
ngươi đang đến với ngươi. Người là Đấng chính trực, Đấng toàn thắng; khiêm tốn
ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (9,9). Vào thời tiên tri
Zacaria cũng như vào thời Chúa Giêsu, con ngựa mới là biểu tượng của sức mạnh,
còn lừa là phương tiện của người nghèo. Vì thế hình ảnh Vua Giêsu ngồi trên
lưng lừa diễn tả một vị vua hoàn toàn khác. Người là vua của hòa bình, vua của
người nghèo, vị vua đơn sơ và khiêm tốn.
Cũng lúc ấy, chúng ta khám phá lý do tại sao Phụng vụ Lễ Lá được
bắt đầu bằng việc tưởng niệm Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem trong vinh quang,
rồi được tiếp nối bằng việc công bố bài thương khó. Để thấy rõ hơn chân dung của
vị vua hòa bình. Để thấy rõ hơn ý nghĩa của “sự nhiệt thành”, không phải thứ
nhiệt thành của bạo lực nhằm xây dựng một vương quốc trần thế, nhưng là sự nhiệt
thành của Thập Giá, nhiệt thành của tình yêu tự hiến trọn vẹn.
Sự nhiệt thành ấy cũng chất vấn cách nhìn và cách sống của người
môn đệ Chúa Giêsu ở mọi thời đại và trong mọi hoàn cảnh. Có những lúc người môn
đệ Chúa cũng bị cám dỗ sử dụng bạo lực để gọi là phục vụ Nước Chúa. Nếu chưa phải
là những hành động bạo lực thì cũng là những lời nói và ứng xử bạo lực. Dù là
hành động hay lời nói thì gốc rễ vẫn là sự căm thù chất chứa trong tâm hồn, đôi
khi được ẩn giấu dưới lớp áo nhiệt thành, và sự căm thù ấy đã dẫn đến biết bao
hậu quả tai hại cho chính Hội Thánh của Chúa. “Chúng ta đã biết quá rõ những hậu
quả tàn ác của thứ bạo lực với động cơ tôn giáo. Bạo lực không xây dựng vương
quốc Thiên Chúa, vương quốc của nhân tính. Ngược lại, bạo lực là khí cụ ưa
thích của tên phản-Kitô, cho dù nó núp bóng tôn giáo. Nó không phục vụ nhân loại
mà phục vụ sự phi nhân” (Benedict XVI, Jesus of Nazareth , tome II, 15).
“Chúa Giêsu đã thiết lập tiêu chuẩn đánh giá lòng nhiệt thành
chân chính, đó là lòng nhiệt thành của tình yêu tự hiến, và sự nhiệt thành này
phải trở nên mục tiêu của đời sống Kitô hữu”. Suy tư này của Đức Bênêđictô XVI
đáng cho mỗi người Kitô hữu ghi nhớ để soi sáng lời nói và hành động của mình.
Nhất là trong Tuần Thánh, khi đi đàng Thánh Giá, khi ôn lại những chặng đường
trong cuộc khổ nạn của Chúa chúng ta.
Lễ Lá 2012
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét